Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống - Năm C
15.05.2016
"Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến
sẽ dạy anh em mọi điều."
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ (2,1-11).
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói : "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi-a, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Ca-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-gi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Kê-ta hay người A-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !"
THÁNH VỊNH 104
R/ Lạy Chúa, xin gửi Thánh Thần tới,
Và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Chúa lấy sinh khí lại, chúng tắt thở và trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tạị,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thỏa,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.
BÀI ĐỌC II
Trích thơ thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (8,8-17)
Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Ðức Kitô, thì không thuộc về Ðức Kitô. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới…
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an (14,15-16.23b-26).
Khi Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà vềvới Chúa Cha, Người nói với các môn đệ : « Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
LỄ CHÚA THÁNH THẦN : "THẦN KHÍ CỦA ÐẤNG PHỤC SINH"
Tại sao Chúa Giêsu chúc lành hai lần : "Bình an cho các con" (20,19.21) ? Cử chỉ Chúa Giêsu thổi hơi trên các tông đồ để trao ban "Thần Khí" gợi lên điều gì ? Các tông đồ đã nhận lãnh "Thần Khí" trong lần Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên vào buổi chiều ngày Phục Sinh. Tại sao trong lễ Ngũ Tuần các tông đồn còn phải nhận lại 'Thần Khí" ?
Tại nhà Tiệc Ly, vào chiều Phục Sinh, các tông đồ đang hội họp, Chúa Giêsu đã chúc hai lần : "Bình an cho các con" và giữa hai lần chúc lành, Ngài tỏ cho các tông đồ thấy dấu đinh nơi tay, vết đâm thâu nơi cạnh sườn. Lời cầu chúc trước và sau khi nhắc lại cuộc Tử Nạn xem ra rất phù hợp với một ý hướng đặc biệt của Chúa Giêsu. Việc lập lại lời chúc này cho thấy đây không phải là một lời chào hỏi xã giao thông thường. Nổi thương nhớ khổ đau biệt ly không thể biến thành một niềm vui thoáng qua làm chúng ta quên mất cuộc Tử Nạn. Nổi khổ đau ấy phải trở nên niềm vui miên trường, hằng hữu, được chín mùi trong đau khổ. Ðó là niềm vui chan hòa không một ai có thể chiếm mất được (16,20-22). Niềm vui này là niềm vui của mùa gặt, thành quả của sức cần lao khổ cực của cuộc Tử Nạn (4,58;17,13).
Tại sao "Thần Khí" đã được trao ban cho các môn đệ ngay từ ngày Chúa Phục Sinh, trong lúc đó Giáo Hội sơ khai cho rằng "Thần Khí" được tuôn tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cvsđ. 2,1-4). Tin Mừng Gioan đề cập đến việc trao ban "Thần Khí" lần thứ nhất; còn Tin Mừng Luca nói đến việc trao ban "Thần Khí" lần thứ nhì. Như thế, có thể quả quyết mỗi tác giả đều mô tả cùng một biến cố : Chỉ có một "Thần Khí" của Ðấng Phục Sinh và Thăng Thiên trao ban cho các môn đệ. Nhưng hai tác giả Tin Mừng đã diển tả hai cách khác tùy theo khuynh hướng thần học của mỗi người.
Quyền cầm và tha tội trao ban ở đây cho các tông đồ và những người kế vị trong Giáo Hội được diễn tả rõ ràng qua chính những lời của Chúa Giêsu mà truyền thống Kitô giáo luôn trung thành công nhận như lời thiết lập Bí tích Giải tội (Giao Hòa). Ðó là điều được Công đồng Triđentinô định tín (DS. 1670, 1703) nhằm chống lại phái Luthêrô, vì những người này chỉ đó là quyền rao giảng sự tha tội cho các tín hữu hối cải ăn năn.
Cũng như đã được Chúa Cha sai, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian để tiếp tục công việc của Ngài. Từ đây, các môn đệ tự giới thiệu với thế gian nhân danh Ðức Kitô Phục Sinh và trong quyền năng của "Thần Khí".
"Các môn đệ mừng rỡ". Nỗi vui mừng do sự kiện nhìn thấy Chúa sau khí quá chán nán thất vọng. Chúa Giêsu hiện ra sống động, niềm hy vọng được đảm bảo và củng cố vì Thánh Thần của Chúa Giêsu ban là "Thần Khí" chan hòa niềm vui an bình. Thời gian của Giáo Hội là thời gian Thánh Thần hiện diện trong thế giới. Chúng ta có vui mừng hy vọng khi xác tín rằng Chúa Thánh Thần làm cho Ðức Giêsu hiện diện trong đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta không ?
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt,1975)