CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM TRỒNG TẠI GIÁO XỨ PARIS
VĂN HƯƠNG TRẦN VĂN CẢNH
CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM
TRỒNG TẠI GIÁO XỨ PARIS
MỤC LỤC TÓM TẮT
I. GỐC RỄ VÀ TẦM VÓC CÂY VĂN HÓA
VIỆT NAM TẠI GIÁO XỨ PARIS
11. Văn hóa là gì ?
111. Là những nghệ thuật cao
112. Là những sinh hoạt bình nhật của con người
12. Gốc rễ cây văn hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris
121. Rễ cái Âu Lạc
1211. Mạch huynh đệ
1212. Mạch đức
1213. Mạch trí
122. Rễ cái Bách Việt
1221. Chất việt tính
1222. Chất việt ngữ
1223. Chất việt lý
123. Rễ cả tam giáo
1231. Rễ Ấn Phật
1232. Rễ Lão Trang
1233. Rễ Khổng Mạnh
124. Rễ cả văn minh Âu Mỹ Công Giáo
1241. Chất sống Nhân bản
1242. Chất sống Thuần lý
1243. Chất sống Thượng Ðế
1244. Chất sống Công Giáo
13. Thân hình và tầm vóc cây văn hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris
131.Có lịch sử non trẻ mà kỳ cựu
1311. Lịch sử non trẻ diễn ra
1312. Lịch sử kỳ cựu nhắc lại
132. Có sức sống tươi mát
1321. Nguyên tắc quản trị căn bản Phúc Âm
1322. Nguyên tắc quản trị căn bản ISO 9000
1323. Một thí dụ làm việc : đại hội mục vụ hàng n#m
133. Có tổ chức trong sáng và hữu hiệu.
1331. Giấc mơ có một tổ chức
1332. Tiến trình đi đến tổ chức
1333. Những hoạt động đã được thiết lập từ 1980
1334. Sơ đồ tổ chức
134. Có nhiều liên hệ sâu đậm
1341. Với Tổng Giáo Phận Paris.
1342. Với các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại.
1343. Với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
II. CÀNH LÁ CỦA CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM
TẠI GIÁO XỨ PARIS
21. Cành xã hội.
211. Nhánh gặp gỡ cơ bản hàng tuần.
212. Nhánh lễ hội chung.
2121. Quán ăn chủ nhật
2122. Tết nguyên đán
2123. Ngày thân hữu.
2124. Tết trung thu
2125. Giáng sinh và triển lãm hang đá.
2126. Lễ lá cho vùng Paris.
2127. Lễ các thánh tử đạo vùng Paris.
2128. Các đại hội.
21281. Các đại hội Công Giáo Việt Nnam ở Pháp.
21282. Ðại hội Công Giáo Việt Nnam Âu châu.
21283. Ðại hội Công Giáo Việt Nnam thế giới.
21284. Ðại hội giới trẻ thế giới.
2129. Hành hương.
213. Nhánh lễ giỗ tư
2131. Các lễ liên hệ đến sinh đẻ.
2132. Lễ cưới hỏi.
2133. Tang chế.
214. Nhánh liên đới
2141. Y tưởng nền tảng
2142. Ðại hội liên đới nghề nghiệp
22. Cành văn nghệ văn học.
221. Văn nghệ.
222. Báo chí.
2221. Báo Giáo Xứ
2222. Các Nội San, Bản tin trong cộng đoàn
223. Mạng lưới tin học
224. Thảo luận
225. Xuất bản ấn loát.
2251. Giai đoạn ‘Tủ sách Giáo Xứ ‘
2252. Giai đoạn ‘Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII’
2253. Giai đoạn ‘Tân lich sử Giáo Hội’
226. Thư viện.
2261. Khai trương thư viện Giáo Xứ.
2262. Dự án hoàn chỉnh thư viện.
23. Cành giáo dục
231. Giáo dục khởi đầu căn bản cho Ấu Thiếu nhi
2311. Tiến trình tổ chức giáo dục khởi đầu c#n bản cho Ấu Thiếu nhi
2312. Thiếu Nhi Thánh Thể, một phương pháp giáo dục khởi đầu căn bản cho Ấu Thiếu nhi
2313. Khoá trình tiếng Việt
2314. Khoá trình giáo lý
232. Giáo dục khởi đầu căn bản cho Kha Tráng niên
2321. Khoá trình Sĩ và Chuẩn bị huynh trưởng
2322. Khoá trình Sa mạc huấn luyện trưởng
2323. Khoá trình Trại hè tiếng Việt
233. Giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho thanh niên
2331. Khoá trình tổng quát Trẻ
2332. Khoá trình Ca nhạc
2333. Khoá trình Cầu nguyện và sống đạo
2334. Khoá trình Chuẩn bị hôn nhân
2335. Khoá trình Chuẩn bị ơn gọi tận hiến
234. Giáo dục liên tục
2341. Vai trò quan trọng
2342. Khoá trình giáo dục liên tục tiếng Pháp
2343. Khoá trình giáo dục liên tục huấn luyện cán bộ mục vụ
2344. Khoá trình giáo dục liên tục về hôn nhân và gia đình
Một người bạn đến từ Mỹ, nhờ tôi dẫn đi tham quan Paris. Tôi dẫn đi thăm tháp Effel, đi coi nhạc kịch Opéra, đi xem điện Versailles, đi coi bảo tàng Orsay, Louvre, Guimet, đi dạo đại lộ Elysées, đi tầu trên sông Seine, đi dự một hội làng tại Montmartre, đi dùng cơm tại một gia đình bạn pháp. Sau cùng, anh ta hỏi tôi :
- Paris chỉ có thế thôi à ?
Tôi trả lời :
- Còn nữa, chiều nay tại Giáo Xứ có buổi nói truyện về văn hào Trương Vĩnh Ký, có kèm thêm hát tân nhạc và ca vọng cổ.
Anh ta ngắt lời tôi :
- Sao mà phong phú thế ! Anh cho tôi đi với được không ?
Tôi trả lời :
- Dĩ nhiên là được.
Và chiều hôm đó, tôi dẫn anh bạn tôi đến Giáo Xứ Việt Nam Paris, dự buổi thảo luận văn chương và trình diễn văn nghệ. Anh ta rất bằng lòng. Cả tối và đêm hôm đó chúng tôi nói truyện về ‘CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM TRỒNG TẠI GIÁO XỨ PARIS ‘.
Câu truyện của chúng tôi xoay quanh hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất bao gồm ý nghĩa, tầm vóc của cây văn hóa, với gốc rễ Âu lạc, Bách Việt, Tam Giáo và Văn Minh Âu Mỹ Công Giáo của nó, với thân cây Công Giáo của nó. Khía cạnh thứ hai phác vẽ ba cành lá rậm rạp của cây văn hoá Việt Nam tại Giáo Xứ Paris. Ðó là cành xã hội, cành văn học văn nghệ và cành giáo dục.
I. GỐC RỄ VÀ TẦM VÓC CÂY VĂN HÓA
VIỆT NAM TẠI GIÁO XỨ PARIS
11. Văn hóa là gì ?
111. Là những nghệ thuật cao
Chữ ‘văn hóa’ tiếng việt mà ta dịch từ chữ ‘culture’ của pháp, từ rất xưa và từ rất lâu, vẫn được dùng để biểu thị một thực tại xã hội cao, dành cho giới khoa bảng trí thức, giới nghệ sĩ chính chuyên, giới quan chức quí tộc.
Chữ văn hoá bao gồm những hoạt động và những tác phẩm của những người học cao, tài lớn, tiền nhiều, chức cả. Theo quan niệm này, nói đến văn hóa Hy lạp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Hy lạp thời Platon, Aristote ; Nói đến văn hóa La mã, người ta lộn ngay với văn hoá La mã thời Auguste ; Nói đến văn hóa Anh quốc người ta nghĩ ngay đến văn hóa thời nữ hoàng Elizabeth, nói đến văn hóa Pháp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Pháp thế kỷ Ánh Sáng. Giản tiện hơn, trên phương diện địa lý, văn hóa Anh thường được đồng hóa với văn hóa Luân đôn, văn hóa Pháp với văn hóa Paris, văn hóa Việt Nam với sinh hoạt ở Hà Nội.
Cách hiểu này về chữ ‘văn hóa’ quá hạn hẹp. Nó chỉ bao gồm có văn học nghệ thuật, với những tác giả nổi tiếng, với những nghệ sĩ tài cao. Nó lẫn một phần với toàn thể. Nó lẫn Paris với Pháp. Nó lẫn Hà Nội với Việt Nam. Ba khoa học mới, dần dà xuất hiện. Nhân loại học (Anthropologie), nhân chủng học (Ethnologie) và xã hội học (Sociologie) đã dọi ánh sáng vào những khía cạnh mới của ‘văn hóa’.
112. Là những sinh hoạt bình nhật của con người
Giá trị nhận thức của những sự kiện bình nhật, bình dân, thông thường, tự nhiên, vô nghĩa... đã được tỏ rõ. Bây giờ người ta ý thức rằng cách ăn uống, ngủ nghỉ của người dân quê Pháp ở thế kỷ XVII cũng dậy cho chúng ta hiểu về văn hóa Pháp không kém gì cuốn ‘Phương pháp luận’ của Descartes…
Một quan niệm mới dần dà đã được thành hình, khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX. Nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng đã góp công vào việc nới rộng ý nghĩa của chữ ‘văn hóa’ này : E. DURKHEIM, K. MARX, C. LEVI-STRAUSS, M. MAUSS, B. MALINOWSKI, M. WEBER, P. BOURDIEU, J.C. PASSERON,...
Một nghĩa thứ hai của chữ ‘văn hóa’ đã được thành hình, khai triển, nghiên cứu và chấp nhận. Nó rộng hơn nghĩa thứ nhất. Nó bao gồm tất cả những khía cạnh ‘văn’ vẻ đã góp phần giáo ‘hóa’ con người, từ cách ăn uống, may mặc, cư trú, hành nghề, ngủ nghỉ, giao thiệp, tín ngưỡng, suy tư, ăn nói, viết lách, cười tươi, khóc thảm. Văn hóa là toàn thể những phong thái, gặp gỡ, hội họp, xã hội, liên đới... Nó bao gồm tất cả những xử sự, kiến thức, biểu lộ của con người, bình dân cũng như bác học, từ báo chí, sách vở, đến thảo luận, xuất bản, thư liệu, kiến trúc, nhạc kịch, hát ca... Tất cả những gì mà con người, dưới khía cạnh là một sinh vật xã hội, biểu lộ và sản xuất ra, cũng như tất cả những gì mà nó học được từ các thế hệ trước, cũng như những gì mà nó truyền lại cho các thế hệ sau đều là văn hóa cả. Chữ ‘văn hóa’, như vậy, hàm chứa tất cả những hành động và nghiên cứu, không chỉ giới hạn vào văn học và văn nghệ, mà còn nới rộng cả vào những lãnh vực giáo dục, xã hội, tôn giáo... nữa.
Hiểu theo nghĩa rộng thứ hai này, câu truyện giữa anh bạn tôi và tôi xoay quanh ‘Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris’.
Dĩ nhiên khía cạnh Công Giáo là căn bản vì nó xừng xững đó, hiển nhiên đó. Nó là thân cây. Nhưng bên chữ Công Giáo có chữ Việt Nam. Bới sâu chữ Việt Nam, trong cụm từ ‘Việt Nam Công Giáo’, người ta tìm ra những gốc rễ sâu xa như Âu Lạc, Bách Việt, Tam giáo, Văn Minh Âu Mỹ Công giáo.
12. Gốc rễ cây văn hóa Việt Nam Tại Giáo Xứ Paris
Cây văn hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris có gốc rễ sâu xa, rộng lớn và vững chắc. Ðó là điều không ai có thể chối cãi được. Gốc của nó sâu đến tận rễ cái Âu Lạc, rễ cái Bách Việt, xuyên qua rễ cả Tam Giáo và rễ cả Văn Minh Âu Mỹ Công giáo.
121. Rễ cái Âu Lạc
Rễ Âu Lạc mang lại ba mạch sống cho cây văn hóa này.
1211. Ðó là mạch huynh đệ, tương thân tương trợ, khiến tất cả những ai đến với Giáo Xứ, giáo cũng như lương, đều tìm được một sự giúp đỡ đồng hương, đồng bào.
1212. Mạch ‘Ðức giả lạc sơn’ : người đức độ thì ưa thích (và vững chắc như) núi, noi theo tính chung thủy, đức độ của mẹ chung là Âu Cơ, dòng dõi thần tiên, đã dẫn 50 con lên núi, khiến sự tiếp đãi ở Giáo Xứ luôn luôn được trên kính dưới nhường.
1213. Mạch ‘Trí giả lạc thủy’ : người mưu lược thì ưa thích (và biến báo như) nước, thừa hưởng được tính thông minh, biến báo của cha chung là Lạc Long Quân, dòng dõi rồng, đã đưa 50 con xuống biển Nam Hải, khiến sự tiếp xúc được hòa thuận với từng người và hòa hợp với môi trường chung quanh.
122. Rễ cái Bách Việt
Rễ Bách Việt chuyên chở ba chất không thể thiếu để thiết lập và nuôi dưỡng một nền v#n hóa Việt Nam.
1221. Chất "Việt tính" tạo ra tính chất độc đáo của mỗi người Việt Nam và của quốc gia Việt Nam, mà đặc biệt là tính tự lực tự cường.
1222. Chất "Việt ngữ’, biểu diễn, gói ghém và chuyên chở những thói tục, những văn minh, những tổ chức, những kinh nghiệm từ người này cho người kia, từ nơi này sang nơi nọ, từ thời này sang thời kia. Ngôn ngữ ấy chuyên chở bốn ngàn năm văn hiến Bách Việt. Nó ghi nhận, bảo tồn và chuyển trao cho các thế hệ mai sau cái văn hóa Việt Nam chẳng những bằng lời nói mà cả bằng những ký hiệu chữ viết nữa, chẳng những trong các áng văn bình dân mà cả trong văn chương bác học nữa. Ba loại chữ viết đã xuất hiện để chuyên chở cái văn hóa Bách Việt này : chữ hán, chữ nôm và chữ quốc ngữ. Ngôn ngữ dính liền với văn tự. Văn tự và ngôn ngữ dính liền với văn hóa. Không thể có văn hóa riêng biệt nếu không có văn tự và ngôn ngữ riêng biệt. Không lạ gì khi đến Giáo Xứ, người Việt Nam nào cũng nói tiếng việt, đàm đạo bằng tiếng việt. Không lạ gì khi thấy ở Giáo Xứ một thư viện tiếng việt càng ngày càng phong phú. Không lạ gì khi thấy ở Giáo Xứ phát hành những tờ báo thông tin, nghị luận bằng tiếng việt, thiết kế, sản xuất, ấn loát nhiều sách vở nghiên cứu có giá trị.
1223. Chất ‘Việt lý’ bao gồm những cách quản lý, cách cai trị, cách tổ chức đã vậy mà còn chứa đựng những hành động, những định chế và những tổ chức. Việt lý là cách suy lý để hành động, hành động để bảo trì, phát triển và truyền thụ cái văn hóa Bách Việt cho các thế hệ con em mai sau. Suy lý và hành động làm sao để duy trì tiếng việt và làm cho nó trong sáng, làm sao để tình việt không bị lơ là, lu mò, mà càng ngày càng thân thiết, đặm đà ; làm sao để tộc việt được bảo tồn và nối dõi.
123. Rễ cả tam giáo
Thêm vào hai cái rễ cái Âu Lạc và Bách Việt, một cái rễ cả có ba nhánh đã mang lại những sinh tố đại bổ, mà cây văn hóa Việt Nam bất kỳ trồng ở chỗ nào cũng cần đến, đó là rễ cả Tam giáo, với ba rễ nhánh Ấn Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh.
1231. Rễ nhánh Ấn Phật với cái nhìn hư vô về thế giới ; với tứ diệu đế : khổ, dục, diệt, đạo, đã đưa cho người việt nam cách cư xử siêu thoát với thế tục, xả kỷ với mình, để từ bi với chúng sinh.
1232. Rễ nhánh Lão Trang trình bầy cái gốc Ðạo là nguyên ủy của sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Ðạo mà sinh ra. Vậy, sửa mình và trị nước cần phải noi theo Ðạo, phải điềm tĩnh, phải vô vi, phải tự nhiên, không dùng trí lực. Tính hiếu hòa, tính an nhiên của người Việt Nam phải chăng bắt nguồn từ Ðạo giáo ? Ngoài cái học thuyết cao siêu về Ðạo, về vô vi ấy nơi những bậc hiền triết, Ðạo giáo còn được phổ biến nơi kẻ bình dân với những cái dị đoan mê tín, những thuật tướng số, phù thủy, đi tìm sự tu luyện để được cái trường sinh bất tử.
1233. Còn như cái rễ nhánh thứ ba là rễ Khổng Mạnh, thì cả nền luân lý xã hội của ta đều lấy sức từ đấy và qua đấy. Trong cách sống của người Công Giáo Việt Nam, tam cương : quân thần, phụ tử, phu thê vẫn được tôn kính ; ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, vẫn được dùng làm nguyên tắc cư xử. Chữ tam tòng không còn hợp thời lắm, nhưng chữ tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh, vẫn được nhiều phụ nữ vun trồng. Ba cái cương lãnh : minh đức, tân dân, chỉ chí thiện, vẫn luôn làm người Công Giáo lưu ý và tuân giữ. Còn như bát điền mục : cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì ai nấy vẫn cố gắng áp dụng trong các sinh hoạt và hoàn cảnh cá biệt của mình. Nhiều người đến Giáo Xứ nhận định rằng luân lý Khổng Mạnh rất rõ rệt nơi giáo hữu Việt Nam Paris.
124. Rễ văn minh Âu Mỹ Công giáo
Từ thế kỷ XV, một cái rễ cả mới được mọc ra từ cây Văn Hóa Việt Nam, đưa lại cho nó một sinh lực mới, nhờ bốn chất sống là nhân bản, thuần lý, Thượng Ðế và Công Giáo. Tích cực hay tiêu cực, cái văn minh Âu Mỹ Công Giáo đã và đang ảnh hưởng mạnh vào văn hoá Việt Nam hiện đại. Cả vạn vạn người Việt Nam đã bị tử hình chỉ vì là Công Giáo trong bốn thế kỳ, từ XVI đến XIX, trong đó 117 người đã được Giáo Hội Công Giáo phong hiển thánh ngày 19-06-1988 cho thấy ảnh hưởng sâu xa của văn minh Công giáo. Tổ chức chính trị Cộng Sản là cái quái thai của văn minh Âu Mỹ vẫn đang đè nặng trên cách sống của người Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của văn minh Âu Mỹ.
1241. Chất sống nhân bản với tiêu chuẩn rằng con người và bản tính của con người có một giá trị tuyệt đối. Tất cả phải do và vì con người. Chất sống này thổi vào ba luồng gió mới là tự do, bình đẳng và công lý. Ba luồng gió này đã một thời xáo trộn xã hội cương thường, cấp bậc và quan liêu xưa của Việt Nam.
1242. Chất sống thuần lý với nguyên lý rằng ‘chỉ có ánh sáng tự nhiên của lý trí mới có khả năng đưa con người tiến bộ về hiểu biết, về khôn ngoan’, Lý trí, do đó, trở thành một đức tin mới. Thực nghiệm và canh tân là phương pháp và mục tiêu quan trọng. Khế ước xã hội, luật pháp là những phương tiện tổ chức của một xã hội tân tiến. Khoa học, kỹ thuật, kiến thức bách khoa là những khả năng mà ai cũng phải trau dồi. Những người Công Giáo Việt N am ban đầu, dẫu là công giáo, đã được nuôi dưỡng nhiều bằng hai chất sống nhân bản và thuần lý này. Những Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của ngày nay vẫn còn tìm thấy trong Giáo Xứ Việt Nam.
1243. Chất sống Thượng Ðế với niềm tin có một Thượng Ðế duy nhất, tạo dựng đất trời vạn vật, đã giúp cho luân lý Tam giáo, đặc biệt là Khổng giáo có một cơ sở siêu hình học vững chắc. Thượng Ðế ấy là Cha nhân từ và toàn năng đã dựng nên trời đất muôn loài, trong đó có con người. Lạm dụng tự do, con người đã chống lại Thượng Ðế và đã đi vào đường lầm lạc tội lỗi. Ðể cứu chuộc nhân loại, Thượng đế ấy đã giáng sinh nhập thể, đã chịu nạn khổ hình, chết trên thập giá, và đã phục sinh, rồi lên trời. Ngài sẽ trở lại vào ngày tận thế để phán xét kẻ dữ người lành. Thượng Ðế ấy, từ muôn đời và cho đến muôn đời, vẫn sống với nhân loại bằng sự hướng dẫn soi sáng của Thánh linh. Qua sự giáng sinh nhập thể, Thiên Chúa đã lập Giáo Hội, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, vững bền. Qua Ngôi Hai nhập thể, ngôi Ba Thánh Linh và Giáo Hội, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết rằng nó được tạo thành với một thân xác có thể hư nát và một linh hồn bất tử. Thân xác này sẽ sống lại. Con người tội lỗi sẽ được tha thứ, nếu nó biết ăn năn hối cải.
1244. Chất sống Công Giáo làm cho niềm tin Thượng Ðế được thực hiện một cách sống động, thực tiễn và hàng ngày, qua bốn sinh hoạt căn bản là giáo lý, phụng vụ, bí tích và mục vụ. Giáo lý là trau dồi đức tin bằng việc học hiểu thần học, đặc biệt là về tín lý, tức là những điều phải tin và về luân lý, tức là những việc phải làm. Phụng vụ là biểu lộ đức tin qua việc cử hành các lễ nghi hàng ngày, như việc đọc kinh sáng tối; hàng tuần, như việc dự lễ chúa nhật; hàng tháng, như việc chầu thánh thể, giờ thánh đầu tháng; hàng năm, như việc xưng tội rước lễ tối thiểu, việc cử hành các lễ nghi năm phụng vụ, bắt đàu từ mùa vọng, giáng sinh, qua đến mùa chay, phục sinh,… Bí tích là sự thực hiện đức tin công giáo bằng việc lãnh nhận cho chính mình và cử hành, tham dự với cộng đoàn các bí tich, từ rửa tội, giải tội, rước lễ, thêm sức, đến hôn phối, truyền chức thánh, xức dầu thánh. Mục vụ là tuyên xưng đức tin bằng những việc làm tông đồ sống động, từ những việc thông thường, như tham dự vào các hoạt động công giáo tiến hành, đến bhững việc khác thường, như hộ giáo, thuyết giáo, hoặc phi thường, như tuẫn giáo, tử đạo. Hơn 130 000 người công giáo Việt Nam đã được ơn thực hiện cái hành động phi thường tử đạo dưới triều Lê, Trịnh Nguyễn (1580-1747), triều Tây Sơn (1777-1802), triều nhà Nguyễn (1802-1867) và thời V#n Thân (1862-1885) .
Nếu về phương diện luân lý, nhiều điều đã thấy ở trong tam giáo, thì về phương diện xã hội, giáo dục và văn học, cả là một cách mạng lớn. Thiên Chúa giáo và đặc biệt là Công Giáo đã góp vào văn hóa Việt Nam ba nét độc đáo. Nét độc đáo thứ nhất là sự tổ chức : có văn bản, có đoàn nhóm để sống đức tin và làm việc tông đồ mục vụ. Nét độc đáo thứ hai có tính cách giáo dục : sự ôn tập giáo lý, suy gẫm lời Chúa, cầu nguyện với thánh kinh, học hỏi thần học, sống đạo với bí tích, hành đạo với phụng vụ. Nét độc đáo thứ ba, căn bản và quan trọng hơn cả. Dó là việc mà Công giáo đã tìm ra cho văn hoá Việt Nam một dụng cụ mới là chữ quốc ngữ, nhờ đó, văn hoá Việt Nam mở ra với văn hoá Âu Mỹ và văn minh toàn cầu. ‘Ba nền văn học lần lưột đã xuất hiện tại Việt Nam : Văn học chữ hán, từ thế kỷ X đến XX, văn học chữ nôm, từ thế kỷ XIII đến XX, và văn học chữ quốc ngữ, từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay, thành độc tôn. Văn học chữ quốc ngữ đã được văn hoá Công Giáo giúp sức nhiều hơn cả. Chữ quốc ngữ đã được các linh mục Âu châu sáng chế ra với sự cộng tác tích cực của các giáo hữu Việt Nam. Ba người được biết đến nhiều hơn cả, trong những bước đầu của văn học quốc ngữ, là cố Alexandre de RHODES (1591-1660), ông Pétrus TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1887) và ông Paulus HUỲNH TịNH CỦA (1834-1907).
Xem như vậy thì quả thật gốc rễ của cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Việt Nam rất là sâu xa, rộng lớn và vững chắc. Với hai rễ cái là Âu Lạc và Bách Việt, cây văn hóa có gốc là việt tộc và việt tính. Với cái rễ cả tam giáo, cây văn hóa này đâm sâu vào văn minh Á châu, hút lấy những nhựa sống của một cách sống xả kỷ, an nhiên và của một thuật xử thế đức trị. Với cái rễ văn minh Âu Mỹ Công Giáo, cây văn hóa Việt Nam lan rộng ra khắp hoàn vũ, hút lấy những chất sống nhân bản, hữu lý, hữu thần và đạo giáo.
13. Thân hình Và vóc dáng cây văn hóa Việt Nam Tại Giáo Xứ Paris
Gốc rễ cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris chi chít những rễ nhánh, mọc ra từ hai rễ cái và hai rễ cả. Vị chi có bốn rễ chính là Âu Lạc, Bách Việt, Tam Giáo, Văn Minh Âu Mỹ Công giáo. Thân cây của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris chỉ có một. Ðó là thân cây Công Giáo Việt Nam. Vấn đề là coi xem vóc dáng, mầu sắc của nó thế nào. Nhìn dưới khía cạnh văn hóa, Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris có một vóc dáng có thể được lượng định với bốn nét chính sau đây : Nó có một lịch sử, có một sức sống, có một tổ chức và có một tương quan.
131. Có lịch sử non trẻ mà kỳ cựu
Lich sử của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris vừa rất trẻ vừa kỳ cựu. Rất trẻ vì cộng đoàn Việt Nam Công Giáo Paris mới được thiết lập chưa tròn một thế kỷ trên lịch sử 4000 năm văn hiến của Việt nam, kỳ cựu vì cộng đoàn Việt Nam Công Giáo Paris là cộng đoàn Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại, khởi đầu từ những năm 40. Ngày nay trên khắp năm châu lục địa đều có các cộng đoàn công giáo việt nam : Mỹ châu, Á châu, Âu châu, Úc châu, Phi châu. Nhưng tất cả những cộng đoàn này chỉ bắt đầu từ năm 1975, chưa qua ba chục năm nay. Giáo Xứ Việt Nam Paris được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các giáo sĩ du học và anh chị em giáo dân, lính thợ hoặc du học sinh.
1311. Lịch sử non trẻ diễn ra
Trong tập Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ 1947-1997, Ðức ông giám đốc Mai đức Vinh đã tóm lược lịch sử Giáo xứ vắn gọn rằng : (trang 6 và 37)
Giáo Xứ chúng ta được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các Giáo Sĩ du học vá anh chị em giáo dân sinh sống tại Pháp vào thập niên 40, sau đệ nhị thế chiến, trong bầu không khí tranh đấu độc lập cho Quê Hương. Ðại Hội Toulouse 1946 là một Ðại Hội lịch sử của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp dưới nhiều khía cạnh. Nhờ ơn Chúa Thánh Thấn, thành quả của Ðại Hội Toulouse là ‘Bản Ðiều Lệ và sinh hoạt Liên Ðoàn’, đã được Giáo Quyền Pháp công nhận năm 1947. Chúng ta chọn 1947 như năm chính thức chào đời của Giáo Xứ chúng ta.
Từ cái nhân của Ðại Hội Toulouse 1946, ngày nay đã có hơn 60 Cộng Ðoàn Người Việt hiện diện trên 94 giáo phận của Giáo Hội Pháp. Và Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris luôn xứng đáng là Cộng Ðoàn ‘Chị cả’ của các Cộng Ðoàn Việt Nam khác tại Pháp. Hơn thế, Giáo Xứ Việt Nam Vùng Paris còn là Cộng Ðoàn thâm niên nhất trong các Cộng Ðoàn Công Giáo ngày nay trên thế giới. Ðó là điều không thể phủ nhận.
Nếu căn cứ vào hai mốc thời gian, hai văn kiện quan trọng của Giáo Hội về Di Dân : Tông huấn ‘Gia đình xa cách’ (Exsul Familia, 1952) và Tự sắc ‘Mục Vụ Di Dân’ (Pastoralis Migratorum Cura, 1969), thì chúng ta có thể nói, lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris trải dài trên lịch sử ở Mục vụ di dân" của Giáo Hội hoàn vũ.
Dựa trên những yếu tố trên đây, chúng ta có thể chia lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris làm ba thời kỳ : Thời kỳ ‘Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1947-1952); Thời kỳ ‘Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp’ (1952-1977) và Thời kỳ ‘Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris’ (1977-1997)
. Thời kỳ ‘Liên Ðoàn’ (1946-1952) : là giai đoạn hoàn toàn tự lập, chưa được giáo quyền địa phương hay tại quê nhà chính thức nhìn nhận hoặc yểm trợ.
. Thời kỳ ‘Truyền Giáo’ (1952-1977) : là giai đoạn được giáo quyền Pháp và Việt Nam khuyến khích và nhìn nhận theo tinh thần của tông huấn ‘Exsul Familia’ và bổ nhiệm linh mục ‘Giám Ðốc các Thừa Sai’ hay ‘Giám Ðốc Sở Thừa Sai Việt Nam’ (Direnteur des Missionnaires ou de la Mission) và chỉ có một ‘Sở Truyền Giáo’ (Mission) trung ương tại Paris bao trùm cả nước Pháp. Chưa có qui chế rõ rệt cho các linh mục làm mục vụ, Tổng giáo phận Paris chưa trực tiếp giúp đỡ về tài chánh.
. Thời kỳ ‘Giáo Xứ’ (1977-1997) : Mặc dầu tự sắc ‘Pastoralis Migratorum Cura’ đã được ban hành từ 1969, nhưng mãi đến biến cố 1975 ở Việt Nam và với làn sóng người Việt tị nạn qua Pháp, Giáo Hội Pháp mới nghĩ đến việc áp dụng tinh thần tự sắc vào việc tổ chức lại cơ cấu và sinh hoạt mục vụ cho cộng đồng người Việt tại Pháp. Việc áp dụng này chỉ thành hình cụ thể vào năm 1977, và thực sự vào năm 1986. Bởi vì mặc dầu từ 1952, Sở Truyền Giáo Việt Nam ở Paris ‘xét về nhiều mặt đã được đồng hóa như một xứ đạo, nhưng cho đến thư bổ nhiệm Cha Trương Ðình Hòe vẫn còn gọi ngài là ‘Missionnaire’, mãi từ 1986, trong các thư bổ nhiệm Cha Mai Ðức Vinh mới rõ rệt dùng chữ ‘curé de la paroisse Vietnamienne‘, cũng từ đây trong Ordo hằng năm của Paris mới đề chữ ‘curé’.
1312. Lịch sử kỳ cựu nhắc lại
Ðể tóm tắt năm chục năm lịch sử, để nhìn lại cái lịch sử xẩy ra, vắn gọn trong ba thời kỳ này và để mừng lễ kim khánh của Giáo Xứ, ngày 4.5.1997 một buổi thuyết trình đã được tổ chức mà một người tham dự đã ghi lại như sau (GXVN 136/ 01.07.97/7-11) :
Nằm trong chương trình mừng Kim Khánh, Chủ nhật 4.5.1997, từ 13g30 đến 15g30, tại Giáo Xứ có tổ chức buổi thuyết trình về GIÁO XỨ HÔM QUA V? HÔM NAY. Người đến nghe đông chật hội trường. Diễn giả là Bs. Nguyễn Văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ và Gs Trần Văn Cảnh. Ba vị đã từng gắn bó và đóng góp tích cực cho Giáo Xứ.
GIÁO XỨ HÔM QUA.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đúng là người ‘nói hay và làm hay’, khiêm tốn mở đầu phần nói truyện : Riêng tôi được hân hạnh đóng vai trò ‘Ông già kể truyện ngày xưa’ nói về giai đoạn khởi đầu của Giáo Xứ. Ðối với một đời người, 50 năm chưa phải là tuổi già. Ðối với một cộng đoàn 50 năm vẫn còn là thời rất son trẻ. Nhất là đối với cộng đoàn công giáo, mà tuổi thường được tính hàng thế kỷ, nếu không muốn nói là từng thiên niên. Nụ cười luôn nở trên môi và nét mặt vui tươi của diễn giả lôi cuốn cả hội trường chăm chú, thích thú nghe, không buồn ngủ hay ngán vào giữa trưa, khí trời mát nhẹ đang xuân.
Bác sĩ mở lại cho cử tọa xem những trang sử đầu của Giáo Xứ được ghi vắn tắt trong phần một cuốn Kỷ Yếu. Bằng giọng nói đầy truyền cảm và thêm luyến nhớ về những tháng năm làm việc chung với anh chị em đồng bạn để xây dựng Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1947-1952), diễn giả kể lại nhiều chi tiết từng hoạt động của linh mục và giáo dân có mặt trong hình đen trắng của Kỷ Yếu. Nêu cao tính khí và lòng quảng đại, can đảm của từng người trong việc sống đạo và truyền bá Tin Mừng khi còn bôn ba hải ngoại hay hồi hương, như : dự lễ, tiếp tân, tham gia hội đoàn, học hỏi giáo lý, cắm trại, tìm trụ sở, đóng kịch, mở quán cơm bình dân, viết báo... Mỗi người một nghành nghề học và hoạt động, và được cảm tình nồng hậu của giáo quyền, chính quyền và giáo dân địa phương. Nhiều thành công đem lại kết quả mỹ mãn. Những mẩu chuyện thú vị khi họ vừa cắp sách đến trường, tu học hay bận rộn làm ăn, mà vẫn bỏ giờ ra cho cộng đoàn.
Sau giai đoạn Liên Ðoàn, mọi người tản mát. Một số ở lại lập nghiệp tại Pháp. Phần đông trở về Việt Nam. Người vào Nam, kẻ ra Bắc. Tất cả đều hứng khởi, tin tưởng, muốn làm một cái gì cho Giáo Hội và cho đất nước. Trong số những người năm xưa, nay có người đã khuất. Người còn lại thuờng xuyên liên lạc với bác sĩ và thăm hỏi về cộng đoàn tiên khởi Việt Nam tại Pháp nay thế nào ? Tuy nhiên, theo cử tọa cùng nhận xét chỉ còn Bs Ái và chị Lê Phương Trà (Cursillo) trở lại sống bên cộng đoàn. Thật quí hóa ! Quả thật những bậc đàn anh chúng ta đã có trái tim trên bàn tay (il a le coeur sur la main).
Tài diễn giảng của bác sĩ khéo đưa cử tọa trong hội trường rạt rào tình cảm biết ơn, khi nói : Tôi phải suy nghĩ lâu giờ trong đêm khuya để viết bài cho KỶ YẾU, cho bài thuyết trình này. Tất cả tình cảm gói ghém trong bài Hương Thơm Kỷ Niệm :
Cõi trời đất, một đời đảm nhiệm.
Phận dân chiên, chung lụy tình quê...
Giữ giới răn, cầu duyên Thiên ước :
Rạng danh Cha, xác tín Lời ban...
(Kỷ Yếu. Tr. 79)
Bằng một lý luận đơn sơ chân thành, diễn giả cho rằng những người đi trước khai sinh cộng đoàn Việt Nam thành công trong một cuộc phiêu lưu không định trước để có Giáo Xứ Việt Nam hôm nay. Phần kết ‘kể truyện xưa’, bác sĩ đưa ra ba bài học rút tỉa từ những năm sinh sống trong giai đoạn đầu thành hình Giáo Xứ.
1. Không có một cuộc phiêu lưu nào diệu kỳ và chứa đựng nhiều bất ngờ đày ơn phước bằng cuộc phiêu lưu song hành với Thiên Chúa.
2. Liên Ðoàn là môi trường huấn luyện, mở đầu cho tôi con đường dài vô tận, thâm sâu thăm thẳm và vô cùng gai góc, để tìm ý nghĩa sống và tin. Tìm là đi về ánh sáng của hiểu biết, của huyền nhiệm, để tin và sống thành một. Ði theo hướng đó, tin và sống không những cho riêng mình, nhưng còn với cộng đoàn và trong đoàn thể.
3. Tôi đã được gặp và chia sẻ một tình thương yêu nhau, bền chặt suốt đời. Tình yêu thương này dẫn đến sự tin cậy, tương trợ và khuyên bảo lẫn nhau, vượt qua mọi thành kiến chính trị, tôn giáo, mọi ranh giới kỳ thị địa phương hay sắc tộc. Không còn người Trung, Nam hay Bắc. Không còn giai cấp trí thức, lao động. Không còn người tây, người ta. Không còn de đen, da trắng da vàng. Chỉ còn người với người, cố gắng đùm bọc nhau, xây dựng lẫn nhau, để trở thành những người con của Thiên Chúa, theo Thiên ý mong muốn tất cả chúng ta xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa.
Lời cảm ơn cuối cùng của diễn giả chưa dứt thì tiếng vỗ tay đã vang dội hội trường, như đáp lại người nói. Trong hàng ghế, nghe thấy nhiều tiếng nói nho nhỏ : Hay, hay quá, chưa bao giờ được nghe ai nói hay như thế.
Sau phần Bs Ái, có ông Ðông và ông Ðạt trước kia từng sinh hoạt thời Liên Ðoàn, ghe có buổi nói truyện cũng đến tham dự. Hai ông đã bổ túc một vài chi tiết và tỏ ý sẽ đến với Giáo Xứ nhiều hơn.
GIÁO XỨ HÔM NAY
Gs Trần Văn Cảnh và ông Nguyễn Văn Hộ không những là chứng nhân mà còn là người làm và viết nên giai đoạn lịch sử quan trọng hôm nay của Giáo Xứ Việt Nam, trình bày phần hai của buổi thuyết trình qua ba khía cạnh nổi bật : Giáo Xứ Việt Nam hôm nay đã trưởng thành, sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh trong Giáo Hội Pháp. Giáo sư Trần Văn Cảnh khai diễn :
Giáo Xứ Việt Nam trưởng thành
Sức sống của cộng đoàn thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành vào thập niên 80, như tuổi trưởng thành của người thanh niên Việt Nam ‘tam thập nhi lập’. Tức là giai đoạn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trở thành giáo xứ thể nhân (1977 đến nay).
Về nhân sự, các cha làm việc tại giáo xứ được bổ nhiệm bằng giấy tờ và được trả lương (1979). Vị giám đốc được gọi là cha sở (curé) từ 1986 và các cha phụ tá được gọi là cha phó (vicaires). Ba mươi năm gần đây, Giáo Xứ Việt Nam được lãnh đạo bởi các vị giám đốc nhiệt thành : Cha Phanxicô Trần Thanh Giản (1954-1971), Cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977), Cha Emmanuel Trương Ðình Hòe (1977-1979), Cha Denis Lương Tấn Hoằng (1979-1980) và nổi bật là Cha Giuse Mai Ðức Vinh, giám đốc đương nhiệm từ 1980, với các cha trong ban giám đốc là Cha Vinxentê Nguyễn Văn Cẩn, Cha Giuse Ðinh Ðồng Thượng Sách, Cha Giuse Trần Anh Dũng và nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na. Chúng ta phải hãnh diện vì có một ban giám đốc tài ba. Nhìn thẳng vào thực tế, ban giám đốc đón nhận và khích lệ tất cả giáo dân muốn đến và nhất là lắng nghe tiếng nói của mọi người. Giáo Xứ là nơi qui tụ tập họp không phân biệt tuổi tác, chức vụ, giầu nghèo... để tuyên xưng đức tin trong tình anh em một nhà và con một Cha trên trời.
Bên cạnh Ban Giám Ðốc còn có Hội Ðồng Mục Vụ, gồm từ 70 đến 80 đại diện của 6 địa điểm mục vụ ngoại ô và vài ba chục các đoàn thể, hội đoàn và nhóm đang sinh hoạt đều đặn tại Giáo Xứ. Ban Thường Vụ là những vị tận tâm được tuyển chọn và bầu trong số các thành viên Hội Ðồng Mục Vụ. Và rất nhiều người tự nguyện làm những việc không tên. Nếu tính ra tiền thì không lấy đâu mà trả cho đủ.
Sống bằng đức tin dồi dào và vững mạnh.
Về hoạt động của Giáo Xứ có cả chiều sâu, lẫn chiều dài và chiều rộng. Trước 1980, Giáo Xứ mới có 5 hội đoàn : Ðạo Binh Ðức Mẹ, Các Bà Mẹ Công Giáo, Lớp Giáo Lý, Ban Xã hội và Ca Ðoàn. Hôm nay đã có tới 22 đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, cho đủ mọi giới tham dự. Giáo Xứ Việt Nam còn bành trướng và phát triển nhiều mặt về xã hội, văn hóa, xuất bản báo chí, ấn hành sách vở... Tại các đơn vị mục vụ vùng phụ cận ở Sarcelles, Garges, Stains Pierrefitte, Cergy Pontoise, Ermont, Noisy le Grand và Villiers le Bel ngày một phát triển và mở rộng không ngừng, có nhiều sinh hoạt độc đáo, vui tươi và hào hứng.
Về tài chánh và cơ sở, Các sinh hoạt trên được chạy đều là do nguồn tài chánh mà Ban Thường vụ đã lấy sáng kiến và tổ chức : các bữa cơm chủ nhật, bữa cơm thân hữu vào các dịp tết, hai ngày thân hữu hàng năm và xổ số Tombola... Cơ sở hiện nay còn chật hẹp, nhưng cộng đoàn đã nghĩ đến cần có nơi rộng rãi khang trang hơn để phụng thờ và bảo vệ truyền thống cha ông. Từ 1983, Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng Mục Vụ đã nhiều lần vận động với giáo quyền xin cơ sở mới. Trong khi chờ đợi, Giáo Xứ đã gây quĩ Sổ Vàng được khoảng trên 4 triệu quan. Với số tiền này, chúng ta có quyền hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn.
Trong Giáo Hội Pháp
Nhờ chính phủ và Giáo Hội Pháp, đặc biệt Giáo phận Paris, mà chúng ta có một chỗ đứng không nhỏ và quan trọng so với các cộng đoàn ngoại kiều khác tại Paris. Giáo Hội Pháp coi chúng ta như người con ruột được cưu mang từ khởi đầu công cuộc truyền giáo vào thời kỳ bắt đạo. Nay vì hoàn cảnh phải xa quê hương.
Mặc dầu Giáo Xứ đã có bằng ấy năm chung sống tại Pháp, theo diễn giả, chúng ta vẫn còn là người ăn nhờ ở đậu, chưa tự lập, tự cường được. Chúng ta đã có ban xã hội, xuất bản nguyệt san, có lớp Pháp văn, lớp tiếng Việt... Tại sao mình không công khai để hợp thức hóa như những hiệp hội (associations) để được hưởng qui chế lương bổng và nhiều tài trợ khác. Thiết nghĩ đây cũng là điểm mới cần nghiên cứu và khởi sự cho những ngày sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Hộ bổ túc cho đề tài bằng nhận xét là Giáo Xứ vẫn còn nhiều quí ông chưa chịu tham gia hội đoàn. Ông đề nghị lập hội Vincent de Paul hay La Vie Montante cho các ông có đất dụng võ đồng thời làm phong phú sinh hoạt cộng đoàn.
Sau khi sơ lược những yếu tố thuận lợi cho sự vươn lên và trưởng thành của Giáo Xứ nhờ đào tạo nhân sự cẩn thận, bảo vệ văn hóa toàn diện, cầu nguyện song hành với suy tư chín chắn trong tinh thần keo sơn hợp quần gây sức mạnh. Hai diễn giả đã tạo cho cử tọa một sự tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của Giáo Xứ.
Tràng pháo tay đồng loạt biểu tượng cho tin tưởng mãnh liệt chấm dứt phần hai, để bước sang phần thảo luận, ...
132. Có sức sống tươi mát
Có một tuổi đời lục tuần, sức sống của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris, xem ra càng ngày càng tươi mát, sức sống này được múc ra từ những mạch mang lại một sinh lực đại bổ, làm cho Cây Văn Hoá Việt Nam tại giáo xứ cứ lớn lên mãi và càng ngày càng to thêm.
1321 Nguyên tắc quản lý căn bản Phúc âm
Giáo xứ là một cộng đoàn, một xã hội có tổ chức để đạt một lý tưởng.
Lý tưởng của Giáo xứ cũng như của Giáo Hội đã được người sáng lập là Ðức Kytô vạch rõ qua bài giảng trên núi về tám mối phúc thật. Ở Giáo xứ, từ Ban Giám Ðốc, Ban Thường vụ, Hội Ðồng Mục Vụ, cho đến các đại biểu của các Ðịa Ðiểm Mục Vụ và Hội đoàn mục vụ, ai ai cũng nhất chí lấy tám mối phúc thật làm nguyên tắc sống cho riêng mình và cho sự quản lý các hoạt động chung của cộng đoàn.
Bài giảng trên núi về tám mối phúc thật đã được thánh sử Mat Thêu ghi lại như sau (Mt, 5, 1-12) : Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dậy họ rằng :
1. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.
2. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.
3. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
4. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả
5. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.
6. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
7. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho các con khi ngưới ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời.
Thi hành nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật là điều mà Giáo hội, và đặc biệt là hàng giáo phẩm, hằng áp dụng cho mình và khuyến khích, nhắc nhở giáo dân. Những Công đồng, những Thông điệp, những thư chung của các giáo hoàng và giám mục đều nhằm mục đích ấy. Từ sự áp dụng nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật, nảy sinh ra những sáng kiến, những hoạt động, cho toàn Giáo hội nói chung cũng như cho giáo xứ nói riêng. Ðể hướng dẫn những sinh hoạt của mình, Giáo xứ thường xem xét những sinh hoạt chung của Giáo Hội.
Mười lãnh vực sinh hoạt hiện nay của Giáo Hội, được cha Michel LEMONNIER tóm lược trong cuốn sách ‘Lịch sử Giáo Hội’ đã từng là đề tài thảo luận hướng dẫn việc tổ chức các sinh hoạt tương lai cho cộng đoàn vào Ðại Hội Mục Vụ trưởng thành toàn quốc tại Versailles từ 15 đến 18/05/1999. Mười lãnh vực đó là :
1. Tham dự vào mục vụ và phụng vụ trong tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II.
2. Tham dự vào các sinh hoạt văn hoá một cách tích cực trên căn bản đức tin công giáo.
3. Tham dự vào các phong trào công giáo tiến hành mới và những tu hội triều.
4. Khám phá đời sống cầu nguyện và đi tìm sự hiệp nhất của Giáo Hội.
5. Tham gia vào các sinh hoạt phục vụ người nghèo.
6. Phát triển vai trò giáo dân và phụ nữ.
7. Khẳng định vị trí của các giáo hội, các địa điểm mục vụ trẻ trung.
8. Thực hiện những sinh hoạt có tính cách quần chúng to lớn và rộng rãi.
9. Tham gia phong trào đại kết tôn giáo.
10. Mở rộng đối thoại trên đường tìm chân lý mà tôn trọng tự do, công lý và hoà bình.
1322 Nguyên tắc quản lý căn bản ISO 9000
Trong bất cứ một tổ chức nào, người có trách nhiệm quản lý cũng đặt những câu hỏi này:
. ’Phải quản lý làm sao để, trong mọi công việc, thực hiện được nhiều kết quả hơn mà không cần phải tốn thêm, hoặc được cũng ngần ấy kết quả mà có thể tốn ít hơn ?’
. Tại sao tổ chức này hữu hiệu hơn tổ chức kia ?
. Tại sao trong tổ chức này những người tham dự lại đông đảo và tích cực hơn hơn trong tổ chức kia ?
Các nhà quản trị, hoặc nghiên cứu quản trị đẵ phí tổn nhiều trí lực. Ở phương đông, từ đời Xuân Thu, từ năm 722 đến năm 479 trước công nguyên, Quản Trọng (-? đến -645), đã đề ra chủ thuyết phú cường ; Tôn Tử đã soạn ‘Binh Pháp, mười ba thiên’, rồi Ngô tử soạn ‘Binh thư, sáu thiên‘,… đều nhằm đưa ra những nguyên tắc quán trị căn bản.
Ở phương tây, trong lãnh vực kỹ nghệ và xí nghiệp, Henri FAYOL đã đưa ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt áp dụng cho ban giám đốc. Frédéric TAYLOR phân tích các tác động căn bản và đề ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt được áp dụng trong các xưởng sản xuắt. Peter Ferdinand DRUCKER trình bày nguyên tắc quản lý theo mục tiêu kết quả,…
Ở Giáo xứ, một số nguyên tắc quản lý để được nhận thấy và áp dụng. Vô tình hay hữu ý, những nguyên tắc này rất gần với những nguyên tắc của Tổ Chức Thế Giới Tiêu Chuẩn, ISO 9000. Những nguyên tắc quản lý ở Giáo Xứ ấy là như sau :
1. Nhu cầu của giáo dân phải là nguồn gốc, nền tảng và mục tiêu của mọi hoạt động trong giáo xứ.
2. Ban Giám Ðốc lãnh đạo bằng cách xướng xuất ra những mục tiêu, những đường hướng, rồi cùng Ban Thường Vụ và Hội Ðồng Mục vụ đưa ra những chương trình và kế hoạch thực hiện, để từ đó, mỗi người và mọi người tự nguyện chấp hành và thực hiện.
3. Tất cả mọi giáo dân, mọi phần tử trong cộng đoàn, ai ai cũng được mời gọi để góp tài, góp lực, góp công, góp của vào các công việc mà Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng Mục Vụ đã đề ra.
4. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo qui tắc tiến trình và chuẩn bị kỹ lưỡng.
5. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo nguyên tắc tổ chức hệ thống nhiệm thể của Giáo xứ, theo đó, Giáo xứ là một thân thể mà mỗi đơn vị, mỗi giáo dân là một chi thể liên đới và tuỳ thuộc lẫn nhau.
6. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn cải thiện và cầu tiến liên tục.
7. Mọi quyết định đều phải được lựa chọn theo những dữ kiện, thư liệu và tin tức khách quan.
8. Tất cả những ai gần xa tham dự vào công việc đều có quyền được chia phần kết quả.
1323. Một thí dụ làm việc : đại hội mục vụ hàng năm
Mỗi năm hai lần, đã thành thông lệ, giáo xứ tổ chức Ðại hội mục vụ kỳ nhất vào trước hè, khoảng tháng sáu, và kỳ nhì vào cuối năm, khoảng tháng 12; kỳ nhất phúc trình và bàn thảo tổng quát về các sinh hoạt của giáo xứ và của các địa điểm mục vụ; kỳ nhì đặc biệt phúc trình và thảo luận về tổ chức giáo xứ và tổ chức các hội đoàn.
Một bản tóm lược Ðại hội mục vụ mà tôi đã có dịp ghi lại, cho thấy rõ cách làm việc khoa học và sức sống tươi mát của Cây Văn Hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris. (GXVN 166/ 10.2000/ 4-6)
1. PHÚC TRÌNH CỦA ÐỨC ÔNG GIÁM ÐỐC qua tám điểm : Các đơn vị mục vụ, Mặt xã hội, Sinh hoạt Bí Tích, Văn hóa, Cơ sở, Tương quan với các gia đình trong chung cư và Tài chánh.
2. PHÚC TRÌNH CỦA BÁC SĨ CHỦ TICH HÐMV về ba khía cạnh : Ðối ngoại, Ðối nội và Tài chánh.
3. PHÚC TRÌNH CỦA 5 ÐỊA ÐIỂM MỤC VỤ : Cergy Pontoise, Marne La Vallée, Sarcelles, Villiers Le Bel và Ermont.
4. PHÁT BIỂU VỀ THAM LUẬN
133. Có tổ chức trong sáng và hữu hiệu.
Kiểm điểm những sinh hoạt một năm hai lần để cải tổ và bồi bổ cho đúng hướng mục vụ của Giáo Xứ theo đường của giáo phận và của Giáo Hội. Việc này chỉ hữu hiệu nếu có một tổ chức trong sáng.
1331 : Ước mơ có một tổ chức Hội Ðồng Mục Vụ
Từ khi được thành lập vào năm 1947 cho đến năm 1983, với những biến chuyển thăng trầm, Giáo xứ Việt nam Paris là một thực thể tôn giáo đã hiện hữu từ trên 40 năm. Trong suốt thời gian ấy, Giáo xứ luôn luôn có một Ban Giám Ðốc, đại diện giáo quyền để giúp đỡ giáo dân về mặt tinh thần và tôn giáo. Tất cả mọi hoạt động đều do khả năng và nhiệt tình của Ban Giám Ðốc, với sự cộng tác riêng rẽ của một số giáo dân, hay của một vài hội đoàn, chứ chưa hề bao giờ được thống nhất và điều hợp theo một qui chế hoặc một tổ chức chung. Nhu cầu cần có một Hội Ðồng Mục Vụ, do đó, là một điều cần thiết. Nhưng hoàn cảnh đặc biệt của Ba-lê, vì là trung tâm văn hóa, tôn giáo và chính trị quan trọng, vì có nhiều khuynh hướng đối chọi nhau, việc tạo lập một Hội Ðồng Mục Vụ vẫn chỉ là một ước mơ. Ðã có nhiều lần, những Ban Giám Ðốc tiên nhiệm đã toan tính lập Hội Ðồng Mục Vụ, nhưng chưa lần nào, những toan tính tốt đẹp ấy đẵ được thể hiện kết quả, bởi có quá nhiều khó khăn.
Nhưng những khó khăn này, nhờ ơn Chúa và với sự chuẩn bị cũng như đóng góp một cách tích cực và có phương pháp của Ban Giám Ðốc cũng như của Cộng Ðoàn, Cộng Ðoàn ta đã khắc phục được, và kể từ ngày 30.10.1983, một Hội Ðồng Mục Vụ, một Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Mục Vụ và một Ban Cố Vấn đã chính thức được các đại diện các Hội Ðoàn Mục Vụ và đại diện các Ðịa Ðiểm Mục Vụ thành lập. Rồi ngày 11/12/1983, giáo quyền địa phương, là Tòa Tổng Giám Mục Ba-Lê đã chính thức công nhận Hội Ðồng Mục Vụ, Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn, qua sự hiện diện và chúc lành của Ðức Cha Michel COLONI, phụ tá tổng giám mục Ba-lê, đặc trách Ngoại Kiều Vụ.
Sứ mệnh của Hội Ðồng Mục Vụ được nội quy xác định một cách vắn tắt rằng : ‘Hội Ðồng Mục Vụ là một cơ quan gồm những giáo dân được tuyển chọn để tích cực cộng tác với Ban Giám Ðốc Giáo Xứ trong việc xây dựng cộng đoàn về các pham vi : tôn giáo, văn hoá, xã hội, tài chính’.
1332 : Tiến trình đi đến tổ chức Hội Ðồng Mục Vụ
Tổ chức được HÐMV là kết tinh của nhiều cố gắng và thiện chí. Những cố gắng ấy đã trải qua ba chặng đường, cũng là ba giai đoạn trong quá trình của HÐMV : giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn phôi thai và giai đoạn sinh hoạt chính thức đầu tiên.
GIAI ÐOAN CHUẨN BỊ
Việc chuẩn bị có thể là chuẩn bị xa, có thể là chuẩn bị gần. Chuẩn bị xa thì chắc chắn là HÐMV hôm nay đã được chuẩn bị từ ngày cộng đoàn Việt Nam được thành lập tại Ba lê, do những việc mà cộng đoàn và các Ban Giám Ðốc (BGÐ) tiền nhiệm đã thực hiện. Chuẩn bị gần thì chắc chắn là từ ngày cha Mai Ðức Vinh được bổ nhiệm làm gíám đốc giáo xứ và do những hoạt động của BGÐ hiện nay, trong đó, sinh hoạt của các nhóm công giáo tiến hành đóng một vai trò không nhỏ.
Các BGÐ tiền nhiệm đã góp phần chuẩn bị lập HÐMV hiện nay. Chẳng những các vị đã góp phần chuẩn bị thành lập, mà một số hiện còn cộng tác với BTV của HÐMV hiện nay. Tôi có ý nói đến cha Trần Thanh Giản, một trong những khuôn mặt của các cha cựu giám đốc. Ngài vẫn hàng tháng đi họp với BTV, với tính cách là cố vấn và vẫn thường xuyên tích cực góp sức vào nhiều hoạt động khác. Cha Toán cũng vậy. Còn nói đến việc chuẩn bị thì công lao của các BGÐ tiên nhiệm là việc không thể chối cãi. Không kể việc duy trì và phát triển Ðoàn Sinh Viên Công Giáo, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ, ..., một vài vị giám đốc tiên nhiệm đã rõ rệt muốn lập HÐMV. Năm 1977, cha Trương Ðình Hoè đã triệu tập một phiên họp Trí Thức Công Giáo để bàn về vấn đề này. Trước đó, cha Toán và sau đó, cha Hoàng cũng đã có những ý định tương tự.
Nhưng cha Vinh mới thực là người đã trực tiếp chuẩn bị thiết lập HÐMV. Nếu trí nhớ tôi có thể tin được thì vào những năm 1979, 1980, cha Vinh đã nói truyện với tôi về vấn đề này. Lúc vừa nhận trách nhiệm giám đốc, hai vấn đề mà cha Vinh đã thông cảm với tôi và chắc chắn với nhiều người khác nữa, là làm sao để cho cộng đoàn được có tổ chức hơn, nói khác đi, làm sao thiết lập được HÐMV và làm sao tạo cho cộng đoàn một cơ sở thích hợp hơn. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi đàm đạo nhiều về những căn bản thần học, pháp lý, pháp lý đời cũng như pháp lý đạo, của HÐMV. Có lẽ có hai lý do khiến chúng tôi đề cập nhiều về vấn đề này. Thứ nhất vì đó là một vấn đề rất được cha Vinh lưu ý. Một trong hai luận án tiến sĩ mà cha đã đệ trình tại Roma là luận án ‘Thần học mục vụ’. Luận án này đề cập đến ‘Ban hành giáo tại các họ đạo ở Việt Nam’. Lý do thứ hai vì đó là đề tài thời sự công giáo cho những năm 79, 80. Tôi nhớ lúc đó đã đọc một số tài liệu của Ðức Thánh Cha về vấn đề HÐMV này.
Và sự góp phần của các Hội Ðoàn Công Giáo Tiến Hành nữa. Cái khéo của cha Vinh là ở chỗ đó. Ý thì đến từ cha, nhưng cha làm thế nào để ý đó được ý thức và được phát biểu nơi giáo dân. Sau nhiều xáo trộn và ồn ào, với những dư luận không mấy hấp dẫn cho Giáo Xứ, nhiều địa điểm mục vụ lúc đó đã cảm thấy nhu cầu cần có một tổ chức để bảo tồn giáo xứ, để cộng tác với các cha. Sau một thời gian làm việc riêng rẽ, nhiều hội đoàn công giáo tiến hành đã cảm thấy nhu cầu cần có một cơ cấu để thống nhất các hoạt động. Những hội đoàn mà tôi đã từng tham dự, như nhóm Cầu Nguyện, nhóm Emmau, nhóm Ca đoàn, nhóm Thần Học Giáo Dân,... tất cả đều ý thức đến những nhu cầu mà tôi vừa nêu trên : nhu cầu sinh tồn, nhu cầu có tổ chức, nhu cầu thống nhất, nhu cầu cộng tác,… Một khi nhu cầu đã được ý thức, việc thực hiện trở thành dễ dàng.
GIAI ÐOAN PHÔI THAI
Sau thời gian chuẩn bị, một loạt các hoạt động phôi thai đã được thực hiện. Tôi muốn nói đến việc thành lập và phát triển các hội đoàn, việc lập bản nội quy và việc bầu Ban Thường Vụ. Tất cả những hoạt động này đều được thực hiện trong một giai đoạn mà tôi mạn phép đặt tên là giai đoạn phôi thai của HÐMV.
Có nhiều ý kiến về HÐMV, nhưng ý kiến hay hơn cả có lẽ là ý kiến, theo đó, HÐMV phải được tạo thành do các cán bộ công giáo tiến hành, và đặc biệt là các cán bộ đang tại chức, đang làm việc. Ðơn vị mục vụ gồm các địa điểm mục vụ và các hội đoàn mục vụ. Thực ra thì trong thời gian này, từ khoảng 1981 đến 1983, Cộng Ðoàn Công Giáo Balê đã không lập thêm được một địa điểm mục vụ nào mới, mà chỉ lập được một số hội đoàn mục vụ mới. Nhưng ngay cả với những đơn vị đã hiện hữu, làm thế nào để mỗi đơn vị đều có được một ban đại diện không phải là một việc dễ. Lập được một ban đại diện, nhưng chính thức hoá và làm sao cho ban đại diện ấy được công nhận cũng là một việc không dễ khác, cần phải được thực hiện.
Từ việc thành lập đại diện của các đơn vị mục vụ sang việc lập HÐMV, đó không phải là việc đương nhiên ! Vì còn hai trở ngại lớn, trở ngại tâm lý và trở ngại pháp lý. Trở ngại tâm lý, tôi có ý nói đến việc hiểu biết nhau, việc làm việc chung với nhau. Hội đồng là nơi mà các đại diện làm việc chung với nhau. Làm thế nào họ có thể làm việc chung, nếu họ không biết có những ai. Do đó, việc đầu tiên phải làm là tạo dịp để các đại diện gặp gỡ và thông cảm nhau, nếu không nói là nhận diện nhau. Dĩ nhiên, lễ chủ nhật là dịp để họ nhận diện nhau, một vài hoạt động đặc biệt, như hai ngày thân hữu, cũng là dịp khác để họ làm việc chung với nhau. Những việc này đã được lưu ý. Nhưng, tổ chức một vài buổi họp để họ ngồi chung lại với nhau, cũng là một việc khác phải làm. Ðó là lý do đã có những buổi họp rộng lớn vào năm 1983, đặc biệt là buổi họp đầu tiên, sôi nổi, hào hứng, vào ngày 27/02/1983.
Khó khăn thứ hai là khó khăn pháp lý, hay đúng hơn, có tính cách pháp lý. Dùng từ pháp lý thì hơi to. Vì đơn giản, nó là một bản văn qui định mục tiêu, thành phần, tổ chức, sinh hoạt của HÐMV, mà chúng ta có thể gọi là nội quy đơn giản. Ðây là việc căn bản của bất cứ một tổ chức nào, huống hồ là của một tổ chức to lớn và phức tạp như giáo xứ chúng ta. Hai buổi đại hội đã được triệu tập, dành riêng cho việc này, đặc biệt là đại hội ngày 10/04/1983.
Có thể nói được rằng bản nội quy hiện nay là cô đọng ý kiến của tất cả các đại diện của tất cả các đơn vị mục vụ. Tôi nhớ, hồi đó, cha Vinh và tôi đã làm việc nhiều cho bản nội quy này. Chúng tôi đã phải viết đi viết lại đến ba lần. Lần thứ nhất, xong vào ngày 27/02/1983, sau khi đã cân nhắc từng chữ, từng câu, từng khoản, và đã so sánh với các bản nội quy khác của các ban hành giáo ở Việt Nam. Ðại hội ngày 27/03/1983 đã sửa một số điều. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau hai ngày để viết một bản mới, sửa theo những tiêu chuẩn mà đại hội đã đề ra. Bản thứ hai này đã được đại hội ngày 10/04/1983 nghiên cứu rất kỹ lưỡng : một số câu và chữ đã được sửa lại nữa. Chúng tôi lại phải ngồi lại viết bản thứ ba, để đệ trình vào đại hội ngày 30/10/1983. Lần này, đại hội đã chấp nhận toàn thể bản nội quy. Ðó là bản nội quy đang được áp dụng hiện nay, với một vài tu chính do đại hội ngày 23/06/1985, 13/12/1992, 12/10/1997, 09/12/2001.
Còn một cơ quan quan trọng của HÐMV chưa được thành lập, đó là Ban Thường Vụ của HÐMV. Các thành viên của HÐMV là các đại diện của các đơn vị mục vụ, đẵ có đó. Nhưng các đại diện đông đảo quá, và mỗi lần tổ chức một phiên họp, thật là khó. Vả nữa, ai sẽ là người giải quyết các vấn đề thường ngày ? Ðó là vấn đề quan trọng phải được thực hiện. Qua một ngày đại hội rất sôi nổi, ngày 30/10/1983, một Ban Thường Vụ tiên khởi đã được bầu ra. Yếu tố cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đã được hoàn tất. Từ đây, cụ thể mà nói, ta có thể bảo HÐMV đã được thành lập.
GIAI ÐOẠN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ÐẦU TIÊN
Tổ chức của cộng đoàn ta là một tổ chức công giáo, trong đó, yếu tố pháp lý dân cử là quan trọng, nhưng không phải là quyết định. Sự quyết định đòi phải có sự hiệp thông của giáo hội địa phương, mà giám mục là đại diện chính thức. Báo Dân Chúa, số tháng 12/1985 có đ#ng bài của cha Phan tấn Thành, nói rõ về điều này như sau : ‘Tiếng hiệp thông nhấn mạnh đến các yếu tố nội tại tạo nên Giáo Hội. Các phần tử giáo hội đã được gắn bó với nhau, không phải bằng các cơ chế luật lệ bề ngoài, nhưng bằng các sợi dây liên kết bên trong. Tất cả các phần tử gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ một gia sản chung, một sức sống chung, một vận mạng chung,… Sự hiệp thông trong cộng đồng dịa phương đòi hỏi sự hiệp thông với giám mục.’
Tôi vừa dùng chữ ‘cụ thể mà nóĩ’, chứ không dám dùng chữ ‘chính thức mà nóĩ‘, vì BTV cũng như HÐMV chưa chính thức được giáo quyền địa phương công nhận. Phải đợi tới ngày 11/12/1983, khi đức cha Michel COLONI, giám mục phụ tá Paris, thay mặt đức hồng y J.M. LUSTIGER, đến giáo xứ, chủ lễ ra mắt của BTV, cũng như của HÐMV, ngày đó HÐMV mới chính thức được thành lập. Và từ đó, ta có thể nói rằng HÐMV đã bước vào giai đoạn thứ ba, giai đoạn sinh hoạt chính thức đầøu tiên.
Từ ngày chính thức được công nhận, HÐMV tiên khởi đã làm được gì trong hai năm 1983-1985 ?
Trong bản phúc trình cho đại hội ngày 23/06/1985, đăng trong báo Giáo Xứ số 16, ông chủ tịch BTV-HÐMV đã trả lời vấn đề này. Phần tôi, tôi gợi lại vài yếu tố góp phần trả lời, cũng đã được đăng trong Báo Giáo Xứ số 11, ngày 01/12/1985, và sửa lại đôi chút như sau:
Sau hai năm sinh hoạt, HÐMV đã làm được gì ? Ðể trả lời câu hỏi này, người hời hợt và phiến diện sẽ nông nổi nói ngay rằng ‘Chưa được gì cả, chưa xây được nhà thờ, chưa gây được quỹ ‘. Trả lời như vậy tức là chối bỏ cái quỹ xây nhà thờ là to lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cần có kế hoạch, cần hiểu biết về pháp luật và giáo luật đến chi tiết, cần quản trị nghiêm chỉnh. Một gia đình, nhất là một gia đình trẻ, tay trắng, muốn mua một căn nhà, và mua chịu, cũng còn cần phải làm một kế hoạch tiết kiệm năm năm. Huống hồ việc gây quỹ cho một cộng đoàn, một quỹ to, đủ để xây một nhà thờ, có phải một sớm một chiều, một năm một tháng mà làm được đâu.
Người khác lại trả lời rằng : ‘Ðược nhiều việc lắm : ra được báo, xây được sân xi-măng, giúp các cha tổ chức được hai ngày thân hữu, giúp các cha tổ chức được những lễ lạc lớn,...’ Câu trả lời này cũng hời hợt và nhất diện không kém gì câu trả lời trên. Như chúng ta vừa thấy ở trên, HÐMV này là HÐMV tiên khởi của cộng đoàn ta, một cộng đoàn có nhiều vấn đề đa tạp cần giải quyết, và sự hiện diện ở đây có lẽ còn kéo dài thế hệ này qua thế hệ nọ.
Bởi vậy, tiêu chuẩn đàu tiên cần đặt ra là hỏi xem HÐMV có ý thức được sứ mệnh của mình và những vấn đề phải được giải quyết không. Không dám nói rằng HÐMV đã ý thức hoàn toàn được những vấn đề của cộng đoàn, nhưng có những dấu chỉ để bảo rằng HÐMV đã có thiện chí muốn nhận định những vấn đề ấy. Năm đề tài được đưa ra để thảo luận trong đại hội mục vụ ngày 17/06/1984, liên hệ đến 1. Sự sinh tồn của cộng đoàn, 2. Ðiều kiện phát triển cộng đoàn, 3. Sứ mệnh tôn giáo và văn hoá của cộng đoàn, 4. Tạo dựng cơ sở cho cộng đoàn, 5. Những phương pháp gây quỹ cho cộng đoàn, là một biểu lộ của thiện chí ấy.
Tiêu chuẩn thứ hai cần đưa ra là hỏi xem ‘cách làm việc của HÐMV có phương pháp không ?’ Ðể trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn xem BTV và HÐMV làm việc thế nào. Ở điểm này, tôi xin mô tả cách làm việc của HÐMV như sau : BTV đã tạo được một sinh hoạt đều đặn là buổi họp hàng tháng. Kể từ ngày được thành lập đến nay, tháng nào Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn cũng giữ được phiên họp hàng tháng này, và đa số các phiên họp đã đều được sự tham dự đày đủ của BTV và sự tham dự đông đảo của BCV. Do đó, sự trao đổi trong các phiên họp tương đói hào hứng và đa số tích cực. Riêng Ðại Hội Mục Vụ thì nhiệm kỳ vừa qua chỉ tổ chức được hai lần. Ðó cũng là lý do khiến việc tiếp sức với các đơn vị mục vụ chưa được dồi dào cho lắm.
Cũng ở trong phương pháp làm việc, đại để cách thức sau đây đã được BTV và BCV áp dụng để giải quyết các vấn đề. Truớc nhất, nhận định vấn đề. Nếu là vấn đề ngắn hạn cần được giải quyết ngay, thì nhận định xem có nên làm hay không, nên làm thế nào. Ròi phân công, rồi thực hiện. Nếu là vấn đề dài hạn, trường kỳ và phức tạp, thì mổ xẻ sự cần thiết, điều kiện pháp luặt, khả năng có thể và kế hoạch thực hiện. Nhiều khi, sau một chuỗi làm việc, ở giai đoạn kế hoạch, một vài khó khăn mới lại nảy ra, đôi khi lại là những khó khăn ngoài khả năng, việc thực hiện lại được xét lại. Ðại để đó là hai điều chính yếu trong phương pháp làm việc hiện nay của BTV - HÐMV. Cái giá trị của phương pháp ấy ra sao, tôi xin nhường lời cho mọi người phê phán.
Tiêu chuẩn thứ ba cần đưa ra là hỏi xem ‘HÐMV có đã tìm ra được những giải đáp tương ứng với những vấn đề của cộng đoàn chưa ?’. Câu hỏi này tương đối tế nhị, vì sứ mệnh của HÐMV chỉ là cộng tác với ban Giám đốc Giáo Xứ, chứ không bao giờ được vượt quyền của ban này. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là HÐMV chỉ thụ động vâng lời BGÐ, nhưng chỉ có ý xác định một nguyên tắc rằng trong các giải pháp được đưa ra, trong các quyết định được lựa chọn, tất cả đều phải được BGÐ, người trách nhiệm thực sự về tinh thần của cộng đoàn chấp nhận. Ðiều tế nhị thứ hai của tiêu chuẩn thứ ba này là tính cách liên tục và trường kỳ của nhiều vấn đề của cộng đoàn, đặc biệt là những vấn đề có tính cách tâm lý xã hội, như vấn đề đoàn kết, vấn đề tin tưởng, vấn đề tương trợ. Muốn đoàn kết các thành phần của cộng đoàn, đâu phải chỉ có một giải đáp chung, hữu hiệu cho hết mọi người, đâu phải chỉ cần làm một lúc. Nhưng phải linh động và thích ứng, tuỳ người và liên tục.
Như vậy là HÐMV đã đi được một chặng đường dài ? Quãng đường còn lại phải đi còn nhiều việc phải làm và còn nhiều khó khăn phải vượt qua ? Câu hỏi này gồm ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất : HÐMV đã đi được một quãng đường dài ? Dài được bao nhiêu, tôi không dám xác định. Tôi chỉ dám nói rằng HÐMV đã đi được một quãng đường. Quãng đường còn lại chắc chắn là dài lắm. Vấn đề thứ hai liên hệ đến những việc sẽ phải làm. Về điểm này, xin chị tin tưởng vào BGÐ, HÐMV và BTV. Quí vị là những người sáng suốt, chắc chắn đã, đang và sẽ nhìn ra những việc phải làm. Không ở trong HÐMV, nhiều khi mình tưởng việc này phải làm gấp, có thể làm ngay. Nhưng ở trong HÐMV, hiểu biết cụ thể về khả năng của cộng đoàn, về nhu cầu của cộng đoàn, một cái nhìn khác lại nảy ra. Còn vấn đề thứ ba liên hệ đến các khó khăn, có lẽ khó khăn lớn nhất là phương tiện : phương tiện tài chánh, phương tiện thời giờ, phương tiện nhân sự. Xin Chúa dàn xếp, để thiện chí chúng ta được đền bù phần nào cho những khó khăn về phương tiện.
1333 : Những hoat động đã thực Hiện từ 1980
23 trên tổng số 26 hội đoàn, nhóm, lớp, ban,… đã được thành lập từ năm 1980. Một thời thịnh đạt. Thật đáng mừng và khuyến khích.
Từ năm 1980, ban Giám Ðốc Giáo Xứ bấy giờ là cha Vinh, cha Lượng, cha Sách, chị Phú, chị Na chia nhau quán xuyến mọi công việc, nhất là đưa ra những sáng kiến sinh hoạt mục vụ để mời giáo dân tham dự. Sau đây là những hoạt động chính yếu đã được Ban Giám Ðốc và Ban Muc Vụ ‘khai sinh mỗi năm’ :
1980 : Nhóm Thần Học Giáo Dân ra đời nay là nhóm Thánh Kinh. Chị Têrêsa Thân Thị Kim Liên vào làm việc cho Giáo Xứ.
1981 : Tăng cường các nhóm trẻ sống đạo. Ngày 13.09.1981, ÐứcTổng Giám Mục Jean Marie Lustiger thăm Giáo Xứ và ban Phép Rửa Tội cho 16 em nhỏ.
1982 : Chị Têrêsa Na mãn chương trình ‘Cán Sự Xã Hội’, về làm việc lại cho Giáo Xứ, mở ‘Bữa Cơm Chủ Nhật’, tổ chức Ðại Hội Mục Vụ để chuẩn bị lập Hội Ðồng Mục Vụ.
1983 : Lập Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi, khóa I (1983-1985)
Ông Phan Quang : Chủ tịch
Ông Nguyễn văn Hộ : Phó Chủ tịch, đặc trách tôn giáo
Ông Trần Louis : Phó Chủ tịch, đặc trách Xã hội
Ông Võ Phước Thiện : Phó Chủ tịch, đặc trách Văn hoá và tuổi trẻ
Giáo Sư Trần văn Cảnh : Tổng thư ký
Bà Tạ Thanh Minh : Phó Tổng thư ký
Bà Nguyễn Ðình Thái : Thủ quỹ
Ông Nguyễn Tiến Ðạt : Phó Thủ quỹ
1997
. Tổ chức Ðại lễ Kim Khánh Giáo Xứ (1947-1997) tại nhà thờ Notre Dame des Champs và tại Giáo Xứ ở Boissonade vào hai ngày 11 và 18.05.1997.
. Xuất bản kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ngày 01.01.1997.
. Triển lãm kỷ niệm Kim Khánh về lịch sử, sinh hoạt, các đơn vị mục vụ, tổ chức các hội đoàn do sứ thần tòa thánh cắt băng khánh thành và ngày 11.05.1997.
. Văn nghệ ‘Mùa gặt mới’ tổ chức tại Centre Culturel Boulogne - Brillancourt vào thứ bảy 10.05.1997.
. Ban thường vụ mới của HÐMV, nhiệm kỳ VII, 1997-1999
. Cha Giuse Trần Anh Dũng được Tòa Tổng giám mục chính thức bổ nhiệm làm việc tại Giáo Xứ, cách riêng cho giới trẻ, từ 1995. Từ nay ngài sẽ làm việc toàn thời cho Giáo Xứ.
. Xuất bản cuốn sách ‘Giáo lý cho người trưởng thành’ và cuốn ‘Têrêsa, vị thánh lớn nhất của thời đại mới’
1998
. Hai thầy Phạm bá Nha và Nguyễn văn Thạch lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn ngày 28/03/1998.
. Ðại hội hành hương Lộ Ðức từ 06 đến 10.08.1998
. Ðến cơ sở mới và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở mới vào ngày lễ Ðức Mẹ lên trời, 15.08.1998 và chuyển giao cơ sở Boissonade cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998.
. Linh mục giám đốc Mai Ðức Vinh được Tòa Thánh ân thưởng tước vị ‘Ðức ông’ qua quyết định ngày 12.11.1998 của phủ quốc vụ khanh đích thân Ðức Hòng Y Jean Marie Lustiger đã đến địa điểm mới của Giáo Xứ và công bố vào lễ Các Thánh Tử Ðạo cử hành tại cơ sở mới vào ngày 15.11.1998.
1999
. Ban thường vụ nhiệm kỳ VII ; lưu nhiệm thêm một nhiệm kỳ 2 năm.
. Sr Anna Huỳnh thị Na qua đời ngày 11.12.1999
. 16 hang đá dự thi triển lãm vào giáng sinh 25.12.1999
. Xuất bản cuốn ‘Hành trang sống thế kỷ XXI’
2000
. Nhóm Chuyên Gia Ðại Hội ra mắt vào chủ nhật 16.01.2000
. Ngày năm thánh của cộng đoàn để lãnh ân toán xá, cử hành ngày 12.03.2000 tại Vương Cung Thánh Ðường Sacré Coeur, Montmartre.
. Ðại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ nhất 01.05.2000 với năm nhóm chuyên gia, dịch vụ, doanh thương, thân hữu Taxi và xây dựng.
. Hội diễn thánh ca ngày 17.12.2000 vói sự tham dự của tất cả các ca đoàn và nghệ sĩ của Giáo Xứ
. Xuất bản 3 cuốn sách ‘Fatima, hòa bình và tình thương’, ‘Ðường vào tình yêu’ và ‘Chân phước Giáo hoàng XXIII’.
2001
. Sư huynh Trần Văn Nghiêm, người đã đóng góp rất nhiều cho Giáo Xứ qua đời ngày 05.04.2001, thọ 93 tuổi.
. Ban thường vụ HÐMV - GXVN, nhiệm kỳ IX, 2001-2003
. Ban Mục vụ Hôn nhân cho ra đời ngày (bồi dưỡng) gia đình tổ chức vào hai ngày 27 và 28.10.2001
. Nhóm chuyên gia bắt đầu mở phòng trực vào mỗi chiều chủ nhật thứ tư, nha y dược, bắt đầu từ 23.09.2001.
. Cha Dũng thay cha Cẩn lo việc quản lý.
. Tu chính lần thứ tư Bản nội quy HÐMV, qua ÐHMV ngày 09/12/2001, đặc biệt tăng nhiệm ky của các thành phần trong BTV lên 3 năm (thay vì 2 năm, như trước đây)
2002
. Ðại hội công giáo vùng Âu Châu từ 02 đến 04.08.2002 tại Lộ Ðức.
. Ðại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 3, ngày 01.05.2002, mạng lưới đầu tiên của Giáo Xứ (sau hai năm cưu mang). Chào đời với tên gọi www giaoxuvn paris.org
. Cộng đoàn Giáo Xứ đón Ðức Mẹ Lavang vào Giáo Xứ trong hai ngày 12 và 13.10.2002.
. Ra mắt cuốn I trong bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội (gồm 5 cuốn và 10 quyển sách)
2003
. Tiếp đón 130 bạn trẻ trên tổng số 90.000 bạn trẻ thế giới về họp tại Paris từ 28.12.2002 đến 01.01.2003.
. Thánh lễ tại Giáo Xứ được trực tiếp truyền hình trên đài F2 vào chủ nhật 23.03.2003.
. Lập nhóm đặc trách ‘Tiền giúp Giáo Hội ‘
. Thầy Tạ đình Chung lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn ngày 04/10/2003
. Cải tổ và tu chính nội qui Hội Yểm Trợ ơn gọi tận hiến trong đại hội của hội ngày 12.10.2003
. Tiếp dón Dức Tân Hồng Y Phạm Minh Mẫn, và cùng Ngài cử hành thánh lễ kỷ niệm Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ngày chủ nhật 16.11.2003.
1334 : Sơ đồ tổ chức hiện nay
Sơ đồ kèm đây qui tụ tất cả những sinh hoạt, những tổ chức um tùm và rậm rạp của Giáo Xứ vào một khung rất là đơn sơ và trong sáng.
Sơ đồ tổ chức này cho thấy những sinh hoạt nội bộ của Giáo Xứ, những cơ quan, những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm được thực hiện trong lòng Giáo Xứ. Qua những hội đoàn ấy, những tổ chức ấy, và những sinh hoạt ấy, một tác phong văn hóa dần dà thành hình trong tiến trình giáo dục của một em nhỏ công giáo việt nam lớn lên trong lòng Giáo Xứ và tham dự vào những hoạt động của nó.
Tổ chức này trước nhất bao gồm một cơ quan trung ương là BAN GIÁM ÐỐC. Bên cạnh và sát cánh với Ban Giám Ðốc là BAN THƯỜNG VỤ của Hội Ðồng Mục Vụ.
Vòng tổ chức kế cận bao gồm các diạ điểm muc vụ. Trụ sở chính của Giáo Xứ Việt Nam ở số 38 rue des Epinettes, Paris 17. Và có năm địa điểm mục vụ khác : Cergy-Pontoise, Ermont, Sarcelles và Villiers le Bel (95, giáo phận Pontoise), Stains-Pierrefittte (93, giáo phận Saint Denis) và Noisy le Grand (77, giáo phận Meaux). Mỗi nơi có cha Tuyên úy và các đại diện chịu trách nhiệm về sinh hoạt mục vụ.
Giáo Xứ được vui tươi đầy sinh động là nhờ sự có mặt của các đoàn thể. Những sinh hoạt thường xuyên đều đặn của giáo dân làm tăng sức sống và tinh thần keo sơn xứ đạo. Giáo Xứ Việt Nam có 6 hội đoàn và khoảng 20 ban, nhóm,… đang hoạt động trong khuôn khổ Công Giáo Tiến Hành. Các đoàn thể này tạo thành cái vòng thứ ba trong sơ đồ tổ chức của Giáo Xứ.
134. Có nhiều liên hệ sâu đậm
Giáo Xứ không phải là một tổ chức biệt lập. Cây văn hóa Giáo Xứ không thể tự sống một mình, mà có rất nhiều liên hệ đến các cộng đoàn khác : cộng đoàn giáo phận Paris, cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại, cộng đoàn Giáo Hội Mẹ Việt Nam.
Trong tập Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ 1947-1997, tôi đã có dịp trình bày về ‘Những tương quan của Giáo xứ Paris với các cộng đoàn khác’ một cách vắn gọn rằng : (trang 58-61)
Giáo Xứ là một thể chế của Giáo Hội, là đơn vị căn bản của cộng đoàn tín hữu. Ðể tồn tại, lớn lên và phát triển, Giáo Xứ được nuôi dưỡng bằng ‘đức mến Chúa và lòng yêu người’. Lòng yêu người biểu hiệu những tương quan giữa các tín hữu của Giáo Xứ với nhau và những tương quan của Giáo Xứ với các Cộng Ðoàn khác. Kể từ ngày được chính thức thành lập với danh hiệu là Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1946-1952), lớn lên với danh hiệu là Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp (1952-1977), và trưởng thành với danh hiệu Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris (1977...), Giáo Xứ, qua các ban chấp hành vá Giám Ðốc khác nhau, vẫn luôn luôn lưu tâm đến những tương quan với các thẩm cấp và Cộng Ðoàn khác của Giáo Hội. Theo giáo luật hiện hành ở hai khoản 515,1 và 518, ba mối tương quan lớn hằng thắt chặt Giáo Xứ với Giáo Hội là :
. Tương quan của Giáo Xứ với các giáo phận và giáo xứ Pháp, nhất là Tổng Giáo Phận Paris.
. Tương quan của Giáo Xứ với các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam khác nhau ở hải ngoại.
. Tương quan của Giáo Xứ với Giáo Hội Mẹ Việt Nam.
1341. Với Tổng Giáo Phận Paris.
Theo Giáo Luật hiện hành ‘khoản 515,1’, Giáo Xứ là một Cộng Ðồng tín hữu được thiết lập một cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương mà việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của giám mục địa phận.
Qua định nghĩa này, bổn phận căn bản của Giáo Xứ là xây dựng và phát triển Cộng Ðồng tín hữu của Giáo Xứ dưới sự săn sóc của Cha sở. Ðó là điều hiển nhiên. Nhưng một sứ mệnh khác không kém quan trọng cũng được nêu ra, đó là mối liên hệ của Giáo Xứ với giáo phận mà Giáo Luật dùng chữ Cộng Ðồng bền vững ở trong Giáo Hội địa phương. Vậy tương quan đầu tiên của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris là với Giáo Phận Ðịa Phương Paris.
Trước năm 1977, dẫu không trực thuộc Tổng Giáo Phận Paris, nhưng Giáo Xứ có những tương quan mục vụ tốt đẹp với Giáo Hội Pháp.
- Bản điều lệ Liên Ðoàn làm ngày 01.04.1946, sửa đổi ngày 05.04.1947, đã được Ðức Cha Henri Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục Pháp duyệt và chuẩn y ngày 01.10.1947.
- Hai năm sau, cũng Ðức Cha Henri Chappoulie, gởi thư cho Cha Trần Văn Hiến Minh khuyên các tuyên úy và ban trị sự liên đoàn ‘đến gặp Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris và bàn với Ðức Cha Beaussart và Cha Rupp, coi sóc người ngoại quốc, về việc xác định địa vị Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam đối với các phong trào công giáo tiến hành khác’.
- Trong ba ngày 2, 3, 4 tháng tám 1946, Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp có tổ chức cho anh em công giáo Việt Nam cuộc đi dự ba ngày học hỏi của Thanh Lao Công Pháp mở tại Angers. Phái đoàn Việt Nam gồm hai anh lính thợ Nguyễn Vi Nhuần và Bùi Thùy và ba nhân viên trung ương của Liên Ðoàn, các anh Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương và Cha Cao Văn Luận.
Từ năm 1977, trực thuộc theo giáo luật vào giáo phận Paris và được nâng lên hàng Giáo Xứ theo tự sắc ‘Mục Vụ Ngoại Kiều’, Giáo Xứ Việt Nam Paris có những tương quan cơ cấu hơn với địa phận Paris
Những sự kiện cụ thể sau đây nói lên mối tương quan chặt chẽ của Giáo Xứ Việt Nam với Giáo Phận Paris :
1. Cha sở và Ban Giám Ðốc thường xuyên gặp gỡ và dự các buổi họp của Giáo Phận hay của Hạt Ngoại Kiều.
2. Có nhiều giáo dân tham gia các Hội Ðồng Mục Vụ, hoặc tham gia vào việc dậy giáo lý ở cấp giáo xứ hay địa phận. Các giáo dân Việt Nam này đa số rất được ái mộ.
3. Giáo Xứ tham dự các lễ đặc biệt tổ chức cho các cộng đoàn ngoại kiều như ‘lễ các quốc gia và các sắc tộc’.
4. Ngay khi mới về Paris nhận chức, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, chủ nhật 01.09.1991 đã đến thăm cộng đoàn, dâng lễ và ban phép rửa tội cho 15 em nhỏ.
5. Hàng năm giáo phận Paris giúp quỹ điều hành của Giáo Xứ gần 200.000 Frs.
6. Hàng năm Giáo Xứ nộp lên địa phận bản báo các mục vụ và bản báo cáo tài chánh.
7. Hàng năm Giáo Xứ nộp lên địa phận sổ rửa tội và sổ hôn phối.
8. Hàng năm Ðức Cha phụ Tá đặc trách Ngoại Kiều đến ban phép rửa tội cho anh chị em tân tòng vào ngày lễ Phục Sinh.
9. Ðặc biệt Cha Mai Ðức Vinh và Chị Ðào Kim Phượng đã đại diện cho Giáo Xứ trong công nghị của Giáo Phận Paris (synode de l’Eglise de Paris) kéo dài một năm, 10.1994-10.1995.
10. Chủ nhật 21.01.1995 tất cả ban Thường Vụ cùng với Cha Giám Ðốc dự ngày họp mặt ‘các Hội Ðồng Mục Vụ của các Giáo Xứ thuộc Tổng Giáo Phận Paris.
11. Ngoài ra Giáo Xứ luôn có tương quan tốt đẹp với các Giáo Phận (Pontoise, Nanterre, Saint Denis...) hay các Giáo Xứ Pháp (Ermont, Sarcelles...) liên hệ.
1342. Với các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại.
Tiếp theo khoản 515, giáo luật khoản 518 cho phép thành lập những Giáo Xứ tòng nhân (paroisse personnelle), dựa trên ngôn ngữ hay quốc tịch của các tín hữu. Giáo Xứ Việt Nam Paris được thành lập dựa theo khoản giáo luật này. Không lạ gì khi GXVN Paris đã và đang duy trì những tương quan chặt chẽ với các cộng đoàn công giáo Việt Nam khác tại Pháp và với Giáo Hội Mẹ Việt Nam.
Tương quan giữa trung ương Paris và các địa phương được xác định như sau trong bản nội qui 01.04.1946.
điều 5 : Mỗi tháng địa phương phải làm tờ trình về tinh thần và tình hình anh em địa phương cho ban trị sự trung ương.
điều 6 : Mỗi kỳ ba tháng, ban trị sự trung ương phải làm tờ trình các công việc cho hội đồng quản trị.
Các tương quan ấy được xác định rõ qua điều hai nói về mục đích của liên đoàn :
. Giúp đỡ hội viên là người công giáo giữ tròn phận sự người giáo hữu và biết làm tông đồ Chúa.
. Huấn luyện hội viên về các phương diện : đạo lý, luân thường, công dân và xã hội.
. Gây tình bằng hữu mật thiết giữa anh chị em bên lương và bên giáo.
. Trợ giúp các hội viên và đồng bào về phần xác và phần hồn, khi đau ốm, lúc cùng khốn và khi qua đời.
. Cầu nguyện chung cho nhau, cho Ðạo Thánh và cho nước nhà và tổ chức các cuộc du lịch bổ ích về đường đạo và xã hội.
Từ 1975, với số người Việt Nam tại Pháp đông hơn, số các cộng đoàn mục vụ cũng tăng hẳn lên. Theo bản điều tra của tuyên úy đoàn, năm 1991 có 26 sở tuyên úy và 68 cộng đoàn trên 94 giáo phận tại Pháp. Tuyên úy đoàn hiện nay gồm 28 linh mục, 2 thầy phó tế, 1 sư huynh và 5 nữ tu (xem lịch phụng vụ của Giáo Xứ phát hành mỗi năm). Tương quan của Giáo Xứ Việt Nam Paris với các cộng đoàn công giáo Việt Nam khác tại Pháp đi vào tổ chức hơn.
- Ở lãnh vực tuyên úy có cuộc họp hàng năm của các tuyên úy Việt Nam tại Pháp.
- Ở cấp quốc gia Pháp, Giáo Xứ Việt Nam Paris tham gia vào ba tổ chức của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp : Ủy ban mục vụ giới trẻ, Ủy ban mục vụ giới trưởng thành và quỹ tương trợ cộng đoàn.
- Không phải là lãnh đạo, nhưng vì là một đơn vị kỳ cựu nhất tại Pháp và ở hải ngoại, là một đơn vị duy nhất độc lập cho người tín hữu Việt Nam có tính chất thể nhân của một Giáo Xứ, và là một cộng đoàn đông đảo nhất về nhân lực, Giáo Xứ Việt Nam đã góp phần tích cực trong các hoạt động cụ thể của cộng đồng Việt Nam tại Pháp.
- Các cuộc huấn luyện cán bộ công giáo tiến hành được tổ chức từ 1991 ở Lyon là nơi mà các ban đại diện mục vụ Paris thắt chặt sự cộng tác và tình huynh đệ với các đại biểu của các cộng đoàn bạn công giáo Việt Nam khác.
- Các cuộc hành hương, đặc biệt là hành hương quốc gia Lộ Ðức 1995, đã là dịp để các giáo dân Giáo Xứ Việt Nam Paris gặp gỡ các giáo dân Việt Nam khác tại Pháp để cầu nguyện cùng Ðức Mẹ cho quê hương Việt Nam.
- Ở cấp vùng Paris, hàng năm Giáo Xứ Việt Nam Paris cùng các cộng đoàn Việt Nam khác tổ chức chung lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam và Lễ Lá.
1343. Với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
Ở buổi đầu, từ những năm 40 đến 75, Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam và Thừa Sai Công Giáo Việt Nam đều trực tiếp tùy thuộc hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội Việt Nam. Ngày 26.03.1951, các Cha tuyên úy và 60 hội viên liên đoàn đã biên thơ ‘tỏ lòng thành kính cùng các Ðức Cha và xin các Ðức Cha ban phép lành’.
- Theo thơ đề ngày 28.04.51, Cha Trần Thái Ðỉnh, chánh văn phòng tòa giám mục Bùi Chu biên cho Cha tuyên úy Trần Thanh Giản, ‘việc kiếm các Cha tuyên úy cho việt kiều Ba Lê sẽ được giải quyết trong kỳ hội đồng các Giám Mục tại Hà Nội đầu tháng 5 dưong lịch 1951’.
- Thời Cha Nguyễn Quang Toán làm giám đốc, nhiều việc tương trợ bác ái giúp các nạn nhân bão lụt và chiến tranh đã được thực hiện, đặc biệt cho địa phận Huế.
- Từ ngày lập, nhất là từ 1975 và hiện nay, Giáo Xứ là địa điểm đi lại của các giám mục, linh mục và tu sĩ Việt Nam khi các ngài có dịp qua Pháp. Ðã có lần (vào năm 1995) có tới cả chục Ðức Cha đến đồng tế cùng cầu nguyện với các giáo dân tại Giáo Xứ.
- Từ năm 1990, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã lập hội yểm trợ ơn gọi để góp phần cầu nguyện và tài chánh giúp các chủng viện tại Giáo Hội Mẹ Việt Nam.
- Ngoài ra ấn hành và phổ biến sách vở công giáo cũng là việc mà Giáo Xứ Việt Nam Paris góp phần trực tiếp với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong việc ‘làm cho Hội Thánh phổ quát nên hữu hình tại địa sở của mình’ (Hiến chế Hội Thánh, số 28B).
Ðọc qua mấy trang trên đây, chúng ta đã thấy rõ rệt rằng thân cây công giáo của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris quả thật đã và đang sinh sống và phát triển mạnh mẽ. Với một lịch sử non trẻ 60 tuổi đời, nó đang đi vào tuổi trưởng thành. Với một sức sống luôn vươn lên, Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris luôn tươi mát, luôn cải tiến. Sinh hoạt dồi dào, Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris biết suy nghĩ, tìm tòi để đưa cho mình một tổ chức hữu hiện và đơn sơ, thực tế mà trong sáng. Thân cây công giáo của Cây Văn Hóa Việt Nam tại Giáo Xứ Paris góp phần liên hệ với các cộng đoàn địa phương và quê mẹ, nuôi dưỡng văn hóa Âu Lạc và Bách Việt, bồi bổ văn hóa tam giáo Á châu và góp phần xây dựng văn hóa Âu Mỹ hiện đại.
* *
*
II. CÀNH LÁ CỦA CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM
TẠI GIÁO XỨ PARIS
Cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris gặp một môi trường thuận tiện, có đất mầu mỡ, có khí trong lành và có ánh sáng ấm áp, nhiệt độ ôn hòa. Ðó là văn hóa Pháp với ba nền tảng vững chắc. Nền tảng khoa học, ưa quan sát, suy nghĩ và thực nghiệm, với truyền thống Hy lạp. Nền tảng tổ chức xã hội theo luật pháp, có cấu trúc, có qui củ và trọng dân chủ, lấy nguồn từ truyền thống La mã. Nền tảng tâm linh, ưa cầu nguyện, chiêm niệm và bác ái lấy từ truyền thống Thiên Chúa giáo và đặc biệt là Công giáo.
Trong môi trường thuận lợi này, cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được trồng từ khoảng sáu chục năm nay, vào những năm 40 tại Paris. Thời gian mọc mầm đã kéo dài khoảng 40 năm. Từ 1980, nghĩa là từ 20 năm nay, cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris sinh nhiều cành, nảy nhiều chồi, với những chi nhánh và lá cành xum xuê, rộng lớn, nhìn thấy từ rất xa.
Giáo Hội Pháp và đặc biệt Ðịa phận Paris đã nhìn thấy cây văn hóa này phát triển và không ngừng khích lệ, vun trồng, tán thưởng. Tất cả những người Việt Nam ở Pháp, công giáo hay không, đều nhìn ra cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris này. Nhiều khi từ rất xa xôi, ở Mỹ, ở Úc, ở Nhật, ở Việt Nam, hương hoa của cây văn hóa này cũng tỏa lan ra, tàn bóng của nó cũng được nhìn thấy. Nhiều tài liệu văn hóa Giáo Xứ xuất bản đã được phổ biến khắp năm châu lục địa và ở Việt Nam. Một số nhà nghiên cứ văn hóa xã hội đã bắt đầu lưu ý đến Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Tất cả những cành, những nhánh, những lá, những chồi, những hoa, những lá của cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris đều chụm lại vào ba cành cả : xã hội, văn học văn nghệ và giáo dục.
21. Cành xã hội.
Ðây có lẽ là cành cả đầu tiên và lâu đời nhất của cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam trồng tại thành phố Paris. Nó có bốn nhánh : nhánh gặp gỡ, nhánh lễ hội chung, nhánh lễ giỗ tư và nhánh liên đới.
211. Nhánh gặp gỡ cơ bản hàng tuần.
Trong cuộc sống hằng ngày, sự gặp gỡ là một sự kiện, một nhu cầu và nhiều khi là mục tiêu. Từ sự gặp gỡ, tạo thành sự hội họp, sự lập nhóm. Sự gặp gỡ là hiện tượng đầu tiên và căn bản của mọi xã hội, và mọi đơn vị xã hội. Người Việt Nam ở Paris có nhiều dịp và nhiều môi trường để gặp gỡ nhau. Tại những quán ăn Việt Nam, tại những chợ Việt Nam...
Nhưng sự gặp gỡ có tổ chức hơn cả là sự gặp gỡ tôn giáo và đặc biệt là công giáo. Không kể những gặp gỡ chuyên biệt, tùy theo lễ hội, tùy theo sở thích, tùy theo năng khiếu, tùy theo nghề nghiệp, những gặp gỡ hàng tuần trong thánh lễ chủ nhật là dịp hâm nóng lại tình việt nam.
Một trong những ngày lễ buộc của người công giáo là đi lễ chủ nhật. Người công giáo việt nam ở Paris có thể đi dự lễ ở nhà thờ tây. Nhưng những lần có thể, người việt nam nào cũng muốn đi lễ ở Giáo Xứ, vì Giáo Xứ là nơi duy nhất ở Paris mà thánh lễ được cử hành cho người việt nam, bằng tiếng việt nam. Trước hoặc sau thánh lễ, thường có những cuộc gặp gỡ khác. Bên cạnh nhà nguyện nơi cử hành thánh lễ, thường có những căn phòng khác, như phòng thư viện, có nhiều sách báo việt nam, quán ăn, nơi bán chỉ những món ăn việt nam, phòng xã hội, nơi giúp giải đáp những khó khăn xã hội như việc làm, sức khỏe...
Thậm chí có nhiều người đi lễ không phải vì đi lễ, mà đi lễ để gặp người việt. Sự gặp gỡ như vậy rõ rệt là một hiện tượng văn hóa nền tảng. Không thể có văn hóa nếu không có gặp gỡ. Qua sự gặp gỡ, những thói quen, phong tục được củng cố, những sinh hoạt được nảy nở và phát triển. Qua sự gặp gỡ, ngôn ngữ được xử dụng và phát triển. Qua sự gặp gỡ, chủng tộc và nòi giống được luân lưu, được đụng chạm, được ý thức và được bảo tồn.
212. Nhánh lễ hội chung.
Ðây là một trong những nhánh xanh tươi và um tùm nhất của cây văn hóa việt nam tại giáo xứ. Nó đi từ quán ăn, tết nguyên đán, hai ngày thân hữu tháng năm hàng năm, tết trung thu cho thiếu nhi, lễ giáng sinh có triểm lãm hang đá, lễ cho toàn vùng Paris qua hai dịp lễ lá (tháng 3) và lễ các thánh tử đạo Việt Nam (tháng 9), hành hương, đại hội toàn quốc, đại hội châu âu, đại hội thế giới.
2121. Quán ăn chủ nhật
Ở Giáo Xứ Việt Nam, quán ăn đã được tổ chức từ những năm 1957-1958, khi giáo xứ còn ở số 32 Avenue de l’Observatoire, Paris 14. Từ năm 1968 được tiếp tục ở số 15 rue Boissonade, Paris 14 và từ năm 1998 ở số 2 Villa des Epinettes, Paris 17.
Năm 1973 tôi qua Pháp và tu nghiệp tại Lyon. Lúc đó Lyon đã có khoảng vài ba chục quán ăn việt nam. Nhưng chưa có hiệu bán thực phẩm việt nam nào. Cuối tuần những sinh viên việt nam chúng tôi luôn gặp nhau. Họa hoằn có bữa được một bạn trổ tài làm món ăn việt nam : thịt kho, bún chả. Nhưng thịt kho không có nước nắm. Bún chả không có nước mắm và làm bằng ‘spaghetti’. Ðến lúc ăn, họa hoằn có bữa được một bạn mang đến một chút nước mắm. Trước nhất, cho mọi người được hửi một cái. Sau đó cho mỗi người thò tay một cái, rồi mút một cái. Ôi chao, sao mà nó ngon thế ! Những lúc ấy, ai cũng ý thức rằng mình là việt nam, từ xương tủy, từ mắt mũi, từ miệng lưỡi.
Ðồ ăn việt nam, đối với người việt nam, quả là một nhu yếu phẩm văn hóa quan trọng. Giáo xứ việt nam đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa này. Ở quán ăn giáo xứ việt nam, hàng tuần, không những người việt có thể dùng bữa tại chỗ, mà còn có thể mua một vài thực phẩm khác để mang về dùng tại nhà. Hiện nay, mỗi trưa chủ nhật có khoảng ba xuất ăn : xuất 11 giờ, xuất 12 giờ 30 và xuất 13 giờ 30 khoảng trên dưới 60 chỗ, mà lúc nào cũng chật người. Với khoảng trên dưới 5, 6 euros, mỗi người có được một bữa ăn đầy hương vị Việt Nam và no lành.
Ngay trước cửa quán ăn có bày bán một số thực phẩm và bánh trái việt nam, nhiều người đã lợi dụng lễ chủ nhật để mua về một ít đậu hũ, một ít bánh chưng, bánh tét, bánh gai, bánh bao...
2122. Tết nguyên đán
Cũng như bất cứ người việt nam nào khác, người việt nam công giáo Paris, hàng năm hội họp lại để mừng tết nguyên đán. Tất cả các tục lệ việt nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.
Vào khoảng 20 giờ, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, khởi đầu bằng phần canh thức. Chữ canh thức được diễn tả rất đày đủ, bởi vì mọi người đều thức để mà đợi, đợi trong sự ôn lại tục lệ ngày tết, nhớ lại ông bà, đọc lại một vài trong sử quốc gia, trao đổi một số ý kiến dân tộc... có lẽ ít có đơn vị xã hội nào cử hành canh thức giao thừa một cách ‘văn vẻ như giáo xứ Balê’.
Sau phần canh thức là phần thánh lễ giao thừa. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì thường bắt đầu khoảng 21 giờ. Không kể những phần nghi lễ hoàn toàn công giáo, hai điểm rất độc đáo văn hóa việt nam. Ðó là phần lời nguyện. Tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau... Rồi qua bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, cha giám đốc, vì thường là cha giám đốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về ngững vấn đề cộng đoàn, dân tộc.
Kết lễ thường thường có hai phần rất ư là tết. Ðại diện giáo dân, ông chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các tu sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Rồi lời đáp từ của một linh mục cao niên nhất. Rõ rệt là chữ thọ được coi trọng trong ngày tết. Tiếp theo là phần lì xì trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được trao cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Gọi là nhỏ, chứ thực ra tò mò, tôi hỏi mấy em thiếu nhi, mấy em bật mí rằng khoảng trên dưới trung bình 1.000 euros. Và để kết thúc thánh lễ, tôi để ý từ mấy năm nay, luôn luôn thấy hát bài cầu cho gia đình.
Sau thánh lễ, mọi người đều được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân. Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Ðôi khi cảm động đến khóc. Mấy năm nay, thường có mấy cặp đã học khóa chuẩn bị hôn nhân đến chúc tuổi tôi vào lúc này ‘chúng em xin chúc tuổi thầy cô’. Rồi một vài học trò cũ ngày xưa ở Việt Nam, trong đó thỉnh thoảng có vài linh mục cũng đến kính cẩn thưa ‘em xin chúc tuổi thầy’.
Ngày mồng một tết nhiều năm vẫn phải đi làm. Với một tinh thần ‘đáo giang tùy khúc, nhập gia tùng tục’, một ngày chủ nhật gần, trước hay sau tết, sẽ được chọn để ăn tết chung, qua một bữa tiệc TÂN NIÊN trọng đại và đông đủ cho toàn cộng đoàn. Bà con họ hàng nhiều khi dành chỗ đến cả năm ba bàn, để cùng gặp nhau trong ngày tết, cho con cháu ăn uống chung và nhận biết anh em !. Và trước, hoặc sau đó, các địa điểm mục vụ, các hội đoàn và đơn vị mục vụ đều lần lượt tổ chức mừng tết riêng. Thành ra ngoài tết chung của giáo xứ, còn tết của Villiers le Bel, tết của Marne la Vallée, tết của Cergy, tết của Ermont, Sarcelles..., tết của Thiếu Nhi, tết của nhóm Taxi, tết của Nhóm Trẻ, tết của các lớp Pháp văn...
2123. Ngày thân hữu.
Ngày thân hữu được kéo dài trong hai ngày, thường vào tháng 5. Nếu Tết nguyên đán được tổ chức có tính cách lẽ nhiều, thì hai ngày thân hữu lại nặng tính chất hội. Vừa là một hội, một hội tự do, một hội vui chơi, một hội giải trí, một hội mua bán đồ vặt. Chả lạ gì khi tên khởi đầu của nó là hai ngày hội chợ : chợ áo quần, chợ sách vở, chợ đồ chơi, chợ thủ công nghệ, chợ thực phẩm, chợ dịch vụ,... Trên dưới ba bốn chục gian hàng, ai muốn mua bán gì túy ý. Qua trên dưới vài ba chục trò giải trí, các thanh thiếu niên có thể câu cá, chạy bao, ném tên,... Thành ra đúng là một cái chợ và là một ngày hội, kẻ mua người bán tấp nập, rồi bất cứ lúc nào, từ sáng sớm 9, 10 giờ đến chiều tối 18, 19 giờ, các gian hàng giải khát và quán ăn luôn luôn mở cửa. Người ta mời nhau uống một ly trà, ăn một miếng bánh, dùng một chén cơm. Bạn bè xa gần lợi dụng dịp này hẹn gặp nhau ở giáo xứ, cho các cháu nhỏ quen biết nhau.
2124. Tết trung thu
Là tết được tổ chức hàng năm cho các em thiếu nhi. Thường được tổ chức vào đầu năm học, khoảng giữa tháng 9, tết trung thu lồng trong khuôn khổ học hỏi tiếng việt là dịp để các em sống văn hóa việt nam một cách cụ thể. Làm đèn rưóc đèn, hát tướng quân, ăn kẹo, ăn bánh, chơi đùa vui vẻ với những trò chơi cổ truyền. Chuyện chú cuội, chuyện cây đa, chuyện chị Hằng các em đều biết cả. Nhiều câu ca dao liên hệ đến mặt trăng, đến thời tiết các em đều thuộc.
2125. Giáng sinh và triển lãm hang đá.
Lễ giáng sinh kỷ niệm việc Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người, giáng sinh tại hang Belem xứ Do Thái là một lễ trọng của người công giáo. Hàng năm có hai ngày đại lễ công giáo làm xao động nhiều tâm hồn giáo dân công giáo đó là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Ðược cử hành vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm, trong một bầu khí tưng bừng náo nhiệt và vui vẻ. Không những chỉ người công giáo mà cả những người không công giáo cũng đều cử hành lễ này. Nó là ngày lễ gia đình, tương tự như ngày tết nguyên đán của Việt Nam ta. Mọi phần tử gia đình đều tụ họp lại, gặp mặt nhau, chúc sức khỏe, hạnh phúc cho nhau. Vài ba tuần trước, ngay từ đầu tháng 12, những thiệp mừng lễ đã được gửi đi hoặc nhận được.
Ðối với người công giáo việt nam, ở quê nhà cũng như ở hải ngoại, ngày lễ Giáng Sinh thường được chuẩn bị ngay từ đầu tháng 12 với việc dựng hang đá, trang trí lại nhà thờ.
Làm một hang đá chung cho cộng đoàn thì năm nào cũng có tại Giáo Xứ Việt Nam. Thỉnh thoảng vào những lễ quan trọng như giáng sinh 25.12.1999, để đón mừng năm hai ngàn, năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, Giáo xứ đã tổ chức một cuộc thi triển lãm hang đá.
Từ tháng 8.1998, Ban Giám Ðốc giáo xứ đã thông báo : ‘Ðể kết hợp giữa văn hóa dân tộc việt nam và văn hóa công giáo, thể hiện đầy đủ tinh thần khó nghèo phúc âm nơi hang Belem, cùng niềm vui đại chúng quốc tế của đại lễ giáng sinh cho mọi tâm hồn thiện chí ; Ðể kỷ niệm 2000 năm ơn cứu chuộc, thiết tưởng không việc làm nào ý nghĩa hơn là ‘làm một hang đá với những nét độc đáo về văn hóa việt nam. Những ông bà nào và anh chị em nào có năng khiếu và sáng kiến, xin làm hang đá dự thi’. Lần lượt các hang đá dự thi được ghi tên. Và từ ngày 19.12.1999, các hang đá từ từ được xây dựng để triển lãm. Cả thảy 17 hang đá đã được thể hiện, trong đó một hang đá chung do giáo xứ làm và 16 hang đá dự thi.
Ði vào nhà nguyện, qua 17 hang đá, ai ai cũng nao nức. Nhiều người thổn thức :’Ôi chao, không lộng lẫy mà đẹp ! Ðẹp ơi là đẹp’. Ða số các hang đá đều được thiết kế theo y phục và kiến trúc việt nam, khiến nhiều người nghẹn ngào. Trước những túp lều tranh bé, bên sườn đồi nhỏ, thánh Giuse và Ðức Mẹ, khuôn mặt trẻ và y phục việt nam, quì hai bên Chúa hài đồng cuốn khăn việt nam, nhiều người rướm lệ :‘Năm nay thực sự mình mới ăn mừng lễ giáng sinh Việt Nam’.
Rồi vào chính tối 24 rạng 25, năm nào cũng như năm nào, vào nhà nguyện giáo xứ, một vẻ linh thiêng lạ thường. Khoảng từ 20 giờ là giờ cầu nguyện canh thức. Tổ chức của giờ cầu nguyện này không bị gò bó bởi lễ nghi, mà do sáng kiến tự do của ban phụ trách. Giáng sinh 25.12.99 do ban huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đảm nhận. Ðúng 20 giờ, mọi người trong nhà nguyện đều bỡ ngỡ vì tất cả ánh đèn, tất cả âm thanh đều tắt hết. Tối. Im lặng. Từ từ xuất hiện ba màn ảnh lớn với các hình ảnh diển tả lịch sử cứu chuộc. Giải thích và quảng diễn các hình ảnh là giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp và rõ ràng của ba xướng ngôn viên. Tất cả những lời quảng diễn này đã được in trong một tài liệu dầy 14 trang để sẵn từ trước, ở cổng lớn vào nhà nguyện, tùy ai cần, có thể lấy theo dõi. Sau giờ canh thức cầu nguyện là lễ nghi trọng thể kỷ niệm việc Chúa giáng sinh. Nhiều cha cùng đồng tế, trong đó có nhiều cha sinh viên từ việt nam qua du học tại Pháp đến dự. Nhà thờ chật ních, khoảng trên dưới 1.000 giáo dân. Và năm nào cũng vậy, ca đoàn giáo xứ và ban nhạc giáo xứ trình bày những bản nhạc rất sốt sắng. Nhiều người đi ra thánh lễ tâm sự với nhau : ‘Những bài thánh ca mà ban nhạc trình diễn và ban hợp ca đồng ca thật là tuyệt vời. Nhiều lúc trong thánh lễ tôi thấy lòng ngây ngất, đặc biệt với hai bài thánh ca vời vợi cõi lòng Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa ;... Trong hang Belem, ánh sáng tỏa ra tưng bừng...’
2126. Lễ lá cho vùng Paris.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng ba, trên tờ báo giáo xứ có đăng một thông báo đại cương như sau : ‘Cũng như hàng năm, thánh lễ mùa chay của anh chị em vùng Paris sẽ được tổ chức vào chủ nhật lễ lá, ngày... tại... Buổi lễ sẽ được diễn tiến như sau :
- 14 giờ tập họp - xưng tội - gẫm sự thương khó.
- 15 giờ làm phép lá - kiệu là - thánh lễ đồng tế.
- 16 giờ 45 lời cám ơn, giải tán.
Kính mời anh chị em đến tham dự, để dọn mình mừng Chúa Kytô phục sinh, với một tâm hồn thanh sạch, qua phép bí tích hòa giải.
Nhờ tờ thông cáo ấy, đoàn ngũ giáo dân lần lượt kéo nhau về giáo xứ vào đúng ngày chủ nhật lễ lá để cùng hội họp và dự lễ.
Từ 14 giờ, một cung giọng rất bi ai của cả ba miền Bắc, Trung, Nam được lần lượt cất lên qua 15 sự thương khó. Những ai từ lâu chưa được nghe điếu tang, thì có thể tìm thấy cung giọng ấy qua những bài ngắm 15 sự thương khó.
Có năm thay vì ngắm 15 sự thuơng khó, các huynh trưởng Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cộng tác với một đoàn thể khác thực hiện hoạt cảnh thương khó.
Sau ngắm hoặc hoạt cảnh thương khó, bắt đầu từ 15 giờ lễ nghi phụng vụ với lễ nghi làm phép lá, rồi thánh lễ trọng thể,… Thế là khởi sự một tuần lễ mà người công giáo gọi là tuần thánh. Tiếp theo chủ nhật lễ lá, là thứ năm tuần thánh, cử hành trọng thể ngày Chúa lập bí tích thánh thể và chức linh mục, kèm theo bài học khiêm nhường của lễ rửa chân. Chiều thứ sáu tuần thánh, suy ngắm và suy tôn đường thánh giá, nhắc nhở người giáo dân ‘Muốn vinh quang phải qua thánh giá’. Và chiều thứ bảy, lễ vọng phục sinh cũng được cử hành một cách trọng thể tương tự như lễ giáng sinh. Khác một điều là lễ giáng sinh kỷ niệm việc Chúa nhập thể, lễ phục sinh nhớ lại việc Chúa sống lại, và đặc biệt nhắc giáo dân ôn lại lời hứa trọng thể trong ngày lễ chịu phép rửa, nhắc giáo dân nhớ lại niềm tin của mình, tin vào Thiên Chúa, tin vào Giáo Hội.
2127. Lễ các thánh tử đạo vùng Paris.
Một năm hai lần, tất cả các tín hữu công giáo toàn hai mươi quận Paris và bảy tỉnh ngoại thành : Seine-et-Marne, Yvelynes, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne, Val d’Oise qui tụ về giáo xứ Paris, để hội họp và cử hành thánh hễ. Vào đầu mùa xuân, khoảng tháng 4, họ tụ tập để cử hành lễ lá và mở đầu tuần thánh. Rồi vào tháng 11, họ qui tụ cử hành lễ kỷ niệm các tiền nhân tử đạo việt nam, trong đó có 117 vị đã được Toà Thánh công giáo phong thánh. Sự tổ chức thường cũng giống như lễ lá, được xoay quanh hai phần : phần tập họp, xưng tội từ 14 giờ, rồi 15 giờ kiệu xương thánh các thánh tử đạo, tôn kính qua việc lạy bái, hôn xương thánh và tiếp theo là thánh lễ. Nếu vào chủ nhật lễ lá tháng tư, giáo dân giáo xứ hòa nhịp với giáo dân hoàn vũ để kỷ niệm tuần thương khó của Chúa Cứu Thế, thì vào chủ nhật tháng 11 kính các thánh tử đạo việt nam, giáo hữu lại đặc biệt hướng về quê cha đất tổ việt nam, để cùng chia sẻ nhửng giờ phút ban đầu khó kh#n của cuộc sống đạo công giáo ở Việt Nam. Và thường thường tình tự dân tộc được biểu lộ một cách rất cụ thể. Ngày 14.11.1999 trên dưới một ngàn giáo dân đã tụ họp về giáo xứ để mừng lễ các thánh tử đạo việt nam. Họ nhớ lại công ơn các thánh tổ tiên, nhớ lại Giáo Hội quê nhà. Ca đoàn trình diễn bài ‘uống nước nhớ nguồn’. Mọi người đáp lại lời mời gọi của Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng để cứu giúp nạn nhân bão lụt ở Việt Nam. Trong thánh lễ, một khoản tiền 35.000 frs đã quyên được và đã gởi về Việt Nam giúp các nạn nhân bão lụt.
2128. Các đại hội.
Gọi là đại hội vì các lễ hội này vượt trên khuôn khổ Giáo xứ, và vượt trên khuôn khổ vùng Paris. Nó có thể là đại hội toàn quốc, đại hội toàn châu hay đại hội toàn thế giới.
21281. Các đại hội công giáo việt nam ở Pháp.
Ở lãnh vực quốc gia, tức là nước Pháp, thường thường hàng năm hay ít nhất hai ba năm một lần, giáo xứ cộng tác với các địa điểm mục vụ công giáo Việt Nam khác toàn nước Pháp để tổ chức những cuộc gặp gỡ cho giáo dân việt nam trên nước Pháp. Ba loại đại hội quốc gia đã từng được tổ chức từ nhiều năm nay.
Ðại hội hành hương Lộ Ðức thường được tổ chức hàng năm vào khoảng trước sau 15 tháng 08 cho toàn thể giáo hữu : giáo sĩ cũng như giáo dân. Ðây là dịp mà hàng trăm, có khi hàng ngàn các giáo dân việt nam tại Pháp, và nhiều khi từ nhiều nước khác nữa, qui tụ về thành phố Lộ Ðức, cùng với cả mấy chục ngàn giáo dân hoàn cầu để gặp nhau, cầu nguyện với nhau dưới sự phù trợ của Ðức Mẹ Lộ Ðức.
Ðại hội toàn quốc ban mục vụ giới trưởng thành
Từ 12 năm nay, cứ vào cuối tuần Lễ Chúa Giêsu Lên TrờI, một Ðại hội toàn quốc Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã được tổ chức cho các đại diện của các cộng đoàn công giáo việt nam tại Pháp. Trên dưới hàng năm khoảng 50 ông bà đại diện tất cả 32 địa điểm mục vụ việt nam tại Pháp cùng tề tựu về gặp nhau để sưởi ấm lại tinh thần công giáo tiến hành, nhìn lại việc làm đã qua, phác thảo chương trình cho tương lai và cùng học hỏi về một đề tài chuyên biệt.
21282. Ðại hội công giáo việt nam Âu châu.
Một đại hội công giáo việt nam đã được tổ chức cho toàn Âu châu từ thứ sáu 02.08 đến chủ nhật 04.08.2002 tại Lộ Ðức. Mục tiêu chính là để :
- tạo bầu khí hiệp thông để sống và loan báo tin mừng trong môi trường hiện tại.
- gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm và sáng kiến mục vụ tại mỗi quốc gia.
- Nhận diện những thực tại và những nhu cầu mục vụ mới, nhằm tiến tới định hướng mục vụ chung cho tương lai.
- Hành hương kính Ðức Mẹ Lộ Ðức
Từ bốn mục tiêu căn bản do ban tổ chức đưa ra như trên, một sinh hoạt cụ thể đã được qui định, trong đó có 3 buổi thuyết trình và hai buổi hội thảo. Ba đề tài chính đã được thuyết trình là : 1. Giới thiệu các cộng đoàn công giáo việt nam tại Âu châu ; 2. Niềm vui sống đạo, những yếu tố làm sống cộng đoàn ; 3. Nhìn về tương lai của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Âu châu ; Một giờ thảo luận dành cho giới trẻ về đề tài ‘Tinh thần hiệp thông của người trẻ’. Một giờ trao đổi dành cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh về hai đề tài : 1. ‘Sống hiệp thông trong đời sống tận hiến’ ; 2. ‘Sống hiệp thông giữa các cộng đoàn’. Trên ba ngàn người công giáo việt nam từ 12 quốc gia Âu châu đã hồ hởi tiến về Lộ Ðức để tham dự đại hội công giáo việt nam Âu châu này.
21283. Ðại hội công giáo việt nam thế giới.
Lần đầu tiên một đại hội việt nam công giáo thế giới đã được tổ chức tại Roma là năm 1988, dịp lễ phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam. Trên 15.000 người việt nam khắp năm châu đã về dự đại hội này.
15 năm sau, từ ngày 24 đến 27.07.2003, một đại hội việt nam công giáo thế giới lần thứ hai cũng đã được tổ chức tại Roma. Ðã có khoảng trên 10.000 người về tham dự. Với chủ đề ‘Hội ngộ niềm tin’, tuần hội ngộ Roma
1. Ghi nhớ 470 năm tin mừng được rao giảng trên quê hương việt nam.
2. Nhìn về lịch sử, về đời sống đạo, về cánh tuyên chứng đức tin.
3. Chung sức ra khơi, chung sức xây dựng cộng đồng công giáo việt nam hải ngoại, để nó thực sự trở thành một cộng đồng đức tin, cộng đồng truyền giáo, cộng đồng con cháu các thánh tử đạo việt nam.
21284. Ðại hội giới trẻ thế giới.
Ðây là đại hội đã được Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập từ năm 1986 (ngày 23.03) để mời gọi giới trẻ nhận thức trách nhiệm hầu cùng xây dựng một thế giới mới bằng tình yêu thương và đoàn kết. Chủ đề của đại hộ giới trẻ lần thứ 12 tổ chức tại Paris từ 19 đến 24.08.1997 với đề tài ‘Thưa Thầy, thầy ở đâu ? - Hãy đến mà xem’ đã qui tụ trên 1.500.000 các bạn trẻ khắp thế giới. Ðại hội thứ 15, cử hành tại Roma ngày 20.08.2000 qui tụ trên 3.000.000 bạn trẻ. Ðại hội mới nhất, từ 23 đến 28.07.2002 tại Toronto đã lấy chủ đề ‘chúng con là ánh sáng cho thế gian - Chúng con là muối cho đời’. Trong hầu hết các đại hội này, các bạn trẻ việt nam công giáo khắp thế giới đều đông đảo về dự.
Trong đại hội thứ 12 tại Paris từ 19 đến 24.08.1997, khoảng 1.000 bạn trẻ việt nam đến từ nhiều quốc gia : Úc, Mỹ, Anh, Ðan Mạch, Ðức, Hóa Lan, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Ý... Người bạn trẻ việt nam công giáo đã gặp nhau trên một điểm trụ tại nhà thờ St. Jean Baptiste de Grenelle, quận 15 để học hỏi giáo lý, cầu nguyện và tại nhà các cha Thừa sai quận 6 để trình diễn văn nghệ và trao đổi về các nét dân tộc chung với các bạn trẻ á châu khác.
2129. Hành hương.
Mỗi năm nhiều cuộc hành hương đã được tổ chức. Tất cả đều xoay quanh những địa điểm sau đây : Lộ Ðức, Thánh địa Giêrusalem, Tòa thánh La mã, Fatima, Lisieux, Loyota, Avila, Vatiago de Compostale, Monltigeon v.v...
Tất cả những cuộc hành hương ấy đều có cùng một mục đích là hâm nóng đức tin, tạo tình đoàn kết giữa những người đồng hương và đồng đạo.
213. Nhánh lễ giỗ tư
Gọi là tư, nhưng những lễ giỗ này rất ư là xã hội và văn hóa, vì nó biểu hiện cách sống cụ thể nơi tư gia của những thành viên của nhóm xã hội nhỏ. Trong nhóm xã hội giáo xứ, các thành viên thường tổ chức bốn nhóm lễ hoặc giỗ tư này : sinh đẻ, cưới hỏi, tang chế, giỗ. Cả bốn lễ giỗ này đều xa gần dính líu đến giáo xứ vì trong cả bốn lễ giỗ này đều có sự tham dự của đại diện giáo xứ : lễ rửa tội, lễ cưới, lễ an táng, lễ giỗ.
2131. Các lễ liên hệ đến sinh đẻ.
Sinh đẻ là một hiện tượng sinh học, nhưng nó trở thành hiện tượng văn hóa vì nó được kèm theo những lễ nghi xã hội. Ðối với người công giáo, lễ nghi đi theo sự sinh đẻ là lễ rửa tội. Qua lễ rửa tội, đại diện cho hài nhi, bậc cha mẹ xin cho nó được gia nhập Giáo Hội, xin thề từ bỏ sự dữ và xin tin vào Thiên Chúa, tin vào sự sống vĩnh cửu, tin vào Giáo Hội. Qua lễ rửa tội, gia đình qui tụ lại bên một đại diện của Giáo Hội, đại diện của cộng đoàn, cùng hân hoan chào mừng sự vào đời của hài nhi và chào mừng sự gia nhập Giáo Hội của nó. Thường thì lễ rửa tội được cử hành một cách riêng tư, giữa những người thân mật của gia đình.
Ðặc biệt ngày đầu năm của thiên niên kỷ mới, ngày 01.01.2000, để mở đầu năm đạo thánh, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ đã vui mừng và cảm tạ dâng lễ chúc 26 em nhỏ được lãnh bí tích rửa tội, do đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt và đức ông Giuse Mai Ðức Vinh cử hành.
Rồi hàng năm, tại tư gia, bậc phụ huynh thuờng tổ chức lễ sinh nhật cho các em. Ðây là dịp để hội họp gia đình và bạn bè của cha mẹ cũng như của các em nhỏ. Lễ sinh nhật này hầu như được mọi gia đình việt nam tổ chức. Ðây có lẽ là thói quen mà các gia đình việt nam bắt chước các gia đình âu mỹ.
2132. Lễ cưới hỏi.
Người việt nam ai cũng coi trọng gia đình. Người việt nam công giáo lại còn nhấn mạnh thêm sự quan trọng của gia đình bằng việc chuẩn bị tinh thần cho đôi lứa một cách nghiêm chỉnh và cử hành lễ nghi một cách trang trọng truớc sự chứng kiến của đôi bên hai họ và của linh mục đại diện giáo hội.
Lễ cưới công giáo tại nhà thờ thường được cử hành sau lễ nghi dân sự tại tòa thị chính. Tùy theo đôi tân hôn muốn cử hành trọng thể hay không, muốn mời nhiều, mời ít, muốn làm to làm nhỏ, lễ cưới có thể chỉ có sự hiện diện của những người thân thiết gần gủi, hay được mở rộng ra nhiều hơn trong các thành viên của cộng đoàn. Hàng năm, hai mùa nhiều đám cưới hơn cả là mùa hè và mùa tết, với số trung bình khoảng hai ba chục đôi mỗi mùa.
Cũng một thứ ảnh hưởng xã hội âu mỹ, nhiều cặp tân hôn kỷ niệm sinh nhật hôn lễ hàng năm. Và riêng trong khuôn khổ giáo xứ, kể từ năm 1996, cũng hàng năm vào lễ Thánh Gia, sau giáng sinh, một lễ kỷ niệm hôn phối cho các phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh kỷ niệm 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60... năm hôn phối.
2133. Tang chế.
Một tín hữu ở trong giáo xứ, giáo dân hay giáo sĩ, khi qua đời, thường thường có nhiều nghi lễ sẽ được cử hành.
Trước nhất là tang lễ. Bất kỳ ai trong cộng đoàn khi qua đời, đều được quyền xin một đại diện trong ban giám đốc đến cử hành tang lễ. Tang lễ có khi đơn giản tại nghĩa trang, hoặc trọng thể hơn được cử hành trong một nhà nguyện, rồi ngoài nghĩa trang.
Song song với tang lễ, trong tháng qua đời, trên báo giáo xứ thường xuất hiện những thiệp báo tang, những lời phân ưu, phúng điếu, những lời cảm tạ. Ðối với những người có công tham gia nhiều vào các sinh hoạt của giáo xứ, hoặc của Giáo Hội, người ta đọc được trên báo giáo xứ một đôi bài tưởng niệm. Ðó là trường hợp những bài tưởng niệm về Cha Lượng, thành viên ban giám đốc lâu năm, bài tưởng niệm về Cha Tín có công đào tạo nhiều giáo sĩ cho Giáo Hội việt nam và tham dự nhiều vào việc đào tạo giáo dân tại giáo xứ trong nhóm thần học giáo dân. Bài tưởng niệm về sư huynh Trần Văn Nghiêm, nguyên khoa trưởng phân khoa sư phạm đại học Ðà Lạt, đã tích cực tham gia nhiều trong ban thần học giáo dân và làm cố vấn nhiều nhiệm kỳ trong Hội Ðồng Mục Vụ. Bài tưởng niệm ông Nguyễn Tiến Ðạt, nguyên thủ quỹ nhiều nhiệm kỳ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ. Bài tưởng niệm ông Trương Thành Khán, cán bộ tích cực của phong trào Cursillo. Bài tưởng niệm linh mục Thanh Lãng, Ðinh Xuân Nguyên. Bài tưởng niệm đức ông Nguyễn Văn Lập, cựu viện trưởng viện đại học Ðà Lạt. Bài tưởng niệm đức hồng y Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình tại Tòa Thánh.
Ngoài ra, trong các lễ giỗ, và nhất là giỗ trăm ngày, giỗ năm, kín đáo hơn, tư riêng hơn, nhưng hầu như luôn luôn được các gia đình cử hành bằng cách xin một thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố. Mỗi lễ chủ nhật thường nghe rao ý chỉ thánh lễ là vậy.
214. Nhánh liên đới
2141. Ý tưởng nền tảng
Liên đới là hướng đi chung của xã hội hôm nay. Con người liên đới với nhau trong mọi phạm vi sinh hoạt, chính trị, xã hội, kinh tế văn hóa và tôn giáo ; trong mọi hình thái tập thể, quốc tế, châu lục, quốc gia, sắc tộc, cộng đồng, cộng đòan, ngành nghề, giới phái, lứa tuổi ... «Liên đới huynh đệ» là câu nói đầu lưỡi của con người từ sau đại chiến thứ hai, và đặc biệt từ đầu niên kỷ này. Vì thế, không lạ gì Công Ðồng Vatican II (1960-1965) đã nhiều lần nhấn mạnh đến tinh thần liên đới mà người công giáo phải ý thức và phải thực hiện. Không thể trích dẫn tòan vẹn, chúng ta tóm lược giáo huấn của Công Ðồng như sau :
«Thiên Chúa đã tạo dựng con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết trong xã hội (MV 32). Ngày nay hơn khi nào hết, thế giới ý thức rằng mọi người đều phải tùy thuộc lẫn nhau trong tinh thần liên đới cần thiết (MV 4). Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như là một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay (MV 30). Vì thế Giáo Hội luôn tìm cách thiết lập nền tảng vững chăùc cho nền liên đới xã hội (MV 89). Người kitô hữu phải tìm cách dung hòa sáng kiến cá nhân với tình liên đới và với những đòi hỏi của tòan thể xã hội (MV 75). Người giáo dân phải liên kết với đồng bào mình để làm triển nở mối liên kết mới về hiệp nhất và về tình liên đới với hết mọi người (TG 21). Người Kitô hữu phải biến ý nghĩa hiện đại về tình liên đới thành khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ (TÐ 1). Tóm lại, trong Giáo Hội, giáo dân phải liên đới với nhau như các chi thể trong một nhiệm thể (GH7). Tình liên đới đích thực và cao độ ấy phải được thể hiện cụ thể và lâu bền trong Dân Chúa (GH 13), trong mỗi Cộng Ðoàn (MV 32)».
Trong Cộng Ðoàn Việt Nam hải ngoại, bất cứ ở châu lục hay quốc gia nào, chúng ta đã có nhiều hình thức liên đới cơ bản : Liên đới trong niềm tin, liên đới trong tình tự dân tộc, trong ngôn ngữ và văn hóa, liên đới trong hoàn cảnh sống tha hương nơi xứ người, liên đới trong một đoàn thể công giáo tiến hành... Chính nhờ những mối tình liên đới đó mà cộng đoàn chúng ta thành hình, sống mạnh, có thể trở thành một cộng đòan hay một giáo xứ sinh động ngang hàng và còn hơn bao nhiêu cộng đòan hay giáo xứ địa phưong hay sắc tộc khác... Thế nhưng, hôm nay chúng tôi muốn đề nghị một hình thức liên đới khác, được coi như một sinh hoạt mục vụ thích ứng với tinh thần và nếp sống của người kitô hữu Việt Nam hải ngoại hiện nay : Liên Ðới Nghề Nghiệp.
Sau 27 năm sống tại xứ người, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc ... nhờ ơn Chúa và với sự cố gắng riêng, chúng ta đã an cư lạc nghiệp. Nghĩa là mỗi người đã có một công ăn việc làm, nói khác đã có «một nghề». Và trong cộng đoàn lớn, nhiều người làm một nghề giống nhau : nghề buôn bán, nghề vi tính, nghề trưng sửa nhà cửa, nghề y tá... Tùy theo từng nơi, nhưng với kinh nghiệm mục vụ tại Paris, chúng tôi tạm phân loại thành 5 ngành :
. Xây Dựng gồm : chuyên viên ngành Chỉnh-Trang (renovateur), ngành Ðiện, ngành Khóa cửa, ngành Nước-Sưởi, ngành Mộc, ngành Sơn ...
. Doanh Thương gồm nhà Hàng Ăn, Tiệm May, Giặt ủi, Sửa quần áo, Quán Càphê, Cây xăng, hãng sửa xe, Cửa tiệm....
. Dịch Vụ gồm các loại chuyên viên Ngân Hàng, Vi Tính, Ðiện Tử, Kế Toán, Cơ Khí, Thủ Kho, Bán Hàng, Thu Ngân, Thợ May, Thư Ký, Công Chức, Y Tá....
. Chuyên Gia gồm Kỹ Sư, Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Luật Gia, Tư Vấn....
. Thân Hữu Taxi gồm những người sống bằng nghề lái Taxi. Riêng tại Paris có tới 50 người Công Giáo Việt Nam lái Taxi giữa hàng trăm người Việt Nam chạy Taxi và ước chừng 500-600 người Á châu sống bằêng ngành nghề Taxi này. Vì thế đây là một môi trường tông đồ giáo dân rất chuyên biệt và thực tế
Giáo dân trong Cộng Ðoàn làm nhiều ngành nghề khác nhau và dĩ nhiên nghề nào cũng cao qúy, vì «nhất nghệ tinh, nhất thân vinh». Trong sinh hoạt cộng đoàn, họ đã có nhiều cách liên hệ với nhau rất thân thiết, như các Cursilistas, các hội viên Legio, các thành viên Ca Ðoàn... nhưng trong phạm vi nghề nghiệp, họ chỉ mới biết nhau cách lẻ tẻ, thân quen riêng, chứ chưa có dịp để gặp gỡ theo khuôn khổ và tinh thần cộng đoàn, để biết nhau hơn, thân nhau hơn và chia sẻ với nhau về nghề nghiệp. Ðang khi đó ai cũng biết tại xứ người mọi khía cạnh đều phức tạp : ngôn ngữ, tâm lý, kỹ thuật, luật xã hội, tương quan với chủ nhân, với bạn đồng nghiệp... Hơn thế, là người công giáo, người giáo dân có thể nhiều hay ít, thường xuyên hay thỉnh thỏang, gặp những vấn đề trực tiếp hay liên hệï đến đức tin và đến lương tâm kitô giáo trong ngành nghề. Liên đới nghề nghiệp có thể là một hình thức «Mục Vụ dành cho Người Trẻ». Bởi vì các bạn trẻ Việt Nam ở khắp nơi rất thành công trong việc học để có một nghề sống. Giai đoạn đầu tiên bước vào nghề nghiệp, các bạn trẻ cần được liên đới chia sẻ về nhiều phạm vi, kể từ « cách tìm việc ». Ðây cũng là giai đoạn có nhiều ảnh hưởng không thuận lợi cho đời sống đức tin, đời sống luân lý của người trẻ, nhất là khi họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên đường đời. Ngay buổi đầu, người trẻ cần được chỉ dẫn và nâng đỡ bởi các bậc đàn anh... để sau đó, đến lượt họ, họ sẽ chỉ dẫn cho các bạn trẻ đàn em của họ. Ðó, một khùia cạnh mục vụ rất quan trọng hàm súc trong tổ chức Liên Ðới Nghề Nghiệp của một Cộng Ðoàn. Ý nghĩa mục vụ của Liên Ðới Nghề Nghiệp quá sâu rộng, chúng ta khó múc ra hết và trình bày đầy đủ.
2142. Ðại hội liên đới nghề nghiệp
Trên đây là những ý niệm căn bản mà Linh mục Mai đức Vinh và Giáo sư Trần Văn Cảnh đã suy nghĩ từ những năm 1996, 1997 và đã trình bày cùng cộng đoàn qua báo Giáo Xứ Việt Nam, số 192, ngày 01.04.2003. Trên nền tảng của những ý tưởng này, đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ nhất đã dược tổ chức vào ngày 01.05.2000, với gần 200 người tham dự, gồm các anh chị em thuộc các nhóm Chuyên Gia, Dịch vụ, Doanh Thương, Thân Hữu Taxi và xây Dựng.
Chào mừng Ðại Hội : Luật sư Lê Ðình Thông đã nêu bật ý nghĩa của ngày Liên Ðới và tuyên bố rằng: Cũng trong giờ này, bên Roma Ðức Thánh Cha đang cử hành Ngày Năm Thánh với giới lao động. Trong khuôn khổ Giáo xứ, dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse thợ, chúng ta bắt đầu Ðại hội Liên Ðới Nhgề Nghiệp, qui tụ 5 nghành nghề: Chuyên gia, Dịch vụ, Doanh thương, Thân hữu Taxi và Xây dựng. Lời tuyên bố vừa xong, thì trên màn ảnh xuất hiện một bên hình Thánh Giuse và bên kia chương trình đại hội. Thật đẹp và nhịp nhàng. Lập tức, hội trường đứng lên vỗ tay chào mừng.
Mở đầu đại hội, Ðức Ông Giám đốc Mai Ðức Vinh nồng nghiệt khen ngợi sự có mặt của mọi người mới quí và đáng kể cho đại hội. Ðức Ông nhấn mạnh đến mục đích mục vụ của liên kết những người trong cộng đoàn làm chung một nghề. Yếu tố thành công là đoàn kết để xây dựng.
Là người đứng ra tổ chức đại hội, Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách nói mục đích của ngày gặp gỡ là họp mặt, tiếp xúc và trao đổi. Giáo xứ muốn cho các nghành nghề liên kết với nhau là để đáp lại lời yêu cầu của ÐHY Tổng Giám mục giáo phận Paris Thực hiện trong năm 1999, là Năm Bác Ái. (xin xem Thư ngỏ của Ban Giám Ðốc và Hội Ðồng Mục vụ, đăng trong báo Giáo Xứ với chủ đề Năm Bác Ái, số 151, ngày 1/ 3/1999, trang 16-18)
Bác Sỹ Nguyễn Ngọc Ðỉnh, chủ tịch HộI Ðồng Mục Vụ, công bố nêu lên tính cách hữu lý của sự liên đới nghề nghiệp và công bố Ban đại diện các nhóm. Giáo xứ là của mọi người và mọi người đều được tôn trọng và có chỗ đứng. Giáo xứ nơi không còn phân biệt tuổi, giai cấp, nghề nghiệp. Mà là nơi hiểu biết nhau, làm quen, trao đổi, tương trợ và cầu nguyện. Tổ chức Liên Ðới Nghề Nghiệp là sinh hoạt mới, để ‘nối vòng tay lớn’ và hợp quần gây sức mạnh’ cho tương lại cộng đoàn. Sau đây là đại diện các nhóm nghề nghiệp:
Nhóm Thân hữu Taxi được biểu dương đi tiên phong đã hoạt động từ 3 năm nay.
Ðại diện: Anh Nguyễn Minh Dương, Phó đại diện: Anh Trần Xuân Lâm. Ban Ðồng hành: ÐÔ Mai ÐứcVinh
Nhóm Chuyên gia: Ðại diện: Anh Lương Công Bình, Phó đại diện: Anh Võ Thành Nhân, Thư ký: Chị Lê Xuân Phương, Thủ qũy: Anh Ðoàn Anh Tuấn. Ban Ðồng Hành: Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, thầy Nguyễn Văn Thạch, Ô. Nguyễn Ngọc Ðỉnh, Lê Ðình Thông.
Nhóm Doanh thương: Ðại diện: Anh Ðỗ Văn Hoà, Phó đại diện: chị Kim Hạnh, Thư ký: Anh Nguyễn Văn Sáng, Thủ qũy: Chị Phạm Sơn Hải. Ban Ðồng hành: Cha Nguyễn Văn Cẩn, thầy Phạm Bá Nha, Ô. Ngô Triệu Hùng.
Nhóm Dịch vụ: chưa có đại diện. Ban Ðồng hành: Cha Trần Anh Dũng, Chị Mỹ Phước, chị Ðào Kim Phượng.
Nhóm Xây Dựng: Ðại diện: Anh Ðặng Hoài Sơn, Phó đại diện: Anh Phạm Văn Nam, Thư ký: Anh Phan Quốc Minh. Ban Ðồng hành: ÐÔ. Mai Ðức Vinh, Ô. Nguyễn Văn Thơm, Trần Khắc Ðạt.
Ðại hội vỗ tay nhiệt liệt chào mừng các đại diện. Sau đó đọc chung Lời Nguyện Năm Thánh do ÐTC biên soạn cho ngày Năm Thánh với Giới Lao Ðộng tại Roma, ngày 1-5-2000.
Kết quả : Giáo sư Trần Văn Cảnh đã sơ kết kết quả của đại hội như sau: Ðến với đại hội là theo lời mời của giáo xứ. Liên kết nghề nghiệp để duy trì văn hóa dân tộc, để củng cố niềm tin công giáo. Ðại hội rất hào hứng, có bầu khí thân thiện, cởi mở, khích lệ nhân tài, học hỏi kinh nghiệm. Rất mong một năm họp một lần.
Thành công của đại hội kết quả thật tốt đẹp, như lời Ðức Ông Mai Ðức Vinh nói: Tất cả đều là hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn và cho từng người. Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhưng quan trọng hơn hết là cần có nhân hòa. Những ngày tới, đi vào sinh hoạt từng nhóm, kết quả hay không là do thực tâm, thiện chi mỗi người đóng góp cho công việc liên kết tình anh em với nhau.
Như bức tranh vừa phác họa ở trên, con người xã hội của người công giáo việt nam Paris được tô đậm bằng bốn nét chính. Nét gặp gỡ, nét hội họp, nét lễ hội và nét liên đới. Bốn nét ấy không phải tự nhiên mà thành hình. Bốn nét ấy đã được cả một cộng đoàn nhiều n#m và dầy công suy nghĩ, thiết kế, phác thảo và tổ chức. Cộng đoàn giáo xứ và giáo dân, qua bốn sinh hoạt này, gần như đồng hóa với nhau, khác điều là cộng đoàn là cái bình chứa, còn người giáo dân là chất chứa. Cộng đoàn là cái tổ chức, giáo dân là cái sống động.
Cộng đoàn giáo xứ Paris cũng như người việt nam công giáo Paris có tâm hồn rộng mở, chào đón, tiếp đãi mọi người. Giáo xứ Việt nam Paris cũng như giáo dân Việt nam Paris hội họp chung với nhau qua những ngày hội chung của dân tộc, những ngày hội chung của giáo hội và những ngày hội chung (riêng) của giáo xứ. Giáo xứ và giáo dân Việt nam Paris đặc biệt tôn trọng ba loại lễ : các lễ liên hệ đến việc sinh đẻ, các lễ liên hệ đến cưới hỏi, lập gia đình và các lễ liên hệ đến tang chế giỗ lạp. Các giáo dân Việt nam Paris muốn sống liên đới huynh đệ với nhau, giữa những người cùng cộng đoàn, với những người họ gặp hàng ngày trong công việc làm #n sinh sống, với đồng bào Việt nam sống trên đất Mẹ.
22. Cành văn nghệ văn học.
Từ những gặp gỡ, những lễ hội chung, những lễ giỗ tư và những liên đới, là những biểu lộ văn hóa thường ngày, nặng tính cách tập tục và thiên về giao thiệp truyền khẩu, nảy sinh ra những sinh hoạt văn hóa khác, hướng nhiều về sự sáng tạo, đặt nặng những bảo tồn, những ghi nhận, những chữ viết. Ðó là cành cả văn hóa thứ hai tại Giáo xứ Việt nam Paris : cành văn nghệ và văn học. Năm nhánh chính đã phát sinh từ cành này đó là nhánh văn nghệ, báo chí, thảo luận, xuất bản ấn loát và thư viện.
221. Văn nghệ
Văn nghệ, theo nghĩa gốc, bao gồm cả văn học và nghệ thuật, vừa thỏa mãn trí tuệ vừa thảo mãn tình cảm. Trong ngôn ngữ thông dụng hàng ngày, chữ văn nghệ có một nghĩa hạn hẹp hơn. Nó thường bao gồm những bộ môn nghệ thuật thính thị : ca hát, nhạc thơ, kịch tuồng, nhảy múa, v.v. Ði dự một buổi văn nghệ, ta sẽ có thể được nghe ca tân nhạc, hát vọng cổ, ngâm thơ, cải lương, hài kịch, bi kịch, múa nón, múa lân, v.v...
Ðây là một hình thức nghệ thuật rất nặng tính chất tình cảm, nhưng không thiếu căn bản lý sự của trí tuệ. Lịch sử đất nước văn minh dân tộc... vẫn là những chủ đề lớn, trên đó xây dựng những màn kịch, màn múa, khúc ca, bài nhạc...Ai có thể quên được những buổi văn nghệ độc đáo ‘Giữ thơm quê Mẹ’ năm 1986, ‘Uống nước nhớ nguồn’ năm 1997 ?
Văn nghệ ở Giáo xứ Việt nam thường được đoàn thiếu nhi Thánh Thể đảm nhận. Văn nghệ tết Nhâm Ngọ 2002 dẫn thính khán giả trở về nguồn cội của dân tộc với chủ đề ‘Thiếu nhi Việt Nam con rồng cháu tiên’, gồm 3 màn chính :
- Vở kịch : ‘‘Có bao giờ em hỏi’’. Nội dung : trong lớp, một em bé VN ‘‘bị quê’’, vì không trả lời được câu hỏi của cô giáo về lịch sử VN. Em buồn về nhà, em được bà kể cho nghe bài sử đầu tiên là ‘‘Con Rồng cháu Tiên’’.
- Hoạt cảnh ‘‘Sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ’’ nhắc con cháu VN dù ở đâu thì cũng có nguồn có gốc : Anh em ta cùng mẹ cha. Nhớ chuyện cũ tích xưa khi thế gian còn mù mờ. Tay nắm tay, mình gặp mình... Vui ca lên anh em cùng họ hàng.
- Và hoạt cảnh ‘‘Bánh Chưng Bánh Dày’’. Hình vuông hình tròn của hai loại bánh gợi tình keo sơn từ trong xóm làng lan rộng đến xứ sở quê hương.
Lồng vào khung cảnh dân quê có các bản múa : Xuân muôn thuở, Hoa cỏ mùa xuân. Các bản đồng ca Xuân Ca, Mẹ trăm con. Nhóm đàn tranh học trò của cô Phương Oanh đóng góp hai bài : Cung đàn dâng Cha và Lối về xóm nhỏ. Năm nay, đảm trách diễn văn nghệ đa số là các em nhỏ. Các huynh trưởng giữ vai trò tổ chức. Nhưng các em nhỏ múa, trình diễn nhẹ nhàng, tự nhiên, dễ thương. Chính những điểm này mà cha mẹ mới thấy con cái mình mau lớn, ngoan để đặt trọn tín nhiệm nơi các huynh trưởng và giáo lý viên.
Phần giải lao, cha mẹ phụ huynh chiều con, thì đã có sẵn chả giò, mỳ sáo, gỏi cuốn, bánh mỳ thịt,... Khi con đòi : Maman, j’ai faim. Bà mẹ trả lời ngay : Ăn gì, mẹ đi mua nào ? Và còn nhiều câu đối đáp khác thật vui. Khi con nói tiếng Pháp, mẹ trả lời bằng tiếng Việt. Hai bên đều hiểu.
Kết thúc, tốp ca của huynh trưởng vây quanh cha Sách, đứng đầy sân khấu đồng ca liên khúc Xuân dân ca, kết hợp thành lời chúc mọi người ra về : Ta chúc nhau một mùa xuân ấm êm, và chúc mọi người một năm mới bình an. Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người.
Trước và sau văn nghệ, ai cũng hài lòng vỗ tay tán thưởng tài nghệ của ông Thơm và ông Hòa đã dầy công dàn dựng sân khấu bằng sắt, thật chắc chắn.
Trước đó một năm, vào tết 2001, khán thính giả lại được sống với những thực tại hôm nay với chủ đề Gia đình bác Tâm từ Pháp về Việt Nam ăn tết.
Ngoài văn nghệ tết chung cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ việt nam tại paris, còn có những văn nghệ tết riêng cho từng địa điểm hoặc từng hội đoàn.
Và trong năm còn có những văn nghệ đặc biệt khác, tùy theo sinh hoạt và tùy theo những biến cố của cuộc sống. Năm 1988 trình diễn màn vũ xuất sắc được khắp các cộng đoàn việt nam trên thế giới ngưỡng mộ :’Anh hùng tử đạo’ dịp phong thánh tại Roma cho 117 anh hùng tử đạo việt nam. Năm 1995 tại đại hội hành hương Lộ Ðức với nhạc kịch ‘Tấu lạy Bà’ ‘Hoạt cảnh thương khó’ vào chủ nhật lễ lá 24.03.2002. Ngày 17.12.2000 một buổi văn nghệ độc đáo và đặc sắc đã được tổ chức. Ðó là Hội diễn thánh ca : 2000 năm cho một thế giới mới.
222. Báo chí.
Báo chí là một trong những sinh hoạt kỳ cựu nhất của giáo xứ. Nó cũng là một trong những sinh hoạt rất sầm uất và rất cập nhật. Báo có thể là báo trên giấy hoặc trên máy điện toán. Ba sinh hoạt báo chí lần lượt đã xuất hiện trong lòng Giáo xứ Việt nam Paris và được sự cộng tác, xử dụng của nhiều người. Ðó là
- Tờ báo giáo xứ, chung cho toàn thể cộng đoàn
- Nội san của các địa điểm mục vụ hoặc hội đoàn công giáo tiến hành
- Mạng lưới tin học
Vì tính chất mới mẻ, cần một tổ chức đặc biệt, ‘Mạng lưới tin học’ sẽ được trình bày qua một mục tách biệt với báo chí.
2221. Báo Giáo Xứ
Văn hóa là một sinh hoạt quan trọng, nói lên sự hiện diện và sức sống của Giáo Xứ ta. Tiêu biểu cho sinh hoạt văn hoá là Tờ Báo. Nhìn lại hơn 50 năm qua, chúng ta phải xác nhận Giáo Xứ ta, lúc còn mở rộng cả nước Pháp cũng như khi chỉ trải trên vùng Paris, đã rất để ý đến vai trò báo chí. Trước năm Giáo Xứ chính thức khai sinh, 1947, thì lúc vừa hoài thai, 1943, Giáo xứ đã có tờ báo rồi. Mặc dầu có vài trường hợp không được biết chính xác về năm tháng, nhưng căn cứ vào những tài liệu còn lại, chúng ta vui mừng thấy sự liên tục của các tờ báo do Giáo Xứ ban hành từ 1943 đến nay:
1943 - ? : ‘‘HIỆP NHẤT’’
1947 - 1951: ‘‘THÔNG TIN’’
1951 - 1952: ‘‘LIÊN ÐOÀN’’
1953 - 1955: ‘‘NHẬN ÐỊNH’’
1955 - 1957: ‘‘HỪNG ÐÔNG’’
?
1968 - 1977: ‘‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’’ (nguyệt san)
1977 - 1982: ‘‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’’ ( mỗi số một tờ A4)
1984 đến nay : Báo ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ hiện nay
Ðược thành lập vào ngày 30-10-1983, Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi của Giáo Xứ đã phác họa một chương trình hoạt động, trong đó văn hoá và báo chí là những lãnh vực chiếm một chỗ đứng rất quan trọng. Ban Giám đốc Giáo Xứ và Cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh đã chấp nhận dự án này.
Hai tuần sau, ngày 12.11.1983, một ban báo chí của HộI Ðồng Mục Vụ đã được thành lập. Cha Mai Ðức Vinh, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và ba bốn nhân viên của Ban Thường Vụ, giáo sư Trần Văn Cảnh, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bà Nguyễn Thị Thái và Ông Nguyễn Tiến Ðạt, quyết định khởi sự tái bản bộ báo mới, lấy tên là báo GIÁO XỨ VIỆT NAM.
Số đầu tiên đã được phát hành vào ngày 01-02-1984.
Tới nay được 20 năm, mỗi năm 10 số, hai tháng 8 và 9 báo nghỉ hè. Mỗi tháng hiện nay in 1350 số. Mỗi số dầy 36 trang, khổ giấy A4. Mọi việc đánh máy, trình bày, lên khuôn, ấn loát, phát hành đều làm tại Giáo Xứ. Hầu như mọi việc hoàn toàn do những giáo dân tự nguyện, từ trợ bút đến phát hành, nên giá báo hàng năm chỉ có 30 Euros. Vì thế nhiều độc gỉa ‘‘quên giúp tiền báo’’, báo vẫn tạm đủ để gửi báo cho bưu điện, bảo trì máy móc, mua giấy, bản kẽm và các chất liệu cần thiết.
Mục tiêu để làm gì ?
Ngày 12.11.1983, trong phiên họp đầu tiên của mình, ban báo chí báo ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ đã xác định mục tiêu cho tờ báo như sau :
‘Giáo Xứ Việt Nam’ sẽ là sợi dây liên lạc nối liền Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris và phụ cận. Nó cũng là phương tiện để mọi giáo hữu rõ được sinh hoạt của Giáo Xứ, để cùng góp ý, xây dựng, đóng góp công của, làm sống mạnh Giáo Xứ Việt Nam’
Trong số ra mắt, số 1, ngày 01 tnáng hai năm 1984, linh mục giám đốc giáo xứ, đồng thời là chủ nhiệm và chủ bút MAI ÐỨC VINH đã viết mấy lời ngỏ để xác định mục tiêu như sau : Mùa xuân Giáp Tý này, đời sống của cộng đoàn ta viết thêm hai trang sử mới.
- Hội Ðồng Mục Vụ chính thức hoạt động phục vụ cộng đoàn và Giáo Hội, theo tinh thần và trách nhiệm tông đồ giáo dân.
- Báo Giáo Xứ Việt Nam được phát hành lại nối kết chặt chẽ hơn nếp sống của từng người, từng gia đình với nếp sống của cộng đoàn và của cả Giáo Hội Quê Hương.
Hội Ðồng Mục Vụ hoạt động tốt, Báo Giáo Xứ Việt Nam phổ biến mạnh sẽ làm rạng rỡ mọi sinh hoạt khác của cộng đoàn ; đúng hơn, sẽ biến cộng đoàn thành mùa xuân vời vợi sức sống đạo đức, xã hội và văn hóa. Ðã nhiều năm bao nhiêu người từng mong ước cho cộng đoàn vươn tới mùa xuân này. Chúa đã khấng nhận ước nguyện chân thành ấy, Chúa đang giơ tay chúc phúc cho thiện ý của cộng đoàn chúng ta : Hội Ðồng Mục Vụ và Báo Giáo Xứ Việt Nam sẽ mãi là vườn xuân của cộng đoàn.
Muốn thế, mỗi người chúng ta phải góp tay vào với Chúa : người trồng hoa cúc, kẻ tưới bông hồng, mỗi người một việc bảo vệ và tô điểm vườn xuân cộng đoàn của Chúa.
Hiệp nhất và cộng tác là điều kiện tất yếu để :
- Hội Ðồng Mục Vụ thực hiện được những chương trình ích lợi cho cộng đoàn.
- Báo Giáo Xứ Việt Nam được phổ biến rộng rãi, đáng là tiếng nói của Cộng Ðoàn.
Sĩ số độc giả báo Giáo Xứ là bao nhiêu ?
Khởi thủy vào số phát hành ngày 1-2-1984, số độc giả ghi tên mua báo Giáo Xứ đếm được khoảng 200. Ba bốn tháng sau, trước khi nghỉ hè vào tháng bảy 1984, số độc giả tăng lên gấp đôi, đếm được khoảng 400. Một năm sau, khoảng đầu năm 1985, sỉ số độc giả gởi tiền ghi tên mua báo Giáo Xứ đếm được khoảng trên dưới 800.
Vào những năm này, tôi cùng cộng tác viết cho hai tờ báo khác : ’Dân Chúa Âu châu’ (phát hành từ tháng giêng năm 1982 tại Ðức) và ‘Chiến Hữu‘ (phát hành từ tháng năm năm 1982 tại Paris). ’Dân Chúa Âu châu’ được bao nhiêu độc giả thì tôi không rõ lắm. ‘Chiến Hữu‘, theo lời ông chủ nhiệm nói với tôi, sau ba năm phát hành, chỉ được khoảng hai ba trăm.
Nhưng số độc giả báo Giáo Xứ không ngừng ở số 800. Năm 1998, dọn về số 38, đường Epinettes, quận 17 Paris, số độc giả tăng vọt hẳn lên đến 1000 người.
Cho đến hôm nay, tháng giêng 2004, số độc giả đếm được 1350. Biểu đồ sau đây vẽ ra đường lên của sĩ số độc giả báo Giáo Xứ từ số khai trương tháng hai 1984 dến số tháng giêng 2004 hôm nay.
Ai là độc giả lý tưởng của báo Giáo xứ ?
Từ ngày thành lập, nhiều lần Ban Biên Tập báo Giáo Xứ Việt Nam đã cùng nhau tự hỏi : ‘Phải viết theo tinh thần nào ? Phải đáp ứng nhu cầu nào của độc giả công giáo việt nam ?’
Câu trả lời luôn luôn đã được xác định là : Ðức tin Công giáo và Văn hoá Việt Nam .
Ðức tin Công giáo và Văn hoá Việt Nam luôn là hai nét đậm vẽ rõ chân dung độc giả lý tưởng của báo GIÁO XỨ VIỆT NAM vậy.
2222. Các Nội San, Bản tin trong cộng đoàn
Tại Giáo xứ chúng ta, ngoài tờ báo Giáo Xứ, còn nhiều bản tin hay nội san do các đoàn thể in ấn, phổ biến trong nội bộ theo nhu cầu mục vụ.
- a) Mission Catholique Vietnamienne: Tóm lược tin tức và sinh hoạt của Giáo Xứ bằng tiếng Pháp, phát hành 3 tháng một lần, mỗi lần 400 bản. Phổ biến đến các bạn người Pháp. Bản tin thường có 4 trang, khổ A4, in giáy mầu.
- b) Nguyệt san Cursillo Âu Châu, số đầu ra vào tháng 4/95. Ấn hành khoảng 450 bản. 12 trang, khổ A4 với nội dung phong phú và đa dạng: lá thư phong trào, bài huấn đức của cha linh giám, bài của trường huấn luyện và cảm nghiệm sống đạo của các thành viên, tin tức và sinh hoạt.
- c) Bản tin liên lạc Sống Ðạo của Cộng đoàn Công giáo Cergy Pontoise. Số Giáng Sinh 99 có chủ đề: Giáng Sinh của Con người với các bài: Tìm hiểu Năm Thánh, Ý nghĩa lễ Giáng sinh, Suy tư về Mùa Vọng, Phỏng vấn, Lịch phụng vụ, Tin vui buồn, nhiều hình ảnh sinh hoạt của Thiếu Nhi Thánh Thể.
- d) Nội san Legio Mariae. Bộ mới số 1, phát hành từ tháng 1+2-99. Bài vở viết trên dưới 30 trang khổ nhỏ 14x20. Ngoài bài mở đầu là lời suy niệm trong tháng, còn có loạt bài dài về "Chứng nhân thế kỷ XX", học hỏi thủ bàn và tin tức Legio tại Pháp và ngoại quốc.
- e) Liên Lạc Gia Ðình Thiếu Nhi Thánh Thể do Ðoàn Kitô Vua thực hiện. Ra hàng tháng với độ 60 bản, 4 trang, khổ A4. Bản tin rất cần cho gia đình phụ huynh để biết tin tức, thông báo cần thiết trong tháng. Các mục: Em đọc Thánh Kinh, truyện ngắn, đố vui, thơ,.. được các em vừa đọc vừa học tiếng Việt, một cách thích thú và say mê.
- g) Bản tin Marne La Vallée của cộng đoàn công giáo VN tại Marne La Vallée phát hành đến tháng 11-99, đã được 22 số. Ấn hành 4 trang khổ A4, in giấy mầu, đẹp. Nội dung chia bốn phần rõ rệt: Tin tức, Thông báo, Lịch phụng vụ và một bài nghiên cứu ngắn. Hiện nay phần nghiên cứu đang đăng loạt bài về Năm Thánh, giá trị học tập và tài liệu sử học rất qúi.
- h) Emmau. Bản tin liên lạc Giới Trẻ Giáo Xứ Việt Nam xuất bản hàng tháng. Bản tin Thu Ðông, tháng 11+12-99, phần tiếng Việt đăng Sứ điệp của Ðức Thánh Cha gửi Giới Trẻ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ kỳ XV tại Roma từ 15 đến 20-08-2000. Phần tiếng Pháp ghi lịch trình nhiều sinh hoạt JMJ tại Paris.
223. Mạng lưới tin học
www.giaoxuvnparis.org
Bắt nhịp theo đà tiến triển của khoa học, đặc biệt là tin học, từ ngày 01.05.2002, giáo xứ đã đi vào mạng lưới tin học. Sau đây là đôi lời giới thiệu của đức ông Mai Ðức Vinh cho ngày khai trương mạng lưới tin học ở giáo xứ việt nam paris.
Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội, Truyền Thông Xã Hội trở thành một sinh hoạt mục vụ được quan tâm như ngày nay.
Trước tiên chúng ta phải kể đến Sắc lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) của Công Ðồng Vatican II mà đức thánh cha Paholô VI đã ban hành ngày 04.12.1963 .
Kế đến là việc thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội (Pontificia Commissione per le Communicazioni Sociali) ngày 02.04.1964 do đức Phaolô VI với tự sắc ‘Nhiều thành quả’ (In Fructibus Multic).
Ðến ngày 28.06.1988, đức Gioan Phaolô II lại ban tự sắc ‘Người Mục Tử Nhân Lành’ (Bonus Pastor) nâng Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội lên thành Hội Ðồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội (Pontificio Consiglio delle Communicazioni Sociali). Cũng chính đương kim Giáo Hoàng đã chọn ngày 12.05 làm Ngày Thế Giới Truyền Thông mỗi năm. Và vào ngày này đức thánh cha l&(i ban hành một sứ điệp đặc biệt về Mục Vụ Truyền Thông.
Và đặc biệt năm 2002 này, đức thánh cha đã chọn chủ đề cho Ngày Truyền Thông là ‘Internet, một diễn đàn mới để công bố Tin Mừng’.
Nói về Internet, chúng ta biết lịch sử đã ghi : ‘kỹ thuật truyền thông hiện đại này bùng lên từ năm 1960 tại Hoa Kỳ và qua năm 1970 Internet được toàn cầu hóa. Kể từ đó Internet phổ biến mau lẹ, nhưng mãi năm 1995, dịch vụ Internet của Tòa Thánh mới bắt đầu hoạt động, và nối dài là Internet được thiết lập tại nhiều cấp bộ của Giáo Hội trung ương và các Giáo Hội địa phương. Tóm lại, Internet đã trở thành ‘truyền thông đại chúng’, vì hiện nay trên thế giới, cứ 40 người thì 1 người dùng Internet (Vietcatholic news 8.11.01), và riêng tại Hoa Kỳ đã có 28.000.000 người quan tâm đến việc xử dụng Internet để truy tầm tài liệu tôn giáo (Vietcatholic News 30.12.01)’
Riêng Giáo Hội Mẹ Việt Nam, vì hoàn cảnh đất nước, Giáo Hội chưa có một mạng lưới Internet như một phương tiện chính thức về thông tin, mục vụ và truyần giáo như lòng mong ước và nhu cầu mục vụ đòi hỏi. Chúng ta phải chia sẻ với Hội Ðồng Giám Mục về điểm này.
Còn các Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, chắc chắn đã có nhiều Mạng lưới Internet thuộc cấp cộng đoàn (quốc gia hay vùng miền) trên năm Châu Lục. Nhưng đáng chú ý là Mạng lưới của Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ tại Roma, và đặc biệt Mạng lưới Internet Vietcatholic, nay đã tròn 5 tuổi.
Vì thế xét theo là một Cộng Ðoàn thủ đô Paris, có lịch sử kỳ cựu, có số dân chúng đông đảo, và nhiều nhân tài, nhiều chuyên viên Internet, Giáo Xứ Việt Nam Paris bây giờ mới nghĩ đến việc mở một ‘Site Internet’ là đã muộn màng. Nhưng thà có muộn còn hơn không có. Và đó là kết quả của nhiều buổi hội, mà ba buổi hội gần nhất, có tính cách quyết định nhiều nhất là vào các ngày 12.01.02, 26.01.02 và 01.03.02. Thành quả của những lần hội bàn này :
1. Xác định mục đích theo đuổi : Loan Báo Tin Mừng qua các khía cạnh :
Trình bày đời sống cộng đoàn.
Thông tin, liên lạc và học hỏi.
Cổ võ tinh thần sống đạo và tuyên chứng Tin Mừng, đặc biệt cho giới trẻ.
2. Thành hình ba tiểu ban :
Ban Ðiều hành tổng quát : Ðức ông Mai Ðức Vinh, ông Tạ Ðình Chung
Ban Biên tập : Linh mục Ðinh Ðồng Thượng Sách, giáo sư Trần Văn Cảnh, thầy phó tế vĩnh viễn Phạm Bá Nha
Ban Kỹ thuật : Ông Võ Hữu Lộc, ông Lương Công Bình.
3. Ngày khai trương : Ngày Liên Ðới Nghề Nghiệp 01.05.02, sát gần với Ngày Truyền Thông của Giáo Hộ (12.05)
Sau cùng tôi xin mượn lời của đức tổng giám mục Foley, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội làm câu kết cho bài biết này. Ngài nói :’Càng ngày chúng ta càng thấy rõ, đời sống con người từ học tập, làm việc đến giải trí, cả người lớn lẫn trẻ em, rồi ra sẽ quay quanh cái máy vi tính nói chung và mạng lưới Internet nói riêng đang nhanh chóng trở thành phương tiện chủ yếu để con người tiếp nhận thônt tin, giáo dục, hướng dẫn và đề xuất thái độ sống cho cá nhân, gia đình và xã hội. Và vì thế, người ta có thể dùng các phương tiện thônt tin ấy để loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể dùng chúng để bắt Tin Mừng phải im lặng trong lòng người’ (Huấn thị Mục Vụ ‘thời đại Mới’, Aetatis Novae, 1992).
Ý thức tầm quan trọng của mạng lưới Internet như trên, chúng ta hân hoan đón cháo ‘Site internet Giáo Xứ Việt Nam’ và cầu chúc cho sinh hoạt mục này phát triển và lâu bền. Ad Multos Annos !
224. Thảo luận
Song song với những sinh hoạt văn nghệ, báo chí và mạng lưới tin học, một sinh hoạt khác nặng sắc thái nghiên cứu vẫn được lưu ý. Ðó là thảo luận, với sự dẫn nhập của một diễn giả chuyên gia. Tùy theo nhu cầu của cộng đoàn, các buổi thuyết trình và hội thảo này đã được tổ chức về nhiều đề tài khác nhau. Từ văn chương, văn hóa, đến chính trị kinh tế xã hội, giáo dục, qua tôn giáo thần học. Sáu nhóm đã góp công nhiều vào việc tổ chức những buổi hội thảo này là Ðoàn Sinh Viên Công Giáo, Nhóm Thần Học Giáo Dân, Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân, Nhóm Emmau, Nhóm Thư Viện và Nhóm Chuyên Gia.
Trước năm 1954, theo một số tài liệu còn tìm lại được, có 8 buổi thuyết trình đã được đoàn sinh viên công giáo tổ chức.
1. 19.11.1949 ‘Cộng sản Việt Nam công kích người công giáo Việt Nam ở những điểm lý thuyết nào ?’ do anh Bùi Thúc Duyên trình bày (Báo Thông Tin, số 56, 12.1949, trang 22-23)
2. 19.04.1950 ‘Công giáo và tư bản’ do anh Trần Quang Ngọc trình bày.
3. 18.05.1950 ‘Công giáo tiến hành là gì ?’ do anh Nguyễn Huy Bảo và Mai Văn Hàm trình bày (Báo Thông Tin, số 60, 1950, trang 13).
4. 27.03.1954 ‘Ðời sống thôn quê Việt Nam với vấn đề điền địa’ do anh Ngô Ðình Luyện trình bày.
5. 03.04.1954 ‘Sứ mệnh người thanh niên trong xã hội Việt Nam’ do anh Nguyễn Văn Ái trình bày.
6. 10.04.1954 ‘Tai nạn các chứng bệnh nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam’ do anh Bửu Hội trình bày.
7. 30.04.1954 ‘Ðời sống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam" do anh Trương Công Cừu trình bày.
8. 29.05.1954 ‘Thi ca dân tộc’ do anh Lê Doãn Kim trình bày.
Ðược thành lập vào năm 1980, nhóm Thần học Giáo dân tiếp tục lại sinh hoạt thuyết trình và hội thảo. Qua sáu năm sinh hoạt, trung bình mỗi năm từ ba đến bốn buổi thuyết trình hội thảo đã được tổ chức. Sau đây là 19 đề tài đã được thuyết trình do nhóm thần học giáo dân tổ chức từ năm 1981 đến 1986.
9. 22.02.1981 ‘Hội Ðồng Thượng Ðỉnh các Giám Mục 1980 với đời sống gia đình’ do Sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm và giáo sư Trần Văn Cảnh trình bày.
10. 20.04.1981 ‘Giáo dục gia đình Việt Nam tại Pháp’ do cha Bùi Ðức Tín (P. Gastine) trình bày.
11. 15.10.1981 ‘Hiện tượng giáo phái’ do cha Mai Ðức Vinh trình bày.
12. 15.02.1982 ‘Thảm cảnh người Việt Nam tại Pháp’ do sư huynh Trần Văn Nghiêm trình bày.
13. 14.05.1982 ‘Hôn nhân dị giáo’ do cha Hoàng Quang Lượng trình bày.
14. 17.10.1982 ‘Hôn nhân xưa và nay’ do ông Nguyễn Văn Hộ trình bày.
15. 23.03.1983 ‘Quan niệm về Trời’ do cha Vũ Dư Khánh trình bày.
16. 24.05.1983 ‘Thánh Kinh trong gia đình’ do cha Nguyễn Chí Thiết trình bày.
17. 16.10.1983 ‘Vấn đề điều hòa sinh sản’ do bác sĩ Vũ Ngọc Hoàn trình bày.
18. 25.02.1984 ‘Giáo dục Việt Nam qua tác phẩm đoạn tuyệt’ do cha Trần Ðịnh trình bày.
19. 17.05.1984 ‘Ði học được trả lương’ do giáo sư Trần Văn Cảnh, luật sư Nguyễn Tấn Thọ và cán sự xã hội Huỳnh Thị Na trình bày.
20. 23.11.1984 ‘Khác biệt giữa Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo’ do cha Trần Ðịnh trình bày.
21. 07.03.1985 ‘Những chứng bịnh nguy hiểm của xứ Tây’ do hai bác sĩ Tạ Thanh Minh và Trương Quân Vương trình bày.
22. 12.05.1985 ‘Tâm trạng tuổi trẻ Việt Nam tại Pháp’ do sư huynh Trần Văn Nghiêm trình bày.
23. 23.11.1985 ‘Sức khỏe tiền hôn nhân’ do hai bác sĩ Tạ Thanh Minh và Phạm Văn Anh trình bày.
24. 16.02.1986 ‘An ninh xã hội liên quan đến người trẻ’ quý anh Nguyễn Hữu Bản, Ðoàn Ngọc Hùng, nữ tu Têrêsa Na.
25. 17.04.1986 ‘Ðạo nào cũng giống nhau’ do ba cha Bùi Ðức Tín, Mai Ðức Vinh, Dương Như Hoan trình bày.
26. 26.06.1986 ‘Thờ cúng Tổ tiên’ do ông Nguyễn V#n Hộ và ông Phạm Bá Nha trình bày.
27. 10.11.1986 ‘Mê tín, dị đoan của người Việt Nam’ do cha Bùi Duy Nghiệp và ông Trần Louis trình bày.
Từ năm 1989 sinh hoạt thuyết trình hội thảo đã được bốn nhóm Emmau, Thư viện, Mục vụ hôn nhân và Chuyên gia tiếp tay. 15 buổi thuyết trình hội thảo và văn nghệ khác đã được tổ chức với những đề tài sau đây :
28. 16.04.1989 ‘Việt Nam văn hóa, văn hiến, văn minh và văn chương’ do học giả Thái Văn Kiểm trình bày
29. 11.11.1990 ‘Thi sĩ Hàn Mặc Tử’ do học giả Thái Văn Kiểm trình bày.
30. 15.05.1992 ‘Vua Quang Trung, nhân dịp kỷ niệm 120 năm trận Ðống Ða’ do Cư sĩ Trần Ðại Sỹ trình bày. Nữ nghệ sĩ Bích Thuận và thi sĩ Hồ Trọng Khôi : ‘Bình và ngâm thơ Nguyễn Công Trứ. Ðinh Hùng và Hồ Trọng Khôi’
31. 15.03.1993 ‘Alexandres de Rhodes, 400 năm sinh nhật’ do giáo sư Nguyễn Khắc Xuyên trình bày.
32. 17.10.1993 ‘Văn Sỹ Gheoghiu qua tác phẩm : Từ giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu’ do giáo sư Nguyễn Thị Hảo trình bày.
33. 09.07.1995 ‘Gia đình và luật tài sản’ do luật sư Lê Ðình Thông trình bày.
34. 04.08.1996 ‘Sự nghiệp văn hóa và kiến trúc của cụ sáu Trần Lục’ do ông Trần Trung Lương và thầy Phạm Bá Nha trình bày.
35. 22.12.1996 ‘Hôn nhân và gia đình’ do giáo sư Trần Văn Cảnh trình bày.
36. 1997 ‘Xã hội học gia đình công giáo Việt Nam’ do luật sư Lê Ðình Thông.
37. 1998 ‘Mạn đàm về hạnh phúc gia đình’ do giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh.
38. 1999 ‘Chữ tình và chữ yêu’ do bác sĩ Nguyễn Văn Ái.
39. 05.04.1999 ‘Mạn đàm về thơ’ với sự hiện diện của nhà thơ Vân Uyên, Minh Châu, Phương Du và ba người giới thiệu : luật sư Lê Ðình Thông, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh và ông Ðỗ Bình
40. 07.05.2000 ‘Ðức cố giám mục Hồ Ngọc Cẩn’ do giáo sư Thái Văn Kiểm, giáo sư Võ Thu Tịnh, thầy Phạm Bá Nha và luật sư Lê Ðình Thông.
41. 29.04.2001 ‘Ðức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng’ do thầy Phạm bá Nha và luật sư Lê Ðình Thông.
42. 07.04.2002 ‘Nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký’ với giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh và tân tiến sĩ Trương Thị Liễu.
43. 04.05.2003 ‘Nhà văn hóa Paulus Huỳnh Tịnh Của’ do giáo sư Trần Văn Cảnh.
Không kể 43 buổi thuyềt trình đã được tổ chức một cách trọng thể và to lớn, từ một năm nay, nghĩa là từ năm 2002, nhóm chuyên gia đã đặc biệt khởi sắc và rầm rộ với một sinh hoạt mới : nói chuyện và tư vấn chuyên môn. Bốn lãnh vực tư vấn đã dần dà thành hình và chia nhau hoạt động qua bốn chủ nhật trong tháng. Mỗi chủ nhật, tại văn phòng thường trực xã hội, một ban tư vấn chuyên môn, hiện diện từ 13 đến 15 giờ, để giúp giải đáp những thắc mắc của bất cứ ai có vấn đề.
225. Xuất bản ấn loát.
Giáo xứ Việt Nam Paris được hân hạnh có đức ông Mai Ðức Vinh làm giám đốc từ 20 năm nay. Xuất thân từ một gia đình rất đạo đức, đức ông đã ‘đi giúp xứ’ tại trường trung học Lê Bảo Tịnh, sống bên cạnh linh mục học giả Thanh Lãng. Rồi khi thụ phong linh mục, ngài đã nhiều năm làm giáo sư đại chủng viện Xuân Bích tại Huế. Ngài là một trong những người đắc lực chủ trương soạn thảo bộ sách ‘Hanh Các Thánh trong năm’, mà nhiều người đã từng đọc từ những năm 70 ở Việt Nam.
Nhờ sự đôn đốc của đức ông, Giáo Xứ Việt Nam Paris không chỉ hãnh diện đã có được những hoạt động lễ hội, gặp gỡ, liên đới, giáo dục, văn nghệ, báo chí, thảo luận, mà còn được góp phần vào việc sáng tác, xuất bản, và ấn loát các tài liệu tôn giáo và văn hóa.
Ba đoạn văn ghi dấu ba giai đoạn phát triển của công việc sáng tác, xuất bản và ấn loát này : 1997, 2000, 2002.
2251. Giai đoạn ‘Tủ sách Giáo Xứ
1997. Ðoạn văn thứ nhất rút ra từ tập ‘Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris’, qua một bài vắn gọn, cha Mai Ðức Vinh đã tóm tắt sinh hoạt xuất bản của Giáo Xứ dưới tựa đề ‘tủ sách Giáo Xứ’.
Tủ sách tại Giáo Xứ bề ngoài cũng nghèo nàn và bé nhỏ như chính ngôi nhà Boissonade ! Tuy nhiên nó có ba ưu điểm :
1. Tủ sách Giáo Xứ được thành hình rất sớm, ngay từ 1978, với những tài liệu Giáo lý, Kinh nguyện và Thánh ca để đáp ứng kịp thời những nhu cầu mục vụ và sống đạo của đồng bào tị nạn ồ ạt tới Pháp...Hai cuốn sách mà Ủy Ban Mục Vụ Việt Nam tại Pháp đã có chương trình in lại từ 1979, cha Vinh phải quán xuyến, là cuốn ‘Sách Lễ Giáo Dân’ và cuốn ‘Tân Ước’ của cha Trần Ðức Huân. Ông Jean Pinai đã giúp in lại 48 băng nhạc chủ đề Chúa, Ðức Mẹ, Giáo Lý, Phụng vụ, cha Vinh soạn bộ Giáo Lý Sống Ðức Tin, Sống Bí Tích, cuốn Kinh Nguyện Dân Chúa, bộ Hành Hương Lộ Ðức, Fatima và Roma. Nữ tu Sophie Phú và cha Sách soạn in lại bộ 3 cuốn ‘Cùng Ngợi Khen’. Nhờ sự giúp đỡ của Caritas Ðức, năm 1982, Giáo Xứ còn in lại cuốn Sách Lễ Giáo Dân (bớt những phần không cấn thiết) và cuốn Tân Ước của đức hồng y Trịnh Văn Căn. Ngoài ra, Giáo Xứ còn xuất vốn in lại nhiều sách đạo đức như Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, Ý Nghĩa Sự Ðau Khổ... Hàng năm chị Liên và cha Vinh lo soạn cuốn Lịch Phụng Vụ Thánh Kinh. Dĩ nhiên Giáo Xứ phải mua nhiều sách đạo từ Hoa Kỳ về cung ứng cho nhu cầu. Cũng có nhiều người gửi sách để bán.
2. Sau phần sách vở, còn các ảnh tượng cần thiết cho giáo dân. Nữ tu Têrêsa Liên là người có nhiều sáng kiến về phạm vi này : Mua ảnh, tràng hạt từ Roma về bán, làm các thiệp Giáng Sinh...
3. Tủ sách không chỉ dành riêng cho Giáo Xứ, nhưng cung cấp cho các cộng đoàn Việt Nam tại Pháp, Âu Châu và cả Mỹ Châu, đặc biệt từ 1978-1987. Quán xuyến tủ sách này một thời gian là công việc của nữ tu Têrêsa Kim Liên. Về sau là quý bà, quý chị làm tự nguyện như bà Mai Hương, chị Nguyễn Thị Hy.
2252. Giai đoạn ‘Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII’
2000. Ðoạn văn thứ hai là bài ‘Lời mở’ giới thiệu cuốn sách ‘Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII’. Trong bài này, đức ông Mai Ðức Vinh đã trình bày công việc sáng tác, soạn thảo và phát hành một cách tỷ mỉ hơn. Công việc rõ rệt đã có tổ chức và được sự cộng tác tích cực của nhiều giáo sĩ và giáo dân.
Trong tờ Tường Trình Mục Vụ hằng năm của Giáo Xứ Việt Nam nộp lên Tòa Tổng Giám Mục Paris, luôn có câu :’Sinh hoạt Mục Vụ của Giáo Xứ Paris được phát triển dưới ba khía cạnh lớn : Thiêng liêng, Văn hóa và Xã hội’. Ba khía cạnh này liên hệ chặt chẽ với nhau.
Những sinh hoạt chính yếu và thường xuyên về Văn hóa của Giáo Xứ Paris :
1. Tổ chức các lớp học tiếng Việt mỗi chiều thứ bảy, thường có 250 em nhỏ theo học.
2. Mở các lớp học Pháp Văn, bốn ngày một tuần, mỗi ngày bốn giờ. Theo báo cáo niên học 1999, số giáo sư có 26 vị, đa số là người Pháp, còn lại là người Việt Nam, và tất cả đều dạy học tự nguyện. Số học sinh ghi danh là 220, phần lớn là người trẻ từ 18 đến 30 tuổi. Nguyên tắc thì ưu tiên cho người trẻ Việt Nam, nhưng thực tế từ vài năm nay thì tới 90% là người trẻ Trung Hoa.
3. Tổ chức thư viện sách tiếng Việt. Thư Viện đã chẵn 12 tuổi, và hiện có gần 5.000 cuốn sách đủ loại. Ðiều hành thư viện là cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và một nhóm các bạn trẻ tự nguyện. Hiện có trên 200 người ghi danh mượn sách thường xuyên.
4. Tổ chức các buổi diễn thuyết về văn hóa : Mỗi năm trung bình hai lần. Như năm nay, chủ nhật 21.05, có buổi diễn thuyết về ‘Sự Nghiệp văn hóa’ của Ðức cố Giám Mục Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn, nhân ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Thư Viện ; và chủ nhật 24.12, có buổi thuyết trình về ‘Ðời sống gia đình’.
5. Phát hành tờ ‘Báo Giáo Xứ Việt Nam’ mỗi tháng với số lượng 1.200 tờ, mỗi tờ 36 trang A4. Tờ ‘Mission Catholique Vietnaienne’, hai lần một năm, mỗi lần 8 trang A4, và gởi 300 bản cho các Bạn người Pháp. Ba nhóm làm việc đều đặn : Ðiều hành, Biên tập và Phát hành.
6. Phiên dịch, soạn thảo và phát hành các tài liệu hoặc sách Giáo lý, Phụng vụ, Thánh kinh và Tu đức. Trong số những sách phát hành mới đây của Giáo Xứ, đáng chú ý nhất :
- Lịch Phụng vụ Thánh kinh năm 2000 (ra mỗi năm kể từ 1983).
- Kỷ Yếu 50 năm Thành Lập Giáo Xứ, 1947-1977 (1997)
- Giáo Lý cho Người Trưởng Thành (1997).
- Têrêsa Vị Thánh Lớn Nhất của thời đại mới (1997)
- Hành Trang sống Thế Kỷ XXI (1999).
- Fatima, Hòa Bình và Tình Thương (2000).
- Ðường Vào Tình Yêu (2000).
Ðiều chúng tôi muốn ghi nhận ở đây là ‘Mọi sinh hoạt văn hóa đặc biệt về việc biên soạn, dịch thuật các sách vở đều được thực hiện chung bởi một nhóm cộng tác viên, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Xứ’. Chúng tôi vui mừng cám ơn Chúa về sáng kiến và nỗ lực mục vụ này.
Chính trong chiều hướng’cộng tác văn hóa giáo sĩ giáo dân’ này mà một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Xứ chung sức thực hiện cuốn ‘chân phước giáo hoàng Gioan XXIII’ được gửi tới quý độc giả hôm nay.
2253. Giai đoạn ‘Tân lich sử Giáo HộI’
2002. Ðoạn văn thứ ba là một khúc trong bài ‘lời mở’ giới thiệu bộ ‘Tân Lịch Sử Giáo Hộ’ gồm 10 tập. Khúc văn này vạch ra những lý do thúc đẩy việc phiên dịch một cuốn sách do một ‘nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân’.
Cuốn thứ I của bộ lịch sử này ra đời năm 1963, và ấn bản Pháp ngữ của cuốn V năm phát hành nam 1975, thì ngay 1968, cha Giuse Phạm Phúc Khánh, báy giờ làm việc tại Cannes đã viết thư xin phép phiên dịch ra tiếng việt. Trong thư phúc đáp, ngày 23.12.1969, nhà xuất bản Paul Brand, với tư cách điều hợp giữa các nhà xuất bản, đã viết những lời phấn khởi như sau :’Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội là một phương án quốc tế giữa các nhà xuất bản sau đây... Chúng tôi chác chắn rằng mọi nhà xuất bản khác sẽ chấp nhận bản dịch Việt ngữ... Như vậy, không có gì cản trở việc cha tiếp tục phiên dịch. Chúng tôi cầu chúc cha gặt hái thành quả tốt đẹp và trong khi chờ đợi đọc bản dịch của cha, chúng tôi xin cha tin tưởng vào những tâm xảm nhiệt tình của chúng tôi’.
Ba mục đích thúc đẩy chúng tôi làm công việc này : Trước tiên là muốn đóng góp một phần nhỏ mọn vào việc cung ứng tài liệu cơ bản cho viêc học hỏi và nghiên cứu trong kho tàng văn hóa của Giáo Hội và của Quê Hương, đặc biệt và thực tế cho các Chủng Viện tại Quê Nhà. Thứ đến chúng tôi muốn chọn phần Lịch Sử Giáo Hội, bởi vì cho tới nay tại Việt Nam chưa có một bộ ‘Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ’nào đày đủ. Có lẽ hiện nay Bộ Lịch Sử Giáo Hội do cha Bùi Ðức Sinh soạn là duy nhất, nhưng cũng thu gọn vào hai cuốn. Thứ ba chúng tôi nhận thấy đây là bộ lịch sử mới mẻ, đày đủ, biên soạn công phu, đúng đắn và kỹ thuật khoa học nhất hiện nay trong bộ môn sử học về Giáo Hội. Thứ bốn, chúng tôi muốn thể hiện một hình thức làm việc chung giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân trong phạm vi v#n hóa và mục vụ, là hình thức làm việc đã có nhiều tại các nước  Mỹ. Chúng tôi muốn học điểm hay của họ.
226. Thư viện.
Ngày nay, bước chân vào thư viện Giáo Xứ, với gần 10.000 cuốn sách đủ loại, người ta thấy ngay đây là một thư viện có tầm vóc nghiên cứu. Nhưng khởi đầu, từ lúc ý tưởng được manh nha nơi một số người trách nhiệm, đặc biệt từ những năm 1980 đến 1990, ước vọng to lớn nhất là lập được một thư viện sư phạm tiếng việt, để giúp các thầy cô dậy tiếng việt tại Giáo Xứ có một tài liệu tối thiểu để soạn bài. Nhiều lần nói chuyện với cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, tôi cảm thấy vừa phục vừa mến các thầy cô vô cùng. Nhưng hoàn cảnh người việt nam tại Pháp vào những năm 80 vẫn còn chật vật. Chật vật về tài chánh, chật vật về nhu lịệu tinh thần. Vào khoảng năm 1985 cha Sách giới thiệu với tôi một chị Việt Nam làm việc cho Việt Kiều tại Ðức. Chị này muốn kiếm mua một số sách tiếng việt. Ngân quĩ chị rất dồi dào, vì chính phủ Ðức cho một ngân khoản lớn. Nhưng thư mục chị liệt kê được rất là nghèo nàn. Làm việc với chị ấy hai buổi, chúng tôi đã có thể lập được một thư mục gần một ngàn cuốn sách, có thể tìm mua được tại Âu Mỹ. Lúc này thư viện Giáo Xứ dẫu chưa chính thức khai mạc, nhưng cũng đã có được một vài trăm cuốn. Tôi nhớ lúc đó có chị Nga, sinh viên y khoa, và một số anh chị trẻ khác nữa, giúp cha Sách tổ chức thư viện.
Song song với việc lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ ngày 22.06.1986, việc dậy tiếng Việt phát triển mạnh và nhu cầu thư viện sư phạm tiếng việt càng thấy khẩn thiết.
Trong hai ngày trại 23-25.08.1985 tại Conflans - Sainte - Honorine, cha Sách có nhờ tôi nói truyện với các trưởng về việc dậy tiếng việt. Sau khi đã trình bày với các trưởng về vấn đề làm sao dậy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp, tất cả các trưởng có mặt, khoảng trên dưới 12, 13 người, đều nhất chí đưa ra ý tưởng phải lập một thư viện sư phạm tiếng việt. Sau đó tôi có dịp được trao đổi với các trưởng và các thầy cô dậy tiếng việt. Ðến năm 1987 thì một thư mục đã được thiết lập.
2261. Khai trương thư viện Giáo Xứ.
Ngày 16.4.1990, Thư Viện Giáo Xứ, chính thức được cha Giám Ðốc Mai Ðức Vinh cắt băng khánh thành. Ðó là công lớn của cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và nhóm trẻ tha thiết với nền văn hóa dân tộc và tương lai trẻ em, với cộng đoàn và độc giả xa gần. Hơn 6 năm qua, nhờ tinh thần làm việc tự nguyện rất cao của anh chị em trẻ, số sách lưu trữ được khoảng 3000 cuốn.
Ước mơ thành lập thư viện của cha Sách và anh em trẻ tha thiết tới nền văn hóa đã thành hình. Chiều chúa nhật 16.4.1990, thu viện được khánh thành. Rất đông quan khách tham dự với tiệc trà thân mật. Hội đồng mục vụ tặng 5.000FF. Trong cuốn sổ vàng của ngày cắt băng khánh thành, cha giám đốc Mai Ðức Vinh ghi : Hoan hô tinh thần văn hóa của người trẻ. Tinh thần hăng say này phải trải rộng như mảnh đất Việt Nam. Sự trường tồn như sức sống dân tộc. Một khách mời khác ghi : Ðọc sách để mở mang tâm thức mà Thượng Ðế ban cho con người, để con người dùng sụ hiểu biết của mình mà ca tụng Chúa. Hoan hô thanh niên Giáo Xứ. (Lộc). Từ đây thư viện Thanh Thiếu Niên được cộng đoàn biết đến. Nhiều sách bắt đầu được gởi tặng hay mua.
Thư mục 1996 đã thực hiện vào Phục Sinh, có 3234 cuốn sách, xếp theo 15 loại : Chưởng, Dã sử, Làm người, Loại tập, Ngoại ngữ, Quân chính, Sử địa, Truyện dịch, Tôn giáo, Thơ, Triết lý, Thiếu nhi, Tiểu thuyết, Tự điển và Văn hóa.
Tới nay, số sách mỗi ngày mỗi thêm. Tình trạng sách mới còn tốt. Ngoài ra, thư viện còn lưu trữ Video, Album và Cassettes về sinh hoạt của giới trẻ và Thiếu Nhi Thánh Thể. Một số báo chí chưa phân loại. Ðộc giả muốn đọc hay mượn sach chỉ cần lập thẻ và theo giờ qui định. Chiều thứ bảy và trưa chúa nhật. Phụ trách thư viện niên khóa 1995-1996 là anh Vũ Trung Thủy cùng với hơn 10 anh chị em tự nguyện khác, làm việc rất tích cực.
Song song với lưu trữ sách, thư viện nhận lãnh công tác tổ chức các buổi thuyết trình cho cộng đoàn. Công việc nhóm Emmau làm trước. Ðể mở đầu, ngày 4.8.1996, nhóm Thư viện tổ chức buổi nói truyện về cuộc đời hy sinh đổ máu đào và sự nghiệp văn hóa và kiến trúc của Cụ Sáu TRẦN LỤïC (1825-1899), do hai diễn giả Trần Trung Lương và Phạm Bá Nha trình bày. Tinh thần phục vụ của các bạn trẻ khiến các nhà văn và độc giả có mặt thiết tha với thư viện hơn. Ðược nhiều tác giả đem sách tặng. Thư viện tiếp tục tổ chức các buổi nói truyện khác liên quan đến tôn giáo và văn hóa.
Chuyên môn của thư viện là nỗ lực sưu tầm về sách công giáo bằng tiếng Việt xưa và nay. Hiện, thư viện có thể thỏa mãn về những sách công giáo xuất bản trong bốn thập niên gần đây. Trong tương lai, để thư viện có khả năng phục vụ hữu hiệu hơn nữa. Càn sự tiếp tay hữu hiệu của độc giả và các nhà hảo tâm, không những về tìm kiếm tài liệu mà còn về kỹ thuật.
2262. Dự án hoàn chỉnh thư viện.
10 năm sau ngày thành lập, ngày 29.4.2001, trưởng ban thư viện, anh Trần Anh Dũng đã đưa ra một dự án hoàn chỉnh thư viện như sau :
Thư Viện có được tới ngày hôm nay, khởi đầu do công lao sáng lập của cha Sách, sự đóng góp về vật chất, tài chánh, sách vở của các ân nhân trong 11 năm qua, nhưng sự đóng góp lớn lao nhất là sự cộng tác vô vị lợi của các anh chị em trong nhóm phụ trách thư viện.
Với mục đích để phục vụ cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại vùng Paris, Thư Viện luôn hướng về mục đích tôn giáo, cung cấp sách vở, tài liệu chủ yếu cho sự tham khảo về lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Thư Viện ngoài ra cũng có những tác phẩm về văn hóa, tiểu thuyết, chuyện dịch, thơ nhạc, sách báo để đáp ứng nhu cầu về văn hóa của cộng đoàn.
Số lượng sách hiện nay của Thư Viện có khoảng 7000 cuốn, với số độc giả cho tới ngày hôm nay là 187 người, nhưng trong 10 năm qua, số sách bị thất lạc là gần 1000 cuốn ! Ðiều này nói lên nỗi bận tâm của cha Sách và anh chị em phụ trách Thư Viện. Ở đây tôi không có ý nói lên sự mất mát nhưng muốn nói lên sự cần thiết chỉnh đón lại cách quản trị Thư Viện được hữu hiệu hơn. Thư Viện cần có những phương tiện mới để phục vụ mọi người được tốt đẹp hơn.
Tôi xin trình bày chương trình đổi mới một cách cụ thể như sau :
1. Khởi đầu Thư Viện lập danh sách tác phẩm, thư mục, danh sách độc giả và tất cả sổ sách kiểm soát được ghi chép bằng tay, như một người đi bộ vào cuối thế kỷ thứ 20, công việc nặng nề, mất rất nhiều thời giờ, sau đó Thư Viện có được một máy điện toán nhỏ với một chương trình điện toán thô sơ chỉ đủ để lưu trữ danh sách tác phẩm, danh sách độc giả nhưng sự kiểm soát Mượn và Trả sách không được chính xác người điều hành Thư Viện vẫn mất nhiều thời giờ ghi chép vào máy, máy yếu và chậm như một chiếc xe đạp cũ vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của Thư Viện ngày một phát triển. Phương thức quản trị Thư Viện sẽ được đổi mới qua một hệ thống điện toán mới :
Sách sẽ được dán nhãn code barre để việc kiểm soát và sự lầm lẫn khi độc giả Mượn hay Trả sách. Lưu trữ thư mục, lập danh sách tác phẩm và phân loại theo chương mục và theo đúng tiêu chuẩn của một thư viện, và cũng để cho dư tính trong tương lai thư viện sẽ được đen vào hệ thống Internet...
Lập danh sách độc giả và làm thẻ dộc giả với hệ thống code barres.
2. Thay đổi cách thức kiểm soát và lưu trữ sổ sách sự Mượn và Trả sách của độc giả qua hệ thống code Barres.
3. Sắp dặt lại các kệ sách và trình bày sách theo từng chương mục.
4. Tu bổ lại các sách bị hư hại hoặc bị rách, bao bọc lại các sách.
Với một chương trình như vậy, Thư Viện cần thời gian để chuẩn bị, thu hồi sách đang mượn để kiểm lại sách, viết một chương trình điện toán để điều khiển máy.
Dĩ nhiên làm một việc gì cũng phải có phương tiện : để thực hiện dự án trên, Thư Viện cần phải có dụng cụ, vật liệu để làm việc. Cụ thể là Thư Viện cần một máy điện toán mới, một đầu đọc code barres, một vài dụng cụ văn phòng.
Hiện nay, chương trình diện toán đã được thực hiện bởi sư huynh Ðinh Bình An sau 3 tháng với hơn 600 giờ làm việc. Sư huynh Ðinh Bình An đã viết chương trình điện toán này đặc biệt tặng cho TVGXVN Paris và tặng luôn bản quyền sử dụng.
Nhân dịp này, Thư Viện xin thành thật kêu gọi tất cả mọi người chung phần đóng góp để xây dựng Thư Viện thêm phong phú hơn. Ðặc biệt, chúng tôi xin kêu gọi những ai có sách vở, tài liệu nói về công giáo Việt Nam, nếu sách không sử dụng đến, xin tặng cho Thư Viện hoặc cho Thư Viện mượn để sao chép lại làm tài liệu cho những ai cần đến tham khảo.
Chúng tôi cũng xin kêu gọi các vị ân nhân có lòng hảo tâm giúp đở Thư Viện về vấn đề tài chánh cho ‘Dự án hoàn chỉnh Thư Viện’ vừa được trình bày. Ðiều cần thiết nhất là Thư Viện cần có tài chánh để mua một máy điện toán mới.
Biểu tượng của văn hóa là một mẫu người lý tưởng với những tác phong tiêu biểu. Văn hóa Khổng Mạnh sản xuất ra mẫu người kẻ sĩ. Văn hóa Pháp sản xuất ra mẫu người ‘tử tế’ (gentil home). Văn hóa Hy Lạp sản xuất ra mẫu người khôn ngoan hiền triết. Vậy văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris sẽ sản xuất ra mẫu người thế nào ? Xem quả biết cây ! Xem cành văn nghệ văn học, thì thấy ngay mẫu người lý tưởng được đào tạo ra từ những sinh hoạt này của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ðó là một người Việt Nam Công giáo sinh trưởng tại Paris. Rất yêu dân tộc, quê hương và Giáo Hội, chứng cớ là văn nghệ mà nó biểu lộ, rất là Rồng Tiên Lạc Hồng và Kytô Công giáo.
Có một trình độ học vấn và chuyên nghiệp không thấp. Chứng cớ là nó có một sinh hoạt báo chí lâu đời, có chiều sâu và trải ra khắp cộng đoàn, chung cho toàn thể, cũng như riêng cho từng nhóm. Chứng cớ là nó có một sinh hoạt thảo luận, nói chuyện, tư vấn đa dạng và sầm uất : từ văn chương, văn hóa, phong tục, xã hội, đến chuyên nghiệp, chuyên đề. Chứng cớ là nó có một sinh hoạt sáng tạo phong phú về sáng tác, dịch thuật, xuất bản và ấn loát. Chứng cớ là nó có một thư viện, với gần 10.000 cuốn sách, có tầm vóc học hỏi, bảo tồn và nghiên cứu.
Nhưng mẫu người tiêu biểu này có được truyền đạt cho những thế hệ mai sau không ? Ðó là câu hỏi mà chương 23 sau dây sẽ cố gắng đua ra một vài yếu tố giúp tìm một giải đáp.
23. Cành giáo dục
Trong tác phẩm ‘’Giáo dục và xã hội‘’, xuất bản năm 1922, giáo sư sáng lập ngành xã hội học, E. DURKHEIM đã định nghiã giáo dục như sau ‘Giáo dục là một hành động mà các thế hệ trưởng thành thực hiện nơi các thế hệ đang lớn lên để giúp họ hội nhập vào đời sống xã hội. Ðối tượng của hành động giáo dục này là khich lệ và phát triển nơi trẻ nhỏ những thể trạng vật lý, trí tuệ và luân lý mà xã hội và môi trường nơi nó sinh sống đòi buộc’ (Education et sociologie ; Paris : Alcan; 1922, tr. 41). Hành động giáo dục này có thể được thực hiện và phân tích dưới nhiều khiá cạnh khác nhau : mục tiêu, tác nhân, chất liệu, hình thức, thời gian, không gian, dụng cụ, phương pháp,..
Dưới khía cạnh tác nhân, tức là ngưới thực hiện việc giáo dục, người ta phân biệt tác nhân chính thức, như cha mẹ ở gia đình, giáo chức ở các trường học, chủ và thượng cấp ở sở làm. Và tác nhân không chính thức, như bà con, bạn bè,... các nhóm sinh hoạt, các phương tiện truyền thông, các địa điểm và hoàn cảnh sinh sống và sinh hoạt.
Dưới khiá cạnh thời gian, người ta phân biệt giáo dục tiền học đường, giáo dục học đường và giáo dục hậu học đường. Dưới khiá cạnh nơi chốn và định chế, người ta phân biệt giáo dục có định chế tổ chức và giáo dục không thành định chế hoặc không có tổ chức rõ ràng.
Kết hợp hai khiá cạnh thời gian và tổ chức, người ta phân biệt giáo dục khởi đầu qua các giai đoạn khởi đầu của cuộc đời : ấu, thiếu, kha, tráng. Và giáo dục liên tục, tiếp tục suốt cuộc đời.
Theo cách phân biệt cuối cùng này, trong khuôn khổ Giáo Xứ Việt Nam Paris, hai hình thức đã từ từ dược hình thành từ 20 năm nay cho các sinh hoạt giáo dục. Giáo dục khởi đầu và giáo dục liên tục.
Giáo dục khởi đầu được thực hiện qua ba giai đoạn tuổi đời quan trọng.
. Giai đoạn ‘ẤU- THIẾU’, từ 6 đến 15 tuổi, các trẻ em việt nam sẽ nhận được những dậy bảo căn bản, qua một khuôn khổ giáo dục căn bản trong tổ chức Thiếu Nhi Thánh Thể.
. Ở giai đoạn ‘KHA-TRÁNG’, từ 15 đến 20 tuổi, các thanh thiếu niên sẽ nhận đươc một sự giáo dục thích hợp hơn với lứa tuổi của họ. cởi mở và trách nhiệm hơn qua những khóa huấn luyện trưởng gọi là sa mạc trưởng hoặc được mời sinh hoạt trong các hội đoàn trẻ có tính cách giáo dục xã hội như các nhóm trẻ, các ca đoàn trẻ, nhóm ơn gọi. tận hiến.
. Cũng cho lớp tuổi KHA TRANG, nhưng thiên về những nội dung chuyên môn hơn, có Giáo dục khởi đãu chuyên biệt cho thanh niên, như Ca nhạc, Cầu nguyện và sống đạo, Chuẩn bị hôn nhân, Chuẩn bị ơn gọi tận hiến.
Giáo dục liên tục : Tất cả các hình thức sinh hoạt khác, thánh lễ chủ nhật và các lễ nghi phụng tự khác, các khóa tĩnh tâm chung hoặc chuyên biệt, các khóa họp hội hoặc huấn luyện chung cho các cán bộ mục vụ ở các ngành, nhóm, ban, đơn vị, địa điểm khác nhau cho đến các sinh hoạt xã hội và văn minh xã hội đều nằm trong một khuôn khổ là giáo dục liên tục.
Sau đây chúng ta sẽ xem qua đến hình thức giáo dục hiện đang được thực hiện tại Giáo Xứ Việt Nam, 1. giáo dục căn bản cho Ấu, Thiếu Nhi qua phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. 2. Giáo dục căn bản cho kha tráng niên cũng qua phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. 3. Giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho thanh niên. 4. Giáo dục liên tục qua các sinh hoạt khác của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris.
231. Giáo dục khởi đầu căn bản cho ấu thiếu nhi
Những người đầu tiên có bổn phận giáo dục thiếu nhi là phụ huynh. Chia sẻ trách nhiệm nặng nề về giáo dục căn bản này có học đường. Và bên cạnh học đường có Gíáo Xứ. Các giáo xứ địa phương, hoặc các giáo xứ ở Việt Nam chỉ đặc biệt lo đến việc giáo dục tôn giáo, đặc biệt là giáo lý, bí tích, phụng tự và mục vụ... Giáo Xứ Việt Nam Paris dĩ nhiên đặt vấn đề giáo dục tôn giáo lên hàng đầu và lồng nó vào trong sinh hoạt đoàn thể xã hội, nói thực tế ra là sinh hoạt đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Nhưng bên cạnh đó Giáo Xứ Việt Nam còn đưa vào chương trình giáo dục căn bản cho thiếu nhi một giáo trình khác nữa là văn minh văn học Việt Nam, nói đơn sơ ra là dậy tiếng việt. Như vậy việc giáo dục căn bản cho thiếu nhi được tổ chức ở Giáo Xứ Việt Nam qua hai khóa trình là giáo lý và tiếng việt.
Tổ chức giáo dục ấu thiếu hiện nay đã được định chế hóa. Nhưng để đi đến việc tổ chức có qui củ này, một tiến trình dài đã được trải qua. Dó là lý do khiến chúng ta sẽ đề cập đến việc giáo dục căn bản và khởi đầu cho trẻ em Việt Nam ở Giáo Xứ Paris qua bốn điểm sau đây:
- Tiến trình tổ chức giáo dục căn bản cho trẻ em tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
- Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, một tổ chức đã được Giáo Xứ Việt Nam Paris chọn lựa cho việc giáo dục căn bản ấu thiếu nhi Việt Nam
- Khóa trình tiếng việt
- Khóa trình giáo lý.
2311. Tiến trình tổ chức giáo dục căn bản cho ấu thiếu nhi tại Giáo Xứ Việt Nam.
Ðược đại học Ðàlạt gởi đi tu nghiệp tại Pháp, tôi đặt chân lên đất Paris ngày 19.12.1973. Mấy ngày sau tôi có ghé thăm Giáo Xứ Paris ở quận 14, trước khi về học tại Lyon. Hè 1974 tôi lên làm việc ở Paris, hàng tuần ghé giáo xứ đi lễ. Giáo xứ lúc đó chỉ có ba hội đoàn là sinh viên, các bà mẹ công giáo, và đạo binh Ðức Mẹ. Việc giáo dục thiếu nhi không được tổ chức.
Từ năm 1975 với số việt kiều di tản càng ngày càng đông, số các trẻ em đến giáo xứ càng lúc càng nhiều. Ban giám đốc giáo xứ đã bắt đầu nghĩ đến việc dậy giáo lý cho các em. Từ năm 1977, với việc bổ nhiệm cha Trương Ðình Hoè làm cha sở cho Giáo Xứ Việt Nam, một ban giám đốc hùng hậu đã được thành lập với 7 linh mục: các cha Hoè, Luợng, Linh, Hoàng, Vinh, Sách và Anh, và 5 nữ tu: các chị Na, Phú, Nhi, Thịnh và Louise. Ðược trao trách nhiệm phụ trách giáo lý, cha Mai Ðức Vinh đã qui tụ được một nhóm cộng tác viên đắc lực là chi Mỹ Phước, anh chị Nguyễn Công Thương và chị Marie Hoàng thị San. Giáo trình không chỉ hạn hẹp vào giáo lý mà còn mở ra ở việc dậy tiếng việt và phụng tự nữa. Công việc này được tiếp tục một cách tích cực, với sự tham dự của nhiều cộng tác viên khác nữa, như nữ tu Phú, chị Phượng và một số nữ tu dòng Chúa Quan Phòng. Số các em đến học hàng tuần đã lên đến 80 vào những năm đầu thượng niên 80.
Năm 1980, cha Mai Ðức Vinh được bổ nhiệm làm giám đốc. Hai vấn đề đã đặt ra cho ban tân giám đốc. Một là những náo động rất ồn ào và chia rẽ. Hai là nhân sự rút hẳn lại từ 12 xuống 4 vị là cha Vinh, cha Lượng, cha Sách và chị Phú. Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, với sự hăng say tông đồ của ban tân giám đốc một hướng mục vụ mới và một cách tổ chức tân tiến đã được áp dụng. Ðó là việc ban giám đốc mời một nhóm giáo dân cộng tác với hai hướng đi rõ rệt. Mục vụ trưởng thành với việc lập nhóm thần học giáo dân vào năm 1980 để đi đến việc lập Hội đồng mục vụ và đoàn ngữ hóa các hội đoàn. Mục vụ giới trẻ với việc tăng cường các nhóm trẻ sống đạo, phát động từ năm 1981, với việc hình thành nhóm cầu nguyện, nhóm Emmau để đi đến việc đào tạo huynh trưởng và cán bộ làm việc cho các trẻ em việt nam.
Ban giám đốc giáo xứ được tăng cường thêm với chị Liên (1980), chị Na (1982) và cha Nghiệp (1985), nhưng lại mất đi cha Lượng về hưu (1985) và chị Phú (1986) đi về nhà dòng.
Riêng việc giáo dục thiếu nhi, năm 1985 có thể coi là một bước nhảy vọt mới. Ðược bổ nhiệm lo việc dậy giáo lý cho các trẻ em, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách đưa ra một kế hoạch và một tổ chức mới.
Mục vụ trưởng thành đã được đoàn ngũ hóa với việc lập Hội đồng mục vụ vàm năm 1983. Thiếu nhi cũng sẽ được đoàn ngũ hóa với phong taréo thiếu nhi thánh thể lập vào năm 1986 do cha Ðinh Ðồng Thượng Sách.
2312. Thiếu Nhi Thánh Thể.
Một tổ chức đã dược Giáo Xứ Việt Nam chọn lực cho việc giáo dục căn bản ấu thiếu nhi. Giáo dục khởi đầu và căn bản là một việc quan trọng mà bất cứ một xã hội nào cũng phải coi là sứ mệnh hàng đầu. Nhưng phải tổ chức thế nào để việc giáo dục được hấp dẫn và hữu hiệu? Xã hội nào cũng đặt câu hỏi này, và cũng tìm một giải pháp trả lời. Giáo Xứ Việt Nam Paris, qua người trách nhiệm là cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, phương pháp hội đoàn đã được chọn lựa. Phương pháp hội đoàn đặc biệt nhấn mạnh đến những sinh hoạt thực tiễn, để đào tạo con người bằng những hình thức vui chơi.
Bắt đầu vào mùa tựu trường năm 1985, chính thức ra mắt với Cộng Ðoàn vào ngày kết thúc niên học 1985-1986 (22/06). Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ, tính đến niên học này 1995-1996 vừa tròn 10 tuổi.
Mười năm về trước, cũng vào một Chúa Nhật cuối tháng 6, khuôn viên Giáo Xứ lần đầu tiên được chứng kiến một quanh cảnh khác thường :
Các con em thơ ngây nhất của Cộng Ðoàn tươi vui trong bộ đồng phục : ‘sơ-mi’ trắng gắn huy hiệu, quần hoặc ‘jupe’ mầu xanh dương, xếp thành Ðội, thành Ngành, hăng hái làm lễ Tuyên Hứa :
‘Thiếu Nhi Thánh Thể nhiệm mầu
Tôn sùng rước lễ nhà chầu viếng thăm
...
Thiếu nhi bác ái một lòng
Tim luôn quảng đại mới mong giúp người
...
Thiếu nhi ngay thẳng trọn đới...’
Các Huynh Trưởng nam nữ, đang lứa tuổi thích hiên ngang đứng thẳng, đã khiêm nhường quì xuống trước bàn thờ tay giơ, miệng đọc lời dấn thân... xin : ‘ biết hoạt động mà không tìm an nghỉ, tận tình với chức vụ mà không mong phần thưởng nào khác. Một biết mình làm theo ý Chúa luôn.’
Kể từ đấy, Ðoàn đã không ngừng tiến triển về phẩm cũng như về lượng. Con số đoàn sinh tăng đều mỗi năm. Năm đầu tiên là 84 em. Nm nay : 220 em.
Về Giáo Lý, các em được những thầy cô tận tình hướng dẫn với tinh thần hoàn toàn vì Chúa. Năm nào cũng có các em hoặc Rước Lễ lần đầu, hoặc Thêm Sức, hay Rước Lễ trọng thể, Tuyên Xưng Ðức Tin. Có cả những em ngoài Công Giáo đến theo học, sau đó xin được Rửa Tội.
Về tiếng Việt và sinh hoạt, tại Giáo Xứ hay tại các kỳ sa mạc (trại), các em đã đạt từ mức độ không biết, biết ít, đến mức độ nói, viết, hoạt bát... tương ứng với cố gắng cá nhân. Những em tiến bộ nhất đã tự nguyện trở thành Dự bị trưởng, rồi Huynh trưởng.
Về đường hướng, các em được huấn luyện trong bầu khí lành mạnh, phấn khởi, thích nghi... biết tự nguyện sống đạo và sẵn sàng dấn thân, hiên ngang mang Chúa đến với môi trường sống... cố gắng :
‘Trở nên những con người kiện toàn.
Những Kitô hữu hoàn hảo’
như mục đích của Phong Trào đề ra.
Ðoàn đã được sự ủng hộ và thiện cảm của nhiều giới trong và ngoài Giáo Xứ. Tên của Ðoàn đã vang tới Việt Nam, được nhắc tới tại những nước có các đoàn bạn sinh hoạt ở Mỹ, Úc, Á, Âu.
Ðặc biệt và hơn hết Ðoàn được sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của phụ huynh có con em trong Ðoàn, không ngần ngại gánh thêm một hy sinh nữa, trong bao hy sinh khác, đưa con cháu tới Giáo Xứ vào mỗi chiều thứ bảy, mặc dầu đã phải vật lộn với cuộc sống khó khăn suốt tuần, suốt tháng, thời giờ eo hẹp, phương tiện xê dịch khó khăn, nhà ở có khi xa 6, 7 chục cây số hay xa hơn nữa ! Có lẽ cũng chỉ vì mong sao con cháu mình được học hỏi, để biết Chúa, mến Chúa, theo Chúa... nhớ đến cội nguồn nòi giống...(Lm Ðinh Ðồng Thượng Sách, KY-ÐKV, tr 2-3)
Ðúng như lời cha tuyên úy rằng ‘Ðặc biệt và hơn hết, được sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của phu huynh có con em trong đoàn’. Các phụ huynh đã dành cho các huynh trưởng những tình cảm nể nang thán phục.
Giáo Hội Công Giáo có một quan niệm rất tổng quát về giáo dục. Trong thơ gởi các gia đình vào tháng hai, năm 1994, đức đương kim giáo hoàng Gioan Phaolô II đã vạch rõ cho các bậc cha mẹ rằng : ‘Lý tưởng giáo dục công giáo là một giáo dục toàn diện’.
Như là một giải đáp thích đáng cho lý tưởng giáo dục toàn diện này, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tổ chức việc giáo dục khởi đầu và căn bản cho các trẻ em qua một học trình toàn diện. Học trình này gồm hai khóa trình căn bản : khóa trình văn hóa việt nam của việc học tiếng việt, và khóa trình giáo lý công giáo gồm các môn tín lý, luân lý, phụng vụ, bí tích và mục vụ.
2313. Khóa trình tiếng việt.
‘Mục đích của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể là đào luyện các em trở thành con người toàn thiện và kitô hữu hoàn hảo. Sinh hoạt của các em tập trung vào chiều thứ bảy từ 15 đến 19.30, gồm : học tiếng việt, Sinh hoạt vui chơi, giáo lý, và kết thúc bằng thánh lễ chung với phu huynh’
Ðoạn văn ngắn này, trích từ tập kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, đã giới thiệu đủ bốn khóa trình giáo dục căn bản dành cho thiếu nhi tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Một trong bốn khoá trình ấy là việc dậy tiếng việt. Xin mời bạn đọc liếc qua một bài báo tôi viết vào năm 1987, ghi lại trả lời của Giáo Xứ Việt Nam Paris về câu hỏi ‘Làm sao dậy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp ?’
Dạy tiếng việt cho trẻ em Việt Nam, đó là công việc mà Giáo Xứ Việt Nam đã thực từ trên 10 năm nay. Trong những năm dầu, câu hỏi ‘tại sao phải dậy tiếng việt cho trẻ em việt nam’ đã được đặt ra. Nhiều câu trả lời đa được ghi nhận và bàn cãi. Các báo chí Việt Nam tại hải ngoại cũng đã và đang đề cập đén vấn đề náy. Ngay trên tờ Giáo Xứ, tôi cũng có dịp bàn đến trong bài ‘Làm sao phát triển tiếng việt nơi con em chúng ta’, đăng trong hai số 18 và 19 tháng 11 và 12 năm 1985. Ngược lại một vấn đề kế tiếp là ‘làm sao dậy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp’ chưa được đặt ra một cách rộng lớn. Nhưng nó lại là vấn đề thực tế và quan trọng hơn cả. Nó cũng là vấn đề mà hiện nay Ban tiếng việt tại Giáo Xứ đang cố gắng nghiên cứu và thực hiện qua hai việc : việc tổ chức các lớp học và việc nghiên cứu các phương pháp thích ứng hữu hiệu.
2314. Khóa trình giáo lý.
Khóa trình tiếng việt xoay quanh việc nói, viết, đọc và hiểu tiếng việt, cũng như việc sống các tập tục, việc thấm nhuần lịch sử, văn minh và văn hóa việt nam. Chính yếu nó xoay quanh các môn học có tính cách phương tiện là ngôn ngữ. Về triết lý cuộc đời, về phong thái và tư cách xã hộI, nó cũng chuyên chở một nội dung văn hoá phong phú. Người công giáo việt nam dĩ nhiên xây dựng cuộc sống mình trên cái nền tảng văn hóa việt nam ấy. Nhưng thêm vào đó, họ còn pha trộn hoặc xây thêm cái nền tảng công giáo. Ðó là lý do khiến bất cứ một xứ đạo nào cũng nghĩ đến việc giáo dục tôn giáo, gọi nôm na là giáo lý. Khóa trình giáo lý này bao gồm năm môn chính : tín lý, luân lý, mục vụ, phụng vụ và bí tích.
Ở Giáo Xứ Việt Nam, khóa trình giáo lý chỉ được thực hiện từ những năm 1972 với cha Nguyễn Quang Toán. Năm năm sau, từ 1977, số trẻ em tham dự càng ngày càng đông, lên đến 80, cha Mai Ðức Vinh đã đưa ra một chương trình rõ rệt hơn và một tổ chức qui củ hơn. Chương trình này, từ năm 1996 đã được tổ chức qua 11 lớp học khác nhau, dành cho trên dưới 230 em theo học, với 11giáo lý viên.
Dạy giáo lý là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Xứ. Các em càng nhỏ càng cần được chỉ bảo nhiều. Các em theo học tại Giáo Xứ Việt Nam ngày càng đông. Nhu cầu nhân sự thật cần thiết. Khởi đầu chỉ độ mươi em với một người dạy là đủ. Nay số giáo viên lên đến 11 người, vẫn chưa thỏa mãn cho 222 em theo học, từ 6 đến 16 tuổi.
Năm 1972, thời cha Nguyễn Quang Toán làm giám đốc Giáo Xứ Việt Nam, tại Sarcelles mới có một lớp giáo lý đầu tiên bằng tiếng việt do chi Trần Thị Nguyệt tức Minh Tâm phụ trách với trên dưới 10 em, đủ mọi trình độ và lớn nhỏ, vào mỗi chiều thứ tư, từ 15 giờ đến 17 giờ. Sau đó, chị Minh Tâm bận học, nên chị Nguyễn Thị Mỹ Phước thay. Ðến năm 1975, số con em di cư qua khá đông. Nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na nhờ chị Mỹ Phước mở một lớp tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, mỗi sáng chúa nhật từ 10 giờ đến 11 giờ. Học xong các em dự lễ chung với cộng đoàn. Năm 1977, cha Mai Ðức Vinh hướng dẫn chương trình giáo lý với sự cộng tác của chị Mỹ Phước, anh chị Nguyễn Công Thương, chị Marie Hoàng Thị Lan (Many Hùng). Năm 1984, cha Bùi Duy Nghiệp phụ trách với sự ộng tác đắc lực của chị Mỹ Phước , anh chị Nguyễn Công Thương, nữ tu Nguyễn Thị Phú, chị Ðào Kim Phượng và một số nữ tu việt nam Dòng Chúa Quan Phòng. Số các em lúc đó lên đến hơn 80.
Năm 1985, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách được bổ nhiệm phụ trách về ban giáo lý tại Giáo Xứ Việt Nam Paris và đã thành lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Kể từ niên khóa 1985-1986, các lớp giáo lý được tổ chức sinh hoạt chung với đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, mỗi chiền thứ bảy, từ 15 giờ đến 18 giờ, tiếp theo là thánh lễ. Số ghi danh mỗi ngày một tăng, vì thế có những niên học phải nhờ sự tiếp tay của hai huynh trưởng, anh Ðỗ Duy Hoàng và anh Nguyễn Ðức Minh. Chị Florence Nguyễn Thị Ngọt đã giúp đỡ một thời gian, sau đó vì bận việc nên xin nghỉ.
Kể từ năm nay, niên khóa 1996-1997, số ghi danh là 222 em của 122 gia đình. Các em được chia làm 11 lớp, do các giáo lý viên phụ trách. Ðiều mừng là các giáo lý viên mỗi ngày thêm đông và rất nhiệt tâm
Nét độc đáo của khóa trình giáo lý ở Giáo Xứ Việt Nam là nó được thực hiện trong cái khung đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Nó không đơn thuần là một lớp giáo lý nhưng như lời anh chị Hoàng Hiệp và Ðan Tâm, là một ‘linh thao tuổi thơ’ mà ‘ngoảnh mặt lại, thấy giang sơn cười chúm chím’. (Kỷ yếu - KTV, tr. 16-17)
232. giáo dục khởi đầu căn bản cho kha tráng niên.
Qua lớp tuổi ấu thiếu, người trẻ đã thấy mình lớn hẳm lên, nhưng vẫn chưa đủ lông cánh để vào đời tự lập. Việc giáo dục khởi đầu đã được thực hiện ở gia đình, ở học đường, với những khóa trình căn bản ngôn ngữ, và căn bản đức tin công giáo, nay được nới rộng hơn ở xã hội, với những khóa trình có vẻ dấn thân hơn như dự bị trưởng, hoặc chuyên biệt hơn như cầu nguyện, tìm hiểu ơn gọi, hoặc tổng quát cho thanh thiếu niên trẻ, hoặc cao cấp hơn như trại hè tiếng việt.
2321. Khóa trình Sĩ và chuẩn bị huynh trưởng.
Một trong những nét độc đáo của phương pháp hội đoàn là giáo dục thanh thiếu niên theo những nhu cầu lứa tuổi của họ. Phong trào thiếu nhi thánh thể tổ chức sinh hoạt cho trẻ em theo ba đơn vị, tùy theo tuổi :
- ẤU nhi, cho các em từ 6 đến 9 tuổi, khẩu hiệu sống là ‘NGOAN’.
- THIẾU nhi, cho các em từ 10 đến 13 tuổ, khẩu hiệu sống là ‘HY SINH’.
- Nghĩa SĨ, cho các em từ 14 đến 17 tuổi, khẩu hiệu sống là ‘CHINH PHỤC’.
Ấu nhi có thể được so sánh với giáo dục ở bậc tiểu học ; Thiếu nhi ở bậc Trung học đệ nhất cấp. Sau cấp thiếu nhi, các môn căn bản nhất đã được tập luyện. Ở tiếng việt các em đã biết nói, biết đọc, biết viết. Ở giáo lý, các em đã thuộc các kinh hàng ngày, đã chịu các bí tích đầu đời như Rửa Tội, Giải Tội, Mình Thánh Chúa và Thêm Sức, đã có một ỳ niệm căn bản về giáo hội, về cộng đoàn và về bổn phận truyền giáo.
Tuổi 14-17, với nhiều xáo trộn mới về sinh lý, tâm lý, trẻ em cần được có những sinh hoạt khác ơn. Trong đường lối giáo dục của ‘phong trào thiếu nhi thánh thễ, khóa trình dành cho lớp tuổi 14-17 này là khóa trình sĩ và chuẩn bị huynh trưởng. Nó tương đương với giáo dục học đường ở bậc trung học đệ nhị cấp.
Lời tâm sự của cựu dự bị huynh trưởng Anna Tú nói lên nhu cầu ấy (KH-KTV, tr.18-19).
Tại Giáo Xứ, ngày 22.6.1986, phong trào thiếu nhi thánh thể đã được thành lập. Ðoàn chúng tôi ra mắt với cái tên đầy ý nghĩa và oai phong : Ðoàn Kitô Vua. Ngày đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi : cờ đoàn phất phới trên cao, ai nấy mặc đồng phục chỉnh tề trong hàng ngũ ngay thẳng theo màu khăn quàng, tức theo ngành, trông thật đẹp mắt. Buổi lễ đã làm tôi cảm động trong phần tuyên hứa gia nhập vào Ðoàn. Những lời hứa mà tôi đã tuyên xưng ra cho mọi người nghe, nhưng đặc biệt những lời đó tôi đã thật hứa với Ðức Kitô rằng từ đây tôi sẽ sống theo điều luật và tôn chỉ của Phong Trào : cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm việc tông đồ. Và kể từ đó tôi chính thức trở thành ‘đứa con’ trong đại gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Giáo Xứ. Phong tráo Thiếu Nhi Thánh Thể đối với tôi là một nguồn sống. Nhờ các anh chị huynh trưởng dìu dắt tôi trong ngành Nghĩa sĩ đi theo con đường mến Chúa, yêu người, qua những phương pháp tự nhiên và siêu nhiên, nên tôi mới thấu hiểu và đem ra thực hành. Tôi càng mong cho nước Chúa lan rộng bằng cách mở hai cánh tay tôi ra để hướng dẫn lại cho đàn em tôi mai sau. Vì thế, một năm sau khi Ðoàn được thành lập, hai nghĩa sĩ, một bạn và tôi, đã cảm thấy ‘sẵn sàng’, rời ngành Nghĩa sĩ để tu thân trở thành huynh trưởng nối nghiệp các anh chị đi trước.
Kể từ ngày đó, Ðoàn có thêm một ngành mới, đó là ngành Dự bị Huynh trưởng, dành cho những người như ba đứa chúng tôi, từ Nghĩa sĩ lên, hoặc cho những ai đã đến tuổi trưởng thành mới làm quen với Phong trào, muốn trở thành huynh trưởng. Trong ngành Dự bị, chúng tôi được huấn luyện đặc biệt về kỹ thuật sinh hoạt : làm thế nào điều khiển sinh hoạt, ra trò chơi, tập bái hát, đứng ra làm quản trò... Lúc đàu, ba đứa tôi cùng sinh hoạt với huynh trưởng. Dần về sau, như chim vững cánh, hai người bạn cùng tôi xuống ngành Ấu, cùng sinh hoạt và dạy lớp với các huynh trưởng ngành trong sáu tháng, trước khi chúng tôi được quàng khăn Huynh Trưởng.
Ngành Dự Bị đối với tôi rất cần thiết. Tôi thường ví nó như một chiếc cầu bắt ngang con sông, nối liền hai bờ đất. Ðó là thời gian giúp tôi chuẩn bị ‘hành trang huynh trưởng’, đủ nghị lực, đủ tự tin để sẵn sàng sinh hoạt dìu dắt đàn em một cách hăng say và vui tươi. Từ ngày quàng khăn, đến tuyên hứa huynh trưởng và cho đến nay, sau nhiều năm sinh hoạt trong cả 3 ngành Ấu, Thiếu, Nghĩa, lòng tôi luôn hân hoan vui sướng khi nghĩ đến các em. Ðoàn Kitô Vua là đại gia đình của tôi. Mai sau, dù không có điều kiện đến sinh hoạt, thường xuyên tôi cũng sẽ để quên con tim nơi Ðoàn, nơi mà tôi đã lớn lên trong tình huynh đệ.
2322. Khóa trình sa mạc huấn luyện trưởng.
Sau lớp sĩ và chuẩn bị huynh trưởng là khóa trình sa mạc huấn luyện huynh trưởng. Nó có thể được so sánh với giáo dục học đường ở bậc cao đẳng. Khóa trình này có tính chất chuyên nghiệp và thực tiễn. Người trình bày khóa trình này hay hơn cả là người đã sống thực sự khóa trình. Bởi vậy sau đây tôi xin nhường lời cho trưởng Anphongsô Dương Trung Huy, để nói về khóa trình sa mạc huấn luyện trưởng (KY-KTV, tr. 26-29)
Khi dùng chữ ‘sa mạc’ để chỉ ‘trại huấn luyện’, Thiếu Nhi Thánh Thể đã thật khéo léo khơi nguồn Thánh Kinh. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thanh luyện dân Do Thái qua 40 năm trưởng trong sa mạc. Trong Tân Ước, trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã vào sa mạc 40 đêm ngày và chịu ma quỷ thử thách. Ngày nay, Thiếu Nhi Thánh Thể tự nguyện giã từ mọi tiện nghi vật chất quen thuộc bước vào cuộc sống lều trại như dân Do Thái xưa, để được thanh luyện và chuẩn bị sứ vụ tông đồ giới trẻ. (Trích ‘Ðường vào sa mạc’ - trưởng Nguyễn Ðức Mậu - Thời Ðiểm Công Giáo số 12).
Thật vậy, khác với một buổi cắm trại thông thường, sa mạc Thiếu Nhi Thánh Thể không chỉ huấn luyện các đoàn sinh trên phương diện tự nhiên mà còn giáo dục họ về mặt siêu nhiên.
Giữa khung cảnh thiên nhiên, tâm hồn sa mạc sinh dễ dàng lắng đọng hòa nhịp và sống gần Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng muôn loài . Tâm tư yên tịnh để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi.
Trong khung cảnh ‘lều vải’, xa mọi tiên nghi vật chất quen thuộc, sa mạc sinh quên đi những đòi hỏi hàng ngày của bản thân mà đặt hết tin tưởng vào người điều khiển.
Mọi sinh hoạt trong sa mạc đều làm theo đội để phát triển nơi sa mạc sinh tinh thần đồng đội, tinh thần kỹ luật.
Trò chơi lớn đòi hỏi sa mạc sinh tháo vát, nhanh nhẹn nhận tín hiệu Morses, dịch mật thư, tìm dấu đường, vượt cản trở để về đích trước tiên vui niềm vui thắng cuộc, đồng thời cũng tập cho sa mạc sinh tinh thần thi đua lành mạnh, thắng không kiêu, bại không nản.
Và sa mạc sinh kết thúc ngày sinh hoạt với Lửa Thiêng Thánh Thể, đặt trên lửa mọi gian lao, hy sinh của ngày qua để xin Chúa nhận như của lễ toàn thiêu và ban cho tâm hồn niềm vui, sức sống an hòa và một đêm an bình. Lửa Thiêng Thánh Thể tạo niềm vui nhận biết Thiên Chúa đang ở giữa con người khi cùng họp mặt ôn lại những việc Chúa đã làm. Lửa Thiêng Thánh Thể cũng không ngoài mục đích giáo dục các đoàn sinh về 2 mặt tự nhiên (tập kịch, vũ, ca hát...) và siêu nhiên (học biết Thánh Kinh).
Sa mạc huấn luyện không chỉ dành riêng cho các em Ấu, Thiếu, Nghĩa, mà chính các dự trưởng và huynh trưởng là những người đầu tiên được mời gọi tham dự sa mạc. Sa mạc huấn luyện chính là dịp các huynh trưởng trau dồi kiến thức, rèn luyện khả năng, cũng cố và phát triển Ðức Tin, để chu toàn sứ mạng giáo dục và thánh hoá tuổi trẻ. Ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo huynh trưởng ngỏ hầu phát triển Phong trào, một số huấn luyện viên từ Hoa Kỳ đã không quản ngại thì giờ và công sức, sang tổ chức sa mạc tại Pháp hàng năm, kể từ hè 1993. Những sa mạc huynh trưởng cấp 1, rồi cấp 2 và cấp 3 thật bổ ích cho các huynh trưởng trong Ðoàn Kitô - Vua nói riêng, sau một niên khóa sinh hoạt, đã cho đi nhiều, cần hấp thụ thêm những lời hay ý lạ, nhưng còn ích lợi hơn nhiều cho Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Pháp nói chung, vì đã giúp Phong trào bén rễ tại một số tỉnh như Nantes, Marseilles, Toulouse...
2323. Khóa trình trại hè tiếng việt.
Trong giai đoạn Ấu Thiếu, hai khóa trình căn bản là giáo lý và tiếng việt. Ở giai đoạn tráng niên, khóa trình sa mạc huấn luyện trưởng mà ta vừa xem qua ở trên có khía cạnh xã hội, nhưng nặng tính chất giáo lý, luân lý, phụng vụ và mục vụ. Khóa trình trại hè tiếng việt nghiêng hẳn về khía cạnh văn minh, văn hóa và văn học việt nam. Sau đây tôi xin nhường lời cho một người tham dự kể về trại hè tiếng việt IV (BGX,số 178, 12-2001, tr 18-19).
Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tổ chức một ‘Trại hè tiếng việt’, tại Solesmes từ ngày 13 đến 25.8.2001. Trại hè tiếng việt I tại Carmaux. Trại II và III tại Charleville Mézières. Hơn mọi lần, trại hè năm nay đã để lại một âm hưởng hào hứng đặc biệt nơi các trại sinh và Huynh Trưởng điều khiển trại.
Một khoảng đất rộng nhiều bóng cây, một ngôi nhà chồm trên dòng sông Sarthe với cái đập ngày đêm rì rào. Nhà Dòng Biển Ðức Solesmes 1.000 tuổi. Ðó là nơi biết bao kỷ niệm êm đềm. Học tiếng việt sao nhiều kỷ niệm vậy ?
Học tiếng việt : Buổi sáng học tiếng việt : 30 trại sinh và 15 Huynh Trưởng chia thành 4 nhóm. Các đề tài học đều cụ thể thiết thực theo chương trình soạn thảo của Phụ Huynh và Huynh Trưởng. Ðầu đuôi là những câu chuyện thường thức gia đình. Có phần viết và đọc, nhiều ngữ vựng chính tả, văn phạm và phần trao đổi vấn đáp trong nhóm. Có cả phần thành ngữ ca dao. Học nói, đọc, viết với nhiều thực hành. Mong sau này các em sẽ mạnh dạn nói tiếng việt phong phú trên những đề tài rộng rãi hơn.
Một vài thí dụ : Các em học tự giới thiệu, hỏi thăm tên tuổi, sức khỏe của người khác, gọi cô bác dì dượng người nào đúng ngôi vị người ấy. Khi du lịch, hỏi đường xá, nói về thời tiết mùa màng, phong cảnh, trao đổi về thời giờ ngày tháng. Nếu đi chợ nấu ăn, các em có thể hỏi giá, trả gíá, gọi tên các món hàng, và cả các món ăn trên bàn ăn. Thể thao là đề tài tủ của các em : bơi lội, túc cầu, bóng chuyền, bóng rổ. Trận đấu nào là bán kết , chung kết, đội nào về vô địch toàn quốc, toàn cầu... Các em đều biết và bây giờ biết nói bằng tiếng việt.
Ðể phục vụ các em, để cho sinh hoạt trại sống động, các em có các buổi trò chơi lớn, xuất du, canh thức và trò chơi buổi tối, với các sinh hoạt thiêng liêng. Hai ban cơ bản của trại là ban điều hành trại và ban ẩm thực. Nhờ đó trại tiếng việt đã đem lại rất nhiều hào hứng, bổ ích và lành mạnh. Trại sinh cũng như Huynh Trưởng đều mong Ðoàn chấp thuận cho tổ chức tại hè tiếng việt, với sự cộng tác chính yếu của ba má mấy bạn. Trong khi chờ đợi hè 2002, trại sinh kéo dài niềm vui trại vừa qua bằng đường giây phone, bằng những cuộc gặp gỡ lần lượt trong các gia đình, và bằng hình ảnh kỷ niệm trao đổi nhau.
233. Giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho thanh niên
Giáo dục khởi đầu căn bản cho kha tráng niên có thể được coi như giáo dục bình thường và tổng quát do Giáo Xứ tổ chức. Trong các lờp tuổi từ sĩ, tức là từ 14 đến 17 và tráng tức là từ 18 trở lên, không phải thanh niên nào cũng có dịp được ở trong đoàn Thiếu Nhi ThánhThể. Vì những lý do cá nhân, những thanh niên này không tham dự được những khóa trình sĩ, khóa trình chuẩn bị huynh trưởng, khóa trình sa mạc huấn luyện trưởng, khóa trình trại hè tiếng việt. Một số khóa trình khác, chuyên biệt hơn đã được một số trong họ đề nghị ra và được Ban Giám Ðốc Giáo Xứ chấp thuận và tổ chức. Dó là những khóa trình tổng quát trẻ, khóa trình phụng ca, khóa trình cầu nguyện, khóa trình chuẩn bị hôn nhân và khóa trình tìm hiểu ơn gọi.
2331. Khóa trình tổng quát trẻ.
Khóa trình trẻ này gọi là tổng quát vì nó bao gồm sinh hoạt của nhiều môn trong đó có giáo lý và tiếng việt. Nó có tính cách phổ quát vì được xây dựng trên những hoạt động có thể coi là thông thường hàng ngày, nhưng được tô đậm với những nét hấp dẫn như chiến dịch, chương trình, lời cầu, giờ dành cho nhau... Nó có tính cách phổ thông vì mở rộng cho hết mọi thanh niên trẻ và có thể đón nhận mọi khả năng. Một người trẻ trách nhiệm đã tóm lược khóa trình tổng quát này trong kỷ yếu Giáo Xứ như sau (KY-GX, tr91-93:
Sinh hoạt giới trẻ thành hình từ tháng 10.1977, khi cha Ðinh Ðồng Thượng Sách về làm việc tại Giáo Xứ. Số sinh viên du học lui tới Giáo Xứ ít đi. Mà giới trẻ ngày càng đông. Cha Sách và anh chị giới trẻ tìm gặp nhau, kiếm cách nào làm việc cho thích hợp. Sau nhiều lần trao đổi, bàn bạc và đóng góp ý kiến, sinh hoạt giới trẻ bắt đầu từng bước và đều đặn qui củ tới ngày nay.
Ðể cho dễ sinh hoạt về chuyên môn, anh chị em chia từng nhóm, theo khả năng hay nhu cầu như : ca đoàn, cầu nguyện, sống đạo, đạo binh, xã hội, văn nghệ, nhạc động, trang trí, Emmau, thư viện, hành hương và thể thao. Phân chia như vậy, nhưng khi tổ chức, tất cả cùng làm chung. Trọng tâm sinh hoạt là ngày có thánh lễ giới trẻ hàng tháng, các dịp tết, Giáng sinh, Phục sinh, đại hội giới trẻ và cắm trại.
20 năm qua, giới trẻ được hướng dẫn bởi các cha tuyên úy : cha Ðinh Ðồng Thượng Sách (1977-1984 và 1988-1994) cha Bùi Duy Nghiệp (1985-1987) và nay là cha Trần Anh Dũng.
Và có vị đại diện ban thường vụ Hội Ðồng Mục Vụ bên cạnh giới trẻ : ông Võ Phước Thiện (1983-1985), bác sĩ Trương Quân Vương (1986-1989, chị Ðào Kim Phượng (1990-1994), anh Nguyễn Kim Tuấn (1994-)
Thánh lễ hàng tháng : Giáo Xứ quá đông, một thánh lễ không thể dung nạp và thích hợp cho mọi lứa tuổi. Nên một thánh lễ được tổ chức riêng cho các bạn trẻ. Tháng một lần, khoảng 300 bạn trẻ đến sinh hoạt sáng chúa nhật thứ ba trong tháng, từ 10 giờ đến xong, tất cả bốn tiếng. Vì thế còn gọi là ‘bốn giờ dành cho nhau’, gồm thánh lễ, ca hát, văn nghệ bỏ túi, ăn trưa, thảo luận, thắc mắc và trao đổi kinh nghiệm sống. Chúa nhật 16.10.1983 thánh lễ đầu tiên chính thức ra mắt tại Giáo Xứ, rất long trọng và sầm uất.
Ngày lễ giới trẻ được coi như nhộn nhịp hào hứng nhất trong tháng. Hiện nay, số bạn trẻ bớt đi. Vì số người trẻ trong các trại tỵ nạn quanh Paris không còn. Lớp ‘người trẻ lớn’ nay đã có gia đình. Lớp trẻ từ Thiếu Nhi Thánh Thể lên, cần thời gian chuyển tiếp.
Các chiến dịch : Tùy theo nhu cầu và thời kỳ, cha tuyên úy mở chiến dịch sinh hoạt, cầu nguyện trong giới trẻ tại gia đình các bạn trẻ vùng Paris. Cha tuyên úy có lần tâm sự : Hàng tháng khi dâng lễ, đùng trên nhìn xuống, tôi bồi hồi trước hàng trăm khuôn mặt trẻ trung đang nghiêm trang, kính cẩn hướng lên Bàn Thánh. Tôi muốn đặt trên Ðĩa Thánh từng mảnh đời chất nặng buồn vui của từng bạn. Nhưng làm thế nào để biết được những ‘mảnh đời’ đó trong cuộc sống thực của mỗi người trẻ thân thương. Lời tâm sự chứa chan tình người được nhiều người hưởng ứng và đáp lại bằng cách thực hiện các chương trình dưới, với mục đích giúp các bạn trẻ có dịp gặp gỡ nhau trong bầu khí gia đình, huynh đệ hơn, để dễ dàng chia xẻ tình đời, nghĩa đạo, sống với nhau mấy tiếng đồng hồ chiều đêm cuối tuần, thoải mái, lợi ích thiêng liêng, trước khi gặp các bạn khác trong thánh lễ hàng tháng.
Chương trinh Rước Ảnh Chúa : Năm 1988, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu được rước đến căn phòng bạn trẻ nào xin. Nội dung gồm thăm hỏi, cầu nguyện, trao đổi học hỏi về Lời Chúa, theo Phúc âm đọc trong lễ Giới Trẻ.
Chương trình Mẹ đến thăm con : Năm 1990, ảnh Thánh Tâm Chúa, được thế bằng tượng Ðức Mẹ Fatima. Kỷ niệm 75 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-1992). Năm 1994, rước tượng Ðức Mẹ Lộ Ðức, cầu cho đại hội hành hương Lộ Ðức 8.1995. Gia đình đến đón nhận Ðức Mẹ đặt trên bàn thờ sau lễ hàng tháng, hay do hai quân binh trong Ðạo Binh Mẹ là Nguồn An Vui, tháp tùng Ðức Mẹ cùng với cha tuyên úy và khách mời. Chương trình được thực hiện vào tối thứ sáu, thứ bảy hay chúa nhật, từ 20 giờ đến 21 giờ30.
Nội dung gồm : Một bài hát mở dầu - Ít phút tập trung - 10 kinh dâng Mẹ - Lắng nghe tiếng Chúa - Chia xẻ và cầu nguyện - Tìm hiểu về Ðức Mẹ - Bài hát kết thúc. Trong tuần : Mỗi tối bạn thắp nến, nối tiếp những chục kinh còn giở. Hợp với các chục kinh của các bạn khác, hợp thành chuỗi ‘Môi Khôi sống’. Nếu được : Bạn cố gắng làm việc bác ái, hy sinh dâng cho Mẹ (Thông báo trong Emmau, 1994). Ðức Mẹ đã rảo qua các gia đình tại Roissy en Brie, Montreuil, Gentily, Passy, Palaiseau, Auberviliiers, Vitry sur Seine, Epinay sur Seine, Montrouge...
Văn nghệ : Hợp với các nhóm và ban khác, giới trẻ Giáo Xứ đảm nhận văn nghệ giúp vui trong các ngày Thân Hữu hàng năm của Giáo Xứ, hoặc các đêm văn nghệ trình diễn cho cộng đoàn. Thành công và đáng kể nhất :
o Ngày 22.4.1978, Tiếng Ru Muôn Ðời, tại thính đường Notre Dame du Bon Conseil, 6 rue Albert de Lapparent, 75007 Paris.
o Ngày 29.6.1985, Giữ Thơm Quê Mẹ, tại 75017 Paris. Sau đó phát hành băng nhạc ‘Giữ Thơm Quê Mẹ’, nỗ lực qúi giá và mức tiến chưa từng có của các nhạc và ca sĩ trẻ Giáo Xứ.
o Ngày 17.6.1990, Uống Nước Nhớ Nguồn, tại thị sảnh quận 14, 2 Place Ferdinand Brunot, kỷ niệm đệ nhị chu niên 117 vị Tử Ðạo Việt Nam được phong Hiển Thánh.
Có giọng ca tốt, tiếng đàn điêu luyện mà không có âm thanh và trang trí, khác nào hát một mình trong đêm tối hay bên bờ sông. Văn nghệ nổi đình đám là nhờ nghệ thuật trang trí và âm thanh. Các bạn trong ban ÂM THANH, nhạc động và trang trí giữ vai trò quan trọng cho ban Văn nghệ và Ca đoàn.
Hành Hương : Với mục đích ‘nối tiếp những bước chân hành hương xưa nay’, đồng thời để mở rộng tầm hiểu biết :’Ði cho biết đó biết đây’, Nhóm Hành Hương được thành lập, năm 1989. Nhóm đã giúp các bạn trẻ tới các địa điểm thời danh như : Lisieux, Chartres, Paray le Monial, Ars, núi Sariste Odile, Taizé, Montligeon... hành hương qui mô như : Bỉ (1986,1989), Ðức (1989), Roma (Phong Thánh), đại hội quốc tế giới trẻ tại Balan (1991), Denver (1993) và Lộ Ðức (1995), hai kỳ đại hội giới trẻ tại Pháp ở Athis Mons năm 1992 và 1994. Từ 1995, hằng năm giới trẻ tổ chức tĩnh tâm vào sau lễ Phục sinh.
Thể Thao : Nhóm Thể Thao được thành hình để đáp ứng nhu cầu thể thao của các bạn trẻ. Quận 14 có dành một phòng cho các bạn trẻ ưa chuộng thể dục thể thao đến luyện tập.
2332. Khóa trình ca nhạc.
Một số bạn trẻ có khiếu và thích âm nhạc, ca hát, đã tự tụ họp lại và lập nên những sinh hoạt ca nhạc trong các ca đoàn. Mỗi địa điểm mục vụ đều có một ca đoàn : ca đoàn Cergy, ca đoàn Marne la vallée, ca đoàn Villiers le Bel, ca đoàn Sarcelles... ở địa điểm trung ương Giáo Xứ có tất cả 5 ca đoàn, trong đó ba ca đoàn có thể xếp vào khóa trình tiên khởi chuyên biệt dành cho thanh niên. Ðó là Ca đoàn Giáo Xứ mở cửa cho mọi thanh niên. Ca đoàn Triều Dâng đặc biệt đón nhận các sinh viên. Ca đoàn Trinh Vương có hương sắc phổ biến lòng sùng kính Mẹ Maria. Hai ca đoàn khác, một là của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, một qui tụ các vị trưởng thành. Ca đoàn Giáo Xứ là kỳ cựu và hùng mạnh hơn cả.
Ngày chúa nhật, các bạn trẻ dù ham chơi, thích dạo phố phường hay say ngủ, cũng bỏ hết. Vung người, ra khỏi nhà đến tập dượt, ôn giọng và so dây đàn vào lúc 10 giờ cho kịp lễ trưa. Vấn đề tập luyện cần kiên tâm bền chí. Sau lễ, vào những ngày lễ Giới Trẻ hay lễ lớn, canh thức, đại hội, làm văn nghệ... chương trình tập tới chiều. Có khi đòi cả chiều thứ bảy. Anh chị em vui vẻ đến đầy đủ.
Những đêm Văn nghệ trình diễn cho Cộng Ðoàn, những lần xuất du dịp Phong Thánh (Roma), Hành hương Lộ Ðức hay hai lần Ðại Hội toàn quốc... là một phần thành quả vô cùng tốt đẹp của Ca Ðoàn. Làm nở mày nở mặt cho Giới Trẻ Giáo Xứ và cả Cộng Ðoàn. Danh thơm còn giữ mãi, như tiếng Ru Muôn Ðời, để Giữ Thơm Quê Mẹ và nhắc nhau Uống Nước Nhớ Nguồn.
Ước mong có nhiều bạn trẻ đến với Ca Ðoàn, hát tiếp cho hay hơn những bản ca còn thiếu giọng và thực hiện nhiều chương trình hấp dẫn khác (KY.tr94).
2333. Khóa trình cầu nguyện và sống đạo.
Các nhà tâm lý tính tình học đã đưa ra nhiều cách phân loại con người theo tính tình. Một trong những cách ấy là đơn giản phân loại con người theo bốn loại tính tình căn bản : hiếu động (actif), hiếu cảm (affectif), hiếu nghệ (artiste) và hiếu suy (pensif). Khóa trình Ca doàn có lẽ đã hấp dẫn các bạn trẻ có tính nghệ sĩ. Khóa trình cầu nguyện thu hút nhiều thanh niên trầm tư suy tưởng và khóa trình sống đạo có lẽ thích hợp với các bạn trẻ ham hoạt động. Cả hai khóa trình cầu nguyện và sống đạo đều đã được khởi đầu tổ chức vào những năm đầu 80.
Khóa trình cầu nguyện.
Nhớ lại buổi đầu. Là một trong các nhóm sinh hoạt thuộc Giáo Xứ Việt Nam Paris, nhóm Cãu Nguyện cũng như mọi nhóm khác đều trải qua giai đoạn thành hình từ sự qui tụ các bạn ít nhiều lưu tâm đến đời sống cầu nguyện trong niềm tin kitô giáo. Về thời gian, nhóm Cầu Nguyện chỉ khởi sự sinh hoạt đều đặn vào khoảng từ 1980. Tính đấn nay đã gần 20 năm sinh hoạt. Nhìn lại con đường thời gian, những suy nghĩ và tình cảm về bề dầy của những kỷ niệm sinh hoạt có thể viết ra nhiều, nhưng xét cho cùng, 20 năm có la bao so với tuổi của những vì sao trên trời!
Con số những thành viên của nhóm. Cầu nguyện là sinh hoạt khác hẳn những sinh hoạt Ca đoàn hay Thiếu Nhi Thánh Thể, sự qui tụ những thành viên chỉ đạt được ở mức trung bình từ 15 đến 20 bạn. Trên nhịp thăng trầm bình thường, điểm cao nhất đạt tới cũng không vượt trên con số 40 người. Vậy chỉ là một nhóm nhỏ, có sinh hoạt đặc thù, hình dung như con đường thanh vắng của một chiều thứ bảy cuối tháng, gợi tưởng trong lòng các bạn con đường một mình lên núi cầu nguyện của chính Chúa Giêsu.
Nội dung sinh hoạt. Trước tiên là họp mặt huynh đệ theo lời Chúa dạy: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh Ta...’ Sau đó, tuy hướng về cầu nguyện, nhưng các bạn trong nhóm luôn cởi mở rộng rãi về nội dung sinh hoạt, có nhiều khi có một nội dung ổn định lâu dài đều nhịp, nhưng cũng có khi băn khoăn mò mẫm qua thử nghiệm. Sở dĩ vậy là vì lúc nào cũng có thể gợi lên với nhau những câu hỏi như:
. Cầu nguyện đích thực là thế nào? Chúa Kirô là ai?
. Ngài dạy gì trong cầu nguyện?
. Tín thư Tin Mừng nói về gì? Sống đạo ngày nay phải thế nào?
Những câu hỏi gợi lên nhu cầu hâm nóng niềm tin và nhắm đi sát những thực tại thế trần (tuổi trẻ, tình yêu, nghề nghiệp, công bằng xã hội, lòng bác ái...) không xa rời văn hóa dân tộc ( Các vị tử đạo Việt Nam, tổ chức Hội đồng mục vụ Giáo xứ Việt Nam, tin tức Giáo Hội quê nhà, những vấn đề Việt Nam...)
Từ những đề tài được suy nghĩ và chọn lựa, nhóm dành thời giờ thảo luận với nhau, rồi cùng nhau cầu nguyện, dự thánh lễ và đào sâu thêm trong bữa tiệc vui, do nét đặc thù nối kết thân ái của các bạn với nhau, việc tổ chức ăn chung với nhau kết thức buổi sinh hoạt, gọi đó là bữa tiệc vui không phải là quá lời.
Khóa trình sống đạo
Nhóm Sống Ðạo được thành lập nhờ cha Mai Ðức Vinh và chị Thanh Vân vào năm 1980. Mục đích nhóm Sống Ðạo là tạo dựng nên một khuôn khổ tại giáo xứ để các bạn không phân biệt tuổi tác, có thể tìm đến, trước hết là học hỏi, đào sâu đức tin công giáo, cầu nguyện và sau đó gặp gỡ các bạn việt nam để chia xẻ kinh nghiệm sống và nâng đỡ nhau trong mọi môi trường, làm việc cũng như trong gia đình, xã hội.
Tổ chức: Tuy nhóm không có cha linh hướng nhất định. Dù vậy, mỗi buổi họp đều được hướng dẫn bởi một linh mục hoặc một nữ tu. Các cha hoặc nữ tu lo cho nhóm gồm có các ở giáo xứ và ở các họ đạo vùng lân cận: cha Mai Ðức Vinh, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách, cha Trần Anh Dũng, cha Lộc (Saint Sulpice), cha Nguyễn văn Ziên (Montrouge), cha Nên (Oise), cha Thắng (Montmorency), cha Thủ (MEP)... Soeur Bạch, Soeur Nga.
Chương trình: Ðầu năm, một đề tài chính cho cả năm được chọn lựa, dựa theo những đề tài của địa phận Paris hay Vatican đưa ra, hoặc những đề tài gọi là ‘thời sự’..
Tùy theo sự sắp xếp đặt của các cha hoặc nữ tu, nhóm lựa người hướng dẫn, người soạn đề tài và địa điểm buổi họp. Một cách nhìn khách quan, các anh chị trong nhóm đều tỏ ra hài lòng về các buổi họp của nhóm.
Suy nghĩ về tương lai: Ban phụ trách nhóm cũng muốn tì hiểu về những nhu cầu của các bạn trẻ, để nhóm sinh hoạt càng thích nghi hơn. Nhóm cũng mong muốn có thêm nhiều ban trẻ đến với nhóm.
2334. Khóa trình chuẩn bị hôn nhân.
Ngày 27/12/1995, tại Giáo Xứ, một Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã được thành hình.
Ðầu năm 2000, giáo sư Phạm Bá Nha, một giảng viên đã tóm lược tổng kết 9 khóa học thực hiện từ 1995 như sau :
Từ tháng 12.1995 đến nay, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã thực hiện được 9 khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân do Ban Mục Vụ Hôn Nhân phụ trách. Thời gian tuy ngắn, nhưng đã đem lại kết quả rất khả quan và đáng khích lệ, được 180 anh chị theo học. Sau bốn năm làm việc, thiết tưởng đã đến lúc cần có cái nhìn tổng quát để thẩm định về công việc làm của cả ban Giảng Huấn lẩn học viên. Từ đó hy vọng có cái nhìn mới, thay đổi và cải tiến cho phù hợp với nhu cầu mục vụ cộng đoàn ngày một gia tăng và yêu cầu của tuổi trẻ, đồng thời giúp cho các sinh hoạt ủa ban Mục Vụ Hôn Nhân hữu hiệu hơn. Công việc nào mà không cần xem lại. Tổ chức nào mà chẳng mong cầu tiến?
Ban Giảng Huấn: Ðể chia xẻ trách nhiệm chung về công tác mục vụ trong giáo xứ, mộ số người trong cộng đoàn đã nhận lời mời của ban giám đốc, cộng tác và phụ trách giảng dạy các khóa CBHN. Công việc này trước kia do các linh mục kiêm nhiệm. Các ngài mất quá nhiều thì giờ. Ðang khi công việc đa đoan. Những người tự nguyện là những người chuyên môn và kinh nghiệm như linh mục, bác sĩ, luật sư và giáo sư với các môn, ngành chuyên môn, phân chia như sau:
- Ðức ông Mai Ðức Vinh, giám đốc diều hành khóa học, phụ trách đề tài: Mục đích và đặc tính của Bí tích hôn phối.
- Linh mục Ðinh Ðồng Thượng Sách: Phụng vụ hôn nhân.
- Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, trưởng ban Mục Vụ Hôn Nhân: Ðời sống sinh lý vợ chồng.
- Giáo sư Trần Văn Cảnh: thư ký ban Mục Vụ Hôn Nhân: Giáo dục con cái.
- Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ðỉnh: Vai trò người chồng.
- Bà giáo sư Tạ Thanh Minh: Vai trò người vợ.
- Bác sĩ Tạ Thanh Minh: Vệ sinh và dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng.
- Phó tế Phạm Bá Nha: Tài chánh trong gia đình.
- Phó tế Nguyễn Văn Thạch: Ðời sống đạo trong gia đình.
- Luật sư Lê Ðình Thông: Gia đình trong dân luật của Pháp.
Thành phần Ban Giảng Huấn có sự thay đổi từ 2001: Vì vấn đề sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Văn Aùi được thay thế bởi bác sĩ Võ Thị Kim Uyên; và vì công tác mục vụ, phó tế Phạm Bá Nha được thay thế bởi ông Nguyễn An Nhơn chuyên viên ngân hàng.
Tổ chức khóa học và tham dự viên: Lớp Chuẩn Bị Hôn Nhân tổ chức một năm hai khóa vào dịp Phục sinh và Giáng sinh, trong 5 tối thứ sáu liên tiếp, từ 20g đến 22g30. Buổi tổng kết khóa vào chủ nhật tiếp theo, có buổi gặp gỡ và thảo luận chung giữa các giảng viên và học viên. Sau đó là thánh lễ, trao phát chứng chỉ và chụp hình lưu niệm. Bản chứng chỉ dùng để trình với giáo quyền nơi xin làm phép hôn phối. Học viên bắt buộc phải theo học đều đặn các buổi học. Ai vắng mặt, có thể xin gặp riêng với giảng viên phụ trách bài học để bổ túc bài vở. Mục đích mở khóa học vào Giáng sinh và Phục inh là để tiện cho những ai muốn tổ chức đám cưới vào tết Việt Nam và mùa hè.
Cho đến ngày 31.12.2003, 17 khoá đã được tổ chức với số học viên 322 bạn trẻ tham dự.
Một số ít anh chị đã từng lập gia đình, đã làm đầy đủ lễ cưới đời và đạo và có con khôn lớn, trên 20 tuổi, 15 tuổi, 10 tuổi, 5, 6 tuổi hay 1, 2 tuổi. Với những anh chị này theo học để tìm hiểu thêm về giáo dục và tâm lý. Chính những cặp đàn anh đàn chị trưởng thành này là chứng tá và trao truyền kinh nghiệm cho lớp đàn em và đôi khi làm sáng tỏ cho bài học trong lớp. Những ý kiến trao đổi trong ngày tổng kết của những anh chị kinh nghiệm này làm lớp trẻ thêm can đảm lãnh trách nhiệm, dấn thân vào đới sống hôn nhân.
Rất ít anh hay chị ghi tên theo học một mình. Nhưng đã có ý trung nhân ở ngoại quốc hay bên Việt Nam. Theo học ở đây là anh hay chị ấy ý chức trách nhiệm về hôn nhân công giáo là quan trọng và nền tảng của đức tin. Chẳng bao lâu, giáo xứ có thêm một nhân danh trong sổ cộng đoàn.
Qúi nhất và đáng thán phục nhất là có học viên theo ‘bạn’ đến học mà không phải công giáo. Sau khóa học, người ấy phát biểu: ‘Tôi chiều theo ‘bạn tôi đây’ đến học. Học xong tôi mới khám phá ra hôn nhân công giáo có giá trị lâu bền và bảo đảm hạnh phúc lâu dài. Tôi sẽ tìm hiểu và học đạo. Hôn nhân công giáo có nhiều ràng buộc hơn mà hôn nhân khác không có’. (Học viên khóa 3). Nghe câu phát biểu chân tình ấy, chúng tôi quan sát thấy ‘người tình’ bên cạnh nhoẻn cười và cúi vai vào ‘người mình yêu’. Thiết nghĩ lúc ấy hai trái tim đập một nhịp thật mạnh hơn lúc nào hết.
Thành quả : Hai kết quả thật tốt, ai cũng công nhận. Một là, sau khóa học, học viên rất bình thản, không hoang mang, biết nhìn thẳng vào thực tế và khó khăn mà không lùi bước hay sờn lòng, bắt tay ngay vào việc xây dựng gia đình bằng cách tiết kiệm tiền bạc và dành thời giờ cho công việc từ thiện bác ái. Hai là, phụ huynh hài lòng và sung sướng khi nhìn con cháu biết trách nhiệm sống trong gia đinh và quan hệ họ hàng, nhất là về mặt hiếu thảo và chuyên ch#m nuôi và giáo dục con cái.
2334. Khóa trình ‘Tìm hiểu ơn gọi tận hiến’.
Ðây có lẽ là khóa trình khó tổ chức nhất. Khó vì con đường tận hiến khó khăn. Khó vì nhiều khi không biết cái khó nó đến từ đâu.
Dẫu khó, ban giám đốc giáo xứ vẫn quyết chí. Ðã nhiều lần tôi chứng kiến thấy cha Mai Ðức Vinh cố gắng lấy sáng kiến để lập một khóa trình ‘tìm hiểu ơn gọi tận hiến’ cho các bạn trẻ.
Khoảng năm 1988 hoặc 1989, đồng thời với việc lập ‘Hội yểm trợ ơn gọi’, cha qui tụ được một số thanh thiếu niên trong một nhóm nhỏ gọi là ‘Nhóm tìm hiểu ơn gọi’. Trong những cựu khóa sinh, mới đây, có một người sau khi đã đi làm nha sĩ mấy năm, từ hè 2003 vừa qua đã vào nhà tập dòng Tên.
Mặc dầu có nhiều khó khăn, nhóm vẫn sinh hoạt đều đặn, họp mặt cầu nguyện và trao đổI về các đề tài ơn gọI, cứ hai tháng một lần, từ 14 giờ đến 16 giờ 30. Hiện nay nhóm có 16 bạn trẻ.
Trong tất cả các khóa trình đã được tổ chức trong Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, có lẽ khóa trình ‘tìm hiểu ơn gọi’ là khóa trình khó kiếm khóa sinh hơn cả. Hy vọng rằng ‘Hội yểm trợ ơn gọi’ mới được cải tổ và phát triển lại vào cuối năm 2003 vừa qua sẽ khích động được nhiều bậc cha mẹ dâng hiến con mình cho Chúa qua ơn gọi tận hiến.
234. Giáo dục liên tục đức tin công giáo và văn hóa việt nam.
2341. Giới thiệu tổng quát.
Nếu giáo dục khởi đầu chú trọng vào giới trẻ ở các lớp tuổi khác nhau, từ ấu thiếu đến kha, thanh, tráng niên, thì giáo dục liên tục mở rộng ra cho khắp mọi lứa tuổI, trẻ cũng như ít trẻ và cho khắp mọi thành phần, kể cả những thành phần chưa vào cộng đoàn. Giáo dục liên tục bao gồm nhiều hoạt động, phương pháp và môi trường khác nhau. Nó bao gồm không chỉ những hoạt động học tập, có thầy hay không có thầy, mà cả những hoạt động thông tin, hướng dẫn, khảo hạch, lượng định, thi cử. Nó có thể được thực hiện qua sự truyền thông, sự gặp gỡ, qua báo chí, qua hội thảo, qua lễ hội, qua đoàn nhóm... Nó có thể được tổ chức rõ rệt và chính thức trong một phòng, một lớp, hay mờ mờ ảo ảo thể hiện qua các môi trường sống hàng ngày, từ gia đình, chỗ làm việc, đến giáo xứ, giáo đoàn.
Ở xã hội Pháp, giáo dục liên tục chuyên nghiệp đã được qui định thành luật từ năm 1971. Hơn 30 năm sau, ngày 20.9.2003 vừa qua, một hiệp ước liên nghề quốc gia đã được các nghiệp đoàn chủ và thợ ký kết, nhằm cải tổ luật 1971.
Trong Giáo Hội Công Giáo, thói quen tổ chức giáo dục liên tục đức tin đã được thực hiện ngay từ buổi đầu thành lập. Giáo Xứ Việt Nam được thừa hưởng cái thói quen tốt đẹp ấy.
Ðiều độc đáo ở Gíáo Xứ Việt Nam là nhiều lúc Ban giám đốc đã ngồi lại với Hội đồng mục vụ để kiểm điểm lại việc giáo dục liên tục của mình và đưa ra đường hướng mới.
Ở mục số 132 ở trên, khi nói về sức sống tươi mát của Giáo Xứ, tôi đã giới thiệu hai đại hội mục vụ hàng năm rằng : ’Mỗi năm hai lần, đã thành thông lệ, Giáo Xứ tổ chức Ðại hội Mục vụ kỳ nhất vào trước hè, khoảng tháng sáu, và kỳ nhì vào cuối năm, khoảng tháng 12. Kỳ nhất phúc trình và bàn thảo tổng quát về các sinh hoạt của Giáo Xứ và của các địa điểm mục vụ. Kỳ nhì đặc biệt phúc trình và thảo luận về tổ chức Gíáo Xứ và tổ chức các hội đoàn’.
Có thể bảo rằng mỗi năm một lần, trong đại hội mục vụ kỳ nhì, khi phúc trình và thảo luận về tổ chức giáo xứ và tổ chức các hội đoàn, Ban giám đốc và Hội đồng mục vụ kiểm điểm lại và cải thiện thêm đường lối giáo dục liên tục của mình.
Ngoài ra, hai dịp khác, trọng đại và rộng lớn hơn, chính sách và tổ chức giáo dục, đặc biệt là giáo dục liên tục đức tin qua các phong trào công giáo tiến hành, đã được trình xét.
Lần thứ nhất vào năm 1997, khi kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, một tập kỷ yếu dầy 151 trang, trong đó 54 trang đã được dành ra để giới thiệu 22 hội đoàn công giáo tiến hành, cũng là những khóa trình khởi đầu là liên tục. Từ 1997 đến nay, bốn nhóm liên đới nghề nghiệp mới đã được hành lập. Vị chi tất cả có 26 hội đoàn và nhóm ban tham gia làm việc giáo dục liên tục. 26 hội đoàn đó là :
Giáo
dục tiên khởi
|
Giáo
dục liên tục
|
1. Lớp
chuẩn bị hôn nhân
2.
Sinh hoạt giới trẻ
3. Ca
đoàn giáo xứ
4.
Nhóm cầu nguyện
5.
Nhóm sống đạo
6.
Nhóm xã hội
7.
Nhóm báo Emmau
8.
Phong trào Thiếu Nhi TT
9. Lớp
giáo ly
10.
Lớp tiếng việt
11.
Lớp đàn tranh
|
12.
Các bà mẹ công giáo
13.
Ðạo binh Ðức Mẹ
14.
Yểm trợ ơn gọi tận hiến
15.
Phong trào Cursillo
16.
Nhóm tìm hiểu thánh kinh
17.
Ban phụng ca Lê BảoTịnh
18.
Ban sinh hoạt báo chí
19.
Bữa cơm chủ nhật
20.
Nhóm thân hữu Taxi
21.
Nhóm gia đình trẻ
22.
Thư viện thanh thiếu niên
23.
Nhóm chuyên gia
24.
Nhóm xây dựng
25.
Nhóm dịch vụ
26.
Nhóm doanh thương
|
Lần thứ hai, vào năm 1999, trong khuôn khổ khóa hội thảo lần thứ sáu, dành cho các giáo dân đại diện các cộng đoàn việt nam công giáo tại Pháp. Trước sự hiện diện của 60 đại biểu, đại diện cho 19 cộng đoàn, ngày 15.5.1999 tôi đã gợi ý đói chiếu 25 đơn vị mục vụ của giáo xứ với các lãnh vực sinh hoạt của Giáo Hội hiện nay do linh mục Michel Lemonnier, nêu lên trong cuốn sách ‘Lịch sử Giáo Hội’. Mười lãnh vực đó tôi đã có dịp trình bày ở trên, mục1321, khi nói về những ‘Nguyên tắc quản trị căn bản theo Phúc Âm’.
Giáo dục liên tục ở Giáo Xứ Việt Nam là một hoạt động rất quan trọng, được Ban giám đốc và Hội đồng mục vụ lưu tâm nhiều. Theo nhịp với tiến triển và tổ chức của Giáo hội địa phương cũng như hoàn vũ, Ban giám đốc và Hội đồng mục vụ có một cái nhìn rất cập nhật và không sót điểm nào. Giáo dục liên tục tại Giáo xứ Việt nam Paris bao gồm nhiều lãnh vực và khóa trình khác nhau, trong đó ba khóa trình độc đáo, đáng được giới thiệu một cách đặc biệt. Ðó là : khóa trình tiếng pháp, khóa trình huấn luyện các cán bộ mục vụ và khóa trình bồi dưỡng hôn nhân gia đình.
2342. Khóa trình giáo dục liên tục tiếng pháp.
Trong kỷ yếu 50 năm thành lập giáo xứ in năm 1997 khóa trình tiếng pháp chỉ được vắn tắt giới thiệu với một câu rằng : ‘Các lớp tiếng pháp có từ 1979. Năm nay 1997 có 156 học viên, chia thành 3 trình độ, học 5 ngày mỗi tuần và mỗi ngày 4 lớp, do 24 giáo sư việt và pháp tự nguyện’.
Khóa trình tiếng pháp vẫn còn sinh hoạt cho đến nay, và với sĩ số học viên cũng như giáo sư đông hơn. Nhưng các học viên việt nam càng ngày càng ít dần. Ngược lại, các học viên Miên, Lào và Trung hoa càng ngày càng tăng.
2343. Khóa trình giáo dục liên tục huấn luyện cán bộ mục vụ.
Ở số 21281 trên kia, tôi có vắn tắt gợi đến đại hội toàn quốc ban mục vụ giới trưởng thành. Ðại hội này thực sự là một khóa trình liên tục nhằm huấn luyện cán bộ cho các địa điểm mục vụ việt nam công giáo tại Pháp. Mỗi khóa kéo dài 3 ngày và hội thảo về một đề tài.
Khóa 1, năm 1991 về ‘Bổn phận và vai trò giáo dân’
Khóa 2, năm 1992 về ‘Sáng kiến, khả năng và đóng góp của giáo dân trong cộng đoàn của mình’
Khóa 3, năm 1993 về ‘Một số hội đoàn có thể áp dụng trong các cộng đoàn việt nam’
Khóa 4, năm 1994 về ‘Việc giáo dục thanh thiếu niên trong môi trường gia đình việt nam tại xã hội Pháp’
Khóa 5, năm 1996 về ‘Vai trò người phụ nữ việt nam trong gia đình và cộng đoàn tại xã hội Pháp’
Khóa 6, năm 1999 về ‘Ðào tạo nhân sự cho cộng đoàn’
Khóa 7, năm 2001 về ‘Những yếu tố làm sống động cộng đoàn’
Khóa 8, năm 2003 về ‘Cùng nhau sống và trở nên một Giáo Hội có sứ mệnh trình bày đức tin trên lãnh thổ có nhiều người di cư này’
Chương trình mỗi khóa xoay quanh năm sinh hoạt :
1. Gặp gỡ, làm quen qua các cuộc đối thoại, ăn uống, văn nghệ.
2. Thông tin về sinh hoạt của các cộng đoàn qua các buổi trao đổi.
4. Cầu nguyện, qua thánh lễ, kinh sáng, kinh tối...
5. Nghe thuyết trình và hội thảo về đề tài chính. Ðây là sinh hoạt chủ yếu và chiếm nhiều thời giờ nhất. Trung bình trong mỗi khóa, sinh hoạt này chiếm khoảng 24 tiếng đồng hồ.
Một đề tài thường được thuyết trình và khai triển dưới bốn năm khía cạnh khác nhau và kéo dài 1 giờ 30 cho mỗi bài thuyết trình. Với chủ đề năm 1999 chẳng hạn về ‘Ðào tạo nhân sự cho cộng đoàn’, bốn khía cạnh sau đây đã được khai triển.
- Căn bản giáo luật về quyền lợi và bổn phận của giáo dân trong cộng đoàn (do cha Vĩnh)
- Thực tế nhân sự cộng đoàn (do cha Vinh và thầy Lao)
- Chuẩn bị tương lai cộng đoàn : chức phó tế vĩnh viễn (do thầy Thạch và thầy Sola)
- Chuẩn bị tương lai cho cộng đoàn : giới trẻ tham dự cộng đoàn (do gs Cảnh và anh Nhân)
Sau khi đã nghe thuyết trình, các khóa sinh, trung bình từ 40 đến 60, chia ra từng nhóm nhỏ để trao đổi, thảo luận về đề tài vừa được nghe, hoặc theo những câu hỏi đã được diễn giả đưa lại, hoặc tự ý các khóa sinh đặt ra.
Sau đó tất cả các nhóm trở lại hội trường chung và cùng làm tổng kết với nhau, cùng đặt câu hỏi và trả lởi cho nhau, cùng tóm lược những ý chính cần lưu ý.
Cũng xin ghi thêm rằng khi nhập khóa, mỗi khóa sinh nhận được một tài liệu rất đầy đủ, gồm chương trình chi tiết của khóa trình, với bản văn của các thuyết trình viên và những câu hỏi họ muốn đặt ra. Rồi sau đó, vào ngày thứ ba, một biên bản tóm lược của ba ngày sinh hoạt được ban thơ ký ghi lại, và trao tận tay từng khóa sinh, trong giờ tổng kết, trước khi bế mạc.
2344. Khóa trình giáo dục liên tục về ‘Bồi dưỡng hôn nhân và gia đình".
Hôn nhân và gia đình là đề tài luôn luôn được Giáo Hội và giáo xứ coi trọng. Ở giáo dục khởi đầu, từ năm 1995 giáo xứ đã tổ chức những khóa chuẩn bị hôn nhân cho các thanh niên, nam nữ đang chuẩn bị bước vào hôn nhân (xin xem mục 2334 ở trên về khóa trình chuẩn bị hôn nhân). Ở giáo dục liên tục, việc bồi dưỡng đời sống hôn nhân và gia đình cũng đã được nghĩ đến và thực hiện. Khóa trình gia đình trẻ được thiết lập năm 1992. Khóa trình kỷ niệm hôn phối của phụ huynh được tổ chúc từ 1996. Ngày gia đình từ năm 1999. Và lễ tạ ơn thượng thọ từ 1999.
23441. Khóa trình gia đình trẻ
Nhóm ‘gia đình trẻ’ (như quí vị đã nhận thấy gồm hai chữ : GIA ÐÌNH và TRẺ) qui tụ những anh chị đã thành hôn từ O đến 5 năm. Có nghĩa là những anh chị nào mới chập chững bước vào đời sống vợ chồng cũng như vài anh chị khác đã bắt đầu nếm mùi quí giá của mái ấm gia đình.
‘Xin hiệp nhất chúng con, nên một trong tình yêu Chúa’
Câu hát nào còn vang vọng trước ánh nến lung linh khi các anh chị trao nhẫn cho nhau, lời cam kết ân tình, phúc lành của Thiên Chúa qua nhiệm tích Hôn Nhân như vẫn còn in trong tâm trí, sau giây phút tưng bừng của bữa tiệc cưới là một đời sống thực.
Ta với mình như hai mà một... sau ngày thành hôn, qua một vài kinh nghiệm trong đời sống gia đình đã minh chứng; có lẽ hơn một lần: Ta với mình tuy một mà hai... Bao nhiêu vấn đề ‘xuất hiện’ nào là: Tương quan đối thoại vợ chồng - Tâm sinh lý vợ chồng - Ðiều hòa sinh sản - Giáo dục con cái - Luật pháp trong đời sống vợ chồng tại Pháp... Mà có lẽ, vấn đề quan trọng và ‘nặng nề’ hơn hết, bao bọc tất cả mọi vấn đề nêu trên là ý nguyện gây dựng một gia đình kitô giáo của các anh chị với cái kinh nghiệm nhỏ nhoi của đời sống hôn nhân.
Một giai đoạn nối tiếp giai đoạn ‘Chuẩn bị hôn nhân’, tham vọng của ‘Nhóm Gia đình trẻ’ không phải là chiếc đủa thần đánh tan trong vài giờ họp mặt những bất an, khủng hoảng... của đời sống vợ chồng. ‘Gia đình trẻ’ chỉ là nơi để dừng chân, chia sẻ, để cùng ý thức với nhau rằng bí tích Hôn Phối không chỉ là một nghi lễ trong nhà thờ, trước cộng đoàn một giờ, một lúc; mà chính là hồng ân Thiên Chúa dõi bước cùng ta suốt quãng đời tiếp nối.
Giữa môi trường xã hội nhiều đổi thay, thiếu chung thủy, hạnh phúc có phải được tạo thành từ những tiếng xin vâng nhỏ, từng ngày lập lại trong cuộc sống với ‘người mình yêu’, hay cũng như tiếng ‘Amen’ (Ước gì được như vậy) mà cả hai cùng đọc lên để chấm dứt lời kinh chiều???
Nhóm ‘GIA ÐÌNH TRẺ’ thuộc ‘NHÓM GIỚI TRẺ’ của Giáo Xứ Việt Nam Paris thành hình năm 1992 dưới sự hướng dẫn của cha Mai Ðức Vinh và hiện nay là sinh hoạt của Ban Mục Vụ Hôn Nhân với các bạn trẻ, gồm từ 10 đến 17 đôi vợ chồng. Ngày gặp mặt, họ trao đổi với nhau về những đề tài liên hệ đến đời sống hôn nhân.
23442. Khóa trình kỷ niệm hôn phối của phụ huynh
Năm 1996, Ban Mục Vụ Hôn Nhân đưa ra một sáng kiến mà Ban Giám Ðốc chấp nhận là tổ chức lễ kỷ niệm hôn phối cho các phụ huynh đã trải qua 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50, 60 năm hôn phối vào ngày lễ Thánh Gia mỗi năm. Mục đích để các phụ huynh cảm tạ Chúa về những hồng ân đã lãnh nhận trong đời sống gia đình ; để đề cao giá trị hôn nhân công giáo ; để cổ động việc thánh hóa gia đình ; để cả cộng đoàn cùng chia vui với quý phụ huynh trong những kinh nghiệm hôn nhân quý giá. Ủây là ngày vui của cả cộng đoàn.
Cho tới cuối năm 2003 vừa qua, đã 9 năm cử hành, với 189 đôi phụ huynh tham dự. Trong mỗi khóa trình kỷ niệm hôn phối của phụ huynh, ba việc chính yếu đã được thực hiện :
. Tĩnh tâm chuẩn bị : chủ nhật trước lễ, có buổi thảo luận về gia đình và phân chia công tác.
. Chính ngày lễ : trong thánh lễ có phần chứng từ và lãnh phép lành Toà Thánh.
. Tiệc mừng : cho cả cộng đoàn sau thánh lễ.
Lần đàu tiên, vào năm 1996, một phụ huynh đã ghi lại diễn tiến khóa trình kỷ niệm hôn phối của phụ huynh như sau :
Chuẩn bị bằng buổi tĩnh tâm. Ðể chuẩn bị chu đáo cho các phụ huynh mừng ngày kỷ niệm hôn nhân, Ban Giám Ðốc đưa ra một chương trình chuẩn bị tinh thần và vật chất rất hấp dẫn. Trưa 22.12.96, từ 13g30 đến 14g30, hầu hết phụ huynh có mặt tham dự giờ chầu Mình Thánh thánh hóa gia đình. Qua các bài Phúc âm và sắc chỉ của Công đồng, các phần tử gia đình cần yêu thương liên kết như cành nho với thân cây. Sau đó, từ 14g30. Gs Trần Văn Cảnh thuyết trình về hôn nhan và gia đình qua bốn câu ca dao:
Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.
Với nhiều kinh nghiệm giáo dục và đời sống gia đình, Gs Cảnh đã cử tọa, ngồi kín hội trường, vào buổi hội thảo rất hào hứng. Người nghe có dịp nhìn lại những năm đã chung sống qua tình tiết về tâm lý và xã hộ. Tiếc là thời giờ có hạn, không trao đổi thêm về sự chồng hòa vợ thuận, một vấn đề nóng bỏng khi người việt đang sống tại tây phương. Hội trường xin hẹn và sẵn sàng đón giáo sư vào dịp khác.
Chứng từ trong ngày lễ Thánh Gia 29.12.1996. Bài giảng đã được thay thế bằng các chứng từ của một số cặp hôn nhân.
- Cụ Ông và cụ Bà Nguyễn Tiến Ðạt trải qua 55 năm hôn phối, là cặp xứng đáng đi đúng con đường hôn nhân công giáo, ao ước cuốn cùng là sống trọn vẹn trong tình yêu vĩnh cửu. Hai cụ xin muôn vàn cảm tạ Chúa và dâng hiến những ngày hiện tại trong bàn tay lân ái và thương sót của Chúa và Mẹ Maria.
- Ông Bà Nguyễn Xuân Cần đã từng 40 năm chung sống, được như ngày nay là nhờ công ơn song thân hai bên. Với lòng biết ơn sâu xa ghi ơn sinh thành và giáo dục các Ngài.
- Ông Bà Nguyễn Văn Sâm, vượt được 30 năm ‘ba chìm’ trong đời sống vợ chồng là nhờ đức tin. Mong cho các gia đình trẻ can đảm và kiên nhẫn hơn trong bối cảnh xã hội mới. Một trong hai người phải cảm ơn nhau, vì đã giúp mình đi một quãng đường.
- Ông Bà Phạm Bá Nha, 25 năm xác nhận niềm tin giữa hai người làm nảy nở tình yêu và chọn nhau một lần. Ðức tin hướng dẫn soi lối vượt thắng những trở ngại trong đời.
- Ông Bà Vũ Ngọc Hiện, 25 năm tuổi có khắc nhau và có những năm dài xa cách, nhưng 25 năm vẫn sống hòa hợp yêu thương và tin tưởng vào tương lai.
- Ông Bà Nguyễn Kết sống 25 năm trong kết hôn với phép chuẩn của Tòa Thánh. Tuy có khác biệt về tôn giáo, nhưng vọ chồng vẫn yêu thương đùm bọc và giáo dục con cái. Hy vọng có ngày cùng chung một đức tin.
- Ông Bà Lê Văn Bửu suốt 20 năm được nhiều ‘phép lạ’ Chúa ban cho gia đình. Từ việc Ông Bửu bị tai nạn xe hơi nay như được sống lại và nhất là ông sẽ sống lại trong phép rửa tội trong mấy tháng tới. Kinh Lạy Cha mà hằng ngày Bà Bửu đọc là kim chỉ nam cho người vợ kiên tâm bền chí.
Phép lành Tòa Thánh và kinh gia đình để kết thúc ngày kỷ niệm khánh nhật hôn nhân.
Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu sang Ai Cập. Thánh gia đã chia xẻ những tân toan trong đời sống gian nan. Xin cho vợ chồng chúng con.
- Biết cảm thông và sống theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh
- Biết lắng nghe và kính trọng nhau, lúc vui cũng như khi buồn
- Biết nhịn nhục và hòa giải, khi tính tình và cách cư xử khác nhau
- Biết chung thủy từ trong gia đình cho đến ngoài xã hộ.
- Biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái.
Giêsu Maria Giuse! Ðời chúng con sóng gió ba đào. Xin Thần Linh Chúa ban ơn can Ðảm, kiên trì. Gia đình chúng con trẻ già xung khắc. Xin ban ơn quảng đại, tha thứ, để chúng con an vui chấp nhận lẫn nhau. Giáo Hội cần nhiều tín hữu nhiệt thành sốt mến, xin cho chúng con biết phụng sự, tin yêu để cùng nhau xây dựng nước Chúa muôn đời. Amen.
Tiệc trà thân mật. Ðúng như đám cưới tập thể, ai cũng dễ thân quen và bắt truyện. Bắt đầu bằng truyện vui rồi tâm sự về đám cưới ngày xưa đến ngày nay con cái không biết chung sống được bao nhiêu năm.
Dư âm ngày kỷ niệm. Sau đây xin được ghi vội một số ý kiến và cảm nghĩ tại chỗ về ngày lễ
- Rất hoan nghênh sáng kiến của ban giám đốc và tài tổ chức của ban MVHN. Làm cho cộng đoàn có thêm một sinh hoạt mới. Không những làm cho các đôi vợ chồng cũ phấn khởi mà còn là gương cho các đôi trẻ can đảm sống theo những người đi trước. Ðồng thời khuyến khích các bạn trẻ đang sống ngoài hôn nhân cần hợp thức hóa tình trạng hôn nhân theo tôn giáo và luật pháp. Phép lành Tòa Thánh như nhắc nhở vợ chồng sống chung thủy và bền vững trong đức tin.
- Không ngờ trong cộng đoàn lại có những ông bà sống đạo đức tốt như thế, xứng đáng làm gương cho con cháu. Ðiểm đáng mừng. Nghe nói tin tổ chức lễ ít được người biết và khi biết thì thủ tục xin phép lành Tòa Thánh đã xong. Năm sau, chắc đông và tổ chức hay hơn.
- Con cháu được dịp hiểu biết công ơn cha mẹ. Có gia đình đã tổ chức kỷ niệm tại nhà.
- Nhưng cha mẹ và con cái không xúc động bằng tại giáo xứ. Tổ chức chung như thế này mang ý nghĩa cùng chung lời nguyện và cùng làm chứng về đức tin.
- Bản thân các vị trong cuộc cảm thấy gần nhau hơn, yêu nhau hơn, thiết tha tới trách nhịệm giáo dục hơn. Vì có vị chỉ bằng lòng đi dự lễ. Ðến khi xong lễ thì rất hài lòng, và cho người bạn mình có lý khi ghi tên tham dự. Có người do dự không ghi tên, thấy tiếc. Ðể sang năm, chậm đi một năm. (GXVN, số 132, tr 16-18, 20)
23443. Khóa trình ngày gia đình.
Nối tiếp khoá trình gia đình trẻ là khoá trình ngày gia đình , bắt đầu từ ngày 22.12.2002, vớI khoảng 80 người đến tham dự. Nhìn chung thành phần tham dự là người trẻ nên bầu khí vui và hào hứng từ ca hát đến hội thảo. Phần tiếp đón do hai chị Bích Thủy và Quỳnh Anh. Năm nay có ‘nhà trẻ’ do ba chị Ngọc Hải, Thu Cúc, Xuân Phương đón nhận các em nhỏ, nơi phòng sách. Nhờ vậy các bà mẹ trẻ rảnh rang hội họp.
Ðại hội bắt đầu từ 14 giờ. Giáo sư Trần Văn Cảnh điều hành đại hội. Hai anh Giang Minh Ðức và Bành Ðình Hùng hoạt náo viên. Thầy Nguyễn Văn Thạch chia sẻ Lời Chúa (Lc 1, 26-33): Tôi có đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đóng góp vào chương trình cứu độ không?
Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách mở lời khai mạc, đưa ra 4 sự kiện 1) Tại Việt Nam 11.10.02, Hội Ðồng Giám Mục đã ra thư chung ‘thánh hóa gia đình’. 2) Tại Roma 18.11.02, Hội Ðồng Giáo Hộ về Gia Ðình ra văn thư về mục vụ gia đình. 3) Hội Ðồng Giám Mục Pháp, họp tại Lourdes, từ 3-9.11.02, 1 trong 5 hồ sơ bản thảo là chuẩn bị cho các đôi tân hôn lập gia đình. 4) Năm 2003, tại Phi Luật Tân sẽ có đại hội thế giới về Gia Ðình. Do đó, Ngày Gia Ðình lần thứ hai, tại giáo xứ là dịp tốt để suy nghĩ tìm hướng đi cho gia đình. Nhu ÐGH ao ước thiên kỷ thứ 3 là của gia đình.
Kế đến, giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh đưa ra 4 ý nghĩa của Ngày Gia Ðình: 1) Dịp để tái khám phá tình yêu thương vẫn âm thầm hiện hữu mà có khi vì cuộc sống quá bận rộn, quá quen thuộc nên lơ là quên lãng. 2) Gợi nhắc lại ý nghĩa mục đích của hôn nhân công giáo. Ðôi khi đã chọn nhau để xây dựng hạnh phúc thừa kế bất khả phân ly, nhất quyết cùng nhau đi trọn đường trần trước Thiên Chúa và họ hàng nội ngoại. 3) Thể hiện ước muốn của Giáo Hội, tiếp tục đồng hành với gia đình qua những giai đoạn cuộc đời. Làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ cũng ví như một ‘nghề’, mà là nghề khó. 4) Vì thế, ngày Gia Ðình tạo dịp trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giữ vững niềm tin, chấp nhận thân phận bất toàn của mỗi người. Từ đó, bà dẫn nhập vào đề tài thảo luận: ‘Khác biệt tính tình trong đời sống lứa đôi’.
Phần thảo luận được chia làm 4 nhóm, theo tiết mục và hướng dẫn của các anh chị trẻ.
Nhóm 1: Anh Bành Ðình Hùng và chị Bích Tiên: khác biệt về xừ dụng tài chánh.
Nhóm 2: Anh Bành Ðình Dũng và chị Hài Anh: khác biệt về đường lối giáo dục con cái.
Nhóm 3: Anh Giang Minh Ðức và chị Mai Anh Tuấn: khác biệt về thói quen, tính tình.
Nhóm 4: Anh Nguyễn Thanh Phong và anh Bùi Công Tính: khác biệt về giao tiếp với: gia đình, bạn bè, láng giềng, thân hữu...
Sau 45 phút thảo luận, các nhóm đã đưa ra kết quả:
Nhóm 1: Nếu hai vợ chồng cùng đi làm, nên mở nhiều comptes: 1 comptes professionnel, 1 hay nhiều comptes cho vợ chồng hoặc con cái. Nếu 1 trong 2 người đi làm: mở 1 comptes chung, 1 hay 2 comptes riêng. Thận trọng là không nên ‘mua trả góp’ nhiều (crédit). Chi tiêu tùy theo khả năng và cách sống mỗi người.
Nhóm 2: Phải biết dung hòa giữa cha mẹ, văn hóa Pháp Việt. Nương theo và áp dụng khi nghiêm khắc khi cởi lở. Cần lắng nghe để hiểu biết con hơn.
Nhóm 3: Vợ sống chi tiết. Chồng lo những việc lớn. Hai bên cần bỏ ‘cái tôi’. Biết nhìn vào những ưu điểm của người khác. Một nhịn chín lành. Ðặt cuộc sống trên nền tảng đức tin.
Nhóm 4: Gia đình bên vợ hay chồng là mộ. Giảm bớt bạn bè để ưu tiên cho gia đình. Bỏ vui thú riêng tư. Lý tưởng nhất vẫn là cha mẹ con cái chung vui. Quan tâm đến liên hệ sở làm. Vì đó là ‘nồi cơm của gia đình’.
Ðại hội kết thúc vào lúc 17 giờ bằng thánh lễ và phát chứng chỉ khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân. Ðại hội đem lại kết quả thật tốt đẹp. Và để lại âm vang rộng lớn là nhờ nhóm ‘Gia Ðình Trẻ’. Cộng đoàn đặt kỳ vọng to lớn nơi các bạn. Ðể ‘Tình yêu luôn đậm đà và Anh Em yêu nhau dài lâu’. Khóa trình ngày gia đình năm 2003 đã được tổ chức với đề tài ‘Những khó khăn trong cuộc sống lứa đôi’ và năm 2004 với đề tài ‘Giáo dục con cái’ sẽ được tổ chức vào ngày 28/03/2004.
23444. Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ
Ngày 31.12.1999, lúc 17 giờ, tại nhà nguyện, hơn 150 vị cao niên đến tham dự thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ. Ðược biết, theo số thư gửi mời, các vị cao niên trong giáo xứ hơn 350 người. Thực tế có khi còn đông hơn. Tổ chức lễ này có mục đích là để cho người trong cộng đoàn và con cháu tỏ lòng quí mến và biết ơn các vị đã có công gầy dựng giáo xứ. Trên bàn thờ, có bốn cha cao niên: cha bề trên Paul Huỳnh Ngọc Tiên (chủ tế), cha cựu giám đốc giáo xứ Fx. Trần Thanh Giản, cha quản lý Vincent Nguyễn Văn Cẩn (giảng lễ), cha Louis Nguyễn Hậu và thầy François Xavier Girard (Sarcelles). Cộng đoàn dâng lễ với tâm tình người con thảo: Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ của con. Công ơn như núi non, dưỡng nuôi con vuông tròn... Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình sống theo tình người con ngoan. Bài giảng lễ, cha Vincent Cẩn trình bày ý nghĩa của tuổi già qua thư Ðức Thánh Cha gửi các người cao niên, ngày 1.10.99: Tuổi thọ là tuổi khôn ngoan, kinh nghiệm và là dấu hiệu lòng nhân hậu của Thiên Chúa? Tuổi già cần được tôn trọng và đánh giá cao. Sau lễ, các em thiếu nhi dâng hoa cho ông bà. Ðức ông giám đốc và cha Ðinh Ðồng Thượng Sách trao phép lành Tòa Thánh và quà kỷ niệm cho các vị cao niên có mặt. Trong phần tiệc trà con cháu quấn quít bên các cụ, hàn huyên truyện trò thật vui vẻ. Một cụ bà còn dẻo dai và nhanh nhẹn trong ngấn lệ thổ lộ:‘Từ 70 năm nay, tôi mới xưng tội lại’. Một đôi cụ ông cụ bà trong bộ quốc phục khăn đống áo dài, đẹp lão và rất đẹp đôi cho biết: Con cái chúng tôi đều khôn lớn, có việc làm đã ở riêng mà vẫn về thăm cha mẹ. Thích lắm, chúng tôi rất thích đến dự các thánh lễ với giáo xứ như thế này. Thiết nghĩ còn nhiều cảm xúc khác không có dịp bộc lộ công khai. Ðó là ý nghĩa của ngày vui tìm thấy: Thiên Chúa là tình thương với mọi lứa tuổi. Và ở hoàn cảnh nào con cháu, ông bà và cha mẹ vẫn yêu thương bên nhau.
Ðể kết thúc chương 22 về văn nghệ văn học ở Giáo xứ Việt nam Paris, tôi có đặt câu hỏi này : ‘Mẫu người tiêu biểu mà văn nghệ văn học giáo xứ đã sản xuất ra có sẽ được truyển đạt cho những thế hệ mai sau không ?
Sau khi đã xem qua cành giáo dục ở giáo xứ ở đủ mọi cấp bậc, cho mọi lứa tuổi và ở nhiều khóa trình khác nhau, từ giáo dục khởi đầu căn bản cho ấu thiếu nhi, cho kha tráng niên, sang giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho thanh niên, đến giáo dục liên tục cho mọi thành phần trong cộng đoàn, ta có thể khẳng định quả quyết trả lời rằng ‘có’ ! Mẫu người lý tưởng vững đúc tin công giáo và nặng văn hóa Việt Nam đã được truyển đạt cho những thế hệ mai sau một cách hiệu quả với nhiều thiện chí đáng khen và nhiều phương pháp hữu hiệu. Và tôi chợt nhớ lại bài thơ ‘Giáo dục’ mà tôi đã khai bút vào xuân quí mùi 2003 vừa qua. Bài thơ như sau :
Giáo dục thụ nhân, trọn cuộc đời
Ði theo mọi giới, khắp nơi nơi.
Răn phường trẻ nhỏ học ăn nói
Dậy lớp thanh niên tập thói đời.
Mở trí khai tâm muôn luật nước
Minh thành tri nhất vạn khoa trôi.
Dẫn ban hào kiệt tâm an lự
Ðưa bậc lão thành đức sáng ngời.
* *
*
Một sinh vật được tồn sinh theo những yếu tố di truyền mà nó đã lãnh nhận từ dòng giống, và được phát triển theo những yếu tố môi trường nơi nó cư ngụ.
Cái biểu lộ tổng hợp xã hội của hai yếu tố di truyền và môi trường đó gọi là văn hóa. Cái biểu lộ tổng hợp xã hội của những thành quả và sáng chế dụng cụ của hai yếu tố đó gọi là văn minh. Văn hóa được biểu lộ nhiều ở tính tình, cách sống và sinh hoạt của một xã hội. Văn minh được xác định bởi những dụng cụ, di vật, công trình mà xã hội ấy sáng chế, sản xuất và xây dựng nên. Cây văn hóa Việt Nam trồng ở Giáo Xứ Paris có thể được họa với hai nét đậm, đỏ máu đức tin công giáo và vàng da văn hóa Việt Nam.
Người Việt Nam Công Giáo vì là Việt Nam, bám sâu vào rễ Âu Lạc, Bách Việt và Tam Giáo, nên dù ở ngoại quốc cũng biết nói, đọc và viết tiếng việt, nặng tình huynh đệ giống nòi rồng tiên, có tâm tính khoáng đạt siêu thoát, ưa cương thường hiếu thảo, vì là Công Giáo, được đào luyện trong khung nhân bản, thuần lý và đức tin, nên khăng khít với Giáo Hội, trung thành với đức tin, sẵn sàng tham dự các hoạt động tông đồ.
Giáo Xứ Việt Nam Công Giáo ở Pháp và đặc biệt ở Paris, gặp một môi trường thuận lợi cho nên dẫu còn non trẻ, mà được đày sức sống tươi mát, có một tổ chức trong sáng và dệt được những tương quan hữu ích.
Nhờ đó, trong các sinh hoạt xã hội hàng ngày, người công giáo việt nam paris vẫn thường gặp nhau luôn, trong các lễ hội chung đạo đời, qua các lễ giỗ tư sinh tử, và liên đới với nhau trong các ngành nghề.
Nhờ đó, trong các sinh hoạt văn học, người công giáo việt nam ở Giáo Xứ Paris vẫn duy trì, trau dồi và bồi dưỡng những văn nghệ cổ truyền dân tộc, vẫn xây dựng được một hệ thống báo chí và mạng lưới tin học tiếng việt đáng chú ý ; vẫn tổ chức được những cuộc thuyết trình thảo luận giá trị, đã bắt đầu kiến tạo được một thư viện và một nhà xuất bản có tầm vóc nghiên cứu.
Nhờ đó, trong các sinh hoạt giáo dục người công giáo việt nam ở Giáo Xứ Paris đã biết tạo cho mình một hệ thống giáo dục gần như hoàn hảo, bao gồm giáo dục khởi đầu ở mọi lớp tuổi ấu, thiếu, sĩ, tráng, và giáo dục liên tục rộng mở ra cho nhiều lứa tuổI, cho mọI cấp bậc xã hội và trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là pháp văn, mục vụ và hôn nhân gia đình.
Nhìn vào những người giáo dân việt nam ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, ta không thể không cùng với Lương Nhi Tử mà cùng tự hỏi : ‘Họ là ai !’ (KH-GXVN, tr.169)
Họ là ai, những anh hùng tử đạo ?
Là Quan cao, Cai, Ðội, Tổng, thường dân,
Là Linh mục, là Tu sỹ, Giáo dân,
Là Chủng sinh, là Trùm họ, Thày giảng,
Là Giám Mục, y thương gia, lính tráng,
Tóc hoa râm, tuyết trắng hay còn xanh
Là nam nữ nổI tiếng hay vô danh
Tên tuổI đủ hay mơ hồ khiếm khuyết ...
Họ là ai trong số ít được biết
Thuộc dòng tộc Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Hoàng
Chi Ðinh, Trương, Ðỗ, Vũ, Tống, Bùi, Ðoàn
Ngành Phan, Võ, hay Hà, Hồ, Tạ, Ðặng ?
- - - -
Họ là ai muôn đời quên sao được
Lãy máu đào viết Giáo Sử Quê hương
Gieo vào lòng đất mẹ hạt yêu thương
Bằng hằng trăm ngàn con tim bác ái..
Lạy tiên tổ vô cùng thánh ái
Giúp chúng con vững chãi niềm tin
Trung kiên thờ Chúa hết mình
Ði đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam.