"ÐỨC HIẾU THẢO"
ÐỒNG TÁC GIẢ BÌNH HUYÊN
"ÐỨC HIẾU THẢO"
Trung với Quân Vương quyết một lòng
Hiếu cùng Phụ Mẫu đấu nào đong
Tiết trao Phu Phụ nguyên hồn xác
Nghĩa toả Nhân Gian ánh tuyết trong
Từ xưa tới nay, song song với Tam Tòng của Gia Huấn, Tứ Ðức luôn luôn ẩn hiện trong tâm trí mỗi người Việt Nam ở mọi tầng lớp. Bốn đức tính Trung Hiếu Tiết Nghiã được biểu lộ trong ngưỡng cửa gia đình, nơi hội họp cộng đồng, bằng nhiều cách khác nhau: Theo diễn tả trong thi văn, qua lời nói bình dân, dưới hình thức phiên dịch sang ngôn ngữ Âu Mỹ.
Ý thức về bốn đức tính căn bản nói trên là một chuyện. Thực hành bốn đức tính ấy là chuyện khác. Ở hải ngoại, các bậc trưởng thượng hay ưu tư trước trào lưu tiến hoá của thế hệ con cháu mình. Các vị ấy hướng về học đường bằng cặp mắt tin tưởng, hy vọng nơi đó, bên cạnh truyền thống giáo dục địa phương, cũng sẽ huấn luyện con em, cháu chắt của họ theo bốn con đường mà xưa kia họ đã từng được dạy dỗ, ngõ hầu giá trị gia đình và xã hội vẫn tồn tại theo truyền thống Việt Nam.
Bên mối ưu tư kia, họ lại thấy hoạt động tôn giáo lan tràn khắp nơi, trong đó nổi nhất là hoạt động của Thiên Chúa Giáo, hay là Công Giáo. Nhiều ông bà cha mẹ Việt Nam, vì chưa hiểu rõ Công Giáo, thường được gọi nôm na là "Ðạo", đã từng thốt ra:
- Ði Ðạo là bỏ cha bỏ mẹ ! Báu gì !
Ðối với những người Việt Nam sống ở hải ngoại hiện nay còn mang trong tâm trí căn bản giáo dục gia đình và xã hội của ông cha truyền lại, câu nói trên ít nhiều khiến cho mọi giới không Công Giáo, nhất là giới trẻ, ngay cả giới trẻ sinh ra trong gia đình Công Giáo, không khỏi khựng lại. Nói rõ hơn, với tất cả truyền thống Việt Nam hoà hợp với văn minh kỹ thuật hấp thụ được của Âu Mỹ, những người kể trên đều lấy làm phân vân. Từ cái phân vân, họ chuyển sang thái độ thụ động hoặc bất hợp tác mỗi khi nghe nói, xem thấy giáo lý Công Giáo, trong đời sống hàng ngày cũng như trong các buổi hội họp, lễ lạc. Các vị có trọng trách thi hành mục vụ Công Giáo mặc nhiên thấy mình dấn thân vào cuộc tranh đấu ý thức hệ với những lý thuyết gia kiêm thực hành gia cố hữu của cả một truyền thống tôn giáo Việt Nam. Nói một cách khác, có sự cọ sát giữa lý thuyết và thực hành của Công Ðồng Vatican II với nhân sinh quan thâm thúy bền vững của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo từng được giáo dục gia đình cùng học đường truyền lại cho đa số dân Việt.
Với câu nói :"Ði Ðạo là bỏ cha bỏ mẹ.", sự cọ sát nói trên liên hệ rất nhiều đến một trong bốn đức tính lớn nhất của xã hội Việt Nam ở bất cứ thời nào và nơi nào. Ðó là chữ HIẾU. Ðức tính này hiện hữu trong tâm hồn người Việt và được thể hiện bằng nhiều hình thức, trong văn hoá cũng như tôn giáo.
A.- ÐẠO HIẾU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM:
I.- Về mặt văn hoá: Chữ Hiếu được nói tới một cách gián tiếp và trực tiếp.
a.- Cao Dao, Tục Ngữ :
Quả vậy, văn hoá quốc ngữ Việt Nam đầy rẫy tác phẩm nói về bổn phận con cái đối với Cha Mẹ. Trong Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam, liên hệ này được nhắc đến rất nhiều và được ghi nhận như sau:
Con có Cha Mẹ đẻ
Không ai ở lỗ nẻ chui lên
Con không Cha như nhà không nóc
Con không Mẹ, con khóc tối ngày
Giàu Cha, giàu Mẹ thì ham
Giàu Cô giàu Bác, ai làm nấy ăn
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao Mẹ hiền
Còn Cha gót đỏ như son
Một mai Cha mất gót con đen sì
Có Cha có Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây
Còn Cha, ăn cơm với cá
Mất Cha, liếm lá ngoài đường
Trứng Rồng lại nở ra Rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Có Cha sinh mới ra ta
Làm nên thời bởi Mẹ Cha vun trồng
Khôn ngoan nhờ ấm Cha Ông
Làm nên phải dõi tổ tông phụng thờ
Ðạo làm con chớ hững hờ
Phải đem HIẾU kính mà thờ từ nghiêm.
Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi Mẹ con kể từng ngày
Mừng vì Cha Mẹ yêu thương
Lòng con sao nỡ quên đường công lao
Hoa nở để rồi tàn
Tình Mẹ không tàn trong lòng con chí hiếu
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ Cha kính Mẹ hơn là đi tu
Công Cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Ðêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con
Bao giờ cá ý hoá long
Ðền ơn Cha Mẹ ẵm bồng ngày xưa...
........
b.- Thơ văn cổ điển:
1) Ai ai cũng biết tác phẩm Gia Huấn Ca bằng quốc âm của - Ức-Trai Nguyễn Trãi (1380-1442), gồm mười tám chương với bảy trăm chín mươi nhăm (795) câu thơ song thất lục bát. Chương nói về bổn phận đối với Cha Mẹ, có những câu như sau:
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.
Bởi thương đến mới năng mắng quở,
Muốn cho ta sáng sủa hơn người,
Ân cần kẽ tóc chân tơ,
Tấm lòng chép để mấy lời tạc ghi.
Ðừng nặng nhẹ, tiếng chì tiếng bấc,
Ðừng vùng vằng mặt vực, mặt lưng,
Có thì sớm tiến trưa dâng,
Cơm ngon canh ngọt cho bằng chị em.
Dù chẳng có thì yên một phận,
Người trên ta há giận ta sao!
Hoặc khi lầm lỗi điều nào,
Ðánh bằng cửa trước, chạy vào cửa sau.
Khi ấm lạnh ta hầu coi sóc,
Xem cháo cơm, thang thuốc mọi bề,
Ra vào thăm hỏi từng khi,
Người đà vô sự, ta thì an tâm.
Việc báo hiếu phải chăm chữ hiếu,
Kiệm hay phong cũng liệu tùy ngơi,
Ðừng điều tranh cạnh chê bai,
Xấu trong làng nước, để cười mai sau.
2) Ta cũng không thể bỏ qua bộ sách NHị THẬP TỨ HIẾU do QUÁCH-CƯ-NGHịỆP Tiên Sinh biên soạn gồm hai mươi bốn tích truyện về gương Hiếu Thảo bên Trung Hoa. Một lần nữa, người viết bài này xin được tóm tắt bộ sách này bằng bài thơ hai mươi bốn câu với hai câu mở đầu và hai câu kết luận, như sau:
Mở đầu:
Kinh trời Nghĩa đất xưa nay,
Ðứng đầu trăm nết Hiếu này bao che.
Hai mươi bốn tích truyện:
1. Vua Ngu-Thuấn kính Cha, chiều Mẹ ghẻ.
2. Hán-Văn-Vương hầu Mẹ bao năm ròng.
3. Tăng-Tử-Dư cùng mẹ già cách cảm.
4. Mẫn-Tử-Khiên làm kế mẫu đổi lòng.
5. Tử-Lộ xưa đội gạo thoả tang bồng.
6. Diễm-Tử giả hươu, dâng sữa song thân.
7. Ðùa Mẹ Cha, Lão-Lai nhại nhi đồng.
8. Ðể phụ-tang, Ðỗ-Vĩnh làm gia nhân.
9. Muốn chôn con, Quách-Cư hết cơ bần.
10. Phụng dưỡng Mẹ, Khương-Thi được suối cá.
11. Chàng Thái-Thuận cắt dâu để chia phần.
12. Khắc tượng Thân, Ðinh-Lân phân thật giả.
13. Bé Lục-Tích quít dấu đi hai quả.
14. Thứ-Ông xin cõng Mẹ, giặc cho đi.
15. Bé Hoàng-Hương phụng thờ Cha đông, hạ.
16. Vương-Thôi xin, sấm sét hết uy nghi.
17. Tấn-Ngô-Mãnh hứng muỗi, chẳng ngại chi.
18. Tấn-Vương-Tường nằm trên băng bắt cá.
19. Tấn-Hương-Dương làm mãnh hổ hết uy.
20. Ngô-Mạnh-Tông khóc, măng lên tháng giá.
21. Sưu-Kiềm-Lâu nếm phẩn cứu được Cha.
22. Bà Ðường-Thị nuôi Mẹ chồng bằng sữa.
23. Châu-Thọ-Xương từ quan tìm Mẹ già.
24. Hoàng-Sử-Thần đồ Mẹ Cha lau rửa.
Kết luận:
Cổ nhân sự tích ngàn xưa,
Ngày nay học biết tôn thờ Mẹ Cha.
II.- ẢNH HƯỞNG CỦA TAM GIÁO:
Ở Việt Nam, Tam Giáo chính là Nho Giáo, Lão Giáo và Phật giáo, có trước Thiên Chúa Giáo rất lâu. Nho Giáo, Phật giáo và cả Lão giáo nhấn mạnh rất nhiều về liên hệ giữa cha mẹ và con cái.
(a) Theo Nho Giáo của Khổng Phu Tử (551-479 trước Thiên Chúa giáng sinh) bên Trung Hoa, việc lưu truyền các thế hệ đã qua và sắp tới, nhất là thế hệ con trai, mang lại ý niệm về dòng dõi gia tộc. Tương quan giữa tổ tiên và con cháu rất chặt chẽ: Con cháu thờ kính tổ tiên; Tổ tiên dẫn dắt che chở con cháu. Tương quan nói trên đã giúp quốc gia này hình thành xã hội và đưa ra khuôn vàng thước ngọc cho các hành động luân lý. Từ đó, bốn đức tính được chỉ dạy phải thực hành tuyệt đối:
Chữ Trung giữa người cai trị và công dân,
Chữ Hiếu giữa cha mẹ con cái,
Chữ Tiết giữa vợ chồng,
Chữ Nghĩa giữa anh em, bè bạn.
Ðức Khổng Tử từng ca ngợi đạo Hiếu của vua Thuấn. Ngay đầu bộ sách Nhị Thập Tứ Hiếu, Quách-Cư-Nghiệp tiên sinh kể rằng, từ thuở trẻ hàn vi, ông Thuấn rất có hiếu. Ông làm việc cực nhọc mà không than thở, và được chim muông thú vật giúp đỡ. Ông chiều người cha ương ngạnh, người mẹ kế điên khùng, hoà với người em kiêu ngoa, và làm cả ba người vui lòng. Vua Nghiêu cho vời về triều làm quan, rồi truyền ngôi vua sau hai mươi tám năm phụng sự. Xem như vậy, chữ Hiếu rất quan trọng với đời sống thực tế của gia đình và xã hội Nho Giáo Việt Nam.
(b) Bên cạnh Nho Giáo có Lão Giáo cũng du nhập vào đời sống tinh thần của dân Việt. Từ thế kỷ thứ năm trước Tây lịch kỷ nguyên, đại triết gia Lão Tử sáng lập cả một triết lý gọi là Ðạo Lão, dựa trên tín ngưỡng cổ xưa về sự tôn thờ thiên nhiên. Theo ngài, núi non là trung gian giữa Trời và Ðất và là những nơi thiêng liêng được các linh hồn bất tử và hồn ma động vật ngự trị.
Lão Tử dẫn giải một viễn ảnh rộng lớn hơn nữa. Ðó là ảo mộng bao trùm toàn thể trật tự và nhịp độ của vũ trụ. Nhịp độ thiên nhiên đó được ngài gọi là Ðạo, tức là con đường. Con người tìm kiếm sự hoà đồng và mối linh thiêng nói trên, có thể đạt được sở nguyện bằng cách hoà nhập chính mình với Ðạo. Do đó, con người ấy tự giải thoát được khỏi những gò bó của thể chất cá nhân cũng như của xã hội xung quanh. Nghệ thuật Ðạo Lão thường sáng tạo những cảnh núi non, mây khói, cùng những hình ảnh thanh thoát của thiên nhiên. Người theo Ðạo Lão tin tưởng rằng linh hồn bất tử có thể ngao du thoải mái lên tới những núi non thiêng liêng kia. Trên bàn thờ Ðạo Lão, các bình hương đúc theo hình trái núi với nhiều lỗ nhỏ, từ đó khói nhang tuôn ra, tượng trưng cho mây khói sương mù. Tín đồ Ðạo Lão coi đó là sự hô hấp của trái đất.
Giá trị điển hình của Ðạo Lão thể hiện trong các đức tính sau đây:
- Thiện tâm đáp lại thương tổn vật chất cũng như tinh thần;
- Khiêm nhượng trong âm thầm;
- Sinh sống trong giản dị;
- Nắm trọn cuộc đời với đầy đủ ý nghiã của nó.
Ðạo Lão giải thích chữ Ác như sau:
- Ngạo mạn là cỗi nguồn của tội ác và đau khổ;
- Lấy nhân đạo chống thiên đạo là ác tâm;
- Sự vật trần gian vô giá trị.
Ðể cứu rỗi, tín đồ phải nhập vào Ðạo, và phải coi khinh mọi hào nháng vinh quang."Ðời sau" của Ðạo Lão được tóm lược bằng ý niệm: "Chốn U Minh là nơi tinh luyện hình thể của những tín đồ thông suốt Ðạo. Khi phải lià trần, linh hồn thông suốt Ðạo lui chân giả chết, đi vào cõi U Minh để hình ảnh của mình tái sinh sang bên kia cõi chết. "Xoá đi mà không biến". Còn kẻ phản Ðạo vì không thể hành thiện trên trần nên khi chết là chết luôn...
Xem như vậy, cái tinh chất Ðạo Lão từng xâm nhập tinh thần người Việt vốn khao khát mọi giá trị tinh thần, mang lại cho đời sống gia đình và xã hội nhiều khi quá vật chất một quân bình nào đó. Tôn giáo này và luân lý truyền thống gia đình Việt Nam là hai thực thể khá gần gũi, căn cứ vào những điều luật bắt buộc trong nghi lễ tôn kính tổ tiên của Ðạo Lão.
(c) Ðiều này rất tương hợp với sự hội nhập Phật Giáo vào xã hội ta. Giá trị điển hình của Ðạo Phật là:
- Kiến thức đúng đắn;
- Chú trọng tha nhân;
- Suy ngẫm;
- Nắm vững tâm hồn người;
- Thiện tâm.
Về sự Ác, Ðạo Phật dạy rằng, ham muốn vô độ là cỗi nguồn của sự Ác và Khổ Ðau. Ðể cứu rỗi, Phật Pháp dạy ta không tha thiết với cuộc đời trần thế, phải tuân theo luật của Karma (đời trước quyết định cho đời sau). Về cuộc đời sau, cõi Niết Bàn là số phần cao nhất của linh hồn, là chân phúc mà không bút nào tả xiết. Cũng trong cuộc đời sau, đối với triết lý Nhà Phật, còn có những cõi của Bồng Lai và Ðịa Ngục.
Theo những điểm làm nổi bật giá trị điển hình kể trên đây của Phật Giáo, đời sống cá nhân, gia đình, xã hội của tín đồ được chú trọng rất nhiều. Ðối với giáo lý Nhà Phật, chữ Hiếu được chỉ dạy sâu rộng trong Phật Pháp Vu Lan Bồn coi như là phương pháp báo hiếu có hiệu quả nhất. Phiên âm từ tiếng Phạn, Vu Lan Bồn mang cả nghiã đen lẫn nghiã bóng là cứu khổ con người đang bị trừng phạt. Ðây là Phật Pháp lần đầu tiên truyền cho ngài đại hiếu Mục-Kiều-Liên để cứu mẹ là bà Thanh Ðề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, và được sinh về cảnh giới lành. Ngài Mục-Kiều-Liên đã chuẩn bị sắm đủ các vật liệu, rước chư tăng trong mười phương thành tâm kính lễ trai-tăng cúng-dường vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch. Ðức Phật còn dạy rằng, người đời sau có thể làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn cha mẹ.
Ngoài ra, Phật tử phải biết báo Hiếu cả về vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất, con cái phải hầu hạ cha mẹ. Về tinh thần, con cái phải làm sao cho tinh linh hồn cha mẹ được thanh thoát. Tuy nhiên, con cái không được làm gì quá đáng trong khi báo Hiếu để tránh tạo ra nghiệp dữ cho cha mẹ và chính mình. Hơn nữa, con cái có bổn phận khuyên nhủ cha mẹ theo giáo lý Ðạo Phật để được giải thoát khi lìa trần. Khi ấy, con cái làm lễ Vu Lan để linh hồn cha mẹ được cứu rỗi. Chỉ cần lòng thành, dù có đơn sơ về đồ cúng, là đủ để tạo nên buổi lễ Vu Lan cho cha mẹ. Ðồng thời, ở bên kia thế giới, cha mẹ cũng phải sinh lòng hoan hỉ trong buổi lễ Vu Lan thì vong linh họ mới được giải thoát.
Về vấn đề thực hành chữ Hiếu, Giáo lý Nhà Phật chỉ dạy rõ rằng:
* Người con có năm nhiệm vụ, khi thi hành chữ Hiếu:
(a) Nuôi dưỡng cha mẹ (b) Làm tròn bổn phận người con (c) Giữ gìn truyền thống gia đình (d) Bảo vệ tài sản đồ vật thừa tự (e) Tổ chức tang lễ và thờ cúng khi cha mẹ qua đời.
* Cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái:
(a) Ngăn chặn con làm việc ác (b) Khuyến khích con làm điều thiện (c) Chỉ dạy giúp đỡ cho con có nghề nghiệp tốt (d) Dựng vợ gả chồng xứng đáng cho con (e) Ðể lại gia sản cho con không sớm không muộn.
* Ngoài ra, Cha mẹ và con cái đều có trách nhiệm hỗ tương để cho việc thi hành chữ HIẾU được hoàn hảo. Một trong những trách nhiệm đó là con cái có bổn phận khuyên nhủ cha mẹ theo Phật Pháp, mở rộng lòng bố thí, bỏ ác theo thiện, nâng cao tinh thần và trí tuệ.
Tóm lại, một cách không thể chối cãi được, Tam Giáo xâm nhập vào từng gia đình Việt Nam từ ngàn xưa, tạo thành truyền thống thật sâu sa và bao la trong tâm hồn cũng như đời sống của dân Việt. Cha mẹ dẫn đầu trong mọi đơn vị gia đình, nên việc đền ơn trả hiếu là những gì được truyền dạy đời này qua đời kia, ngay từ thuở ấu thơ. Truyền thống này được coi là bổn phận đầu tiên tối trọng mà từng cá nhân trong gia đình phải thi hành tuyệt đối.
III.- VIỆC THỰC HÀøNH ÐẠO HIẾU trong các gia đình Việt Nam theo Tam Giáo:
Từ xưa cho đến lúc các tôn giáo khác du nhập vào xã hội Việt Nam, những gia đình nào mang tinh thần tổng hợp của Tam Giáo đều quan niệm chữ Hiếu gần như giống nhau trên mặt lý thuyết. Tuy nhiên, trong thực tế, chữ Hiếu được thi hành dưới nhiều hình thái khác nhau theo sự đòi hỏi khi thì chủ động, khi thì thụ động của cha mẹ, hoặc theo lòng tự nguyện của người con.
a.- Theo sự đòi hỏi của các bậc cha mẹ:
(1) Ðòi hỏi chủ động:
Sự kiện chữ Hiếu được đòi hỏi một cách chủ động trong các gia đình Việt Nam mang nặng truyền thống Tam Giáo, tiếp diễn từ xưa cho tới ít nhất thập niên 70. Ðiều này được ghi nhận, qua thông tin, sách vở, cũng như những sự việc xảy ra hàng ngày trong số những bậc cha mẹ giàu có. Những bậc cha mẹ này có thể chia ra làm bốn tầng lớp:
* Cha mẹ giàu có ở tầng lớp trí thức có quyền thế
** Cha mẹ giàu có ở tầng lớp trí thức không có quyền thế
*** Cha mẹ giàu có ở tầng lớp bình dân lâu đời
**** Cha mẹ giàu có ở tầng lớp bình dân mới nổi
Với kiến thức Nho học, các bậc cha mẹ giàu có và trí thức từng nghiền ngẫm những gương hiếu thảo của người xưa thường xảy ra bên Trung Hoa. Ðiển hình là hai mươi bốn tích truyện trong bộ sách Nhị Thập Tứ Hiếu. Bên cạnh những tích truyện này, còn có rất nhiều ca dao, tục ngữ, thi ca, như Gia Huấn Ca của Ức-Trai Nguyễn Trãi, nhắc nhở công ơn cha mẹ cũng như bổn phận con cái đối với người có công sinh thành dưỡng dục. Trong khi Lão Giáo không chú ý nhiều tới những chuyện gia đình vật chất khi cha mẹ còn sống, Nho Giáo, nhất là Phật Giáo, nhấn mạnh không ít về chữ Hiếu, khiến cho gương hiếu thảo trở thành những giáo điều tuyệt đối cần phải tôn trọng đời này qua đời kia.
Giữa những bậc cha mẹ trí thức nhà giàu có quyền thế với những bậc cha mẹ không quyền thế mà chỉ có tiền của và kiến thức cao, ta nhận thấy những thái độ khác nhau trong việc đòi hỏi chữ Hiếu ở con cái.
* CHỮ HIẾU ÐỐI VỚI CHA ME TRÍ THỨC NHÀ GIÀU, CÓ QUYỀN THẾ:
Với quyền lực hành chánh tư pháp nắm trong tay, bậc cha mẹ của tầng lớp thứ nhất ban ra cho con cái những mệnh lệnh tuyệt đối về việc thi hành năm nhiệm vụ xin được nhắc lại như sau: (a) Nuôi dưỡng cha mẹ (b) Làm tròn bổn phận người con (c) Giữ gìn truyền thống gia đình (d) Bảo vệ tài sản đồ vật thừa tự (e) Tổ chức tang lễ và thờ cúng khi cha mẹ qua đời.
Chính những cha mẹ của tầng lớp này cũng chú tâm thi hành năm nhiệm vụ của họ: (a) Ngăn chặn con làm việc ác (b) Khuyến khích con làm điều thiện (c) Chỉ dạy giúp đỡ cho con có nghề nghiệp tốt (d) Dựng vợ gả chồng xứng đáng cho con (e) Ðể lại gia sản cho con không sớm không muộn.
Tuy nhiên, trách nhiệm hỗ tương giữa cha mẹ và con cái khiến cho việc thi hành chữ HIẾU được hoàn hảo - như việc con cái có bổn phận khuyên nhủ cha mẹ theo Phật Pháp, mở rộng lòng bố thí, bỏ ác theo thiện, nâng cao tinh thần và trí tuệ - thường không thấy thi hành ở tầng lớp này.
** CHỮ HIẾU ÐỐI VỚI CHA MẸ TRÍ THỨC NHÀ GIÀU, KHÔNG QUYỀN THẾ:
Tầng lớp thứ hai gồm các bậc cha mẹ trí thức nhà giàu nhưng không có quyền lực hành chánh tư pháp trong tay. Ðể duy trì uy quyền chủ gia đình, các bậc cha mẹ của tầng lớp này thường tự đặt ra lề luật cho riêng gia đình họ. Những lề luật riêng đó đều được con cái vị thành niên chấp nhận. Nhưng khi các con trưởng thành và có tầm hiểu biết cao hơn về hành chánh tư pháp, áp lực lề luật riêng của gia đình nhẹ dần đi. Do đó, năm nhiệm vụ của con cái và năm nhiệm vụ của cha mẹ mặc dầu không thay đổi về nhịp độ thi hành, nhưng lại được dung hoà và bổ khuyết với trách nhiệm hỗ tương giữa cha mẹ và con cái, theo đúng giáo điều Ðạo Phật dạy, như đã nói ở cuối phần II.c.
Nhân sinh quan của hai tầng lớp cha mẹ trên đây đối với chữ Hiếu khác với nhân sinh quan của tầng lớp cha mẹ bình dân giàu có trong xã hội Việt Nam.
Vì thiếu nghiên cứu sách vở về đạo Hiếu bắt nguồn từ Tam Giáo, các bậc cha mẹ bình dân giàu có đòi hỏi chữ Hiếu ở con cái theo kiến thức truyền khẩu từ đời này qua đời kia. Ta có thể phân chia xã hội bình dân giàu có thành hai tầng lớp : Giàu có lâu đời và giàu có mới nổi.
*** CHỮ HIẾU ÐỐI VỚI CHA MẸ BÌNH DÂN NHÀ GIÀU LÂU ÐỜI:
Thừa hưởng sự giàu sang để lại từ nhiều đời, các bậc cha mẹ bình dân tương đối có đủ thời gian và cơ hội để giao tiếp với một hoặc cả hai tầng lớp cha mẹ trí thức giàu có đã nói ở trên. Do đó, ngoài sự đòi hỏi tuyệt đối con cái thi hành năm nhiệm vụ của họ về chữ Hiếu, cha mẹ bằng lòng thi hành năm nhiệm vụ của họ với con cái một cách tương đối. Nghĩa là họ chỉ làm những nhiệm vụ ấy khi hoàn cảnh thuận lợi cho tư thế của chủ gia đình.
**** CHỮ HIẾU ÐỐI VỚI CHA ME BÌNH DÂN NHÀ GIÀU MỚI NỔI:
Ðây là tầng lớp cha mẹ bình dân mới được giàu có sau thời gian vật lộn với đời, hoặc nhờ một may mắn bất ngờ nào đó. Cha mẹ ở tầng lớp này chỉ biết đòi hỏi con cái thi hành tuyệt đối năm nhiệm vụ của chúng mà thôi, chứ họ không chú trọng lắm tới năm nhiệm vụ của chính họ, mà thường để cho mọi sự xảy ra và được giải quyết tùy hoàn cảnh. Họ lý luận rằng: việc thiện, việc ác đã có pháp luật giải quyết và được nhà trường giảng dạy; nhu cầu cá nhân mang đến nghề nghiệp; lấy vợ lấy chồng là theo số trời; việc thừa tự là chuyện dĩ nhiên xảy ra một khi cả cha lẫn mẹ không còn nữa.
Cả hai tầng lớp cha mẹ giàu có bình dân giống nhau một điểm: Họ đều không có ý niệm gì về sự hỗ tương giữa cha mẹ con cái trong việc thi hành chữ Hiếu theo giáo lý Nhà Phật.
Nói chung, cả bốn tầng lớp cha mẹ kể trên đều giống nhau ở chỗ họ đều nắm vai trò chủ động trong việc đòi hỏi con cái phải có hiếu, nghĩa là họ dạy dỗ, ban bố điều này như là một hướng sống nhất định phải theo, phải làm, phải chịu.
(2) Ðòi hỏi thụ động:
Cũng trong truyền thống Tam Giáo, chữ Hiếu còn được đòi hỏi một cách thụ động trong các gia đình trung lưu hoặc nghèo khó, ở đó chữ Hiếu không còn giữ địa vị ưu tiên trong Tứ Ðức nữa. Lý do chính có lẽ là vì liên hệ mật thiết giữa cha mẹ con cái do hoàn cảnh kinh tế khít khao hoặc chật hẹp tạo ra. Sự xa cách giữa cha mẹ con cái, từng gây nên bởi quyền thế và phương tiện tài chánh trong gia đình, không còn hiện hữu ở tầng lớp này. Trong khi sự đòi hỏi chữ Hiếu chủ động được phát biểu như những MỆNH LỆNH, chữ Hiếu ở tầng lớp trung lưu và nghèo khó được trao đổi thổ lộ như những TÂM TÌNH. Các bậc cha mẹ thuộc hai tầng lớp này cũng chia làm bốn loại với bốn mức độ ít nhiều dị biệt:
* Cha mẹ trung lưu trí thức dạy con cái ý nghiã cùng nhiệm vụ chữ Hiếu như những bài học luân lý gia đình, với hy vọng con cái sẽ thi hành càng nhiều càng hay. Nếu chúng không làm gì để chứng tỏ có hiếu với cha mẹ, bài học luân lý sẽ tự bỏ đi như mảnh xổ số không trúng. Kết quả là năm nhiệm vụ của con với cha hoặc mẹ, năm nhiệm vụ của cha hoặc mẹ với con, và trách nhiệm hỗ tương giữa con cái cha mẹ, chỉ được thi hành một cách tương đối.
** Cha mẹ trung lưu bình dân dạy con cái về chữ Hiếu một cách nôm na, tản mạn, tuỳ theo hoàn cảnh trước mắt, để rồi cả cha mẹ lẫn con cái hướng về thực tế mà quên đi cái chữ Hiếu mà cả hai bên cho là trừu tượng hoặc lý tưởng. Năm nhiệm vụ của con cái cũng như năm nhiệm vụ của cha hoặc mẹ về chữ Hiếu được thi hành một cách rất tương đối, nếu không muốn nói là không hệ thống. Cả hai bên đều không có ý hoặc không có thời giờ đề cập đến trách nhiệm hỗ tương.
*** Cha mẹ nghèo trí thức chỉ có đủ thời giờ và kiến thức nhắc nhở con cái về chữ Hiếu theo giáo lý Ðạo Phật và Ðạo Khổng về các nhiệm vụ của cha mẹ con cái cũng như về trách nhiệm hỗ tương của hai bên.
**** Cha mẹ nghèo bình dân hành sử như các cha mẹ trên đây với sự khiếm khuyết hoàn toàn về trách nhiệm hỗ tương.
Nhận xét chung là việc thực hành đạo HIẾU theo sự đòi hỏi của bậc cha mẹ, chủ động hay thụ động, mang tính cách chủ quan, vì phát xuất từ tâm trí suy luận con người sau khi hấp thụ ba nguồn đạo lý từ Trung Hoa và Ấn Ðộ truyền bá qua.
b.- Theo lòng tự nguyện của người con:
Ðối lại với chiều hướng chữ Hiếu được truyền từ cha mẹ xuống con cái, ta không quên xem xét chữ Hiếu được thực hành trong tầng lớp người con. Việc này đã xảy ra qua nhiều thế kỷ trong xã hội Việt Nam, và các hành động đã được ghi nhận trong tài liệu văn chương, lịch sử, tư pháp, truyền khẩu, ...
1) Gương hiếu thảo tuyệt đối đầy rẫy trong dân gian. Bộ sách Nhị Thập Tứ Hiếu kể rằng, Quách Cư có vợ và một con nhỏ, lại thêm mẹ già phải phụng dưỡng. Nhà quá nghèo, một mình nuôi bốn miệng ăn không đủ. Quách Cư bàn với vợ :"Mẹ già thiếu dinh dưỡng, nếu chết đi, tìm đâu ra mẹ khác. Chi bằng mang chôn con nhỏ. Khi mẹ già qua đời, mình có thể sinh con khác được." Người vợ trọng đạo Hiếu, để chồng đem con nhỏ ra vườn đào hố chôn. May sao, người chồng đào được hũ vàng ròng. Hai người mừng rỡ, đem con và vàng vào nhà. Không có hũ vàng trời cho, đứa bé đã bị hy sinh, để nhường phần ăn cho bà nó rồi. Từ câu chuyện này, biết bao người con nẩy sinh nhiều cách trả hiếu tuyệt đối: Chồng bỏ vợ, vợ lià chồng, người tình biệt ly người tình, thiếu nữ cúi đầu xuất giá theo ý cha mẹ,...
2) Rất nhiều trường hợp hiếu thảo tương đối cũng được ghi nhận. Có những người con bình thường rất hiếu thảo với cha mẹ. Chợt một ngày kia, người con bớt thảo kính với người sinh ra mình. Giữa người con và cha mẹ đã có kẻ thứ ba xen vào, chia xớt tình cảm và bổn phận của người con. Ðó là trường hợp nằm trong ngạn ngữ : "Khác máu tanh lòng". Hoặc giả người con đã tiêm nhiễm một học thuyết không coi gia đình làm trọng, cho nên lòng hiếu thảo của người ấy phai nhạt dần. Hoặc giả một đam mê nào đó đã đẩy cả hình ảnh cha mẹ lẫn chữ Hiếu vào một góc xa xôi trong tâm hồn người con, nhường chỗ trân trọng cho cảm xúc tuyệt đỉnh, cho vinh quang, phú quí, sự nghiệp vĩ đại,...
3) "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Câu châm ngôn của dân gian Việt Nam, dùng giải thích những tính nết phát triển ngoài dự liệu của bậc cha mẹ và của những người chung quanh. Giả dối là một trong những bản tính sâu sa của một số người. Họ chỉ thấy hạnh phúc trong sự lừa dối người chung quanh, có khi cả chính mình. Tất cả tư tưởng đều tự sắp xếp đưa tới hành động, nhằm che mắt thế gian một cách có ý thức hoặc vô ý thức. Có khi những người ấy áp dụng cách sống giả tạo cả vào việc thực hành chữ Hiếu.
Năm 1945, tại làng Ngũ Xã, Hà-Nội, một mẩu chuyện có thực đã xảy ra trước mắt một thiếu nhi lúc bấy giờ mới tám tuổi. Thiếu nhi kia theo học lớp tư gần nhà. Buổi sáng hôm đó, thày giáo kể chuyện Hoàng-Sử-Thần làm quan to mà khi về nhà vẫn bỏ khăn cởi áo, lau rửa các đồ dùng dơ bẩn của cha mẹ già. Ông giáo vừa kể vừa khóc mếu, răn bảo học trò phải có hiếu với cha mẹ. Ông còn nói thêm với đám học sinh rằng hàng ngày ông noi theo gương hiếu thảo học trong sách Tầu phụng dưỡng mẹ già còn lại trên dương thế. Buổi trưa hôm đó, sau khi tan học và ăn cơm trưa xong, thiếu nhi kia chạy đi chơi trong làng Ngũ-Xã. Ðến một căn nhà cạnh bờ hồ Trúc-Bạch vắng vẻ, thiếu nhi nghe thấy tiếng nói trầm trầm quen thuộc vẳng ra từ căn nhà đó :"Bà đau hở bà? " Tiếng trả lời yếu ớt nghe không rõ, được tiếp theo bằng âm thanh "Thịch ! Thịch! ", và giọng đàn ông trầm trầm hỏi :"Bà đau ở đâu?". Thiếu nhi kia tò mò lại gần, ghé mắt qua khe cửa, nhìn vào trong nhà. Nó thấy trên giường tre có bà già nằm cong queo, còn thày giáo của nó đứng bên giường, một tay chống nạnh, một tay cầm thanh củi khá to. Sau mỗi câu hỏi, ông ta giơ cao thanh củi giáng mạnh xuống hông bà già. Miệng ông ta mếu xệch, hai mắt ông đỏ ngầu, nước mắt chảy ròng ròng xuống hai má. Bà già nằm liệt, đầu tóc rũ rượi, hai mắt mất thần, há mồm không còn răng kêu "u ú" một cách yếu ớt. Thiếu nhi kia sợ quá, chạy về nhà kể với chú nó. Người chú bèn đạp xe đi báo cảnh sát. Bị bắt quả tang đang đánh đập mẹ già ốm liệt, ông thày kia bị trói tay dẫn đi mà miệng vẫn lải nhải :"Hãy để tôi chữa bệnh phong thấp cho mẹ tôi ! Tôi thương mẹ tôi lắm ! "
Hiếu thảo giả dối tương tự được thực hành dưới nhiều hình thức, không phải là hiếm, trong một xã hội ngày càng đảo điên, nhất là từ khi một số chủ thuyết vô nhân tràn lan suốt từ thập niên 50 cho tới nay, trong các gia đình người Việt quốc nội và quốc ngoại. Ở đó, Giáo lý Tam Giáo được thông dịch, áp dụng, theo ý thức hệ cá nhân hoặc tập thể. Trong cuốn NHO GIÁO và GIA ÐÌNH do Vũ Khiêu chủ biên, trang 64 và 65, có mấy đoạn như sau cũng khiến ta suy nghĩ:
* Cha con không nói ra điều xấu của nhau.
Thái Công nói :"Khách dù thân hay sơ, hễ đến thì mình phải tiếp đón tử tế ; cha không nên nói điều xấu của con, con chẳng nên nói điều lỗi của cha" (Khách vô thân sơ, lai giả dương thụ, phụ bất ngôn tử chi ác, tử bất ngôn phụ chi quá)
* Cha con phải che lỗi cho nhau.
Ông Diệp Công nói với Ðức Khổng :"Xóm tôi có những người giữ phép ngay thẳng rất mực ; như cha ăn trộm dê, thì con đứng ra làm chứng khai thật."
Ðức Khổng nói: "Ở xóm ta, người ngay thẳng cư xử có khác: cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha; tính ngay thẳng ngụ trong đó vậy." (Ngô đảng nhi trực giả; dị ư thị: phụ vị tự ẩn, tử vị phụ ẩn; trực tại kỳ trung hỹ).
4) Một hình thức hiếu thảo nữa từng xảy ra, đã vượt khỏi khuôn khổ sách Thánh hiền. Ðó là việc thực hành chữ Hiếu một cách quá nhiệt thành. Ðể bênh vực cha hoặc mẹ hoặc cả hai, những người con, nhờ nghề nghiệp hoặc chức vụ, nắm được trong tay phương tiện gây tội ác, có thể làm hại kẻ thù của gia đình bằng nhiều cách: đánh đập, giết chóc, phá hoại xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa,... Khi thù hận lan tràn quá xa, tức là thù hận trở thành truyền kiếp, chữ Hiếu là một trong những yếu tố được coi là hợp lý cho chiến tranh tiêu diệt giữa dân tộc này với dân tộc kia. Những kẻ yếu sẽ thực hiện hành động khủng bố kẻ mạnh để thoả mãn tự ái cá nhân hoặc của cả một dòng giống, một tôn giáo, một chủ nghĩa. Tình trạng này đã, đang và sẽ là mầm mống của đại chiến thế giới, đưa đến nạn diệt chủng, tận thế. Riêng với nước Việt Nam nhỏ bé, ai không cảm thấy đau lòng khi của cải hương hoả bị kẻ khác chiếm đoạt ? Ai không chua xót khi đất đai bờ cõi của tổ tiên để lại bị ngoại bang cắt xén ? Cái đau lòng, cái chua xót ấy cũng đủ là c#n nguyên cho lý tưởng phục thù, làm tròn chữ Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Trên đây là những thăng trầm của Ðạo Hiếu Việt Nam trải qua biết bao ảnh hưởng ý thức hệ. Cho đến ngày nay, Ðạo Hiếu vẫn tồn tại trong lòng từng người dân Việt, dĩ nhiên là với những cường độ khác nhau. Văn minh kỹ thuật cùng liên hệ chủng tộc trên khắp thế giới mang lại cho người Việt một căn bản càng ngày càng thiết thực và vững chắc về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Một bài thơ dâng lên phụ mẫu cách đây năm chục năm chắc chắn phải khác với bài thơ bày tỏ lòng con với cha, với mẹ, trong thiên niên kỷ 21. Cái tinh tuý của hai bài thơ hoàn toàn không thay đổi. Chỉ có cách diễn tả, dùng chữ, xếp ý, cũng như thái độ dâng hiến là khác nhau. Ðó là bởi tâm hồn NGƯỜI CON, trước đây từng nằm trong người cha người mẹ, hiện nay nằm trong người con trai con gái, sau này sẽ nằm trong người cháu trai cháu gái. Tâm hồn đó luôn luôn biến chuyển theo thời thế, theo kiến thức hiện đại, theo sự mở rộng cánh cửa trái tim, nhờ bàn tay siêu nhiên của Thượng Ðế nhập thể vào những nguồn lý tưởng linh thiêng do Ðấng tạo nên trời đất truyền qua các Sứ Giả. Tâm hồn đó trở thành những đoá hoa vĩ đại gọi là Ðức Tin, mà con người đặt tên chung là TÔN GIÁO. Một trong những đóa hoa được Ðấng Tạo Hoá trao tặng cho các con của Ngài, kể cả người con mang danh hiệu Việt Nam, là Thiên Chúa Giáo hay là CÔNG GIÁO. Trên đây, ta đã suy ngẫm nhiều về Tam Giáo cùng những ảnh hưởng lớn lao đối với ÐẠO HIẾU VIỆT NAM. Lẽ công bằng dẫn ta đến việc suy ngẫm về Thiên Chúa Giáo, cách riêng Giáo Lý Công Giáo. Thiết tưởng giờ đây việc này có được làm cũng không sớm sủa lắm đâu.
B.- ÐẠO HIẾU TRONG CÔNG GIÁO.
Ðạo Thiên Chúa được giảng tại Việt Nam vào thế kỷ XVI, nghiã là mườI thế kỷ sau Tam Giáo. Thiên Chúa Giáo được định nghĩa là Ðạo Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa không dạy chúng ta điều gì ở ngoài bốn điểm chính sau đây :
- Thiên Chúa là Tình Yêu
- Thiên Chúa yêu chúng ta trước
- Chúng ta đáp lại Tình Yêu của Chúa
- bằng cách Yêu Thương mọI người
(xem 1 G a 4, 7 - 21)
Chính Thiên Chúa dạy cho loài người Mười Giới Răn (Ðnl 5, 1 - 33). Mười giới răn này được tóm lại trong hai điều căn bản là "Mến Chúa hết lòng" và "Yêu ngườI khác như chính mình" (Mc 12, 28 - 34). "Người khác" gần nhất là cha mẹ và con cái. Do đó, "Yêu người" trước tiên là yêu cha mẹ, thương con cái. Nghĩa là sống đức "Hiếu Thảo".
I.- NỀN TẢNG THÁNH KINH:
1.- Giới răn ‘Hãy thảo hiếu với cha mẹ‘ (Dnl 5,1-33) IV được cắt nghĩa trong sách Giáo Lý cơ bản: Thiên Chúa Giáo chỉ dạy rõ ràng về chữ HIẾU trong điều răn thứ bốn, được tóm lược như sau:
* Bốn sự người con phải làm cho đầy đủ bổn phận: (a) Kính Cha Mẹ (b) Mến Cha Mẹ (c) Vâng lời chịu lụy Cha Mẹ (d) Giúp đỡ Cha Mẹ.
* Bốn sự Cha Mẹ phải làm mà coi sóc con cái cho nên: (a) Lo liệu nhu cầu (b) Thương yêu (c) Dạy dỗ (d) Sửa phạt.
2.- Trong "Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước", phần sách CHÂM NGÔN, có ghi nhiều châm ngôn cuả vua Sa-Lô-Môn:
- Con khôn làm cha vui sướng,
con dại làm mẹ buồn phiền. (CN 10. 1)
- Con khôn làm hài lòng cha,
đứa dại không nể mặt mẹ. (CN 15. 20)
- Con ngu khiến cha buồn giận,
con dại làm mẹ đắng cay. (CN 17. 25)
- Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ,
là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ. (CN 10. 26)
- Kẻ nào nguyền rủa mẹ cha,
Ngay giữa đêm khuya, đèn nó bị tắt ngúm. (CN 20. 20)
Cũng trong phần Châm ngôn, những bậc khôn ngoan cho ta nhiều lời nói đẹp:
- Thân phụ người công chính sẽ mừng vui,
đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỉ.
Ước gì cha mẹ được hỉ hoan
Và người sinh ra con được mừng rỡ. (trang 1200 / 23 . 24 & 25)
3.- Sách HUẤN CA trong "Kinh Thánh Trọn Bộ" cho giáo dân những lời chỉ dạy về nghiã vụ đối với cha mẹ :
1 Hỡi các con, hãy nghe cha đây,
và làm thế nào để các con được cứu độ.
2 Ðức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
4 Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
Ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
7 Người đó phục vụ các bậc sinh thành
Như phục vụ chủ nhân.
8 Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm,
để nhờ người mà con được chúc phúc.
9 Vì phúc lành của người cha
làm cho cửa nhà con cái bền vững,
lời nguyền rủa của người mẹ
làm cho trốc rễ bật nền.
10 Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục,
vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con.
11. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang
lúc cha mình được tôn kính;
và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.
12 Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
13 Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
14 Vì lòng hiếu nghiã đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
15 Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,
và các tội con sẽ biến tan
như sương muối biến tan lúc đẹp trời.
16 Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa. (HC 3, 1 - 16)
Một vài lời khuyên nhủ người con đối với Cha Mẹ: (HC trang 1290)
27 Cha con, con hãy hết lòng tôn kính,
Và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.
28 Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành
công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng
II.- GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI: Dựa vào Thánh Kinh, Giáo Hội luôn luôn dạy cho dân Chúa sống trọn vẹn GiớI Răn IV hay Ðức Hiếu Thảo đối với cha mẹ.
1) Giáo huấn của Công Ðồng Vatican II:
Sách Thánh Công Ðồng Chung Vatican II, Ph. II, Ch. I. Hôn nhân và gia đình, có dạy: "... Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh."
2) Giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II:
Năm 1994, Năm Gia Ðình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gửi TÂM THƯ tới các gia đình. Trong những trang 54 - 60, ở phần Giới Răn Thứ Tư với chủ đề "Trọng kính Cha Mẹ", Ngài dạy đầy đủ về chữ Hiếu. Những điều Ngài nói được tóm lược như sau:
"Hãy trọng kính cha ngươi và mẹ ngươi để những ngày ngươi sống được lâu dài trong lãnh địa Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi" (Xuất Hành 20: 12)...
Hãy trọng kính Cha Mẹ các con, vì đối với các con, các ngài trong một ý nghiã nào đó, là đại diện của Ðức Chúa ; các ngài là những người ban cho các con sự sống, dẫn nhập các con vào hiện hữu nhân sinh trong một đường dây riêng biệt gia đình, dân tộc và văn hoá.
Giới răn THỨ TƯ liên kết chặt chẽ với giới răn TÌNH YÊU. Dây ràng buộc giữa "TRỌïNG KÍNH" và "YÊU MẾN" rất sâu sa... Tình Yêu đối với Thiên Chúa và Tình Yêu đối với người thân cận... là Cha Mẹ và các con cái.
3) Sách "Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo" (soạn sau Công Ðồng Vaticano II) do Nhà Sách Trái Tim Ðức Mẹ xuất bản, các trang 661, 662, và 663. Trong sách có những đoạn dạy về bổn phận của con cái, được ghi sơ lược như sau:
2214 Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử con người: chính tình phụ tử của Thiên Chúa làm cho Cha Mẹ được trọng kính...
2215 Sự tôn kính của con cái (sự hiếu thảo) đối với Cha Mẹ là tình cảm tri ân...
2216 Sự thảo kính Cha Mẹ được bày tỏ qua sự thuần thục và vâng lời chân thành...
2217 ... "Hỡi các người con, hãy vâng lời Cha Mẹ mình trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chuá"...
2218 Ðiều răn thứ bốn nhắc cho con cái đã trưởng thành những trách nhiệm của chúng đối với Cha Mẹ...
2219 Sự con cái tôn kính Cha Mẹ làm cho cả gia đình hoà hợp an vui,...
III.- Trong cuốn HIẾU TỰ CA
Truyền thống chữ Hiếu của người Việt Nam Công Giáo được thể hiện đầy đủ trong đại tác phẩm của Cụ Sáu (Cha TRẦN LỤC) nhan đề HIẾU TỰ CA. Qua 1088 câu thơ (theo thể lục bát, từ câu 1 đến câu 10, và song thất lục bát hoặc vè, từ câu 11 trở đi), tình cha mẹ con cái được diễn tả tỉ mỉ vô cùng cảm động, đến gỗ đá cũng phải động lòng. Xem rồi, chẳng ai có thể bỏ cha bỏ mẹ được. Cha Sáu, hay Cha Trần Lục (1825 - 1899) nguyên quán tại làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là con thứ hai của một gia đình có bảy anh chị em. Trong số những tác phẩm giá trị của Cha, HIẾU TỰ CA khuyên răn về Ðạo Làm Con, được mở đầu như sau :
1 Mấy lời hiếu tự nói qua
Ðể cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san nặng dày.
5 Nói sao cho hết cho rồi ;
Biết bao khí huyết tài bồi cho ta :
Phần hồn thì Chúa sinh ra,
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành,
Phụ tinh mẫu huyết đúc hình
10 Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người.
Nói mà rơi hai hàng giọt lệ,
Lấy lưỡi nào mà kể cho xong.
Nguồn thơ dạt dào trải ra như sóng biển, như gió rừng, rửa sạch quạt mát cõi lòng cha mẹ con cái dân Việt, dù Lương hay Giáo, mời gọi cuộc sống đậm đà khăng khít với nhau, được lược giải như sau:
Câu 13 đến câu 54 mô tả công ơn người mẹ khi mang thai đứa con:
Nặng nề chín tháng cưu mang,
Mặt thì tái mét võ vàng xanh xao.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Tiêu hao khí huyết đã đành
Ðến điều sống chết liều mình đắng cay.
Câu 55 đến câu 100 nói đến hoàn cảnh sinh con, rồi nuôi con từ khi trứng nước cho đến lúc tập đi tập nói :
Ðủ kỳ hoa nở trốc tay,
Mẹ nhìn thấy mặt con đây mới mừng.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Tập đi chập chững đứng ngồi nhởn nhơ.
Lúc chân nhắc, lúc tay giơ,
Cho con còn dại ngẩn ngơ học đòi.
Dạy đi dạy đứng dạy ngồi,
Dạy ăn dạy nói mở môi tập rèn.
Câu 111 đến câu 264: Con lớn thành thiếu nhi bắt đầu bệnh này tật kia phải lo chữa trị. Khi lớn hơn, con trai được dạy nghề, con gái học nữ công, và cha mẹ có dịp so sánh con mình vớI con người. Khi con cái trưởng thành, cha mẹ cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, vì sợ con trai hư, con gái ế chồng, rồi sợ con dâu con rể ăn ở không tốt, con cái trong nhà xung đột nhau, lại lo sao cho các con được thành công.
Giật mình vì con lên hoa
Biết bao khó nhọc thối tha đêm ngày.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Gái kia vừa độ đào hồng,
Ðem lòng kén chọn sàng đông bạn cùng.
Trai khôn đến tuổi thành đồng,
Tìm nơi cháu giống con rồng định thân.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Gái trai dâu rể bất bình
Thì lòng cha mẹ như hình giáo xiên.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Thấy con mẹ khá no lành
Thì lòng cha mẹ thoả thênh khúc sầu.
Câu 265 đến câu 378: Hết thương con, lại đến thương cháu, rồi lại sợ cháu mồ côi cha hoặc mẹ. Ước mong giúp đỡ cho con yên phận, nhưng rồi con nghèo hay giàu cha mẹ đều lo lắng. Có khi người mẹ còn lo chồng mất sớm, phải ở lại nuôi con:
Thương con từ cuối đến đầu,
Lại còn thương cháu lo âu tơi bời.
Thương con thương một mà thôi,
Thương cháu gấp mười thương vẩn thương vơ.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Biết bao bể ái sông ân,
Cân nào nhắc được cho cân chăng là.
Ðã sinh ra kiếp đàn bà,
Gặp cơ hội ấy mới là gian truân.
Câu 379 đến câu 594: Vợ chồng khi về già, đau ốm, vừa mong con trả hiếu, vừa lo con bất hiếu, sợ con hỗn xược, khinh khi, binh vợ mê vợ, cãi cha mẹ, đưa đến chỗ cửa nhà tan nát:
Nhời khôn cha mẹ thì khinh,
Những lời vợ dạy thì binh rầm rầm.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Làm trai nghe cho biết nghe,
Cho rằng vợ phải cũng đe mới vừa.
Nhớ rằng mình lúc ngây thơ,
Nghe ai hơn tiếng mẹ cha gọi mình.
Câu 595 đến câu 646: Thế rồi, cha mẹ lại lo con trai mình bạc tình; nhớ lại khi nuôi con, mình chịu dơ bẩn, về già dơ bẩn, lại mong con thay quần áo cho, quét nhà, rửa cửa; thấy gương Nhị Thập Tứ Hiếu, Sưu-Kiềm-Lâu nếm phẩn, cứu cha, mà ước ao; lại muốn các con đừng nhờm tởm, tị nạnh nhau trong việc hầu hạ cha mẹ:
Làm người mà ở bạc tình,
Ðội trời đạp đất như hình giống muông.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Cũng khi lại tị nạnh nhau,
Ðứa thì lắc đầu đứa giổ vặt theo.
Câu 647 đến câu 656: Cha mẹ nhủ các con rằng bây giờ có hiếu, sau này sẽ cũng được trả hiếu, và phải nhớ rằng hễ đong đấu nào, sẽ được trả đấu ấy:
Mình về sau, muốn con có hiếu,
Thì bây giờ làm kiểu làm gương.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Công bằng chân tóc kẽ tơ
Mình đà đong trả mẹ cha đấu nào,
Sau này con cái đong vào
Cũng một đấu ấy tơ hào chẳng sai.
Câu 657 đến câu 740: Tuổi già má xanh môi lạt vì bao năm tiêu hao khí huyết nuôi con: Những năm đầu tiên, khó nhọc lo lắng dỗ dành con ăn cơm uống thuốc, trông nom con chơi đuà; những năm sau, dạy con nói năng, đứng ngồi, đạo đời, đạo hiếu, đạo giáo:
Có của mà chẳng dám ăn,
Hay là ăn trấu ăn than ích gì.
Môi nào mà chẳng lạt đi,
Kẻ làm con cái phải ghi vào lòng.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Lớn khôn ngày một dần dà
Trong vòng lên bốn cùng là lên năm