HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA THÁNH CA VIỆT NAM
HỒNG NHUỆ
HỘI NHẬP VĂN HÓA
QUA THÁNH CA VIỆT NAM
Hội nhập văn hóa qua thánh ca Việt nam là một vấn đề lớn. Cho tới nay chưa có một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào được làm. Những điều chúng tôi nói sau đây thực ra mớI chỉ là những nhận thức qua kinh nghiệm sơ khởi của chúng tôi mà thôi.
Trước hết Kitô giáo được gia nhập Việt nam vào khoảng giữa thế kỷ 16, thế nhưng chỉ vào đầu thế kỷ 17, với các giáo sĩ Dòng Tên, mới hình thành đó đây những cộng đoàn giáo dân có sinh hoạt. Mà đã sinh hoạt thì có lễ hội, có lễ hội thì có ca hát. Mà có hát phụng tự Kitô giáo không phát sinh từ con số không, nhưng thường đã dựa vào những yếu tố có sẵn trong dân gian.
Thế nhưng vào thời kỳ này, thế kỷ 17 và mãi cho tới công đồng Vatican II, 1962-1965, các nghi lễ phụng vụ đýu làm bằng tiếng latinh với những bài hát dĩ nhiên cũng bằng tiếng latinh. Bởi đó các bài hát tiếng bản quốc chỉ được dùng trong những nghi lễ không chính thức, thường gọi là á phụng vụ.
Theo chúng tôi, thì việc hộI nhập văn hóa qua thánh ca, có thể được thể hiện qua ba trường hợp chính yếu: Ngắm 15 sự thương khó hay ngắm đứng, các cung kinh sách và vãn dâng hoa.
Ngắm mườI lăm sự thương khó.
Trong Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài, 1651, Ðắc Lộ cho biết, vào lễ giáng sinh, những năm 1627-1629, "giáo dân tân tòng sốt sắng và hoan hỉ hát ca sinh nhật và những bài ca tôn giáo khác" (1). Hẳn đây mới chỉ là những bài ca vãn có vần được ngâm lên mà thôi. Ở Kinh thành vào buổi bình minh truyền giáo này, đã có bà Catarina họ hàng với chúa Trịnh Tráng, bà đã theo đạo và làm thơ tôn giáo kể lai lịch Sấm truyền cũ, Sấm truyền mới và còn thêm quyển phụ về việc các giáo sĩ đến giảng đạo ở xứ này (2). Tiếng Việt là thứ tiếng có vần có điệu, khi nói thì như hát, đến độ người ngoại quốc thế kỷ 17 tới Việt nam mà nghe nói tiếng thì tưởng như hát (3).
Việc đáng ghi nhớ hơn cả đó là việc tổ chức "Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Ðức Chúa Giêsu" đã có từ thời Ðắc Lộ và chính ngài đã có sáng kiến cho làm việc này. Sách kể lại rằng: "Chúng tôi không có cử hành nghi thức Kinh Ðêm trong Tuần Thánh vì chúng tôi có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không biết sách [latinh]. Ðể cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngẫm một đoạn và một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tực lệ Giáo hội Roma" (4).
Ðây là một công trình hội nhập văn hóa có bề sâu và bề rộng. Không phài chỉ chuyển hình thức hát kinh Ðêm Ba Ngày Thánh, với việc thắp 15 ngọn nến để rồi tắt đi một, sau mỗi ca vịnh, nhưng còn là thích nghi lễ cúng tế, đọc sớ trước bàn thờ với áo thụng, với mũ, với hia, với trống con, trống lớn, với đám rước, có cờ đuôi nheo, theo một thể thức qui định, có một bồi tế cầm nhịp và cho hiệu lệnh đứng quì bái, khi bắt đầu, khi kết thúc, có bồi tế mở trang sách cho người đứng ngắm.
Thực ra, mười lăm sự thương khó, trong suốt mùa chay thánh, đã được ngâm lên với một cung điệu đơn. Còn trong ba ngày thánh thì việc ngâm nga mới thật long trọng, lâm li, thống thiết. Riêng chúng tôi, nếu phải kể ra những gì chúng tôi lấy làm hân hạnh được làm, thì một là được khai mạc ngấm đứng ba ngày thánh (5), hai là được hát kinh Exultet lễ Ðêm thứ bảy Tuấn Thánh. Thật là tuyệt vời.
Về việc "ngấm đùng hay ngấm lễ đèn" (6), có lẽ vì phải có giọng, có tiếng hát, mới ngấm đứng được. Cho nên đã có nhiều nơi, người ta thi ngấm đùng, có ban giám khảo chấm điểm, việc mà giáo quyền đã lên tiếng ngăn chặn ngay từ đầu.
Trong ba ngày thánh, có ngắm đứng (7). Mà vì việc ngắm này kéo dài tới ba hay bốn tiếng đồng hồ và thường bắt đầu vào chừng 8 giờ tối kéo dài cho tới khuya, nên trong làng đã cho cắm cột đèn ở những đường lối chính, cho giáo dân đi dự - thời này chưa có điện.
Lễ hội ngắm đứng này được trang trí và tổ chức như sau.
Một bàn độc được đặt ngay trước cung thánh, ngoài cung thánh nơi có bàn tế lễ phụng vụ. Ngay sau bàn là một cây cột nến 15 ngọn dài tới bốn thước. Trong Giáo hội Latinh, vào ba ngày thánh trong tuần thánh, có hát Kinh Ðêm. Người ta cho thắp cây nến 15 ngọn này và sau khi hát xong một ca vịnh thì tắt một ngọn. Cứ thế cho tới cây thứ14, cây thứ 15.
Trên bàn độc, đặt cây thánh giá, hai bên thắp hai ngọn nến. Giữa là một yên sách với quyển sách ngắm 15 sự thương khó. Sách khổ lớn với hàng chữ lớn, chữ nôm, để cho người ngắm đứng xa có thể đọc được (8).
Một đám rước được tổ chức long trọng, gồm có chừng bốn hay sáu người, mỗi người cầm một lá cờ đuôi nheo. Ban nhạc gồm có chừng 4 hay 6 người đeo trống trước ngực, tay cầm hai dùi để đánh. Một người cầm trống con ra hiệu lệnh và điều khiển công việc.
Người lên ngắm là một trong mườùi lăm người được chọn : bố lão, trùm trưởng, người vị vọng trong giáo xứ, có tiếng tốt, tiếng tốt về nhân đùc và tiếng tốt để ngâm nga. Vị này mặc áo thụng xanh (9), đầu đội mũ bình thiên (10), chân đi "hia" hay một thứ tương tự, rất trịnh trọng, rất uy nghiêm. Khi từ phía cuối nhà thờ, khởi điểm đám rước, vị đó khoanh hai tay giấu trong áo thụng mà tiến lên.
Theo lệnh trống con, đám rước rước vị lên ngắm được khởi hành. Có sáu lá cờ mở đầu, theo sau là hội trống đánh nhịp nhàng, vị lên ngắm trịnh trọng đi sau cùng. Tới trước bàn đọc, cũng theo lệnh trống, ngài ra đứng yên chuẩn bị. Ở đây, hai bên đã có hai "bồi tế", cũng mặc áo thụng xanh, một đứng bên trái để mở sách, một đứng bên phải để gõ trắc (11) như ra lệnh, thí dụ theo tiếng trắc thì bái quì, theo tiếng trắc thì bắt đầu ngắm và sau khi ngắm, theo tiếng trắc thì bái chào để "rút lui", ra về.
Thế là đám rước lại nghiêm trang đưa vị đó xuống cuối nhà thờ, chỗ đã từ đó tiến lên, vẫn trong tiếng phường trống và lời kinh. Bởi vì sau mỗi ngắm, tiếng trống lại nổi lên. Và cũng là lúc, cộng đồng giáo dân cất tiếng đọc kinh lạy Cha và mười kinh kính mừng, theo một cung giọng buồn, thường gọi là "cung thương" hay cung mùa thương khó. Và một ngọn trong 15 ngọn nến được tắt. Ròi cứ tiếp tục, đám rước đưa các vị lên ngắm, đón các vị về, trong tiếng trống, - không có tiếng chiêng cồng, vì trong mùa chay cả, cấm chuông, mà chỉ đánh trống hay đánh mõ lớn, một thứ mõ bằng gỗ, lớn nhỏ tùy tiện.
Riêng về bản văn, không biết từ thời Ðắc lộ cho tới nay, đã có sửa đổi hay không, như đã sửa đỗi bộ kinh vào năm 1929. Chúng tôi đã thử tìm xem bản văn trong Ngắm có phải là bản văn nằm trong Phép Giảng Tám Ngày 1651. Những nét chính yếu, cũng như một vài đoạn thì thấy có. Ngoài ra có một vài tích truyện không có trong sách Tin Mừng. Vậy hãy tạm coi là bản văn có từ thời xưa với việc sửa chữa, nếu có, khi cần thiết.
Về nghi lễ, thì chắc chắn là đã lấy ở cung cách tế lễ nơi đình chùa miếu mạo, hoặc xa hơn ở Tế Nam Giao. Ngày nay Tế Nam Giao không còn, nhưng nơi các đền miếu, ít lâu nay, nghi lễ được phục hồi với sự long trọng và rước long trọng, nghĩa là vị chủ tế với áo thụng và một số bồi tế nghinh tiếp.
Còn về cung giọng thì dĩ nhiên đã lấy từ những cung ngâm nga, ngày nay khó tìm ra manh mối. Dẫu sao cũng là một sáng kiến, một sáng tạo, một thích nghi sáng tạo.
Nghi thức ngắm này được bắt đầu ở Kẻ Chợ đàng Ngoài và toàn cõi Ðàng Ngoài, nghĩa là cho tới Bắc Bố Chính. Ở Ðàng Trong cho tới miền Lục Tình, hình như không có tục ngắm đứng này (12), tuy có "ngắm đèn", trừ những giáo xứ di cư năm 1954, như ở Hố Nai, ở Cái Sắn, nơi có nhiều cộng đồng di cư, như chúng ta thấy ngày nay.
KINH
Khi các nghi lễ phụng vụ đều được làm bằng tiếng Latinh, thì các bài hát dĩ nhiên cũng bằng tiếng Latinh. Khi còn ở nhà trường, chủng sinh chỉ sử dụng cuốn sách hát Latinh vắn tắt, cuốn Cantus liturgici - thánh ca phụng vụ - gồm có mấy lễ chính yếu, bốn năm lễ "tứ quí" với một số bài kinh Thương xót, Vinh danh, Tôi tin v.v... Tới khi về đại chủng viện mới sử dụng cuốn sách hát lớn gồm đầy đủ các lễ quanh năm, với kinh chiều, kinh tối. Ngoài ra còn hát những bài ca latinh trong một cuốn sách in tại Hồng Kông. Cuốn sách Paroissien Romain gồm đầy đủ các lễ quanh năm, có cả kinh chiều, kinh tối.
Trong các giáo xứ, có ca đoàn. Ca đoàn cũng được tập hát chủ yếu là tiếng latinh theo nghi lễ. Ca đoàn biết đọc chữ quốc ngữ thì cũng tương đối đọc tiếng latinh và hát tiếng latinh. Không những hát bộ lễ Kyrie, Gloria, Credo mà còn hát chầu Mình thánh Chúa mỗi chiều chủ nhật. Hát một thứ tiếng mà mình không hiểu, thật là cả một "ngây ngô" khó tả, nhưng cũng đã có nhiều công phúc thực hiện.
Trong các chủng viện lớn nhỏ, thì hát những bài bằng tiếng Pháp, trong cuốn Cantiques de la Jeunesse, "những bài hát Thanh niên", gồm có những bài hát về năm phụng vụ, về Ðức Bà, các thánh.
Thế nhưng, trong khi các nghi lễ phụng vụ chỉ được đọc và hát bằng tiếng latinh, thì giáo dân có những lời kinh, cung sách độc đáo :
Các thầy đọc tiếng latinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng.
Về việc đọc kinh, chúng ta có hai giọng hay hai cung : cung vui hay cung thương, buồn hay cung mùa thương. Thí dụ : kinh kính mừng khi đọc theo cung mùa vui, mừng thì khác, mà khi theo cung thương thì khác, có một giọng thê thảm nếu biết ngâm cho thành như ai oán. Cũng vậy, khi ngắm lễ mùa vui thì khác mà khi ngắm lễ mùa thương thì khác, có sầu thảm, có lâm li, thương sót, đau đớn.
Việc đọc kinh trong nhà thờ cũng được tổ chức chu đáo. Tất cả cộng đồng đều đọc kinh, nhưng chủ yếu có một nhóm các cô thanh thiếu nữ, còn gọi là "các cô học trò", do một bà đạo đức đứng tuổi điều khiển. Các cô được bà "trùm" tập cho biết các cung kinh, thưa kinh, ngắm lễ. Thường chia ra từng nhóm, theo xóm hay theo khu xóm. Các nhóm thay phiên nhau có mặt trong nhà thờ để xướng kinh, thưa kinh. Những cô có "tiếng tốt" nghĩa là tiếng thanh, cao, như tiếng hát, thì được bầu làm "xướng viên". Và như thế, trong các buổi kinh sáng, kinh chiều, kinh tối, trong các lễ hằng ngày, hằng tuần, cho dầu lễ được cử hành rất sớm ở thôn quê, thường vào bốn năm giờ sáng, nhóm các cô điều khiển đều phải có mặt ngay lúc bắt đầu, và phải ở cho tới khi đã kết thúc.
SÁCH
Nếu các kinh được điều khiển do nhóm các thanh thiếu nữ, thì các sách đọc trong nhà thờ thường dành riêng cho thày giảng.
Chúng tôi thử tìm hiểu nguyên nhân việc đọc sách trong nhà thờ này. Có thể là vào buổi bình minh việc giảng đạo ở nước ta, có hai việc phải để ý: thời đó, rất khan hiếm giáo sĩ thừa sai, cho nên để tiếp tục giảng dạy giáo lý, các ngài đã biên thư hay soạn sách vắn tắt để giáo dân được nghe đọc trong các buổi hội họp ở nhà thờ. Ðắc Lộ viết: "Ðể duy trì những tâm tình nhiệt thành của họ, thì mỗi lần họ hội nhau, chúng tôi gửi đến họ những bức thư chung gồm có những lời khuyên bảo thiêng liêng trích trong Phúc âm hay ngày lễ các thánh trong tuần" (13). Trong một trường hợp khác, giáo sĩ cho biết, vì giáo dân không biết chữ, nên phải thuê người bên lương tới nhà thờ đọc cho cộng đồng công giáo nghe. Không biết là sách "lịch công giáo" hay sách "dẫn đàng giữ đạo". Chữ viết của ta vào thời này vẫn là chữ nôm. Lịch công giáo cũng được soạn từ thời này (14). Ðó là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai là đã xảy ra gần như liên tục những cuộc bắt đạo. Do đó sự hiện diện của giáo sĩ thường rất hiếm và có thời kỳ vắng bóng tuyệt đối. Cho nên, sách đọc trong nhà thờ là phương thế độc nhất và hữu hiệu nhất để giữ vững niềm tin và lòng đạo đức (15).
Nếu chúng ta thấy trong các chùa có "tụng kinh gõ mõ", thì việc đọc sách trong nhàthờ cũng không phải là một lề lối xa lạ. "Kinh" ở đây là "kinh sách", "kinh điển", "kinh thánh", chứ không phải là những lời cầu xin, khẩn nguyện. Từ thế kỷ 17, như đã nói, những sách nôm của Majorica, trên dưới 40 cuốn, là một bằng chứng cụ thể.
Chúng tôi thử kê khai một số cung sách :
- Cung "sách chầu Mình thánh Chúa" đọc vào buổi chiều, kinh chiều, viếng Thánh Thể.
- Cung sách tháng Ðức Bà, sách tháng thánh Giuse, sách tháng linh hồn.
- Cung sách giảng cấm phòng, trong tuần tĩnh tâm mùa Chay Cả.
- Cung sách giảng sự thương khó Ðức Chúa Giêsu, rất lâm li, đọc trong mùa Thương khó.
- Cung sách "Tuần chín ngày kính ông thánh Phanxicô Xavie", một cung sách có nhiều nhạc tính. Sách này chúng tôi chỉ thấy đọc trong tiểu chủng viện giáo phận Hà Nội, ít ra cho tới những năm 1948-1950.
Cũng phải nhắc lại rằng, những sách này thường được ngâm do các thầy giảng, hay những chủng sinh thực tập ở các giáo xứ : họ đã được luyện tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua các sách vừa là sách chữ nôm, vừa là sách quốc ngữ (16).
HIỆN TƯỢNG CHA GIÀ VƯỢNG
Năm 1940 có một việc lớn trong ngành ca nhạc công giáo, một hiện tượng mà chúng tôi gọi là "hiện tượng cha già Vượng". Cha già Vượng, chúng tôi chỉ biết như thế. Mới đây đọc lại tờ Nam Kỳ Ðịa phận, mới biết tên ngài được quảng cáo trong tờ tạp chí thông tin địa phận này là Pierre Marie Nguyễn An Vuợng. Cha già Vượng làm cha quản xứ Nam Ðịnh. Cha Ðạ lấy những cung điệu trong các bài hát tiếng Pháp, tiếng latinh mà điền tiếng Việt vào. Thế mà cha đã có tất cả 4 quyển : Ba mươi bài hát mừng Ðức Bà, Hai mươi ba bài hát kính Ðức Chúa Giêsu, Hai mươi bốn bài hát các ngày Lễ Trọng quanh năm, Ba mươi bài hát kính các Thánh, tổng cộng trên dưới một trăm bài. Sách hát của ngài được hưởng ứng nhiệt liệt. Có thể nói như đất khác nước được mưa rào tưới mát. Sách bán chạy như tôm tươi, nhà ấn hành sách phải tung ra khổ nhỏ, khổ lớn, sách có nhạc và lời, sách chỉ có lời. Và các giáo xứ thi nhau hát, trong khi đó ở các chủng viện, vẫn theo lề lối của Giáo hội, là hát latinh và thêm vào đó, hát tiếng Pháp.
Khi các bài hát tiếng Pháp, tiếng latinh như đã cạn, thì Cha lấy các cung điệu hát dân gian như Lưu Thủy, Hành vân mà đìền lời đạo đức vào. Thế nhưng phản ứng không thuận, tác giả bị phản đói. Người ta thích hát những bài có điệu latinh, Pháp và chối bỏ những bài có điệu hát dân gian Việt Nam, các điệu hát "đời". Tương tự như trước đây, ở các "địa phận Nam kỳ", giáo dân không ưa "hát bộ" hay "hát bội", không ưa hát "cải lương" (17), hát "tuồng" dân gian mà thích hát tuồng đạo, điển hình như "Tuồng Thương Khó".
VÃN DÂNG HOA ÐỨC BÀ
Nếu "ngắm đứng" được biết là có từ thời giáo sĩ Ðắc Lộ, thế kỷ 17, thì "dâng hoa" vào tháng năm, tháng kính Ðức Mẹ, đã có từ thời kỳ nào, chúng ta chưa biết rõ.
Có người cho đây là một thứ "hát ả đào", theo ý nghĩa tốt đẽp và văn hóa nguyên thủy. Các án v#n hay, thơ thuyệt tác như "Truyện Kiều", đã được các nghệ nhân ca hát, với trống phách nhịp nhàng. "Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh".
Nhưng người chủ trương thực ra có thể là đã lầm. Nếu trong "dâng hoa" có trống con, thì không phải là để chấm điểm, đưa nhịp phách, mà chỉ để như ra hiệu lệnh. Nếu trong dâng hoa, có các thanh thiếu nữ múa hát, thì không phải để "thi" sắc đẹp, để cho khách bàng quan ngắm nhìn vẻ xinh đẹp, mà chỉ để dâng hoa "muôn sắc" cùng với lời ca, điệu múa, trước bàn thờ kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Có thể nhận, dâng hoa là một cung cách lấy trong lối hát "ả đào", xa xa, rất xa, nếu có thể nói được như thế. Dẫu sao, dâng hoa là một "hội nhập văn hóa" thành công.
Hiện nay chúng ta có thể có hai tư liệu chính về dâng hoa : một của Ðức Hòng Y Trịnh Văn Căn, và một của Tiến Dũng.
ÐỨC HỒNG Y TRINH VĂN CĂN
Có hai tư liệu của ÐHY Trịnh Văn Căn :
- Dâng Hoa Kính Ðức Mẹ : bản in rônêô, tòa Tổng giám mục Hà Nội, 1900, khổ nhỏ, 9 trang.
- Dâng Hoa trong "Học Nhạc, Học Ðàn, Học Hát": sách in năm 1989, Hà Nội, tr. 261-287 (18).
Tư liệu thứ nhất chỉ là bài vắn tắt nói về "Tổ chức dâng hoa" : chọn bộ dâng hoa, chọn "con hoa", các đồ dùng chuẩn bị, các động tác "múa", như cách cầm quạt, hoa, nến, như tư thế đứng, tư thế quay tròn, quỳ, ngồi, tư thế rủ nhau kiếm hoa, động tác hoa nở... Tác giả cũng kết thúc bài bằng mấy lời nói về "tổ chức buổi dâng hoa".
Tư liệu thứ hai bàn giải chi tiếc hơn, trong cuốn sách đã nói ở trên. Ngài giảng giải về việc "dâng hoa năm sắc bộ I" với mở đầu, với ngũ bái, với quỳ lạy. Trên một trang giấy khổ lớn, tác giả còn vẽ cách múa, chỗ đứng của từng "con hoa". Rồi tới "dâng hoa năm sắc bộ II, rồi "dâng 12 hoa". Những bài hát ở những bộ nói trên, đều có trong cuốn sách "Thánh Ca" do tòa Tổng giảm mục phát hành. Tiếc rằng chúng tôi chưa tìm được những tác phẩm quí hóa này.
TIẾN DŨNG
Nếu Ðức Hồng Y là nhạc sĩ vì thời thế, vì hoàn cảnh (19) thì Tiến Dũng là nhạc sĩ chuyên biệt, được đào tạo lâu năm về sáng tác cụng như về lý thuyết âm nhạc và nhạc cụ, đặc biệt về dương cầm, ở ngoại quốc, ở Roma. Về nước ông đã mở lớp dạy nhạc và cũng là giáo sư trường quốc gia Âm nhạc, hay Nhạc Viện Sàigòn cả sau 1975.
Về "Vãn dâng hoa", chúng tôi có tập chính tác giả tặng, nhan đề "Bài Học Sáng Tác Thánh Ca Thánh Nhạc", Suối Nhạc, Sàigòn - không ghi năm - Theo mục lục, người ta có thể tìm thấy những bài nghiên cứu, như : hình thể vãn dâng hoa, bộ vãn Tứ Thời, những bài vãn dâng hoa biệt lập (20).
Trong một tập, cũng in rônêô, tác giả đề cập tới những gì đã nói trên: hình thể vãn dâng hoa, nội dung... Về tác giả các bài vãn, Tiến Dũng viết: "Có thể một vị truyền giáo ngoại quốc nào đó là tác giả những bài hát dâng hoa. Có người cho ông Phạm Từ Thiện là tác giả. Có người cho thầy giảng Phanxicô Phao là tác giả. Chúng ta mong các học giả đưa ra những bằng chứng xác thực để hậu thuẫn cho giả thuyết của mình. Chúng ta có thể nói được rằng, dù ai là tác giả, thì những vãn dâng hoa đã phát xuất từ lòng nhân dân, nghĩa là từ những nghệ sĩ sống trong lòng dân gian" (21). Dẫu sao, tác giả cũng đưa ra một giả thuyết, cho hát dâng hoa phát sinh từ xứ Huế, bởi có một lời ca hát rằng :
Con kính mừng, con kính trọng
Con xin hát giọng xứ Huế trong Ðường Trong
Con lên đền thờ, con giắng tới Mẹ
Xem nhan sắc yểu điệu nhân từ... (22)
Vãn dâng hoa không phải là một vũ khúc, thế nhưng việc dâng hoa có kèm theo nhiều cử điệu, Tác giả viết thêm: "Vì nhạc sĩ đã dùng nhiều chữ đậm giữa câu văn - hoặc nhạc sĩ đã đảo lộn các chữ trong câu văn - nên các bài vãn dâng hoa là loại ca hát có dân tộc tính, có Việt Nam tính. Chúng ta lại ghi nhận thêm một điểm giá trị thẩm mỹ nữa của bài vãn dâng hoa" (23).
Theo sự nghiên cứu của tác giả và của một số tác giả khác, thì có thể đưa ra 5 bộ:
- Bộ vãn dâng hoa ngũ sắc A
- Bộ vãn dâng hoa ngũ sắc B
- Bộ vãn tứ cảnh A
- Bộ vãn tứ thời
Thật là một thích thú, khi người yêu ca nhạc, được đọc cả nhạc, cả lời, cả những câu giải thích, A về phần giáo đầu, B về dâng hoa, C về phần cảm tạ.
Về ý nghĩa các sắc hoa, chúng ta cũng thấy:
Sắc trắng chỉ về trinh khiết; sắc vàng, nhân đức mến; sắc tím, hãm mình cách lạ; sắc xanh, trinh khiết ... (24). Rồi cứ như vậy, khi hát dâng hoa Lan, hoa Sen, hoa Cúc, hoa Mai. Sau khi phân tích bộ Tứ Cảnh A, tác giả kết luận: "Qua tiến trình phân tích, chúng ta nhận thấy bộ văn dâng hoa tứ cảnh có giá trị thẩm mỹ tuyệt vời cả về phương diện nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Ðây phải là một sản phẩm do bàn tay điêu luyện làm nên - nghĩa là một bàn tay có kinh nghiệm và học tập già dặn trong nghề sáng tác." (25)
Sau khi phân tích và trình bày bản Tứ Cảnh B, tác giả có đôi lời tâm sự: "Tôi đã được dự buổi dâng hoa bộ văn tứ cảnh B, lúc lên 16, 17 tuổi, nghĩa là cách đây khoảng 50 năm (26), và tôi còn nhớ... ".
Thề rồi Tiến Dũng nghiên cứu Bộ văn Tứ Thời: Xuân Hạ Thu Ðông. Nhưng ông tỏ ra "chê" bộ này. "Bộ văn tứ thời, không phải đồ "din", mà là đồ dỏm, vì tác giả không sáng tác ra cung điệu các bài văn, mà là đi góp nhặt cung điệu các bài dân ca đang phổ biến trong lúc đó, rồi chắp nối thành một tác phẩm có nhiều thành phần, theo bản văn mà có thể là do chính tác giả làm ra. Bộ văn tứ thời là như vậy đó" (27).
Tiến Dũng còn cho biết thêm về nguồn gốc bộ dâng hoa Tứ Thời, theo báo Indochine mà tác giả sưu tầm được. Ðó là những điệu khách hay điệu Bắc, như Lưu Thủy, Lý Hành Vân, như cung chèo, cung sẩm, cung ngang, như Nam Bình (nói về đất nước miền Nam đã bị chiếm đóng và bình định), hoặc bài Nam Ai (nói về nỗi nhớ củ người lính viễn chinh). Những bài ca này thường đượm vẻ buồn tha thiết.
Sau khi đã trình bày bản dâng hoa Tứ cảnh và Tứ Thời, tác giả nghiên cứu thêm về "những bài văn dâng hoa biệt lập". Ðó là những bài: Bước lên đền thánh, Chúng con mọn này, Bảy sự thương khó Ðức Bà, Mười Hai cái mến (cung Nam Ai), Ðoàn con vui thú, Văn Sinh Nhật, Hoa Ðơn, Vãn Ðức Mẹ bộ I, bộ II (5 bài), bộ III (6 bài).
LỊCH SỬ THÁNH NHẠC VIỆT NAM
Như chúng tôi đã trình bày trong tác phẩm "Tiến Trình Thánh Nhạc Việt Nam", thực ra ban đầu chỉ là "Hồi Ký về Nhạc Ðoàn Lê Bảo Tịnh", California, 1991, và trong sách, chúng tôi cũng nói tới "Ngắm Ðứng", "dâng hoa", các cung kinh, cung sách. Ðó là thời kỳ I.
Thời kỳ II là thời kỳ các bài hát bằng tiếng Việt của các nhạc đoàn, đi tiên phong là Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, từ 1945.
Vào những năm 1940-1945, có phong trào hát tiếng Việt với nhóm những nhạc sĩ Hoàng Quý, Phạm Ðình Chương, Lưu Hữu Phước... Chúng tôi đã say mê hát những bài Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn, Tiếng Gọi Lên Ðàng, Leo Rừng, Ðược Mùa. Có những bài hát ái quốc, trá hình thành những bài hát ca lịch sử như Bạch Ðằng Giang, Chùa Hương, Hờn Sông Gianh, Hội Nghị Diên Hồng... Trước đây thanh niên chúng tôi, vì không có bài hát tiếng Việt, chúng tôi đã mê những bài hát của Tino Rossi, như J’ai deux amours, như C’est à Capri.
Trong nhóm chúng tôi, có anh Hùng Lân, anh cũng đóng góp những bài ca thanh niên nổi tiếng như bài Rạng Ðông, Hè Về, Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, Khỏe Vì Nước. Bài cuối cùng này, ít lâu nay đài phát thanh thường cho hát. Nhưng anh Hùng Lân cũng là người sáng lập Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với mấy anh em nhạc sĩ sáng tác các bài hát tôn giáo dùng trong nhà thờ.
Thật là một sáng kiến rất hợp thời. Năm 1945, có Cung Thánh tập I. Có 9 bài về Thánh Lễ đã ra trình làng đúng thời đúng lúc, hòa mình vào trào lưu các bài ca ái quốc trá hình như vừa nói ở trên. Giáo dân Bắc Trung Nam hưởng ứng nhiệt liệt. Trong các lễ truy điệu, các lễ quốc khánh, giáo dân đã có bài hát để hát trong thánh lễ. Rồi tiếp tục có Cung Thánh tập II với 9 bài về Ðức Mẹ 1945, Cung Thánh tập III có 10 bài về lễ Giáng Sinh 1946. Hiện tượng Cung Thánh lúc này đồng hóa với hát tiếng Việt trong nhà thờ. Hát Cung thánh là hát tiếng Việt ở nhà thờ (28).
Sau đó chúng tôi bắt liên lạc với Hải Linh, với Ngô Duy Linh. Nhạc đoàn Sao Mai ra đời sau chúng tôi và đóng góp vào nền thánh nhạc Việt Nam. Riêng về Lê Bảo Tịnh, có thành công rất lớn. Ðã cho ra được 14 tập, tổng cộng 60.000 cuốn, thống kê năm 1960, năm phát hành Cung Thánh Tổng Hợp, với 5000 cuốn giấy thường và 50 cuốn đặc biệt, gồm có 173 bài thuộc các mùa phụng vụ, Thánh lễ Thánh Thể, Ðức Mẹ, Các Thánh, các lễ như lễ cưới, rửa tội, thêm sức, cầu hồn.
Nhạc đoàn thành lập vào tháng 07 năm 1945, cho tới năm 1974, đúng 30 năm trời. Năm 1974 này, đã cho phát hành Cung Thánh Tổng Hợp Tân Biên gồm có 174 ca khúc công giáo chọn lọc.
Thực ra từ năm 1954, ở miền Nam, đã có nhiều nhạc sĩ, nhiều nhạc đoàn sáng tác thánh ca tiếng Việt, với những nhân vật lỗi lạc như Ngô Duy Linh, Tiến Dũng, Hải Linh, Kim Long, Nguyễn Thanh, Nguyễn Duy... chúng tôi chỉ kể ra những người chúng tôi được biết.
Thời kỳ III: "là thời kỳ mà Công đồng cho phép dùng tiếng Việt trong Phụng Vụ. Tiến Dũng viết: "Hiện nay các nhạc sĩ nhiều vô kể, thi nhau sáng tác, thường thì vẫn theo hình thể cũ là ca khúc, nhưng cũng đã có nhạc sĩ bắt đầu sáng tác theo hình thể đói ca, đáp ca (29).
Và chúng tôi xin ngừng lại ở đây, sau khi đã phát thảo đôi lời về "Hội nhập Văn hóa qua Thánh ca Việt Nam".
Một số tác phẩm chúng tôi hiện có
- Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Cung Thánh Tổng Hợp Tân Biên, Sàigòn - 1974, California - 1991.
- Tiến Dũng, Sáng tác Thánh ca Thánh nhạc, Suối nhạc, Sàigòn.
- Tiến Dũng, Bài Học Sáng tác Thánh ca, Thánh nhạc, Suối nhạc, Sàigòn.
- Tiến Dũng, Tôi viết Ca khúc, NXB Trẻ, TPHCM - 2001. Trên trang bìa chót có ghi các tác phẩm của nhạc sĩ.
- Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, Dâng Hoa kính Ðức Mẹ, tư liệu rônêô, Hà Nội - 1990.
- Hồng Y Giáo Chủ Trịnh Văn Căn, Học Nhạc, Học Ðàn, Học Hát, Hà Nội - 1989.
- Nguyễn Khắc Xuyên, Tiến trình Thánh nhạc Việt Nam, Ziên Hồng, Texas - 1991.
- Nguyễn Thanh, Tuyển tập 100 bài Thánh ca Phụng vụ, TPHCM - 2000.
- Nguyễn Thanh, Tuyển tập 100 bài Thánh ca Phụng vụ, TPHCM - 2001.
- Kim Long, Tuyển tập Ca Lên Ði, Hợp ca, 200 trang - 1997.
- Kim Long, Tuyển tập Ca Lên Ði, Hà Nội, 900 trang - 2001.
- Nguyễn Duy, Thánh Ca Bình Dân, 1996.
- Linh Giang - Nguyễn Bách, Suy niệm mầu nhiệm Mân côi bằng lời ca, 1996.
- Linh Giang - Nguyễn Bách, Bước đầu tìm hiểu thánh nhạc, 1997.
- Nguyễn Bách, Tiến Lộc, Hạnh Thy, Thuật ngữ âm nhạc, NXB Âm Nhạc, TPHCM - 2000.
- Thy Nhất Giang - Nguyễn Hạnh, Hòa âm, NXB Trẻ, TPHCM - 1998.
- Một Nhóm Tác giả, Giáo ca Tin mừng, 2001.
- Tuyển tập thánh ca 1, Giáo phận Xuân Lộc - 1990.
- Hoài Ðức, Thánh ca Hoài Ðức, 2001.
- Vũ Hùng Tôn, Nguyễn Văn Vinh, Phụng ca Tôn Vinh, USA - 2000.
- Ban Mục vụ Phụng tự giáo phận TPHCM, số 38, 1999.
- Ban Mục vụ Phụng tự giáo phận TPHCM, số 79, 2002.