ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG PHỤNG VỤ CÔNG GIÁO
PHƯƠNG OANH
ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG
PHỤNG VỤ CÔNG GIÁO
Năm 1988, tại Rome, Ðức Thánh Cha Gioan Phao Lô đệ nhị đã phong hiển thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Phượng Ca được vinh dự ngồi trong ban nhạc cùng với ca đoàn tổng hợp bên Mỹ do cha Ngô Duy Linh điều khiển, tham dự các thánh lễ cũng như đêm văn nghệ tại đại hí viện trước Ðức Thánh Cha và trên 30 ngàn người dự khán.
Tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị hoà với tiếng vĩ cầm, đại hồ cầm trong các bài thánh ca được viết trên âm giai ngũ cung đã tạo nên một khung cảnh rất đặc biệt và đã được tất cả cộng đoàn các nước có mặt khen ngợi. Thật vậy, ngay trong nước, cũng không bao giờ thấy các cây đàn Việt Nam trong thánh lễ. Cho nên, đối với người ngoại quốc là một điều thích thú được thấy và nghe cây dân tộc, còn với người Việt từ khắp nơi đến thì hãnh diện với dàn nhạc dân tộc đặc biệt này mà từ lâu hầu như không biết đến. Lần đầu tiên, trong suốt một tuần lễ tại đây, tà áo dài phất phới, người Việt đã được gặp nhau trong khung cảnh quê hương, trong bầu nắng ấm, tiếng cười nói xôn xao văng vẳng bên tai, thật ấm lòng cho chúng ta, những đứa con xa quê cha đất tổ.
Trong khuôn khổ bài viết, xin được nhắc lại đôi nét về âm nhạc dân tộc qua hai khiá cạnh dân gian, bát học và nhạc cụ cổ truyền trong phụng vụ thánh ca.
I. ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN:
Có hai truyền thống trong âm nhạc cổ truyền:
- Nhạc dân gian (bình dân)
- Nhạc cửa quyền (cung đình) .
a. Nhạc dân gian:
Là những câu hò, điệu lý, hát quan họ do dân chúng ứng khẩu hát lên lúc làm việc ngoài đồng ruộng hay bên nương dâu để quên đi thời gian trôi qua và nỗi vất vã nhọc nhằn.
Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...
Hoặc trên dòng sông, trước khi đẩy ghe xuống nước, mọi người đã kêu gọi và hợp sức cùng nhau như sau:
Khoan hố khoan hố khoan
Xạ hố xạ, hố xạ
Ðúc bánh chèo hố xạ,
xạ cho sâu, hố xạ.
Xạ cho đều, hố xạ
Nhất nhì ta,
Khoan hố khoan hố khoan hố khoan.
Ngày xưa, dân chúng sống với các nghề chân tay được chia theo từng vùng gọi là phường như phường cấy, phường đúc, phường vải, phường buôn v.v… theo từng địa phương. Những điệu hát được dân chúng ưa thích rất nhiều tùy theo miền như hát ví, hát đúm, hát quan họ, hát chèo, nói thai, hò, vè v.v... ví dụ như hát ví Nghệ Tĩnh, hát quan họ Bắc Ninh, nói thơ Bạc Liêu...
b. Nhạc cửa quyền:
Chia ra làm hai loại: đại nhạc và tiểu nhạc.
Nhạc cửa quyền còn được gọi là nhạc cung đình vì chỉ dành riêng cho vua chúa để giải trí, người hát không ở nhà mà đứng ngay cửa quan mà hát, cho nên gọi là hát cửa quyền… Các ban hát đã diễn các tuồng tích lấy trong các chuyện Thủy Hử, Tam Quốc Chí của Trung Hoa, và là một số đông người nên có tên phường (có nghĩa là một nhóm người) chèo bội.
* Ðại nhạc:
Gồm giàn chiêng trống cùng với các nhạc cụ kèn, sáo, nhị nguyệt được dùng trong các buổi đại lễ để tế trời đất, các buổi lễ quan trọng trong năm, ví dụ như tế Nam Giao hay đón rước sứ thần các nước.
* Tiểu nhạc:
Ngoài những buổi diễn tuồng có tính cách đại chúng, còn có những buổi hoà nhạc thu hẹp chỉ có một số ít người đàn (mà nhạc sĩ chính là vua và quan hoà đàn với nhau, đệm cho một người hát gọi là ca nhi) hát những bài hát do chính họ soạn lời theo các điệu nhạc có sẵn như Lưu Thủy, Nam Ai, Nam Bình, Cổ Bản...Với các nhạc như đàn tranh tỳ nguyệt, sáo v.v… những buổi hoà nhạc như thế gọi là tiểu nhạc.
Vì được bắt đầu ở trong cung, sau lan ra ngoài dân chúng, tiểu nhạc được gọi là Ca Huế từ đấy. Ðến cuối thế kỷ thứ 19 thì rất được thịnh hành. Ca Huế dần dần được lan truyền từ miền Trung ra Bắc, và vào miền Nam. Theo giọng nói địa phương mà chúng ta có nhạc miền Bắc (hát ả đào, ca trù) và nhạc miền Nam (nhạc tài tử) và nhạc miền Trung (Ca Huế).
Mỗi miền đã có những nhân tài sáng tác thêm để làm phong phú thêm cho kho tàng âm nhạc. Nếu nhạc miền Bắc ảnh hưởng không ít nét nhạc Trung hoa khi hát lên, thì miền Trung có làn điệu nhạc Chiêm trộn lẫn và miền Nam cũng đã ảnh hưởng làn điệu của dân Khờme với nét nhạc bao la bàng bạc của giòng Cửu Long lửng lờ.
Qua những quan lại về hưu trở về quê cha sinh sống, đã truyền lại cho con cháu những bài ca điệu đàn đã được nghe và tập đàn khi còn đang làm quan, do đó, các bài bản Ca Huế, đã trở thành Lưu Thủy Huế, Kim Tiền Huế ở miền Bắc. Vào tới miền Nam cũng đã được biến dạng và thay đổi phong phú hơn. Ví dụ như bài Lưu Thủy đã có những bài bản mới : Lưu Thủy nhập môn, Lưu Thủy đoản, Lưu Thủy Trường. Khi đàn ba bài liên tiếp nhau Lưu Thủy- Bình Bán - Kim Tiền trở thành Lưu Bình Kim với phong cách đàn khác hẳn bản gốc nhạc miền Trung.
II. NHẠC CỤ CỔ TRUYỀN TRONG PHỤïNG VỤï THÁNH CA:
Theo người xưa, hát là cầu nguyện hai lần, nên âm nhạc ảnh hưởng không ít trong thánh lễ của cha ông ngày xưa. Theo tài liệu của cha Ðắc Lộ, thì giáo dân cũng đã dùng nghi thức tế lễ cổ truyền với áo mũ, cờ lộng và bộ gõ (trống con, trống lớn) theo một thể thức đã được qui định... (tài liệu Hội Nhập văn hóa qua Thánh Ca của Hồng Nhuệ -trang 1) nhưng không có nói đến nhạc cụ cổ truyền đệm theo.
Cũng trong tài liệu của Hồng Nhuệ, (trang 5) có ghi như sau: Hiện tượng Cha già VượNG:
‘... Năm 1940 có một việc lớn trong nghành ca nhạc công giáo, một hiện tượng mà chúng tôi gọi là ‘hiện tượng Cha già Vượng’, chúng tôi chỉ biết như thế. Mới đây trong tờ tạp chí thông tin địa phận Nam Kỳ Ðịa Phận, có quảng cáo Cha Pierre Marie Nguyễn An Vượng, cha quản xứ Nam Ðịnh, đã có công viết lời Việt thay thế lời tiếng Pháp, tiếng Latin trong các bài thánh ca về Ðức Mẹ, về Chúa và những lễ trọng quanh năm...’ Trước khi có những bài hát nhạc Pháp lời Việt này, từ thế kỷ 17, dân chúng cũng đã từng có những bài hát dâng mẹ trong tháng n#m, theo âm hưởng ngũ cung nhưng cũng chỉ có hát mà không có nhạc cụ đệm theo ngoại trừ tiếng trống con hay tiếng phách dùng để làm lệnh cho đội dâng hoa di chuyễn. Từ khi cha Vượng có sáng kiến dùng nhạc ‘tây phương’ để hát trong các thánh lễ, người dân đã quen dần trong nét nhạc mới và không thích những nét nhạc luyến láy, chẫm rãi của dân tộc. Một sự vô tình thích cái mới (vọng ngoại). Cho nên khi cha Vượng dùng ‘trở lại’ các điệu nhạc củ của dân tộc thì không được hưỏng ứng. Vì theo nhạc cổ truyền, thì người ta chỉ viết lời mới cho các điệu nhạc đã có sẳn, chứ không sáng tác nhạc và lời cùng lúc như nhạc mới, nhạc tây phương. Nên có nhiều người không thích và cảm thấy như nhạc cổ không có sáng tạo, nghèo âm điệu, nghèo bài bản...Ðây là một khúc quanh của thánh ca đã chuyễn mình đi tới, theo âm nhạc tây phương mà quên dần đi nét nhạc thuần túy cổ truyền...
Paris, trong thời gian 1980-1993, cha Nguyễn Văn Long đã về hưu, nhưng cha vẫn tổ chức những buổi lễ kính Ðức Mẹ tại nhà thờ Notre Dame de Paris, hay ở nhà thờ Madeleine với nghi thức cổ truyền. Nhóm hát được cha tập những bài dâng hoa thật xưa, mà nếu không đến với cha, thì tôi không có dịp được đệm đàn tranh và cũng như mọi người, sẽ không biết những bài thánh ca cổ như vậy. Bài hát đơn sơ được soạn theo thể nhạc miền Bắc với các tiếng đệm í a, luyến láy chẩm rãi. Lời hát, mỗi khi lên giọng, xuống giọng, từ từ ngân nga, các chữ như lập lại lời kinh đưa tâm hồn chúng ta hướng về Chúa, về Ðức Mẹ với tấm lòng thành kính.
Bài Dâng hoa cổ
Chúng tôi mọn mạy phàm hèn
Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ
Ngửa xin tràn xuống ơn thừa
Rộng ban giải tấm lòng thơ trước toà...
Lời được viết theo thể lục bát, nhưng khi hát lên, nhất là các bài dâng hoa cần phải thể di chuyển lên xuống trước khi dâng, lời thơ đã được giáo dân đã luyến láy, thêm thắt kéo dài các chữ để câu thơ trở thành như sau:
Mọn mạy í i phàm í i ì hèn, chúng con mọn mạy í i phàm i ì hèn.
Dám đâu ghé mắt trông lên bàn í i ì thờ
Giải tấm lòng í i ì thơ, ngửa xin tran àn xuống í i ì ơn ì í thừa
Rộng ban giải tấm lòng on thơ trước í i ì í toà ì i í i ì tòa...
Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn được nghe một số bài thánh ca khác đã được viết theo âm hưởng nhạc dân tộc trong thánh lễ như Ca khúc trầm hương, Giavê chúa chiên, Linh hồn tôi... Các Cha Ngô Duy Linh, Hoàng Kim, Kim Long, nhạc sư Hải Linh, giáo sư Hùng Lân, cũng như nhiều nhạc sĩ công giáo khác cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc đem làn điệu dân tộc vào thánh ca...
Càng sống xa quê hương, những cái hay cái đẹp trong văn hoá và đức tin, cách sống đạo qua phong tục cổ truyền nếu không duy trì, phổ biến sẽ dần dần bị mai một. Giới trẻ lớn lên, không có dịp được tham dự, để làm sống lại tình tự quê hương nơi xứ người. Do đó mà mỗi khi có dịp, tôi đã cố gắng thu xếp thời giờ có mặt để đàn trong thánh lễ. Ðược dự lễ, được hoà tiếng đàn tranh, hoặc có thêm một vài nhạc cụ dân tộc khác như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu và sáo. Trong không cảnh ấm cúng trang nghiêm, chỉ vài phút ngắn ngủi, tiếng đàn nhẹ nhàng réo rắc, êm nhẹ, đã làm lắng động tâm tư mọi người. Một không khí đặc biệt Việt Nam, mà khi được nghe, ai ai cũng thấy hài lòng.
Thật vậy, âm nhạc rất quan trọng trong nghi lễ và nếp sống đạo của người Công giáo. Từ ngàn xưa, khi đạo vừa du nhập vào nước ta, các linh mục tiên khởi đã dạy cho giáo dân những lời nguyện câu kinh theo đúng nghi thức cầu nguyện phát xuất từ Roma nhưng đối với người dân thường thì thật là khó. Muốn cho dân bản xứ sống đạo ‘mới ’ nhưng vẫn phù hợp với truyền thống, phong tục, các linh mục đã chấp nhận xử dụng một vài nề nếp, nghi thức sẵn có của người dân trong việc cử hành thánh lễ, trong những ngày lễ trọng do đó, mầu sắc dân tộc đã được gắn liền vào Ðạo Công giáo, đã làm cho đức tin của giáo dân càng vững mạnh thêm.
Ngày xưa các buổi lễ trọng theo truyền thống, cũng đã được tổ chức rất trọng thể như hát thánh kinh, đọc sách, đọc kinh theo giọng điệu địa phương để thay thế các kinh viết bằng tiếng Latin cho giáo dân hiểu rõ, cũng có múa hát để dâng hoa với y phục cổ truyền trong tháng Ðức Mẹ. Toà Giám mục Hà nội sưu tầm phổ biến gần đây, bộ lễ hát Dâng Hoa, hy vọng những bài hát này sẽ được xử dụng trong tháng hoa, để được nghe lại những làn điệu ca cổ được viết theo âm hưởng ngũ cung. Bộ lễ được viết gồm các bài trước khi dâng, trong lúc dâng và sau khi dâng hoa.
Ðây là bài Trước Khi Dâng
Ðể cho dễ nhớ các ngày lễ trong năm, Vùng Bùi Chu, Phát Diệm, có bài ca dao 12 tháng như sau :
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa,
Tháng Tư tập trống rước hoa,
Kết đèn làm trạm chầu giờ tháng Năm.
Tháng Sáu kiệu ảnh Lái tim
Tháng Bảy chung tiền đi lễ Phú Nhai,
Tháng Tám đọc ngắm Văn Côi,
Trở về tháng Chín xem nơi chồng mồ.
Tháng Mười mua giấy sao tua
Trở về Một Chạp sang mùa ăn chay.
Trong quá trình tiến triển của thánh ca, ta đã thấy sự chuyễn tiếp từ những bài hát bằng tiếng latin qua tiếng Việt, sau đó có những bài thánh vịnh được sáng tác theo thể thơ lục bát hát trên các làn điệu dân ca như Cò lả, Trống quân, hay như Lưu thủy Hành Vân, Tứ Ðại cảnh v.v... có nghĩa là lời được soạn ra rồi tùy theo miền mà hát trên các làn điệu dân ca, nhạc cổ của miền đó. Dần dần có sự cải cách là dịch lời các bài từ nhạc Pháp, và cho đến ngày nay, thánh ca đã biến chuyễn không ngừng. Thời gian trôi qua, nhạc tây phương đã ‘du nhập vào đạo một cách mạnh mẽ’ với các linh mục, nhạc sĩ công giáo được học hỏi từ các nhạc viện ở trong cũng như ngoài nước, đã làm cho thánh ca tiến không ngừng, các ca đoàn được thành lập khắp nơi để được phụng vụ lời Chúa qua các thánh lễ. Dần dần chúng ta có cả một kho tàng rất hùng hậu về thánh ca. Nhưng nhạc cụ dân tộc thì từ từ ‘bị’ đi vào quên lãng vì không được khuyến khích, lôi cuốn để có người đi học để được xử dụng cho các ban nhạc nhà thờ. Ðây là một khuyết điểm lớn của người Việt Nam là ưa thích những cái gì mới lạ. Cầm cây đàn violon, hay ngồi trước cây đàn dương cầm mới thật là ‘oai’, chứ cầm cây đàn tranh hay một nhạc cụ cổ truyền nào đó, thì ‘quê’... Nói thì nói vậy chứ đàn tranh đàn nguyệt của mình quá mong manh, dể bị hỏng, tiếng đàn kêu không lớn như các nhạc cụ khác, vã lại, cây đàn dân tộc không có đầy đủ cung bực như các nhạc cụ tây phương nên rất bất tiện trong việc đệm các bài hát trong thánh lễ.
Vì hoàn cảnh chiến tranh, chúng ta đã phải bỏ xứ ra đi, đem theo một chút ít văn hoá dân tộc ra xứ người. Có sống xa quê hương mới thấy những nghệ thuật cổ truyền là quan trọng, nhất là việc gìn giữ bản sắc dân tộc với người địa phương.
Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách gợi ý mở lớp đàn tranh cho Thiếu Nhi cách đây cũng hơn 10 năm. Khi giờ sinh hoạt của đoàn đã hết, sau thánh lễ, các em tranh ở lại muộn hơn để được học đàn. Mục đích là cho các em có thể đàn được những bài thánh ca, để có thể đàn trong thánh lễ và để có thể giới thiệu được nhạc cụ dân tộc, văn hoá Việt Nam đến người bản xứ. Công việc tập đàn của các em âm thầm, miệt mài theo năm tháng, đã không phụ lòng bố mẹ hy sinh đưa đón, chờ đợi mỗi chiều tối thứ bẩy, ngồi nghe con học từng nốt, từng nốt trên cây đàn tranh.
Chương trình Le jour du Seigneur của Ðài truyền hình A2 của Pháp đã để tháng 3 dành trực tiếp phát hình các thánh lễ các nước Á Châu và giáo xứ Việt Nam đã được khán giả đài truyền hình ưa thích cách cầu nguyện trong thánh lễ. Cây đàn tranh đã được chú ý với âm thanh thánh thót nhẹ nhàngcủa các em thiếu nhi. Gần đây nhất là đại hội Hội Ngộ Niềm Tin của người Việt Nam được tổ chức tại Roma. Trong ba ngày, các em đã làm cho cộng đồng Việt Nam công giáo có mặt tại đây hảnh diện với những người khách hành hương các nước về cây đàn dân tộc trong các thánh lễ. Mặc dù rất trẻ, em nhỏ nhất chưa được 10 tuổi, em lớn nhất cũng vừa 18 tuổi đời, nhưng khi nhìn các em đàn rất thành thạo, tiếng đàn thánh thót hoà cùng tiếng đàn phong cầm và ban hợp ca tổng hợp ở nhà thờ Ðức Bà Cả, hay tại nhà thờ Thánh Phê rô, chắc hẳn ai cũng nghĩ là có sự tập dượt rất chu đáo.
Thật vậy, trong một năm chuẩn bị, các em đã tập đàn tranh đều đặn mỗi chiều thứ bảy sau thánh lễ. Do đó, khi sang tới Roma, có những bài đã được biết trước, có những bài chưa biết, phải tập tại chỗ, cũng may là phần đông, các em đều biết đọc nốt nhạc, nên việc tập dượt cũng không đến nỗi khó khăn. Ðể có thể tập được tại chỗ, Ðức ông Ðạo đã cho phép ban đàn tranh tập nơi nhà chung của Giáo Hoàng học viện. Từ nơi này, các em đã hưởng cái thú nhìn được khắp nơi từ trên cao thật cao, thấy được nóc nhà thờ thánh Phê rô và nhất là được chụp hình chung với đức ông trước cửa học viện, đây là điều không phải ai cũng được diễm phúc.
III. KẾT LUẬN:
Khi nhận lời Ðức Ông Mai Ðức Vinh viết bài này, tôi rất tha thiết mong ước nhạc cụ dân tộc sẽ được nhiều người chiếu cố học hỏi, bắt đầu với cây đàn tranh song song với dương cầm, vĩ cầm. Sau đó sẽ học thêm các cây đàn khác như đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo trúc, bộ gõ, và mỗi cộng đoàn, mỗi khi dâng thánh lễ sẽ có dàn nhạc dân tộc đệm đàn ở khắp nơi...
Vì khi có được kiến thức tổng quát về nhạc tây phương với nhạc truyền thống, thì chúng ta sẽ thấy nét nhạc dân tộc có giá trị như thế nào. Như vậy, dù không sống trong nước, chúng ta cũng đã giữ được quê hương trong tim mình tại bất cứ nơi nào mình sống.
Trước khi chấm dứt, tôi xin chép lại bài thơ Niềm Tin của anh Lê Ðình Thông đã được phổ nhạc trên âm hưởng nhạc ngũ cung và được hát trong buổi thuyết trình của ban mục vụ.
Muôn dân có một Chúa Trời
Uy quyền giáo hội sáng soi dẫn đường
Gặp nhau trong nghĩa yêu thương
Công bằng bác ái khiêm nhường kết liên
Hội Ðồng mục vụ cần chuyên
Một lòng một dạ vẹn tuyền sắt son
được họa lại như sau :
Chúa ơi Chúa ngự trên trời
Chúng con dưới thế nơi nơi tỏ tường
Niềm tin dâng Chúa yêu thương
Thuận hòa vui vẻ là đường viễn liên
Giáo dân cầu nguyện chăm chuyên
An bình khắp chốn trao truyền nét son.
Paris tháng 10 / 2003.