ÐỨC TIN CÔNG GIÁO VÀ NIỀM TIN PHẬT GIÁO
NGUYỄN THỊ HẢO
ÐỨC TIN CÔNG GIÁO
VÀ NIỀM TIN PHẬT GIÁO
Gần đây người Âu Châu, nhất là người Pháp, trong đó có một số Kitô hữu, ngày càng lưu tâm tìm hiểu Phật Giáo. Ðiều này phù hợp với ý muốn của Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi đối thoại liên tôn. Cụ thể nhất là vào tháng 5.1999 tại Domus Aurea, cạnh Rôma, hội đồng tòa thánh đối thoại liên tôn (Conseil Pontifical pour le dialoque interreligieux : CPDI) và ủy ban giám mục Âu châu (Conseil des conférences épiscopales d’Europe: CCEE) để tập hợp các đại diện và các chuyên viên của 12 quốc gia Âu Châu để suy gẫm về thái độ của Giáo Hội trước sự hiện diện của Phật Giáo trên lục địa Âu Châu. Một cuộc tập họp thứ hai đã được tổ chức vào tháng 9.2002 tại Strasbourg.
Riêng ở Việt Nam, đạo Phật đã có từ cổ xưa nên người Việt Nam nào, không ít thì nhiều, cũng đều quen thuộc với tín ngưỡng này.
Ðối với người Kitô hữu, đón tiếp các Phật Tử, trước tiên có nghĩa là nhìn nhận rằng Giáo Hội là một cộng đồng hiện hữu được chính là qua sự đối thoại giữa Thiên Chúa tình yêu với con người ; vì rằng đức tin Công Giáo là sự đối thoại giữa con người với Ðức Chúa Cha qua Ðức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Do đó Giáo Hội được mời gọi thiết lập cuộc đối thoại trong mối tương quan với tất cả loài người cùng đi trong một cuộc hành hương chung.
Nhưng nói đến đối thoại là phải nói đến sự khắc biệt, và sau đó tìm hiểu các khác biệt để đi đến việc thông cảm và tôn trọng chung.
Người ta thường nói trong cuộc đối thoại liên tôn, cần phải có sự cố gắng chân thành để tìm hiểu con đường thiêng liêng (Niềm tin) của đối phương. Ðiều này hoàn toàn đúng. Nhưng một điều cần thiết là mỗi bên phải cố gắng chân thành để hiểu rõ con đường thiêng liêng của chính mình. Vì nếu không thì làm sao có thể diễn tả được cho đối phương? Và sự chân thành này, ở đây được biểu lộ theo như ý kiến của Albert Camus, bằng sự xét đoán giáo thuyết qua đỉnh cao của nó chứ không phải qua những điều phụ thuộc.
Ðức Thánh Cha cũng đã viết trong thông điệp Redemptoris Missio về vấn đề đối thoại liên tôn: ‘Kẻ đối thoại phải tỏ ra có mạch lạc với truyền thống và tín ngưỡng của mình và mở rộng lòng trước tín ngưỡng của đối phương để tìm hiểu, mà không che dấu hay khép kín lòng, với sự khiêm nhượng và chân thành, vì tin chắc rằng cuộc đố thoại sẽ là một nguồn tài nguyên phong phú cho cả đôi bên’ (RM, 56).
Vậy sau đây chúng ta cố gắng tìm kiếm đỉnh cao của đức tin Công Giáo và niềm tin Phật Giáo, cũng là nêu rõ, những điểm khác biệt để nhiên hậu tìm đến một cuộc đối thoại chân thành. Chúng ta không so sánh các giáo thuyết vì mỗi giáo thuyết có lý lẽ của mình, mỗi tôn giáo đều nhằm tìm hiểu cái ý nghĩa tinh thần của cuộc sống.
A. ÐỨC TIN CÔNG GIÁO
I- Ðức tin là gì ?
1- Ðức tin là nền tảng của sức sống người tín hữu, sự sống thiêng liêng, là ánh sáng của Thiên Chúa là ân sủng của Ðấng Tối Cao.
Có được ân sủng này là nhờ cầu nguyện và phải chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận. Như Ðức Giêsu đã nói :’Không ai có thể đến với Ta nếu như Cha Ta, Ðấng đã sai Ta không lôi cuốn họ’ (JN 6,44). Lời cầu nguyện có thể rất dản dị như lời cầu nguyện của cha De Foucault trước thì đến với Chúa: ’Lạy Chúa, nếu Chúa có thật thì xin cho con biết’.
Nhưng sau khi nhận được rồi thì còn phải tiếp tục chiến đấu nửa để giữ vững đức tin. Chiến đấu liên tục, chiến đấu không ngừng. Một cuộc chiến đấu của tình yêu. Vì đức tin không phải là một điều đương nhiên có, một điều đương nhiên tồn tại. Chúng ta đi tìm ánh sáng Ðức tin cũng như 3 nhà đạo sĩ thuở xưa đi tìm Chúa dưới ánh sao dẫn đường. Ðến Jérusalem thì ánh sao biến mất; không nãn chí, ba nhà đạo sĩ vẩn đi tìm hỏi chứ không bỏ cuộc. Cũng vậy, khi chúng ta bị khủng hoảng về đức tin, khi ánh sáng đức tin hầu như biến mất, thì chúng ta hãy hành động như ba nhà đạo sĩ, chúng ta cố gắng tìm hiểu, giải đáp các thắc mắc đã làm lay chuyển đức tin của chúng ta và nhất là phải cầu nguyện xin ơn soi sáng và bền vững.
2- Ðức tin là một hành vi hợp lý, chính chắn, có suy nghĩ.
Ðức tin không thể là một hành vi bốc đồng. Chính Ðức Kitô cũng đã yêu cầu ai muốn theo Ngài phải suy nghĩ kỹ càng, cũng ví như một người muốn xây cất một cái tháp phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt tay vào công việc. (Lc 14,31-38).
Chúng ta đi đến với Chúa bằng những con đường khác nhau. Nhưng không ai có thể nói rằng những con đường đó không có giá trị ngang nhau và con đường nào là con đường tốt nhất. Mỗi tín đồ có những lý do riêng để theo Chúa và đối với họ đó là những lý do chính đáng, đầy đủ.
3- Ðức tin là một hành vi tự do, một sự lựa chọn tự do.
Chúa không cưỡng ép lương tâm của bất cứ ai vì rằng tự do là định luật của tình yêu. Chúa phán :’Nếu như ngươi muốn...’ Như vậy chúng ta không thể đồng ý với Sartre khi ông nói :’Nếu con người mà được tự do thì Chúa không hiện hữu’
Sự trong sạch của tâm hồn sẽ dẫn dắt ta trên con đường của đức tin :’ Bạn nói rằng bạn sẻ bỏ các thú vui nếu như bạn có đức tin. Nhưng tôi thì tôi nói rằng bạn sẻ sớm có đức tin nếu như bạn rời bỏ các thú vui’ (Pascal).
‘Ai hành động theo sự thật thì sẻ tiến đến ánh sáng.’ (Jn 3,21)
Trong lãnh vực tín ngưỡng cũng như trong lãnh vực tình yêu, có một lúc mà chúng ta phải quyết định và không ai có thể hành động thay thế cho ta.
Như vậy, theo Chúa là phải lựa chọn. Một sự lựa chọn tự do. Chúa đã đến cứu rỗi loài người, nhưng Chúa không thể cứu họ nếu họ không muốn nhận ơn cứu rỗi: ‘Xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ cửa thì mở cửa cho’. (Mt 7,7-8). ‘Ta đứng ngoài cửa và Ta gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với họ’ (Kh 3,20).
Chúa đã cho con người lựa chọn giữa hai điều : theo Ngài hoặc chống lại Ngài: ‘Hạnh phúc cho ai không bị vấp phạm vì Ta’. (Mt 11,6).
Nhưng sự lựa chọn nhiều khi rất khó khăn vì ‘Ðừng tưởng Ta đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải đem lại bình an mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình... (Mt 10,34-35).
Lời tuyên bố này có vẻ mâu thuẫn với sứ mệnh của Chúa là giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người, giữa con người với con người. Nhưng phải hiểu rằng loại gươm giáo này là để diệt tội lỗi trong ta, diệt tham vọng, tính ích kỷ v...v...Con người phải chiến đấu với bản thân họ, với kẻ thù trong người họ.
Ði theo Chúa, nhiều khi phải dứt bỏ cả tình yêu gia đình: ‘Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng với Ta’. (Mt 10,37).
II- Nội dung đức tin.
Ðức tin là mầu nhiệm giúp chúng ta sinh sống. Mầu nhiệm này được ghi trong Thập Giới và trong kinh Tin Kính của các Thánh Tông Ðồ và Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée ở Constantinople. Ở đây chỉ xin nêu lên những điều mà theo thiển ý, là đỉnh cao của đức tin Công Giáo: đó là mầu nhiệm liên quan đến sự tạo dựng vũ trụ, đến công trình cứu chuộc loài người của Ðức Kitô bằng cái chết và sự sống lại của Ngài, đến sự phó thác trọn vẹn của dân Chúa vào Ngài, đến tình yêu của Thiên Chúa, đến sự đối thoại với Thiên Chúa tức là sự cầu nguyện.
1- Sự tạo dựng.
Thiên Chúa là Ðấng tạo thành mọi sự. Muôn loài, muôn vật trên thế gian đều do Thiên Chúa tạo dựng với thời điểm sáng thế, và ngày tận thế, nghĩa là có thủy có chung. Vũ trụ là công trình của Thiên Chúa, diễn tả và chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng tại sao vẫn có người chưa biết đến Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa? Phải chăng vì Ngài đã tỏ ra quá khiêm tốn? Thật vậy, Thiên Chúa không hề gắn nhãn hiệu lên trên tạo phẩm của mình như loài người vẫn làm. Trên các tạo phẩm của Ngài không hề thấy đề: ‘do Thiên Chúa sản xuất’ hay là: ‘được sản xuất tại Thiên đường...’ Ngài đã để cho chúng ta tự khám phá lấy. Một thi sĩ Ðức Quốc Hoderlin(1770-1843) há đã chẵng nói rằng: ‘Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cũng giống nhu Ðại Dương tạo nên các đại lục: nghĩa là rút lui sau khi tạo tác’.
Chúng ta tự hỏi: Phải đợi đến bao lâu nữa thì mọi người mới công nhận rằng nhờ ai mà họ hiện hữu? Rằng ai đã tạo nên trời và đất cho họ? Nhưng có phải vì lý do đó mà Thiên Chúa không còn là Ðấng Tạo Hóa của muôn loài? Có phải vì vậy mà Thiên Chúa ngừng sưởi ấm với ánh sáng mặt trời những người biết Ngài và những người chưa biết Ngài?
Về sự tạo dựng con người, có một điểm cần nhấn mạnh: không những Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài mà còn ban cho họ một đặc ân là có sự tự do. Thật vậy con người là tạo vật độc nhất được tự do trong hoàn vũ. Thú vật, cỏ cây, các muôn vật khác đều bị ràng buộc với các định luật cơ học của chúng, với bản năng của chúng. Chỉ con người là được tham dự rộng rãi vào sự tự do của Thiên Chúa.
Sau khi hoàn tất việc tạo dựng con người, Chúa phán bão họ: ‘Hởi con người, ngươi sẻ là chủ tế của thế gian, ngươi sẽ cao trọng hơn tất cả mọi vật hiện hữu trong vũ trụ. Người sẽ nên giống Ta, Chúa của ngươi. Ðể chứng tỏ rằng người giống Thiên Chúa, Ta ban cho ngươi, tự bây giờ, cái đặc quyền thiêng liêng tột bực: ’Sự tự do’. (Thánh Grégoire thành Nysse).
Con người đã lạm dụng sự tự do Chúa ban để làm điều dữ, điều ác. Có người thắc mắc: tại sao Ðấng Toàn Năng không ngăn chận các hành vi tội lỗi? Nhưng một sự tự do bị hạn chế thì không còn tự do nữa. Vả chăng nếu điều ác bị ngăn chận thì làm sao phân biệt được người công chính với kẻ tội lỗi, làm sao còn có các điều thiện tuyệt vời?
2- Công trình cứu chuộc của Ðức Kitô bằng cái chết trên Thập Giá và sự sống lại của Ngài.
Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật; là Thiên Chúa để chúng ta tin Ngài và là con Người để chúng ta noi gương. Ngài đã sống, đã chết và sống lại. Chính sự sống lại của Ðức Kitô từ cõi chết bảo đã cho sự sống lại của chúng ta như Thánh Phaolo đã nói trong thư gửi tín hữu Corinthô (1 Co 15,12-33).
Ðỉnh cao của Công Giáo là cây Thánh Giá được dựng lên trong lòng Giáo Hội, là cột buồm chính của chiếc thuyền của Thánh Phêrô. Người tín đồ Kitô không thể quên lời Ðức Kitô : ‘Khi Ta được đưa cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta’. (Jn 12, 32).
Một trong những con đường mà Ðức Kitô dùng để kéo loài người về với Ngài là sự khổ nhục, sự hiến sinh. Ngài đã gánh chịu mọi đau khổ của thế gian. Cây Thánh Giá nhắc nhở chúng ta đến sứ mạng cứu rỗi của Chúa, một sứ mạng cứu rỗi không phải bằng quyền năng mà là bằng khổ nhục chỉ vì sự chống đối của những người không chịu tin vào sứ mạng đó.
Ðức Kitô đã hy sinh tính mạng để cứu rỗi nhân loại, toàn thể nhân loại. Sự kiện nhiều người không biết đến điều đó không làm thay đổi gì cả. Chúa đã tỏ ra rất khiêm nhượng trong sự cứu rỗi cũng như trong việc tạo dựng. Chính sự khám phá ra tính khiêm nhượng cao quí này của Thiên Chúa thật quả là tuyệt vời. Sự khiêm nhượng thể hiện bằng hình ảnh Chúa bị đóng đinh trên Thập Giá.
Một điều chắc chắn là Ðức Kitô đã chịu chết vì tình yêu thương đối với tất cả mọi người, vì người nào cũng là tạo vật của Ðức Chúa Cha và là anh em của Ngài, ngay cả đối với những kẻ đã đóng đinh Ngài: ‘Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm’ (Luca 23,34). Ngài cũng đã phán bảo các tông đồ: ‘Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo’ (Mc 16, 15).
Nói tóm lại, ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho toàn thể loài người, chứ không riêng cho ai. Người nào đón nhận là được nếu họ tin vào Ðức Kitô và thực thi tin mừng Ngài rao giảng (1Jn 1,2; 2,1).
Ðối với người kitô hữu cây Thánh Giá thật giầu ý nghĩa. Trước tiên Thánh Giá biểu hiệu tình yêu toàn năng và bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi - Vì Thiên Chúa là Tình Yêu - Mang Thánh Giá là sống Tình Yêu.
Cây Thánh Giá không những nhắc nhở họ về tình yêu mà bởi đó Ðức Kitô đã xuống thế để cứu rỗi loài người mà còn yêu cầu họ phải chịu đau khổ với Ngài, phải can đảm vác Thánh Giá của họ với sự nâng đỡ của Ngài vì nếu không, họ sẽ trút mọi gánh nặng lên vai người khác. Khổ nạn của Ðức Kitô chỉ cứu rỗi chúng ta nếu chúng ta đi theo Ngài và cùng chịu đau khổ với Ngài. Ngài há chẳng đã nói rằng: ‘Kẻ không vác lấy khổ giá mà theo Ta thì không xứng với Ta’ (Mt 10,38).
Như vậy khi thành kính làm dấu Thánh Giá, người Kitô hữu giao kết với Thiên Chúa, tự nguyện vác thập giá của mình, nghĩa là chấp nhận mọi đau khổ, đi theo chân Chúa để biến các đau khổ thành phương tiện tiến đến một tình yêu cao đẹp hơn. Ðiều này đã được Ðức Kitô mặc khải bằng cây Thập Giá và đã được kiểm nhận trong đời sống của các vị Thánh.
Ðức Thánh Cha trong tông thư Salvici doloris có viết: ‘đau khổ có nghĩa là trở nên rất ư nhạy cảm là đặc biệt mở rộng lòng trước kỳ công cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa qua Ðức Kitô. Trong sự đau khổ có tính cách cứu chuộc đó, Ðức Kitô đã mở rộng lòng ngay từ ban đầu và luôn luôn mở rộng lòng trước mọi đau khổ của thế gian chứ không phải chỉ của các tín hữu mà thôi’.
Nói tóm lại, người Kitô hữu phải nhớ rằng con đường dẫn lên cõi trời phải xuyên qua núi sọ, rằng cây Thánh Giá là để vác lên vai chứ không phải để treo lên tường hay gắn lên vai áo.
3- Sự phó thác và cậy trông vào tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.
Vì Thiên Chúa là đường đi, là sự thật và sự sống, nên chúng ta phó thác trọn vẹn vào Ngài. Cũng như trẻ thơ, chúng ta không lo lắng gì, vì Ngài thương yêu ta và chăm lo mọi sự cho ta. Có đức tin là biết nhìn thấy khắp nơi tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Người có đức tin không thắc mắc về tương lai vì họ đặt mọi niềm hy vọng vào Thiên Chúa và như vậy tâm hồn họ luôn luôn được bình an. Sự phó thác này thể hiện trong Kinh Lạy Cha: ‘... Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày...’ : Chỉ xin cho ngày hôm nay thôi, còn ngày mai xin phó thác vào Chúa.
Thánh Augustin cũng đề nghị với người Kitô hữu: hãy ký vào một tờ giấy trắng và để Thiên Chúa muốn viết gì trên đó tùy Ngài.
Theo Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng thì ‘ Tất cả là ân sủng’. Ðiều này có nghĩa là mọi sự xảy ra trong đời sống đều là một hình thức ân sủng. Nếu là một điều đau khổ thì đó là một cơ hội để vác Thánh Giá, giúp ta hoán cải. Mọi sự xảy ra cho ta là do ân huệ Chúa, con người không thể tự sức làm nên việc gì cả. Có đức tin có nghĩa là chấp nhận rằng mình không hiểu biết gì về những dự tính của Thiên Chúa. Sự phó thác sẽ trọn vẹn khi ta có thể nói như Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu: ‘Con yêu thích mọi sự Thiên Chúa gởi đến cho con’. Có nghĩa là Thánh Nữ không mong chờ gì nơi mình và chấp nhận mọi Thánh ý Chúa.
Vì nhận biết sự yếu đuối, sự bất lực của mình nên người Kitô hữu trông chờ mọi sự nơi Thiên Chúa, nơi quyền năng Thiên Chúa, để quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi họ. Chính nhận sự nhận chân tình trạng yếu đuối, bất lực này đã thể hiện tâm hồn khó nghèo nơi người tín đồ Kitô: ‘Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ’ (Mt 5,3). Vì người có tinh thần khó nghèo trông chờ mọi sự nơi Thiên Chúa: ‘Cứ gõ cửa, người ta sẽ mở cho’ (Lc 11,9).
4- Ðức tin phải đi đôi với đức mến vì Thiên Chúa là tình yêu.
Một người rất có thể có đức tin mạnh mẽ nhưng lại thiếu đức mến. Và theo Thánh Phaolo có đức tin mạnh mẽ đến chuyện được núi mà không có đức mến thì cũng chỉ là số không. Vì rằng nền tảng của Công Giáo là tình yêu, là mến Chúa và yêu người.
Vì vậy mà có một câu nói rất chí lý: ‘Ai không cố gắng yêu thương thật tình sẽ đứng bên ngoài Kitô Giáo’. Thật vậy, Ðức Kitô đã coi bác ái như là dấu chỉ để nhận được ai là môn đệ của Ngài. Ðiều này giúp chúng giải thích được dụ ngôn về tiệc cưới (Mt 22,11-13): trong dụ ngôn này, ‘y phục lễ cưới’ điều kiện để dự tiệc, chính là lòng bác ái. Người đến dự tiệc đã không khoác ‘Y phục lễ cưới’, ở đây có nghĩa là thiếu lòng bác ái, dấu chỉ của tín đồ Kitô, nên đã bị đuổi ra ngoài.
Chúa đã yêu thương loài người với một tình yêu được Thánh Phaolô mệnh danh là ‘đìên cuồng’ khi Ngài đã vì nhân loại mà chết trên cây Thập Giá.
Lề luật của Chúa Kitô là: Hãy yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến người đồng loại như chính mình (Mt 22,37). Ngài đã khuyên các môn đệ: ‘Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con’ (Ga 13,34). Ngài đã tự đồng hóa với các người hèn mọn nhất khi Ngài nói: ‘Tất cả những điều mà các con làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,40).
Chúa còn dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình (Mt 5,43-48), một điều quả là khó thực hiện. Nhưng nhờ Ðức Kitô, người tín hữu nhìn những người chung quanh với đôi mắt của Ngài nên họ nhận được sự hiện diện của Ngài đang tiềm ẩn trong những người đó.
Thánh Augustin cũng đã phát biểu: ‘Hãy thương yêu đi rồi làm những gì con muốn’, vì rằng khi ta yêu mến thành thật, ta sẽ không muốn làm điều gì phạm đến Chúa, vì rằng phạm đến người đồng loại tức là phạm đến Chúa.
Cũng cần thêm rằng hệ luận của lòng bác ái là sự dung thứ. Ðức Giêsu đã tha thứ cho một phụ nữ phạm tội ngoại tình: ‘Thôi hãy về và đừng phạm tội nữa’ (Gn 8,11). Ngài tha thứ ngay cả những kẻ đã đóng đinh Ngài trên Thánh Giá: ‘Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm’ (Lc 23,34). Sự tha thứ hầu như vô tận khi Ngài dạy Thánh Phêrô là phải tha thứ đến 77 lần 7 (Mt 18,21).
5- Ðức tin phải đi đôi với sự cầu nguyện và suy niệm.
Người ta cần có đức tin để cầu nguyện cũng như phải cầu nguyện để có đức tin. Cầu nguyện có nghĩa là đối thoại thân mật với Thiên Chúa, là đến gặp gỡ Ngài để kêu xin Ngài dùng quyền năng vô biên thể hiện lời khẩn cầu của mình. Cầu nguyện còn có nghĩa là kết hợp mật thiết linh hồn mình với Thiên Chúa trong tình yêu. Nhờ đức tin chúng ta có thể nói với Thiên Chúa như với một người mà chúng ta kính mến.
Nhưng cầu nguyện không phải chỉ để thoát khỏi mọi đau khổ mà đúng hơn là để chấp nhận đau khổ một cách hữu ích hơn, để xin Chúa cho đủ can đảm để chấp nhận những điều mà ta không thể thay đổi và có đủ sức mạnh và khôn ngoan để thay đổi những điều mà ta có đủ khả năng thay đổi.
Cầu nguyện cũng không phải chỉ là ‘Xin’, là ‘van lơn’ mà thôi, mà là ‘lắng nghe’, lời Chúa muốn nói với ta. Không phải cầu nguyện cho đến khi Chúa lắng nghe ta mà là cho đến khi ta nghe được điều mà Chúa muốn ta làm.
Nói tóm lại người Kitô hữu cần sống với đức tin chứ không phải đợi khi có kết quả mới tin tưởng.
**********
******
Ðể kết luận chúng ta có thể nói rằng trong thế giới hiện đại, cái thế giới đầy rẫy những hoài nghi và bất định trong đó chủ nghĩa duy vật ngày càng bành trướng và con người ngày càng chú trọng đến các vấn đề vật chất mà lãng quên phần tâm linh, thì người Kitô hữu thấy cần phải biết rõ căn bản, điểm tựa vững chắc đức tin của mình, cũng như nguyên động lực đã đưa họ đến với Chúa. Có như vậy thì họ mới đối thoại được với người bạn không có đức tin, mới có thể trả lời một các đứng đắn những câu hỏi có tính cách chống đạo mà một người ngoài Công Giáo rất có quyền nêu lên.
B- NIỀM TIN PHẬT GIÁO
Trước tiên phải nói rằng giáo lý Phật giáo mà chúng tôi trình bày ở đây mang mầu sắc Ðại Thừa hơn là Tiểu Thừa. Lý do, vì ở Việt Nam Phật giáo Ðại Thừa ảnh hưởng rõ nét hơn.
Niềm tin Phật giáo dựa vào giáo lý được Ðức Phật thuyết pháp tại Bénarès. Giáo lý này (còn được gọi là chân lý Phật giáo hay Phật pháp) xoay xung quanh vấn đề khổ đau của loài người. "Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển cả", như Ðức Phật vẫn thường nhắc nhở. Sự đau khổ này cũng được thi sĩ Ôn Như Hàu tóm tắt trong mấy câu thơ :
"Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
khách trần trên một chiếc thuyền chơi
thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
rốt cuộc rồi trong bể thảm thôi... "
Và trong cái bể khổ mênh mông là cuộc đời, con người chỉ là khách vãng lai, đến rồi lại đi, chết vẫn chưa dứt, phải tiếp tục ngụp lặn trong cái bể khổ luân hồi sanh tử. Mỗi người đều bị chi phối bởI định luật của tính vô thường là sinh, lão, bệnh tử. Sau khi chết đi, linh hồn (Phật giáo gọi là thức) sẽ không mất đi mà di chuyển sang một kiếp sống khác và được gọi là tái sinh. Và sự khổ não cứ như vậy mà tiếp diễn vô cùng tận. Vì rằng theo thuyết luân hồi, sau khi chết đi, nếu ta chưa đạt được Ðạo, nghĩa là chưa được giác ngộ và giải thoát thì ta sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi giới là cõi trời (thiên), cõi người (nhân), A-tu-la (một loại thần nóng nãy dữ tợn), súc vật (súc sanh), quỹ đói (ngạ quỹ), địa ngục. Và theo luật nhân quả, sự tái sinh vào các cõi giới này là hậu quả của các hành động của ta tại cõi đời hiện tại.
Vậy cuộc sống ngày mai của bản thân ta chính là do ta tạo tác từ ngày hôm nay. Do đó ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ mọi hành trang cần thiết cho một cuộc hành trình vô tận đang chờ đợi ta. Ta phải chuẩn bị gì? Câu hỏi không phải dễ trả lời, nhưng đã được Ðức Phật giải đáp qua giáo lý của Ngài.
Nhưng trước khi tìm hiểu giáo lý Phật giáo, chúng ta hãy nói đến Ðấng đã tìm được con đường giải khổ cho thế gian và sáng lập đạo Phật.
I. Ðức Phật
Phật là từ ngữ dùng để chỉ người đã giác ngộ và thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Ðức Thích Ca Mầu Ni là người đã giác ngộ nên được gọi là Phật. Ngài không tự xưng gì khác hơn là một con người và không hề nhận được một thiên khải nào cả.
Vì chỉ là một người trần thế nên Ngài cũng đã phải trãi qua nhiều kiếp như mọi người khác. Ở kiếp cuối cùng, Ngài là một Thái tử, Thái tử Tất Ðạt Ða. Chứng kiến sự khổ đau củ loài người, Ngài đã rời bỏ ngai vàng cung điện đi tìm con đường giải khổ. Chính Ngài cũng đã theo con đường đó, tu đắc đạo, rồi thuyết pháp tại Bénarès và sáng lập đạo Phật. Ngài đã thành Ðấng Giác ngộ, nghĩa là thấu hiểu mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Ngài đã chứng thực Niết Bàn cứu cánh tối hậu của Phật giáo. Thân hiện hữu của Ðức Phật vào lúc đó là do Nghiệp mà có, bấy giờ Nghiệp tận diệt rồi thì Ngài không còn có thân để tái sinh nữa. Ðức Phật chỉ nhận mình là một người hướng đạo, dẫn dắt chúng sinh biết đâu là con đường an vui, đâu là con đường đau khổ bằng cách đặt nặng sự chuyển hoá nội tâm, chứ Ngài không ban phúc giáng họa cho ai. Ngài dạy: "Ta chỉ là đạo sư, nghĩa là người dẫn đường chứ không phải là một vị thần có uy quyền sai khiến ai. Ta giác ngộ trước thì thành Phật trước. Người khác chưa giác ngộ thì sẽ giác ngộ sau, rồi cũng sẽ thành Phật. Vì người nào cũng có sẵn Phật tánh nên đều có thể thành Phật."
Như vậy theo lời Ngài dạy thì muốn thoát khổ tức là được giác ngộ, mỗi người phải trở về với Phật tánh hay chân tánh của mình có sẵn ở nội tâm. Cái thân hiện hữu của họ là sinh diệt, còn cái chân lành hay Phật tánh không sinh diệt nghĩa là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. (Phật tánh hay chân tánh sẽ được giải thích sau ở mục Diệt khổ).
Khi lâm bệnh gần mất, Ngài nói với các đệ tử đến xin Ngài ban cho những lời chỉ giáo: "các ngươi phải tự thắp đuốc mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp, phải tự làm cồn đảo cho chính mình, phải là nơi trú ẩn, nơi nương tựa của chính mình, đừng ỷ lại vào ai khác." Nhưng làm sao để có thể tự là nơi trú ẩn của chính mình? Ðó là nhờ sự đào luyện ý thức, thân xác và cảm giác bằng cách dựa vào Phật pháp để chiến thắng những dục vọng của nội tâm, gở sạch mọi phiền não, cố chấp, để đem lại sự an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại và trong tương lai.
II. Giáo lý Phật giáo
Ðức Phật thường nói rằng giáo lý của Ngài hoàn toàn thực dụng chứ không có tính cách một triết lý. Ngài luôn luôn từ chối tranh luận về những vấn đề siêu hình và chỉ muốn thực hiện sự giải thoát.
Giáo lý này dựa trên 3 căn bản :
A- Căn bản thứ nhất: Luật duyên khởi hay
thập nhị nhân duyên (vì có 12 yếu tố).
Theo luật này thì mọi vật hữu hình đều tương đối và phụ thuộc lẫn nhau, liên quan chặt chẽ với nhau. Không có cái gì tuyệt đối hay biệt lập riêng rẻ. Bất cứ cái gì có hình có tượng đều do nhân và duyên hòa hợp mà có chứ tự nó không có thực thể.
Do đó, sự sống phát sinh, tồn tại và tiếp diễn theo tính tương quan tương liên nghĩa là phụ thuộc lẫn nhau. Sự sinh tồn, tiếp tục sinh tồn và chấm dứt sinh tồn được giải thích bằng một công thức mệnh danh là luật duyên khởi gồm 12 yếu tố :
|
Yếu tố
|
Là
|
Ðưa
đến
|
1.
|
Vô
minh
|
mê
muội, thiếu sáng suốt
|
Hành
|
2.
|
Hành
|
các
hành động do ý muốn chứ không phải mọi hành động
|
Thức
|
3.
|
Thức
|
sự
hiểu biết
|
Danh
& Sắc
|
4.
|
Danh
& Sắc
|
những
hiện tượng tâm lý và vật lý
|
Lục
căn
|
5.
|
Lục
căn
|
5 giác
quan và ý thức
|
Xúc
|
6.
|
Xúc
|
các sự
đụng chạm, tiếp xúc
|
Thọ
|
7.
|
Thọ
|
các
cảm giác
|
Ái
|
8.
|
Ái
|
sự
khao khát, thèm muốn
|
Thủ
|
9.
|
Thủ
|
sự thủ
đắc, bám giữ
|
Hữu
|
10.
|
Hữu
|
quá
trình sinh ra & trở thành
|
Sanh
|
11.
|
Sanh
|
sự
sống
|
Khổ
|
12.
|
Khổ
|
sự khổ
não : sinh, lão, bệnh, tử
|
|
Trên đây là quá trình theo đó sự sống phát sinh, tồn tại và tiếp diễn.
Khởi đầu của quá trình là vô minh, như vậy nếu vô minh diệt thì hành sẽ diệt, nếu hành diệt thì thức sẽ diệt vv...., cho đến khi sanh diệt thì khổ sẽ diệt.
Cần nhớ rằng mỗi yếu tố trên đây vừa là nhân vừa là quả. Vì vậy mà chúng đều có tính cách tương đối và phụ thuộc lẫn nhau, liên quan chặt chẽ với nhau. Một sự vật biến đi sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện của vật kế tiếp trong một chuổi dài nhân và quả.
Khi một người chết đi, xác thân của họ không hoạt động nữa, nhưng tâm linh vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục hoạt động và biểu lộ bằng một kiếp sống mới được gọi là tái sinh. Chu trình các kiếp sống nối tiếp nhau được gọi là luân hồi (luân là bánh xe, hồi là trở lại). Cái vòng luân hồi này được Ðức Phật diễn tả bằng một bánh xe quay mãi không ngừng, không có khởi điểm cũng không có dứt điểm. Bánh xe này chỉ ngừng quay khi con người đạt được sự giác ngộ, nghĩa là sáng suốt thấy được chân lý, chấm dứt sự vô minh, khởi điểm của luật Duyên khởi.
Trong các kiếp sống vị lai, con người bị chi phối bởi luật Nhân quả hay Nghiệp quả, nghĩa là luật thưởng phạt đối với các hành động của họ trong kiếp sống hiện tại. Mỗi hành vi tốt hay xấu sẽ đem đến cho họ phần thưởng hay hình phạt cho đời sống sau này. Mọi hành vi, dù là thiện hay ác, là các tiềm năng đưa đến sự tái sinh tương ứng với hai tính thiện ác ấy. Các hành vi đó được gọi là "Nghiệp". Nghiệp là cái đưa con người từ quá khứ đến hiện tại, và từ hiện tại đến vị lai. Nghiệp được chia ra nghiệp lành nghiệp dữ, nhưng cả hai đều lôi cuốn con người vào vòng luân hồi, vì chính đó là động lực khiến con người không thể chấm dứt được sự hiện hữu của họ ngay lúc chết mà làm cho họ tái xuất hiện trong một cảnh giới khác mệnh danh là kiếp sau. Và cứ như vậy, cái vòng luân hồi tiếp tục vô cùng tận và được người Phật tử xem như là một thứ định mệnh khổ não không thể tránh được. Và đây chính là cái "khổ" được Ðức Phật chú trọng đến nhiều nhất: cái khổ luân hồi.
Nói đến Nghiệp là nói đến quyền chủ động của con nguời: họ tạo ra là họ chịu, không có một quyền lực thiêng liêng nào dự phần váo đó. Nghiệp là do con người tạo ra rồi nó trở lại chi phối họ. Nếu hiểu như vậy thì con nguời sẽ không oán trách ai, không van xin, vì mọi điều xẩy ra cho họ là do họ tạo tát.
Biết rằng chủ động lực trong vòng luân hồi là Nghiệp do thân, miệng, ý là các yếu tố làm phát sinh ra Nghiệp, mà trong 3 Nghiệp thì ý nghiệp là chủ động vì rằng ý nghỉ sai khiến miệng nói, thân làm, cho nên muốn sạch Nghiệp phải tảo thanh ý nghiệp. Phải đạt được sự giác ngộ nghĩa là thoát ra khỏi sự vô minh, khởi đầu của Luật Duyên khởi, để tiến đến cảnh giới tịch diệt "vô sinh" của Niết bàn.
B- Căn bản thứ hai: thuyết vô ngã.
Thuyết này là hậu quả tất nhiên hay là hệ luận của sự phân tích về ngũ uẩn và luật Duyên khởi.
Theo sự phân tích của Ðức Phật thì con người chỉ là sự kết hợp của những năng lực hằng biến của thân xác và tâm linh; hai loại năng lực này hoạt động liên quan mật thiết với nhau.
1- Thân xác: thì thuộc về tứ đại, nghĩa là tổ hợp của 4 yếu tố căn bản của mịi vật hữu hình: đất (cứng rắng), nước (thấm ướt), lửa (nóng ấm) và gió (chuyển động). Bốùn yếu tố này họp lại tạo nên thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần này thì thân sẽ bị loại, vì vậy mà phải điều hòa chúng để thân được yên ổn.
Khi một người chết đi thì thân xác tức là tứ đại trở về với bản thể cũ (là đất, nước, lửa và gió) rồi do sự ngẫu hợp lại tạo thành một người khác. Như vậy cái thân tứ đại chỉ là thân vay mượn tạm bợ những vật vô tri, chứ không có thật. Nếu cho nó là thật tức là mê muội, Phật gọi là vô minh.
2- Tâm linh thì hình thành do tổ hợp của ngũ uẩn :
a- Sắc uẩn là phần vật chất của tứ đại, nghĩa là do đất, nước, lửa và gió kết hợp lại với 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân).
b- Thọ uẩn: là lãnh thọ các cảm xúc: khổ, vui, buồn, ....
c- Tưởng uẩn: là những ý nghĩ, tư tưởng.
d- Hành uẩn: gồm các hành động do ý muốn, lời nói, ý chí, các ý nghĩ xấu hay tốt... thường được gom lại dưới danh từ "Nghiệp". Ý muốn là một hoạt động của tâm thần. Chúc vụ của nó là hướng tâm thần đến một hành động xấu hay tốt. Các hành động có chủ ý như sự quyết định, sự chuyên tâm, sự ham muốn vv... sẽ đưa đến hậu quả "nghiệp".
e- Thức uẩn: là sự hiểu biết, nhận thức. Thức là phản ứng do các giác quan đem lại.
Xem như vậy thì tâm linh chỉ là sự kết hợp của 5 uẩn nói trên. Vì vậy chúng không thể kết thành cái mà người ta gọi là "cái tôi", "ngõ", "linh hồn", nghĩa là một thực thể cá biệt. Phật dạy rằng cái tâm linh đó chỉ là "thức" (tức là sự hiểu biết), chứ không phải là linh hồn. "Thức" chỉ là cái "biết", cái "suy nghĩ", và cái "biết" đó thay đổi, sinh diệt.
Do đó không có một linh hồn bất diệt, bất biến. Nói khác đi, không có một người tư tuởng độc lập với tư tưởng vì tư tưởng chính là người tư tưởng. Nếu tách bỏ tư tưởng ra, sẽ không còn thấy người tư tưởng.
(Ở đây, tưởng cũng nên mở ngoặc để nói rằng sự giải thích này của Phật giáo hoàn toàn trái ngược với khẳng định của nhà toán học Descartes: Cogito ergo sum nghĩa là: tôi tư tưởng vậy là có tôi.)
Vì con người lầm lẫn chấp nhận tứ đại và ngũ uẩn làm thân mình, không biết rằng đó là những cái vay mượn, nên mê muội không giải thoát được. Còn nếu biết rằng những cái đó là "không" thì sẽ lướt qua mọi khổ não, và nếu biết rằng con người không có thật thì còn có ai đâu mà thọ khổ ?
Cái mà người ta gọi là "tôi", là "ngã" chỉ là một kết hợp của cái uẩn vật chất và tâm linh, chúng hoạt động tương quan mật thiết với nhau và biến chuyển theo luật Nhân quả, nghĩa là không có một cái gì trường tồn bất biến trong mọi vật hữu hình. Thấy được chân lý đó là giác ngộ, là chứng thực Niết Bàn, một điều không phải dễ.
C- Căn bản thứ ba: tính vô thường của mọi sự vật.
Căn cứ vào luật Duyên khởi thì những gì có hình có tướng đều do duyên hợp mà có, nghĩa là nếu duyên hợp thì thành, duyên tan thì bị loại. Vì vậy mọi vật đều biến chuyển, đổI thay từ mới đến cũ và dần dần bị hư hoại. Ðó là tính vô thường của mọI sự vật. Sự đổi thay, biến chuyển diễn ra rất là "khổ sở". Ðối với con nguời thì "sinh, lão, bệnh, tử" không ai thoát khỏi thông lệ đó. Ðối với khoáng vật, kể cả địa cầu, thì "thành, trụ, hoại, không". Chẳng hạn một cái nhà xây xong thì thành, thành được mấy năm thì gọi là trụ, dần dần bị hư hao thì gọi là hoại, cuối cùng tan rã thi gọi là không. Ðối với cây cối thì "sanh, trụ, dị, diệt". Sanh là phát hiện ra, tồn tại một thời gian thì gọi là trụ, dần dần già cỗi thì gọi là dị, khi mục nát thì gọi là diệt.
Xem như vậy đặc tính của cuộc đời là vô thường, thay đổi, không có gì là thường trụ vững bền.
Vì biết rằng mọi sự đều không có thật, vô thường nên đứng trước sự đổi thay xẩy đến cho bản thân, cho gia đình, con người sẽ giữ bình tỉnh vì hiểu rằng không có ai tránh khỏi. Cũng vì hiểu rõ lẽ vô thường nên lòng luyến ái, lòng tham lam mê đắm cũng bớt đi. Con người sẽ không còn muốn tranh dành danh lợi, của cải vì hiểu rằng đó chỉ là những thứ tạm bợ.
III- Trung đạo: con đường giải khổ.
Giáo lý của Ðức Phật được thu gọn trong bài thuyết pháp đầu tiên ở Bénarès về Tứ Diệu đế, nghĩa là 4 chân lý: khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ.
Con đường diệt khổ được Ngài gọi là trung đạo vì tránh 2 quá khích:
- Ðì tìm hạnh phúc qua các lạc thú thể xác: đó là các hành động thấp hèn không có lợi ích của hạng người tầm thường.
- Ði tìm hạnh phúc qua sự khổ hạnh, khắc khe: các hành động này khổ nhục mà cũng không đem lại lợi ích gì.
Chính Ðức Phật cũng đã thử áp dụng hai phương thức cực đoan này và nhận thấy sự vô dụng của chúng. Qua kinh nghiệm bản thân Ngài đã tìm ra con đường trung dung để diệt khổ. Ngài dạy: "Học thuyết của tôi là con đường ở giữa, tránh hai cực đoan, tôi dạy con đường chân thật của giải thoát: cái khổ của luân hồi là do hành động, mà hành động là do ái dục, ái dục là hậu quả của vô minh về những chân lý giải thoát".
Người ta thường nói, để cứu thế gian khỏi khổ não, Ðức Phật đã hành động như một lương y: trước tiên Ngài chẩn bệnh, sau đó tìm ra nguyên nhân của bệnh, rồi diễn tả cách trị bệnh và cuối cùng cho thuốc để chửa trị.
Bốn giai đoạn đó phù hợp với Tứ Diệu đế tức là bốn đề tài của bài thuyết pháp: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
1- Chân lý thứ nhất: Khổ (được gọi là khổ đế)
Mọi cuộc sống đều là khổ. Chữ khổ ở đây bao hàm sự bất toàn, vô thường, giả tạo, không có thực chất, bất mãn (vì không đạt được ước vọng) vv.... Ngay cả hạnh phúc (về thể xác và tinh thần) cũng là khổ vì rằng mọi sự vật kể cả con người và những gì mà họ lưu luyến đều tạm bợ, mà con người lại cứ muốn tìm kiếm những gì trường tồn để gắn bó nên họ lại càng đau khổ. Hạnh phúc hay những điều tốt lành cũng là những kinh nghiệm đớn đau vì hoặc là chúng không làm cho họ hoàn toàn thỏa mãn hoặc vì họ luôn luôn nơm nớp lo sợ chúng sẽ không vững bền.
2- Chân lý thứ hai: Nguyên nhân của khổ (tập đế).
Con người khổ là vì bị các đam mê chế ngự và vô minh bao phủ. Mọi đau khổ đều bắt nguồn từ sự ham muốn các lạc thú vật chất cũng như tinh thần, sự khao khát danh vọng phú quý, sự thiết tha với các lý thuyết, tư tưởng, luận lý vv....
Những ước vọng không bao giờ nguôi của con người nằm trong cái "uẩn hành" (uẩn thứ 5) của tâm linh đã được đề cập trên đây. Sự khao khát nếu không được thỏa mãn sẽ gây đau khổ. Nhưng nếu được thỏa mãn thì nó lại tạo nên các ham muốn khác và vì vậy mà con người không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn.
Theo sự phân tích của Ðức Phật thì chính sự khao khát hiện hữu, sinh tồn, trở thành... là nguồn gốc của mọi tranh chấp cá nhân, mọi chiến tranh dân tộc.
Khi mà sự khao khát vẫn còn thì hiện tượng tái sinh sẽ tiếp diễn mãi. Bánh xe luân hồi chỉ ngừng quay khi sức mạnh điều khiển nó tức là sự ham muốn, bị dập tắt, nghĩa là khi con người đạt được sự giác ngộ, thấy rõ thực tại.
Tóm lại, ham muốn hết thì đau khổ chấm dứt. Ðây không phải là một sự tưởng thưởng mà chỉ là kết quả tự nhiên của một nguyên nhân do chính tác nhân đã gây ra.
3- Chân lý thứ ba: Diệt khổ (diệt đế).
Muốn diệt khổ phải diệt gốc rễ của nó là các dục vọng và các vọng tưởng thưởng đi đôi với chúng. Con người sẽ không còn những hành động vị kỷ và do đó sẽ thoát ra khỏi vòng luân hồi để đạt được cảnh giới tịch diệt "vô sinh" của Niết bàn.
Niết bàn là chân lý tuyệt đối hay là thực tại tối hậu của Phật giáo. Niết bàn rất khó định nghĩa vì vượt ra ngoài luận lý và suy lý. Chỉ người nào tự thực hiện được mới hiểu rõ. Niết bàn thường được diễn tả bằng những từ ngữ phủ định : đó là cảnh giới tịch diệt, là sự thổi tắt như thổi tắt một ngọn đèn. Nói một cách ngắn gọn, tịch diệt ái dục là Niết bàn.
Niết bàn cũng còn có nghĩa là niềm an lạc vĩnh viễn, nên còn được gọi là cực lạc.
Nhưng vì Ðức Phật đã đạt giác ngộ ngay khi Ngài còn sống nên Niết bàn không thể được xem như một thứ đời sau, một thực thể bên ngoài hay bên trên của cuộc đời hiện tại. Vì vậy người ta hay nói đến Niết bàn tại thế, có nghĩa là về phương diện tinh thần có thể đạt được ngay ở cõi đời hiện tại chứ không cần phải đợi sau khi chết đi cũng như không cần phải sống ẩn dật hay tu hành khổ hạnh. Chỉ cần đi theo đúng con đường Ðạo. Vì rằng theo Ðức Phật thì người nào cũng có sẵn Phật tánh hay giác tánh, là cái bản tính thiện, là cái Chân Ngã thầm lặng trong con người, cũng còn được gọi là Chân không, vì rằng đó là cái có thật mà không có tướng mạo, cái Chân thật bất biến không sinh không diệt, chứ không phải là cái thân tứ đại ngũ uẩn có sinh có diệt. Nếu nhận thức được như vậy thì mọi sợ hãi lo âu sẽ tan biến, và đó chính là Niết bàn hiện tại ở trần gian.
Tưởng cũng nên thêm rằng Niết bàn đạt được ở cõi thế chỉ là Niết bàn tinh thần thôi, vì con người với thân tứ đại ngũ uẩn vẫn còn bị chi phối bởi định luật vô thường: sinh, lão, bệnh, tử. Chỉ sau khi chết đi, Niết bàn mới đạt được trọn vẹn vì không còn tư tưởng, không còn hành động. Con người giác ngộ là con người thoát khỏi mặc cảm, phiền não và lo âu, không hối tiếc quá khứ, không mơ tưởng tương lai. Họ sống hoàn toàn trong hiện tại, vì vậy vui hưởng một cách thuần túy, không có dự phóng. Lòng đầy tình thương, họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch, không tính toán, vì đã thoát khỏi ảo tưởng về Ngã và lòng khao khát "trở thành".
4- Chân lý thứ tư: con đường diệt khổ (đạo đế).
Con đường này được gọi là bát chánh đạo vì gồm có 8 yếu tố.
- Chánh kiến (tức là sự nhận thức đúng)
- Chánh tư duy (suy nghĩ đúng)
- Chánh ngữ (lời nói đúng)
- Chánh nghiệp (hành động đúng)
- Chánh mạng (lối sống đúng)
- Chánh tinh tấn (nỗ lực đúng)
- Chánh niệm (chuyên tâm đúng)
- Chánh định (chủ ý đúng)
Ðây là chìa khóa của sự giác ngộ tâm linh của sự phát triển Phật tánh tiềm ẩn trong mỗi người, giúp họ diệt được ái dục và thoát khỏi vòng luân hồi.
Tám yếu tố trên đây là các điều kiện cần và đủ để đạt được sự giải thoát, và được phân chia ra 3 mục:
a- Phẩm hạnh đạo đức: cần thiết để diệt trừ các ham muốn xấu xa. Muốn có phẩm hạnh đạo đức phải có:
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
b- Kỷ luật tâm thần: cần thiết để có thể nhận thức được chân tánh của mọi sự vật là vô thưởng và không có thực chất.
- Muốn như vậy phải có:
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
c- Trí huệ: cần thiết để nhận chân sự thật.
- Nghĩa là phải có:
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
Cần lưu ý rằng ba loại yêu sách của con đường Ðạo này liên hệ chặt chẽ với nhau: chẳng hạn người ta không thể kiện toàn "kỷ luật tâm thần" nếu như thiếu "phẩm hạnh đạo đức".
C. THỬ TÌM HIỂU NHỮNG KHÁC BIỆT CƠ BẢN
GIỮA HAI TÍN NGƯỠNG
Với sự trình bày trên đây về Ðức tin Công giáo và Niềm tin Phật giáo, chúng tôi hy vọng cống hiến các độc giả những đặc điểm của hai con đường thiêng liêng, con đường của Ðức Kitô và con đường của Ðức Phật.
Tuy nhiên để làm dể dàng phần nào sự đối thoại liên tôn, thiết tưởng cũng nên nêu lên những điểm khác biệt mà chúng tôi cho là cơ bản nhất giữa hai tín ngưỡng.
1- Về bản chất của các Ðấng sáng lập Ðạo.
Ðức Giêsu là Thiên Chúa xuống thế làm ngườI để cứu nhân loại. Ngài là Thiên Chúa thật và là con người thật. Ngài là đường đi, là chân lý, là sự sống. Ai đi theo Ngài sẽ không ở trong bóng tối ; Ngài là chân lý giải thoát loài người; Ngài đến để ban sự sống cho thế gian nên ai tin Ngài sẽ được sống muôn đời.
Ðức Phật tự xưng không gì khác hơn là một con ngườI và không nhận được một thiên khải nào từ một thần linh hay một quyền năng nào khác. Ngài chỉ nhận mình là một đạo sư hướng dẫn chúng sinh theo con đường giải khổ mà chính Ngài đã tìm ra.
2- Về Thiên Chúa và sự tạo dựng vũ trụ.
Công giáo tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong đó có loài người.
Phật giáo không quan niệm vũ trụ, vạn vật do ai tạo dựng nên không quan niệm có Thượng đế. Mọi vật hữu hình đều do nhân duyên ngẫu hợp mà có, kể cả con người. Những vật đó phụ thuộc lẫn nhau, liên quan chặt chẽ vớI nhau đúng theo luật Duyên khởi. Vì luật luân hồi là một vòng tròn không có khởi điểm và dứt điểm nên không có Thiên Chúa tạo dựng.
3- Về ơn sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
Ðối với người Công giáo vì Thiên Chúa là tình yêu nên họ phó thác và cậy trông vào lòng nhân ái của Ngài, họ trông đợi ơn sủng và sự bao dung của Ngài.
Người Phật tử trái lại phải tự là nơi nương tựa, nơi trú ẩn của chính mình, phải tự lực cứu rỗi lấy mình, tự lực thực hiện sự sung mãn về tâm linh. Ðối với họ ý niệm về ơn sủng và lòng bao dung là một sự vô trách nhiệm hoàn toàn và đi ngược với quan niệm về Nghiệp trong luật Nhân quả.
4- Về sự tôn thờ Ðấng sáng lập Ðạo.
Người Công giáo thường hay nói đến sự kết hợp với Ðức Kitô hay tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Ý nghĩ về Thiên Chúa là ý nghĩa về một Ðấng mà họ muốn kết hợp, gắn bó. Sự tôn thờ Thiên Chúa thường thể hiện bằng thái độ đó.
Ðối với người Phật tử thì không có linh hồn cũng như không có Thiên Chúa để kết hợp, gắn bó. Vả chăng mọi sự gắn bó, tôn thờ là một trở ngại cho sự giải thoát. Cũng chính vì Ðức Phật cũng có thể trở thành một đối tượng để tôn thờ nên có một câu ngạn ngữ: "Phùng Phật sát Phật", nghĩa là nếu gặp Phật thì hãy giết Ngài đi.
5- Lòng bác ái.
Công giáo dạy hãy mến Chúa và yêu người. Tình yêu đối với người đồng loại bắt nguồn từ tình yêu Chúa.
Phật giáo dạy phải từ bi hỉ xả (từ là trãi tình yêu ra với mọi chúng sanh; bi là lòng trắc ẩn đối với mọi người đau khổ; hỉ là vui trước sự thành công của kẻ khác; xả là bình thản trước sự thăng trầm của cuộc sống). Nhưng người Phật tử thực hiện 4 điều này chỉ là để tự giải thoát khỏi vòng luân hồi.
6- Hữu ngã và vô ngã.
Trong Công giáo, linh hồn hay ngã được xem như là một thực thể tuyệt đối trường cửu ở trong con người, là cái bản thể bất biến đằng sau hiện tượng hằng biến là thân xác. Mỗi người có một linh hồn riêng biệt do Chúa tạo dựng và sau khi chết đi, sẽ vĩnh viễn sống trong địa ngục hay thiên đàng tùy vào sự phán xét của Ðấng sáng tạo.
Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn hay ngã. Vì mọi sự vật, trong đó có con người đều vô thường, đổi thay và không ngớt hoại diệt nên không có gì thường trụ. Trong cái cơ thể bị đổi thay không thể có một sự sống bất tử. Như vậy thì cái gì trong con người khiến người ta nghĩ rằng có một bản ngã thường còn? Ðó là lòng ái dục không được thỏa mãn về cuộc sống.
7- Thiên đàng và Niết bàn.
Niết bàn là cứu cánh của Phật giáo nên được xem như tương đương với Nước trời trong bài giảng của Ðức Kitô. Nhưng dù được xem như một thực tại vĩnh cữu, Thiên đàng vẫn có tính cách vị lai. Thiên đàng được tiên liệu như là một sự hoàn mỹ cuối cùng mà Thiên Chúa sẽ ban cho ta.
Niết bàn trái lại không có không gian tính cũng như không có thời gian tính. Niết bàn không phải là một cảnh giới ở cõi trời. Niết bàn được chứng ngộ bởi cá nhân trong tương lai hay ngay tự bây giờ. Khi mà mọi ham muốn đều tan lụi, ngay cả ham muốn hiện hữu hay không hiện hữu, thì đó là Niết bàn. Vì đó chỉ là trạng thái của sự chấm dứt hoàn toàn mọi đổi thay (vô thường) là trạng thái của sự an tịnh tuyệt đối, không còn dục vọng.
Sự nghiên cứu trên đây cho thấy không thiếu gì những điểm khác biệt giữa hai tín ngưỡng. Nhưng đối với người Kitô hữu, vì Ðức Tin là ánh sáng của Thiên Chúa thì việc tìm hiểu thêm những tín ngưỡng khác há không phải là một sự tăng trưởng Ðức Tin sao ?