ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO
Lm MAI ÐỨC VINH
ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO
Nghĩ rằng còn ít người Việt Nam biết đến cuốn ”Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội ở Việt Nam” của cụ Giuse Nguyễn Huy Lai. Ðây là một tác phẩm, ngoài những giá trị nghiên cứu các tôn giáo, còn có nhiều giá trị về mục vụ giáo lý và mở đường đối thoại liên tôn. Ðó là những lý do thúc đẩy chúng tôi mạo muội cống hiến qúy độc giả, nhất là những người lo mục vụ giáo lý, bài báo này với hai tiết mục chính:
A. Nội dung cuốn ”Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội ở Việt Nam”.
B. Ðối chiếu các Tín Ngưỡng và Tôn Giáo ở Việt Nam với Kitô Giáo.
A. NỘI DUNG CUỐN ”TRUYỀN THỐNG
TÔN GIÁO TÂM LINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM”
I. ÐÔI LỜI VỀ TÁC GIẢ
Cụ Giuse Nguyễn Huy Lai sinh ngày 29.11.1908, tại Hà Nội, trong một gia đình thượng lưu. Thân phụ là cụ Giuse Nguyễn Huy Tường, Tỉnh Trưởng tỉnh Hải Dương, thân mẫu là cụ Monica Nguyễn Thị Ngâm. Gia đình có 11 người con, 5 trai, 6 gái. Hai người con gái vào tu viện, một là nữ tu dòng Kín, hiện còn sống tại Gia Nã Ðại, một là nữ tu dòng Ðức Bà Truyền Giáo, đã qua Pháp và từ trần tại Lyon. Cụ Lai là người con thứ ba. Hiện nay cụ còn hai người em trai sống tại Pháp là kỹ nghệ gia, Giuse Nguyễn Huy Trâm và bác sĩ Phêrô Nguyễn Huy Phan. Ðây là một gia đình đông con, theo nho học và tây học, nhất là một gia đình công giáo gốc từ thế kỷ 18, rất sùng đạo, trong dòng họ có nhiều người đã chết vì đạo qua các cuộc bách hại.
Từ nhỏ cậu Nguyễn Huy Lai được tiếng là thông minh và hiếu học. Cậu được gửi qua Pháp lúc 17 tuổi, thi tú tài tại Nancy, rồi lên Paris học đại học Luật. Sau khi đã đậu Tiến sĩ Luật, cậu còn tiếp tục học và tốt nghiệp tại Viện Pháp Luật So Sánh (Institut de Droit Comparé), tại Viện Tội Phạm Học (Institut de Criminologie), sau đó còn đậu Cử Nhân Văn Chương (Licencié es Lettres). Học thành tài chàng trai 33 tuổi này hồi hương năm 1935, và bắt đầu vào nghề luật sư tại Hà Nội.
Chính trong môi trường đại học, chàng sinh viên Nguyễn Huy Lai đã quen với một nữ sinh viên Pháp, cũng thuộc gia đình công giáo tốt, là cô Jeanne Cartier. Hai người thành hôn ngày 19. 03. 1937 tại Hà Nội.
Ngay khi vừa hồi hương, 1935, Ông Nguyễn Huy Lai đã được bổ nhiệm làm luật sư tại Khống Tố Viện (Avocat à la Cour d'Appel) ở Hà Nội. Năm 1949, ông lại được bổ nhiệm làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội Liên Hiệp Pháp (Vice Président de l'Assemblée de l'Union Francaise), rồi làm Bộ Trưởng Kinh Tế và Tài Chánh dưới nhiều chính phủ bảo hộ. Sau cùng ông Nguyễn Huy Lai được đề cử làm Phó Thủ Tướng của chính phủ Nguyễn Văn Tâm (1952-1954).
Năm 1952 gia đình ông Nguyễn Huy Lai bỏ Hà Nội vào Sài Gòn. Hết nhiệm kỳ làm Phó Thủ Tướng, ông giã từ chính trường, và đem cả gia đình qua Pháp, tháng 3 năm 1954. Tại Pháp, ông làm việc cho ngân hàng BNP (Banque Nationale de Paris).
Tới năm 1965, Cụ Nguyễn Huy Lai về hưu và dần dần làm quen lại với ghế đại học, đặc biệt là Ðại Học Công Giáo Paris. Nơi đây cụ đã đậu Tiến Sĩ Thần Học với lời khen ưu hạng vào mùa hè 1979. Lúc đó cụ đã 71 tuổi. Luận án của cụ Nguyễn Huy Lai mang tựa đề ”Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam” (La Tradition Religieuse Spirituelle Sociale au Vietnam). Luận án này được nhà xuất bản Beauchesne phát hành 1981 và được giải thưởng Á Châu 1982 của ADELF (Prix de l'Asie 1982 de l'ADELF).
Cụ Giuse Nguyễn Huy Lai được Chúa gọi về ngày 29.12.1992 hưởng thọ 84 tuổi, đúng sau một năm tạ thế của bà cụ Nguyễn Huy Lai, nhũ danh là Jeanne Cartier. Hai cụ được ba người con, hai gái một trai, hiện cư ngụ tại Pháp.
Trong báo Hiện Diện, số 38 tháng 4.1982, Anh Nguyễn đã viết như sau: ”Nhà xuất bản Beauchesne ở Paris vừa cho phát hành cuốn sách nhan đề ”Truyền thống tôn giáo tâm linh xã hội ở Việt Nam” (La tradition religieuse, spirituelle, sociale au Vietnam), khổ 4, Paris 1981, 530 trang. Tác giả là luật sư Giuse Nguyễn Huy Lai, tiến sĩ Luật, tiến sĩ Thần Học. Ðây là kết quả của nhiều năm sưu tầm. Công phu tìm kiếm và suy nghĩ của tác giả không phải là nhỏ, nhất là luật sư đã thực hiện được trong cái ”tuổi nghỉ ngơi” dưỡng lão. Hơn nữa, tác giả là một giáo dân, chứ không phải là một giáo sĩ. Có thể nói, một giáo dân tiến sĩ Thần Học, đối với chúng ta, kể là hiếm, nếu không nói mới chỉ có một. Giáo sĩ Việt Nam du học tại những thủ đô Âu - Mỹ và đã đoạt được tiến sĩ Thần Học phải nói là khá nhiều, nhưng giáo dân Việt Nam thì cụ Nguyễn Huy Lai là người đầu tiên. Cho nên, nếu chúng ta đã có Giám mục tiên khởi Việt Nam 1933, Hồng Y tiên khởi Việt Nam năm 1976, thì chúng ta phải đợi tới năm 1979 mới có một giáo dân Việt Nam đậu tiến sĩ Thần Học” (tr.21).
II. NỘI DUNG CUỐN SÁCH.
Cuốn ”Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội ở Việt Nam” dầy 530 trang, khổ 16x24, sau lời mở đầu và nhập đề, chia thành bảy chương. Nội dung chính yếu như sau:
LỜI MỞ ÐẦU (tt 15-21):
Khai bút, tác giả khẳng định rằng: Con người, trước tiên là một hữu thể tôn giáo (l'homme est avant tout un être religieux); Không một dân tộc nào hiện hữu mà không có tôn giáo.
Tôn giáo thiết yếu cho con người bởi vì tôn giáo giải đáp những câu hỏi con người đặt ra: Con người từ đâu có? Con người đi về đâu? Tại sao con người đau khổ? Ðâu là hạnh phúc, đâu là phần rỗi con người có thể đạt tới? Sự Thiện hay sự Ác cốt tại ở đâu? ông Trời? Ðấng Tối Cao? Ðấng Siêu Việt? Chúa Trời Ðất?...
Tôn giáo có một ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống cá nhân, gia đình, đoàn thể, quốc gia và xã hội. Không một nền văn minh hay văn hóa nào thoát khỏi ảnh hưởng tôn giáo.
Tại Việt Nam, có nhiều tôn giáo, và tôn giáo giữ vai trò quyết định trong lịch sử, kể cả khi lịch sử nằm dưới chế độ cộng sản vô thần....
NHẬP ÐỀ (tt.23-49):
Tác giả trình bày chung về 4 điểm: 1) Những biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam (tt.23-40). 2) Tâm tình tôn giáo của người Việt Nam. (40-44) 3) Những ý niệm về Linh Hồn nơi người Việt Nam (tt.44-47). 4) Các Tôn giáo ở Việt Nam (47-49).
CHƯƠNG I: CÁC TÍN NGƯỠNG CỔ THỜI (Les Croyances Antiques).
Tác giả trình bày tỉ mỷ 8 việc Thờ phụng (cultes): 1) Thờ Trời (tt.53-58). 2) Thờ Gia Ðình (tt 53-56); 3) Thờ Tổ Tiên (tt 60-100); 4) Thờ Thần Gia Ðình (tt 103-104); 5) Thờ Thần Nghề Nghiệp (tt 105-106); 6) Thờ Thần Làng (tt 106-110); 7) Thờ Thần Quốc Gia (tt 111-121); 8) Thờ Thần Thiên Nhiên (tt 122-125). Hai việc Phụng Thờ quan trọng nhất và được tác giả trình bày kỹ lưỡng: Thờ Trời và thờ Tổ Tiên.
CHƯƠNG II : KHỔNG GIÁO (Le Confucianisme)
Chương này gồm bốn mục chính: 1) Sự bành trướng của Khổng giáo tại Việt Nam (tt 127-131); 2) Ðời sống và Sự nghiệp của Ðức Khổng (tt 131-160); 3) Sự tiến triển của Trường phái Nhà Nho (école des Lettrés) (tt 161-181); 4) Nho giáo (thờ kính Khổng Tử) (tt 187-194).
CHƯƠNG III: LÃO GIÁO (Le Taoisme)
Chương này gồm sáu mục chính: 1) Giang Châu (Yang-Tchou), Lão Tử (Lao-Tseu), Trang Tử (Tchouang Tseu) và Liệt Tử (Lie Tseu) (tt 196-201); 2) Triết lý của Lão Tử (tt 200-250); 3) Lão Giáo (tt.251-267); Việc thờ phụng theo Lão giáo (tt 268-285).
CHƯƠNG IV: PHẬT GIÁO (Le Bouddhisme)
Chương này được tác giả trình bày dưới năm điểm chính: 1) Sự du nhập Phật Giáo vào Việt Nam (tt 287-293); 2) Ðời sống của Ðức Phật (tt. 294-298); 3) Luật của Phật Giáo (Dharma) (tt 298-308); 4) Cộng Ðồng Phật Giáo (tt 298-315); 5) Việc thờ phụng theo Phật Giáo (tt 316-345).
CHƯƠNG V: ÐẠO CAO ÐÀI & ÐẠO HOÀ HẢO (Le Caodaisme - Le Hoa Hao)
Trong chương này, tác giả chú trọng đến đạo Cao Ðài nhiều hơn là đạo Hoà Hảo. Về đạo Cao Ðài, tác giả đề cập đến bốn điểm: 1) Nguồn gốc đạo Cao Ðài (tt350-351); Giáo thuyết đạo Cao Ðài (tt350-352); 3) Tổ chức của Ðạo Cao Ðài (tt 356-358); 4) Việc thờ phụng của đạo Cao Ðài (tt 359-360). Sau khi nói sơ lược về những điểm giống nhau và khác nhau của đạo Cao Ðài và đạo Hoà Hảo, tác giả trình bày vắn gọn hai điểm: 1) Việc thành lập đạo Hòa Hảo (tt 362-363); 2) Giáo thuyết của đạo Hòa Hảo (tt 363-366).
Chương VI : KITÔ GIÁO HAY LỊCH SỬ CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM (Le Christianisme ou L'Histoire de l'Eglise du Vietnam).
Tác giả trình bày lịch sử của Giáo Hội Công Giáo dưới 7 điểm như sau: 1) Việc truyền giáo của các cha Ðaminh (tt 368-369); 2) Việc truyền giáo của các cha Dòng Tên (tt 369-382); 3) Việc truyền giáo của các cha Thừa Sai Balê (tt 382-391); 4) Những cuộc bách hại tôn giáo (tt 391-399), Những vấn đề về Ngôn từ (termes), Nghi lễ và Phụng vụ (tt. 399-441); 5) Những câu hỏi về Phụng vụ (tt 442-446); 6) Phụng vụ hiện nay (tt 446-449); 7) Giáo Hội Việt Nam hôm nay (tt 449-460).
CHƯƠNG VII: ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO (Confrontation des Croyances et Religions au Vietnam avec Christianisme).
Chương này được trình bày qua những điểm chính sau đây: 1) Tuyên Ngôn ”Nostra Aetate” về ”Các tương quan giữa Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo” (461-467); 2) Những giá trị tiền kitô giáo của các Tín Ngưỡng cổ thời (tt 468-477); 3) Những giá trị tiền kitô giáo của Khổng Giáo (tt 477-481); Những giá trị tiền kitô giáo của Lão Giáo (tt 481-487); 4) Những giá trị tiền kitô giáo của Phật Giáo (tt 487-495); 5) “Ta là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống” (tt 995-504).
Chương VII là nội dung của bài báo này. Chúng tôi chuyển ngữ hầu như nguyên vẹn. Chúng tôi chỉ mạo muội thêm vào ”các tiêu đề nhỏ” để qúy độc giả dễ theo dõi tư tưởng trình bày của cụ Giuse Nguyễn Huy Lai.
KẾT LUẬN (CONCLUSION) (505-506):
Ðã nhiều tác giả nghiên cứu về các Tín Ngưỡng và các Tôn Giáo ở Việt Nam. Người thì thích nghiên cứu về việc Thờ Cúng Ông Bà, Thờ cúng các Thần Linh, về Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo. Người khác lại thích khảo sát về tình hình của Giáo Hội Việt Nam, việc du nhập của Kitô Giáo vào Quê hương, Phương pháp truyền giáo, những khó khăn các Thừa Sai gặp phải hay các cuộc bắt đạo...
Riêng tác giả lại lưu ý chung đến tất cả các Tín Ngưỡng và các Tôn Giáo đã và đang có ở Việt Nam, đồng thời đào sâu về các nguồn gốc tôn giáo, về những ảnh hưởng sâu đậm của Tôn Giáo trên phong tục, tập quán, văn hóa, hiến pháp... của dân tộc. Từ đó, tác giả đặc biệt chú ý đến việc đối chiếu Kitô Giáo với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo ở Việt Nam và đến việc đối thoại giữa Kitô giáo với các Tôn Giáo ấy.
Kitô Giáo đã bén rễ vào một đất Việt Nam phì nhiêu. Theo dòng lịch sử, Kitô Giáo đã gặp gỡ và đối chiếu với các Tín Ngưỡng khác và các Tôn Giáo sẵn có tại Việt Nam, như đạo thờ Trời, đạo thờ Ông Bà, Ðạo Khổng, Ðạo Lão, Ðạo Phật, là những đạo đã hình thành các cơ cấu của xã hội Việt Nam và nền tảng của nền văn minh và văn hóa việt nam.
Qua Kitô Giáo, nền nhân bản tây phương và đông phương gặp nhau, nền văn minh và văn hóa của hai lục địa trên thế giới đối chiếu nhau, giao duyên với nhau.
Trong sự gặp gỡ và đối chiếu của các Tín Ngưỡng và Tôn Giáo tại Việt Nam, người ta thấy rõ ràng rằng đạo thờ Tổ Tiên, Luận Ngữ của Khổng Tử, Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử, Trang Tử và Liệt Tử, bài giảng của Ðức Phật tại Bénares sáng nở tự thẩm sâu những nhân đức và những giá trị tiền kitô giáo: Ðức hiếu thảo, lòng nhân từ, lẽ công bằng, đức khiêm tốn, đức khó nghèo, đức bác ái, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự tha thứ lỗi lầm.
Phải chăng đó là dấu chứng về sự Hiệp Nhất và về Tình yêu giữa mọi con người và giữa mọi dân tộc mà Giáo Hội Công Giáo tuyên dương trong Bản Tuyên Ngôn về Liên Lạc giữa Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo: “Mọi dân tộc đều có chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa” (NK 1).
Các Tín Ngưỡng cổ thời, Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo chỉ có thể thành tựu tuyệt hảo trong Ðức Kitô và nhờ Ðức Kitô, Ðấng ”không đến để hủy bỏ nhưng để hoàn thành” (Mt 5,17), bởi vì ”Ngài là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Trong cộng đồng nhân loại, loài người chỉ có một Thầy, một Cha còn mọi người là anh em với nhau. ”Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha ở trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người Lãnh Ðạo là Ðức Kitô” (Mt 23, 9-10).
NHẬN ÐịNH
Có lẽ ông Nguyễn Huy Lai là người thứ hai đã trình bày tương đối kỹ lưỡng toàn bộ các Tín Ngưỡng và các Tôn Giáo ở Việt Nam.
Người thứ nhất là ông Toàn Ánh, năm 1969, đã xuất bản tại Sài Gòn một bộ hai cuốn về ”Tín Ngưỡng Việt Nam”, cuốn thượng và cuốn hạ, khổ 13x19. Tác giả trình bày ba phần: Phần I, Tôn Giáo; phần II, Mê Tín Dị Ðoan; phần III, Lễ Tiết. Phần Tôn Giáo, dài hơn cả, gồm trọn cuốn thượng, 456 trang và cuốn hạ gồm 121 trên 393 trang. Như vậy phần I, Tôn Giáo gồm 577 trang đang khi phần II và III chỉ gồm 272 trang của cuốn hạ. Ông Toàn Ánh trình bày kỹ càng về Thờ Phụng Tổ Tiên với 19I trang. Trong khi đó, Lão Giáo chỉ vỏn vẹn 25 trang, Nho Giáo 46 trang và Phật Giáo 95 trang, Hòa Hảo và Cao Ðài Giáo 87 trang, Công Giáo 71 trang; Tin Lành 18 trang, Ðạo Bah'ai 10 trang, Hồi Giáo 10 trang.
Nhưng sau phần trình bày mỗi tôn giáo (Chương I đến hết chương VI) ông Nguyễn Huy Lai là người thứ nhất làm công việc đối chiếu Công Giáo với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo ở Việt Nam. Dụng ý của tác giả là nêu bật ”những giá trị tiền kitô giáo của các tín ngưỡng cổ thời, đặc biệt của Ðạo thờ Tổ Tiên, của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo (Chương VII).
Hướng đi của tác giả là tinh thần tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo của Công Ðồng Vatican II, nhất là theo Bản Tuyên Ngôn về ”Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo” (Nostra Aetate).
Tuy nhiên, phần đối chiếu này còn là bước đầu và chỉ nằm ở phạm vi luân lý thôi. Tác giả vẫn còn thái độ dè dặt của Micae Ruggieri (hay Minh Kiên) trong cuốn ”Thiên Chúa thực lục chính văn” xuất bản năm 1585; của Mathêô Ricci (hay Lợi Mã Ðẩu) trong tác phẩm ”Thiên Chúa thực nghĩa” xuất bản năm 1603.
Anh Nguyễn (Báo Hiện Diện, Paris, số 38, 04.1982) đã nhận định: “Ðọc chương VII về những đối chiếu, người ta có cảm tưởng tác giả quá nhấn mạnh đến quan điểm luân lý. Nếu Khổng giáo thiên về những tương quan xã hội, quốc gia, gia đình, bản thân, thì Phật giáo, Lão giáo đi xa hơn vấn đề luân lý. Cho nên phải có nhà thần học, thần bí học, để làm công việc đối chiếu sâu sắc như Dom Lou đã làm khi đối chiếu trang đầu Phúc Âm thánh Gioan với chương đầu Ðạo Ðức Kinh, hoặc Romano Guardini đề cập tới Ðức Phật Thích Ca trong cuốn ”Le Seigneur”. Vắn tắt, R. Guardini đã cho Phật Thích Ca là một người siêu phàm đã làm một công việc vô cùng lớn lao, đó là muốn giải thoát con người ra khỏi vòng sinh tử, một công việc mà Ðức Kitô đã thực hiện nhân danh là NGƯỜI-THIÊN-CHÚA, bằng cách thắng sự chết và đạt tới sự Phục Sinh. Vẫn theo R. Guardini, trừ Ðức Kitô, trong lịch sử nhân loại, chỉ có một Ðức Phật đã muốn thực hiện một hoài bão vĩ đại như vậy”.
B. ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO
Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO
I. QUAN NIỆM CHUNG CỦA GIÁO HỘI
1. HỪNG ÐÔNG CỦA ÐỨC TIN
Ai lại đã chẳng ghi nhận điều kỳ diệu này? Khi mà những rủi ro, những tai ương, những chiến tranh và những thay đổi chế độ chính trị nối tiếp nhau xẩy ra suốt dòng lịch sử, Giáo Hội Việt Nam luôn thăng tiến và số người Việt Nam trở lại đạo Công Giáo không ngừng gia tăng, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc(1). Tại sao có đà tiến thiêng liêng này không gì cản ngăn được nơi dân tộc Việt Nam? Phải chăng vì ”đức hiếu thảo” trong Ðạo Thờ Kính Tổ Tiên, sách Luận Ngữ của Ðức Khổng Tử”, ”Ðạo đức Kinh” của Lão Tử, ”Trung Dung ” và ”Tứ Thư”, ”bài giảng Bénares” của Ðức Phật Cồ Ðàm, đã quy tụ thành toàn trong ”bài giảng trên núi” lúc Chúa Giêsu đã công bố ”Tám Mối Phúc Thật”:
”Phúc cho kẻ có lòng khó khăn, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm của mình. Phúc cho kẻ than khác, vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho kẻ đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc cho kẻ có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho kẻ có lòng thanh sạch, vì họ sẽ được xem thấy Thiên Chúa. Phúc cho kẻ yêu chuộc hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi bị người ta nói xấu, bắt bớ và vu khống mọi điều ác vì danh Ta. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao. Các Tiên Tri và các tiền nhân của anh em cũng đã bị xử tệ như vậy”. (Mt 5,1-12) (2)
Sau bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu lại long trọng tuyên bố: ”Các ngươi đừng tưởng Ta đến Luật Pháp và các Tiên Tri, Ta không đến để phá hủy, nhưng để làm cho trọn. Bởi vì ta nói thật rằng trời đất sẽ qua đi, nhưng một dấu phẩy hay một điểm nhỏ của Lề Luật sẽ không qua đi trước khi mọi sự được hoàn tất” (Mt 5,17-18). Chỗ khác Chúa Giêsu lại phán: ”Vậy các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi ở trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5,48).
Các Tín ngưỡng cổ xưa, các giáo thuyết của Khổng Tử, của Lão Tử, của Trang Tử (Tchouang Tseu), của Liệt Tử (Lie Tseu), của Ðức Phật Cồ Ðàm và Kitô giáo đã gặp nhau và chiếu sáng lẫn nhau trên đất Việt Nam. Cũng như Luật cũ của Do Thái đã được hoàn tất trong Luật mới, thì cũng vậy các Truyền thống tôn giáo việt nam, Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo mang trong giáo huấn và trong tinh thần của mỗi đạo những giá trị tiền-kitô giáo (préchrétiennes) không thể chối cãi được. Các giáo thuyết ấy loan báo ”hừng đông của đức tin” và sẽ được triển nở ”trong vẻ huy hoàng của đạo lý kitô giáo” (Sứ điệp phục sinh của đức Phaolô VI, 1964).
2. THÁI ÐỘ KÍNH TRỌNG VẪN CÓ CỦA GIÁO HỘI
Giáo Hội của Ðức Kitô bám víu và theo đúng với Lời Chúa. Ðã hơn 300 năm, khi hai vị Ðại Diện Tông Toà đầu tiên, đức cha Lambert de la Motte (18.06.1660) và đức cha Pallu (3.01.1662) đáp tầu đi Viễn Ðông, thì 1659, Bộ Truyền Giáo nhắn nhủ các Ngài trước khi đi, 1659, bằng những lời Huấn thị vạch rõ những đường hướng trong việc Truyền Giáo như sau:
”Lý do chính yếu đòi Thánh Bộ phái quý ngài đi làm Giám Mục trong các miền đó là, bằng mọi phương thế và theo đúng phương pháp, quý ngài phải nỗ lực giáo huấn các người trẻ để đào tạo cho họ có khả năng chịu chức linh mục, quý ngài sẽ truyền các chức Thánh cho họ, cử họ đi vào các miền rộng mênh mông này với sứ mệnh phục vụ Kitô giáo hết tâm tình dưới sự hướng dẫn của quý ngài.
”Dù nhiệt tâm truyền giáo, quý ngài không được viện lý do nào khuất phục dân xứ đó phải thay đổi nghi lễ, phong tục và tập quán của họ, trừ khi những điều đó rõ ràng là nghịch với tôn giáo và với luân lý. Không gì kỳ khôi cho bằng du nhập nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi hay một nước Âu châu nào khác vào giữa dân Trung Hoa! Ðừng du nhập xứ sở chúng ta vào xứ của họ, nhưng phải rao truyền đức tin, đức tin này không khước từ, không làm tổn thương các nghi lễ các thói quen của bất cứ một dân tộc nào, trừ khi những nghi lễ và những thói tục ấy thật sự tồi bại, ngoài ra phải bảo tồn và che chở các nghi lễ và các phong tục ấy. Có thể nói, là phải ghi vào trong bản tính của mọi người lòng qúy chuộng, yêu mến, phải cho cả thế giới biết những truyền thống của các xứ sở họ.
”Vậy đừng bao giờ đem so sánh các phong tục của các dân tộc ấy với các phong tục của Âu châu: Trái lại chính quý ngài phải mau mắn làm quen với phong tục của họ. Hãy thán phục và khen ngợi những cái gì đáng thán phục và khen ngợi. (3)
Ðó chính là thái độ của Giáo Hội đối với các Tín ngưỡng và các Tôn giáo ngoài Kitô giáo mà chúng ta đọc thấy trong Công đồng vatican II. Ngày 28.10.1965, đức Phaolô VI đã ký bản Tuyên Ngôn ”Nostra Aetate” về những Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo. Bản Tuyên Ngôn này mang một tầm mức rất quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội. ông P.A.M. Henry đã viết về điểm này như sau: ”Bằng tất cả những cái nó giả thiết và khơi dẫn, bây giờ Bản Tuyên Ngôn ở ngay trong tim của Công Ðồng. Nó là tiêu biểu của ”Vatican II” (4)
Khi trình bày sơ đồ của bản Tuyên Ngôn, ngày 25.09.1964 tại buổi hội Khoáng Ðại Công Ðồng, đức hồng y Bea, người trách nhiệm về văn kiện này đã tuyên bố: ”Chắc chắn đây là sơ đồ mà báo chí đã nói đến nhiều nhất. Cho dù những động lực của văn kiện và những phán đoán mà người ta có thể có về giá trị của nó, bản văn chứng tỏ rằng: Rõ ràng trên quan điểm này, công luận hướng về Giáo Hội và nhiều người sẽ nói Công đồng tốt hay xấu, tùy theo Công đồng có phê chuẩn hay không bản Tuyên Ngôn này” (5).
Vì thế trước khi đối chiếu các tôn giáo ngoài Kitô giáo với Kitô giáo, thiết tưởng điều phải làm là tìm hiểu văn kiện quan trọng này.
II. BẢN TUYÊN NGÔN ”NOSTRA AETATE” VỀ
NHỮNG LIÊN LẠC CỦA GIÁO HỘI VỚI CÁC TÔN
GIÁO NGOÀI KITÔ GIÁO.
1. THÀNH HÌNH CỦA BẢN TUYÊN NGÔN
Bản Tuyên Ngôn là một công trình cởi mở bất ngờ của Công đồng Vatican II. Người ta có thể nói đó là một sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần, Ðấng thổi ban thần khí khi nào Ngài muốn và tới đâu Ngài muốn. Vậy ngay từ đầu, vấn đề ”Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo” đã không được dự liệu. Ðức giáo hoàng Gioan XXIII, người khai mở Công Ðồng, đã chỉ xin đức hồng y Bea chuẩn bị một ”Sắc lệnh về người Do Thái”. Lịch sử làm chứng rằng khi Ngài là Ðại diện Toà Thánh tại Istambul, ngài đã là một nhân chứng về những bách hại mà người Do Thái là nạn nhân, nhất là tại Bulgarie và Turkie, và khi trở thành giáo hoàng, Ngài đã tiếp kiến nhà sử học Jules Isacac là người xin Ngài lưu tâm đến thái độ của người Kitô giáo đối với người Do Thái. Chính vì thế, Ngài đã quyết định bỏ chữ ”perfidis” (phản bội) vốn có trong lời nguyện ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi cầu cho người Do Thái.
Việc soạn thảo ”Sắc lệnh về người Do Thái” đã gặp phải nhiều khó khăn đến nỗi người ta đã tự hỏi rồi nó có thể thành tựu hay không. Những chướng ngại về chính trị cũng không phải là nhỏ. Ðược sửa chữa và trình bày tại khóa thứ hai của Công đồng, ngày 19.11.1963, sơ đồ của Sắc Lệnh mang tiêu đề ”Mối quan hệ của người Công giáo với người ngoài Kitô giáo và cách riêng với người Do Thái”.
Trong sơ đồ trình bày lần thứ ba tại khóa hội thứ ba ngày 18.11.1964, tiêu đề không nói gì đến người Do Thái nữa: ”Tuyên ngôn về những liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo”. Tiêu đề này được chấp nhận, nhưng bản văn còn phải sửa chữa và trình bày lại vào khóa hội lần thứ tư. Bản Tuyên Ngôn đã trở nên độc lập và trước tiên nói về các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Vấn đề Do Thái nói ở phần thứ tư của bản Tuyên Ngôn. Phần cuối cùng được thêm vào theo lời yêu cầu của các Nghị Phụ Phi châu và Viễn Ðông để lên án mọi phân biệt chủng tộc. Toàn bộ bản văn đã được Công Ðồng bỏ phiếu chấp nhận ngày 15.10.1965: trong 2023 phiếu, thì 1763 phiếu thuận, 250 phiếu chống và 10 phiếu không hợp lệ.
Trước buổi họp Khoáng Ðại của Công Ðồng ngày 18.11.1964, đức hồng y Bea, người có công lớn trong việc soạn thảo Bản Tuyên Ngôn, đã nhấn mạnh tầm mức quan trọng của Bản Tuyên Ngôn bằng những lời sau đây: ”Người ta có thể áp dụng cho Bản Tuyên Ngôn này hình ảnh của hạt cải trong Phúc Âm. Quả vậy, ban đầu chỉ nói về bản tuyên ngôn ngắn gọn về những thái độ của người kitô hữu đối với dân tộc Do Thái. Nhưng với thời gian, nhất là nhờ những phát biểu của các nghị phụ, hạt cải này đã trở thành một cây lớn, trên đó nhiều đôi chim đến làm tổ. Tôi muốn nói rằng trên cây đó, tất cả các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo từ nay có chỗ đứng, ít ra dưới một hình thức nào đó.
”Xin cho phép tôi nhấn mạnh tầm mức quan trọng của Bản Tuyên Ngôn về những Tương quan với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo. Ðó là lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội mà một Công Ðồng công bố một cách thật long trọng cho giáo dân những nguyên tắc như vậy. Quả thật, còn hơn một tỉ người chưa biết đến hay không biết tới Ðức Kitô và công trình Cứu Thế của Ngài. Vậy mà ít ra những người này cũng có thể được cứu rỗi, nếu họ tuân giữ những điều được ghi khắc trong lương tâm của họ. Và Giáo Hội có một bổn phận thật quan trọng là phải đối thoại với họ. Và như Bản Tuyên Ngôn đã ghi, Giáo Hội có thể thực hiện bằng cách chấp nhận những giá trị thiêng liêng và luân lý tiềm tàng trong mỗi tôn giáo và bằng sự kính trọng chân thành các tín đồ của các Tôn giáo ấy”.
2. NỘI DUNG CỦA BẢN TUYÊN NGÔN
Ðâu là nội dung của bản Tuyên Ngôn về “Những Liên hệ của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo”?
Chúng ta hãy lưu ý rằng tài liệu mà Công Ðồng Vatican II muốn vắn gọn và rõ ràng, không phải là ”Bài trình bày về các tôn giáo”, cũng không phải ”Một Tiểu luận về những tương quan của Giáo Hội và các tôn giáo khác”. Ðức hồng y Bea nói rõ: ”Mục đích của Bản Tuyên Ngôn không phải là một bản trình bày toàn túc về các Tôn Giáo, cũng phải là những điểm dị biệt giữa các tôn giáo và với công giáo. Ðúng hơn, nhờ Bản Tuyên Ngôn này, Công Ðồng muốn chứng tỏ mối liên hệ vốn có giữa con người và giữa các tôn giáo hầu tìm ra ở đó nền tảng của việc đối thoại và việc cộng tác”.
Dưới góc cạnh và trong tinh thần này, Bản Tuyên Ngôn gồm 5 phần: phần mở đầu, nói chung về các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, tình huynh đệ phổ cập và sự khác biệt chủng tộc.
Phần thứ nhất được mở đầu như sau: ”Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo. Trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo Hội đề cập đến những điểm chung cho hết mọi người, và dẫn đến cuộc sống cộng đoàn. (6)
Thật vậy, mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc bởi vì Thiên Chúa cho mọi chủng tộc cư ngụ trên mặt đất (x. Cv 17,26). Và mọi người chỉ có cùng một mục đích là Thiên Chúa, mà sự quan phòng, những dấu chứng về lòng nhân hậu và những dự án về ơn cứu độ của Ngài là dành cho hết mọi người (x. Kn 8,1; Cv 14,17; Rm 2,6-7; Tm 2,4) cho đến khi những người được tuyển chọn đoàn tụ lại trong Thành Thánh sáng chói vinh quang của Thiên Chúa và mọi dân tộc sẽ bước đi trong ánh sáng (x. Kh 21,23).
”Loài người chờ đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: Con người là gì? Ðời người có mục đích và ý nghĩa nào?...”
Lời mở đầu này đã làm nổi bật hiện tượng ngày nay về sự thống nhất hóa của thế giới và sự phát triển các mối liên hệ của tình liên đới nhằm nối kết các dân tộc trên mặt đất. Ðối diện với khuynh hướng của thế giới tân tiến này, hơn khi nào hết, Giáo Hội hoàn tất sứ mệnh cổ động sự hiệp nhất nhân loại và nuôi dưỡng các mối liên lạc với các tôn giáo ngoài kitô giáo. Giáo Hội cũng tìm kiếm mẫu số chung giữa loài người và những yếu tố nối kết họ lại với nhau trong cùng một thân phận. Vậy nếu mọi người đều sinh ra do cùng một nguồn gốc làm nên một cộng đoàn duy nhất, thì đó chính là cái Thiên Chúa đã dựng nên họ và dẫn họ đi về Nước Trời, ở đó mọi người đoàn tụ, họ sẽ sống hợp nhất với Ngài mãi mãi.
Từ lâu con người vẫn khắc khoải về những vấn đề của đời sống, chờ đợi ở các Tôn giáo câu giải đáp cho những vấn đề mà họ đặt ra về mục đích và ý nghĩa của đời sống, về sự thiện và sự ác, về nguồn gốc của đau khổ và con đường dẫn tới hạnh phúc, về sự chết và phần thưởng dành cho những hoạt động của con người và sau cùng về chính mầu nhiệm của sự hiện hữu. Bản Tuyên Ngôn làm nổi bật địa vị ưu tiên của các Tôn giáo và các Tín ngưỡng trên thế giới. Theo Bản Tuyên Ngôn, đó chính là những câu giải đáp đến từ việc cắt nghĩa thân phận của Con Người.
Trong phần thứ hai, bản Tuyên Ngôn xác nhận rằng các Tôn Giáo vốn đưa ra một bản phác họa các câu giải đáp. Bản Tuyên Ngôn nhìn nhận ”với một sự kính trọng chân thành các giá trị tinh thần, luân lý, và xã hội văn hóa của các tôn giáo”:
”Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống họ thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo. Phần các Tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hóa thì cố gắng giải đáp những vấn đề trên bằng những ý niệm cao sâu và bằng thứ ngôn ngữ ngày càng tinh tế. Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tình niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hoặc bằng sự trợ lực của ơn trên. Cũng thế, các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
”Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý. Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là ”Ðường, là Sự Sống và Sự Thật” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình” (x. Co.5,18-19)
Phần thứ hai của Bản Tuyên Ngôn này đề cập chung đến tất cả các Tôn Giáo trên hoàn cầu, trong đó Ấn Giáo và Phật Giáo được nói đến nhiều hơn. Trở lại các thời xa xưa, người ta khám phá ra nơi các dân tộc ”một cảm tính nào đó đối với sức mạnh tiềm ẩn hiện hình nơi những diễn tiến của vạn vật và qua các biến cố của đời sống nhân loại, đôi khi cũng là sự nhìn nhận về Thần Tính Siêu Việt, hay còn nhìn nhận một người Cha”.
Qua những lời lẽ đó, Bản Tuyên Ngôn hình như muốn ám chỉ đến các Tín Ngưỡng Cổ Thời tại Viễn Ðông, như đạo thờ Trời, đạo thờ Ông Bà, đạo thờ các Thần Linh hay đạo thờ Vật Linh của Phi Châu. Trong loại các ”Tôn giáo dính liền với đà tiến của văn hóa”, Bản Tuyên Ngôn không nói đến Khổng Giáo hay Lão Giáo. Có lẽ Bản Tuyên Ngôn chỉ coi đó như một Học Thuyết Luân Lý, một Triết Lý hay một Minh Triết Ðông Phương (Sagesse Orientale). Chúng ta thấy có nhiều tác giả đã tranh luận vấn đề tìm hiểu xem Khổng Giáo là một Luân Lý hay một Tôn Giáo, và xem Khổng Giáo có thể được xếp vào trong ”Tam Giáo cổ truyền”: Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Chúng ta đã để ý phân biệt trong các chương trước giữa Triết Lý Khổng Giáo và Tôn Giáo Khổng Giáo, Triết Lý Lão Giáo và Tôn Giáo Lão Giáo.
Ðể không bỏ sót một tôn giáo nào, Bản Tuyên Ngôn đã đan cử ”các Tôn giáo khác được tìm thấy trong thế giới” và ”cố gắng bằng nhiều cách khác nhau giải tỏa nỗi khắc khoải của lòng người bằng cách đề nghị những con đường, nghĩa là những học thuyết, những quy luật sống và những nghi lễ thánh”. Chúng ta nghĩ đặc biệt đến đạo Cao Ðài và đạo Hoà Hảo ở Việt Nam.
Bản Tuyên Ngôn tuyên bố trọng thể rằng: ”Giáo Hội Công Giáo không hề từ chối cái gì chân thật và thánh thiện trong các Tôn Giáo”. Hiến chế về Tín Lý về Giáo Hội ”Lumen Gentium”, ban hành ngày 21.XI.1964, dạy chúng ta rằng: Những người ngoài kitô giáo tức là ”những người chưa lãnh nhận Phúc Âm thì bằng nhiều hình thức khác nhau, chính họ cũng ”được hướng dẫn về dân Thiên Chúa”. Bởi đó ”Giáo Hội xem tất cả những gì là thiện hảo nơi họ đều như để chuẩn bị cho họ lãnh nhận Phúc Âm và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho, hầu cuối cùng họ được sống”. (GH 16)
Vì hiện thân ”vừa như dấu chỉ, vừa như phương thế của sự hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của cả loài người”, Giáo Hội Chúa Kitô chỉ đuổi theo một chủ đích: ”Những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma qủy và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (GH 17).
Ngoài ra, Sắc Lệnh Truyền Giáo ”Ad Gentes” ban hành ngày 7.12.1965 tuyên bố: ”Thiên Chúa không ở xa mỗi người chúng ta (x.Cv 17,27). Những sáng kiến tôn giáo là những kế hoạch con người tìm kiếm Thiên Chúa, cần được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như những con đường dẫn về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm” (TG 3).
Sắc lệnh còn nói: ”Tất cả những gì tốt đẹp khám phá thấy là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt nhưng còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất để Thiên Chúa được tôn vinh” (TG 9). Như vậy là làm trọn lời Phúc Âm: ”Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên Trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5,29).
Trách nhiệm chính yếu của Giáo Hội là ”hiện diện trong các nhóm người đó, nhờ con cái mình là những người cùng sống chung với họ hay là được sai đến với họ”. Và để các Kitô hữu, ”có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái... phải tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại... phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy, và phải kính cẩn khám phá ra những hạt giống lời Chúa tàng ẩn trong họ...” (TG 11).
Việc gặp gỡ và đối chiếu Kitô giáo với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo, việc đối thoại của các kitô hữu với những người ngoài kitô giáo đó là chủ đề và là ý nghĩa của Bản Tuyên Ngôn. Bởi vì ”chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh. Các môn đệ của Ngài, một khi thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú đã được Thiên Chúa rộng ban cho các dân tộc” (TG 11). Trong mọi trường hợp, họ ”luôn phải loan báo Ðức Kitô là Ðường Ði, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6).
Phần thứ ba của Bản Tuyên Ngôn nói lên những liên hệ của Giáo Hội với Hồi Giáo:
”Giáo Hội cũng tôn trọng tín đồ Hồi Giáo vì họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất, đã từng đối thoại với con người. Họ chuyên tâm vâng phục cả những phán quyết bí nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Abraham đã tuân phục, người mà đức tin hồi giáo sẵn sàng noi theo. Họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng lại tôn kính như vị Ngôn Sứ và kính trọng Mẹ Ðồng Trinh của Người là Ðức Maria và đôi khi cũng sốt sáng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa, nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay” (NK 3).
”Mặc dầu trong quá khứ, giữa kitô hữu và tín đồ hồi giáo có những mối bất hoà và hiềm thù nhau không ít, Thánh Công Ðồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hoà bình tự do cho hết mọi người” (NK 3).
Ðiều đáng chú ý trong phần ba này là những chân lý chung cho Kitô Giáo và Hồi Giáo như đã được trình bày. Theo sách Coran (Qur'ân), Hồi Giáo, tôn giáo độc thần, thờ phượng Thiên Chúa duy nhất (Allah ahad), không thể thấu hiểu (Samad), Ðấng Tạo Thành (Khaliq), Bạn và Ðấng Bảo Trợ (Al-wali), Ðấng Nhân hậu và Trắc ẩn (Al-ra'uf), Ðấng Thương Xót (Al Rahman), và người hồi giáo chuyên tìm để tuân phục hết tâm hồn và hết nghị lực. Thiên Chúa đã nói với các Tiên Tri mà danh các ngài được kể ra trong Sách Thánh duy nhất: Adam, Noe, Abraham, Maisen, Giêsu và Mahomét. Hồi Giáo tin tưởng vào sự sống lại của kẻ chết, vào ngày phán xét sau cùng, vào sự ân thưởng những hành động của loài người. Tuy nhiên họ không nhìn nhận thần tính của Ðức Kitô, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Họ tôn kính Chúa Giêsu như vị tiên tri và Ðức Maria, Mẹ Thánh Người.
Có nhiều điểm tương gần của Hồi Giáo trong cách sống đạo. Ðó là: cầu nguyện phụng tự (Salat), bố thí theo luật (Zakat) và giữ chay Ramadan (Sawn) là những việc bao gồm trong năm ”cột trụ của Hồi Giáo”. Những việc hành đạo khác là: Tuyên chứng về Thiên Chúa Duy Nhất và về Mahomet là Tiên Tri của Chúa, và đi hành hương La Mecque (Haij) (6)
Phần thứ tư của Bản Tuyên Ngôn dành riêng cho Do Thái Giáo. Phần này dài nhất trong của Bản Tuyên Ngôn. Nó gồm tóm mọi liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước và nối kết dân Do Thái với Giáo Hội, dân tộc mới của Thiên Chúa.
”Tìm hiểu mầu nhiệm Giáo Hội, Thánh Công Ðồng nhắc lại mối giây liên kết linh thiêng giữa dân của Tân Ước và dòng tộc Abraham”.
”Thật vậy, Giáo Hội Chúa Kitô nhận thức rằng, khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các Tổ Phụ, Maisen và các Ngôn Sứ theo như mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi kitô hữu đều là con cái Abraham theo đức tin (x.Ga 3,7), hàm chứa trong ơn nghĩa của vị Tổ Phụ này; cũng như sự cứu độ của Giáo Hội đã được ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển ra khỏi đất nô lệ. Vì thế, Giáo Hội không thể quên được rằng, nhờ dân đó, dân đã được Chúa đoái thương ký giao ước xưa do lòng xót thương khôn tả của Ngài, nên Giáo Hội mới nhận được mạc khải Cựu Ước và được nuôi dưỡng bằng rễ cây Ôliu tốt tươi, mà những cành Ôliu dại là các Chư Dân được tháp nhập vào (x. Rm 9,17-24). Vì Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Hoà Bình của chúng ta, đã giao hoà dân Do Thái và Chư Dân bằng Thập Giá và làm cả hai nên một nơi người” (x. Ep 2,14-16).
”Giáo Hội cũng luôn nhìn thấy trước mắt lời của Thánh Phaolô Tông Ðồ viết về anh em đồng chủng của Ngài ”là những người được thừa nhận làm nghĩa tử, được vinh quang có giao ước, luật pháp, lễ nghi, lời hứa, có các tổ phụ và Chúa Kitô, theo xác thịt cũng từ họ mà ra (Rm 9,4-5), là con của trinh nữ Maria. Giáo Hội cũng nhớ rằng các Tông Ðồ, nền móng và cột trụ của Giáo Hội, cũng như rất nhiều môn đệ đầu tiên của các ngài, những người loan báo Phúc Âm Chúa Kitô cho trần gian, đã sinh ra từ dân tộc Do Thái”.
”Do đó, vì người Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh Công Ðồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tinh thần anh em”.
”Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô (x.Ga 19,16), nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay. Dù Giáo Hội là dân mới của Thiên Chúa, nhưng việc Chúa phế thải và nguyền rủa người Do Thái, không thể coi như là kết luận của Thánh Kinh. Vì thế, mọi người phải lo làm sao để khi dạy giáo lý và khi rao giảng Lời Chúa, đừng dạy điều gì không thích hợp với chân lý Phúc Âm và tinh thần Chúa Kitô”.... (NK 4)
Bản Tuyên Ngôn đã dùng những lời lẽ tâm huyết và chân thành, để khẳng định thái độ Giáo Hội phải có đối với dân Do Thái, ”với dân mà Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu, đã ký kết Giao Ước”. Sau khi nhắc lại rằng, ”Giáo Hội đã lãnh nhận mầm giống đức tin đầu tiên” của các tổ phụ, các tiên tri, và rằng chính Chúa Kitô và các Môn Ðệ của Ngài ”đã sinh ra từ dân tộc Do Thái”, Bản Tuyên Ngôn nhận định: ”Cái chết của Chúa Kitô không thể quy trách một cách hàm hồ cho hết mọi người Do Thái sống thời bấy giờ, cũng như những người Do Thái đang sống hiện nay”. Bản Tuyên Ngôn còn nói rõ: Giáo Hội lên án mọi hình thức bách hại người Do Thái ”dù ở vào thời đại nào và do ai là chủ động”, và rằng bổn phận của Giáo Hội là loan truyền Chúa Kitô cho mọi dân tộc trên thế giới, ”như dấu chỉ của tình yêu phổ cập của Thiên Chúa và như nguồn ơn sủng”.
Phần cuối cùng của Bản Tuyên Ngôn nói về Tình Huynh Ðệ Phổ Quát: ”Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha của hết mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và liên lạc giữa anh em mình có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: ”Ai không yêu tthì không nhận biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Vậy, Giáo Hội mời gọi các tín hữu sống đúng như ”con cái của Cha Trên Trời” (7).
”Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay mầu da, giai cấp hay tôn giáo, vì Thái độ ấy đối nghịch với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Ðồng theo chân các Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, khẩn thiết kêu mời các tín hữu: ”Hãy sống ngay lành giữa người lương dân” (1P 2,12), nếu có thể được, tùy khả năng mà sống hòa thuận với hết mọi người (x.Rm 12,18) như những người con của một Cha ở trên trời (x. Mt 5,45).
Sau khi đã trình bày ý nghĩa và tinh thần của Bản Tuyên Ngôn ”Nostra aetate” về những liên quan của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo, bây giờ chúng ta phải tìm xem ”cái gì là thánh thhện và chân thật trong các Tôn giáo ấy”. Nói khác, chúng ta thử khám phá những giá trị tiền kitô giáo của các Tín Ngưỡng cổ thời, như của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Chớ gì những khám phá này có thể góp phần vào, cho dù rất khiêm tốn, việc đối thoại giữa người kitô hữu với những người ngoài Kitô Giáo. Cha Cornélis viết như sau: ”Ðôi khi người ta đã tìm cách giải thích thế giới tôn giáo ngoài Kitô giáo như một sự loan báo trước ”những hòn đá chờ đợi”, bị đổ bừa bãi trên công trường của thế giới. Họ miệt mài tìm kiếm cho tới khi tìm thấy trong ”Viên Ðá Góc” một nguyên tắc hay một kỹ thuật kiến trúc gắn bó được hết mọi hòn đá... Ðối với những ai chuyên tìm ý nghĩa kitô giáo tích cực trong các tôn giáo lớn của Nhân Loại, thì giả thuyết trên thật hấp dẫn. Vậy cần phải phát hiện giá trị của việc mạo hiểm tìm kiếm này” (8).
III. NHỮNG GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO
CỦA CÁC TÍN NGƯỠNG CỔ THỜI
Chúng ta nghiên cứu những giá trị tiền kitô giáo của Ðạo Thờ Trời (culte du Ciel) và Ðạo Thờ Ông Bà.
1. GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO CỦA ÐẠO THỜ TRỜI
Chúng ta đã khảo sát quan niệm Thiên Chúa (Dieu) được chỉ dưới những tên gọi ”Ông Trời” (Monsieur le Ciel), ”Ðức Chúa Trời” (Vénérable Seigneur du Ciel), ”Tiên” (Ciel), ”Xang Ti” (Seigneur d'En-Haut), và chúng ta đã trình bày những ý kiến phát biểu bởi những tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Ðể mở rộng phạm vi nghiên cứu, chúng ta phải trở về cuối thế kỷ XVII, thời kỳ ”Tranh luận về Nghi lễ” (Querelle des Rites), đã bùng lên bao nhiêu tranh luận đối lập nhau giữa các linh mục truyền giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau.
Phải lùi lại một thời gian thuận tiện mới có sự tán thưởng chân thành những sự việc và những biến cố mà chúng ta muốn đặt lại các vấn đề. Những từ ”Tiên” (Thiên), “Trời” (cách nói thông thường của việt nam) chỉ nghĩa Trời vật chất và hữu hình (Ciel matériel et visible) hay Ông Hoàng vũ trụ (Prince cosmique) điều hành hết mọi sự? Hay trái lại, những từ ấy muốn nói về Thiên Chúa Ngôi vị, Hữu Thể Tối Cao, Ðấng Tạo Thành Trời Và Ðất? ”Ông Trời” (Monsieur le Ciel) mà người Việt Nam ngoài Kitô giáo kêu cầu có cùng là ”Ðức Chúa Trời” (Vénérable Seigneur du Ciel) mà người kitô giáo Việt Nam thờ lạy không? Những giá trị tiền kitô giáo có thể được mạc khải trong Ðạo Thờ Trời không?
Cho dù trả lời như thế nào, câu trả lời luôn phải dè dặt. Có nhiều cách trả lời. Trước tiên ”Ông Trời ” được người Việt Nam tôn kính (vénéré), không phải là một Ông Thần hộ mệnh (un Génie tutélaire), nhưng một Thiên Chúa ngôi vị (Dieu personnel) ngự trị trên các tầng trời. Dân chúng không được cử hành việc tế thờ Ngài, vì lý do siêu việt của Ngài và vì phải tôn kính xứng đáng ngôi vị của Ngài. Chỉ mình Hoàng Ðế, Thủ Lãnh quốc gia và là người được Trời ủy nhiệm, mới có đặc quyền lo việc tế thờ nhân danh toàn thể Quốc dân, trên một khu đất lộ thiên, vào những ngày Lễ mùa xuân, tại đền Nam Giao, nằm về phía nam thủ đô. Việc Tế Trời, trong xứ chúng ta, không có đền thờ, bàn thờ, chuông, gông. Dân không dâng hương, hoa, quả, gạo, món ăn. Ðền thờ của Ngài là lòng của con người. Ngài khấng nhận những lời cầu và những lo âu thốt ra tự đáy lòng.
Chúa Trời ở khắp mọi nơi, biết hết mọi sự. Ngài nhìn thấy tất cả và nghe biết mọi sự. Người ta nhận ra uy quyền tối cao của Ngài. Người ta kêu cầu Ngài và xin Ngài che chở. Người ta xưng Ngài là ”Ông”, nhưng người ta không gọi Ngài là ”Cha”. Người ta kính sợ Ngài đồng thời lại kêu cầu Ngài. Bởi vì chính Ngài là Quan Án Tối Cao thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ.
Ðàng khác điều quan trọng phải nhấn mạnh rằng Hoàng Ðế không dâng hy lễ Nam Giao duy nhất cho Ông Trời mà còn cho các Thần Thổ Ðịa và các Thần Linh khác, cũng như cho các vị Tiên Ðế.
Vậy trên khu đất chính hình tròn, người ta đặt bàn thờ Trời màu xanh về phía Ðông, và bàn thờ Ðất mầu vàng về phía Tây. Trên bàn thờ Trời, đặt một bài vị có viết câu chữ nho mầu đỏ ”Hiệu Thiên Hoàng Ðế”. Và trên bàn thờ Ðất có tấm bản viết câu chữ hán màu đen ”Hoàng Ðịa Kỳ”.
Hai bên bàn thờ chính có các bàn thờ của các vị Tiên Ðế, gọi là”An Phôi”. Về phía trái là bàn thờ dâng kính Nguyễn Hoàng, vị Chúa đầu tiên ở Huế rồi đến các hoàng đế Minh Mạng và Tự Ðức. Về bên phải có các bàn thờ dâng kính Hoàng Ðế Gia Long và Thiệu Trị.
Ðàn thấp hơn hình vuông, có hai dãy bàn thờ, bốn về phía Ðông và bốn về phía Tây.
Về phía Ðông các hương án: hương án thứ nhất dâng hiến Ðại Minh chi Thần (Mặt Trời), hương án thứ hai cho Châu Thiên Tinh Tú Chi Thần (Các vị sao), hương án thứ ba dành cho Vân Vũ Phong Lôi Chi Thần (mây, mưa, gió, sấm), hương án thứ bốn cho Thái Tuệ Nguyệt Tương chi Thần (Năm và tháng).
Về phía Tây, các hương án dâng hiến: thứ nhất cho Ða Minh Chi Thần (mặt trăng), thứ hai cho Sơn Hải Giang Trạch Chi Thần (núi, biển, sông, đầm), thứ ba cho Kỳ Lang Phân Diễn Chi Thần (đồi, gò, đống, Ðồng bằng), thứ tư cho Thiên Hạ Thần Kỳ Chi Thần (các vị thần khác trong thiên hạ).
Những lưu ý khác liên quan đến nghi thức tế sinh tại đền Nam Giao: Trời, Ðất, các Thần Linh và các Tiên Hoàng mỗi Thần đều nhận phần sinh lễ. Người ta phân biệt năm loại sinh lễ: nghé, hương trầm, Ngọc và lụa, trầu và rượu.
Dâng lễ rồi, hoàng đế qùy gối và lắng nghe bài kinh cầu Trời và Ðất. Tiếp đến, người ta chia phần ”phúc tửu” và ”phúc huyết”. Nghi thức cuối cùng của Lễ tế Nam giao là thiêu đốt các lễ vật.
Không kể những điều quan sát ở trên, chúng ta xác nhận rằng phần đông các tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này, đều nghĩ rằng: Ông Trời, Tiên (Thiên nói theo kiểu Việt Nam) hay ”Xang Ti”, là Thiên Chúa Ngôi vị, Chúa của Tầng Trời (Ciel matériel). Như vậy khi nhìn lại quá khứ, thì trái với thái độ vô thần của các nhà Nho (lettrés) Trung Hoa và Việt Nam, và trái với ý kiến của các cha Thừa Sai Ba lê, các cha dòng Ðaminh và các cha Phanxicô là những người chủ trương rằng từ Tiên không chỉ cái gì khác ngoài Trời vật chất và hữu hình, hay có cao hơn, là Nguyên lý của vũ trụ, các cha dòng Tên lại có lý khi chủ trương hai từ ”Tiên” và ”Xang Ti” là chính Thiên Chúa mà người kitô hữu tôn thờ (9).
Ba thế kỷ sau, nhiều tác giả lại nghiên cứu thêm ý niệm về trời và họ công nhận ý kiến của các Cha dòng Tên đã nói vào cuối thế kỷ XVII. Cha Wieger dòng Tên, đã dựa trên những cuộc Ðàm Ðạo giữa hoàng đế Chung Ni (Chounn) và các bộ trưởng của Hoàng đế là U và Cao Du (Kao You) năm 2002 trước Chúa Giêsu, quả quyết rằng: Trời mà người Trung Hoa thời xưa nói tới thì đối với họ là ”Hữu thể ngôi vị và thông minh” (Être personnel et intelligent), một ”Tôn Sư Hoàn Vũ” (Maitre Universel). Các cha Cadière và Souvigné thuộc Hội Thừa Sai Paris, các cha John Wu, F. Houang, Trần Văn Hiến Minh, Ðỗ Ðình, đều có chung một ý kiến với cha Wieger (10).
Trong những điều kiện này, nếu chúng ta bỏ qua các Nghi Lễ Thờ Trời (Rites du Culte du Ciel), được trình bày rõ ràng và sống động trong Lễ Tế Nam Giao, thì chúng ta có thể nói rằng quan niệm ”Ông Trời” của người Việt Nam nói chung, trừ những người không tin vào Thượng Ðế, bao gồm những yếu tố có thể được coi như những giá trị tiền kitô giáo.
2. GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO CỦA ÐẠO THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Vậy, theo cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo, có gì là ”thật và thánh” trong đạo thờ cúng Tổ Tiên. Giống như việc thờ Trời, việc Thờ cúng Tổ Tiên đã là đối tượng sôi nổi chia rẽ dư luận vào cuối thế kỷ XVII. Người ta nhớ rằng các Cha Dòng Tên đã chủ trương việc Thờ Cúng Tổ Tiên, mặc dầu bên ngoài có vẻ tôn giáo, chỉ là một hình thức tỏ lòng thành kính thuần túy dân sự thôi, để chứng tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với các tổ tiên và cha mẹ đã qua đời. Lập trường này được các nhà trí thức Trung Hoa thời xưa và một số trí thức Việt Nam ngày nay đồng thuận.
Riêng các cha Thừa Sai Paris, các cha Phanxicô và các cha Ðaminh chủ trương ngược lại rằng: Việc Thờ Cúng Tổ Tiên hội đủ các khía cạnh tôn giáo trong sự tin tưởng rằng người chết vẫn còn sống giữa những người còn sống và trong các nghi lễ đậm mầu sắc văn hóa. Những nghi thức này được bày tỏ ra trong các thể chế gia đình và xã hội, tại Trung Hoa và Việt Nam.
Chúng ta biết rằng đức giáo hoàng Clementê XI ra sắc lệnh ngày 20.11.1704, chấm dứt ”Mọi tranh luận về Nghi Lễ” và cấm người công giáo không được dâng lễ vật thờ cúng tổ tiên dù tại đình chùa hay tại tư gia, cấm không được giữ các Bài Vị của người quá cố. Trong hiến chế ”Ex Illa”, ra ngày 19.03.1715, Ngài còn nhắc lại những điều cấm này và truyền cho mọi Thừa Sai phải thề với các Ðại Diện Tông Toà mà họ trực thuộc. Ðức giáo hoàng Clementê XII, lại ra đoản sắc ngày 26.09.1735, và đức Bênêditô XIV, trong sắc chỉ ”Ex Quo Singulari”, ra ngày 11.07.1742, duy trì những điều cấm của các vị tiền nhiệm.
Tuy nhiên Thánh bộ truyền Giáo, trong Huấn Thị ra ngày 8.12.1939, được đức Piô XII chuẩn y, đã coi là ”hợp pháp và xứng đáng, việc cúi đầu kính bái và những hình thức khác tỏ lòng thành kính dân sự trước người quá cố hay trước di ảnh của họ hoặc trước bài vị ghi Danh họ”.
Ngày nay, việc Thờ Cúng Tổ Tiên đã được phép với điều kiện là chỉ ở trong những cử chỉ thuần túy dân sự tỏ lòng kính mến đối với các Tổ Tiên và với Cha Mẹ đã qua đời. Dĩ nhiên những nghi lễ này phải được tẩy sạch mọi hình thức tín ngưỡng, mọi dấu chứng dị đoan và ngẫu tượng.
Ðể tránh mọi ngờ vực, cách chung, người Công Giáo Việt Nam không lập bàn thờ Tổ Tiên và bày Bài Vị của họ trong nhà. Nhưng người công giáo trung thành với những việc tưởng nhớ đạo đức đến người quá cố, bằng các họp nhau lại đọc kinh hay dâng lễ cầu cho sự an nghỉ muôn đời của người quá vãng.
Như vậy vừa cứu vãn sự tinh tuyền của đức tin vừa kính trọng việc tỏ lòng thành kính đối với các bậc Tổ Tiên và các bậc Phụ Mẫu đã từ trần. Tuy nhiên tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội không có nghĩa là phải có sự đồng điệu (uniformité) về mọi phong tục và truyền thống của các dân tộc. Do đó :”Giáo Hội chân thành coi trọng những cách sống và những hành sự, những quy luật và những học thuyết, cho dù rất khác với những quan điểm Giáo Hội chủ trương và đề nghị, thường đem lại những tia sáng của Chân Lý vốn chiếu soi mọi người” (NK 2)
1. Cốt tủy của đạo thờ Tổ Tiên: Ðức Hiếu Thảo
Quy luật xinh đẹp nhất của việc Thờ Cúng Tổ Tiên là Ðức Hiếu Thảo. Theo truyền thống Trung hoa - Việt Nam, đó là một nhân đức căn bản làm nền cho toàn thể gia đình và xã hội. Trái lại ”bất hiếu” bị coi như một trọng tội. Linh mục Lưu Tiên Sang (Lou Tseng Tsiang) cũng gọi là cha Pierre Célestin, viện phụ XXI với danh hiệu là Thánh Phêrô Cả của Tu viện thánh André les Bruges, đã định nghĩa một cách sáng suốt đức hiếu thảo bằng những từ ngữ như sau:
”Mỗi người nối kết lại luôn mãi với cha mẹ mình bằng gốc rễ sống động nào? Mỗi thế hệ ngụp lặn vào các thế hệ tiền sinh bằng gốc rễ sống động nào?
”Chúng ta nối kết lại với những tác nhân của thế hệ chúng ta bằng Ðức Hiếu Thảo.
”Ðức hiếu thảo cốt tại việc ý thức sáng suốt về nguồn gốc của chúng ta, về những thiện hảo biến chúng ta thành người hữu ích, về quy chế vĩnh tồn mà chúng ta lãnh nhận từ nguồn gốc, về những quyền lợi và trách nhiệm mà nguồn gốc trang bị cho chúng ta. Ðức Hiếu Thảo đòi hỏi chúng ta phải sống trung thành mãi với quy chế này.”
”Quy chế này, những bổn phận và những quyền lợi này thì tương ứng với chính những thiện hảo mà cha mẹ chúng ta đã đem lại cho chúng ta”.
”Bổn phận đầu tiên và thường kỳ nhất là biết ơn cha mẹ chúng ta: Thiếu lòng biết ơn này, chúng ta sẽ quên chúng ta là ai và chúng ta sẽ cam chịu tình trạng vô ý thức và không có khả năng đền trả. Ðiều đó dẫn chúng ta đến chỗ suy thoái”.
”Ðức hiếu thảo là nền tảng của mọi sự trọn hảo luân lý, là nguồn suối của mọi sung mãn và không một hành động nhân bản nào của chúng ta thoát khỏi quy luật của đức hiếu thảo. Dù ở trường họp nào, mọi người đều buộc phải dựa theo và thực hành luật đức hiếu thảo”. (11)
2. Hiếu Thảo là kính trọng và vâng lời Cha Mẹ.
Ðức Hiếu Thảo hay món nợ biết ơn mà mọi người vướng phải khi sinh ra, cốt tại cái gì? Nó được tóm lược trong huấn giới của Ðức Khổng Tử: Con cái phải yêu mến và tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống và khi các ngài đã qua đời. Bao lâu cha mẹ còn sống, con cái phải kính trọng và làm cho các ngài được hãnh diện. Sau khi cha mẹ chết, con cái phải sốt sáng tưởng nhớ và thờ kính các ngài.
Chúng ta đọc lại đoạn đầu cuốn Luận Ngữ, đức Khổng nói với Hữu Tử (Louen Yu): ”Ai Kính trọng cha và mẹ và bậc anh chị thì họa lắm mới trái nghịch với bề trên. Ðã không ưa trái nghịch với bề trên, lại thích gây những cuộc phản loạn, người như vậy, Ta chưa từng thấy. Cho nên người quân tử chuyên chú vào việc gốc. Cái gốc được vững tốt, tự nhiên đạo lý bắt từ đó mà sinh ra. Vậy làm người mà biết gìn giữ đức hiếu, đức đễ chính là biết nắm lấy cái gốc đó” (Ch.1,2) (12)
Ðức Khổng Tử còn nói: ”Kẻ đệ tử khi vào thì thảo với cha mẹ, khi ra thì kính anh chị và người lớn tuổi” (ch.1,6).
Những huấn giáo này của đức Khổng Tử nào không gần sát với luân lý kitô giáo sao? Thánh Kinh có nhiều quy định liên hệ đến sự kính trọng cha mẹ, với lời hứa sống lâu và hạnh phúc cho những tôn kính cha mẹ.
Sách Xuất Hành viết: ”Tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi để ngươi được sống lâu trên phần đất mà Giavê, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (20,12)
Chúng ta cũng đọc thấy lời dạy như vậy trong Phúc Âm thánh Mathêô. Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có đến hỏi Ngài cho biết phải làm gì để được sự sống đời đời: ”Bạn hãy tôn kính cha bạn và mẹ bạn” (Mt 19,19).
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Ephêsô: ”Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong Thiên Chúa: Ðiều đó là phải lẽ. Tôn kính cha mình và mẹ mình đó là giới răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể được sự lành và sống lâu trên cõi đời” (Ep 6,1-3).
Tuy nhiên nếu người con hiếu thảo được hưởng lời hứa, thì người con thiếu lòng hiếu thảo sẽ bị phạt nặng. Sách Xuất Hành dự liệu: ”Ai đánh đập cha mình hay mẹ mình thì phải án tử. Ai nói những lời ngỗ nghịch với cha mình hay mẹ mình thì cũng phải chết” (21,15 và 17). Sách Lêvi ra hình phạt tương tự cho những ai lăng nhục cha mẹ: ”Ai nguyền rủa cha mình hay mẹ mình tất phải chết. Bởi vì họ rủa cha mình hay mẹ mình, thì máu của họ đổ xuống trên chính mình họ” (20,9).
Nếu sách Cách Ngôn của vua Salomon không ám chỉ đến hình phạt, thì lại phủ trên con bất hiếu bao nhiêu lời chúc dữ: ”Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ là đứa con bất xứng và ô trọc” (19,26); “Kẻ rủa cha rủa mẹ, sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm” (22,20).
Phúc Âm thánh Mathêô lấy lại những quy luật luân lý cổ thời. Khi những người Biệt Phái và Ký Sự hỏi Chúa Giêsu về những tập tục do thái, Chúa trả lời: ”Tại sao các ông lại lỗi giới răn Thiên Chúa viện cớ là để giữ tập truyền? Thiên Chúa phán hãy thảo kính cha mẹ và ai nguyền rủa cha mẹ thì phải chết. Nhưng các ông lại nói: ”Hễ ai thưa cùng cha mẹ rằng: Những gì tôi có thể giúp cha mẹ, tôi đã dâng cho Chúa cả rồi, thì người ấy không buộc phải thảo kính cha mẹ nữa. Như thế là các ông đã xóa bỏ lời Thiên Chúa vì tập truyền của các ông” (15,3-6).
Như chúng ta thấy, luật do thái nghiêm trị những đứa con nguyền rủa cha mẹ. Luật vua Gia Long lấy lại những tập tục ngàn năm của Trung Hoa cổ xưa, cũng mang tính cách nghiêm nghị như vậy.
Khỏan 288 của Luật Gia Long quy định rằng: ”Phàm mắng ông bà, cha mẹ và thê thiếp mắng ông bà, cha mẹ chồng thì đều bị treo cổ” (Hoàng Việt Luạt Lệ, quyển 16, Ð.6, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, tập V. Hànội, 1994)
3. Hiếu thảo là phụng dưỡng và chịu tang cho Cha Mẹ
Con cái phải làm gì để chứng tỏ đức hiếu thảo đối với cha mẹ? Việc nuôi nấng cha mẹ, bảo dưỡng cha mẹ có phải là bổn phận thứ nhất? Ðức Khổng Tử xem ra lại xếp xuống bậc thứ hai. Khi Tử Du (Tseu-Yeou) hỏi Ngài: ”Ðức Hiếu thảo là gì?”, Ngài trả lời :”Ðời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ, thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng những thú như chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác chi nuôi thú vật đâu?” (Ch.II,7).
Ðiều làm cho cha mẹ vui mừng và hạnh phúc khi còn sống, chính là những đứa con biết lắng nghe, vâng lời và không cãi lời cha mẹ, không làm cha mẹ lo buồn điều chi. Khi Mạnh Ý Tử (Meng Yi) hỏi Ngài ”Hiếu thảo là gì?”, Ngài trả lời: ”Làm con chớ nên trái ngược”. Sau đó Phàn Trì (Fan Tch'e) hỏi ngài rằng :”Như vậy nghĩa là gì?”, Ðức Khổng tử nói với Phàn Trì: ”Mạnh Tôn (Meng Soen) có hỏi ta về đạo hiếu, ta đáp rằng :”Làm con chớ nên trái ngược” (Ch. II,5).
Tuy nhiên con cái có thể kính trọng cha mẹ vì những ích lợi của cha mẹ không? Ðức Khổng Tử nói: ”Làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ óan hờn” (Ch IV,18).
Lời dạy của đức Khổng tương tự với những lời sách Cách Ngôn của vua Salomon: ”Hỡi con hãy nghe lời huấn dục của cha, đừng khinh rẻ giáo huấn của mẹ. Ðó chính là triều thiên duyên dáng trên đầu con, là kiềng vàng đeo nơi cổ con” (1,8). ”Hỡi con hãy giữ lấy lời huấn dục của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ. Hãy luôn gắn chúng nơi lòng và cột chúng nơi cổ” (6,20).
Trong thư gởi giáo đoàn Colosêô, thánh Phaolô cũng nhắn nhủ những huấn dụ như vậy: ”Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa”. Ngài lại ngăm đe cha mẹ :”Hỡi những người làm cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (3, 20-21).
Nhưng đức hiếu thảo tồn tại mãi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Con cái phải tiếp tục tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài khuất bóng. Bổn phận chính yếu để tỏ lòng biết ơn cha mẹ là chịu tang, thường là ba năm, hay có phong tục rút lại 27 tháng.
Ông Tể Ngã (Tsai Ngo) hỏi đức Khổng Tử về thời gian chịu tang cha mẹ và theo ông chỉ một năm là đủ: ”Cái tang ba năm để cho cha mẹ tưởng thu lại một năm là lâu rồi. Người quân tử trong khi cư tang ba năm ấy mà chẳng tập lễ, thì việc học lễ của mình ắt hư hỏng. Trong ba năm ấy mà chẳng tập nhạc, ắt tài âm nhạc của mình sẽ lụn mất. Vả lại, vừa trọn năm thì lúa cũ đã ăn hết rồi, lúa mới đã gặt xong; những thứ cây giùi để láy lửa trong mỗi mùa đã dùng qua hết rồi. Cho nên để tang giáp năm cũng được rồi”.
Ðức Khổng Tử trả lời: ”Trong khi chưa mãn tang ba năm mà ăn cơm gạo thơm (thay vì gạo thô), mặc áo gấm (thay vì áo gai), thì ngươi có an lòng chăng?” - ”An lòng” - ”Nếu an lòng thì ngươi cứ làm đi. Này, người quân tử cư tang, dẫu ăn thức ngọt cũng chẳng biết mùi vị, dẫu nghe âm nhạc cũng chẳng thấy vui, và người chẳng hề an lòng nơi chỗ mình ở. Cho nên chẳng làm theo lối của ngươi. Nay ngươi an lòng mà làm thì cứ làm đi”.
Ông Tể Ngã lui ra, đức Khổng than phiền với chư đệ rằng: ”Trò Dư (Tể Ngã) là người bất nhân. Người ta sinh ra, ngoài ba năm, cha mẹ mới hết ẵm bồøng. Vậy muốn tỏ lòng biết ơn, cái tang ba năm là tang thông thường của kẻ làm con. Về phần trò Dư, có lẽ trò chẳng được cha mẹ yêu thương trong ba năm chớ gì!” (Ch.XVII,21).
Ðức Khổng Tử còn nói rằng: ”Như ai ở ngôi trên mà chẳng có lượng khoan hồng, hành lễ mà chẳng tỏ vẻ cung kính, đương cơn tang chế mà chẳng đau thương, người như vậy, mắt ta há nhìn họ sao?” (Ch.III,26).
Sách Huấn Ca cũng truyền cho con cái phải tỏ lòng kính trọng và thương tiếc người đã chết: ”Hỡi con, hãy nhỏ lệ khóc thương người chết, hãy ưu phiền cất tiếng ai ca, hãy cất xác chiếu theo tục lệ, trước cái chết đừng ở dửng dưng. Hãy khóc ảo não, hãy cử ai ca, hãy để tang sao cho phải phép, một ngày hay hai kẻo người bêu diễu, đoạn hãy khuây đi, đánh bạt nỗi phiền sầu” (38,16-17).
Ðức khổng Tử truyền dạy phải kính trọng và bảo toàn mọi kỷ vật của cha mẹ: ”Trong ba năm cư tang, không thay đổi trật tự sự vật mà người quá cố đã chưng bày” (IV,20).
4. Hiếu Thảo là nhân đức gồm mọi nhân đức.
Kính trọng cha mẹ đã khuất bóng và chứng tỏ lòng yêu mến đối với họ không chỉ nguyên trong thời kỳ chịu tang, nhưng còn cả trong lòng biết ơn trong nghi thức thờ Tổ Tiên (culte des Ancêtres). Việc tưởng nhớ đến cha mẹ đã chết mà con cái kể như còn hiện diện giữa gia đình, bảo đảm tính cách lâu dài của gia đình và tình liên đới nối kết mọi phần tử trong gia đình.
Ðó là ý nghĩa Ðức Hiếu Thảo theo truyền thống mà dân Việt Nam rất qúy chuộng. Hiếu Thảo không phải duy nhất là luật luân lý truyền buộc những bổn phận của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Các nhà triết học và các nhà luân lý của Trung Hoa cổ thời và những người chú giải Pháp Luật và Truyền Thống Trung Hoa - Việt Nam đều nhất trí nhìn nhận: Ðạo hiếu là nguồn suối mọi nhân đức, bởi nó khai sinh nhiều quy luật chi phối một trật cá nhân, gia đình và xã hội. Ðức Khổng Tử nói: ”Trọng kính cha mẹ và những người lớn tuổi, chính là suối mạch sự thiện hảo”. Mạnh Tử (Mencius) tuyên bố: ”Bổn phận đối với cha mẹ là nền tảng của mọi bổn phận khác”.
Trong các tác giả hiện đại, cha Lưu Tiên Trang (Lou Tseng Tsiang) viết: ”Ðạo Hiếu là nền tảng của mọi trọn hảo luân lý... và không một hành động nhân bản nào của chúng ta lại thoát vòng luật của Ðạo Hiếu”. Cha Cadière phát biểu cũng một ý tưởng như vậy: ”Ðạo hiếu là nhân đức tổng quát bao trùm tất cả các nhân đức khác, chi phối mọi hành vi của con người”. Ðối với luật sư Nguyễn Văn Huyền, ”Sức mạnh của gia đình, nền tảng của xã hội ẩn tàng Ðạo Hiếu”. (13)
Từ đó có thể nhấn mạnh rằng Ðạo hiếu có thể được nhìn nhận như một quy luật phổ quát bao gồm hết mọi nhiệm vụ đối với chính chúng ta, đồng thời các bổn phận mà chúng ta phải hoàn tất đối với cha mẹ, đối với gia đình và đối với xã hội. Vậy quy luật này đòi buộc chúng ta phải sống trọn hảo ngay bản thân để xứng đáng với những người đã cho chúng ta sự sống, giáo dục, văn hóa và hạnh phúc. Tôn kính cha mẹ là trọng chính bản thân chúng ta, những người đồng chủng với chúng ta, và quê hương chúng ta, bởi vì khi chu toàn những bổn phận đời sống, chúng ta tôn kính cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Chúng ta khinh bỉ cha mẹ khi miệt thị những người sống chung quanh chúng ta và sống dưới ảnh hưởng của chúng ta.
Ðức Khổng tử cho chúng ta những gương mẫu thật tuyệt vời về đức hiếu thảo. Ông Tử Hạ nói rằng: ”Người nào biết đổi bụng háo sắc ra làm bụng mộ người hiền, đem hết sức mình mà thờ cha mẹ, liều thân mình mà phụng sự quốc trưởng, giao tiếp với bằng hữu thì ăn nói thật tình, người như vậy, dẫu ai nói rằng chưa học văn chương đạo lý, chớ tôi nói rằng đã có học rồi đó” (Ch I,7).
Có người hỏi đức Khổng Tử rằng: ”Sao Ngài không ra làm quan, làm việc chính trị?”. Ðức Khổng Tử đáp rằng :”Kinh Thơ có nói về đức Hiếu, ngươi có biết chăng? Kinh thơ nói rằng: ”Duy kẻ nào hiếu với cha mẹ, thuận với anh em, mới thi hành chính trị từ nơi nhà mình”. Ðó cũng là làm việc chính trị rồi. Ðợi chi tới làm quan mới làm chính trị” (Ch. II,21).
Cuốn Luận Ngữ của đức Khổng Tử lại chẳng gần với cuốn Cách Ngôn của vua Salomon đó sao? ”Ðứa con ngoan làm cha mẹ hoan hỉ, đứa con dại làm cha mẹ đau buồn” (10,1). ”Con có thể là niềm vui của người cha, niềm hoan lạc của người sinh ra con” (23,25).
5. Phần thưởng bội hậu cho người hiếu thảo.
Phần thưởng dành cho những ai có đức Hiếu Thảo thật lớn lao. Sách Huấn Ca cho chúng ta thấy sự Khôn Ngoan của Ben Sira: ”Hỡi các con, hãy nghe lời nghiêm phụ, hãy xử sự sao để được độ sinh. Vì Chúa đặt vinh dự của cha ở trên con cái và để quyền mẹ vững cãi lướt hẳn đàn con. Kẻ tôn kính cha được xá lỗi lầm, và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng. Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, và vào ngày khẩn nguyện sẽ được nhậm lời. Kẻ trọng quý cha sẽ được sống thọ. Người an ủi mẹ sẽ giầy công nơi Chúa. Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha. Nó sẽ làm tôi các bậc sinh thành như chủ của nó. Bằng việc làm và lời nói, con hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu mọi chúc lành đổ xuống trên con. Vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây” (3,1-13). Như vậy gia đình trung hoa - việt nam, theo những nguyên tắc và quy chế thiết lập như phản chiếu hình ảnh của gia đình Nagiarét nơi Chúa Giêsu đã làm gương về sự tôn kính và chịu lụy cha mẹ người, thánh Giuse và đức Maria: ”Chúa Giêsu trở về Nagiarét với cha mẹ, Ngài vâng phục cha mẹ. Mẹ Ngài ghi giữ mọi điều trong lòng. Còn Chúa Giêsu, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,51).
IV. NHỮNG GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO
CỦA ÐẠO KHỔNG
Toàn bộ triết học luân lý của đức Khổng Tử được xây trên hai nhân đức căn bản, gắn bó với nhau, bổ túc cho nhau: Nhân (bonté, Jen) và Nghĩa (justice, Yi).
NHÂN VÀ NGHĨA
1. Nhân là gì?
Ðức Khổng Tử khẳng định: ”Người chuyên tâm sống nhân đức thì không ghét bỏ ai” (Ch IV,4).
Người ta kể giai thoại này: Phan Trì (Fan Tch'e) hỏi Thầy: ”nhân là gì?” - Thầy đáp: ”Là yêu người”. Phan Trì hỏi: ”Trí là gì?” Thầy đáp: ”Là Biết người”. Phan Trì không hiểu thấu. Ðức Khổng Tử giải rằng: ”Cử người chính trực, bỏ kẻ vong vạy, với phương pháp ấy, người ta có thể khiến kẻ cong vạy hóa ra chính trực”. Phan Trì lui ra, đến viếng Tử Hạ (Tseu Hia) nói rằng: ”Trước đây tôi có viếng Thầy mà hỏi về trí, Thầy đáp: ”Cử người chính trực, bỏ kẻ cong vạy. Với phương pháp ấy, người ta có thể khiến kẻ cong vạy hóa ra chính trực. Thầy nói vậy có ý nghĩa gì?”. Ông Tử Hạ Ðáp rằng: ”Lời nói ấy ý nghĩa rộng thay! Kìa vua Thuấn (Chouen) khi có thiên hạ tức là ở ngôi Thiên Tử, thì ngài tuyển chọn trong dân chúng, cử dùng ông Cao Dao (Kao Yao), những kẻ bất nhân đều tránh xa. Kế vua Thành Thang (T'ang) khi lên ngôi Thiên Tử, thì ngài tuyển chọn trong dân chúng, cử dùng Y Doãn (Yi Yin), những kẻ bất nhân đều tránh xa” (Ch IV, 21)
Nghĩa là gì?
Về nghĩa hay công bình (Yi), đức Khổng Tử cắt nghĩa bằng những châm ngôn này: ”Người quân tử làm việc gì cũng lấy nghĩa làm gốc” (Ch XV, 17). ”Người quân tử làm việc không theo thành kiến, hễ việc gì hợp nghĩa thì làm” (Ch IV, 10).
Ðức Khổng Tử còn đưa ra một thí dụ: ”Khi trong nước còn yên ổn (còn nghĩa), ông Ninh Võ Tử (Ning Wou) là người trí. Khi trong nước loạn lạc (mất nghĩa), ông biến thành người ngu. Chỗ trí của ông ấy người ta còn theo kịp, chứ chỗ ngu của ông, không ai theo kịp” (Ch V,20).
Nhân (Jen) và Nghĩa (Yi) xây nên nền tảng của luân lý khổng giáo. Hai nhân đức thật rõ ràng trong Phúc Âm thánh Mathêô: ”Khốn cho các ngươi, các văn sĩ và biệt phái giả hình, vì các ông nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật và sự công bình, lòng thương xót và đức trung tín; đó là những điều ai cũng phải thực hành, mà vẫn không được bỏ các điều kia” (23,23)
Nhân và Nghĩa phải được thể hiện ra bằng cả lời nói lẫn việc làm. Việc thực hành về hai nhân đức này có thể được tóm tắt lại trong những giới luật sau đây: ”Ðiều gì mình không muốn người ta gia (làm) cho mình, thì mình cuơng đừng gia cho người ta” (Ch. V, 11)
Ông Trọng Cung (Tchong Kong), học trò cao đệ của đức Khổng hỏi ngài về đức nhân. Ðức Khổng Tử đáp rằng: ”Khi ra khỏi nhà, mình phải giữ cho nghiêm trang, kính cẩn dường như sắp gặp khách quý. Khi sai dân làm việc công, mình sốt sáng thận trọng dường như thừa hành một cuộc cúng tế lớn. Trong nước chẳng ai oán mình; ở nhà chẳng ai ghét mình. Ðó là hạnh của người nhân” (Ch. XII,2).
Chúng ta đọc thấy một lời dạy tương tự trong Phúc Âm thánh Mathêô và thánh Luca: ”Cũng vậy, tất cả những điều gì các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi, thì chính các ngươi phải làm những điều đó cho người ta. Ðó là tất cả Luật Pháp và các Tiên Tri” (Mt 7,12; Lc 6,31).
Về điểm này sách Luận Ngữ có thể cung ứng nhiều điều tương giống không? Có chứ!
Ðức Khổng Tử gọi tên thiệt của ông Tăng Tử (Tseng) mà nói rằng: ”Sâm ơi, Ðạo ta là do một lẽ mà suốt thông tất cả”. Ông Tăng Tử đáp “Dạ”. Khi đức Khổng ra rồi, chư môn đệ của ngài bèn hỏi ông Tăng Tử rằng: ”Thầy dạy như vậy là nghĩa gì?”. Ông Tăng Tử đáp: ”Ðạo của Thầy chỉ gom vào cái đức trung thứ mà thôi”. (Ch. IV,15).
Ông Tử Cống (Tseu Kong) hỏi đức Khổng Tử: ”Ví như có người thi ân bố đức cho khắp cả dân gian, lại hay cứu tế cho đại chúng, thì nên nghĩ cho người ấy ra thế nào? Có nên gọi là người nhân chăng?”. Ðức Khổng Tử đáp: ”Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Ắt gọi là bậc thánh mới xứng. Vua Nghiêu vua Thuấn cũng khó mà làm xong những việc ấy. Này, người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo mà thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt, thì cũng lo làm cho người thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người xung quanh mình thế ấy. Ðó là những phương pháp phải thi hành để trở nên người nhân đức vậy” (Ch. VI,28)
CAO ÐẸP CỦA NHÂN VÀ NGHĨA
1. Tư cách cao đẹp của người ”Nhân”.
Theo Khổng Tử, người nhân chỉ nghĩ đến người khác và không tìm ích lợi riêng cho mình. Ngài dạy: ”Kẻ nào nương theo lợi mà thi hành, ắt có nhiều oán thù” (Ch. IV,12).
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo dân Corintô không nói gì khác hơn: ”Ðừng ai lo tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng ích lợi cho người khác” (1Cr 10,23).
Lòng nhân của khổng giáo thì loại bỏ hết mọi mối hiềm thù. Ðức Khổng Tử nói: ”Ông Bá Di (Po Yi) và ông Thúc Tề (Chou Tsi) không nhớ đến việc xấu đã qua của người, cho nên ít ai oán ghét hai ông ấy” (Ch. 522).
Theo sách Huấn Ca: ”Oán hận, giận hờn, thảy là quái gở. Kẻ có tội là chủ nhân những điều xấu đó” (27,30).
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Êphêsô: ”Anh chị em hãy trừ diệt khỏi mình anh chị em mọi gay gắt, mọi tức giận, mọi căm phẫn, mọi riếc mắng, mọi chửi rủa và mọi thứ gian ác. Trái lại hãy ăn ở hiền lành, hoà nhã với nhau. Hãy tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa, vì Ðức Kitô, đã tha thứ cho anh chị em vậy” (4,31-32).
Người có lòng nhân phải tỏ ra nhân hậu không những trong việc làm, mà còn cả trong lời nói. Ông Tăng Tử tự nhủ: ”Hằng ngày ta hãy xét mình về ba điều này: 1) Làm gì cho ai, ta có hết lòng hay chăng? 2) Kết giao bằng hữu, ta có giữ tín thật hay chăng? 3) Ðạo lý do thày truyền dạy, ta có tập hay chăng?” (Ch. I,4).
Lòng chân thực, lương thiện và thật thà là những đức tính cốt yếu của người có lòng nhân. Ông Phan Trì đã hỏi đức Khổng Tử: ”Lòng nhân là gì?”, Ngài trả lời: ”Khi ở nhà mình giữ gìn dung mạo cho khiêm cung. Khi ra làm việc, mình thi hành một cách kính cẩn. Khi giao thiệp với người, mình giữ dạ trung thành. Dẫu có đi đến đoàn rợ phương Ðông phương Bắc, mình cũng chẳng bỏ ba cái hạnh cung, khiêm và trung ấy. Như vậy là người có đức nhân” (Ch. XIII, 19). Thầy còn bảo: ”Người mà không giữ lời (không tín thật), ta không biết người ấy làm việc gì cho nên được. Ấy cũng như cỗ xe lớn là xe bò mà chẳng có cái nghê, cỗ xe nhỏ là xe ngựa mà chẳng có cái ngột, thì xe làm sao mà đi cho được!” (Ch. II,22).
Ðức Khổng Tử còn lưu ý rằng: ”Hứa nhiều mà làm ít, người quân tử lấy làm hổ thẹn” (Ch. XIV,29).
Những giới luật của đức Khổng Tử quả không xa với giới luật của Phúc Âm: ”Chớ gì ”có” nói ”có”, ”không” nói ”không”! Ðiều gì thêm bớt đều xấu xa” (Mt 5,37).
Sách Huấn Ca cũng lên án những người ba hoa, mách lẻo, nói xấu, đặt chuyện, cãi lộn: ”Ðồ khốn kiếp, lưỡi mách lẻo. Lưỡi mách lẻo đã đầy ải bao người, đã đuổi họ từ nước này qua nước khác, đã phá hủy những thành tŕ kiên cố, đã lật đổ lâu đài nhương kẻ lớn. Lưỡi mách lẻo đã đuổi đi những vợ hiền tài, bóc lột hoa quả do công lao họ” (28,13-15).
Sau cùng, trong Luận Ngữ, đức Khổng Tử ca ngợi hạnh phúc, niềm vui và an bình của người có lòng nhân: ”Người trí ưa nước, người nhân ưa núi, người trí ưa động, người nhân ưa sự yên tĩnh. Bởi vậy cho nên người trí thường được vui sướng, còn người nhân thì sống thọ” (Ch. VI,21). Chỗ khác ngài lại bảo: ”Bậc trí chẳng mê hoặc, nghi lầm; bậc nhân chẳng lo rầu; bậc dõng chẳng sợ sệt” (Ch. IX,27)
Bài giảng trên núi lại chẳng công bố những Phúc Thật đó sao? ”Phúc cho kẻ dịu dàng, phúc cho người hay thương xót, phúc cho kẻ có lòng thanh sạch, phúc cho kẻ yêu chuộng hòa bình!” (Mt 5,3-9).
Sách Cách Ngôn của vua Salomon tuyên bố: ”Duyên của một người là lòng nhân” (19,2). ”Lòng nhân và đức trung tín canh phòng bên vua, và ngài bảo vệ ngai vàng lòng nhân nghĩa” (20,28).
Riêng sách Huấn ca lại vinh thăng đức Bác Ái: ”Nước giập tắt lửa cháy, làm phúc xá tội khiên. Ai rộng lòng làm phước, chuẩn bị cho tương lai. Gặp ngày bị sa ngã, sẽ tìm được sự đỡ nâng” (2,30-31?).
2. Tư cách cao đẹp của người ”Nghĩa”.
Ðức Khổng Tử không chỉ ca ngợi người nhân, ngài còn khen lao ngừơi nghĩa, kẻ công chính: ”Ngay thẳng thay quan sử Ngư (Yu)! Trong khi nước nhà được thái bình, ông vẫn ngay thẳng như mũi tên. Trong khi nước nhà phải loạn lạc, ông cũng vẫn ngay thẳng như mũi tên. Quân tử Cừ Bá Ngọc (K'iu Po Yu)! Lúc nước nhà được thái bình thì ông làm quan, lúc nước nhà phải loạn lạc thì ông thối lui, đi ẩn dật với thân thế và đạo đức” (Ch. XV,6).
Sách Cách Ngôn của vua Salomon cũng nói như vậy: ”Dự tính của người công chính là công bằng, mưu đồ của kẻ gian ác là lừa đảo” (12, 5). ”Công chính làm lớn dậy cả một dân tộc, nhưng tội lỗi là nỗi sỉ nhục của chư dân” (14,30).
Phúc Âm thánh Mathêô công bố những mối phúc thật ”của kẻ đói khát sự công chính” và của ”những người bị bách hại vì lẽ công bằng” (Mt 5,6-10). Còn Thánh Vịnh lại khen lao công đức của người nhân hậu và người công chính: ”Người nhân động lòng trắc ẩn, hành động theo lương tâm. Người công chính không bao giờ lao đao, ngập ngừng, họ được muôn đời ghi nhớ” (Tv 31,5-7).
3. Tứ hải giai huynh đệ.
Khi xây dựng nền Triết học luân lý của ngài trên hai đức Nhân và Nghĩa hay trên Lòng Từ Nhân và Lẽ Công Chính (la bonté et la justice), đức Khổng Tử ca khen Tình Huynh Ðệ của loài người: ”Bậc quân tử lúc nào cũng thành kính tự tu, không phạm điều lỗi lầm. Ðối với người thì giữ khiêm cung và giữ hợp lẽ. Người ta trong bốn bể đều là anh em với mình hết. Vậy bậc quân tử cần chi phải lo ngại chẳng có anh em” (Ch. XII,5).
Ðạo Khổng và Kitô giáo lại gặp nhau thêm nữa trong phạm vi này. Khi nói với người Biệt phái và các văn sĩ, Chúa Giêsu đã đề cao Tình Huynh Ðệ liên kết mọi người: ”Phần các ngươi, các ngươi đừng để ai gọi mình là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy và tất cả các ngươi là anh em với nhau” (Mt 23,8).
V. NHỮNG GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO CỦA ÐẠO LÃO
Học thuyết tu đức mà Lão Tử (Lao Tseu), Trang Tử (Tchouang Tseu) và Liệt Tử (Lie Tseu) giảng dạy, cốt tại việc thực hành hai nhân đức vốn được đề cao trong Kitô giáo, là đức Khiêm Nhường và đức Khó Nghèo.
ÐỨC KHIÊM NHƯỜNG
1. Khiêm nhường để kết hợp mật thiết với Ðạo.
Chính khi biết tự hạ mà Lão Tử đã sống kết hợp mật thiết với Ðạo (Tao). ”Ðạo Lớn tràn lấp, bên phải bên trái. Vạn vật nhờ Ðạo mà sinh ra, mà không một vật nào bị Ðạo khước từ, Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài, mà không làm chủ. Thường không ham muốn, nên có thể gọi tên là Nhỏ. Ðược muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là Lớn. Bậc Thánh Nhơn cho đến ngày cùng, không cho mình là lớn. Cho nên mới thành được việc lớn của mình” (Ch. XXXIV) (14).
Chỗ khác Lão Tử dạy: ”Bậc Thượng Thiên giống như nước, nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều ghét, nên gần với Ðạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu. Xử thế thì thích dùng đến lòng nhân. Nói ra thì trung thành không sai chạy. Sửa trị thì chịu làm cho được thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng. Cử động thì hợp với thời buổi. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi” (Ch.VIII).
Sau cùng, vì ”trở lại là cái động của Ðạo, yếu mềm là cái dụng của Ðạo” nên ”trong khi vạn vật dưới trời sinh ra nơi ”Có”, và ”Có” lại sinh ra từ nơi “Không”(Vạn vật luôn luôn tự giảm để trở về với tính cách đơn thuần nguyên khởi) (Ch. 40).
Vậy lòng khiêm tốn trong đạo Lão cốt tại do bắt chước lòng khiêm tốn của Ðạo. Thực tế, lòng khiêm tốn ấy rất gần với đức khiêm nhường trong Kitô giáo. Người kitô hữu noi gương Ðức Kitô mà sống khiêm nhường, như chính Ngài đã kêu gọi: ”Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và an ủi. Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học với Ta, vì Ta có lòng nhân từ và khiêm nhường, như thế anh em sẽ được bình an trong tâm hồn” (Mt 11,28-29).
Thánh Phêrô đã viết cho các tín hữu: ”Anh chị em hãy ăn ở khiêm tốn với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Hãy hạ mình xuống dưới cánh tay uy quyền của Chúa, để Chúa tôn anh chị em lên trong ngày thuận tiện” (IPr 5,5-6).
Ðâu là những quy luật hạnh kiểm mà một Hiền Nhân trong đạo Lão phải sống theo gương Ðạo? Lão ử dạy chúng ta rằng nhân đức lớn nhất chính là hãy nên giống trẻ nhỏ: ”Kẻ mà Ðức dầy, giống như con đỏ, độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, ác điểu không xớt” (Ch. LV).
Phúc Âm theo thánh Mathêô cũng dạy chúng ta về sự cao cả của tuổi thơ. ”Khi các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?, Chúa liền gọi một em nhỏ lại, cho ngồi giữa các ông và bảo: Thật, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Còn ai đón tiếp một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,1-5)
2. Tự Hạ sẽ được nâng lên.
Người Hiền của Ðạo Lão sẽ được nâng lên bởi vì ông đã tự hạ mình xuống. Ông sẽ được tôn vinh bởi vì ông đã tự xóa mình đi. Cuốn Ðạo Ðức Kinh (Tao To King) đan cử cho chúng ta nhiều thí dụ.
Theo gương Trời và Ðất: ”Trời dài Ðất lâu. Trời Ðất sở dĩ dài lâu, là vì không sống cho mình, nên mới đặng trường sinh. Vì vậy Thánh Nhơn, để thân ra sau mà thân ở trước, để thân ra ngoài mà thân đặng còn. Phải chăng vì không riêng tư, mà thành được việc riêng tư” (Ch. VII). Ý tưởng này, chúng ta còn đọc lại một cách khác trong lời dạy: ”Nhón gót lên thì không đứng vững; xoạc chân ra thì không bước được. Tự xem là sáng thì không sáng, tự xem là phải thì không chói, tự xem là có công thí không công, tự kiêu căng thì không đứng đầu” (Ch. XXIV). Chỗ khác nữa, Lão Tử còn khuyên: ”Người khi mới sinh thì mềm yếu; mà khi chết thì cứng mạnh. Vạn vật cỏ cây khi mới sinh thì mềm dịu, mà khi chết thì khô héo. Cho nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sống” (Ch. LXXVI).
Nước cũng cho chúng ta một gương mẫu tuyệt hảo về điểm này: ”Dưới trời mềm không chi hơn nước, không chi hơn đó được, không chi thế đó được. Mềm thắng cứng, Yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai không biết, nhưng không ai có thể làm được” (Ch. LXXVIII).
Liệt Tử phân biệt trong thế giới này thành hai con đường: ”Con đường phục tùng, kính cẩn và con đường bất phục tùng, ngạo nghễ. Các Tiền nhân nhận định về những người đi theo hai con đường ấy như sau: Những người ngạo nghễ thì chỉ được thiện cảm nơi những điều ti tiện nhất; những người kính cẩn làm hài lòng những người trổi hơn họ. Sự ngạo nghễ rất nguy hiểm, bởi vì chỉ gây thù óan; sự kính cẩn lại thật vững chắéc, vì đi đâu cũng có bạn hữu. Người kính cẩn thành công mọi việc, trong đời sống tư cũng như trong đời sống công, đang khi người ngạo nghễ chỉ nếm toàn thất bại” (Liệt Tử, Ch. II. P)
Còn Trang Tử, ông kể lại giai thoại sau đây: ”Ðức Khổng Tử và các môn sinh của Ngài bị giữ lại suốt bảy ngày tại biên giới nước Chân và nước Tề (Tchen và Ts'ai). Thày trò suy nhược gần chết đói. Công tước Jenn đón tiếp Ngài và nói với ngài: ”Ðể tránh đại họa, phải hết sức thực hiện những đức tính hay những tài năng phi thường như ngài đã làm. Cây cao thẳng nhất sẽ bị đốn ngã trước hết. Giếng nào nước ngọt nhất sẽ bị khô cạn đầu tiên. Kiến thức của ngài làm hoảng sợ người ngu đần, ánh sáng của ngài đánh thức những kẻ điên rồ... (Trang Tử, Ch.20,D) (26)
Ðức khiêm nhường lại không được giảng dạy trong Thánh Kinh như một nhân đức lớn đó sao? Sách Huấn Ca khuyên chúng ta: ”Hỡi con, trong giàu có, con hãy ở khiêm hạ, và con sẽ được mến yêu hơn người hào nhoáng. Trong địa vị cao con hãy hạ mình, và trước mắt Chúa con sẽ được muôn đặc sủng. Vì lớn lao thật, quyền năng của Chúa, nhưng người mạc khải bí mật của Người cho kẻ khiêm nhường” (Hc 3,17-20).
Trong Phúc Âm thánh Mathêô, Chúa Giêsu nói với các Văn Sĩ và Biệt Phái: ”Ai lớn nhất trong các ngươi, hãy nên đầy tớ các ngươi. Vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,11-12).
Thánh Luca đã kể lại rằng Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn sau đây dạy về đức khiêm nhường: ”Bấy giờ Chúa Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ”Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đến mời anh phải đến nói: ”Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,7-11).
3. Khiêm nhường là kín đáo, quên mình.
Tuy nhiên người Quân Tử còn phải tỏ ra khiêm tốn hơn thường dân. Mình biết nhiều, làm nhiều đấy, nhưng vẫn kín đáo, quên mình, hầu ”làm khuôn mẫu cho thiên hạ, là khe nước cho toàn dân. Riêng mình thì cứ giữ lấy Ðức, sống đơn sơ như con trẻ (x. Ch. 28). Cũng thế ”Biết mà cho là không biết thì cao, không biết mà cho là biết thì bệnh” (Ch. 71)
Trang Tử phân biệt Thánh nhân với thường dân như sau: ”Thánh hiền khác với thường dân ở chỗ: các ngài ưa thích sự bình thản và tránh cái xáo trộn. Thường dân thì ngược lại, tìm sự nhộn nhịp và trốn sự an bình. Biết mà làm thinh, đó là sự trọn hảo. Biết rồi ba hoa, đó là sự bất toàn. Các Cổ nhân hướng về sự toàn hảo” (Trang Tử, Ch. 32, C)
Riêng ông Liệt Tử lại kể cho chúng ta giai thoại sau đây: Ông Giang Chu (Yang Tchou) cùng với nhiều môn sinh đi đến nước Song và trọ trong một khách sạn. Người chủ khách sạn có hai bà vợ, một xinh đẹp, một xấu xí. Người vợ xấu được mọi người yêu thương và người vợ đẹp bị mọi người đàm tiếu. Ông Giang Chu hỏi một chú giúp việc ”tại sao có chuyện đó”. Chú giúp việc thưa: ”Vì người vợ đẹp làm dáng quá, chúng tôi không ưa. Trong khi người vợ xấu biết mình là xấu, khiến chúng tôi quên cả cái xấu xí của bà. Ông Giang Chu nói với các môn sinh: ”Các trò nhớ kỹ câu chuyện nhé. Là người khôn mà không tỏ ra là mình khôn, đó chính là cái bí quyết để được mọi người quý mến” (Liệt Tử, Ch. 2, O)
Ðức Lão Tử nói: ”Bởi vậy Thánh nhơn biết mình mà không tự xem mình là sáng; Yêu mình mà không qúy mình” (Ch. LXXVII)
Thánh Phaolô cho chúng ta những giáo huấn tương tự về đức khiêm nhường: ”Anh em hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại nhưng hãy ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12,16).
Trong đời sống công khai cũng như trong đời sống riêng tư, đức khiêm nhường cần thiết đặc biệt cho những người có chức phận hướng dẫn dân chúng. Lão Tử tự hỏi ”Tại sao sông và biển có thể làm Vua trăm ngàn thung lũng và hang sâu?”. Rồi ngài trả lời: ”Chính vì chúng tự nguyện đứng dưới thấp hơn mọi thung lũng và hang sâu. Vì thế mọi nước đều cuồn cuộn đổ về chúng”. Rồi Lão Tử nói tiếp: ”Bởi vậy, muốn ngồi trên dân, hãy lấy lời mà hạ mình, muốn đứng trước dân, hãy lấy mình để ra sau. Vậy nên thánh nhơn, ở trên mà dân không hay nặng, ở trước mà dân không thấy hại. Vì thế, thiên hạ không chán, lại còn đẩy tới trước. Bởi đó không tranh, nên thiên hạ không cùng tranh với đó được” (Ch.LXVI).
Trong một Nước cũng vậy: ”Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là chỗ hợp lại của thiên hạ, là giống cái của thiên hạ. Giống cái thường lấy tịnh và chỗ thấp mà thắng giống đực” (Ch.LXI).
Ngày xưa các Thánh Ðế đều khiêm tốn xưng mình bằng những từ ngữ ”Người cô thân độc mã” ”, ”Người vô tài, bất lực”, ”Người vô danh tiểu tốt”. Vì khiêm tốn không làm các ngài hạ giá. Quả như lời Lão Tử: ”Mọi sự trong đời, bớt là thêm, thêm là bớt” (Muốn tăng thêm uy tín, phải tự hạ mình xuống, còn muốn tự cao, tự đại tất bị hạ xuống và thu nhỏ lại) (Ch. XLII).
Thánh Kinh cũng dạy chúng ta như vậy về đức khiêm nhường. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ”Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt. 20,25-28).
Chúng ta cũng đọc thấy trong Phúc âm thánh Macô: ”Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Trước khi đi chịu thương khó Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Vậy ai là người lớn nhất, người ngồi bàn hay kẻ hầu hạ? Phải chăng là người ngồi bàn? Thế mà Thầy, Thầy sống giữa anh em như kẻ hầu hạ” (Lc 22, 27).
ÐỨC KHÓ NGHÈO
1. Khó nghèo là con đường đến với Ðạo.
Như đã đề cao Ðức Khiêm Nhường, Lão giáo còn đề cao Ðức Khó Nghèo. Chính Ðức Khó Nghèo nối kết con người với Thái Cực (Principe) hay với Ðạo. ”Ăn mặc lộng lẫy, đeo đai và kiếm sắc, đồ ăn thức uống dư dật và của cải đầy tràn... đó chỉ là hang trộm cướp (đạo tặc) chứ đâu phải đường của đại Ðạo” (x.Ch. LIII).
Chúng ta cũng gặp những giáo huấn như vậy trong sách Cách Ngôn: ”Thu tập khôn ngoan có giá trị hơn vàng dòng, thu tập hiểu biết qúy hơn tiền bạc” (Cn 16,16). ”Ðừng nhọc công làm giàu, đừng nghĩ tới của bất lương” (Cn 23,4). ”Người nghèo khó đi theo đường công chính đáng qúy trọng hơn người giàu có mà đi theo đường quanh co” (Cn 28,6).
Lời Phúc âm còn nhấn mạnh hơn: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ được, hoặc ghét chủ này thì mến chủ kia, hoặc trọng chủ này thì khinh chủ khác. Các ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc một trật được” (Mt. 6,24).
Thánh Phaolô đã viết cho Timôtê như sau: ”Vậy khi có đủ cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế là đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; Ðó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều gian ác là lòng ham muốn tiền bạc. Vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (ITm 6,8-10).
2. Giàu sang phú qúy là phù vân.
Lão Tử coi giầu sang như một sự hư ảo và phù du mà không có thể bảo toàn lâu dài được: ”Không thể giữ bưng mãi được bình nước đầy, có lúc nó sẽ vơi; Không thể giữ mãi được con dao sắc bén, chầy kíp nó sẽ cùn! Cũng vậy, dùng vàng bạc ngọc ngà chất chứa đầy nhà, chỉ là tự vời kẻ trộm đến. Phú qúy là điều thiên hạ ai cũng muốn, lại còn khoa trương thì không vời họa đến cho mình sao được” (x. Ch. 9: Ôm giữ chậu đầy, chẳng bằng thôi đi; Dùng dao sắc bén, không bén được lâu; Vàng ngọc đầy nhà, khó mà giữ lâu; Giàu sang mà kiêu, tự vời họa ưu) (29)
Phúc Âm nói gì với chúng ta? ”Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Mt 6, 19-21).
Trong Phúc Âm thánh Luca cũng có lời răn truyền như vậy: ”Anh em hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33-34).
Sách Cách Ngôn hoài nghi về thân phận của người giàu: ”Sản nghiệp người giàu, đó là thành lũy của nó: Ðó là một bức tường cao, nó nghĩ như vậy” (Cn 18,11).
3. Cho đi là lãnh nhận.
Ðức nghèo khó sẽ được phần thưởng bội hậu. Càng cho càng giàu. Lão Tử đã khẳng định như vậy trong chương cuối cùng của Ðạo Ðức Kinh: ”Bậc thánh nhơn không thu giữ, càng vì người mình càng thêm có, càng cho người mình càng thêm nhiều, Ðạo của Trời lợi mà không hại, Ðạo của thánh nhơn, làm mà không tranh” (Ch. LXXXI).
Chúng ta nhớ rằng, trong Phúc Âm lời Chúc Phúc đầu tiên, Chúa Giêsu đã dành cho người nghèo: ”Phúc cho những người có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Thánh Luca kể, Chúa Giêsu đã nói với dân chúng dụ ngôn này: ”Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu. Rồi ông ta tự nhủ: Mình sẽ làm thế này, phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Ðồ ngốc! nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,16-21).
Chúa Giêsu còn nói với chàng thanh niên giàu có: ”Nếu bạn muốn nên trọn lành, hãy về bán của cải bạn có, phân phát cho người nghèo, và bạn sẽ được kho tàng Trên Trời, rồi bạn đến và theo Ta” (Mt 19,21).
Như thánh hiền trong đạo Lão, ông Gióp cũng mời gọi chúng ta yêu chuộng khó nghèo và khinh chê giàu sang bằng những lời sau đây: ”Nếu tôi đã đặt bảo đảm của tôi nơi vàng, và nếu tôi nói với vàng ròng: ”Mi là sự an toàn của ta”. Nếu tôi hoan hỉ vì có nhiều tiền của và vì giàu sang do bàn tay tôi tạo nên... thì đó cũng là một lỗi lầm đáng đưa ra toà án, vì tôi đã chối bỏ Thiên Chúa tối cao” (G 31, 24-28).
VI. NHỮNG GIÁ TRỊ TIỀN KITÔ GIÁO
CỦA ÐẠO PHẬT.
Ðiểm đối chiếu cao nhất giữa đạo Phật và Kitô giáo nằm gọn trong cái mà chúng ta gọi là ”Bác ái hay Từ bi của đạo Phật”. Ðức bác ái này được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau theo từng hoàn cảnh và điều kiện sống của con người. Trước tiên là danh từ ”Maitri” có nghĩa là nhân từ, khoan dung, từ bi mà một phật tử thiện tín (Sage boudhiste) đem lại cho tha nhân một cách thành thật và kín đáo.
ÐỨC TỪ BI
1. Giá trị cao vời của đức Từ Bi.
Chúng ta đọc thấy trong cuốn Itivuttaka hay ”Các Truyền Thống của Luật Nam-phạn” (Les Traditions du Canon pâli): ”Hỡi các Tỳ Kheo, vào tháng cuối cùng của mùa mưa thu, mặt trời mọc lên giữa khung trời sáng không một gợn mây, đánh tan mọi bóng tối bao trùm không gian và chiếu sáng rực rỡ huy hoàng. Cũng vậy, hỡi các Tỳ Kheo, mọi phương thế được xử dụng để lập công phúc đạo đức không có giá trị bằng lòng khoan dung, nhân hậu. Lòng khoan dung, sự thanh thóat của tâm hồn không cần đến các phương thế: Chỉ lòng khoan dung mới thực sáng ngời, rực rỡ, và soi chiếu” (15)
Trong bài ca Bác Ái, thánh Phaolô lại chẳng bày tỏ cùng ý tưởng như vậy sao? Ngài viết: ”Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có bác ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi rời non, mà không có đức bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.... Ðức bác ái không bao giờ mất được, ơn nói tiên tri ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn, khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn biến đi... Hiện giờ đức tin, đức cậy và đức ái, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức ái” (1Cr 13,1-13).
2. Từ bi là sự thanh tịnh của tâm hồn.
Ðạo Phật cũng tìm sự thanh tịnh của tâm hồn trong Bác Ái. Tại tu viện Anathapindika, trên vườn cỏ Jeta, Ðức Phật Cồ Ðàm (Bouddha Gautama) đã kể cho các Tỳ Kheo dụ ngôn về tấm vải như sau: ”Hỡi các Tỳ Kheo, cũng như một tấm vải tinh tuyền và sạch sẽ mà người thợ nhuộm dúng vào bất cứ mầu nào, xanh, vàng, đỏ, cam, thì tấm vải cũng mang mầu sạch sẽ và tinh trong. Tại sao vậy? Hỡi các Tỳ Kheo, bởi vì tự chính vải đã sạch sẽ. Cũng vậy, hỡi các Tỳ Kheo, khi tâm hồn trong sạch, tâm hồn sẽ hưởng bao nhiêu thành quả phúc hậu” (16)
3. Từ bi là lòng trắc ẩn.
Trong đạo Phật, trổi vượt hơn đức bác ái (charité) là lòng trắc ẩn, thương xót và nhân từ (compassion, pitié, miséricorde) đối với hết mọi loài thọ sanh, nhất là đối với những chúng sinh sống trong đau khổ và khốn cùng. Hình thức bác ái này gọi là từ bi (Karuna) hay đại từ bi (Karuna-bhavana). Chính Ðức Phật đã làm gương về đức từ bi: ”Ngài rất động lòng trắc ẩn; không một sinh vật nào đã bị thương tổn bởi người mang mão giáp là lòng từ nhân” (Tương quan sưu tập của Tripitaka hay Trois Corbeilles) (17).
Những ”Trọn hảo của sự Khôn ngoan” (Prajnaparamita) nói rằng: ”Không cần phải dạy cho các Bồ Tát (Bodhisavattva) nhiều giới luật. Chỉ có một giới luật bao gồm mọi giới luật: Khi một Bồ Tát có lòng trắc ẩn vô lường, tức là ngài đã có đủ mọi điều kiện mang đặc tính Phật đà, cũng như ai có giác quan sinh lực (sens vital) thì nơi họ mọi giác quan đều vận hành” (18).
Lòng trắc ẩn của đạo Phật làm chúng ta nghĩ đến những huấn giới mà Chúa Giêsu để lại: ”Phúc cho những ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Trong suốt đời sống của Ngài, Ngài đã tỏ ra giầu lòng trắc ẩn và nhân từ đối với những người khóc lóc và khổ đau. Nhìn thấy người cùi đến kêu xin Chúa Giêsu ”đã động lòng trắc ẩn, giơ tay ra, chạm vào anh và nói: ”Tôi muốn, anh lành bệnh đi!” (Mc 1,40-41). Khi hai người mù thành Giêricô kêu lên: ”Lạy Chúa, Lạy Con vua Davít, xin thương xót chúng tôi”, Chúa Giêsu liền nói với họ: ”Các anh muốn ta làm gì cho các anh?”. Họ trả lời: ”Lạy Chúa, xin mở mắt chúng tôi!”. Ðộng lòng thương xót, Chúa Giêsu đụng vào mắt họ, và lập tức họ liền nom thấy được!” (Mt 20,30-34). Tại cửa thành Naim, Chúa Giêsu nhìn thấy ”người ta khiêng đi chôn một người chết, là con trai độc nhất của bà mẹ góa... Vừa nom thấy, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót bà, liền bảo bà: ”Ðừng khóc nữa”. Rồi tiến lại gần, Chúa Giêsu chạm vào quan tài và những người khiêng ngưng lại. Bấy giờ Chúa phán: ”Hỡi người trẻ, ta truyền cho anh hãy chỗi dậy” (Lc 7,11-15).
Chính Chúa Giêsu đã khuyên nhủ hãy có lòng từ bi, thương xót: ”Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án nhưng hãy tha thứ để được tha thứ” (Lc 6,36-37).
Sau Chúa Giêsu, các Tông Ðồ giảng dạy khắp nơi cùng một giáo huấn ấy. Trong thư I, thánh Phêrô viết: ”Sau hết tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy thương yêu nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Ðừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1Pr 3,8-9).
Thánh Phaolô viết cho giáo dân thành Colôsêô như sau: ”Vậy anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, là những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khoan dung, khiêm nhường, dịu dàng và nhẫn nại” (Col.3,12).
4. Thực hành từ bi là bố thí.
Nhân đức thứ ba của Bác Ái trong đạo Phật là bố thí, cúng dường, đàn thí (Dana), phát hứng từ lòng vị nghĩa, từ tâm (maitri) và lòng trắc ẩn (Karuna). Trong đạo Phật, đức độ lượng (Paramita de la Libéralité) cốt tại ”lấy lòng bao dung che chở con người hay giống vật, là động lòng trắc ẩn đối với chúng sinh lầm lạc, là vui mừng nhìn thấy các thánh nhân được cứu độ; là che chở và cứu giúp mọi sinh vật vượt thấu trời cao và băng qua trái đất, là có lòng bao dung đại lượng như sông như biển và rộng rãi bố thí cho mọi chúng sinh; ai đói, cho họ ăn; ai đau khổ sầu não, vỗ về xoa dịu; ai đau ốm, cho thuốc uống mau lành... Ngược lại, ai chỉ nghĩ đến việc giải thoát riêng mình, sẽ gặt kiếp luân hồi (Samsara). Ai không phân phát của đã thu tích thì không có công quả gì hết” (Milarepa, Chúc thư tinh thần) (19).
Cựu Ước và Tân Ước cho chúng ta cả một rừng hoa về những lời khuyên và huấn giới liên quan đến tình yêu huynh đệ và sự giúp đỡ vật chất mà chúng ta phải dành đặc biệt cho những người nghèo đói, khổ đau... Trước tiên sách Cách Ngôn dạy chúng ta: ”Ðừng từ chối việc nghĩa với người xin con, nhất là khi con có thể làm được. Ðừng nói với tha nhân: ”Ði đi, mai trở lại, ta sẽ cho” khi con có thể giúp ngay” (Cn 3,27). Rồi sách Huấn Ca: ”Hãy rộng tay với người nghèo khổ, để chúc lành trên con được toàn vẹn. Ðừng khép lòng quảng đại đối với người sống, cũng đừng thu hẹp lòng trắc ẩn đối với người đã chết” (7,32-33). Thánh Vương Ðavít lại khuyến khích chúng ta: ”Phúc cho ai biết nghĩ đến kẻ nghèo đói, người yếu đuối, gặp ngày hoạn nạn, Giavê sẽ giải thóat cho” (Tv 41,1).
Trong Phúc âm thánh Luca, thánh Gioan Tẩy Giả giảng cho dân chúng: ”Ai có hai áo ngoài, hãy chia cho người không có, và có dư của ăn, hãy chia sẻ với người không có” (Lc 3,1). Còn Chúa Giêsu, Ngài nói với các Biệt Phái: ”Tốt hơn hãy bố thí những gì các ngươi có, thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). Chỗ khác Ngài lại nói với người chủ mời Ngài lời sau đây: ”Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàng tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì trả lễ, và như vậy ông mới thật có phúc. Vì ông sẽ được đáp lễ lại trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).
Trong thư gởi cho Timôtê, thánh Phaolô đã viết: ”Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Ðấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6,17-19).
Ngoài ra, thánh Giacôbê khuyến dụ: ”Người có lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa cha, là người thăm viếng cô nhi quả phụ đang lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,27)
5. Những đặc tính khác của từ bi: Kín đáo, vị tha, khiêm cung, dịu dàng.
Nhưng đạo lý phật giáo đòi hỏi phải thực hành đức khoan dung, lòng trắc ẩn và đức từ bi một cách vô vị lợi, kín đáo, khiêm cung và dịu dàng, chỉ với chủ đích làm ích cho tha nhân, giúp tha nhân sống hạnh phúc. ”Chớ gì các phật tử hãy chuyên cần sống ngay thẳng, thật ngay thẳng, dịu dàng, dễ thương, khiêm tốn, hài hòa, thoải mái... Chớ gì các họ không làm điều chi ti tiện, chớ gì mọi sinh vật được hạnh phúc, được sống an bình và hoan lạc. Mọi loài sống động, yếu ớt hay cường tráng, lâu dài, to lớn hay trung bình, ngắn ngủi hay nhỏ bé, hữu hình hay vô hình, gần gũi hay xa lạ, đã sinh ra hay sắp chào đời, chớ gì tất cả mọi sinh vật đều hạnh phúc” (Suttanipata, I, 8) (20).
Người ta kể rằng: ”Một vị Phật kia diễm lệ huy hoàng đã hiện ra giữa nửa đêm tại thiền viện ”Chẩn Tế” (Anathapindika) và thưa với Ðức Phật rằng: ”Nhiều vị Phật và nhiều người bàn cãi về những phép lành chất chứa hạnh phúc. Con xin Ngài thương tình cắt nghĩa những phép lành ấy cho những người đi tìm biết các điều chân thật giáng phúc”. Ðức Phật trả lời: ”Sống bác ái, ăn ở lương thiện, lo lắng cho gia đình mình, thực hành những điều thiện hảo, đó là một phép lành lớn lao... Sống đứng đắn và dịu dàng, sống hài hòa và biết ơn, lắng nghe Luật Pháp đúng giờ giấc, đó là một phép lành lớn”... (Suttanipata, II,4) (21).
Xả Kỷ, hiền lành, nhân từ, khiêm tốn, trang nghiêm và vui vẻ bố thí... cũng là những nhân đức kitô giáo. Như lời dạy của Chúa Giêsu: ”Khi bố thí, anh em đừng khua chuông đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,2-4). Chỗ khác Chúa Giêsu còn nói: ”Phúc cho những người hiền lành, vì họ sẽ nhận được đất làm gia nghiệp” (Mt 5,4).
Về điểm này, thánh Phaolô cho chúng ta rất nhiều giáo huấn. Chẳng hạn trong thư gửi giáo đoàn Lamã, Ngài viết: ”Ai bố thí thì phải chân thành, ai làm việc bác ái thì hãy vui vẻ. Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải. Lấy tinh thần sốt sáng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến trọ nhà” (12,8-13).
Trước đó, sách Cách Ngôn đã dạy: ”Ðàn áp kẻ yếu thế là sỉ nhục Ðấng tạo thành nên họ. Ai thương xót người thiếu thốn là tôn vinh Ngài” (Cn 14,31). Ðối với sách Huấn Ca, cách cho quý hơn của cho: ”Hỡi con, đừng làm phúc với những lời riếc mắng, và nặng lời kèm theo ân huệ. Sương không làm dịu oi bức đấy sao? Cũng vậy, một lời hiền giá hơn món quà sang” (Hc 18,15-18).
ÐỨC BÁC ÁI
1. Bác ái là lấy tình thương xóa hận thù.
Ðức Bác Ái, dù trong phật giáo hay trong kitô giáo, không dạy lấy thù báo oán, nhưng lấy tình thương xóa bỏ hận thù, và chúc lành cho ngừơi gây tội ác.
Ðức Phật đã giảng cho các Tỳ Kheo (Bikkhu) như sau: ”Hỡi các Tỳ Kheo, những người đó đã không làm điều ta truyền dạy, tâm hồn họ đầy ắp hận thù đối với những tên bất lương đã dùng cưa phanh họ ra từng mảnh, tứ chi này rồi đến tứ chi khác. Cả lúc đó, họ phải gắng sức và nói rằng: Không, chuyện đó không thay lòng đổi dạ chúng tôi được. Chúng tôi sẽ không nguyền rủa. Chúng tôi sẽ luôn sống tốt và thông cảm. Trái tim chúng tôi đầy tình thương, không hận thù bên trong. Trước tiên chúng tôi soi sáng những người ấy với trái tim đầy yêu thương của chúng tôi” (Majjhimanikaya, I, 129) (22)
Trong cuốn Lời Chân Lý (Dhammapada) có những câu sau đây: ”Y đã khinh miệt tôi, đã xử tàn nhẫn với tôi, đã đánh bại tôi, đã bóc lột tôi. Sự hận thù nguôi đi nơi những người không bao giờ tiếp nhận những tư tưởng như vậy. Quả thật, hận thù không bao giờ làm nguôi hận thù. Hận thù chỉ nguôi đi nhờ tình yêu. Ðó là luật vĩnh cửu” (23).
Cũng vậy, bác ái kitô giáo lên án sự hận thù và truyền sống yêu thương với chính kẻ thù: ”Thầy nói với anh em là những kẻ đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má bên này, hãy giơ cho họ má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cho họ luôn cả áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho anh em, thì anh em hãy làm điều đó cho người ta” (Lc 6, 27-31).
Trong Phúc Âm thánh Mathêô, chúng ta cũng đọc thấy những lời như vậy: ”Anh em nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như người bất chính. Vì nếu nah em yêu thương kẻ yêu mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay người ngoại chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,43-48).
Thánh Phaolô viết cho giáo dân Lamã: ”Anh em hãy chúc lành cho những kẻ bắt bớ anh em, chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em. Anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,14).
Ðể khuyến khích người kitô hữu ”bước đi trong ánh sáng”, thánh Gioan gửi đến họ sứ điệp này: ”Ai thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,10-11).
2. Bác ái là tha thứ sự xúc phạm.
Bác ái bao gồm việc tha thứ những xúc phạm. Câu chuyện lý thú của đạo Phật sau đây chứng tỏ rằng sự tha thứ khấng ban cho người vấp phạm đến chúng ta luôn là một hành động đầy hy sinh và anh hùng, nhưng cũng bội hậu công đức:
“Ngày xưa có hai ông vua, vua Brahmadata của tiểu quốc Kasi rất giầu có và uy quyền; vua Dighiti của tiểu quốc Kosala, nghèo tài nguyên và yếu binh lực. Một hôm vua xứ Kasi xâm chiếm đất của vua xứ Kosala. Vua xứ này phải chạy trốn sang Benarès với hoàng hậu đang mang thai. Cả hai phải trá hình làm thày tu đi tị nạn và xin trọ tại nhà một người làm đồ gốm. Nữ hoàng xứ Kosala hạ sinh một con trai gọi là Dighavu. Khi hoàng tử lớn lên, thì vua Dighiti quyết định cho hoàng tử ở riêng ngoài thành, xa hẳn vua và hoàng hậu. Vì vua sợ rằng vua Brahmadatta có ngày sẽ đuổi theo và giết cả ba người.
Người thợ cạo râu thuở xưa của vua Dighiti bấy giờ lại hầu vua Kasi trong cung. Y nhận ra vua và hoàng hậu xứ Kosala dưới bộ áo thày tu. Y về kể lại cho vua Brahmaddata. Vua này truyền bắt hai người trói tay lại, cạo trọc đầu và dẫn đi khắp phố phường mà hạ nhục. Hoàng tử Dighavu đến thăm cha mẹ. Vua Dighiti bảo con: ”Này Dighavu, con trai của ba, con hãy nhớ kỹ điều này: không phải hận thù xóa bỏ được hận thù, nhưng chính sự không hận thù mới xoa dịu và đánh tan hận thù”.
Dân chúng nghe như vậy bèn mỉa mai nhà vua: ”Ông Dighiti này đã mất trí rồi. ông nói những lời kỳ cục, điên rồ”. Nghe vậy, vua đáp lời họ: ”Tôi không mất trí, tôi chỉ nói những lời hợp tình, hợp lý, nhưng chỉ người hiền mới hiểu hết được ý nghĩa lời tôi nói”.
Theo lệnh vua xứ Kasi, vua Dighiti và hoàng hậu bị điệu ra giết ở cửa Nam thành phố, rồi mỗi người bị chặt thành bốn khúc và ném về bốn phương trời.
Hoàng tử Dighavu, sau khi đã an táng các mảnh thi hài của song thân, đã bày tỏ lòng tôn kính các ngài lần cuối cùng bằng cách mắt nhìn thẳng, tay chắp lại và bái hương ba lần. Về sau, chàng đến tận trại nuôi voi của vua xứ Kasi xin học nghề quản tượng. Và chàng đã trở thành người bồi phòng của vua.
Một hôm hoàng tử Dighavu đánh xe vua Brahmaddatta đi săn trong rừng. Mệt mỏi, vua dựa đầu vào bên hông hoàng tử Dighavu và thiếp ngủ đi. Hoàng tử tự nhủ: ”Quả thật vua xứ Kasi đã gây nhiều đau khổ cho gia đình mình: nào đánh tan cả quân lực, chiếm hết đất đai, cướp hết kho lẫm, và nhất là đã giết chết cha mẹ mình! Chắc chắn đây là cơ hội thuận tiện để báo thù cho hả dạ!”. Chàng rút gươm ra. Nhưng lập tức nhớ lại lời trăn trối của cha trước khi chết. Ðút gươm vào bao. Tuy nhiên chàng báo cho chủ biết mình là con trai của vua Kosala. Vua Brahmadatta liền qùy sụp xuống dưới chân của hoàng tử và kêu xin tha thứ cho ông được sống. Hoàng tử Dighavu nói: ”Nếu tôi để vua sống, liệu vua có thực lòng để tôi sống nữa hay không?. Vua trả lời: ”Hỡi Dighavu thân mến, nếu ngươi để ta sống, tất nhiên ta cũng để ngươi sống”. Vua Brahmadatta và hoàng tử Dighavu thề hứa không bao giờ thù hằn và làm hại nhau nữa.
Trở về hoàng cung, vua xứ Kasi xin hoàng tử cắt nghĩa cho biết điều mà vua cha của hoàng tử đã nói trước khi chết: ”Hỡi Dighavi, con trai yêu qúy của ta, con hãy nhớ kỹ điều này: không phải hận thù xoa dịu hận thù, nhưng chính không hận thù mới xoa dịu được hận thù”. Hoàng tử trả lời nhà vua: ”Ðiều đó có nghĩa rằng, nếu vì nghĩ rằng cha mẹ tôi đã bị vua giết chết, nên tôi giết vua, thì sau đó các bạn của vua sẽ giết tôi. Rồi những người bạn của tôi sẽ lại giết các bạn của vua. Như vậy là hận thù không thể xóa nguôi hận thù! Trái lại, bây giờ tôi để vua sống và vua cũng để tôi sống, như vậy là hận thù đã được xoa dịu bởi không hận thù”.
Bấy giờ vua xứ Kasi kêu lên: ”Thật tuyệt vời, thật diệu kỳ, quả thật hoàng tử Dighavu là người khôn ngoan!”. Sau đó vua xứ Kasi trả lại cho hoàng tử tất cả binh lực, đất đai và kho tàng đã chiếm trước kia, và còn gả con gái cho hoàng tử. (Vinayapitaka des Theravadim) (24).
Quan niệm của đạo Phật về sự tha thứ cho những xúc phạm quả rất gần với tư tưởng kitô giáo. Trong lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, chúng ta đọc: ”Xin tha cho chúng con những điều chúng con đã xúc phạm, cũng như chúng con tha cho những người đã xúc phạm đến chúng con”. Thật vậy Chúa Giêsu bảo: ”Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha lỗi cho anh em; nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6,14-15).
Thánh Mathêô kể rằng Phêrô đã đến gần Chúa Giêsu và hỏi Ngài: ”Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: ”Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22).
Trong thư I, thánh Phêrô viết: ”Ðức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công minh. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,21-24).
Thánh Phaolô kể cho người Corintô nghe những đau khổ mà ngài đã phải chịu khi tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến ngài: ”Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi; Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưới của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1Cr 4,12-13).
Còn thánh Gioan, ngài bảo: ”Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân, và anh em biết không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 3,15).
Sách Cách Ngôn dạy chúng ta phải giúp đỡ chính kẻ thù: ”Nếu kẻ thù của bạn đói, hãy cho họ ăn; nếu kẻ thù của bạn khát, hãy cho họ uống” (Cn 25,21). Sách Huấn ca lại bài xích cơn giận dữ và thù óan: Oán hận, giận hờn, thảy là quái gở. Kẻ có tội, chủ nhân các điều ấy. Kẻ báo thù sẽ gặp báo trả nơi Chúa, các tội lỗi nó, Người sẽ cầm giữ không tha. Hãy trút cả đi mọi điều con có trong lòng, đoạn con hãy cầu nguyện. Như vậy mọi lỗi lầm của con sẽ được buông tha. Người với người giữ lòng thù oán, vậy mà nó lại đến tìm chữa lành nơi Chúa!” (Hc 27,30; 28,1-3).
3. Phần thưởng lớn lao của Bác ái.
Phật giáo hứa vinh quang Giác Ngộ và niềm vui Giải Thóat cho người nhân đức, hiền lành, khiêm tốn, bác ái và quảng đại. Một sáng kia, Ðức Phật mặc áo cà sa, cầm bát bố thí đi đến nhà Rajagrha khất thực. Ngài gặp chàng Sogala, con trai một chủ điền giầu có, Ngài liền dạy chàng ”Chánh Luật” (Noble Discipline) sau đây: ”Ai khôn ngoan và nhân đức, hiền lành và giàu lòng thông cảm, khiêm nhu và ngoan ngoãn, người đó sẽ đạt tới vinh quang. Ai đầy nghị lực, hoạt động, đứng vững trong nghịch cảnh, hành động không sai chạy, thông minh và hiếu lễ, người đó sẽ đạt được vinh quang. Ai có tinh thần hiếu khách, nhiều bạn hữu, rộng rãi và không ích kỷ, biết hướng dẫn kẻ khác, chỉ giáo tha nhân, hoà giải với mọi người, người đó sẽ đạt tới vinh quang” (Digha Nikaya XXXI) (25). Một ngày khác, tại Savathi, Ðức Phật đi đến nhiều gia đình khất thực. Khi đến gần nhà của một thày Bàlamôn (Brahmana), tên là Aggika Bharadvaja, ông này la lên: ”Này tên đầu trọc, này samana khốn kiếp, đừng lại gần đây! Này paria, ngừng lại ở đó!”. Ðức Phật trả lời ông ta: ”Hỡi thày Bàlamôn, thày có biết ai là paria và nhựng cái gì đã làm cho một người thành paria không? - ”Thưa Ðức Cồ Ðàm (Goyama) đáng kính, không, tôi không biết”. ”Vậy hãy nghe, Ta sẽ dạy cho ngươi biết điều đó: ”Ai giận dữ và ghen ghét, ai dữ dằn và giả hình, ai lừa đảo và nhìn nhận thiên lệch... người đó mới đáng coi là paria. Ai trong thế giới này, chỉ gây đau khổ cho các loài thọ sinh, dù chúng được sinh ra một hay hai lần (Thọ sinh ra đời từ quả trứng), và không chút thông cảm với các sinh vật... người đó mới đáng coi là paria!”. Ai chìm đắm trong mê muội, không biết làm phúc bố thí, nhưng gièm pha các ân huệ mọn hèn... người đó mới thực là paria!. Tất cả những người Ta vừa tả ra mới thật là paria. Không phải người ta sinh ra là thành paria. Cũng không phải sinh ra là thành Bàlamôn. Nhưng bởi những hành động mà người ta trở thành paria, hay Bàlamôn...” (Suttanipata, I,7) (26)
Trong Kitô giáo, người sống Bác Ái sẽ được một phần thưởng vô cùng lớn lao vào ngày phán xét chung: ”Khi Con Người đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu. Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến thăm đâu? Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,31-40).
VII. TA LÀ ÐƯỜNG, CHÂN LÝ VÀ SỰ SỐNG
Ðể nhận định đúng đắn những giá trị của các Truyền Thống Tôn Giáo và Tâm Linh tại Việt nam trong sự gặp gỡ và đối chiếu của chúng với Kitô giáo, chúng ta đã nghĩ là tốt, việc đặt song song các bản văn của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo với các bản văn của Thánh Kinh. Hy vọng rằng qua việc đối chiếu các giáo thuyết như vậy, nếu không làm sáng tỏ, thì ít ra chúng ta đã cung ứng những tài liệu hữu ích cho việc nghiên cứu về các Tín Ngưỡng và về các Tôn Giáo.
NHỮNG NHẬN ÐỊNH DẪN ÐƯỜNG
1. Những nhận định trước Công Ðồng Vatican II.
Nhiều nhận định đã có trước Công Ðồng Vatican II về những giáo huấn của Khổng Tử, Lão Tử và Ðức Phật.
Về lòng nhân (Jen) của Khổng Giáo, linh mục Bernard-Maistre nhận định như sau: ”Những điều kiện đầu tiên của Lòng Nhân, có thể kể ra được: Ðó là đức tự trọng, đức hào hiệp, đức thành thật, đức tín cẩn, đức từ thiện. Nhưng Khổng Tử thường thú nhận rằng, ngài không có thể cắt nghĩa sâu xa ”Lòng Nhân” là cái gì. Ðừng hám tìm ở Lòng Nhân đức bác ái, lòng sốt mến, việc hiến thân của người kitô hữu, cũng không tìm thấy ở đó lòng trắc ẩn của người phật tử. Nhưng ở đó, lại có tinh thần phục vụ giữa đồng bào, những tương quan hài hoà giữa những người cùng mức độ khôn ngoan, ôn hoà, đại lượng, cho dù vụ lợi” (27).
Về đức khiêm nhường của đạo Lão, linh mục Wieger đã viết: ”Ðọc lần đầu tiên, người tưởng đã thấy những lời đẹp về đức khiêm nhường, đức bác ái. Than ôi, khiêm nhường chỉ nhằm thủ thân và ích kỷ vụ lợi. Sau cùng bậc Thánh Nhơn của đạo Lão tự xóa mình đi để không mệt mỏi, không bị phiền toái vì công việc. Còn về bác ái, các bản văn sẽ dạy cho chúng ta biết Lão Tử đã hiểu đúng như thế nào” (28).
Về đức bác ái của đạo Phật, linh mục De Lubac đã tự hỏi xem tha nhân có được yêu ngay trong bản thân không : “Nếu người ta không thể yêu trong chính bản thân, một cái ”MÌNH” (un MOI) hoàn toàn giả tưởng, thì làm sao người ta có thể yêu thực sự cái ”MÌNH” của người khác (le MOI d'autrui) cũng chỉ là giả tưởng?. Khi không được coi là có thật, thì bản thân của người khác (la personne d'autrui) không thể là đối tượng của một tình yêu nghiêm chỉnh. Cũng vậy, bản thân của người khác càng non dại, thì ”maitri” (đức ái) chỉ là lòng thương xót (pitié), không hướng về chính hữu thể, nhưng chỉ hướng đến sự khốn cùng về thể lý hay luân lý mà thôi. Bản thân đó sẽ toàn hảo hơn vì đối tượng của nó, không còn là những hữu thể đau khổ, nhưng là sự đau khổ thông thường. Những đặc tính này ngược với đức Bác Ái kitô giáo” (29).
Mặc dầu những bất toàn của đạo Khổng, của đạo Lão và đạo Phật, cũng như những ”sai trệch” giữa hai cách thức suy tư của tây phương và đông phương, thì điều phải làm vẫn là nhìn nhận ”cái gì chân thật và thánh thiện trong những tôn giáo này”. Những tôn giáo mà hàng trăm triệu người Á Châu tin tưởng. Họ được trang bị một tâm trạng khác, một mẫn cảm khác, một cách suy tư, hành động và nếp sống khác. Công Ðồng Vatican II đã tuyên bố: ”Tuy có nhiều điểm khác với những điều mà Giáo Hội Công Giáo chủ trương và đề nghị, những tôn giáo ấy thường mang đến một tia sáng về Chân Lý vốn soi chiếu mọi người” (NK 2).
2. Ðiều kiện đối thoại: Khiêm tốn và Hoà giải.
Chính trong viễn tượng này mà linh mục Humbertclaude đã đề nghị ”những chỉ dẫn thực tế cho việc đối thoại” với anh em Phật tử: ”Ðối diện với những nỗ lực cao thượng của con người, đối diện với những nhân đức anh hùng mà con người đã biết thực hành để đạt tới cái lý tưởng được đề ra, thì chính chúng ta phải tự hỏi: Nếu không có Mạc Khải soi dẫn và dồi dào ân sủng nâng đỡ, liệu chúng ta có thực hiện được như vậy không? Vậy chúng ta không có quyền tự tôn vinh mình về những ánh sáng hay về sự nâng đỡ ấy dường như là một công nghiệp riêng của chúng ta. Ðúng hơn chúng ta phải tự hạ nhìn nhận mình đã làm quá ít ỏi cho dù được soi sáng và nâng đỡ như vậy. Tuy chỉ là lẽ công bình, Ðức khiêm tốn này sẽ giúp chúng ta thật nhiều trong việc đối thoại. Người đối thoại với chúng ta vốn cảm thấy một sự hãnh diện lớn lao về dòng giống của họ, và vì thế, vốn cố chấp không nhân nhượng. Thái độ cố chấp này chỉ tan biến đi bởi lòng khiêm tốn, không kiêu ngạo và tự phụ của chúng ta” (30).
Ông J. A. Cuttat nói về ”sự trì đột tập quán” (émoussement d'habitude) của tinh thần tây phương: ”Péguy đã viết: Hậu quả tai hại của sự trì đột tập quán là tâm hồn không còn khả năng quán thông khi được ân sủng đổ tràn xuống”. Ðức Kitô đã chẳng luôn hủy bỏ những tập quán của chúng ta đó sao? Ngài đã không luôn thức tỉnh chúng ta đi ra khỏi những tập quán mà ông Flaubert gọi ”thuốc phiện mê hoặêc linh hồn” đó sao? Chúng ta đã ”che giấu” (masqué) không cho người Á Châu nhìn thấy Chúa Giêsu. ”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình đi” (Mc 8,34). Tôi xin nhấn mạnh thêm: ”Hãy từ bỏ mình” trong bình diện tình cảm, triết học và văn hóa, đã nhiều ít ý thức được, và ngay ”chính bản thân”. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể chỉ cho người Ðông Phương thấy dung nhan đích thực của Ðức Kitô” (31).
Linh mục C. Larre nhấn mạnh đến sự ”hoà giải” giữa Tây phương và Ðông phương: ”Ðã đến lúc phải có một sự hoà giải về cách suy luận được phát triển tại Tây Phương và về sự nghiền ngẫm cuộc đời được phổ biến bên Ðông phương. Vì đã đến lúc người ta chỉ ghi nhận về Ðức Giêsu Kitô qua những giáo huấn và việc làm của Ngài. Ðã đến lúc không còn gì cản ngăn việc đem Ðức Tin vào Chúa Giêsu-Kitô đến cho các tâm hồn có một tu đức đơn thành, nóng hổi và thầm kín như tu đức thuyết mà tôi nhận thấy nơi cuốn Ðạo Ðức Kinh” (32).
Chính Giáo Hội Công Giáo luôn khích lệ con cái của mình dấn thân đối thoại với những người sống theo các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và giúp đỡ họ bằng việc tuyên chứng đức tin và đời sống kitô giáo, quảng bá các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội-văn hóa vốn có nơi chư dân. ”Tuy nhiên các kitô hữu có bổn phận rao truyền Ðức Kitô, Ðấng là Ðường Ði, Sự Thật và Sự Sống (Ga 14,6), nơi Ngài, chúng ta tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn, và nhờ Ngài, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình” (NK 2).
Vậy, trong bữa ăn cuối cùng, khi Toma hỏi: ”Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con nhận ra đường đi? Chúa Giêsu trả lời: ”Thầy là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em đã nhận biết Thầy, anh em cũng nhận biết Cha Thầy” (Ga 14,5-7).
3. Giới hạn của các truyền thuyết tôn giáo ở Việt Nam.
Những lời sau đây của Chúa Giêsu giúp người theo đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật lưu ý đến những giới hạn của giáo thuyết của họ: ”Vậy anh em hãy nên trọn lành như Cha của anh em ở trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5,48), ”Anh em hãy có lòng nhân từ như cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc 6,36).
Bởi vì những nỗ lực của con người muốn tìm cách soạn thảo những hệ thống và những giới điều với mục đích tìm kiếm Phần Rỗi và Thiên Chúa Cứu Ðộ chính được hoàn thành trong Ðức Giêsu Kitô, nguồn mạch của sự Khôn Ngoan, của các Nhân Ðức và của mọi Phúc lành (Béatitudes). Chính Ngài đã tuyên bố: ”Ta không đến để phá hủy nhưng để hoàn tất” (Mt 5,17).
Chúng ta đã nhìn thấy những gần kề của các Tín Ngưỡng cổ xưa, của đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật. Chúng ta đã nhận định các giá trị tiền kitô giáo xuất hiện trong việc Phụng Tự dành cho Thiên Chúa, ”Chúa Trời Ðất” (Lc 10,21), trong đức Hiếu Thảo do Truyền Thống từ nhiều ngàn năm để lại, trong đức Nhân và Nghĩa của đạo Khổng, trong đức Khó Nghèo và Khiêm tốn của đạo Lão, và trong đức Từ Bi của đạo Phật.
Tuy nhiên không một hy lễ nào xứng đáng với Thiên Chúa của Hoàn Vũ như của lễ Mình và Máu của Ðức Giêsu Kitô thành Nagiarét, Con chí ái của Chúa Cha. Không một người nào nhân hậu, công chính, nghèo khó, khiêm tốn, dịu dàng, giàu lòng trắc ẩn và thương xót như Con Người.
Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, là gương mẫu toàn hảo nhất về mọi nhân đức. ”Ngôi Lời đã thành nhục thể và ở giữa chúng ta và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Ngài đã nhận lấy từ Cha Ngài như người Con duy nhất, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14). Vì ”không ai đã thấy Thiên Chúa Cha bao giờ, nhưng Con một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha” (Ga I,18) Khi quan Philatô hỏi xem Chúa Giêsu có phải là Vua không, Ngài đã trả lời cho quan: ”Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho Sự Thật, ai đứng về phía Sự Thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Ðức Kitô là ”sự sống của mọi loài” (Ga 1,4) và là ”ánh sáng của thế gian, ai đi theo con đường mà Ngài đã vạch cho, thì sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12). Ngài còn nói với người Do Thái đã tin theo Ngài rằng: ”Nếu anh em tuân giữ lời tôi, anh em thật là môn đệ tôi, anh em sẽ biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,31-32).
Chúa Giêsu đã cắt nghĩa việc Ngài hoàn tất như thế nào công việc Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài: ”Thật, tôi bảo thật anh em, người con không thể tự mình làm bất cứ sự gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm. Vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính anh em cũng phải kinh ngạc” (Ga 5,19-20).
Trong khi hoàn tất công việc của Ngài trên trần gian, Chúa Giêsu đã tỏ ra vâng lời cho đến chết để thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Ngài nói với các môn đệ rằng, Ngài sống bằng của ăn mà họ không hay biết. Các môn đệ hỏi nhau xem ai đã tiếp tế của ăn cho Ngài, Chúa Giêsu liền nói: ”Của ăn của Ta là làm theo ý của Ðấng đã sai Ta và làm trọn công việc việc của Người” (Ga 4,34). Chỗ khác Ngài lại quả quyết: ”Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi, đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi” (Ga 6,37-38). Trước khi đi chịu thương khó, Chúa Giêsu còn khẳng định với các môn đệ: ”Nhưng chuyện đó xẩy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).
CHÚA GIÊSU SỐNG VÀ TRUYỀN DẠY TÌNH YÊU
1. Yêu thương là giới răn Chúa Giêsu truyền dạy.
Giới răn lớn nhất mà Chúa Giêsu để lại cho loài người, giới răn mà suốt đời ở trần gian chính Ngài đã làm gương, đó là Giới Răn Tình Yêu. Ngài đã nói với các môn đệ: ”Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Ðây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,9-13). Do đó thánh Gioan đã quả quyết: ”Khi đã đến giờ bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và Ngài yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1).
Phần thánh Gioan, ngài đã viết: ”Chúng ta đã biết Tình Yêu của Chúa Giêsu: Ngài đã thí mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16). Tình yêu ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bất cứ ai yêu mến, thì nhận biết Thiên Chúa, ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).
Thánh Phaolô đã khuyến lệ các giáo dân thành Ephêsô bằng những lời lẽ này: ”Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa, tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,1-2). Trong thư gởi cho giáo dân Roma, thánh Tông Ðồ còn tôn vinh Tình Yêu của Ðức Kitô Ðấng bao phủ chúng ta và nối kết chúng ta với Ngài: ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu thương chúng ta. Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sứ mệnh nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).
2. Chúa Giêsu sống nghèo khó và yêu riêng người nghèo khổ.
Ðể yêu thương và cứu độ loài người, Ngôi Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và tự trút bỏ mọi giầu sang quyền, chọn lấy sự khó nghèo. Thánh Phaolô đã viết cho giáo dân Corintô: “Quả thật, anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: ngài vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giầu có” (2Cr 8,9). Chúa Giêsu đã sinh ra giữa những người nghèo. Ðức Maria ”sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7).
Chính những người nghèo đã lãnh nhận Tin Mừng đầu tiên. Quả thật ”trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa, sứ thần Chúa đứng bên họ và vinh quang Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít. Ngài là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Ngài: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,8-14).
Về sau, những người được Gioan Tiền hô sai đến, đã hỏi hỏi Chúa Giêsu: ”Thưa Thầy, Thầøy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Ðức Giêsu trả lời: ”Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,3-6).
Chính Ðức Giêsu đã làm gương về đức khó nghèo. Ngài nói với người luật sĩ muốn theo tới những nơi Ngài đi: ”Con cáo có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Mt 8,19-20).
Trước khi chịu chết trên thánh giá, Chúa Giêsu để cho quân lính lột hết áo, phải chăng là để đức khó nghèo của Ngài được thành toàn đến tận cùng: ”Ðóng đinh Ngài vào thập giá xong, quân lính đem áo ngài ra bắt thăm mà chia nhau” (Mt 27,35).
3. Vì yêu, Chúa Giêsu phục vụ trong khiêm tốn, dịu dàng...
Tình Yêu của Chúa Giêsu không chỉ được bộc lộ ra bằng đức khó nghèo, nhưng còn bằng đức khiêm nhường. Thánh Phaolô đã chứng tỏ cho giáo dân Philípphê tất cả những vẻ cao đẹp của đức khiêm nhường nơi Ðức Kitô: ”Ðức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chính Chúa Giêsu tuyên bố: ”Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến sự sống làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28).
Gương mẫu đánh động nhất về đức khiêm nhường của Chúa Giêsu, chính là việc Ngài bưng nước rửa chân cho các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng: ”Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: ”Anh em có hiểu việc thày mới làm cho anh em chăng? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là ”Chúa”, điều đó phải lắm. VÌ quả thật thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa và là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).
Về đức khiêm nhường của Thiên Chúa, linh mục F. Varillon đaơ lưu ý rằng: ”Trong Tình Thương có một cái gì mà chúng ta không nhìn thấy ngay được. Ðó là đức khiêm nhường. Hạ mình trước sự cao sang của người khác không thực sự là khiêm nhường. Ðó chỉ là sự thành thật, lương thiện, ngay thẳng, lịch thiệp của tâm hồn. Người hèn mọn hơn suy tôn người cao sang hơn, đó không nói lên tinh thần cao thượng đặc biệt. Nhưng chỉ khi người lớn hơn cúi mình ”một cách kính cẩn” (respectueusement) trước người thấp hèn hơn mình, điều dó có nghĩa là tình yêu tràn đầy tự do và sức mạnh” (33)
Nhưng không thể có sự khiêm tốn mà không có sự dịu dàng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bắt chước Ngài: ”Hãy học với Ta, vì Ta khiêm tốn và dịu dàng tự đáy lòng” (Mt 11,29). Quả vậy, ”Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) và ”Tình yêu mạnh hơn sự chết. Nước lũ không thể dập tắt tình yêu, sóng dữ cũng không thể nhận chìm tình yêu” (Dc 8,6-7). ”Còn Người, lạy Chúa, là Thiên Chúa trắc ẩn và từ bi, khoan dung, đầy tình thương và trung tín” (Tv 86,15). Và Chúa Con là ”phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Ngài là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật sau khi đã tẩy trừ tội lỗi” (Dt 1,2-3). Chúa Giêsu dịa dàng ”như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm không hề mở miệng” (Is 53,7). Ngài hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha. Vào lúc bị bắt, Chúa Giêsu đã nói với ”Phêrô, người sẵn có con gươm, bèn rút ra và chém đứt tai phải của đứa đầy tớ vị thượng tế: Hãy xỏ gươm vào bao, chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,10-11).
Chính nhân danh đức dịu dàng và lòng khoan dung của Ðức Kitô mà thánh Phaolô đã trả lời cho những người trách móc ngài nhu nhược: ”Chính tôi, Phaolô, tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Ðức Kitô mà khuyên nhủ anh em. Tôi xin anh em chớ bắt buộc tôi, khi có mặt phải mạnh dạn ra oai mà tính đến chuyện thẳng tay với những kẻ cho rằng chúng tôi chỉ biết sống theo tính xác thịt. Quả thế, chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt. Thật vậy, khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy” (2Cr 10,1-4).
4. Chúa Giêsu rất nhậy cảm và giầu lòng trắc ẩn...
Khó nghèo, khiêm tốn và dịu dàng, Chúa Giêsu yêu thương những người nghèo, người khiêm tốn và người hiền lành. Ngài tỏ ra trắc ẩn và thương xót đối với tất cả những ai đau khổ. Ngài chữa lành các bệnh nhân, tàng tật, qủy ám và cho kẻ chết sống lại. ”Như vậy là ứng nghiệm lời của tiên tri Isaia: Ngài đã mang lấy các tật nguyền của chúng ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của chúng ta” (Mt 8,17).
Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm thánh Mathêô rằng: ”Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). Ngài đã chạnh lòng thương trước sự khổ cực của dân chúng, ”vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).
Theo thánh Mathêô kể: ”Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa Chúa Giêsu: ”Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Chúa Giêsu bảo: ”Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: ”Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẻn năm cái bánh và hai con cá!”. Ngài bảo: ”Ðem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó, Ngài truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho các môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,15-20). Ðó là lần thứ nhất Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều.
Lần khác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về” (Mt 15,32). Và Ngài đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai để cho dân chúng ăn.
Vì giàu lòng trắc ẩn, Chúa Giêsu đau khổ với người đau khổ, khóc với người khóc. Vừa nhìn thấy thành Giêrusalem, Ngài đã khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay, ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được!” (Lc 19,41-42). Sau cái chết của ông Lagiarô, khi Chúa Giêsu thấy bà chị ông ta khóc nức nở, và những người Do Thái đi với bà cũng khóc nữa”, lập tức Chúa thổn thức trong lòng và xao xuyến. Ngài hỏi: ”Các ngươi để xác ông ấy ở đâu?”. Họ trả lời: ”Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Chúa Giêsu liền khóc. Người Do Thái mới nói rằng: ”Kìa xem, ông ta thương Lagiarô biết mấy!”... Sau khi tạ ơn Chúa Cha, Ngài đã cho Lagiarô sống lại (Ga 11,33-35).
Nhưng trước khi cho ông Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu nói với bà Mátta: ”Chính Thầy là sự Sống Lại và là Sự Sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Chính vì muốn cứu độ nhân loại và thực hiện ý của Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã đau khổ. Ngài đã chấp nhận ”nộp mình” và ”hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
Thánh Phêrô đã yêu cầu giáo dân sống theo gương maău và dấu ấn của Chúa Giêsu: ”Thật vậy, chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa, thì đó là một ân huệ. Vì nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu, thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Ðức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài. Ngài không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Ngài nói một lời gian dối” (1Pr 2,19-22). Thánh Phaolô phát biểu cùng một ý tưởng như vậy về việc cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã hoàn thành: ”Bởi thế, Ngài đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Ngài đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,17-18). 5. Niềm vui trong tình yêu xả thân và khiêm hạ.
Tuy nhiên đức khiêm hạ và sự đau khổ của Chúa Giêsu không cất hết niềm vui mà Ngài cảm nghiệm khi thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Thánh Luca kể lại rằng: Chúa Giêsu đã chọn bảy mươi hai môn đệ và sai họ đi truyền giáo, ”từng hai người một, vào trong các thành phố và làng quê là những nơi Ngài sẽ đến”... Các môn đệ trở về, lòng đầy hân hoan thưa với Chúa: ”Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, ngay ma qủy cũng phải khuất phục chúng con... Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ”Lạy Cha, là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha Ta đã phó mọi sự cho Ta, và không ai biết người con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ Người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Lc 10,1-22).
Chúa Giêsu còn bày tỏ niềm vui khi dạy các tông đồ hãy ở lại trong tình yêu của Ngài và hãy giữ giới răn Ngài truyền, vì chính Ngài đã cẩn thủ giới răn của Cha Ngài: ”Thầy nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Khi cầu nguyện với chúa Cha, Chúa Giêsu cũng xin cho những người mà Ngài đã tỏ cho biết Thánh Danh Cha, được chia sẻ trọn vẹn niềm vui của Ngài: ”Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để Con Cha tôn vinh Cha... Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con. Con đã canh giữ mà không một ai trong họ phải hư mất... Bây giờ Con đến cùng Cha và con nói những điều này, lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn niềm vui của con” (Ga 15,1-13).
Vậy, nếu Chúa Kitô là ”Ðường Ði, Chân Lý và Sự Sống”, chính là ”không ai đến được với Cha mà không qua Ngài”. Ông Philippê hỏi Chúa Giêsu: ”Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con Chúa Cha. Như vậy là đủ cho chúng con rồi”. Chúa Giêsu trả lời: ”Tại sao con lại nói ”xin Thầy chỉ Chúa Cha cho chúng con”?. Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Những lời Thầy nói với anh em, Thầy không nói tự mình: Chính Chúa Cha Ðấng vẫn ở trong Thầy đã hoàn tất những công việc của mình” (Ga 14,8-10).
MỤC ÐÍCH ÐI TỚI: ÐỐI THOẠI LIÊN TÔN.
Những yếu tố mà chúng ta đã trình bày là: Lễ vật dâng lên Chúa Trời Ðất, đức Hiếu Thảo và sự Tôn Kính Tổ Tiên trong các Tín Ngưỡng cổ xưa; đức Nhân và đức Nghĩa trong đạo Khổng, đức Khó Nghèo và lòng Khiêm Tốn trong đạo Lão, Ðức Từ Bi trong đạo Phật. Nếu những yếu tố ấy có khả năng tạo nên ”cái gì là chân thật và thánh thiện” (NK 2) và có thể được nhận định như những giá trị tiền kitô giáo, thì chúng cũng chỉ là những ”tiếp cận và những viên đá chờ đợi” thôi.
Những yếu tố ấy không được xử dụng vào việc gì khác hơn là để cổ võ việc đối thoại giữa các kitô hữu và người ngoài kitô giáo, cách riêng tại Việt Nam, và để khuyến khích việc gặp gỡ giữa đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật là những đạo giáo kiến tạo nên nền tảng văn minh và văn hóa Việt Nam, với Kitô giáo. Không có một giai đoạn Lịch Sử việt Nam nào thuận lợi hơn cho việc suy tư và tĩnh niệm cho bằng thời điểm hiện nay chúng ta đang sống.
Ông Clément thành Alexandrie là giáo sư dạy về ”Khoa Sư Phạm Thần Linh (Pédagogie Divine) mở ra những con đường khác nhau dẫn đến phần rỗi nhân loại”, đã viết: ”Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi thiện hảo, có những thiện hảo trực tiếp như Cựu Ước và Tân Ước, có những thiện hảo khác như hệ luận, như triết lý. Có lẽ chính triết lý đã được ban cho người Hy lạp như một thiện hảo trực tiếp, trước khi tiếng gọi của Chúa được chuyển vang tới họ: bởi vì triết học hướng dẫn người Hy Lạp đến với Ðức Kitô, giống như Luật hướng dẫn người Do Thái. Triết lý làm công việc chuẩn bị: nó mở đường cho những người mà Chúa Kitô toàn thiện hóa... Ngoài ra chỉ có một con đường sự thật, giống như con sông không bao giờ cạn, và những dòng nước khác từ khắp nơi đổ dồn vào đó” (34).
Phải chăng Triết lý của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, và đức Phật Cồ Ðàm, từ một miền đất xa xôi khác, đã và đang chuẩn bị con đường dẫn dân tộc Việt Nam đến với Chúa Kitô, và qua Chúa Kitô đến với Thiên Chúa là Cha chung của mọi người? Vẫn có những lý do để hy vọng vào sự đồng nhất về suy tư và lý tưởng tôn giáo giữa đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật và Kitô giáo. Những tôn giáo này đã lần lượt được du nhập vào Việt Nam từ gần bốn thế kỷ. Theo dòng lịch sử, các Tôn giáo đã tạo nên một ảnh hưởng lớn lao trên các cơ cấu xã hội, các phong hóa và tập quán, trên chữ viết và nghệ thuật của Việt Nam.
Chúa Thánh Thần sẽ nói vào lúc ”những viên đá chờ đợi” mắc vào nhau quanh ”viên đá góc tường”. Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Êphêsô: ”Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và các Ngôn Sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu. Trong Ngài, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2, 19-22).
Linh mục J. Spae đã viết: ”Không có một phạm vi thần học nào lại không cần đến phạm vi luân lý. Bằng chứng là lời khẳng định của Công Ðồng Vatican II: ”Việc đối thoại đại kết có thể bắt đầu bằng việc thảo luận liên quan đến việc áp dụng Phúc Âm vào các vấn đề luân lý” (NK 23). Sự gặp gỡ của Nhật Bản và của Kitô giáo được thực hiện theo một phương cách biệt ân trên bình diện đạo đức học. Kitô giáo đã đồng hóa với một nền luân lý nào đó và một cách sống nào đó” (51).
Chúng ta nghĩ rằng trong những nước như Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam, thì Ðạo Lý đông phương do đức Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử và Ðức Phật Cồ Ðàm giảng dạy, chủ yếu là ở lòng nhân hậu, lẽ công bằng, tinh thần khó nghèo, đức khiêm tốn, lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, và tình thương xót. Ðạo lý ấy chính là một thần học đặt căn bản trên đạo đức gia đình và xã hội, và xây nền trên bản tính thần linh và hình ảnh nhân loại của Ðức Kitô. Ðạo lý ấy đủ tư cách để gợi lên việc gặp gỡ giữa các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo với Kitô giáo. Việc gặp gỡ này sẽ đáp ứng lại tâm tình tôn giáo và tinh thần tu đức cổ truyền của các dân tộc ở Viễn Ðông.
Tất cả đều quy hướng về Chúa Kitô ”để Thiên Chúa là tất cả trong mọi người” (1Cr 15,28). Lời của thánh Phaolô sẽ có một âm vang hoàn toàn đặc biệt nơi người Việt Nam: ”Mọi sự thuộc về anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23).
--------------------------------------
(1) Xem Ðiện tín của Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đánh qua cho cha Bề Trên Cả của Hội Thừa Sai Ba Lê, ngày 19.12.1978, đăng trong báo Echos de la rue du Bac, số 126, tháng 02.1979.
(2) Các trích dẫn Thánh Kinh: 1) CỰU ƯỚC, lấy từ bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài gòn, 1976. 2) TÂN ƯỚC lấy từ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh. T/P Hồ Chí Minh, 1995.
(3) GUENNOU J. Les Missions étrangères, éd. St Paul, Paris, 1956, p. 49.
(4) VATICAN II, Les relations de l'Eglise avec les Religions non chrétiennes, Unam Sanctam, 61, Paris 1966.
(5) LICHTENBERG J.P. L'Eglise et les Religions non chrétiennes p. 10
(6) Các trích dẫn văn kiện của Công Ðồng Vatican II là bản dịch của Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, Ðà lạt, 1972.
(7) VATICAN II, sđd.
(8) CORNELIS E. Valeurs chrétiennes des religions non chrétiennes, p. 7
(9) CADIÈRE L. Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Paris, p. 23.
(10) x. Wieger L. Histoires des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine depuis l'origine jusqu'à nos jours, Chine 1917, Ière lecon; CADIÈRE L. sđd. p.23; SOUVIGNÉ, Variétés tonkinoises, ch. 12, “Les origines de la langue vietnamienne”, Hànội 1924; HOUANG, Ame chinoise et Christianisme, ch. I Paris; TRẦN VĂN HIẾN MINH, La conception confucéenne de l'homme, Saigòn; JOHN WU, Humanisme chinois et spiritualité chrétienne, Casterman 1965; ÐỖ ÐÌNH P. A Confucianisme et humanisme chinois, Seuil 1958.
(11) LOU TSENG TSIANG D. La rencontre des humanités et la découverte de l'Evangile, p.51, éd. Desclée de Brouwer, Paris (năm?)
(12) Các trích dẫn của cuốn Luận Ngữ là bản dịch của ông Ðoàn Trung Còn ”Tứ Thơ Luận Ngữ”, cơ sở xuất bản Sudasie, Paris (năm?)
(13) LOU TSENG TSIANG D. sđd p.54; CADIÈRE L. sđd p.81; NGUYỄN VĂN HUYỀN, La Civilisation Vietnamienne, Hanoi, 1944 p.66.
(14) Các trích dẫn về cuốn Ðạo Ðức Kinh của LÃO TỬ là bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, tập I và II, nhà xuất bản Xuân Thu, Houston (năm ?).
(15) LUBAC H. de, Aspects du Boudhisme, p. 106, éd.Seuil, Paris, 1955.
(16) RAHULA W. L'Enseignement du Boudha, p.167, éd. Seuil, Paris 1957.
(17) LUBAC H. de sđd. p.107
(18) LUBAC H. de sđd. p.107
(19) LUBAC H. de sđd. p.107
(20) RAHULA W. sđd p.130
(21) RAHULA W. sđd p. 130
(22) LUBAC H. de, sđd p.105
(23) RAHULA W. sđd p. 174
(24) BAREAU A. Boudha, p. 170, éd. Seghers, Paris (năm?).
(25) RAHULA W. sđd. p.139
(26) RAHULA W. sđd. p. 139
(27) BERNARD MAISTRE, Sagesse chinoise et Philosophie chrétienne pour la compréhension de l'Indochine et de l'Occident, p.33, éd. Cathasia, Paris 1955.
(28) Wieger sđd. lecon 17e.
(29) LUBAC H. de, sđd. p.55
(30) HUMBERTCLAUDE, A la rencontre du Bouddhisme, VII, p. 85
(31) CUTTAT J.A. Expérience chrétienne et spiritualité orientale, p.16, éd. Desclée de Brouwer, Paris 1960.
(32) LARRE C. Tao Te King. Le livre de la Voie et de la Vertu, Éd. Desclée et Brouwer, Paris 1977.
(33) VARILLON F. L'Humilité de Dieu, p.65, éd. Le Centuron, Paris, 1974.
(34) SPAE J. Les Chrétiens vus du Japon, p. 100, éd. Cerf, Paris 1959.