CHỮ "TRỜI" TRONG MỘT SỐ CỔ THI QUỐC ÂM VIỆT NAM
VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI
CHỮ "TRỜI" TRONG MỘT SỐ
CỔ THI QUỐC ÂM VIỆT NAM
Chữ "Trờì" trong cổ thi cũng như trong ca dao Việt nam có rất nhiều nghiã tuỳ theo khi nói về thế giới hữu hình cảm quan có thể nhận thấy, hay về thế giới vô hình chỉ có thể linh cảm qua suy tưởng.
Trong trường hợp thứ hai Lệ Thần Trần Trọng Kim định nghiã: "Ông Trời là đấng thiêng liêng giữ công lệ trong vũ trụ" (xem bài tựa Chuyện Thuý Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, trang XXXVII ). Ðấng thiêng liêng này ngoài danh xưng "Trời " hay "Ông Trời" còn được gọi là: Tạo Hóa, Hóa Công, Con Tạo, Hóa Nhi, Trời Xanh, Ông Xanh, Trời Già, Hồng Quân... hoặc đôi khi chỉ trong một chữ "Ai ".
Trong thi văn cổ Việt nam mốiliên quan giữa đấng thiêng liêng và số phận con người được diễn tả rất phức tạp, từ cầu trời, khấn trời, xin trời, kêu trời, cậy trời... đến than trời, giận trời, sợ trời, trách trời, oán trời... và những lời thê thảm <oán trời> thường gặp nhiều nhất.
Các nhà thơ, khoa bảng hay không khoa bảng, đều là những vị thâm nho (Ðạo Khổng) vào thế kỷ 14-15 còn chịu thêm ảnh hưởng của Lão Trang, càng về sau càng thấy hiện rõ ảnh hưởng của Ðạo Phật
Nhưng những câu thơ khi viết về "Trời" hầu như ở ngoài vòng ảnh hưởng của Tam Giáo và bắt nguồn từ sự tin tưởng hồn nhiên tự tại trong tâm hồn Việt Nam.
Bản cổ thi đề cập nhiều nhất tới những khái niệm về "Trời", về Tạo Hoá, về kiếp người, là bản Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, tước vị và bút hiệu: Ôn Như Hầu.
Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du
Nguyễn Trãi (1380-1442) khi về trí sĩ ở Côn Sơn viết rất nhiều thơ vừa chữ hán vừa chữ nôm. Nguồn thơ phóng khoáng chịu ảnh hưởng của Ðạo Lão và thơ Ðào Tiềm đời Tống hướng về cảnh sống thanh nhàn vui với thiên nhiên.
Thí dụ những câu thơ sau:
Dửng dưng sự thế biếng đua tranh
Lòng thơ ngàn dặm nguyệt ba canh.
Hay:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng với then .
Ghi Chú: Kho = nhà kho; Thu = gom lại; Yên hà = khói mây; Nặng với then = nặng đày khoang thuyền.
Những bài thơ "quốc âm" trong Ức Trai Thi Tập đôi khi cũng cho thấy những chữ: Trời, Tạo Hóa hay Thiên Mệnh mang theo ý nghĩa: Trời là Tạo Hóa, Trời là mầu nhiệm, Trời không thiên vị, mọi sự xấu tốt trong đời người đều do mệnh Trời.
Thí dụ:
Sang cùng khó bởi chưng Trời
Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi. <Ngôn Chí, bài 16>
Lồng lộng Trời tư chút đâu <Trần Tình, bài 4>
Ta còn lẵng đẵng làm chi nữa
Tượng có Trời bầy đặt vay. <Trần Tình, bài 7>
Ghi Chú: Tư chút đâu = Trời lồng lộng không thiên vị. Tượng = Hình như, dường như.
Trẻ dầu chơi con Tạo Hóa <Tự Thán, bài 3>
Trong Tạo Hóa có cơ mầu <Bảo kính Cảnh giới, bài 1>
Ghi Chú: Dầu chơi = lúc trẻ phó thác cho tạo hó. Cơ mầu = mầu nhiệm
Ðược thua, phú quý đều Thiên Mệnh
Chen chúc làm chi cho nhọc thân. (Mạn Thuật, bài 3)
Cùng, đạt, lẽ hay, này có Mệnh. (Bảo kính Cảnh giới, bài 5)
Cùng chung một nguồn thi hứng với Nguyễn Trãi, vào thế kỷ sau có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tức Trạng Trình cũng viết gần 100 bài thơ trong "Bạch-vân-am Thi-tập" vui với cảnh nhàn, du ngoạn sông hồ, hoặc bàn về nhân tình thế thái kín đáo răn đời.
Thí dụ:
Bàn cờ, cuộc rượu, vầy hoa trúc
Bó củi, cần câu, chốn nước non.
.. .. ..
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm ít nói về "Trời" nhưng cũng biết "Tạo Hóa" là mầu nhiệm:
Ðồ thư một quyển nhà làm của
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế
Cơ mầu Tạo Hóa mặc tự nhiên. (Bạch-Vân-Am Thi- tập)
Chữ "Trời" trong cổ thi Việt nam gây những cảm xúc khác biệt cho người viết tuỳ theo cương vị và hoàn cảnh khi là vua quan hay thứ dân nghèo đói. Lê Thánh Tôn (1442-1497) ở cương vị làm vua, là con của Trời (Thiên Tử) thay Trời quản trị đất nước, nhận thấy đây là một trách nhiệm khó và trọng đại:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc Trời dám dễ đâu. (Bài Tự Thuật)
Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787) khi thất thế mới linh cảm "Cơ Trời" là thần bí, khi may khi rủi, chỉ còn trông cậy vào "Trời" biết cho lòng ngay thảo:
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế
Giãi lòng ngay thảo cậy Thiên Tri. (Ngôn ẩn Thi tập, bài Than Thân)
Phải cơ, mới biết Cơ Trời nhiệm
Có rủi, bằng dường lại có may. (Ngôn ẩn Thi tập, bài Tự biết mình)
Ghi Chú: Thiên Tri = Trời biết. Nhiệm = mầu nhiệm, không thể lường được.
Trần Tế Xương (1870-1907) tức Tú Xương không đậu khoa thi hương nào, ruộng vườn bán hết, gạo ăn đong từng bữa, vợ cứ cách năm lại sinh thêm con, nên hỏi Trời sao lại trêu ghẹo như thế:
Bắc thang lên hỏi Ông Trời nhẻ
Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi? (Bài Than Thân)
Trong khi Trần Tế Xương chỉ hỏi "Trời" tại sao lại trêu ghẹo người như thế? Nguyễn Công Trứ (1778-1858) khi thì viết thơ trách "Ông Xanh" làm ra kiếp người, khóc cũng dở mà cười cũng dở, nên kiếp sau xin làm cây thông; lúc thì khởi chí quyết trả nợ tang bồng dù "Con Tạo" có đố kỵ:
Ngồi buồn mà trách Ông Xanh
Khi vui muốn khóc buồn tanh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. (Bài Cây Thông)
Trót sinh ra thì phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Ðố kỵ sá chi Con Tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong. (Bài: Chí Nam Nhi)
Những câu cổ thi nêu trên cho thấy cảm xúc phản ứng của thi nhân khi đối chiếu "Tạo Hoá" với chính thân phận kiếp người của mỗi nhà thơ.
Trái lại khi nhìn về cảnh vật bên ngoài: trời đất, sông núi, cỏ cây, thi nhân càng nhận thấy rõ bàn tay của "Tạo Hoá" trong những ảnh đẹp lạ lùng nên không hết lời khen ngợi.
Chu Mạnh Trinh (1862-1905) khi đi thăm Ðộng Hương Tích đã đặt câu hỏi: "Ai" đã tạc lòng động bằng "đá ngũ sắc như gấm dệt", và khi ra khỏi động nhìn sông núi mênh mông cũng lại hỏi: "Ai" dựng nên cảnh này nếu không phải là đấng "Tạo Hoá":
Nhác trông lên, Ai khéo vẽ hình
Ðá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi Ai đây
Hay Tạo Hoá sẽ ra tay sắp đặt ?
(Thanh-tâm tài nhân Thi tập, bài: Phong cảnh Hương Sơn)
Khi nói về "Trời" trong những bài thơ tả cảnh Hồ Xuân Hương (1772-1822) cũng xử dụng những từ ngữ: "Ai, Tạo Hóa, Con Tạo, Hóa Công, Trời già". Ðể khen ngợi tài "tạc cảnh, xây đắp, bày đặt, bày trò" của Tạo Hoá chữ "khéo" thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: khéo khéo phòm, khéo khôn phàm, rõ khéo, khéo tạc, khéo vẽ, khéo khéo bày trò:
Bày đặt kìa Ai khéo khéo phòm
.. .. .. ..
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo Trời Già đến dở dom. (Bài: Ðộng Hương Tích)
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen Ai khéo tạc cảnh cheo leo. (Bài: Ðèo Ba Dội)
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa
Khen Ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ. (Bài: Cảnh Thu)
Khéo khéo bầy trò Tạo Hoá công (Bài: Ðá ông chồng bà chồng)
Hóa Công xây đắp đã bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời. (Bài: Chợ Trời chùa Thầy)
Khen thay Con Tạo khéo khôn phàm (Bài: Hang Thanh Hoá)
Ghi Chú: Khéo khéo phòm = khéo khôn phàm = thật khéo.
Hồ Xuân Hương cũng nghĩ tới: "Tạo Hoá,Trời, Lẽ Giời, Phép Tạo" khi viết những câu thơ tả tình đời. Ðau đớn trước cái chết cuả một thanh niên tài hoa vợ trẻ con thơ cha mẹ già, Hồ Xuân Hương trách "Tạo Hoá ác vô ngần "và" Trời không có mắt". Khi phải chia tay với người thân nhà thơ coi nỗi buồn ly hợp là "Lẽ Trời" cũng như nắng mưa vị đời chua ngọt là do "Phép Tạo":
Ơi hỡi! ơi hà ! chết Cả Tân
Suy ra Tạo Hóa ác vô ngần.
(Khóc Tử Minh, bài 1)
Thần hôn định tỉnh để cho ai
Ðền bồi chẳng nhẽ Trời không mắt ?
(Khóc Tử Minh, bài 3)
Sớm biết Lẽ Giời ly có hợp
Thì mười năm trước bận chi nao.
(Bài: Chia tay tại An Quảng, An Hưng)
Mới biết vị đời chua lẫn ngọt
Mà xem Phép Tạo nắng thì mưa.
(Cảm năm cũ, tiễn năm mới: bài 2)
Ghi Chú: Cả Tân = tên gọi ở nhà của Tử Minh thầy giáo làng Nghi Tàm bạn thơ của Hồ Xuân Hương.
"Ly hợp là lẽ giời" khi chia tay với bạn trở thành "Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời" khi chinh phụ phải chia tay với chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc. Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) viết 411 câu thơ chữ nôm để dịch 476 câu nguyên bản chữ hán "Chinh Phụ Ngâm" của Ðặng Trần Côn (1740-1786). Chữ "Trời" chỉ xuất hiện ở mười câu trong số trên 400 câu của bản dịch và ý nghĩa "đấng thiêng liêng" chỉ tìm thấy trong bốn câu, trong sáu câu còn lại chữ "trời" không có ý nghĩa đó. Thí dụ:
Sứ Trời sớm giục đường mây (Câu 11)
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc Trời (Câu 20)
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng Trời
Trời thăm thẩm xa vời khôn thấu (Câu 212-213)
Trông bốn bề chân Trời mặt đất (Câu 289)
Phần vinh thiếp cũng đượm chung hương Trời (Câu 388)
Ðể chỉ "đấng thiêng liêng" ngoài chữ "Trời" Ðoàn Thị Ðiể cũng dùng những chữ "Ai" hay "Xanh kia" trong ba câu thơ có ý "trách Trời", nhưng cũng có một câu tin tưởng vào "lòng Trời", đây là một điều hiếm thấy trong cổ thi việt nam:
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì Ai gây dựng cho nên nỗi này (Câu 3-4)
Trách Trời sao để lỡ làng (Câu 347)
Ðã lòng Trời gìn giữ người trung (Câu 374)
Nguyễn Du (1765-1820) đã viết 3254 câu thơ kiệt tác trong cuốn Ðoạn-Trường Tân-Thanh (tiếng than khóc mới về nỗi đau lòng) tức Truyện Thúy Kiều, dựa theo cốt truyện bộ tiểu thuyết văn suôi tầm thường của tác giả trung quốc Thanh-Tâm Tài-Nhân.
Thi tài tâm sự của Nguyễn Du cũng như ảnh hưởng của Tam Giáo (nhất là Phật Giáo) và kinh điển văn chương Trung Quốc đã được không biết bao nhiêu văn hào thi hào đề cập tới trong hàng ngàn cuốn sách bài báo quốc ngữ hay ngoại ngữ.
Nên dướí đây chỉ xin nêu một vài suy tưởng về chữ "Trời" Nguyễn Du đã dùng trong Truyện Kiều theo ý nghĩa: Cho hay muôn sự tại Trời (Câu 2391). Cùng một ý nghĩa như trên là những danh từ: Trời Xanh, Con Tạo, Trời Già, Hóa Công, Hóa Nhi, và cả Trăng Già lẫn Hồng Quân.
Ðộc giả ngày nay có thể tìm thấy những ý nghĩa gì về chữ "Trời" của Nguyễn Du trong Truyện Kiều?
Chữ "Trời" được xử dụng trong Truyện Kiều một cách hồn nhiên hầu như sự tin tưởng "có Trời" là đương nhiên không gây thắc mắc cho Nguyễn Du. Tuy không có chữ "Tạo Hóa" trong suốt trên 3000 câu thơ, nhưng chữ "Hóa Công" xuất hiện một lần, nên có thể suy luận: đối với Nguyễn Du "có Trời" là đương nhiên và "Trời" tạo dựng mọi sự cũng là việc đương nhiên.
"Trời Xanh" gợi hình ảnh Trời ở quá xa. "Trời Già", "Trăng Già" làm nghĩ tới tuổi già lẩm cẩm. Còn những chữ "Hóa Nhi", "Con Tạo" cho cảm tưởng công việc Trời làm nhiều khi giống trò con nít.
Mối tương quan giữa Trời và Người được diễn tả rất phức tạp trong Truyện Kiều và đôi khi mâu thuẫn. Nắm quyền "phúc họa đạo trời" Hóa Công tỏ ra phũ phàng và độc địa. Cho ai hạnh phúc người đó mới được hưởng. Bắt ai đau khổ kẻ đó phải chịu họa.
Phũ phàng chi bấy Hóa Công (Câu 85)
Rủi may âu cũng sự Trời (Câu 817)
Người dù muốn quyết Trời nào đã cho (Câu 998)
Ngẫm thay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm Người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao. (Câu 3241-3244)
Trăng Già độc địa làm sao
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên ! (Câu 687-688)
Hóa Nhi thật có nỡ lòng
Làm chi giày tía vò hồng lắm nau ! (Câu 1129-1130)
Trời lại có tính ghen với Người Nữ có tài có sắc khiến cho "ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha" (câu 2163):
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen (Câu 5-6)
Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho Trời Ðất ghen (Câu 2153-2154)
Hồng Quân với khách hồng quần
Ðã xoay đến thế còn vần chưa tha (Câu 2157-2158)
Trời trong Truyện Kiều không phải "đấng thiêng liêng giữ công lệ". Người hiếu nghĩa trớ trêu thay lại gặp điều dữ. Người ngay lành bị oan ức kêu Trời không thấu:
Mấy người hiếu nghĩa xưa nay
Trời làm chi đến lâu ngày càng thương (Câu 2647-2648)
Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa ! (Câu 595-596)
Tiếng oan đã muốn bật Trời kêu lên ! (Câu 892)
Trời đối xử với Người khắc nghiệt như vậy, nên không lấy làm lạ khi đọc thấy trong Truyện Kiều những câu thơ chán ngán buồn thảm đành chịu buông trôi cuộc đời theo định mệnh được coi như thiên mệnh:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu ! (Câu 1115-1116)
Biết thân chạy chẳng khỏi Trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh. (Câu 2163-2164)
May thay! Ngoài những câu thơ oán Trời, Truyện Kiều cũng có một số câu thơ đặt hi vọng vào Trời, khuyên Người đừng "trách lẫn Trời gần Trời xa", vì "có Trời mà cũng tại ta":
Tâm thành đã thấu đến Trời (Câu 2717)
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời (Câu 3121-3122)
Khi nên Trời cũng chiều Người. (Câu 2689)
Nhân Ảnh trong Cung Oán Ngâm Khúc
Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) tước vị và bút hiệu Ôn Như Hầu là tác giả thiên trường ca Cung Oán Ngâm Khúc gồm 356 câu thơ Song thất Lục bát được viết vào thời Hậu Lê cách nay trên hai thế kỷ.
Cung Oán Ngâm Khúc thường được coi như một ngâm khúc tỏ bày nỗi oán hờn than thân trách phận của một phi tần trong cung cấmbị tình phụ.
Có người cho rằng tác giả mượn lời cung nữ để nói lên nỗi lòng bị thất sủng của mình. Người khác lại nói chưa chắc đã đúng như vậy, vì vào thời đó nhiều nhà thơ cũng đã viết những Cung Oán Thi như Vũ Trinh, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Hữu Chỉnh .
Ngày nay khi đọc lại thiên cổ thi này điều đáng lưu ý không phải chỉ nằm trong tài viết thơ của tác giả, cũng không phải trong sự thông suốt kinh điển thi văn Trung quốc làm phong phú thơ Việt, nhưng có lẽ nằm trong cái nhìn hay nói đúng hơn trong những câu hỏi không có lời giải về Kiếp Người, về Tạo Hóa, về "Trời" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều.
Phần sâu sắc nhất trong Cung Oán Ngâm Khúc là phần tư tưởng, là những câu hỏi về nhân sự, về cơ Trời, về sự đời:
Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế ? (Câu 45)
Vắt tay nằm nghĩ cơ Trời (Câu 47)
Chống tay ngồi ngẫm sự đời (Câu 331)
Nhiều câu thơ thuộc phần tư tưởng thật kỳ diệu vừa có thơ tính vừa có đạo tính tương tự giống lời ca trong các cuốn kinh. Nguyễn Gia Thiều đã làm được việc đem tư tưởng cao siêu của đạo giáo triết lý đông phương vào "Thơ" nên nhiều câu đời đời còn truyền tụng như câu kinh. Ý tưởng thâm sâu, lời thơ thật đẹp.
Nguyễn Gia Thiều đã viết những câu thơ rất rõ nét chịu ảnh hưởng của Khổng, Phật, Lão, Trang... hất là ảnh hưởng của Ðạo Phật, diễn tả cuộc đời là bể khổ, là giấc mộng, là tiền định.
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê (Câu 67-68)
Cánh buồm bể hoạn mênh mang (Câu 86)
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh (Câu 72)
Ðời sống con người trên trần thế được coi giống như cái bèo cái bọt trôi nổi trên bể khổ vào bến mê. Như báo trước cuộc đời sẽ như vậy nên khi mới sinh ra tiếng kêu đầu tiên đã là tiếng khóc:
Thảo nào khi mới chôn nhao
Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra (Câu 55-56)
Còn trong suốt cuộc đời từ lúc trẻ đến tuổi già liên miên bao nhiêu nỗi khiếp sợ về sự sống, sự chết, bệnh tật, đói nghèo...
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần (Câu 59-60)
Ðường đời chồng chất bao nỗi đắng cay:
Mùi tục lụy dường kia cay đắng (Câu 105).
Tim gan đau đớn vì bệnh trần :
Bệnh trần đòi đoạn tâm can (Câu 63).
Nghìn lần bị cọ xát, trăm lần bị sứt mẻ :
Ðòi những kẻ thiên ma bách chiết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau (Câu 53-54).
Theo đuổi cái bả vinh hoa phú quý (câu 81-82), gót chân thấm bùn (câu 70), tóc rụng gần hết (câu 61), chẳng qua chỉ giống như:
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương (câu 76).
Thời gian một đời người thoáng mất như bóng ngựa qua cửa sổ:
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi (câu 353).
Rồi cuối cùng chẳng được gì ngoài nấm mồ cỏ mọc xanh rì:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. (Câu 103-104)
Những niềm vui trong cuộc đời, nếu có, cũng thoáng đến thoáng đi như giấc mộng. Ngay cả tình yêu cũng chỉ được coi như một giấc "mộng xuân" ngắn ngủi khi mất đi muốn đem ngàn vàng mua lại cũng không được.
Dẫu mà ai có nghìn vàng
Ðố ai mua được một tràng mộng xuân (Câu 175-176)
Ðêm nằm chiêm bao thành bướm nhởn nhơ đó đây, khi tỉnh giấc thấy vẫn là người lòng tiếc ngẩn ngơ.
Khi bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ (Câu 218)
Mọi sự việc ở đời đều vô nghĩa giống như giấc mộng Nam Kha vô tình.
Giấc Nam Kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không (Câu 83-84)
Bao việc lớn nhỏ trong đời người thảy đều như đã được sắp xếp theo hướng tiền định của một định mệnh khắc nghiệt không sao cưỡng lại, ngay cả đến cái #n cái uống cũng đã được định trước.
Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là (Câu 51-52)
Nguyễn Gia Thiều đã viết những câu thơ não nùng về kiếp người:
Bệnh trần đòi đoạn tâm can (Câu 63)
Tuồng huyễn hóa đã bầy ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau (Câu 101-102)
Vui gì thế sự mà mong nhân tình (Câu 112)
Chính vì coi cuộc đời như kiếp phù sinh, một tuồng huyễn hóa, vui gì thế sự mà mong nhân tình, nên trong Cung Oán Ngâm Khúc đã có sáu câu thơ tỏ ý muốn đi tu. Vừa tu Phật, vừa tu Tiên theo Ðạo Lão. Tu Phật để dứt mối thất tình làm duyên với hoa đàm đuốc tuệ. Tu Tiên để thoát trần vui với trăng thanh gió mát.
Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong (Câu 109-110)
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời (Câu 113-116)
Nhưng có phải ai muốn tu là tu được đâu, Nguyễn Gia Thiều trong hai câu thơ nêu sau hầu như cảm thấy trên con người còn có một sức mạnh huyền bí chi phối kiếp người mà con người tự mình không thể hiểu thấu.
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm (Câu 91-92)
Ba chữ "cái quay búng" mỗi người hiểu một khác, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo trong cuốn sách Nhân bản Thiên Chúa Giáo (trang 76 và 24) giảng "cái quay búng" trong Cung Oán Ngâm Khúc là "Trời" viết chữ hoa. Giáo sư Tôn thất Lương lại giảng "cái quay" là luân hồi của Ðạo Phật.
Chỉ có ba chữ mà ai muốn hiểu thế nào cũng được, thật kỳ diệu thay lời thơ !
Nếu chỉ có ba chữ "cái quay búng" có thể hiểu là sự "May Rủi" như con thò lò lúc ngả mặt này khi ngả mặt khác. Nếu thêm chữ "sẵn" thành "cái quay búng sẵn" có thể hiểu là "Tiền Ðịnh". Nếu lại thêm hai chữ "trên trời" cái "Tiền Ðịnh" này ở ngoài tầm con người không phải ở dưới trần nhưng ở trên Trời.
Cái quay búng sẵn trên trời chi phối kiếp người ra sao ? trí người không ai thấu hiểu chỉ thấy "mờ mờ nhân ảnh". Con người mò mẫm tìm ngược suôi trong bóng tối "như người đi đêm" không biết đi về đâu.
Máy huyền vi mở đóng khôn lường (Câu 50)
Tại sao lại như vậy? Tại sao kiếp người lại gặp nhiều oan trái khó hiểu như thế? Nguyễn Gia Thiều đã đặt những câu hỏi trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Ai bày trò bãi bể nương dâu?
Ai mang nhân ảnh nhuốm mùi tà dương ? (Câu 58 và 80)
Ðằng sau những câu hỏi vượt qua ảnh hưởng của Phật, Nho, Lão, Trang... thấy ẩn hiện quan niệm về chữ "Trời" của Nguyễn Gia Thiều, của thời đại Nguyễn Gia Thiều.
Ngày nay mặc dù trào lưu văn hóa thực tiễn tây phương và ảo ảnh duy vật vô thần, quan niệm này chưa biến mất vẫn còn tồn tại trong tiềm thức đa số dân gian Việt nam. Bởi vì dễ gì một sớm một chiều có thể xóa bỏ những niềm tin vừa có đông-phương-tính vừa có việt-nam-tính đã được tích lũy bám rễ vào tâm hồn từ ngàn năm
Quan niệm về chữ "Trời" trong Cung Oán Ngâm Khúc trong Cổ thi Việt nam cũng như trong tâm hồn Việt nam có thể tóm tắt như sau: Trong trời đất có hai thế giới khác nhau, một thế giới nhìn thấy của loài người và một thế giới vô hình của các vị thần và các linh hồn.
Tuy khác nhau nhưng không riêng biệt, trái lại có liên quan mật thiết với nhau. Ðứng đầu thế giới vô hình là một Ðấng có quyền tối thượng định đoạt hết mọi việc trên trời và dưới đất. Ðấng này được gọi là "Trời" viết chữ hoa hay Ông Trời ".
Trong Cung Oán Ngâm Khúc có mười hai câu thơ nói đến chữ "trời" nhưng chỉ có năm câu trong đó chữ "Trời" có thể viết chữ hoa theo quan niệm nêu trên:
Quyền phúc họa Trời tranh mất cả (c.89)
Ai ngờ Trời chẳng cho làm (c.119)
Ðường tác hợp Trời kia giong ruổi (c.129)
Thôi đi đâu biết cơ Trời (c.195)
Ví sớm biết lòng Trời đeo đẳng (c.289)
Ðấng Trời này sống đời đời vô biên vô tận ở nơi trời cao cùng các Thần Tiên trong đền đài cung điện nguy nga được gọi là Thiên Cung. Vị thần tiên nào mắc tội bắt phải xuống trần đền tội sống kiếp người đau khổ trong vòng sinh tử.
Hay thiên cung có điều gì
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi (c.123-124)
Trong Cung Oán Ngâm Khúc "Trời" cũng được gọi là Tạo Hoá, Hóa Công hay Con Tạo:
Trộm nhớ thuở gây hình Tạo Hóa (c.9)
Tay Tạo Hóa cớ sao mà độc (c.329)
Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán (c.73)
Hóa Công sao khéo trêu ngươi (c. 259)
Thử xem Con Tạo gieo mình nơi nao (c.132)
Nào hay Con Tạo trêu ngươi (c.207)
Khi đọc mười một câu thơ trên thấy nổi bật những điểm chính của quan niệm về chữ "Trời" trong Cung Oán Ngâm Khúc:
1- Tác giả Cung Oán Ngâm Khúc công nhận trên Người còn có Trời, còn có một thế giới siêu nhiên.
2- Trời là Tạo Hóa. Trời tạo dựng ra con người và tất cả mọi sự trong trời đất.
Trộm nhớ thuở gây hình Tạo Hóa (c.9)
Lò cừ nung nấu sự đời (c.75)
Hai chữ "lò cừ" lấy từ điển bài phú của Giả Nghị (Thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công = Trời đất là cái lò lớn tạo hóa dùng để tạo dựng muôn vật).
3- Trời là nguồn của phúc họa. Con người không được dự phần vào việc hưởng phúc gặp họa của đời mình.
Quyền phúc họa Trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai (c.89-90)
4-Trời là cỗi rễ của định mệnh tiền định. Trên đường đời mọi sự đều đã định trước. Con người muốn làm khác đi cũng không được. Ðịnh mệnh lúc nào cũng giong ruổi, đeo đẳng, chẳng cho làm.
Ðường tác hợp Trời kia giong ruổi (c.129)
Ví sớm biết lòng Trời đeo đẳng (c.289)
Ai ngờ Trời chẳng cho làm (c.119)
5- Con người không thể nào hiểu thấu việc làm của Trời:
Thôi đi đâu biết cơ Trời (c.195).
6- Trời đối xử với con người nhiều khi độc ác chẳng khác chi đứa trẻ đành hanh, trêu ngươi, mà chơi:
Tay Tạo Hóa cớ sao mà độc (c.329)
Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán (c.73)
Hóa Công sao khéo trêu ngươi (c.259)
Nào hay Con Tạo trêu ngươi (c.207)
Chết người trên cạn mà chơi (c.15)
Ý câu chót lấy từ chữ "lục trầm" của Trang Tử (lục = cạn; trầm = chết đuối).
Nói ngắn lại sau khi coi cuộc đời là bể khổ, một giấc mộng, một định mệnh, Nguyễn Gia Thiều tác giả cuốn Cung Oán Ngâm Khúc nhận biết có Trời, nhưng cho cảm tưởng như chưa thỏa mãn còn đang đi tìm ý nghĩa của đời người, của mối liên quan giữa Người và Trời, đặt nhiều câu hỏi không có lời giải nên đành phó mặc cho định mệnh:
Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh
Thử xem Con Tạo gieo mình nơi nao ? (c.131-132)
Hai câu thơ trên của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc thật không khác chi hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu ? (c.1115-1116)
Trời và Mạc Khải
Lẽ cố nhiên Trời trong Cung Oán Ngâm Khúc cũng như của các Cổ Thi Việt Nam không phải là Trời trong các sách kinh Thiên Chúa Giáo, tuy cả hai đều được gọi là Tạo Hóa, đều ở nơi cao nhất trên các tầng trời và đều có những mối liên quan mật thiết với đời người.
Trời của Cổ Thi Việt Nam nhất định không phải Trời trong Tân Ước, Trời của thương xót và tình yêu. Nhưng Trời khắc nghiệt của Cổ Thi Việt Nam phần nào làm liên tưởng tới "Trời trừng phạt" trong Cựu Ước.
Trời và Thiên Cung của Cung Oán Ngâm Khúc không phải là Trời và Nước Trời của Thánh Kinh, nhưng phải chăng đó cũng là những cánh cửa tâm linh đã hé mở để sẵn sàng đón gió thần linh thổi tới?
Con người dù thông minh thông thái đến đâu tự mình không thể nào tìm biết Trời là ai? Chuyện Trời chỉ có Trời biết, nếu Trời im lặng không lên tiếng, con người sẽ không bao giờ biết chuyện Trời như thế nào? Chỉ còn biết mơ mộng tưởng tượng về một chân lý không bao giờ tìm thấy.
Chữ "Trời" viết chữ hoa có nghĩa tương đương với những danh từ: Thượng Ðế, Ðức Chúa Trời, Thiên Chúa để dịch danh từ Pháp: "Dieu".
Trong các đạo giáo chỉ riêng Kitô Giáo mới thấy đề cập tới sự kiện:
"Trời tự mình đến" để nói cho con người biết Trời là ai? Trời có mối liên quan gì với Người?
Sự kiện này được gọi là "Mạc Khải" danh từ Pháp: (Révélation). Vì vậy Kitô Giáo là tôn giáo của mạc khải.
Con người không còn phải tưởng tượng về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã cho con người những hiểu biết về Thiên Chúa, về ý nghĩa của kiếp người (tạo hóa, sống chết, đau khổ, oan trái, cứu độ, phúc họa, thiện ác, chân lý, ảo tưởng, tình yêu, thập tự, người mới, đất mới, trời mới...)
Dưới ánh sáng của mạc khải những câu hỏi trong Cung Oán Ngâm Khúc sẽ thấy <hướng ý nghĩa> trong niềm vui hy vọng vào Trời và Người ở bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Không còn phải:
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Ðể tìm xem :
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Ai mang nhân ảnh nhuốm mùi tà dương.
Người và Thiên Ân
Ðể kết luận bài viết này xin ghi lại dưới đây mười sáu câu thơ Song thất Lục bát được đặt tên: Người và Thiên Ân.
Oán, Sợ, Cầu... thâm sâu tình nối
Người với Trời nặng mối thiên ân
Hình thiên ảnh dưới hồng trần
Lương tri thiện ác xoay vần tự do.
Trời tạo hóa thiên cơ vạn kiếp
Phúc trùng trùng điệp điệp ngàn thương
Người sao sai hướng lạc đường
Thảm gieo âm loạn cung đàn hoan ca.
Trí thông tuệ tâm sa huyễn mộng
Lạc bến mê quỷ lộng nhân suy
Thiên ân canh thức linh tri
Thiên ngôn nhập thể giảng về nghĩa yêu.
Hiến mình máu hứa điều tân ước
Dạy nguyện cầu xin phước thánh linh
Lắng nghe Trời giải ý kinh
Yêu thương mới thật nối tình thiên ân.