ÐẤT VIỆT LÀ QUÊ HƯƠNG CỦA ÐẠO TRỜI
LÊ ÐÌNH THÔNG
ÐẤT VIỆT LÀ QUÊ HƯƠNG
CỦA ÐẠO TRỜI
Kinh Lạy Cha (Pater noster) mở đầu bằng câu : Lạy Cha chúng tôi ở trên Trời. Kinh Tiền Tụng (Praefatio) cũng có câu : Trời Ðất đầy vinh quang Chúa. Khi đọc các kinh nguyện này trong Thánh lễ, chúng ta đã sử dụng ngôn ngữ riêng của người Việt, không vay mượn từ ngôn ngữ nước ngoài. Từ ngữ Trời – Ðất có trong số từ vựng tiếng Việt cổ, được các bậc tổ tiên sử dụng từ thời lập quốc. Vào thời kỳ này, nước ta chưa tiếp xúc với những nhóm ngôn ngữ khác như tiếng Tầu, tiếng Mã Lai, tiếng Khmer, Bahnar, Santali, Nokobarais, Thái v.v.
Một nhà ngữ học Pháp đã ghi nhận : ‘‘On ne voit pas où les Annamites ont appris à dire : Lời Ðất (…)’’ (Người ta không biết người Việt đã học ở đâu để nói : Lời Ðất.). Việc đối chiếu nhiều ngôn ngữ Ðông Nam Á cho phép đi đến kết luận như sau : Ngay từ khi xuất hiện tiếng Việt, các bậc tổ tiên ta đã gọi : Trời – Ðất. Và ngày nay, chúng ta tiếp tục gọi : Trời – Ðất trong ngôn ngữ hàng ngày và trong kinh nguyện.
Bài chuyên khảo dưới đây sẽ lần lượt tìm hiểu về Ðạo Trời trong các phạm vi ngôn ngữ, văn học, triết học và tôn giáo.
*
I- ÐẠO TRỜI TRONG NGÔN NGỮ ÐỐI CHIẾU :
Tự vựng về Trời trong tiếng Việt tương đối phong phú so với các ngôn ngữ khác có tác động qua lại với tiếng Việt. Tiếp cận về địa lý và lâu đời nhất là Trung Quốc. Tiếp đó, hoàn cảnh lịch sử đã tạo điều kiện để người Việt sử dụng các ngôn ngữ khác trong sinh hoạt và trong sách vở : tiếng Pháp, Latinh, Anh-Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Ðức v.v.
1– Trong một số ngôn ngữ :
Sau đây là tự vựng về Trời trong tiếng Việt, đối chiếu với một số ngôn ngữ khác có liên hệ gần, xa với tiếng Việt.
- Việt ngữ : Trong chữ nôm, Trời gồm chữ Thiên và chữ Thượng đều chỉ ý. Học giả Paulus Huỳnh Tịnh Của (1896) định nghĩa Trời như sau :
Trời : vầng cao lớn, bao phủ trên không ; hình khum khum bao phủ trên cao.
Bầu trời. Trời cao, cả. Trời xanh : Vừng xanh xanh bao phủ trên không. Trời thanh : Trời thanh bạch, không có mây. Trời tạnh : Trời tạnh ráo không có mưa. Trời nắng : Trời hết mưa, nắng chói lói, thì tiết nóng nực. Trời hạ : Chín mùa nắng. Trời mưa : trời làm mưa, mưa xuống. Trời hạn : Khô nắng, nắng trường làm cho cây trái khô héo. Trời im : Trời im mát, không có nắng. Trời nhâm : Mặt trời mắc mây ám. Trời lặng : Trời lặng lẽ không có gió đông. Trời lạnh : Thì tiết lạnh lẽo. Trời đông : Chính mùa lạnh. Trời xuân : Khí trời mát mẻ. Trời thu : Thì tiết thanh bạch. Thuận trời : Khí trời thuận việc làm mùa. Nghịch trời : Khí trời không thuận tiện việc làm ăn. Trở trời : Tiết khí đổi dời. Trên trời : Trên khí không không, trên cao vọi vọi. Trời trên : Làm nổ trời trên, chỉ nghĩa là làm vang lừng vỡ lở. Dưới Trời : Trong thiên hạ, dưới đất nầy. Lên Trời : Ði lên trên Trời. Chầu Trời : chết. Về Trời : chết. Kêu Trời : Kêu xin Trời Ðất chứng minh. Vái Trời : Cầu khấn cùng Trời, cầu Trời phù hộ. Nhờ Trời : Tiếng ước trông cho Trời che chở. Phước Trời : Phước đức Trời cho, sự may mắn thình lình. Phép Trời : Phép tắc phi thường, quá trí con người. Giữa Trời : Giữa không không, giữa thiên hạ. Trong Trời : Trong thiên hạ. Chín tầng Trời : Chín lớp mây ở trên trời. Việc bằng trời : Việc lớn quá, trọng quá. Ðộng cả Trời : Rúng động trong thiên hạ ; cả và thiên hạ không yên. Vua Trời : Vua thiên hạ, tiếng các nước Miên, Mọi xưng tặng vua An Nam. Ngôi Trời : Ngôi vua. Chim trời cá nước : Chim ở trên trời, cá ở dưới nước, sự thế minh mông không lấy đâu làm chắc. Chạy mờ trời : Chạy mau quá. Con ngựa nhà trời : Loài châu chấu giống hình con ngựa. Chơn đạp đất đầu đội trời : Ðứng bậc con người. Ông Trời : Tiếng xưng hô đấng che chở ở trên trời, mà kẻ ngu hiểu là một vầng lớn minh mông bao phủ ở trên đầu chúng ta. Thuốc Trời : Thuốc phép Trời cho. Trời thổi già : Gió thổi mạnh quá. Chạy trời không khỏi nắng : Chẳng có lẽ trốn tránh cho được. Cơ Trời : Máy trời làm, lẽ trời định. Tốt trời ngủ ngày : Trời mưa hoài, không làm công chuyện được, thì là tốt thế ngủ. Xấu trời ăn mày : Trời mưa hoài, đi xin không được, thì là bất tiện cho ăn mày. Mặt biển chân trời : Ðàng xa xôi diệu vợi. Thấu trời thấu đất : Quá lắm, trời biết, đất hay.
- Thành ngữ Việt-Pháp : Các thành ngữ Việt-Pháp nói về Trời là công trình của hai tác giả công giáo vào cuối thế kỷ XIX : học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (Vocabuliare annamite-francais, Bản in của Nhà Rey et Curiol, 1887) và linh mục Génibrel thuộc hội Thừa sai Paris (Dictionnaire Annamite-Français, Ấn quán Truyền giáo (Imprimerie de la Mission) ở Tân Ðịnh in năm 1898.
a) Học giả Petrus Trương Vĩnh Ký đã liệt kê tự vựng về Trời như sau :
LE CIEL - I) SPHÈRE CÉLESTRE : BẦU TRỜI (Thiên cầu) :
Le ciel : Trời (=giời, blời)
Le créateur (l’être suprême résidant dans le ciel) : Ông Trời ( = monsieur le ciel)
Dieu : Ðức Chúa Trời (=majestueux seigneur du ciel)
Le seigneur : Chúa Trời (=seigneur du ciel)
Le créateur : Ðấng tạo hóa (=l’être créateur). Thợ trời (=artisan célestre). Con tạo (=le créateur).
Dans le ciel, au ciel : Trên trời (=sur le ciel)
Les cieux : Tầng trời (=étages du ciel)
Le royaume du ciel, le paradis : Nước thiên đàng (=royaume de la cour célestre)
Le soleil : Mặt trời (=figure du ciel), nhựt, mặt nhựt
La lune : Mặt trăng (nguyệt),mặt nguyệt
Halos solaire : Quầng (huầng) mặt trời (=cercle (tache) du soleil)
Halos lunaire : Quầng (huầng) mặt trăng (=cercle de la lune)
Les étoiles : Sao (ngôi sao), vì sao
Les planètes : Tinh tú (hành tinh)
Étoile du soir : Sao hôm (=étoile du soir)
Étoile du matin :Sao mai (étoile du matin) v.v.
b) Linh mục Génibrel đã liệt kê tự vựng về Trời như sau :
TRỜI (Thiên) (Lời), Ciel., m, Divin, célestre, royal, impérial, adj. Ðức Chúa Trời, Seigneur du ciel. Dieu. Trời cao, Le ciel élevé. Le ciel. Trời cao biển rộng, L’élévation des cieux et l’immensité des mers. Ðạo Trời, Voie du ciel ; Loi divine ; Dessein de Dieu. Nhờ Trời, Avec la grâce du ciel, (style pạen) : Chơn trời, L’horizon, Phương trời, Sous le ciel, Ðèn trời, Flambeau célestre. L’empereur, Lumière célestre (Vous, à un juge), Hương trời, Encens célestre ;Faveur royale. Phép nước, lộc trời, Emplois publics et émoluments royaux. Trời gần, Le ciel est proche (juste). Chầu trời, Mourir, Kêu Trời, En appeler au Ciel. Van Trời : Invoquer le Ciel. Lên trời : monter au ciel. Trên trời, Au ciel. Oai trời, La majesté célestre, impériale, royale. Ðội trời đạp đất ở đời, Ici porter le ciel sur la tête et fouler aux pieds la terre (Être tout-puissant). Cửa trời, La porte du ciel, Trời ôi ! Ciel ! Juste ciel ! Interj. Trời thanh, Beau temps. Temps serein. Phép bằng trời, L’astrologie. Trời đất, Le ciel et la terre. L’univers. Trời xanh, le ciel bleu, le firmament. Trời hạn, Sécheresse, f., Trời nắng. Chaleur, f., temps abominable. Trời nhâm, Ciel chargé de nuages. Trời tạnh, Cesser de pleuvoir ; Il cesse de pleuvoir, Ciel serein. Lặng trời, trời lặng, Temps calme, serein, Calme, m, Trời im, Temps frais. Trời thổi già, Il fait un vent violent. Chim trời cá nước, les oiseaux et les poissons. Chạy mờ trời, Courir, aller vite. Trời đà hừng đông, le jour paraỵt à l’horizon.
CHỈ : Ðức Chúa Trời chỉ xem tấm lòng người ta : Dieu voit le coeur de l’homme.
- Hoa ngữ : Thiên có nghĩa là Trời, Bầu trời. Tiếng Hán có từ ngữ tương đương với Ðạo Trời : Thiên Ðạo : cái lẽ phải của trời mà người phải theo. Các từ tương đương khác là : Ông Trời : Thiên Ðế. Nhà Trời : Thiên đường. Cõi Trời : Thiên giới. Bầu Trời : Thiên không. Lẽ Trời : Thiên lý (đồng âm với Thiên lý : ngàn dặm).
Thiên do bộ Ðại có nghĩa là lớn. ‘‘Các bực trên như cha, anh, quan trưởng cũng gọi là đại’’. Theo Thiều Chửu trong Hán Việt Tự điển :
Thiên
Bầu trời.
Cái gì kết quả tự nhiên, sức người không thể làm được gọi là thiên. Như Thiên niên, Thiên sinh v.v.
Nhà Tôn giáo gọi chỗ các thần linh ở là Thiên, như Thiên quốc, Thiên đường.
Ông Trời : có nhiều nhà tu xưa cho Trời là ngôi chúa tể cả muôn vật, giáng hạ ban phúc đều quyền ở Trời cả. Nhà Phật thì cho Trời cũng là một loài có công tu thiện nhiều hơn, được sinh vào cõi đời sung sướng hơn người khác mà thôi.
Thiên binh (tianbing) : lính nhà Trời.
Thiên đạo (tiandào) : Ðạo Trời.
Thiên công (tiangong) : Ông Trời (gong : ông)
Thiên quốc (tianguó) : Thiên đường.
Thiên lý (tianli) : Lẽ trời
Thiên mệnh (tianmìng) : Mệnh trời.
Thiên thần (tianshen) : Thiên thần.
Thiên đường (tiantang) : Thiên đường
Thiên chủ giáo (tianzhujiào) : Ðạo Thiên Chúa (La religion catholique) (theo Viện Ricci).
Thiên chủ đường (tianzhutáng) : Giáo hội Công giáo (l’Église catholique) (theo Viện Ricci)
- Pháp ngữ : Ciel, cieux hoặc ciels trong tiếng Pháp du nhập từ tiếng la tinh caelum khoảng năm 881 có nghĩa là bầu trời có Thượng Ðế ngự trị. Về ý nghĩa từ nguyên của chữ coelum, các nhà ngữ học cho rằng coelum là do chữ caedere có nghĩa là couper, découper (cắt, phân cắt) : bầu trời đuợc chia cắt thành từng vùng có các tinh tú ngự trị Caeli (trời, số nhiều) có nguồn gốc Kinh thánh từ tiếng Do thái chamay ỵm. Tiếng Hy lạp cũng viết ouranos ở số nhiều. Theo Tharaud, ‘‘đấng Vĩnh cửu ngự trị trên tầng trời thứ bẩy’’ (L’Éternel habite dans le septième ciel). Nhà văn Valéry viết : ‘‘Ðong đầy, sáng láng ; như thể trong tầng trời thứ bẩy là nơi đầy ân sủng. Trên tầng cao thẳm linh hồn chiêm ngắm về những sự lạ vô song.’’
- La ngữ : Caelum có nghĩa là trời. Theo Cicéron trong Orator ad M. Brutum, ‘‘Nên biết trời tròn, trái đất ở chính giữa, mặt trời quay chung quanh’’ (rotundum ut caelum terraque ut media sit…sol ut circum feratur), hoặc là : lên trời chiêm ngắm bản chất vũ trụ và vẻ đẹp của các tinh tú. (in caelum ascendere naturamque mundi et pulchritudinem siderum perspicere).
- Tiếng Ý : Cielo có ý nghĩa Trời, bầu trời trong Việt ngữ. Volta del cielo : vòm trời. Sotto il cielo : dưới trời v.v. Từ ý nghĩa cụ thể, cielo mang ý nghĩa tôn giáo : Padre Nostro che sei nei cieli : lạy Cha chúng tôi ở trên trời. Salire al cielo : lên trời (lên Thiên đường).
- Tiếng Tây Ban Nha : Cielo (m) bầu trời; không gian, không trung, khí hậu, thời tiết, Thượng đế, trời, điểm cao, đỉnh cao.
- Tiếng Anh-Mỹ : Sky (pl. Skies) (ME : Middle English : tiếng Anh từ năm 1150 đến 1500). 1) Trời Under the open sky : Giữa trời, ngoài trời. To laud, praise, someone to the skies: khen người nào quá sức, hết nước, đưa tận mây xanh. 2) Khí hậu, phong thổ.
- Tiếng Ðức : Himmel : trời; Trời cao biển rộng (bildlich : nghĩa bóng) grenzenlos, unbegrenzt, endlos. Himmel reich : Kingdom of Heaven (Nước Trời)
*
2– Trong ngôn ngữ đối chiếu :
Việc so sánh 3 nhóm ngôn ngữ khác nhau :
1- Việt-Hán ;
2- La tinh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha ;
3- Anh-Mỹ, Ðức
cho thấy một số điểm tương đồng và khác biệt giữa các ngôn ngữ nói về Trời.
a) Ðiểm tương đồng :
- Về phát âm (phonétique) : Ngoại trừ tiếng Việt và tiếng Ðức, từ ngữ Trời trong các ngôn ngữ trích dẫn đều bắt đầu bằng phụ âm : c, s hoặc t :
- Caelum : La tinh
- Ciel : Pháp
- Cielo : Ý và Tây Ban Nha
- Sky : Anh
- Tian (T’ien) : Hoa ngữ (tian đồng âm với ciel).
Phát âm tương tự không có nghĩa là ngôn ngữ này vay mượn ngôn ngữ khác, nhưng chứng tỏ con người ở bất cứ đâu đều phát âm tương tự trước một thực thể chung là Trời. Trường hợp này cũng tương tự như vần m để chỉ Meï :
- má, mẹ (tiếng Việt)
- mu (mẫu), (Hoa ngữ)
- maman, mère (Pháp ngữ)
- mater (La tinh)
- mamma, madre (Ý)
- madre (Tây Ban Nha)
- mum, mother (Anh-Mỹ)
- mutter (Ðức).
Về ý nghĩa (sémantique) : Các ngôn ngữ (ngoại trừ tiếng Anh-Mỹ) đều bắt đầu từ bầu trời (không viết hoa, nghĩa cụ thể) đến Ông Trời (viết hoa, nghĩa siêu hình).
Về thời gian xuất hiện (datation) : Chữ Ciel (trong tiếng Pháp) và Sky (trong tiếng Anh) xuất hiện từ năm 881 đến 1150 (1). Chữ Trời trong tiếng Việt là ngôn ngữ riêng của người Việt có từ khởi nguyên của dân Việt.
b) Ðiểm dị biệt :
So với các ngôn ngữ trích dẫn, tiếng Việt là một ngoại lệ. Chữ ‘‘Trời’’ có trong tiếng Việt cổ. Tuy cách phát âm có khác nhau tùy theo địa phương (Trời, Lời), từ ngữ này không hề thay đổi về ý nghĩa. Ðiều này chứng minh người Việt thiên về hữu thần. Khuynh hướng này được thể hiện qua cách nói thông thường. Tiếng Việt trong số những ngôn ngữ có số từ đơn hoặc từ kép nói về Trời nhiều nhất, được chứng minh qua công trình ngữ học của các học giả công giáo là học giả Trương Vĩnh Ký (1887), học giả Paulus Huỳnh Tịnh Của (1896) và linh mục Génibrel (1898).
Mặt khác, vốn tự vựng về Trời của người Việt còn được chứng minh qua văn học dân gian. Ðó là tấm gương trung thực phản chiếu suy nghĩ, tình cảm của người dân. Việc khảo sát văn học dân gian nói về Trời là một cách để tìm hiểu tâm thức tôn giáo của dân tộc Việt Nam vậy.
*
II - ÐẠO TRỜI TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN :
Các tuyển tập văn học đầu tiên trên thế giới đều dành để ghi lại kho tàng văn học dân gian, như Ilyade và Odysée của Homère hoặc Kinh Thi, san định văn học dân gian ở Hy Lạp và Trung Quốc. Ở nước ta, tập Báo cực truyện và Ngoại sử ký của Ðỗ Thiện xuất hiện từ thế kỷ X đến XIII sưu tập các câu tục ngữ, ca dao ở nước ta. Trong lời đề tựa Ngạn ngữ Phong dao, Nguyễn Can Mộng viết : Văn vần nước ta phôi thai từ ngạn ngữ, rồi đến phong dao thì thành điệu, thành chương, có thể ngâm nga được. Văn lục bát hay song thất sau này đều từ đấy cả.
Văn học dân gian gồm có truyện cổ tích, tục ngữ và ca dao :
- Truyện cổ tích là câu chuyện thuật lại những việc đời xưa, ghi lại một dấu vết của thời xưa. Ở nước ta, nơi dân gian, có nhiều câu chuyện như vậy, phát sinh từ thời xưa, người dân thường ghi nhớ và kể lại cho nhau nghe. Có thể coi đó là một hình thức sơ khởi của nền văn học bình dân và truyền khẩu vậy (2).
- Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có nghĩa lý và quen dùng từ lâu trong dân chúng (chữ tục đây không có nghĩa là thô tục, tục tĩu, mà là thông tục, thông thường) (3).
- Ca dao : Ca là hát. Dao là hát suông, không có đệm tiếng nhạc. Ca dao là những câu hát theo giọng điệu tự nhiên, lưu hành trong dân gian thường diễn tả tư tưởng, tính tình của người bình dân (4).
Ðạo Trời xuất hiện trong cả ba thể loại văn học dân gian nước ta như được dẫn chứng sau đây.
1) Truyện cổ tích : Truyện Thần Trụ Trời và Con Cóc là Cậu Ông Trời là hai truyện cổ tích diễn tả ý nghĩ dân gian về Trời.
a) Thần Trụ Trời : Thuở ấy, chưa có trái đất, cũng như chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên một vị thần khổng lồ xuất hiện, chân thần cao không thể tả xiết. Thần bước một bước, có thể ví như là qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.
Thần ở trong đêm mờ mịt, hỗn độn kia không biết từ bao lâu. Bỗng có một lúc thần đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời. Hễ cột được thần đắp cao lên chừng nào thì trời dường như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần hì hục vừa đào vừa đắp, chẳng bao lâu, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù mịt.
Từ đó, trời đất mới phân đôi. Ðất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau, gọi là chân trời.
Khi trời đã cao và đã khô, không hiểu tại sao thần lại phá cột đi, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra khắp nơi mọc thành gò, thành đống và những dải đồi cao. Vì thế mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi, chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.
Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Sau này, người ta thường nói rằng còn vết tích cột đó ở núi Yên Phụ vùng Hải Hưng. Người ta cũng gọi đó là Cột chống Trời (Kinh thiên trụ). Vị thần Trụ trời đó sau này cũng gọi là Trời hay Ngọc Hoàng bao trùm tất cả, trông coi mọi việc trên trời, dưới đất.
Sau khi thần Trụ trời chia ra trời đất thì có một số thần khác, nối tiếp công việc còn dở dang, để xây dựng nên thế gian. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Biển.
Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay :
Ông đếm cát
Ông tát bể (biển)
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú (núi)
Ông trụ trời…’’ (5)
Thần Trụ Trời giải thích tạo thiên lập địa theo quan niệm dân gian. Lối giải thích này cũng có điểm tương đồng với sách Sáng Thế Ký về việc trời đất chia đôi cũng như việc tạo dựng núi cao, biển rộng. Sách Sáng Thế Ký mở đầu Cựu ước nói về nguồn gốc vũ trụ và nhân loại như sau :
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên Chúa phán : ‘‘Phải có ánh sáng.’’ Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán : ‘‘Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.’’ Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán : ‘‘Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra,’’ Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là đất, khối nước tụ lại là biển. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán : ‘‘Ðất phải sinh thảo mộc xanh tươi, có mang hạt giống tùy theo loại, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.’’ Liền có như vậy. Ðất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ ba.
Thiên Chúa phán : ‘‘Phải có những vầng sáng trên vòm trời để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Ðó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất. Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn : vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm ; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vòm sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ tư.
Thiên Chúa phán : ‘‘Nước phải sinh ra đầy rẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.’’ Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vùng vẫy lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng : ‘‘Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy biển ; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa phán : ‘‘Ðất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại : gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại. Liền có như vậy. Thiên Chúa đã làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại và loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán : ‘‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Ta để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa chúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : ‘‘Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Thiên Chúa phán : ‘‘Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp trái đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khíù, Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự đã làm quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bẩy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi việc của người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
Ðó là gốc tính trời đất khi được sáng tạo.’’(6)
b) Con cóc :
Văn học dân gian có câu :
Con cóc là cậu ông Trời,
Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho.
(Le crapaud est l’oncle du Ciel,
Et qui se permet de le frapper sera du Ciel puni)
Câu thơ này được bình giải như sau :
Nạn hạn hán khủng khiếp hoành hành khắp nhân gian. Tất cả ao, hồ, đầm lầy đều khô cạn. Cây cối héo hon. Các loài động vật khát khô. Có một chú cóc tình nguyện đi gặp Ông Trời để hỏi nguyên nhân của thiên tai này. Trên đường đi, cóc gặp một con ong :
- Anh Cóc ơi, anh đi đâu vậy ?
- Ði vái Trời cầu mưa.
- Cho tôi đi theo với. Hoa nào cũng khô héo. Tôi không tìm đâu ra mật ngọt.
Ði được một quãng, cóc và ong gặp chú gà trống và con cọp. Khi được biết mục đích chuyến đi, cả hai tình nguyện đi theo. Sau cùng, tất cả đến trước cổng nhà Trời.
- Các anh chờ ở đây. Khi nào tôi gọi mới được vào.
Chú cóc vào đại sảnh nhà Trời, thấy Ông Trời đang chơi cờ với các Tiên Ông. Cóc liền nhẩy lên chiếc ghế bố, phồng môi trợn má, giận dữ nhìn các Tiên Ông :
Ông Trời phán :
- Tên nhãi ranh này là ai mà dám đại náo thiên cung ?
Các thiên binh xông vào bắt chú cóc, liền bị ong đốt xưng vều mặt mũi, tháo chạy.
Ông Trời hạ lệnh :
- Thiên lôi đâu ?
Thiên lôi chưa kịp làm sấm chớp liền bị gà trống mổ lia lịa.
Ông Trời bèn phán :
- Thiên cẩu đâu ?
Chỉ trong chớp mắt, con cọp nhẩy ra tấn công thiên cẩu.
Ông Trời liền dịu giọng, ân cần hỏi :
- Cậu cóc kia, cậu lên đây có chuyện gì vậy ?
- Thưa Ngài, từ mấy tháng nay, trần gian bị hạn hán. Tất cả động vật và thực vật đều chết khô vì nắng hạn.
- Ðây là lỗi Thần Mưa. Kêu ngay Thần Mưa cho ta.
Thần mưa bước vào bẽn lẽn cúi đầu nhận tội biếng lười.
Cóc ta được thể đề nghị :
- Bẩm Trời, con không dám lạm bàn về chuyện nhà trời. Con chỉ xin từ nay, mỗi lần con nghiến răng,
Thần Mưa nhớ đổ mưa.
Ông Trời trả lời :
- Cậu cóc ơi, ta chấp nhận lời thỉnh cầu của cậu.
Người ta nghiệm ra rằng mỗi lần cóc nghiến răng là thế nào cũng mưa. Sau này vua Lê Thánh Tông có câu thơ :
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời (7).
c) Bát gạo ăn mày :
Ngày xửa ngày xưa có một người túng thiếu phải đi ăn xin. Một hôm anh ta xin được một bát gạo nhà giầu. Anh hí hửng ra bờ ao vo gạo. Trong khi anh vo gạo có ngọn cuồng phong lập úp bát gạo xuống ao. Người ăn xin khóc mếu máo, không biết phải kiện ai. Suy nghĩ một hồi, anh quyết định kiện gió làm đổ bát gạo. Anh viết đơn kiện gởi tòa án nước Trời. Ðơn kiện viết như sau : Thần đói khát đã lâu, tá túc ở Hạ Ðoài, đi khắp chốn xin ăn. Hôm nay, thần gõ cửa nhà phú hộ. Ông phú hộ thương tình bố thí cho bát gạo. Thần vô gia cư nên ngồi vo gạo ở đầu cầu.
Ngọn cuồng phong thổi đến làm đổ chén gạo xuống ao. Thần không có rổ cũng không có lưới làm sao vớt được gạo ? Thần bèn đến trước sân rồng khấn xin Cửu Trùng thương sót.
Trời thương tình nhận đơn kiện, bắt Thần Gió hầu tòa giải thích vì sao làm gió lớn. Thần Gió tâu rằng - Bẩm Trời, thuyền chở người buôn gạo mắc cạn dưới bến xin thần giúp đỡ. Thần làm đại phong đẩy con thuyền ra khơi.
- Nhà ngươi làm như thế thật là vụng về, gây thiệt hại cho lão ăn mày. Nhà ngươi thiếu lòng bác ái đối với dân nghèo nhưng lại hết lòng giúp đỡ phú thương chỉ vì quà cáp.
Sau đó Trời phán xử Thần Gió bắt người buôn gạo phải trả cho người ăn xin bát gạo. Người phú thương bằng lòng và người ăn xin đã có bát cơm đầy (8).
2) Tục ngữ : Người dân biểu hiện niềm tin vào Ông Trời qua nhiều câu tục ngữ. Linh mục Léopold Cadière đã giới thiệu niềm tin dân gian này trong công trình biên khảo Croyances et pratiques religieuses des Annamites (9) (Tín ngưỡng và hành đạo của người Việt):
Sống chết ở Trời,
Phước tội tại Trời.
Giàu sang ở trời,
Ðói no ở Trời.
Niềm tin dân gian về Thiên định (Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên) chỉ là cách nói khác đi về sự quan phòng (Providence) được nói đến trong Phúc âm : Thiên ý được coi như sự khôn ngoan dẫn dắt thế giới (volonté divine, considérée comme la sagesse qui gouverne le monde). Của cải đều do Ông Trời ban cho. Còn mất cũng là do ý Trời :
Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời !
Ngoài của cải, Trời còn se duyên đôi lứa. Trai, gái rủ nhau cầu Trời ‘‘định đôi’’ :
Nhờ ơn cô bác giúp lời,
Chị em giúp của, Ông Trời định đôi.
Nếu ‘‘tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một phê phán’’(10), các câu tục ngữ của nước ta nói về Trời như :
Trời sinh, Trời dưỡng,
Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.
đã bộc lộc niềm tin dân gian vào triết lý sinh – dưỡng tự nhiên của Ông Trời. Tinh thần này còn được thể hiện qua nhiều bài ca dao.
3) Ca dao : Theo Vũ Ngọc Phan, ca dao là một thuật ngữ Hán-Việt. Trong Văn học dân gian, tập II (Lịch sử Văn học Việt Nam), Ðinh Gia Khánh chú thích như sau : Trong Kinh thi, phần Ngụy phong, bài Viên hữu đào có câu : Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thủ dao (Lòng ta buồn, ta ca và dao). Sách Mao truyện viết : Khúc nhạc hợp viết ca, đô ca viết dao (Khúc hát có nhạc đệm theo lời gọi là ca, còn hát trơn thì gọi là dao). Trong sách Cổ dao ngạn, bài Phàm lệ phân tích : Ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể là lời của nhiều bài ca (11).
Trong số dân ca nói về Trời phải kể đến bài Lạy Trời mưa xuống. Cũng như các câu tục ngữ trích dẫn trên đây, ca dao này là tâm ca của nhà nông nước Việt đặt trọn niềm tin vào Trời Ðất :
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.
Trong xã hội nông nghiệp trồng lúa như ở nước ta, khúc hát cầu mưa này là Kinh Lạy Cha của dân gian :
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời = Lạy Trời mưa xuống
Xin cho chúng tôi rầy hàng ngày dùng đủ = Lấy bát cơm đầy
Câu kinh và ca dao nước Việt gặp nhau ở tấm lòng thành mong Trời Cao chứng giám.
Nhà nông là những người rất mực tin tưởng vào Trời Ðất. Nhiều câu ca dao thể hiện niềm tin này qua vần điệu hữu tình :
Nhờ trời mưa gió thuận hòa,
Nào cầy nào cấy, trẻ già đua nhau.
Chim gà cá lợn cành cau,
Mùa nào thức nấy giữ màu nhà quê.
Các câu ca dao nói về Trời là lời thì thầm khấn nguyện hoặc là những lời dặn bảo nhau. Khấn nguyện thì có :
Người ta rượu sớm trà trưa,
Em nay đi nắng về mưa đã nhiều.
Lạy Trời mưa thuận gió đều,
Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng nhau.
Dặn bảo nhau như trong khúc hát tâm tình :
Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu.
Công lênh chẳng quản lâu đâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Xã hội nông nghiệp trực diện với trời cao, ruộng đồng. Các khúc ca dao mặn mà với ruộng đồng thường là những câu nặng tình với Trời Ðất. Như bản trường ca ruộng đồng sau đây. Mỗi phân đoạn đều bắt đầu bằng Trời, thường là câu 6 chữ của điệu lục bát :
- Phân đoạn 1 : Nhờ Trời (câu 3) -> để chỉ sự tuần hoàn của thời vụ.
- Phân đoạn 2 : Trời ra (câu 7) -> nói lên sự tuân theo luật Trời.
- Phân đoạn 3 : Trời hạn, Trời gió bão (câu 12 và 13) -> đề cập những lúc khó khăn .
- Phân đoạn 4 : Trời làm…, Trời làm… (câu 19 và 20) -> cầu mong thiệt hại mùa màng sẽ không nhiều : có phần nào chăng.
Sau đây là 20 câu ca dao tóm tắt đời sống nông gia nước Việt :
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư đông đúc như hình con long.
Nhờ Trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
Trời ra : gắng, trời lặn : về,
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chiên.
Dưới dân họ, trên quan viên,
Công binh giữ mực cầm quyền cho hay.
Bây giờ gặp phải hội này,
Khi trời hạn hán, khi nay mưa dầm.
Khi trời gió bão ầm ầm,
Ðồng điền lúa thóc mười phần được ba.
Lấy gì đăng nạp nữa mà,
Lấy gì công việc nước nhà cho đang !
Lấy gì sưu thuế phép thường,
Lấy gì hỗ trợ, đong lường làm ăn !
Trời làm khổ cực hại dân,
Trời làm mất mát có phần nào chăng…
Trong ca dao sau đây, thay vì : Lạy Trời, nhà nông gọi Trời bằng Ông : Lạy Ông :
Lạy ông nắng lên
Cho trẻ nó chơi
Cho già bắt rận
Cho tôi đi cầy.
Một ngày nắng mới khiến trẻ con nô đùa ngoài sân nhà, người già phơi nắng có ánh sáng bắt rận, nam nữ trong làng đi cầy ngoài ruộng đồng. Trông nắng, người ta còn cầu mưa. Nói chung là cậy trông vào sự tuần hoàn của trời đất. Nắng hoài sinh hạn. Mưa hoài lụt lội. Nắng mưa thuận hòa là mới là điều nông gia mong mỏi:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng.
Ngoài cổ tích, tục ngữ, ca dao nói về Trời, nhiều tác giả cũng trước tác nhiều vần thơ trác tuyệt về Trời. Sau đây là trích dẫn những câu thơ này.
*
III - ÐẠO TRỜI TRONG VĂN CHƯƠNG BÁC HỌC :
Trong Việt Nam Văn học Sử yếu, Dương Quảng Hàm chia văn học nước ta làm hai loại theo ttình tự thời gian là văn chương bình dân truyền khẩu và văn chương bác học (12). Chúng tôi đề nghị gọi văn chương bình dân là văn học truyền khẩu (vô danh) và văn chương bác học là văn học ký tác (ký : ghi chép, chữ ký; tác : làm ra, sáng tác) (có tác giả). Theo cách phân loại vừa kể, ta tó thể tìm hiểu về công trình này của văn học nước nhà nói về Trời qua Nguyễn Du và văn học quốc ngữ.
1) Nguyễn Du : Truyện Kiều của Nguyễn Du ‘‘chiếm một địa vị quan trọng trong quốc văn’’(13). Nguyễn Du (1765-1820) tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên người xã Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ngoài triết lý Phật giáo, Truyện Kiều còn thể hiện tâm lý dân gian về Trời. Số câu thơ Kiều có chữ Trời khá nhiều (120 câu có chữ Trời trên tổng số 3254 câu thơ Truyện Kiều). Có đôi lúc, tác giả dùng chữ Ðạo Trời :
Ðạo trời báo phục chỉn ghê,
Khéo thay một mẻ kéo về đầy nơi.
Trong một đoạn khác, tác giả thác lời nhà sư nói về Ðạo Trời :
Sư rằng phúc họa đạo trời,
Cõi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
‘‘Cõi nguồn cũng ở trong lòng mà ra’’ vì theo triết lý đông phương, Trời Ðất, Núi Sông hun đúc người hiền tài, cũng như linh địa tạo ra nhân kiệt. Dương Khuê có câu thơ :
Trời đất nể nang người khí khái,
Nước non tây vị kẻ tài tình.
Một tác giả người Pháp đã dịch ra tiếng Pháp như sau :
Le Ciel et la Terre ont des égards pour les hommes de caractères,
Les Monts et les Fleuves favorisent les gens de talent et de coeur.
Các quan niệm này về Trời còn có xuất xứ triết học như sẽ nói trong phần sau.
Trong tuyển tập này, BS Nguyễn Văn Ái giới thiệu Chữ ‘‘Trời’’ trong một số cổ thi quốc âm Việt Nam nhằm bổ sung cho phần trình bầy của chúng tôi.
2) Văn học quốc ngữ : Theo linh mục Bùi Ðức Sinh, ‘‘Từ thập niên 30 thế kỷ XVII, nhiều sử liệu nói đến những ca vè, bài thơ của công chúa Catharina, thầy giảng Inaxu soạn và ngâm nhằm truyền bá giáo lý và lịch sử công giáo (14). Trong số các công trình văn học quốc ngữ viết về Trời phải kể đến Sấm truyền ca của Thầy Cả Lữ Y Ðoan (Linh mục Louis Ðoan), Theo linh mục Vũ Ðình Trác, tác giả Lữ Y Ðoan ‘‘dùng những kiểu nói Nho học, Phật học để diễn tả ý nghĩa Thánh Kinh. Chẳng hạn dùng những từ ngữ Ðông phương như Tạo đoan kinh, hằng sinh, hoằng khai, âm khí, dương khí, thiên cơ, sinh hóa, hóa sinh, đại thọ, tao khang, minh đức, thuận thiên, tri hành, thiền định v.v. Ông gọi Thiên Chúa theo kiểu người mình như Ông Trời, Thượng Ðế, Ơn Trời, Hoàng Thiên, Ông Xanh, Thiên Tào là những danh từ có vẻ ngoại đạo, lúc ấy chưa quen dùng. Hơn nữa, các tên phiên âm theo kiểu Trung Hoa xa với nguyên danh như An Xuyên (Assyrios), Nương Mai (Noema), Ý Nữu (Enoch) v.v. Vào thời đó, giáo sĩ Lữ Y Ðoan đã có óc tân tiến, muốn đem đạo vào đời, thích nghi đạo với văn hóa dân tộc qua những từ ngữ và kiểu cách xử sự của người Việt, thật là một con đường có bản lãnh, nhất là lúc ấy đang có phong trào cấm nghi lễ nước Ngô bao gồm tất cả nghi lễ, ngôn từ và nghi thức.’’(15)
Trong phần trên đây, ta đã đọc Sáng Thế Ký qua văn xuôi. Ta thử đối chiếu bản dịch văn xuôi (tân) với văn vần (cổ) của giáo sĩ Lữ Y Ðoan :
Hằng sinh Thượng Ðế đại quyền,
Tự không sáng tạo phán truyền hoằng khai.
Càn khôn bỗng chốc phôi thai,
Hư hư hà vũ, dầy dầy u minh.
Thánh thần sinh hóa vận trình,
Ðột nhiên quang ánh lộ hình khắp nơi.
Ban khen trong sáng tuyệt vời,
Liền phân lưỡng vực muôn đời đối nhau.
Gọi ngày dương khí làu làu,
Gọi đêm âm khí phủ bao mịt mờ.
Hoàng hôn chuyển tiếp minh sơ,
Chu kỳ thứ nhất, thiên cơ ứng hành.
Sáng Thế Ký gợi hứng cho nhiều sáng tác thơ văn. Triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) nói : Có hai điều đong đầy tâm trí sự mến mộ hoặc sợ hãi không cùng : trời sao ở trên ta và luật đạo đức ở trong ta (16). Nhà soạn nhạc Giuseppe Haydn (1732-1809) đã sáng tác mộtoratorio (nhạc kịch) lấy tên là Die Schopfung (Sáng tạo), gợi ý từ sách Sáng Thế Ký, gồm ba phần :
- Phần I (Erster Teil) : Luận về sự sáng tạo các vật bất động. Ðoạn hợp xướng 13 tên là Die Himmel erzahlen die Ehre Gottes (Trời cao vinh danh Thiên Chúa) thường được dịch sang tiếng Pháp là Le ciel étoilé và tiếng Việt : Trời sao hoan ca. Hai ca đoàn Trùng Dương (trước 1975) và Cung Chiều (sau 1975) ở Saigon từng trình diễn tuyệt tác này.
- Phần II (Zweiter Teil) : Sự sáng tạo các loài vật.
- Phần III (Dritter Teil) : Cuộc sống của Adong và Eva trong vườn địa đàng. Trong phân đoạn này, Haydn đã hình dung bản tình ca đầu tiên của nhân loại (17).
Thơ văn về Trời phác họa trên đây hình thành một cách tự phát tôn giáo nhân (homo religionicus) trong tâm khảm người Việt. Ngoài ra, phải kể đến triết học đã tác động đáng kể đến suy nghĩ về Trời của người Việt, sau này là về Chúa Trời của người công giáo Việt Nam.
*
IV - ÐẠO TRỜI TRONG TRIẾT HỌC ÐỐI CHIẾU :
Ngoài những biểu hiện văn học, Ðạo Trời còn mang hình thức thiêng liêng qua nghi thức ‘‘tế Nam Giao’’. Nghi lễ có từ thời cổ đại bên Trung Quốc. Khổng Tử từng nói với Tử Lộ : Hãy chờ xem, đến ngày tế Nam Giao, nếu nhà vua còn nghĩ đến chính sự (…) thì ta ở lại. Bằng không ta sẽ đi. Tại Huế có đàn Nam Giao. Từ năm 1807 đến 1945, triều đình cử hành lễ tế tại đàn Nam Giao (esplanade Nam Giao). Ðàn cách Huế 2 km về hướng Nam trên đường dẫn đến các lăng tẩm triều Nguyễn. Ðàn tế gồm ba địa vực (terrasses) tượng trưng Thiên (Trời), Ðịa (Ðất) và Nhân (Con Người). Theo luật sư Lê Trọng Quát, ‘‘đàn Nam Giao, nơi vua hành lễ tế Trời là một khu đất rộng, vuông, mỗi bề khoảng nửa cây số, cao hơn mặt đất vài cấp, chung quanh là đường đi và rừng thông kế tiếp với làng mạc, cách lăng vua Tự Ðức độ ba cây số về hướng tây. Nam Giao nối liền với thành phố Huế bằng một con đường thẳng tắp nhưng không bằng phẳng, có đoạn xuống thấp, có đoạn lên cao ; dốc Nam Giao dài chừng bốn cây số’’(18). Hàng năm, vào lễ hội bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), vị thượng thư bộ Lễ và các quan đại thần cử hành lễ tế Trời Ðất. Ba năm một lần, nhà vua đích thân cử hành nghi thức, dâng lên Trời các lễ vật. Linh mục Cadière từng mục kích lễ tế. Nhà vua tượng trưng cho sự cao cả và thuần nhất của tín ngưỡng. ‘‘Nhà vua thay mặt toàn dân quì xuống dâng lễ vật tạ ơn và khẩn cầu Trời Ðất phù hộ quốc thái dân an.’’(19) Linh mục Cadière nhận xét : ‘‘Tôi từng nghiên cứu tín ngưỡng dân gian và cách hành đạo cũng như phong tục, tập quán, tôi xác quyết rằng dân tộc Việt Nam có lòng sùng đạo trong tận tâm can. Tín ngưỡng của họ thuần khiết. Khi cầu Trời, dường như họ khấn cầu Ðấng Chí Tôn mà tôi tôn thờ, gọi Ngài là Thiên Chúa. Họ giữ trong lòng ý thức này như tia sáng tôn giáo tự nhiên mà đấng Tạo Hóa phú thác trong tâm hồn những ai có lý trí.’’(20)
Nhận xét của linh mục Cadière được chứng minh qua thực tế : Cũng như Thiên Chúa hữu thể, Trời trong tín ngưỡng dân gian cũng hữu thể. Người ta gọi Trời là Ông Trời (Monsieur le Ciel). ‘‘Ông’’ để diễn tả sự tôn kính. Vì là hữu thể, Ông Trời tai nghe mắt thấy, ở khắp mọi nơi, thấu suốt mọi sự : Trời có mắt.
Quan niệm về Trời của người Việt chịu ảnh hưởng của triết học, nhất là Khổng giáo. Sách Ðại Học Trung Dung viết : Thiên mệnh chi vị Tính, suất tính chi vị Ðạo, tu đạo chi vị giáo. (Mệnh Trời là giáo, noi theo tính là Ðạo, tu đạo là giáo hóa). Câu suất tính chi vị Ðạo tương đồng với một trong các từ nguyên của từ ngữ religion : religare (relier : nối lại). Ðạo (bộ Thốn : tấc) là con đường nối kết giữa chủ thể hữu hạn và Thượng Ðế. Theo quan niệm Khổng giáo, Ðạo gồm hai lối :
- Thiên chi đạo : Ðạo Trời. Sách Hồng Phạm cho rằng Thiên (Trời) chính là Ðế (Vua). Thượng Ðế theo truyền thống Khổng học vậy.
- Nhân chi Ðạo : Ðạo (làm) người.
Thành giả Thiên chi đạo dã.
Thành chi giả nhân chi đạo dã.
(Thành thâït là Ðạo Trời. Làm cho nên thật là Ðạo Người)
Nói khác đi, Ðạo Trời xuất phát từ sự thành thật. Còn Ðạo Người là nỗ lực ‘‘làm cho nên thật’’.
Ðạo Trời và Ðạo Người là hai vế trong Thiên – Ðịa – Nhân, cảm thông nhờ sự thành thật :
Duy thiên hạ chí thành chi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính tắc năng tận nhân kỳ tính. Năng tận nhân chi tính tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hĩ.
(Chỉ có cái cực thật trong thiên hạ là có thể hết được cái tính của mình. Có thể hết được cái tính của mình thì có thể hết được cái tính của nhân loại. Hết được cái tính của nhân loại thì có thể hết được cái tính của vạn vật tự nhiên. Hết được cái tính của vạn vật tự nhiên thì có thể giúp sức vào công việc biến hóa nuôi nấng của Trời Ðất. Có thể giúp sức vào công việc biến hóa nuôi nấng của Trời Ðất thì có thể đứng vào địa vị thứ ba của hệ thống tam tài : Trời, Ðất, Người (21).
Trong khuôn khổ Khổng học, ngoài Mạnh Tử còn phải kể đến phái Pháp học của Tuân Tử (khoảng 286-238 trước CN). Trong Thiên Luận, ông viết :
Thiên hành hữu thường, bất vị Nghiêu tồn, bất vị Kiệt vong ; ứng chi dĩ trị tắc cát, ứng chi dĩ loạn tắc hung.
(Việc làm của Trời có đường lối thường xuyên, không vì vua Nghiêu mà Ðạo Trời còn, không vì vua Kiệt mà đạo ấy mất. Lấy sự sửa trị mà ứng phó với đạo ấy thì lành, lấy sự rối loạn mà ứng phó thì dữ.) (Thiên Luận XVII)
Tuân Tử giải thích về Trời như sau :
Giai tự kỳ sở dĩ thành, mạc tri kỳ vô hình, phù thị chi vị Thiên.
(Người ta ai cũng biết cái thành hình, không biết được cái vô hình ấy thế gọi là Trời.). Sách Xunzi (Tuân Tử) do nhà xuất bản Le Cerf ấn hành năm 1987 (tr. 203-204) ghi lại chủ trương của Tuân Tử về Trời như sau :
Không làm gì mà mọi sự hoàn thành, không xin gì mà mọi việc vẫn đến, đó là cách thức vận hành của Trời. Tinh tú mọc, mặt trời mặt trăng thay nhau xuất hiện, bốn mùa luân chuyển, âm dương biến hóa, gió mưa biểu hiện (22).
Quan niệm thực tiễn về Trời của Tuân Tử xuất phát từ xã hội nông nghiệp. Quan niệm này không khác gì các câu tục ngữ, ca dao của ta nói về Trời. Nhận thức này là tiền đề đưa đến việc thờ kính Trời Ðất : Phi lễ vô dĩ tiết sự Thiên Ðịa chi thần dã. (Không có lễ không lấy gì tiết chế sự thờ phụng Trời Ðất). Việc thờ kính Trời của người Việt là thửa đất đã được vun sới để tiếp nhận hạt giống đức tin.
Vào thế kỷ XIX, Phó tế Trần Lục (tên thật là Trần Hữu) sáng tác Hiếu tự ca nối kết truyền thống hiếu thảo của dân Việt với tinh thần hiếu thảo của Khổng học và đạo Thiên Chúa. Trong tập sách này có bài thơ như sau :
Anh em mẫu huyết phụ tình
Cũng là một máu nhà mình chớ ai !
Nỡ nào muốn rẽ làm hai,
Ðể lòng cha mẹ quan hoài không yên.
Làm người có hiếu mới nên,
Hiếu cùng nội ngoại tổ tiên ông bà.
Nhất là thảo kính mẹ cha,
Anh em hiệp hòa hiếu đễ thảnh thơi!
Sắt cầm dây vắn dây dài,
Gẩy nghe từng khúc, người ngoài ngóng trông.
Làm cho cha mẹ thỏa lòng,
Ðói no đành phận bõ công sinh thành.
Hiếu tự ca là phương cách thực hành Nhân chi đạo vì Ðạo (Làm) Người là bước đầu của Thiên chi đạo (Ðạo Trời). Hiếu kinh viết :
Nhân chi hành mạc đại ư Hiếu.
Hiếu mạc đại ư nghiêm phụ.
Nghiêm phụ mạc đại ư phối Thiên.
(Hành vi của người ta không gì lớn bằng chữ Hiếu.
Ðạo Hiếu không gì trọng đại bằng bậc cha nghiêm.
Cha nghiêm không gì lớn bằng phối hiệp với Trời.)
Khi bàn về chữ Hiếu trong Ðạo Trời là đã chuyển hóa từ Trời đến Cha. Theo thần học, Ba Ngôi Thiên chúa (Trinité) gồm ngôi (hypostase, personne) : Cha, Con và Thánh Thần :
Lạy Cha chúng tôi ở trên Trời.
Ðạo Hiếu là nhịp cầu dẫn người Việt đến với đạo Thiên Chúa trong lý thuyết ‘‘Tam Phụ’’ được truyền bá trong giai đoạn sơ khai của lịch sử công giáo tại nước ta.
*
V– TỪ ÐẠO TRỜI ÐẾN ÐẠO THIÊN CHÚA :
1) Lược sử Giáo hội Việt Nam :
Linh mục Phan Phát Huồn chia lịch sử Giáo hội Việt Nam làm bốn thời kỳ (23) :
- Thời kỳ thứ nhất (1533-1615): Vào năm 1533, giáo sĩ Inikhu đến truyền đạo tại nước ta.
- Thời kỳ thứ hai (1615-1659): Các cha Dòng Tên đến Việt Nam giảng đạo.
- Thời kỳ thứ ba (1569-1933): Các cha Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.) và các giáo sĩ Dòng Ða Minh.
- Thời kỳ thứ tư (kể từ 1933): Các giáo sĩ Việt Nam.
Linh mục Phan Phát Huồn trích dẫn một sử liệu trong Khâm định Việt sử : Năm 1533 đời vua Lê Trang Tông ban chỉ dụ cấm đạo. Chỉ dụ ấy cho biết có người Âu tên là Inikhu đi đường bể vào giảng đạo tại làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Sơn tức Nam Ðịnh ngày nay. Như vậy, mảnh đất tiếp nhận hạt giống Phúc Âm đầu tiên tại nước ta là hai làng Quần Anh và Trà Lũ thuộc châu thổ sông Hồng ở miền Bắc. Cánh đồng truyền giáo rộng mở trên ruộng đồng nước ta, vùng đất xưa kia đã hình thành những câu tục ngữ, ca dao nói về Trời. Inikhu tức Inhaxô (Ignace) đã truyền đạo tại nước ta trước khi vua Lê Trang Tông hạ chỉ cấm đạo (1533). Trong giai đoạn sơ khai này, công chúa Mai Hoa làm nhiếp chính dưới triều vua Lê Thế Tông : Công chúa Mai Hoa là người đức độ, có lòng bác ái. Năm 1591, bà được biết giáo sĩ Ordonez de Cevallos. Thấy giáo sĩ là người thông thái, bà ngỏ ý muốn kết bạn nhưng giáo sĩ cho biết là linh mục dâng mình cho Chúa. Giáo sĩ giảng giáo lý cho bà Mai Hoa. Khi rửa tội đặt tên thánh là Maria, tiếng Việt là Mai Hoa. Sau này, công chúa lập một tu viện ở An Trường vào năm 1591 đời Lê Thái Tông. Ở nước ta, một số quan lại và đông đảo dân gian tiếp nhận hạt giống đức tin xuất phát từ thóc lúa ruộng đồng (không phải là lúa mì). Ðó là thành quả của công trình dung hợp văn hóa vậy.
2) Vấn đề dung hợp văn hóa :
Hội nhập văn hóa để rao giảng Tin Mừng là cách chuyển dịch ý niệm inculturation trong các ngôn ngữ tây phương. Có thể chuyển dịch từ ngữ này một cách trung thực và đầy đủ qua thành ngữ : nhập gia tùy tục : Tin Mừng được rao giảng thích nghi với văn hóa, phong tục từng nơi từng lúc. Ðó là một hình thức chuyển giao văn hóa (transculturation) hầu tạo điều kiện để Tin Mừng được tiếp nhận tại các quốc gia có nền văn hóa đặc thù mà không gặp trở ngại đáng kể nào. Sự khác biệt không có nghĩa là chống đối hoặc mâu thuẫn nhau. Vấn đề đặt ra là cần tìm kiếm trong văn hóa dân tộc những điểm tương đồng với Phúc Âm để Tin Mừng được bén sâu vào các giá trị, biểu tượng và sự mong đợi của dân tộc được phúc âm hóa (peuple évangélisé). Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cho rằng nhờ khả năng dung hợp văn hóa (inculturation), Giáo Hội diễn tả một cách tốt nhất mầu nhiệm Chúa Kitô. Văn hóa được hiểu như là cách thức mà một dân tộc (hoặc một thành phần dân tộc) tiếp nhận, nhận biết, diễn tả và sống thực tại, từ đó hình thành những kinh nghiệm chung. Thực tại này bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, hệ thống biểu tượng, tổ chức xã hội, chính trị, văn hóa và nhất là tôn giáo. Trong tông thư Ecclesia in Europa (Giáo Hội tại châu Âu) ngày 28-6-2003, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhận định : Il y a des aires sociales et culturelles étendues où est rendue nécessaire une véritable mission ad gentes.’’(Có những khu vực xã hội và văn hóa rộng lớn cần đến một sứ mạng thực sự hướng về con người). Mặt khác, cũng trong tông thư này, đấng kế vị thánh Phêrô trong thời đại chúng ta nhấn mạnh : Tin Mừng hy vọng, được giao cho Hội Thánh và được Giáo Hội thể hiện, đòi hỏi cần loan báo và làm chứng Tin Mừng mỗi ngày. Ðó là ơn gọi riêng của Giáo Hội vào mọi thời đại và ở khắp nơi. Nói khác đi, loan báo Tin Mừng và hướng về con người (ad gentes) là hai sứ mạnh chính yếu. Trong khi loan báo Tin Mừng là nội dung thiết yếu, hướng về con người là cách thức loan báo Tin Mừng. Khi nói về con người không có nghĩa là con người nói chung, mà là con người cụ thể, biến đổi tùy nơi (không gian), tùy lúc (thời gian). Ta có thể nhắc lại việc tiếp cận Tim Mừng với văn hóa Nhật Bản nhằm đối chiếu với lịch sử truyền giáo tại nước ta.
3) Vấn đề dung hợp văn hóa tại Nhật Bản :
Lịch sử tôn giáo tại Nhật Bản (Nihon = mặt trời mọc, soleil levant) có nhiều nét tương đồng với Việt Nam : hệ thống tam giáo (Khổng, Phật, Lão) du nhập từ nước ngoài (Trung Quốc và Ấn Ðộ). Shinto (Thần đạo) của Nhật là kami nagara no michi [con đường (đạo) của các vị thần = Thần đạo sau khi tiếp xúc với Triều Tiên và Trung Quốc, Thần đạo trở thành quốc giáo. Người Nhật thường thăm viếng đền thờ, bảo tồn một số nghi thức cổ truyền, cử hành các lễ hội (matsuri). Vấn đề cứu chuộc (salut) đối với họ là thực hiện bản chất thần linh (nature de kami) để sau khi chết được về cùng các thần linh.
Ngoài những đặc tính chung, kinh nghiệm tôn giáo tại Nhật Bản đặt ra vấn đề tái tạo, hướng đạo và thống nhất văn hóa, nói chung là tân tạo (nouvelle création) theo thuật ngữ của Ernest D. Pyrins (24). Trong nỗ lực này, cần lưu ý đến những khía cạnh đặc thù của mỗi nền văn hóa. Các linh mục Nhật Bản quan tâm đến sự gắn bó của người Nhật với thiên nhiên. Theo Pyrins, đôi khi thiên nhiên tỏ ra khắc nghiệt với người Nhật : động đất (tremblements de terre), giông bão (typhons), hiện tượng chuyển dịch đất đai (glissements de terrain) v.v. Nhưng thiên nhiên cũng có những vẻ đẹp tuyệt vời : mỗi mùa có nét quyến rũ riêng. Người Nhật thích ngắm trăng thanh, nhìn hoa đào nở, xem cây phong đỏ rực. Thiên nhiên đầy màu sắc khiến người Nhật yêu mến Thần đạo (Shinto). Thi phẩm Manyôshu tập hợp mười ngàn trang thơ thấm nhuần ảnh hưởng của Thần đạo có những vần thơ như :
‘‘Hôm qua trời mưa tuyết – và hôm nay tuyết vẫn còn rơi. Tôi sới đất trên đồng xanh để mai này nhặt cỏ.’’(trích Manyôshu)
‘‘Sông chảy không ngừng và dòng nước không bao giờ là một, dòng nước cuốn theo bọt trắng luôn đổi mới vùng châu thổ rồi đi xa, có lúc nào chịu yên đâu. Con người và nơi chốn cũng như vậy.’’ (trích Hôjôki).
Nhận xét về dòng sông tương tự như ý kiến của Khổng Tử : Thệ giả như tư bất xạ chú dạ. (Trôi chẩy mãi thế ru ngày đêm không nghỉ). Hoặc một câu nói khác của Héraclite : Không bao giờ người ta ngụp lặn hai lần cùng một dòng sông (25). Nhà hiền triết Platon trích dẫn trong Cratyle : Mọi sự đều đều cuốn trôi (panta rhẹ).
Lòng yêu thiên nhiên ẩn dấu sau văn hóa, nhân sinh quan. Nạn động đất và bão tố khiến người Nhật cảm nhận về sự mong manh của kiếp người, đặt trọn niềm tin vào tôn giáo.
Phần dẫn nhập Phúc Âm theo thánh Gioan nói về Ngôi Lời (Logos, le verbe de Dieu) sau này hình thành Thần học Ngôi Lời (Logos), nhấn mạnh đến Chúa Quan Phòng (Dieu-Providence), hồng ân vốn có từ khởi nguyên vũ trụ. Thánh Justin (100-165) cho rằng Ngôi Lời vốn có trong Chúa Kitô. Tâm trí mỗi người đều có mầm mống của Ngôi Lời (Logos). Ngày nay, Thần học Ngôi Lời được khai triển nhằm bắc nhịp cầu giữa các dân tộc có nền văn hóa khác nhau. Theo các giáo phụ Công đồng Vaticanô II, ‘‘Giáo Hội công giáo không bác bỏ sự chân thực và thánh thiện nơi các tín ngưỡng khác, nhiều khi là tia sáng chân lý chiếu soi loài người.’’
Lịch sử truyền giáo trên đất nước ta được khởi đầu bằng sự dung hợp văn hóa qua sử liệu sau đây.
4) Dung hợp văn hóa tại Việt Nam :
Ðạo công giáo được rao giảng tại nước ta lần đầu tiên khoảng từ 1533 đến 1615, trùng hợp với thời kỳ Khổng giáo cực thịnh thay thế vị trí của Phật giáo và phần nào của Lão giáo. Theo Dương Quảng Hàm, từ thế kỷ XV trở về sau, Phật giáo bị phái Nho công kích không được nhà vua săn sóc đến nữa, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức hệ thống gì nữa. Các tăng ni phần nhiều là người vô học thức bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức để cho bọn hạ lưu (thứ nhất là đàn bà) đua theo, còn các giáo lý cao thâm của đạo Phật ít người hiểu nữa (26). Mặt khác, chủ trương nhập thế của Khổng giáo cần thiết để vận động toàn dân chống lại quân Nguyên (Mông Cổ) và quân Minh xâm lăng nước ta vào thế kỷ XVI và XVII. Phần vũ trụ luận của Khổng giáo nói đến : Kiền là Trời nên xưng là Cha. Ý kiến này là lời kinh Lạy Cha trong Khổng giáo : Lạy Cha chúng tôi ở trên Trời. Năm 35 tuổi, nhân sang nước Tề nghiên cứu về Nhạc thiều có từ đời vua Thuấn, đức Khổng Tử gặp vua nước Tề là Tề Cảnh Công. Trả lời một câu hỏi của nhà vua về chính sự, ngài đáp : Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. (Vua hết đạo vua, tôi hết đạo tôi, cha hết đạo cha, con hết đạo con).
Luân lý Khổng giáo tóm lược trong tam cương, ngũ thường :
- Tam cương (ba giềng mối ở đời) : Quân thần, Phụ tử, Phu phụ. (Quân vi thần cương, Phu vi thê cương, Phụ vi tử cương).
- Ngũ thường (năm lề lối) : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Trời phó tính ở thân ta,
Ðạo cả cương thường năm lẫn ba.
(Hồng đức Quốc âm Thi tập)
Trời phó tính vì theo Mạnh Tử, hữu thiên tước giã, hữu nhân tước giã, nhân, nghĩa, trung, tín, lạc thiện bất quyện, thử thiên tước giã. Công, Khanh, Ðại Phu, thử nhân tước giã. (Có thứ phẩm tước của Trời, có thứ phẩm tước của người. Ðiều Nhân, điều Nghĩa, điều Trung, điều Tín, vui với những điều thiện ấy chẳng mỏi chán, ấy là thứ phẩm tước của Trời. Ngôi Công, Khanh, Ðại phu, ấy là thứ phẩm tước của người vậy).
Ðạo Thiên Chúa chủ trương nhất phu nhất phụ (monogamie), đồng thời không có tập tục thờ cúng tổ tiên nên gặp phải sự chống đối của một thành phần sĩ phu. Chủ trương thứ nhất bắt nguồn từ giáo lý nên bất di bất dịch. Chủ trương thứ hai bắt nguồn từ văn hóa dân tộc tiếp nhận Phúc Âm nên có thể đi tìm điểm đồng thuận. Theo Trần Văn Toàn trong công trình chuyên khảo nhan đề: La doctrine des ‘‘trois père’’ : un effort d’inculturation du Christianisme au Vietnam (Học thuyết ‘‘Tam Phụ‘’ : một nỗ lực dung hợp văn hóa của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam) : Ngay từ thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo đã đưa ra học thuyết ‘‘Tam Phụ’’. Linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660), vị giáo sĩ dòng Tên có công ‘‘sáng tác chữ quốc ngữ’’ (Dương Quảng Hàm), đã trình bầy học thuyết này trong cuốn Catéchisme song ngữ (Latinh – Quốc ngữ) in tại Roma năm 1651.Văn hóa Việt Nam chủ trương : cha (mẹ) và cha (vua, quan). Thầy giáo thay cha dạy dỗ con cái. Trong Catéchisme, trang 17-21, tác giả giải thích ‘‘Tam Phụ ’’: Thiên Chúa là cha tối cao, đấng tạo thành trời đất muôn loài (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cỏ cây, loài vật) và loài người. Ta phải tôn thờ Ngài. Ngoài ra còn là người cha gia đình (pater familias) có công dưỡng dục ta. Vì vậy, ta phải hiếu thảo. Nhà vua là quốc phụ thực thi công lý. Không có vua, đất nước trở nên hỗn loạn. Vì thế thần dân có nghĩa vụ trung thành với Ngài.
Tiếp nối công trình của linh mục Alexandre de Rhodes là cuốn Giáo lý viết bằng chữ nôm do Ðức Cha Pignaux de Behaine (1741-1799), giám mục Adran, thường được gọi là Bá Ða Lộc, biên soạn, in tại Quảng Ðông năm 1774. Tác phẩm này được tái bản 15 lần đến giữa thế kỷ XIX đã nói đến chữ Hiếu trong số mười điều răn (5, 1-33):
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (27).Trong Hiếu Kinh, Ðức Khổng Tử cho rằng : Ðạo cha con là do tính Trời. Cho nên không yêu cha mẹ mình mà yêu mến kẻ khác thì gọi là đức trái nghịch. Không kính cha mẹ mình mà kính trọng người ngoài là cái lễ trái nghịch.
Trong Hiếu tự ca, Trần Lục viết :
Làm người có hiếu mới nên,
Hiếu cùng nội ngoại tổ tiên ông bà.
Ngoài chữ Hiếu, nhiều chủ trương trong Khổng giáo tương đồng đạo Công giáo, như Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức. (Lấy chính trực để báo oán, lấy đức báo lại đức). Sự dung hợp này được thể hiện qua nếp sống của nhiều nhà nho công giáo như Trương Vĩnh Ký và Ngô Ðình Diệm.
5) Hai sĩ phu công giáo điển hình : Trương Vĩnh Ký và Ngô Ðình Diệm :
Sự dung hợp văn hóa giữa các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc và đạo Công giáo được thể hiện qua nhiều mẫu nhà nho công giáo Việt Nam, điển hình là Trương Vĩnh Ký (thế kỷ XIX) và Ngô Ðình Diệm (thế kỷ XX).
a) Trương Vĩnh Ký : Trương Vĩnh Ký (1837-1898) người làng Cái Mong, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Ông tinh thông Pháp văn, Hán văn và nhiều ngoại ngữ. Năm 1863, ông được cử làm thông ngôn trong sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp. Năm 1886, ông được sung vào Viện Cơ Mật (Huế). Sau đó, ông lui về nghỉ ở Nam Kỳ để lo việc trước tác đến lúc mất (Dương Quảng Hàm). Ông bắt đầu sáng tác từ năm 26 tuổi (1863). Năm 1867, ông chủ trương tờ Gia Ðịnh Báo là nhật báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Trong số 118 công trình trước tác và dịch thuật của ông có nhiều cuốn thể hiện văn hóa Khổng Mạnh, như Minh tâm Bửu giám (tấm gương báu soi sáng cõi lòng). Sách này sưu tập các câu cách ngôn của các bậc thánh hiền, gồm 20 thiên :
- Thiên II (Thiên Lý : Về lẽ Trời) ghi lại câu nói thời danh của Gia cát Võ Hầu : Mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên ; nhơn nguyện như thử như thử, thiên lý vị nhiên vị nhiên. (Tính việc tại người nên việc tại trời ; người muốn như ấy như ấy, lẽ trời chưa vậy chưa vậy) (28). Câu cách ngôn này tương tự như câu tục ngữ L’homme propose, Dieu dispose trong tiếng Pháp.
- Thiên IV (Hiếu hạnh : Nói về Hiếu Hạnh) mở đầu bằng Kinh Thi : Thi vân : phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực. (Sách Kinh Thi rằng : Cha sanh ta, Mẹ nuôi ta. Thương thay cha mẹ sanh ta khó nhọc. Ta muốn đền ơn báo hiếu cho cha mẹ vì ơn ngãi cha mẹ bằng trời mênh mông không cùng).
Trong một đoạn khác có lời thầy Tăng Tử :
Tăng Tử viết : Phụ mẫu ái chi hỷ nhi bất vong ; phụ mẫu ố chi cụ nhi vô oán ; phụ mẫu hữu quá gián nhi bất nghịch. (Thầy Tăng Tử dạy rằng : Thấy cha mẹ thương mình thì mình phải mầng mà chớ có quên ; thấy cha mẹ ghét mình thì mình phải sợ mà chớ có hờn ; thấy cha mẹ lầm lỗi thì mình phải can mà chớ có làm nghịch lại).
Việc lựa chọn cổ thư để dịch thuật cũng thể hiện phần nào ý hướng của học giả Trương Vĩnh Ký. Ðó là một sĩ phu công giáo suốt đời dấn thân phục vụ văn hóa và dân tộc không mệt mỏi.
b) Ngô Ðình Diệm : Chí sĩ Ngô Ðình Diệm (1901-1963) nguyên quán Quảng Bình. Luật sư Lê Trọng Quát trong tác phẩm Việt Nam đi về đâu ? đã phác họa chân dung của sĩ phu công giáo Ngô Ðình Diệm qua ba giai đoạn như nhau :
- Thượng thư bộ Lại : Vào năm 1932, Vua Bảo Ðại đã thể theo lời đề nghị của quận công Nguyễn Hữu Bài bổ nhiệm Tuần Vũ Ngô Ðình Diệm, 32 tuổi làm thượng thư bộ Lại. Nhà văn Phạm Quỳnh 35 tuổi, có tư tưởng canh tân cũng được mời làm Ngự tiền văn phòng, chức vụ tương đương với đổng lý văn phòng (directeur de cabinet) bây giờ. Làm việc được gần bốn tháng, bị Pháp ngăn trở mọi việc và bác bỏ các đề nghị cải cách sâu rộng về chính trị và hành chính của ông, Thượng thư Ngô Ðình Diệm xin từ chức và công khai tuyên bố ông không thể làm trái với những quyền lợi của xứ sở. Nhà vua nhiều lần khuyên ông ở lại chức vu vẫn không làm ông bỏ ý định từ quan, đành để cộng tác viên khả kính của mình ra đi và buồn rầu than thở :
- Trẫm kính phục lòng son sắt yêu nước thương dân của khanh nhưng khanh đã quyết định thì Trẫm đành phải để cho khanh từ quan. (tr.101-102).
- Thủ tướng Chính phủ : Năm 1954, Ông Bửu Lộc đệ đơn từ chức. Theo lời cựu hoàng tự thuật, ‘‘sau khi đàm đạo với Foster Dulles, ngoại trưởng Hoa Kỳ, và cho ông biết ý định của tôi, tôi gọi ông Ngô Ðình Diệm và nói rằng :
- Mỗi lần thay đổi chính phủ, tôi kêu gọi ông. Ông luôn luôn từ khước. Bây giờ tình hình rất nghiêm trọng, xứ sở có thể bị phân đôi. Ông phải cầm đầu chính phủ.
- Tâu Hoàng thượng (Sire, danh từ dùng trong nguyên bản bằng tiếng Pháp), không thể được. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi quyết định vào tu viện. +++2
- Tôi tôn trọng ý kiến của ông nhưng giờ đây tôi kêu gọi đến lòng yêu nước của ông. Ông không có quyền thoái thác trách nhiệm nữa. Vận mạng của nước Việt Nam đòi hỏi.
Sau một lúc im lặng, sau cùng ông nói với tôi :
- Trong một tình hình như vậy, tâu Bệ hạ, tôi xin nhận sứ mạng.
Nhà vua bèn cầm tay đưa ông Diệm sang phòng bên cạnh và yêu cầu ông tuyên thệ trước một hình Chúa mang thánh giá đã đặt sẵn.
- Ðây là Chúa của ông. Ông hãy thề trước Chúa bảo vệ lãnh thổ được giao phó cho ông, chống lại cộng sản và nếu cần, chống lại Pháp.
Lặng yên suy niệm một lúc, ông nhìn Nhà Vua và quay nhìn trước Thánh giá, ông thì thào như nghẹn giọng :
- Tôn xin thề (tr. 588-589).
- Nguyên thủ Quốc gia : Thấm nhuần truyền thống Khổng Mạnh, điều những người thân cận hoặc đã biết ông Diệm đều nhận thấy, lòng trung thành của ông không đáng ngờ vực đối với Quốc trưởng Bảo Ðại đã bổ nhiệm ông làm thủ tướng cũng như đối với Hoàng đế Ðại Nam đã đưa ông lên giữ chức vụ tột đỉnh của Triều đình lúc ông mới ba mươi hai tuổi. Trung thành với vua, yêu thương tổ quốc (trung quân, ái quốc) cũng như tôn kính vua hơn cả thầy và cha (quân, sư, phụ) chắc chắn là những giáo điều của Khổng học không xa lạ gì với ông Diệm. (…) Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý nhằm truất phế Quốc trưởng Bảo Ðại không phải do sáng kiến của ông Diệm mà phát xuất từ phản ứng quyết liệt của các đoàn thể ủng hộ ông Diệm lúc bấy giờ. (…). Ngày 26-10-1956, Hiến Pháp đầu tiên được ban hành ở miền Nam Việt Nam. Ðương kim Tổng thống Ngô Ðình Diệm được bầu lên do cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 trở thành tổng thống VNCH đầu tiên (657)…
Vẫn theo luật sư Lê Trọng Quát, người theo đạo Thiên Chúa thường không tổ chức tại nhà lễ kỵ ông bà, cha mẹ mình trước bàn thờ tổ tiên nhưng gia đình họ Ngô đã làm ngược lại, theo đúng truyền thống chung của dân tộc. Tất cả con cháu từ Ðức Cha Thục đến ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu và các con ở Vĩnh Long, ở Saigon đều kéo về Huế đông đủ, tại ngôi nhà cổ kính ở làng Phủ Cam, nơi ông Cẩn thường trú để săn sóc bà mẹ già đã trên dưới 90 tuổi và đã nằm liệt giường từ mấy năm trước. Tất cả phục lạy mẹ đồng thời làm lễ kỵ cha trước bàn thờ, một quang cảnh thật là hiếm hoi trong thời đại bấy giờ, các phong tục tập quán xưa đã mai một khá nhiều (tr. 717).
Trên đây là hai khuôn mặt sĩ phu công giáo chứng minh tính khả thi (faisabilité) của sự dung hợp giữa tôn giáo và văn hóa dân tộc. Sự dung hợp này không ảnh hưởng đến các tín điều công giáo. Ngược lại, cách sống đạo theo nề nếp nho phong chỉ làm gia tăng lòng kính Chúa yêu người nơi người công giáo Việt Nam, như một nhận định chung của Khổng giáo và linh mục Teilhard de Chardin : Ðồng qui nhi thù đồ : Tout ce qui monte converge (29).
*
V – DUNG HỢP VĂN HÓA ÐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG :
Trong khóa họp thường niên của từ 6 đến 11-10-2003 tại Bãi Dâu (Vũng Tầu), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố Thư Mục vụ năm 2003 về Sứ mạng Loan báo Tin mừng của Hội thánh Việt Nam hôm nay.
Trong phần I : Loan báo Tin Mừng là sứ mạng, HÐGMVN đã :
(1) Khơi nguồn từ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi ;
(2) Noi gương Chúa Giêsu Kitô ;
(3) Trung thành với truyền thống của Hội Thánh sơ khai và
(4) Tuân theo giáo huấn của Hội Thánh : Ý thức việc loan báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh lữ hành (Ad Gentes), Hội Thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này (Evangelii Nuntiandi) (Redemptoris Missio). Mở đầu ngàn năm mới, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy ‘‘ra khơi truyền giáo (Novo Millennio Iuente). Ngài đặc biệt trao nhiệm vụ truyền giáo trong thiên niên kỷ mới cho các Hội Thánh tại châu Á (Ecclesia in Asia), trong đó có Hội Thánh tại Việt Nam.
Phần II : Loan báo Tin Mừng cho người Việt Nam hôm nay, HÐGMVN :
(1) Tiếp nối bước chân truyền giáo ;
(2) Với một nhiệt tình tông đồ mới ;
(3) Ðến với những môi trường cần ánh sáng Tin mừng ;
(4) Bằng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay : Ðể chân lý Phúc Âm trở nên trong sáng, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Ðó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hóa và tâm lý con người đương thời. Ðó là thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tính, thân ái. Ðó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe. Ðó là vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng.
Phần III : Những việc làm cụ thể, HÐGMVN sau khi đề cập đến Phương diện thiêng liêng đã nhấn mạnh về hai phương diện đối thoại và thực hành.
Về phương diện đối thoại :
Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn : Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bầy Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặïp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn.
Trao đổi với người ngoài công giáo về một đề tài chung. Noi gương Chúa Giêsu trong câu chuyện bên bờ giếng Giacốp được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại từ một việc rất nhỏ trong đời sống là ‘‘nước uống’’, Người đã lắng nghe, trao đổi và soi sáng về việc đạo, về đền thờ, về mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi để dẫn tới ‘‘Nước hằng sống’’ (Ga 4). Từ đó chúng ta nhận ra trong thời đại ngày nay, việc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ dẫn đến thông cảm, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.
Qua Thư Mục Vụ Năm 2003, HÐMMVN đã xác nhận cần ‘‘biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hóa và tâm lý con người đương thời’’. Cả hai yếu tố văn hóa và tâm lý gồm di sản quá khứ (hằng số) và sự biến đổi theo thời đại (biến số). Ðó chính là phương thức loan báo Tin Mừng phù hợp với tâm thức của người Việt hiện nay, vừa bảo tồn văn hóa cổ truyền, vừa tiếp nhận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nỗ lực này không những tạo điều kiện cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà còn khiến nội dung rao giảng đáp ứng được sự mong đợi của người Việt thuộc các lứa tuổi, nghề nghiệp v.v. khác nhau. Tất cả đều khắc ghi trong lòng Ðạo Trời muôn thuở.
*
KẾT LUẬN :
Ðất Việt là quê hương của Ðạo Trời. Sự gặp gỡ trời mới đất mới trên quê hương Việt Nam yêu dấu được hình thành và không ngừng phát triển vì trên mảnh đất này, Lạy Trời là câu kinh Lạy Cha của dân gian. Tâm kinh Lạy Trời hàm chứa mầm chân lý : Khi cầy sâu cuốc bẫm, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa là loài người phải chế ngự trái đất, đồng thời con người tuân giữ giới răn của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em (Gaudium et Spes).
Công đồng Vaticanô II chính thức công nhận những ý tưởng về Ðạo Trời trong văn hóa nuớc ta cũng như trong nhiều nền văn hóa khác :
Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy một cảm thức chung về quyền lực tiềm ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn nhận thấy một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo (Gaudium et Spes).
Ðạo Trời nơi tâm thức người Việt là Ðạo Chúa của người công giáo nói chung. Mỗi tâm hồn Việt Nam là mảnh tâm linh Ðạo Trời. Trái tim của người Việt không cằn cỗi hoang sơ. Trái tim đó là ruộng lúa nương khoai màu mỡ được vun sới từ ngàn xưa, sẵn sàng tiếp nhận hạt nắng Ðức Tin đến từ cõi Trời thiêng liêng. Ðức tin công giáo từ lâu hòa nhập vào văn hóa dân tộc là nhờ tâm thức Ðạo Trời. Ðạo Trời được thăng tiến để trở thành Ðạo Chúa.
Chính trong ý nghĩa vừa kể, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mỗi người công giáo biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hóa và tâm lý con người đương thời :
- Văn hóa người Việt từ thuở nguyên sơ thấm nhuần mưa nắng ơn Trời.
- Người Việt từ lâu ‘‘thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo’’ (Gaudium et Spes).
Tôi cảm nghiệm sâu xa niềm xác tín ấy khi cùng với các thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris đọc Thánh Vịnh 94 và 148 mở đầu ngày tĩnh tâm hàng năm (12-10-2003) trong nguyện đường tịch mịch của Dòng Biển Ðức trên ngọn đồi Thánh Tâm (Paris) :
Lạy Mặt Trời mọc lên từ lòng đất
Vào rạng đông ngày thứ nhất trong tuần
Ðêm âm u chợt bừng sáng hân hoan
Ðất ca hát và núi đồi múa nhảy.
Thánh vịnh Lạy Mặt Trời thân thiết với ca dao Lạy Trời mưa xuống :
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.
Ðất Việt là quê hương của Ðạo Trời. Mảnh đất thiêng liêng ngập nắng vàng quê hương đồng thời thấm nhuần máu đào tiền nhân Tử Ðạo. Mảnh đất ấy là nguồn cội của Văn hóa và Ðức tin. Mỗi người công giáo Việt Nam đều tâm nguyện mai này đất nước của Ðạo Trời sẽ là quê hương của Ðạo Chúa. Vì Ðức Chúa Trời chính là Ông Trời trong tâm thức người Việt vậy.
Chú thích :
(1) Dictionnaire historique de la Langue francaise, trang 420.
The Concise Oxford Dictionary, The New Edition for the 1990s.
(2) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Cơ sở Xuất bản Ðại Nam, tập I, tr.13.
(3) Ibid, tr. 20
(4) Ibid., tr. 25.
(5) Tư liệu Tham khảo Văn học Việt Nam, tập I, phần I, Nhà Xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1974.
(6) Kinh Thánh Trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Tòa Tổng Giám mục TP HCM,1998, tr. 33-34.
(7) Dương Ðình Khuê, La Littérrature populaire vietnamienne, Ed. Thanh Long (Bruxelles), 1976, tr. 167. (Lê Ðình Thông dịch sang tiếng Việt).
(8) Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam, trích và dịch bởi P. Florent Zucchelli, trong Contes populaires du Vietnam d’autrefois
(9) Linh mục Léopold Cadière (M.E.P.), Croyances et Pratiques religieuses des Annamites, tome I, Hanoi, 1944.
(10) Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam, Hà Nội, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1978, tr. 38.
(11) Vũ Ngọc Phan, sách đã dẫn, trang 41.
(12) Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học Sử yếu, Saigon, Trung tâm Học liệu (tái bản), 1968, tr. 5.
(13) Dương Quảng Hàm, sách đã dẫn, tr. 377.
(14) Linh mục Bùi Ðức Sinh, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, tập III, tr. 369.
(15) Linh mục Vũ Ðình Trác, Công giáo Việt Nam trong truyền thống văn hóa dân tộc, tr.78. Trích dẫn trong : Lê Văn Lân, Dòng thơ Việt Nam mang dấu Chúa, tạp chí Thế Kỷ 21, số 153, tr.78.
(16) Deux choses remplissent l’esprit d’admination et de craintes incessantes : le ciel étoilé au-dessus de moi et la loi morale en moi.
(17) Lê Ðình Thông, Giuseppe Haydn : Trời Sao Hoan Ca, Saigon, 1980.
(18) Lê Trọng Quát, Việt Nam đi về đâu ? Huyền thoại và sự thật (1930-2002), Paris, 2003, tr. 113.
(19) Linh mục Léopold Cadière, sách đã dẫn, T. I, tr. 85.
(20)‘‘J’ai étudié leurs croyances, leurs pratiques religieuses, leurs mœurs, leurs coutumes et je suis convaincu que le peuple vietnamien est profondément religieux, que ses croyances sont pures, et que peut-être lorsqu’il a recours au CIEL, il s’adresse au même ÊTRE TOUT-PUISSANT que j’adore moi-même en le nommant DIEU, et qu’il a conservé ainsi au fond de sa conscience, cette étincelle de la religion naturelle que le Créateur dépose dans l’âme de tout être raisonnable.’’ (sách đã dẫn)
(21) Nguyễn Ðăng Thục, Lịch sử Triết học Ðông phương, tập II, tr. 31.
(22) Isabelle Robinet, La pensée chinoise et la philosophie occidentale, trong Encyclopédie philosophique universelle, Paris, P.U.F. 1998, tr. 1283.
(23) Linh mục Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo sử, quyển I (1533-1933), Saigon, Cứu thế Tùng thư, tr. 20.
(24) Ernest D. Pyrins, La rencontre du message de Jésus et de la culture japonaise, E.D.A., Document n° 1 E/97, p. 6.
(25) On ne se baigne jamais deux fois dans le même fleuve.
(26) Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học Sử yếu, Saigon, Trung tâm Học liệu, 1968, tr. 59-60.
(27) Sách Xuất hành, III. Giao ước Sinai 1. Giao ước và mười điều răn. Trích trong Kinh Thánh Trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Saigon, Tòa Tổng Giám mục, 1998, tr.144.
(28) Trương Vĩnh Ký (phiên dịch và chú giải), Minh tâm Bửu giám, tr. 37.
(29) Lê Ðình Thông, Cây Thụ Nhân bên cổng Thiên đường, trong Tưởng Niệm Ðức Ông Nguyễn Văn Lập, Ðại Học Dalat xuất bản, 2002, tr. 391.