Lời Mở
Lm MAI ÐỨC VINH
Lời Mở
Chúng tôi nằm lòng giáo huấn của Giáo Hội về ‘tương quan mật thiết giữa các nền Văn Hóa với đời sống Ðức Tin và việc truyền bá Ðức Tin’. Giáo huấn này được Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh đặc biệt trong hiến chế Mục Vụ (Gaudium et Spes các số 53-62) và sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes các số 12-34) :
«Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thực vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Ngôi Hai nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại. Cũng vậy, trải qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã xử dụng những kho tàng văn hóa khác nhau để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu nữa » (MV 58).
«Giáo Hội tại mỗi quốc gia rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào các việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Ðấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu » (TG 22).
Chúng tôi còn nằm lòng hơn về giáo huấn ấy khi đọc Tông huấn ‘Giáo Hội tại Á Châu’ (Ecclesia in Asia) của Ðức Gioan-Phaolô II ban hành tại New Dehli, Ấn Ðộ, ngày 06.11. 1999 : Ngài nhấn mạnh đến các thực tế tôn giáo và văn hóa của các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam chúng ta. Ngài nói :
Nét đánh động nhất của Á Châu là sự đa dạng của các dân tộc, những người thừa hưởng những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống xa xưa. Chúng ta chẳng thể làm gì hơn mà chỉ sửng sờ trước con số khổng lồ của dân cư Á Châu và trước bức tranh ghép vô cùng phức tạp của biết bao nền văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, làm nên phần cơ bản của lịch sử và di sản của gia đình nhân loại... Á Châu là nôi sinh của các tôn giáo lớn trên thế giới, và của nhiều truyền thống tâm linh khác... Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các dân tộc Á Châu. Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong Ðức Kitô. Người dân Á Châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa của họ, như quý trọng sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp và từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Á Châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổâ tiên, ý thức rất mạnh về cộng đoàn. Họ coi gia đình là nguồn sức mạnh, là một cộng đoàn hết sức chặt chẽ có ý thức liên đới cao. Người Á châu thường được tiếng là có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hòa bình... Bổn phận của Giáo Hội là tìm cách giới thiệu Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình vừa không xúc phạm đến những truyền thống tôn giáo cao đẹp của người Á Châu» (EA 6).
Chúng tôi cũng ý thức sâu đậm những đóng góp tạo hình quan trọng của người công giáo việt nam vào văn hóa việt nam. Nếu từ thế kỷ X, Tam giáo đã đưa cho văn hóa việt nam một chìa khóa văn học là chữ nho để đi vào văn hóa Á đông, thì từ thế kỷ XIX, Công giáo đã tìm cho văn hóa việt nam một dụng cụ mới là chữ quốc ngữ , nhờ đó, văn hóa việt nam mở ra với văn hóa Âu Mỹ và văn hóa toàn cầu. Trong một bài thuyết trình mới đây, ngày 04.05 2003, do Ban Thư Viện tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, giáo sư Trần Văn Cảnh đã giúp chúng tôi nhìn rõ hơn về vai trò của Công Giáo như là một trong những yếu tố cấu tạo của văn hóa việt nam khi ông nói :
«Ba nền văn học đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam : Văn học chữ hán, từ thế kỷ X đến XX, văn học chữ nôm, từ thế kỷ XIII đến XX, và văn học quốc ngữ từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay, thành độc tôn. Văn học quốc ngữ đã được văn hóa công giáo giúp sức nhiều hơn cả. Chữ quốc ngữ đã được các linh mục Âu châu sáng chế ra với sự cộng tác tích cực của các tín hữu Việt Nam. Ba người được biết đến nhiều hơn cả, trong những bước đầu của của văn học quốc ngữ là cố Alexandre de RHODES (1591_1660), ông Petrus TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1887) và ông Paulus HUỲNH TỊNH CỦA (1834-1907). Nhờ văn học quốc ngữ, tâm trạng văn học chữ hán với mặc cảm tự ty "Thuật nhi bất trác" trước uy thế chữ nghĩa của Thánh Hiền đã dần dà lui vào dĩ vãng. Văn học quốc ngữ phát triển thêm tinh thần độc lập quốc gia và khuyến khích mạnh mẽ việc sáng tác văn, thơ, truyện ... của văn học chữ nôm. Khởi đầu văn học chữ quốc ngữ đã được phổ biến qua báo chí, «Gia Ðịnh báo » (1865), ..."Nam Phong tạp chí" (1917), ...Văn học chữ quốc ngữ đã xông xáo vào mọi lãnh vực : văn hóa, chính trị, khoa học, tôn giáo, xã hội, kinh tế, ...quốc nội, quốc ngoại, dân tộc, quốc gia, thế giới, ...đã vận dụng hết các thể loại : dịch thuật, biên khảo, sáng tác... và đã sáng tạo ra một nền văn xuôi mới, một nền thơ mới. Văn học quốc ngữ đã và đang phát triển cả nước cũng như khắp năm châu lục địa, có một tính chất thống nhất dẫu được xử dụng trong những hoàn cảnh rất khác biệt, theo đà văn hóa, khoa học, tân tiến, thế giới, để bảo trì và phát huy văn hóa bốn ngàn năm văn hiến ». (GXVN, số 195, 01.07.2003).
Vì thế ngay trong buổi họp đầu tiên, tối thứ sáu 22. 06. 2002, cả Ban Biên Tập và Trợ Bút đã nhất trí làm một công tác chung nhân dịp kỷ niệm Báo Giáo Xứ Việt Nam tái bản đúng 20 năm (1984-2004). Công việc chung đó là cùng nhau suy tư , tìm hiểu và biên soạn một cuốn sách trình bày đời sống Ðức Tin trong Văn Hóa dân tộc, hôm qua và hôm nay, tại quốc nội cũng như tại hải ngoại. Dĩ nhiên, với thời giờ ít ỏi, khả năng hạn hẹp, chúng tôi không dám tự hào đào sâu hết mọi khía cạnh của một đề tài quá rộng lớn, hay đúng hơn của một kho tàng vô cùng phong phú này. Tuy ‘lực bất tòng tâm’, mỗi người mạnh dạn nhận một khía cạnh nhỏ và trình bày vấn đề theo vốn liếng và điều kiện khả dĩ, với chủ đích hoàn thành cuốn sách mang tiêu đề ‘VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN’.
«VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN», chúng tôi muốn nói lên rằng nước Việt Nam quê hương của chúng ta có nền văn hóa thật thâm niên và phong phú. Mà một nét đậm đáng coi như linh hồn của nền văn hóa đó là tâm thức tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Kể từ khi có nền văn hóa cho đến ngày nay, tâm thức tôn giáo cao độ nhất, truyền thống nhất của Dân Tộc chúng ta, vẫn là tin vào Trời, thờ Trời, và từ đó, là tôn kính Tổ Tiên, là Ðức Hiếu Thảo ...
«VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN», chúng tôi nhận định rằng mọi tôn giáo ngoại sinh du nhập vào Việt Nam theo dòng lịch sử, như Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Tin Lành ... đều phải hội nhập vào nền văn hóa bản địa, phải hòa đồng và thăng tiến niềm tin truyền thống, mới mong tồn tại giữa lòng Dân Tộc, mới đóng góp tích cực cho nền Văn Hóa Việt Nam và mới có thể phát triển lâu bền.
«VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN», chúng tôi nói rõ rằng Ðạo Công Giáo hay Ðức Tin Công Giáo, ngay từ đầu, không những đã hội nhập tích cực mà còn thăng tiến nền văn hóa Việt Nam từ những điểm cơ bản nhất : niềm tin vào Trời, đức hiếu thảo, lòng tôn kính Tổ Tiên, ngôn ngữ, chữ viết, và văn thơ, kiến trúc...
«VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN», chủ yếu chúng tôi muốn nêu bật : là người Công giáo sống ở hải ngoại, chúng ta hãnh diện về nền văn hóa của Quê Hương và luôn noi gương tiền bối hoằng dương Ðức Tin trong những nét đẹp của Văn Hóa Dân Tộc.
«VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN», có mục đích trình bày những điều khẳng định trên đây qua các bài nghiên cứu của nhóm thân hữu mà đa số thuộc Ban Biên Tập và Trợ Bút của Báo Giáo Xứ Việt Nam. Những bài đó mang tựa đề :
1. Niềm Tin Trong Văn Hóa Việt Nam (Gs Tạ Thanh Minh Khánh).
2. Ðất Việt là Quê Hương Của Ðạo Trời (Ls Lê Ðình Thông).
3. Chữ ‘Trời’ Trong Một Số Cổ Thi Quốc Âm Việt Nam (Bs Nguyễn Văn Ái).
4. Ðối Chiếu Các Tôn Giáo Ở Việt Nam Với Kitô Giáo (Lm Mai Ðức Vinh).
5. Ðạo Nào Cũng Giống Nhau (Lm Mai Ðức Vinh).
6. Ðức Tin Công Giáo Và Niềm Tin Phật Giáo (Ls Nguyễn Thị Hảo).
7. Cổ Nhạc Việt Nam trong Phụng Vụ Công Giáo (Gs Phương Oanh)
8. Hội Nhập Văn Hóa Qua Thánh Ca Việt Nam (Ns Nguyễn Khăc Xuyên)
9. Ðức Hiếu Thảo hay Ði Ðạo Không Phải Là Bỏ Cha Bỏ Mẹ (Bình Huyên).
10. Tôn Kính Tổ Tiên (Lm Mai Ðức Vinh)
11. Ðóng góp của Thơ Công Giáo Vào Việc Truyền Bá Tin Mừng (Pt Phạm Bá Nha)
12. Thư Mục Báo Chí Công Giáo Việt Nam (Lm Trtần Anh Dũng)
13. Cây Văn Hóa Việt Nam Trồng Tại Paris (Gs Trần Văn Cảnh) .
Xét như trên, chủ yếu của cuốn VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN là trình bày một số điểm ‘văn hóa tâm linh’ của dân tộc Việt Nam được coi như mảnh đất mầu mỡ mà hạt giống Ðức Tin Công Giáo được gieo vào. Nói khác hạt giống Tin Mừng đã gặp được và hòa nhập vào nhiều điểm tâm linh cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam. Hạt giống Tin Mừng hòa nhập không phải để thay thế hay phá hủy, cũng không phải để tan biến và mất hút, nhưng để nêu bật những điểm tốt, đổi mới những điểm không thích hợp và thăng tiến toàn diện tâm thức tôn giáo của người Việt Nam tương quan với mọi vấn đề tôn giáo, gia đình, xã hội, quốc gia, cá nhân và cộng đồng, văn chương, lịch sử, kỹ thuật... Những gì liên hệ đến con người, nhất là con người tôn giáo, đều là môi trường đối thoại, hòa nhập và thăng tiến của Tin Mừng, hay của đời sống Ðức Tin Công giáo...
Hãnh diện về VĂN HÓA DÂN TỘC và xác tín vào ÐỨC TIN CÔNG GIÁO, chúng tôi hân hoan đọc lên lời Thánh Vịnh :
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
Hòa bình công lý đã giao duyên,
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
Công lý nhìn xuống tự trời cao
(Tv 84,11-12).
Chính trong niềm vui thấy sự giao duyên hòa nhập thật hỗ tương và cao đẹp giữa VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ ÐỨC TIN CÔNG GIÁO trên giải đất Quê Hương, trong lòng người Việt Nam và trong tâm thức tôn giáo của Dân Tộc, mà chúng tôi gửi đến quý Ðộc Giả Báo Giáo Xứ cuốn sách này như một cố gắng, một đóng góp vào công trình «khai thác và phổ biến những nét đẹp tinh thần của người Việt Nam ».
Lễ Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Hội, 19.03.04
Thay mặt Nhóm Thực Hiện
Lm MAI ÐỨC VINH