LỜI GIỚI THIỆU
Lm. Giuse Ðinh Ðức Ðạo
Giám Ðốc Văn Phòng Phối Kết
LỜI GIỚI THIỆU
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái bản của Nguyệt San “BÁO GIÁO XỨ VIỆT NAM” (Paris), nhóm trợ bút của Nguyệt San, đã hợp lực soạn thảo cuốn “VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN”, dưới sự điều hợp của Ðức Ông Giuse Mai Ðức Vinh, Chủ Nhiệm Nguyệt San, đồng thời cũng là Giám Ðốc Giáo Xứ Paris.
Tập nghiên cứu được biên soạn theo 13 chủ đề, có thể được phân loại thành 4 đề mục chính yếu: 1) Văn hóa Việt Nam với những nét phong phú, đặc biệt tâm tình tôn giáo và truyền thống tâm linh; 2) Kitô Giáo trong bối cảnh các Tín Ngưỡng truyền thống và các Tôn Giáo đã du nhập vào Việt Nam trước Kitô Giáo; 3) Những hình thức cụ thể của việc hội nhập Ðức Tin kitô và văn hóa Việt Nam; 4) Sự hiện diện của nền văn hóa Việt Nam tại môi trường Âu tây (Paris). Với những đề mục trên đây, tập sách nghiên cứu là một đóng góp đáng kể cho một vấn đề rất lớn của đời sống đức tin và nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Ðó là nhu cầu hội nhập Ðức Tin và văn hóa.
Việc hội nhập Ðức Tin vào nền văn hóa của các dân tộc là một nhu cầu cần thiết và khẩn cấp do bản tính con người và Ðức Tin đòi hỏi. Một đàng, theo bản tính của con người, các tâm tình thiêng liêng của Ðức Tin cần phải được diễn tả ra bề ngoài và dĩ nhiên những tâm tình đó cần được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo những sắc thái đặc thù của mình; đàng khác, Ðức Tin thấm nhuần và chiếu soi tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống (các giá trị nhân bản và thiêng liêng, tâm thức, tình cảm, các biểu tượng, phong tục, tập quán, vv.) để chân nhận và thăng tiến những gì là tốt, thanh tẩy những gì hàm hồ và loại trừ những gì đi ngược với bản tính con người và chân lý đức tin. Do đó, Ðức Tin nâng cao các nền văn hóa và làm cho chúng trở nên tinh tuyền và triển nở để thâu nhận vào kho tàng đời sống kitô.
Có thể ví văn hoá và Ðức Tin như hai lá của một buồng phổi. Khi hai lá phổi thông nhau và đập cùng nhịp điệu, sức sống trong con người sẽ sung mãn. Ngược lại, sức khỏe sẽ gặp khó khăn trầm trọng khi hai lá phổi không thông nhau, hoặc không đập cùng nhịp. Xác tín về mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và Ðức Tin, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã cho là “sự tách biệt giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là một thảm cảnh của thời đại chúng ta, cũng như của những thời đại khác...” (EN 20).
Ðể thực hiện việc hội nhập giữa văn hóa và Ðức Tin, cần phải tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa và giá trị của văn hóa và của Ðức Tin. Ðiều này đúng cho hết mọi hoàn cảnh, đặc biệt cần thiết cho người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Sinh sống trong một xã hội đang bị lôi cuốn dưới sức mạnh vũ bão của những trào lưu văn hóa kỹ thuật, người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, để có thể sinh tồn và thăng tiến theo đúng căn tính của mình, đồng thời có khả năng rộng mở tâm hồn đón nhận những cái hay, cái đẹp của môi trường sống, cần phải khám phá ra vẻ đẹp tuyệt hảo của Ðức Tin và nền văn hóa đã thừa hưởng từ Cha Ôâng và xác tín là hai vẻ đẹp đó bổ túc cho nhau và khi hòa lẫn thành một sẽ trở thành viên bích ngọc óng ánh tuyệt vời.
Trong chiều hướng này, tập sách “Văn Hóa và Ðức Tin” là một đóng góp giá trị. Một số bài nghiên cứu cho thấy văn hóa truyền thống Việt Nam là một nền văn hóa rất phong phú và linh hồn của nền văn hóa này là tâm tình tôn giáo; một số bài nghiên cứu khác trình bày những điểm tương đồng giữa Ðức Tin Công Giáo và các Tôn Giáo đã du nhập vào Việt Nam và nhất là Tín Ngưỡng truyền thống của Việt Nam, cho thấy Ðức Tin Công Giáo bổ túc và thăng tiến nền văn hóa Việt Nam. Do đó, người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại dám hãnh diện về cả hai kho tàng quí giá đang mang trong mình, và với hai kho tàng đó, sẽ có khả năng mở lòng đón nhận những giá trị mới để trở thành men muối trong xã hội nơi sinh sống và hoạt động.
Trong khi cám ơn các tác giả đã dày công biên soạn, tôi vui mừng giới thiệu những trang sách này và cầu mong sẽ được phổ biến rộng rãi và được nhiều người đón nhận.
Roma, ngày 06 tháng 01 năm 2004
Lễ Chúa Hiển Linh
Lm. Giuse Ðinh Ðức Ðạo
Giám Ðốc Văn Phòng Phối Kết