TAM ĐIỂM
Mai Đức Vinh
TAM ĐIỂM hay BÈ NHIỆM
Sau các bài viết về 'Hồi Giáo', 'Vô Thần' và 'Thế tục', hôm nay tôi gửi đến quý anh chị bài dài về 'Tam Điểm' hay 'Bè Nhiệm'. Chắc chắn là có nhiều thiếu sót, nhưng tôi hy vọng góp giúp phần nào vào vốn kiến thức của qúy anh chị, nhất là cùng với quý anh chị nắm bắt được, ít ra những đường nét chính yếu của một tổ chức to lớn có liên hệ nhiều đến đời sống đức tin của chúng ta, cũng như có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của thế giới. Khi biết 'tam điểm là cái gì', chúng ta sẽ 'biết ứng xử thế nào đối với tam điểm' để bảo toàn đức tin của mình và của người khác, nghĩa là để vững mạnh sống đức tin và nhiệt tình truyền bá đức tin. Đó là chủ đích của bài viết này.
Tôi muốn vào đề với hai chi tết: 'Danh xưng' và 'Dàn bài':
Danh xưng: Tiếng pháp là 'Franc-marconnerie', hay gọi tắt là 'marconnerie'; tiếng anh là 'Freemasons', còn tiếng việt là 'Tam Điểm' hay 'Hội Kín', hoặc 'Bè Nhiệm'. Tại sao gọi là 'Tam Điểm' hay 'Bè Nhiệm' và 'Hội Kín' ? – Xin thưa:
1. 'Tam Điểm' (ba chấm): Danh xưng này được giải thích là : các hội viên người Pháp từ năm 1775, khi viết thư cho nhau thường gọi nhau là anh em (frère) hay thày (maitre) viết tắt F hay M và thêm vào phía sau 3 chấm như ba đỉnh hình tam giác đều: Ba chấm đó tượng trưng cho Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. (1).
2. 'Bè Nhiệm' hay 'Hội Kín': Danh xưng này nêu bật một trong những quy luật nghiêm khắc của hội tam điểm là hội viên phải giữ 'bí mật'. Các nghi thức khải đạo (initation), các ngôn từ, khẩu hiệu và các biểu tượng của tam điểm đều chìm sâu trong huyề thoại, thần bí và giấu kín. Vì thế, tam điểm rõ ràng là một 'hội kín' hay bè nhiệm' (société secrète). Trong bài này chúng ta dùng danh xưng Tam Điểm mà thôi.
Dàn bài: Những trang viết sau đây sẽ gồm hai phần chính:
1. Nhận diện Tam Điểm: Dàn bài được vạch ra sẽ gồm: tìm hiểu lịch sử của tam điểm, rồi tựa vào lịch sử, khám phá ra những phía cạnh của tam điểm, đồng thời giúp độc giả nắm bắt đời sống, việc làm và ngôn từ của tam điểm, để sau cùng xác định vị trí của tam điểm trong xã hội hiện nay. Dĩ nhiên bài viết này không có tham vọng đề cập đến mọi thực tại của tam điểm, lý do đơn giản là không thể nêu lên hết cho những người không tham dự những buổi sinh hoạt quan trọng dành riêng cho các thành viên tam điểm.
2. Nhận định Tam Điểm: Dựa vào một số tài liệu, tôi muốn nêu lên 'mấy sắc thái độc đáo của tam điểm', 'cái nhìn của Giáo Hội về tam điểm qua dòng lịch sử', cũng như 'cái bản chất vô thần của tam điểm' mà chúng ta phải nắm vững.
I. Nhận diện Tam Điểm
1. Những nguồn gốc thần thoại và lịch sử.
Vì thiếu các các bản văn hay các chứng từ chính xác, người ta chỉ tìm ra những nguồn liệu pha phôi (fantaisistes) nơi tam điểm. Nhưng có một điều chắc chắn là tam điểm mang danh xưng của những người xây cất các nhà thờ chính tòa vào thời Trung Cổ.
Những ngưồn gốc thần thoại.
Trong Cổ Thời, tại Hy Lạp, Roma, Ai Cập… bên Đông phương cũng như Tây phương, việc nghiên cứu triết học và nghiên cứu khoa học thường do cùng một lớp người dấn thân tìm tòi, đã pha trộn nhiều điểm dị đoan. Các nhà bác học và các nhà tư duy thần bí truyền cho nhau những kiến thức của họ, trong khuôn khổ của những xã hội khải đạo (initiatiques). Những xã hội này không để lại một dấu vết gì cả. Hơn thế, bên Tây phương, phải đợi tới thời Phục Hưng (Renaissance) mới tìm lại được một số kiến thức của người xưa, đặc biệt của các nhà luyện kim (alchimistes) là những người từng thực hành một nghệ thuật nằm ở giữa ảo thuật (dùng các câu thần chú để biến các khoáng chất (métal) thành vàng) và khoa học (nghiên cứu nghiêm túc về hóa học và vật lý học). Nhưng tất cả những tương quan với tam điểm lại vươn lên cao, tới mức độ tưởng tượng.
+ Huyền thoại về Hiram : Theo truyền thống của những thợ xây cất thời Trung Cổ, huyền thoại Hiram là gốc rễ chính yếu của tam điểm. Lịch sử của nhân vật thánh kinh này đã được vua Salomon triệu tới để học hỏi sự khôn ngoan và trí thông minh của ông về việc vua sẽ xây đền thờ Giêrusalem. Tam điểm đã tưởng tượng ra một câu chuyện về cái chết của Hiram: ông bị giết chết bởi ba người bạn đồng nghiệp mang tham vọng chiếm đoạt những huy chương ghi ơn của thân chủ, và như vậy họ sẽ được trả lương hậu hĩ. Giết ông rồi, những tên sát nhân đem vùi xác ông Hiram trong một hố sâu và trồng lên ở đó cây dạ hợp (acacia) (2).
+ Thần thoại và bí học: Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, người ta đã tìm cách cắt nghĩa lý do về sự hiện diện của con người trên mặt đất. Vì thế người ta đã dựng nên những câu chuyện về các siêu nhân. Những câu chuyện thần thoại này được coi là nền tảng của các tôn giáo lớn. Một số những lời cắt nghĩa về các câu chuyện thần thoại này được phổ biến và trao truyền lại theo kiểu cách thần bí (esotérisme) nghĩa là chỉ một số nhỏ người có khả năng cắt nghĩa. Việc trao truyền này có thể được thể hiện qua một khải đạo (initiation), như tam điểm vốn làm.
Những nguồn gốc lịch sử.
Tại Âu châu, kể từ thế kỷ XI, các hội trưởng (guides) (3) và các hội đoàn (conféries) nghề nghiệp bắt đầu được tổ chức. Các hội này dung nạp các lề thói và quy luật, đồng thời ra công thực thi bác ái. Một trong những hội đoàn này là hội đoàn các thợ xây cất, họ biết đến 'nghệ thuật hoàng gia' (l'art royal) (4) về kỷ hà học (géométrie) và về kiến trúc học. Vậy những người thợ này (xẻ đá, làm mộc…) tham gia vào một công trình thánh thiêng mỗi khi họ xây cất 'những 'cuốn sách bằng đá' (livres de pierre) đích thực vì vinh danh Thiên Chúa, như chúng ta nhìn thấy công trình tạc khắc các tượng thánh trên mặt tiền của các ngôi thánh đường. Các thợ xây đã tạo nên như vậy một mối tương quan giữa việc trao truyền kiến thức xây cất và phạm vi thiêng liêng. Họ dựng nhà ở hay hội quán (loges) (5) sát ngay các dinh thự họ xây cất, họ lãnh nhận được nhiều khải thị đơn giản, mà chính yếu là những bí mật nghề nghiệp. Sau giai đoạn học nghề, họ thành đồng nghiệp, và họ làm việc dưới sự hướng dẫn của các ông thợ chính. Nhưng những công trình xây cất lớn của tôn giáo chấm dứt vào thế kỷ XIX, thì những cộng đoàn đó cũng biến mất không để lại một dấu vết tả tự nào.
Tam Điểm tìm ra gốc rễ của họ.
Việc truy tìm nguồn gốc của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người hay của cả xã hội là chuyện tự nhiên. Tam điểm ra đời vào thế kỷ XVIII tại Anh quốc và mang danh xưng của các thợ xây cất thời Trung Cổ là tam điểm (Francs-macons). Danh xưng này được áp dụng cho những người thợ đã được các lãnh chúa miễn chuẩn một số công vụ (danh xưng này cũnng được một số làng xã hay thành phố đón nhận như Francheville hay một giới người tự xưng là francs-bourgeois …) hoặc cho những người thợ đẽo đá bên Anh, người ta gọi họ là 'free-mason', Như vậy, chỉ có một tương quan tiêu biểu giữa thợ hành nghề xây cất (macons operatifs) là những người thợ công giáo Âu châu làm việc như vậy cho tới cuối thời Trung Cổ, và những người thiết lập tam điểm hiện đại hay tam điểm suy tư (speculatif) (6) là dân tin lành quý phái và quý tộc (aristocrates) sống tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII. Nền tảng quy luật của tam điểm thuần lý dựa trên các thủ bản anh ngữ vết vào thế kỷ XIV và XV do các thợ xây cất. Những thủ bản ấy chứa đựng những quy luật về nghề nghiệp và luân lý, những bản kinh cầu nguyện, những chuyện hoang đường, và những bí mật nghề nghiệp.
2. Ngày chào đời của tam điểm suy tư.
Vào thế kỷ XVIII, các hội quán của tam điểm hành nghề (francs macons opératifs) đón nhận các nhà quý phái, quý tộc và các nhà trí thức đến đó để suy tư về các vấn đề triết lý và tôn giáo. Tam điểm suy tư khai sinh từ đó.
Những phần vốn cơ bản của tam điểm suy tư là: 1) Niềm tin vào Thiên Chúa, kiến trúc sư vĩ đại của vũ trụ. 2) Sự chuyển đổi vị trí tiêu biểu các dụng cụ của thợ xẻ đá thành ngôn từ triết lý và luân lý, chẳng hạn 'thước vuông' (équerre) chuyển nghĩa là 'thẳng thắn', 'chính trực' (droiture); 'la bàn' (compas) chuyển nghĩa là 'truy tìm chân lý hay sự thật'… 3) Tuyên thệ giữ bí mật. 4) Những dấu chỉ về lòng biết ơn (bằng lời nói, bằng cử chỉ…). 5) Bao dung đối với mọi tôn giáo. 6) Trung tín với uy quyền hoàng gia. 7) Các nghi thức khải thị nhằm mục đích giúp nhận ra những tiêu biểu của hai cấp sơ đẳng là 'học nghề' (apprenti) và 'đồng nghiệp' (compagnon). Hai cấp này sẽ được bổ túc bởi cấp thứ ba là 'thầy dạy' (maitre).
Rèn luyện tư tưởng.
Ngay từ thế kỷ XVII tại Anh Quốc, con cháu cuối cùng của những người thợ xây cất đã vượt qua Biển Manche vào thời Trung Cổ, mở rộng hội quán đón nhận những người đi tìm lý tưởng sống. Những người quý phái và quý tộc này rất trân trọng tinh thần kín đáo của các hội được chính quyền bao dung. Vì cuối thế kỷ XVII bị xáo trộn bởi những cuộc tranh cãi tôn giáo, nên sự tự do tư tưởng còn ở tình trạng tương đối. Ngay từ lúc này, tam điểm hành nghề đã dần dần nhường chỗ cho tam điểm suy tư. Những người tam điểm suy tư chịu ảnh hưởng nhiều bởi các trào lưu duy linh và trí thức của một thời đại mà phái ngộ đạo bí truyền (hermétisme) (7) và phái tu đức thần bí cảm ngiệm (mystique) của khuynh hướng bí truyền Do Thái (kabbale) và phái 'hoa hồng thánh giá' (Rose-Croix), đã tiếp cận và quen dần với một triết lý mới, vừa hà khắc vừa tôn sùng lý trí.
Đơn vị (hội quán) lớn tại Luân Đôn.
Nhiều người tam điểm họp mặt tranh luận trong các phòng sau của hội quán và kéo dài buổi hội bằng những bữa ăn huynh đệ đầy hân hoan. Họ áp dụng tư tưởng của họ vào xã hội bằng những hoạt động từ thiện cụ thể. Chẳng bao lâu, những nhóm độc lập này cảm thấy nhu cầu phải quy tụ đông đảo hơn và thiết lập một cơ quan đầu não có nhiệm vụ nhận định về tính cách hợp pháp của tất cả các đơn vị (hay hội quán) (loges) qua những sinh hoạt của hội tam điểm. Năm 1717, bốn đơn vị tại Luân Đôn họp lại thành đơn vị lớn của Luân Đôn. Nhưng hậu quả là đơn vị lớn này đã gây nên sự rạn nứt với các đơn vị từ chối không nhận uy quyền của họ, vì lẽ họ tách rời Kitô giáo. Năm 1738, đơn vị lớn của Luân Đôn đã trở thành đơn vị lớn của Anh quốc.
Hiến chương Anderson.
Công việc cơ cấu hóa và quy luật hóa của tam điểm được hội trưởng (grand maitre) của đơn vị lớn Luân Đôn giao phó cho mục sư êcốt là ông James Anderson. Ông này được phụ tá đặc biệt bởi linh mục anh giáo và giáo sư vật lý Jean Théophile Déguliers (1683-1744). Ông là con trai của mục sư Pháp di cư sang Anh sau việc bãi bỏ sắc lệnh Nantes năm 1685. Chắc chắn ông là người soạn thảo chính của hiến chương tam điểm. Hiến chương Anderson khởi hứng trước tiên từ các bản văn của tam điểm hành nghề, rồi thêm vào nhiều đóng góp của tam điểm suy tư (8).
Một phong trào hữu thần nhưng 'sống ngoài rìa tôn giáo'.
Tam điểm chào đời khẳng định tình huynh đệ giữa họ với cả nhân loại, trừ giới nô lệ, gia nhân, giới vô thần và giới phụ nữ. Thực tế thành viên của tam điểm là giới quý tộc, quý phái và trí thức, và mau được công nhận là 'một phong trào thức thời'. tam điểm đón nhận các thành viên từ các phần tử của hoàng gia, các bộ trưởng chính phủ, và nhiều cấp bậc cao của giáo hội Anh. Những ảnh hưởng thần bí thêm phong phú có tính chất huyền diệu và tiêu biểu hơn nhờ các nghi thức đơn giản thừa hưởng từ các thợ xây cất. Sự xuất hiện một hình thức tự do tư tưởng đã cho nhập tịch vào các đơn vị những người theo thuyết hữu thần (déistes) sống ngoài rìa tôn giáo, nhưng họ lại nhắc nhở các thành viên của đơn vị lớn về bổn phận phải tin theo Thánh Kinh
3. Thừa hưởng tư tưởng của thế kỷ Ánh sáng.
Tam điểm Pháp có nhiều điểm sắc thái riêng.
Tam điểm du nhập vào nước Pháp từ thế kỷ XVII, dưới hình thức suy tư của Jacques II Stuart, vua nước Anh bị truất phế. Và chỉ mấy chục năm sau tam điểm Pháp thành công, tiến triển ngang hàng với tam điểm Anh, và có nhiều sắc thái riêng. Chúng ta có thể nêu bật: Tam điểm xuất thân từ đệ tam cấp (tiers état). Phần đông các thành viên tam điểm thuộc đệ tam cấp (tức là giới quý tộc và lớp trung lưu), trừ những dân quê và thợ thuyền nghèo đói không có khả năng đóng góp. Nhưng để được quyền lực hoàng gia che chở, tam điểm khải đạo cho những nhân vật quan trọng và để lôi cuốn giới thượng lưu (nobles), tam điểm lại bắt rễ vào giới hiệp sĩ. Trái lại, để khẳng định tinh thần hoà đồng và bình đẳng giữa các thành viên anh em, tam điểm chấp thuận cho những người bình dân cũng có quyền mang gươm trong hội quán.
Sự phát triển của tam điểm tại Pháp.
Tam điểm du nhập vào Pháp năm 1730 dưới sự thúc đẩy của người Anh và người Pháp. Khởi đầu, đơn vị lớn của Anh cho quyền mở các đơn vị hay hội quán (loges), trước tiên là ở thủ đô Paris rồi đến các tỉnh, nhờ nỗ lực tuyên truyền của các thương gia, công chức và quân nhân. Khắp nơi, giới thường dân và giới quý tộc gia nhập vào một phong trào có thể đáp ứng nguyện vọng của họ là quyền tự do phát biểu, sau triều đại chuyên chế của vua Louis XIV. Trong cả nước các thành viên tam điểm (hay anh em) thường hội họp trong các quán ăn hay trong tư gia, nơi đó hình ảnh của đơn vị được vẽ ra bằng phấn trắng hay bằng than đen trong buổi hội và trong các nghi lễ.
Tỉnh hội lớn của Pháp.
Nhờ ảnh hưởng của ngộ đạo bí truyền (hermétiste), tam điểm Pháp thiết lập các cấp bậc, mục đích để nghiên cứu các vấn đề siêu hình mà đạt tới trào lưu bí truyền (ésotériques). Những cấp bậc cao lại không sẵn sàng chấp nhận quan điểm bình đẳng (égalitarisme) và đơn giản (simplicité) của buổi ban đầu. Tuy nhiên họ phát triển mau lẹ và tiếp tục 'một hội tam điểm riêng rẽ'. Các đơn vị không giữ tinh thần dân chủ trong việc tuyển chọn những người lãnh đạo nữa. Do đó, một phong trào đối lập bùng nổ kéo theo sự phân rẽ giữa đơn vị lớn của Pháp, ra đời 1738 và khép mình vào những đặc ân, với đơn vị lớn quốc gia Pháp. Đơn vị lớn này lấy tên là 'Tỉnh Hội lớn của Pháp' (Grand Orient de France) từ năm 1773. Cuộc tranh đấu giữa hai khuynh hướng kéo dài mãi tới cách mạng 1879. Vào năm này, Tỉnh Hội lớn của Pháp đã có tới 25.000 thành viên, chia ra 700 đơn vị (loges).
Lần đầu tiên bị các giáo hoàng lên án.
Một điểm độc đáo của tam điểm Pháp là thù nghịch với Giáo Hội ngay từ đầu. Giáo Hội coi các thành viên tam điểm 'không còn là những người công giáo cho lắm' (pas très catholiques). Năm 1738, rồi 1751, hai giáo hoàng liên tiếp ra vạ tuyệt thông những thành viên tam điểm, vì họ 'làm suy yếu Giáo Hội khi thâu nhận vào hội cả những người tin lành, do thái, thần thuyết (déistes) (9) và vô thần'. Tính cách bí mật của tam điểm cũng bị kết án vì lẽ không am hợp với bổn phận tuyên tín (obligation de la confession). Tuy nhiên những bí mật kỳ lạ của tam điểm đã mau bị phát hiện công khai bởi những tập sách trình bày nghi thức và ý nghĩa của các biểu tượng. Những phản ứng của các giáo hoàng đã thu lượm nhiều kết quả tại tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhờ các toà án Thẩm Tra, nhưng lại gây nên nhiều đụng độ ở Pháp vì Quốc Hội Paris, có quyền tối cao trên vấn đề này, lại không ghi nhận việc lên án của giáo hoàng (10).
Thừa hưởng tư tưởng trết học của thế kỷ Ánh sáng..
Người ta quen gọi những thành viên tam điểm là 'con cái của sự sáng' vì họ được coi là đã giác ngộ nhờ việc khải đạo (initiation). Nhưng vào thế kỷ XVIII các tư tưởng của các nhà biên tập bách khoa (encyclopédistes) đã nhìn nhận (nghĩa lý trí và khoa học vượt thắng những mê tín và niềm tin tôn giáo, do đó, một xã hội công bằng hơn được thiết lập …). Từ đó các 'anh em tam điểm' tự coi mình là đại diện cho tinh thần của thế kỷ Ánh sáng. Họ đồng hành với tinh thần của thế kỷ hơn là được hứng khởi, bởi vì họ vừa là những người bảo thủ vừa là những người cấp tiến. Về nữ gìới, theo pháp luật, họ là vị thành niên, họ chỉ được nhận vào các 'đơn vị tam điểm kế thừa thôi' (loges d'adoption). Việc khải đạo của họ không được nhìn nhận bởi các chi viện nam giới (obédiences masculines) nghĩa là bởi các đơn vị cùng theo một hiến chương (11).
4. Từ Cách Mạng Pháp đến Thị Xã Paris.
* Tiêu chuẩn tuyển lựa thành viên.
Tam điểm Pháp đã không bắt gốc từ Cách Mạng Pháp, trái lại, chính vào thời điểm cách mạng, đã xuất hiện một luồng tư tưởng chống tam điểm (antimaconique), tố cáo tam điểm là những người mang trách nhiệm về cuộc cách mạng. Từ đệ nhất đến đệ nhị đế quốc, tam điểm phải thay đổi và thích ứng với tình hình chính trị của đất nước. Việc tuyển mộ thành viên tam điểm dựa trên cơ sở tư tưởng.
Dưới thời cách mạng.
Có những anh em (thành viên tam điểm) nằm trong Quốc Hội (États généraux) (12), như La Fayette (1757-1834) thuộc giới quý tộc. Trong thời cách mạng có thêm nhiều đơn vị cộng hòa, nhưng cũng có nhiều đơn vị khác bị đóng cửa và tan rã. Nếu có nhiều anh em ngưng hoạt động thì cũng có nhiều anh em quý tộc bị đi lưu đày. Tuy nhiên trong thời cách mạng tam điểm không hề bị cấm đoán. Đây cũng là thời điểm một linh mục bị lưu đày đã cho xuất bản cuốn sách nói về cuộc nổi loạn của tam điểm chống đối Giáo Hội và Chính Thể. Cuốn sách trở thành thủ bản cho chủ thuyết chống tam điểm.
Mức tiến triển của tam điểm trong thế kỷ XIX.
Phong trào tái sinh dưới thời Tổng Tài Chế (Consulat) (1799 – 1804), rồi phát triển vượt mức vào thời đệ nhất đế chế (premier empire) (1804-1815), nhưng tất cả bị guồng máy quyền bính của Napoléon kiểm soát. Vào đầu thế kỷ XIX, tam điểm Pháp có nhiều sáng kiến công trình bác ái, lôi hút nhiều sĩ quan và công chức của chế độ gia nhập tam điểm. Các đơn vị tam điểm quy phục quyền bính. Sau khi phục hồi uy quyền của giáo hoàng bằng hoà ước 1801, các linh mục bỏ phong trào. Năm 1830, các đơn vị quân đội tan biến và giới quý tộc cũng từ giã tam điểm sau khi Louis-Philippe cấm đoán tam điểm để mong được Giáo Hội yểm trợ. Cho đến năm 1860, đa số thành viên của phong trào thuộc giới quý phái (bougeoisie), tự do và theo thần thuyết. Tuy nhiên, dần dần Tỉnh Hội Lớn (Grand Orient) của Pháp bắt đầu đón nhận giới vô sản (prolétarisation): các giới giàu sang ra đi, các giới tiểu quý tộc, tiểu tư sản và giới thủ công vào thay thế và bảo vệ tính cách nhân ái (philanthropique) của tam điểm như mở các trường học, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, nhà tiếp đón, ấu nhi viện, vườn trẻ…
Từ đệ nhị đế chế đến chế độ Công Xã.
Đệ nhị đế chế (1852-1870) uy hiếp và lưu đầy các thành viên tam điểm. tam điểm chỉ được bao dung (tollérée), nên đã trải qua một giai đoạn thụt lùi. Tỉnh hội lớn (Grand Orient), đầu não của tam điểm, đã hoạt động độc lập đối với chính quyền, và thành lực lượng chống đối đế chế. Tỉnh hội lớn duy trì những buổi tranh luận triết học và xã hội mà đề tài thảo luận đều được gợi hứng từ những ý hướng xã hội: trường học miễn phí, trường học dân sự, và trẻ em bó buộc đi học…Dưới thời Công Xã (Commune) lại xảy ra một vụ chia rẽ giữa các thành viên quý tộc duy luật (légalistes) (13) và những thợ thuyền cách mạng. Bấy giờ có một số anh em dấn thân vào công trình Công Xã (communards), một số khác cố tránh những vụ xung đột đổ máu, như đã xảy ra tại quốc hội ngày 26. 04. 1871, với chính phủ Louis Adolphe Thiers (1797-1877). Rồi, ngày 29. 04. 1871, 6.000 anh em mặc y phục mang huy hiệu tam điểm đã tuần hành từ Tòa Thị Sảnh Paris đến chỗ bị chặn đường và cắm cờ hiệu của họ trên các ụ chặn đường. Sau vụ đàn áp Công Xã, một số đông anh em tam điểm bị bắn chết hay bị đi lưu đầy tới năm 1880 mới được ân xá. Thái độ ôn hòa và can đảm các thành viên tam điểm Paris vào lúc nguy kịch của lịch sử nước Pháp, đã lôi kéo được nhiều thành viên mới từ các lớp bình dân.
5. Tam điểm Pháp trở thành tam điểm cộng hòa.
Bất bao dung tôn giáo.
Khẩu hiệu cách mạng 'tự do-bình đẳng-huynh đệ' được khắc trên đồng tiền của Nền Cộng Hòa Pháp, cũng là khẩu hiệu của tỉnh hội lớn của Pháp. Nhưng vấn đề tin tưởng vào Thiên Chúa lại chia rẽ tam điểm. Vào cuối thế kỷ XIX, một vài tư tưởng lớn của tam điểm bắt đầu được phổ biến trong toàn quốc: đó là chủ nghĩa duy khoa học (scientisme) (14), khuynh hướng chống giáo sĩ (anticléricalisme) (15). Một số thành viên tam điểm tỏ ra 'bất bao dung với người công giáo', coi người công giáo là 'kẻ thù của nền cộng hòa, ngay trong hàng ngũ quân đội cũng vậy'. Những thành viên tam điểm này hung hăng đến khát máu, đòi giải tán các dòng tu, triệt hạ các nhà thờ và tách rời Giáo Hội với Nhà Nước.
Tranh luận về Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ (16).
Sau chế độ Công Xã, là những phản ứng quyết liệt của người công giáo và của những người theo chế độ quân chủ chống lại nền Cộng Hòa và tam điểm… Một lần nữa tam điểm bị tố cáo là đồng lõa với cách mạng. Chính trong bầu khí này, năm 1877, anh em của tỉnh hội lớn Pháp (GODE) đã bỏ phiếu chọn các đại biểu của tổng nghị hội (Convent), tức đại hội của tam điểm. Tổng nghị hội đã đưa ra bản kiến nghị 'bải bỏ sự bó buộc phải tin vào Thiên Chúa và vào sự bất tử của linh hồn'. Như vậy, tam điểm thiết lập một sự tự do lương tâm hòan toàn cho mọi thành viên. Họ đặt tay thề trên hiến chương, không bó buộc phải dấn thân nhân danh Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ, nhưng dấn thân theo sự toàn hảo của con người… Riêng đơn vị lớn của Anh (la Grande Loge d'Angleterre) từ chối không chấp nhận khuynh hướng tự do (libérale) đã nảy sinh ra từ tam điểm Pháp.
Tam điểm và nền Cộng Hòa
Những ý tưởng đã được thảo luận và tranh cãi từ lâu trong các đơn vị tam điểm, như trường học miễn phí, dân sự và bó buộc, đã được thực hiện vào cuối thế kỷ XIX, bởi ông Jules Ferry (1832-1893), thành viên tam điểm và bộ trưởng giáo dục (1880 và 1881). Theo chí hướng xã hội, tam điểm đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ Nền Cộng Hòa, chống lại đảng chính trị của Boulanger (17), tham gia vào việc thiết lập Liên minh Nhân Quyền (Ligue des droits de l'homme) năm 1898. Đến năm 1894, hội đồng tối cao của tam điểm Pháp đã đón nhận các anh em thuộc đơn vị lớn của Écosse (Tô Cách Lan) và mang tên là đơn vị lớn của Pháp (Grand loge de France). Đơn vị lớn này tiếp tục 'hoạt động theo đường hướng chính trị và xã hội để 'vinh danh Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ'. Kể từ năm 1900, tam điểm hoạt động chính trị rõ rệt theo hai khuynh hướng chính: khuynh hướng xã hội tại Paris, khuynh hướng cực tả (radicale) tại các tỉnh. Vào thời điểm này, sự đối chọi chính trị của 'nhóm tam điểm' và 'nhóm chống tam điểm' đã làm giảm uy tín của tam điểm.
Tam điểm tự do
Kể từ cách mạng 1789, nhiều đơn vị tam điểm được mở rộng đón các gia nhân (domestiques). Chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1848, nhờ ảnh hưởng của Victor Schoelcher (1804 -1893), một thành viên tam điểm cột trụ và đại biểu của Antilles. Trong giai đoạn này tam điểm quan tâm nhiều đến số phận các thợ thuyền, những vợ chồng ly dị, việc bỏ án tử hình, đến chế độ hưu bổng, quỹ bảo hiểm xã hội cho người thất nghiệp… Tam điểm hoạt động thành công nhờ các dân biểu là thành viên tam điểm.Vào đầu thế kỷ XX, huynh hướng chống tam điểm và chống do thái (antisémite) manh nha ngay trong những người xã hội (socialistes) và trong các phong trào lao động, vì họ nhận ra tam điểm đã mang bộ mặt quý phái và quyền bính. Họ đòi phải có một tam điểm tự do.
6. Tam điểm trong thế kỷ XX.
Nhìn tổng quát
Ngay từ năm 1900, tam điểm đã lan tràn trên khắp thế giới. Hầu như ở khắp nơi, tam điểm đón nhận nhiều người thuộc mọi sắc tộc, văn hóa, mầu da, chính thể, và nghề sống. Chỉ những người tuân theo chỉ thị của cộng sản sau cách mạng Nga Sô, và nhiều người làm việc trong các xí nghiệp đã loại trừ tam điểm, vì họ cho rằng tam điểm là mẫu hình hoạt động của giới quý phái và tư bản. Thời đệ nhất thế chiến, mặc dầu theo chủ nghĩa hòa bình và ý chí hiệp nhất vượt biên giới, mỗi thành viên tam điểm ủng hộ những nước họ có liên hệ. Tất cả đều hoạt động theo hiến chương 'xây dựng hòa bình' đã được cụ thể hóa trong tổ chức các Quốc Gia thành lập năm 1919 (Société des Nations). Tóm lại: Đương đầu với những vụ xung đột của thế giới, tam điểm không những bị cấm đoán mà còn bị bách hại bởi những chế độ chuyên chế. Quả vậy, tam điểm đã trải qua nhiều thử thách trong thế kỷ XX. Sau đệ nhị thế chiến, tam điểm mới lấy lại thế khí hoạt động trong an bình và kín đáo.
Tam điểm lấy lại thế khí.
Tại Pháp, thuyết duy khoa học thụt lùi, đơn vị lớn thu mình lại và tránh xa thế giới trần tục (18). Tam điểm quay lại với những chủ đề sống tinh thần và xã hội. Tuy nhiên tam điểm luôn tỉnh thức 'dè chừng' đối với Giáo Hội Công Giáo, họ không chấp nhận khuynh hướng 'chống giáo sĩ cách hẹp hòi'. Năm 1913, một thành viên tam điểm muốn sống sâu xa tinh thần Kitô giáo, đã tách ra và lập một đơn vị lớn tầm vóc quốc gia, độc lập, và hoạt động tại Pháp cũng như tại các xứ thuộc địa. Dựa theo Nhân Quyền (Droit Humain), họ bênh vực nhân phẩm và những quyền lợi của dân bản xứ tại các nước thuộc địa của Pháp, cho dù họ bị nhóm thực dân chống đối bạo tàn.
Thuỷ triều tai họa.
Khắp nơi nhô lên những chế độ chuyên chế, độc tài, chuyên quyền và cuồng tín. Vì thế thân phận của tam điểm là bị loại trừ và bách hại. Kể từ năm 1925, Moussolini cấm tam điểm tại nước Ý; rồi năm 1919, các thành viên tam điểm bị đuổi khỏi nước Nga và đảng Cộng sản ra lệnh cho các đảng viên phải tuyên thệ bỏ tam điểm. Qua năm 1929, một đại hội bất thường của tam điểm bày tỏ nỗi lo lắng vì chế độ phátxít tung hoành ngay tại nước Pháp. Nhưng chính tại Đức, năm 1933, Hitler ra lệnh tầm nã các thành viên tam điểm, và tiếp theo, năm 1936, chế độ Francô ở Tây Ban Nha, và năm 1940, chính quyền Vichy ở Pháp, cũng hạ lệnh triệt hạ tam điểm…
Sau chiến tranh
Năm 1945, các thành viên tam điểm thế giới toan hiệp nhất lại nhưng không thành công. Họ luôn đụng chạm nhau về lập trường đối với Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ. Tam điểm được thiết lập lại trong nước Đức hoang tàn, nhưng lại bị tan rã trong các nước cộng sản chiếm đóng. Ngay tại Pháp tam điểm cũng suy yếu nhiều: nhiều thành viên đã ngã gục trong các trại giam hay ngoài trận chiến ác nghiệt; nhiều thành viên phản bội lý tưởng tam điểm, và nhiều người khác không muốn hoạt động lại nữa. Chỉ còn một số ít trung kiên, từ từ đoàn tụ và đặt lại các vấn đề xã hội và nhân bản (việc giảng dạy, bảo vệ hoà bình, chống nạn nghiện rượu, kế hoạch hóa gia đình… kể từ 1953).
Ngày nay
Tại Pháp, kể từ khi tướng de Gaulle nắm chính quyền, tam điểm ít xuất hiện trên sân khấu chính trị. Mãi tới năm 1981, sự hiện diện của tam điểm trong quốc hội mới được củng cố, đặc biệt trong thời đảng xã hội điều hành quốc gia. Trừ đơn vị lớn quốc gia Pháp (GLNF), các chi viện (obédiences) đều liên kết với nhau thành Liên Minh chống kỳ thị và bài Do Thái (LICRA), thành phong trào chống kỳ thị và gây tình bạn giữa các dân tộc (MRAP), thành liên minh nhân quyền, và góp phần với các Giáo Hội tại Pháp kêu gọi mọi người tôn trọng nhau, liên đới với nhau, và bao dung lẫn nhau. Năm 1987, các chi viện mạnh mẽ tố cáo hiện tượng kỳ thị trên thế giới và sự nghèo đói của các nước Nam Bán Cầu (pays du Sud). Họa lắm các chi viện mới lộ diện công khai (khủng bố chống do thái tại phố Copernic, paris, năm 1980, luật giảng dạy của Bayrou năm 1994…).
7. Năm năm (1940-1945) tam điểm bị chao đảo.
Tam điểm thành người bung xung chịu đạn.
Không thể nói về tam điểm mà không gợi lại những vụ việc đã xảy ra tại Pháp dưới chế độ Vichy trong thời gian Đức chiếm đóng. Bấy giờ tam điểm trở thành người chịu đạn (bouc émissaire): Ông Charles Mauras (1868-1952), văn sĩ, ký giả, thuyết gia về chủ nghĩa quốc gia và quân chủ, đã cộng tác với chính phủ Vichy, và đã nhận định: 'Chính trong đơn vị tam điểm mà người Do Thái đã quy tụ thành nghiệp đoàn và tỏ ra ít coi trọng người Pháp'; Adolf Hitler (1889-1945) còn quả quyết: 'Tam điểm đã rơi vào tay người Do Thái và thành một dụng cụ tuyệt hảo họ dùng để chiến đấu và đạt tới các mục tiêu'. Riêng, thống chế Pétain (1856-1951) ông đã tuyên bố: 'Phải tiêu diệt cuộc nổi loạn của tam điểm… Tất cả đã chứng tỏ rằng triết lý tam điểm chỉ nhằm mục đích củng cố chủ thuyết tục hóa (laicisme), lấy con người đối lập với tôn giáo'. Đây là một câu trích ra từ bích chương chống tam điểm của chính phủ Vichy năm 1940: 'Phải xóa bỏ tam điểm, tam điểm không thể tồn tại trong một nước mà chính nó đã gây đổ máu…'. Đại tá Francois de la Roque, sáng lập viên phong trào phátxít đã viết trên tờ Petit Journal năm 1941: 'Một hội đoàn chọn lựa 'dấu mình' là một hội hội đoàn bất lương. Chúng ta phải coi hội đoàn đó như thú vật dơ bẩn'. Mới đây ông Jean Marie le Pen, sáng lập viên đảng cực hữu đã lại nói: 'Sau quân khủng bố của trung đông là quân khủng bố của tỉnh hội tam điểm'.
Chế độ Vichy.
Kẻ thù của tam điểm là người Do Thái và những thành phần 'đáng sa thải'. Ai cũng biết như vậy. Điều không may cho nước Pháp là đã muốn họ cùng với Philippe Pétain (1856-1951) nắm quyền hành sau lần bị quân Đức đánh bại năm 1940. Thống chế và các cộng tác viên không ưa các thành viên tam điểm. Từ công trình thắng thế của họ, họ đã nhìn ngược lại và muốn chối bỏ những giá trị của cách mạng 1789, của nền Cộng Hòa, của tinh thần thế tục… Năm 1940, một đạo luật ban hành cấm chỉ tất cả các hội đoàn bí mật, giải tán các chi viện, cho dù các chi viện được thiết lập theo luật 1901 về các hội đoàn. Chế độ Pétain rêu rao rằng: chính tam điểm đã gây nên chiến tranh và là nguyên cớ của việc thua trận; các thành viên tam điểm bị coi là đầy tớ của những người Do Thái ngoại bang, là những cánh tay dài của nước Anh và cả của đảng cộng sản quốc tế. Chính phủ Pétain tổ chức nhiều cuộc triển lãm về những đề tài nói trên để bài trừ tam điểm, và cho phổ biến cuốn phim Forces Occultes (Những lực lượng bí mật) do một nhóm người Pháp và Đức đạo diễn để trình bày đời sống thê thảm của một nghị sĩ trẻ tuổi bị guồng máy quỷ quái của tam điểm đầu độc và lợi dụng… Nhiều cơ sở của tam điểm bị bao vây, khám xét , nhiều văn kiện tam điểm bị phá hủy hay thất lạc (về sau một số văn kiện đã tìm lại được ở Nga). Hơn thế, dưới chế độ Vichy, nhiều trung tâm chống tam điểm được xây cất, họ thiết lập danh phiếu tam điểm để dễ bề kiểm soát và bài trừ…
Những cuộc bách hại.
Kể từ 1941, một đoàn cảnh sát chuyên biệt đã tấn kích các thành viên tam điểm với sự hỗ trợ của quân Đức chiếm đóng nước Pháp. Cùng năm đó, trên Công báo (Journal officiel) đăng tải một danh sách dài các thành viên tam điểm, gồm 1.500 danh tính rút ra từ 75.000 danh phiếu. Con số công bố lớn hơn con số thực thụ về các thành viên tam điểm của thời ấy. Với danh sách được công bố, người ta dễ dàng loại bỏ các thành viên tam điểm ra khỏi các cơ quan hành chánh và bắt bớ nhiều chiến sĩ kháng chiến (résistants). Bị phát lưu (déportés), nhiều anh em tam điểm đã lập lại các đơn vi ngay trong các trại giam, như ở trại Buchenwald (Đức). Tại Pháp, mặc dầu bị bách hại, nhiều đơn vị vẩn lén lút hội họp, sinh hoạt và nỗ lực yểm trợ các toán quân kháng chiến. Năm 1944, tướng de Gaulle ra sắc lệnh huỷ bỏ các khoản luật chống tam điểm của chính phủ Vichy. Từ 1940 đến 1944, có 6.000 đảng viên tam điểm mất việc làm, 1000 bị phát vãng, 545 bị xử bắn hay chết trên đường lưu đầy vì 'tội danh là quân kháng chiến'. Khẩu hiệu của anh em tam điểm bấy giờ là 'Patriam Recuperare' (Khôi phục lại Quê Hương ).
Người tam điểm bôi nhọ tam điểm.
Trong nhiều trường hợp anh em Tam Điểm cũng đáng 'đội mũ tai lừa' (bonnet d'âne): - như quá nhiệt tình theo giáo điều, quá hung hăng chống giáo sĩ; - như các 'đầy tớ đen' (19), 'chàng hề của cố sở' (bouffeurs de curés) là những người muốn phá hoại kitô giáo ngay trong cơ quan hành chánh, đặc biệt trong vụ lập danh phiếu gây tai tiếng của tướng André (20); - như những nhà chính trị tam điểm thối nát đã đồng lõa trong vụ Stavisky (21); - như đơn vị P2 thật man trá được thiết lập năm 1974 tại nước Ý ngoài sự kiểm soát của Đơn Vị Lớn, đã bị tố cáo kinh doanh thụ lợi và trái ngược lý tưởng của Tam Điểm… Thực tế, Tam Điểm quan tâm đến việc chiêu mộ, nhưng Tam Điểm không phải là hội kín đích thực, Tam Điểm không thể tránh hết những phần tử chỉ gia nhập vào các đơn vị để có nơi giao tiếp và có cơ may thủ lợi.
8. Tam điểm trên thế giới
Tam điểm Anglo-Saxon đông nhất.
Tam điểm Anh chiếm quá bán, chừng 6 triệu thành viên trên thế giới. Khuynh hướng tự do của tam điểm phát triển đặc biệt trong các nước tin lành. Đơn vị lớn của Anh muốn duy trì mọi truyền thống tam điểm. Họ cấm đoán mọi liên hệ với tam điểm tự do, họ coi đó là 'thứ tam điểm bất bình thường', họ chỉ nhìn nhận là chính thống những chi viện (obédience) còn cẩn thủ các quy tắc của hiến chương tam điểm (Landmarks). Tam điểm Anh lan tràn khắp các nước thuộc địa nói tiếng anh (anglophone), tại Viễn Đông, Phi Châu và Á Châu. Tuy nhiên tại các nước đông dân anh giáo, thì mức thành công của tam điểm đáng chú ý hơn, trong các nước ấy, tam điểm có quy chế chính thức và nắm giữ hầu như trọn vẹn mọi cơ cấu và sinh hoạt về xã hội và nhân đạo. Giới nữ, tuy chưa được công nhận chính thức, cũng tích cực tham gia vào nhiều 'tổ chức tương cận tam điểm' (organisations paramaconniques)… Điều dễ hiểu, là nước Anh không bị các nước phátxít xâm chiếm, cũng không có những tranh cãi gay gắt về tôn giáo giữa các nước latinh và Anh quốc, nên tam điểm Anh giữ mãi tính cách truyền thống, trong đó hoàng gia và giới quý tộc vẫn hiện diện. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu 'được bình dân hóa' và luôn giữ quãng cách với giáo hội tin lành anh.
Tam điểm nữ giới.
Nữ giới bị đồng hóa lâu đời với dân nô lệ, với những người 'mù chữ', những người kỳ dị (difformes) và vô luân, nên bị loại trừ khỏi hội tam điểm. Mãi sau khi Nhân Quyền được công bố và nhìn nhận bởi cả thế giới, phái nữ mới bước vào ngưỡng cửa tam điểm. Các đơn vị nữ giới bắt đầu có tại Pháp rồi qua Mỹ, Phi Châu đen, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Riêng tại Pháp, Chi viện tam điểm riêng của nữ gìới được thành hình năm 1945, và năm 1952 trở thành đơn vị lớn tam điểm nữ giới. Họ được nhìn nhận bởi mọi cấp bậc cơ cấu của tam điểm, trừ đơn vị lớn quốc gia của Pháp thì không nhìn nhận và các chi viện anglo-saxon tại Anh quốc cũng luôn từ chối quyền khải thị của nữ giới.
Tình thế tại Hoa Kỳ.
Tam điểm du nhập vàp Mỹ quốc năm 1789 với sự khải đạo của Benjamin Franklin (1706-1790) và của George Washington (1732-1799). Sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ, năm 1863, thì nhờ anh em tam điểm Abraham Lincoln (1809-1865), những người da đen có thể gia nhập tam điểm. Tuy nhiên tình hình hiện nay còn nhiều khía cạnh lu mờ, bằng chứng là bề ngoài không có vẻ đối nghịch, nhưng vẫn có hai chi viện tam điểm trắng và tam điểm đen tách biệt. Hơn thế những địa vị xã hội cao của anh em tam điểm trong các đơn vị trắng luôn là chướng ngại cho anh em tam điểm da đen, thường ít giàu có hơn…
Khuynh hướng tự do trong tam điểm.
Xuất hiện tại Pháp năm 1877, những anh em tam điểm theo khuynh hướng tự do này chiếm đa số trong các chi viện, trừ trong đơn vị lớn quốc gia Pháp. Năm 1961 có cuộc đại hội của 43 chi viện trên thế giới, và đại hội đã biểu quyết 'quyền tự do tuyệt đối của lương tâm'. Thực tế, khuynh hướng tự do và cấp tiến của tam điểm thai sinh từ quyết định của đại hội (Orient) trung ương tam điểm Pháp: 'không làm việc vì vinh quang của Kỹ Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ nữa'. Quyết định 'tuyệt đối tự do lương tâm được nhiều người công giáo nhìn nhận'… Tiếp theo phong trào 'trả độc lập cho các nước thuộc địa' (décolonisation), vào đầu năm 1960, tam điểm vẫn được duy trì trong các nước dân chủ Phi Châu đen nói tiếng Pháp (Sénégal, Côte du'Ivoire, Cameroun…), và nhiều khi đã trở thành các 'tổ chức dịch vụ và phe phái' (affairisme et élitisme).
Những quốc gia không chấp nhận tam điểm.
Năm 1821, hoàng đế Nga Sô cấm chỉ tam điểm. Lệnh cấm độc đoán (oukase) này được khẳng định lại bởi đảng cộng sản Nga. Mãi tới khi bức tường Bá Linh sụp đổ, 1989, tam điểm mới hồi lại một cách khó khăn trên lãnh thổ Nga và trên các nước cựu cộng sản khác. Vì tại đó, tam điểm đụng đầu với sức phục hưng mạnh mẽ của các Giáo Hội Kitô, nhất là Giáo Hội Chính Thống, là những 'kẻ thù truyền kiếp' chống tam điểm và Do Thái. Tam điểm tái phát triển tương đối dễ dàng tại các nước Đông Âu. Ngược lại, tại các nước Hồi Giáo, tam điểm bị loại trừ như 'đầu não thực dân', bị tống cổ khỏi mọi sinh hoạt tôn giáo thường nhật, bị đồng hoá với mưu toan do thái. tam điểm chỉ còn được hoạt động tại Marốc và Turquie, nhưng duới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Vì những lý do tôn giáo, tam điểm còn hiện diện đôi chút tại nước Do Thái. Cũng tương tự, theo truyền thống, tam điểm ít được phổ biến tại các nước Viễn Đông và bên Á châu vì những lý do tôn giáo, chính trị và triết lý.
9. Các chi viện
Hội tam điểm bao gồm các chi viện (obédiences) và mỗi chi viện lại bao gồm các đơn vị (loges). Các chi viện sinh hoạt theo nhiều nghi thức mà sự khác biệt chính yếu là chấp nhận hay từ chối nguyên tắc thần linh. Dưới đây chúng ta nói về các chi viện.
Khái niệm về chi viện.
Lịch sử của tam điểm suy tư (marconnerie spéculative) thì phong phú vì vừa phân ly (scission) vừa quy hợp (regroupement), đã tạo nên tập thể tam điểm hiện nay với nhiều chi viện. Tại Pháp mỗi chi viện có quy chế và được điều hành như một hội đoàn theo luật 1901. Tư cách pháp nhân và các nghi thức của mỗi chi viện được xác định bởi một hiến chương. Mỗi chi viện có ba thẩm quyền khác nhau: - 1) Quyền hành pháp của chi viện được đảm trách bởi một hội đồng gồm 33 thành viên được tuyển chọn trong các công hội miền và được chấp thuận bởi việc đầu phiếu của tổng nghị hội (couvent). Tổng nghị hội tức là đại hội thường niên của tam điểm mà mỗi đơn vị được cử một đại diện đến tham dự. Mỗi năm có một phần ba thành viên của hội đồng được bầu cử lại, và trách nhiệm của hội đồng là chọn lấy một thành viên trong hội đồng làm hội trưởng (grand maitre). Nhiệm kỳ của hội trưởng không quá ba năm. – 2) Quyền lập pháp thuộc về tổng nghị hội (couvent). Tổng nghị hội chọn một chủ tịch và các viên chức (officiers), thảo luận và bỏ phiếu bản phúc trình của hội trưởng, khảo sát vả bỏ phiếu về ngân sách, chấp nhận bản bá cáo tổng hợp những vấn đề đã được học hỏi tại các đơn vị, tu chính hiến chương và các quy luật chung. – 3) Quyền tư pháp là một văn phòng tiếp cận với các uỷ ban tư pháp thuộc các chi viện lớn, hoàn toàn độc lập với quyền hành pháp.
Trung ương tam điểm Pháp hay chi viện chính tại Pháp.
Cơ quan trung ương tam điểm tại Pháp (grand Orient maconnique de France) hiện nay gồm 45.000 hội viên chia ra gần 10.000 đơn vị. Có một số đơn vị ở ngoài đất Pháp: Á châu, Phi châu, Úc châu, trung Mỹ, Mỹ latinh, Do Thái, Québec, Luân Đôn, New York… Đây cũng là chi viện chính của Pháp. Chi viện này thực hành 'nghi thức pháp' (rite fancais) tức là nghi thức loại trừ mọi tương quan với Thiên Chúa và chấp nhận cả những anh em công khai vô thần. Dấn thân vào những vấn đề nóng bỏng của thế giới, vì thế trung ương phải nói lên công khai lập trường của mình trên báo chí, bằng những buổi diển thuyết, và tham gia các cuộc biểu tình… Trung ương nhìn nhận tam điểm nữ giới, nhưng để cho đơn vi tự do thu nhận và khải đạo.
Một chi viện mang tên là ' đơn vị lớn tại Pháp'.
Đơn vị lớn tại Pháp quy tụ 26.000 hội viên thuộc hơn 700 đơn vị. Đơn vị lớn chỉ thực hành nghi thức êcốt cổ thời và chấp nhận gợi hứng của thần đạo (inspiration déiste). Vì thế, họ coi Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ như một tiêu biểu mở ra cho mọi suy tư, và họ để cho các đơn vị đón tiếp những người suy tư tự do. Đơn vị lớn ít lộ diện ra bên ngoài và không dấn thân vào trần thế như trung ương tam điểm. Họ nhìn nhận tam điểm nữ giới nhưng không đón nhận chị em.
Một chi viện mang tên là đơn vị lớn quốc gia Pháp.
Đơn vị lớn quốc gia Pháp gồm gần 20 000 hội viên làm việc trong hơn 600 đơn vị khác nhau tùy theo các nghi thức kitô (rites christiques). Chi viện này chủ trương không hoạt động bên ngoài và trong các đơn vị chỉ thảo luận về các vấn đề tam điểm. Và tam điểm Anh chỉ nhìn nhận đơn vị lớn quốc gia Pháp này, vì đây là chi viện chỉ thâu nhận đàn ông, tin vào một Thiên Chúa được mạc khải, không chấp nhận khải đạo cho nữ giới và không liên hệ với các 'tam điểm Do Thái (Hexagone: Sao sáu cánh)'.
Chi viện mang tên 'liên hiệp nhân quyền'
Liên hiệp nhân quyền (Fédération du droit humain) gồm 14.000 hội viên chia ra thành 400 đơn vị tại Pháp. Có nhiều đơn vị tại các tỉnh và trên 40 nước khác. Và đây là một chi viện duy nhất 'lẫn lộn nam giới và nữ giới'.
Chi viện mang tên 'đơn vị lớn nữ giới tại Pháp'.
Đơn vị lớn này gồm 10.000 chị em, chia thành 300 đơn vị. Đây là chi viện nữ giới duy nhất (tin thần hay không tin). Hiện diện trên toàn nước Pháp và trên 10 nước khác.
Những chi viện khác.
Tại Pháp còn có những chi viện khác với nhiều ngàn hội viên: Chi viện tiêu biểu và truyền thống, chi viện tự do và tinh thần, chi viện thoát thai từ đơn vị lớn quốc gia Pháp, chi viện theo nghi thức cổ thời và nguyên thủy của Memphis-Misraim, chi viện quốc tế , chi viện mang tên 'đơn vị lớn hỗn hợp phổ quát', chi viện 'nhân quyền độc lập'… Còn có những chi viện nhỏ và tự lập không theo quy luật và hiến chương tam điểm. Sau cùng có những liên nhóm màu sắc giáo phái thực thụ nhưng vay mượn nghi thức và ngôn từ của tam điểm.
10. Đơn vị
Khái niệm
Đơn vị (loge) hay hội quán (attelier) vừa chỉ nơi họp mặt của người tam điểm vừa chỉ một nhóm anh em hay chị em tam điểm sinh hoạt trong hội quán đó. Mỗi đơn vị hay hội quán đều mang một con số và một tên phản ảnh những giá trị hay những biểu hiệu của tam điểm: bao dung, công bằng, hoa hồng toàn hảo, yên lặng… hay tên của một thành viên tam điểm thời danh: Victor Schoelcher, Clémence Royer, Louis Michel…
Đơn vị căn bản của tam điểm.
Đơn vị được thiết lập theo quy chế luật hội đoàn 1901, có tư cách pháp nhân riêng, thu nhận tiền niên liễm của hội viên, để trả tiền thuê cơ sở và góp phần vào quỹ chi viện. Nhiều trường hợp một cơ sở được xử dụng chung cho cả chi viện và nhiều đơn vị. Đơn vị mang tên là 'đơn vị xanh' khi đơn vị ấy quy tụ tất cả những người tam điểm thuộc ba cấp: tập sự, đồng hành, giảng viên (maitre). Có những đơn vị mang một cơ cấu đặc biệt gần giống với chi viện, đó là những đơn vị 'cấp cao': thường gồm 10 người đã thuần thục 'sinh hoạt và tinh thần tam điểm'.
Đền thờ
Không mở ra bên ngoài, đó là nơi các thành viên của một đơn vị hội họp. Thường nằm về phía tây, cửa vào luôn có một 'tiền đình' và hai cột đứng ghi khắc nhiều chữ do thái nhắc nhớ đền thờ của vua Salomon. Trần của đền thờ được trình bày như một vòm đầy sao. Nền đền thờ lát đan màu đen trắng tiêu biểu cho sự quân bình của người tam điểm. Chủ tịch của đơn vị ngồi trên ghế về phía đông. Trước mặt ông, để một hòn đá sần sùi và một hòn đá đã cắt đẽo với một cuốn sách luật (Thánh Kinh hay hiến chương của chi viện). Trên cuốn sách là cái thước vuông và cái địa bàn.
Tổ chức của một đơn vị.
Các thành viên của đơn vị (trừ những người tập sự trong một số đơn vị) hàng năm chọn một trưởng đơn vị (vénérable) với nhiệm kỳ ba năm hay hơn. Trưởng đơn vị có một phụ tá được chọn giữa tập đoàn viên chức (officiers) gồm 9 người. Ngoài ra còn hai giám thị phụ tá trưởng đơn vị lo việc huấn luyện các tập sự và các đồng hành. Viên thư ký làm biên bản mọi sinh hoạt. Vị giảng thuyết (orateur) lo việc giữ luật chi viện và tổng kết mọi công việc của đơn vị. Trưởng nghi lễ lo về các nghi thức. Viên thủ quỹ lo sổ sách chi thu. Viên cứu tế đặc trách công việc từ thiện của đơn vị và lo giúp đỡ các anh em trong đơn vị gặp khó khăn về đời sống vật chất hay tinh thần. Viên 'lợp nhà' (couvreur) lo giữ cửa đền thờ. Có thể thêm các chức vụ khác như trưởng ban ẩm thực lo bữa ăn huynh đệ (agapes)…
Thành viên của đơn vị.
Các tập sự (apprentis) ngồi phía bắc đền thờ, các đồng hành (compagnons) ngồi phía nam và các giảng viên (maitres) ngồi tự do. Thành viên của đơn vị có thể từ 30 đến 100 anh chị em. Trên một trăm khó sinh hoạt theo nhóm (phân phối thời giờ phát biểu, công việc và quen biết nhau…). Lúc đó, đơn vị chia ra để gây thêm đơn vị mới. Một người tam điểm có thể thuộc về một hay nhiều đơn vị, theo sở thích, họ có thể tham dự sinh hoạt của nhiều đơn vị trong một chi viện nhìn nhận đơn vị của họ. Người ta bảo 'họ du ngoạn hay thăm viếng các đơn vị'. Đơn vị cố gắng giữ quân bình trong việc chiêu mộ hầu phản ảnh thế giới phàm tục cách trung thành ngần nào có thể.
11. Sinh hoạt trong đơn vị
'Các bạn hãy xin, các bạn sẽ nhận được; các bạn hãy tìm, các bạn sẽ thấy; các bạn hãy gõ cửa, người ta sẽ mở ra cho'. Những lời này, mượn lại từ Thánh Kinh (Lc 11,9-13) và được đọc trong nghi thức tam điểm, là một trong những yếu tố làm cho đời sống của các anh các chị tam điểm có tiết điệu.
Nghi lễ và sách nghi thức.
Trong toàn bộ phong trào tinh thần hay trong hội tam điểm, có một nghi lễ (rite) tương ứng với toàn bộ các luật và các lễ nghi (cerémonies), có sách nghi thức (rituel) là sách thủ bản hướng dẫn mọi lễ nghi. Tam điểm phong phú về nghi lễ: Nghi lễ Pháp, nghi lễ êcốt cổ thời, nghi lễ êcốt canh tân, nghi lễ tân tiến, nghi lễ Misraim… Ngoài những khác biệt chi tiết, các nghi lễ này đều xuất phát một cội nguồn chung nền tảng và mỗi nghi lễ đều mang màu sắc phổ quát của tam điểm. Cũng vậy các sách nghi thức của cùng một nghi lễ cũng có những khác biệt theo từng đơn vị trong cùng một chi viện, nhưng đó chỉ là những chi tiết nhỏ nói lên tư cách pháp nhân của mỗi đơn vị.
Để toàn hảo hóa một khả năng quan tâm tới người khác.
Quan sát một nghi lễ và một sách nghi thức không phải là việc làm vô nghĩa đối với người tam điểm. Mở ra và khép đóng y phục, những thay đổi vị trí, những lời lẽ, những cử chỉ, và âm nhạc… trước tiên được xử dụng để giúp các thành viên đơn vị sống bình lặng trong một khoảng không gian và thời gian tách biệt với thế giới phàm tục mà họ đã từ bỏ khi bước vào đền thờ. Nghi lễ và sách nghi thức được coi là những phương thế để toàn hảo hóa khả năng quan tâm đến người khác… Sách nghi thức là kết quả của việc trao đổi kinh nghiệm theo từng nhóm từ bao nhiêu năm lịch sử của tam điểm, kể từ thế kỷ XVIII. Sách nghi thức có thể được dùng vào những dịp lễ ngoài đơn vị như bữa tiệc liên hoan, lễ an táng hay buổi xuất du mùa đông hay mùa hè của anh chị em tam điểm (21.12 và 21.06).
Một nhóm bạn chân tình.
Người thuyết trình hay người ngỏ lời giữa anh chị em trong đơn vị, thường hạn chế thời gian từ 20 phút đến nửa giờ. Mỗi anh chị có thể tự do phát biểu và không bị cắt lời, có thể nói lên ý kiến đối lập, miễn là trong tinh thần xây dựng. Bầu khí chân tình ngự trị và bao phủ cả buổi họp, thái độ và tư cách của mỗi người. Mọi thành viên tam điểm cần học biết và cố gắng sống kính trọng nhau, xây dựng tinh thần hiệp nhất huynh đệ, hầu duy trì và phát triển sự gắn bó chân tình trong nhóm hay trong đơn vị.
Các y phục.
Năm tam điểm (année maconnique) được kể từ tháng chín đến tháng sáu. Giờ hội có mang y phục tam điểm được tổ chức mỗi tháng hai lần, mỗi lần dài ba giờ. Các tập sự phải ngồi yên lặng trên ghế dài trước khi theo giờ huấn luyện ở ngoài khuôn khổ của đơn vị. Các bạn đồng hành được nói nhưng họ không có hết mọi quyền lợi tam điểm. Chẳng hạn, họ không được quyền mang bộ áo với những biểu hiệu tam điểm như các giảng viên… Trong tam điểm tự do, thì các y phục không nhất thiết chỉ dành cho các anh hay các chị đã được khải đạo: Có những ngày, các thuyết trình viên phàm tục cũng mang 'y phục trắng cài cúc' (tenues blanches fermées), và các thính giả phàm tục mang 'y phục trắng mở cúc' (tenues blanches ouvertes)..
12. Nét độc đáo của tam điểm
Tam điểm là phong trào không chủ trương nắm giữ một quyền lực thế tục hay thiêng liêng nào, và cũng không muốn dùng phương cách khải đạo để quyến dũ người phàm tục (tức là người chưa gia nhập tam điểm).
Làm sao để trở nên một hội viên tam điểm?
Nếu không ở trong một gia đình đã có hội viên tam điểm, người ta vẫn không thiếu tài liệu tìm hiểu tam điểm: sách, báo, vô tuyến, màn ảnh … Mỗi lần thảo luận với bạn bè, người ta có thể nhận diện ra tam điểm, tìm hiểu thêm về tam điểm. Tam điểm cấm chỉ việc dụ dỗ bất cứ ai gia nhập phong trào bằng con đường khải đạo. Tại Pháp, ứng viên tam điểm phải là một người có đời sống luân lý tốt, có nền học vấn cơ bản, không thuộc về một đảng, nhóm kỳ thị hay phản dân chủ nào. Phải qua tuổi trưởng thành, vì người ta chỉ gia nhập tam điểm sau một thời gian suy nghĩ về thế giới và về chính mình. Điều đó đòi hỏi phải cứng rắn, trưởng thành. Ứng viên có thể được một hội viên tam điểm giới thiệu và đỡ đầu, nhưng nếu không biết một hội viên tam điểm nào trước, họ có thể viết thư tới một chi viện, chi viện sẽ giới thiệu họ với một đơn vị gần nhất hay đến một đơn vị đang thiếu hội viên. Úng viên sẽ gặp đơn vị trưởng để được tìm hiểu thêm, trước khi được trao đổi với ba giảng viên. Bổn phận của ba giảng viên là phán định về nhân cách, về sự chân thành, về những điều kiện cuộc sống của 'người phàm này'… Đơn vị sẽ nghe bản đúc kết của ba giảng viên, sẽ chất vấn trực tiếp ứng viên, và sau cùng sẽ bỏ phiếu thâu nhận hay khoan giãn hoặc từ chối đơn gia nhập của ứng viên. Một người bị từ chối ở đơn vị này vẫn có thể tiếp tục đến xin gia nhập vào đơn vị khác (22).
Chân dung của ứng viên (người phàm).
Tam điểm (nhất là tam điểm tự do) không đặt vấn đề ứng viên (người phàm) là đen hay trắng, trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, tin tưởng hay không tin tưởng, có điều kiện xã hội - nghề nghiệp thế nào... Nhưng tam điểm ái mộ những người bảo vệ các giá trị nền Cộng Hòa, những người đã đương đầu với đau khổ và sự chết… Họ đáng được giới thiệu vào phong trào tam điểm hơn là những người thuộc giới doanh nghiệp (homme d'affaires). Có những đơn vị đặc biệt cho những người sống nay đây mai đó (gens du voyage) như các kịch sĩ, nghệ sĩ, giới 'rạp xiếc'… Thực tế, bây giờ phức tạp hơn buổi ban đầu, nhiều động lực hay nguyên nhân đòi hỏi những nhận định tinh tế về chân dung của ứng viên.
Một tổ chức không câu thúc.
Tất cả các ứng viên hay người phàm một khi đã hiểu biết tam điểm đều có thể tự do chọn lựa gia nhập và sinh hoạt trong hội tam điểm, không có gì ép buộc và câu thúc. Hội viên tam điểm tự định nghĩa mình là 'một tam điểm tự do trong một đơn vị tự do' (un macon libre dans une loge libre). Và đó là điểm độc đáo nhất của tam điểm, một phong trào không có tín điều, không có giáo thuyết thực thụ, và mọi hội viên luôn làm chủ về quan điểm tư tưởng của mình. Chắc chắn là khó để tìm thấy một tổ chức ít có những tiêu chuẩn loại trừ như tổ chức tam điểm (tiền bạc, nghề nghiệp, địa vị xã hội, tuổi tác, hình dáng, đường hướng chính trị, niềm tin tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, quốc gia…). Trong các đền thờ, chỉ có một tư cách được nhìn nhận là tư cách của anh hay của chị, tất cả đều hợp nhất trong việc khải thị hay khải đạo (initiation).
13. Tam điểm và xã hội.
Ngay từ đầu, tam điểm suy tư đã tiến triển theo dòng lịch sử của xã hội, trong đó tam điểm sinh tồn. Tại Pháp, trước ngọn đèn sáng của thế giới tân tiến, tam điểm không khước từ các truyền thống của họ, và luôn trân trọng các giá trị của nền Cộng Hòa.
Một sức mạnh suy tư.
Nền Cộng Hòa không bị đe dọa nữa, Giáo Hội Công Giáo đã thụ lý. Chấn động ngoại thương của Vichy đã được trám băng lại, nên tam điểm Pháp có thể hít thở nhẹ nhàng và khẳng định lại phẩm cách của mình không phải hổ ngươi, không cần bộc bạch những bí ẩn của mình. Nếu tam điểm đã xa cách những vụ việc công cộng, thì ngược lại tam điểm luôn cố gắng hoạt động, nhất là tại cơ quan trung ương hay tại đại hội phong trào. Nhiền hội viên áp dụng vào đời sống thế tục những điều đã được suy tư tại các đơn vị, trong khuôn khổ các tổ chức nhân đạo, xã hội, chính trị hay văn hóa. Tam điểm luôn tiếp tục gầy tạo một sức mạnh suy tư bằng con số hội viên và bằng tính cách đa diện và dị biệt của mình, đặc biệt về các giá trị bao dung, tự do và công bằng là những yếu tố nền tảng của xã hội Pháp.
Những hoạt động của tam điểm.
Chống lại khuynh hướng mỗi ngày một bộc lộ ra ngoài của tam điểm, nhiều anh em và chị em muốn lôi kéo tam điểm lại và dìm sâu vào những sinh hoạt khoan thai của phong trào. Nhiều hội viên tam điểm khác lại muốn chú tâm đến những quyền lợi của nghề nghiệp (suy tư về một ngành nghề, về việc giảng dạy…) và vô tình đi ra ngoài tinh thần tam điểm, tạo nên nhiều nguyên nhân khiến kẻ thù chỉ trích tam điểm…
Các chị em trong tam điểm
Tam điểm nữ giới là một tiêu biểu nổi bật trong tiến trình thăng tiến của xã hội Pháp kể từ thế kỷ XVIII. Ban đầu chị em bị loại khỏi phong trào và trên bình diện pháp lý, chị em bị coi như trẻ vị thành niên với lý do không có chị em nào trong giới tam điểm hành nghề (macons opéretifs). Vào cuối thế kỷ XIX, chị em gõ cửa đền thờ và khai nguyên những phong trào nữ giới đầu tiên. Sau đệ nhị thế chiến, giới nữ tự thành lập chi viện, rồi năm 1970 thành đơn vị lớn nữ giới tại Pháp. Ngày nay, việc chiêu mộ các nữ tam điểm cũng thật đa dạng, giống như nam tam điểm. Hiện có nhiều đơn vị hay chi viện hỗn hợp các anh các chị.
Tự do tư tưởng
Đối với nhiều người, tam điểm có nghĩa là tự do tư tưởng. Thực tế, tuy chỉ có tam điểm tôn giáo, nhưng cũng có một phong trào tự do tư tưởng. Phong trào này không phải là tam điểm, nhưng lại tham gia và chia sẻ với những anh chị em tam điểm tự do. Do sự thăng tiến về tự do lương tâm, tam điểm thành thế tục (laicité). Sự tự do tư tưởng bắt nguồn từ triết lý hy lạp cổ thời, khi các triết gia bắt đầu hoài nghi về thế lực các thần minh, và đã thay thế các huyền thoại bằng sự cắt nghĩa về thế giới căn cứ trên sự quan sát và sự suy lý. Các nhà tự do tư tưởng, ban đầu bị loại khỏi tam điểm kitô giáo như những người vô thần. Nhưng từ thế kỷ XVIII, những nhà tự do tư tưởng tân tiến xuất hiện, rồi vào thế kỷ XIX, họ khai trương một mặt trận phê bình chống tôn giáo, đậm màu sắc bình dân và duy lý. Ngày nay là thành viên của Liên Hiệp thế giới, phong trào tự do tư tưởng Pháp khá mạnh về con số, mà phần lớn họ nhất quyết không sát gần lại với một Giáo Hội nào.
14. Khải thị hay khải đạo.
Trong mọi thời, con người dùng những dấu hiệu hay nghi thức tiêu biểu để diễn tả việc họ đã đạt tới một sự hiểu biết trổi vượt hơn chính mình và thế giới. Đó là ý nghĩa của việc khải thị hay khải đạo của tam điểm.
Tất cả chúng ta đã được khải đạo.
Ngay từ khi sinh ra, con người đã bắt đầu cuộc du lịch tiến đến sự chết, và tâm linh của con người tự vấn rất mau về ý nghĩa của cuộc lữ thứ trần gian vắn vỏi này. Tất cả những câu chuyện thần thoại nổi tiếng đều kể lại những cuộc du lịch của con người muốn tìm hiểu về sự sống nhân loại (Ulysse, Jason, Sindbad, la quête du Graal…). Mỗi con người đều tự nhiên đi vào con đường khải đạo (voie initiatique) gồm nhiều giai đoạn tự nhiên: tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành, trường học, nghề làm, hôn nhân… Các nghi lễ (nổi loạn chống lại cha mẹ, sống độc lập…) tương ứng với những thay đổi nơi con người đã sống một cách vô ý thức. Nhưng từ xa xưa, các xã hội nhân loại rất là đa dạng đã muốn giúp các phần tử của xã hội sống tốt những quãng đường du lịch này. Do đó có các nghi lễ khải đạo.
Nghi thức khải đạo.
Người ta biết rất ít về các xã hội khải đạo thời cổ. Điều người ta biết được thì có trong mọi nghi thức khải đạo của thế giới và thoát thai từ những huyền thoại tương quan đến sự chết và sự tái sinh của Mithra, Osiris, Bouđha, Hiram… Khi thiết lập một linh đạo mới, tam điểm đã tìm thấy trong Thánh Kinh một nhân vật huyền thoại là Hiram (23). Chính huyền thoại này dạy cho tam điểm biết chết 'một cách tượng trưng' (symboliquement), rồi biết tái sinh theo nhiều cấp bậc hầu đạt tới sự hiểu biết (connaisance). Ngoài con đường này, khải đạo còn mở ra cho tam điểm phương thức làm việc theo triết học và giảng về dạy luân lý.
Khải đạo của tam điểm.
Khi một 'người phàm' (ứng viên) được các phần tử của đơn vị chấp nhận, bình thường họ phải cùng với hai hay ba thỉnh sinh khác chịu khải đạo tam điểm để 'trở thành tập sinh' (apprenti). Trước tiên thỉnh sinh được dẫn vào một phòng tối, trong đó họ suy nghĩ về quyết định của họ và soạn thảo một chúc thư màu sắc triết lý, hầu bày tỏ ý chí thay đổi con người đầy thành kiến và dục vọng xấu xa nơi họ. Rồi khi đi ra từ thế giới tối tăm, họ nom thấy ơn khải đạo với đôi mắt, trước đó bị bịt kín bởi một băng vải, bây giờ kết thúc nghi lễ, băng vải được tháo ra và họ bước đi trong ánh sáng. Một biểu hiệu thật hiển nhiên và phổ biến: người phàm chết đi cho đời sống cũ và sinh lại trong đời sống mới. Trong thời gian cử hành nghi lễ, thỉnh sinh đã hoàn tất một số 'cuộc du hành' (voyages), tức là những khoảng khắc làm họ xa cách với thế giới trần tục hỗn loạn mà đạt tới thế giới tinh tuyền của ánh sáng.
Ba cấp bậc hiểu biết.
Trong nghi lễ khải đạo, người tập sự nhận lãnh những dụng cụ thuộc về cấp bậc của họ (thước vuông, địa bàn, cái chùy (maillet), cái kéo…).Với những dụng cụ này, họ có thể đẽo đá sằn sùi để xây cất đền thờ nội tâm của họ. Khi đi tới cấp bậc đồng hành, rồi cấp bậc giảng viên (được diễn tả cách tượng trưng bằng từ 'tăng lương'), họ sẽ nhận thêm những dụng cụ khác (thước đo, đòn bẩy). Tiếp đến, họ sẽ còn biết thêm các dụng cụ khác, các biểu thị khác (ngôi sao, đuốc cháy sáng, chữ G …), những từ vựng, những dấu hiệu khác, và những đụng chạm hay sờ mó khác (24). Tất cả những dụng cụ và biểu tượng này cho phép hội viên tam điểm làm cho giàu thêm các 'dấu hiệu tiêu biểu' khác, và có thể theo dõi các sách nghi thức tương ứng với các cấp bậc khác nhau. Nhưng chính việc khải đạo cấp giảng viên mới cho phép người tam điểm đạt tới sự hiểu biết toàn vẹn các dấu hiệu tiêu biểu, qua những dấu hiệu này ông tự cảm thấy mình đã là người tam điểm thực thụ. Cái chết của vua Hiram và và sự sống lại của vua nơi mỗi giảng viên khi cử hành nghi lễ khải đạo, tìm lại được ý nghĩa sâu xa của mọi hình thức khải đạo xưa nay trong nhân loại: chết đi cho đời sống phàm tục và sinh lại trong đời sống được khải đạo.
15. Bí mật hay kín đáo?
Chỉ có một bí mật
Cửa đền thờ đóng kín. Phải được khải đạo để biết rõ các nghi lễ, nghi thức và các biểu tượng. Thật huyền bí! Nhưng bí mật không nằm ở đó. Người ta thường ghép từ 'được khải đạo' (initié) với từ 'chỉ về một người được hưởng 'nguồn tin' hay 'ân huệ' riêng không dành cho mọi người'. Khải đạo trong tam điểm không có nghĩa đó, bởi vì nó chỉ liên quan đến những người nào xin được khải đạo thôi. Tam điểm luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người. Tam điểm không có bí mật nào khác, ngoài hạnh phúc cảm nghiệm được khi làm việc chung trong tình huynh đệ.
Kín đáo.
Trong các nước Anglo-saxons, tam điểm không bao giờ bị thù nghịch: Các hội viên tam điểm được mọi người biết đến là các thành viên của Rotary và của Lions Club. Nhưng trong một số nước, đặc biệt tại Pháp, các hội viên tam điểm không tự nhiên bộc phát phẩm tính của mình, điều này cần được hiểu và quy chiếu vào lịch sử. Nhiều cuộc bách hại đã và còn có thể xẩy đến cho tam điểm, cứ nhìn vào các nước Đông Âu trong mấy thập niên qua là đủ rõ. Vì thế cần phải có sự kín đáo. Những lý do khác đòi hỏi sự kín đáo: Ý muốn bảo trì một đời sống riêng tư, sự khó khăn trong việc giải thích mọi vận động, thái độ lãnh đạm và không thông cảm của môi trường chung quanh… Đàng khác, các hội viên tam điểm phải được tự do hoàn toàn khi bày tỏ phẩm tính của mình cho người nào họ muốn. Ngược lại, họ không có quyền bộc lộ phẩm tính của một anh hay một chị tam điểm cho một người phàm tục (người chưa được khải đạo).
Đảo cất giấu kho tàng.
Không có bí mật tam điểm theo ý nghĩa thường gặp khi đọc tiểu thuyết hay xem phim mạo hiểm. Không có công thức phù thuỷ để mở cửa sắt vào kho tàng, cho dù theo ý nghĩa tượng trưng, bởi vì tam điểm chủ trương phải khám phá nguồn phong phú nội tâm và đề nghị phải xử dụng các dụng cụ làm việc. Như vậy, nếu những điều đó ai cũng biết, từ cái băng vải bịt mắt hội viên tập sự cho đến việc khải đạo của một giảng viên, thì còn đâu là 'cũi giấu kho tàng'? đâu là chỗ 'điểm kim thạch' (pierre philosophale)?.
Bí mật.
Sự giàu có đích thực của tam điểm thì không thể chuyển thông cho người phàm, giống như hương vị của bánh ngọt chocola cho người không bao giờ ăn bánh đó. Vậy bí mật của tam điểm nằm trong việc nhẫn nại theo đuổi và chuyên cần hoàn tất công việc giữa anh chị em với nhau. Vì thế ngần nào có thể, họ phải biết nhau hơn biết người khác. Khi tuân giữ sách nghi thức, khi tham dự vào sinh hoạt của đơn vị, khi tranh luận về những vấn đề tập thể hay cá nhân, khi tham dự bữa cơm chung, khi đón tiếp các hội viên mới, khi huấn luyện họ, khi trao tặng những lợi nhuận của việc họ làm, các hội viên tam điểm sống qua một kinh nghiệm nhân bản, nhiệt tình, huynh đệ và thiêng liêng.
Giá trị của việc khải đạo.
Việc khải đạo tạo nên sự liên kết trọn vẹn cho một nhóm người đã cùng sống những thời khắc cao độ, đã cùng có những quyết tuyển, đang khám phá và làm chủ dần dần mọi thi vị và uy lực được gợi lên từ những ngôn từ của các biểu trưng. Theo nghĩa này, việc khải đạo không tóm gọn vào các nghi lễ nhưng bao trùm toàn diện đời sống của thành viên tam điểm.
Yên lặng.
Là một tổ chức kín đáo, không có tiếng ồn ào, giận dữ của thế giới phàm tục, tam điểm quy tụ những hội đoàn mà người lãnh đạo dược quần chúng biết đến và không bị đồng hóa với những ông 'xếp đội mũ bồ đài che cả mặt chỉ để hở hai con mắt' (chefs encagoulés) của một vài hội kín nào đó. Không thể làm việc ở ngoài ngưỡng của đơn vị. Việc làm thường theo hình thức những buổi thuyết trình hay buổi tranh luận về các đề tài 'biểu trưng' hay 'triết học' hoặc về các đề tài xã hội và kinh tế (đạo đức sinh học, thế tục, thế giới tù đày, giáo phái…). Chỉ những gì nói trong buổi hội của đơn vị, anh chị em tam điểm mới buộc phải giữ bí mật hay yên lặng. Phải giữ yên lặng và bí mật, không nguyên về tính cách 'tâm phúc riêng tư', mà còn vì một lý do đơn giản: những lời trao đổi này thuộc về một thời gian và không gian hạn định họ đã dành cho nhau chứ không cho thế giới phàm tục. Trong một số chi viện, các thành viên phải giữ yên lặng về lập trường đối với các vụ việc của thế giới. Cũng vì thế, nhiều chi viện không tiếp đón những người phàm vào đền thờ của họ.
16. 'Bạn hãy biết chính mình bạn!'.
Tìm kiếm sự thật.
'Bạn hãy biết mình bạn!' Châm ngôn nổi tiếng này của triết gia Hy Lạp Platon (427-347) trước kỷ nguyên, rất gần gũi với đường đi nước bước của quý anh chị tam điểm, thường được viết trên tường của các cơ sở tam điểm. Như Platon đã cắt nghĩa, khi nỗ lực để biết mình rõ hơn, người ta có thể đắc thủ thêm sự khôn ngoan cần thiết để am tường thế giới bao quanh mình. Triết lý (tiếng hy lạp có nghĩa là 'yêu chuộng sự khôn ngoan'), đạo đức không nhằm tìm kiếm điều gì khác. Khai triển thân xác và tinh thần của chúng ta, chính là để trân trọng bản thân mình và người khác hơn, chính là không ngừng tìm kiếm một sự thật vượt tầm tay, bởi vì theo lời cắt nghĩa của Jacques Brel (1929-1978), 'sự thật này là một ngôi sao không thể với tới'. Đó là những nguyên tắc chính yếu trong công trình tìm kiếm của tam điểm, được biểu thị qua việc thực hành sách nghi thức và ngôn từ biểu trưng.
Việc làm của tam điểm.
Ai muốn đi vào thế giới tam điểm, phải gảy bỏ những thói quen đã có trong thế giới đầy sự rối loạn và hấp tấp. Một thế giới mà tương quan của con người, dù trong nghề nghiệp, chính trị, nghiệp đoàn hay bằng hữu, đều bị chi phối bởi những cạnh tranh, đối đầu và thống trị. Nếu tam điểm 'đã bỏ các dụng cụ kim khí trước cửa đền thờ', thì không phải để vào trong một xã hội', vì 'tất cả thế giới đều tốt, tất cả thế giới đều đẹp', nhưng để đi vào đền thờ nội tâm. Các anh chị em tam điểm phải giữ lấy nhân cách, sự sáng suốt và khả năng phi thường của mình, để quyết tâm xây dựng xã hội. Đi lại sinh hoạt thường xuyên trong đơn vị, hội viên tam điểm sẽ nhận được nhiều hiệu quả tốt, nếu có so sánh với công việc làm của một nhóm người, thì quả thật đó là một phép trị liệu. Nhưng tam điểm không phải là một giáo phái giúp thư giãn (secte détentrice) bằng 'sự thật cứu rỗi'. Cũng vậy, đơn vị là khoảng không gian của tự do chứ không phải là nơi tẩy não, hay là hệ thống chữa bệnh tâm thần. Đơn vị đem lại cho hội viên nhiều ích lợi, nhưng đơn vị cũng đòi hỏi hội viên đóng góp rất nhiều.
Khiêm tốn học nghề.
Sau nghi lễ khải đạo, anh chị em tập sự bắt đầu con đường sống bằng sự yên lặng. Đó là trường học đức khiêm tốn. Một số nhân vật đã bị bỏ phiếu loại (blackboulés) vì từ chối 'sự yên lặng' này. Bình thường thời gian 'thử thách yên lặng' là một năm, nhưng có thể kéo dài hơn, nếu hội viên tập sự không chuyên cần. Sau thời gian thử thách, hội viên tập sự được trình bày từ mười đến mười lăm phút, một bài nhỏ (une planche) đậm mầu sắc biểu tượng hay triết lý. Khi mọi người tham dự bỏ phiếu chấp thuận, người tập sự được thâu nhận vào sổ khải đạo để lên cấp bậc đồng hành. Rồi dần dần tiến lên cấp bậc giảng viên. Người ta bỏ phiếu về tư cách của ứng sinh cũng như về khả năng làm việc của họ. Nên hiểu rằng anh chị em không hành động với tư cách ban 'ban giám khảo' (en jury), nhưng với quy luật bao dung và huynh đệ. Như vậy ngôn từ biến đổi 'vật chất' (matière) thành tinh thần. Mỗi phần tử của đơn vị mài dũa các dụng cụ cho thật sắc bén để đẽo đá thô thành đá nhẵn mà xây dựng đền thờ nội tâm của chính mình, đồng thời tham gia vào việc xây dựng đền thờ của tập thể nữa.
17. Thực tế và thánh thiêng.
Tam diểm là một phong trào tinh thần không 'bà con' với một tôn giáo nào cả, bởi vì không có sự hiện diện thần minh trong đền thờ của tam điểm. Tuy nhiên trong phạm vi thực hành, các thành viên tam điểm đều biết đến ý niệm về thánh thiêng (notion de sacré).
Cử hành các nghi thức
Khi tìm lại được ý nghĩa của những chuyện thần thoại thời danh của nhân loại (trong Thánh Kinh, thần thoại hy lạp-latin…), nghi thức của tam điểm giáp gần với nhiều nghi thức của các tôn giáo lớn. Mọi nghi thức đều xem ra cổ lỗ và buồn cười đối với người không thực hành nghi thức hay đối với người thực hành mà không hiểu biết. Nhưng đó lại là bổn phận đầu tiên của người tam điểm phải thấm nhuần để trong mọi lúc, các cử chỉ và lời nói của họ có ý nghĩa. Sách nghi thức quy hoạch việc trần thiết và các biểu tượng, xếp đặt các nghi lễ, thiết lập các quy luật cho từng người và những tương quan của tập thể. Sách nghi thức cống hiến cho buổi hội họp (tenue) của tam điểm tính cách thánh thiêng. Từ 'thánh thiêng' thường có trong các tôn giáo. Tam điểm không phải là một tôn giáo, vì nó không chủ trương có mạc khải thần linh, cho dù có trường hợp tam điểm đòi hỏi lòng tin tưởng (như trong tam điểm chính thống, trung thành với quy luật của hiến chương (landmarks)). Tam điểm cũng không phải là tổ chức thay thế tôn giáo bởi vì nó để cho mỗi hội viên tự do đến với tam điểm mà vẫn giữ những niềm tin tưởng riêng tư của họ.
Phàm tục và thánh thiêng
Đối với người tam điểm, phàm tục (phàm nhân) là người không chịu khải đạo, còn đối với tôn giáo, phàm tục nghịch lại với tính cách thánh thiêng. Theo nghĩa này thì đền thờ của tam điểm là nơi phàm tục, chỉ nghi thức và sự hiện diện của các phần tử của đơn vị mới làm cho đền thờ có tính cách thánh thiêng. Nghi thức và việc áp dụng nghi thức biến đổi thế giới bên ngoài thành thế giới bên trong, hòa đồng một cộng đoàn hỗn tạp (hétéroclite) đàn ông hay đàn bà thành một cộng đoàn hiệp nhất huynh đệ. Vậy sự thánh thiêng không chỉ thuộc về việc phụng tự hay về một tôn giáo hoặc một thần linh, nhưng nó cũng có thể thuộc về một phong trào tinh thần, tự do đối với mọi ràng buộc tín điều và chủ trương sự thánh thiêng như một khía cạnh nâng cao tinh thần hay linh hồn đối với ai xác tín như vậy.
Giáo phái và tam điểm.
Ngày nay, giáo phái xuất hiện nhiều như nấm. Giáo phái muốn được nhìn nhận như 'những tôn giáo mới', nên, để biện minh, họ thường dùng luận cứ 'thực tế và thánh thiêng' mà khẳng định: 'ai không chia sẻ kinh nghiệm của họ thì không thể hiểu được kinh nghiệm ấy'. Những nhóm nguy hiểm này dẫn khởi từ các tôn giáo và các phong trào tinh thần đích thực để che dấu và cơ cấu hóa những hoạt động của họ. Đôi khi người ta tố cáo tam điểm là một giáo phái. Nhưng Michael đã trả lời rằng: "Nếu khó gia nhập tam điểm, thì lại dễ ra khỏi tam điểm, nhưng nếu dễ gia nhập một giáo phái, thì lại khó ra khỏi giáo phái". Ban đầu giáo phái tỏ ra nhiệt tình và cởi mở đón tiếp, nhưng rồi, thay vì giữ được tự do như một hội viên tam điểm thì thành viên của giáo phái lại mất cả tự do. Luật riêng của tam điểm luôn 'hợp pháp' đối với mọi luật của nền Cộng Hòa, còn luật riêng của giáo phái thì không, nó muốn 'ở trên' luật pháp của Quốc Gia
Giáo phái, có vậy không?
Đóng kín một nhóm người vào một chữ có thể nguy hiểm. Giáo phái biết điều đó, giáo phái quảng diễn biện chứng pháp (dialectique) của câu nói "Các bạn không kính trọng tự do và niềm tin tưởng của chúng tôi". Bởi vì nếu người ta bắt đầu mê hoặc một nhóm bằng những nghi thức, bằng sự bí mật, và ngôn từ, thì người ta cũng có thể nói bóng gió đến Giáo Hội công giáo, đến tam điểm hay đến một câu lạc bộ 'sưu tầm tem thơ' (philatéliste). Con đường khôn ngoan hơn cả là không phán đoán về giá trị tiên khởi (a priori), không tranh luận về những niềm tin tưởng, nhưng hãy khảo sát các phương pháp và thành quả của một nhóm mà người ta có thể đánh giá : thực hành một sự lừa đảo luân lý, tiền bạc và trí năng để phá hủy con người, gia đình, xã hội.
18. Thuyết biểu tượng và ngôn từ tam điểm.
Phải trở về với thời tiền sử để nhận ra: biểu tượng là một hình thức suy tư bằng hình ảnh, như từ đầu đã du nhập vào các đơn vị tam điểm.
Ý nghĩa của biểu tượng
Theo tiếng Hy lạp, từ 'biểu tượng' (symbole) có nghĩa là 'dấu chỉ' (signe), áp dụng vào một thực thể (être) (như vị thiên thần tí hon với cung nõ 'tình yêu'), vào một vật thể (objet) hay bất cứ một hình ảnh nào (cái cân biểu thị cho công lý, ánh sáng ám chỉ sự hiểu biết). Tất cả đều chuyển thông tư tưởng bằng hình ảnh. Biểu tượng có đặc tính phổ biến và cổ sơ, vì nó gọi lên đời sống và sự quan sát của thế giới (hừng đông gắn liền với ánh sáng, với đời sống, với khí nóng, với mặt trời trong xã hội, trải qua mọi thời). Nhưng 'biểu tượng' còn tương ứng với nhiều ý nghĩa khác biệt (đối với Âu châu, con cáo tiêu biểu cho 'mưu lược', đối với Viễn Đông, con cáo là sự phong phú, phồn thịnh), với nhiều ý nghĩa phong phú (góc chẽ của các cành cây, địa bàn của tam điểm chỉ một mức độ hiểu biết, và tam điểm chỉ mở địa bàn trong giới hạn 90 độ để chỉ sự quân bình lý tưởng của con người).
Thuyết 'biểu tượng' giúp hiểu biết ý nghĩa dễ dàng.
Thuyết biểu tượng là một hệ thống các dấu chỉ (tranh vẽ, hình vẽ, bài viết, đồ vật …) mà sự xếp đặt của nó diễn tả một cách lý luận. Ngôn từ này bổ túc chứ không đối nghịch với ngôn từ diễn tả những ý niệm (ý tưởng). Đâu có ý tưởng phức tạp, đấy có biểu tượng và ngôn từ làm đơn giản hóa. Người ta cần đến một hình ảnh (biểu tượng) để giúp cho trẻ em hay người không biết tiếng nói hiểu biết về một ý tưởng hay một câu chuyện. Cuốn 'Le Petit Prince' của Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) là một trong những kiệt tác văn chương dành cho trẻ em, bởi vì ông dùng nhiều biểu tượng (ngôi sao, con cừu, bông hoa, sa mạc, con rắn…) để cắt nghĩa những đức tính luân lý hay những nét đẹp của thế giới.
Biểu tượng nơi tam điểm.
'Sách nghi thức', 'ngôn từ tượng trưng' đã tạo nên sự hiệp nhất của các hội viên tam điểm qua mọi thời đại và trước những khác biệt của họ. Người ta đã nhận ra sức mạnh và cường độ hiệp nhất ấy trong các đơn vị. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, một nhóm khoa học gia tam điểm muốn gảy bỏ sách nghi thức và ngôn từ tiêu biểu. Ngày nay một cách chung, tập thể tam điểm đã chấp nhận, cho dù một ít thành viên cảm thấy khó nhận ra sự phong phú của biểu tượng và đòi hỏi một 'cái gì suy lý hơn'. Biểu tượng đẹp nhất là dây xích nối kết để kết thúc một đại hội (tenue). Thuyết biểu tượng của tam điểm đã được gợi hứng từ Do Thái – Kitô giáo với nhiều mầu sắc hy lạp và đông phương. Một số biểu tượng rất giàu ý nghĩa và được chú giải bằng nhiều cách khác nhau ngay giữa các thành viên tam điểm. Tỉ như chữ G, người này hiểu là 'God' (Thiên Chúa), người khác hiểu là 'Gnose' (ngộ đạo, trí thức), người khác lại cho là 'Géométrie' (kỷ hà học, hình học). Sau đây là một số biểu tượng tam điểm:
'Dây xích tình yêu' (chaine d'amour): để chỉ tình liên đới và hiệp nhất huynh đệ tam điểm, do sáng kiến của thi sĩ tam điểm Robert Burns trong bài hát 'Hãy nối vòng tay làm nên dây xích tình yêu'. – 'Địa bàn' (Compas): mực thước, sự khôn ngoan. – 'Cái kéo' (Ciseau): sự phán biệt, hiệu lực. – 'Thước vuông' (Equerre): đời sống luân lý ngay thẳng, đức công bằng. – 'Đòn bẩy' (Levier): ý chí, sức mạnh. – 'Cái vồ, cái chùy' (Maillet): uy quyền, thông minh. – 'Ống thuỷ chuẩn, giây chì' (Niveau): sự bình đẳng. – 'Thuỷ trực tuyến, giây thủy trực' (Perpendiculaire): sự quân bình. – 'Thước đo, quy tắc, luật lệ' (Règle): sự chính xác, đúng đắn. – 'Cái bay, cái thìa' (Truelle): tình yêu huynh đệ - …
Ngôn từ đã được điển hóa.
Vì có những lùng bắt của cảnh sát vào thế kỷ XVIII, nên tam điểm thời đó đã sáng kiến ra một số ngôn từ bí mật cho tới nay vẫn còn xử dụng: "Quý anh và quý chị thân mến, nhà xuất bản Milan đã ấn hành một tác phẩm về tam điểm mà Jack Chaboud là tác giả." Trong sách lại viết: "T.o. C.o.FF.o. và SS.o., les éditions Mil.o.publient un ouvrage sur la F.o.M.o. écrit par Jack Cha.o.". Ngoài ra còn có những ngôn từ tam điểm được điển hóa, đặc biệt để chỉ ba từ 'Liberté, égalité, fraternité' (Tự do, bình đẳng, huynh đệ'.
19. Thuyết biểu tượng và những dụng cụ trần thiết của tam điểm.
'Đây, tất cả là biểu tượng'. Người ta có thể đọc thấy như vậy trên nhiều đài kỷ niệm của tam điểm . Các biểu tượng hiện diện khắp nơi trong thế giới của các anh và các chị.
Ngôn từ của thế giới tam điểm.
Khi diển tả các biểu tượng, người tam điểm xử dụng các dụng cụ, các con số, các chữ viết, các hành tinh, các hình kỷ học, các hình người và hình con vật… Trong ngôn từ tam điểm, chữ 'trần thiết' (décor) cũng bao hàm việc trang hoàng các cơ sở mà tam điểm dùng để hội họp thường xuyên hay đại hội hằng năm. Không một biểu tượng nào được trình bày vô nghĩa, không một ý nghĩa nào của biểu tượng mà các anh chị em không biết đến. Một số yếu tố chỉ có ý nghĩa tròn đầy khi chúng được liên kết với một hay nhiều yếu tố khác.
Những biểu hiệu riêng của từng người;
Trong đại hội, các thành viên mang những biểu hiệu riêng của mình. Với tước hiệu đặc biệt, các anh đến hội, mình đeo giây thắt (cordons) và giây choàng cổ (sautoirs) biểu thị những chướng ngại thời Công Xã. Trong những cuộc biểu tình hiện nay để chống kỳ thị hay để bảo vệ trường thế tục (trường công lập), các anh các chị đeo găng trắng và một vạt áo bằng da (tablier en peau) giống như những người thợ xây thời xưa. Họ cũng mặc áo của thành phố, trừ các chị thuộc nữ đơn vị lớn của Pháp thì mặc áo choàng đen đồng phục, và các chị thuộc đơn vị Memphis-Misraim lại mặc áo choàng trắng. Vạt áo (tablier) biểu thị sức lao động và sự bình đẳng giữa mọi người. Vạt áo của các tập sự và các đồng hành màu trắng tuyền, còn vạt áo của giảng viên thêu nhiều chữ và nhiều ký hiệu thuộc cấp bậc của họ. Vạt áo của các giảng viên vào những thế kỷ trước thường được thêu hay vẽ những chuyện thánh kinh hay chuyện hoang đường thời xa xưa, chuyện lịch sử cách mạng… Các giảng viên còn mang một giây thắt thêu địa bàn và thước vuông bằng kim tuyến.
Trang điểm của các viên chức thuộc đơn vị.
Các chức sắc của chi viện mang giây choàng cổ chỉ chức vụ của họ. Cũng vậy, các viên chức của đơn vị mang khăn choàng cổ có thêu các dụng cụ biểu trưng chức vụ: thước vuông cho đơn vị trưởng, bút lông cho thư ký, túi tiền cho người lo từ thiện… Trưởng đơn vị dùng cái chùy để điều khiển buổi hội và lưỡi kiếm sáng quắc biểu thị ngọn đưốc. Trưởng nghi lễ luôn đi nhịp nhàng với cây gậy cao cầm tay…
Trang hoàng đền thờ.
Ngay cửa vào đền thờ đã có hai cột dựng trên bậc cao, nhắc nhớ các cây cột cửa đền thờ Salomon. Một dây có nhiều nút buộc nhắc nhớ 'những mặt hồ tình yêu' (lacs d'amour) chạy quanh đền thờ và chấm dứt bằng một búp hoa đăng-ten. Nền đền thờ lát đan mosaích, kẻ hình vuông đen trắng, dưới một vòm cao đầy sao sáng kẻ bằng giây chì. Về phía đông trước trưởng đơn vị, có một địa bàn và một thước vuông đặt trên cuốn hiến chương của chi viện hay cuốn Thánh Kinh. Đó là ba nguồn sáng của đơn vị. Đàng sau vị trưởng đơn vị, có những hình vẽ xác định vị trí của đơn vị trong trật tự vũ hoàn: mặt trời, mặt trăng, hình tam giác đầy ánh sáng có con mắt của Thiên Chúa hay của lương tâm và một ngôi sao sáng chói với năm cánh…
20. Những giá trị của tam điểm
Tam điểm theo đường hướng nhân bản và bao dung.
Đối với các thành viên tam điểm tự do thì chủ trương của họ là 'người vì con người' (l'homme pour l'homme), còn đối với các thành viên tam điểm thuần túy (réguliers) thì 'con người vượt qua bản thân để đi tới Thiên Chúa hay một hữu thể vô biên' (l'homme se dépasse pour aller vers Dieu ou un autre infini). Cả hai quan niệm lý tưởng trên đã dẫn tam điểm đến một con đường sống là 'tinh thần nhân bản' (humanisme). Điều rõ rệt, tam điểm không phải là một tôn giáo, trong tam điểm không có tín điều, không chấp nhận thần tính. Tam điểm cũng không thuộc về một phong trào triết lý nào. Tam điểm chủ trương tự do. Tự do trong tư tưởng và hành động. Và càng sống tự do, tam điểm càng cố sống tinh thần bao dung. Bao dung là con đường sống của tam điểm.
Những giá trị của tam điểm tự do.
Thế tục (laicité): Tam điểm tự do mang một giá trị nền tảng là bênh vực đường hướng thế tục đã ra đời tại Pháp năm 1877: chống việc tôn giáo can thiệp vào những công trình của quốc gia, chủ trương tách biệt thần quyền và thế quyền, đòi hỏi luật pháp của nền Cộng Hòa thế tục phải ở trên mọi quyền bính tôn giáo và độc lập đối với mọi niềm tin. Có sử gia coi tam điểm là linh hồn của cách mạng Pháp 1789 và của nền dân chủ hiện nay.
Công bằng và liên đới: Tam điểm tự do đón nhận nhiều tư tưởng lớn của cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng và liên đới huynh đệ.
Tìm hiểu và đề nghị thực tế
Lý tưởng của tam điểm là mạnh mẽ tin tưởng vào con người. Nhiều người coi đây như một ảo tưởng thường trực. Vì tin tưởng vào con người, nên tam điểm chấp nhận những thực tại của con người, quan tâm đến những vấn đề thiết yếu của đời sống con người (kinh tế, chính trị, nghiệp đoàn, việc làm, thất nghiệp, xí nghiệp…)
21. Tam điểm tại Việt Nam.
Trong khoảng 1868 đến 1892
Lúc Napoléon III quyết định mở cuộc xâm chiếm Việt Nam từ 1858 thì bộ trưởng hải quân Chasseloup-Laubat, một hội viên tam điểm, tán thành nhiệt liệt… Nam kỳ vừa được bình định, tháng 12.1867, lúc Sài gòn còn là một thành phố chỉ với 50.000 dân (kể cả dân Hoa) và 500 người Pháp, thì ngày 11. 11. 1868, 18 người Pháp đã thành lập đơn vị (loge) đầu tiên, lấy tên là 'Le Réveil de l'Orient'. Vào năm 1870 đơn vị có 37 người và 1876 có 69 thành viên. Sau khi chiếm xong Trung kỳ và Bắc kỳ, năm 1887, Paris quyết định thành lập Liên hiệp Đông Dương, đặt dưới quyền cai trị thống nhất ba miền Trung, Nam, Bắc, Cao miên và Lào, thì một thành viên tam điểm khác là Constans mở đầu chế độ toàn quyền Đông Duơng. Tại Hà Nôi, đơn vi 'Fraternité Tonkinoise' được thành lập năm 1886 do bác sĩ Jean Marie de Lanessan, lúcđầu có khoảng 30 hội viên, năm 1892 lên 54 hội viên. Cũng năm 1892, đơn vị 'Étoile du Tonkin' được thành lập tại Hải Phòng.
Trước sau hai thế chiến (1917-1945).
Năm 1907, đơn vị 'Libre pensée d'Annam' được thành lập tại Đà Nẵng, qua năm 1911 đơn vi này chuyển về Huế. Đa số các toàn quyền Đông Dương là hội viên tam điểm Paul Doumer, Beau (1902-1908), Klobukowski (1908-1911), và Sarrault. Ngay trước đệ nhất thế chiến đã có nhiều đơn vị được thành lập với số hội viên là 500 người. Sau thế chiến, kể từ 1919, các đơn vị hoạt động mạnh hơn, có hai đơn vị mới 'Les Abeilles d'Orient' và 'Fraternité d'Extrême-Orient'. Sau thế chiến các toàn quyền tam điểm nổi bật là Long, Merlin, Alexandre Varrenne, Pasquier. Họ được đơn vị lớn ở Paris yểm trợ rất nhiều, đặc biệt trong vụ Pasquier đàn áp Quốc Dân Đảng muốn đòi lại nền độc lập. Những đơn vị mới được thành lập thời kỳ này là 'L'Avenir Khmer', 'Écossais du Tonkin', 'La Ruche d'Orient' và 'KHONG phu Tseu'.
Thời kỳ chao đảo.
Từ khi đệ nhị thế chiến, tức từ 1939, các đơn vị tam điểm tại Việt Nam tan rã dần, nhất là thời kỳ toàn quyền Decoux áp dụng chính sách 'diệt trừ hội kín' của chính phủ Vichy. Sau đệ nhị thế chiến, một vài đơn vị (Écossais du Tonkin, Khong Phu Tseu…) cồ gắng hồi phục, nhưng rất èo ẹt… Qua thời đệ nhất cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, nhân số tam điểm còn giảm sút hơn nữa. Bấy giờ, tam điểm Mỹ và Phi Luật Tân bắt đầu sinh hoạt, nhưng số thành viên ít ỏi và bị chính quyền dòm ngó và hạn chế. Con số hội viên tam điểm Mỹ không quá 80 người. Sang thời đệ nhị cộng hòa, ông Raymond Guilmet hoạt động lại với sự trợ giúp của Mission Culturelle, nhưng không thành công. Sau 1975, tam điểm kể như chấm dứt tại Việt Nam.
Người Việt Nam trong hội tam đểm.
Chắc chắn là có hàng trăm, nhưng những hội viên tam điểm Việt Nam nổi bật là: bác sĩ Tân Hàm Nghiệp, doanh thương Trần Nguyên Hạnh, luật sư Đỗ hữu Trí, giáo sư Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, cựu hoàng Duy Tân, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Huy Lục, Phạm Quỳnh, Cao Triều Phát, Cao Sĩ Tấn, Nguyễn Xuân Bái, Trịnh Đình Thảo (25).
II. Nhận định Tam Điểm.
1. Một chất vấn hay một thắc mắc đau đầu.
Theo ông Jack Chaboud, tác giả cuốn 'Les Francs-macons' (Những người tam điểm), thì: "Tam điểm có phải là một hội kín chuẩn bị một cuộc nổi loạn chống lại các giáo hội, quốc gia hay nhân loại không? Có phải là một giáo phái? một nhóm người được giác ngộ (illuminés)?, một 'băng doanh nghiệp' (une bande d'affairéistes)?, một câu lạc bộ suy nghĩ về chính trị xã hội?, một tổ chức nhân bản? … Tuy là đối tượng của sự hiếu kỳ, sự tinh vi khó xử, nhức đầu buốt óc, của bao nhiêu gièm pha và thậm chí gớm ghét, nhưng trong thực tế, tam điểm hiện thân như 'một chủ thuyết duy linh tự do' (une libre spiritualité). Chủ thuyết này là một chất vấn lớn về chính chúng ta, về người khác, về ý nghĩa đời sống, về vũ trụ, về những những vấn đề vượt tầm mức con người. Câu chất vấn này có thể dựa trên một tôn giáo, một niềm tin vào thần linh, hay một cách đơn giản, trên tình huynh đệ giữa con người với con người. Chính từ những tương cận này mà người ta có thể nhận diện ra những sắc thái của tam điểm, một tổ chức đã khai sinh gần 300 năm tại Anh quốc và hiện nay có tới 7.000.000 thành viên trên khắp thế giới (26).
2. Một chủ thuyết duy linh nhiều màu sắc thần thoại và bí ẩn :
Màu sắc thần thoại và mê tín:
Thuyết duy linh của tam đểm mang nhiều màu sắc tôn giáo kiểu Hy Lạp và Ai cập thời xa xưa. Như chúng ta thấy ở trên, 'huyền thoại Hiram được coi là gốc rễ chính yếu của tam điểm (đọc lại số1). Từ huyền thoại, tam điểm đi tới thần bí (ésotérisme) qua việc thực hiện nghi thức khải đạo và các ẩn ngữ, các biểu tượng (đọc lại các số 14,15,17,18,19). Tác giả bài 'Hội tam điểm, một hội kín bí ẩn nhất thế giới' quả quyết rằng: Mỗi hội viên khi gia nhập đều phải qua một nghi lễ khải đạo và nhận một con vật làm hộ mệnh' (27)
Màu sắc bí ẩn của một quyền lực:
Từ màu sắc bí mật của huyền thoại, của những 'biểu trưng' (như chúng ta thấy ở trên), tam điểm còn có 'màu sắc bí mật giữa những người tam điểm để làm việc với nhau theo chủ đích của tam điểm, bí mật để tạo nên giữa các thành viên tam điểm 'một thế lực' (une force). Người ta nói rằng: tam điểm không phải là một đảng chính trị hay một hội từ thiện xã hội, tam điểm là một 'lực lượng bí ẩn nhất thế giới', một 'thế lực của những người được khải đạo hay được giác ngộ' (initiés, illuminés, illuminati). Những người này thường thuộc giới trí thức và quyền quý. Ngày nay, những người được giác ngộ xem ra đã xâm nhập vào trong các trung tâm quyền lực của thế giới, đặc biệt của Hoa Kỳ và Anh quốc. Trong tờ báo Nexus Magazine, ông Marcus Allen quả quyết rằng: "toàn hệ thống chính trị ở Hoa Kỳ và Anh quốc nằm trong tay một nhóm illuminati kiểm soát. Ở Pháp cũng vậy, tam điểm đã len lỏi vào trong các cơ cấu của chính quyền… Dấu vết cụ thể nhất của illuminati ở Mỹ chính là những dấu chỉ bí mật trên tờ giấy bạc 1 đôla Mỹ: Phía sau tờ giấy bạc này, ta thấy bên trái có một kim tự tháp chưa xây xong, còn thiếu hòn đá chóp ; trên có hình con mắt, con mắt thấy hết mọi sự . Dưới dưới tháp có khẩu hiệu 'Novus ordo seclorum' (trật tự mới của thế giới). Bên phải có con chim phượng hoàng, mang một tấm vải vuông trước bụng, trên đó có vẽ những biểu tượng bí ẩn. Nếu đúng như thế, thì thế lực của illuminati quả thật đáng gờm khi biểu hiệu và khẩu hiệu của họ không rõ vô tình hay cố ý, đã được in trên giấy bạc 1 đôla của Hoa Kỳ rồi … Cũng vì tính cách bí ẩn này mà người ta từ lâu đã gọi tam điểm là 'bè nhiệm' hay ngày nay là một thứ 'giáo phái Thế hệ mới' (New age)… Thường các 'illuminati' hoạt động trong bóng tối , bí mật kiểm soát các vấn đề trong thế giới, trong hậu trường chính tri (28).
Đàng khác, tại những quốc gia nói tiếng Anh và tại các quốc gia ở phía bắc địa cầu, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, vấn đề không phải là tam điểm tìm cách để đạt quyền lực mà chính họ là quyền lực rồi. Lấy ví dụ như tại anh quốc chẳng hạn: Quốc chủ tối cao của Anh quốc cũng là vị lãnh tụ tối cao của 'Hiệp hội tam điểm thống nhất' tại Anh quốc và của hơn 150 ban lãnh đạo của tam điểm (grand lodges) mà mỗi quốc gia đều có một người. Riêng tại Hoa Kỳ, thì từng tiểu bang có một người lãnh đạo của tam điểm. Vào năm 1995, trong Hiệp hội tam điểm Anh quốc đã đã có hơn 750.000 thành viên thuộc hơn 8.000 chi hội tam điểm khắp thế giới. Bên cạnh đó, vì thứ luật bảo mật hay bí ẩn của tam điểm, người ta không có cách nào biết được một cách chắc chắn: các illuminati có tích cực hoạt động hay không, và tầm ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của tam điểm đi tới đâu . Chính phủ của cựu thủ tướng Tony Blair đã tìm cách quy định và bắt buộc các thành viên tam điểm phải công khai tuyên bố 'họ là thành viên tam điểm', đặc biệt các công chức cao cấp và các công chức thuộc ngành tư pháp và ngành cảnh sát. Thực tế, đã có 1.400 chánh án tuyên bố công khai, nhưng người ta ước lượng con số còn đông hơn nhiều… (29).
3. Bản chất của tam điểm là vô thần.
Ba sắc thái: thuyết tương đối, chủ nghĩa vô thần, thuyết ngộ đạo.
Cha Manuel Guerra Gómez, tác giả của 25 cuốn sách nói về các giáo phái và các chủ đề khác, vừa mới xuất bản cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha mang tựa đề 'Âm mưu của tam điểm' (La trama masónica – The masonic plot). Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Zenit cha khẳng định: "Cách thức của tam điểm, vốn tự bản chất là vô thần, bộc lộ ra một thứ học thuyết tương đối về lịch sử, rồi từ đó họ cổ võ thuyết tương đối về văn hóa xã hội"… Thật hợp lý khi nghĩ rằng "tam điểm cố gieo rắc và loan truyền những nguyên tắc theo ý thức hệ của họ, là thuyết tương đối, chủ nghĩa vô thần và thuyết ngộ đạo… Nếu trên chúng ta nói 'tam điểm trở thành một thế lực quốc tế về mọi ngành chính trị, văn hóa, khoa học…', thì rõ rệt thế lực này hiện đang khống chế Quốc hội Âu châu. Người ta nghĩ tới 60% dân biểu Âu châu thuộc tam điểm. Do đó 'thực chất mà nói, tất cả những đề nghị liên quan tới các vấn đề gia đình, đạo đức sinh học, vốn trái ngược hẳn giáo huấn của Giáo Hội, thậm chí trái ngược với luật tự nhiên, đều được Quốc hội Âu châu thông qua. Đây cũng là trường hợp mà Rocco Buttuglione của Ý bị chối từ vào chức vụ Ủy viên bởi khối vô thần vốn chiếm đa số trong Quốc hội Âu châu (30).
Khó đối thoại với tam điểm.
Về điểm này, cha M. G. Goméz cho biết: Đành rằng có những bất tương hợp khách quan giữa Giáo Hội công giáo và tam điểm, Giáo Hội vẫn mời gọi đối thoại với các thành viên tam điểm về các vấn đề liên quan đến văn hóa và xã hội. Dĩ nhiên có những mức độ đối thoại khác nhau. Điều đáng quan tâm là 'Theo bộ Giáo Lý Đức Tin, việc phán quyết về bản chất của tam điểm không thuộc thẩm quyền của giáo hội địa phương'. Để 'đối thoại với người tam điểm, cần suy xét về tính hiện thực và những hệ quả về tính bí mật của tam điểm'. Phải nói thật, làm sao chúng ta có thể đối thoại chân tình với một người khi người đó đang đeo mặt nạ? Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể đối thoại về các vấn đề có tính cách văn hóa và xã hội. Bởi vì, cho dù các tôn giáo và các ý thức hệ được lồng hết cả vào văn hóa, thì vẫn có cách tìm ra được những điểm chung để đối thoại. Nói như vậy, chúng ta không phủ nhận rằng 'ngay cả trong lãnh vực văn hoá, việc đối thoại với tam điểm vẫn gặp những khó khăn nghiêm trọng, vì muốn hay không, chúng ta sẽ đụng vào chủ nghĩa vô thần của tam điểm và khuynh hướng 'tam điểm loại trừ những đặc tính riêng của tôn giáo, những truyền thống lâu đời của công giáo' (31).
Vừa là công giáo vừa là tam điểm
Như trên đã nói, Thế hệ mới (New age) là sản phẩm của tam điểm. Cả hai thích dùng từ 'duy linh' (spirituality), vì từ này có tính cách cộng hưởng chủ quan hơn từ tôn giáo (religion). Không thiếu những thành viên tam điểm vẫn xưng mình vừa là công giáo vừa là tam điểm. Thực tế, đa số thành viên tam điểm là những người theo ngộ đạo hay thuyết bất khả tri (agnostics) và là những nhà thần luận (deistes). Cha M.G. Gomez bảo rằng 'Họ nên nhìn nhận rằng họ thuộc về hai tôn giáo: công giáo và tam điểm' (32)
4. Giáo Hội Công Giáo đối với Tam Điểm.
Cấm gia nhập hội tam điểm.
Ngay năm 1730, đức giáo hoàng Clément XII đã cấm người công giáo gia nhập tam điểm. Việc cấm đoán này thành gia trọng đến 'vạ tuyệt thông' bởi đức giáo hoàng Benoit XIV năm 1751. Vạ tuyệt thông được khẳng định lại bởi đức giáo hoàng Léon XIII năm 1884. Tuy nhiên vạ tuyệt thông bấy giờ chỉ nhằm vào những phong trào tam điểm thù nghịch với Giáo Hội, như tam điểm Ý và trung ương tam điểm Pháp. Trung ương tam điểm Pháp công khai chống giáo sĩ và thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo, bãi bỏ điều khoản đầu tiên của hiến chế tam điểm 'đòi buộc các thành viên phải tin tưởng vào Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn'. Họ đã tách rời khỏi đơn vị lớn của Anh quốc.
Thông điệp của hai Đức Giáo Hoàng
Đức giáo hoàng Pie IX, nhất là đức giáo hoàng Léon XIII đã ra nhiều thông điệp lên án những chủ thuyết của thơi đại mới, trong đó, trực tiếp hay gián tiếp lên án hội tam điểm.
Đức Pie IX ra thông điệp 'Quanta Cura' (Hết sức quan tâm) ngày 8. 12. 1864 lên án Tự nhiên chủ nghĩa (naturalisme), chủ nghĩa tư bản tự do (libéralisme), và lãnh đạm chủ nghĩa (indifférentisme), chủ nghĩa phóng túng (latitudinarisme), các hội kín hay bè nhiệm (sociétés secrètes), các hội giáo sĩ tự do (sociétés clérico-libérales).
Đức Léon XIII lần lượt ban hành các thông điệp: 1) 'Quod Apostolici' (Điều thuộc về Tông Tòa) ngày 28. 12.1878 mục đích nêu lên những sai lầm của thế giới tân tiến, chủ nghĩa cộng sản, tự do phóng túng, các giáo phái và các hội kín. Ngài khẳng định Giáo Hội có khả năng và thẩm quyền trong các vấn đề chính trị và xã hội. 2) 'Aeterni Patris' (Thuộc về Chúa Cha hằng hữu), ngày 4. 8.1879, để nhấn mạnh 'lý trí phải phục tùng đức tin và triết học tân tiến có một ảnh hưởng xấu vì đang cung cấp khí giới cho kẻ thù của Giáo Hội. Đồng thời ngài kêu gọi phải trở về với triết lý của thánh Thomas… 3) 'Nobilisima Gallorum gens' (Dân tộc Pháp rất cao thượng) ngày 08. 02. 1884, chống lại chủ thuyết thế tục hóa (laicisation) đang lan tràn và nhắc nhớ rằng không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi hiến pháp quốc gia. 4) 'Humanum genus' (Nguồn gốc nhân loại), ngày 20. 04. 1884, chống lại tam điểm vì tam điểm đối nghịch với sự công bằng và luân lý tự nhiên, tam điểm phân hóa xã hội bằng chủ thuyết vô thần… 5) 'Immortale Dei' (Thiên Chúa bất tử), ngày 01. 11. 1885, nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và thiết định xã hội, mọi uy quyền đều do Chúa ban cho… Giáo Hội độc lập đối với thế quyền. Ngài lên án chính sách tục hóa và lột trần những nguy cơ của chủ thuyết tự do tư tưởng…
Dịu lại dần dần
Gíáo luật 1917 đã cấm việc gia nhập vào đơn vị tam điểm và xếp vào một trong 42 vạ tuyệt thông tức khắc nêu trong giáo luật (kk 2315-2319). Nhưng trong bản tuyên ngôn ra ngày 11. 09. 1974, đức hồng y Seper, bộ trưởng thánh bộ Đức Tin đã giới hạn vạ tuyệt thông này vào trường hợp gia nhập các đơn vị công khai chống tôn giáo.
Trong bộ Giáo Luật mới, năm 1983, không nói đến việc cấm gia nhập một đơn vị tam điểm. Tuy nhiên trong bản tuyên ngôn ra ngày 26. 11. 1983, đức hồng y Rattzinger, kế vị đức hồng y Seper, hiện nay là đức giáo hoàng Benoit XVI, đã coi việc gia nhập đơn vị tam điểm là một tội trọng và xác định rằng chính đương sự tự loại mình ra khỏi việc lãnh nhận các bí tích. Một bài diển giảng đăng trên báo Osservatore Romano nhận định rằng: một sự bất khả tương hợp về nguyên tắc không cản ngăn việc cộng tác vào những công trình có mục tiêu rõ ràng: vận động hòa bình, bênh vực sự công bằng xã hội, bảo vệ các giá trị đạo đức…
Tại Pháp, mọi liên hệ và tiếp xúc đều do Văn phòng Bất tín - Đức tin (Service Incroyance-Foi) của Hội Đồng Giám Mục với 'tam điểm tin tưởng' hay 'tam điểm không tin tưởng'. Người công giáo trong đơn vị lớn quốc gia đông hơn trong các đơn vị khác, vì đơn vị này không thù nghịch với Giáo Hội. Ngày 15.11. 1985, Ban thường trực của Hội Đồng Giám Mục Pháp, hội đồng của liên đoàn Tin Lành Pháp, Ủy ban thường trực các Giáo Hội Chính Thống, Thượng hội đồng Do Thái Giáo và đại diện của Hồi Giáo, đã liên đới với lời kêu gọi của 9 tổ chức nhân đạo, trong đó có 5 đơn vị tam điẻm, để 'kêu gọi tình huynh đệ đối với kiều cư và chống lại mọi kỳ thị chủng tộc'. Đó là lần đầu tiên tại Pháp người ta thấy một bản văn có chữ ký của Hội Đồng Giám Mục Pháp và của chi viện tam điểm (33).
* Đừng quên 'âm mưu của tam điểm'
Hiện nay trên thế giới có trên 7 triệu thành viên tam điểm. Nguyên tại Pháp có từ 90 đến 100.000 người tam điểm. Có lẽ đối với Giáo Hội Công Giáo, tam điểm không còn là 'thù địch chí tử' như thời xưa nữa. Nhưng theo tác giả cuốn 'Âm mưu của tam điểm' (The Masonic Plot), và như trên đã nói, 'tự bản chất tam điểm vẫn là vô thần và luôn tìm cách khuynh đảo Giáo Hội trong mọi phạm vi sinh hoạt… Mục đích tối hậu của tam điểm là 'triệt hạ tất cả các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo để xây dựng tòa nhà lý tưởng cho nhân loại'… (M.G. Gómez). Phải chăng hiểu như vậy, nên năm 1989, khi hài cốt linh mục Grégoire, người đệ trình dự luật hủy bỏ chế độ nô lệ và phục hồi quyền công dân cho người Do Thái, được đưa vào điện Panthéon, đức hồng y J.M. Lustiger, đã từ chối không đi dự lễ vì linh mục Grégoire là một thành viên tam điểm (34).
(1) Internet: http://www.tinparis.net/timhieu/htamdiem la.html.
(2) 'Hiram': xem trong thánh Kinh, sách Các Vua cuốn I: Hiram (hay Khiram) là vua thành Tyr, trước tiên đã góp công góp của xây cung điện cho Davít (2Sm 5,11). Về sau, khi nghe tin Salomon được xức dầu để kế vị vua cha là Davít, Hiram lại ngỏ ý giúp Salomon xây đền thờ cho đức Yavê (1V 5,15) và từ đó có một giao ước giữa Hiram và Salomon (1V5, 15-32). Hiram là con một quả phụ, chi tộc Neptali, Cha ông là người thành Tyr chuyên về thủ công đồ dồng. Hiram nối nghề cha, rất thông minh và khéo tay, đã được Salomon mời đến và giao cho công việc trang trí đền thờ bằng đồ đồng thật lộng lẫy… (1V 7, 13-43). Trong 20 năm, Hiram đã giúp Salomon xây ngôi nhà ông ở và đền thờ kính Yavê (2Sử ký, 2-4). Để trả ơn, Salomon đã trả tặng cho Hiram 20 thành ở đất Gali, nhưng khi đi thị sát các thành, Hiram đã tỏ ra không hài lòng (1V 9,10-14).
(3) 'Hội trưởng' (Guide): vào thời Trung Cổ, họ lập hội và quy tụ những ngưòi làm thủ công hay những người buôn bán.
(4) 'Nghệ thuật hoàng gia' (L'art royal) : Những thợ xây nhà rất trân trọng nghệ thuật kiến trúc, coi như 'nghệ thuật hoàng gia'. Trước tiên vì nghệ thuật này liên hệ đến các nhà thờ chính tòa, kết hợp khả năng hiểu biết về nghệ thuật và về linh đạo, tiếp đến vì nó lệ thuộc vào người chủ trương, bấy giờ là vua chúa. Ngày nay, các thành viên tam điểm vẫn coi công việc của họ như một 'nghệ thuật hoàng gia'.
(5) 'Hội quán' (loges): những nhà trú lớn các thợ xây làm việc và chất chứa dụng cụ. Ngày nay, tam điểm dùng từ 'loges' để chỉ 'hội quán' hội họp của 'một nhóm' hay 'một đơn vị' tam điểm hoặc chỉ 'chính nhóm đó' 'đơn vị đó', đôi khi tam điểm dùng từ 'xưởng thợ' (attelier) thay cho từ 'loges'.
(6) 'Tam điểm hành nghề và tam điểm suy tư' (Francs-macons operatives et francs-macons spéculatives): tam điểm hành nghề liên hệ đến những thợ xây cất trong thời Trung Cổ (từ 'operatives' bởi động từ la tinh 'operare' là 'làm việc'); tam điểm suy tư ám chỉ một phong trào duy linh ra đời tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII.
(7) 'Phái ngộ đạo bí truyền' (Hermétisme) là trào lưu bí truyền (ésotérique) có từ cổ thời và tồn tại qua thời luyện kim (alchimie), nổi bật tính cách thần bí do thái (kabbale), đưa ra một sự chú giải huyền nhiệm và tiêu biểu của Thánh Kinh nơi người Do Thái. Ngộ đạo bí truyền hiện diện trong phong trào Rose-Croix thai sinh tại Đức vào thế kỷ XVII. Đạo lý của triết học và thần bí của phong trào Rose-Croix chịu ảnh hưởng của luyện kim học.
(8) Tam điểm suy tư chào đời tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII bắt đầu từ các hội quán bị phế thải của tam điểm hành nghề. Các định chế của tam điểm suy tư đã nối kết ý nghĩa của huyền bí vào sự hà khắc của tư tưởng triết học và đã được coi là tiêu biểu cho tinh thần của thời đại và đóng góp vào việc soạn thảo hiến chương tam điểm.
(9) 'Người theo thần thuyết' hay 'Thần thuyết' (Déiste, Déisme): Người hay 'tự nhiên thần thuyết' nhận sự hiện hữu của một hữu thể cao siêu hơn loài người, nhưng lại từ chối mọi định nghĩa về hữu thể tối cao ấy và cũng từ chối mọi đòi buộc 'phải tin tưởng hữu thể tối cao ấy như một thần linh đặc thù trong một tôn giáo'.
(10) Tam điểm Pháp vào thế kỷ XVIII cũng quan trọng như tam điểm bên Anh quốc. Nhưng sinh ra và lớn lên trong một nước chất đầy truyền thống công giáo và dưới chế độ quân chủ tuyệt đối, tam điểm Pháp đã mau tách rời khỏi Giáo Hội và chính quyền.
(11) Chi viện (obédience) là hội bao gồm nhiều đơn vị tam điểm cùng theo một hiến chương.
(12) 'Quốc Hội' (États généraux) gồm đại biểu của ba giai cấp quý tộc, giáo sĩ và bình dân.
(13) 'Duy luật' (légalistes): những người giữ luật pháp một cách quá cẩn thận.
(14) 'duy khoa học' (scientisme): chủ thuyết cho rằng khoa học cắt nghĩa được mọi sự.
(15) 'chống giáo sĩ' (anticléricalisme), khuynh hướng hay chủ nghĩa chống đối uy quyền của giáo sĩ và mọi can thiệp của Giáo Hội vào đời sống chính trị. Theo nghĩa rộng, là khuynh hướng thù nghịch Giáo Hội và Tôn Giáo.
(16) 'Kiến Trúc Sư Vĩ Đại của Vũ Trụ' (Grand Architecte de l'Univers, GADLU): Đối với một số người tam điểm thì đó là Thiên Chúa của các tôn giáo mạc khải, tức các tôn giáo phát xuất từ Thánh Kinh, trong đó các ngôn sứ đã mạc khải cho loài người lời của Thiên Chúa). Nhưng đối với một số người tam điểm khác thì đó chỉ là nguyên lý sáng tạo của Vũ Trụ trổi cao hơn loài người.
(17) 'Đảng chính trị Boulanger' (Boulangisme): Những người theo đường hướng chính trị của tướng Boulanger, bộ trưởng Chiến Tranh (Ministre de Guerre), từ năm 1886, đã đối lập với chế độ nghị viện, với Nền Cộng Hòa. Ông đã làm một cuộc nổi loạn nhưng thất bại, phải chạy trốn qua Bỉ và tự vẫn năm 1891.
(18) 'Trần tục' hay 'phàm tục' (profane): Đối với tam điểm, những ai chưa được khải thị (initié) theo tam điểm, đều là trần tục hay phàm tục.
(19) 'Đầy tớ đen' (Hussards noirs): Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người ta 'dùng cụm từ 'đao phủ đen' để chỉ những giáo viên mặc áo choàng đen của đệ tam cộng hòa. Họ là những đầy tớ nhiệt tình trong các trường học miễn phí, thế tục và bó buộc. Vì cho đến thời đó, việc giảng dạy luôn giao phó cho Giáo Hội công giáo.
(20) 'Vụ danh phiếu' (Affaire des fiches): Gương xấu này bùng nổ tại Pháp năm 1904, do sáng kiến của tướng André, bấy giờ là bộ trưởng Bộ Chiến Tranh. Được sự đồng ý của trung ương tam điểm Pháp, ông đã lập danh sách các sĩ quan 'bị coi là không có tinh thần Cộng Hòa (tức các sĩ quan công giáo và tự do) nhằm mục đích loại họ ra khỏi các chức vụ quan trọng trong quân đội.
(21) Vụ Stavisky (affaire stavisky): Alexandre Stavisky (1886-1934) là một nhà doanh nghiệp mang tội lừa đảo ngay trong cơ quan tài chánh. Năm 1933, nội vụ bùng nổ, ông trốn đi. Nhưng ông bị cảnh sát bắt giam và ông đã tự tử. Hoàn cảnh tự tử của ông đặt ra nhiều nghi vấn, và người ta tố cáo chính phủ đã hành quyết ông để phi tang nhiều chuyện bất hảo…
(22) Khi các thành viên đơn vị bỏ phiếu thâu nhận hay từ chối một người phàm tục (ứng viên), họ bỏ bằng hai loại viên tròn trắng và đen. Bỏ viên trắng là thâu nhận, bỏ viên đen là từ chối. Vì thế trong tam điểm, khi bỏ phiếu người ta dùng từ 'blackboule' (black: đen, boule: boule viên tròn).
(23) xem chú giải (2).
(24) 'đụng chạm hay sờ mó' (attouchements): là một trong những cách nhận thức của tam điểm với bàn tay nắm chặt lại.
(25) Phạm Hữu Trác, 'Tam Điểm tại Việt Nam', Internet: http:/www.dcvblogs.com/truyen-thông/2008/01/tam-dim-ti-vit-nam.html.
(26) Jack Chaboud: 'Les Francs-macons' – éd. Les Essentiels Milan, 2004. tr. 3
(27) Internet 'Hội tam điểm, hội kín bí ẩn nhất thế giới, - http://lichsuvn. info/ forum/ shwthread.php?t=924.
(28) xem chú giải (24)
(29) Internet: http://vietcatholic.net/ News/Html/55842.htm (17.6.2008).
(30) xem chú giải (26).
(31) xem chú giải (26).
(32) xem chú giải (26).
(33) Théo (L'Encyclopédie catholique pour tous), 1989 tr. 421, 533,1078, 1131.
(34) Hứa Vạng Thọ: 'Hội Tam Điểm' (La France-Maconnerie/Freemasonry) cf. Internet chú giải (0).