HÔI GIÁO
TÌM HIỂU ÐẠO HỒI
Mai Ðức Vinh
TÌM HIỂU ÐẠO HỒI
I. VÀO ÐỀ
Cả thế giới đang trải qua những năm tháng sôi động và căng thẳng mà người ta gọi là những ‘cơn sốt kinh tế’, những ‘khủng hoảng chính trị’ giữa hai khối Ả Rập và Âu Mỹ, hay những ‘hố sâu dị biệt’ giữa hai nền văn minh đạo Hồi và văn minh đạo Kitô. Nhất là sau các biến cố khủng bố lịch sử 11.09.2001 phá đổ hai nhà chọc trời và ngũ giác đài của Mỹ, chiến tranh Afganistan (2002), vụ khủng bố Bali (2002), chiến tranh Irak (2003), vụ ‘voile islamique’ tại Pháp (2004), vụ đặt bom trên nhiều xe hỏa khiến 200 người dân thiệt mạng tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 11.03.2004, vụ đặt bom chết tại Luânđôn (07.07.2005) và những phản ứng về vụ biếm hoạ Mahồmét đăng trên tờ báo Ðan Mach (9.2005) và nhiều tờ báo Âu Châu (2.2006). Ðó là chưa kể đến các vụ tàn sát tại Ðông Timor, tại Soudan, các vụ nhóm đạo Hồi quá khích ám sát, đốt nhà thờ, cướp phá các cơ sở kitô giáo thường xẩy ra tại Pakistan, Ấn Ðộ, Phi Châu. Và hiện nay cả thế giới đang sôi nổi về việc ông Abdul Rahman người Afsganistan bị tù và có thể bị xử tử chỉ vì đã trở lại Kitô giáo (4.2006) (Sau cùng, vì áp lực quốc tế, ông đã được ra tù và được tị nạn tôn giáo qua Ý).
Riêng ở Pháp, hiện có 4.500.000 người đạo Hồi. Vì thế từ lâu dân Pháp đã tỏ dấu lo ngại : Người đạo Hồi ở trước cửa chúng ta, ở giữa chúng ta. Những dấu ấn lịch sử của thời Ottoman và những biến cố liên quan đến đạo Hồi hiện nay, đặc biệt vụ quốc hội Pháp ra luật cấm trùm khăn hồi giáo trong khuôn viên trường công, làm cho người Pháp mang tâm trạng sợ đạo Hồi. Cụ thể, nhiều người Pháp đã đặt câu hỏi : Nếu một ngày kia tháp giáo đường đạo Hồi sẽ nhiều và cao hơn các tháp chuông nhà thờ Công Giáo, nếu các giáo đường đạo Hồi đầy người và các thánh đường Công Giáo thưa thớt, trống rỗng thì liệu nước Pháp còn là nước Pháp nữa không ? Với sự gia tăng quan trọng của dân số đạo Hồi hiện nay, liệu người Pháp còn giữ được căn tính của mình không ?
Vậy, cần suy nghĩ để phản ứng đúng, vừa với tư cách người công dân vừa với tư cách một Kitô hữu. Nước Pháp và các nước Âu Châu không phải là những nước đóng kín. Từ những thời gian đen tối của lịch sử, các dân tộc luôn sống trộn lẫn và hòa đồng với nhau. Ðó là một trong những yếu tố làm cho xã hội con người tiến bộ. Chúng ta đang đi đến những xã hội đa tạp về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán ... và tôn giáo. Hiện tại và tương lai, những yếu tố rất căn bản và rất con người ấy sẽ là những mối tương quan sống động, làm phát triển mọi mặt về xã hội.
Tầm quan trọng và mức mau lẹ của hiện tượng di cư tị nạn hiện nay đòi sự quan tâm đặc biệt của các nhà xã hội, những người có trách nhiệm chính trị và những người chuyên lo quy hoạch lãnh thổ. Tuy nhiên mọi người, kể cả chúng ta, đều phải quan tâm. Sự gặp gỡ giữa các dân tộc, sự đối thoại giữa các tôn giáo, sự va chạm của các nền văn hóa, tất cả là những điều chúng ta sống ngay tại cầu thang hay trong thang máy của chung cư, ngay giữa những câu chuyện nho nhỏ của nếp sống thường nhật.
Trên đây là những lý do thúc đẩy tôi cống hiến quý ông bà và anh chị em một số điểm mà tôi nghĩ là căn bản của đạo Hồi.
II. ÐẠO HỒI RA ÐỜI
1. Thân thế của ông Mohammed (Mahomet, Muhammad).
Ông Mohammed sinh ra tại Mekke quãng năm 570. Ông là con cháu của bộ lạc hùng mạnh Qoraich. Ông mồ côi cha mẹ ngay từ sáu tuổi. Ông được giáo dục bởi ông ngoại rồi bởi người cậu tên la Abu Taleb. Ngay khi vừa lớn lên, Mohammed đã đi du lịch với đoàn xe tải hàng, theo những con đường mà dân A Rrập vẫn thường đi. Sau đó Mohammed được nhận giúp việc cho một bà góa giầu có tên là Khadija, được giao chức quản lý thương mại cho bà, rồi được kết hôn với bà. Tất cả con cái của ông đều mất lúc còn nhỏ tuổi. Hình như ông chỉ còn lại một cô gái duy nhất tên là Fatima.
Ngay khi còn trẻ tuổi, Mohammed đã là chứng nhân về những phong tục thô lỗ khắt khe, những cách sống đạo dị đoan của dân tộc ông. Nhiều thần thánh được đắp thành tượng và chồng chất trên một tảng đá lớn, tại La Mekke. Người ta gọi tảng đá là La Kaba. Mohammed đã tiếp xúc với nhiều Kitô hữu và Do Thái và từng đọc Kinh Thánh. Các nhân vật tôn giáo mà người ta gọi là Hanif cũng sống trong xứ sở của ông. Họ là những người theo tôn giáo độc thần, nhưng không thuộc Do Thái hay Kitô giáo, họ được coi như những người thừa kế thiêng liêng của tổ phụ Abraham.
2. Ông Mohammed được coi là người sáng lập đạo Hồi
Vào quãng bốn mươi tuổi, Mohammed xuất hiện như một người có nhiều uy tín, rất được kính trọng trong xã hội ông sống. Người ta gọi ông là El Amin nghĩa là người khôn ngoan và lương thiện. Ông tỏ ra có một chí hướng tôn giáo mãnh liệt, không thỏa mãn với hiện tượng đa thần kỳ quái của các bộ lạc Ả Rập. Lâu lâu ông tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và suy tư. Nơi ông thường hay lui tới là hang động Hira, gần La Mekke. Chính trong hang động này, năm 610, ông đã thực hiện một tháng chay tịnh, ngày nay gọi là Ramadan. Và vào ngày 27 trong tháng Ramadan, ông được giác ngộ. Theo niềm tin của người hồi giáo, thì đây là lần đầu tiên ông lãnh nhận các mạc khải thần linh. Cho đến cuối đời, ông miệt mài trao truyền những mạc khải ông thụ lãnh. Ðó là ‘đêm Ðịnh Mệnh’ được nói đến trong sách Coran (chương Coran 97, 74, 81, 53). Dựa theo truyền thống đạo Hồi, thì qua biến cố này, ông được coi là người sáng lập Ðạo Hồi.
Bấy giờ Mohammed được một thị kiến kỳ lạ : Một nhân vật ánh sáng ngỏ lời với ông. Sau đây là câu chuyện chính ông kể lại : « Ngài nói với tôi rằng ngài là sứ thần Gabriel. Thiên Chúa gửi sứ thần đến báo tin Ngài chọn tôi làm sứ giả của Ngài. Sứ thần bảo tôi đi tắm rửa và khi trở lại, thân xác tôi được tinh sạch. Sứ thần bảo tôi đọc. Tôi trả lời "tôi không biết đọc" Sứ thần ôm chặt lấy tôi trong tay, rồi buông tôi ra. Một lần nữa, sứ thần lại bảo tôi đọc. Tôi trả lời "tôi không biết đọc". Sứ thần lại ôm lấy tôi, ôm chặt hơn trước. Rồi lại bảo tôi đọc và tôi cũng trả lời "tôi không biết đọc". Sứ thần lại ôm lấy tôi lần thứ ba, ôm chặt hơn cả lần thứ hai. Rồi buông tôi ra, sứ thần bảo tôi đọc : "Hãy đọc tên của Thiên Chúa, Ngài là Ðấng sáng tạo ! Ngài đã dựng nên con người từ một cục máu đông. Hãy đọc đi vì Thiên Chúa của ngươi là Ðấng rất quảng đại, Ðấng đã dạy dỗ loài người ... và chỉ dạy cho loài người điều họ không hay biết ».
3. Sứ mệnh tại La Mekke
Mohammed đi trao truyền sứ điệp cho một vài người quen thân. Những chương vắn nhất của Coran viết ra trong thời kỳ này. Lúc đó Mohammed hiện diện đơn thuần như một người trao truyền sứ điệp, theo thể thức các sứ ngôn trước kia, như Adam, Noe, Abraham, Moise, Giêsu. Tính cách tuyệt đối của Thiên Chúa và sự toàn năng của Ngài đã được trình bày ngay trong bản văn đầu tiên của sách Coran. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phán xét, đức công bằng và sự chia sẻ với những người sa cơ thất thế.
Mohammed quay về trao truyền sứ điệp cho những người cư ngụ tại La Mekke. Nhưng kẻ mà một số người đã gọi là người được Thiên Chúa Tuyển Chọn, lại thường gặp phải muôn nỗi ngờ vực và nhạo cười. Việc rao giảng về đạo độc thần và việc phải từ bỏ mọi bất công chỉ tạo nên những chỉ trích trắng trợn trong xã hội La Mekke. Nhất là ông gặp phải những sự chống đối cực lực của những người giầu có và của những người quyền thế nhất trong thành phố. Hình như những người đi theo đạo Hồi đầu tiên là những người nghèo khổ, bần cùng, người chăn chiên, kẻ bị bắt bán làm nô lệ hay bọn đầy tớ. Mohammed và các đồng chí của ông phải chịu đựng nhiều nỗi đau lòng, bất mãn, thù hằn công khai của dân thành La Mekke. Chính vì thế, cộng đoàn vừa thai sinh phải bỏ thành phố tìm đến một nơi yên ổn hơn.
4. Cuộc di tản và nếp sống tại Médine
Mùa hè năm 622, Mohammed và nhóm tín đồ đầu tiên di cư tới ốc đảo Yatrib, cách La Mekke bốn trăm cây số về phía bắc. Dân chúng tại ốc đảo niềm nở đón tiếp Mohammed. Ông đã xây giáo đường đầu tiên tại đó. Cuộc di tản (quen gọi là Hégire) này đánh dấu giai đoạn đầu tiên của đạo Hồi. Ốc đảo Yatrib trở nên ‘thành trì của ngôn sứ’ (Madinat an Nabi). Từ đó tên gọi của ốc đảo được đổi ra là Médine.
Ban đầu Mohammed thực hiện sự hiệp nhất chính trị còn non yếu với dân cư của ốc đảo. Tuy nhiên các bộ lạc Do Thái trong ốc đảo đã âm mưu hạ thế giá người đạo Hồi bằng cách từ chối không nhìn nhận Mohammed là ngôn sứ đã được công bố trong Thánh Kinh. Lợi dụng tình thế chính trị chia rẽ, Mohammed đoạn tuyệt với nhóm Do Thái và loại trừ họ. Kể từ lúc này, đạo Hồi thôi không còn hướng về Giêrusalem để cầu nguyện nữa, mà họ hướng về La Mekke.
Những điều kiện sống tiêu điều tại Médine : đói ăn, nghèo khổ, bất an, chiến tranh chống La Mekke, đã xiết chặt hàng ngũ của cộng đoàn đạo Hồi còn non trẻ. Bấy giờ họ đã đưa ra quan niệm « Jihad », tức là « chiến đấu cho Thiên Chúa » hay « thánh chiến ». Nhiều quy luật về luân lý và cuộc sống đọc thấy trong Coran đã phát huy trong thời điểm này : hôn nhân, gia tài, hình luật, trả nợ, cách đối xử với nô lệ ... Những dữ kiện mới của đạo Hồi đáp ứng nhu cầu của cộng đồng mới thai sinh. Ðạo Hồi dần dần nhân bản hóa các phong tục thô bạo của thời đại. Với thời gian, đạo Hồi đã khống chế La Mekke bằng cả quân sự và chính trị. Sau cùng năm 630, đạo Hồi đã chiếm La Mekke cách ôn hòa và phá hủy mọi thần tượng. Dân chúng trong thành ùa theo đạo Hồi, khiến đạo Hồi mau lan tràn vào các dân tộc Ả Rập. Năm 630, Mohammed từ trần tại Médine, không chỉ định ai là người tiếp quyền điều khiển cộng đoàn.
Kể từ « đêm Ðịnh Mệnh » đến cuối đời, Mohammed miệt mài trao truyền nhiều sứ điệp. Sứ điệp cuối cùng được ghi lại như sau: « Hôm nay Ta đã làm cho tôn giáo của nhà ngươi nên toàn hảo. Ta đã hoàn thiện ơn của Ta trên nhà ngươi. Ta công nhận đạo Hồi như tôn giáo của nhà ngươi ».
5. Ðạo Hồi được mở rộng lần đầu tiên.
Hai mươi lăm năm sau, nhiều căng thẳng đã bùng nổ trong cộng đoàn vì những tranh dành quyền kế vị Mohammed, và đã chia cộng đoàn thành ba ngành : Sunnites, Chiites và Khareitess. Chúng ta sẽ nói sau về mỗi ngành.
Tuy nhiên cuộc quảng bá đầu tiên của đạo Hồi tiến hành mạnh mẽ và mau lẹ. Ngay đầu thế kỷ VIII, đạo Hồi đã tràn qua các miệt sông Indus và bắt đầu xâm chiếm Tây Ban Nha... Ðúng 100 năm sau khi Mohammed chết, là trận chiến Poitiers. Tại Phi Châu Ðen, đạo Hồi đã bén rễ và lớn mạnh ngay trước năm 1000.
III. NGƯỜI ÐẠO HỒI TRÊN THẾ GIỚI
1. Ả Rập là nôi sinh và phát triển của Ðạo Hồi
Trên thế giới hiện nay, đạo Hồi là tôn giáo thứ hai sau Kitô giáo : Kitô giáo 1.940.000.000 tín hữu, đạo Hồi 1.200.000.000 đạo hữu. Riêng tại Cộng Ðồng Âu châu, ở Pháp có 4.500.000 người đạo Hồi (Ngoài ra còn 45.000.000 công giáo, 850.000 người Tin lành, 600.000 người Phật giáo và 150.00 người Chính thống giáo), nước Ðức có 3.630.000, nước Anh 1.190.000, nước Ý 690.000, nước Hòa Lan 640.000, nước Bỉ 280.000, nước Tây Ban Nha 280.000, nước Thụy Ðiển 210.000, nước Áo 180.000, đảo Chypre 160.000 người hồi giáo (xem Expresse, 26.01.06 p.20-35).
Tuy nhiên các nước Ả Rập mới là nôi sinh của đạo Hồi. Quả vậy, khi nói đến đạo Hồi, người ta nghĩ đến khối Ả Rập, và khi nói đến khối Ả Rập, người ta nghĩ đến đạo Hồi. Lý do vì đạo Hồi ra đời giữa người Ả Rập và lan tràn khắp thế giới nhờ người Ả Rập. Chính tại Ả Rập mà người ta tìm ra những di tích, những địa điểm lịch sử của đạo Hồi. Hơn thế ngôn ngữ Ả Rập là ngôn ngữ của sách Coran. Nó mang tính cách thần thiêng. Cũng là ngôn ngữ cầu nguyện theo nghi thức chung cho mọi tín đồ đạo Hồi. Hơn thế, mọi thổ ngữ quen thuộc trong dân chúng theo văn hóa Ả Rập đều bắt gốc từ ngôn ngữ Ả Rập của Coran. Cũng vậy, trong thế giới đạo Hồi, người Ả Rập thường được hưởng một số ưu vị hay đặc ân. Tuy nhiên không phải tất cả những người ngày nay mang danh ‘Ả Rập’ đều thuộc sắc tộc Ả Rập. Nhiều người đã ‘bị Ả rập hóa’ vì tiếng nói, vì văn hóa, vì lịch sử, vì tâm lý, nhất là vì đạo Hồi. Ðó là trường hợp của những người Maghrébins (dân Tunisie, Algérie, Maroc). Những dân tộc có văn hóa Ả Rập đứng vào hàng thứ năm trong toàn khối đạo Hồi. Còn nhiều sắc tộc và văn hóa khác rất dị biệt.
Sau cùng phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả người Ả Rập đều theo đạo Hồi. Tuy thiểu số, nhưng có nhiều cộng đoàn Kitô giáo trong các nước thuộc khối Ả Rập. Họ không phải là những người đạo Hồi trở lại Công giáo, họ thuộc về các Giáo Hội Kitô rất xa xưa, có khi lên tới thời các Tông Ðồ và có trước đạo Hồi cả nhiều thế kỷ. Ðối với phần lớn tín đồ kitô, tiếng Ả Rập là ngôn ngữ phụng vụ tuyên xưng đức tin. Các cộng đoàn kitô đông đảo tại các nước vùng Trung Ðông và tại Ai Cập.
2. Ðạo Hồi muôn mặt.
Trái với điều người ta nghĩ, các nước đạo Hồi thường không đoàn kết thành một khối. Ðạo Hồi Trung Ðông, Maghreb, Châu Phi Ðen, Nga, Á Châu, di cư qua Âu Châu, biết đến hay không biết đến, giữa họ luôn có nhiều dị biệt đáng lưu ý. Những địa thế tự nhiên, những cưỡng bách kinh tế, lịch sử quốc gia, ảnh hưởng văn hóa... đều tác động đến mỗi cộng đoàn đạo Hồi địa phương.
Nơi những người Phi châu đen, đạo Hồi đã tìm thấy tại chỗ một văn hóa cộng đoàn và những cảm tính tôn giáo đòi đạo Hồi phải thích ứng thật khôn khéo. Tại Mã Lai và Indonésie, người đạo Hồi không thể bỏ qua các truyền thống của tổ tiên. Tại nhiều dân tộc khác đạo Hồi chỉ ảnh hưởng bên ngoài mà thôi.
Giữa ngành Sunnites và ngành Chiites vốn có những khác biệt về niềm xác tín và thực hành khác biệt từ thế kỷ đầu tiên của đạo Hồi. Lại còn những khác biệt về ý thức hệ giữa nhiều khuynh hướng đạo Hồi hiện nay: đạo Hồi bảo thủ, đạo Hồi canh tân, đạo Hồi tân tiến, đạo Hồi huyền bí...
Cho dù hiện diện dưới nhiều bộ mặt, nhưng tất cả các tín đồ đạo Hồi đều quy về một đức tin xây nền trên Coran và trên Sunna (truyền thống đạo Hồi được nhìn nhận là chính xác). Các tín đồ quy tụ thành Ummah (cộng đồng của mọi tín hữu đạo Hồi) và trên các lãnh thổ đạo Hồi, mỗi tín đồ cảm thấy thoải mái như tại xứ sở của mình.
IV. KHÔNG CÓ THẦN TÍNH NÀO KHÁC NGOÀI THIÊN CHÚA.
Bạn hãy nói : «Thiên Chúa là một, Thiên Chúa ! ... Ðấng không thể thấu hiểu ! Ngài không sinh sản, Ngài không được sinh ra; Không ai ngang bằng Ngài ! » (Cr 1,12).
Trước tiên Ðạo Hồi khẳng định duy nhất tính của Thiên Chúa : Thiên Chúa là duy nhất. Chỉ có Một ở nơi Ngài. Tín điều cơ bản này của đạo Hồi tách biệt các tín đồ khỏi «những người gán ghép », nghĩa là những người muốn đặt ngang hàng với Thiên Chúa những nhân vật khác. Theo họ, như vậy là xúc phạm đến duy nhất tính của Thiên Chúa. Ðạo Hồi coi họ là những người đa thần, sách Coran rất nghiêm khắc với những loại người này. Tín điều Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo thường bị hiểu là một hình thức gán ghép các nhân vật khác vào Thiên Chúa, do đó tín điều này xúc phạm đến duy nhất tính của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Ðấng không thể thấu hiểu hay quán thông được. Người ta không thể nói gì về Ngài được nếu chính Ngài không mạc khải. Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo vũ trụ, vạn vật. Ngài là Ðấng Duy Nhất, là Chủ Tể tối cao (Cr 13,16). Thiên Chúa là Ðấng toàn năng. Ngai của Ngài bao phủ mọi tầng trời và trái đất.. Ngài cho trời cao đất thấp hiện hữu vững bền. Ngài là Ðấng tối cao, Ðấng không thể đạt tới được (Cr 2,256). Thiên Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự. Anh chị em ở đâu, Ngài hiện diện ở đó với anh chị em. Ngài biết rõ mọi điều anh chị em làm. Ngài nhìn thấy toàn vẹn mọi điều chứa đựng trong tâm hồn anh chị em (Cr 57,4-6). Thiên Chúa là Ðấng gần gũi con người : Ta gần gũi con người còn hơn mạch máu nơi cổ của họ (Cr 50,16). Thiên Chúa là Ðấng đầy lòng nhân ái : Quả thật, Thiên Chúa là Ðấng luôn trở lại với tội nhân thống hối. Ngài đầy lòng nhân ái (Cr 2,37). Thiên Chúa là thù địch của những người không tin : Ngài sẽ không tha thứ cho những người không tin, những người xúi dục kẻ khác đi sai đường của Ngài và cả những người chết trong sự bất tín (Cr 47,34).
Những danh xưng mỹ miều nhất thuộc về Thiên Chúa. Hãy kêu cầu khấn Ngài bằng những danh xưng của Ngài (Cr 7,180). Trung thành với giới điều của Coran, người đạo Hồi đã lẩy ra từ sách Coran và từ Truyền thống chín mươi chín danh xưng dành cho Thiên Chúa. Ðể được gần gũi với Thiên Chúa, người đạo Hồi thường suy niệm về những «Mỹ Danh » của Ngài. Nhiều người đọc những danh xưng ấy dưới hình thức lần chuỗi hạt gọi là ‘Sub’ha’. Tuy nhiên, không vì suy niệm mỗi danh xưng hay toàn thể các danh xưng mà người ta có thể hiểu biết mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài luôn là Ðấng bất khả quán thông. Còn danh xưng thứ một trăm của Thiên Chúa thì không thể thốt nên lời. Một số người cho rằng chỉ ở trên thiên đàng, người ta mới được mạc khải về danh xưng cao quý ấy.
V. SÁCH CORAN
1. Mohammed là người trao truyền.
Kể từ « Ðêm Ðịnh Mệnh » và cho đến ngày tạ thế, Mohammed trao truyền các sứ điệp mà các tín đồ đầu tiên của đạo Hồi nhìn nhận như những mạc khải thần linh. Họ là các đồng chí của Mohammed, họ nhớ hoặc ghi chép lại. Sau khi Mohammed chết được ba bốn năm, họ gom góp lại và làm thành cuốn Coran 114 chương vắn.
Truyền thống đạo Hồi phổ biến hơn cả khẳng định rằng Mohammed không biết viết biết đọc, không phải văn sĩ hay thi sĩ. Theo thiên tài riêng của ông thì ông hoàn toàn không đủ khả năng viết nên bản văn Coran tuyệt vời về những áng thơ và uy lực trong ý nghĩa tôn giáo. Ðối với người đạo Hồi, Coran là một phép lạ lớn lao của Thiên Chúa và là dấu chứng về sự hiện hữu của Ngài. Chân lý xuất hiện thì lầm lạc phải tan biến. Hơn thế lầm lạc là phù du (Cr 17,81).
Người đạo Hồi tin vào các sứ giả Thiên Chúa sai đến. Họ phân biệt các ngôn sứ lớn và các ngôn sứ nhỏ. Có bốn vị ngôn sứ lớn :
· Abraham : Bạn thân của Thiên Chúa, người đạo Hồi đầu tiên, bởi lẽ ông là kẻ «vâng phục Thiên Chúa » trước hết, khi chấp nhận hiến tế con trai của ông là Ismael. Trong tiếng Ả Rập, Abraham là Ibrahim hay Brahim. Rất nhiều người đạo Hồi mang tên ông.
· Moise : Người đối thoại với Thiên Chúa và đã nhận cuốn Torah.
· Jesus : Sứ giả của Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa, sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Giống như Adam, Ðức Giêsu không có cha, Ngài không phải là Con của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa không có con và ngài không chết vì bị đóng đanh.
· Mohammed : là « dấu ấn của các ngôn sứ » bởi vì ông hoàn hảo nhất và công chính hơn cả. Chính nhờ ông mà mạc khải của Thiên Chúa duy nhất được hoàn tất.
Các ngôn sứ nhỏ thuộc truyền thống Thánh Kinh : Ismael, Isaac, Jacob và các con của ông, Job, Jonas, Aaron, Salomon, David ; thuộc truyền thống Ả Rập : Houd, Salih, Chu’ayb.
2. Coran và những mạc khải đã có trước.
Người đạo Hồi nhìn nhận ba sách mạc khải : Torah tức là năm cuốn đầu trong Thánh Kinh Cựu Ước ; - Thánh Vịnh ; - Phúc Âm. Nhưng truyền thống đạo Hồi coi các bản văn Thánh Kinh mà người Do Thái giáo và Kitô giáo dùng, thì theo dòng lịch sử, nhiều chỗ đã bị xuyên tạc. Cũng vậy, bốn câu truyện Phúc Âm có thể chỉ là sự giảng nghĩa lại theo một bản Phúc Âm đầu tiên mà cho tới nay người ta không tìm ra bản văn.
Kết luận, đối với người đạo Hồi, chỉ mình sách Coran mới đích thực là quy chiếu về Lời Chúa. Hơn thế, sách Coran còn thu thập và chung kết toàn thể nội dung của các sách thánh có trước.
3. Sách thánh của đạo Hồi.
Theo đạo Hồi, toàn thể Lời Chúa được chứa đựng trong «Thân Mẫu của Thư Tập » (Mère du Livre : Umm al Kitab) bên cạnh Thiên Chúa, để trên một cái bàn được gìn giữ cẩn thận, theo như những thuật ngữ được xử dụng trong sách Coran (Ch.13,39 ; 85,22). Coran là bản chép lại toàn hảo của một số lời được chính Thiên Chúa chọn lọc từ «Thân Mẫu của Thư Tập ». Cũng vậy, bản viết của Coran và ngay những nét chữ đều bày tỏ ý nguyện thần linh. Do đó, ngôn ngữ Ả Rập được Thiên Chúa dùng để ngỏ lời với loài người, là ngôn ngữ thánh.
4. Sách Coran là kim chỉ nam cho các tín đồ.
Là hồng ân Thiên Chúa ban cho loài người, sách Coran chứa đựng những điều phải tin, những hướng đi tinh thần cho loài người, những quy luật phụng tự, những giới điều luân lý. Coran cũng là bộ luật xã hội, quy định những tương quan mỗi người phải sống với nhau, những khoản luật hôn phối và đời sống gia đình. Coran được coi như cuốn sách Nhắc Nhở, Hướng Dẫn, Phán Biệt, Chỉ Nam, Lãnh Ðạo, bao gồm toàn diện đời sống con người, cá nhân và xã hội. Vì thế, tín đồ đạo Hồi cố gắng học thuộc lòng, nếu không thể học trọn vẹn thì ít ra một vài chương quan trọng.
Fatima, con gái của Mohammed viết cho chồng : « Anh phải chiến đấu với nhiều nỗi lắng lo, việc làm ăn của anh quá khổ cực. Chính vì thế anh dễ tức giận. Nếu như anh có một cuốn Coran, thì anh hãy đọc vài câu, vài đoạn, anh sẽ tìm lại sự bình thản. Coran là lời của Thiên Chúa. Biết Coran, anh sẽ biết tất cả những sự việc khác ».
5. Sách Kinh Thánh và sách Coran
« Lời Chúa trong đạo Hồi, chính là sách Coran; Lời Chúa trong đạo Kitô, chính là Ðức Kitô » (Seyyed Hossein Naser).
Như tác giả Hồi giáo phát biểu trên đây, trong đạo Hồi có sự sung mãn của Lời Chúa. Chính là sách Coran với nhiều ý nghĩa tôn giáo. Còn đối với người kitô, Lời Chúa chính là Ðức Kitô phục sinh, Ðấng thông ban Thánh Thần cho loài người. Sách Coran có một chỗ đứng đối với người đạo Hồi như sách Thánh Kinh đối với người kitô.
Kinh ‘La Fatiha’, là chương khai mở sách Coran và mọi hành động của tín đồ : «Nhân danh Thiên Chúa, Ðấng Nhân Từ, luôn thực hiện lòng nhân ái. Ngợi khen Thiên Chúa, Chúa Tể mọi Thế Giới, Ðấng Nhân Từ, luôn thực hiện lòng nhân ái. Vua của Ngày Phán Xét. Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con kêu cầu Chúa thương giúp đỡ. Xin hướng dẫn chúng con đi trong con đường thẳng, con đường của những người được Chúa ban cho muôn vàn ơn phúc. Không phải con đường của những kẻ cứ khêu cơn thịnh nộ hay cố chấp đi trong lầm lạc».
VI. HADITH
1. Tầm quan trọng của Hadith.
Những người đạo Hồi đầu tiên rất chăm chú đón nhận các sứ điệp của Coran. Họ cũng rất quan tâm đến những lời nói và cử chỉ của Mohammed trong đời sống thường nhật. Họ muốn bắt chước ngôn sứ. Vì là người được Thiên Chúa sai đến, nhiều điểm trong cách sống của ông đáng nên gương cho người đạo Hồi. Một ‘Hadith’ là một lời hay một cách sống của ngôn sứ Mohammed, hay đôi khi của một trong các vị đồng chí của ông, được ghi lại bởi các chứng nhân và được lưu truyền từ thời này qua thời khác trong các cộng đoàn đạo Hồi. Mỗi khi nhắc tới một lời của chính ngôn sứ, thì Hadith là một lời của người trần rất khác biệt với lời của Coran. Mỗi khi Mohammed nói với tư cách người lãnh đạo, người sáng lập cộng đồng đạo Hồi, thì lời nói của ông có uy quyền và sức sống. Ðể bảo đảm tính cách xác thực, thì các Hadith phải được tín đồ đạo Hồi cứu xét cẩn thận. Tất cả các Hadit làm thành ‘Sunna’ (truyền thống) về Ngôn sứ Mohammed.
Các Hadith có thể là những nhận định về tôn giáo, những giải thích rõ ràng về cách thực hành áp dụng các quy khoản của Coran, những châm ngôn khôn ngoan hay những câu chuyện ngắn có tính cách xây dựng. Mỗi khi có vấn đề mà Coran không cho một giải thích rõ rệt, người ta phải tham chiếu Hadith. Người ta dựa vào các Hadit khi soạn thảo Luật đạo Hồi. Chẳng hạn việc ‘cầu nguyện nghi thức’ đã được truyền dạy trong Coran, nhưng chính các Hadith mới quy định rõ ràng cách thế và số lần cầu nguyện. Nhiều Hadith đã trở thành ngạn ngữ và xây nên lâu đài khôn ngoan bình dân.
2. Một vài ngạn ngữ trích dẫn từ tuyển tập bốn mươi Hadiths của Imam an Nawawi.
· Vào ngày sau hết, người tin vào Allah chỉ nói về điều tốt hoặc yên lặng ! Vào ngày sau hết, người tin vào Allah sẽ tỏ ra quảng đại đối với người thân cận. Vào ngày sau hết, người tin vào Allah sẽ đón tiếp nồng hậu các khách trọ nhờ.
· Ai thức tỉnh trong tháng Ramadan, thức tỉnh và cầu nguyện với đức tin thâm sâu vào Allah và xác tín vững vàng vào phần thưởng, thì mọi lỗi lầm trong quá khứ sẽ được tha thứ.
· Theo luật, người nghèo có quyền hưởng một phần gia tài của người giầu có.
· Những ai muốn làm cho đạo giáo của mình nên toàn hảo thì phải lập gia đình.
· Không một người Ả Rập nào được coi mình cao trọng hơn những người không - Ả Rập, cũng vậy, không một ai không-Ả Rập được coi mình cao trọng hơn người Ả Rập.
· Dù sống ở chân trời góc biển nào, bạn cũng hãy kính sợ Thiên Chúa. Hãy đổi hành động xấu bằng hành động tốt. Hành động tốt sẽ xóa bỏ hành động xấu. Hãy xử đối tử tế với hết mọi người.
· Ai thấy một điều gì đáng sửa chữa thì phải tự tay sửa chữa, nếu không thể tự tay sửa chữa thì hãy khuyên răn, nếu không thể khuyên răn thì vẫn yêu thương. Ðó là điều tối thiểu mà đức tin đòi buộc.
· «Ðạo giáo chính là sự chân thật ». Chúng ta phải thành thật với ai? Ngôn Sứ trả lời : «Với Thiên Chúa, với Sách của Ngài, với Sứ giả của Ngài, với các Imans (linh mục đạo Hồi), với toàn thể Cộng Ðồng Ðạo Hồi.
· Không ai trong anh chị em thực sự là người có lòng tin, bao lâu người ấy không quý trọng những điều thuộc về anh em như chính những cái mà họ quý trọng cho bản thân mình.
· Có người đã thưa với Mohammed : «Thưa Ngài, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con về Islam». Sứ giả của Thiên Chúa trả lời : «Islam cốt tại : bạn tuyên chứng không có thiên tính nào khác ngoài Allah và Mohammed là sứ giả của Allah ; bạn chu toàn việc cầu nguyện ; bạn làm việc bác ái theo luật ; bạn giữ chay Ramadan ; bạn hành hương đến nhà thánh nếu bạn có đủ điều kiện... » - «Xin Ngài dạy cho con biết Iman (đức tin).» Ngôn Sứ trả lời : «Chính là tin vào Allah, Thiên Chúa, tin vào các Thiên Sứ của Ngài, vào các Sách Thánh của Ngài, các Sứ Giả của Ngài, vào ngày sau hết và tin rằng số phần tùy theo việc thiện và việc ác bạn làm... – «Xin Ngài dạy cho con biết Ihsan (Tuyệt hảo) ». Ngôn Sứ trả lời : «Bạn hãy phụng sự Allah dường như bạn nom thấy Ngài, bởi vì cho dù bạn không nom thấy Ngài, Ngài vẫn nom thấy bạn ». (hadith này được viết ra dưới hình thức câu chuyện đạo đức).
VII. ISLAM : ÐẠO GIÁO, LUÂN LÝ, TỔ CHỨC XÃ HỘI
1. Luật đạo Hồi (Chari’a)
Ðể xác định cách sống của mình, ngay từ đầu người đạo Hồi tuân giữ các giới truyền của Coran, của Lời Chúa, và phải noi gương Ngôn Sứ bằng cách sống theo Hadith. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều vấn đề đặt ra, đạo Hồi lan ra ngoài xứ Arabie, chạm trán với nhiều nền văn hóa và phong tục khác. Cần phải xác định về sự thống nhất những cách sống của con người làm sao cho phù hợp với Luật Chúa. Một cách chung, điều quan hệ là phải trình bày rõ ràng nội dung của ý muốn thần linh tùy theo những trạng huống khác nhau của nhân loại và tùy theo mỗi vấn đề của đời sống. Vì thế trong suốt hai thế kỷ, người ta phải hết sức cố gắng chú giải (ljtihâd) sách Coran và các Hadith theo các tiêu chuẩn : lý trí, ích lợi chung, đồng tâm trong cộng đồng.
Những nỗ lực soạn thảo lâu dài này đã đạt tới chung kết là bộ Luật đạo Hồi (Chari’a) vào thế kỷ IX. Kể từ thời đó, việc chú giải này vẫn được người đạo Hồi tiếp tục, nhưng với điều kiện là phải ở trong các giới hạn của Luật đạo Hồi đã được xác định trước và được đạo Hồi nhìn nhận như Luật của Chúa. Sự kiện cả cộng đồng đạo Hồi thời đó đã đồng tâm nhất trí trong việc soạn thảo Luật đạo Hồi được coi như một dấu chứng của chân lý thần linh, như Hadith đã thốt ra từ miệng của Ngôn Sứ : «Cộng đồng của tôi không thể nhất trí trên sự sai lầm ».
Chủ đích của Luật đạo Hồi là đem đến cho loài người sự soi sáng và hướng dẫn cần thiết để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Ả Rập, từ ‘Chari’a’ đôi khi chỉ nghĩa một con đường nhỏ dẫn tới nguồn nước sự sống. Ðó là con đường của Thiên Chúa dẫn loài người đến sự hòa bình tại thế và đến hạnh phúc của thiên đàng trong thế giới bên kia.
Luật đạo Hồi bao gồm toàn diện đời sống con người. Nó chứa đựng cái gì tương quan đến việc phụng tự, đến cách sống của từng người... và sau cùng đến những mối liên hệ xã hội. Người đạo Hồi cho rằng Luật không thể coi thường một khía cạnh sống nào của loài người. Nó bó buộc mọi tín đồ phải có tâm hồn ngây thơ và lành mạnh. Các trẻ em không buộc phải giữ luật. Tuy nhiên cần giúp cho các em làm quen thật sớm với những điều thực hành về tôn giáo và luân lý hầu chuẩn bị cho các em trở thành những người đạo Hồi tốt.
Hiện nay chỉ một thiểu số quốc gia đón nhận toàn vẹn Luật đạo Hồi, đó là Arabie Séoudite, Iran, Pakistan. Luật đạo Hồi trở thành luật của quốc gia. Một số quốc gia khác như Soudan chỉ áp dụng chừng mực. Nhiều nước khác, luật pháp quốc gia chỉ nhận một số điểm của Luật đạo Hồi, như luật Hôn nhân, luật tài sản.. Thực tế, phần lớn các quốc gia mà đa số dân chúng theo đạo Hồi vẫn chủ trương hiến pháp thế tục của họ.
Chúng ta lưu ý ba điểm sau đây :
· Trên bình diện cá nhân : Những người theo đạo Hồi nhìn nhận một luật chung, xét chính yếu, tương ứng với đời sống luân lý của Mười điều răn (Décalogue) (điều thứ 4 và điều thứ 10). Những điều buộc khác xuất hiện trong nhiều chương Coran khác nhau.
· Trên bình diện nghi thức : Năm giới điều cơ bản nhất : Tuyên xưng đức tin đạo Hồi ; Chu toàn việc cầu nguyện theo nghi thức ; Ðóng thuế theo luật ; Giữ chay trong tháng Ramadan ; Hành hương tới La Mekke khi có thể. Ðó là nền tảng hay ‘cột trụ’ của đời sống tôn giáo trong các nước đạo Hồi.
· Trên bình diện xã hội : Kính trọng Luật đạo Hồi sẽ bảo đảm cho xã hội có một trật tự tốt. Mỗi người đạo Hồi phải chịu trách nhiệm về cách sống của mình. Phải khuyến khích điều thiện và cấm chỉ điều ác. Mọi phạm vi xã hội đều liên hệ với nhau : chỗ đứng của tôn giáo trong xã hội, những nguyên tắc liên quan đến vấn đề chiến tranh, cách đối xử với tù nhân, cách sửa trị tội ác, hình phạt, hôn nhân, ly dị, gia tài, quyền tư hữu, cho vay, biết ‘hổ thẹn’ trong gia đình và ngoài xã hội, phục vụ cộng đoàn đạo Hồi... Luật đạo Hồi thấm nhuần sâu xa vào nếp sống của người đạo Hồi, vào phong tục xã hội và gia đình...
2. Luật luân lý.
Ðôi khi Coran nhắc nhở ‘Al Furquan’ nghĩa là ‘phải phân biệt giữa điều tốt điều xấu’. Coran thực sự là cuốn Chỉ Nam cho tín đồ về đời sống luân lý. Giáo huấn của Coran được xác định thêm bởi các Hadith. Thí dụ : «Chúa của tôi truyền cho tôi chín điều : thành thật với chính mình và với người khác, giầu hay nghèo cũng cố sống tiết độ, khi tức giận hay khi vui thỏa đều trân trọng đức công bằng, tha thứ cho người xúc phạm đến mình, giúp đỡ người cần đến mình, giữ thinh lặng khi suy gẫm, nói những điều xây dựng, đắn đo trong quan điểm của mình, trọng công ích hơn tư lợi ».
Những nhân đức hay những tội phạm của loài người thì không xúc phạm gì đến uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Tội là sự lỗi Luật thần linh và vĩnh cửu đã được mạc khải cho loài người. Nhân đức là sống đúng theo Luật đó. Thiên Chúa chỉ dạy cho loài người biết đâu là điều tốt đâu là điều xấu. Mọi giới truyền của Ngài đều đúng vì Ngài là Ðấng Sáng Tạo, là Tôn Sư. Cần lưu tâm đến giá trị mà Luật thần linh đã gán ban cho các hành động của loài người.
3. Những việc làm có thể là :
· Bó buộc : những việc thuộc năm ‘cột trụ’ của đạo Hồi, chung thủy vợ chồng.
· Ðáng khen, nhưng không bó buộc : Làm phúc tự nguyện, hay làm việc đạo đức cá nhân.
· Không buộc, không cấm, không khuyến khích : cách ăn mặc, đi tản bộ...
· Cấm đoán : nói dối, ăn trộm, giết người, ngoại tình, uống rượu, ăn thịt heo.
· Ðáng chê trách, nhưng không cấm : ly dị, thiên tư trong việc chia gia tài cho con cái...
Vậy đạo Hồi sẽ phán quyết mỗi người về những hành động cá nhân của họ theo quy chế mà ý muốn thần linh đã tự do và hiển nhiên trao ban cho họ. Quy chế này được trao truyền lại bởi sách Coran và bởi ngôn sứ Mohammed, thì đã được công thức hóa cách rõ ràng bởi Luật đạo Hồi (Chari’a).
Tội phạm nặng thứ nhất là thờ ngẫu thần và gán ghép (tức đặt một đấng thần minh hay một nhân vật nào ngang hàng với Thiên Chúa), bởi vì đó là tội chống lại duy nhất tính của Thiên Chúa. Tội nặng thứ hai là giết người đạo Hồi. Các tội phạm có thể được đền trả bằng những việc lành hay những việc đền tội. Khi đi hành hương La Mekke với tấm lòng chân thực thì có thể được tha hết mọi tội.
Năm đòi buộc được coi như năm ‘cột trụ’ của đạo Hồi. Thực hiện năm điều buộc là dấu chứng trung thành với đạo Hồi và gắn bó với ‘Ummah’ (Cộng đồng đạo Hồi).
VIII. NĂM CỘT TRỤ CỦA ÐẠO HỒI
1. Cột trụ I : Tuyên xưng đức tin (Chahada).
« Tôi xác tín rằng không có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa và chỉ Mohammed là Ngôn Sứ của Ngài ».
Ðây là điều tin căn bản nhất của người đạo Hồi. Họ tuyên xưng duy nhất tính của Thiên Chúa. Mỗi lần đọc lên lời tuyên xưng chính là trải một tấm khăn che phủ mọi tội lỗi. Người đạo Hồi đọc lời Chahada mỗi ngày, mỗi lúc, nhất là khi gặp gian nan. «Mỗi ngày trước khi ngủ, tôi đọc Chahada. Giấc ngủ là hình ảnh của sự chết ; và nếu tôi không thức dậy... Mỗi lần tôi đến hãng làm việc, mỗi lần tôi đi qua dưới cầu trục, mỗi lần tôi đi phá bức tường... tôi đều đọc Chahada... Thiên Chúa biết tôi... »
Lúc gần chết, khi lâm cơn hấp hối chính đương sự hay người khác cũng đọc Chahada. Họ cho Chahada là chìa khóa đi vào Thiên Ðàng : «Những người chết mà còn gán ghép thần linh ngang hàng với Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ bị ném vào lửa, còn những người chỉ tôn kính một Chúa duy nhất thì sẽ được dẫn vào Thiên Ðàng ».
Dưới mắt của người đạo Hồi, Chahada có nghĩa là xác quyết về niềm tin cội rễ và chỉ cần tuyên bố công khai xác quyết này là đủ để được coi như người đạo Hồi và đi vào cộng đồng đạo Hồi rồi. Trong viễn tượng đạo Hồi, chính là trở thành phần tử của ‘Ummah’ hay của cộng đồng huynh đệ, ở đó, nhất thiết người tân tòng thành tâm sẽ khám phá ra nguồn phong phú của niềm tin mới mẻ của họ và sẽ dần dần ý thức rằng đạo Hồi là chính thực. Tuy nhiên việc học khai tâm vẫn cần thiết và đòi phải trải qua đối với những ai muốn vào đạo Hồi. Một đứa nhỏ sinh ra phải đặt cho nó một tên đạo Hồi, để chỉ nghĩa đứa nhỏ thuộc về đạo Hồi. Tuy đạo Hồi không buộc phải cắt bì cho trẻ nam, nhưng thường cũng có một ‘nghi thức quá độ’ (rite de passage) khi đứa trẻ nam từ tuổi thiếu niên bước sang tuổi thành niên.
2. Cột trụ II : Cầu nguyện nghi thức (sada).
Trong các nước đạo Hồi, người ta nhắc nhở năm lần cầu nguyện bằng những tiếng loa phát ra từ tháp cao của giáo đường.
· Sáng tinh sương (Sobh)
· Trưa (Dhor).
· Chiều (Asr)
· Sau khi mặt trời lặn (Maghreb)
· Tối (‘Icha).
Ðó là năm lời nguyện theo nghi thức nói đến trong Coran bằng tiếng Ả Rập. Cầu nguyện là một món nợ người ta phải trả cho Thiên Chúa, Ðấng Tạo thành thế giới. Trong trường hợp không thể cầu nguyện đúng giờ, người ta có thể giãn lại vào giờ khác. « Tôi có thể giãn lại nhiều lần cầu nguyện, cũng có thể cầu nguyện ban tối sớm hơn nếu tôi mệt mỏi. Thiên Chúa không muốn làm phiền hà ai ».
Mỗi lần cầu nguyện gồm có nhiều cử chỉ (rak’a) : đứng, ngồi, phủ phục. Ðồng thời miệng đọc liên tiếp lời kinh ngợi khen. Người ta thân thưa trực tiếp lên Chúa, không qua một trung gian nào cả. Chương đầu của Coran ghi nhiều mẫu kinh thờ lạy, chẳng hạn : « Ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng Cao Cả, Ðấng toàn năng và toàn hảo. Lạy Chúa, xin lắng nghe những tôi tớ Chúa đang dâng lời ngợi khen. Con dâng phần rỗi con cho Chúa, con dâng mọi việc lành của con cho Chúa »(x.Cr 1,1-7). Còn có những mẫu cầu nguyện khác, tùy theo sáng kiến của mỗi người.
Muốn cầu nguyện nghi thức, người đạo Hồi phải trong sạch tâm hồn, phải tắm rửa thân xác hết bụi bặm và nhơ bẩn. Vì thế người nằm bệnh viện, người vướng mắc không tắm rửa được thì không thể cầu nguyện nghi thức. Nơi cầu nguyện phải thoáng đạt, không bụi bặm, thường trải ta-pi.
Những người có đời sống bất hảo cũng buộc phải cầu nguyện nghi thức để nhờ Thiên Chúa trở nên tốt hơn. Tuy nhiên những người này phải quyết tâm xa lánh điều xấu. «Cầu nguyện đối với tôi rất quan trọng. Bạn đừng nghĩ đến việc gì khác, nhất là đừng nghĩ đến những thủ đoạn làm hại tha nhân. Tôi không thấy một người nào cầu nguyện rồi sau đó lại có những cử chỉ xấu xa, mưu mô xảo quyệt... » « Lời cầu nguyện giúp người ta xa tránh những điều ngu xuẩn và những hành động đáng chê trách » (Cr 29,45).
Giáo đường (mosquée) chính yếu là nơi cầu nguyện, nhưng cũng là nơi hội họp bàn thảo về những vấn đề của cộng đoàn. Trong giáo đường thường có một ‘mihrab’ (cửa nhỏ) để chỉ về hướng La Mekke, và một ‘minbar’ (tòa giảng) để ‘iman’ đứng giảng cho đạo hữu.
Cột trụ III : Ðóng thuế theo luật (Zakat).
Zakat là một thứ ‘thuế tôn giáo’ mục đích để giúp đỡ người nghèo trong đạo Hồi, trang trải mọi sinh hoạt chung, nhất là xây cất hay bảo trì các nơi thờ tự. Nhưng mục đích của Zakat còn để tẩy rửa tâm hồn khỏi tính tham lam, hà tiện, ích kỷ. Sách Coran nói rõ những lớp người nào được hưởng phần hoa lợi của Zakat. «Những của đóng góp và dâng cúng dành cho những người nghèo, những người cần thiết, những người lo việc đón tiếp dân nghèo khổ, những người có trái tim rộng mở mua chuộc lại những kẻ bị bắt bán làm tôi tớ, những người nợ nần chồng chất, những người chiến đấu vì Thiên Chúa, và những khách đi đường » (Cr 9,20).
Luật đạo Hồi ấn định rõ ràng mức độ phải đóng Zakat. Tuy nhiên còn tùy theo các đoàn vật chăn nuôi, lượng thu hoạch mùa màng, tiền lợi tức, các vật quý hay hàng hóa. Cách chung, phải đóng thuế từ 2 đến 5%. Chế độ Zakat có nhiều khác biệt giữa các nước đạo Hồi với các nước ‘đời’ (état laic) như tại Pháp.
Thuế Zakat hàng năm có tính cách nghi thức và bó buộc và chỉ những người hay những tổ chức đạo Hồi mới được hưởng. Còn những tiền ‘làm phúc ‘ tự nguyện (Sadage) thì người ngoài đạo Hồi cũng được hưởng.
Ngoài chế độ Zakat, trong đạo Hồi còn có nhiều hình thức đóng góp khác. Trong Coran nói tới 70 hình thức chia sẻ hay làm phúc : «Ðừng ai khép đóng cuốn Sách này : Sách chỉ dạy những ai kính sợ Thiên Chúa, những ai tin tưởng vào mầu nhiệm, những ai làm phúc bố thí với những của cải Ta đã ban cho họ » (Cr 2,2-3).
Với niềm tin mạnh mẽ, nhiều người đạo Hồi tự nguyện thực hành việc chia sẻ hay bố thi : « Lúc chết, chẳng ai đem theo của cải gì đi, trừ ra những cái đã chia sẻ cho dân nghèo. Ði làm về, tôi hỏi vợ tôi xem những người hàng xóm sống đầy đủ không. Nếu nghe ai thiếu thốn điều chi, tôi liệu cách đem đến cho họ. Chỉ sau khi làm việc đó, tôi mới ngồi xuống ăn cơm tối ».
4. Cột trụ IV : Ăn chay trong tháng Ramadan (Syam ramadan)
«Này anh chị em, chay tịnh truyền cho anh chị em hôm nay giống như đã truyền cho các thế hệ trước. Hãy giữ chay những ngày đã ấn định. Ai trong anh chị em đau yếu hay đi đường có thể giãn lại và sẽ ăn chay về sau nhưng phải đủ số ngày đã ấn định. Chay tịnh có lợi ích cho anh chị em... Coran đã được mạc khải trong tháng Ramadan » (Cr 2,182-185)
Luật ăn chay hàng năm trong tháng Ramadan : không ăn, không uống, không hút thuốc, không làm tình từ lúc mặt trời lên cho tới khi mặt trời lặn. Trong các nước thuần túy đạo Hồi, sinh hoạt xã hội bị đảo lộn trong tháng Ramadan : các chương trình về tôn giáo chiếm nhiều giờ trên các đài phát thanh, điện ảnh.
Một trong những mục đích của tháng Ramadan là «tập tính tự chủ, trừ khử nhiều tật xấu, làm chủ dục vọng » : « Ðối với tôi, Ramadan là bắt đầu đời sống trong một năm mới. Tôi thấy tôi như đã bị xiềng xích, nô lệ cho nhiều chuyện, nhiều vấn đề. Tháng này ngưng lại tất cả. Tôi làm lại cuộc đời, tôi kiểm điểm mọi hành động, tôi phục tùng một Thiên Chúa duy nhất ».
Tháng Ramadan là thời gian chia sẻ và thông cảm. Tự nguyện nhịn đói hầu chia sẻ với những người đói ăn vì hoàn cảnh.«Bạn chưa hiểu Ramadan ! Chính là để "những người to lớn vì ăn no đủ" hiểu rõ hơn "những ngưới bé nhỏ vì đói ăn".
Người đạo Hồi cũng ý thức rằng, giữ Ramadan chính là trở về với Thiên Chúa : «Ramadan nhắc bảo chúng ta rằng : người ta sống trên đời không phải chỉ để ăn, để uống, để ngủ, nhưng còn để nghĩ tưởng đến Thiên Chúa. Ðó là món nợ phải trả cho Ngài. Phải cám ơn Ngài về bao hồng ân Ngài đã ban cho. Ramadan là thời điểm hướng về Thiên Chúa và ao ước Ngài ».
Sau khi mặt trời lặn, người ta ăn uống vui vẻ, có thể thức khuya thăm hỏi bạn bè., dự các cuộc trình diễn văn hóa. Các trẻ em không buộc giữ Ramadan, tuy nhiên có thể khuyến khích các em giữ một vài ngày.
5. Cột trụ V : Hành hương đến nhà của Thiên Chúa (Hajj)
Theo truyền thống đạo Hồi, chính tổ phụ Abraham đã xây (hay theo một số người, đã xây lại) ‘Nhà của Thiên Chúa’ (Kaaka) tại La Mekke. Tất cả người đạo Hồi, trong điều kiện có thể, phải đến đó hành hương ít ra một lần trong đời sống. «Quả thật, đền thờ đầu tiên đã được dựng nên cho loài người là ngôi nhà ở La Mekke: đền thờ này được thánh hiến và được xử dụng để hướng dẫn cả thế giới... Những ai có đủ điều kiện thì có bổn phận phải hành hương đến nhà của Thiên Chúa » (Cr 3,96-97).
Trước khi đi, người hành hương phải bảo đảm có đủ lương thực cho gia nhân trong thời gian mình vắng nhà. Ðến Arabie họ phải hy sinh mặc đồ trắng. ‘Ihram’ có nghĩa là tình trạng trong sạch cần thiết theo luật buộc để hoàn tất việc hành hương. Trên đường về La Mekke, người ta phấn khởi, vui mừng đi về Nhà của Thiên Chúa bằng lời cầu xin của khách hành hương (Labbay ka) : «Ôi Thiên Chúa ! chúng con đây ! chúng con đây ! Không ai được gán ghép ngang hàng với Chúa ! Mọi lời ngợi khen, mọi điều toàn hảo đều thuộc về Chúa và Nước của Chúa ! »
Trong cuộc hành hương, người ta đi vòng quanh Nhà của Thiên Chúa bảy lần như chính Mohammed đã đi. Còn những nghi lễ khác thì tập trung về thời điểm Agar và Ismael trong sa mạc. Cuộc hành hương diễn tiến trong suốt thời gian lễ ‘Aid el kbir’ tức là lễ hiến tế của Abraham. Khách hành hương ném đá vào các tấm bia tượng tưng cho ma quỷ. Sau cùng, để kết thúc cuộc hành hương, mọi người phải đi viếng mộ của Mohammed tại Médine.
Cuộc hành hương mang nhiều ý nghĩa : Trước khi lên đường, khách hành hương xin lỗi những người chung quanh về những lỗi lầm đã xúc phạm đến họ, trong cuộc hành hương, khách hành hương được tha hết mọi tội lỗi. «Tôi xin mọi người sống trong khu phố, Marocains, Algériens và Francais tha lỗi cho tôi ». Cuộc hành hương phải kể như một khởi điểm cho một cuộc sống mới. Sau lần hành hương, người đạo Hồi muốn sống tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa... Hành hương về La Mekke còn là dịp biểu đương sức sống mạnh mẽ của Cộng đồng đạo Hồi (Ummah).
IX. NHỮNG NGÀY LỄ CỦA ÐẠO HỒI
1. Nhiều ngày lễ trong năm đạo Hồi.
Trong năm, đạo Hồi có nhiều ngày lễ :
· Lễ ‘Muharram’ tức ngày đầu năm tưởng nhớ Mohammed di tản tới Médine.
· Lễ ‘Mulud’, lễ có tính cách bình dân để kỷ niệm ngày sinh nhật của Mohammed. Lễ này bị nhiều người chống đối vì không được dành một phụng tự nào cho Ngôn Sứ của Thiên Chúa.
· Lễ ‘Ðêm Ðịnh Mệnh’, cử hành vào ngày 27 tháng Ramadan, kỷ niệm ngày Mohammed nhận được mạc khải đầu tiên.
· Lễ ‘Achoura’ : Ngày thứ 10 trong năm, đối với ngành Chiites rất quan trọng : Họ kỷ niệm ngày tạ thế của Hocéine là cháu của Mohammed tử đạo vì đức tin.
· Hai lễ quan trọng hơn cả : lễ ‘Kết thúc tháng Ramadan’ và ‘Hiến tế của Abraham’.
2. Lễ kết thúc tháng chay Ramadan (Aid es Seghir).
Trong lễ này, nổi bật tinh thần ‘đổi mới thiêng liêng’ của người Hồi giáo sau tháng chay tịnh. Ðây là lúc mọi tín đồ thi nhau làm việc bố thí, góp tiền giúp đỡ dân nghèo khổ, đói kém... Theo truyền thống, mọi người được mời đến cầu nguyện chung ở ngoài trời, bạn bè chúc nhau thăng tiến đời sống. «Chớ gì lễ này trở thành lời chúc phúc cho chúng tôi, cho các bạn và cho nhiều người khác » Lễ này cũng được gọi là lễ ‘giải hòa’.
3. Lễ hiến tế của Abraham (Aid el kbir).
Lễ này cử hành vào ngày thứ bảy mươi sau tháng Ramadan, nhắc lại cuộc hiến tế của Abraham. Câu chuyện được kể lại trong Coran (Cr 37,102-109). Theo lệnh của Thiên Chúa, Abraham không sát tế con mình là Isaac ( Ismael, theo truyền thống của đạo Hồi), nhưng là con cừu đực. Chính vì thế, chủ yếu của ngày lễ là ‘cắt cổ một con cừu, rồi nấu lên và cả gia đình cùng ăn, có thể mời lối xóm đến dùng chung’, để nhắc nhở : người tin tưởng thật sự là người quy phục Thiên Chúa theo gương Abraham.
X. CON NGƯỜI THEO ÐẠO HỒI
Sách Coran, các Hadith và Luật đạo Hồi (Chari’a) rất chú trọng đến con người. Các ngành đạo Hồi rất khác nhau về quan điểm phụng tự, chính trị, xã hội, văn hóa... nhưng tất cả đều có chung một quan niệm về con người :
1. Ðịa vị của con người : Con người là thụ tạo ưu biệt của Thiên Chúa.
Rất nhiều lần sách Coran nhắc nhở rằng : Với quyền năng tối cao của Ngài, Thiên Chúa đã cho con người hiện hữu ngay từ trong lòng mẹ. Nhưng, cho dù được tạo dựng cách rất hòa hợp và diệu kỳ, con người vẫn yếu đuối, vô ơn, hay thay đổi... và còn làm đổ máu người khác. «Con người được dựng nên, không kiên định, yếu hèn mỗi khi gặp rủi ro, bạo tàn mỗi khi được sung sướng » (Cr 70,19-21).
Thiên Chúa thổi thần khí của ngài vào con người để con người có khả năng tham dự một phần đặc tính cao đẹp của ngài, như trí thông minh, trí phán đoán... Nhưng địa vị của con người cốt yếu ở giao ước huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và loài người ngay từ khi tạo thành vũ trụ. « Thiên Chúa đòi con cái Adam tuyên chứng tương quan huyền nhiệm giữa Ngài với họ : Nào Ta không phải là Chúa của các ngươi sao? Họ trả lời : Vâng, chúng tôi tuyên chứng điều đó !» (Cr 7,177).
Cũng vậy, theo giáo huấn của Coran, mọi người đều có một thiên hướng là tin vào Thiên Chúa duy nhất và vào Ngôn Sứ của Ngài, từ bẩm sinh, mọi người đều có khả năng nhận ra chân lý mà Coran trao truyền. Vì thế cố chấp từ chối đạo Hồi là một tội phạm. Lý tưởng là mọi người trở thành ‘tín hữu đạo Hồi’.
2. Người tín hữu đạo Hồi là người quy phục Thiên Chúa.
‘Người quy phục Thiên Chúa’ là ý nghĩa của từ ‘Musulman’. Bởi lẽ Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo và là Tôn Sư của mọi loài. Vì thế hết mọi loài phải thuần thục quy phục Thánh Ý Ngài. Sách Coran nhắc bảo luôn rằng người tín hữu quy phục Thiên Chúa sẽ được thưởng nước Thiên Ðàng, và ai không quy phục Thiên Chúa sẽ lãnh chịu cơn thịnh nộ của Ngài. « Họ phải chịu sỉ nhục đê hèn ngay ở đời này và hình phạt khủng khiếp ở đời sau » (Cr 2,114)
Muốn quy phục hoàn toàn Thiên Chúa, người đạo Hồi phải tuân thủ các giới răn của Luật đạo Hồi (Chari’a) và phải miệt mài tìm hiểu Luật ấy. Người tín hữu chân thành phó thác cho Thiên Chúa bằng việc từ bỏ và tôn thờ.
3. Người tín hữu đạo Hồi là người bình thản và vững tâm về niềm tin.
«Tôi bình thản... » người đạo Hồi thường dùng kiểu nói này để chứng tỏ họ lương thiện, họ sống đúng luật Chúa và luật xã hội. Thực tế, một người tín hữu chân thành là người bình thản. Khi họ thi hành đầy đủ những đòi buộc tôn giáo và luân lý, họ là những người đơn thành. Phương án sống của đạo Hồi là sống thật trung dung, không theo tà thần như dân ngoại đạo, không vô thần như người Maxít, không khổ chế như người phật tử hay kitô. Cái hy sinh của họ là nỗ lực đi trên con đường của Thiên Chúa.
Mọi niềm vui và hoan lạc đều tốt và do Chúa muốn như vậy. Họ rất chú trọng đến hoan lạc xác thịt trong hôn nhân. Người đạo Hồi khó hiểu về đức khiết tịnh của người tu sĩ công giáo. Có một Hadith phát biểu rõ ràng : «Những ai tin tưởng, xin đừng lấy tôn giáo cấm đoán những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã tuyên bố là hợp pháp cho các người ».
4. Ba nhân đức căn bản của người đạo Hồi.
· Ðức nhẫn nại : Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng, ban sự sống và sự chết, những thử thách và mọi hồng ân. Trước mọi đau khổ chung của con người như bệnh hoạn và chết chóc, người ta không hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể biến cải con người theo thánh ý Ngài. Không ai có thể đối nghịch với điều Ngài truyền dạy. Người theo đạo Hồi không nổi loạn với Thiên Chúa. Họ thường nói « Thiên Chúa muốn như vậy » hay « Nếu Chúa muốn » (Incha’llah). Do đó họ nhẫn nại trước những thử thách của đời sống.
· Ðức hiếu khách : Người ta rất cảm phục về nhân đức này của người đạo Hồi đối với khách xa lạ. «Nếu bạn đón tiếp một người mà họ không biết bạn và bạn không biết họ, tức là bạn đón tiếp người khách trọ của Thiên Chúa, người Thiên Chúa sai đến ». Cho Khách trọ nhờ là một đòi buộc tôn giáo như Coran và Hadith thường nói, thí dụ « Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, thì vào ngày sau hết sẽ được đối xử tốt như người khách trọ của Thiên Chúa ».
· Ðức công bằng và tinh thầnï chia sẻ : Theo quan niệm của đạo Hồi, người giầu là người quản lý tài sản của Thiên Chúa. Những tài sản ấy không thể bị thất thoát. Mọi sự thuộc quyền Ðấng Tạo Thành, tài sản của ai cũng chỉ là của Thiên Chúa cho mượn. Người đạo Hồi không có quyền dính bén của cải, của cải không theo người chết, chỉ có việc lành phúc đức đi theo thôi. Vì thế người giầu không được khai thác người nghèo, trái lại phải từ tâm chia sẻ cho hợp tình hợp lý với những người khổ cực hơn mình. Những người hành khất thường nói : «Xin cho tôi cái đã được ban cho ông (bà) vì tôi ». Người đạo Hồi chân chính không khi nào chấp nhận sự bất công. Có lời Hadith : « Vào ngày phán xét, người để mình bị lôi cuốn làm điều bất công cũng sẽ bị luận án như chính người làm điều bất công ». Sự chia sẻ trước tiên là ở trong gia đình, nhưng cũng với những người khách trọ, với người thân cận, nhất là những người nghèo khổ. «Mỗi khi bạn bố thí cho người nghèo hay người già cả, là bạn đi tới La Mekke, La Mekke vô hình ». Nói về sự chia sẻ công minh trong gia đình, cần lưu ý đến ‘tình trạng đa thê’ : Khi hạn chế một người đàn ông chỉ được lấy bốn người vợ, sách Coran đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải công minh giữa các bà vợ. Tại Médine, Mohammed có nhiều vợ. Ngày nay, chế độ đa thê thực tế đã biến mất trong nhiều nước đạo Hồi.
XI. CÁC CỘNG ÐOÀN VÀ CÁC KHUYNH HƯỚNG ÐẠO HỒI
1. Ba ngành đạo Hồi.
Tất cả những người đạo Hồi nhìn nhận nhau thuộc về một cộng đồng duy nhất là ‘Ummah’. Vượt khỏi giới hạn thời gian và không gian, cộng đồng bao gồm tất cả những người tuyên xưng Islam, tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và Mohammed là ngôn sứ của Ngài. Tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, vì tranh quyền kế vị Mohammed, cộng đồng đạo Hồi đã chia ra thành ba ngành lớn sau đây.
· Ngành Sunnites với 87% tín đồ đạo Hồi. ‘Sunnites’ bởi từ ‘sunna’, truyền thống của Ngôn Sứ Mohammed. Ðối với họ, Luật đạo Hồi được công thức hóa trong bốn trường phái tư pháp. Những khác nhau giữa bốn trường phái chỉ là những điểm phụ thuộc. Những điểm này rải rác trên các nước đạo Hồi, kể cả những nước có ngành Chiites hiện diện. Phi châu và Indonésie hầu như toàn tòng ngành Sunnites.
· Ngành Chiites với 12,2% tín đồ đạo Hồi. Những người đạo Hồi này tách rời khỏi ngành Sunnites bởi vì họ muốn Iman kế vị Mohammed đứng đầu cộng đồng, là một phần tử thuộc gia đình của Ngôn Sứ. Trong Chiites, các iman kế tiếp nhau đều là con cháu thuộc dòng Ali, con rể của Mohammed. Chiites còn chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm chịu ảnh hưởng của một ‘iman ẩn dật’ (iman sau cùng mất đi, không để lại hậu duệ, cộng đoàn được điều hành bởi các chức sắc trong đạo). Họ chủ trương tìm hiểu những ý nghĩa mầu nhiệm của Coran, vì thế họ rất coi trọng các bản văn Coran. Tại vùng Ðông phương và Trung đông họ hiện diện lẫn lộn với ngành Sunnite nhưng tại Iran, họ hầu như toàn tòng.
· Ngành Kharejite với 0,3% tín đồ đạo Hồi. Ly khai khỏi ngành Chiite, họ chủ trương sống luân lý khắc khổ và tỉnh thức bảo toàn một xã hội truyền thống đạo Hồi. Họ tập trung ở các miền Nam Algérie, đảo Djerba nước Tunisie, miền Nam Lybie, Oman.
2. Các khuynh hướng đạo Hồi
Trước tiên phải kể đến khuynh hướng Soufisme có ngay từ đầu lịch sử đạo Hồi và tản mát trong cả ba ngành, với chủ trương đậm mầu sắc huyền bí : đi tìm kinh nghiệm thiêng liêng về tình yêu của Thiên Chúa, coi những khía cạnh trần thế của đạo Hồi là thứ yếu. Từ gần hai thế kỷ nay, giữa ba ngành đạo Hồi lại xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau, sau đây là năm khuynh hướng nổi bật :
· Khuynh hướng ‘Duy Tân’ : chủ trương đổi mới đạo Hồi, thích ứng đạo Hồi theo những biến chuyển của xã hội mới hiện nay về các quan điểm xã hội, tôn giáo, chính trị, văn hóa, tự do...
· Khuynh hướng ‘Truyền Thống’ : chủ trương đổi mới đạo Hồi về phạm vi nhân bản, nhưng trung thành với truyền thống của người xưa.
· Khuynh hướng ‘Ðạo Hồi’ phát triển trong nhiều nước. Những người đạo Hồi theo khuynh hướng này chủ trương : sau thời đại thuộc địa, đạo Hồi phải nổi bật lên bằng việc áp dụng nghiêm chỉnh mọi giới truyền của Ðạo Hồi. Họ tố cáo những chính phủ ‘đời’ thất trung với đạo Hồi khi chạy theo các quan niệm sống, chính trị, kinh tế của Tây Phương. Các tổ chức ‘huynh đệ Hồi giáo’ nằm trong khuynh hướng này.
· Khuynh hướng ‘Thiêng Liêng’ : tương tự như khuynh hướng ‘Truyền Thống’, thường ăn sâu trong khuynh hướng ‘Soufisme’. Các thành viên phải dành thới gian đi tuyên truyền đạo Hồi và thúc đẩy người ta trở về với Thiên Chúa.
XII. NHỮNG THẮC MẮC VỀ ÐẠO HỒI.
Dĩ nhiên là có nhiều. Chúng ta không thể nêu ra hết, và càng không thể giải đáp đầy đủ được. Lý do thứ nhất : giáo lý và truyền thống của đạo Hồi (Coran, Sunna, Hadith) mênh mông và phức tạp, thứ đến người viết không chuyên về đạo Hồi. Vì thế ở đây tôi chỉ nêu lên mấy thắc mắc cơ bản liên quan đến giáo lý của Kitô giáo, và mấy thắc mắc khác đáng coi là ‘điểm nóng’ trong xã hội hiện nay.
1. Khác biệt tín lý cơ bản giữa Kitô giáo và đạo Hồi.
Cũng là đạo độc thần như Do thái giáo và Kitô giáo, cũng tin vào Thiên Chúa vô hình, tự hữu, duy nhất, sáng tạo, chí công, chí thánh, chí nhân... Tuy nhiên Thiên Chúa của đạo Hồi là Thiên Chúa của Cựu Ước hơn là của Tân Ước. Khi đọc mấy điểm tin cơ bản của đạo Hồi dưới đây, chúng ta thấy ngay được ‘những điểm khác biệt không tài nào hòa hợp được’ giữa Kitô giáo và đạo Hồi. Sau những yếu tố chính trị, kinh tế và văn hóa, sự khác biệt đức tin này đã là nguyên nhân của bao nhiêu đụng độ đau thương giữa đạo Hồi và Kitô đã và đang xẩy ra trong lịch sử.
· Về Thiên Chúa : đạo Hồi tin nhận một Thiên Chúa tuyệt đối duy nhất, không tin Chúa Ba Ngôi (Cr 4,169 ; 5,77).
· Về Ðức Kitô : đạo Hồi không tin nhận Ðức Kitô là Ngôi Hai, là Con của Ðức Chúa Cha, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Ðấng Cứu Thế, Ðấng đã chết trên Thập giá và đã sống lại (Cr 4,156 ; 5,79) .
· Về Mohammed : đạo Hồi công nhận ba ngôn sứ lớn của Thiên Chúa : Moise người công bố Torah, Giêsu người công bố Tin Mừng, và Mohammed, người công bố Coran, và chỉ ông mới là vị Ngôn sứ cao nhất, kết thúc mọi lời tiên tri (Cr 5,84 ...).
.....
2. Những ‘điểm nóng’ hiện nay.
· Thánh chiến, tử đạo : Ðoạn tài liệu sau đây cắt nghĩa cho chúng ta hiểu hai cụm từ ‘thánh chiến’ và ‘tử đạo’ mà nhiều người dạo Hồi hiện nay đang chủ trương. Như chúng ta biết, năm 622, đang là thủ lãnh tôn giáo tại La Mecque, Mohammed đã trở nên thủ lãnh chính trị và quân sự và tổ chức cộng đồng những người tin tưởng. Ông ký hiệp ước với bốn nhóm mệnh danh là hiến chế Médine với mục đích lập hiệp đoàn các bộ lạc do thái và ả rập để bảo vệ lẫn nhau. Từ đó các đồ đệ của Mohammed mang tên là Muslimum, nghĩa là thành viên của Islam. Nhưng không muốn lệ thuộc vào những người dân thành Médine nữa, năm 623 Mohammed khởi sự tấn công La Mecque và quả quyết luật của Thiên Chúa phải thắng vượt tục lệ sa mạc. Năm sau, ông thắng trận ở Badr. Từ đó ông tuyên bố : 1) theo đuổi chiến tranh thánh, tức Jihad, chống lại mọi kẻ thù của Allah, 2) người chết trong chiến tranh thánh sẽ là người tử đạo, tức Chahid, 3) dành 1/5 chiến lợi phẩm cho ông. Năm 625, ông bị người La Mecque đánh bại ở Mont Ohod, nhưng hai năm sau ông lại tấn công và thắng trận ở Fossé và ông thanh toán hoàn toàn các bộ lạc Do Thái. Năm 628 ông hành hương về La Mecque và ký hòa ước với La Mecque. Ông trở thành thủ lãnh chính trị hùng mạnh. Nhưng ngày, 8.6.630, Mohammed tạ thế, hưởng thọ 63 tuổi, chưa kịp chỉ định người kế vị nhưng đã đặt nề nếp cho đạo Hồi. Ðọc Coran, chúng ta gặp nhiều câu khích động chiến tranh và tàn sát dân ‘ngoại đạo’, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng những vụ người đạo Hồi giết người kitô tại Ðông Timor, Pakistan, Soudan... Câu Coran hay được trưng dẫn nhiều nhất có lẽ là «Ðối với quân thờ tà thần thì gặp đâu giết đó... »(Tuez les idolâtres partout où vous les trouverez) (S.IX,5).
· Khủng bố hồi giáo : Ngày nay người ta dùng quá nhiều cụm từ ‘khủng bố hồi giáo’ (terrorisme islamique). Khi được hỏi « khủng bố hồi giáo » có phải là một thực hành Coran không ? », cha Maurice Borrmans, nhà chuyên môn về đạo Hồi đã trả lời : «Ðồng hóa đạo Hồi với khủng bố là điều không nên. Tuy nhiên ai cũng biết chiều kích chính trị bạo lực (dimension politico-violente) của vị sáng lập đạo Hồi, vốn được coi là ‘chef guerrier’, Mohammed đã nói : «Thiên đàng nấp bóng lưỡi kiếm » (Le Paradis est à l’ombre des épées) .
· Ðịa vị người đàn bà :
Với phong trào dành quyền cho nữ giới mỗi ngày một phát động mạnh mẽ trên thế giới từ mấy thập niên qua, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ, người ta đang nói nhiều đến địa vị của người đàn trong đạo Hồi, tiêu biểu nhất là tại các nước đạo Hồi Ả Rập. Ở đây chúng ta chỉ thoáng nhìn về ba điểm :
1) Vấn đề đa thê : Chương IV của sách Coran nói nhiều đến quyền hạn và bổn phận của người đàn ông trong việc kết hôn. Theo đó, người đàn ông có thể lấy nhiều vợ tùy khả năng, nhưng nếu thấy không nuôi nổi và con cái thành mồ côi thì chỉ lấy 2 đến bốn vợ thôi (Cr 4,3). Một người có thế lực về cả đạo lẫn đời như ông Mohammed, ông đã có thể kết hôn với 23 người phụ nữ, người đầu tiên là bà quả phụ giầu có Khadija.
2) Trong gia đình và ngoài xã hội : Chúng ta còn nhớ quan niệm cổ xưa của Nho giáo «Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô », « chồng chúa vợ tôi », «Tòng phụ, tòng phu, tòng tử » hoặc « con gái là con người ta » nên khỏi cần cho đi học... Ở Việt Nam những quan niệm như trên không còn nữa. Nhắc lại những quan niệm trên để chúng ta thông cảm nhiều hơn với hoàn cảnh của nữ giới sống theo phong tục Ả Rập và ‘giáo lý’ của đạo Hồi hiện nay: «Ðàn ông quản lý đàn bà... » (Sura 4,34).
3) Khăn trùm đầu của nữ giới trong đạo Hồi : Ðây là một trong những điểm nóng của xã hội Pháp hiện nay. Nhất là với luật «cấm trùm khăn trong khuôn viên trường công », biểu quyết tháng 2.2004 và sẽ áp dụng vào tháng 9.2004. Qua màn ảnh, báo chí, chúng ta đã thấy những hình ảnh vận đồ đen, trùm khăn đen, che mặt bằng khăn đen của đàn bà các ‘nước đạo Hồi thuần túy’ (Afghanistan, Iran...). Một cách chính thức, sách Coran nói đến việc ngtười nữ phải trùm khăn (Cr 33,57).
· Ðối thoại tôn giáo : Trong Tuyên ngôn về «Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo », Công đồng Vatican II dành số 3 nói đến đạo Hồi. Ðây là lần đầu tiên trong Giáo Hội, qua một đoạn vắn, Công đồng ghi lại tất cả những gì có tính cách tích cực trong đạo Hồi : Sự thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, Tạo Hóa, thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa, lời cầu nguyện và lòng sám hối của họ, lòng tin tưởng vào tổ phụ Abraham. Dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Giêsu, đạo Hồi vẫn tôn kính Ngài như một vị Ngôn sứ, và tôn kính Mẹ đồng trinh của Ngài. Công Ðồng còn khích lệ người công giáo cố gắng để mọi người quên đi những mối thù địch xưa kia giữa Kitô giáo và đạo Hồi, và gầy tạo niềm quý trọng lẫn nhau, cố gắng ý thức nhiệm vụ chung nhằm lợi ích cho mọi người. Thế nhưng trong thực tế là rất khó, nếu không nói là ‘không thể được đối với đạo Hồi’. Vì hàng chữ của Coran còn đó «không nhượng bộ gì với dân ngoại đạo, nhưng hãy đánh gục xuống » (ne cède point aux infidèles, mais combats-les fortement) (Cr 25,54). Ðạo Hồi chỉ đối thoại chính trị tại những nước mà họ còn là thiểu số. Trên bản đồ về « việc đàn áp tự do tôn giáo trên thế giới » do tổ chức "Christian Solidarity International" (CSI) phổ biến năm 1996, chúng ta thấy những nước đạo Hồi «ức hiếp tự do tôn giáo dữ dằn hơn các nước cộng sản. ». Người ta phân là ba loại : 1) Những nước phạm đến tự do tôn giáo trầm trọng (situation sérieuse) : Việt Nam, Ethiopie, Kenya, Nigénia, Malaisie, Indonésie, Timor Est, Somalie, Libéria, Syrie, Pakistan, Ouzbekistan. Loại này, chỉ mình Việt Nam là Cộng Sản còn các nước khác là đạo Hồi. 2) Những nước phạm đến tự do tôn giáo cách nặng nề (situation grave) : Trung quốc, Tibet, Birmanie, Laos, Corée du Nord, Irak, Turkie, Iran,Afghanistan, Egyptes, Soudan, Libie, Algérie, Maroc, Mauritainie. Loại này, có năm nước đầu ở Á Châu là cộng sản, còn lại là các nước đạo Hồi thuộc Phi Châu và Ả Rập. 3) Một nước duy nhất trên thế giới tuyệt đối chỉ có đạo Hồi, thẳng tay giết chết, cầm tù, trục xuất những người, dù là ngoại quốc tỏ một dấu "ngoại đạo" (như làm dấu Thánh giá, đeo ảnh...), đó là nước Arabie Saoudite. Không thể có đối thoại tôn giáo khi không có tự do và khoan dung về tôn giáo.
XIII. ÐÔI LỜI KẾT
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy đạo Hồi đã qua những thế kỷ vinh quang và thành công (thời đế quốc Ottoman) và những thế kỷ sa sút (nhà Ottman bị tan vỡ, và thời Âu Châu phát triển với chế độ bảo hộ hay thuộc địa) và từ mấy thập niên qua lại được phục hồi (vì Âu Châu thế chiến, chấm dứt chế độ thuộc địa, khủng hoảng kinh tế sau thế chiến) và phát triển mạnh (với phong trào độc lập của các quốc gia nhỏ, nguồn lợi dầu hỏa của các nước Ả Rập, làn sóng di cư qua các nước Âu Châu). Một bằng chứng rõ rệt là số tín đồ của đạo hồi vào năm 1996 mới chỉ có chừng 900.000 người mà nay đã vọt lên 1.200.000.000.
Với con số 1.200.000.000 tín đồ sống đạo đông đảo trên hơn 40 nước Bắc Phi, Nam Á, Ả Rập, và cả Âu Châu, ‘đạo Hồi quả thật muôn hình dạng’ (Islam aux mille visages) khi đi vào những nền văn hóa, kỹ thuật, tôn giáo, xã hội, phong tục ... khác nhau của mỗi quốc gia hay lục địa.
Cũng vì thế, đạo Hồi luôn có những ‘căng thẳng’ nội bộ : chính thống và tà giáo, bảo thủ và cấp tiến hay phản kháng, canh tân và cách mạng, chủ hòa và bạo động, ôn hòa và cuồng tín ...
Những ‘căng thẳng nội bộ’, nhìn vào một khía cạnh nào đó, cũng là một dấu hiệu tốt về ‘sự thức tỉnh’ sống đức tin, ‘nỗ lực hội nhập và thích ứng’ với những thay đổi và tiến bộ không ngừng của thế giới con người.
Bởi vậy, bỏ qua những khía cạnh chính trị, kinh tế, quân sự nằm ngoài tầm vóc và khả năng của mình, người viết bài viết này chỉ có mục đích giúp người đọc hiểu biết phần nào về đạo Hồi, để cùng với Giáo Hội «chúng ta có một cái nhìn kính trọng và khâm phục, tìm học những điều hay tốt của đạo Hồi » (NE 3), đồng thời hãnh diện tuyên chứng niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu mà đức Giêsu Kitô mạc khải và truyền dạy chúng ta Tân Ước.
----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo.
· Le Coran (traduit de l’arabe par Kasimirski) . Flammarion, Paris 1970.
· Dominique Sourdel : L’Islam, Presse Universitaire de France,1962
· Missi, 1980 ( ?) : L’Islam dans le monde.
· Asie Religieuse, Églises d’Asie, 1995
· Fêtes et Saisons, n. 421. 1.1988 : Regard sur l’Islam.
· Feu et Lumière, n. 202. 1.2002 : Islam Djihad ou Dialogue ?
· Phan Thiết : Hành Hương Ðất Chúa : ch.V ‘Mohamét và Ala là ai?. Australia, 2002.
· France Catholique, n.2864.10.2003 : Quel dialogue avec l’Islam ?
· Expresse n.2847, 26.01.06.