CAI NHIN 8 - Ấn giáo
Mai Đức Vinh
ẤN GIÁO
LTS. Bà Ysé Tardan-Masquelier, tiến sĩ Khoa Học Tôn Giáo, giảng viên đại học Paris-Sorbonne, giám đốc trường Yoga Pháp và là chủ bút tờ 'Revue Francaise Yoga'. Bà cộng tác với ông Lenoir sọan cuốn tự điện 'Encyclopédie des Religions et le Livre des Sagesses' (Bayard). Cùng với ông Jean Mouttapa, bà cũng vừa khởi sự bộ 'Planète Inde' (Albin Michel). Tác phẩm của bà 'Un milliard d'hindous. Histoire, Croyances, Mutations' đã được ấn hành bởi nhà xuất bản Albin Michel năm 2008.
ẤN GIÁO, MỘT VĂN HÓA VÀ NHIỀU THẦN LINH
1. Trở về nguồn
Với một tỷ tín hữu, ấn giáo (hindouisme) ngày nay là một tôn giáo đứng thứ sáu trên hoàn cầu. Nước duy nhất đông đảo tín đồ là Ấn Độ, với 83% dân chúng, tức quãng 900 triệu người. Tại Népal ấn giáo là quốc giáo, đang khi tại những nước láng giềng như Pakistan, Sri Lanka, Bangdalesh, ấn giáo chỉ là thiểu số. Ấn giáo cũng có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng đông đảo hơn cả là Hoa Kỳ và Anh quốc.
Chỉ bó gọn ấn giáo vào 'tôn giáo' là sai lầm. Vì ấn giáo bao gồm một sự dị biệt khác thường về giáo thuyết, văn hóa, phụng tự và minh triết. Sự dị biệt phong phú đến độ chưa bao giờ có một quyền bính trung ương hay một cơ cấu tín lý nào có thể thống nhất lại được. Người ta có thể biện minh rằng sự sung túc này dựa trên một văn hóa tôn giáo chung đã bao thế kỷ vốn trung thành với những bản văn của các vị sáng lập: các ngài dạy phải sùng bái các thần tính cao cả (grandes divinités), tin tưởng vào thời gian chu kỷ (temps cyclique), vào kiếp luân hồi, vào việc tìm kiếm sự giải thoát cuối cùng.
Tại Ấn Độ, kinh nghiệm và học bìết tôn giáo căn cứ trên một bộ văn bản cổ thời là kinh Vệ Đà (Veda), được viết ra từ thế kỷ II trước công nguyên, và cho tới ngày nay vẫn được ân cần xử dụng và chú giải. Những bản văn này suy tôn các thần tính đã tạo dựng và an bài thế giới (Dharma). Các thần tính cai trị thế giới bằng việc bội sinh sức mạnh mà các lễ điển nhân loại nuôi dưỡng và bảo trì thế giới. Tác giả của các văn bản này là các bậc đại Rhisis. Các ngài không phải là các nhân vật lịch sử, nhưng là những người đã lãnh nhận những mạc khải dưới hình thái các thị kiến, rồi sao chép lại trong ngôn ngữ tinh nhuệ là tiếng Sanskrit. Tiếng Sanskrit là 'cỗ có đặc quyền' (vehicule privilégé) chuyên chở các kiến thức thánh thiêng.
Một quan niệm chính yếu là quan niệm về đức Phạm Thiên (Brahmane), Hữu Thể Tuyệt Đối, được biểu hiện qua lời thần linh sáng tạo, và qua các hình thức phụng vụ kiến hiệu. Người tín đồ học hỏi và đọc kinh Vệ-đà. Và khi thấm nhuần, họ sẽ hiểu được phải cộng tác làm sao với Dharma, vào trật tự nguyên thủy và vào việc tiếp tục tạo dựng thế giới bằng hành động nghi lễ (action rituelle, rita), Đó là trách nhiệm căn bản. Mỗi cá nhân được thúc đẩy hoàn tất một số điều kiện hầu sống ngay thẳng và tinh sạch, hầu hoàn tất một nỗ lực kiên trì, đúng theo những nguyên lý vô hình (principes intangibles). Xã hội Vệ Đà được quản trị bởi một lớp các chuyên viên (spécialistes), các nhà thần học, các nhà chú giải và các nhà phụng vụ, tức là các brahmanes. Nhờ họ, các quân nhân, các thương gia và các thủ công nghệ lãnh nhận được những mạc khải và kiến thức cần thiết.
2. Thai sinh lòng mộ đạo
Từ thế kỷ VIII đến IV trước công nguyên là thời gian dài khủng hoảng về triết lý. Chính trong thời gian này tôn giáo vệ đà bị đặt nhiều vấn đề, bị biến đổi sâu đậm, và khai sinh một Ấn giáo thuần tuý (proprement dit). Những giảng sư tinh thần chạy khắp vùng Hằng giang (Gange) thuyết giảng những tư tưởng mới: Đức Phật là một trong những giảng sư ấy, cũng như giảng sư Mahavira, người sáng lập đạo Jainisme, một trường phái chị (école sœur) của phật giáo, và khắc khổ hơn thuyết khắc kỷ nhiều. Các giảng sư khác trung thành với gia sản vệ đà, họ tách xa những người theo thuyết lễ điển cực đoan và chủ trương chú giải kinh Vệ Đà theo chiều sâu. Những giáo huấn của họ được ghi chép lại trong bộ Upanishads. Những bản văn này được trình bày dưới hình thức đối thoại, chứng tỏ họ là những người đang đi tìm đường diệt khổ và chọn lựa con đường sống ngay thẳng, chuyên cần suy niệm để tạo nên sự an bình của tâm hồn. Họ thiết lập một căn tính giữa brahmane vệ đà và trung điểm của hữu thể con người mà họ gọi là âtman, 'ngã'. Từ căn tính đó họ tạo nên cơ sở bất biến của vũ trụ hiển dương. Họ muốn chứng tỏ rằng: trong cuộc nếp sống từ bỏ, họ được tự do nội tâm, họ xa tránh được những rùng rợn của dục vọng và của ham hố, và do đó, họ gắn bó với một niềm vui vững bền. Những hiền nhân này đã xây nên những linh đạo cho đến nay vẫn còn sống động tại Ấn Độ.
Một tiến trình lịch sử rộng lớn đã bừng nở từ thế kỷ IV trước công nguyên, đó là tiến trình của Bhakti, những niềm tin tưởng được kết tinh lại chung quanh một Thượng Đế tối cao mà người này gọi là Vishnou, người khác gọi là Shiva. Bhakti khẳng định: đó là một Hữu Thể trổi vượt trên mọi thần linh khác, độc lập đối với vũ trụ, trách nhiệm về sự tuần hoàn của vũ trụ và của mọi cõi thế mà Hữu Thể ấy sinh ra, nâng đỡ và hủy diệt.
Trong bối cảnh mới mẻ về tôn giáo, Bhagavad-Gita (thế kỷ IV-II trước kỷ nguyên) giữ một chỗ ngồi duy nhất. Tôn giáo mới này đã kiến tạo bản văn nền tảng cho những phụng tự lớn thời trung cổ và cho đến ngày nay người còn ta tiếp tục nghiền ngẫm và học thuộc lòng bản văn nền tảng ấy. Sức mạnh của ẩn tàng của bản văn này là biết tổng hợp và chế hóa từ những dữ kiện cổ xưa, những nghi lễ, hiến tế, tri thức, và những quan điểm mới về hành động vô vị lợi, về sự từ bỏ và về sự giải thoát khỏi vòng hiện hữu. Thực tế, giáo huấn Vishnou-Krishna, một Thượng Đế Quan Phòng cao cả, luôn bảo trì Dharma (trật tự nguyên thủy) và chấp nhận mối liên quan trực tiếp với những ai tôn thờ ngài và trao ban cho trật tự ấy một sự thánh thiêng đặc biệt.
Cũng vào thời đó, những truyền thuyết khác đã kết tinh lại chung quanh hình ảnh của Shiva và hình ảnh của đại nữ thần mà người ta gọi là Shakti, 'nghị lực'. Ngoài những đại thần tính vừa nói đến, Ấn giáo còn tôn thờ Ganesha, vị Thượng Đế 'ngụ ở đầu con voi' và làm chủ mọi hiểu biết và mọi phương án; kế tiếp là thần Râma, tức thần Vishnou được luân kiếp vương giả, thần Kumara, con trai của Shiva, biểu tượng cho tuổi trẻ trường cửu và nhiều thần khác nữa.
3. Phòng giữ sự tinh tuyền đạo lý.
Tuy nhiên những người theo khuynh hướng chính thống vệ đà, không muốn bỏ mất uy quyền đối với những hình thức phụng tự mới đôi khi phô trương thái quá. Họ đã phản ứng và nhận định lại những khía cạnh thần học, phụng vụ và cương quyết đi vào khuôn khổ, đồng thời nêu cao ý niệm đúng về Dharma (trật tự nguyên thủy). Những bài khảo luận về Vệ Đà nêu bật cơ cấu của một xã hội tôn giáo từ những khía cạnh nền tảng: Họ nhấn mạnh đến những phẩm trật giai cấp, tầm quan trọng của các nghi lễ ở mỗi thời đại, sự cần thiết phải từ bỏ ngay trong đời sống tại thế. Họ đưa ra một quy luật nghiêm khắc về những điều cấm đoán và những điều buộc giữ, mục đích để phòng giữ và tìm cho được sự tinh tuyền của nghi lễ và của đạo lý.
Những người hay những nhóm bảo thủ hẹp hòi đưa ra nhiều văn bản. Nhưng những văn bản này thường bị các 'trường phái thoát tục' (écoles de renoncants), nhất là nhóm Shivaitess, chống đối kịch liệt. Vì họ muốn bãi bỏ những quy luật đã thiết định, hầu nêu cao chủ trương 'tự do tinh thần'. Vào thế kỷ II, ấn giáo chia ra thành nhiều nhóm khác nhau với nhiều giảng sư khác nhau. Và cứ tách ra nhiều theo truyền thống mỗi địa phương. Những truyền thống miền nam Ấn, ít bị rối loạn nhờ những cuộc xâm chiếm của hồi giáo, đã sinh hoạt như 'những trường ký ức tôn giáo' (conservatoires de la mémoire religieuse). Những truyền thống miền bắc Ấn, vì liên hệ với hồi giáo, đã diễn biến theo những hình thức độc thần. Khắp nơi, tôn giáo biểu dương lòng sùng mộ đối với một thần tính quan tâm đến những đau khổ của tín đồ và được lễ tế bởi các tăng lữ sống trong nội cung đền thờ. Nhiều đền thờ trở thành địa điểm hành hương. Những ngày lễ tôn giáo, vừa nhiều vừa ngoạn mục, là dịp hội ngộ giữa các giai cấp và trao đổi thân tình giữa những 'người muốn thoát tục' (renoncants) và 'những đại nhân tinh thần' (grands spirituels): Quang tỏa nhiều trường phái dạy về sự thánh thiện (écoles de sainteté) khá đặc sắc, phổ biến một trời văn chương thần bí thật phong phú. Những giao tiếp giữa các nhà hiền triết ấn giáo với các nhà thần bí (soufis) hồi giáo rất thân tình.
Kể từ thế kỷ XIX, ấn giáo còn thay đổi nhiều hơn nhờ sự tiếp xúc, đôi khi đụng chạm, với Tây phương. Ấn giáo có căn tính và trở thành ý thức hệ nhiều hơn. Tại Bengale, những nhà đại tư tưởng tìm đọc tác phẩm của các triết gia thời đại Ánh Sáng và cố gắng cải tổ những khía cạnh cổ xưa: hệ thống các giai cấp, thân phận giới nữ, hôn phối các em vị thành niên. Đây là những điểm mà lâu nay chính tôn giáo cũng khuyến khích. Mấy thập niên sau, phản ứng lại đường lối truyền đạo của kitô giáo và hồi giáo, lớp chiến sĩ của ấn giáo được đoàn ngũ hóa và theo chiều hướng 'chính thống quá khích' và bài xích ngoại quốc. Năm 1947 Pakistan tuyên bố độc lập, tách khỏi Ấn độ, ấn giáo lại đương đầu với một thách đố lớn.
Ngày nay khuynh hướng khép mình lại trong 'căn tính Ấn giáo là của Ấn Độ' còn sôi động trong một số môi trường nặng tinh thần quốc gia, nhưng nền dân chủ ấn độ luôn trung thành với đường hướng ông Nehru để lại, đường hướng thế tục nghiêm túc và kính cẩn của toàn dân ấn độ.
4. Dân Ấn Độ gắn liền với chủ thuyết đa tôn giáo.
Chất xi măng của sự hiệp nhất nền văn minh ấn độ không phải là tư chất bộ lạc (dù dáng điệu và ngôn ngữ của người ấn miền bắc và người ấn miền nam rất khác nhau), không phải là chế độ chính trị (nước Ấn Độ được thiết lập bởi các nước thực dân âu châu), nhưng là bởi trật tự truyền thống: liên kết vào Sanathana Dharma (luật vĩnh tồn). Cho dù nguồn gốc của luật này còn phải tìm kiếm trong truyền thống của người Aryas đến từ phía Bắc. Những dân tộc làm nên truyền thống đã phát triển tinh thần gắn bó sâu xa với lãnh thổ của họ, gọi là 'Bharat Mata'. Quả là một không gian thần thiêng, được tổ chức sinh hoạt bởi nhiều địa điểm thánh. Chính trên cơ bản văn hóa này mà lớp người ấn độ ưu tuyển được tây phương hóa, đã phát triển từ những năm 1920, một ý thức hệ quốc gia trên quan điểm hindutva. Từ đây, sinh ra 'Hội Những Người Tự Nguyện Quốc Gia' (RSS). Họ quan tâm đến sự kiện: các đại giảng sư về ấn giáo chính thống, như ông Karpatri, đã lớn tiếng tố cáo khuynh hướng chống truyền thống của ý thức hệ tân thời. Ý thức hệ này, vì chỉ mải lo chính trị, đã muốn quy tụ ấn giáo thành như một giáo hội, và đối lập với viễn tượng thế tục đa nguyên ấn giáo. Luôn luôn, họ chấp nhận dị biệt tính của các cộng đoàn tôn giáo trên lãnh thổ của họ. Đảng 'Vì Dân Ấn Độ' (BJP: Bhatiya Janata Party) là hiện thân chính trị cuối cùng của ý thức hệ chiến sĩ này, đã kết thúc vào năm 1992 bằng việc phá huỷ đền Ayodhya của hồi giáo tại tỉnh Uttar Pradesh. Việc trừng trị nghiêm khắc toán quân phá đền hồi giáo đã cho phép đảng BJP coi mình là nạn nhân và được tiến cử vào chính phủ. Những người quốc gia ấn giáo bị phân hóa giữa những nhu cầu hòa giải chính trị với những lực lượng trung dung hơn và những nhóm quyết tâm áp dụng chủ trương cực đoan. Năm 2009, đảng Quốc Nghị (parti du Congrès) thắng cuộc bầu cử, và sự suy yếu của đoàn chiến sĩ BJP, đã khẳng định: 'dân ấn độ gắn bó với chủ thuyết đa tôn giáo' (multiconfessionnalisme).
Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế và kỹ thuật, người ấn giáo mỗi ngày một hiện diện đông đảo trên thế giới. Báo cáo của chính phủ ấn độ cho biết: năm 2001, có trên 20 triệu dân ấn sinh sống ở 110 quốc gia thuộc năm châu, nhưng đông đảo nhất là Anh quốc và Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý: Di dân trí thức ấn độ đa số qua Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc và Anh. Di dân ấn độ đi làm việc tay chân, đa số qua các nước dầu hỏa ở Cận Đông. Di dân ấn độ đi lập nghiệp thường đến các đảo á châu, như đảo Maurice 52% dân số và đảo Réunion 49% dân số.
*** Giai cấp quy định cho mỗi cá nhân những bổn phận và một chức vụ xã hội. Hiện có bốn giai cấp: giai cấp brahmanes (nắm quyền thiêng liêng), giai cấp kshatryias (bảo vệ và điều hành thành phố), giai cấp vaishyias (nắm quyền kinh tế), giai cấp shudras (giới thợ thuyền). Trong xã hội còn có nhiều giai cấp hạ (sous-castes). Có hai loại người đứng ngoài hệ thống giai cấp: 'Những người muốn thoát tục' (moines, renoncants) và các tiện dân (intouchables).