CAI NHIN 7 - Phật giáo
Mai Đức Vinh
PHẬT GIÁO
LTS - Ông Fabrice Midal, tiến sĩ triết lý, sáng lập Trường phái Tây Phương về Chiêm Niệm (Ecole Occidentale de Méditation) và đã viết nhiều sách về Phật Giáo, như cuốn 'Quel Bouddhisme pour l'Occident' (Seuil, 2006), 'Mythes et dieux tibétains' (Point, 2000). Ông dấn thân nhiều trong công trình đối thoại liên tôn và đã viết cuốn 'l'Ecoute du Ciel, bouddhisme, christianisme, islam, judaisme, ce qui les rapproche, ce qui les sépare' (Pygmalion, 2009). Ông đã tham dự những buổi thuyết trình Mùa Chay tại Notre Dame de Paris năm 2008. Cuốn sách mới đây của ông là 'Et si de l'amour on ne savait rien? (Albin Michel, 2010).
I. ĐI TÌM MÙA XUÂN MỚI
1. Phật giáo đã bén rễ sâu vào Âu châu.
Phật giáo bén rễ vào Âu châu kể từ năm 1960, trước tiên là bởi các thày dạy về thiền truyền thống (zen traditionel) rồi đến các nhà sư tây tạng tị nạn cộng sản trung hoa. Như vậy có hai trường hợp du nhập khác nhau, có hai hình thái trao truyền khác nhau, và mỗi hình thái có những đặc điểm riêng.
Trước thập niên đó, chỉ một số chuyên gia nghiên cứu về phật giáo chứ không ai mường tượng phật giáo sẽ là một tôn giáo bén rễ tại Âu Châu. Alfred Foucher, tác giả cuốn 'La vie du Bouddha' (Đời sống của đức Bút-đa) đến nay vẫn còn thế giá, năm 1949 đã viết: "Không kể mấy người quá tò mò về những kinh nghiệm ngoại lai, đạo Phật chỉ nhận được giữa chúng ta quá ít ỏi thành viên".
Việc đón nhận Phật giáo bởi một thế hệ nổi loạn chống lại bạo lực của hư vô thuyết (nihilisme) bằng cách thu nhỏ tối đa ý nghĩa của hiện sinh nhân bản và chỉ chạy theo chủ thuyết 'sản xuất và tiêu thụ', là một hiện tượng bất ngờ không dè trước. Ảnh hưởng của Chogyam Trungpa và nhất là của D.T. Suzuki, người nhật, giáo sư đại học Columbia New York, quả thật lớn lao. Nhà lịch sử nghệ thuật Arthur Danto đã nhấn mạnh rằng : khi thay đổi lịch sử nghệ thuật trong năm 1960, các nhà nghệ sĩ thời danh, đã được ông D.T. Suzuk đề cao cách này hay cách khác. Nhạc sĩ John Cage, thi sĩ Allen Ginsberg và nhiều người khác đã nhấn mạnh rằng: Phật giáo vốn không xa lạ với truyền thống đông phương, có thể đã gợi hứng cho các nhà nghệ sĩ thành lập các trường phái nghệ thuật tây phương và tự hỏi về những quan điểm xã hội của nền dân chủ tây phương nữa.
Nhờ những làn gió như vậy mà Tây Phương đã biết đến nhiều nguyên tắc của phật giáo: Sự vô thường, quan niệm đau khổ (karma), tinh thần hỗ tương (interdépendance), ý niệm phải làm việc trên tâm linh của mình trước khi biến đổi các sự vật, ý nghĩa về bản ngã (ego), quan niệm về từ bi xả hỉ… từ nay trở thành phổ thông. Nhiều tác phẩm, nhiều khoa trị liệu và nhiều bài thuyết trình tự nhiên đã nêu bật những nguyên tắc của Phật giáo. Nói tắt, không cần biết đến hay tỏ ra bề ngoài, nhiều người Tây phương đã sống như những phật tử. Nhiều người biết rõ ràng về luân hồi và về lòng từ bi xả hỉ hơn là về sự sống lại và về đức bác ái.
2. Phật giáo chịu nhiều hiểu lầm.
Tuy nhên, nếu phật giáo đem lại cho Tây phương nhiều giải đáp, thì ngày nay đang đối đầu với nhiều khó khăn hay nhiều hiểu lầm. Những người sống đạo và các giáo trưởng (maitres) của truyền thống này, là những người đầu tiên xao xuyến về những hiểu lầm. Dưới đây chúng ta thử nêu lên một vài hiểu lầm tiêu biểu.
Phật giáo bị đồng hóa vào sự suy niệm (méditation). Bên Đông phương, suy niệm là một đặc hữu của một nhóm người 'hiếm hoi' (rares) khát khao đời sống thiêng liêng chính thực. Đa số các phật tử đông phương không bao giờ thực hành việc suy niệm theo nghĩa trên. Nhất là ngày nay, người ta hiểu suy niệm như một hình thức 'thể dục tâm trí' (gymnastique mentale) để tìm được một chút bình tĩnh và cho đời sống ít bị suy nhược. Trong thực tế, phật giáo không phải là loại chè an thần (tisane), nhưng đúng hơn, là một con đường anh hùng (voie héroique). Suy niệm nhằm 'đi ra khỏi' mọi thói quen của nếp sống thường ngày, hầu mở rộng trái tim và thoáng đạt tinh thần.
Phật giáo bị coi như một con đường mời gọi diệt trừ mọi ước vọng. Không gì phi lý và vô nghĩa hơn. Phật giáo chứng tỏ một cách đơn sơ rằng việc lấy mình làm trung tâm điểm (egocentrique) hay xử dụng tha nhân như những sự vật hầu thỏa mãn bản thân mình, thì chỉ là mở lối đi vào con đường cụt, và chỉ tạo nên đau khổ mà thôi. Phật giáo không phủ nhận 'hành động' (action), nhưng phê phán sự 'náo động' (agitation) không đi vào đời sống cụ thể hiện tại. Nhiều khi người ta trình bày 'bản ngã' (ego) như một kẻ thù mà người thực hành đạo phải tiệu diệt. Nhưng, nếu người ta chấp nhận lý luận kỳ lạ này (étrange logique), thì ai là người tiêu diệt? Xin thưa là chính bản ngã. Và như vậy, chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn. Thực tế, phật giáo dạy chúng ta trở nên 'bạn hữu' với guồng máy bảo vệ được mệnh danh là 'bản ngã'. Phật giáo tha thiết mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng : chiều kích đích thực của mỗi hữu thể thì rộng mở hơn nhiều những guồng máy tự kỷ mà phật giáo bị đồng hóa vào.
Mối tương quan của nhiều người Pháp với các lãnh tụ (gourous) Tibétains của họ lại phát sinh những 'ngây ngô chất phác' (naivetés) mà người ta cho rằng không thể chấp nhận được. Cũng giống như trong kitô giáo: những hình thức vâng lời tôi mặt, không dám phê phán, lẫn lộn nhiều khía cạnh giữa chính trị và thiêng liêng… Trong phật giáo, liên hệ với giáo trưởng là một liên hệ tình thương và tin tưởng nhưng không hề là sự phục tùng ngu xuẩn và tự phụ quá đáng (narcissique).
Một lệnh truyền vượt quá tinh thần nhận thức và hiểu biết hầu có thể đạt tới những kinh nghiệm đìch thực, lại thường bị hiểu lầm là phủ nhận tất cả những nỗ lực suy tư. Tuy nhiên phật giáo hông kêu gọi chúng ta trở thành con ếch, nhưng kêu gọi chúng ta làm nẩy sinh nơi chính mình sự trong sáng của tri tuệ để nhìn thấy đúng sự vật. Không thể bước đi trong những bước của đức Phật mà không biết đến giáo huấn của ngài.
3. Phật giáo phải thực sự đi vào văn hóa thời đại.
Những hiểu lầm trên đây chứng tỏ trách nhiệm của phật giáo hôm nay thật lớn lao. Không nói rằng phật giáo phải trở về với những tục lệ vốn có ở Đông phương (Orient), nhưng muốn nhấn mạnh rằng phật giáo phải cân nhắc và đi bước trước đối thoại với thời đại chúng ta hôm nay. Chính đức Dalaima đã nhìn nhận: "Phải phân biệt những giáo huấn chính yếu của đức Phật và văn hóa. Nhờ được quảng bá khắp thế giới, những giáo huấn chính yếu đã ăn rễ sâu trong các nền văn hóa khác nhau: người ta nói về phật giáo tây tạng, trung hoa, thái lan… Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy điều rất có thể là những giáo huấn chính yếu của đức Phật đang bám chặt vào văn hóa tây phương, nên hy vọng không lâu nữa sẽ có một phật giáo tây phương". Nước Pháp là một trong những nước phật giáo đầu tiên của Tây Phương và là tâm điểm của phật giáo âu châu. Vì người ta thấy ở Pháp có nhiều tu viện và trung tâm phật giáo, và nhiều cơ sở của hầu hết các trường phái lớn của phật giáo tây tạng. Nhiều người thuộc các nước âu châu đến đó để thụ huấn và tìm hiểu phật giáo. Tuy nhiên chúng ta còn quá xa để nghĩ đến những mô hình của một phật giáo âu châu, nghĩa là nghĩ đến việc giải đáp những thách đố mà Tây phương đang gặp phải.
Tại Hoa Kỳ tình thế không nguy kịch như vậy. Một số đại học Hoa Kỳ đã có diễn đàn (chaire) nghiên cứu phật giáo, phiên dịch các bản văn, đối chiếu với các truyền thống khác. Tại Pháp, vì con đường hẹp của chế độ thế tục nên không có một diễn đàn phật giáo nào. Người ta chỉ có thể tìm hiểu phật giáo tại tu viện hay các trung tâm riêng tư mà thôi. Không có vấn đề suy tư bình phẩm về giáo huấn của các giáo trưởng và các bản văn của truyền thống. Đó là một vấn đề lớn cắt nghĩa thế đứng nghèo nàn của phật giáo pháp so chiếu với thế đứng của phật giáo ở bên kia Đại Tây Dương. Ở đó có một phật giáo xã hội, suy tư về kinh tế, nghệ thuật, chính trị, cam kết môi trường xanh (ecologique) và rất nhiều vấn đề khác đã được bàn luận lâu dài, trong đó phật giáo thực sự giữ một vai trò quan trọng. Tại Pháp hoàn toàn không có như vậy.
Đòi hỏi về lòng từ bi vốn nằm trong phật giáo không cho phép phật giáo tự mãn về việc 'chỉ lặp lại giáo thuyết', dường như thế giới mình đang sống hôm nay cũng chính là thế giới mà người Tây Tạng và người Nhật đã sống thời xưa. Chỉ với giá này, lời của đức Phật mới có thể vọng vang đúng đắn được. Các phật tử đã đón nhận hạt giống, họ không có quyền chỉ ngồi chiêm ngắm hạt giống. Nếu họ không muốn hạt giống bị hủy diệt, họ phải tìm cho ra một mảnh đất để gieo trồng hạt giống.
II. PHẬT GIÁO TỪ TỪ PHỔ BIẾN RA NGOÀI Á CHÂU
1. Phật giáo du nhập vào Âu châu.
Từ cuối thế kỷ XX, phật giáo đã xâm nhập vào Tây phương. Dầu vậy, Á châu vẫn là cố thổ chính yếu của phật giáo. Thăng trầm gần hai ngàn năm rưỡi tại Á châu, phật giáo vừa nhận ra một sự thay đổi lớn về địa đồ là nhập bến Tây phương từ cuối thế kỷ XX. Sự nhập bến này lúc ban đầu còn dè đặt, nhưng sau thập niên 1960, đã tiến triển mau lẹ nhờ người Tây phương ham học hỏi và chân nhận giá trị của các tôn giáo đông phương, và nhất là nhờ làn sóng tị nạn đông đảo của người Á châu qua Âu châu và Mỹ châu. Ít nhất có 400 triệu phật tử trên thế giới mà đa số sinh sống tại các nước Á châu.
2. Đứng vững trước mọi đàn áp.
Sau khi bị biến mất tại nôi sinh Ấn Độ vào thế kỷ XIII vì sự xâm chiếm của người hồi giáo, phật giáo bắt đầu phục hồi lại dần dần trên mảnh đất này từ 1950, dưới ảnh hưởng của ông Bhimrao Ambedkar là người muốn dùng phật giáo để giải quyết vấn đề giai cấp (castes) tại Ấn Độ. Có chừng 4,5 triệu tiện dân (intouchables) đã trở lại trên quê hương của Đức Bouđha.
Một cách chung, các nước Đông Nam Á châu đã cầm cự anh dũng trước sức ép nghiệt ngã của chế độ thuộc địa âu châu, như nước Sri Lanka, một nước phật giáo luôn là đa số. Tại Trung Hoa lục địa, nhà nước cộng sản đã nhiều năm coi thường hay đàn áp, phật giáo vẫn được dân chúng hâm mộ. Ngay với Tây Tạng, hoàn cảnh của phật giáo thật thê thảm, những cuộc tàn sát triền miên từ 1959 bởi quân trung hoa cộng sản đã lên tới 1 triệu rưỡi, các cơ sở tôn giáo và chùa chiền bị phá hủy hầu như toàn diện, nhưng phật giáo vẫn đứng vững. Cả ngày nay, những cuộc bách hại, thanh lọc có mầu sắc chính trị vẫn còn tiếp diễn gay gắt và chính quyền cộng sản vẫn còn kiểm soát không nương tay.
3. Gia hệ của phật giáo.
Đức Phật: Đức phật chào đời vào thế kỷ VI trước công nguyên, tại miền Bắc Ấn. Gia đình vương giả, thuộc bộ lạc Shakya. Tên thật của đức Phật là Siđharta Gautauma (Shakyamuni). Ngài được giác ngộ năm 523.
Cộng đoàn tu trì đầu tiên của phật giáo được thành lập tại tỉnh Sarnath. Đây là khởi đầu việc truyền đạo của đức Phật. Cho đến năm tạ thế (480), đức Phật đi giảng đạo chuyên cần dọc theo bờ sông Gange. Thời đó, đức Phật có 60 đồ đệ đi khắp Án Độ tuyên giảng sứ điệp của đức Phật.
Bài giảng về tại Bénarès công bố Tứ Thánh Đế: Khổ đế (đời là bể khổ) - Tập đế (nguyên nhân của khổ) - Diệt đế (trừ khử đau khổ) - Đạo đế (sống đạo để tới niết bàn).
Hai hệ chính của phật giáo kể từ năm 373 trước công nguyên, tức hơn một thế kỷ sau khi đức Phật tạ thế (480):
- Phật giáo Đại Thừa (Mahâyâna), cũng gọi là phật giáo tự do (libéral), phật giáo phía bắc với ba khuynh hướng: - Truyền thống minh triết (tradition de la sagesse) - Phật giáo niềm tin (Bouđhisme de la foi) - truyền thống bà-la-môn (Tradition tantrique). Phật giáo đại thừa đã trổ sinh phồn thịnh tại các nước Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam.
- Phật giáo Tiểu Thừa (Hinâyâna), cũng gọi là phật giáo cổ xưa (ancien), phật giáo phía nam với hai khuynh hướng : - Truyền thống minh triết (tradition de la sagesse) - Truyền thống tu viện (tradition monastique). Phật giáo tiểu thừa trổ sinh phồn thịnh tại các nước Sri Lanka, Birùanie, Lào, Thái Lan, Cao Miên.
Phật giáo tại các nước tính theo con số:
- Những nước có trên 100 triệu phật tử: Trung Hoa, Nhật Bản.
- Những nước có trên 50 triệu phật tử: Birmanie, Thái Lan, Việt Nam.
- Những nước có trên 10 triệu phật tử: Sri Lanka, Ấn Độ, Mã Lai, Trung Hoa (Taiwan), Nam Triều Tiên, Cao Miên, Tây Tạng, Hoa Kỳ.
- Những nước có trên 1 triệu phật tử: Indonésia, Phi Luật Tân, Népal, Mong Cổ, Lào, Singapour.