CAI NHIN 1 - VE TON GIAO.
Mai Đức Vinh
MỘT CÁI NHÌN VỀ TÔN GIÁO
* Bài viết dưới đây dựa theo ông Jean-Pierre Denis, chủ nhiệm và chuyên viết bài mở đầu của báo 'LA VIE'. Ông là chuyên gia về tôn giáo, đã viết nhiều bài báo chuyên môn, tham gia nhiều mục lớn trong ngành truyền thông. Nổi bật nhất là ông đã xuất bản cuốn 'Pourquoi le Christianisme fait scandale?' Ed. Seuil, 2010.( xem Le Monde & La Vie (hors-série), 'L'Atlas des Religions', 2011, tr.3-9)
Ngày nay, vấn đề tôn giáo chiếm một vị trí quan trọng trong những cuộc tranh luận công khai hay những buổi đàm luận riêng tư. Ngay cả trong nước Pháp là nước đã hơn một thế kỷ chủ trương tách biệt Giáo Hội và Nhà Nước. Sau những vụ khăn trùm tại trường học và sau luật cấm khăn trùm toàn thân (antiburka), cuộc tranh biện về thế tục (laicité) lại đặt ra những vấn đề khả nghi mới khác. Những tranh luận như vậy, không chỉ có tại Pháp, nhưng có nhiều trong các nước Âu Mỹ, như tại Gia Nã Đại, người ta tranh luận và cố tìm ra 'những thích ứng hợp tình lý', rồi tại Đức bà thủ tướng Angela Merkel đã thú nhận 'sự thất bại trong chương trình đa văn hóa' (multiculturalisme), ám chỉ cộng đồng hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ thiếu tinh thần hội nhập. Hầu như khắp nơi, hồi giáo thành hiện tượng nóng bỏng của môi trường chính trị.
1. Thế hệ mới của tôn giáo.
Theo ông chủ nhiệm của tờ báo La Vie, tác giả của bài viết này, đã quả quyết: để tìm hiểu vấn đề tôn giáo của thế kỷ XXI cần phải có một cái nhìn mới và theo một phương thức mới. Ý kiến của ông dựa theo nhận định của ông Charles Taylor, nhà triết học Gia Nã Đại vốn chủ trương thuyết đa văn hóa và thuyết cộng đồng. Ông này đã khai triển bối cảnh tôn giáo vào thời hậu tân thời (postmodernes), trong một cuốn sách lớn cưu mang từ 10 năm, với tựa đề 'L'Âge Séculier' (Thế hệ trần tục). Chính ông cũng khẳng định: chúng ta đang đi vào một thế hệ mới về tôn giáo.
Trước tiên, ông Taylor gợi lên phong trào lịch sử về sự tách rời giữa Giáo Hội và Nhà Nước đã dần dần xâm chiếm toàn bộ các nền dân chủ tây phương. Nhưng ông không nhấn mạnh đên sự sa sút về đức tin và về việc sống đạo như là một hiện tượng rõ nét trong các nước phát triển. Thực tế, chúng ta đã đi vào một hình thức tương quan mới về tôn giáo và về đời sống tâm linh. Một tương quan chưa có cơ cấu rõ rệt và vững chắc. Sự thay đổi mà ông Taylor phân tích, dẫn chúng ta đi từ xã hội 'không thể không tin Thiên Chúa' đến một xã hội, mà trong đó, dù là người tin tưởng kiên trung nhất, cũng phải nhìn nhận 'còn có nhiều niềm tin khác nữa'. Trong xã hội như vậy, muốn nói về Thiên Chúa phải bắt đầu lại từ con số zérô. Những chìa khóa thô sơ trước đây không cho phép mở nhiều cánh cửa. Khăng khăng đối lập giữa vô thần và đức tin không cho phép chúng ta nắm bắt được những phong trào thiêng liêng đang lu mờ dần bởi cuộc sống mang nhiều sắc thái buông thả, mờ ảo, tương đối, do dự, bất định, hồi cố và tái định căn tính. Những nền văn hóa hậu tân thời không đi ra khỏi tôn giáo để ùa theo cái mà các giáo hội gọi là 'bội giáo' (apotasie) và các nhà xã hội học gọi là 'bất tín' (incroyance). Trong phạm vi này cũng như trong nhiều phạm vi khác, không còn có những tồn đọng (stock) nhưng có những thông lượng (flux). Người ta dám nói rằng những năng động tính đang dồn dập mất đi tập thể tính để thành cá nhân tính. Sự đơn giản hóa này hiện hình như một thực tại phức tạp. Dưới một số khía cạnh, sự đơn giản hóa này có thể trở nên một cội nguồn của những khắc khoải mới và do đó, những căng thẳng mới. Thế hệ tỉnh ngộ không phải là thế hệ đi ra khỏi lịch sử. Dưới đây là vài nguyên nhân tạo nên 'sự trở về của tôn giáo'.
2. Những vấn nạn cá nhân.
Càng ngày, những vấn nạn về ý nghĩa cuối cùng của đời sống càng ghi đậm vào các 'quỹ đạo' (trajectoires) cá nhân hơn là vào những gia sản tập thể hay cộng đoàn. Do đó phát sinh tầm quan trọng của các chủ đề mới: gặp gỡ, chứng từ, trải nghiệm, chân thành, xúc động. Những chủ đề mà người ta thấy thể hiện trong những phong trào thức tỉnh tôn giáo hay chống đối tôn giáo, nổi bật nhất trong Kitô giáo. Chúng ta phải công nhận rằng, ngày nay bản đồ tôn giáo không còn vẽ theo ranh giới các lục địa hay các quốc gia mà vẽ ngay nơi từng mỗi cá nhân.
Nếu những vấn nạn chỉ nằm trong phạm vi cá nhân hơn phạm vi đoàn thể, phạm vi 'tôi' (je) hơn phạm vi 'chúng tôi' (nous), thì chúng có một giao điểm chính trị và địa-lý-chính-trị (géopolitique). Người ta ít quan tâm đến giao điểm này, mà chỉ quan tâm đến những cuộc tranh luận sôi nổi của xã hội về khăn trùm hay về luật chống phạm thượng ở Pakistan. Người ta cũng có thể nói rằng : những vấn nạn ấy nổi bật trong thời sự và làm cho truyền thông tôn giáo thêm thu hút và hiệu lực. Những câu hỏi trước kia là thứ yếu, chẳng hạn câu hỏi về việc trở lại của bản thân hay về sự tự do tôn giáo trong thế giới, thì nay trở nên quan trọng, khẩn trương và đồng thời khó nắm bắt.
3. Do kinh nghiệm hơn là nhờ gia sản
Những vụ bách hại các kitô hữu bên Đông Phương nhắc cho thế giới biết rằng các giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo Đông phương đã hiện hữu từ hai thế kỷ và gần hai thế kỷ trên lãnh thổ hồi giáo. Về những cuộc bàn cãi của Âu châu về chính sách đa văn hóa, hay về 'thế tục tích cực' theo kiểu nói của tổng thống Sarkozy, thì những cuộc bàn cãi ấy gặp phải một khó khăn là nhiều người chỉ phò Kitô giáo và những người khác lại đối kháng Kitô giáo.
Muốn hay không, chúng ta đang phải sống trong một sự tương đối hóa tổng quát về niềm tin tưởng mang nhiều hoài nghi. Trong văn hóa hiện đại và hậu tân thời, đức tin cũng như vô thần hiện hình như những lựa chọn cá nhân, còn do dự căn cứ trên những kinh nghiệm riêng tư hơn là trên những gia sản xã hội hay quy ước xử thế (normes de comportement). Người tín hữu đối đầu không những với người bất tín (incroyant), mà còn với người lãnh đạm hay người tin tưởng một cách khác. Xét theo một khía cạnh nào đó, từ nay họ phải đối diện với chính mình, đang lúng túng bị phân hóa giữa sự cần thiết phải tin tưởng và có thể không buộc tin tưởng, hay đối diện với đời sống giữa đức tin và hoài nghi, hay nữa, giữa thời gian tìm kiếm và thời gian đã nắm bắt. Về phía người không tin tưởng, họ phải đối diện với một khó khăn khác, ít được phân tích để biết rõ ràng, nhưng ít ra nhận thấy được trong mọi xuất hiện của cuộc khủng hoảng văn hóa mà xã hội chúng ta đang trải qua.
4. Tình trạng bất ổn thiêng liêng.
Khắp nơi, thế giới tôn giáo đã trải qua tình trạng bất ổn thiêng liêng. Phải chăng vì cảm nghiệm sâu xa tình trạng này, Vatican của giáo hoàng Benoit XVI đã tổ chức vào tháng ba 2011, tại Sorbonne, 'một tiền đường của chư dân' (Parvis des gentils). Nhân dịp này, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa đã quy tụ những người công giáo thực thụ và những người ngộ giáo (agnostiques) quan tâm về vấn đề đối thoại.
Charles Taylor đã miêu tả tình trạng bất ổn thiêng liêng như sau: "Không còn chỉ có đức tin truyền thống và thuyết nhân loại bản vị tân tiến theo trật tự nội tại nữa. Vì không được thỏa mãn với trật tự nội tại, người ta bị thúc đẩy không những chạy theo các hình thức tôn giáo mới, mà còn đưa ra những chú giải khác biệt với nội tại tính". Như vậy, câu kết luận thật bất ngờ: tinh thần là một vũ trụ đang bành trướng. Điều đó chắc chắn làm rung chuyển các tôn giáo đã được thành hình hay được thiết lập. Nói khác, nó gây nên tình trạng bất ổn thiêng liêng.