CHÚA NHẬT LỄ LÁ - NĂM C
20.03.2016
"Lạy Cha, con xin phó thác
hồn con trong tay Cha !".
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a (50,4-7).
Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
THÁNH VỊNH 21
R Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
Thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:
"Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó!
Người có thương, giải gỡ đi nào!"
Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.
Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
xương con đếm được vắn dài.
Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.
Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau,lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay.
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.
BÀI ÐỌC II
Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê (2,6-11).
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (19,28-40).
Bấy giờ, Đức Giê-su dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem. Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: "Tại sao các anh cởi lừa người ta ra", thì cứ nói: "Chúa có việc cần dùng! Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: "Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra? " Hai ông đáp: "Chúa có việc cần dùng." Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời! Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ! " Người đáp: "Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên! "
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Trần Anh Dũng
CUỘC THƯƠNG KHÓ ÐỨC CHÚA GIÊSU Lc 22,14-23,56
Khi muốn rao giảng về cuộc thương khó Ðức Giêsu Kitô, thường rất dễ bị cám dỗ xem các trình thuật trong Tin Mừng như những kho tài liệu, muốn xử dụng ra sao tùy ý, chỉ cần chọn lấy một chi tiết trong Matthêu, một chi tiết khác trong Luca, Matcô hay Gioan, là có được một trình thuật đầy đủ hơn, phong phú hơn. Thực ra làm như thế rất có thể sinh ra tai hại là bỏ mất phần qúy giá nhất trong chất liệu Tin Mừng.
Trong mỗi Tin Mừng, trình thuật cuộc khổ nạn chiếm một chổ quan trọng, phải ghi nhận rằng các Tin Mừng đã được biên soạn sau khi Ðức Kitô sống lại do những người đang sống trong ánh sáng Phục Sinh và ý thức rằng trước tiên mình là những "chứng nhân của Ðấng Phục Sinh" (Cv. 1,22; 3,15)...
Tin Mừng Luca, một trình thuật thương khó mang tích cách cá nhân và huấn đức. Tác giả Luca nhiều chỗ tỏ ra có những bận tâm của sử gia và văn sĩ, kể lại sự kiện thật rõ ràng và viết trình thuật cách khéo léo; nhưng chủ ý không phải là kể chuyện cách lạnh lùng, khách quan vô tư. Trái lại trình thuật Luca là của "người môn đồ" đang sống lại câu chuyện của Thầy mình, cảm tình riêng được bày tỏ bằng cách xác quyết nhiều lần Ðức Giêsu vô tội, bằng cách bỏ qua những chi tiết xúc phạm hoặc tàn nhẫn. Ðối với người môn đồ, cuộc khổ nạn là lời mời gọi : Phải theo Ðức Giêsu trên con đường thập giá. Thành thử trình thuật mang tích cách cá nhân và huấn đức. Nó khơi động hay củng cố sự dấn thân của người môn đồ theo bước chân Ðức Kitô.
"Con Người của Thầy", phải lưu ý cách Luca nói về Ðức Giêsu : Luca chẳng muốn nói rõ là tên phản bội Giuđa hôn Ðức Giêsu, mà chỉ kể cách gián tiếp : "Y lại gần Ðức Giêsu và hôn Người (22,47). Ngược lại, một câu nói của Ðức Giêsu bộc lộ sự sáng suốt của Người và làm nổi bật tích cách khả ố của cử chỉ kia : "Giuđa, ngươi dùng cái hôn để phản bội Con Người sao ?" (22,48).Thế là mỗi Kitô hữu được lưu ý phải đề phòng sự thất trung đối với Chúa mình. Ðức Giêsu không chỉ ra lệnh cấm dùng vũ khí, Người còn sửa sang thiệt hại, chữa lành vết thương của đối thủ. Ðáng khâm phục ở đây không phải là quyền năng làm phép lạ, mà là gương sáng quãng đại tuyệt vời.
Thái độ của người môn đồ : Luca lựa chọn một thứ tự rất khác biệt, trước hết không nhấn mạnh lỗi lầm của Phêrô, chẳng nhắc đến lời thề thốt; Phêrô chối Thầy rồi ăn năn (22,54-62), tiếp đến quân canh nhục mạ hành hạ Ðức Giêsu (22,63-65), sau cùng Ðức Giêsu bị hỏi cung ban sáng (22,66-71) và bị giao nộp cho quan tổng trấn Philatô (23,1).
Chủ đề chính của tác giả Luca là sự vô tội của Ðức Giêsu. Ngay sau câu hỏi đầu tiên, Philatô tuyên bố không tìm thấy lý do gì để lên án bị can cả (23,4). Sau khi bị kết án tử hình thập giá, Ðức Giêsu bị bọn lính hành hạ rồi dẫn lên Núi Sọ mà hành hình (22,26). Cái chết của Người là biến cố chủ yếu của lịch sử cứu độ.
Ðề cập đến vai trò của Simon, thánh sử Luca tránh dùng tiếng "trưng dụng"; nhưng chọn một chữ tổng quát hơn "giao cho", từ ngữ dùng để chỉ một sứ mạng tín cẩn hay một trách nhiệm giao phó đều như nhau. Phần tiếp của câu là công thức dấn thân của người Kitô hữu : "vác thập giá đằng sau Ðức Giêsu" (23,26). Hình ảnh ông Simon nhắc nhủ mỗi môn đồ tâm niệm ơn gọi bước đi theo Ðức Giêsu giữa lòng xã hội hôm nay.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)