CHƯƠNG IV
CÔNG ÐỒNG VATICAN II
CHƯƠNG IV
CÔNG ÐỒNG VATICAN II
Nếu ngày 25.1.1959, nguồn tin đức Gioan XXIII cho thế giới biết ngài sắp triệu tập Công Ðồng chung nổ tung như một quả bom, thì ý định này không làm ai ngạc nhiên cả. Khi vừa được bầu, đức Pie XI cũng đã nghĩ tới việc tiếp tục Công Ðồng Vatican I gián đoạn năm 1870 vì chiến tranh, vì ngài thấy là cần sau những thay đổi của chiến tranh, và ngài cũng đã kín đáo thăm dò ý kiến các hồng y và mấy giám mục trong triều Vatican (1). Những vị này cho biết mặc dầu nhiều vấn đề còn bỏ lửng đã được giải quyết qua bộ Giáo luật và các Thông điệp, việc triệu tập Công Ðồng tại Roma cho thấy : tuy đã mất quyền đời, Giáo Hội Công Giáo vẫn còn tự do hoạt động. Có những vị ủng hộ ý định, cho rằng một Công Ðồng sẽ có kết quả tốt đẹp cho đời sống trong Giáo Hội, cho hòa bình thế giới và cho việc thống nhất đạo Kitô; mấy vị khác cho biết cần phải làm sáng tỏ nền giáo lý về hàng giám mục. Nhiều nhà chuyên môn như cha Hugon op, Tacchi Venturi sj và Lépicier sm, được giao phó công việc soạn một chương trình để đề nghị một hiến chế tín lý về Giáo Hội và cứu xét các vấn đề liên quan đến luật quốc tế, đến chủ nghĩa xã hội và cộng sản, đến các Giáo Hội Ðông Phương, đến công giáo tiến hành, đến các trường học và vai trò người phụ nữ trong Giáo Hội. Việc chuẩn bị hiệp ước Latran đã kéo dài, rồi tình trạng trầm trọng quốc tế buộc phải bỏ dự tính ấy. Nhưng sau đó một phần tư thế kỷ, ý kiến được trở lại với đức Pie XII (2). Công việc chuẩn bị được giao cho Thánh bộ Ðức tin và nhiều ủy ban với một tổng thơ ký là cha Charles sj người Bỉ, chuyên về khoa truyền giáo, để chuẩn bị trong bí mật mấy dự tính liên quan đến các nguy cơ đang đe dọa các tín điều, về việc công bố về tín điều Ðức Mẹ hồn xác lên trời, về cộng sản, về chiến tranh, về việc tu chính bộ Giáo luật, về việc cải tổ giáo triều, về vấn đề truyền giáo, về công giáo tiến hành, về văn hóa. Các cuộc thương nghị kéo dài đến năm 1951, nhưng tất cả đã bị đình chỉ vì có bất đồng ý kiến, và thất bại này xem ra xác nhận là thời Công Ðồng đã vĩnh viễn chấm dứt.
Rồi đến đức Gioan XXIII, chắc ngài đã đọc một bài đăng trong tạp chí Palestra del Clero nên không nghĩ vậy, tuy ngài chỉ có ý kiến rất mông lung về chương trình Công Ðồng ngài vừa mới loan báo. Ngài hy vọng là Công Ðồng sẽ giúp thích nghi việc tông đồ vào những tình trạng đang thay đổi mau lẹ, và là ‘lời mời gọi các Giáo Hội chia ly tìm đến thống nhất’. Trong khi các hồng y, các giám mục và các bề trên dòng tu, và tất cả các phân khoa thần học và giáo luật được long trọng mời gửi ý kiến đến (3), thì một ban chuẩn bị các công việc do hồng y Tardini quốc vụ khanh làm chủ tịch, chọn P. Felici giáo luật gia làm thơ ký. Một năm sau, ngày 5.6.1960, mười ủy ban được thành lập, gồm các ban thần học, quản lý giáo phận, kỷ luật các linh mục và giáo dân, tu sĩ , các phép bí tích, phụng vụ, chủng viện, các Giáo Hội Ðông Phương, thừa sai, việc tông đồ giáo dân. Thêm hai văn phòng nữa là Văn phòng truyền thông xã hội và hiệp nhất kitô giáo. Tất cả công việc được tập trung vào một ủy ban trung ương, có nhiệm vụ sắp xếp cuộc hội họp sắp tới gồm các giám mục của 60 nước. Các ngài đã hội bảy khóa từ 12.6.1961 đến 20.6.1962. Các ban mới lập làm việc phối hợp với Thánh bộ Roma mà mỗi bộ đã có hồng y tổng trưởng. Ðiều đó làm cho chúng ta có cảm tưởng là Công Ðồng sẽ được tổ chức theo truyền thống. Nhưng có ba điều biểu lộ một tinh thần mới, đó là Ủy ban lo việc tông đồ giáo dân chưa có Thánh bộ tương đương; hai là việc văn phòng hợp nhất các tín hữu (4) được giáo hoàng kín đáo ủng hộ, nhờ sự thôi thúc của hồng y Bea; văn phòng này chẳng bao lâu đã trở nên cơ quan chủ yếu trong việc xích gần Giáo Hội Roma với phong trào đại kết; ba là việc chọn nhân viên của các ủy ban. Khác với Công Ðồng Vatican I, nhiều giám mục quản trị giáo phận cũng được lựa chọn ; mặc dầu đa số các thành phần là thủ cựu, các người có khuynh hướng thần học và mục vụ khác cũng được tuyển dụng, như cha Congar hoặc cha De Lubac đã từng là bia của các giới thủ cựu mấy n#m trước.
Công việc của các ủy ban được kết thúc với 70 sơ đồ. Ủy ban trung ương thu tập các sơ đồ lại, sửa chữa và có khi soạn lại hoàn toàn, rồi ba tháng trước khi Công Ðồng khai mạc, gửi đến tất cả các giám mục, để các vị biết đường hướng của các công việc dự bị. Nhiều sơ đồ còn thiếu sót và có khi sai, nhất là những sơ đồ do ban thần học soạn, chỉ nhắc lại những tín điều cổ truyền với các từ ngữ làm phật ý các người Ðông Phương, hay người tin lành, hoặc gây những phản ứng tiêu cực trong các giới công giáo trí thức.
Nội qui Công Ðồng đã xong ngày 6.8.1962, được công bố đầu tháng 9, định là có ba loại họp, và các quyết định phải được 2/3 phiếu chấp thuận. Những cuộc họp công khai có đức giáo hoàng chủ tọa; trong những cuộc họp chung, các nghị phụ thảo luận về những bản văn các ngài đã nhận được dưới quyền chỉ huy của 10 hồng y được giáo hoàng chỉ định; sẽ dùng tiếng la tinh trong các buổi họp, những vị đến từ Phương Ðông thường dùng tiếng pháp, mỗi vị được nói 10 phút; sau cùng các ủy ban sửa lại các bản văn theo nhận xét của các nghị phụ, với sự cộng tác của các chuyên viên thần học hoặc giáo luật, đông hơn trong Công Ðồng trước. Có 10 ủy ban chuẩn bị Công Ðồng, mỗi ban gồm 24 nghị phụ, 2/3 được các nghị phụ bầu lên, 1/3 được giáo hoàng chỉ định. Chủ tịch mỗi ban cũng do giáo hoàng chỉ định và là Tổng trưởng các Thánh bộ liên hệ : điều này gây khó khăn cho các khuynh hướng muốn sửa đổi! Mặc dầu nội qui không nói gì đến qui chế của văn phòng hiệp nhất các kitô hữu, sau một giai đoạn ngập ngừng, văn phòng này được coi như các ủy ban khác, với những vị trước đây đã có mặt trong lúc chuẩn bị. Ðức cha Felici trước đây là thơ ký Ủy ban chuẩn bị được chọn làm Tổng thơ ký của Công Ðồng. Rất hoạt động, ngài dần dà đã trở nên đại diện của đức giáo hoàng trong việc sắp xếp các công việc. Còn có một văn phòng để cứu xét các vấn đề đặc biệt do quốc vụ khanh chủ tọa để đệ lên đức giáo hoàng khi có vấn đề mới. Văn phòng này giữ một địa vị quan trọng cho đến cuối khóa thứ nhất rồi bị bỏ.
Công đồng Vatican II gồm bốn khóa kéo dài từ hai đến ba tháng trong mùa thu từ năm 1962 đến năm 1965. Nhưng lịch sử thật của Công Ðồng phải kể những cuộc hoạt động không rầm rộ tại Roma (hoặc ngoài và giữa các khóa). Thật vậy, theo một chứng nhân rất sáng suốt, và thông thạo, J. Grootaens, thì Vatican II có nhiều lúc quan trọng ngoài các khóa chính, nghĩa là khi không có các giám mục, các chuyên viên và đại diện báo chí, trong những lúc mà giáo triều tưởng là mình (tạm thời) lấy lại tình thế. Bầu không khí lúc đó cho phép cô lập hoá các đại diện của phe đa số, và sửa đổi các bản văn theo khuynh hướng hạn hẹp. Hồng y Cicognani vừa là quốc vụ khanh, vừa là chủ tịch ban phối trí, có ảnh hưởng lớn trong việc này, và gây lộn xộn giữa các chức vụ của ngài. (5)
Công Ðồng khai mạc ngày 11.10.1962 trước mặt 2500 nghị phụ (6).Trái với Công Ðồng Vatican I mà đa số nghị phụ là người Tây Phương, lần này Công Ðồng làm ngạc nhiên với ‘khối lớn thế giới’ (A Dupont), với sức năng tương đối của ‘các Giáo Hội trẻ’ Âu Châu chỉ còn 33%, trước 13% Hoa kỳ và Gia Nã Ðại, 22% Châu Mỹ La Tinh, 10% Á Ðông, 10% Phi Châu, 3,5% thế giới Ả Rập, 2,5% Châu Ðại Dương. Ngược lại thế giới cộng sản có 150 giám mục công giáo và số đại diện ít: 24 vị Nam Tư trên 27, vị Ba Lan trên 65,4 trên 8 vị từ Ðông Ðức, 2 Hung Gia Lợi trên 16,3 Tiệp Khắc trên 15, và không có giám mục nào từ Liên Xô, Roumanie, Trung Hoa và Việt Nam; con số này sẽ được tăng thêm trong các khóa kế tiếp với người Ba Lan và Ðông Ðức.
Một cải cách khác đáng chú ý so với Vatican I là sự hiện diện của các quan sát viên không công giáo. Việc tuyên bố một Công Ðồng mà đức giáo hoàng đặt dưới sự hợp nhất các kitô hữu được các Giáo Hội không công giáo vui mừng tiếp nhận, cách riêng là Giáo phụ thành Constantinople và Giáo Hội Anh; ông Visser’t Hooft tổng thơ ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội sau này đã tuyên bố: Nostra res agitur (Ðây là công việc của chúng ta). Sau khi lập Văn phòng hiệp nhất các kitô hữu, những cuộc gặp gỡ càng thêm nhiều và kết quả là việc mời đa số các Giáo Hội ly khai gửi những vị quan sát viên đến Công Ðồng, và sau văn phòng đã mời một số vị với tính cách cá nhân. Vì lý do nội bộ chính thống, giáo phụ thành Constantinople chỉ gửi quan sát viên từ khóa thứ ba, nhưng 7 Giáo Hội Chính Thống khác, trong đó có Giáo Hội Liên Xô (URSS) (làm ai nấy ngạc nhiên), Giáo Hội Anh, cựu công giáo và 9 ngành Tin lành; họ đều có mặt từ khóa đầu, vì vậy số quan sát viên tăng từ 31 đến 93, thay mặt cho 28 Giáo Hội vào lúc cuối Công Ðồng. Quy chế của những vị này, lúc đầu còn phấp phổng, vì đức Gioan XXIII đã lấy quyết định trái với ý kiến số đông trong giáo triều, nhưng dần dần, ‘nhờ óc sáng suốt và sự khôn ngoan, và cũng nhờ can đảm của các thành phần trong văn phòng, nhóm quan sát viên được chấp nhận, được tăng cường và rốt cuộc sự hiện diện của họ rất có ý nghĩa’ (R Roux). Chẳng những họ dự tất cả các buổi họp, mà họ còn được văn phòng mời phát biểu ý kiến trong những buổi họp hằng tuần và được nhiều ủy ban, nhiều giám mục và thần học gia hỏi ý kiến, điều đó làm cho họ đóng một vai trò chủ chốt trong hướng đi đến đại kết của Công Ðồng.
Ðức giáo hoàng Gioan XXIII khai mạc với một bài diễn văn đầy xúc động, khuyên đề phòng tinh thần thủ cựu muốn gia tăng các vụ lên án và nhắc là viễn tượng hợp nhất phải biểu thị Công Ðồng mục vụ này, điều mà nhiều ủy ban chuẩn bị đã quên đến nỗi không hỏi ý kiến của Văn phòng hiệp nhất. Hai ngày sau, trong phiên họp khoáng đại thứ nhất, lúc người ta bầu các thành phần vào những ủy ban Công Ðồng theo danh sách do giáo triều dọn sẵn, hồng y Liénart, có các hồng y Frings và Alfrink ủng hộ, đứng ra xin hoãn cuộc bầu cử này để cho các nghị phụ bàn hỏi nhau trước, để cho các ủy ban phát biểu những khuynh hướng sâu xa của cử tọa.
Thật ra, từ lúc đầu và sau này, dần dần khi Công Ðồng tiếp diễn, các nghị phụ quây quần với nhau để họp thành phe đa số và thiểu số. Phe đa số không phải là thuần nhất, và những khác biệt về tính tình, về khuynh hướng thần học và về các ưu tư đã đưa đến các cuộc xung khắc trong nội bộ; nhưng theo chiều hướng của đức giáo hoàng XXIII, họ lưu ý đến các thực tại của thế giới, sẵn sàng thích ứng, cởi mở với việc đối thoại đại kết; theo dõi Công Ðồng, họ khám phá ra nền thần học mục vụ dựa trên Phúc Âm, tìm đến những quyết định cụ thể hơn là những xác định về tín lý; họ thường nghi kỵ với việc tập trung quá mức quyền bính trong Giáo Hội. Phe thiểu số gồm các vị chức sắc trong giáo triều và đa số là người từ các xứ đạo lâu năm như Ý, Tây Ban Nha, Châu Mỹ La Tinh. Họ chú ý đến tính cách kiên cố trong Giáo Hội và quyền quân chủ hơn, nhất là chống những thay đổi, và trung kiên với những cái gọi là gia tài đức tin. Vì vậy họ lẫn lộn những phát biểu tín điều với nội dung mặc khải. Phe thiểu số này tập trung vào thời kỳ cuối cùng của Công Ðồng, trong nhóm Coetus internationalis Patrum, đóng vai trò hữu ích là nhắc nhở những tín điều căn bản đôi khi bị quên lãng, để những bản văn chưa chắc chắn khỏi bị tung ra; nhưng phe này cũng là một chướng ngại cản trở hơn là giúp suy nghĩ. Ðối thoại với họ đôi khi làm quên đối thoại với thế giới. Mối ưu tư của cả hai phe và của đức giáo hoàng là giảm bớt căng thẳng giữa hai khuynh hướng ngõ hầu đi đến tình trạng hầu như nhất trí, đôi khi đi đến những chỗ nước đôi trong bản văn hoặc trong thủ tục.
Sau các thủ tục khai mạc, Công Ðồng bắt đầu chương trình nghị sự ngày 22.10.1962 với sơ đồ về phụng vụ, một trong bản văn hiếm họa được viết trong viễn tượng canh tân. Mặc dầu bị mấy vị sợ cải cách chỉ trích, sơ đồ này được chấp nhận với 2162 phiếu thuận (46 chống đối) ngày 14 tháng 11. Kết quả này cho thấy khuynh hướng chung của đa số thầm lặng.
Ða số này hiện diện rõ nét hơn nữa khi thảo luận về ‘nguồn gốc mạc khải’. Sơ đồ này có tinh thần hẹp hòi, quá dựa theo truyền thống tín lý đã làm cho các Giáo Hội Tin Lành mích lòng, Về mặt Thánh Kinh lại thụt lùi so với thông điệp Dinino afflante spiritu, đã nhiều lần bị phê bình riêng tư, và lần này bị phê bình kịch liệt: sau tám ngày, sơ đồ bị bỏ, với 1368 phiếu chống và 822 phiếu thuận, buộc phải soạn lại theo những căn bản mới. Dù thiếu quãng một trăm phiếu để có số phiếu 2/3, đức giáo hoàng quyết định trao lại cho một ban hỗn hợp, gồm có ủy ban thần học thuộc quyền Thánh bộ Ðức tin, và văn phòng Hiệp nhất từ trước tới nay không được Ủy ban thần học biết đến, mà bây giờ đứng ngang chân với ủy ban ấy.
Sau khi đã khảo sát sơ qua hai sơ đồ chưa được chỉnh về dư luận báo chí và về việc hợp nhất các người Ðông Phương, ngày 1 tháng 12, sơ đồ về Giáo Hội được khảo sát. Sơ đồ này khá nhất do ủy ban thần học biên soạn, nhưng vẫn không vừa ý về mấy điểm cơ bản. Chẳng những có nhiều đề nghị phải sửa lại, và sau những vụ can thiệp của các hồng y Léger, Suenens, Montini, đức giáo hoàng đồng ý là phải nghĩ lại toàn thể bố cục của Công Ðồng theo viễn tượng ‘một Công Ðồng cho thế giới’. Ðây là một điều nhục nhã cho các nhân viên trong giáo triều; họ muốn Công Ðồng phải theo ý họ sau khi không ngăn cản được việc triệu tập Công Ðồng.
Nếu các công việc chuyển hướng như vậy mà cả những người lạc quan nhất trong phe đa số cũng không ngờ lúc Công Ðồng khai mạc thì đó là nhờ một số chuyên gia gốc Pháp, Ðức, Bỉ đã ráo riết hoạt động trong suốt khóa thứ nhất. Ngoài số chính thức được đức giáo hoàng chọn (chừng 300) vào các ủy ban, một số nhà thần học có khuynh hướng mới về thần học và mục vụ đã tới Roma với tính cách là cố vấn của một giám mục hoặc với tư cách riêng. Chẳng những họ đã soạn thảo nhiều bài can thiệp cho các giám mục, mà nhất là qua các tiếp súc cá nhân và những bài diễn thuyết, họ giúp nhiều giám mục mở tâm trí ra như qua khóa bổ túc thần học về một hướng đi khác hẳn cái hướng mà Roma ưa thích. Với những cuộc họp dự thảo do các nghị phụ tự động tổ chức, họ đã thức tỉnh các ngài về tầm vóc của mấy bản văn hay của mấy sáng kiến để giúp các ngài xoay hướng tư tưởng và phán đoán đúng hơn. Có thể nói là trong hai khóa đầu, nhiều vị chuyên gia này có chân trong các ủy ban chính thức, đã đóng vai chủ chốt trong việc sọan thảo các bản văn. Trong thời gian chuẩn bị Công Ðồng, những chuyên gia bắc Âu Châu thỉnh thoảng mới qua Roma trong khi những nhà thần học Roma ở đó thường xuyên; nhưng từ tháng 10 năm 1952, họ qua Roma và ở luôn đấy lo cho Công Ðồng, còn những vị sống tại Roma vẫn phải lo công việc thường xuyên của họ là dạy học, hoặc làm cố vấn cho các Thánh Bộ. Hơn nữa càng ngày người ta càng ý thức thế nào là Công Ðồng, nên địa vị của các chuyên gia không phải là người Roma đang làm việc trong các ủy ban càng ngày càng gia tăng.
Cuối khóa thứ nhất, có quyết định sẽ thu gọn 70 sơ đồ thành 20, nhiều vấn đề kỹ thuật được chuyển sang ủy ban mới lập lên để canh tân bộ Giáo luật. Còn những sơ đồ khác sẽ trao cho các ủy ban sửa lại để thích ứng với tinh thần của đức Gioan XXIII trong bài diễn văn khai mạc Công Ðồng. Một ủy ban mới sẽ được thành lập trong đó đa số các nghị phụ không phải là người của giáo triều có nhiệm vụ khuyến khích hay kiểm sóat lại việc thích ứng này.
Các ủy ban khác nhau - rồi đến các phó ủy ban - tiếp tục làm việc không bị gián đoạn vì có việc thay ngôi giáo hoàng, vì đức Paul VI, ngay từ 22 tháng 6, đã quyết định tiếp tục Công Ðồng. Nhưng với kinh nghiệm khóa thứ nhất, ngài đã thay đổi luật lệ trong nhiều điểm. Ðiều thay đổi quan trọng nhất là lập một cơ quan mới, gồm 4 hồng y để điều hòa các buổi họp thay vì Hội Ðồng các chủ tịch, từ đây chỉ còn lo về trật tự và kỷ luật. Ðây là việc thay bậc đổi ngôi rất quan trọng cho hướng đi tương lai của Công Ðồng, nhưng sẽ gây va chạm trong vấn đề thủ tục. Trong 4 vị điều hành chung, chỉ một mình hồng y Agagianan là thuộc giáo triều. Việc chọn ba vị kia, hồng y Lercaro (Bologne) một trong mấy vị người Ý có khuynh hướng tiền phong, hồng y Doefner (Munich) rất có thế lực với các vị bên kia núi Alpes, và hồng y Suenens (Malines- Bruxelles), một đồ đệ của Dom Lambert Beauduin, không lùi trước các sáng kiến táo bạo. Ðiều đó cho thấy đức tân giáo hoàng muốn nới rộng các triển vọng của khóa thứ nhất càng ngày càng gia t#ng. Bài diễn văn của ngài cho thấy ngài muốn Vatican ‘bắc một cầu giữa Giáo hội và thế giới hiện đại’. Bằng chứng là Công Ðồng chấp nhận cho nhiều giáo dân dự thính, và từ khóa bốn còn thêm mấy người phụ nữ nữa (7).
Khóa hai dành cho việc thảo luận sơ đồ mới về Giáo Hội, do giáo sư G. Philips (8) đại học Louvain soạn, với sự hợp tác chặt chẽ của một nhóm chuyên gia quốc tế. Nhiều mục đã gây những cuộc tranh luận sôi nổi, như việc sáp nhập vào sơ đồ này vấn đề Ðức Maria, vì nhiều vị cho rằng như thế là hạ giá địa vị của Ðức Mẹ xuống; việc phục hưng chức phó tế vĩnh viễn được một số người coi như lối tránh né luật độc thân, và nhất là bí tích tính trong nghi lễ truyền chức giám mục, như thế có nghĩa là các giám mục nhận được quyền năng do nghi lễ chứ không phải do Toà Thánh ủy quyền. Nhìn nhận quyền liên đới của hàng giám mục là do chính Thiên Chúa ban cho đối với giáo triều là xét lại vai trò của giáo hoàng đã được định rõ trong Công Ðồng Vatican I. Ðể đánh tan sự chống đối ngấm ngầm của phe thiểu số đối với ban thần học về điểm này, sau mấy giàn xếp khó khăn, nhóm điều hành được phép tổ chức ngày 30 tháng 10 một cuộc bỏ phiếu thử. Kết quả thuận rất đông (9), nhưng mấy ngày sau, phe nghịch lại phản đối dữ dội cái nguyên tắc trên kia khi người ta bảo phải nghiên cứu lại kỹ lưỡng lược đồ về hàng giám mục và quyền hành trong giáo phận để thích ứng việc gia tăng giá trị cho hàng giám mục.
Cuộc thảo luận sơ dồ thứ hai này (từ 5 đến 16 tháng 11) cho giáo phụ Melkite Maximos IV một dịp can thiệp mãnh liệt, vì suốt thời Công Ðồng, ngài chuyên môn bắt bẻ, chống đối ưu thế của giáo triều Roma trong Giáo Hội, và gây xung đột giữa hồng y Frings tổng giám mục Cologne và hồng y Ottaviani về Thánh Bộ Ðức Tin. Sau đó thì đề cập đến sắc lệnh về đại kết do hồng y Cicognani trình bày. Việc này tránh được mối cạnh tranh ngôi thứ giữa ủy ban Giáo Hội Ðông Phưong đã soạn thảo một dự án đầu tiên chưa hoàn bị và Văn phòng Hiệp nhất đã đứng ra thay thế. Hồng y Bea chủ tịch văn phòng giới thiệu chương IV về dân Do Thái mà ngài là tác giả. Chương V về tự do tôn giáo được đức cha de Smedt (Bruges) giới thiệu, vì ngài là người đầu tiên đã tố giác mối nguy cơ của tinh thần ‘đắc thắng’. Mặc dầu có chống đối của Ý và Tây Ban Nha, cuộc thảo luận ngày đầu đã thao diễn ra trong êm thắm nhân dịp ba chương đầu, vì ban điều hành cho biết các chương về Do Thái và tự do tôn giáo làm cho nhiều người thắc mắc sẽ được soạn lại và đem cứu xét khóa sau. Ðiều đó làm cho nhiều người sợ những chương ấy bị bỏ đi.
Trái lại, những ngày cuối khóa đã mang lại rất nhiều thỏa mãn cho phe đa số. Vì có lời thỉnh nguyện của đa số, ngày 21 tháng 11 đức giáo hoàng ấn định sẽ thêm 5 vị nữa cho mỗi ủy ban, bốn vị sẽ được bầu, và trong mỗi ủy ban, một vị sẽ được bầu làm phó chủ tịch và một vị làm thơ ký phụ. Ðường lối này sẽ gây nhiều khó dễ cho các thủ đoạn mà giáo triều quen dùng, vì từ trước đến giờ giáo triều thường nắm những địa vị then chốt và là thiểu số ngăn chặn. Rồi đức Phaolô VI cho biết trong tháng 12 sẽ hủy bỏ nhiều giới hạn mà giáo luật đã ấn định về quyền năng của các giám mục, có ý vượt quá các đề nghị của phần phụ lục trong sơ đồ về các giám mục. Hôm sau hiến chế về phụng vụ trước đây đã đưa ra sửa chữa dần dần, được gần hết Công Ðồng tán thành, đó là kết quả đầu tiên của Công Ðồng trong đường hướng tiến bộ trước bao nhiêu tiếng phê bác trong những lần tranh luận đầu tiên: thế mới biết con đường đi đã dài.
Mặc dầu cuộc hành hương Thánh địa của đức Phaolô VI và cuộc gặp gỡ với thượng phụ Athénagoras đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trời lại đâm u ám. Mệnh lệnh ra đầu năm 1964 nhằm giảm phần nửa các sơ đồ đề nghị trước sự chống đối của thiểu số trong giáo triều làm cho nhiều người sợ Công Ðồng bị giải thể. Tình thế càng bi quan trước những nỗi khó khăn tăng gấp, lần này không phải về thủ tục, mà về nội dung và hình thức của sơ đồ 13 về Giáo Hội và Thế Giới. Người ta mong đợi sơ đồ này vì nó vận dụng nhiều vấn đề mới chưa được khoa thần học khai triển, những vấn đề được cứu xét dưới những khía cạnh rất khác nhau tùy từng xứ sở ; vả lại người ta còn tự hỏi phải biên soạn sơ đồ ấy cho các tín hữu hay cho người bên ngoài. Kể từ cuối tháng 3, người ta lại bắt đầu tin tưởng, ủy ban thần học với lối đối thoại xây dựng đã gây được sự thỏa thuận về nền thần học của hàng giám mục, và đưa lược đồ về mạc khải ra khỏi thế kẹt. Nhưng trong mùa hè, được một số cố vấn thúc đẩy, đức Phaolô VI bắt đầu gửi cho ủy ban những sửa chữa làm dịu bớt tiếng liên đới cộng đồng, và nhấn mạnh đến quyền tối thượng của đức giáo hoàng, làm cho bản văn thiếu liên tục. Trước những vụ xáo trộn trong thế giới Ả Rập, những ngập ngừng của Quốc vụ khanh với bản tuyên ngôn về người Do Thái lại làm cho nhiều người lúng túng.
Mặc dầu những mối ưu tư đó có nền tảng, khoá thứ ba được khai mạc với lễ đồng tế do đức giáo hoàng và 24 nghị phụ cử hành theo thể thức phụng vụ canh tân; những tuần đầu Công Ðồng tiếp tục một cách thoải mái như chưa từng thấy với nhiều kết quả khả quan. Hiến chế về Giáo Hội và về Mạc Khải cũng như sắc lệnh về Ðại Kết được thành tựu; đó là bằng chứng các tư tưởng đã chín muồi trong vòng hai năm; đó cũng là số phận của sơ đồ đã được sửa lại về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục, mà trước đây phe thiểu số đã cố giảm bớt quyền hành của các vị. Một dự án khác không khả quan bao nhiêu về các Giáo Hội Ðông Phương hợp nhất, dự án này đã là dịp cho một cuộc thảo luận sôi nổi. Sau đó người ta vội vã đề nghị một loạt các dự án mới. Trước tiên là về Tự do tôn giáo, về người Do Thái và về các Tôn giáo ngoài Kitô giáo. Rồi đến việc Tông đồ của người giáo dân, về các linh mục (bị 1099 phiếu bác bỏ và 930 phiếu thuận vì còn hời hợt và chưa chu đáo), về các tu sĩ (bị chỉ trích nhiều vì quá pháp lý và tây phương), về Chủng viện, về Giáo dục công giáo, về Hôn nhân. Cuối cùng và nhất là lược đồ 13, mà nhiều người cho rằng phải là chóp đỉnh của Công Ðồng mục vụ này. Nhưng lược đồ ấy đã gợi ra nhiều vấn đề nóng bỏng, như điều hòa sinh sản, những hạn chế của quyền tư sản, những nhiệm vụ của các nước giầu đối với thế giới đệ tam, việc xử dụng bom nguyên tử, ở đây những ‘nhà tiên tri’ chống đối ‘nhà chính trị’. Rốt cục người ta đề nghị phải sửa lại lựợc đồ bằng cách kêu gọi đến nhiều giáo dân và nhiều nhà chuyên môn hơn.
Một triệu chứng lành mạnh khác: trong khóa thứ ba vẫn có sự cộng tác chặt chẽ giữa các nghị phụ và các chuyên gia, nhưng đến nay các chuyên gia lại can thiệp có vẻ nóng nảy như một nhóm áp chế không mấy tốt đẹp, dần dà Công Ðồng Vatican II đã trở về cương vị: Công Ðồng của các gíam mục, các chuyên gia chỉ có phận sự phụ tá thôi. Một phận vụ có thể trở nên chủ chốt vì đôi khi nhờ lòng tin cậy của đa số đối với các chuyên viên và nhờ kinh nghiệm riêng của họ về các giới Roma, nhiều bản văn rất tế nhị được thành tựu, (như đức cha Philips và đức cha Willebrands với sơ đồ đại kết, cha Hamer về tự do tôn giáo, đức cha Martimort với hiến chế Phụng vụ, đức cha Onclin với trách nhiệm mục vụ của các giám mục).
Khóa này lúc đầu rất tốt đẹp cũng kết thúc trong bầu khí căng thẳng và khó chịu cho những ai nặng lòng với tầm vóc đại kết trong các vấn đề thảo luận. Ðức giáo hoàng vì muốn giảm bớt các chống đối của nhóm thủ cựu, đã lấy mấy sáng kiến không được mọi người đồng ý: chẳng hạn thêm vào hiến chế về Giáo Hội một đoạn giải thích tính liên đới cộng đoàn của các giám mục đối với quyền tối thượng của đức thánh cha; thêm vào sắc lệnh về đại kết đã được Công Ðồng chấp thuận mấy sửa đổi thiếu tình hữu nghị đối với người không công giáo (Laurentin); lấy tính cách cá nhân mà tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội. Ngoài ra nhiều người thất vọng vì, do áp lực của nhóm thủ cựu, cuộc bỏ thăm về vấn đề tự do tôn giáo bị giãn lại vào khóa sau.
Trong cuộc họp cuối cùng là một cuộc thành công về phụng vụ đã được công bố Hiến chế về Ðại kết và về các Giáo Hội Ðông Phương. Ðức giáo hoàng cũng loan báo mấy thay đổi quan trọng trong việc quản trị trung ương của Giáo Hội: thành lập những ủy ban kiểm soát việc áp dụng các quyết định của Công Ðồng trong đó các giám mục sẽ cộng tác chặt chẽ; chọn mấy giám mục chính tòa vào các Bộ Roma để các cơ quan này thông hiểu các nước xa xăm; thành lập Thượng hội đồng giám mục để đức giáo hoàng tham khảo ý kiến theo định kỳ.
Năm buổi họp đầu tiên của khoá thứ IV được dành cho dự án về tự do tôn giáo, đã được một cha Dòng Tên người Mỹ là C. Murray soạn lại hoàn toàn. Mặc dầu nhiều nhượng bộ đã được áp dụng, theo dư luận phe thiểu số, bản văn này còn gặp một cuộc chống đối rất gây cấn. Chính đức giáo hoàng Phaolô VI phải can thiệp để giải tỏa tình trạng. Ðây là cuộc đụng chạm cuối cùng trong Công Ðồng. Sau đó, mọi sự được yên ổn vì phe thiểu số từ bỏ chiến thuật phá rối và còn mong Roma trưng dụng một số người ngoại quốc để đặt lại hết các vấn đề.
Dự án mới về Giáo Hội giữa trần thế mà tác giả chính là Haubtman người pháp. Dự án này đã được sửa đổi nhiều trong thời gian giữa hai khoá, được đa số chấp nhận, mặc dầu còn có nhiều người cho là quá sớm, người khác lại cho rằng quá rụt rè (việc giám mục Melkite Zoghby can thiệp cho người ly dị gây xúc động nhiều, không những ở trong mà cả ở ngoài Công Ðồng). Sau một cuộc trao đổi xây dựng, việc sửa chữa được giao cho đức cha Garrone. Lược đồ về việc truyền giáo được viết lại với nhiều khai triển giáo lý mới và viễn tượng đại kết, đã gây nhiều cuộc trao đổi sôi nổi, nhưng cũng được đại đa số chấp thuận. Bản văn về linh mục được thay đổi khá nhiều chỉ gây một cuộc trao đổi buồn tẻ, xôn xao nhất là khi đức giáo hoàng cho biết độc thân là một vấn đề dành để ngài quyết định.
Tháng cuối cùng dành cho việc sửa đổi các bản văn còn lại phải bỏ phiếu (10). Ðây là lúc gay go nhất cho các ủy ban phải tranh thủ thời giờ, trong khi phải đối phó với hai mặt, một bên là phe ‘tả’ đang trách cứ bạn cũ trong đa số quá nhân nhượng để làm dịu tình thế, một bên là cánh thủ cựu đang ám ảnh giáo hoàng vì những ưu tư của họ. Ðức giáo hoàng can thiệp vào hiến chế Mạc Khải, cho rằng ngài cũng có quyền, như phần tử khác của Công Ðồng can thiệp vào việc hoàn bị các bản văn và cho ý kiến về ba chỗ sửa đổi trong đó có hai đã được ủy ban cứu xét lại (11).
Từ ngày 28 tháng 10, năm bản văn được chấp thuận trọng thể: sắc lệnh về chức năng mục vụ của các giám mục (là chức năng được rút thẳng từ các hiệu quả của nền giáo lý về tính liên đới và chức năng tổ chức các hội đồng giám mục), sắc lệnh về các tu sĩ (được bổ khuyết với rất nhiều sửa đổi của một ủy ban từ trước đến giờ vẫn chống đối cập nhật hoá) và sắc lệnh về Chủng viện, một bản tuyên ngôn thông thường về Giáo dục công giáo và một bản tuyên ngôn khác về các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, trong đó có phần chủ yếu về người Do Thái đã bị chống đối rất găng đến giờ phút cuối cùng. Ngày 18 tháng 11 việc công bố sắc lệnh về Tông đồ giáo dân không gặp chống đối gì, và hiến chế về Mạc khải (Dei Verbum) phần lớn do cha Betti ofm biên soạn với sự cộng tác của mấy nhà thần học Ðức; đây là một bản văn rất hay được mục sư Thurian xem như ‘một bước quyết liệt trong việc hiệp thông các kitô hữu’. Ngày 7 tháng 12, bốn tài liệu cuối cùng được công bố : sắc lệnh về việc Truyền giáo và về các Linh mục, bản tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo và hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes). Văn kiện này được coi là bản văn dài nhất của Công Ðồng Vatican II (82 trang) có nhiều giằng co giữa thần học và mục vụ, nên trong hai tuần lễ cuối có những lúc phải ngưng lại để thảo luận. Mặc dầu còn nhiều thiếu sót, văn kiện này cũng là khởi điểm cho nhiều suy cứu căn bản. Những ngày cuối cùng gây nhiều ấn tượng: ngày 4 tháng 12, nghi thức từ giã các quan sát viên tại đền thánh Phaolô ngoại thành; đây là lần đầu tiên đức giáo hoàng cử hành chung với các người không công giáo; ngày 6 tháng 12 có tin sửa đổi Bộ Thánh vụ, từ nay gọi là Thánh Bộ giáo lý đức tin, theo lời xin của đức hồng y Frings năm 1963; ngày 7 tháng 12 giải tỏa vạ tuyệt thông giữa Roma và Constantinople qua một công thức phúc âm rất cảm động; sau cùng ngày 8 tháng 12 lễ bế mạc long trọng - không có vẻ gì đắc thắng - tại công trường thánh Phêrô trước sự hiện diện của 81 phái đoàn các chính phủ và 9 tổ chức quốc tế.
Như vậy Công Ðồng chấm dứt trong một niềm hy vọng lớn lao như nhiều người nghĩ tưởng, nhưng liệu có dứt khoát được với thời kỳ hậu Công Ðồng Trente không? Còn quá sớm để quả quyết điều ấy. Có điều chắc chắn là Công Ðồng này sẽ gây nhiều ảnh hưởng hơn Công Ðồng Vatican I trong đà thăng tiến Giáo Hội Roma về rất nhiều phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, các giải đáp đưa ra mới là nửa chừng, vì nhiều tư tưởng định hướng chưa được chín muồi, và vì chúng đã bị ‘ngăn chặn bởi các cơ cấu lỗi thời và bởi những người làm việc trong các cơ cấu ấy’ (Laurentin). Việc sửa đổi cơ cấu giáo triều do đức Paul VI hoạch định năm 1967 (12) và được đem ra áp dụng năm sau là một bước quyết liệt và là một mốc quan trọng, cũng như việc chính thức xích lại gần Hội đồng đại kết các Giáo H?i và mấy hội nghị thượng đỉnh kitô (13) là điều không thể quay trở lại, cũng như những nhận thức càng ngày càng hiển nhiên là giáo dân có thể tích cực cộng tác vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Bằng cách giải tỏa một số vấn đề và từ bỏ tinh thần ù lỳ, đắc thắng và chuyên nhất, Công Ðồng Vatican II đã huy động tất cả các tiềm lực ẩn tàng của Sứ điệp Phúc Âm và cộng tác với mọi nguồn nhân lực sống động sẵn có. Nhưng khi đặt lại vấn đề của những sự việc mà người ta cho là truyền thống, Công Ðồng đã là nguyên nhân một cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn trước mặt chúng ta, mà hiệu quả mỗi ngày thêm trầm trọng, vì nó rơi vào chính cuộc khủng hoảng của văn minh tây phương và vì cái ‘xã hội trần tục’ đã được chuẩn bị từ hai thế kỷ nay. Phải chăng đây chỉ là một cuộc khủng hoảng của ‘tuổi dậy thì’ đã khuấy động Giáo Hội vào cuối thời Trung Cổ hay cuối thế kỷ XVIII như có người đã nhận định? Có lẽ phải đợi một hay hai thế hệ nữa thì các sử gia mới tìm được câu trả lời thỏa đáng.