CHƯƠNG II
ÐỜI SỐNG CỦA GIÁO HỘI.
CHƯƠNG II
ÐỜI SỐNG CỦA GIÁO HỘI.
Sự tập trung quyền bính luôn được đẩy mạnh trong Giáo Hội Roma, đặc biệt từ thời đức Pie X tới đức Pie XII. Ðồng thời, vấn đề quốc tế hóa dồn dập của một thế giới có nhiều tương giao vượt biên giới quốc gia, càng ngày càng giảm bớt những ưu đãi của một thiểu số, làm cho những lối sống bên ngoài của người công giáo trở nên đồng loạt hơn, ít ra trong cái nhìn tổng quát mà chúng ta sẽ nêu lên trong những trang sau. Dầu sao không nên phóng đại tính cách đồng loạt này, một phần vì trước ngày họp Công Ðồng Vatican II, người ta vẫn nhận thấy những khác biệt khá rõ rệt giữa nước này với nước kia, nhất là từ miền này qua miền khác, đặc biệt là Tây Âu có những lập trường đi trước xa sánh với các nước miền Nam và Anglo-Saxon. Ðàng khác, không bao giờ quên rằng trong cùng một vùng luôn có những trào lưu cấp tiến và những trào lưu bảo thủ, mặc dầu với những tỉ lệ khác nhau. Về vấn đề này, cần phải ghi chú rằng: nếu trong chương này chúng ta nêu lên những điều mới mẻ cho thấy sự sống động, và trong một vài lãnh vực thấy sự hồi xuân của một Giáo Hội xem ra đã giảm bớt nhiều về nhân số, thì đây không phải là lúc trách cứ những hành động của rất đông người theo đường lối cổ truyền. Những người này đã đóng góp không ít vào sức sống của Giáo Hội Công Giáo trong nửa thế kỷ được bàn tới ở đây. Nhưng khi trình bày nội dung cùa chương này, chúng tôi phải lựa chọn vì số trang dành cho chúng tôi bị giới hạn.
Cũng vì lý do đó, không có cách nào hơn là liên tưởng đến sự biến chuyển của những hình thức đạo đức và hoạt động tôn giáo trong các cộng đồng Kitô khác, mặc dầu những đối chiếu thường cho thấy rõ việc khám phá ra ý nghĩa về Giáo Hội trong các giới tin lành, những khuynh hướng mới của học thuyết xã hội kitô và những ảnh hưởng mà người công giáo nhận được nơi các anh em ly khai, dần dần gia tăng nhiều hơn thế kỷ trước, và tâm thức tự tách biệt nổi bật trong thế kỷ XIX đã bắt đầu giảm dần. Không gì sai lịch sử bằng tin rằng những tiếp xúc phong phú giữa người công giáo, tin lành, anh giáo và chính thống trước Công Ðồng Vatican II chỉ giới hạn trong những phát biểu của phong trào đại kết giữa các ngành phái khác nhau. Nên nghĩ đến vai trò của Chính Thống trong sự phát triển phụng vụ công giáo, đến quan niệm tập đoàn trong hàng giáo phẩm, đến địa vị của các Giáo Hội cải cách trong việc khai sinh ra phong trào Thánh Kinh, hoặc trong ý thức về chỗ đứng của giáo dân trong Giáo Hội.
Trước khi tiếp tục khảo sát những khía cạnh khác nhau của đời sống công giáo trong nửa thế kỷ bằng cách nêu ra trong mỗi trường hợp những nét điển hình nhất và dáng điệu phổ quát của sự biến chuyển, chúng ta phải lưu ý đến bình diện chung, đó là tính cách hỗ tương của những hiện tượng hay của những người này trên người khác, những phong trào này trên phong trào khác mà người ta bó buộc phải nghiên cứu riêng biệt. Sự nối kết của một chuỗi những khám phá song song giải thích sức kiên cường của một đổi mới mà lúc đầu xem ra là nghịch lý. Với ít nhiều uyển chuyển, người ta có thể áp dụng vào nhiều nước nhận định của một người Pháp 26 tuổi, vào năm 1930, rằng: “Chúng tôi là thế hệ đã tìm lại được Thánh Kinh (...). Chúng tôi là thế hệ tái khám phá ra phụng vụ (...). Chúng tôi là thế hệ luôn say mê về những lời nóng bỏng của Lord Halifax, của hồng y Mercier, vì say mê sự hiệp nhất của Giáo Hội. Chúng tôi là thế hệ đã nhận được tiếng kêu báo động của cha Lebbe trước những phong trào ái quốc đang lên tại các nơi truyền giáo (...). Chúng tôi là thế hệ đã đọc Paul Claudel và Teilhard de Chardin và đã khám phá ra với họ một cái nhìn vào thế giới có thể thỏa mãn những yêu sách của nhà bác học và những nguyện vọng của các thi nhân. Nhưng bất hạnh thay, chúng tôi là thế hệ thừa hưởng hai luồng tư tưởng ma quái (...), của những thế kỷ đã phủ nhận và phản bội các yêu sách về công bằng và bác ái trong sứ điệp của Ðức Kitô. Do đó, chúng đã đưa con người đến vực thẩm thất vọng và vô nhân đạo” (1)
Việc giáo dân nắm giữ phần quan trọng trong đời sống Giáo Hội Roma là một nét điển hình cho sự biến chuyển của Giáo Hội trong triều đại giáo hoàng Pie XI và Pie XII. Khi đức Pie X chưa nhìn nhận người giáo dân công giáo như những trợ tá của giáo sĩ, giúp họ chu toàn sứ mạng tông đồ, thì sau đại chiến I, người ta càng ý thức rằng: phải có một hoạt động chuyên biệt cho người giáo dân, bổ túc cho hoạt động giáo sĩ, và trong hoạt động này người giáo dân có một vai trò không thể thay thế. Hơn nữa, người ta không thể nói đó chỉ là một nhiệm vụ riêng biệt trao phó cho một nhóm nhỏ được chọn lọc, nhưng đó là một sứ mạng chung, đòi hỏi mọi người đã lãnh bí tích rửa tội, không như một đặc ân, nhưng như một nghĩa vụ. Ðức Pie XI, khi còn là tổng giám mục Milan, đã khích lệ Công Giáo Tiến Hành bằng lá thư chung của các giám mục miền Lombardie, ngài theo dõi sát những biến chuyển này, không chỉ khuyến khích những sáng kiến bộc phát trong các dân tộc khác nhau, ngài còn thúc giục những nơi nào ngài thấy có thể và cố gắng chính thức hóa thành hoạt động địa phận. Nhạy cảm trước vai trò của các hoạt động quần chúng trong xã hội đương thời, nhưng còn ít tin tưởng hơn đức Léon XIII về hiệu lực của các đảng phái chính trị tôn giáo, đức Pie XI hy vọng thấy trong mỗi quốc gia việc thiết lập một lực lượng hành động, quy tụ những giáo dân trên lãnh vực tôn giáo, dưới sự che chở của quyền bính giáo phẩm. Nhờ đó, có thể tái tạo tinh thần kitô giáo trong các tập tục riêng và trong đời sống chung trên cộng đồng quốc gia và quốc tế, dưới nhãn hiệu vương quốc phổ quát của Ðức Kitô. Hoạt động Công Giáo Tiến Hành có tổ chức này được ngài “coi như con ngươi của ngài”. Ngài đã phác họa một nền tảng học thuyết (2), xác định rằng Công Giáo Tiến Hành “là dự phần của giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm” trong khi các tổ chức xã hội công giáo mà các vị tiền nhiệm của ngài đã bao che dưới nhãn hiệu Công Giáo Tiến Hành, chỉ là những “trợ tá”. Ngài giải thích trong lá thư gởi cho hồng y Segura năm 1929, “Công Giáo Tiến Hành không gì khác hơn là hoạt động tông đồ của giáo dân, dưới sự hướng dẫn của giám mục, họ sẵn sàng giúp Giáo Hội của Thiên Chúa và bằng một cách nào đó, họ bổ túc hoạt động mục vụ”. Song song với sự hướng dẫn về lý thuyết và với những lời khích lệ của ngài, ngài là người thích được gọi là “giáo hoàng của Công Giáo Tiến Hành”, ngài cố tìm cách cung ứng cho Công Giáo Tiến Hành một quy chế chính thức được bảo đảm. Ngài không chấp nhận một vi phạm nào đối với Công Giáo Tiến Hành, như ngài đã tuyên bố năm 1931: ngài chống lại những vi phạm đối với Công Giáo Tiến Hành Ý, và coi đó như những đe dọa của chính quyền tài phiệt (3).
Cơ quan tông đồ do người giáo dân tổ chức mang những hình thức khác nhau tùy theo quốc gia. Nhiều tổ chức trung thành lâu dài với hình thức đơn vị, thừa kế của thế kỷ XIX, chỉ biết một phong trào quốc gia với bốn ngành quy tụ các nam nhân, nữ nhân, thanh niên, thiếu nữ. Chính trên căn bản này, đức Pie XI đã tái lập Công Giáo Tiến Hành Ý, giữa tháng 11 năm 1922 và tháng 10 năm 1923. Công Giáo Tiến Hành Ý đã được dùng làm khuôn mẫu tại Balan bắt đầu từ năm 1925, tại Tây Ban Nha năm sau, tại Yougoslavie và Tchécoslovaquie năm 1927, tại Áo năm 1928, và nhiều nơi khác. Nhưng một biến chuyển đã bắt đầu trong “Công Giáo Tiến Hành chuyên biệt”, nghĩa là coi môi trường sống nhất định như một đích điểm, dưới ảnh hưởng của phong trào Thanh Lao Công tại Bỉ. Trên thực tế đã khởi sự từ năm 1913 do một linh mục trẻ có tinh thần sứ ngôn: cha Cardjin (4). Phong trào này được chính thức tung ra năm 1925, năm sau được người Pháp bắt chước, với linh mục Guérin, với những thích ứng đáng kể, phong trào JOC (Thanh Lao Công) được nâng đỡ ngay từ lúc đầu do những khích lệ của đức giáo hoàng Pie XI, mặc dầu có những dè dặt của những người đã trách cứ ngài đưa sự tranh đấu giai cấp vào Giáo Hội và “chia rẽ thân thể Ðức Kitô” (5). Mười năm sau đức hồng y quốc vụ khanh viết rằng: “Phong trào JOC thể hiện trước mắt đức thánh cha một kiểu mẫu hoàn bị về Công Giáo Tiến Hành, đó là một tư tưởng chính yếu của giáo triều ngài”, và theo một lưu chú của đức hồng y Garrone (6), Công Giáo Tiến Hành sẽ được ghi dấu hơn một thế hệ do cái mà phong trào JOC đã thực hiện lúc đầu. Ðiều mà phong trào JOC đã làm cho giới thợ thuyền, hướng đạo công giáo, đem áp dụng cho những môi trường trưởng giả, và từ đó phát sinh những tổ chức cho người trưởng thành, nhiều trường hợp đã là phong trào trẻ kéo dài, để nâng đỡ những cựu chiến sĩ đã lập gia đình.
Những người này đã đóng góp nhiều, đôi khi rất đáng chú ý, vào việc canh tân bộ mặt cổ truyền của một số giáo xứ. Nhưng tham vọng của đức Pie XI và những cổ động viên của Công Giáo Tiến Hành có tổ chức, chỉ được thể hiện trong những tỉ lệ khiêm tốn. Những nguyên nhân của sự thất bại này có nhiều: - Trở ngại đương nhiên trong những nước độc tài (nơi đây sự nhát sợ của hàng giáo phẩm ngăn chặn năng động và can đảm của thanh niên), - Sự dò dẫm khó tránh lúc đầu của các xí nghiệp mới. - Các phong trào của người trưởng thành gặp phải nỗi khó khăn khi họ muốn thoát ly ra khỏi phương pháp của thanh niên để tìm ra một kiểu mẫu riêng biệt. - Khuynh hướng thường tình của các phong trào là trở nên những bảo trợ phe phái, lo thu hồi những người chểnh mảng hơn là trở nên những gia đình “chinh phục” (như lúc đó người ta thường nói), mở rộng ra trên khối những người vô tín ngưỡng. - Nhưng còn óc thụ động của đa số tín hữu, bám víu vào truyền thống cá nhân chủ nghĩa, và thường xuyên dè dặt. - Về phía giáo sĩ, họ do dự không dám để cho giáo dân được tự do, trong lãnh vực hoạt động riêng của họ. Sau đệ nhị thế chiến, những nguyên nhân khác thêm vào để gây khủng hoảng cho Công Giáo Tiến Hành trong một vài nước, như người ta đã thấy lúc đầu của hai thập niên trước: khắp nơi phản ứng chống lại mọi hình thức lãnh đạo. Tính chất giả tạo của sự tách biệt gắt gao giữa các nhóm nam và nữ, và sự ngăn cách quá lớn giữa các phong trào chuyên biệt khác nhau, phong trào này với phong trào khác. Cũng thế, những người dấn thân trong các hoạt động trần tục, đôi khi họ sợ “một hình thức giáo sĩ trị mới” can thiệp vào những phong trào đã được hàng giám mục “ủy nhiệm”, đến nỗi đức Pie XII giống như vị tiên nhiệm, đã cố ý tránh nói là “sự tham dự” của người giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm, mà chỉ dùng kiểu nói trung lập hơn, như “cộng tác” và “giúp đỡ”.
Chính trong bối cảnh đặt lại vấn đề mà các hình thức mới về tông đồ giáo dân xuất hiện, hoặc bằng cách đem tinh thần mới vào những công thức cũ, thí dụ sửa đổi các hiệp hội Thánh Mẫu tại Ấn Ðộ; hoặc tìm kiếm những đường hướng mới, thí dụ mấy phong trào hoạt động về gia đình như Christian Family Mouvement phát sinh tại Hoa Kỳ năm 1948 và sau đó phát triển ở Viễn Ðông. Còn phải dành cho Legio Mariae một chỗ đứng đặc biệt (7), hội đoàn này được thành lập tại Irlande từ năm 1921, đã được đức Pie XI công nhận năm 1933, phát triển rộng trong môi trường quốc tế, qua Âu Châu và các xứ truyền giáo, sau chiến tranh. Khác với những hình thức cổ điển của Công Giáo Tiến Hành trong đường hướng Thanh Sinh Công, một phong trào tông đồ trực tiếp và cá nhân, có đối tượng thuần túy tôn giáo, không bận tâm đến những hoàn cảnh xã hội, văn hóa hoặc hiến pháp của đời sống đạo đức, và quy tụ, không phân biệt những thành viên thuộc môi trường xã hội khác nhau. Hơn nữa, bằng những giáo huấn đặc biệt về lý thuyết, nói riêng là bài diễn thuyết quan trọng vào dịp đại hội Tông đồ Giáo dân thứ hai năm 1957 (8), đức Pie XII, nhằm mở rộng ý niệm Công Giáo Tiến Hành như đức Pie XI đã định nghĩa và áp dụng nó vào tất cả các tổ chức của người giáo dân trong mục đích tông đồ.
Tổ chức này có những hình thức rất khác nhau theo mỗi quốc gia, nhưng vào cuối triều đức Piô XII, người ta có thể phân biệt thành bốn loại tổng quát (9). Những quốc gia có Công Giáo Tiến Hành dưới hình thức một tổ chức theo đơn vị quốc gia rất tập trung và rất lệ thuộc vào quyền bính Giáo Hội; trường hợp điển hình nhất là tại Ý (10), nhưng người ta cũng thấy tổ chức này tại Tây Ban Nha với một vài thay đổi, tại Bồ Ðào Nha, tại nhiều nước Châu Mỹ La Tinh và trong một vài xứ truyền giáo. Tại các nước khác, đặc biệt tại Pháp, Bỉ, Canada, nơi nói tiếng Pháp, và các nước Châu Phi nói tiếng Pháp, trái lại, đặt trọng tâm trên những phong trào chuyên biệt khác nhau, theo môi sinh hoặc theo nghề nghiệp (11); những phong trào này được rộng rãi tự chủ, giữa các phong trào với nhau, về phương pháp cũng như về chủ đích. Nhóm thứ III thuộc các nước trong đó có Hòa Lan, Thụy Sĩ vùng Ý và Việt Nam dưới danh nghĩa là Công Giáo Tiến Hành thuộc loại hiệp hội, quy tụ một chuỗi những tổ chức khác nhau, giữ nguyên tên gọi riêng, như tại Philippines, có thể từ JOC tới Knight of Colombus. Sau cùng, trong thế giới nói tiếng Anh và tại Á Châu cũng như tại Ðức (trừ vùng Bavière), tại Thụy Sĩ vùng Ðức, danh từ Công Giáo Tiến Hành thực ra không được dùng, nhưng những phong trào hoạt động của người giáo dân cũng nhiều, có những phong trào đã có từ thế kỷ XIX, như Bonifatiusverein và những nhóm nhỏ mạnh mẽ tại Ðức, hoặc Catholic Young Men's Society tại Ái Nhĩ Lan. Những nhóm khác phát sinh mới đây như Legion de Marie (Ðạo Binh Ðức Mẹ) hoặc các nhóm nhỏ tiền phong lo về tông đồ phụng vụ, thánh kinh hay đại kết, hoặc còn những tổ chức khác tìm cách gây ảnh hưởng trên Mass media trong chiều hướng Kitô giáo (nhất là Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều, đôi khi thiếu sáng suốt đối với một số người, trong phương diện điện ảnh). Ðấy là chưa kể sự bành trướng khắp thế giới của một số phong trào chuyên biệt phát sinh tại Tây Âu, như trường hợp của JOC vào thập niên sau khi chiến tranh chấm dứt (12).
Rất chóng, người ta cảm thấy cần phải hòa hợp trên phương diện quốc tế, sự phát triển các phong trào dưới nhiều hình thức và đối tượng trực tiếp rất khác nhau. Vào mùa xuân năm 1938, tại Roma, đức Pie XI đã thành lập một văn phòng trung ương cho Công Giáo Tiến Hành, để thiết lập một trung tâm tài liệu cho thế giới, nhưng chiến tranh làm tan vỡ. Vào năm 1950, hiệp hội các tổ chức Công Giáo quốc tế (OCI), đã qui tụ giữa hai thế chiến hàng chục hội (từ Caritas internationalis tới các hội thánh Vincent de Paul và các hiệp hội Thánh Mẫu) được tổ chức lại, và các đại hội thường niên tạo nên những trao đổi hữu ích. Phần khác, theo sáng kiến của chủ tịch Công Giáo Tiến Hành Ý, M. Veronese, vào tháng 10 năm 1951, một đại hội thế giới đầu tiên về tông đồ giáo dân được tổ chức tại Roma (13). Tuy là một sáng kiến bất ngờ và bị một vài giám mục nghi kỵ, nhất là tại các nước La Tinh, đại hội này đã thành công và tức khắc người ta cảm thấy cần phải tiếp tục công việc này, nên đức Pie XII đã thành lập ủy ban thường trực các hội nghị quốc tế về tông đồ giáo dân (COPECIAL). Vai trò của ủy ban này không phải để đưa ra những chỉ đạo cho các phong trào và các tổ chức khác nhau, nhưng để theo dõi tất cả những kinh nghiệm tông đồ giáo dân, để giúp họ có thể phục vụ lẫn nhau.
Song song với biến chuyển của các hình thức Công Giáo Tiến Hành, một nghiên cứu sâu xa có tính cách học thuyết được tiếp tục, nhưng được trực tiếp hướng dẫn về những áp dụng thực tiễn. Không thể chối cãi rằng lúc khởi đầu Công Giáo Tiến Hành đã bị hiểu ngầm như một hy vọng viển vông kiến tạo lại cộng đồng kitô hữu mới, với một quan niệm về Giáo Hội còn rất lạc hậu sau Công Ðồng Trente, còn đặt nặng trên phẩm trật và vai trò giáo sĩ, cũng như có nhiều trường hợp còn rất nghi ngờ giá trị “trầøn thế”. Nhưng vào thế hệ sau, do đời sống thúc đẩy, một biến chuyển đã bùng lên giữa phong trào Công Giáo Tiến Hành: người ta quyết tâm chống lại chính trị của nhóm “Công Giáo phe phái” đã có từ lâu giữa những người lãnh đạo, đồng thời vào thập niên 30, người ta được khuyến khích bởi các tư tưởng gia như Maritain (14) và Mounier (15). Biến chuyểûn này đã có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới Pháp. Có lẽ ảnh hưởng mạnh nhất là nó đã giúp nhiều người đặt lại căn bản vấn đề bằng cách đề cao “sứ vụ tông đồ kitô hữu trong thế giới càng ngày càng bớt giá trị linh thiêng”. Người ta đồng ý quyết tâm “chấm dứt thể chế Constantin”, và tố cáo “những ảo tưởng của xã hội kitô quá khứ”. Hơn thế, họ có những hình thức hành động rất khác biệt. Người này khuyên nên tin tưởng vào ân thánh, và như Giáo Hội thời sơ khai, trực tiếp đi vào yếu tính, trình bày sứ mạng Phúc Âm, với tất cả lòng hăng say và thẳng thắn, mời mọi người gia nhập Giáo Hội, và mời sống trong Giáo Hội như người con phục tùng. Những người khác cho rằng bức tường vô tri và thiên kiến chia cách nhiều người đương thời với Giáo Hội, còn giầy cộm đến nỗi người ta không thể đợi chờ nơi nguyên tắc khởi thủy này điều gì khác hơn là sự trở về của một số người công giáo xấu, nguội lạnh, nhưng còn tin tưởng tự đáy lòng, hơn là hành động chống đối, hoặc đi song đôi với các luồng tư tưởng. Họ khuyến khích làm việc hợp tác với những người không tin tưởng, không tìm cách lôi kéo họ vào đạo, nhưng tạo cho họ những chứng từ thinh lặng về một đời sống đầy bác ái của Ðức Kitô. Nhờ đó, có thể giúp họ dần dần khám phá ra rằng những lý tưởng nhân đạo làm họ say mê, có thể chuyển biến lên một bình diện cao và mở vào siêu việt. Còn nhóm thứ ba lại nhận định rằng: phương pháp thực hiện bằng việc bám sát trực tiếp và bằng tình bằng hữu cá nhân, chỉ có thể đạt được một số người ưu tú. Theo họ, để đi tới quần chúng, cần phải tái lập tinh thần kitô giáo trong những tổ chức và môi sinh, vì khi bầu khí xã hội không đổi thay, thì hành động cá nhân sẽ mau mất hiệu lực Vậy nên họ khuyến khích hành động hòa hợp trong cái mà đôi khi người ta gọi là cấu trúc trần tục, một hành động công giáo kéo dài thành hành động xã hội, đồng thời cũng là hành động chính trị. Nhưng chính trong khi dấn thân vào hành động thế tục này, một vấn đề khác lại xuất hiện, đó là vấn đề tự lập của người giáo dân trong mối tương quan với giáo sĩ. Họ tự hỏi: phải chăng hàng giáo sĩ có tư cách chỉ định mục đích và cả những phương pháp phải theo, hay là các ngài chỉ đóng vai trò “hướng dẫn tinh thần cho người giáo dân dấn thân” mà thôi? Những cuộc thảo luận về vấn đề này thường gây nhiều hào hứng và đôi khi tạo nên những khủng hoảng nặng nề ngay giữa các phong trào Công Giáo có tổ chức, đặc biệt tại Pháp, bắt đầu từ năm 1956.
Cho đến Công Ðồng Vatican II, người ta vẫn phân biệt là hoạt động của người công giáo trong thế giới trần tục khác với hoạt động của phong trào Công Giáo Tiến Hành chính thức.
Chế độ cộng sản xuất hiện tại Nga Sô, và những tiến triển của các đảng xã hội sau đệ nhất thế chiến, rồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tạo dịp cho đức Pie XI xác định tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề này, trình bày trong thông điệp Quadragesino Anno (Năm thứ bốn mươi) (1931). Thông điệp này tiếp tục một vài điểm giáo thuyết của thông điệp Rerum novarum (Tân Sự), đồng thời nhắc lại những cảnh cáo về những thái quá của tư bản chủ nghĩa, cũng như của các tổ chức nghiệp đoàn xã hội. Thực ra lý tưởng nghiệp đoàn đã gây ra nhiều dè dặt trong các nước như Hòa Lan hay Bỉ. Dầu sao, những phê phán cứng cỏi về xã hội chủ nghĩa ngày nay xem ra đã lỗi thời. Nhưng nếu đặt mình trong bối cảnh của năm 1931, người ta sẽ thấy thông điệp không những cũng đưa ra nhiều mới mẻ mà còn can đảm nêu lên nhiều điểm mới nữa. Lần đầu tiên ngòi bút của một giáo hoàng đề cập đến việc phân chia lại sản phẩm quốc gia, và việc sáp nhập thợ thuyền một cách tốt đẹp hơn vào các xí nghiệp, trong việc cộng tác điều hành và chia sẻ lợi tức. Mặc dầu không chú trọng đến giải pháp cụ thể đã đề nghị, đức Pie XI không do dự dấn thân sâu xa hơn đức Léon XIII trên đường tái tạo trật tự xã hội và kinh tế trong toàn bộ. Ngài thẳng thắn cự tuyệt thuyết tự do kinh tế. Ngài quan tâm đặc biệt đến những mối tương giao giữa chủ và thợ, cũng như đến hệ thống tổ chức đời sống trong viễn tượng rộng rãi hơn.
Ðức Pie XII không công bố một văn kiện nào đặc biệt về xã hội, nhưng ngài đã có nhiều bài diễn văn, thông điệp và những tài liệu khác rất cụ thể khả dĩ áp dụng vào những vấn đề thời cuộc, điều ngài không ngần ngại gọi là “Học thuyết xã hội của Giáo Hội” (kiểu nói này không gặp thấy nơi một đấng tiền nhiệm nào của ngài), ngài cũng cố gắng đi sâu vào bình diện kỹ thuật để nhắc nhở các chuyên viên, ngay cả những người không tín ngưỡng. Như đã nhắc đến trong chương trước đây, đức Pie XII đã khẳng định lại những luận điệu chống cộng sản của đức Pie XI, vì ngài có ấn tượng rằng thuyết này đã lôi kéo nhiều người Tây Phương từ sau chiến tranh và khủng hoảng năm 1956 (16). Hơn thế, ngài quả quyết rằng: “Nếu Giáo Hội kết án chủ nghĩa mácxít hiện thời, Giáo Hội không thể không biết tới, hoặc phủ nhận rằng khi thợ thuyền cố gắng cải tiến đời sống, phải đụng độ với một hệ thống xã hội không phù hợp với thiên nhiên, ngược lại với trật tự mà Thiên Chúa thiết định cho đời sống của con người, và cho mục đích của tài nguyên trần gian” (ngày 7 tháng 9 năm 1947). Và ngài cũng không do dự nhắc lại nhiều lần những bổn phận của các quốc gia thực dân và những quyền lợi của các dân tộc đang chờ đợi nền độc lập, mặc dầu nhiều tư tưởng gia đã cố gắng dập tắt những lời kêu gọi cho một chân lý trung thực. Thông điệp của đức Gioan XXIII Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) (1961) còn nhấn mạnh trên sự biến chuyển trong chiều hướng này, cũng như khi ngài cổ võ cho việc đồng quản trị, việc tập thể hóa dần dần đời sống xã hội và sự can thiệp rộng lớn của chính quyền vào nền kinh tế quốc gia.
Nhưng một khó khăn lớn luôn tồn tại trong học thuyết Xã hội Công giáo là phải vượt qua những xác định lý thuyết để đi vào thực hành, và tìm ra những giải đáp cụ thể và hữu hiệu cho những vấn đề lớn của đời sống kinh tế. Ðồng thời phải nhận rằng: trong toàn bộ, giữa những ngoại trừ họa hiếm, cần quan tâm đặc biệt đến trung tâm quốc gia dành cho giới trẻ nông nghiệp, như tại Pháp (17). Người công giáo đã thiếu can đảm và óc tưởng tượng cần thiết để hướng dẫn sự chuyển biến của xã hội, nhất là trong những quốc gia mà họ chiếm đa số, đó là điều nghịch thường. Ít ra một phần khá quan trọng và tăng trưởng trong các nước này đã đóng góp hữu hiệu, và đôi khi quyết định, cho việc thể hiện những biện pháp công bằng xã hội mà nước khác đã khởi đầu. Vì nếu ngay trước Công Ðồng Vatican II, hầu hết các phẩm trật và đại quần chúng tín hữu còn đối nghịch với các tư tưởng cách mạng, thì trái lại thuyết cải tiến đã chinh phục được càng ngày càng đông số đồ đệ trong những môi trường công giáo và thành phong trào nổi bật từ sau thế chiến thứ II. Trong khi dó, các đảng mang nhãn hiệu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo đôi khi tỏ ra rất yếu về phương diện xã hội.
Có hai điều đặc biệt đáng lưu ý trong thời gian giữa hai chiến tranh. Một đàng, trong các quốc gia vùng Ðịa Trung Hải và tại Áo, hàng giáo sĩ nâng đỡ những giải pháp thuộc loại hợp tác xã, thường đi đôi hoặc có thiện cảm với các thể chế tài phiệt. Ðàng khác, tại Ðức, Bỉ và Hòa Lan người ta tiếp tục mọi cố gắng đã thực hiện từ cuối thế kỷ XIX, để phát động một hệ thống lớn các tổ chức công giáo thuộc mọi loại, nghiệp đoàn, tương trợ, hợp tác xã v.v... Những tổ chức này do chính thợ thuyền điều khiển, với mục đích, trong tinh thần kitô giáo, bảo vệ quyền lợi trần thế và canh tân đời sống của họ, về mặt vật chất cũng như văn hóa. Từ năm 1940, nhất là tại Pháp, người ta thường phản đối hệ thống này vì tách lìa người công giáo và ngăn cản họ hành động trong môi trường những người không tín ngưỡng, “như men trong bột”. Nhiều vị Chúa Chiên gắn bó với hệ thống này, vì những thuận lợi mà hệ thống này đem lại để che chở tâm thức kitô giáo, và vì những cố gắng lớn lao đang thể hiện tại những nước thuộc đệ tam thế giới, đến lượt những nước này phải đối đầu với những vấn đề xã hội thoát thai từ khi có kỹ nghệ hóa.
Ðối với người kitô hữu, cuộc thách đố tạo nên do sự thiếu mở mang hoặc thiếu trang bị của phần lớn thế giới, đã dần dần xuất hiện trong những năm 50 như một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, nếu không phải là vấn đề quan trọng nhất. Tại Roma, người ta ý thức mau hơn trường hợp của thế kỷ XIX, về vấn đề lao động. Ðược khích lệ bởi những lời kêu gọi liên tục của các đức giáo hoàng, đồng thời bởi những chiến dịch của những người như đức cha Cardjin khởi xướng, nhiều sáng kiến quan trọng được tung ra theo mức độ khác nhau, để lay động sự nhửng nhưng của các quốc gia công giáo cổ thời. Chẳng hạn, những sáng kiến quyên góp để trợ giúp kỹ thuật một cách hữu hiệu cho những nước nghèo. Dưới sự lãnh đạo của hàng giám mục, nước Ðức đã đi tiên phong về những sáng kiến này, với những tổ chức như Misereor và Adveniat (18), với những trung tâm nghiên cứu tìm cách xác định những điều kiện cho một phát triển điều hòa, kính trọng những cá tính của các nước được trợ giúp, và những giá trị tinh thần riêng. Nước Pháp, với thiên tài riêng, đã góp phần độc đáo nhờ tu sĩ dòng Ða Minh, là cha Louis Lebret. Vào năm 1942, cha đã thành lập nhóm kinh tế và nhân bản Economie et Humanisme, rồi năm 1958, khai trương ”học viện nghiên cứu và huấn luyện về kinh tế và phát triển” L'IRFED mà tờ báo Développement et Civilisation (Phát triển và văn minh) đã giữ một chỗ ngồi đàn anh trong các tờ báo chuyên biệt về các công trình phát triển. Sau khi chết, cha vẫn là một trong những nguồn hứng chính yếu cho thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) của đức Paul VI (19).
Bằng những huấn dụ của ngài gởi cho các linh mục buộc họ phải luôn đáp ứng một cách quảng đại những đòi hỏi của ơn gọi họ, đức Pie X đưa vào mục vụ công giáo một tinh thần mới. Nhưng như người ta đã thấy, giáo triều của ngài hầu như không có những cố gắng canh tân trong các phương pháp. Tuy nhiên sự phát triển của Công Giáo Tiến Hành và những việc từ thiện xã hội giữa hai thế chiến đã gia tăng về phía các giám đốc hội từ thiện và tuyên úy các phong trào sánh với hàng giáo sĩ tại xứ đạo. Hàng giáo sĩ tại các xứ đạo này đã hướng dẫn rất tích cực trong chức vụ của họ, nơi đây, bên cạnh nghĩa vụ ban bí tích, dạy giáo lý và thăm viếng bệnh nhân, họ tổ chức các hội nghiên cứu và hội họp thuộc đủ loại trong thời này. Hơn nữa, nhất là tại miền Bắc của rặng núi Alpes, càng ngày càng chú ý tới những vấn đề chuyên biệt mà sứ vụ tông đồ đã đặt ra nơi các thành phố lớn đang phát triển. Về điểm này, nước Ðức với những người như Karl Sonnenschein “Tông đồ tại Berlin” (20) và Hòa Lan rất khác biệt nhau. Phải đợi tới thế chiến thứ II, trước khi người ta bắt đầu xét lại tận căn những nhiệm vụ của linh mục trong nền văn minh thành thị và kỹ nghệ. Lúc đó, nhiệm vụ này mới mau lẹ thay thế cho nền văn minh thôn dã đã là đất dụng võ của Kitô giáo, nhất là Công Giáo, trong nhiều thế kỷ.
Sự rung chuyển bắt đầu từ Pháp. Nơi đây kinh nghiệm trong việc động viên rồi sau đó đối với một số người là kinh nghiệm của các trại tù lao động tại Ðức đã cho thấy rõ chiều rộng của “sự bội giáo quần chúng” mà những nghiên cứu tôn giáo xã hội do G. Le Bras (21) hướng dẫn, xác nhận một cách khoa học. Sứ vụ truyền giáo Pháp (Mission de France) được thành lập tháng 7 năm 1941, là kết quả đầu tiên của tinh thần mới này. Nguyên do là vì lo lắng trước sự vô hiệu của các phương pháp cổ truyền và vì hy vọng có thể cải tiến nếu người ta lấy hứng từ những kinh nghiệm can đảm của các thừa sai tại các xứ truyền giáo. Nhưng một va chạm lớn đã xẩy ra do việc ấn hành vào tháng 9 năm 1943 một tác phẩm của hai tuyên úy phong trào Thanh Lao Công (JOC), cuốn France, Pays de Mission?, (Nước Pháp, xứ truyền giáo?), sau đó đến vụ thành lập Sứ vụ Truyền giáo Paris (Mission de Paris), và khởi đầu kinh nghiệm phong trào các linh mục thợ (22). Những thực hiện này được đức hồng y Suhard tích cực nâng đỡ. Thư mục vụ của ngài Essor ou Déclin de l'Eglise (Thăng tiến hay thoái hóa của Giáo Hội) (1947) là tiếng vọng của một thông điệp, và được nhóm tu sĩ Ðaminh cộng tác tinh thần và thần học. Trong nhóm này cha M.D. Chenu (23) là nhân vật chủ chốt. Những thực hiện này xen vào một phong trào có sức cố gắng rộng lớn hơn để vận động và để điều chỉnh những nguồn lực tông đồ trước bầu khí bỏ đạo chung. Ðó là việc thành lập hội Fils de la Charité và hội những vị truyền giáo thôn quê, tái lập hội Prado tại Lyon dưới quyền điều khiển của đức cha Ancel, khởi đầu các cộng đoàn tiểu đệ, tiểu muội của Charles de Foucauld, sứ điệp của các tổ chức này được rất nhiều người đón nhận, nhờ cuốn sách của cha R. Voillaume, Au coeur des masses (Giữa lòng đại chúng) (1950). Tất cả những thực hiện này tại Pháp được người ngoại quốc thiết tha theo dõi (trong đó có cả Anh giáo). Mặc dầu thường có nhiều dè dặt, những thể hiện này đã là một nguồn hứng cho nhiều cố gắng thích ứng khiêm tốn hơn, trước tình trạng thường gây lo ngại nhiều: vào năm 1955, 23,6% người giữ đạo tại Munich, và chỉ 12,6% trong giới lao động, 9,9% lao động tại Genève, 7% tại Bologne...
Khủng khoảng về vụ linh mục thợ đầu năm 1954 đã làm liên lụy nhiều người. Không nguyên tại Roma, mà theo nhiều người, nó đã tạo nên một thất vọng cay đắng, sau 10 năm lạc quan chinh phục. Khủng hoảng này vượt rộng qua biên giới Pháp, hơn nữa còn có những biện pháp rất đáng bàn cãi, chống lại nhiều tu sĩ Ðaminh là những chiến sĩ nồng cốt của công giáo Pháp. Người ta có thể tự hỏi trong những năm trùng hợp với cuối triều giáo hoàng Pie XII, Giáo Hội có thực sự không đau đớn về sự trì trệ mà các kẻ thù đã tố giác từ lâu, Giáo Hội không còn tư tưởng tông đồ liều mạng và lo lắng đi tìm những chiên lạc, thay vì chờ đợi họ trong lối sống thụ động của tiện nghi êm ấm. Tuy nhiên người ta lưu ý rằng trong khi đình chỉ kinh nghiệm linh mục thợ, dù là tạm thời, nhân danh những đối tượng thần học đáng thảo luận (nhưng nhất là ở bản chất, vì có một số người ngả về chủ nghĩa Mác Xít, điều này không thể chối cãi được), Tòa Thánh vẫn duy trì sứ vụ truyền giáo tại Pháp (Mission de France), và còn cho nó một nội qui mới rất độc đáo về phương diện giáo luật. Ðiều đó chứng tỏ rằng niềm ưu tư ngăn cản một kinh nghiệm đã trật đường, không làm cho cấp lãnh đạo bớt lo lắng, tìm cách đáp ứng những nhu cầu mới bằng những phương thức mới. Vả lại phải nhận rằng: sự khủng hoảng của phong trào canh tân truyền giáo tại Pháp đã giúp khám phá ra mối nguy hại nơi một số linh mục và tu sĩ lớn tiếng ca tụng sự dấn thân tích cực của người công giáo trong môi trường trần thế, mà quên rằng Kitô giáo là một tôn giáo cần phải phát triển trong một nền luân lý xã hội, nhưng trước hết phải thiết định một giải đáp cho vấn đề cứu độ ngàn đời.
Khủng hoảng về quy chế linh mục thợ không làm cho người ta sao nhãng những cố gắng canh tân mục vụ khác. Những cố gắng này rất khác biệt nhau, thường nhằm linh hoạt những cấu trúc đã có sẵn hơn là tạo ra những cấu trúc mới: đôi khi bằng một cách rất cổ điển, như trong phong trào Pour un monde meilleur (Ðể tạo nên một thế giới tốt hơn), tung ra tại Ý vào năm 1952, do một vị giảng thuyết nổi danh, Dòng Tên là cha Lombardi. Phong trào này, 5 năm sau, đã đánh động được 60 giám mục, 6.000 linh mục, rồi lan rộng tại Tây Ban Nha và Châu Mỹ La Tinh (24), thường thường với ít nhiều thích ứng theo môi trường địa phương, mà đặc biệt là có nhiều sáng kiến nhằm tái tạo đời sống mới cho cộng đồng giáo xứ. Dưới áp lực của thời cuộc, nước Ðức đã đi vào con đường này ngay từ thời quốc xã, lợi dụng sự canh tân phụng vụ, sẽ nói tới sau, để tập trung vào các xứ đạo một mục vụ mà tới lúc này phần lớn vẫn do các Vereine (hiệp hội) điều hành. Tại Pháp, sau chiến tranh, theo linh hứng của cha Michonneau, người ta bận tâm hơn cả về việc linh hoạt các xứ đạo bằng một tinh thần cộng đồng và truyền giáo. Tinh thần này đã linh hoạt các phong trào tông đồ ngoài xứ đạo. Tại nhiều nơi, và luôn chịu ảnh hưởng của phong trào phụng vụ, người ta cố gắng tạo một ý hướng mới cho việc ban hành các bí tích, hoặc canh tân các bài giảng, từ lâu đã chuyển thành “những bài giảng về bác ái”, và việc tuyên dương Lời Chúa trong các cộng đồng kitô hữu. Nếu phải đợi tới Vatican II để những quan điểm này mới được phổ biến rộng rãi, thì nhiều phương cách khác đã được thực hiện ngay từ những năm 50, nhất là trong những quốc gia thuộc Ðức.
Sự tiến bộ của phong trào giáo lý (25) đáng chú ý cách đặc biệt. Vì trong vòng 50 năm cuối này, người ta càng ngày càng ý thức rằng cho dù mức bỏ đạo gia tăng giữa khối đại chúng bình dân và một phần khá lớn giới trưởng giả, người ta cũng không thể giữ chủ trương của các năm 1900. Người ta đặt nặng vấn đề giáo lý cho trẻ em bằng cách dùng những tiến bộ khoa sư phạm đời, nhưng điều quan trọng hơn cả là bổ túc những thiếu hụt của gia đình trong phương diện giáo dục tôn giáo. Người ta cố gắng bổ khuyết những lời giảng bằng lối sống kitô hữu tối đa. Trong khi đó, tại Ðức và Áo, người ta đặc biệt cố gắng cho trẻ em tiếp xúc hơn với phụng vụ, tại Pháp và Bỉ, người ta quan tâm đến việc thành lập các nhóm trẻ Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Ðạo, Hùng Tâm Dũng Chí (Coeurs Vaillants) hay Thanh Sinh (Pré-Joc), để tìm cách dạy cho trẻ em biết đưa vào đời sống những gì thuộc lý thuyết và giáo lý giảng dạy. Chính phần lý thuyết giảng dạy cũng được canh tân. Nếu tại Ý người ta thường hạn chế vào việc huấn luyện kỹ lưỡng hơn các giáo lý viên (trong khuôn khổ Công Giáo Tiến Hành) và khêu gợi sự chăm chú của trẻ em bằng những cuộc thi giữa các cộng đồng xứ đạo, hoặc lập nên một ngày lễ giáo lý, thì tại phía Bắc rặng núi Alpes người ta hướng về việc cải tổ các cấu trúc căn bản. Tại Ðức, từ năm 1925 giáo lý giảm bớt việc “học thuộc lòng”, đơn giản hóa ngôn từ, gia tăng đặc tính Kinh Thánh, như trong cuốn Katholischer Katechrismus, được Hội Ðồng Giám Mục công nhận năm 1954. Cuốn giáo lý mới của người Ðức này lấy nguồn từ cuốn giáo lý Pháp viết vào năm trước chiến tranh, do các ông Quinet và Boyer biên soạn. Từ đó nước Pháp có nhiệt huyết sâu đậm trong lãnh vực giáo lý, và nếu có một vài bất cẩn vào năm 1957 đã làm cho bộ Tín Lý phải cảnh cáo, thì toàn bộ công việc hoàn thành đã được Hội Ðồng Giám Mục bảo đảm công khai nhiều lần. Nếu nước Ðức và Áo, rồi sau đó tới Pháp, đã đóng vai trò tiên phong, thì những kinh nghiệm của họ rất chóng được nhiều nơi noi theo, nhờ những tài liệu xuất bản và nhờ nhiều hội nghị đã giúp phổ biến rộng rãi những tài liệu này. Một hội nghị thế giới đặc biệt nhóm họp tại Roma năm 1950, dưới sự chủ tọa của hồng y chủ tịch Thánh bộ Công đồng, cùng với sự đóng góp của các học viện có đông người ngoại quốc trên toàn thế giới tham gia, như trung tâm Lumen vitae tại Bruxelles. Hội nghị Eichstatt năm 1960 đã cho phép nhận định rằng: phong trào canh tân giáo lý Âu Châu đã ảnh hưởng nhiều trên nền giáo lý tân tòng tại các xứ truyền giáo.
Những cố gắng nhằm canh tân mục vụ dưới triều đức Pie XII hầu như tất cả đã khởi sự từ bên ngoại rồi gặp gỡ tại Roma, và còn nhiều dè dặt hơn là khích lệ đối với những gì liên can tới các dòng tu và tu hội. Còn những sáng kiến đầu tiên đã phát sinh từ Tòa Thánh nhằm canh tân các hội dòng tu luôn mang hai ý nghĩa: cần thiết phải tỏ ra sốt sắng hơn bao giờ hết, và mạnh mẽ trở lại tinh thần uyên nguyên của hội dòng, cần phải có những áp dụng cụ thể, và thích ứng với những biến chuyển của văn minh và những hoàn cảnh của kinh tế hiện đại rất khác biệt với những hoàn cảnh khi các dòng đó thành lập. Trong bầu khí canh tân ngay sau thế chiến, những chỉ trích thì thầm nghe từ lâu trong đại chúng, và điều đó giải thích sự giảm sút đều đều về ơn gọi các tu sĩ nam nữ, sau một thế kỷ rưỡi tiến bộ không ngừng (26). Những chỉ trích bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn, do những so sánh với một vài hình thức của lối tu mới, do những nhu cầu riêng của thời đại chúng ta đang sống, như Tiểu Ðệ hay Tiểu Muội của Ðức Giêsu, sống theo luật do cha Foucauld (27) viết, hoặc một vài tu hội địa phương thành lập trong những xứ truyền giáo. Trong những lá thư đức giáo hoàng Célestin VI gửi cho nhân loại, Papini trách cứ một vài dòng tu chỉ còn là “một nhà trọ và lưu xá” và đả kích những người, thay vì giống như chó săn luôn sẵn sàng sủa để đưa đoàn chiên về đường chính nẻo ngay thì nay đã trở nên “những con mèo lớn trong nhà được ru ngủ với kỷ niệm ngày xưa”. Những chỉ trích thường nông cạn, nhưng không thiếu nền tảng sự thật, đặc biệt đối với các “nữ tu”. Họ lo giữ luật dòng hơn là sống Phúc Âm, đức vâng lời làm họ trở nên ấu trĩ, họ không yêu thương nhau, họ không nghèo, họ tiết kiệm. Ðức Pie XII đã phải cung hiến cho đời sống tu hơn 200 tài liệu: trong triều đại ngài, trung bình mỗi năm có 20 tài liệu, chứng tỏ rằng ngài rất lo âu ngay từ đầu, có lẽ do ảnh hưởng các cố vấn thuộc Dòng Tên. Ngài đã phản ứng chống lại những gì gây nên lời chỉ trích, để rút ra một quyết định có tính cách tông đồ hơn cho một binh đoàn lớn lao của 300.000 nam tu và 1.000.000 nữ tu.
Từ năm 1946, nhà giáo luật thận trọng như cha Creusen đã đề cập tới vấn đề này trong tờ báo La Revue des Communautés Religieuses (Tập san của các cộng đoàn tu sĩ) và hai năm sau một vị thuộc Dòng Tên, cha Lombardi, người có nhiều liên lạc với đức giáo hoàng, đã xuất bản trong công báo Civiltà Cattolica một bài về IL rinnovamento dei religiosi. Trong bài này ngài đã nêu ra một vài nguyên tắc lớn của nhiều lời cảnh cáo gởi tới các tu sĩ trong những năm trước đây, do đức Pie XII, (người ta thường quên rằng, chính ngài đã dùng kiểu nói aggiornamento (Cập nhật hóa) trong bối cảnh này, 10 năm trước đức Gioan XXIII). Cuối năm 1950 lần đầu tiên trong lịch sử, với khuôn khổ của đại hội năm thánh, thánh bộ Tu Sĩ tổ chức tại Roma một tuần lễ dài để học hỏi. Ðại hội này quy tụ những đại biểu của các dòng, các tu hội, các cộng đoàn có tầm mức quan trọng (28), để cùng nhau nghiên cứu dưới mọi khía cạnh, vấn đề rộng lớn: thích ứng các dòng tu với thời hiện đại: trong lãnh vực tu đức và kỷ luật, nhất là đối với đức nghèo khó, trong việc tuyển mộ (cảnh giác trước những nguy hại trong các trường tông đồ) và nhất là để huấn luyện những tu sĩ trẻ (đặc biệt là nhu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho họ nhiệm vụ giáo tập nam, nữ và hơn nữa quy tụ họ chung quanh một nhà để giáo huấn chung). Sau cùng trong lãnh vực tông đồ, để các tu sĩ tham dự vào hoạt động của xứ đạo và truyền giáo.
Ðể chuẩn bị tư tưởng rộng rãi và động viên các cấp lãnh đạo, trước tiên Tòa Thánh công bố nhiều biện pháp có tính cách pháp luật trong những tháng năm kế tiếp. Người ta thấy đặc biệt nơi các tông hiến Sponsa Christi (Hiền thê của Ðức Kitô, ra ngày 22 tháng 11 năm 1950) gương mẫu đầu tiên trong sự thích ứng các nữ tu kín với cảnh sống đương thời (29), và Sedes Sapientiae (Ngai tòa khôn ngoan, ra ngày 31 tháng 5 năm 1956) tổng hợp những nguyên tắc nền tảng phải theo để huấn luyện các tu sĩ trẻ (30). Ðồng thời Tòa Thánh ban hành những biện pháp khác để liên hợp hơn ”thế giới tu sĩ khác nhau” (Léon Moulin): tạo lập hiệp hội các nữ đan viện (tới lúc đó, đa số còn tự lập dưới quyền điều khiển của giám mục hay một tu sĩ bề trên, không có tương quan cấu trúc giữa các đan viện cùng dòng); sáp nhập các tu hội rất nhỏ hoặc rất giống nhau; điều hợp tông đồ các tu sĩ hay nữ tu đang thực hiện một sứ vụ tông đồ tương tự (nhà thương, giảng dạy, giáo xứ v.v...), nhất là nhờ ở tổ chức những đại hội quốc tế (31); thành lập liên hợp quốc gia gồm các bề trên nam nữ (năm 1961, người ta đã thấy tổ chức này trong 47 quốc gia); thành lập thể chế quốc tế liên hợp các bề trên cả nam và nữ (32) mà trung tâm đặt tại Roma.
Trong khi Tòa Thánh cố gắng thật nhiều để giúp các tu sĩ thích ứng với sứ vụ tông đồ, thì một hình thức “sống trọn lành” khác phát triển từ từ và có nội quy pháp lý, đó là các tu hội đời. Những tổ chức này thành hình do sáng kiến giáo dân hoặc đôi khi do các linh mục, đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đạt nhiều kết quả trong các nước vùng Ðịa Trung Hải. Các thành viên của các tu hội này dấn thân thực hiện lời dạy của Phúc Âm trong khi hoàn toàn giữ tư thế người đời, tiêu biểu là sự cố gắng của cha Clozivière dưới thời cách mạng Pháp và của cha Honorat tại Ba Lan vào thời cấm đạo. Chính thời này đánh dấu ngày thành lập tại Tây Ban Nha cộng đoàn linh mục triều: Thánh Tâm Chúa Giêsu (sau này phát triển tại Ý, Ðức và Châu Mỹ La Tinh); những nữ tu của thánh Têrêsa, giáo dân hiến thân phục vụ ngành giáo dục kitô giáo cho nữ giới (hiện thời có nhiều nhà tại Tây Âu và miền Ðịa Trung Hải, tại Châu Mỹ La Tinh, tại Phi Luật Tân và tại Jérusalem), sau thế chiến I, nhiều nhà xuất hiện tại Milan; nhất là tu hội thánh Phaolô, trong tinh thần của đức hồng y Ferrari và hội thừa sai của vương quốc Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, do cha Gemelli thành lập (hội này phát triển tại Thụy Sĩ, Hiệp Chủng Quốc, Canada và Argentine). Năm 1928 hội Opus Dei (Công trình của Thiên Chúa) (33) được thành lập tại Madrid, do cha Escriva de Balaguer, tu hội được coi là phát triển mạnh nhất, nhưng cũng gây nhiều tranh luận vì những hành động ngầm, trung tâm của hội này được chuyển về Roma năm 1946 và thủ bản linh thao Camino (1939) trong vòng 30 năm được in ra 2 triệu rưỡi bản, bằng 22 thứ tiếng. Lúc soạn thảo bản luật Giáo Hội, người ta đã bàn luận về nội quy pháp lý của các tu hội này, nhưng còn phải đợi đến 30 năm trước khi điều luật này được ấn định. Ðức Piô XI đã khuyến khích cha Gemelli trong công cuộc của ngài, vào năm 1938 đức giáo hoàng đã xin giám mục St Gall chủ tọa một cuộc gặp gỡ giữa các vị quản nhiệm của các tu hội hiện hữu lúc đó. Trong những năm sau, hai chiều hướng xuất hiện: một chiều hướng xác định nét mới lạ của ơn gọi và nhất là mục đích tông đồ, hướng về Thánh bộ Công Ðồng, trong khi chiều hướng khác đặt trọng tâm trên lý tưởng hoàn thiện và tiên liệu những nhu cầu của tình trạng liên địa phận, hướng về thánh bộ Tu Sĩ. Cuối cùng chiều hướng sau đã được chấp nhận: với sự cộng tác của các chuyên viên giáo luật thành viên của hội Opus Dei, ngày 2 tháng 2 năm 1947 đã ấn hành tông hiến Provida Mater Ecclesia. (Giáo Hội là Mẹ khôn ngoan) Tông hiến này xác định tính cách giáo luật của hình thức độc đáo về đời sống thánh hiến và những điều kiện cần thiết để được chính thức chuẩn nhận (34). Hai mươi hai ngày sau khi ban hành Tông hiến, tu hội Opus Dei, được chấp thuận. Trong 15 năm tiếp theo, có 13 tu hội khác được công bố thuộc quyền giáo hoàng (6 được thành lập tại Ý, 4 tại Pháp, 2 tại Tây Ban Nha, 1 tại Áo). Ngoài ra chừng 50 tu hội có tầm mức hạn hẹp hơn, thuộc quyền địa phận (35), không kể những nhóm tương tự, gần 300 nhất là thuộc nữ giới, chưa được chính thức công nhận.
Tu đức công giáo vào đầu thế kỷ XX không thiếu nghiêm chỉnh và chiều sâu, nhưng bên ngoài có những nét khêu gợi phản ứng của nhiều thế hệ đang lên. Những phản ứng này, với sự nghiêm khắc thái quá, đã đi tới chỗ chê trách lòng đạo đức của tiền nhân và đang thiên về lối đạo đức ủy mị. Thực ra những thánh ca thuộc thời này đã chứng tỏ điều đó, nhất là lối đạo đức thiếu “sống động”, chỉ quan tâm đến việc thực hành bên ngoài và sự giữ luật lệ, nhiều luân lý hơn là đạo đức. Nhưng một phản ứng có từ thời cuối triều đức Pie IX đang phát hiện. Phản ứng này muốn tập trung hơn nữa lòng đạo đức công giáo vào Ðức Kitô, sự sống của tâm hồn, nhãn hiệu một tác phẩm xuất bản năm 1917, “Ðức Kitô, sự sống của linh hồn” do viện trưởng dòng Biển Ðức tại Maredsous, tên là Dom Columba Marmion biên soạn. Tác phẩm này đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng tại Âu Châu. Những phương thức đức Pie X cổ động việc rước lễ thường xuyên thôi thúc phong trào tìm hiểu những suối nguồn bí tích của đời sống thần thiêng và phản ứng chống lại lòng sùng đạo bị coi là nhân trung luận (anthropocentrique) (người ta thường cho là Dòng Tên có trách nhiệm về khuynh hướng này). Quan niệm này đã bị tố cáo là kéo sự chú ý của con người vào chính mình và vào những cố gắng khắc khổ nhằm “tự giải thoát”.
Trong thập niên đầu giữa hai thế chiến, khi các trẻ em đầu tiên năng rước lễ tới tuổi trưởng thành, thì tại Ðức, nẩy sinh một ý thức tôn giáo dưới hai ảnh hưởng của phong trào phụng vụ và những phong trào của giới trẻ được chính Guardini (36) hướng dẫn. Ðồng thời, người ta khám phá ra sự kiện là những người tín hữu thành viên của một dân tộc, một Giáo Hội, phải sống đời sống đạo đức trước Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, ngay trong lòng dân Chúa này. Bất hạnh thay, sự biến chuyển này bị giới hạn lâu ngày trong những môi trường trí thức và chỉ thấm nhập vào các xứ đạo một cách chậm chạp. Ảnh hưởng tại Tây Âu do Công Giáo Tiến Hành có một tầm mức phổ quát và trực tiếp hơn. Ảnh hưởng này không chỉ thúc đẩy đào sâu đời sống đạo đức của số đông tín hữu, do những việc linh thao và cấm phòng kín ngay cả trong môi trường bình dân (37), nhưng còn giúp bành trướng một lối tu đức linh động và “chinh phục tông đồ”, tu đức này được khuyến khích thêm trong việc thành lập lễ Ðức Kitô Vua. Ước mong thiết lập lễ mới này đã manh nha và phát triển vững mạnh trong thế kỷ trước. Khi có đại hội Thánh Thể lần đầu tiên năm 1811, Gabriel de Belcastel đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi là công dân Ðức Kitô trước khi là công dân của bất cứ một quyền bính dân sự nào”, và ông cổ động người ta tung hô “Ðức Kitô là đầu nhân loại”. Sự bận tâm xác định “Ðức Giêsu Kitô thống trị xã hội” càng ngày càng tăng tưởng trước những yêu sách của phong trào tục hóa. Năm 1922 nhân dịp đại hội Thánh Thể quốc tế tại Roma, 69 hồng y làm đơn xin đức giáo hoàng mới lên ngôi thành lập lễ Kính Ðức Kitô Vua. Năm sau, thêm một lá đơn khác với 340 chữ ký của hồng y, tổng giám mục, giám mục, bề trên dòng. Chẳng bao lâu đơn này được 12 đại học công giáo hào hứng ủng hộ, và từng trăm ngàn giáo dân ký tên thỉnh nguyện. Về phía các chuyên viên phụng vụ, người ta quan sát thấy rằng một lễ kính Ðức Kitô, Vua toàn thể các quốc gia đã có sẵn, đó là lễ Hiển Linh, nhưng có lẽ viễn tượng cánh chung của lễ Hiển Linh chưa thỏa mãn những người muốn nhấn mạnh đến vương quốc hiện thời của Ðức Kitô trên trần thế. Ðàng khác, để chấn hưng các cộng đồng kitô giáo dưới trần, trước trào lưu tục hóa, cần phải trình bày một đời sống công giáo thấm nhuần không những trong đời sống cá nhân nhưng cả toàn diện đời sống xã hội. Khi Công Giáo Tiến Hành đã được thúc đẩy đến giai đoạn chót việc thành lập một lễ hoàn toàn mới, hầu nói lên đối tượng đặc biệt mà người ta muốn xác định cho thời đại này là một điều hợp thời. Chính vì thế mà cuối năm thánh 1925, đức Pie XI là người đã làm nổi bật ảnh hưởng của Giáo Hội Roma đối với thế giới, đã công bố thông điệp Quas Primas (Vị Thủ Lãnh) (38) thiết lập lễ mới và cho chú giải thần học về lễ này (nơi đây, ngày nay người ta mong muốn thấy một sinh khí thuộc Thánh Kinh và giáo phụ nhiều hơn). Người ta không quên lưu ý rằng đức Pie XI, khi lập lễ này, đã ra lệnh mỗi năm cũng ngày này, giáo dân lập lại lời cung hiến toàn thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, như vậy ngày lễ này nói lên mối tương quan giữa hai lòng sùng mộ đã thấy được khuyếch trương thực sự từ giữa thế kỷ XIX, dưới sự thúc đẩy của Dòng Tên.
Công Giáo Tiến Hành còn thực hiện một ảnh hưởng khác về tu đức, ít rõ ràng nhưng lâu bền. Ðây là phản ứng chống lại khuynh hướng chỉ chấp nhận nền tu đức theo những khuôn mẫu điều chế tại các dòng tu. Trong Công Giáo Tiến Hành, người ta nhấn mạnh nhiều đến đặc tính của tu đức riêng cho mỗi môi sinh, và người ta bắt đầu từ năm 1930, nói nhiều về tu đức giáo dân, tu đức lao động, tu đức hôn nhân (39). Còn nhiều tính chất mơ hồ và vô định trong thế giới văn chương bao la đã viết về nền tu đức này, nhưng một tư tưởng nền tảng dần dần phát hiện: xác tín rằng có thể nên thánh trong và nhờ môi sinh. Khẳng định như vậy không có nghĩa là đề nghị cho những người sống giữa đời một nền tu đức hạng hai, nhưng trình bày cho họ một sự thánh thiện duy nhất của Ðức Kitô dưới hình thức họ chấp nhận được trong đời sống chiến hữu của người giáo dân, hay của một thành viên trong một gia đình kitô hữu, mà không phế bỏ nền tu đức dòng tu. Ai có thể chối bỏ tấm gương của Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, được phong thánh năm 1925, và chẳng bao lâu đã có tượng trong hầu hết các nhà thờ công giáo. Rồi thế hệ sau, gương của cha Foucauld, người đã tìm ra sự thánh thiện ngoài hệ thống cổ truyền, chỉ tựa trên Phúc Âm. Các ngài đã đóng góp quan trọng vào những chuyển biến này.
Một nét khác cần được nêu ra trong tu đức giữa hai thế chiến: kết quả thâu lượm được là trong thập niên 30, có nhiều tác phẩm viết về Ðức Kitô: tại Pháp Evangile de Jésus Christ (Tin mừng của Ðức Giêsu Kitô) của cha Lagrange (1928), Jésus Christ, sa personne, son message du Père (Giêsu Kitô, thân thế và sứ điệp của Chúa Cha) do cha de Grandmaison (1928), La vie et l'enseignement de Jésus Christ, notre Seigneur (Ðời sống và giáo huấn của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta) của cha Lebreton (1931); Jésus Christ, sa vie sa doctrine, son oeuvre (Giêsu Kitô, đời sống, giáo thuyết và sự nghiệp của Ngài) do cha Prat (1933); tại Ðức, Das Leben Jesu im Lande und Volke Israel (Ðời sống Ðức Kitô trong sự ngợi khen và cộng đồng dân Israel) của F. William (1933); người ta có thể thêm vào đó tác phẩm: Jésus Christ của Karl Adam (1933), tác phẩm của một thần học gia đã suy nghĩ nhiều về vấn đề triết học, sử học và thần học, gây nên do tin vào Ðức Kitô, và là một tông đồ hiểu rõ người đương thời, và giải quyết những khó khăn về vấn đề này với một tâm hồn nhạy cảm. Kết quả của một công việc khoa học tỉ mỉ đã được theo đuổi trong âm thầm từ nửa thế kỷ, những sách về đời sống Ðức Kitô, mặc dầu phần lớn được viết trong viễn tượng trước nhất như một minh giáo, đã đóng góp rất nhiều trong việc nuôi dưỡng lòng đạo đức của giáo dân, lòng đạo đức này càng ngày càng lấy Ðức Kitô làm trung tâm (Christo centrique).
Song song với hiện tượng trên đây, người ta chứng kiến giữa hai thế chiến việc hồi sinh của những nghiên cứu thần học thiêng liêng. Ðó là công nghiệp nguyên khởi của các tu sĩ Ða Minh người Pháp. Năm 1919 cha Bernadot thành lập một tập san mới: La vie spirituelle (Ðời sống tinh thần được dùng làm cơ sở cho cuộc phục sinh này (40). Một trong những lãnh đạo chính của cơ quan này là cha Garrigou - Lagrange được một đồng nghiệp giúp đỡ, cha Gardeil, ngài đã là quán quân trong việc kêu gọi mọi kitô hữu đi vào ân sủng huyền nhiệm.
Ban đầu, các cha Dòng Tên có vẻ ngập ngừng, nhưng rồi cũng gia nhập phong trào. Từ năm 1920, họ thành lập tập san tu đức và huyền nhiệm Revue d'ascétique et de mystique, có vẻ kỹ thuật hơn, và những tập san tương tự xuất hiện sau đó, tại Ðức, Tây Ban Nha, Ý. Chính những tu sĩ Dòng Tên đã bắt đầu phát hành từ năm 1932, cuốn tự điển tu đức (Dictionnaire de spiritualité), và ít ra người ta phải kể tới sự đóng góp giá trị vào việc nghiên cứu tâm lý những người thực hiện huyền nhiệm, do tu sĩ Dòng Tên người Bỉ là cha J. Maréchal mang lại.
Các tu sĩ Dòng Kín hiển nhiên không thể đứng ngoài phong trào: tại Pháp, cha Bruno de Jesus-Marie đã đưa ra một đường hướng rất tân thời cho tập san Etudes Camélitaines, và nhất là tại Tây Ban Nha, nhờ những người như các cha Ezéchiel du Sacré-Coeur và nhất là cha Chrysogone du Saint-Sacrement. Trong một đường hướng khác, đoạn tuyệt với truyền thống tây phương qui định từ thế kỷ XIII về khía cạnh tâm lý, để trở lại quan niệm khách quan về huyền nhiệm như người ta đã thấy nơi các tổ phụ và những tác giả tu đức thời Trung Cổ, cha A. Stolz xuất bản năm 1936 một tập san rất độc đáo Théologie der Mystik (Thần học huyền nhiệm).
Nhưng không chỉ riêng các dòng tu mới nuôi dưỡng việc thức tỉnh này. Chính là nhờ M. Pourrat và nhất là Henri Bremond (41) với tác phẩm vĩ đại của ông, Histoire littéraire du Sentiment religieux (Lịch sử văn chương của tâm tình đạo đức) đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1916, mà người ta đã lưu tâm đến nền văn chương đạo đức của thế kỷ XVII và nhất là của truyền thống Bérulle, từ lâu bị quên lãng. Bremond đã gặp được một người Ý đồng chí xứng với ông, đó là Don G. de Luca (42), sáng lập viên của Archivio Italiano per la storia delle pieta (Văn khố Ý về lịch sử sống đạo) (1951), một kho tàng tài liệu thiêng liêng. Trái lại người ta tiếc rằng rằng nước Ðức, sau khi đã lên tiếng với những người như Guardini, Adam hay cha Lippert, từ thế chiến thứ II, đã ra như hết hứng trong lãnh vực văn chương đạo đức. Một chứng nhân có uy tín kể đã viết năm 1955: “Một điểm đáng chú ý là hầu như không còn những cuốn sách về suy niệm và không có cuốn nào hướng dẫn người ta vào tinh thần Thánh Kinh và phụng vụ” (43).
Một hiện tượng đạo đức làm cho những quan sát viên ở thế giới bên ngoài lưu ý nhất dưới triều đức Pie XI và Pie XII, theo ý kiến một số người, đó là lòng sùng mộ Ðức Trinh Nữ Maria lan tràn quá mau và quá rộng. Phong trào này có từ thế kỷ XIX, đã lâu ngày âm ỷ tại Pháp, đã phát triển lâu đời không những ở Tây Ban Nha và cả Châu Mỹ La Tinh, mà cả ở tại các nước dưới ảnh hưởng Ðức và Hoa Kỳ. Bên cạnh Lộ Ðức, một trung tâm quốc tế mới xuất hiện tại Fatima, tầm mức quan trọng của hai trung tâm này không ngừng lớn mạnh dưới triều đức Pie XII. Thêm vào những hình thức cổ truyền, như phát động những việc đạo đức vào tháng năm, những cuộc hành hương, tổ chức các hội nghị quốc gia và quốc tế về Thánh Mẫu, thiết lập những lễ mới về Ðức Trinh Nữ trong phụng vụ v.v... Ðó là những hoạt động đã đưa tới những nét mới, đặc biệt dần dần phong trào tiến tới thể chế pháp định, với việc thành lập các hiệp hội trên cương vị quốc gia để nghiên cứu về Thánh Mẫu học. Sau hiệp hội Pháp năm 1934, xuất hiện các hiệp hội Tây Ban Nha (1942) Canada (1947) Ðức (1952) và cũng thế tại Roma năm 1939 một trung tâm Thánh Mẫu quốc tế, có một thư viện và một tập san Marianum và năm 1946 một hàn lâm viện quốc tế về Thánh Mẫu, rất hoạt động, được cha Balic, tu sĩ Phanxicô người Croatie, điều khiển.
Nhiều sáng kiến mới đã làm cho phong trào Thánh Mẫu vững chãi hơn về căn bản tín lý. Những nhà Thánh Mẫu học xác tín nhất đã phải nhận rằng tới khoảng năm 1910 văn chương về Thánh Mẫu rất tầm thường. Chính sau đệ I thế chiến người ta mới thấy xuất hiện phong trào thần học này. Năm 1921 hồng y Mercier đã phát động một phong trào nghiên cứu về nguyện ngắm. Rất mau lẹ, phong trào này đã vượt biên giới Bỉ và bất ngờ, bắt đầu từ năm 1926 có nhiều xuất bản về Thánh Mẫu học có đặc tính thần học chuyên biệt.
Ðịnh nghĩa quan trọng về tín điều Ðức Mẹ Lên Trời năm 1950 và việc kỷ niệm 100 năm tuyên bố Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1954 đã đánh dấu cao điểm cuối cùng của phong trào Thánh Mẫu. Nhưng sự tăng trưởng của phong trào này, nhiều khi thái quá, đã gây ra những phản ứng khá mạnh, đặc biệt tại Pháp và Ðức, nhiều người đã lo ngại rằng việc tán dương thiếu uyển chuyển dành cho Ðức Trinh Nữ sẽ gây khiêu khích với anh em tin lành. Nhiều nhà Thánh Mẫu học ý thức về mối nguy cơ có thể trật đường của lòng mộ đạo Công Giáo, đã tìm cách đưa lòng tôn sùng Ðức Mẹ vào đạo đức phụng vụ, theo kiểu Giáo Hội Chính Thống, bằng cách trình bày trong ánh sáng Thánh Kinh, giúp cho Ðức Trinh Nữ có chỗ đứng thật sự trong lịch sử cứu độ, hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô và biểu lộ ân huệ sung mãn mà Ngài là nguyên ủy.
Thật vậy lòng đạo đức càng ngày càng có khuynh hướng Thánh Kinh và phụng vụ, đã tạo nên một trong những nét đặc sắc của đời sống công giáo trong những năm 40 và 50. Ðồng thời có việc cải tiến một vài hình thức tôn sùng đã thịnh hành vào những thế hệ trước, như lòng sùng mộ Thánh Tâm (44), hoặc những hình thức tôn thờ Thánh Thể dựa trên việc thờ lạy. Song song với khuynh hướng sống đạo như trên, còn có đường hướng tu đức đề cao giá trị nhân bản, hăng say dấn thân vào đời và nhiệt tâm chu toàn mọi chức nghiệp của con người.
Muốn tỏ thái độ chống Tin Lành, người công giáo trong một thời gian lâu dài đã tránh đọc Thánh Kinh thường xuyên. Nhưng cuộc thức tỉnh Thánh Kinh giữa lòng dân kitô giáo được phát sinh dưới sự thúc đẩy khi thì của phong trào phụng vụ, khi thì của Công Giáo Tiến Hành. Hai phong trào này đã gợi cho tất cả giới trẻ càng ngày càng quan tâm đến Thánh Kinh, được khuyến khích bởi tác phẩm của các thi sĩ như Péguy, Claudel hay Gertrud Von Lefort và bởi những sáng kiến có hệ thống như của Pius Parsch tại Áo, hoặc của Pia Societa San Paolo tại Ý. Dần dần, người công giáo tiếp xúc với người tin lành nhiều hơn, nhất là trong thời đệ II thế chiến. Người công giáo tại Ðức và tại Hòa Lan đã đóng góp rất nhiều trong khuynh hướng huynh đệ này.
Giữa những biểu lộ khác nhau của phong trào Thánh Kinh hiện đại, phải kể nhiều nhất tới việc truyền bá văn bản Thánh Kinh, những bản dịch mới rõ ràng hơn những bản cổ, việc tăng số những buổi họp Thánh Kinh và những canh thức cầu nguyện với Thánh Kinh, việc xuất bản những tờ lá cải Thánh Kinh mà các lãnh đạo hội đoàn công giáo luôn đề nghị các thành viên của họ dùng vào việc suy nguyện, hoặc các tạp chí Thánh Kinh không còn viết riêng cho giới trí thức nữa, nhưng cho cả đại quần chúng giáo sĩ và giáo dân, việc bán các đĩa Thánh Kinh đã được phổ biến nhất là trong Giáo Hội Roma, việc hát thánh vịnh mà từ rất lâu bị quên lãng do tinh thần chống tin lành, làm lợi cho những thánh ca tầm thường.
Tất cả những phong trào ấy đã xuất hiện đầu tiên do những sáng kiến rải rác, nhưng dần dần được chính thức tổ chức quy củ, nên đã dễ dàng phát triển. Từ năm 1933 đã thành lập tại Ðức hội Kotholische Bibelbewegung; năm 1940, tại Canada hội Thánh Kinh Công Giáo (Société Catholique de la Bible) xuất hiện do sáng kiến của JOC. Tại Pháp không bao lâu sau, có hiệp hội Tin Mừng (igne de l'Evangile); tại Hoa Kỳ có Catholic Bible Sunday được tổ chức từ năm 1941, mười năm sau trở thành Catholic Bible Week do hàng giáo phẩm bảo trợ, tại Brésil từ năm 1947 có Liga de estudios biblicos, v.v... Một tông thơ ra ngày 15 tháng 12 năm 1955 đã tổ chức những nhóm Thánh Kinh đặt dưới sự bảo trợ của thẩm quyền địa phận. Hàng giáo sĩ, lúc đầu hơi bối rối trước sự hâm mộ của con chiên đối với Thánh Kinh, nhưng dần dần bước vào phong trào, rồi đến lượt việc giảng dạy tại các đại chủng viện bắt đầu thích ứng với khuynh hướng mới, song song với sự canh tân việc nghiên cứu chú giải Thánh Kinh, sau một thời gian vất vả chống đối những mầu sắc tân thời (45).
Còn về phong trào canh tân phụng vụ, sự can thiệp của Dom Lambert Beauduin đã mở đầu cho một giai đoạn mới nhằm đưa phong trào ra ngoài các tu viện (46), và chính năm 1920 người ta thấy xuất hiện việc thi hành các thánh lễ đối thoại, lúc đầu được đón nhận với nhiều dè dặt trong những môi trường chính thức (47). Tại Bỉ, ngọn đuốc sáng đã chuyển từ đan viện Mont-César tới tu viện Saint André-lez-Bruges, nhờ Dom Gaspart Lefèbvre: cuốn sách lễ giáo dân của ngài được phổ biến tới từng trăm ngàn bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhưng chính tại Ðức mới là nơi phong trào này phát triển mạnh hơn hết trong khoảng giữa hai thế chiến, chung quanh hai trung tâm: dòng Biển Ðức đặc biệt là viện tu Maria Laach, và những phong trào thanh niên. Trong thời quốc xã, khi Giáo Hội bị bắt buộc phải từ bỏ hoạt động xã hội và ngay cả Công Giáo Tiến Hành có tổ chức, khi thấy không còn được giảng dạy, phải thu gọn vào các thánh đường, đặc tính bình dân của phong trào nổi bật lên, sự biến chuyển trở nên dễ dàng nhờ hoạt động trước đó ít lâu của Pius Parsch tại Áo, nhờ những truyền đơn và những sách mỏng được phổ biến từng triệu bản. Trong khi phong trào phụng vụ tại Ðức lâu ngày dành cho lớp người ưu tú, đã thâm nhập vào đời sống xứ đạo (trừ miền Bavière) dưới sự nâng đỡ của ủy ban phụng vụ toàn quốc do hội đồng giám mục Fulda thành lập. Một biến chuyển song song bắt đầu tại Pháp trong khoảng thế chiến thứ II. Việc này phát huy không phải từ Solesme là nơi người ta không có nhậy cảm trước nhu cầu về tông đồ đại chúng, nhưng từ trung tâm mục vụ về phụng vụ (Centre de la Pastorale liturgique) (48). Trung tâm này được hai cha Ða Minh thành lập với sự cộng tác hữu hiệu của Dom Lambert Beauduin, của kinh sĩ Martimort và của cha Doncoeur. Hai mối lo lắng thúc đẩy họ: đặt cho phong trào một nền tảng thần học sung mãn trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, và đáp ứng nhu cầu mục vụ là cản ngăn làn sóng bỏ đạo của quần chúng mà một vài nhà phụng vụ vì quá say mê khảo cổ học đã không nghĩ tới.
Cũng như thường lệ, sự phát triển mau lẹ không khỏi những thái quá và trật đường. Nhất là tại Ðức, một vài người nhân danh đặc tính siêu việt và giá trị “khách quan” của hoạt động phụng vụ, đã đi tới chỗ giảm thiểu tầm mức quan trọng của bài giảng, hoặc chủ trương rằng phải loại bỏ những hình thức tân thời của lòng sùng đạo. Chính vì muốn điều chỉnh vấn đề, nên đức Pie XII đã công bố thông điệp Mediator Dei (Ðấng trung gian của Thiên Chúa) (49) ngày 20 tháng 12 năm 1947, là thông điệp đầu tiên cống hiến đặc biệt cho phụng vụ. Trong thông điệp này, ngài cảnh giác tất cả những thái quá của một số người “chuyên môn thiết kế phụng vụ”, nhưng đồng thời ngài long trọng xác nhận điều cốt yếu của những khuynh hướng lớn trong phong trào phụng vụ, dứt khoát tránh định nghĩa cổ điển qui tụ vào các quy thức lễ nghi đã được các tu sĩ Dòng Tên lâu ngày cổ võ, để trình bày phụng vụ như một phụng tự tư tế của Ðức Kitô được Giáo Hội tiếp tục, phụng tự chung của cộng đồng kitô hữu.
Sau khi công nhận những sự nghiệp quan trọng đã hoàn thành trong một phần tư thế kỷ trước thông điệp, cũng còn phải coi chừng để tránh ảo tưởng hoặc cái đã lỗi thời. Rốt cuộc, phong trào phụng vụ giữa hai thế chiến, mặc dầu nhiều cố gắng nhằm vào đại chúng, vẫn luôn còn là một lý tưởng “phục hưng”, gây hứng cho Dom Guéranger, nghĩa là một cố gắng trở về, vượt trên cả cuộc phản cải cách, với hình ảnh của Giáo Hội tiên khởi mà người ta vẫn nuối tiếc. Ðức Pie X đã cố gắng đi xa hơn và chủ trương canh tân, nhưng hai vị kế tiếp ngài đã không quan tâm theo đuổi chiều hướng này (50), và bên ngoài Roma, những vị tiên khởi của phong trào phụng vụ ít cảm thấy rằng công việc của các ngài không nguyên là canh tân nhưng còn là “một chấn hưng thành công, giống như những chấn hưng lãng mạn trong môi trường kiến trúc” (51). Những cuộc thảo luận lâu dài giới hạn tại những quốc gia ảnh hưởng Ðức, liên quan tới việc dùng ngôn ngữ địa phương, đã đánh dấu mối lo âu thích ứng với các thực tại hiện thời, nhưng chỉ có mục đích đơn thuần là giúp các tín hữu theo dõi những nghi thức đáng kính được coi như bất biến. Việc canh tân thực sự bị ngưng trệ từ lúc đức Pie X qua đời, lại khởi sự lại từ Roma vào năm 1948. Một bức thư gởi riêng cho các cộng tác viên trên toàn thế giới do tòa soạn Ephemerides liturgicae, đặt năm câu hỏi liên quan tới việc canh tân cuốn sách nguyện, và câu hỏi thứ sáu có tầm mức tổng quát hơn. Như đức cha Wagner đã nêu lên: “ai biết một chút về thủ tục tại Roma, cũng hiểu rằng một thư chung như thế, có tính cách riêng tư và bí mật của ban giám đốc một tập san tại Roma, chỉ có thể phổ biến nếu được các đấng thẩm quyền đồng ý” (52). Và đương nhiên tu sĩ Phanxicô người Ý F. Antonelli và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Áo J. Low, thành viên của tiểu ban lịch sử trong thánh bộ lễ nghi, sắp đóng một vai trò quyết định trong việc canh tân vào những năm sau.
Ðược Roma lấy sáng kiến khích lệ, các chuyên viên tức khắc bắt đầu vào việc, và rất mau lẹ, người ta ý thức được rằng việc sửa đổi sách nguyện chỉ có thể quan niệm được trong khuôn khổ một cuộc canh tân rộng rãi hơn nhiều. Tiếp theo cuộc gặp gỡ tại Luxembourg năm 1950, giữa những đại diện của trung tâm mục vụ về phụng vụ tại Paris và học viện phụng vụ tại Trèves, một tuần lễ đầu tiên dành cho những nghiên cứu quốc tế đã diễn ra tại đan viện Marie Laack năm 1951, có liên lạc chặt chẽ với các thánh bộ tại Roma. Những cuộc hội họp thuộc loại này, trong đó mọi khía cạnh của canh tân phụng vụ đều được thảo luận, về khía cạnh khoa học cũng như về mục vụ, được lặp lại đều đều cho tới trước ngày họp Công Ðồng Vatican II. Giữa lúc đó, Tòa Thánh đưa ra một chuỗi biện pháp riêng cùng một chiều hướng: nhượng bộ về nghi thức của các bí tích, nơi đây ngôn ngữ địa phương có chỗ đứng ngày càng quan trọng, nhất là nghi thức của Ðức, năm 1950, đã chấp thuận một chỗ lớn cho truyền thống riêng của Ðức; việc tái thiết cấu trúc đêm canh thức phục sinh, rồi trọn vẹn tuần thánh, bắt đầu từ năm 1051 sửa đổi quan trọng đầu tiên về sách lễ bắt đầu từ năm 1570; Hiến chế Christus Domimus (Chúa Kitô) năm 1953, thay đổi luật giữ chay Thánh Thể, và cho phép cử hành thánh lễ ban chiều; đơn giản hóa nghi thức sách nguyện và sách lễ; thông điệp Musicae sacrae (Thánh nhạc) ra ngày 25 tháng 12 năm 1955; huấn thị của bộ nghi lễ ngày 3 tháng 9 năm 1958 (53), thực sự đã hoàn thành công việc của đức Pie XII trong vấn đề mục vụ về phụng vụ, đồng thời đưa ra những đường hướng chính để hướng dẫn phụng vụ đã được công bố trong nhiều địa phận trên toàn thế giới vào những năm trước đây.
Chắc chắn rằng không phải mọi quốc gia đều có cùng một nhiệt huyết và một tốc độ như những quốc gia tại Tây Âu, nơi đã là chiếc nôi cho phong trào phụng vụ. Ngay tại Ý, mặc dầu có một số sáng kiến, nhưng thiếu yếu tố điều hợp trên cương vị quốc gia, và người ta đã cảm thấy điều này từ lâu. Trong thế giới Anglo-Saxon và bán đảo Tây-Bồ (ibérique), phải đợi đến công đồng để người ta bắt buộc đi vào khúc quặt, mặc dầu từ năm 1958 đã xuất hiện tại Tây Ban Nha một Junta national de apostolado liturgico. Riêng tại Hoa Kỳ, mặc dầu những chống đối mạnh trong hàng giám mục, cũng có người này hoặc người khác đi tiên phong từ những năm 30 (54), và những cuộc thuyết trình về phụng vụ đã được tổ chức rất sớm trước Vatican II, chung quanh một vài trung tâm sống động như đan viện Collegeville tại Minesota.
Những tiến bộ của phong trào phụng vụ không chỉ ảnh hưởng riêng tới đời sống thiêng liêng của người công giáo, với tầm mức quan trọng ít nhiều tùy theo vùng, nhưng còn tác động trên sự biến chuyển của nghệ thuật thánh, nghệ thuật này sau hai thế kỷ tầm thường bi thảm, đã bắt đầu tỉnh thức vào năm 1900. Các nhà phụng vụ có kỳ vọng cổ động cho cộng đồng giáo dân tích cực tham gia và làm nổi bật bàn thờ, giếng rửa tội lên, loại bỏ những cái rườm rà. Những cách thức xây cất mới cần được nghiên cứu để làm cho các nhà thờ thiết dụng hơn, với những hình thức cải tiến, các khoảng trống được sắp đặt theo nhu cầu phụng vụ, những bức tường ngăn có thể bỏ đi dễ dàng, ánh sáng và màu sắc cửa kiếng hòa hợp với những khối tường và đường nét tạo nên bầu khí linh thiêng.
Sau một vài thí nghiệm trước chiến tranh, sự thể hiện đầu tiên thực sự nghệ thuật của một ngôi thánh đường bằng ximăng cốt sắt là nhà thờ Ðức Bà tại Raincy, gần Paris, tác phẩm của A và G. Perret (1921-23), một vẻ đẹp hùng vĩ và cổ truyền, lý tưởng gothique thẳng đứng được dựng lại theo kiểu mới, với một trang trí chan hòa ánh sáng xuyên qua cửa kiếng. Nhưng thí nghiệm đầu tiên này không được người Pháp theo. Chính tại Ðức, từ năm 1923 cha J. Van Acken đã xuất bản một bản văn rất đáng chú ý: Christozentrische Kirchenkunst, ein Entwurf zum liturgischen Gesamtkunstwerk. Rồi tại Thụy Sĩ và Hòa Lan (nơi đây người ta thấy một số thể hiện điều hòa nhất và độc đáo nhất giữa hai thế chiến), việc canh tân kiến trúc thánh đem lại những kết quả đáng lưu ý nhất, nhờ những kiến trúc sư như D. Bohm (55): từ những năm 20, ông này đã đoạn tuyệt với những hình thức quá khứ. Riêng R. Schwarz đã truyền bá bằng tiếng nói và bằng văn từ những tư tưởng đã thành hình từ năm 1930 trong thánh đường Thánh Thể tại Aix-la-chapelle. Còn F. Dumas tại Thụy Sĩ lại có những ưu tư muốn dung hòa các ngôi thánh đường với khung cảnh vùng núi ALpes. Những cố gắng khác cũng nhằm canh tân kiểu mẫu những nhà thờ đã xây bằng vật liệu cổ truyền, nhất là với Dom Bellot “thi sĩ của viên gạch”, một tu sĩ Biển Ðức người Pháp, thường đã làm việc tại Anh (Quarr Abbey) và tại Hòa Lan (Oosterhout, Bloemendael và nhất là Noordhoek). Trái lại, những thực hiện trong các nước vùng Ðịa Trung Hải, xét toàn bộ còn ít ỏi, vì ảnh hưởng của cổ truyền kinh viện còn mạnh và sự nhút nhát của thẩm quyền Giáo Hội không dám dấn thân vào những ngả đường thực sự mới.
Nếu trong 30 năm cách nhau giữa nhà thờ Raincy và nhà nguyện Ronchamp (1955) nước Pháp còn lạc hậu trong kiến trúc tôn giáo (những thánh đường Lisieux, Lộ Ðức là những bằng chứng đáng buồn, giữa bao nhiêu bằng chứng khác). Trái lại nước Pháp đã sáng chói hàng đầu với những hình thức của nghệ thuật tôn giáo: Vật dụng trong nhà thờ, đồ kim hoàn, điêu khắc, kiếng màu và nhất là họa phẩm. Nguồn gốc cuộc canh tân này là do Maurice Denis (1870-1843) một môn đệ của Gauguin. Những thể hiện đầu tiên của ông vào khoảng 1900 (Le Vésinet) là kiệt tác đã biểu lộ một cách rõ ràng tính chất chân thực của nghệ thuật và tôn giáo, nơi đây tinh thần tiền-Raphael hòa hợp với màu sắc của phái ấn tượng. Năm 1919 ông này và Georges Desvallières (+1950) sáng lập les Ateliers d'Art Sacré (Những cơ xưởng nghệ thuật thánh), với mục đích thực hiện toàn bộ những gì đáng lưu ý với một kiểu mẫu thống nhất từ kính màu và sự trang trí họa phẩm, tới những bình thánh và trang phục phụng vụ, có thể nói rằng thời gian giữa hai thế chiến đã thấm đượm tinh thần của ông. Henri Charlier cũng có nhiều ảnh hưởng trong phạm vi này, vì thế người ta đã đặt biệt hiệu cho ông là “Denis của điêu khắc”. Dĩ nhiên còn những tài năng khác đáng lưu ý và những sáng kiến khác biệt nhau cũng xuất hiện trong những năm này, đặc biệt có Rouault và Gleizes. Nhưng mối nguy cơ kinh viện đang chờ đợi trường phái Denis, khi xẩy ra một cuộc cách mạng nghệ thuật thánh vào năm 1940, cuộc cách mạng này sâu xa hơn nhiều, do một đồ đệ của Desvallières chủ xướng. Ông này là một họa sĩ trên kiếng và họa sĩ trên tường có tiếng, sau trở thành tu sĩ Ða Minh, đó là cha Couturier (56), ngài cùng với cha Régamey, sáng lập tập san L'Art Sacré (nghệ thuật Thánh) (1935). Ngài đã đóng góp rất nhiều để đưa vào cung thánh trước tiên là nghệ thuật không tượng hình, sau đó là “những họa sĩ ngoài công giáo” (những nhà nguyện tại Vence và Assy, nhà thờ Audincourt), vì theo nguyên tắc: “mỗi thế hệ phải kêu gọi đến những tôn sư nghệ thuật sống động”, ngay cả khi những tôn sư này không phải là tín hữu. Những đổi mới như vậy không phải không gây nên chống đối mãnh liệt. Ngay từ năm 1921, đường thánh giá của họa sĩ người Flamand tên là Servaes, bị coi là quá tân tiến, đã thành đối tượng cho sự can thiệp của thánh bộ đức tin, và năm 1947 thánh bộ này chống báng một số nghệ sĩ trong một huấn thị gởi cho ủy ban nghệ thuật thánh của Ý. Nhiều bàn luận chung quanh nhà thờ Assy, và nhất là tượng thánh giá của Germaine Richier, đã là nguồn gốc của huấn thị do bộ thánh vụ về nghệ thuật thánh ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1952 (57). Huấn thị này có tính cách phổ quát hơn và rốt cuộc tương đối nhẹ nhàng.
Một nét cuối cùng đánh dấu đời sống công giáo trong vòng nửa thế kỷ trước đây, và đã chuẩn bị Công Ðồng Vatican II là thái độ đối với phong trào đại kết. Vấn đề xích lại gần nhau giữa những người kitô giáo phân ly, đã được cụ thể hóa sau thế chiến I, trong những tổ chức của hai phong trào: một do người Anh xướng xuất là Faith and Order, một có tính cách rõ nét tin lành hơn, là Life and Work. Những tổ chức này đã phối hợp lại vào năm 1948 để thành lập Ủy ban Ðại kết các Giáo Hội.
Tại Vatican, sau thời khuyết tịch của giáo triều Pie X, nhiều người chủ trương hợp nhất dưới thời Léon XIII, nhất là đức hồng y Gasparri, đã chiếm giữ những chỗ quan trọng. Họ quý trọng công việc của người không công giáo cổ động cho hòa bình, người ta hồ hởi theo dõi những vận động đầu tiên của R. Gardinier và N. Soderblom. Nhưng từ năm 1918 người ta cho biết rõ rằng không thể nào Giáo Hội Roma chịu ngồi đồng hàng với các giáo phái khác và nhất là dự vào những cuộc thảo luận công cộng, trong đó những điểm mà Roma cho rằng mình đã thủ đắc một cách vĩnh viễn, sẽ được đưa ra thảo luận. Tuy từ chối, đức Pie XI gián tiếp khuyến khích việc liên lạc riêng tư giữa các thần học gia công giáo và anh giáo. Ðó là “những cuộc nói chuyện tại Malines”, được tổ chức từ năm 1921 tới năm 1926 chung quanh đức hồng y Mercier (58). Ít lâu sau đức giáo hoàng thúc đẩy Dom Lambert Beauduin và những “tu sĩ đoàn kết” (moines de l'Union) tại Amay, cố gắng tạo nên một chiếc cầu giữa Roma và thế giới Chính Thống trong tinh thần mà người ta có thể mệnh danh là Ðại kết Công Giáo trước khi có văn tự. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1925, thái độ của Roma trở nên cứng rắn. Những hy vọng xích lại gần với Chính Thống Nga từ nay xem ra lỏng lẻo hơn nhiều và chủ thuyết tự do tín lý đặc điểm của khóa họp đầu tiên về đại kết tại Stockholm năm 1925 đã đụng chạm với những môi trường công giáo (trừ Ðức), là môi trường đã được phản ảnh qua các văn kiện của cha Ch. Journet. Ngoài ra, về phía Vatican, ước vọng của giáo hoàng và vị quốc vụ khanh của ngài là muốn giải quyết vấn đề Roma bằng một hòa giải mà hồng y đoàn cố chấp của Tòa Thánh phải chấp nhận, phe này quây quần chung quanh hồng y Merry del Val. Thông điệp Mortalium animos (Linh hồn của người hay chết) (59), ra ngày 6 tháng giêng năm 1928, rất cứng rắn, rất ít cảm thông đối với cố gắng của những người mà thông điệp đã gọi một cách khinh khi là “mặt kitô giáo”. Ðứng trong viễn tượng này suốt 20 năm, Roma làm ngơ trước những thực hiện của phong trào đại kết, càng ngày càng xa vời, và quen lặp lại những phi bác trước đây bằng giọng điệu cứng ngăc.
Nhưng trong thời gian này, bên ngoài Roma có sự biến chuyển rõ ràng. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng Barth trong lãnh vực thần học, và của các nhân vật như bác sĩ Visser't Hooft hoặc S. de Diétriek, phong trào đại kết được nung nấu càng ngày càng nhiều bởi mối lo âu trung thành với quan niệm Thánh Kinh về Giáo Hội, trong khi những hình thức thực tiễn và ảnh hưởng của tin lành tự do rất nhạy cảm từ lúc đầu đã tiêu tan đi. Về phía công giáo, các tín hữu ưu tú và những nhà thần học càng ngày càng chú ý đến sự hiệp nhất Kitô giáo. Thức tỉnh tại Pháp từ đầu thế kỷ do hoạt động của cha Portal, phong trào được khích động do tiếng vang của những cuộc đàm thoại tại Malines. Bắt đầu từ năm 1930 những nhóm nhỏ chuyên viên công giáo được thành lập, trong một phần tư thế kỷ tiếp sau. Những nhóm này đã can đảm đứng làm trung gian giữa Roma và Genève, là hai cực chính thức không biết đến nhau. Giữa những người tiên phong sáng suốt và can đảm ấy, có ba người phải được lưu ý: người đầu tiên, theo thứ tự niên đại, là một tu sĩ Biển Ðức người Bỉ: Thứ nhất là Dom lambert Beauduin (60), sáng lập tu viện Amay, và từ năm 1923 ngài đã thành lập một nơi gặp gỡ lúc đó là duy nhất tại Âu Châu, về phía công giáo, để đối thoại đại kết, ngài cũng sáng lập tập san Irénikon (1926) là tờ báo đã dẫn đường cho những tập san công giáo khác được thành lập sau đó, trong cũng một tinh thần. Thứ hai là cha Congar (61) với cuốn sách của ngài Chrétiens désunis (1937) đã thiết lập những căn bản thần học cho bản quy chế đại kết trong môi trường công giáo, đánh dấu một tiêu chuẩn chính yếu trong lãnh vực giáo thuyết như Amay trong lãnh vực hành động. Thứ ba là cha Couturier (62), “vị sứ ngôn của tinh thần đại kết”, một linh mục khiêm tốn, năm 1935 đã đưa một tinh thần mới vào tuần bát nhật cầu nguyện tung ra tại Mỹ Châu vào đầu thế kỷ, là nơi đến lúc đó vẫn còn đặt trọng tâm trên việc “trở về của những người lạc đạo và rối đạo” với Giáo Hội Roma. Mục đích của “tuần lễ cầu nguyện chung” là cầu xin Thiên Chúa thương ban “sự hiệp nhất như ngài muốn, bằng những phương tiện ngài muốn”; và phải cử hành làm sao cho người không công giáo có thể tham dự trọn vẹn.
Tại Ðức, vào cùng một thời đại, R. Grosche đã thành lập tập san Catholica (1932) và J. Metzger lập hội cầu nguyện Una Sancta, trong tinh thần của cha Couturier. Ðồng thời, nhiều sử gia cộng tác với họ (trong đó phải thêm Dvornik, người Tiệp Khắc) đã thắng vượt những khó chịu của nhiều người trong môi trường bảo thủ, và dần dần làm tiêu tan những sáo ngữ và những thiên kiến già cỗi. Rồi sự phản đối chung chống quốc xã và những xáo trộn của chiến tranh và sau chiến tranh, dẫn đưa người công giáo và người tin lành vào những tiếp xúc trên bình diện thực tế: tổ chức những buổi cầu nguyện tập thể trong những khu trú ẩn và những trại tập trung, việc đặt những nơi thờ phụng chung trong các thành phố bị oanh tạc, hoặc trong những vùng giải tỏa, đã tạo cho các tín hữu và các vị thẩm quyền của cả hai bên những yếu tố vững chãi để hiểu nhau (Ngoài ra có một hiện tượng tương tự phát sinh ở Hòa Lan). Sau chiến tranh, một tổ tinh thần khác được phát sinh dưới sự điều hành bởi những người như H. Hoffmann, M. Laros hay J. Pinsk, một đàng do những nhóm gặp gỡ huynh đệ tự tạo và tự phát biểu, đàng khác do những tổ chức nghiên cứu như Evangelische und katholische oekumenische Arbeitkreis, có tổng giám mục công giáo Jaeger và giám mục phái Luthérien Stahlin đồng chủ tịch, và sau cùng (năm 1957) là học viện J.A. Mohler-Institut của Paderborn.
Trong khi tại Bỉ, tu viện Amay (năm 1939 được chuyển về Chevetogne) bị đe dọa một thời gian, tới lúc này được đức hồng y Tisserant nâng đỡ, vị này đã trở nên chủ tịch Thánh bộ Ðông Phương. Tập san Irénikon, dưới sự lãnh đạo của Dom Clement Lialine được coi như một tập san công giáo lớn trong phạm vi đại kết. Tại Pháp những sáng kiến gia tăng với những người như cha Villain hoặc cha Dumont, người lãnh đạo khôn ngoan, can đảm của trung tâm Ða Minh Istina. Tại những quốc gia khác, còn nhiều dửng dưng với vấn đề đại kết. Sau chiến tranh, người ta thấy một biến chuyển chậm chạp: Tại Anh, mặc dầu với nhiều do dự, nhờ đức hồng y Hinsley, rồi sau đó đến lượt một vài tu viện. Tại Ý, chung quanh trung tâm Pro civitate Christina tại Assise, do cha G. Rossi đã thành lập vào năm 1939, rồi từ khoa thần học của Venegono tại Lombardie, và nơi đây cha Boyer Dòng Tên đã thành lập tại Roma trong năm 1950 với sự cộng tác của đức cha G.B. Montini, trung tâm Unitas, cũng trong năm 1950. Tại Tây Ban Nha, chung quanh đại học Salamanque. Tại Thụy Sĩ, nhờ những người như O. Karrer hoặc cha Chavaz. Tại Hòa Lan, sau những xáo trộn vì chiến tranh, bầu khí xa lạ và nghị kỵ nhau bắt đầu thay đổi, về phía công giáo có phần rõ rệt hơn là về phía Giáo Hội cải cách. Chính một linh mục Hòa Lan, G. Willebrands được cha bạn Thyssen giúp đỡ, đã lấy sáng kiến lập ra hội đồng công giáo về các vấn đề đại kết vào năm 1953, rồi ngài muốn biến nó thành cơ quan liên lạc giữa các người công giáo đại kết và các bàn giấy nghiên cứu của Ủy ban Ðại kết của Giáo Hội.
Vào lúc ấy, các giới Roma cũng dịu xuống nhờ sự can thiệp của nhiều giám mục, như đức cha Jager tại Paderborn, đức cha Gerlier tại Lyon, đức cha Charrière tại Fribourg và nhiều vị khác. Nếu vào dịp họp đầu tiên của Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội tại Amsterdam năm 1948, phản ứng của Roma còn quá tiêu cực, thì mười tháng sau, một huấn thị của Thánh Bộ Ðức Tin (63) biểu lộ một tinh thần mới. Lúc đầu huấn thị này bị coi như một cảnh giác, nhưng sau nhìn kỹ, thì đó là một khuyến khích cho những người công giáo dấn thân trong công việc đại kết và nhìn nhận tác động của Thánh Linh trong mọi cố gắng hướng về hợp nhất của những người không công giáo: không còn giọng điệu mỉa mai như đã thấy trong văn kiện Mortalium animos nữa. Thật ra, Roma không thể không biết tới một sự kiện lớn lao của lịch sử tôn giáo thế kỷ XX như việc thành hình và phát triển Ủy ban Ðại kết các Giáo Hội nhất là khi phong trào đã đào sâu về thần học cũng như về tu đức từ hai mươi năm trước. Một bước tiến mới đã vượt qua vào năm 1952, khi Vatican xin vị giám quản tông tòa tại Thụy Ðiển chỉ định bốn quan sát viên công giáo cho đại hội Faith and Order, nhóm họp tại Lund. Nhưng việc thất bại của những quan sát viên công giáo trong phiên họp thứ hai của Ủy ban Ðại kết tại Evanston năm 1954 chứng tỏ rằng Roma vẫn còn muốn thụt lùi, và còn phải làm lại tất cả khi đức Gioan XXIII lập một Văn phòng Hiệp nhất Kitô hữu (1960). Năm sau Vatican quyết định gởi những đại diện chính thức cho khóa họp thứ III của Ủy ban Ðại kết tại New Delhi (64).