CN 5 MÙA CHAY - Năm C
13.03.2016
" Này chị, họ đâu cả rồi ?
Không ai lên án chị sao ? "
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tiên Tri Isaia (43,16-21).
Ðây là lời Ðức Chúa, Ðấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Ðấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng : - tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.
Người phán như sau : "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta ; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
THÁNH VỊNH 126
R. Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! "
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
BÀI ĐỌC II
Bài trích thơ của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê (3,8-14).
Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người. Ðược như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Ðức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.
TIN MỪNG
Phúc Âm Chúa Kitô theo Thánh Gioan (8,1-11).
Khi ấy, Ðức Giêsu đến núi Ôliu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Ðền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Ðức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Ðức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp : "Thưa ông, không có ai cả". Ðức Giêsu nói : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Pt. Tạ Đình Chung
Chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cảnh thánh Gioan kể lại là câu chuyện của người phụ nữ vừa bị bắt gặp đang ngoại tình và theo luật Do thái đáng phải bị ném đá chết. Các người Pharisêu tố cáo bà. Đức Giêsu thì cứu bà. Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên trước hết là sự khác biệt giữa thái độ của các người Pharisêu và thái độ của Chúa Giêsu. Các người Pharisêu thì không quan tâm chút nào đến bà. Họ còn muốn lợi dụng câu chuyện của bà để bắt bẻ Chúa Giêsu. Người ta không biết chút gì về bà, không biết tên, không biết tuổi, không biết gì về gia cảnh bà. Câu chuyện về bà đã xảy ra thế nào ? Hoàn cảnh bà có đáng giảm khinh ? Người ta không biết gì về những điều đó là những điều mà người Pharisêu không một chút quan tâm. Họ chỉ lưu ý là bà đã phạm tội. ''Hạng người này luật truyền phải ném đá !'' Họ chỉ nhìn bà với cặp mắt của quan toà ; họ chỉ thấy trường hợp bà liên quan tới một điều khoản của bộ hình luật là điều mà họ phải áp dụng.
Trái lại, điều Chúa Kitô quan tâm không phải là các điều luật, Người quan tâm đến những người mà Người đã đến để nâng đở, cứu chữa, và ở đây là người phụ nữ vô danh kia. Chúa Kitô không đến để cứu vớt các lề luật, ngay cả các luật đạo.'' Người phụ nữ này bị bắt gặp đang ngoại tình. Luật dạy phải ném đá chết. Thầy nghĩ sao ?'' Những người Pharisêu hoàn toàn có lý. Khoản luật này kết án chết người phụ nữ đã phạm tội. Chúa Kitô không thể cho họ vô lý nhưng Người còn làm hơn nữa cho người phụ nữ. Trên đất đá miền Giuđê, Chúa Kitô làm lại cử chỉ của Thiên Chúa trên núi Sinai viết trên bia đá 10 điều răn cho dân : Chúa Kitô viết một sứ điệp, là sứ điệp mới từ nay, sứ điệp của ơn thánh, của lòng thương xót.
Chẳng phải vì lề luật xấu, hay vô ích. Chúa không biện minh cho ngoại tình, không viện cớ trường hợp giảm khinh. Rõ ràng người phụ nữ đã phạm tội, bị bắt quả tang đang ngoại tình, bà là người tội lỗi, là người khốn cùng. Chính vì thế mà Chúa Kitô đã động lòng thương xót : với Chúa Kitô, chúng ta từ nay không còn dưới ách của luật cũ và Thiên Chúa không còn xa lạ với con người nữa : Người hiện diện kề bên những người tội lỗi. Nơi người phụ nữ ngoại tình, Chúa Kitô đã nhận ra cả một Dân tộc Người đến cứu chuộc. Người phụ nữ tội lỗi này đại diện cho chúng ta tất cả, bà là Giáo Hội ngày mai của Chúa, Gíáo Hội mà Chúa Giêsu thương yêu và phó nộp mình để cúu chuộc, để thánh hoá. Vì thế mà Người đã đến không phải để kết án, mà để tha thứ và rửa sạch.
Nhưng làm sao cho người Pharisêu hiểu mà không vì thế vấp phạm ? Họ đòi hỏi phải trừng trị người phụ nữ ngoại tình cách nghiêm khắc theo luật định. Làm sao họ có thể cảm nhận hương vị ngọt ngào của Luật Mới ? Chỉ có một cách Chúa Kitô đã kín đáo chỉ dẫn cho họ : " Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi !". Một con đường giúp ta mở lòng mình ra đón nhận ơn Chúa là nhớ mình là kẻ tội lỗi như người phụ nữ ngoại tình kia, mình cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
--------------
Lm. Trần Anh Dũng (2013)
"NGƯỜI ÐÀN BÀ NGOẠI TÌNH"
Làm sao giải thích thái độ của Chúa Giêsu đối với người đàn bà ngoại tình ? Khi can thiệp, Chúa Giêsu muồn thi hành ý định cứu người đàn bà tội lỗi. Không phải đây là cơ hội để thực thi quyền tha tội sao ? Chúa Giêsu bênh vực người đàn bà ngoại tình dựa trên Luật Môisen, lề luật nại đến tinh thần trách nhiệm của chứng nhân. Vậy là giải quyết được vấn đề mà địch thủ (Luật sĩ và Biệt phái) đặt ra cho Ngài.
Lòng nhân từ của Thiên Chúa đã biểu lộ rõ ràng trong toàn Cựu Ước, bây giờ được Chúa Giêsu mạc khải cách minh nhiên và hoàn hảo hơn trong Tân Ước. Tình yêu tha nhân như chính mình không ngăn cản chúng ta nhìn thấy sự trầm trọng của tội lỗi họ; nhưng đòi buộc chúng ta đối xử với họ một cách công bằng. Mọi công bằng đích thực trước tiên hệ tại ở việc ổn định lương tâm riêng tư của mỗi người.
"Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (c.8). "Nghe vậy họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi" (c.9).Một thảm kịch cười ra nước mắt.Không một nguyên cáo nào dám cho mình là vô tội và dần dần rút lui, bắt đầu là những người cao niên. Không ai có quyền kết án kẻ khác, bởi vì tất cả chúng ta đều ở dưới quyền sự tội (Rom. 3,10).Và càng lớn tuổi, càng có tội nhiều hơn.
Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại tình (c.9b). Hình như không có cảnh nào trong Tin Mừng chiếu soi một cách mãnh liệt sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu và tạo nên niềm tin tưởng lớn lao vào con người Ngài như vậy. Ngạc nhiên vì được trả lại tự do, người đàn bà tội lỗi không nghỉ đến việc trốn chạy.Lòng nhân lành của Chúa Giêsu không để tuột bà. Một tâm tình không tên đã giữ bà lại.
Chấm dứt sự câm lặng nặng nề lê thê và bi thảm kéo dài. Không có nguyên cáo, không thể có phán xét, lên án và kết tội. Trong câu trả lời của người đàn bà : "Thưa Ngải, không một ai", chúng ta nhận ra tâm tình biết ơn và phó thác. Nếu Chúa Giêsu đã tìm cách để không một ai kết án bà; thì làm sao bây giờ Ngài lại kết án được ? Sự hiện diện và lời nói của Ngài chỉ nhằm ban cho người đàn bà ngoại tình ơn tha thứ và lòng nhân từ đại lượng.
Luật sĩ và Biệt phái, kẻ thù của Chúa Giêsu để Ngài tự do, để Ngài thi hành sứ mạng tha thứ. Những lời cuối cùng của Ngài là cao điểm của toàn đoạn văn. Là người duy nhất vô tội, Chúa Giêsu cũng từ chối kết án người phụ nữ ngoại tình. Ngài không được sai đến "...để xử án thế gian, song để nhờ Ngài, mà thế gian được sống" (Gioan 3,17). "Phần Ta, Ta không xét xử ai" '8,15).
Lời tha thứ của Chúa Giêsu giải thoát vĩnh viễn người đàn bà ngoại tình. Không phải Ngài không cho là quan trọng cái tội đã làm cho bà gặp phải một tình thế xấu hổ; ngược lại, hơn ai hết, Ngài đã lường trước hậu quả của tội đó. Chúa Giêsu không đặt người phụ nữ này trước lề luật, nhưng trước mặt vị Chúa đầy tình thương của bà. Là Tình yêu, Ngài thoát khỏi các dục vọng bè phái, Ngài thứ tha cách nhưng không cho bà này. Vì việc tha thứ là cá nhân, nó đi từ con người của Ngài sang con người chúng ta, vì tội của chúng ta là tội cá nhân.
Chúa Giêsu đã hoàn toàn tha thứ cho bà, Ngài cũng cho bà một lời khuyến cáo nghiêm khắc : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (c.11). Cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà ngoại tình và Chúa Giêsu, từ đây phải đưa bà đến một quyết định sống đời nội tâm hoàn thiện.
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt,1975)