CN 1 MÙA CHAY - Năm C
14.02.2016
" Ngươi chớ thử thách Đức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi."
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Nhị Luật (26, 4-10).
Ông Môisen nói cùng dân chúng rằng : "Khi anh (em) đến dâng của đầu mùa, Thầy Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em). Bấy giờ, anh (em) sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) rằng: Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con."
THÁNH VỊNH 91
Lạy Chúa, xin hãy ở cùng tôi trong lúc gian truân.
Khi tôi sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao,
và cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng,
tôi thưa cùng Chúa : "Chúa là chiến lũy, là nơi tôi nương náu,
Lạy Chúa tôi, tôi tin cậy ở Ngài".
Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,
bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.
Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.
"Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên."
BÀI ĐỌC II
Bài trích thơ thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma (10,8-13)
Thưa anh em, Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Luca (4,1-13).
Khi ấy, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! " Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh."
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Pt. Tạ Đình Chung
«Khi ấy, Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ.» Lời Tin Mừng về Chúa Kitô cũng diễn tả một cách tinh xác cảnh huống của mỗi người tín hữu chúng ta trong mùa Chay thánh : đây là 40 ngày thao dượt thiêng liêng để chúng ta học biết Ðức Kitô và theo gương Người. Hàng năm, phụng vụ của Chúa nhật đầu Mùa Chay Thánh dẫn chúng ta vào sa mạc, nơi mà Chúa Kitô trông chờ chúng ta cùng với Người giao tranh một cuộc chiến, cuộc chiến chống lại những ác lực của sự dữ hằng đe dọa chúng ta.
Như xưa, Sa mạc là nơi Thiên Chúa đã dẫn đưa Abraham, Môisen và các ngôn sứ vào để ký kết với các ngài một giao ước vĩnh cửu. Cũng chính trong thời gian 40 năm đi qua sa mạc mà Môisen đã nói cho dân Do thái biết Thiên Chúa đã giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, dẫn họ vào miền Ðất Hứa đầy sửa và mật, và thỏ thẻ trong tâm hồn họ : « Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành. » (Ðnl 30,14). Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cũng nhắc tới thời gian trong sa mạc khi ngài viết về Lời này, trong thơ gởi tín hữu Rôma : « Ðó là lời Ðức tin mà chúng tôi rao giảng », Lời đem lại ơn cứu rỗi cho kẻ tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại… Cũng trong sa mạc này Chúa Kitô được Thánh Thần dẫn đưa, đã đi vào để ăn chay cầu nguyện trong 40 ngày đêm, và chịu ma quỷ cám dỗ.
«Nếu Ông là Con Thiên Chúa ». Ðó là câu nói thăm dò và đầy khiêu khích của ma qủy muốn cám dỗ Chúa Kitô để Người như dân Do thái xưa trong sa mạc, chối bỏ ơn gọi làm Con trong tinh thần tòng phục và phó thác. Ðó là các cám dỗ : biến đá thành bánh, hay tự lo lấy cho cuộc sống của mình mà không cần dựa trông vào Thiên Chúa ; tìm danh vọng quyền thế thay vì phục vụ Thiên Chúa Cha trong khiêm nhường và chịu khổ nạn ; ỷ lại ỏ tài sức mình quên đi lòng vâng phục của người con thảo.
Chúa Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ sống bằng bánh mà còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho chúng ta tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ vào một tham vọng nào khác. Người chỉ cho chúng ta con đường của người con thảo biết cậy tin và phó thác, biết sống theo thánh ý Chúa.
Chúa Kitô đã chiến thắng những cạm bẫy của ma qủy. Những cạm bẫy mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta còn gặp phải bao lâu chúng ta còn sống. Những cám dỗ nghiêm trọng, như của Adong nguyên tổ, như của Chúa Kitô, hầu lôi kéo chúng ta xa rời tình thân với Thiên Chúa ; những cám dỗ làm chúng ta ngã lòng, làm chúng ta bớt sống yêu thương, bớt hy sinh phục vụ, như người chống, người vợ, người cha mẹ, hay sống trong bậc tu hành, như chúng ta đã được kêu gọi và đáp lại.
Những cám dỗ như vậy, làm sao chúng ta có thể lướt thắng được như Chúa Kitô đã chiến thắng hầu làm « vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn ? » Nếu Chúa Kitô đã kể lại Người đã chiến thắng ma qủy thế nào trong xa mạc xưa là để cho chúng ta vững tin nơi Người, để chúng ta đừng ngã lòng vì Người đã chiến thắng kẻ thù địch. Với Người và trong Người, chúng ta cũng lướt thắng được những cạm bẫy gặp phải trong đời sống của chúng ta. Nhưng trước khi chúng ta nói được, để chúng ta có thể nói được như Chúa Kitô : « Hãy xéo đi, Xatan ! », chúng ta hãy biết thưa với Chúa : « Lạy Chúa, xin hãy nói, này con nghe ! » Con không nghe ai khác nữa vì « chính Chúa mới có những lời hằng sống ».
-----------------
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
CÁM DỖ TRONG HOANG ĐỊA
Tin Mừng Luca không dùng từ ngữ như Matcô và Matthêu là Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn "vào sa mạc", nhưng nói "qua sa mạc". Chúa Giêsu băng qua sa mạc dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần là Đấng hình như không cho Ngài dừng bước. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Chúa Giêsu đã đi suốt bốn mươi ngày trong hoang địa nóng bỏng, khô cằn, mặt trời, cây xương rồng và đồi cát...
Khi đọc Tin Mừng Matthêu, chúng ta có cảm tưởng cơn cám dỗ xảy đến với Chúa Giêsu sau bốn mươi ngày; còn trong Matcô và Luca trình thuật cơn cám dỗ kéo dài liên tục, âm thầm suốt thời gian trong sa mạc. Ba chước cám dỗ của ma quỉ do Luca kể lại hình như chỉ là những hình thức tiêu biểu các cám dỗ cao điểm tấn công của ma quỉ mà Chúa Giêsu phải chịu đựng ròng rã suốt bốn mươi ngày.
Cơn cám dỗ thứ nhất : "Hãy truyền cho hòn đá này biến thành bánh...". Luca chọn kiểu nói số ít có vẻ tự nhiên và tả thực. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Người có đủ quyền năng. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng trong tự hạ khiêm cung, Người là Đấng Cứu Thế song đồng thời cũng là Tôi tớ của Thiên Chúa. Con đường dẫn Chúa Giêsu đi đến vinh quang Thiên Sai không ngang qua lối biểu dương quyền lực trần thế nhưng qua nẻo đường vâng lời, phục vụ và lắng nghe tất cả những lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Cơn cám dỗ thứ hai : "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này..." là đoạn mà Luca thay đổi nhiều nhất. Trước tiên Luca chú ý đến quyền lực, quyền bính, ma quỉ hứa ban thế lực chính trị trên mọi dân nước. Chúa Giêsu phải lựa chọn : hoặc nhận quyền thống trị thế giới ở đây lúc này từ tay Satan. Hoặc sau này nhận từ tay Thiên Chúa, khi đã qua đau khổ và tử nạn. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai vinh hiển, nguồn ơn cứu độ đáp lại lòng mong chờ của toàn thể nhân loại. Qua câu trả lời : "Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa của ngươi..." Chúa Giêsu chọn con đường thiết lập Nước Thiên Chúa : Chính Thiên Chúa là Đấng Ngài tôn thờ chứ không phải ma quỉ.
Cơn cám dỗ thứ ba : "Ngươi chớ thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi..." khi ma quỉ xúi dục Chúa Giêsu gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống để thử thách sự che chở của Thiên Chúa (Tv. 91,11). Chúa Giêsu vạch rõ việc lạm dụng sự che chở của Thiên Chúa là tìm cách khiêu khích Ngài, ép buộc Ngài phải ra tay bảo vệ mình. Song Chúa Giêsu muốn phục vụ Thiên Chúa, chứ không muốn xử dụng Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn vâng lời Thiên Chúa, chứ không bắt Thiên Chúa tùng phục mình. Và sự vâng lời này dẫn Người đến cái chết tại thành Giêrusalem, nơi xảy ra cơn cám dỗ thứ ba. Tại đây, trong thành Giêrusalem, Chúa Giêsu sẽ tự hạ làm thân phận Tôi Tớ của Thiên Chúa và cũng chính nơi đây Chúa Giêsu cảm nghiệm cách hoàn toàn sự che chở của Thiên Chúa, vì khi đến giờ của Người, Thiên Chúa sẽ phục sinh và tôn vinh Người.
Hôm nay cũng như mọi thời, ma quỉ luôn luôn hứa ban quyền thống trị thế giới cho Kitô hữu với điều kiện là tôn thờ và phục tùng nó. Cụ thể, ma quỉ ban cho những phương tiện làm giàu mau chóng bằng cách gian lận, trốn thuế... Nhưng ma quỉ không bao giờ cho không, biếu không mà không đòi lại gấp trăm...
Thiên Chúa là Đấng ân thưởng gấp trăm cho những ai thực thi đức ái, trao tặng một ly nước lạnh cho tha nhân vì danh Ngài. Đời sống Kitô hữu là một sự chọn lựa không ngừng giữa thờ phượng Thiên Chúa hay làm nô lệ ma quỉ. Chấp nhận làm tay sai ma quỉ thì có thể lợi lộc trong chốc lát, nhưng sớm muộn cũng đưa đến thất vọng, buồn nôn, chán nản, cay đắng, cái chết đời đời. Thờ phượng Thiên Chúa đòi hỏi thái độ từ bỏ chính mình, nhưng tìm được an bình nội tâm, niềm vui thanh thoáng và đời sống vĩnh cửu.
(viết theo Nil Guillemette, SJ. "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C", Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1975)