CN 3 THƯỜNG NIÊN – Năm C
24.01.2016
'' Người giảng dạy trong các hội đường,
và được mọi người tôn vinh.''
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Nơ-khe-mi-a (Nkm 8, 2-4 5-6 8-10).
Bấy giờ, muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. Họ xin ông Ét-ra là kinh sư đem sách Luật Mô-sê ra. Ðó là Luật Ðức Chúa đã truyền cho Ít-ra-en. Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.
Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: "A-men! A-men!" Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Ðức Chúa. Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.
Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: "Hôm nay là ngày thánh hiến cho Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc." Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: "Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Ðức Chúa là thành trì bảo vệ anh em."
THÁNH VỊNH 18
Đáp : Lời Chúa là thần trí và là sự sống.
Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
Bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
BÀI ĐỌC II
Trích thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinthô (12, 12-14, 27)
Thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có hiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Ðức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc âm theo Thánh Luca (1,1-4 4,14-21).
Có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Gioan Vũ Minh Sinh
Tin Mừng được loan báo cho người nghèo
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi đan xen những niềm vui và nỗi buồn, nhưng có lẽ buồn vẫn nhiều hơn vui. Tuy nhiên, chúng ta lại dễ dàng cảm nhận được niềm vui dâng trào khi khổ đau đã qua, nỗi lo lắng đã được giải quyết. Ví dụ như một người vừa mới trả nợ xong, hoặc được chủ nợ tha luôn cho thì chắc chắn đó là tin mừng lớn, niềm vui lớn. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói về một Tin Mừng, Tin Mừng này còn hơn hẳn tin mừng mà người đời có được. Bài đọc I hôm nay kể cho ta nghe việc tư tế Étra tập họp Dân do thái vừa từ chốn lưu đày trở về tại quảng trường và ông đọc Sách Luật cho họ nghe. Thời gian đọc kéo dài rất lâu, từ sáng tới trưa. Khi nghe đọc, toàn dân đều khóc. Họ khóc vì cảm động khi nhận thấy tình thương của Thiên Chúa đối với họ qua dòng lịch sử, họ khóc vì hối tiếc đã không đáp ứng đủ với tình thương Thiên Chúa. Étra an ủi dân: "Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em".
Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, tại chính quê hương của mình là Nazarét miền Galilê, đã công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” Vậy là Đức Giêsu cũng có một Tin Mừng, mà đối tượng nhận Tin Mừng ấy là những người nghèo hèn. Vậy phải chăng Chúa Giêsu không được sai đến để loan Tin Mừng cho tất cả mọi người sao? Tại sao Ngài lại nói "Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo?”
Chắc chắn khi xuống thế làm người, Đức Giêsu muốn cứu mọi người, yêu thương mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp. Mọi người ở mọi thời đại đều được hưởng lòng thương xót của Chúa như được hưởng ánh nắng mặt trời dưới bầu trời này. Tuy vậy, có điều không ai phủ nhận là lòng ưu ái của Chúa trước tiên lại hướng về những người nghèo, những người chịu đau khổ, bị áp bức, bị bỏ rơi, bị khinh rẻ. Ngài mang đến cho họ sự giải phóng thiêng liêng, cho họ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Như khi Chúa vừa giáng sinh, thì Tin Mừng được loan báo trước tiên cho những kẻ chăn chiên nghèo. Khi thực hiện sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã chữa lành người bệnh, cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, xua đuổi ma quỉ, giải thoát những tâm hồn tội lỗi, mở mắt cho người mù. Như thế, nhìn vào những người được Chúa Giêsu quan tâm, ưu ái, ta nhận ra người nghèo mà Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho là người nghèo vật chất, nhưng đồng thời cũng là những người đang phải chịu khốn khổ hay bị giam hãm trong hoàn cảnh nào đó, như đang phải sống trong bệnh tật, trong cảnh tối tăm vì đui mù, chịu sự nô lệ của tội lỗi, của ma quỉ. Khi chữa lành cho người ta như thế, Đức Giêsu đã thực hiện hành vi giải thoát người ta. Giải thoát người ta khỏi sự nô lệ của ma quỉ, của sự tối tăm, của sự chết.
Như vậy, "người nghèo" có nghĩa rộng là những kẻ đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn và đang mong thoát khỏi cảnh ấy. Như người đang bị giam cầm, bị tù tội, bị áp bức cách bất công thì mong được ai đó đến giải thoát cho được tự do. Như khi người ta phải sống trong sự mù mịt của đêm đen, do bị mù loà, không thể thấy được gì, không biết thế nào là màu sắc, không có cơ hội chiêm ngắm vẻ đẹp, sự hùng vĩ của thiên nhiên, trời mây tinh tú, không biết được gương mặt, dáng người của những người thân của mình ra sao, thì người ta mong được nhìn thấy, mong có được ánh sáng. Hay khi người ta bị quỉ ám, hay chứng kiến những người thân trong gia đình bị tà thần hãm hại, thì sẽ mong có một ai đó, một sức mạnh nào đó đến giải thoát người ta, đến xua đuổi tà thần ra khỏi người ta. Những người rơi vào tình trạng như thế luôn mong mỏi được giải thoát, được tự do. Chính với những người như thế mà hôm nay Chúa đến loan báo rằng: ai bị giam cầm thì được tha, ai bị mù thì được sáng mắt, ai bị áp bức thì được tự do. Như thế, lời công bố của Chúa Giêsu hôm nay làm sao không phải là Tin Mừng! Hơn nữa, Đức Giêsu còn nói thêm rằng Ngài đến để: “Công bố một năm hồng ân của Chúa”. Mà ta biết “năm hồng ân của Đức Chúa” có nghĩa là năm toàn xá, hay còn gọi năm thánh, là thời gian Thiên Chúa chiếu cố đến dân, đến giải thoát dân, nợ nần sẽ được tha hết, nô lệ sẽ được giải phóng. Ta cũng không nên quên rằng Đức Giêsu công bố điều này vào chính ngày sabát, tức là ngày kỷ niệm việc Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ Aicập. Điều đó càng cho thấy rõ hơn Tin Mừng Đức Giêsu công bố thực sự là một Tin Mừng giải phóng người ta. Và Tin Mừng ấy bắt đầu từ chính hôm nay, như Ngài nói rõ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quí vị vừa nghe.” Thời gian ân sủng của Thiên Chúa đã đến rồi. Chính hôm nay Thiên Chúa thân hành đến, hiện thân nơi Đấng được xức dầu, để tha các món nợ cho nhân loại và giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ sự dữ.
Lời Chúa hôm nay thực sự là niềm vui cho những ai nghèo hèn, khổ cực, nhưng không phải chỉ cho nghèo khổ trên phương diện vật chất, nhưng rộng hơn, đó là những ai chịu cảnh khốn khổ do bị giam cầm trong ngục tù của sự tối tăm mù loà, trong sự nô lệ của ma quỉ, của bệnh tật và của sự chết. Thử hỏi có ai trên trần gian này mà không khổ sở thiếu thốn? Có ai mà không "bị giam cầm" trong một thứ tù ngục nào đó? Ai mà không "mù" một cách nào đó? Ai mà không "bị áp bức" bởi một thế lực gian tà nào đó? Quả thật, ai trong chúng ta mà chẳng có tội. Hơn nữa, hết thảy chúng ta đều là những người nghèo: kẻ thì nghèo vật chất, người thì nghèo tinh thần. Vì thế Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo luôn là Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho chính chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có cảm nghiệm được Tin Mừng Đức Giêsu loan báo có thực sự là Tin Mừng đối với ta hay không. Vì Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức mình là người nghèo thực sự, khốn khổ thực sự, mong Thiên Chúa đến giải thoát như dân Do thái xưa bên Aicập chịu cảnh lầm than đói khổ, chịu cảnh áp bức của vua chúa, mong từng ngày, từng giờ được giải thoát. Hay chúng ta có mong được Thiên Chúa giải thoát như thể người mù mong được sáng mắt, những người có bệnh mong được khỏi, người bị quỉ ám mong được giải thoát. Chỉ khi chúng ta nhận ra mình khốn khổ, yếu hèn, rồi hoàn toàn đặt trông cậy vào Chúa, thì chúng ta mới cảm nghiệm được Tin Mừng của Chúa là thế nào. Còn những ai không nhận ra sự khốn khổ của mình thì Lời Chúa chẳng liên can gì tới họ, chẳng phải là tin mừng gì cả.
Khổ nỗi là không mấy khi chúng ta nhận ra mình là người nghèo hèn, khốn khổ trước mặt Chúa. Hoặc không mấy khi chúng ta cậy dựa hoàn toàn vào Chúa mà lại đi cậy dựa vào sức mạnh khác, bảo đảm khác của trần gian. Chúng ta không nhận ra rằng khi chìm đắm trong tội lỗi là chúng ta đang làm nô lệ cho ma quỉ, đó là một sự nguy hiểm, vì nó đe dọa hạnh phúc đời đời của ta. Có khi chúng ta cũng nhận ra mình đang ở trong tình trạng khố khổ, như nghiện ngập, say xỉn, giận hờn, bất hòa… chúng ta cũng muốn thoát khỏi tình trạng đó, nhưng chúng ta chỉ muốn vậy thôi, chứ không cố gắng chút nào, vì sợ phải thay đổi, vì sợ phải hy sinh. Vì Tin Mừng của Chúa là Tin Mừng giải thoát, nên chắc chắn đòi người ta phải có sự thay đổi, phải hy sinh. Nếu ai đó muốn thực sự được giải thoát, thì ngay chính hôm nay hãy cộng tác với Chúa trong việc giải thoát chính mình. Chẳng hạn khi nhận ra mình tội lỗi, chúng ta hãy đi xưng tội, đừng lần chần, để cho ma quỉ có cơ hội cám dỗ ta phạm thêm tội. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta được Lời Chúa đánh động cho biết ta phải sửa đổi tính hư tật xấu nào đó, thì ta hãy bắt tay làm ngay. Chúa sẽ luôn ban ơn cho ta và đang mong đợi giải thoát cho ta. Vì hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục công cuộc cứu thế trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Người cứu chúng ta qua các bí tích. Nên nhờ các bí tích, nhất là bí tích hoà giải và Thánh Thể, chúng ta được sức mạnh giải thoát của Chúa cách tuyệt vời nhất. Đó chính là Tin Mừng của Lòng Thương Xót Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được Lời Chúa thực sự là Tin Mừng cho chúng ta và giúp chúng ta mỗi ngày biết tận dụng ân sủng Chúa ban mà cộng tác với Chúa giải thoát chính mình khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê, và đồng thời giúp người khác thoát khỏi những nô lệ cho tội lỗi và tính hư nết xấu của họ. Để rồi mỗi gia đình sẽ có nhiều người thánh thiện hơn, giáo xứ sẽ có nhiều người tốt hơn. Trong gia đình, giáo xứ mà có nhiều người thánh thiện thì chắc chắn sẽ bớt đi những bất hoà, và nhất là sẽ không có những người con hư đi. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho những người đang phải nô lệ cho thứ đam mê nào đó biết chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để họ được giải thoát. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được Tin Mừng của Chúa là thế nào, để nhận ra hôm nay Tin Mừng đã đến với tôi, đã ứng nghiệm nơi tôi. Amen.
Đô. Mai Đức Vinh (2013)
Cộng Đoàn Đức Tin và Hiệp Nhất
Ba bài Thánh Kinh của chủ nhật hôm nay nêu bật hai sắc thái cơ bản của Cộng Đoàn chúng ta. Quả vậy :
1.Cộng đoàn chúng ta là cộng đoàn đức tin. Đây là giáo huấn chính yếu của bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng. Vì là Cộng đoàn đức tin, chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta tuân giữ giới răn Ngài truyền, chúng ta đặt hết niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đến trong trần gian ‘để đem Tin Mừng đến cho mọi người, để nâng đỡ và ủi an những ai nghèo khổ, để chữa lành các bệnh nhân và giải phóng những người bị tù đầy, ức hiếp’. Một cách cụ thể, để chứng tỏ niềm tin, chúng ta được mời gọi làm hai việc sau đây :
-Theo lời kêu gọi của kinh sư Ét-ra trong bài đọc thứ nhất, Chúng ta hãy hân hoan và trung thành giữ lễ ngày chủ nhật, vì đây là ngày được dâng hiến cho Thiên Chúa. Quyết tâm không bỏ lễ ngày chủ nhật khi không có lý do chính đáng.
-Theo gương thánh Luca trong bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhiệt tâm tìm học về Chúa Giêsu để hun đúc đức tin của chúng vào Chúa Kitô, để chúng ta hiểu biết Ngài cách tường tận hầu có thể nói với người khác về Chúa Giêsu, về giáo huấn của Ngài, về những việc Ngài đã thi ân cho loài người. Nói khác để trao truyền đức tin cho con em, để đem Chúa đến cho người khác.
2. Cộng đoàn chúng ta là cộng đoàn hiệp nhất và liên đới huynh đệ : Đây là giáo huấn chính yếu của bài đọc thứ hai. Theo thánh Phaolô, cộng đoàn giáo xứ chúng ta là một thân thể mà Chúa Kitô là đầu, mỗi người chúng ta là một chi thể gắn liền với thân thể và hoạt động hiệp nhất với nhau, theo sự hướng dẫn của Đức Kitô là đầu của thân thể. Tất cả các phần tử trong Giáo Xứ phải hiệp nhất với nhau, liên đới với nhau và phải kính trọng nhau. Nói một cách cụ thể :
-Quyết tâm biểu dương tình huynh đệ, tinh thần hiệp nhất và liên đới ngay trong việc sống đức tin, việc đến dâng lễ chủ nhật, để cùng nhau thờ phượng Chúa, học hỏi Lời Chúa, tuân thủ giới luật của Chúa và của Giáo Hội.
-Quyết tâm biểu dương tình huynh đệ, tinh thần hiệp nhất và liên đới trong mọi sinh hoạt của từng Hội Đoàn, Ban, Nhóm, cũng như của chung từng Địa Điểm Mục Vụ hay của cả Giáo Xứ.
Cám ơn Chúa ! Những giáo huấn thánh kinh hôm nay làm cho Ngày Tiệc Xuân Quý Tỵ thêm ý nghĩa phong phú : Hãy làm sống Cộng Đoàn bằng Đức Tin vững chắc và bằng sự Hiệp nhất huynh đệ.