CHƯƠNG I
PHẦN VI NỬA THẾ KỶ CHUẨN BỊ CÔNG ÐỒNG VATICAN II
R. Aubert
TỪ ÐỨC BENOIT XV TỚI ÐỨC JEAN XXIII
CHƯƠNG I
TỪ ÐỨC BENOIT XV
TỚI ÐỨC JEAN XXIII
Phục vụ trong những hoàn cảnh khó khăn, trước nhất là chiến tranh trong bốn năm, không những hạn chế khả năng hoạt động mà còn bị cả đôi bên chỉ trích, sau đó ngài lại chết sớm (22.1.1922), nên không thực hiện được những sáng kiến phong phú mà vị kế nghiệp đã thừa hưởng. Ðức Benoit XV là một vị giáo hoàng bị ngộ nhận lúc sinh thời và các sử gia phải mất một thời gian lâu dài mới nhìn nhận được chân giá trị của ngài.
Cuộc bầu giáo hoàng năm 1914 có 2 vấn đề. Trước nhất, dĩ nhiên là chiến tranh. Chưa ai có thể tiên đoán chiến tranh có tầm mức quan trọng đến mức độ nào, nhưng đặt Tòa thánh vào hoàn cảnh cực kỳ tế nhị, đòi hỏi giáo hoàng tương lai một tài ngoại giao khác thường. Ðồng thời có trong Giáo Hội một mối căng thẳng: từ nhóm bảo thủ, một số hồng y cho rằng giáo hoàng đã đi quá đà, nhất là trong vấn đề các nghiệp đoàn công giáo, chúng làm tổn thương nặng nề đến thanh danh Tòa Thánh, cần phải gấp rút xoay lại hoàn cảnh. Nói chung hai ứng viên ôn hòa, bị nghi kỵ tại Vatican dưới tiên triều, đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu đầu tiên: tổng giám mục thành Pise, đức Maffi và tổng giám mục Bologne, đức Della Chiesa, mỗi người 12 phiếu (1). Ðức Maffi được coi như người thuộc “chủ nghĩa Ý”, cởi mở trên quan điểm xã hội, điều này lôi kéo một số thiện cảm, nhưng cũng bị chống đối mạnh. Như thế ngài đã không bao giờ vượt số phiếu 16, từ cuộc bỏ phiếu này tới cuộc bỏ phiếu khác, trong khi đức Delle Chiesa có phần tiến triển hơn: 16, 18, 21 phiếu. Dưới ảnh hưởng của hồng y De Lai, những đối thủ thuộc khuynh hướng tự do, gồm cả những người cho rằng đức Della Chiesa không bỏ lập trường đối với nước Ý, trước đòi hỏi của cựu quan thày Rampolla, quy tụ những lá phiếu của họ trên vị hồng y đạo đức dòng Bênêdictô tên là Serafini. Chẳng bao lâu, vị này đạt tới 24 phiếu, nhưng đức Della Chiesa tiến theo sát, và lần bỏ phiếu thứ 10, ngày 3 tháng 9, ngài được chọn với 38 phiếu (chống lại 18 phiếu bầu cho đức Serafini). Ðức Ferrata được chọn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhưng ngài từ trần ba tuần lễ sau. Lúc đó đức Gasparri xác nhận rằng người ta đã lấy lại tinh thần của đức Léon XIII. Ðức tân giáo hoàng có một lời lẽ rất đáng chú ý trong bài diễn văn khai mạc (2), là ra lệnh dứt khoát cho những người bảo thủ phải ngưng chiến dịch tố cáo vô độ của họ.
Ðức giáo hoàng mới ra đời trong một gia đình trưởng giả tại Gênes, ngày 21 tháng 11 năm 1854. Ngài đã tháp tùng đức Rampolla khi làm khâm sứ tại Tây Ban Nha, và khi vị này làm quốc vụ khanh năm 1887, ngài làm thư ký đặc biệt trong 15 năm, rất được mến chuộng vì hai đức tính ở mức độ hiếm có: trí nhớ tốt và kín đáo. Ðược bổ nhậm quốc vụ khanh, và giữ chức này trong những năm đầu của giáo triều Pie X, ngài có óc uyển chuyển giữa chủ trương của ngài về chính trị của Giáo Hội và tinh thần mới đang ngự trị tại Vatican. Ngài cũng được cử làm tổng giám mụcBologne, mặc dầu nhiệm sở này phải có chức hồng y, ngài phải đợi đến tháng 5 năm 1914 mới được bổ nhậm hồng y. Ngài là một nhân vật ngoại giao thuộc trường phái Rampolla, đã lên ngôi kế vị thánh Phêrô, nhưng cũng là một vị Chúa chiên, vì đức Della Chiesa tại Roma đã cống hiến phần lớn thời giờ để thi hành chức vụ này. Ngài cũng đã là một tổng giám mục rất nhiệt thành và được nhiều người mộ mến. Chính để nhớ ơn đức Benoit XIV, tổng giám mục Bologne như ngài, ngài đã chọn danh hiệu Benoit.
Trong bốn năm, những bận tâm của giáo hoàng mới tập trung vào chiến tranh. Sự lan rộng chiến tranh đã đặt Tòa Thánh trước những vấn đề luân lý, pháp luật, ngoại giao, ở tầm mức khác thường, với những vấn đề đã được đặt ra trong các vụ tranh chấp thuộc thế kỷ trước. Ngài thực hiện ngay một cách dễ dàng cơ quan tuyên úy quân đội, và có nhiều sáng kiến rất hiệu nghiệm, để cải thiện tình trạng tù nhân, di dân, dân bị đày, tổ chức trao đổi những người bị thương nặng và cải thiện việc thông tin liên lạc gia đình bên kia những tuyến lửa (3). Nhất là ngài cố gắng dùng thế giá tinh thần để tái lập hòa bình. Qua những huấn dụ liên tiếp, nhằm đưa tới một nền hòa bình công chính (ngày 8 tháng 9 và ngày 6 tháng 12 năm 1914; ngày 25 tháng 5, ngày 28 tháng 7 và ngày 6 tháng 12 năm 1914; ngày 25 tháng 5, ngày 28 tháng 7 và ngày 6 tháng 12 năm 1915; ngày 4 tháng 3 và ngày 30 tháng 7 năm 1916; ngày 10 tháng 1 và ngày 5 tháng 5 năm 1917). Tuy những huấn dụ này không có một tiếng vang nào đối với chính quyền, nhưng đã tạo ra những căm phẫn lâu dài đối với ngài. Mỗi bên đều xác tín rằng mình có quyền căm giận vì đức giáo hoàng chỉ kết án một cách tổng quát và trừu tượng, thay vì kết án thẳng mặt đối phương (4). Người ta trách ngài rằng khi cổ động hòa bình, Ngài đã dập tắt động lực của các quốc gia, vì họ đang cần tới mọi năng lực để tự vệ và chống lại kẻ xâm lăng bất chính. Cũng thế, với những kết quả tiêu cực, ngài dùng những cố gắng ngoại giao bí mật, đặc biệt vào mùa xuân năm 1915, để tránh cho nước Ý khỏi tham chiến và suốt mùa hè năm 1917, để đề nghị cho hai bên một chương trình hòa giải (5).
Những cố gắng này khơi nguồn từ tinh thần Kitô giáo và lòng nhân đạo, nhưng cũng do quan điểm chính trị của hàng giáo sĩ. Chiến tranh đã động viên bao nhiêu linh mục và tu sĩ, làm họ không thi hành được chức vụ của họ, làm cản trở nặng nề sự tập trung lãnh đạo của Giáo Hội, làm nguy hại sự hiệp nhất của thế giới công giáo đang phát triển nơi người giáo dân của cả đôi bên, do những tâm tình đố kỵ quá đáng, do những tuyên truyền giả dối, và với thời gian sẽ tạo ra những rối loạn về luân lý nguy hại cho tôn giáo. Trong vấn đề tham chiến của Ý, ngoài mong ước muốn bảo vệ hòa bình trong một nước kề bên, và sự e sợ một cuộc cách mạng xã hội tại Roma, trong trường hợp thất bại, tại Vatican, người ta ý thức về tình trạng rất tế nhị tạo nên cho Tòa Thánh, khi bị rơi vào một nước tham chiến, mà chưa tìm được một giải pháp quốc tế về vấn đề Roma (6). Hơn nữa, người ta ý thức rằng việc lan rộng cuộc tranh chấp sẽ kéo dài chiến tranh, với những tang tóc khốn cùng và có mối nguy hại là thấy Âu Châu tàn tạ, mất đi trên thế giới vai trò làm ngọn đuốc văn minh kitô giáo. Ðức Benoit XV và các cộng sự viên đặc biệt của ngài lo ngại về những hậu quả của cuộc tranh chấp lâu dài cho các nước Áo - Hung Gia Lợi. Các ngài xác tín rằng chính phủ Vienne sẽ đi vào một cuộc chiến tranh sinh tử; Vì thế, cũng như đức Pie X và Merry Del Val trước kia, các ngài thiết tha cầu mong cho Vienne, một thành trì công giáo quan trọng, không bị sụp đổ trước bước tiến của Chính Thống Giáo, là yếu tố ổn định cho vùng Trung Âu đầy xáo trộn.
Ngoài những nhận định thực tiễn, với thời gian trôi qua, trước mắt các sử gia đức Benoit XV đã không được coi như “một thủ lãnh chính trị đệ nhất đẳng” (J. Droz). Phải chăng vì ngài có những thiện cảm ý hệ luận đối với những đế quốc trung tâm: “Một phần, Giáo Hội Công Giáo không bao giờ che đậy sự ưu đãi của mình đối với nguyên tắc về quyền bính, và truyền thống về đẳng cấp, kỷ luật; phần khác, còn có nguyên tắc tự do lương tâm và tinh thần khoáng đạt mà Giáo Hội luôn chống đối” (M. Pernot). Người ta thường lưu ý điều đó trong thời chiến tranh và sau đó, trong báo chí Anglo-Saxon, và nhất là báo Pháp. Nhưng trái lại, liên hệ ngoại giao của Áo tại Roma cho thấy những người này phàn nàn rằng: các người Schwaze Schaffe nghĩa là “những người Chính Thống, Anh Giáo, những người vô thần, và những người thuộc phái tam điểm, có tiếng nói trong các nước La Tinh” được đối xử tốt tại Vatican hơn là những người can đảm Weise Schaffe thuộc các đế quốc trung tâm. Và nếu tại Pháp người ta hoài nghi nhiều về đức hồng y Gasparri, thì trái lại, tại những nơi thuộc Ðức, người ta coi vị này như một người thân Pháp. Ðó là do ảnh hưởng của các nhân vật Ðức thân cận của đức giáo hoàng như trường hợp không thể chối cãi của đức cha Von Gerlach, là người rốt cuộc đã bị đuổi ra khỏi Ý vì tội gián điệp. Nhưng xét tổng quát và nhìn gần sự thực hơn, có lẽ Pháp và Bỉ không thiếu những dịp nói lên điều người ta thường lặp lại rằng, tại Giáo triều, nhất là trước khi nước Ý tham chiến, không thiếu những giám chức trách cứ nước Pháp “đã đấu tranh để bênh vực những sát nhân tại Sarajevo (7)”, hoặc nói chung, để tránh khỏi một thất bại ngẫu nhiên về phía đồng minh và để chuẩn bị địa thế một cách thích đáng. Chắc chắn rằng ngay từ đầu, Vatican đã phản đối việc Ðức (8) xâm chiếm nước Bỉ trung lập, mặc dầu đức giáo hoàng thận trọng không tỏ ra mình thuộc về phe nào trong hai phe nên ngài từ chối kết án công khai sự vi phạm quyền lợi, cho dù những lời tuyên bố cứng rắn của đức hồng y Mercier chống lại Ðức đôi khi cũng bị cho là quá đáng.
Người ta lại càng trách cứ Vatican là bênh vực những đế quốc trung ương, khi đức Benoit XV đề nghị giải hòa đối với tất cả những phe giao chiến, vào ngày 1 tháng 8 năm 1917. Sự can thiệp này bị nhiều bàn tán, trong bối cảnh những thăm dò khác nhau về hòa bình, chúng đánh dấu vào những tháng đầu năm 1917, lúc mà thế quân bình bên ngoài của các lực lượng tham chiến cho thấy là một giải pháp thuần túy quân sự về cuộc tranh chấp, càng ngày càng trở nên bấp bênh. Ðức Benoit XV xác tín từ lâu rằng chỉ có cuộc ngưng chiến dựa trên nguyên tắc là không đè bẹp một phe tham chiến nào, mới tạo cơ hội cho Âu Châu tìm lại được sự đoàn kết tinh thần. Ngài cũng ước mong rằng không nên để cho chủ nghĩa xã hội quốc tế độc quyền giành giật hành động cho hòa bình. Ngài tin rằng đã đến lúc can thiệp và đề nghị một nền hòa bình không phải đơn giản nhưng với thỏa ước. Những tiếp xúc chính thức trong mùa đông đã cho Vatican ấn tượng rằng nước Ðức chú trọng tới việc vận động của Tòa Thánh. Ðức Eugeniô Pacelli, một trong những vị quốc vụ khanh giỏi, được cử làm sứ thần tại Munich vào tháng 5, trong vòng 3 tháng, ngài đã thương lượng một cách khéo léo và cương quyết khác thường, trong khi đó thì sứ thần tại Vienne hoạt động song song với hoàng đế Charles, hình như đang muốn đặc biệt giải tỏa tình thế. Nếu những tiếp xúc đầu tiên đã được thực hiện về phía Ðức, chính là vì thực tế đòi hỏi rằng trước hết người ta phải đạt được một vài nhượng bộ từ phía đang giữ ưu thắng trên bản đồ chiến cuộc. Rất ít hy vọng là sẽ thành công, nhưng Tòa Thánh phỏng định rằng vì có nhiều điều lợi nên phải đánh liều. Ðầu tháng 8, Tòa Thánh gửi cho các chính phủ tham chiến một thông điệp gồm bảy điểm đề nghị rất cụ thể (9): Rút quân khỏi miền Bắc nước Pháp và Bỉ, (tái lập chủ quyền tại Bỉ là một yếu tố then chốt), trả lại cho Ðức những thuộc địa của họ; thương lượng “trong tâm trạng hòa giải và lưu ý tới những ước nguyện của các dân tộc”; để ý tới những vấn đề lãnh thổ nằm giữa Pháp và Ðức (Alsace - Lorraine) hay giữa Ý và Áo (Trentin); nghiên cứu trong cùng một tinh thần “công bằng và hợp ý”; những vấn đề tương quan tới Arménie, tại các quốc gia vùng Balkan và tại Ba Lan; hủy bỏ hỗ tương những bồi thường chiến tranh, trừ một vài trường hợp đặc biệt; và cho tương lai, chấp nhận nguyên tắc tự do trên biển, giải giới đồng đều và bắt buộc thiết lập trọng tài. Nhưng vào mùa hè, cục diện biến chuyển tại Ðức: cách mạng Nga mang lại nhiều lý do hy vọng mới cho Ðức và bộ tư lệnh trước đây từ khước bãi bỏ bảo chứng của nước Bỉ, đã thành công trong việc cưỡng bách chấp nhận quan điểm chính trị của mình. Cũng thế, giải đáp của Berlin (và do đó Vienne bắt buộc phải theo) rất là tránh né, và thiếu hẳn về phía Ðức. Sáng kiến của giáo hoàng chắc chắn đi tới thất bại hơn nữa đối với phía đồng minh Tây Phương, vì từ khi Hiệp chủng quốc tham chiến, chiến thắng cuối cùng không còn gì là đáng nghi ngờ, họ tin tưởng lời mời đi vào một nền hòa bình thỏa thuận của Vatican như một sáng kiến mới để cứu gỡ các đế quốc trung tâm. Phản ứng của quần chúng còn hăng say hơn quan niệm của các phòng chưởng ấn. Trong khi tại Ý, người ta tức giận khi nghe đức giáo hoàng cho rằng chiến tranh là “cuộc tàn sát vô ích” (10), vì lúc đó người ta đợi chờ chiến tranh sẽ đưa tới một Risorgimento. Cùng lúc, báo chí Pháp kịch liệt chống “giáo hoàng thiên Ðức”. Với sự chấp thuận của đức hồng y Paris, linh mục Sertillanges tuyên bố tại nhà thờ chính tòa: “Thưa đức thánh cha, địch thù của chúng tôi còn mạnh, nên chúng tôi chưa thể tin vào một nền hòa bình hòa giải... chúng tôi là những người con nói “không”, bề ngoài giống như kẻ bất tuân Phúc Âm”.
Phản ứng này chỉ là trường hợp quá khích của một hiện tượng rất phổ thông nơi các quốc gia đang tham chiến: Một đàng, ngay trong phẩm trật Giáo Hội và các nhà thần học cũng như nơi giáo dân, người ta chuộng giải pháp dễ dàng, là để lòng yêu nước vượt ưu tư tìm kiếm một giải pháp kitô giáo cho những vấn đề công lý quốc tế (nói đúng hơn, hoàn toàn không ai có một ưu tư như thế) nhất là trong mấy năm đầu của chiến cuộc (11). Ðàng khác, đa số người công giáo Ý giữ thái độ trung lập trước sự can thiệp của quốc gia, họ ca tụng giá trị luân lý của chiến tranh. Tuy nhiên việc hăng hái tham gia chiến tranh của người công giáo có một hậu quả tốt, là từ những nơi đang sống lưu vong, nhất là tại Pháp và Ý trước năm 1914, người công giáo đã trở về với quốc gia của họ. Tình trạng chính trị của họ chắc chắn sẽ được cải thiện sau chiến tranh.
Thất vọng vì công hàm tháng 8 năm 1917 của ngài không được hưởng ứng, đức giáo hoàng từ nay giữ thái độ yên lặng trên mọi vấn đề cụ thể về hòa bình giữa các dân tộc (12). Ngài không được mời cộng tác vào những thương thuyết khai mào các hòa ước năm 1919. Nước Ý đã được các đồng minh cho biết rằng Vatican không được đề cử đại diện, vì sợ rằng Vatican sẽ lợi dụng để đặt lại vấn đề Tòa Thánh ở Roma (13), và vì sự bất mãn trong giới Tây Phương bởi thái độ hoàn toàn trung lập của đức giáo hoàng suốt thời chiến. Theo họ, vì thái độ trung lập, ngài không thể can thiệp một cách hữu hiệu, ngay cả với danh hiệu thẩm quyền luân lý, như M. Pernot đã nhận định: “Người ta không công nhận quyền mà ngài đã tự dành để phán định những kết quả của công nghị hòa bình, vì trong lúc chiến tranh, ngài đã luôn tránh kết án những người tham chiến” (14). Dầu sao đi nữa, nếu danh từ ông Briand đã dùng: “Một nền hòa bình thệ phản điều khiển chống lại Roma” là quá đáng (15), Tòa Thánh cho rằng những thỏa ước Versailles và Saint Germain đã phát sinh từ những tâm tình thù hận hơn là công lý, và tạo ra một tình trạng hỗn loạn nặng nề, đe dọa đưa tới một chiến tranh mới. Những thỏa ước này gây nên cho Tòa Thánh một cảm thức chua cay mà đức giáo hoàng đã tỏ lộ vào những trường hợp khác nhau trong vòng 2 năm kế tiếp, đặc biệt trong thông điệp Pacem Dei munus ban hành ngày 23 tháng 5 năm 1920. Còn về đường lối 'hội liên hiệp quốc' giữa các thành phần, Tòa Thánh cũng bị đặt ra ngoài. Ðiều đó không làm cho Tòa Thánh mãn nguyện bao nhiêu. Tuy nhiên, bên cạnh những thất vọng và những khó khăn thuộc đủ loại, sự xáo trộn trên bản đồ Ðông Âu đã đưa Tòa Thánh vào tình trạng bối rối (16). Tòa Thánh phải chống chọi với sự ly khai của Tchécoslovaquie (17). Vatican có thể vui mừng về sự phục sinh của Ba Lan và sự thành lập các quốc gia Baltes, nơi người công giáo từ nay được hưởng tự do; ít lâu sau, lại có thêm một quốc gia công giáo mới là Irlande. Ðiều này ở ngoài khuôn khổ các hiệp định, mà là hậu quả của chiến tranh.
Ngoài ra, như công nghị Vienne ngày xưa, cuộc họp của các nhà ngoại giao Âu Châu tại Paris, trong nhiều tháng, cho phép Tòa Thánh chính thức giao tiếp hữu hiệu: Tòa Thánh đã kín đáo gởi tới vị đại diện tài khéo là đức cha Ceretti. Những giao tiếp này đã đưa tới kết quả tích cực trong những năm kế tiếp: nhiều thỏa hiệp được ký kết giữa các quốc gia mới thành lập sau chiến tranh, mối tương quan giữa Giáo Hội và quốc gia được cải thiện tại Pháp và Ý.
Tại Pháp, những thử thách chiến tranh và “tình huynh đệ đồn bốt” của 25 ngàn linh mục, tu sĩ và chủng sinh bị động viên, đã làm nguôi dịu các tâm hồn. Tâm trạng này đã khơi mào trước năm 1914, và tinh thần bảo thủ của phòng “chân trời xanh” trong những năm tiếp sau chiến tranh làm cho sự thiết lập các liên lạc ngoại giao với Vatican (1921) trở nên dễ dàng. Việc duy trì chính sách thỏa hiệp tại Alsace - Lorraine, một chính trị hòa hoãn hơn đối với các dòng tu, và sự bình thường hóa các vấn đề gây ra do cuộc tách lìa năm 1905, nhất là sự thỏa thuận tiên quyết giữa Roma và Paris về vấn đề bổ nhiệm giám mục (18) và quy chế các hội đoàn, nhờ đó các nhà thờ trở thành pháp nhân (19). Công việc này đã khởi đầu dưới thời đức Benoit XV, chỉ được giải quyết dứt khoát vào năm 1924, vì vào năm 1906 Tòa Thánh đã kết án đạo luật về các hiệp hội văn hóa mà hàng giám mục Pháp (được đức Léon XIII tấn phong) có thể chấp nhận. Sau chiến tranh, hàng giám mục và những người Pháp có nhiều ảnh hưởng tại Tòa Thánh (đa số được đức PieX bổ nhiệm) cho rằng không thể chấp nhận đạo luật, mặc dầu đã được cải thiện do phán quyết (phán quyết này đã nhìn nhận trong thực tế thẩm quyền cố định của giám mục) qui định rằng: từ nay Tòa Thánh chấp nhận những nhân nhượng theo chính sách tách biệt tôn giáo với nhà nước trên thực tế, miễn là chính sách này chủ trương trung lập thực sự (A. Latreille).
Về phần nước Ý, mặc dầu đức Benoit XV thuộc truyền thống “yêu sách”, ngay từ khi được chọn, ngài đã để tâm tổ chức tiếp xúc một cách chính thức với chính quyền. Ngài là giáo hoàng đầu tiên, tính từ năm 1870, từ khước những hình thức đòi hỏi của Tòa Thánh làm tổn thương đến quyền bính quốc gia Ý. Sau ngày chiến tranh, ngài cũng từ khước một hình thức đối kháng duy nhất, đối kháng này đã gây nên nhiều bận tâm cho chính quyền Ý, đó là từ chối chấp nhận những thủ lãnh quốc gia công giáo đến thăm vua nước Ý. Quốc vụ khanh của ngài sẵn sàng có sáng kiến đưa tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề, trong tinh thần của những năm đầu triều đại đức Léon XIII. Trong khi những cuộc trao đổi giữa đức Caretti và thủ tướng Orlando năm 1920 đã không tiếp tục được vì ông này bị lật đổ, thì năm sau, có nhiều vấn đề phải hòa giải cấp thời. Nhưng nhất là để thắng vượt những nghi kỵ của hai vị tiền nhiệm đối với sự tham dự vào chính trị của những người công giáo, từ nay đức Bênêditô XV xác tín rằng Giáo Hội phải lấy lại mọi quyền lợi được nhiều người bảo vệ trong lãnh vực quốc hội. Vì thế, từ cuối năm 1918, ngài chấp nhận dự án của một linh mục người xứ Sicile, là người xuất hiện như một thẩm phán thành phố có giá trị đặc biệt, một người có tài hoạt động từ bẩm sinh, một người đồng thời là tư duy và hành động, đó là Don Sturzo (20). Ông được bá tước Grosoli, chủ nhiệm đầu tiên của Opera dei Congressi, nâng đỡ, cùng với phóng viên Montini và bá tước Santucci, để thiết lập một đảng phi tôn giáo không xen vào khuôn khổ tổ chức địa phận, nhưng lấy hứng từ những nguyên tắc công giáo, có phòng thường trực lo việc bầu cử, mà trong thực tại sẽ là các nhà xứ. Tổ chức Partito populare Italiano này trong mấy tháng đầu đã thành công trong việc quy tụ những người công giáo khác nhau, từ những người thân giáo hoàng luôn triệt để bảo thủ “non expedit”, cho tới những cựu thành viên Lega democratica của Murri. Nhờ sự giúp đỡ của một thành phần quan trọng thuộc phái trưởng giả và quần chúng thôn quê, đảng này đã chiếm được tất cả 103 ghế trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 1919 và sẽ xuất hiện trong hai năm kế tiếp như một gương mẫu của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo, trước khi bị tan rã dần do những khác biệt giữa các nhóm thành viên, một bên là dân chủ cấp tiến, bên kia là trưởng giả bảo thủ.
Chớ gì tầm vóc quan trọng của những vấn đề chính trị và ngoại giao nêu lên trong đoạn này đừng đưa đến ngộ nhận. Hơn đức Léon XIII, đức Benoit XV còn là một giáo hoàng ngoại giao, hơn là một người đa nghi, nếu triều đại của ngài không bị gián đoạn sớm. Ngay từ ngày 4 tháng 11 năm 1915, việc thành lập thánh bộ lo các chủng viện và các đại học đã đánh dấu mối lo âu của ngài về việc khuyến khích hàng giáo sĩ học hành, sau những năm có nhiều phản ứng của phe bảo thủ. Ngài cũng dứt bỏ những thành kiến của vị tiền nhiệm về nghiệp đoàn, nhiều lần ngài khuyến khích tổ chức các nghiệp đoàn kitô giáo, xác nhận với các thủ lãnh của họ rằng: ngài “hết lòng” với họ và khuyến khích hàng giáo sĩ “đừng coi hành động xã hội như ngoài lề chức vụ linh mục” (21). Không ồn ào, những lập trường như vậy, riêng đối với vấn đề tại Roma, chứng tỏ rằng ngài đã từ bỏ một vài nuối tiếc quá khứ, và ngài đã hiểu rằng vấn đề xã hội biến chuyển không thể tránh được. Nhưng nhất là đối với việc truyền giáo và các Giáo Hội Ðông Phương mà đức Benoit XV đã đóng một vai trò tiên phong như người ta đã có thể ý thức được trong những phần trước đây, khi nói về cả hai lãnh vực. Thông điệp Maximum illud (ngày 30 tháng 11 năm 1919) đánh dấu ý chí của Tòa Thánh muốn tách biệt lý do truyền giáo khỏi những ý đồ của đế quốc thuộc địa. Trong thông điệp này ngài đã khiển trách “nhiệt huyết trắng trợn” của một số thừa sai trong cách phục vụ lợi ích quốc gia nguyên quán của họ. Những huấn thị được ban hành do thánh Bộ Truyền Giáo nhằm tạo lập những chủng viện miền để mau chóng đưa tới việc thành lập một hàng giáo sĩ địa phương. Còn về Ðông Phương, như nhiều phương diện khác, đức Benoit XV trở về với chính sách của đức Léon XIII. Giữa thời chiến, ngày 1 tháng 5 năm 1917, ngài tách ủy ban lo về các Giáo Hội thuộc nghi thức Ðông Phương hiệp nhất với Rome, ra khỏi Bộ Truyền Giáo, để làm thành một Bộ riêng biệt. Ðứng đầu bộ này, ngài đặt hồng y Marini, một người hâm mộ Ðông Phương. Ngài còn đưa ra nhiều biện pháp khác nhằm kính trọng và đề cao những truyền thống riêng biệt của các Giáo Hội quy nhất (uniatisme) này, đặc biệt là việc thành lập tại Roma vào tháng 10 năm 1917 một giáo hoàng học viện Ðông Phương, và sau chiến tranh, ngài nâng đỡ giáo chủ người Ukranien tại Galicio, đức cha Szeptickij, trong việc tổ chức lại thể chế dòng tu Ba Tây. Ðức Benoit XV, tạo điều kiện dễ dàng để các Giáo Hội tách biệt Ðông Phương trở về hiệp nhất với Công Giáo, nhân lúc chế độ Nga Hoàng sụp đà có sự chỉnh đốn chính trị tại Cận Ðông.
Sau khi đức Pie X qua đời, hai khuynh hướng đụng độ nhau tại mật nghị khởi nhóm vào ngày 3 tháng 2 năm 1922 (22): Những người ước mong trở về với chính sách cứng rắn của Giáo Hội thuộc thời đức Pie X, và những người ước muốn theo đuổi một chính sách cởi mở hơn của thời giáo hoàng trước. Những người sau đề cử cựu quốc vụ khanh Gasparri; số phiếu lần lượt đã lên tới 24, trong khi phía bên kia, trước tiên bầu cho đức Merry del Val, nhưng vị này không vượt được 17 phiếu, họ đã dồn phiếu cho thượng phụ Venise, đức La Fontaine, người đã mau lẹ đạt tới 22 phiếu. Lúc đó. Bắt đầu từ vòng thứ 9, hai bên sát lại gần nhau hơn. Ðức hồng y Ratti tiến tới gần, lúc đầu ngài chỉ được 4 hay 5 phiếu. Trong vòng 4 lần bỏ phiếu, từ ngày 5 tháng 2, ngài được từ 11 phiếu đến 27 phiếu, và được chọn vào ngày hôm sau với số phiếu 42 trên 54. Ngài tuyên bố nhận danh hiệu Pie XI để tưởng nhớ đức Pie IX, dưới triều vị này ngài đã bước vào đời sống giáo sĩ, và đức Pie X người đã gọi ngài về Roma.
Ðức giáo hoàng mới, tuy không phải là người của giáo triều, nhưng đã giữ một trách nhiệm quan trọng tại Roma trong thời gian gần bảy năm. Ngài sinh tại Lombardie ngày 31 tháng 5 năm 1857, rất ham mộ trèo núi, ngài học rộng, sau một phần tư thế kỷ, là quản thủ thư viện (1888), rồi 1907 là viện trưởng đại học Ambrosienne tại Milan (nơi đây ngài liên lạc mật thiết với đức hồng y Ferrari). Ngài là phụ tá viện trưởng của thư viện Vaticano Ehrle; hai năm sau, ngài kế vị ông này. Vậy nên là một vị thông thái kế nghiệp đức Benoit XV, và người ta nhận thấy điều đó qua nhiều sáng kiến thực hiện trong giáo triều của ngài (23), nhưng là vị thông thái gặp cơ hội, như kinh lược tông tòa, rồi sứ thần tại Ba Lan từ tháng 11 năm 1918 tới tháng 5 năm 1921. Ngài đã tỏ ra cương nghị, có óc tổ chức, có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp về chính trị đương thời, cũng như óc khách quan trước những khuynh hướng quốc gia đối lập (sự cạnh tranh giữa hàng giáo sĩ La Tinh và Ruthènes, sự va chạm giữa người Ðức và Ba Lan tại Silésie). Một người thông thái đã làm thủ lãnh một địa phận, vì ngài đã đảm trách tông tòa Milan trong mấy tháng, sau khi từ Varsovie trở về. Như vậy đủ để ngài có thể ban hành những hướng mới cho công giáo tiến hành phục vụ con người, và giúp đỡ cha Gemelli mở đại học công giáo mới. Ngài có lòng đạo đức sâu xa, từ khi còn là linh mục trẻ. Ngài thuộc dòng tận hiến St Charles, có lòng mộ mến đặc biệt cha sở thánh Ars mà ngài sẽ phong thánh cùng với Têrêsa Hài Ðồng vào năm thánh (1925) Giống như đức Pie IX và Pie X, ngài luôn lo lắng cải thiện phẩm giá tinh thần của hàng giáo sĩ và đề cao những lòng sùng mộ quan trọng, nhất là việc tôn sùng Thánh Tâm. Với đường lối đặc biệt, ngài không chịu nổi thái độ lãnh đạm của người Roma. Tính khí quả quyết và độc tài, đặc tính căn bản của ngài, theo phán đoán của thư ký ngài, là cha Confalonieni, ngài có “một nghệ thuật, nói đúng hơn là một nhân đức truyền lệnh”. Ngài muốn tự mình điều khiển và kiểm soát tất cả. Họa hiếm hỏi ý kiến người khác, khi viết những thông điệp, ngài giữ phần lớn ý kiến riêng của ngài, hơn những vị tiền nhiệm. Chính vì thế ngài là người có cá tính riêng biệt. Ngài không thể nhân nhượng trên những nguyên tắc, ngay khi cơ hội chính trị đòi ngài nên nhân nhượng, ngài vẫn quyết liệt chiến đấu. Phải nói thật, thận trọng không phải là nhân đức ưu thắng của ngài (Daniel Rops). Cũng thế, ngài đã để lại một ấn tượng rất cá biệt khi giải quyết nhiều vấn đề, mà vẫn biết xử dụng những tài năng của các cộng sự viên (phần lớn là những người ở Milan như những linh mục Dòng Tên) và đặc biệt của hai vị quốc vụ khanh kế tiếp nhau, tính khí rất khác với ngài: đức hồng y Gasparri (24) trong vòng 8 năm, rồi tới đức hồng y Pacelli (25), bắt đầu từ tháng 2 năm 1930.
Ý thức rằng trong thời hậu chiến có những vấn đề càng ngày càng đi vào lãnh vực quốc tế, đức Pie XI nhận định rõ ràng những nguy hiểm đưa Giáo Hội đồng hóa với Tây Âu. Những thái độ khác nhau ngài đối xử với Hoa Kỳ xuất hiện từ mối bận tâm này, nhưng còn cố gắng nhiều hơn trong việc tăng cường và mở rộng công cuộc truyền giáo. Những cố gắng này đã được trình bày chi tiết trong phần trước đây. Chúng ta nhớ rằng ngài đã yêu cầu mỗi dòng tu, cả các dòng chiêm niệm, từ nay lập nhà tại các xứ truyền giáo, do đó số vị truyền giáo tăng gấp đôi vào triều đại của ngài; ngài mở rộng công cuộc truyền giáo quốc tế. Ngài bắt buộc trụ sở chính của hội này phải đưa về Roma. Ngài cưng chiều các nghiên cứu truyền giáo học, và nhất là ngài nhấn mạnh khuynh hướng của đức Benoit XV: bãi bỏ tính cách quốc gia của các phong trào truyền giáo, khuyến khích dùng những phương pháp thích ứng cho truyền thống quốc gia và cổ động việc thăng tiến giáo sĩ bản xứ. Thông điệp Rerum Ecclesiae (ngày 28 tháng 2 năm 1926), sau khi tấn phong 6 giám mục tiên khởi người Trung Hoa, đánh dấu một ngày quan trọng cho đường hướng này, lúc mà Roma chính thức chấp nhận những tư tưởng đã phổ biến của một thừa sai trẻ người Bỉ, tên là cha Lebbe, mặc dầu có những chống đối mạnh.
Nhưng hơn cả việc mở rộng Giáo Hội Roma trên thế giới, đức Pie XI ưu tư nhiều về những hoạt động chiều sâu. Ngài đã dùng câu này như phương ngôn: “Pax Christi in regno Christi” (Bằng an của Ðức Kitô trong nước Ðức Kitô). Ngài giải thích rằng do phương ngôn này ngài kết hợp những chương trình của đức Benoit XV và đức Pie X.
Là giáo hoàng giữa hai thế chiến, nhiều lần ngài giảng về hòa bình giữa các dân tộc, ngay từ thông điệp đầu tiên, ngài đã tố giác: ”Lòng ái quốc quá đáng và tinh thần quốc gia hẹp hòi đưa tới việc từ khước quyền sống và quyền trở nên thịnh vượng nơi những quốc gia khác”. Ngài tuyên bố không dè dặt rằng: những điều kiện của hòa bình hợp với lý tưởng Kitô giáo đã không được đưa vào trong hòa ước Diktat, ký kết sau hòa ước đầu hàng năm 1918, cũng không thấy trong cách thức áp dụng thỏa ước ấy ngay từ lúc đầu, cụ thể là trong việc chiếm cứ Rhénanie. Không tin tưởng vào Liên Hiệp Quốc, ngài thúc đẩy các thủ lãnh quốc gia tạo lập vai trò trọng tài quốc tế và ngừng cuộc đua vũ khí (26). Ngài khuyến khích những cố gắng thân hữu Pháp - Ðức trong những năm 20 và ngài ân hận vì rất ít người công giáo Pháp nâng đỡ phong trào công giáo hòa bình này (27): hội Catholic Council for international relations (Hội đồng liên lạc Công Giáo quốc tế). Nhưng những hội này chỉ quy tụ được vài ngàn thành viên. Việc điều tra về Chủ nghĩa Dân tộc diễn ra năm 1924-25 do L. Vaussard thực hiện đối với 160 nhân vật công giáo Pháp và ngoại quốc đã đưa tới kết luận rằng “phần lớn người công giáo được đa số chủ chăn hướng dẫn, trong thực tế, đã đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi Giáo Hội”. Nhận định này còn có giá trị cho 10 năm sau, sợ rằng đã gây cho lương tâm người công giáo một cuộc tranh chấp giữa lòng yêu nước và bổn phận tuân phục giáo hoàng. Mối tranh chấp này giải thích việc ban ân xá bất ngờ (làm cho nhiều nơi vấp phạm) của đức Pie XI khi xẩy ra việc người Ý chinh phục Ethiopie. Vụ việc này đã làm cho nhiều người xác tín rằng: Trong lúc tăng cường dân số, nước Ý đã phải hy sinh quá mức trong việc chia lại các thuộc địa đế quốc. Trái lại, trước nguy cơ chiến tranh sẽ bùng nổ khắp nơi, vị giáo hoàng lão thành đã nghiêm khắc lên án chủ nghĩa quốc gia ngoài ý thức hệ công giáo luân phiên với những lời kêu gọi tha thiết về hòa bình. Trong khi đó, phái bộ ngoại giao Tòa Thánh đưa ra những sáng kiến hòa giải mà đức Quốc Vụ Khanh, sau này trở nên giáo hoàng, đã không ngừng theo đuổi cho tới khi chiến tranh bùng nổ (28).
“Bằng an của Ðức Kitô trong nước của Ngài”. Nước của Ðức Kitô này, đức Pie XI đã lãnh hội trong cùng một chiều hướng như đức Pie IX và đức Pie X: “Một cộng đồng kitô hữu” từ bỏ những hình thức hiến chế của chế độ cũ, và cố gắng tạo nên tinh thần cộng đồng giữa lòng xã hội đương thời bằng những phương tiện tân tiến. Ðó là chương trình ngài đã thảo ra trong thông điệp đầu tiên Ubi Arcano (29). Thông điệp này nhắc lại thông điệp Syllabus với mục đích tố giác sự “loại trừ Thiên Chúa ra ngoài xã hội” (Gasparri). Khi tố giác như vậy, ngài đã nhìn thấy căn nguyên chính của các tệ đoan trên thế giới. Ngài còn lặp lại lần nữa trong thông điệp năm 1926 về Ðức Kitô Vua. Thông điệp này chống đối thuyết “tự do trần tục”. Ðức L. Salvatorelli coi thông điệp này như “Unam Sanctam” của thế kỷ XX (30).
Hoàn cảnh xem ra thuận tiện. Tại Pháp, phong trào chống giáo sĩ giảm bớt rõ rệt, như việc thất bại của chính sách tôn giáo của hợp đoàn phe tả năm 1925 cho thấy (31), và tổ chức ACJF (Hiệp hội giới trẻ Công Giáo Pháp) bắt đầu đem lại kết quả. Tại Ðức, những kỳ vọng giới trẻ lấy lại quân bình và hướng về đời sống cộng đồng, đã sáng lên và trở nên thuận lợi cho công giáo. Mặt khác, công giáo đã bén rễ sâu trong những cơ cấu chính quyền nhờ có “đảng đứng giữa” (centriste) mạnh mẽ, và trở nên cột trụ cho Cộng Hòa Weimer. Tại Ý, phái phát-xít nắm chính quyền từ năm 1922, mặc dầu có những cuộc biểu tình lẻ tẻ chống giáo sĩ ở nhiều địa phương, cũng đã cống hiến cho đời sống kitô một khung cảnh thuận tiện hơn dưới thời tự do trưởng giả trước chiến tranh (thánh giá được đặt lại trong các trường học và tòa án, những khoản luật đặt ra chống ly dị và mạ lỵ, phòng tuyên úy quân đội được tu chỉnh, nhiều ưu đãi dành cho các trường thuộc tôn giáo v.v...). Những tương quan giữa Tòa Thánh và các nước thuộc Anglo-Saxon đều tốt đẹp. Tại các nước này Công Giáo tiếp tục bành trướng đều đặn; những đối thoại với các nước trẻ mới ra đời sau chiến tranh, cách chung đều xuôi chảy, trừ trường hợp Tchécoslovaquie. Từ các nơi, chủ trương tự do đòi tách biệt giữa xã hội dân sự và Giáo Hội dường như bị xóa nhòa dần, gây thuận lợi cho sự cộng tác giữa xã hội với thế lực tinh thần quốc tế mà giáo hoàng là đại diện.
Dựa trên biến chuyển thời cuộc này, đức Pie XI phản ứng một cách có hệ thống trong mọi phương diện để chống lại việc dân sự hóa những thể chế và phong tục với năng động và nghị lực của người miền Lombardie. Chính niềm ưu tư dai dẳng này giải thích thái độ cương quyết của ngài: bất chấp mọi trở ngại, ngài bảo vệ nền giáo dục công giáo đối với giới trẻ, khi những người thừa kế truyền thống tự do còn khá đông, và bằng bất cứ giá nào, không ngừng tố giác một biểu thị lý tưởng thần quyền chính trị cũ (thông điệp Divini illius magistri ngày 31 tháng 12 năm 1929, và rất nhiều lời ám chỉ trong những bài thuyết trình của ngài). Ngài nhắc nhở: giáo lý hôn nhân công giáo không nhượng bộ một điểm nhỏ nào đối với tâm thức tân tiến và khích lệ thánh hóa đời sống gia đình (thông điệp Casti Connubii ngày 31 tháng 12 năm 1930, và cuộc tiếp tân của Vatican đón tiếp rất nhiều đôi hôn nhân trong tuần trăng mật. Những cố gắng của ngài về quan niệm công giáo trong đời sống thợ thuyền và những tương quan kinh tế (thông điệp Quadragesimo anno ngày 31 tháng 5 năm 1931), những khích lệ về các tuần lễ xã hội công giáo, nghiệp đoàn công giáo, phong trào thợ thuyền công giáo, những huấn lệnh của ngài giúp cho những quan niệm công giáo thâm nhập vào báo chí (thông điệp Rerum Omnium, ngày 26 tháng 1 năm 1923 được tổ chức tại Roma vào năm 1936, một cuộc triển lãm quốc tế về báo chí công giáo), hoặc đạt tới một nền điện ảnh có luân lý (thông điệp Vigilanti cura ngày 29 tháng 6 năm 1936 về điện ảnh). Cũng trong niềm ưu tư ấy đã giải thích những cố gắng không ngừng của đức Pie XI nhằm khích lệ và nâng đỡ tổ chức công giáo tiến hành cho người giáo dân trong các giáo khu. Mỗi người một phương diện, giáo dân được mời gọi làm cho các nguyên tắc kitô giáo bén rễ vào các thể chế và các phong tục tập quán.
Có lẽ cũng do bận tâm căn bản ấy mà đức Pie XI đã hăng hái phản ứng chống lại lòng hâm mộ của nhiều người công giáo Pháp, đứng đầu là các giám mục, đối với phong trào Action francaise (32). Chắc chắn ngài có những lý do khác để can thiệp vào việc này: những quán quân của “chủ nghĩa quốc gia toàn diện”, những người không ngừng bỏ dầu vào lửa đối kháng Pháp - Ðức, chạm trán với tinh thần hợp tác giữa người công giáo với thế giới. Ngài xác tín rằng chỉ sự xích lại gần nhau giữa Pháp và Ðức mới có thể thiết lập hòa bình trên nền tảng vững chắc. Ngài khó chịu vì tờ nhật báo của Maurras, trong khi lớn tiếng cho rằng không thể và là điều liều lĩnh nếu cấu kết với chế độ cộng hòa được coi như là bài giáo sĩ, báo ấy khơi mào những chống đối trong phe bảo thủ do chính sách hòa hoãn mà đức Benoit XV khởi xướng và được tiếp tục bởi đấng kế vị ngài. Ðây không phải chỉ là lý do chiến thuật mà là vấn đề nguyên tắc. Giáo hoàng không thể thừa nhận việc người ta cho “lợi ích quốc gia có giá trị tuyệt đối”, đòi hỏi phải làm mọi cách, ngay cả khi lỗi luân lý để bảo vệ. Ngài không tuyên bố tính cách tuyệt đối của quốc gia, không chấp nhận lời quả quyết thời danh: “Chính trị trước tiên”. Ðiều này ngược lại với nguyên tắc công giáo, vì chính trị luôn phải phụ thuộc vào luân lý. Lời tuyên bố của các hồng y và tổng giám mục Pháp sau khi bàn cãi kỹ lưỡng, đã nêu lên rõ rệt rằng đức Pie XI chính thức chỉ trích Action francaise: “Trường thuyết này có những nền tảng sai lầm, từ đó phát sinh điều Tòa Thánh gọi là hệ thống tôn giáo, luân lý và xã hội không am hợp với tín lý và luân lý. Các vị chủ chăn không biết dạy cho người công giáo suy nghĩ xứng hợp về Thiên Chúa, về Ðức Kitô, về Giáo Hội, về giáo hoàng, về ý nghĩa đời sống, về luân lý, về những căn bản luật lệ, về các hình phạt, về tổ chức gia đình xã hội, quốc gia, về tương quan giữa quốc gia và Giáo Hội v.v... Họ tuyên bố một chủ nghĩa quốc gia thuần túy. Chính sách này chỉ dựa trên quan niệm ngoại giao về đô thị và quốc gia, nơi đây Giáo Hội chỉ có một chỗ đứng là nâng đỡ trật tự mà không phải là một cơ cấu thần thiêng và độc lập, có trách nhiệm hướng dẫn các tâm hồn về cùng đích siêu nhiên của họ”. (33)
Ðức Pie XI là người chỉnh đốn các đoàn thể công giáo tiến hành. Ngài muốn, dưới nhiều hình thức, mọi đoàn thể phải phụ thuộc vào cơ quan lãnh đạo của phẩm trật Hội Thánh. Chỉ có cơ quan này mới có quyền nói đâu là phạm vi tinh thần, và từ đâu bắt đầu phạm vi của hoạt động chính trị. Ngài theo dõi sát trong vòng hai năm những ấn bản của Action francaise, rồi sau khi đã xác tín rằng đó là hình thức mới của “Canh tân chính trị và xã hội”, ngài quyết định trừng trị. Việc kết án đã khởi đầu vụng về vào mùa hè năm 1926 và được theo đuổi trong những tháng kế tiếp với vẻ cứng cỏi tàn nhẫn. Cuộc nổi loạn không nhân nhượng của các cấp lãnh đạo được một vài nhà thần học lén lút ủng hộ (34), đã gây nên nhiều xúc động và thảm hại cho lương tâm, nhưng đồng thời cũng đóng góp phần đáng kể vào thành quả của “sự gia nhập lần thứ hai” của những người công giáo vào nền cộng hòa (35). Dưới quyền lãnh đạo của hồng y Dubois rồi tới hồng y Verdier, sự nổi loạn này thúc đẩy mọi lực lượng dấn thân vào công giáo tiến hành và hoạt động xã hội công giáo, đồng thời tạo nên một chấn hưng tôn giáo. Với nhiều hình thức khác sức chấn hưng này nổi bật nhất trong hai sự kiện: tăng trưởng mạnh mẽ các hoạt động từ thiện trong đa số các địa phận và tăng thêm số linh mục được thụ phong.
Trong cuộc phấn đấu chống chủ thuyết tục hóa phóng đãng (36), đức Pie XI đã không ngừng long trọng nhắc lại những nguyên tắc và ban cho các tín hữu những chỉ dẫn rõ ràng trong mọi lãnh vực rất khác nhau. Ngài cũng theo đuổi cuộc đấu tranh này trên bình diện hiến chế, pháp luật và ngoại giao. Không giống như đức Léon XIII, do bận tâm về ưu thế của Tòa Thánh, hoặc để bảo đảm những giao tế có thể góp phần giải quyết vấn đề Roma, đức Pie XI tiếp tục truyền thống mà đức Benoit XV đã thi hành, nhằm thực thi “một chính sách hiện diện” và gia tăng những giao tiếp với các chính quyền. Trước hết để hy vọng đạt được nơi các chính quyền những phương thức hợp pháp thuận lợi cho lý tưởng kitô giáo, hoặc ít ra cho họ giữ thái độ trung lập đối với những cố gắng của công giáo tiến hành. Tại những nơi có phương tiện, đức Pie XI tìm cách đi xa hơn và được đảm bảo ngoại giao bằng một hợp đồng. Ðôi khi người ta chỉ trích lối “ám ảnh” hòa giải của đức Pie XI, ngay cả trong những môi trường công giáo. Một vài người đã tố giác những viễn tượng quá nhân loại khi Giáo Hội, thay vì tự nhận như một chứng nhân Tin Mừng trong thế gian, thì đã hạ mình để bàn cãi ngang hàng với những thế lực trần gian. Hơn nữa, Giáo Hội xem ra dựa trên những mối lợi tạm thời của các thế lực ấy hơn là những xác tín về lòng đạo đức của những người ký các hiệp ước như thế. Tiếp theo Sforza, nhiều người khác tự hỏi không biết đó có phải là một vài ngây thơ trí thức khi ngài quá tín tưởng vào những tài liệu đã được viết ra. Hình như đức Pie XI và các cố vấn của ngài, vì xác tín rằng: có thể gây ảnh hưởng trên quần chúng bằng những thể chế, nhất là bằng các hiệp ước, nên đã thấy rằng có thể đưa một số đòi hỏi của bộ giáo luật vào những luật lệ thế tục (một điều không thể tin được trước năm 1914, khi mà sự biến chuyển các thể chế xem ra đi về hướng hoàn toàn trái ngược), đặc biệt về luật hôn nhân và học đường, về luật bảo đảm cho Tòa Thánh quyền tự do lựa chọn giám mục, một điểm mà giáo triều không muốn nhân nhượng nữa.
Giữa những thỏa hiệp đức Pie XI đã ký kết, có hai thỏa hiệp gây nhiều chú ý và nhiều dè dặt ngay lúc bấy giờ và sau đó: thỏa hiệp ký kết với nước Ý năm 1929, nhân dịp giải quyết dứt khoát về vấn đề Roma và thỏa hiệp ký năm 1933 với nước Ðức, sau khi Hitler lên cầm quyền.
Ðiều rất chắc chắn là, từ nửa thế kỷ những dữ kiện về vấn đề Roma đã thay đổi nhiều và không còn nói về vấn đề thế quyền, nhưng rất nhiều về tự do thiêng liêng của Tòa Thánh. Là một sử gia, đức Pie XI quá ý thức về tình trạng ngẫu nhiên trong các thể chế của Giáo Hội, ngài không còn dấn thân như những bậc tiền bối, tìm kiếm một giải pháp thỏa thuận về vấn đề hợp nhất giữa Ý với Roma thủ đô, nhưng cốt yếu ngài muốn rằng những giải quyết quốc tế cũng mang lại giải pháp rõ ràng về hoàn cảnh Giáo Hội tại Ý. Những thương thuyết được khởi sự trong vòng bí mật năm 1926, theo sáng kiến của chính quyền phát xít, với phía giáo hoàng có đức hồng y Gasparri và luật sư Pacelli, cho phép đưa ra rất mau lẹ những đường nét chính của một thỏa ước, nhưng còn nhiều trắc trở, trong vòng hai năm tiếp theo, do những mâu thuẫn quan trọng trong vấn đề giáo dục giới trẻ, mà chính phủ đòi dành quyền tối đa. Sau cùng đức Pie XI chấp thuận sát nhập hướng đạo công giáo vào các cơ quan Opera Nazionale Balilla (với quyền có tuyên úy), nhưng ngài tỏ ra cương quyết với các phong trào công giáo tiến hành nói riêng, và sau cùng Mussolini phải nhượng bộ. Việc vua Victor Emmanuel chống đối nhượng bộ một phần đất Ý, rồi đến việc bộ tư pháp chống đối thỏa ước liên hệ tới hôn nhân là điều làm “giao động bộ dân luật Ý”, đã kéo dài thêm vài tuần nữa những cuộc mặc cả cuối cùng. Mãi tới ngày 11 tháng 2 năm 1929 thỏa hiệp bộ ba mới được ký kết: về chính trị, kinh tế và tôn giáo.
Ðức Pie XI nhìn nhận nước Ý với Roma là thủ đô, phía nước Ý nhận chủ quyền giáo hoàng Roma trên mảnh đất nhỏ 44 mẫu tây (quốc gia Tòa Thánh Vatican). Thỏa ước này bảo đảm cho Roma nền độc lập hoàn toàn là điều đã được đòi hỏi từ đức Léon XIII. Ngoài ra thỏa ước cũng tiên liệu trả một món tiền bồi thường mà đức Pie XI dùng để trợ cấp cho quốc gia mới trong những dịch vụ kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là một đài phát thanh. Hơn nữa những lâu đài tông tòa, những đại thánh đường, những học viện Giáo Hội được đặc ân tự trị và miễn thuế. Song song với những thỏa hiệp này, một thỏa hiệp khác giữa Tòa Thánh và nước Ý đã thỏa mãn những nguyện vọng của đức giáo hoàng. Thỏa hiệp này lặp lại một phần lớn những dự định của chính quyền năm 1925 nhằm cập nhật bộ giáo luật, nhưng lần này không có nghĩa là một quyết định đơn phương của thế quyền, nhưng là một thỏa hiệp được chuẩn bị chung và trong đó đức Pie XI, sau khi phải tranh đấu gắt gao, và nhượng bộ không phải không đáng kể, đã thành công bắt ghi ra những vấn đề mà trước mắt ngài còn quan trọng hơn những luật về vấn đề Roma: đó là vấn đề giáo dục giới trẻ, hôn nhân công giáo. Và mặc dầu Mussolini bất mãn, ngài không ngừng lặp lại rằng trước mắt ngài thỏa hiệp này không thể tách rời khỏi hợp đồng và những điểm bị ông coi như một vi phạm: Simul stabunt aut simul peribunt (Quy định một trật hoặc bỏ hết một lúc). Trên thực tế, không bao lâu những va chạm đã xẩy ra vào mùa hè năm 1929, vì một vài lời tuyên bố đáng e ngại của Mussolini, khi quốc hội phê chuẩn thỏa hiệp, và nhất là hai năm sau, khi nói về công giáo tiến hành và những hiệp hội giới trẻ. Ðó cũng là cơ hội ra đời thông điệp Non abbiamo bisogno (Chúng tôi không cần) ngày 29 tháng 6 năm 1931 (37). Nhưng đức giáo hoàng vẫn đứng vững. Và sau nhiều tháng điều đình do trung gian của cha Tacchi Venturi, Dòng Tên, Mussolini đã phải chấp nhận cho giáo hoàng được thỏa mãn những điều chính yếu trên nguyên tắc (38).
Sự biến chuyển không được tốt đẹp về phía Ðức. Như đã nói ở trên, dưới chế độ lập hiến của Weimar (11.8.1919), mặc dầu những khó khăn trầm trọng trên lãnh vực học đường và nhiều thành phố lớn càng ngày càng trở nên “nghĩa địa tinh thần”, người công giáo Ðức đã trải qua một thời hưng thịnh đáng khen ngợi. Ít nối kết với chính quyền hơn Giáo Hội Tin Lành, Giáo Hội Công Giáo cảm thấy ít ảnh hưởng về mọi chia cách giữa Giáo Hội và quốc gia, trái lại việc chia cách đã cho Giáo Hội được tự do như Giáo Hội đã đòi hỏi từ rất lâu. Người ta có thể nói đó là một “mùa xuân đan viện” (39) và “phụng vụ” ảnh hưởng người công giáo trong thế giới khoa học và văn hóa đã đạt tầm mức quan trọng đáng kể. Những phong trào giới trẻ (Quickborn, Neu-Deutschland v.v...) đã tìm được đà tiến mới (40), nhiều hội đoàn công giáo triển nở làm Roma phải thán phục, và trong những vùng kỹ nghệ, phong trào bỏ đạo giảm rất nhiều, hoặc có khi ngược lại (nhất là tại Wesphalie và tại Saxe) nhờ chính sách xã hội của phe “giữa” (đó là một linh mục công giáo: H. Brauns, người đã là bộ trưởng lao động cho 12 chính phủ kế tiếp, từ năm 1920 tới 1928).
Tất cả công trình tốt đẹp này, được kiên vững thêm nhờ những hòa ước ký kết với quận Bavière (1924) quận Prusse (1929) và Bade (1933), đột nhiên như đồng lõa với Hitler, người nắm chính quyền vào tháng giêng năm 1933. Các giám mục đã nhiều lần tố giác hệ thống “tư tưởng” ngoại giáo của quốc xã và ngăn cấm tín hữu gia nhập đảng này. Thật vậy, trong cuộc bầu phiếu vào tháng 7 năm 1932, 10 đơn vị chống đối NSDAP nhất đều thuộc miền Công Giáo, trừ Berlin. Nhưng nhiều người công giáo sợ mang tiếng là “người công dân Ðức xấu” khi đối lập với đảng duy nhất, là đảng giải phóng quốc gia bị xỉ nhục theo Diktat của Versailles, và làm cho nước Áo sáp nhập vào “nước Ðức lớn mạnh”. Những người khác không phải là không nhạy cảm về phương diện kinh tế và cả về phương diện luân lý công cộng, trước những biểu ngữ chống Do Thái của quốc xã. Cũng thế, năm 1931, Walter Dirks, một người Ðức, đồng nghiệp của E. Mounier, đã tiên liệu một quá trình “ám ảnh nội tại của người công giáo là một ngày nào đó có thể liên kết với thuyết quốc gia xã hội”. Biến chuyển bị dồn dập là vì phần lớn các chính trị gia công giáo nghiêng về phía hữu bảo thủ. Những người này, họa hiếm có luật trừ, nhất là J. Wirth, đã luôn có khuynh hướng đồng hóa chế độ dân chủ cộng hòa với phái tam điểm, nhiều giáo sĩ cũng không nghĩ khác (41). Trước cuộc khủng hoảng kinh tế không ngừng trầm trọng thêm, những người này dự định chấp thuận dễ dàng luân phiên đi tới cộng sản. Mù quáng bởi cách lên nắm chính quyền hợp pháp của quốc xã, những người hữu trách tin rằng nên chạy đi tìm chiến thắng: trong khi ấy thì đức cha Kaas, chủ tịch Zentrumpartei từ năm 1928, là một trong số đông giám- mục-chính-trị Trung Âu, trong khoảng giữa hai thế chiến (42) đã đem lại cho Hitler 2/3 số phiếu cần thiết để ông có toàn quyền một cách hợp pháp. Hội đồng giám mục tại Fulda, bằng những lời thận trọng, đã thu hồi những lời chỉ trích trước kia đối với đảng này, đồng thời hy vọng là sự hiện diện của người công giáo giữa lòng phong trào sẽ tăng cường cho các lực lượng ôn hòa mà người ta hy vọng sẽ làm êm dịu những khuynh hướng chống tôn giáo, như trường hợp tại Ý. Tại Roma, đức Pie XI từ lâu đã nhận thấy sự sống động của công giáo Ðức.Vị quốc vụ khanh mới của ngài là đức hồng y Pacelli, cũng chung một cảm nghĩ, ngài đã là sứ thần Tòa Thánh tại Munich, rồi tại Berlin từ năm 1917 tới 1929. Với những cung xử cương nghị, Ngài đã được công giáo Ðức tín nhiệm, ngài chú tâm theo dõi những biến cố và cho rằng tốt hơn là nên cố gắng dồn vào một phong trào mà nhiều người quả quyết: khi phong trào này đã đạt được chính quyền, họ sẽ êm dịu lại về ý thức hệ. Chính trong những điều kiện này, từ tháng 4 năm 1933, những cuộc thương thuyết khởi sự, về phía Ðức do phó thủ tướng Papen, đức cha Kaas và tổng giám mục Fribourg là đức cha Grober, nhằm đưa tới một hiệp định mở rộng trên toàn lãnh thổ thuộc Reich. Hiệp ước này được ký vào ngày 20 tháng 7 và thực thi ngày 10 tháng 9. Bên ngoài thì hiệp định xem ra ưu đãi Giáo Hội Công Giáo, nhưng người ta đã phiền trách nhiều về đức Pie XI và vị quốc vụ khanh của ngài, vì ngoài việc giúp cho Hitler thành công trên bình diện quốc tế (như trường hợp đã xẩy ra đối với Napoléon 1801), hiệp định đã ru ngủ lương tâm công giáo, mà không đem lại ích lợi bao nhiêu. Phải thú nhận rằng đó là một thị trường lừa đảo, vì những sắc luật thực tế không được thi hành, và những điều quy định rõ ràng nhất bị vi phạm trắng trợn, cuộc tranh đấu chống Giáo Hội lúc đầu còn lu mờ nhưng dần dần trở nên rõ rệt và mỗi ngày thêm trầm trọng. Thực vậy, tại Vatican, người ta không có nhiều ảo mộng, nhưng người ta cho rằng: hiệp định này ít tai hại hơn sánh với “tình trạng thất bại” (Nobécourt) sau khi “phe giữa” và hàng giám mục đầu hàng (43). Như đức hồng y Pacelli giải thích: “rất dễ khai mào một chiến tranh tôn giáo, nhưng khó duy trì chiến tranh này. Và người công giáo thuộc các nước liên hệ phải xác tín rằng giới lãnh đạo tối cao của Giáo Hội đã cố gắng tránh đụng chạm”. Vả lại người ta phỏng định rằng, và điều này thực ra có thể kiểm chứng được một phần, hiệp định này cung cấp một nền tảng pháp lý để cho người công giáo Ðức đối kháng vì tự do của họ bị xúc phạm. Hiệp định này ngăn cản chính quyền Ðức (Reich) tiên thiên cáo nài những lời kêu gọi của Tòa Thánh trọng kính pháp luật như một lối can thiệp vào nội bộ của nước Ðức (44).
Nhiều người tự hỏi không biết có những lý do nào khác đã góp phần thúc đẩy đức Pie XI lấy quyết định sẽ bảo lãnh cho chế độ quốc xã. Thực ra chế độ này bị coi như một đối thủ đích đáng của chế độ tài phiệt Nga mà đức giáo hoàng luôn coi như một mối nguy đặc biệt cho tôn giáo và Giáo Hội, như Pastor đã dẫn chứng nhiều lần (45). Ngài cũng có một vài thiện cảm với những chế độ thuộc loại phát xít. Nguồn gốc của ngài là một gia đình bảo thủ, thuộc vùng Lombardie, thời còn thanh niên Ratti đã không thích thuyết công giáo xã hội hóa của Albertario. Khi lên ngôi giáo hoàng, ngài nghi ngờ những Popolari của Sturzo, vì những người này có thể liên hợp với những người thuộc chủ nghĩa xã hội, là việc ngài từ chối ủng hộ họ đã góp phần loại bỏ mau chóng nền dân chủ quốc hội tại Ý, và xem ra ngài không nuối tiếc điều đó. Ngài chủ trương có một Auschluss từ Áo sang Ðức, vì tổ chức này tạo nên chiến lũy chống chủ nghĩa xã hội tại Vienne. Vả lại chắc chắn rằng, không nói về Tây Ban Nha, ngài có thiện cảm với chế độ của Salazar và của Dolfuss. Ngoài ra phải nhận rằng những chế độ phát xít tiến triển tại Âu Châu trong khoảng giữa hai thế chiến tiêu biểu một vài khía cạnh xem ra vừa lòng Giáo Hội: họ dựa trên những tư tưởng về quyền bính, về trật tự và phẩm trật, hô hào tổ chức những nghiệp đoàn xã hội, đề cao vinh dự gia đình, tấn công phái tam điểm và cộng sản.
Nhưng nếu đức Pie XI cho tới năm 1935, vẫn có vẻ coi Mussolini như “một người do ý trời”, thì ngài không coi việc nghiêng về phía hữu của đa số các quốc gia thuộc Âu Châu như một tai họa; ngài không ý thức đủ là thái độ ấy làm cho Giáo Hội Công Giáo trong những môi trường phe tả gia tăng nhiều hình thức chống Kitô giáo của các chế độ phát xít chính, ái quốc cực đoan, kỳ thị chủng tộc (bị tố giác năm 1928 do một thông điệp của thánh bọ đức tin). Những dữ kiện ấy làm cho ngài thay đổi thái độ hoàn toàn: bắt đầu từ lúc đó, ngài không lui bước trước mối đe dọa phải tranh tụng với những lực lượng hiện hữu, ngài cương quyết chiến đấu trên hai mặt một lúc, nhân danh nhân quyền, chống lại tư tưởng chuyên quyền của phe tả cũng như của phe hữu. Tháng 3 năm 1937, hai thông điệp đã được công bố, một chống cộng sản vô thần, và một chống quốc xã. Việc công bố những thông điệp này đã khai mở một giai đoạn mới cho triều đại ngài. Những điều đức Pie XI cảnh giác chống lại cộng sản không phải là một điều mới lạ, nhưng việc phát động phong trào chống đối tôn giáo tại Nga (URSS) trong những năm 30, việc bắt đạo tàn bạo từ năm 1932 tại Mexique là nơi ngấm ngầm chịu ảnh hưởng mác xít, việc bành trướng thuyết cộng sản tại Trung Hoa và Ðông Dương, việc Quốc dân đảng quyết định tung ra năm 1935 những mặt trận nhân dân tại những nơi có thể, chiến thuật lừng khừng tại Pháp và nhất là từ tháng 7 năm 1936 nội chiến tại Tây Ban Nha (46). Tất cả những biến cố lịch sử đó bắt buộc ngài phải đặt vấn đề. Ngày 19 tháng 3 năm 1937, ngài ban hành thông điệp Divini Redemptoris (Về Chúa Cứu Thế) (47). Thông điệp này trình bày rất sơ sài thuyết mác xít, nhưng đã quảng diễn nhiều lý thuyết của Giáo Hội về con người, về gia đình và về xã hội, và những phương cách hữu hiệu chống lại thuyết cộng sản. Dựa trên căn bản vô thần của thuyết này, vì thuyết này chỉ thấy trong tôn giáo một ý hệ do một tầng lớp xã hội quảng diễn để cưỡng bức đặt nền thống trị của họ, thông điệp này đã kết luận rằng: “thuyết cộng sản tự bản chất là sai lầm, và người ta không thể chấp nhận cộng tác với thuyết này trên bất cứ một lãnh vực nào, đối với bất cứ ai muốn cứu vãn nền văn minh kitô giáo”.
Năm ngày trước đó đã xuất hiện thông điệp Mit Brennender Sorge (48). Thông điệp này đối chiếu từng điểm một giữa Chính Thống Công Giáo với ngẫu tượng thuyết của Hitler, và nói lên nhiều vi phạm hiệp định năm 1933. Chính đức hồng y Faulhaber, theo đề nghị của đức hồng y Pacelli, đã viết dự án đầu tiên cho văn kiện này. Việc công bố văn kiện này được quyết định sau những tiếp xúc trong tháng giêng giữa ba hồng y người Ðức, cùng với các giám mục Von Galen và Von Preysing, với đức giáo hoàng và quốc vụ khanh của ngài. Sau đó, chính đức giáo hoàng đã kết thúc bản văn chung kết. Từ nay, mặc dầu “không thể diễn tả các chống đối tinh thần ra bằng hành động” (Nobécourt), mặc dầu vị quốc vụ khanh yếm thế không tin tưởng vào các yếu tố ưu thắng của ông, cuộc chiến đã trở nên công khai, và lan dần tới chế độ tài phiệt Ý càng ngày càng đi vào bước đường của Reich thuộc Hitler. Người ta biết rằng trước khi qua đời (ngày 10 tháng 2 năm 1939), đức Pie XI còn hăng say tuyên đọc trước hội đồng giám mục Ý, họp lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 10 năm hòa ước Latran, một bài diễn văn mà nguyên bản còn dang dở và chỉ được đưa ra công khai 20 năm sau (49). Trong văn bản này, không gián đoạn như người ta thường nghĩ, ngài đã buông thả hết mọi ảo vọng của ngài ra. Một lần nữa tại đây ngài chống lại đường lối người ta đối xử với Giáo Hội tại Ý, và chống lại “sự tự phụ điên cuồng của những ai tự tín và nói rằng mình biết tất cả, đang khi hiển nhiên họ không biết Giáo Hội là gì, giáo hoàng là gì, giám mục là gì, mối tương quan giữa đức tin và đức ái đang liên kết tất cả chúng ta trong tình yêu và phục vụ Ðức Giêsu Vua và Chúa chúng ta”. Hơn nữa ngài phàn nàn đặc biệt là những vụ can thiệp của ngài “tại Ý và ngoài nước Ý” đều bị tố giác như những xen lấn vào các việc chính trị như: “sau cuộc bách hại của Néon thì đến việc tố cáo hỏa hoạn tại Roma”.
Ngay từ khi đức Pie XI lâm bệnh nặng vào tháng 11 năm 1936, nhiều người đã thấy vị quốc vụ khanh của ngài có nhiều dấu sẽ lên kế vị. Vào những năm cuối đời, chính đức Pie XI cũng không giấu ý định muốn giới thiệu vị quốc vụ khanh như một ứng viên giáo hoàng. Nếu về phía Ý, một số hồng y địa phương ước mong một vị êm dịu đối với chính quyền và tiên liệu một giáo hoàng ít óc chính trị trong con người của tổng giám mục Florence tên là Della Costa, thì trái lại, một phần hồng y thuộc giáo triều, dưới sự hướng dẫn của các hồng y Canali, Pizzardo và Piazza và đa số các hồng y ngoại quốc chấp thuận đức Pacelli. Vì thế vị này đã được chọn ngay từ ngày đầu tiên (ngày 2 tháng 3 năm 1939), một điều chưa từng thấy từ ba thế kỷ nay. Lúc đó người ta kể rằng mọi người nhất loạt đồng ý, nhưng những người cật vấn, tính khéo, đã thành công một cách bất ngờ làm cho số phiếu của đức hồng y Baudrillart xuống dần: 48 trên 63 (50). Lần đầu tiên từ rất lâu rồi, tất cả hồng y còn sống đều đến dự mật nghị. Ðức Pie XI đã tiên liệu việc khai mạc mật nghị trì hoãn lại để các vị từ bên kia đại dương tới kịp ngày. Vị được bầu tuyên bố rằng ngài nhận tên là Pie XII, vì có ý tiếp tục đường hướng của vị tiền nhiệm, mặc dầu khác biệt về tính tình và phương pháp làm việc.
Ðức Eugeniô Pacelli sinh tại Roma ngày 2 tháng 3 năm 1876 trong một gia đình thẩm phán mới lên hàng quý phái. Sau khi học giỏi giang tại trung học quốc gia Visconti, ngài lên đại học Capranica, là nơi đào tạo những nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh. Ngài là phụ tá quốc vụ khanh, do đó ngài đã lanh lẹ vượt bậc thang chức vụ, dưới quyền trực tiếp của đức hồng y Merry del Val, để năm 1914 ngài đạt chức thư ký thánh vụ đặc biệt. Ðức Benoit XV có dịp nhận thức tài năng của ngài khi đặt ngài giữ chức quốc vụ khanh, và đã giữ ngài tại chức vụ này tới tháng 4 năm 1917. Như người ta đã biết chính năm này, ngài được cử đi làm sứ thần tại Ðức để chuẩn bị làm trung gian vào ngày mồng 1 tháng 8. Chiến tranh chấm dứt, sau khi đã khéo léo điều đình đưa tới một hòa ước thuận lợi (nhất là trên lãnh vực học đường) với chính quyền Bavarois, ngài chuyển dời từ Munich qua Berlin và do sự tiếp xúc thông minh cũng như do sự thấu triệt những vấn đề tại Ðức, ngài đã thành công đặc biệt trong hàng giáo sĩ và thế giới công giáo, cũng như trong lãnh vực chính trị. Ðược làm hồng y tháng 12 năm 1929, ngài kế vị hồng y lão thành Gasparri tại quốc vụ khanh. Suốt 10 năm, hoạt động, ngài luôn hòa đồng với hoạt động cứng rắn của đức Pie XI trong việc phục vụ tự do của Giáo Hội, và chống lại những nguy hại đang lên của cộng sản và quốc xã, đồng thời vẫn cố gắng giảm bớt những hình thức biểu dương bên ngoài.
Bị chỉ trích nhiều sau khi qua đời, mặc dầu đã được mộ mến nhiều ngay ở ngoài Giáo Hội Roma, đức tân giáo hoàng chắc chắn đã là một bậc vô song. Tuy nhiên ngài có mấy nhược điểm đã nên trầm trọng hơn khi đến tuổi già: hẹp hòi trong một vài bình diện, thiên về phẩm trật giáo sĩ, cho dù ngài đã mở rộng chỗ đứng cho người giáo dân trong Giáo Hội, những dáng điệu đôi chút kịch tuồng, ham thích những hình thức sùng đạo thuộc vùng địa trung hải, tín thác thiên vị nơi những người được sủng ái, khiến họ lợi dụng hoàn cảnh để áp dụng khuynh hướng gia đình trị. Giới trí thức thán phục sự thông minh lanh lợi của ngài. Ngài nắm ngay được then chốt của những vấn đề phức tạp và tiếp thu một cách dễ dàng, vì có trí nhớ đặc biệt. Ngài có tài nói nhiều ngoại ngữ và có tầm kiến thức rộng. Ðiều này cho phép ngài, trong những bài diễn thuyết hằng ngày, giảng dạy cặn kẽ về nhiều đề tài khác nhau (51). Sau cùng ngài đã sáng tạo được “một quy luật luân lý cụ thể, một tổng hợp tu đức đương thời trong mọi chiều kích” (Rouquette). Những nhà ngoại giao và những chính khách quý mến nơi đức Pie XII tính cách cao thượng trong những nguyên tắc mà ngài cố gắng chuyển đạt, nhưng ngài ít khách quan (Leiber), có óc thực tiễn. Ngài thận trọng, chuyên chú cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề và sự mềm mỏng kiểu Roma khác với đức Pie XI người Lombardie. Ðức tính này đã thúc đẩy ngài tránh những vụ bác đơn và những vụ kết án không có khiếu nại, bao lâu còn hy vọng thương thuyết hợp lý. Dân chúng rất nhạy cảm trước đức tin nhiệt thành của ngài. Ðức tin này đã giúp ngài quan sát mọi sự với tinh thần siêu nhiên, hé lộ một tâm hồn linh mục sâu đậm. Dân chúng cảm thấy rằng đức giáo hoàng làm việc quá nhiều, đơn côi, tách biệt với thế giới bên ngoài bằng cả một hệ thống bàn giấy dày đặc; Ngài cũng là một mục tử tận tâm với những trách nhiệm tông đồ nặng nề, rất nhạy cảm, một vị thánh rất nhân từ, biết rung động hòa hợp với quần chúng và biết tùy cơ nghiêng mình xuống những vấn đề hằng ngày của họ. Những người rành nghề rất ngạc nhiên về các hoạt động quá nhiều của vị thần bí này, người mà sau khi đã chìm sâu trong cầu nguyện đến độ như thế giới bên ngoài không tồn tại nữa, đã đả phá những tập hồ sơ dày cộm, đến nỗi những cộng tác viên can đảm thỉnh thoảng phải xin ngài nới tay. Cách làm việc dễ dàng khác thường này, và niềm xác tín là ngài đã đón nhận từ trời những hồng ân cho phép ngài làm chủ các vấn đề với sự trong sáng hơn người, sẽ giải thích khuynh hướng tập trung dần dần mọi quyền hành của Giáo Hội trong tay ngài, với tính khí độc tài dưới vẻ dễ thương bên ngoài. Khuynh hướng này có nguy hại làm sai trật sự điều hành của các thể chế (52). Không những sau khi đức hồng y Maglione chết sớm năm 1944, ngài dành lại quyền điều hành quốc vụ khanh với sự giúp đỡ của hai phụ tá rất tận tâm và có tính khí hòa đồng là đức cha Tardini và đức cha Montini. Trong nhiều lãnh vực khác, ngài tự mình quyết định, không qua guồng máy thông thường, không ngần ngại giải quyết các vấn đề mà ngài quan tâm với sự giúp đỡ của một số người tín cẩn, trong đó có mấy cha Dòng Tên người Ðức, ảnh hưởng bí mật của họ không hợp với sở nguyện của mọi người tại Roma (53).
Một trong các lý do đã xui khiến các hồng y chọn vị quốc vụ khanh của đức tiên giáo hoàng, trái hẳn với thói quen, là niềm xác tín rằng khi mối căng thẳng quốc tế lên đến cực độ, vị thủ lãnh Giáo Hội cần hiểu biết rộng rãi về chính trị quốc tế và có khả năng can thiệp như một môi giới có nhiều hy vọng đưa tới thành công. Thật vậy, trong 6 năm đầu của giáo triều, phần lớn những hoạt động của đức Pie XII là lo về chiến tranh và những vấn đề liên quan tới chiến tranh. Ngài có may mắn trải qua “kinh nghiệm đau khổ của đức Benoit XV, vẻ huy hoàng giáo lý của triều đại Pie XI và những nhiệm kỳ sứ thần Tòa Thánh khi ngài còn là hồng y” (P. Duclos). Mặt khác, sự phục hồi ảnh hưởng tinh thần của giáo hoàng trên trường quốc tế giữa các năm 1914 và 1939, đã giúp ngài can thiệp cách tích cực và rõ ràng hơn là phần tư thế kỷ về trước.
Những cố gắng của Tòa Thánh nhắm ngăn chặn chiến tranh, trải qua hai thời kỳ quan trọng: vào đầu tháng 5 năm 1939, đề nghị một hội đàm gồm năm thành phần để thử giải quyết những khó khăn Ðức - Balan và Pháp - Ý, cha Tacchi-Venturi tiếp tục đóng vai trò trung gian giữa Vatican và Mussolini, rồi trong những tuần cuối tháng 8, một chuỗi vận động ngoại giao, nhất là tại Varsovie, không may đã bị các biến cố lấn át đi. Vào những tháng sau, đức Pie XII cố gắng giữ nước Ý ở ngoài vòng tranh chấp và không do dự ủng hộ các cố gắng của nhóm đồng mưu người Ðức nhằm truất phế Hitler và thương thuyết trên căn bản trở về vị trí cũ. Ngay từ lúc đầu, đã có vấn đề giống như thời đức Benoit XV ngày trước, là biết được trong mức độ nào Tòa Thánh phải lên án những vi phạm luật quốc tế và luân lý tự nhiên của những kẻ xâm lăng, và nhắc nhở long trọng cho mọi kitô hữu rằng họ có bổn phận phải vâng lời lương tâm hơn vâng lời nhà nước.
Người ta biết rằng sự yên lặng của Vatican đã là đề tài cho những cuộc thảo luận hào hứng, nhất là từ khi bản kịch của Hochhuth “vị phụ tá” (Le Vicaire) (1961) đưa vấn đề ra trước quần chúng. Tòa Thánh đã nhượng bộ khi mở những tài liệu của mình cho toàn thể các sử gia như các chính quyền khác đã làm. Nhưng phải nhận rằng những quan sát viên khắt khe phê phán đường lối chính trị mà đức Pie XII đã theo đuổi trong những tranh chấp, không quan tâm đến toàn bộ các yếu tố của hồ sơ hiện được công nhận. Ba nhận định xem như đã gợi ý cho thái độ của đức Pie XII: - Xác tín mà ngày nay xem như đã lỗi thời một chút, dưới ánh sáng của thần học chính trị là Giáo Hội phải quan tâm trước tiên lợi ích các linh hồn; - lo lắng đừng làm cho tình trạng của Giáo Hội tại các nước bị chiếm đóng nên trầm trọng (54), điều này làm phẫn nộ những nhà lãnh đạo quốc xã; - sự chia rẽ của người công giáo Ðức, nhất là khi tính cách độc tài của chế độ đã làm cho các chống đối và những kêu gọi quần chúng không thể đổi thay gì trên thực tế. Sau cùng, trong ám ảnh phải mau chấm dứt cuộc tranh chấp, vì kéo dài tranh chấp này còn ghê sợ hơn tất cả những bất công nó gây ra. Mối bận tâm phải can thiệp như một người trung gian (55), ngụ ý rằng ngài phải tránh lập trường đối ngược với một trong hai phe. Nhiều người đã trách đức Pie XII có chính sách giữ Tòa Thánh ở ngoài tất cả những can thiệp khi mà những nguyên tắc luân lý nền tảng đã bị liên lụy một cách rõ ràng hơn vào năm 1914, nhưng điều quan trọng là ý thức rõ rằng “nhiệt khí trung lập của đức thánh cha là có ý đưa tới hòa bình” (Conzemius).
Nỗi khó khăn còn trầm trọng hơn bắt đầu từ tháng 6 năm 1941 khi chiến cuộc do các lực lượng liên minh chống lại Nga Sô (URSS), đã hiện ra như một thánh chiến chống cộng sản. Nhiều sử gia cho rằng đức Pie XII rất ý thức về mối nguy hiểm cho Giáo Hội nếu đế quốc thứ ba (3e Reich) chiến thắng, nhưng nếu Nga Sô chiến thắng sẽ còn nguy hại hơn, vì thế nên tránh làm cho Reich thứ ba suy yếu bằng một kết án công khai. Ám ảnh của đức Pie XII đối với cộng sản là một sự kiện, nhưng sử gia phải biết rằng có những tài liệu, những tài liệu được công bố mới đây về thời kỳ 1941-42, cho thấy rõ rằng đức giáo hoàng không hề từ khước việc các nước dân chủ Tây Phương cộng tác với Nga Sô trong mục đích chống xâm lăng Ðức. Những người khác tự hỏi rằng không biết đức giáo hoàng Pie XII có bị gò bó trong ý niệm lỗi thời về những tương quan giữa Giáo Hội và trần thế: “Sự xấu đang ngự trị lúc này, ngài biết điều đó hơn ai hết. Ngài đau đớn về điều đó, nhưng hiện tại làm ngài lo lắng ít hơn tương lai. Hiện tại là không thể kêu gọi những người công giáo Ðức chống lại chính quyền của họ mà không gây ly khai (và không bị trả thù), không thể làm yếu quốc xã mà không tạo vận may mới cho cộng sản. Tương lai chính là sức phát huy mới của Giáo Hội Công Giáo, nếu Giáo Hội không lãng phí, không phá hoại trong bão táp những phương thế hành động. Nhãn quan này (...) tạo một ưu tiên tuyệt đối cho số phận những người công giáo và nhất là những cấu trúc công giáo trong Âu Châu sẽ bị tàn phá (56)”. Chắc rằng giữa những lý do của đức Pie XII, phải nghĩ đến mối bận tâm cứu vãn tối đa tình trạng công giáo trong các nước khác nhau tại Âu Châu, để khi chiến tranh chấm dứt, Giáo Hội có thể gây ảnh hưởng với những lực lượng đầy đủ cho tương lai của lục địa. Nhưng khi nhìn toàn bộ đường lối chính trị của ngài, như một số người chủ trương, mà chỉ theo một khía cạnh này, thì quả là hẹp hòi. Vả lại đừng quên rằng, trong khi thận trọng không nói không làm gì là để vị lãnh đạo tối cao khỏi bị liệt vào một trong hai phe đối nghịch. Trong suốt cuộc tranh chấp, nhất là nhân dịp gửi đi sáu sứ điệp Giáng Sinh, đức Pie XII đã nói lên những nguyên tắc rõ ràng và gẫy gọn hơn đức Benoit XV. Ngài không chỉ nhắc lại sự hiện hữu của một cộng đồng tự nhiên các quốc gia theo luật luân lý, những nền tảng của một trật tự quốc tế đàng hoàng, hay sự tôn trọng những quyền lợi của thiểu số và quyền cơ bản của con người, ngài còn tố cáo những nguyên do chiến tranh bằng cách nhấn mạnh tới mối nguy hại của chủ nghĩa quốc gia độc tài, và nhu cầu cấp bách phải làm sao để xóa bỏ những chênh lệch quá đáng giữa các quốc gia trong lãnh vực kinh tế.
Vatican đã bị xét đoán rất nghiêm khắc, nhất là về thái độ giữ yên lặng trong khi người Do Thái bị tàn sát ô nhục tại Âu Châu quốc xã. Những người biện hộ cho Vatican tin rằng: Có thể đức Pie XII không biết nhiều về những điều xẩy ra trong các trại thủ tiêu. Trái lại những người phê phán không ngần ngại trách cứ đức giáo hoàng đã hy sinh vụ người Do Thái cho lợi ích Giáo Hội Công Giáo, hoặc đã chỉ là một nhà ngoại giao sống vào thời điểm người Ý bị khống chế bởi chế độ Phát Xít, nên hết nhậy cảm trước vấn đề Do Thái. Nhưng vấn đề vẫn còn đó và gây hoang mang. Nếu ở đây, đức Pie XII đã chọn thái độ yên lặng, có lẽ vì ngài cho rằng, một phản đối long trọng không có hiệu quả tốt cho những người Do Thái và trái lại còn làm cho Tòa Thánh mất vai trò trung gian giữa hai phe và tạo nên sự trả thù chống người công giáo tại Ðức và tại các nước bị chiếm đóng; gây khó khăn cho các vụ can thiệp thầm kín và gián tiếp đã cứu sống hàng chục ngàn người Do Thái tại Ý và nhất là tại Pháp; còn có những vụ can thiệp chính thức của các sứ thần tại Roumanie và Slovaquie, nơi đây các ngài đã đạt kết quả đáng kể, đặc biệt giúp những người Do Thái đã rửa tội. Tuy nhiên vẫn còn có thể tự hỏi: phải chăng một giáo hoàng ít ngoại giao và nhiều ơn “tiên tri” hơn sẽ tỏ ra cương quyết hơn nhân danh Phúc Âm, với bất cứ hậu quả nào, thay vì bằng lòng với nguyên tắc chọn điều ít tai hại hơn? Tốt hơn nên kết luận theo đức hồng y Doepfner: “Lối phán đoán ngược dòng lịch sử hoàn toàn cho phép nhận định rằng đức Pie XII phải phản đối cương quyết hơn. Dầu vậy, người ta không có quyền hồ nghi về sự thành thật tuyệt đối trong những lý do của ngài, cũng như về tình trạng thực trong những lý lẽ ngài nêu ra”.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng những bút chiến về vấn đề “yên lặng” của đức Pie XII chỉ lan rộng sau khi ngài tạ thế. Vừa dứt chiến tranh, người ta xúc cảm nhất về những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về nhân quyền và sự tôn trọng quyền tự nhiên, với nhiều cố gắng nhằm nhân đạo hóa cuộc tranh chấp và cứu trợ thầm lặng nhưng hữu hiệu do Vatican mang tới cho các nạn nhân của các cuộc truy nã chính trị hoặc chủng tộc. Như vậy, người ta có dã tâm mấy đi nữa cũng không thể nghĩ rằng, đức Pie XII là người thân Ðức, mặc dầu ngài thán phục và cảm thông nhiều với người công giáo Ðức; hoặc bảo ngài có cảm tình với phát xít. Không phải vô căn cứ mà L. Salvatorelli đã lưu ý: “Từ năm 1848 không hề có đức giáo hoàng nào được báo chí thế giới có thiện cảm như vậy”. (57)
Sáu năm chiến tranh, hiển nhiên đã là thử thách khó khăn cho mọi Giáo Hội Âu Châu, về vật chất cũng như tinh thần. Tại Pháp chẳng hạn, nơi mà hàng giám mục cách chung, từ lâu ưu đãi chính thể Pétain, đã làm cho các linh mục và giáo dân đặt vấn đề về“việc vâng lời các chỉ thị của giáo quyền”. Từ đó, nhiều hiệu quả đã phát sinh sau khi chiến tranh chấm dứt. Quả vậy, chiến tranh này đã là cơ hội để hiểu rõ hơn hiện tượng bỏ đạo kitô sâu đậm giữa các khối quần chúng, mặc dầu có sự vươn lên trong giới ưu tú, nhờ các phong trào Công Giáo Tiến Hành, và ý thức này đã là nguồn gốc cuộc thức tỉnh truyền giáo quan trọng kể từ năm 40. Ðó là vấn đề sẽ bàn trong chương sau. Cũng vậy, chiến tranh là dịp khám phá ra lối mục vụ phong phú trong một số biện pháp được đặt ra do những cảnh ngộ, như thánh lễ ban chiều. Tại Hòa Lan, có sự chống đối giữa tín hữu và những người bài giáo sĩ, điều này rất đáng lưu ý, chiến tranh mở đầu cho việc họ xích lại gần nhau. Sự xích lại này có những hậu quả rất quan trọng và lâu dài. Thê thảm đặc biệt là hoàn cảnh người công giáo tại Ðức và Ba Lan.
Việc phát động những chống đối không chấm dứt được sự truy nã thê thảm mà hàng giáo sĩ và các tổ chức từ thiện công giáo là đối tượng của chế độ Hitler từ nhiều năm, và những người công giáo Ðức phải trả giá nặng nề khi họ anh hùng gia nhập các tổ chức kháng cự khác nhau. Dầu sao, lịch sử vô tư cũng nhận định rằng những người công giáo quyết tâm trong nhãn quan lầm lẫn năm 1933, hoặc do tình liên đới ái quốc, hoặc do thiện cảm với chế độ độc tài đông hơn như người ta đã nhìn nhận ngay sau năm 1945. Còn phải nhìn nhận rằng: những người dám hy sinh bảo vệ nhân quyền nhân danh đức tin của họ, không được các nhà lãnh đạo tôn giáo công khai giúp đỡ, ngay cả các giám mục như đức cha Von Galen, hoặc đức hồng y Faulhaber, khi can đảm giữ lập trường binh vực những người Do Thái cũng không được ủng hộ. Vì có một thời gian, người ta đã thiếu nhiệt khí ái quốc, và sợ người Bolchevic chiến thắng. Phải thêm điều này: những sự tổn hại thanh danh không chỉ riêng cho người công giáo, nhưng cũng thấy nơi các tôn giáo khác. Ðiều đó nói lên rằng ai muốn loại trừ hình ảnh theo kiểu Epinal, cần phải lặp lại rằng rất đông người chống đối với niềm xác tín, từ các giám mục như đức cha Von Preyssing, các linh mục như cha M.J. Metzger, các tu sĩ như tu sĩ Dòng Tên A. Delph và R. Mayer, tới các giáo dân chất phác. Còn phải nhận định rằng: dựa vào những hồ sơ công an của Reich, người ta bắt đầu khai thác, (58) phản lại tận căn mối liên hệ cảm tình giữa chế độ xã hội quốc gia và công giáo.
Còn về phía Ba Lan, khó lòng nói giữa hai phe chiếm đóng, Ðức và Nga, phe nào tàn nhẫn hơn (59): hành quyết từng trăm linh mục, giam giữ các tu sĩ, đóng cửa các nhà thờ, ngăn cản sinh hoạt của các chủng viện, bãi bỏ báo chí công giáo, trong một vài miền, Gestapo cấm xưng tội bằng tiếng Ba Lan. Khổ thêm nữa là người ta có cảm tưởng là Vatican bỏ rơi vì các giám mục sợ làm cho tình hình trở nên trầm trọng, nên không dám phổ biến những bức thư phấn khích mà đức giáo hoàng đã gởi tới họ. Tình trạng hàng giám mục đặc biệt thê thảm, vì ở giữa hai nguồn lửa: nếu chống đối những biện pháp của chính quyền chiếm đóng, những sự trả thù sẽ đổ trên đầu người tín hữu, nếu không phản ứng thì cuộc bách hại cứ tiếp tục. Chiến tranh chấm dứt, hình như Giáo Hội sụp đổ từ Charylde tại Scylla, vì nếu những biện pháp do chính quyền cộng sản chủ trương kém hung bạo hơn, thì chúng âm ỷ hơn. Nhưng chung cục, cảnh huống còn trở nên trầm trọng hơn tại những quốc gia khác ở Trung Âu hay Ðông Âu, dưới ảnh hưởng của Moscou. Tại Tchéscolovaquie hàng giáo sĩ cộng tác vào việc tu sửa trật tự xã hội. Tại các nước như Hung Gia Lợi và Nam Tư, người ta trách Giáo Hội đã liên kết với những người thương tiếc chế độ cũ, hoặc thông đồng với các lực lượng chống dân chủ trong thời chiến tranh. Tại Roma, người ta cảm thấy những biện pháp cưỡng ép chống lại các hồng y Mindszenty và Stepinac là một lăng nhục, người ta biết trước là các Giáo Hội quy nhất Ukranien và Transylvanie sẽ bị thanh trừng tàn nhẫn.
Rồi tới các sứ vụ truyền giáo tại Trung Quốc, một trong những bông hoa đẹp nhất của Thánh Bộ Truyền Giáo, phải chịu đau khổ trước một cuộc chiếm đóng lâu dài của người Nhật, nhưng hình như đã được giải cứu năm 1945, đến lượt họ bị tàn phá trong vài tháng bởi những người cộng sản.
Toàn bộ thất vọng này, mà cay đắng còn lên cao do những tấn công tuyên truyền của những người theo Staline chống lại Vatican, bị tố cáo là đem sức mạnh tinh thần phục vụ đế quốc Mỹ. Ðiều đó giải thích một phần sự cứng rắn của Roma đối với thuyết cộng sản. Nhưng xem như đức giáo hoàng còn bị ấn tượng mạnh hơn do sự lớn mạnh của đảng cộng sản tại Pháp, nhất là tại Ý, và do sức quyến rũ của thuyết Maxit đối với những “người công giáo cấp tiến”. Năm 1949, sau khi phát động Công Giáo Tiến Hành Ý, dưới sự hướng dẫn của L. Gedda, trong cuộc tranh đấu bầu cử để chặn đường những người cộng sản vào chính quyền, một sắc lệnh của thánh bộ đức tin tuyên bố vạ tuyệt thông cho những người công giáo yểm trợ cộng sản (60). Ngay cả những cố gắng chung sống hòa bình với đảng cộng sản, do một phần giáo sĩ trong những nước ở bên kia bức màn sắt, cũng khó được Vatican đón nhận, và phải nhận định rõ rằng thái độ đó góp phần chia cắt giữa Ðông và Tây. Tuy nhiên người ta phải thêm ngay rằng vì lo âu đứng trên cả hai khối tư tưởng chống đối nhau, đức Pie XII đã nhiều lần tỏ lập trường về vấn đề hậu chiến. Những lập trường này đã làm cho dư luận Mỹ tố cáo ngài: làm lợi cho những người thuộc phe trung lập. Một can thiệp khác, mặc dầu rất kín đáo, làm một số môi trường xã hội lo lắng: những phấn khích các đảng dân chủ Thiên Chúa Giáo tại chính quyền Ý, Ðức, Pháp và tại Benelux, nhằm thiết lập khối Âu Châu, điều người ta đã nói một lúc nào đó là: “Âu Châu Vatican” (61). Nhiều hòa ước đã ký kết giữa hai chiến tranh, chỉ còn hai hòa ước tồn tại trước những xáo trộn của những năm 40: một hòa ước ký với nước Ý, (mặc dầu có chống đối mạnh về phía những người chống phát xít) và một hòa ước với người Bồ Ðào Nha. Hình như kinh nghiệm này đã giúp đức Pie XII hoài nghi nhiều về quyền lợi của Giáo Hội trong những giao ước như vậy. Tuy nhiên ngài đã thương lượng một thỏa ước có nhiều tiếng vang đối với Tây Ban Nha năm 1953 (62).
Sau khi chính thể cộng hòa được công bố năm 1931, Giáo Hội Tây Ban Nha trước hết đã phải chống chọi với làn sóng vũ bão chống giáo sĩ và những biện pháp dựa theo “những luật dân sự” cũ của Pháp, nhất là trong những gì liên hệ tới các dòng tu. Những đảng thuộc phe hữu thành công năm 1933, dựa vào Công Giáo Tiến Hành, đã làm cho tình thế sáng tỏ hơn, nhất là nhờ thái độ ôn hòa của đức hồng y Vidal, tổng giám mục Tarragone, đứng đầu hàng giám mục lúc đó. Nhưng chiến thắng của mặt trận bình dân năm 1936 đã phát động một trào lưu phá hoại mới chống lại các nhà thờ và các dòng tu. Rồi tới nội chiến, trong thời này về phía cộng hòa, gần 2000 nhà thờ bị phá, chừng 7.000 Linh mục, tu sĩ, chủng sinh bị sát hại trong nhiều tháng; trong khi về phía Franco, trừ một vài trường hợp họa hiếm, như đức hồng y Vidal đã bị đày tại Suisse, vì đã từ khước ký lá thư mục vụ tập thể năm 1937, Giáo Hội phục vụ cho “đạo binh thánh giá chống Bolchevic”, dưới sự hướng dẫn của hồng y Goma, với tất cả lợi điểm nhưng cũng kèm theo tất cả hy sinh. Từ tháng 9 năm 1937, Vatican thực sự công nhận chính quyền quốc gia. Các vị lãnh đạo của chính quyền này nhận thấy Công giáo là một trong những yếu tố nền tảng của thuyết Hispanidal, với bổn phận không những là Công Giáo nhưng cũng là Tây Ban Nha, nên họ đã hết sức ưu đãi việc cải tổ tôn giáo quốc gia. Năm 1941, một hiệp ước tạm thời đã được ký với Tòa Thánh, bổ sung những điểm riêng biệt năm 1946 rồi năm 1950, nhưng sự ký kết một thỏa thuận chung bị trì hoãn đến tháng 8 năm 1953. Lý do, vì chính quyền Tây Ban Nha đã muốn thâu hồi quyền lợi mà nhà vua đã có trong vấn đề bổ nhiệm giám mục, trong khi Tòa Thánh không muốn một chút nào về điểm này. Cuối cùng đã có một nhượng bộ lớn khiến Roma rất hài lòng và thỏa mãn: đó là thỏa hiệp tốt đẹp nhất từ một phần tư thế kỷ nay, theo sự nhận định của một chuyên gia về thỏa ước. Tuy nhiên việc áp dụng đã chớm nở nhiều thất vọng trong một vài lãnh vực, Nhưng Giáo Hội Tây Ban Nha đã biết rút ra được nhiều điều hay, nhất là trong lãnh vực giáo dục, với sự trợ giúp đắc lực của hội Opus Dei. Nhưng một vài môi trường Công Giáo nhậy cảm hơn trước những thực tế xã gội đương thời, nhất là các chiến sĩ Công Giáo Tiến Hành thuộc giới Lao Công (HOAC). Họ buồn phiền thốt lên : “Người ta đã cho chúng ta thỏa ước của Giáo Hội chiến thắng, nhưng người ta lại quên Giáo Hội đau khổ”.
Người ta thường coi hòa ước với Tây Ban nha như một gương mẫu điển hình theo tâm thức hậu Công Ðồng Trente. Tâm thức này đã thắng thế tại Vatican dưới thời đức Pie XII. Có những trường hợp khác như vậy. Nhất là những tiến bộ mới về việc ca tụng chỗ đứng của quyền giáo hoàng trong Giáo Hội. Sự ca tụng này được ngành du lịch phổ thông và truyền hình ưu đãi. Người ta thấy triệu chứng về điều này - trong việc đưa vào phụng vụ một phần lễ chung các đức giáo hoàng, với kinh tiền tụng riêng, - trong chương trình cải tổ giáo triều mà đức Pie XII không có thời giờ thực hiện. Ðó là một guồng máy có nhân sự hữu hiệu hơn, “nơi đây những hồng y theo kiểu mới, loại missi dominico, đã được bổ nhiệm để truyền cho các hàng giám mục quốc gia thi hành những mệnh lệnh của giáo hoàng”. (Laurentin), các ngài giới hạn vai trò của các vị thừa kế các tông đồ làm lợi cho quyền quân chủ trong Giáo Hội. Hơn nữa, với nhiều bài diễn thuyết, thư tín và sứ điệp, đức Pie XII có khuynh hướng tự trình bày như một tiến sĩ phổ quát, các người khác trong Giáo Hội chỉ việc tiếp thu và thi hành.
Nhưng là một lỗi lầm lớn nếu chỉ lưu ý đến những khía cạnh trên của đức giáo hoàng. Ðức Pie XII còn là một giáo hoàng canh tân. Người ta đã quá quên điều này, và nghĩ rằng công trình canh tân chỉ bắt đầu từ đức Gioan XXIII, nhưng người ta sẽ thấy nhiều chi tiết hơn, trong những chương khác của tác phẩm này. Ngài canh tân phụng vụ, chắc chắn còn quá dè dặt, nhưng là chính yếu cho tương lai, dám nhìn nhận rằng tất cả không phải là bất biến trong lãnh vực này. Người ta còn thấy mối ưu tư mục vụ là làm sao cho Giáo Hội thích ứng hơn với những đòi hỏi mới của một thế giới đầy biến chuyển, trong những sáng kiến nhằm cải thiện hiệu lực tông đồ của các dòng tu, trong sự quan tâm đến các tu hội đời, trong nhiều cách đã khích lệ các hình thức tông đồ giáo dân. Những bận tâm canh tân của đức Pie XII còn biểu lộ trong những biện pháp nhằm quốc tế hóa giáo triều hơn, nhất là hồng y đoàn. Dưới thời đức Pie XII, số hồng y người Ý chỉ còn chiếm được 1/3 số ghế, còn 2/3 số hồng y là ngoại quốc, trong đó có một hồng y Trung Hoa, một Ấn Ðộ và hai thuộc nghi thức đông phương. Có lẽ người ta thấy nơi đây một biến chuyển hay đúng hơn một cách mạng (63), một thay đổi quan trọng và rất ý nghĩa.
Còn một vấn đề khẩn trương cho toàn thể thế giới, gợi lên những bận tâm mà càng ngày đức giáo hoàng càng biểu lộ rõ rệt hơn, đó là việc cố gắng giải phóng các dân tộc màu da (64), việc kỹ nghệ hóa các nước thiếu mở mang, và rất nhiều vấn đề mục vụ đặt ra tại Châu Mỹ La Tinh (65). Ở vào thời điểm mà nhiều người quá sợ cộng sản, và ngay ở Vatican nhiều giới chỉ ưa chống cộng ngoài miệng vì dựa vào hoàn cảnh chính trị nước Ý hơn là chống đối theo thời cuộc của thế giới, đức Pie XII đã tỏ ra sáng suốt. Theo ngài, những phương thức xây dựng thì hiệu nghiệm hơn là những lời tuyên bố nóng giận và những bài báo xu thời.
Người ta còn thấy óc mở mang của đức Pie XII trong những viễn tượng truyền giáo được đúc kết trong các thông điệp Evangeli praecones (Những người rao giảng Phúc Âm) (11.6.1951) và Fedei donum (Quà tặng của niềm tin) (21.4.1957). Qua những thông điệp của ngài, chúng ta thấy đức Pie XII rất quan tâm đến việc thiết lập những Giáo Hội bản xứ do chính các giám mục riêng của họ điều khiển, và ý thức về vai trò lớn mạnh dành cho giáo dân. Về phương diện này, đức Pie XII tiếp tục nhấn mạnh hơn những chiều hướng mà hai vị tiền nhiệm của ngài đã phát động. Ngài còn đi xa hơn các ngài trong thái độ tích cực hơn đối với phong trào đại kết tôn giáo, mặc dầu còn nhiều do dự.
Nếu người ta đã ít nhận ra những khía cạnh canh tân trong triều đại đức Pie XII, thì vào khoảng năm 1950, một biến cố lớn xẩy ra càng làm cho người ta ít nhận ra hơn nữa. Ðó là, đức Pie XII và nhất là những người thân cận của ngài (66) đã nghĩ rằng phải thận trọng hơn và cần cảnh giác những mối nguy hiểm trong những thích nghi hoặc đồng lõa thiếu suy nghĩ mà người ta thường thấy trên bình diện tín lý (Thông điệp Humani generis (Nhân loại) có lời cảnh cáo về phương diện luân lý, đặt vào sổ cấm nhiều sách đặc biệt, những biện pháp chống đối một số giảng viên), trên phương diện chính trị và xã hội (can thiệp chống thuyết cộng sản, lên án “những kitô hữu cấp tiến”, những lời tuyên bố không thuận lợi cho việc đồng quản trị các xí nghiệp của công nhân), và trên bình diện mục vụ (thận trọng lớn hơn trong các tương quan với người không công giáo v.v...). Sự cứng rắn vào những năm cuối đã gây ra nhiều khó khăn, làm cho người ta có cảm giác rằng phải đợi đến đức Jean XXIII mới bắt đầu canh tân trong Giáo Hội Roma.
Rất ít điều được bật mí từ mật nghị đã bầu đức hồng y Roncalli làm giáo hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958. Trước những khó khăn của việc lựa chọn, đức Pie XII đã ngưng hẳn việc canh tân hồng y đoàn từ năm 1953. Bây giờ người ta nói rằng không thể có một giáo hoàng mới ngoài hồng y đoàn và chọn đức cha Montini là người cởi mở hơn trong hai vị phó quốc vụ khanh dưới triều giáo hoàng trước, và mới được bổ nhiệm làm tổng giám mục Milan vài năm. Giữa những hồng y Papabili (có thể làm giáo hoàng), Roncalli là một trong những vị mà người am tường đã trích tên ở đầu bảng, vì sự ôn hòa và cũng vì sự kính nể của những người thân cận với ngài trong địa phận, yếu tố quan trọng đối với những người đã đoạn giao với truyền thống bị coi là quá chính trị của tiên triều. Nhưng sự việc đã không thành, và phải 11 lần bầu phiếu trước khi tới quyết định. Người ta kể rằng đã có ngày các hồng y lưỡng lự giữa đức Roncalli và đức Agagianian người Arménien. Vì đức Roncalli đã 77 tuổi, nên nhiều người nói rằng đó là một “giáo hoàng chuyển tiếp”. Dù sao, phần lớn các nghị phụ mong đợi một giáo triều không có nhiều chuyện, và sau khi đã thán phục một giáo hoàng giỏi giang cai trị Giáo Hội trong 20 năm, bây giờ nhiều người hài lòng khi thấy trên ngai thánh Phêrô có “một người trung hậu”.
Một người trung hậu. Ðó chính là cảm tưởng ngài để lại khắp nơi ngài đã đi qua, với tâm tình thiện cảm, nhưng cũng có một chút khinh khi. Sinh ra ngày 25 tháng 11 năm 1881, tại một gia đình tiểu nông dân, miền Bergame. Trước tiên ngài là thư ký của một giám mục có khuynh hướng xã hội, đức cha Radini Tedeschi. Cha Roncalli cũng là một người trong sáng và cởi mở trước những kỳ vọng xã hội của thời đại ngài, đồng thời lưu ý tới lịch sử Giáo Hội địa phương. Sau chiến tranh, đức Benoit XV ủy thác cho ngài tập trung tại Roma các hoạt động của thánh bộ Truyền Bá Ðức Tin. Nhưng từ năm 1925 đức Pie XI đích thân quen biết ngài và đã chỉ định ngài làm kinh lược tại Bulgarie, chức vụ tế nhị với mục đích nối lại những tương giao với Chính Thống Ðông Phương. Chức vụ này đòi hỏi đức tính nhân đạo, bặt thiệp, cởi mở và tâm hồn tông đồ. Ðó cũng là những đức tính mà ngài đã áp dụng khi làm khâm sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ và tại Hy Lạp và đại diện tông tòa tại Istanbul (1937-1944), nơi đây ngài có dịp khám phá ra thế nào là chính phủ phi tôn giáo và thế nào là thế giới Chính Thống. Việc được chỉ định bất ngờ làm sứ thần tại Paris (1944-1953) đã cho ngài cơ hội có thêm kinh nghiệm về phương diện chính trị. Ngài được phe tả quý mến bởi sự hiền từ và trung thực của ngài, cũng như về phương diện mục vụ, trong thời gian những canh tân công giáo sôi động vào những năm ngay sau chiến tranh. Rất nhiều cái trong cơn ”cáu kỉnh của Pháp” (furia Francese) làm đức Roncalli hoảng sợ; tuy không phải là người cấp tiến, nhưng ngài có thể nhận diện giá trị kitô của những chiến sĩ trong phong trào này và những kết quả mục vụ do cố gắng của họ. Khi ngài sống tại Pháp, ngài đã tiếp xúc với nhiều địa phận, theo một số người thì điều này hơi quá đáng, nhờ đó ngài biết rằng thật ra Giáo Hội đã vắng mặt tới mức độ nào tại những khu vực lớn của thực tại xã hội, ngay ở những nước được kể là công giáo; và ngài cũng biết được óc ảo tưởng trong một số phản ứng của giáo sĩ, xem ra họ không biết gì về thực tế. Năm năm rưỡi đứng đầu địa phận Venise đã kiến tạo thời đào tạo cuối cùng của vị giáo hoàng tương lai, nơi đây, những kinh nghiệm mục vụ đã phối hiệp với những kinh nghiệm chính trị, vì một người cộng sản cầm đầu hội đồng thành phố, và nhóm dân chủ kitô giáo địa phương chủ trương xích lại gần với đảng xã hội của Nenni, mặc dầu đa số giám mục vùng Vénétie chống đối.
Xác tín là sự cao cả đơn giản của Phúc Âm vượt trên mọi nghệ thuật tinh tế của Byzantine, đức cha Roncalli vẫn luôn thích “đơn giản hóa những gì phức tạp”. Ðiều này làm cho một vài bàn giấy tại Vatican cho ngài là ngây thơ. Nhưng ngài cũng biết hơn nhiều nhà trí thức là thực tại rất phức tạp, và chính điều đó gây nên cách xử sự khác hẳn với thái độ của đấng tiền nhiệm: “Chính mình không ban hành những mệnh lệnh để dàn xếp một vấn đề, nhưng chờ đợi những kết quả và khả năng thành công của các kinh nghiệm khác nhau, trước khi tự quyết định” (67).
Trong khi phong cách đơn sơ hơn và nhã nhặn của đức Jean XXIII thu hút quần chúng, thì những người đang mong đợi nhìn thấy Giáo Hội dấn thân vào những con đường mới, sau nhiều phản ứng bảo thủ của những năm cuối đời đức Pie XII, rất sung sướng ngạc nhiên về sắc thái mục vụ được bộc lộ trong bài giảng ngày tấn phong. Họ cũng hồ hởi thấy rõ đường hướng của đức tân giáo hoàng “quyết tâm đảm nhận nghiêm chỉnh sứ vụ giám mục Roma, giám mục của một Giáo Hội địa phương, anh em của mọi giám mục hoàn vũ”. Họ không quên rằng, đấng tiền nhiệm của ngài chỉ nhấn mạnh về chức vụ “đứng đầu Giáo Hội phổ quát, trong một viễn tượng tập quyền luôn được đề cao”.
Nhưng nhiều cử chỉ khác làm nguội mau những hy vọng đang phát sinh: đó là việc đặt đức hồng y Tardini một nhân vật nổi tiếng bảo thủ, làm quốc vụ khanh; những dấu hiệu tín nhiệm một số giáo sư đại chủng viện Latran (ít lâu sau chủng viện này được nâng lên hàng đại học giáo hoàng) mà người ta biết họ đang tích cực chống đối một nền thần học sống động hơn; việc tuyên phong 13 hồng y mới người Ý, nâng tỉ số hồng y đoàn trong các thánh bộ lên từ 30 đến 40%. hật vậy, lần đầu tiên vượt mức cổ truyền 70 vị, đức giáo hoàng tỏ ra không sợ vượt ra ngoài những lối cũ.
Ba tháng sau, ngài xác nhận điều đó cách ngỡ ngàng khi tuyên bố ý định sẽ họp công đồng đại kết và chỉ thị những công việc chuẩn bị phải làm, mặc dầu có sự chống đối của giáo triều. Chương trình họp Công Ðồng đại kết chứng tỏ đức Jean XXIII muốn liên kết các giám mục trên toàn thế giới vào trọng trách của Tòa Thánh; vào mối bận tâm của ngài muốn canh tân Giáo Hội trên bình diện mục vụ; vào niềm hy vọng muốn tạo cơ hội liên kết các Giáo Hội.
Những tuyên ngôn thường xuyên của đức giáo hoàng, những cuộc tiếp kiến thân hữu tại Vatican dành cho các nhân vật cao cấp của các Giáo Hội tách lìa Roma, việc thiết lập văn phòng hiệp nhất kitô hữu, việc mời các quan sát viên không công giáo tới Công Ðồng... là những bằng cớ chứng tỏ lòng mong ước chân thành của đức Jean XXIII muốn vượt quá độc thoại đi đến đối thoại trong phong trào đại kết. Tuy nhiên vẫn có những bất ngờ xẩy ra đều đặn, tỉ như những lực lượng thụ động và những nhóm bảo thủ muốn làm mọi cách để ngăn chặn đường hướng mở rộng. Họ đã thành công ở chỗ được giáo hoàng chia sẻ một số lo lắng của họ. Thật vậy, ngài vẫn trung thành với cung cách hành động của ngài, cho dù làm bất mãn nhiều người. Vụ việc này đã xẩy ra ngay trong thời gian ngài làm sứ thần tại Pháp: ”Một nửa vòng quay về phe hữu, một nửa vòng quay về phe tả”. Nếu ngài thỏa mãn một số người phản cách mạng, đôi khi với vẻ vỡ mộng, như khi ký sắc lệnh Veterum Sapientia (Sự khôn ngoan của người xưa), cổ động dùng tiếng La Tinh, ngài vẫn có những sáng kiến khác nhau để đi ngược lại. Thật vậy, người ta mong muốn ngài định hướng rõ ràng hơn để những nguyện vọng còn lu mờ được tự do phát triển, nhân việc tuyên bố mở Công Ðồng và ngài có thể hướng dẫn với một bàn tay vững mạnh hơn, những chuẩn bị về khóa họp đầu tiên của Vatican II. Nhưng trong khi đề cao ý định triệu tập công đồng và quyết tâm đẩy lui những chướng ngại vật để mau đi tới khóa họp khai mạc, mà nghĩ đến tuổi tác và sức khỏe của đức Jean XXIII, thì nhiều người đã thất vọng và nghĩ rằng Công Ðồng sẽ không bao giờ họp nổi. Nhưng bằng những can thiệp kín đáo và hữu hiệu, ngài đã làm hết sức để Công Ðồng được khai mạc tốt đẹp. Các điều ấy đã đủ để đưa đức Jean XXIII vào lịch sử. Còn một vài điểm khác phải thêm vào để nói lên đầy đủ về một triều đại giáo hoàng quá ngắn ngủi này.
Nối lại cuộc đàm thoại với những kitô hữu ly khai đã là nguyện vọng chủ chốt của đức giáo hoàng từ những ngày xa xưa khi ngài thi hành sứ vụ tại Bulgarie. Nhưng dần dần, không phải đối tượng đầu tiên bị đẩy vào bóng tối, nhưng ngài đã thấy chân trời mở rộng. Ngài đau đớn khi ở Paris cũng như tại Turquie, khi thấy rằng Giáo Hội còn quá xa lạ đối với tầm mắt của những vùng rộng lớn trên thế giới hiện tại, và ngày nay người ta dễ quên rằng đức Pie XII đã cố gắng ra khỏi “cảnh cô lập rực rỡ” là nơi nhiều người tin rằng đã tìm thấy đường cứu rỗi trước “các lầm lạc tân thời”. Trải qua con đường sự nghiệp của ngài, đức Roncalli tự lãnh trách nhiệm nối lại cuộc đàm thoại với thế giới ngoài kitô giáo, ngài đã thành công dễ dàng trong việc đánh tan bầu không khí lạnh lùng tại những nơi ngài đã qua, chắc chắn là nhờ tính khí cởi mở và vui vẻ của ngài. Nhờ đó ngài đã tạo nên tin tưởng, nhưng nhất là cũng nhờ khuynh hướng bẩm sinh biết nhìn ra những điều tốt trong anh chị em ngoài công giáo, và thấy trong yếu tố tích cực này một điểm gặp gỡ vượt trên những khác biệt của tư tưởng hệ. Lên ngôi giáo hoàng, ngài tiếp tục theo đuổi cùng một ý hướng và “lòng nhân đạo vô biên” đã gây nhiều ấn tượng. Nhưng vượt trên sự tiếp đón ân cần ngài dành cho mọi người, còn thấy có điểm căn bản hơn: khả năng thực hiện giữa những người thiện chí một bước đầu của sự nhất trí chung cho mọi người, dù tin hay không tin. Thay vì lặp đi lặp lại tất cả những lập trường khác biệt nhau, từ nay Giáo Hội phải bắt đầu bằng một ngôn từ rất đơn sơ nhân đạo và thân hữu của mình, tuyên nhận các điều mà có ngày sẽ gọi là “di sản nguyên thủy của tất cả các dân tộc”. Những tư tưởng được tung ra từ nhiều phía khác nhau vào dịp Công Ðồng, cũng là những tư tưởng nguồn gốc của sứ điệp mà các giám mục gởi cho thế giới sau ngày Công Ðồng khai mạc, chắc chắn đã giúp đức giáo hoàng kiên trì trong tư tưởng của ngài, và đã giúp ngài nhận thấy rõ hơn tính cách cấp bách, như ngài đã dấn thân trước đây trong chiều hướng ấy. Việc ngài từ chối không lên án mưu toan ”mở rộng về phe tả” của chính quyền Fanfani tại Ý, mặc dầu có sự phản đối của các thành phần thế lực tại giáo triều, cũng như việc đón tiếp quảng đại dành cho kinh nghiệm sống chung do Hội đồng Giám mục Ba Lan thực hiện, đều ăn khớp với cái viễn tượng ấy. Một vài câu trong thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) (1961) đã đánh động những môi trường phe tả, mặc dầu trong toàn diện, thông điệp không ra khỏi khuôn khổ canh tân cổ truyền; Họ đã tìm thấy trong thông điệp ”những lời kêu gọi về công lý, về luân lý, nhân đạo và bác ái, và những lời ca tụng không những đối với các chiến sĩ trong các hội đoàn chuyên biệt và các nghiệp đoàn kitô giáo, mà đối với cả những hội đoàn khác chủ trương những nguyên tắc tự nhiên về đời sống chung, thúc đẩy và kính trọng tự do của lương tâm” (A. Van Acker).
Biết rằng cái chết đã gần và việc hướng dẫn hữu hiệu những công việc cuối cùng của Công Ðồng không trì hoãn được, đức Jean XXIII muốn long trọng ngỏ lời về những vấn đề này. Ðó là thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới) ra ngày 11 tháng 4 năm 1963 (68). Người ta đã đón tiếp thông điệp này rất nồng hậu tại Ðông Phương cũng như Tây Phương. Ðiều đó có thể giải thích một phần vì đức Jean XXIII đã xuất hiện trong những năm trước đây như một người chân thành lo đóng góp vào sự hòa giải giữa hai khối đối lập, không tính toán, không hậu ý, và nhất là cũng vì người ta đã khám phá nơi ngài một sắc thái mới. Như một tờ báo thuộc phe tả đã viết: ”Lịch sử ít ghi chép về đức Jean XXIII với nhãn hiệu giáo hoàng hòa bình”. Ðức giáo hoàng nào mà không muốn nhãn hiệu này? hơn là công nghiệp ngài đã đem hòa bình của Thiên Chúa cho các thực tại của thời đại chúng ta”. Thật vậy, căn bản là ở đó. Ðức Jean XXIII đã thẳng thắn không nuối tiếc điều mà các vị tiền nhiệm đã không dứt bỏ hẳn được, đó là một cộng đồng kitô hữu kiểu Trung Cổ, nơi đây có sự hòa thuận giữa các quốc gia, cùng nhau vâng theo những khuyến dụ của Vatican. Cảm hứng từ lòng tin tưởng lạc quan vào những khả năng của bản chất con người, ngài không ngần ngại đặt trọng tâm sứ điệp của ngài vào chủ đề, cái chủ đề còn thầm kín nơi đức Pie XII, đó là sự cộng tác thiết yếu của các thành viên trong đại gia đình nhân loại, để chấn chỉnh toàn thể thế giới trần gian. Nhìn gần, người ta hầu như không thấy những nguyên tắc mới trong thông điệp của ngài, nhưng với “lương tri hầu như thần thiêng”, đức giáo hoàng đã trình bày những nguyên tắc này một cách làm cho người ta ngạc nhiên rằng thật ra Giáo Hội đã quan tâm nhiều đến những vấn đề nhân loại hơn là người ta tưởng.
Khi đột nhiên nghe tin đức Jean XXIII hấp hối (chết ngày 3 tháng 6 năm 1963), cả nhân loại vượt qua biên giới Công Giáo và cả Kitô iáo, mọi người đều xúc động. Người ta có thể chứng minh điều đó bằng cả chục đường lối, từ việc Liên Hiệp Quốc (ONU) treo cờ tang cho tới những vận động của phái Moscovite, rồi qua những lời tuyên bố của các nhân vật cao cấp Do Thái, Hồi Giáo, Phật Giáo. Lý do chính yếu của sự hiệp nhất trong đau buồn và trong lời khen ngợi, mà người ta có thể tóm lại trong hai dòng của một tuần báo nổi tiếng chống giáo sĩ: “Tôi tin rằng đức Jean XXIII đã là con người mà người kitô hữu gọi là thánh, còn chúng ta, chúng ta phải gọi ngài là “một Người” với ý nghĩa tròn đầy!”.