CHƯƠNG III
TỪ ÐỨC GIÁO HOÀNG PIE XII
ÐẾN CÔNG ÐỒNG VATICAN II
CHƯƠNG III
TỪ ÐỨC GIÁO HOÀNG PIE XII
ÐẾN CÔNG ÐỒNG VATICAN II
1. BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO.
Về thời kỳ cuối cùng này, sử gia đành phải ghi lại những giai đoạn chính của các biến cố đồng thời cũng tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của chúng, nhưng vẫn không quên rằng mình hành động với tư cách một nhà chép sử biên niên. Bởi vì không những nhiều dữ kiện của lịch sử ấy vẫn chưa được sử gia biết đến, mà hơn nữa, những ý định sâu xa của những nhân vật quan trọng không hiện ra trong các tài liệu hay trong những cử chỉ, và những hậu quả của nhiều sự kiện chỉ được biết đến trong một tương lai dài hay vắn. Ðiều đó ứng nghiệm cho những biến đổi xã hội và chính trị tại những miền rộng lớn, là nơi Kitô giáo Ðông Phương bắt nguồn, trong cựu và tân thế giới, cũng như cho những cuộc xáo trộn tôn giáo và văn hóa riêng biệt trong các khối Kitô lớn mà chúng ta đang nghiên cứu. Một bên là Tòa Thánh trong những quan hệ với Ðông Phương Kitô, một bên là Chính Thống Giáo trong quá trình cởi mở và dấn thân vào phong trào đại kết.
Trên bình diện xã hội và chính trị, những thập niên cuối cùng được đánh dấu vừa bằng cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối, bằng hiện tượng chấm dứt tình trạng thuộc địa, bằng việc vươn lên của những chủ nghĩa quốc gia Ðông Phương đi tìm nguồn mạch văn hóa. Cuối cùng, còn có sự hình thành cần cù một sức mạnh trung lập từ thế giới đệ tam đang tìm cách đứng ngoài cuộc đụng độ giữa các cường quốc và những ý thức hệ là những yếu tố quyết định số phận của thế giới hiện đại.
Trên bình diện văn hóa và tôn giáo, người ta chứng kiến một sự xáo trộn sâu xa trong những dữ kiện truyền thống. Nếu nhiệm kỳ của đức giáo hoàng Pie XII dường như cụ thể hóa những hậu quả căn bản của các nguyên tắc về vương triều tôn giáo được Công Ðồng Vatican I thừa nhận, thì những vị kế tiếp ngài lại hành động theo chiều hướng của thuyết công đồng trị, theo đó tinh thần liên đới của hàng giám mục bao quanh và tiếp nối hành động của đức Giáo hoàng. Mặt khác, Chính Thống Giáo tại Constantinople và ở Moscou cũng có sự thay đổi đáng kể: nói chung, họ bỏ một thái độ tự vệ và sống cô lập, để đi vào con đường trao đổi giữa các tôn giáo và đi đến đối thoại đại kết với Công Giáo Roma, cũng như với Hội đồng Ðại kết của các Giáo Hội. Hội đồng này được lập ra trước sự thờ ơ hay sự ngờ vực, cuối cùng đã trở nên cần thiết với tư cách là trung tâm liên kết hay, hơn thế nữa, như một địa điểm mở rộng cho các cuộc gặp gỡ liên tôn và cho những đối thoại giữa các Giáo Hội.
Trong thế giới Kitô giáo mới đang được xây dựng mà người ta chỉ mới thấy một vài điểm nổi bật ấy, bản đồ tôn giáo cũ dường như phải chịu một vài thay đổi, nhất là về địa vị của nhiều cộng đồng Kitô giáo nhỏ, về số lượng và về ảnh hưởng của mỗi tôn giáo. Về Ðông Phương Kitô giáo, đây là những Giáo Hội có trước Công Ðồng Chalcédoine gọi là các cộng đồng phái Nhất tính (monophysites); họ phác thảo một quá trình thống nhất lịch sử, hay là những cộng đoàn thiểu số Ðông Phương đã xa rời Chính Thống Giáo và gia nhập vào Giáo Hội Roma sau Công Ðồng Trente. Phong trào đại kết lớn dường như lôi cuốn Kitô giáo vào những con đường mới và đặt lại vấn đề về lợi ích và số phận của các hình thức lịch sử thống nhất Giáo Hội ấy.
Tất cả những viễn cảnh mới mở ra cho các Giáo Hội từ một chục năm nay, cấu thành một hiện tượng đoạn tuyệt thật sự đối với một quá khứ mới đây còn tồn tại trong các thể chế và nhất là trong những người đầy lòng tin tưởng và tận tụy đã tạo ra. Nhịp cầu trọng yếu nối liền hai thời đại ấy là Công Ðồng Vatican II. Công Ðồng này đã phát sinh một tinh thần mới và những thể chế độc đáo đánh dấu một kỷ nguyên mới, không những cho Công Giáo Roma mà thôi, mà còn cho tất cả các Giáo Hội đã cương quyết đi vào con đường đại kết.
Nhà chép sử biên niên cố tình diễn tả những biểu lộ bên ngoài của các Giáo Hội Chính Thống biệt lập chẳng bao lâu sẽ kiệt sức. Còn báo chí thì hăm hở tiết lộ cho công chúng biết tất cả những diễn biến của một đời sống đầy tình tiết, đầy bất ngờ, đầy thay đổi, đầy chương trình mới được thực hiện nửa chừng, và đầy biến cố liên tôn mang nhiều hứa hẹn đại kết. Lẽ tự nhiên là phải tự giới hạn để chỉ nói đến mấy sự việc đáng kể và nhất là phải cố gắng nêu bật những tinh thần nào đã làm nẩy sinh những biến cố ấy.
Vị thượng phụ hoàn vũ ở Constantinople dần dần lấy lại vai trò điều khiển kể từ cuộc bầu cử Athénagoras I (3.11.1948). Ngài đến từ giáo phận Bắc Mỹ, có ít nhiều uy thế và được các tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ. Nhờ có một chính sách thích nghi kiên nhẫn và hợp tác với giới thẩm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, thượng phụ thành công trong việc lấy lại quyền kiểm soát các học viện và các cơ quan từ thiện của Giáo Hội, sau hai mươi năm ở dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của các nhân viên nhà nước (7.1949). Ít lâu sau, ngài đã khai mạc một nhà in của tòa thượng phụ và bắt đầu phát hành tuần báo Apostolos Andréas.
Từ 1951 trở đi, Athénagoras tiếp tục lại chương trình liên Chính Thống Giáo của các vị tiền nhiệm, một đàng nhằm tập họp một tiền hội nghị cải cách và, đàng khác, đưa các Giáo Hội biệt lập vào con đường liên Kitô giáo, nhưng phản ứng chung rất ít khích lệ. Trước sự đáp lại uể oải của Chính Thống Giáo, vị thượng phụ hướng về một hành động tỏ rõ thái độ cá nhân hơn. Vào tháng 7-1953 khi tiếp vị thượng phụ ở Antioche là Alexandre III, ngài tỏ ý muốn viếng thăm cộng đồng Kitô giáo miền Cận Ðông, trong khuôn khổ một cuộc hành hương Thánh địa. Ngài muốn bắt đầu xích các Giáo Hội lại với nhau. Việc này sẽ dẫn ngài đến một mục đích mà lúc ấy người ta chỉ thoáng ngờ vực. Ngay từ năm sau, một nhà thần học người Hy Lạp là B.C. Ioannidis, đăng lại trong tạp chí Ekklesia những gợi ý đã được phát biểu vào năm 1946 do một người công giáo trong hàng giáo phẩm cao cấp Hy Lạp Melkite, là đức cha P.K. Medawar. Những gợi ý này nằm trong một bức thơ bí mật đệ lên Tòa Thánh Roma, và để biện hộ cho ý kiến cần thiết phải có những cuộc tiếp xúc giữa hai Giáo Hội Chính Thống Giáo và Công Giáo, rồi tự hỏi: “viễn cảnh một cuộc gặp gỡ giữa đức giáo hoàng Pie XII và thượng phụ Athénagoras có thể thực hiện được không?”. Nhà thần học ấy ước muốn như vậy, nhưng viễn cảnh ấy còn xa, dường như là không tưởng đối với những đầu óc ít hiểu biết.
Những cuộc nổi dậy ngày 6.9.1955 đã cướp phá mấy chục nhà thờ và cơ quan Hy Lạp Chính Thống ở Istanbul làm tổn thương nặng nề mối bang giao Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tình cảm của người chính thống giáo đối với các vị lãnh đạo công giáo. Phong trào xích lại gần mà người ta hy vọng thực hiện bị hoãn lại cho những thời kỳ tốt đẹp hơn. Hoàn cảnh thiếu may mắn của tòa thượng phụ hoàn vũ làm cho một vài vị lãnh đạo dự định tăng cường tình đoàn kết của Chính Thống Giáo. Nhưng, trong khi không thể tập họp vào lúc ấy một tiền hội nghị liên Chính Thống Giáo, tòa thượng phụ Alexandrie mong muốn thành lập một hội đồng thường trực các tòa thượng phụ Chính Thống Giáo, để cụ thể hóa sư thống nhất trong lòng Chính Thống Giáo. Ðồng thời, tòa thượng phụ hoàn vũ lại hướng về Vatican một cách ngịch thường. Nhân dịp chúc thọ tám mươi tuổi của đức giáo hoàng Pie XII, tuần báo Apostolos Andreas, số ra ngày 13.3.1957, bày tỏ nguyện vọng vào lúc ấy dường như rất không tưởng: Sau khi tỏ lòng cảm phục chính sách khôn khéo và sự sáng suốt của đức giáo hoàng Roma, cơ quan báo chí này của Phanar dự định tập họp một công đồng của cả Kitô giáo để nghiên cứu tương lai của Kitô giáo trên nền tảng “giáo lý của Phúc Âm, giáo luật của bảy công đồng hoàn vũ và lịch sử của chín thế kỷ đầu Kitô giáo”. Người kế vị đức giáo hoàng Pie XII được dành phần thực hiện nguyện vọng của tòa thượng phụ hoàn vũ và của cả thế giới Công Giáo.
Ở Moscou, số phận Giáo hội của các thượng phụ chịu ảnh hưởng sâu xa về lời kêu gọi lịch sử của giáo chủ Serge, đưa ra ngày 21.6.1941, chính vào ngày quân đội Ðức quốc xã vượt qua biên giới Nga. Trước tất cả mọi nhà lãnh đạo của nước này, vị giáo chủ cổ võ giáo dân bảo vệ tổ quốc nhân danh Hiáo Hội Chính Thống Giáo “đã luôn luôn chia sẻ số phận của dân tộc”. Hai vị giáo chủ khác, là Alexis ở Léningrad và Nicolas ở Kiev, phụ giúp ngài trong chiến dịch “Giáo Hội chiến đấu cứu nguy dân tộc”. Sau một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa các vị giáo chủ ấy và Staline (4.9.1943), Giáo Hội được phép họp một hội nghị bầu cử. Giáo chủ Serge vào tòa thượng phụ. Ngay sau khi nhậm chức, thượng phụ cho tái bản lại tờ báo của tòa thượng phụ Moscou. Từ đó trở đi một sự phục hưng tôn giáo và việc tái tổ chức đời sống của Giáo Hội trong các nước cộng hoà Xô Viết được bảo đảm hơn. Thượng phụ mới bắt đầu được nhiều nhóm qui phục đúng vào lúc ngài mất đột ngột ngày 15.5.1944. Người cộng tác gần gũi nhất của ngài là Alexis ở Léningrad lên kế vị ngày 2.2.1945 vào lúc một công đồng quốc gia nhóm họp có nhiều đại biểu của các Giáo Hội biệt lập tham dự.
Ngay từ buổi đầu nhiệm kỳ thượng phụ, đức Alexis đã quan tâm đến việc tiếp tục liên lạc với các Giáo Hội biệt lập và khẳng định một cách thích đáng vai trò mà Giáo Hội Nga muốn đảm nhận trong phong trào liên Chính Thống Giáo từ đó về sau. Vì thế, ngài đi ra ngoại quốc nhiều lần, nhất là trong vùng Cận Ðông và trong vùng Balkans. Ngài gặp thấy ở các nơi ấy những cộng đồng Kitô giáo luôn luôn sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng của nước Nga và còn giữ nhiều kỷ niệm về uy tín xa xưa, như một thứ phép lạ hồi sinh. Tinh thần liên đới vốn có của Chính Thống Giáo đạt tới điểm cao nhất trong hội nghị liên Chính Thống Giáo ở Moscou, họp từ ngày 9 đến ngày 17.7.1948. Trước những đại biểu của hầu hết các Giáo Hội anh em, hàng giáo phẩm Nga xác định tham vọng của họ là từ đó trở đi sẽ đóng một vai trò quyết định về số phận của Chính Thống Giáo, nhưng cùng lúc đó những sự công kích dữ dội được thốt ra chống lại Vatican và phong trào đại kết, điều đó cho thấy lập trường triệt để của Chính Thống Giáo Nga vào thời đó. Quả thế, hội nghị trách Vatican không những luôn đứng về phía các cường quốc của thế giới này và khuyến khích sự thủ cựu phản động đối với quần chúng lao động, mà còn, sau khi đã là nguồn gốc của hai cuộc chiến tranh đế quốc lớn, ra công xúi dục một cuộc bùng nổ lớn chống lại những nước dân chủ. Ðàng khác, người ta bàu chữa, bằng những lý do bề ngoài xem ra đạo đức, việc từ chối tham dự hội nghị đại kết của các Giáo Hội ở Amsterdam: Giáo Hội Chính Thống bác bỏ “khuynh hướng xa rời việc tìm kiếm Nước Chúa và đi vào lĩnh vực chính trị xa lạ đối với mình”. Những sáng kiến chính trị và xã hội của phong trào đại kết chính là cái tội thế tục hoá mà Chúa Kitô đã tránh xa ở sa mạc. Vả lại, khi thu nhỏ điều kiện gia nhập vào một điều duy nhất là nhận biết Ðức Chúa Giêsu Kitô là Chúa, thuyết đại kết đã hạ thấp giáo lý Kitô giáo xuống ngang hàng với cái đức tin mà ngay cả ma quỉ cũng có thể đạt tới, như Thánh Kinh nói.
Việc hội nghị Moscou lên án mạnh mẽ không ngăn cản được Chính Thống Giáo Hy Lạp tham dự hội nghị Amsterdam như đã dự định (22.8 - 04.09.1948). Nhưng, ngay trong môi trường cởi mở của cộng đoàn tản mát ở Paris, ông L. Zander, một người tên tuổi trong phong trào đại kết đã tuyên bố rằng: “Không thể trở về với Roma, bởi vì Roma của đức bác ái Kitô, của mạc khải và của tự do đã không còn nữa”. Như vậy, Kitô giáo Slave lại tự đóng khuôn trong chủ nghĩa biệt lập, đồng thời vẫn cho mình là trung thành triệt để với truyền thống.
Chính sách không tham dự hội nghị đại kết của Moscou dường như được thắng thế vào lúc Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội họp lần thứ hai ở Evanston (15.31.-08.1954). Ngay trong lòng Chính Thống Giáo Hy Lạp cũng có nhiều người hăng say ủng hộ chính sách không tham dự. Chẳng hạn phản ứng của ông Florovkij, một trong những nhà thần học nổi tiếng của cộng đoàn tản mác Nga. Cùng lúc ấy ở Moscou bắt đầu tạo bầu khí bớt căng thẳng trong các hoạt động tôn giáo. Moscou và Constantinople xích gần lại với nhau nhờ sự trung gian hữu hiệu của giám mục đoàn của tòa thượng phụ Melkite ở Antioche. Cha Wenger, chủ bút của báo La Croix ở Paris, đã cho đăng vào tháng 7.1956 một bài tường thuật đầy thiện cảm, tiết lộ bầu không khí cởi mở của tòa thượng phụ Nga. Cũng trong tháng bảy, người ta công bố các văn thư trao đổi giữa Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội và tòa thượng phụ Moscou với mục đích nối móc lại những cuộc tiếp xúc và có thể đi tới cộng tác hữu hiệu.
Việc các Giáo Hội xích lại gần với tòa thượng phụ Constantinople làm cho Chính Thống Giáo Slave được dễ dàng hơn trong chiều hướng cởi mở hơn. Trong khi những nhà thần học công giáo cảm phục vai trò tốt đẹp của Chính Thống Giáo giữa Phong trào Ðại kết mà họ gọi là “do ý Chúa”, thì những nhà thần học chính thống giáo lại trình bày rõ ràng lập trường của họ đối với Una sancta, nhất là tại hội nghị Foi et Constitution tại Oberlin (Ohio) vào tháng 9 năm 1957. Họ tuyên bố rằng: Chính Thống Giáo tự coi mình như trung tâm ưu biệt của Una santa ấy với “Trọn vẹn đức tin và đời sống bí tích không hề gián đoạn”. Như thế, họ kêu gọi các tôn giáo khác hãy tự nhận biết mình đang ở trong quan niệm trọn vẹn của họ, bởi vì hệ thống các Giáo Hội quốc gia biệt lập tại Ðông Phương là biểu tượng của sự thống nhất lâu đời, đối diện với một “Kitô giáo Tây Phương chia rẽ”. Tòa thượng phụ nga và những người theo tòa thượng phụ này chỉ khẳng định một lập trường như thế. Như vậy, một giai đoạn mới được mở ra trong lịch sử của Chính Thống Giáo cũng như trong lịch sử của Kitô giáo.
Việc bầu cử đức hồng y Roncalli vào ngôi vị giáo hoàng Roma đã đẩy nhanh quá trình tổ chức của những mối quan hệ giữa những đoàn thể Kitô nhờ ở sáng kiến lớn của ngài về công đồng. Trong khi chờ đợi biến cố ấy, toàn thể Chính Thống Giáo mở cuộc liên hoan mừng lễ hòa giải chính thức giữa Constantinople và Moscou. Lễ đó được tổ chức vào dịp kỷ niệm bốn mươi năm tái thiết tòa thượng phụ. Trong dịp lễ này (tháng 5.1958) thượng phụ Alexandre III ở Antioche, người đã làm trung gian cho sự xích lại gần ấy, tuyên bố với sự đồng ý của tất cả các đại diện của các Giáo Hội Chính Thống Giáo biệt lập như sau: “... Giáo Hội nước Nga “đàn chị” ghi nhớ nguồn gốc của tòa thượng phụ của mình. Giáo Hội này nhớ mình là con cái của Giáo Hội Constantinople, và vì lẽ đó, Giáo Hội Nga không nghĩ đến việc chiếm chỗ của Giáo Hội Constantinople (...). Thượng phụ Moscou biết rằng theo phẩm trật ngài ở hàng thứ năm. Ngài nhận biết, thừa nhận và kính nể vị thượng phụ hoàn vũ là vị thượng phụ thứ nhất (...) Kết quả là không bao giờ ngài có tham vọng đoạt vai trò đứng đầu trong những vấn đề của Chính Thống Giáo. Vai trò ấy thuộc về vị thượng phụ ở Constantinople” (1).
Sự nhất trí ấy của Chính Thống Giáo báo trước các thời đại mới trong bối cảnh công đồng do đức giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập.
2. ÐỨC GIÁO HOÀNG PIE XII VỚI THUYẾT ÐOÀN KẾT ÐÔNG PHƯƠNG.
Trong sự lung lay của các thể chế đã được thành lập trong miền Cận Ðông và trong những nước Âu Châu ở bên kia bức màn sắt, đức giáo hoàng Pie XII phải đương đầu với những hoàn cảnh phân hóa sâu xa. Một đàng là đương đầu với chủ nghĩa quốc gia Ả Rập đang thu hồi những quyền lợi không được nền độc lập chính trị biết đến, mà nói chung được hàng giáo phẩm bản xứ ủng hộ, đàng khác là đương đầu với chủ nghĩa Staline nắm cổ hoàn toàn số phận của các chế độ mới được thành lập trong những nước dân chủ bình dân. Trong khi đưa ra, vào dịp các lễ kỷ niệm lịch sử lớn, những lời kêu gọi đoàn kết dưới sự che chở của Giáo Hội Roma, đức giáo hoàng cố gắng giới hạn những tai họa, của việc giải thể các Giáo Hội hiệp nhất ở dưới quyền Nga Sô và củng cố quy chế các Giáo Hội muốn được tự do hơn, trong bối cảnh mới của những quốc gia độc lập Ả Rập. Ngài cũng vừa không quên số phận của những cộng đoàn tản mác được thành lập nhiều nhất ở Mỹ.
Chiến tranh ngăn trở việc cử hành lễ kỷ niệm năm trăm năm cộng đồng đoàn kết Florence (1438-1439). Nhưng một lễ tưởng niệm không có tính cách tôn giáo được cử hành ở Beyrouth vào tháng giêng năm 1940 cho thấy rằng biến cố ấy vẫn còn gây được sự quan tâm, ngay cả trong các cộng đoàn hiệp nhất.
Ðức giáo hoàng Pie XII, trong thông điệp Mystici corporis Christi (Nhiệm thể Chúa Kitô) ban hành ngày 23.06.1943, đã gióng lên một lời kêu gọi thống nhất: “Mọi Kitô hữu hãy hiệp nhất lại với nhau trong một xã hội độc nhất là Nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô”. Nhưng vấn đề thống nhất được cụ thể hóa nhiều hơn trong thông điệp Orientalis Ecclesiae decus, (Ðịa vị xứng đáng của Giáo Hội Ðông Phương), công bố ngày 09.04.1944, nhân dịp lễ kỷ niệm một trăm năm mươi năm ngày qua đời của thánh Cyrille d'Alexandrie. Mục đích của thông điệp là tỏ lòng kính phục vị tiến sĩ thành Alexandrie đã cộng tác nhiệt tình với Tòa Thánh Roma để bảo vệ đức tin, đưa đến một sự đổi mới trong quan niệm thống nhất của Giáo Hội. Mặt khác, đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng ngỏ lời một cách rõ ràng với những cộng đoàn Kitô giáo chống đối công đồng Chalcédoine. Thông điệp ấy là nguồn gốc của nhiều sáng kiến về “hoạt động đoàn kết” trong miền Cận Ðông và ở Âu Châu, tuy ngày nay chỉ còn tồn tại ở một vài nơi. Người ta cũng dự định phục hồi những phong trào đoàn kết đông đảo hoặc ở Ai Cập, hoặc ở Palestine, giữa những giáo hữu bị hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo bỏ rơi. Nhưng cục diện dễ thay đổi vào lúc hết chiến tranh, những dự định phục hồi trên bị coi là không hợp thời nữa, cần chấm dứt các ảo tưởng đó. Một số người trong đó có đức cha Szeptickij, đã cưu mang những dự định phục hồi ấy đối với xứ Ukraine của Nga vào những năm bị Ðức quốc xã chiếm đóng.
Hơn những dự định phục hồi không thực tế ấy, một vài sáng kiến khiêm tốn khác được hưởng ứng. Như “Hiệp hội tôn giáo và ái hữu của những người bạn của phong trào đoàn kết”, thành lập ở Beyrouth vào năm 1945, mà thành quả đã vượt quá ý định của những người sáng lập. Còn có sự tiến triển đã nói đến trong chương trước của trung tâm Pháp Istina dưới sự thúc đẩy của linh mục Dumont. Theo đường hướng của cha Couturier, trung tâm này không ngừng nhắc nhở trong tập san “Hướng tới sự thống nhất Kitô giáo” rằng: cần thiết phải sửa đổi phương pháp truyền thống, phải tự vấn lương tâm về vấn đề đoàn kết để cả đôi bên tự thú nhận những lỗi lầm chống lại sự thống nhất Kitô giáo, ngoài ra phải có cái gì tích cực làm cho Giáo Hội “có đủ khả năng thức tỉnh và phục hồi những Kitô hữu còn chia rẽ”.
Ngoài những sáng kiến khiêm tốn ấy, các diễn biến đầu tiên của cuộc chiến tranh lạnh không giúp cho tinh thần hòa giải phát triển, mặc dù vào tháng 9.1945, linh mục Boyer Dòng Tên đã thành lập ngay tại Roma một “Hiệp hội quốc tế về việc thống nhất tôn giáo của các dân tộc”. Trong suốt triều đại của đức giáo hoàng Pie XII, những tư tưởng có liên quan đến phong trào đại kết được phát sinh rất chậm rãi và khó khăn đã được nói đến trong một phần khác của sách này rồi, ở đây chúng ta chỉ nhắc lại một vài sự kiện có liên quan đến Ðông Phương một cách trực tiếp hơn. Ðó là việc công bố tín điều về “Ðức Mẹ được đưa về Trời” (1.11.1950) đã gây nên những sự bài xích trong Chính Thống Giáo. Rồi thông điệp Sempiternus Rex (Vua muôn thuở) được công bố vào ngày 8.9.1951, dịp kỷ niệm một trăm năm mươi năm Công Ðồng Chalcédoine, trong đó đức giáo hoàng nêu bật những lợi ích lớn lao mà việc Ðông Phương khi trở về hiệp nhất với Roma sẽ đem lại “cho Giáo Hội Kitô nói chung”, nhưng người ta không thấy trong đó giọng thân thiện của đức Pie XI dành cho “những tảng đá có vàng”. Một vụ việc khác là sự thiếu phản ứng của đức giáo hoàng vào dịp kỷ niệm Constantinople bị chiếm đóng (1453) hay vào dịp kỷ niệm biến cố đoạn tuyệt đau thương vào năm 1054, một sự im lặng có tính cách đặc biệt đã làm cho dư luận Kitô giáo xôn xao trong nhiều tác phẩm có giá trị. Phải đợi đến thời kỳ cuối của triều đại giáo hoàng người ta mới tìm thấy lại một dấu hiệu gián tiếp về sự ân cần đối với Ðông Phương Kitô giáo. Vào tháng 9 năm 1957, báo chí Công Giáo lưu ý khá rõ rệt về tuần lễ thứ bảy để cầu nguyện và nghiên cứu về Ðông Phương Kitô, họp ở Palerme với sự tham dự của đức hồng y Roncalli, giáo chủ Venise. Ngài tỏ lòng cảm phục công khai một người tiên phong của hoạt động đoàn kết, là Dom Lambert Beauduin, bằng cách giới thiệu sự nghiệp của vị này như gương mẫu của mọi sự tỏ thái độ tích cực và hiệu lực. Ngày 2 tháng 10 sau đó, đến lượt Bộ Ðông Phương thừa nhận công trạng của L. Beauduin, người có công gầy dựng táo bạo và đã bị thử thách về chủ trương đoàn kết công giáo. Những bày tỏ không chính thức ấy báo trước một sự thay đổi toàn diện, đồng thời khai tử một chính sách tôn giáo Ðông Phương không thích nghi và lỗi thời.
Thái độ ngập ngừng của đức Pie XII được cắt nghĩa vừa bởi ý hệ tư tưởng riêng của ngài vừa bởi cục diện ngoại giao mà ngài gắn liền với những nguyên tắc điều khiển Giáo Hội. Bởi thế, ngay từ bước đầu của chiến tranh lạnh, công giáo đã phải chịu những hậu quả gián tiếp thảm hại của những nguyên tắc trên, trong những nước dân chủ bình dân và phong trào hiệp nhất bị tấn công một cách dữ dội.
Phong trào quy nhất (uniotisme) của Ukraine bị giải thể đầu tiên. Ðược chẩn bị từ lâu do một Ban phụ trách những người Công Giáo Hy Lạp trở về với Chính Thống Giáo, hội nghị Lwów từ ngày 9 đến ngày 10.3.1946, sau việc bắt giữ và lưu đày đức cha Slypij (11.4.1945), đã tuyên bố việc những người Ukraine trở lại đức tin Chính Thống Giáo của tổ tiên họ và từ bỏ những ”lỗi lầm Roma”. Việc cử một tổng giám mục mới thừa nhận việc đã rồi. Ngày 23.12.1945 đức Pie XII đã phản kháng một cách yếu ớt bằng thông điệp Orientales Omnes (Mọi Giáo Hội Ðông Phương)..
Vào năm 1948, đến lượt Giáo Hội hiệp nhất Roumanie bị đàn áp, sau “biến cố ở Prague” và những liên lạc thư từ giữa tổng thống Truman và đức giáo hoàng Pie XII trong chương trình liên kết chính trị tôn giáo để thiết lập nền hòa bình Kitô giáo trên thế giới. Việc giải thể Giáo Hội Ðoàn kết Công Giáo ở Roumanie được hoàn tất qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, từ tháng 5 đến tháng 12. Hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo, dưới sự điều khiển của thượng phụ Justinien de Bucarest, hợp tác với các nhà lãnh đạo chính trị. Vào đầu năm 1949, sau khi đức giáo hoàng đã cổ võ hàng giáo phẩm công giáo cảnh giác chống lại sự thâm nhập của những người cộng sản, bằng cách chào mừng sự tập hợp của các cường quốc tự do dưới sự che chở của hiệp ước Ðại Tây Dương (12 tháng 2), nước Roumanie cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Vatican và dùng những biện pháp nghiêm khắc đối với mọi Giáo Hội hay giáo phái có trụ sở chính ở ngoại quốc. Vài tháng sau, những người Ruthènes Sukarpathie trong nước Tchécoslovaquie chịu cùng số phận với những người Ukraine hiệp nhất (28.8.1949). Tự sắc của Thánh Bộ Ðức Tin chống lại tất cả mọi sự hợp tác với đảng cộng sản (1.7.1949) vào một lúc mà Chính Thống Giáo Slave đi vào con đường đối lập lại, góp phần làm băng hoại thêm hoàn cảnh. Bức màn sắt đã buộc những người công giáo Roma ở Ðông Âu phải ở vào hoàn cảnh một “Giáo Hội im lặng” theo từ ngữ mà đức giáo hoàng đã dùng trong thông điệp “Lễ Giáng Sinh 1951”, và phải đợi nhiều năm mới bắt đầu bớt căng thẳng.
Thất vọng sâu xa ở Ðông Âu, đức giáo hoàng Pie XII tìm cách củng cố những qui chế và những nền tảng của những Giáo Hội Ðông Phương Công Giáo trong miền Cận Ðông và trong cộng đoàn tản mác Âu Châu và Mỹ Châu.
Ai Cập là nước Hồi Giáo đầu tiên đã nối kết ngoại giao với Vatican vào năm 1947. Nhờ đó, đức giáo hoàng đã tái lập chức vụ Thượng Phụ Công Giáo Copte, tòa thượng phụ này trống ngôi từ năm 1910, khi người giữ chức vụ đầu tiên là Cyrille Macaire rút lui. Mặt khác, trong khi hiệp hội “Association Catholique pour les écoles d'Egypte” tiếp tục công việc tông đồ tại các giáo xứ do tu sĩ Franciscains đảm nhiệm tại miền Thượng Ai cập, thì có thêm một sự kiện tích cực là nhiều linh mục và tu sĩ thuộc các dòng La Tinh được phép vào nước truyền giáo và lập cơ sở trong miền thung lũng sông Nil. Ðồng thời khai sinh nhiều nhóm ”suy tư thần học truyền giáo” và nhiều “công trình nghiên cứu hướng về phía đại kết”. Giữa những công trình nghiên cứu đó ít ra phải nêu lên một công trình rất súc tích và phong phú về kinh nghiệm, đó là việc làm của Jacob Muyser, một nhà truyền giáo chịu ảnh hưởng Ðông Phương. Ngài viết một cuốn sách mang tựa đề đơn giản: Face à l'apostolat copte (1950). Theo gương ngài, nhiều Tập san Copte, được phát hành, nhưng không tồn tại lâu dài.
Ðến lượt chức vụ thượng phụ Maronite làm cho Tòa Thánh phải ưu tư. Vì cơn khủng hoảng tiềm tàng đã gây sóng gió trong việc bầu cử người kế vị đức thượng phụ Antoine Arida mới qua đời: Nhiều giám mục Maronites không muốn chấp nhận đức cha Paul Méouchi do chính đức giáo hoàng Pie XII đề cử ”cho lần này và một cách đặc biệt”. May là thái độ cứng rắn của Tòa Thánh đã làm dịu lại những phản ứng gây rối. Vả lại, cơn khủng hoảng xảy ra ở Ai Cập vào dịp bãi bỏ các toà án tôn giáo và việc du nhập lễ nghi hôn phối theo luật đời (1955) đã tập trung những sức mạnh công giáo vào việc củng cố chỗ đứng và sinh hoạt của Kitô giáo Ðông Phương.
Cuối cùng, sự tăng cường của Giáo Hội hiệp nhất Hy Lạp khơi lại cuộc tranh luận đã bắt đầu từ 1925. Vào đầu tháng 8 năm 1956 công nghị ở Athènes chống lại dự định của nhà vua thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican, vì muốn ”trung thành với việc giữ những truyền thống thánh thiện của Giáo Hội và của dân tộc”. Rồi sau khi đức cha Calavassy giám mục của Giáo Hội hiệp nhất Hy Lạp qua đời (7.11.1957), nhiều giáo sư của đại học thần học ở Athènes gởi thư cho đức giáo hoàng Pie XII để xin ngài đừng cử lgười kế vị nữa. Họ giải thích rằng Ðông Phương Chính Thống Giáo “xem Ounia như một chướng ngại vật lớn cho sự xích lại gần của các Eiáo Hội, bởi vì Ounia đầu độc nhữne dây liên lạc giữa c!ùc người chính thống công giáo và Công Giáo Roma”. Dầq vậy, đức giáo hoàng không quan dâm đến sự can thiệp ấy, jgài đã phong chức ngay ở Athènes, người kế vị đức cha Calarassy, trước sự thất vọng sâu xa của những người chủ trương đại kết cởi mở nhất.
Bên kia biên giới truyền thống của Ðông Phương Kitô, những cộng đoàn càng ngày càng đông được thiết lập giữa các cộng đoàn tản mác. Công việc tông đồ của họ, cần có một tổ chức thích hợp, theo thể thức các cộng đoàn quốc gia theo nghi lễ La Tinh sống rải rác ở ngoại quốc. Ðức giáo hoàng Pie XII theo đuổi một chương trình dài hạn, được soạn thảo một cách rụt rè từ 1921. Từ 1948, nhiều giáo phận của người Ukraine được thiết lập ở Canada. Vào năm 1952, đức hồng y tổng giám mục ở Rio de Janeiro được đặt làm bản quyền của tất cả mọi giáo dân theo nghi lễ Ðông Phương tại Brésil, trong khi chờ đợi mỗi nghi lễ có phó bản quyền cho riêng nghi lễ của mình. Năm 1955, biện pháp như trên được áp dụng cho đức hồng y tổng giám mục Paris về những gì liên quan đến những người Ðông Phương Công Giáo sinh sống trên toàn lãnh thổ Pháp. Ở đó một số tập đoàn đông hơn tiếp tục nhận được các bản quyền theo nghi lễ riêng của họ với chức vị giám mục trực thuộc Tòa Thánh, những người Arménie và những người Ukraine cũng vậy. Mấy tuần trước khi qua đời, đức giáo hoàng thiết lập một hàng giáo phẩm Ðông Phương thật sự ở Mỹ, bằng cách nâng giám mục của người Ukraine ở Philadelphie lên hàng Giáo chủ. Sự phát triển về thể chế có lợi cho cộng đoàn tản mác Ukraine ấy đã phục hồi lại trên thực tế hàng giáo phẩm đã bị bãi bỏ ở Trung Âu.
Sự phát triển tăng vọt lên trong Giáo Hội hiệp nhất Công Giáo ở Bắc Mỹ (vào 1960 có 200.000 giáo dân theo nghi lễ Ðông Phương ở Canada và 800.000 ở nước Mỹ trong đó có 600.000 người Ukraine, 125.000 người Maronites và 50.000 người Melkites) không những chỉ đặt ra các vấn đề về tổ chức mà thôi. Nhiều giáo dân bị môi trường Mỹ lôi cuốn, đòi hỏi một sự thích nghi về phụng vụ và về lối sống thiêng liêng và, do số lượng (và trọng lượng kinh tế) của họ, làm áp lực một cách có hiệu quả trên Bộ Ðông Phương. Như vậy, không còn do ảnh hưởng của các nhà truyền giáo La Tinh như trong miền Cận Ðông, nhưng chính là kết quả của một sự tiến triển bên trong của những cộng đoàn hiệp nhất. Sự tiến triển này có cơ nguy làm suy yếu đi tính cách Ðông Phương thật sự của các cộng đoàn.
Tuy nhiên người ta phải ghi nhận rằng nhiều trung tâm chống lại những khuynh hướng la tinh hóa còn rớt lại trong miền Ðông phương Ả Rập. Nhất là người ta đã có thể nhận thấy từ 1949 trở đi, tiếp theo sau công việc pháp điển hoá luật Ðông Phương dưới triều đại của đức giáo hoàng Pie XI, người ta đã bắt đầu xuất bản từng phần luật pháp chung cho tất cả các Giáo Hội Ðông Phương. Một sự khó chịu càng ngày càng rõ nét trong các hàng giáo phẩm Ðông Phương có ý thức về trách nhiệm của họ đối với phong trào đại kết và gắn bó nhất với di sản lâu đời của họ. Việc công bố bộ luật (2.6.1957) có liên quan đến thể chế tôn giáo và chế độ thượng phụ và hội nghị, đã gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng mà tòa thượng phụ Melkite hiệp nhất phản ảnh trong một hội nghị họp đặt biệt ở Caire, từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 2.1958. Từ đó trong viễn cảnh mới về công đồng và phong trào đại kết do đức giáo hoàng Gioan XXIII và Vatican II mở ra, việc pháp chế hóa Ðông Phương dường như phải đi vào quá trình soạn thảo của cả quan niệm pháp lý hiện hành trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo Roma.
Sau khi đã có một cái nhìn sơ qua về số phận của Công Giáo Ðông Phương trong hai mươi năm dưới triều đại của đức giáo hoàng Pie XII, điều quan trọng là lưu ý đến những gì mà một bộ sử không có thể quên. Bên kia những sự kiện nổi bật và những tài liệu xuất bản công khai, còn có cả một sự dậy men thầm kín hơn, chuẩn bị cho những con đường dẫn tới những nguyên tắc của phong trào đại kết, đặc biệt đến những hoạt động của một vài nhà tư tưởng. Những lời ghi nhận bí mật và những sự vận động kín đáo của họ thường gây nhiều ảnh hưởng hơn những hành động rầm rộ của những nhân vật nổi tiếng đối với công chúng.
3. HƯỚNG TỚI CÁC ÐỈNH CAO CỦA CÔNG ÐỒNG VATICAN II (1958-1962).
Cơ quan ngôn luận của tòa thượng phụ hoàn vũ, tờ Apostolos Andréas đưa ra ý tưởng cần tổ chức một công đồng. Nhưng ít ai quan tâm. Những tạp chí Công Giáo hiếm hoi, như Palestra del Clero và Tablet, lặp lại ý tưởng đó trong năm 1957, nhưng không có tác động mạnh trên dư luận. Ngày 1.9.1958, Palestra del Clero nói lại đề tài này: trong cục diện hoang mang của nhân loại, một công đồng thống nhất sẽ thúc đẩy các Giáo Hội suy tư hữu hiệu hơn về sứ mệnh của mình. Một tháng sau, ba biến cố: đức giáo hoàng Pie XII tạ thế, đức giáo hoàng Gioan XXIII lên ngôi, loan báo (25.1.1959) sẽ có một Công Ðồng Công Giáo. Tất cả đã mở ra một giai đoạn thanh thỏa trong thế giới Kitô giáo, nhất là giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo Roma. Ðặc biệt, tin “sẽ có Công Ðồng” đã huy động cả một loạt tư tưởng và sáng kiến. Nhưng tất cả vẫn chưa được ghi chú đầy đủ vể bản thống kê toàn bộ và lịch sử. Kể từ đó, sử gia đứng trước một khối lớn biến cố, tham luận, xác nhận lập trường và trao đổi giữa các Giáo Hội mà trọng tâm là mối liên kết sống động và qui tụ gần hay xa về cùng một mục đích, là tái lập sự thống nhất Kitô giáo ở mọi trình độ tín ngưỡng và ngay cả trên bình diện thế giới.
Sáng kiến mở công đồng của đức giáo hoàng Gioan XXIII chắc chắn làm xáo trộn cả một truyền thống vững vàng, ngay trong những môi trường cởi mở nhất về các yêu sách tôn giáo và trí tuệ trong đạo công giáo. Nhưng một khi đã lấy quyết định rồi, sáng kiến ấy thúc đẩy suy tư và phục hồi nỗ lực của phong trào đại kết. Ngay từ đầu, chính đức giáo hoàng đã liên kết viễn cảnh công đồng với vấn đề thống nhất Kitô giáo, nhất là nhìn về Ðông Phương. Không phủ nhận những khó khăn của công việc, ngài luôn tỏ ra lạc quan, chia sẻ trách nhiệm và mời gọi quẳng xa những cuộc bàn cãi vô ích, đi đến đối thoại hầu cùng nhau tìm ra những con đường thống nhất. Người ta đã đi vào trong một guồng máy lịch sử.
Hưởng ứng sáng kiến và lời mời gọi của đức giáo hoàng Gioan XXIII, thượng phụ Jacobite ở Antioche là đức cha Ignatios Ja'coub III, đề nghị với thượng phụ Copte ở Alexandrie xúc tiến một cách tích cực sự đoàn kết của hai chi nhánh Giáo Hội Nhất Tính (Monophysite), trong khi chờ đợi sự đoàn kết với chi nhánh thứ ba là Giáo Hội Arménie. Việc tập hợp của ngành Chính Thống Giáo không chấp nhận Công Ðồng Chalcédoine chẳng bao lâu sẽ có những hình thức cụ thể hơn trên bình diện đối thoại về tín điều và trên bình diện những thể hiện thực tiễn. Về phía thượng phụ Athénagoras, ngài vội vã phái giáo chủ Mỹ Châu là đức cha Iacovos đến Roma xin yết kiến đức giáo hoàng (14.02.1959). Ðó là cuộc thăm viếng chính thức Vatican đầu tiên của một giáo phẩm thuộc tòa thượng phụ Constantinople. Như vậy, Chính Thống Giáo đã đi bước đầu đến Tòa Thánh. Ðức giáo hoàng Gioan XXIII gởi vị đại diện của ngài đến trả lễ. Từ đó những sự thăm viếng trao đổi sẽ là chương trình bàn tính công việc về tôn giáo càng ngày càng được ấn định rõ ràng. Trong cục diện đó, việc vua Paul de Grèce và hoàng hậu Frédérique đi viếng đức giáo hoàng không gây nhiều rối ren trong hàng giáo phẩm Hy Lạp: Người ta quả quyết là không còn băng giá giữa Hy Lạp và Tòa Thánh Roma nữa.
Nhưng không vì những viễn cảnh lạc quan ấy mà người ta không bày tỏ mối bận tâm sâu xa về những khó khăn của công việc. Quả thế, ngay từ mùa xuân 1959, báo Apostolos Andréas đã đăng một loạt bài về con đường mới đưa đến sự đoàn kết. Những người có thái độ hòa giải và quan điểm quân bình phối hợp nhau để điều nghiên sáng suốt về mọi khía cạnh và hoàn cảnh. Có vấn đề lôi kéo và bành trướng của Roma cũng như ”chính sách tai hại của Vatican là tìm đủ mọi phương cách để ký kết các thỏa ước”. Nhất là người ta dựa trên vấn đề mấu chốt của phong trào hiệp nhất, Ounia, mà tuyên bố là nó cố phá hoại ngầm những thể chế của Chính Thống Giáo: “Việc hợp nhất không những không làm thành sợi dây liên lạc giữa hai Giáo Hội, mà trái lại, nó là nguyên nhân của một sự tranh chấp liên tục, trong đó những người hiệp nhất là phe hoạt động và hung hăng, còn những người Chính Thống Giáo là những người bảo vệ truyền thống”. Việc thượng phụ Melkite Antioche đi thăm viếng các thượng phụ của các Giáo Hội biệt lập ở Âu Châu (từ tháng 7 đến tháng 9.1959) làm cho họ xác tín vào những quan điểm đó. Ấy thế mà trong hội nghị thường niên của họ (từ 24 đến 29 tháng 8.1959) hàng giáo phẩm Melkite hiệp nhất chấp nhận một loạt đề nghị nhằm bảo vệ “di sản Ðông Phương và Chính Thống Giáo” vào những buổi thảo luận ở Công Ðồng sắp đến.
Vào cùng lúc ấy, ban trung ương của Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội họp ở Rhodes (từ 19 đến 28 tháng 8.1959) bày tỏ ý muốn gây thiện cảm với mọi người chính thống giáo. Những người này lấy làm vinh hạnh và được khuyến khích. Người ta dự định biến hòn đảo Rhodes thành một “trung tâm đại kết thường trực”, “trung tâm Bossey của Chính Thống Giáo”. Sáng kiến ấy của Genève thúc đẩy người công giáo mau mắn tiếp tục lại cuộc đối thoại với Chính Thống Giáo và người ta đề cao quá sớm một cuộc gặp gỡ Chính Thống Giáo - Công Giáo vào dịp sắp tới tại Venise. Trào lưu thống nhất mới ấy xúi giục thượng phụ Athénagoras xúc tiến việc thống nhất riêng của Chính Thống Giáo. Một hội nghị liên Chính Thống Giáo được quyết định vào tháng 7 năm 1960 và để chuẩn bị tinh thần, thượng phụ đi thăm viếng một vòng những Giáo Hội biệt lập khác. Trong khi đó, một số quan trọng những bài báo và những thiên khảo cứu mạnh dạn và sáng suốt nêu ra nhiều khía cạnh của vấn đề thống nhất. Không khí đại kết lúc ấy rất lạc quan, mặc dù vẫn còn ít dè dặt dai dẳng.
Giáo Hội Roma vẫn tiếp tục chuẩn bị Công Ðồng một cách có hệ thống. Vào lễ Hiện Xuống năm 1960, đức giáo hoàng Gioan XXIII bày tỏ ý muốn đưa Giáo Hội Công Giáo vào cuộc đối thoại đại kết, bằng cách lập ra một Văn phòng cho những vấn đề thống nhất Kitô giáo. Vào cùng lúc ấy, sự thay thế giáo chủ Nicolas de Léningrad bằng người trẻ tuổi Nicodème ở chức vụ Giám đốc Văn phòng ngoại giao của tòa thượng phụ ở Moscou (10.7.1960) báo hiệu một hướng mới của chính sách tôn giáo Nga Sô.
Vào những tháng 11 và 12 sau đó, vị thượng phụ Alexis de Moscou, đến xin ngài đi thăm viếng khắp miền Cận Ðông. Chuyến du hành của ngài gây nên một bầu khí hồ hởi đáng chú ý, với những lời kêu gọi hòa bình và thống nhất giữa những cộng đồng Kitô địa phương. Trên đường trở về, ngài dừng lại ở Constantinople và đánh dấu sự hoà giải bằng một buổi đồng tế phụng vụ. Ở Athènes, ngài lặp lại cùng một cử chỉ hiệp thông tôn giáo ấy. Tất cả Chính Thống Giáo dường như sẵn sàng cộng tác để đi đến hội nghị liên Chính Thống Giáo ở Rhodes.
Về phía Công Giáo, thiện chí thành tâm và đoàn kết được biểu lộ bằng những lời khẳng định lập trường can đảm cũng như bằng những hành vi tích cực. Thượng phụ Melkite hiệp nhất là Maximos IV, đọc ở Dusseldorf, ngày 9.8.1960, một bài diễn văn về ơn kêu gọi của Ðông Phương Công Giáo trong phong trào xích lại gần giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo Roma. Ngài đòi cho Giáo Hội của ngài một vai trò trung gian, nhưng dường như không được cả hai phía quan tâm đến. Ðức hồng y Bea, chủ tịch của Văn phòng Roma lo về việc thống nhất Kitô giáo, đã tuyên bố vào đầu năm 1961, rằng: Giáo Hội Công Giáo không ảo tưởng về những nỗi khó khăn gây chướng ngại cho sự thống nhất, và về những lý lẽ bác bẻ của Chính Thống Giáo trên bình diện giáo lý, cũng như trên bình diện cơ cấu của Giáo Hội. Nhưng ít lâu sau, chính đức giáo hoàng Jean XXIII phong chức giám mục tại thánh đường thánh Phêrô cho một vị giáo phẩm Melkite là Acace Coussa, mà ngài bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Ðông Phương. Một cử chỉ như vậy không hài lòng nhóm cố chấp của Chính Thống Giáo, họ nhắc lại rằng “Giáo Hội hiệp nhất vẫn là dụng cụ Giáo Hội Công Giáo dùng để phá hoại ngầm Chính Thống Giáo” (16.4.1961). Một tháng sau, tòa thượng phụ ở Moscou tỏ ra một thái độ rất tiêu cực đối với Công Ðồng tương lai: họ từ chối tham dự. Họ viện lẽ: sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng về chính trị tôn giáo, họ nhận thấy chủ trương về quyền tập trung quân chủ của Giáo Hội Roma, cũng như những thái độ thù nghịch của Roma đối với những tín hữu khác đều trái ngược với nền tảng của sự thống nhất Kitô giáo.
Nhưng cục diện luôn luôn thay đổi không loại trừ một sự xét lại thái độ nào. Trước tiên, một sự xích lại gần xác thực được bộc lộ giữa đức giáo hoàng Gioan XXIII và những nhà lãnh đạo Xô Viết kể từ tháng 9.1961. Rồi hội nghị liên Chính Thống Giáo ở Rhodes (22.9 đến 2.10.1961) cho phép nhận ra tính cách ôn hòa trong những hành động của Tòa Thánh đối với Chính Thống Giáo. Cuối cùng, việc chấp nhận tòa thượng phụ Moscou vào Hội đồng đại kết các Giáo Hội trong Hội nghị New Delhi (từ tháng 11 đến tháng 12.1961) là một cơ hội để cắt nghĩa rành mạch và trấn an lâu dài. Bởi vậy đức cha Nicodème de Léningrad có thể thổ lộ với báo La Croix ở Paris những tình cảm thực sự của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga đối với Giáo Hội Roma. Nhờ vậy, Giáo Hội Chính Thống Nga không còn từ chối triệt để tham dự Công Ðồng Công Giáo. Những tháng cuối cùng chuẩn bị cho Công Ðồng trôi qua trong một bầu không khí cởi mở.
4. NHỮNG CÔNG VIỆC CỦA CÔNG ÐỒNG VATICAN II (1962-1965).
Người ta đã lần lượt xuất bản những tập sử biên niên, những bản tổng kết toàn bộ và những hồi ký riêng tư trình bày về sinh hoạt của Công Ðồng. Vì thế ở đây chúng ta không bàn đến công việc của Công Ðồng, mà chỉ gợi lại sơ qua phần đóng góp của Ðông Phương Kitô giáo vào những cuộc thảo luận và những sự xảy ra ở công đồng về những mối quan hệ với Chính Thống Giáo.
Những diễn biến của việc mời tòa thượng phụ Moscou gởi các quan sát viên đến Công Ðồng và những trường hợp các quan sát viên Nga đến Roma vẫn chưa được sáng tỏ. Một sự kiện chắc chắn chứng minh tính cách nhập nhằng nước đôi trong các cuộc đàm phán của người đại diện toàn quyền Vatican, đó là phản ứng cay chua và vỡ mộng của tòa thượng phụ Constantinople, đức cha Iacovos, tổng giám mục Châu Mỹ và phát ngôn viên của Phanar: Ngài xác tín mình có quyền tuyên bố “người ta rất buồn về sách luợc đã được xứ dụng để ngấm ngầm phá vỡ sự thống nhất của Chính Thống Giáo và làm tổn thương uy tín của tòa thượng phụ đại kết”. Trên thực tế, người có công xây dựng hết mình sự thống nhất trong lòng Chính Thống Giáo và trên bình diện liên tôn là thượng phụ Athénagoras, nhưng chính hoàn cảnh nội bộ của Chính Thống Giáo Hy Lạp đã ngăn cản không cho ngài gởi các quan sát viên chính thức đến Công Ðồng.
Khóa thứ nhất của Công Ðồng (từ 11.10 đến 8.12.1962) đã sớm cho thấy trong những phát biểu của các Nghị phụ có những trào lưu lớn, nếu không trái ngược nhau thì ít ra cũng khác nhau. Cuộc bàn cãi lớn về sự cải cách phụng vụ thật ra chỉ liên quan đến Giáo Hội La Tinh. Tuy vậy, có hai điểm chủ yếu chạm tới những nguyên tắc liên hệ đến truyền thống đích thực của Giáo Hội Công Giáo: tiếng La Tinh không thể có độc quyền bất khả xâm phạm trong việc thờ phượng, ngay cả cho Giáo Hội Roma, và những hội đồng giám mục đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo và thực hiện những cải cách trên bình diện địa phương hay quốc gia. Những sự tham gia của các Nghị phụ Ðông Phương thường giúp làm sáng tỏ, và đôi khi có tính cách quyết định trong việc bỏ phiếu biểu quyết. Nhưng nhất là trong những buổi khảo sát lựơc đồ về sự thống nhất Kitô giáo, những tiếng nói đầy tin tưởng ca tụng di sản Ðông Phương là xác thực và có hiệu lực thường xuyên. Một trong các Nghị phụ quả quyết rằng: ”Giáo Hội Ðông Phương là một Giáo Hội cội nguồn, cũng như Giáo Hội La Tinh ở Tây Phương”, câu nói ấy ít được dùng nhưng có khả năng gây chú ý trên một phương diện mà từ lâu đời Giáo Hội La Tinh không biết đến, trong việc giảng dạy cũng như trong việc thực hành.
Sau ngày bế mạc của khóa thứ nhất, một người đại diện tên tuổi của tòa thượng phụ Moscou tiết lộ ba điều kiện đã đặt ra và đã được chấp thuận cho việc gởi quan sát viên đến Roma: gửi một giấy mời riêng và trực tiếp đến Giáo Hội Nga, bảo đảm rằng công đồng sẽ không biến thành một đại hội chính trị (nói rõ ra là tránh lên án chủ nghĩa cộng sản), bảo đảm rằng sự hiện diện của các quan sát viên Chính Thống Giáo không được hiểu như là một sự thừa nhận Roma có quyền tối cao. Sự tham dự của các quan sát viên Nga rất tích cực và có lợi ích. Cũng như tất cả các quan sát viên khác, Tin Lành và Ðông Phương, họ theo dõi với sự chăm chú và với thiện chí, những cuộc thảo luận; họ không bao giờ quên bày tỏ một sự quan tâm đặc biệt về tất cả những gì có liên quan đến Ðông Phương Kitô. Cũng vậy, sự tham gia ý kiến của thượng phụ Melkite hiệp nhất Maximos IV luôn được đón nhận với sự kính nể đặc biệt đối với chức vị của ngài. Mối thịnh tình đối với các quan sát viên ấy vào cuối khóa thứ nhất được diễn tả một cách giản dị và lễ độ. Họ cám ơn những người đã đón tiếp họ về tình nghĩa anh em, về sự khôn ngoan của đức giáo hoàng Roma, và ca ngợi sự tự do trong các cuộc thảo luận.
Kết quả ly kỳ nhất của sự hoà hoãn ấy giữa Moscou và Vatican chắc chắn là việc phóng thích giáo chủ ở Lwów, đức cha Joseph Slipij, nhờ các vị giám mục Ukraine trong cộng đoàn tản mác yêu cầu quyết liệt. Ðứng đầu Giáo Hội hiệp nhất theo tinh thần Brest-Litovsk, ngài đã kế vị đức cha André Szeptickij và đã bị tống giam tháng tư năm 1945 khi Giáo Hội cho ngài nhập vào tòa thượng phụ Moscou. Cử chỉ có ý nghĩa ấy của chính quyền Xô Viết chứng tỏ thiện cảm của những người đã theo dõi và hài lòng về bầu khí tốt đẹp trong khóa thứ nhất của Công Ðồng.
Việc tạ thế của đức giáo hoàng Gioan XXIII, mà tất cả những ai theo tinh thần hòa hoãn và thân thiện giữa các Giáo Hội đều rất xúc động. Và họ được bù lại nhanh chóng bằng việc bầu cử đức hồng y Montini. Rất gắn bó với tinh thần đổi mới của vị tiền nhiệm, đức giáo hoàng Paul VI cũng gắn bó với đức giáo hoàng Pie XII, nếu không do tính tình của ngài thì ít ra cũng do thời gian ngài làm việc lâu dài ở Phủ quốc vụ khanh. Trong bài diễn văn lên ngôi, ngài khẳng định ý chí theo đuổi sự đối thoại với những Kitô hữu không thuộc Giáo Hội Roma để “tạo lại sự thống nhất”. Trên bình diện công đồng và đại kết, ngài sẽ thực hiện một cách nhiệt tình những ước nguyện của đa số các giám mục công giáo, và của những người nhận đối thoại thuộc các tôn giáo khác.
Ngay từ ngày 15 tháng 9 sau đó, đức giáo hoàng Paul VI tiếp đức cha Nicodème thành Léningrad là người đã từng cầu nguyện nhiều trên mộ đức giáo hoàng Gioan XXIII. Sau buổi yết kiến đức giáo hoàng, vị giáo chủ Nga rất hài lòng tuyên bố rằng: ngài đã nhận thấy đức giáo hoàng “khao khát mong muốn sự cộng tác của các Giáo Hội và làm việc rất nhiều trong chiều hướng đó”. Ngày 1 tháng 11 năm ấy, tòa thượng phụ Moscou thiết lập một Ủy ban lo về công việc thống nhất Kitô giáo. Những mối quan hệ thân tình như vậy được duy trì giữa Vatican và tòa thượng phụ hoàn vũ.
Trong hội nghị liên Chính Thống Giáo tại Rhodes ngay trước ngày Công Ðồng khai mạc khóa thứ hai (từ 26 đến 29 tháng 9.1963), một cuộc thảo luận sôi nổi đã chia rẽ các phái đoàn hiện diện về việc “có nên gởi các quan sát viên đến làm việc trong công đồng và bắt đầu đối thoại với Tòa Thánh Roma không?”. Người ta chỉ đạt được sự nhất trí của các Giáo Hội biệt lập về sự đối thoại, tuy nhiên với điều kiện là phải diễn ra trong sự bình đẳng. Một bước lớn đã được thực hiện ở mức độ nguyên tắc và thật là lớn lao đối với trạng thái tinh thần còn đang hoang mang, nhất là trước thái độ cứng nhắc của Giáo Hội Hy Lạp đã không đến tham dự hội nghị Rhodes này.
Tại Roma, khoá thứ hai của Công Ðồng đặc biệt phong phú nhờ những quan hệ hoàn vũ của mình cũng như nhờ những tham gia ý kiến của Ðông Phương. Trong bài diễn văn khai mạc, từ một sự gợi ý cao về thần học và về tôn giáo, đôi khi làm nhớ tới những ý kiến của nhà thần học Nga Khomiakov, đức giáo hoàng Paul VI khẳng định ý chí đưa Giáo Hội vào con đường đại kết mà vẫn tôn trọng “tính đa dạng của các truyền thống lịch sử”. Rồi ngài ra mẫu mực và phương pháp của công việc ấy bằng một lời tuyên bố công khai có sức xoá nhòa mọi ngờ vực: “Nếu trong những lý do chia rẽ, một lỗi lầm có thể qui cho chúng tôi thì chúng tôi hết lòng khiêm nhượng xin Chúa tha thứ cho chúng tôi và chúng ta cũng xin lòng khoan dung của những anh em cảm thấy bị xúc phạm bởi chúng tôi. Và chúng tôi sẵn sàng, về những gì liên quan đến chúng tôi, tha thứ những sự xúc phạm mà Giáo Hội Công Giáo đã là đối tượng và quên đi những nỗi đau khổ mà Giáo Hội của chúng tôi đã bị thử thách trong cả chuỗi thởi gian bất hòa và chia rẽ”.
Chính trong tinh thần đó mà các Nghị phụ thảo luận các đề tài của khóa họp. Ðây là những vấn đề chủ yếu, như tập thể tính của giám mục đoàn, phong trào đại kết và sứ mệnh của người giáo dân. Ở đây người ta chạm tới những vấn đề vô cùng tế nhị liên quan đến cơ cấu của Giáo Hội, đến những mối tương quan giữa giám mục đoàn với quyền tối cao Roma, đến thể chế thượng phụ truyền thống và chủ yếu ở Ðông Phương, đến sự tồn tại và vai trò của Giáo Hội hiệp nhất trong viễn cảnh đại kết và cuối cùng đến việc đối thoại thực sự với các tôn giáo trong Kitô giáo. Những tham gia ý kiến can đảm và thích đáng của một vài vị giáo phẩm cao cấp thuộc Chính Thống Giáo Ðông Phương, khi được mọi người tán thành, lúc bị chống lại gay gắt bởi các giám chức không am tường đủ về những tiến bộ trong công việc nghiên cứu thần học, hay lỗi thời trong việc bảo vệ những hàng rào phong toả mọi cuộc đối thoại hoàn vũ. Một sự tham gia ý kiến chủ yếu của thượng phụ Melkite, Maximos IV đáng được nêu lên, bởi vì sự tham gia ý kiến này trên thực tế đã mở ra con đường đi đến việc thành lập “Thượng Hội Ðồng Giám Mục” trong Giáo Hội Công Giáo, biểu tượng cho tập đoàn tính của hàng giám mục. Dựa vào sự hành đạo cổ xưa của Chính Thống Giáo, thượng phụ Maximos IV biện hộ cho “một hồng y đoàn thật hoàn vũ” có tính cách đại diện hợp thức, đồng thời ngài ước mong thành lập ở Roma, một cách không thay đổi, “cái mà Giáo Hội Ðông Phương gọi là Synodos endimousa”, tức là “Hội đồng tối cao, có quyền hành pháp và có tính cách quyết định của Giáo Hội hoàn vũ”. Ðể biện minh cho đề nghị ấy, ngài nói rằng : “Những vấn đề của các dân tộc phải được giải quyết bởi chính họ hay là với họ, nhưng không bao giờ không có họ”.
Cuối khoá họp được đánh dấu bằng một sáng kiến của đức giáo hoàng, có tầm quan trọng quyết định, trong con đường dấn thân có tính cách hoàn vũ và sự trở về nguồn tông truyền của Giáo Hội Roma. Ngày 4 tháng 12, đức giáo hoàng Paul VI cho loan báo ý muốn của ngài đi hành hương sang Thánh địa. Hai ngày sau, thượng phụ Constantinople tán thành “cuộc hành trình có tính cách đại kết trở về nguồn ấy” và tỏ ý muốn gặp đức giáo hoàng ở đó. Việc này không khỏi làm cho tổng giám mục ở Athènes nổi giận và phó thác cho các đan sĩ Athos bảo vệ Chính Thống Giáo chống lại những âm mưu đoàn kết của vị thượng phụ hoàn vũ. Những bài diễn văn và những cử chỉ đánh dấu các trạm nghỉ của cuộc hành hương của đức giáo hoàng và của vị thượng phụ ở Thánh địa (từ 4 đến 6 tháng 1-1964) đã phác thảo cuộc đối thoại đầy mong ước của bên này và bên kia.
Cuộc gặp gỡ ngoạn mục ấy, nếu có tính cách quyết định cho số phận của các mối quan hệ giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo Roma, thì dường như lại có hại cho những cuộc tiếp xúc ngày càng chặt chẽ giữa Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội Chính Thống Giáo. Cuộc họp ban hành pháp của Hội đồng Ðại kết ở Odessa (từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 2-1964) đã cho phép kiểm lại tình hình về bản chất và phạm vi của các mối quan hệ giữa các tôn giáo. Người ta đã hân hoan về “sự cởi mở của Giáo Hội Roma”, vừa xem như Kitô giáo đi vào một thời kỳ mới của lịch sử đại kết. Nhưng những mối bận tâm vẫn còn ở mức độ cao và người ta vẫn sợ “Giáo Hội Roma sẽ tấn công Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương”. Bởi vậy, trong lời tuyên bố trên đài phát thanh vào ngày lễ Hiện Xuống, đức hồng y Bea, chủ tịch của văn phòng Roma lo về việc thống nhất, tha thiết xác định rằng “sự hiện diện của các Giáo Hội Chính Thống trong Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội chắc chắn có lợi ích lớn cho việc đoàn kết và người ta không thấy dấu gì để bảo Giáo Hội Roma muốn tìm cách tách rời các Giáo Hội này ra khỏi Hội đồng”.
Công việc khóa thứ ba của Công Ðồng (từ 14.9 đến 21.11.1964) diễn tiến trong một bầu không khí đôi khi rất căng thẳng. Vì theo bản chất, những vấn đề được thảo luận đều rất dễ bùng nổ. Các nghị phụ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình. Những vấn đề Ðông Phương được đặt ra một cách gay cấn hơn cả là: những vấn đề liên quan đến thần học và vai trò của Chúa Thánh Thần, chủ thuyết hiệp nhất (uniatisme) đối diện với chủ thuyết đại kết (oecuménisme), cơ cấu thượng phụ, tinh thần ly khai và ngay cả địa vị của những Giáo Hội Ðông Phương trong khung cảnh của Giáo Hội hoàn vũ. Những tham gia ý kiến của các giám mục Ðông Phương hay thiên Ðông Phương nói chung thu hút sự chú ý, mở ra những viễn cảnh thần học mà khoa thần học La Tinh chưa biết. Chắc chắn là chính trong khóa này Chính Thống Giáo đã đánh giá cao nhất vai trò hữu ích của hàng giám mục hiệp nhất, trong khi họ vắng mặt, để nói lên tiếng nói của họ và đòi hỏi một thế quân bình tốt hơn về thần học, nhờ vào kinh nghiệm về khoa học Chúa Thánh Thần của truyền thống Giáo Hội Ðông Phương. Một nghị phụ Ðông Phương đã khẳng định mạnh mẽ về sơ đồ liên quan đến Giáo Hội như sau: “Truyền thống của chúng tôi không được nhận ra trong lược đồ ấy. Giáo Hội La Tinh đã rất tiến triển về khoa Kitô học; nhưng Giáo Hội Công Giáo hãy còn non nớt về khoa Thánh Thần học. Thế mà, chúng ta đang sống những thời cuối cùng, những thời của sự mới mẻ cuối cùng, những thời của Chúa Thánh Thần”.
Một sự hợp tác quí báu được thể hiện ngay giữa các nhà thần học Chính Thống Giáo và các đại diện của Giáo Hội Ðông Phương hiệp nhất. Sự kiện này, theo ý kiến của các nhà thần học nghiêm khắc nhất, có giá trị như sự tham gia ý kiến tốt nhất có liên quan đến hiến chế về mạc khải thần linh.
Ðối với các thượng phụ Ðông Phương đây là cơ hội tốt nhất để tham gia ý kiến về toàn vụ tranh chấp Ðông Phương, và theo một quan sát viên sáng suốt thì đây cũng là “một khí thế tinh thần lớn lao làm lay chuyển cả Công Ðồng”. Người ta cũng chứng kiến một “cuộc tranh luận về nghi lễ” mà nhiều thành phần lỗi lạc của hàng giáo phẩm Ðông Phương va chạm nhau quyết liệt khi bày tỏ những phương hướng khác biệt đã chia cách họ. Trái lại, chính một người Tây Phương rất am tường về khoa giáo phụ học đã đưa ra ý kiến có sức thuyết phục nhất về sự cần thiết phải công khai thừa nhận bản chất và các đặc quyền của thiên chức thượng phụ Ðông Phương truyền thống: “Bỏ sót không nêu lên cơ cấu thượng phụ trong tự sắc về các Giáo Hội Ðông Phương hiệp nhất, cũng như trong hiến chương về Giáo Hội và giám mục đoàn, là điều không thể tha thứ”.
Trong khi công việc của Công Ðồng tiếp tục tại Roma, các Giáo Hội Chính Thống biệt lập đã họp hội nghị lần thứ ba liên Chính Thống Giáo ở Rhodes (từ 1 đến 15.11.1964). Mặc dù là những buổi họp kín, người ta biết rằng trong đó vấn đề đối thoại với Giáo Hội Công Giáo đã được đem ra thảo luận. Những vấn đề gai góc mà Công Ðồng Vatican II phải đương đầu, nhất là những vấn đề của các Giáo Hội hiệp nhất và những vấn đề về tập thể tính của giám mục đoàn, làm cho không khí ít thuận lợi cho một cuộc đối thoại trọn vẹn và có kết quả. Bởi vậy, những quyết định của hội nghị thượng đỉnh Chính Thống Giáo phản chiếu cục diện của chính Công Ðồng. Trên nguyên tắc người ta không từ chối cuộc đối thoại, nhưng người ta đợi một thời điểm thuận lợi hơn để bắt đầu một cách có hiệu quả, bởi vì Giáo Hội Roma đang ở trong quá trình biến đổi, mà Chính Thống Giáo chú ý theo dõi và cầu nguyện cho họ. Thái độ chung ấy sẽ không ngăn cản mỗi Giáo Hội biệt lập bàn cãi về các vấn đề riêng biệt của họ với Giáo Hội Roma. Tuy nhiên, cuộc đối thoại phải căn cứ trên sự thống nhất cơ cấu của Giáo Hội và “bác bỏ những thể thức hiệp nhất không thích đáng của các Giáo Hội hiệp nhất”. Một khi điều kiện tiên quyết ấy đã đạt được, nền tảng của sự thống nhất sẽ là thống nhất truyền thống tông đồ, thống nhất đời sống bí tích và đời sống tâm linh. Như vậy, Chính Thống Giáo đặt một cương lĩnh chung, không bác bỏ hành động cá nhân của các thành phần của họ. Ðó là những quyết định thận trọng, chắc chắn, tuy có tính cách hạn chế, nhưng không tiêu cực. Tòa Thánh Roma đã gởi đến đó một đại biểu chính thức, liền nhận được bản thông báo chính thức những quyết định đã được xác nhận (15.2.1965). Nhưng người ta không chối được rằng: không khí bị xáo trộn do những hậu quả đáng tiếc đã đánh dấu những giai đoạn chính của khóa thứ ba. Tuy nhiên, cả hai bên đều mong muốm khám phá ra một con đường hợp tác mới, cả hai bên đều đưa ra nhiều sáng kiến mới, tỉ như Giáo Hội Nga càng ngày càng quan tâm đến những cuộc hội họp về tôn giáo siêu quốc gia, gợi ý thành lập một Ban phối hợp giữa các Giáo Hội khả dĩ trao đổi ý kiến về những “đề tài có lợi ích chung cho tất cả..., trong tinh thần Sobornost và hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi giữa những người đối thoại” (12.1964).
Tinh thần thảo luận trong hội nghị lan rộng đến những Giáo Hội Chính Thống không theo Công Ðồng Chalcédoine. Sau những lần tham khảo ý kiến bán chính thức ở Aarhus (Ðan mạch) giữa các đại diện của họ và những đại diện của Chính Thống Giáo trong khung cảnh của Hội đồng đại kết và của hội nghị Ðức tin và Hiến chương (từ 11 đến 15.8.1964), sáu Giáo Hội trước Công Ðồng Chalcédoine tổ chức một cuộc họp riêng ở Addis-Abeba (từ 15 đến 21.1.1965) ở đó họ nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến các Giáo Hội của họ, cũng như những vấn đề quan hệ của họ với những Giáo Hội khác. Ðối với Giáo Hội Công Giáo, sự mở rộng của họ dường như không lập lờ nước đôi: họ lạc quan chào đón “sự thức tỉnh đầy ý thức đại kết”, và họ nhất tâm đi vào con đường đối thoại. Tuy nhiên, theo gương những lập trường đã được chấp nhận ở Rhodes, các Giáo Hội ấy xin Giáo Hội Roma “duyệt xét lại cả lý thuyết lẫn thực hành việc duy trì những Giáo Hội hiệp nhất và sự lôi cuốn những thành phần của các Giáo Hội chúng tôi”. “Ðiều kiện tiên quyết về Giáo Hội hiệp nhất” dường như được đặt ra ở khắp nơi và đòi hỏi duyệt xét lại toàn bộ: đó là điều kiện tiên quyết đi vào cục diện đại kết mới.
Trong khi Ðông Phương Chính Thống Giáo đã nhất trí về giáo lý và thực hành đối với những tóa thượng phụ hiệp nhất, thì Tòa Thánh Roma trong quan điểm của mình, vẫn chưa thăng cấp đúng mức các tòa thượng phụ này. Vì thế, trong hội nghị hồng y ngày 22.2.1965, đức giáo hoàng Paul VI đã quyết định nâng lên cấp hồng y ba thượng phụ công giáo, trong đó có Maximos IV người đã chấp nhận với những điều kiện không mấy trong sáng, việc mà ngài đã luôn luôn từ chối. Ngài tưởng rằng được bước vào thượng nghị viện mới của Giáo Hội Roma, nhưng những hy vọng của ngài là những ảo tưởng. Bởi vậy có nhiều phản ứng tiêu cực trong lòng Chính Thống Giáo, cũng như có nhiều bất mãn và nhiều cạnh tranh xẩy ra ngay trong những Giáo Hội hiệp nhất. Vấn đề Giáo Hội hiệp nhất lại được đặt ra, nhưng lần này nằm trong khung cảnh Giáo Hội Roma và trong hệ thống thượng phụ. Trước những vụ việc như vậy, người Chính Thống Giáo lại sống trong e sợ và giữ thái độ mong chờ.
Những rắc rối ấy không làm ngăn trở tòa thượng phụ hoàn vũ tiếp tục liên hệ khăng khít với Giáo Hội Roma. Ðôi bên đã dần dần đi đến việc bỏ vạ tuyệt thông lâu đời lẫn nhau. Chuyến du hành của đức hồng y Bea đến Istanbul (từ ngày 2 đến ngày 6.4.1965) khởi đầu công việc này và cuộc viếng thăm Sainte Sophie có một “tính cách phục hồi” được chú ý và được mong muốn. Ngày 6 tháng 6 sau đó, vị đại diện của Athénagoras ở Luân Ðôn đã đọc tại Westminster Abbey một bài diễn văn để chuẩn bị tâm trí mọi người đón nhận “biện pháp xá giải lẫn nhau”. Khoá họp cuối cùng của Công Ðồng Vatican II đã thực hiện niềm hy vọng “xá giải tương hỗ” đó.
Khoá cuối cùng này (từ 12.9 đến 21.11.1965) bắt đầu bằng một quyết định lịch sử: quyết định lập Thượng hội đồng giám mục trong lòng Giáo Hội Công Giáo, như một cơ quan có cấu trúc tập thể làm việc cho và ở trong khung cảnh của Tòa Thánh. Mặc dầu cơ quan mới này của giám mục đoàn không có việc biểu quyết cốt yếu như thường có trong mọi hội nghị truyền thống, nhưng luôn chứng tỏ ý chí của Tòa Thánh muốn đáp lại phần nào sự mong ước của giám mục đoàn và theo gần đúng cơ cấu của Giáo Hội thời xa xưa. Mặt khác, nếu không có những cuộc thảo luận lớn về giáo lý có liên quan đến Ðông Phương Kitô giáo thì người ta lại dự vào một cuộc bàn cãi lớn làm sáng tỏ những điểm khác biệt chính yếu giữa những kỷ luật Ðông Phương và La Tinh. Chính một giám mục Ðông Phương, đức cha Zoghby, người Melkite, đã nêu lên một cách bất ngờ vấn đề “người phối ngẫu vô tội và quyền hạn họ có để tái hôn trong những trường hợp được xác định”. Cuộc bàn cãi vừa mới bắt đầu không thể đi đến một giải pháp tức thời, vì trước tiên đôi bên đã thiếu sót trong việc cập nhật hóa hồ sơ này. Nhưng vấn đề được đặt ra đã có một tiếng vang rộng lớn trong dư luận quần chúng thường không biết gì về những dữ kiện lịch sử và thần học, cũng như thường bị day dứt trong lương tâm Kitô giáo của mình.
Ðiểm cao nhất của khoá thứ ba, theo quan điểm của chúng tôi, chắc chắn là sự bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa Giáo Hội Roma và tòa thượng phụ Constantinople, được chuẩn bị kỹ càng bởi một ủy ban hỗn hợp. Hành động trang trọng cũng như cảm động ấy diễn ra ngày 7 tháng 12, trong một buổi họp khoáng đại của Công Ðồng. Tiếp theo, cái hôn chúc bình an cho nhau của đôi bên đã đặt hai Giáo Hội, chia rẽ nhau gần một ngàn năm, trở lại trên con đường thống nhất. Công Ðồng Vatican II đã từ từ đi đến đỉnh cao ấy và chấm dứt trong chiều hướng mà đức giáo hoàng Gioan XXIII đã mong ước từ đầu.
Kể từ đó, cả lịch sử của Giáo Hội Ðông Phương được xác định bằng sự kiện lịch sử có giá trị hàng đầu ấy. Những sáng kiến về sau, những sự xác định lập trường cũng như những hành vi khuyến khích của các ngành đức tin khác nhau tự đặt mình trong viễn cảnh mới của ý muốn giải hòa cả đôi bên, với mục đích thực hiện sự hiệp thông liên Kitô giáo và nền thống nhất toàn vẹn. Tuy nhiên còn phải có một thời gian trước khi đức giáo hoàng Paul VI và thượng phụ Athénagoras đích thân đóng ấn vào văn bản trọng đại của nhiệm kỳ đứng đầu Giáo Hội của mỗi vị bằng cuộc viếng thăm Tòa riêng của đôi bên. Ðức giáo hoàng hành động trước, ngài thực hiện một cuộc hành hương đến Constantinople và Ephèse vào hai ngày 25 và 26 thánh 7 năm 1967. Hoàn cảnh không cho phép ngài đi đến Antioche, tòa thứ nhất của thánh Phêrô. Những lời tuyên bố của hai vị đứng đầu Giáo Hội chứng thực rằng: trên con đường thiêng liêng và thần học đã trải qua, hai bên “lại khám phá ra nhau là Giáo Hội anh em”, đồng thời chấp nhận “mọi khác biệt phong tục trong sự thống nhất đức tin” của đôi bên. Như vậy, một công việc mới bắt buộc phải làm ngay từ bây giờ. Việc ấy là phải “chấp nhận mọi hy sinh, và cả đôi bên đều phải loại bỏ, với một sự quên mình hoàn toàn, tất cả những gì trong quá khứ xem ra là giúp cho sự thống nhất của Giáo Hội, nhưng trên thực tế, đã tạo ra những chia rẽ khó vượt qua. Khi về Roma, đức giáo hoàng khẳng định lại niềm tin tưởng của ngài vào Ðông Phương, ngài nói: họ là ”bực thầy trong sự nghiền ngẫm về sự thật đã được mặc khải”. Chính vào lúc bế mạc Thượng hội đồng Giám mục Công giáo lần thứ nhất (từ 29 tháng 9 đến 28.10.1967), vị thượng phụ của ”thành Roma mới” đến thăm đức giám mục của thành Roma thứ nhất, sau một cuộc hành trình dài đưa ngài từ những thủ đô Balkan đến Luân Ðôn. Tính cách trang trọng của các lễ nghi tại Tòa Thánh và việc lập lại những lời tuyên bố trước kia, làm cho cuộc hành hương đến Roma thành một chặng đường quyết định, trước “việc hai Giáo Hội cùng lên đường” đi tới mục đích đã đặt ra.
Một “lịch sử mới của Giáo Hội” bắt đầu như thế trong những mối quan hệ và trong đời sống của Ðông Phương và Tây Phương Kitô giáo. Chúng ta đã cảm thấy những bước đầu của kỷ nguyên canh tân hoàn vũ mà việc thượng phụ Athénagoras qua đời (7.7.1972) không làm khựng lại. Sao thế hệ của chúng ta lại không thấy việc nẩy mầm hạt giống mới, mà các đức giáo hoàng đã vun trồng? “Tinh thần mới chủ trì số phận mới của Giáo Hội” bảo trì bí mật của mọi hành động đổi mới Kitô giáo.