CHƯƠNG II
CÔNG GIÁO ÐÔNG PHƯƠNG
GIỮA HAI THẾ CHIẾN
CHƯƠNG II
CÔNG GIÁO ÐÔNG PHƯƠNG
GIỮA HAI THẾ CHIẾN
I. KHUNG CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO
Cuộc Thế chiến thứ nhất và những di hại tiếp ngay sau đó, đối với Kitô Giáo Ðông Phương, có những hậu quả thảm hại. Chưa bao giờ, từ khi Constantinople bị chiếm đóng (1453) và đế quốc Byzantine bị mất đi, Chính Thống Giáo đã bị một tai họa liên quan đến thể chế và đến sự tồn tại của mình một cách nặng nề như thế. Bề ngoài, dường như không còn di tích gì của khung cảnh xã hội chính trị đã ủng hộ một Kitô Giáo liên kết chặt chẽ với những cơ cấu khác nhau của Nhà Nước, trong hai đế quốc Ðông Phương đối kháng nhau.
Ở Nga, sự cắt đứt dữ dội những sợi dây liên lạc lâu đời và bền chặt của Giáo Hội và Nhà Nước tiếp theo cuộc cách mạng xã hội và Bolchevique tạo nên một khoảng trống về cơ cấu, rồi liền sau đó là một sự chống đối về ý thức hệ với những hậu quả không lường được. Ðã hẳn là hội nghị liên Nga và cải cách của Moscou (từ tháng 8 đến tháng 10.1917) thiết lập lại thể chế thượng phụ được xem như biểu tượng và khí cụ độc lập của hàng giáo sĩ. Nhưng cuộc nội chiến và sự chiến thắng của chủ nghĩa bolchevisme làm tan rã sự thống nhất của Giáo Hội, thách đố ý thức công dân của tín hữu, và tách rời dần dần và thường khi dữ dội, nhiều triệu giáo dân ra khỏi lòng Giáo Hội. Cho đến cuộc xung đột thế giới thứ hai, Giáo Hội Nga phải sống bên trong biên giới của liên bang Xô Viết, theo một qui chế bấp bênh và trong những điều kiện không mấy thuận lợi cho sự sống còn. Giáo Hội chỉ còn là cái bóng ma, trong khi một số quan trọng thuộc hàng giáo phẩm, những nhà thần học, tư tưởng gia và giáo dân phải lưu vong. Ngược lại, nhiều cộng đoàn người Nga ở hải ngoại đã dần dần thành lập lại, sẽ là chứng tá cho sự toả rạng của đời sống tâm linh và làm cho nhiều người Tây Phương thấy rõ sự phong phú về tôn giáo và những giá trị tích cực của Kitô Giáo Ðông Phương.
Trong đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ cũ), chính thống giáo Hy Lạp - Ả Rập phải chịu một hình thức tan rã khác. Những cộng đoàn Kitô Giáo khác nhau ra khỏi chiến tranh, bị suy yếu đi vì những thời kỳ đói kém lâu dài và nhiều cuộc tàn sát ở Anatolie, ở Arménie và ở Cilicie, tại miền Bắc Mésopotamie và Syrie. Sự tan rã của đế quốc tiếp theo cuộc đình chiến Mudros (30.10.1918) và sự chiếm đóng Constantinople (1919-1923), rồi sự thành lập chế độ ủy nhiệm của Anh và Pháp trong những tỉnh Ả Rập của miền Trung Ðông đem đến một hậu quả: Thay vì phải tiếp xúc với một chính quyền Hồi Giáo, độc nhất, có nhiều tư tưởng tự do và rất kính trọng cương vị xã hội riêng biệt của những cộng đoàn tôn giáo khác nhau, những cộng đoàn này từ đó trở đi phải tự vệ chống lại miếng mồi của Kitô Giáo ngoại quốc, giàu có và xâm lấn, được các nước hùng mạnh nâng đỡ. Vả lại, những cuộc tranh đấu cho nền độc lập được tinh thần quốc gia Ả Rập khơi động, không bao lâu đã tăng lên, chống lại hình thức đế quốc thực dân được trá hình Âu Châu, áp đặt những cộng đoàn Kitô Giáo Copte, Melkite, Nestorienne, Syriaque, Maronite và Arménienne vào những sự lựa chọn chính trị, tôn giáo đối địch nhau. Dĩ nhiên sự lựa chọn không đồng đều ở mọi bậc thang xã hội của hàng giáo phẩm.
Tiếp theo việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía các đế quốc Trung Âu, nước Anh vội vã áp đặt nền bảo hộ của họ trên Ai Cập (18.12.1914). Thế là cái tỉnh thuộc Phi Châu ấy ra khỏi những viễn cảnh trực tiếp của sự cạnh tranh Âu Châu. Trong những tỉnh khác thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, việc truyền giáo Kitô xem ra được coi như là một nhân tố quan trọng, nếu không phải là chủ yếu. Ngay từ 1915, trong niềm phấn khởi của những chiến thắng đầu tiên, những người Ðức đã chuẩn bị thừa hưởng gia tài truyền giáo và văn hóa của người Pháp ở phương Ðông. Nhưng Công Giáo Pháp phản ứng liền. Vào mùa hè 1915, các môi trường truyền giáo đòi cho quốc gia của họ, nhân danh sự bảo hộ tôn giáo của nước Pháp ở Syrie, chủ quyền mà hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm giữ trên các lãnh thổ Ðông Phương, đi từ quận Adana tới Arabie Pétrée và từ Méditerranée phía Ðông tới sa mạc Syrie - Mésopotamie. Trong sự đương đầu chính trị tôn giáo ấy về số phận của miền Cận Ðông Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả mọi người đều tin rằng những ý đồ quốc gia trùng hợp với ý Chúa quan phòng và lợi ích của Giáo Hội. Ngay cả Tòa Thánh cũng không nhìn số phận của Constantinople mà không lo lắng. Vào lúc có các cuộc điều đình giữa Pháp, Anh và Nga vào mùa xuân 1915 về sự phân chia có thể có của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, đức cha trẻ tuổi Pacelli đã nhân danh quốc vụ khanh bày tỏ cho vị sứ giả Nga ở Vatican, Nélidov, những mối e ngại của ngoại giao Tòa Thánh về số phận của Sainte Sophie. Sự sáp nhập Constantinople vào nước Nga Chính Thống Giáo xem ra như một tai hoạ trầm trọng hơn là phong trào Cải Cách”.
Nhưng những quyền lợi chính trị và thuộc địa của đồng minh vượt quá những viễn cảnh tôn giáo như người ta đều biết. Tiếp theo những cuộc điều đình liên tiếp được đánh dấu bằng các thỏa ước quốc tế, đồng minh dần dần kéo đến tọa lạc trong những tỉnh cũ thuộc vương quốc Ottoman mà vẫn phải đương đầu với những phong trào quốc gia hung dữ của ngươi Ả Rập. Giữa những tháng cuối năm 1918 và mùa hạ năm 1923, một thời kỳ căng thẳng chính trị làm lay chuyển cả miền Cận Ðông Phi Á. Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự đương đầu Anh - Ai Cập và việc đòi độc lập của Wafd de Zaghloul Pacha (11.12.1918), vụ đổ bộ của quân đội Pháp trên bờ biển Syrie (từ tháng 10 đến tháng 12.1918), vụ chiếm đóng Thrace cũng của quân đội Pháp và việc bao vây Constantinople của đồng minh (1918-1923), hội nghị Marseille (từ ngày 3 đến ngày 5.01.1919) đã đặt những căn cứ lịch sử và kinh tế dưới sự hiện diện của nước Pháp ở phương Ðông, vụ bắt giữ và lưu đày vị lãnh tụ quốc gia Ai Cập Zaghloul Pacha (8.3.1919), sự đổ bộ của quân đội Hy Lạp tại Tiểu Á và cuộc tranh đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ của Kémal Pacha (15.3.1919). Thời kỳ này, cũng được đánh dấu bằng sứ mệnh ngoại giao và tôn giáo của đức hồng y Dubois, tổng giám mục của Paris, ở Syrie-Palestine (9.1919-1.1920), chuyến du hành của thượng phụ Maronite ở Paris cầm đầu một phái đoàn Liban để đòi thành lập nước Ðại Liban (11.1919), hội nghị San Remo và việc chấp nhận nguyên tắc về những ủy nhiệm Pháp Anh trên miền Cận Ðông (4-1920), vương quốc Ðại Syrie ngắn ngủi của vua Hachemite Faycal bị tiêu tan do sự can thiệp bằng quân sự của Pháp và vụ chiếm cứ Damas (3.7.1920), việc thành lập nước Ðại Liban (1.9.1920). Cũng trong thời kỳ này còn có những hiệp ước Pháp Anh về sự vạch ranh giới những miền được ủy nhiệm của mỗi nước (23.12.1920), sự thành lập vương quốc Irak cho Faycal, nhưng đặt dưới quyền giám hộ của Anh (23.8.1921), sau khi người anh của ông Faycal là Abdallah, nhận lãnh trách nhiệm về vùng Transjordanie (27.3.1921), sự tuyên bố đơn phương của người Anh chấm dứt quyền bảo hộ trên Ai Cập (28.2.1922), sự xác nhận của Liên Hiệp Quốc về quyền ủy nhiệm của nước Pháp và Anh trên Syrie và Palestine (24.7.1922), cuối cùng việc thừa nhận nước Thổ Nhĩ Kỳ của Ataturk do hiệp ước Lausanne (24.7.1923).
Giai đoạn cuối cùng này thừa nhận sự thất bại của Hy Lạp ở Tiểu Á, cũng là sự thất bại mới của Chính Thống Giáo. Người Hy Lạp dấn mình vào một cuộc phiêu lưu mang dáng vẻ của một thiên anh hùng ca tôn giáo và văn hóa, nhằm lập lại Kitô Giáo Hy Lạp ở Sainte Sophie và thực hiện tư tưởng Ðại Hy Lạp ở miền Ðông Méditerranée. Nhưng sự thất bại của họ không những làm tiêu tan các mộng phục hưng đế quốc Byzantine Kitô Giáo ở Constantinople, mà còn làm cho mấy triệu tín đồ chính thống giáo ở Tiểu Á, di tản đi các nơi, giống như trường hợp của cộng đoàn tản mác của Nga vào những năm trước đó.
Sau thời kỳ sóng gió đã chứng kiến sự lập lại bản đồ hiện nay của miền Cận Ðông, các nước Ðông Phương bị thúc đẩy nổi dậy bởi những làn sóng mới quốc gia chủ nghĩa cay chua, dồn họ vào một hành động tự vệ chống lại sự sáp nhập của Âu Châu và việc đặt lại vấn đề những giá trị chính yếu của nền văn minh và của sự thống nhất của thế giới Ả Rập. Việc Alaturla bãi bỏ vương triều Thổ Nhĩ Kỳ và việc trục xuất vị vua Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng (1.3.1924) đặt vấn đề thể chế truyền thống của cộng đoàn hồi giáo. Sự thành lập vương quốc Ả Rập Hedjaz cho Abdel-Aziz Ibu Séoud (8.1.1926) chấm dứt những tham vọng của những người Hachémites về sự nối ngôi vua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó trên bình diện thần học và luật pháp, các tư tưởng gia phác họa những hình thức mới về một cộng đoàn Ả Rập Hồi Giáo tương lai. Ðặc biệt Sanhoury xuất bản vào năm 1926 tác phẩm Le Califat, son évolution vers une Société des Nations orientales (sự tiến triển của vương triều Califat về một xã hội những quốc gia Ðông Phương). Trong tác phẩm này, tác giả khuyên nên tiến tới một liên minh Hồi Giáo và Kitô Giáo như là nền tảng của sự tiến triển chính trị tôn giáo của vùng Cận Ðông.
Trong những năm kế tiếp, vùng Cận Ðông Ả Rập khôi phục lại dần dần những nguyên tắc thống nhất của họ trong mọi địa hạt, trái ngược với các sức mạnh phân tán làm chậm lại sự tiến triển của vùng này. Hội nghị về sự thống nhất Syrie, họp ở Damas vào tháng 6.1928, cho thấy bề sâu của tư tưởng thống nhất trong những miền bị đặt dưới hệ thống ủy nhiệm, và cũng năm ấy Hassan-el-Banna tổ chức ở Ai Cập những chi bộ anh em hồi giáo đầu tiên của frère musulmans. Rồi ngày 18.9.1932, vương quốc Arabie Séoudite được tuyên bố thành lập và, một tháng sau, Irak được công nhận như một quốc gia độc lập. Những hành động quốc tế này đẩy nhanh sự tiến triển chính trị và xã hội của các nước khác. Vào tháng 8.1936, những người trong phe quốc gia Ai Cập đạt được hiệp ước giải phóng trên nguyên tắc, đã đòi hỏi từ lâu. Trong khi đó, Mặt trận Bình dân ở Pháp lên cầm quyền đem đến hậu quả là thừa nhận trên nguyên tắc nền độc lập của Syrie vào tháng 9 và của Liban vào tháng 11 trong năm ấy. Vài tháng sau, thỏa ước Montreux (tháng 5.1937) bãi bỏ vĩnh viễn chế độ lâu đời về hàng ước và về những đặc quyền của người ngoại quốc. Một làn gió mới thổi đến các nước này, họ bắt đầu nhìn tương lai dưới những viễn cảnh mới, viễn cảnh của chủ quyền trọn vẹn. Nhưng thế chiến thứ hai sẽ làm cho sự tiến triển bình thường bị ngưng lại nhiều năm.
Thế chiến thứ nhất làm đảo lộn tất cả các dữ kiện lâu đời đã tạo nên sự thống nhất chủ yếu của Chính Thống Giáo. Trong những năm kế tiếp, không những sự khác nhau và sự chống đối nhau của các chính thể chính trị và xã hội, mà cả những nỗi thăng trầm của hoàn cảnh bên trong của các Giáo Hội làm cho sự hiệp thông giữa những cộng đoàn tôn giáo biệt lập bị lu mờ. Tuy nhiên, cảm tưởng sâu xa rằng sự thống nhất vượt xa trên sự chia rẽ bề ngoài của các cộng đoàn tôn giáo biệt lập quốc gia đã được khẳng định một lần nữa và ngay vào lúc chiến tranh, bởi một nhà thần học của miền Pétrograd. Ông này bày tỏ lòng kính trọng quyền tối thượng của tòa Constantinople. Những lời tuyên bố của ông được in trong một tạp chí thần học ở New York, làm sáng tỏ những phương diện chủ yếu của lịch sử lờ mờ và sóng gió của Chính Thống Giáo giữa hai thế chiến. Tiếp đến, ông J. Sokoloff đề tựa bài viết của ông “Byzantium, the Preserver of Orthodoxy” (Byzantin, người quản thủ của chính thống), trong đó ông cố gắng xác định yếu tố thống nhất đã nối liền những cộng đoàn chính thống giáo biệt lập với tòa thượng phụ Constantinople như sau: “Hãy tránh xét đoán các sự việc của Ðông Phương Chính Thống Giáo với các phạm trù quen thuộc của chúng ta”. Chính Thống Giáo có tham vọng tự mình tồn tại với quyền lực của các tín điều cũ và các giáo luật cũ làm nền tảng. Những cộng đoàn tôn giáo biệt lập không phải là những cộng đoàn ly khai theo cái nhìn của Chính Thống Giáo, mà là những tập đoàn hợp pháp, quốc gia này hay quốc gia khác, trong một sự thống nhất về đức tin chỉ cần có tính cách huyền nhiệm. Trên nền tảng những tín điều và những giáo luật hoàn vũ, Giáo Hội Constantinople không bao giờ có ý mở rộng quyền thống trị của mình trên các Giáo Hội Ðông Phương khác, mặc dù làm như thế sẽ có lợi và lịch sử chung của họ đã cho họ nhiều dịp để làm việc ấy. Nguyên tắc nối liền họ với nhau là sự “chính thống”, nghĩa là sự vâng phục các tín điều và các giáo luật, mỗi Giáo Hội vừa giữ phẩm giá biệt lập của mình vừa bảo toàn sự đoàn kết huynh đệ với các Giáo Hội khác, tất cả đều cùng nhau quan tâm đến vấn đề chung tương hỗ, không để cho sự độc lập của một Giáo Hội nào bị tổn thương hay mất thể diện (1).
Chính trong viễn cảnh đó và theo tinh thần đó mà sử gia phải cố tìm hiểu sự tiến triển của những cộng đoàn chính thống giáo biệt lập.
Tình hình của Giáo Hội Nga đặc biệt bi thảm. Ngay từ tháng 8.1917 một công nghị liên Nga đã khai mạc ở Moscou. Ngày 28.10, công nghị đã bầu đức cha Tykon tổng giám mục ở Wilna làm thượng phụ của Moscou và cả nước Nga. Như vậy đã được phục hồi một thể chế chính yếu cho cộng đoàn biệt lập đã bị vua Pierre le Grand bãi bỏ năm 1720. Nhưng Giáo Hội quốc gia mất các đặc quyền cũng như phần lớn của cải vào các năm 1918-1919 và mấy trăm tu viện bị đóng cửa. Sự chống đối cương quyết chính thể mới của vị thượng phụ có hậu quả là ngài bị bắt giữ vào mùa xuân năm 1922, và việc ngài bị đẩy xa khỏi mọi công việc, giúp cho một Giáo Hội ly khai thành hình, gọi là “Giáo Hội công nghị”. Vào tháng 5.1923, Giáo Hội này triệu tập một “công nghị ly khai”(Synédrion schismatique). Synédrion này lấy nhiều biện pháp cải cách như bãi bỏ luật độc thân cho các giám mục, cho phép các linh mục đã kết hôn được tái hôn lần thứ hai và ấn định một lối tổ chức mới về công nghị của Giáo Hội. Lúc bấy giờ thượng phụ Tykon thay đổi lập trường: ngài thừa nhận chế độ Xô Viết và hứa sẽ trung thực tuân theo hiến pháp mới (28.6.1923) với điều kiện là ngài có thể thi hành nhiệm vụ của ngài và tranh đấu chống lại sự ly khai. Lập trường của thượng phụ Tyko bị hiểu lầm khá nhiều, ở Nga cũng như ở ngoại quốc. Thượng phụ Tykon căn cứ vào một giáo huấn cổ điển: ca ngợi sự phân chia các lãnh vực nhất thời hay chính trị với tôn giáo và cổ võ đường hướng “Giáo Hội tự giới hạn trong lãnh vực riêng của mình” (2).
Khi thượng phụ Tykon qua đời, ngày 2 tháng 4.1925, hoàn cảnh rối loạn của Giáo Hội không cho phép tổ chức một “công nghị bầu cử”. Vị đại diện tòa thượng phụ là giáo chủ Serge de Novgorod, bắt đầu những cuộc điều đình với giới thẩm quyền Xô Viết để dập tắt sự tuyên truyền của Giáo Hội ly khai. Trong khi một đại biểu của Roma là đức cha d'Herbigny, cố gắng nhưng không có kết quả, tổ chức riêng một hàng giáo phẩm Công Giáo cho cả lãnh thổ Nga. Những cuộc điều đình giữa đức cha Serge và giới thẩm quyền Xô Viết đưa đến một loại thỏa ước ký ngày 20.5.1927. Chính phủ thừa nhận chính thức Giáo Hội của các thượng phụ trong những nước Cộng Hoà Xô Viết và giáo chủ Serge được xem như locum tenens (quản thủ cơ sở: đại diện) của tòa thượng phụ công nghị. Về phía giáo chủ, từ ngày 16 đến ngày 29 tháng 7.1927, ngài công bố một bức thư thừa nhận sự hợp pháp của quyền hành Xô Viết và mời gọi tất cả các thành phần của Giáo Hội Nga, ngay cả những người ở ngoại quốc, ngừng tất cả các hoạt động chống đối chính thể, nếu không thì sẽ bị xóa tên trong các danh sách giáo dân.
Sự tuyên bố trung thành mới ấy kéo theo những cuộc xáo trộn mới trong Giáo Hội. Ở Liên Xô, nhiều tổng giám mục bỏ Giáo Hội chính thức và lập ra, với những người theo họ, một thứ Giáo Hội ẩn trốn trong các hầm. Các cộng đoàn tản mác ra bốn phương, rất chia rẽ nhau, qui tụ vào ba trung tâm chính ở Bắc Mỹ, ở Tây Âu và ở Trung Âu (trung tâm này tập trung chung quanh hội nghị Karlovitz). Cả ba trung tâm đều hung hăng chống đối giáo chủ Serge, rồi tự động lập ra các Tòa có quyền tài phán cạnh tranh nhau. Những Tòa này sáp nhập chính thức vào tòa thượng phụ Constantinople, các Tòa khác muốn hoàn toàn tự trị ngay trong lòng các Giáo Hội Chính Thống.
Nhưng cử chỉ giải hòa của giáo chủ Serge không làm cho nhà nước Xô Viết “nương tay bóp chẹt các Giáo Hội về phạm vi hành chánh”, nhiều phen thật sự là bị đàn áp hay bách hại! (một thời gian có đến 150 giám mục bị giam giữ trong một trại tập trung trên biển Blanche). Trong khi đó “những người chủ trương không có Chúa” (les sans-Dieu) mở ra một chiến dịch quy mô chống lại mọi hình thức tôn giáo. Nếu đã có một sự hòa hoãn vào năm 1931, rồi 1936, thì những cuộc thanh trừng đổ máu những năm sau lại đánh mạnh vào Giáo Hội: Hoạt động của Giáo Hội bị tê liệt, như bị ru ngủ hoàn toàn. Tuy nhiên một phần dân chúng đáng kể, nhất là ở thôn quê, chống lại một cách can đảm mọi tuyên truyền chống tôn giáo và sau thế chiến thứ hai, người ta nhận thấy rằng Giáo Hội Nga vẫn còn sống với một tỷ lệ đáng kể, sau hai mươi năm đàn áp gần như không ngừng.
Số phận của tòa thượng phụ Constantinople đi theo những con đường nếu không bi thảm như vậy, thì ít ra cũng bấp bênh không kém. Tòa thượng phụ đại kết bị luật trần tục và chống Hy Lạp đè nặng!
Ðể thực hiện những giấc mộng của một nước Ðại Hy Lạp trên những đổ nát của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Vénizélos kêu gọi giám mục của Kition ở Chypre là Mélétios Métaxakis. Venizélos đặt vị này làm giáo chủ Athènes. Theo ý họ, Tòa này sẽ là bàn đạp tiến đến Tòa Constantinople. Sự thực, khi vị thượng phụ hoàn vũ bị bãi chức (24.10.1918) dưới áp lực của dân chúng và dưới mắt của các cường quốc đồng minh chiếm đóng “vì ngài quá ủng hộ đảng Jeunes Turcs của ngài”, thì khi đức Métaxakis lên kế vị, ngày 8.12.1921, Tòa đã bị bỏ trống gần ba năm rồi.
Chính trong thời gian tòa thượng phụ bị bỏ trống ấy mà “hội nghị hoàn vũ” đã đáp ứng lời kêu gọi của tổ chức World Conférence of Union được lập ra dưới sự thúc đẩy của Robert H. Gardiner, xuất bản vào tháng 1.1920: “Thông điệp cho tất cả các Giáo Hội trên hoàn vũ”. Tổ chức World Conférence đã liên hệ với đức giáo hoàng Benoit XV ngay từ ngày 2.11.1914, nhắc lại sự nghiệp đoàn kết của đức giáo hoàng Léon XIII và ước muốn cộng tác với Giáo Hội Roma là “Giáo Hội đã luôn luôn tỏ ra vô địch về sự thống nhất Kitô Giáo”. Nhưng những cuộc điều đình với Vatican chỉ đưa đến sáng kiến “cầu nguyện cho sự thống nhất” (từ tháng 2 đến tháng 4.1916). Vào mùa xuân năm 1919, những người đại diện của World Conférence đi một vòng Âu Châu và vùng Cận Ðông. Họ được đức giáo hoàng tiếp kiến, và những văn kiện người ta trao cho họ chỉ là những lời hứa mơ hồ. Trái lại, các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo ở Athènes và ở Constantinople đón tiếp họ ân cần hơn. Trở về Mỹ, những người đại diện của tổ chức World Conférence phổ biến một bản báo cáo về những viễn cảnh đối thoại hoàn vũ giữa các Giáo Hội. Trong bản văn ấy, họ nhấn mạnh về những cái lợi mà người ta có thể chờ đợi ở sự cam kết hoàn vũ của Chính Thống Giáo. Người ta đọc được ở đó những điều khẳng định khác: ”Những Giáo Hội Chính Thống Giáo Ðông Phương sẽ có một chỗ quan trọng trong hội nghị thế giới. Chỉ có óc bè phái Tây Phương muốn giảm thiểu sự hợp tác quan trọng của họ hay sự đóng góp của họ. Quá khứ cao quý của Giáo Hội Ðông Phương, lòng trung tín của họ đối với các đại công đồng, vị trí truyền thống không lay chuyển, chứng tá trung kiên đối với đức tin công giáo qua những thế kỷ bị bắt bớ, bao thiên tài đã sản xuất các nhà trí thức và các nhà thần học. Tất cả những điều đó cho các Giáo Hội Ðông Phương quyền thế và khả năng tuyên chứng độc nhất đối với bản chất nguyên thủy của Kitô Giáo. Sự hiện diện của những người đại diện Giáo Hội Ðông Phương là cần thiết để cho hội nghị có thể đạt được mục đích. Tây Phương có thói quen phân chia Kitô Giáo giữa Tòa Thánh và Tin Lành. Họ quên rằng ở Ðông Phương có nhiều triệu tín đồ kitô giáo, không phải là người công giáo Roma cũng không phải là lin lành giáo, nhưng luôn gắn bó với sự đơn sơ của Kitô Giáo nguyên thủy và có khả năng dạy cho những người ở trên nhiều bài học bổ ích” (3).
Lời kêu gọi hợp tác ấy thúc đẩy những người có trách nhiệm của tòa thượng phụ Constantinople soạn thảo thông điệp và gởi đến cho tất cả các Giáo Hội của hoàn cầu. Các giám mục thành viên của hội đồng đem sáng kiến của họ ra làm việc, một đàng theo cùng một chiều hướng xúc tiến sự thống nhất Kitô giáo của các Giáo Hội và đàng khác với Liên Hiệp Quốc mới thành lập. Họ chỉ vạch các mục đích phải theo đuổi và các phương tiện để đạt tới bằng cách đề nghị cả một chương trình đối thoại và hành động bắt đầu được thực hiện trên lãnh vực đại đoàn kết từ Vatican II (4). Còn lâu nữa, thông điệp ấy chỉ là một tài liệu lịch sử gắn liền với một hoàn cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ bị lỗi thời hoặc bị bỏ quên. Tuy nhiên, tinh thần của thông điệp ấy sẽ gợi ý để hàng giáo phẩm chính thống tham dự các hội đồng đại đoàn kết hay là các hội nghị của Anh Giáo ở Lambeth. Nhưng giữa lúc đó, tòa thượng phụ ở Constantinople bị bắt buộc phải tập trung mọi nghị lực và những công việc cấp thiết hơn và gần kề hơn. Việc cần thiết là tìm cách làm cho các thể chế giáo luật và phụng vụ được thích nghi với những cơ cấu xã hội hay tôn giáo mới sau chiến tranh.
Một trong những thử thách đầu tiên mà tòa thượng phụ Constantinople phải đối diện là một phương án của Mustapha Kémal, người chủ mới của nước Thổ Nhĩ Kỳ: ông này muốn thành lập một tòa thượng phụ chính thống giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở Anatolie. Ðược quốc hội ở Ankara bàn cãi ngay từ tháng 5.1921, phương án ấy bắt đầu được thực hiện bởi phong trào chống đối Constantinople, được Euthymios ủng hộ ngầm. Euthymios đã thành công trong việc tập hợp một số người bất mãn và duy trì những xáo trộn ngay tại khu Phanar một thời gian. Ít lâu sau ông lại dựa vào những lập trường bài ngoại và lãnh đạo một cộng đoàn ly khai đến nay vẫn còn tồn tại.
Mélétios VI Métaxakis đánh dấu nhiệm kỳ thượng phụ Constantinople ngắn ngủi của mình (8.12.1921-10.7.1923) bằng những hoạt động cải cách sâu rộng. Ðầu tiên là việc tổ chức tòa tổng giám mục chính thống giáo Hy Lạp ở Châu Mỹ. Thượng phụ cho Tòa này một qui chế tôn giáo gần giống như một Giáo Hội biệt lập vừa giữ một dây liên lạc về quyền tài phán với Constantinople (vị thượng phụ tương lai Athénagoras sẽ đứng đầu Tòa ấy từ 1931). Nhiều Tòa tổng giám mục cũng được thành lập ở Âu Châu, trong số đó có các Tòa ở Estonie, Lettonie và Finlande. Về phần Albanie, nước này đơn phương tuyên bố vào năm 1922 sự biệt lập của mình. Sự biệt lập này chỉ được thừa nhận chính thức vào ngày 12.4.1937. Thượng phụ nỗ lực tổ chức một đại hội liên Chính Thống Giáo để chuẩn bị cho một công đồng liên Chính Thống Giáo, vào năm 1925, nhằm ý kỷ niệm một trăm năm lần thứ XVI của công đồng hoàn vũ đầu tiên tại Nicée, đồng thời để đưa ra thảo luận và biểu quyết những đường hướng canh tân hầu cập nhật hóa Chính Thống Giáo. Nhưng sự từ chức của Métaxakis vào tháng 7.1923 làm tiêu tan phương án lớn lao ấy.
Những người kế vị của vị thượng phụ hăng say Métaxakis rơi vào nhiều hoàn cảnh bi thảm, đến nỗi ngay từ năm 1925, các quan sát viên bi quan đã đặt vấn đề về số phận của chính tòa thượng phụ ở Constantinople. Thiếu mọi ủng hộ của chính quyền, tòa thượng phụ Constantinople hầu như bị sụp đổ. Tuy nhiên, ý tưởng về một đại hội nghị không ngừng hướng dẫn hành động của tòa thượng phụ. Ðức Basile III cố gắng tổ chức một công nghị như vậy vào dịp lễ Hiện Xuống năm 1925, nhưng không thành công. Năm sau, ngài quay về Vatican và tuyên bố nhiều lần với các vị thượng khách, trong đó có đức cha Roncalli, sau là giáo hoàng Jean XXIII rằng: ngài xác tín vào sự đoàn kết thiết yếu của các Giáo Hội và mặc dầu tuổi tác, ngài sẵn sàng đến Roma xin đức giáo hoàng triệu tập một công nghị giám mục để nghiên cứu những vấn đề chủ yếu ấy.
Tuy nhiên, những biến cố của phong trào đại kết làm chậm lại sự hoàn tất viễn cảnh tốt đẹp ấy. Tiếp theo hội nghị Foi et Constitution (Ðức tin và Hiến chế) ở Lausanne (8.1927), đức giáo hoàng Pie XI công bố thông điệp Mortalium animos (Tâm trí của loài hay chết) (06.01.1928), trong đó những người chính thống giáo bị gọi là những người “tán thành những sai lầm của Photius”. Người chính thống nổi giận chống lại thông điệp, và những giám mục lỗi lạc dấn thân vào công trình đại đoàn kết, nắm lấy cơ hội để lên án thái độ kiêu ngạo, và nghi ngờ sự thành thật của giáo hoàng về sự thống nhất Kitô giáo. Theo họ, chủ trương quy nhất (uniatisme) của giáo hoàng chỉ là những phương thế lôi cuốn và La Tinh hóa Ðông phương Kitô giáo. Ngay cả Alivisatos, người có thái độ hòa giải, cũng tỏ bày sự đau khổ của mình về sự từ chối hợp tác và đối thoại ấy. Trong hầu hết các Giáo Hội biệt lập, người ta đều nghe những lời tố cáo các luận điệu của giáo hoàng, mà theo họ là đáng trách. Một lần nữa, bầu khí lại trở nên ngột ngạt và trầm trọng! Các giới chính thống lánh xa các câu lạc bộ công giáo, họ giao du, xích gần lại với tin lành, đặc biệt với Tin Lành Anh Giáo, thậm chí họ cộng tác với nhau về thần học. Việc bầu Photius II vào tòa thượng phụ Constantinople (7.10.1929) kế vị đức Basile III, cho thấy ý định của công nghị Constantinople là muốn giao phó số phận tinh thần của chính thống giáo cho một nhân vật rất cởi mở đối với thần học tin lành, và rất bận tâm và cương quyết xúc tiến chương trình canh tân. Người được đắc cử đã tốt nghiệp đại học ở Munich và ở Lausanne.
Các nhóm công giáo theo chủ trương đoàn kết thấy rõ bước ngoặt quan trọng này trên con đường giao hảo giữa Roma và chính thống giáo. Dom Lambert Beauduin liền bày tỏ ý nghĩ của mình bằng một công trình nghiên cứu táo bạo về “Sự tập trung Roma”, trong đó tác giả tổng hợp những lý lẽ phản bác mạnh mẽ của chính thống giáo về vấn đề này. Theo ngài: “Người chính thống coi Roma là hiện thân của một hệ thống tôn giáo đế quốc và có bản năng thu hút, trong đó một uy quyền tuyệt đối và không bị kiểm soát, có khuynh hướng tập trung và giữ độc quyền hoạt động của mọi cơ cấu Kitô giáo, tương đồng hóa, hệ thống hóa, để dễ chế ngự tất cả các hình thức biểu lộ ra bên ngoài của đời sống tôn giáo. Sự phân chia, mặc dù có những cái bất lợi cho chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi sự kìm chế ấy, một sự kìm chế có thể đã làm cho chúng ta mất đi bộ mặt riêng biệt của chúng ta, mất đi tất cả mọi truyền thống, tất cả mọi quyền lợi, tất cả mọi đặc ân: Chúng ta có thể đã không còn là chúng ta nữa (5). Và tác giả kết luận:“Co lại ở vòng ngoài và phình ra ở trung tâm, đó là kết quả không tránh được của sự tập trung quyền bính của Roma”.
Từ đó, trong nhiều năm, các Giáo Hội Chính Thống cắt đứt mọi tiếp xúc với Công Giáo Roma, nhưng ngược lại, họ tăng cường quan hệ với thế giới cải cách. Vào tháng 7.1930, nhiều vị lãnh đạo chính thống giáo, trong đó có Mélétios Métaxakis, mới được bổ nhiệm làm thượng phụ ở Alexandrie, đến tham dự chính thức hội nghị thứ VI của Anh Giáo ở Lambeth. Ở đó nhiều câu hỏi về liên giáo được nêu ra, nhất là sự truyền chức của Anh Giáo và một sự thông hiệp bí tích liên giáo. Vào tháng 11 cùng năm đó, một hội nghị hàng giáo sĩ và những nhà giáo dục chính thống họp ở Salonique dưới sự bảo trợ của phong trào đại đoàn kết Vie et Action(Sống và Hành động). Nhiều giáo sư uy tín của chính thống giáo đã đến tham dự, như Alivisatos, người Hy Lạp và Zander, người Nga.
Sự giải thể cộng đồng ly khai Bulgarie vào mùa xuân 1934 cho phép tiếp tục lại cuộc đối thoại liên chính thống giáo trên một căn bản rộng rãi hơn. Và chính trong sự hân hoan tìm lại được sự thống nhất mà thượng phụ Myron ở Roumanie trình lên vị thượng phụ hoàn vũ Photius II dự định táo bạo về một hội đồng thường trực Chính Thống Giáo ở Constantinople mà người ta đã bàn cãi từ mấy năm qua, trong các môi trường Chính Thống Giáo không phải Hy Lạp (12.1935). Dưới sự chủ tọa của thượng phụ hoàn vũ, hội đồng này gồm những đại biểu của tất cả các Giáo Hội biệt lập và có phận sự giải quyết những vấn đề Chính Thống Giáo có lợi ích chung. Nhưng thượng phụ hoàn vũ bác bỏ, vì dự định này sẽ đi đến chỗ thay thế hội đồng thượng phụ đã có phận sự giải quyết những vấn đề thực tế mà liên Chính Thống Giáo đệ trình.
Tuy nhiên phong trào thống nhất các lực lượng chính thống giáo đương nhiên tiến triển. Vào cuối tháng 11.1936, sau khi đã có một ban chuẩn bị hoạt động tại Bucarest, đại hội thần học chính thống giáo thứ nhất họp ở Athènes. Trong đại hội này H. Alivisatos đã đóng một vai chính yếu lỗi lạc. Người ta kiểm lại cả một chương trình phục hồi việc đào tạo và sự nghiên cứu trên bình diện liên đại học. Người ta lo hợp tác tích cực với công trình của phong trào đại kết và tự cảm thấy liên đới với Giáo Hội Nga đang sống trong hoàn cảnh tử đạo, “cũng như tất cả những Giáo Hội đang đau khổ vì đức tin”. Tất cả những biến cố đó đã giúp hội nghị thần học nhận ra gương mặt thật của mình trong thừa truyền chính thống giáo.
Trong viễn cảnh đó, sự hiện diện của các đại biểu chính thống giáo tại công nghị đại kết ở Oxford (Vie et Action, từ 12 đến 26 tháng 7 năm 1937) và ở Edimbourg (Foi et Constitution từ 3 đến 17.8.1937) được xem là chính đáng. Tuy nhiên, sự hòa nhập của chính thống giáo vào một phong trào còn gắn bó chặt chẽ với những mối liên hệ tôn giáo và xã hội gốc của họ xem ra còn khó khăn, như lời nhận xét khôi hài sau đây đã chứng tỏ: “Chúng tôi những người chính thống giáo, chúng tôi chỉ là những bông hoa bày trên bàn trong một bữa tiệc tin lành Hoa Kỳ”.
Ðàng khác, người ta không thể quên rằng, song song với ước nguyện đại đoàn kết và phát triển trong các phong trào chính yếu Kitô giáo không phải Roma, một công trình nghiên cứu sâu xa về đời sống tôn giáo đã dẫn đến việc hình thành nhiều hội đoàn văn hóa chính thống và những học viện chuyên biệt về hoạt động tông đồ, hoặc trong cộng đoàn di dân Nga, hoặc trong những nước Chính Thống Giáo cũ như Roumanie, Bulgarie và Hy Lạp. Trong khi đó một công trình giáo dục tôn giáo thành hình, cố gắng tìm trong truyền thống riêng của Chính Thống Giáo Ðông Phương những câu trả lời cho các vấn đề do tình trạng xã hội chính trị tân tiến đặt ra. Thường đặt cơ sở trên tinh thần tu đức cổ kính, một sự nhiệt tình đổi mới thật sự hoàn toàn quan tâm đến công trình hiện đại hóa và mở rộng việc rao giảng, khuyến khích việc thành lập “các trường ngày chủ nhật” và tổ chức đều đặn những khóa thường huấn và nghiên cứu đời sống chính thống giáo. Những bước đầu của các phong trào ấy rất khó khăn nhưng đầy hứa hẹn, và đã phát triển mạnh sau nhiều cơn bão táp và nhiều lần thí nghiệm của thế chiến thứ hai.
2. XỨ PALESTINE VÀ VẤN ÐỀ CÁC THÁNH ÐỊA.
Nhiều người cho rằng: việc chiếm đóng Jérusalem của phe Ðồng Minh (8.12.1917) dưới mắt của nhiều người có nghĩa là sự phục hưng thời kỳ thánh chiến. Nhưng Công Giáo không còn là người ngấp nghé độc nhất gia tài đang tranh chấp ấy: Tin Lành Giáo và ngay cả Do Thái Giáo cũng đưa ra những danh nghĩa mà họ cho là có giá trị.
Dưới mắt của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và của dư luận Ả Rập địa phương, xứ Palestine không làm thành một thực thể địa lý hay chính trị riêng biệt. Nó sáp nhập tổng quát vào nước Syrie phương Nam mà một vài khu thuộc về các quyền hành chánh khác nhau, nhất là của Damas và của Beyrouth. Theo những hiệp ước ký vào mùa xuân 1916 giữa Pháp, Nga và Anh, xứ Palestine phải ở ngoài sự cạnh tranh chính trị và trực thuộc một nền hành chánh quốc tế. Nhưng trong khi nước Nga cộng sản tố cáo những hiệp ước ấy thì nước Anh cam kết, ngày 27.11.1917, do bản tuyên ngôn Balfour, dự định thành lập ở Palestine một trung tâm quốc gia cho dân tộc Do Thái và muốn dùng mọi ảnh hưởng thực thi ý định ấy. Do sự cam kết đó, nước Anh ở vào tình trạng mâu thuẫn với những lời đã hứa ở La Mecque giúp ông Hussein thành lập vương quốc Ả Rập trong lãnh thổ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc đình chiến 1918, Clemenceau chấp nhận ý muốn của Lloyd George dành cho đế quốc Anh quyền hành chánh tối cao ở Palestine “mặc dù vị thủ tướng này thích thấy miền này ở dưới quyền kiểm soát quốc tế hơn”. Về phía họ, tổ chức những người theo chủ trương lập nước Do Thái gởi đến hội đồng hòa bình một giác thư xin được định cư ở Palestine mà họ quy định trước các biên giới. Các biên giới này sẽ bao gồm phía Nam của nước Syrie lúc đó, từ Sidon cho đến sườn núi phía Tây Hermon và chạy dài trong phần đất phía Ðông của thung lũng sông Jourdain cho tới đường sắt Hedjaz. Những yêu sách ấy giống với một sơ đồ mà người Anh đã vạch ra năm 1840, trong cuộc khủng hoảng Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ, để thành lập giữa Syrie và Ai Cập một tỉnh đệm ở dưới quyền giám hộ Âu Châu. Trên thực tế, biên giới của xứ Palestine dưới quyền ủy trị của nước Anh, đã được quy định bởi hòa ước Pháp Anh ký ngày 23.12.1920 và được Hội Liên Hiệp Quốc phê chuẩn ngày 24.7.1922.
Dư luận Công Giáo, riêng tại Pháp, thường được báo động về sự trầm trọng của vấn đề bảo hộ tôn giáo ở Palestine. Từ mùa thu 1916. Ðức cha Charmetant, giám đốc chương trình truyền giáo ở Ðông Phương, là người đã được các giới ngoại giao ở Pháp và những cường quốc Ðông Phương quen biết từ lâu, đã phổ biến một bản tuyên ngôn chống lại dự định “bán đất Palestine cho người Do Thái”. Vì hiểu biết sâu rộng và trực tiếp về báo chí Do Thái ở Mỹ và quốc tế, đức cha báo động chống lại những mưu mô của những người “chủ trương vì Do Thái” ở Constantinople và tại các thủ đô Âu Châu, muốn thành lập trên đất Palestine một trung tâm Do Thái dưới danh nghĩa “là một mái nhà, một hòn đảo cứu vớt những người bị làm mồi cho những cuộc đàn áp liên tục”. Ðức cha tố cáo tinh thần chinh phục bị thúc đẩy và được núp bóng dưới lý do nhân đạo. Ngài phân tích vấn đề ấy dưới bình diện nhân đạo đối với những khối dân ở Palestine, và dưới bình diện tôn giáo đối với Công Giáo và Chính Thống Giáo. Cuối cùng, đức cha không quên quyền lợi lâu đời về chính trị và về thương mại của nước Pháp. Vào khoảng tháng 6.1917, đức cha Charmetant lại tố cáo một lần nữa “những âm mưu theo chủ trương vì Do Thái của người Ðức”.
Sau chiến tranh, vấn đề Palestine làm cho Tòa Thánh bận tâm trực tiếp. Tòa Thánh vừa hành động một cách kín đáo qua hàng giáo phẩm công giáo, vừa thỉnh thoảng kêu gọi “sự quan tâm đến sứ mệnh truyền giáo của Công Giáo ở Thánh Ðịa”. Như vậy, ngay từ ngày 10.3.1919, đức giáo hoàng Benoit XV báo động dư luận công giáo trong một bài diễn văn đọc tại Cơ mật viện về Ðông Phương Kitô Giáo. Sự bận tâm của ngài đối với những miền Thánh Ðịa ở Palestine được diễn tả rõ ràng như sau: “Chúng ta không thể không bận tâm về số phận mà Hội Ðồng Hòa Bình sắp áp đặt cho những người dân sinh sống tại các nơi ấy, bởi vì chắc chắn sự đau khổ của chúng ta cũng như sự đau khổ của tất cả những người kitô giáo sẽ lớn lao nếu như những người ngoại giáo được đặt vào một vị trí ưu đãi ở Palestine, và hơn nữa, nếu như những kiến trúc tôn nghiêm kia bị giao cho những dân tộc không phải là người kitô giáo”.
Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, một hội “Những người bạn của Thánh Ðịa” được thành lập với J. Reinach làm hội trưởng thực thụ và đức hồng y Mercier làm hội trưởng danh dự. Hội “quyết tâm chống đối sự thành lập một quốc gia tôn giáo (Do Thái) ở Palestine và mong muốn được thấy miền này ít ra có một hiến chương tự trị và được một cường quốc giám sát, không bị ràng buộc với những người theo chủ trương vì Do Thái”. Nền hành chánh địa phương sẽ thuộc về những khối dân bản xứ không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo và tất cả mọi tôn giáo sẽ được tự do đến các nơi Thánh Ðịa và được tự do phát triển, mặc dù phải nhường cho Tòa Thánh một địa vị ưu đãi.
Trong khung cảnh của bài này, không thể theo dõi chi tiết những sự quanh co của “Phong trào công giáo bảo vệ Palestine và các nơi Thánh Ðịa”, một phong trào không đưa đến một kết quả chính trị nào. Nhưng có một vài sáng kiến quan trọng nên được nhắc nhở đến. Vào cuối năm 1919, theo sau đức hồng y Bourne, tổng giám mục ở Westminster, đức hồng y Dubois, tổng giám mục Paris, giữ một nhiệm vụ chính trị và tôn giáo ở Syrie-Palestine. Rồi từ ngày 12 đến ngày 16.7.1920, một Hội Nghị Công Giáo Quốc Tế về Palestine họp ở Einsiedeln ở Thụy Sĩ. Nhưng những hiệp ước San Remo về nguyên tắc ủy quyền cai trị làm cho các quyết định về các nơi Thánh Ðịa không có hiệu quả nữa. Rồi sự thành lập nước Ðại Liban như là trung tâm Kitô giáo vùng Cận Ðông và những hiệp ước quốc tế đưa đến kết luận: tốt hơn, đừng mạo hiểm vào một con đường không có lối thoát. Bởi vậy, người ta để cho thượng phụ La Tinh là đức cha Barlassina, được các dòng tu, chủ yếu là dòng Phanxicô, giúp đỡ trong nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi đã có của Công Giáo trên các nơi Thánh Ðịa. Nhiều cuộc viếng thăm của các hồng y thuộc nhiều quốc gia giữa khoảng 1923 và 1925, cũng như sự đào tạo các ban có tính cách quốc gia của nhiều nước để ủng hộ các “công trình truyền giáo của Công Giáo” cố gắng phục hưng thực trạng truyền giáo La Tinh ở Thánh Ðịa. Người ta đã đi khá xa những mục tiêu ban đầu. Vả lại thái độ cứng rắn của vị thượng phụ La Tinh ở Jérusalem làm cho phong trào trong nhiều năm, bị báo chí thiên Do Thái và các tổ chức không công giáo tấn công dữ dội. Họ cố gắng làm cho thượng phụ bị triệu hồi về Roma mà không xong. Vatican trả lời lại bằng cách cho Thánh Bộ Ðức Tin loại bỏ Hội những người bạn Do Thái (28.3.1928) và bằng cách khuyên người công giáo gia nhập vào “Tổng phụng hội cầu nguyện cho người Do Thái trở lại” thành lập năm 1926 ở Jérusalem.
3. CÁC VỊ GIÁO HOÀNG VÀ ÐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO.
Hai vị giáo hoàng lớn, mà các sáng kiến về Ðông Phương đã đánh dấu một cách sâu đậm Ðông Phương Công Giáo, còn hơn cả Công Ðồng Vatican II, đã kế tiếp nhau lên ngôi giữa khoảng 1914 và 1939.
Chính sách sáng suốt của đức giáo hoàng Léon XIII đã được đức giáo hoàng Benoit XV nối tiếp. Nhờ Ngài Ðông Phương Công Giáo đã đi vào một cách chính thức trong khung cảnh lập hiến của Công Giáo Roma. Việc thành lập Bộ Giáo Hội Ðông phương do tự sắc Dei providentis (Thiên Chúa quan phòng) (1.5.1917), ngay từ trước khi thế chiến chấm dứt, là một cơ quan chính yếu để phục hồi chủ trương đoàn kết. Lối hoạt động có tính cách tập trung của Bộ, song song với hoạt động của các Bộ Roma khác cho Tây Phương La Tinh, bao gồm mọi hoạt động của người Ðông Phương Công Giáo. Bộ đặc biệt khuyến khích tinh thần đoàn kết trong Chính Thống Giáo Slave đã mất sự ủng hộ của các vua Nga, và trong Chính Thống Giáo Hy Lạp-Ả Rập mà số phận dường như bị lệ thuộc vào lòng tốt của các cường quốc đồng minh. Tất cả các công trình nghiên cứu của các cố vấn thần học, cội nguồn của thể chế giáo hoàng, đều xác quyết phải loại bỏ những phương pháp và tinh thần La Tinh hóa, và phải làm cho người ta thấy ngôi giáo hoàng dưới “bộ mặt công giáo” thật sự. Trong hiến chương thành lập Bộ này, đức giáo hoàng Benoit XV đã dùng lại viễn cảnh này, viễn cảnh mà bấy giờ ít ai cho là cần thiết.
... “Văn kiện này sẽ còn cho thấy hiển nhiên rằng Giáo Hội của Chúa Giêsu, bởi vì không phải là La Tinh, không phải là Hy Lạp cũng không phải là Slave, mà là Công Giáo, không phân biệt gì giữa con cái mình và những người này, dù là Hy Lạp, La Tinh, Slave hay là các nhóm quốc gia khác, tất cả đều có cùng một thứ bậc như nhau trước Tông tòa này”.
Chủ đích việc thành lập ở Roma Viện giáo hoàng để nghiên cứu về Ðông Phương, do tự sắc Orientis catholici (người công giáo đông phương) (15.10.1917), là muốn nêu bật chiều kích “Công Giáo” của Ðông Phương Kitô Giáo và Chính Thống Giáo. Cụm từ này được dùng lần thứ nhất không có sự hạn chế theo nghĩa xấu và không có dấu ngoặc kép.
Tuy nhiên, tai họa chung của Chính Thống Giáo đi liền theo sự thất bại chính trị của những đế quốc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bắt buộc những người có trách nhiệm phải có một chính sách thực tế, khai triển những khía cạnh tương đối gần kề và thích ứng với những hoàn cảnh mới. Quả nhiên, ngay từ khi nền quân chủ bị sụp đổ, chính phủ lâm thời của nước Nga đã tuyên bố ân xá cho tất cả các tội loại chính trị và tôn giáo, và chính thức công nhận cộng đoàn Công Giáo Nga ở Pétrograd. Ðó là công lao vận động và ảnh hưởng của giáo chủ Ruthènes ở Lwow, là đức cha André Szeptiekij. Những người sốt sáng đề xướng công cuộc hiệp nhất của người Slave đã lợi dụng thời cơ, tổ chức một hội nghị ở Pétrograd (29-31.05.1917) để ban bố những qui chế của cộng đoàn hiệp nhất mới và thành lập ngay cả một chuẩn giáo phận về tôn giáo, dưới quyền của L. Fédorov. Sáng kiến quá sớm ấy bị thất bại, không những trong hoàn cảnh của nước Nga cách mạng, mà còn theo sự khôn ngoan thận trọng của những nhà lãnh đạo Roma.
Ở Constantinople, sự tiến triển chính trị trở nên bất lợi cho chủ nghĩa quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Georgie, ở Anatolie và ở Kurdistan, những cộng đoàn Kitô giáo dường như hướng nhìn về Tòa Thánh Roma. Trong bài diễn văn ngày 10.03.1919, đức giáo hoàng Benoit XV nhắc lại sự quan tâm mà Công Giáo Roma dành cho Ðông Phương. Ðồng thời, ngài cho nghiên cứu những điều kiện mà sự đoàn kết cần phải có “nếu nguyên một Giáo Hội ly khai xin trở lại trong sự thống nhất Công Giáo”. Một vài báo cáo mật chúng ta được biết ngày nay cho thấy rằng viễn cảnh này lúc đó dường như rất gần. Tuy nhiên, trạng huống chính trị của thời kỳ đó thay đổi luôn luôn, cuối cùng không cho phép có một giải pháp dứt khoát nào trong lĩnh vực này.
Vả chăng, ý kiến của những người chủ trương “đem thuyết quy nhất” (pénétration uniate) vào nước Nga và vào miền Cận Ðông Hy Lạp-Ả Rập không giống nhau. Nhiều người có trách nhiệm ở địa phương, noi gương đức cha Ed. de Ropp, giám mục giáo phận Tiraspol gần Wilna, trở thành tổng giám mục Moghilev và của tất cả các Giáo Hội La Tinh trong đế quốc Nga cũ, như đức cha Barlassina ở Jérusalem, đức cha Petit và các tu sĩ dòng Assomption ở Constantinople và ở Athènes khuyên các linh mục gốc Tây Phương và La Tinh nhận lấy trách nhiệm về ”việc tông đồ đại kết”. Như vậy là coi nhẹ sức mạnh tôn giáo Ðông Phương tại chỗ. Nhưng những nhà đại diện chính thức của ”khuynh hướng quy nhất Slave-Ả Rập” lại nhấn mạnh về vai trò chủ yếu dành cho chính những người Ðông Phương, đồng thời không từ chối sự ủng hộ hỗ trợ mà họ có quyền đòi hỏi ở các nhà truyền giáo hay tu sĩ Tây Phương. Thượng phụ Dimitri I trình bày một cách sáng suốt và quả quyết ý kiến của ngài về vấn đề này trong một thiên nghiên cứu rất cơ bản (đề ngày 29.06.1920) với mục đích đệ trình để đức Benoit XV cứu xét. Sau đó ít lâu, giáo chủ ở Ruthènes là đức cha André Szeptickij, trình bày ngay tại Roma, ngày 18.02.1921, cho các hội đoàn tôn giáo Tây Phương quan tâm đến những diễn biến mới trong mối tương quan giữa Tòa Thánh và Ðông Phương Chính Thống Giáo; quan niệm Ðông Phương của ngài về vai trò của các tu sĩ Tây Phương trong vấn đề đoàn kết.
Biến cố đức giáo hoàng Benoit XV qua đời quá sớm chắc chắn không làm đình trệ chương trình đại kết mà ngài cưu mang. Ông Pernot, một trong những quan sát viên sành sõi nhất về triều đại giáo hoàng của ngài, đã có lý khi đưa ra nhận định cô đọng vào lúc ngài từ trần như sau: “Ðức giáo hoàng Benoit XV xem những công đồng quy nhất như những cái đồn tiền tiến của Công Giáo. Nước Nga trắng và Ukraine đối với ngài là những bàn đạp từ đó Giáo Hội Roma vươn lên chinh phục phần thế giới Slave đã trở thành ly khai. Ngài đã gởi đến Ba Lan và Ukraine những nhà ngoại giao giỏi nhất mà Vatican có được” (6).
Ðúng vậy, chính một trong những nhà ngoại giao trẻ là Achille Ratti, sau trở thành tổng giám mục Milan, rồi được chọn kế vị đức Benoit XV và mang danh hiệu là đức giáo hoàng Pie XI, đã đưa ra một hướng đi mạnh mẽ hơn về chương trình phục hồi Ðông Phương. Những tiêu chuẩn ngài nêu ra trong các trường hợp quan trọng chứng tỏ ngài muốn điều nghiên nghiêm chỉnh và đánh giá đúng kho tàng phong phú chứa đựng trong di sản của Chính Thống Giáo. Những tiêu chuẩn ấy cũng nhằm mục đích tiến tới một tổ chức tốt đẹp hơn và một sự thăng tiến thật sự của Ðông Phương Kitô Giáo, vượt quá, cả chiều rộng và bề sâu, cách nhìn rộng rãi của hai vị tiền nhiệm là đức Léon XIII và đức Benoit XV.
Lập một bảng tổng kê về sự nghiệp Ðông Phương của đức Giáo hoàng Pie XI, cho dù đơn giản, cũng sẽ quá dài. Nhưng nhìn sơ qua mức diễn tiến tốt đẹp về chủ trương đoàn kết và về những sáng kiến chính yếu của ngài đối với Kitô Giáo Slave và Hy Lạp-Ả Rập cũng đủ để thấy ý định của ngài và những mục tiêu chính yếu trong chương trình rộng lớn ngài đưa ra. Trong lãnh vực này, ngài tỏ ra vừa là một nhà tư tưởng sáng suốt vừa là một người hành động can tràng.
Ngay từ thông điệp thứ nhất, Ubi arcano (Bí mật ở đâu?) (23.12.1922), ngài đã ám chỉ cách kín đáo là Công Ðồng Vatican có thể sẽ tiếp tục, và ngày nay chúng ta biết rằng những tham khảo chuẩn bị đã được đẩy mạnh. Số phận của các Giáo Hội Ðông Phương đã được ghi vào chương trình nghị sự, và đã được gợi ra ý kiến mời các Giáo Hội và các tôn giáo không Công Giáo đến tham dự Công Ðồng (7).
Vả lại, đức giáo hoàng Pie XI đã tìm thấy nhiều người tông đồ có chủ trương đoàn kết. Mặc dầu phần đông đi theo con đường đã quen thuộc từ nhiều thế hệ, một số người đã khám phá ra những phương tiện hiệu nghiệm để trút bỏ mấy quan niệm hẹp hòi và vô bổ. Việc phát hành tạp chí “l'Union des Eglises” (sự đoàn kết của các Giáo Hội) (1922) đã chứng tỏ một ý muốn cởi mở. Nhất là những công trình nghiên cứu gây chấn động đối với thời ấy, đã làm cho dư luận tôn giáo thêm nhạy cảm đối với vấn đề thống nhất Kitô Giáo. Chẳng hạn: J. Calvet hoàn thành tác phẩm Le Problème catholique de l'union des Eglises” (vấn đề Công Giáo trong sự đoàn kết của các Giáo Hội) (1921); Ch. Loiseau phổ biến vấn đề đó trong tạp chí hai thế giới (Revue des deux Mondes) (8); ít lâu sau ông Pernot đặt vấn đề về “thái độ hiếu thắng của người La Tinh” trong các vùng Hy Lạp-Ả Rập khi ông nói về Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ (la question Turque) (1922). Một tu sĩ dòng Assomptioniste, R. Janin, thực hiện một công trình nghiên cứu quy mô về các Giáo Hội Ðông Phương và các nghi lễ Ðông Phương (1922) (Eglises orientales et Rites orientaux). Công trình nghiên cứu đó đã trở thành sách cẩm nang rất được phổ biến. Tuy nhiên, chính vị linh mục người Pháp, Pierre Charon, với biệt hiệu C. Korolevskij, mới là người đi sát với những ý kiến đã được soạn thảo trong các hội đồng giáo hoàng.
Tạp chí Stoudion và công trình nghiên cứu của cha P. Charon và “hàng giáo sĩ Tây Phương và việc tông đồ tại Ðông Phương-Á Châu và Hy Lạp-Slave”, đến đúng vào lúc thông điệp thứ nhất về Ðông Phương của đức giáo hoàng mới lên ngôi, Ecclesiam Dei (12.11.1923), được công bố vào dịp kỷ niệm ba trăm năm cuộc tử đạo của thánh Josaphat vì công cuộc đoàn kết ở Ukraine. Ðức giáo hoàng mời gọi thế giới công giáo “hãy có những khái niệm đầy đủ và sâu xa hơn về những tư tưởng và phong tục của Ðông Phương”, bởi vì sự hiểu biết như vậy là điều cần thiết để nhận xét đúng về vấn đề thống nhất Kitô giáo.
Liền sau đó đức giáo hoàng Pie XI cụ thể hoá các quan niệm của ngài trong bức thư Equidem Verba (Quả thật có những lời) (21.03.1924) gởi cho các tu sĩ Bénédictins để mời họ dấn thân “phục hưng công trình đoàn kết”. Nội dung của bức thư ấy (có lẽ cả bản văn) được gợi ý bởi một tu sĩ Bénédictin người Bỉ là Dom Lambert Beauduin rất gắn bó với đức cha d'Herbigny, lúc ấy rất quyền thế ở Bộ Ðông Phương. Bức thư ấy là nguồn gốc việc sáng lập tu viện Amay-sur-Meuse (dời đến Chevetogne vào năm sau, 1939). Dom Lambert còn viết một cuốn sách trình bày trước dư luận công trình của tu viện về sự đoàn kết các Giáo Hội là một chương trình nói lên óc sáng suốt bạo dạn và thái độ “nguy hiểm” của người tông đồ. Tạp chí Irénikon mà ngài phát hành vào tháng 4.1926, trở thành một diễn đàn còn kéo dài cho đến ngày nay những tư tưởng và những trực giác phong phú của một nhóm người chuyên tâm xây dựng thống nhất Kitô giáo. Mối lo toan ấy, khác với Roma, vì lúc đó người ta nghĩ trước hết đến nước Nga, còn Dom Lambert Beauduin thì mở rộng ra cho toàn thể Kitô giáo không Roma, kể cả thế giới cải cách. Ðiều đáng tiếc là ngài không nghĩ đến những khó khăn nội tại phát sinh từ thái độ “đại kết” rộng rãi ngài chủ trương.
Giữa lúc đó, đức giáo hoàng Pie XI tìm hiểu kỹ càng hơn những phương tiện cho phép phục hồi lại các dây liên lạc đã bị cắt đứt với Ðông Phương Kitô giáo. Bài diễn văn ngày 10.01.1927 của ngài tại Liên đoàn Ðại học Công giáo Ý cho thấy một tầm quan trọng mới trong chương trình của ngài. Ngài nói đến những thành kiến của cả đôi bên và những lỗi lầm cùng những sự mập mờ nước đôi không thể tưởng tượng được. Ngài trách những người công giáo đã không đánh giá đúng mức bổn phận tìm hiểu và đã thiếu tinh thần huynh đệ. Cuối cùng, ngài tỏ lòng cảm phục về sự thánh thiện đã được bảo tồn nơi những cộng đoàn Kitô giáo Ðông Phương. Tất cả những từ ngữ ấy rất xa lạ đối với lời lẽ thông thường của Roma, chưa từng được nghe trong những lời tuyên bố của các đức giáo hoàng.
Sự khẳng định lập trường thành thật ấy đã khuyến khích những người theo chủ trương đoàn kết đi sâu vào việc nghiên cứu các vấn đề khác biệt trong sự thống nhất công giáo. Vào năm 1926, Dom Lambert Beauduin đã viết về vấn đề các thượng phụ rằng“phụng vụ không phải là lĩnh vực duy nhất, cũng không phải là lĩnh vực chính yếu phân biệt Giáo Hội La Tinh với Giáo Hội Ðông Phương” (9), C. Korolevskij xuất bản một tiểu luận về thuyết quy nhất (1927) và nêu ra những tác hại của thuyết ấy. Ðồng thời, đức cha Bruno de Solages đưa ra trong tác phẩm L'Eglise et l'Occident (1928) những ý kiến mới mẻ về sự quan hệ giữa văn minh Tây Phương và Kitô giáo. Theo bước họ, nhưng với một cách nhìn cao hơn về lịch sử và hoàn cảnh của Giáo Hội, F. Heiler, người Ðức, trong tác phẩm “Les Mouvements religieux dans le catholicisme romain actuel” (những phong trào tôn giáo trong công giáo Roma hiện nay) (8.1928) đưa ra những kết luận đầu tiên về một phong trào đầy hứa hẹn. Tác giả ghi nhận những hội đoàn tiền phong của phong trào đoàn kết trong Giáo Hội Roma đã thấy rõ: Công giáo tính của Giáo Hội cần phải có trước sự thừa nhận“những hồng ân riêng biệt của các Giáo Hội Ðông Phương và truyền giáo”. Các hồng ân này cùng với những hồng ân của Giáo Hội Roma góp phần vào hạnh phúc và thịnh vượng của Giáo Hội hoàn vũ. Tác giả nhận xét rằng: trong viễn cảnh ấy, công trình đoàn kết cốt yếu là làm cho các Giáo Hội đang hiện hữu xích lại gần nhau chứ không phải để lôi cuốn các tín đồ. Tác giả thêm rằng: một trong những trở ngại phải vượt qua là tín lý của Công Ðồng Vatican I, việc làm của Công Ðồng này phải được cứu xét lại nghiêm chỉnh bởi một Công Ðồng mới, để phục hồi “thế quân bình giữa uy quyền của các giám mục và uy quyền của giáo hoàng, tránh việc định nghĩa một chiều về uy quyền toàn năng của đức giáo hoàng”.
Toàn bộ những ý kiến này lúc ấy không được người ta lưu tâm. Chúng đã vượt quá phạm vi đoàn kết và dẫn đến những cơ sở riêng biệt trong việc đại kết. Thế mà, đức Pie XI lại vừa mới lên án một cách cương quyết và triệt để những ý tưởng của phong trào đại kết trong thông điệp Mortalium animos (06.01.1928). Hơn thế, ít lâu sau, chính Dom Lambert Beauduin, người đi tiên phong muốn vượt quá phong trào đoàn kết, cũng là người sáng lập dòng tu sĩ hiệp nhất đã bị bác bỏ cách gay gắt. May mắn, đức giáo hoàng đã khéo léo ngăn chặn tất cả các khuynh hướng mới. Tuy nhiên ngài vẫn quan tâm đến mấy gợi ý cứu vãn những nguyên tắc giúp ngài nghiêng về Ðông Phương Kitô.
Ngay từ ngày 08.09.1928, ngài công bố thông điệp Rerum orientalium (Về những vấn đề Ðông Phương) khuyến khích việc nghiên cứu những vấn đề Ðông Phương, nhất là trong các đại chủng viện. Nhưng ý dành mỗi tuần một giờ cho môn thần học Ðông Phương bị rút lại thành “một ngày Ðông Phương mỗi năm”. Việc này dần dà thành tập quán trong chương trình đào luyện tu sĩ. Chẳng bao lâu một biện pháp khác gây nhiều chú ý, chứng tỏ Tòa Thánh quan tâm đến di sản của Ðông Phương. Ðó là việc đức Pie XI khai triển nguyên tắc đã được khẳng định trong khoản thứ nhất của bộ Giáo Luật Roma; và tháng 1.1929, công bố một Bộ luật riêng về các Giáo Hội Ðông Phương. Ở đây ngài khẳng định hai thứ qui luật, điều này đã bị Công Ðồng Vatican công kích kịch liệt. Hơn thế nữa, những người cộng tác gần của ngài đã cho biết ấn định kỷ luật cho Ðông Phương phải đi vào bản chất chứ không riêng về hình thức thôi. Thật sự, bắt đầu ngay từ 1929, công việc chuẩn bị tiến hành rất chậm và phải đợi hai mươi năm sau mới thấy kết quả đầu mùa.
Vả lại, từ 1920 trở đi, đức giáo hoàng Pie XI dường như không đích thân làm việc cho Ðông Phương nữa, nhưng ngài ủng hộ những sáng kiến của những người cộng tác với ngài đã được lựa chọn kỹ lưỡng về vụ việc này. Bởi vì kể từ đó, Ðông Phương Kitô đã có một địa vị về thể chế ngay trong lòng của nền hành chánh cấp cao trong Giáo Hội Roma.
Ðối với Kitô giáo Slave, hành động của đức giáo hoàng phải dựa vào chế độ Bonsevic của những nước cộng hòa xã hội Xô Viết và vào việc phục hưng của nước Ba Lan. Nước này có ba triệu rưỡi tín hữu hiệp thông Ruthènes nhưng những nhà lãnh đạo của họ có khuynh hướng chống Ðông Phương khá rõ rệt.
Hội nghị ở Gênes (tháng 4-tháng 5.1922) đã cho phép hy vọng một thỏa ước giữa chính sách ngoại giao của đức giáo hoàng mới và chính sách ngoại giao của những người Xô Viết. Ðức Pie XI gởi đến tại chỗ một nhà ngoại giao lão luyện là đức cha Sincero, người về sau sẽ trở thành Quốc vụ khanh Bộ Ðông Phương, và ngài hy vọng nhiều vào cuộc đối thoại thứ nhất ấy, giữa Âu Châu cổ kính và nước Nga Bonsevic mới mẻ. Nhưng chính sách ngoại giao truyền thống và dư luận công giáo thiếu cởi mở và triệt để chống việc dân Nga di tản, đã làm đình trệ khả năng hữu hiệu của công giáo trong những vùng thuộc Xô Viết.
Trong bối cảnh ấy, Giáo Hội Roma chỉ còn một đường là làm thế nào để hoạt động công giáo tại Nga thúc đẩy Giáo Hội Nga hoàng tiếp xúc với Roma hầu mở đường cứu trợ những người đang bị đói khổ. Ưu tiên cho việc vận động này, Roma đã cử một nhà ngoại giao trẻ là đức cha Pizzardo đi tiếp xúc và điều đình, rồi ngay từ mùa hè 1922, đức giáo hoàng lại gửi đi một phái đoàn cứu trợ gồm những tu sĩ có nhiều quốc tịch khác nhau. Tuy nhiên, khi phái đoàn muốn đi quá phạm vi nhân đạo là làm tông đồ cho phong trào đoàn kết hay làm những việc có tính cách tôn giáo, thì bị bắt buộc phải rời nước này. Rốt cuộc, vào khoảng 1925-1926, nhiệm vụ truyền giáo ở Nga được giao cho đức cha d'Herbigny cũng không đạt được những kết quả khả quan hơn. Vì ngài bỏ rơi các vấn đề khác và chỉ lo lắng cho phẩm cách và sự sống còn của công giáo Chính Thống. Từ ngày 6.4.1930 ngài nhận thêm trách nhiệm về Ủy ban giáo hoàng “vì nước Nga” (pour Russie), nhưng vào năm 1935, ngài bị thất sủng và những hoạt động ngài đã khởi xướng cũng bị chấm dứt theo. Ngày nay, chỉ còn học viện Nga (Russicum) ở Rome là tiêu biểu công việc tông đồ của các vị giáo hoàng đối với Chính Thống Giáo Slave.
Bên cạnh “công trình vì nước Nga” được các tu sĩ Dòng Tên gánh vác, đức Pie XI giao cho các tu sĩ dòng Ðaminh Pháp một công việc khác: “vì người Slave”. Năm 1925, họ thiết lập ở Lille chủng viện Nga Saint Basile. Chủng viện này chẳng bao lâu sau phải nhường bước trước học viện Russian -Roma. Nhưng công trình đào tạo giáo sĩ dần dà biến thành một trung tâm nghiên cứu và học hỏi gọi là Istina. Ban đầu, trung tâm này ít ai biết đến, nhưng về sau đã làm cho những người theo thuyết đại kết phải chú ý. Từ tháng 4.1934, trung tâm này phát hành tạp chí “Nước Nga và cộng đoàn Kitô”, tạp chí này, sau khi trung tâm dời về Paris, sẽ lấy tên là Istina, và được phát hành song song với nguyệt san “Hướng tới sự thống nhất Kitô giáo”. Sử gia không thể không biết đến vai trò của các tạp chí này. Ðược khích lệ một cách kín đáo do linh mục Pierre Dumont, các tạp chí này, bên cạnh Irénikon, đã đóng một vai trò quyết định giúp Tây Phương hiểu biết hơn về Ðông Phương Kitô giáo.
Nhưng vượt xa những sáng kiến tổng quát, đức giáo hoàng Pie XI chú tâm nhiều đến số phận của những cộng đoàn quy nhất địa phương. Giáo chủ André Szeptickij, mà C. Korolevsky coi như “người có ảnh hưởng lớn nhất trong Giáo Hội Ðông Phương vào tiền bán thế kỷ XX”, đã giúp ngài đắc lực trong chương trình tổ chức lại các giáo phận của người Ukraine ở Ba Lan và trong việc cải cách các đan viện thánh Basile. Học viện Ukraine tại Roma có nhiệm vụ đào tạo các ứng viên cho hàng giáo phẩm và giới lãnh đạo tôn giáo tương lai gắn bó chặt chẽ hơn với Tòa Thánh. Vị giáo chủ là một cựu đan sĩ và là người giầu kinh nghiệm, đã nhận thấy rằng: tu viện Ruthène của các đan sĩ dòng thánh Basile bị chi phối nhiều bởi luật pháp Tây Phương, nên không có chế độ tu sĩ đúng theo quan niệm Ðông Phương. Trước thế chiến thứ nhất, ngài đã đặt nền tảng cho một thiết lập mới theo tinh thần Stoudion byzantin, và thích hợp với đời sống xã hội và tôn giáo ở miền quê. Như vậy, dòng Studites đã ra đời và ngài đã xin được Rome chuẩn nhận, mặc dù một vài giám mục thuộc hạt có khuynh hướng La Tinh còn do dự. Các ngài cũng ngăn cản những cố gắng cải cách phụng vụ của vị giáo chủ mà Roma mong muốn thực hiện, hầu loại bỏ một số những sự bắt chước vụng về các phong tục La Tinh.
Việc Giáo Hội Bulgare quy nhất giậm chân tại chỗ từ cuối thế kỷ XIX, mặc dù được các tu sĩ Assomptionnistes đảm trách. Việc bổ nhiệm đức cha Roncalli vào chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh ở Sofia và là thượng khách Tòa Thánh bên cạnh những người công giáo Bulgare đã góp phần tháo gỡ những chướng ngại lâu đời, tuy nhiên không đem đến một sự thay đổi quan trọng nào trong hoàn cảnh chung của những thiểu số công giáo, La Tinh và quy nhất. Một tu viện dòng kín Byzantin được thành lập ở Sofia vào năm 1935 do sự khuyến khích trực tiếp của đức giáo hoàng. Tu viện này kết hợp qui luật tôn giáo La Tinh với sự hành đạo chỉ thuộc về phụng vụ Bizantine, một thể thức độc đáo mà người ta tin rằng có nhiều ảnh hưởng tốt cho việc phục hưng đời sống chiêm niệm của các nữ tu Ðông Phương.
Cuối cùng, ở Roumanie, nước liên kết với Tòa Thánh do một thỏa ước từ 1927, phong trào quy nhất có những cộng đoàn mạnh mẽ và sống động khả dĩ sánh vai với các cộng đoàn chính thống. Một học viện lớn cho hàng giáo sĩ được thành lập ở Roma, gần học viện Ukraine, đào tạo những phần tử ưu tú của hàng giáo sĩ trong tinh thần đại kết do các tu sĩ Assomptionnistes cổ võ. Tu viện kín Carmel des Annonciades được thành lập năm 1938, theo gương tu viện ở Sofia, đã chứng tỏ cho các tu sĩ chính thống giáo thấy sức sống của qui luật chiêm niệm trong phong trào hiệp nhất.
Ðối với Ðông Phương Hy Lạp Ả Rập, có nhiều sáng kiến và nhiều sự can thiệp của đức Pie XI nhằm mục đích tổ chức lại hay phục hồi lại đời sống tôn giáo, xã hội và văn hóa của các cộng đoàn bị tan vỡ hay bị tổn hại nặng nề tiếp theo sự sụp đổ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và sự thất bại của người Hy Lạp ở Tiểu Á.
Những người Arméniens gặp những thử thách cuối cùng và lớn nhất ở Anatolie và ở Cilicie. Mười ba giáo xứ đã bị xóa bỏ trong cơn bão lớn cùng với những người trách nhiệm và giáo dân của họ. Tòa thượng phụ mà Hassoun đặt ở Constantinople lại bị dời về Beyrouth vào năm 1928. Cũng vậy, thượng phụ Syrien công giáo rời Mardinn, bỏ Thổ Nhĩ Kỳ lại Ataturk, để đến Beyrouth vào cùng một thời kỳ. Cộng đoàn Kitô giáo Nestorienne ở phía Bắc Mésopotamie cho đến 1936 bị bất an về chính trị trong vùng vì có sự giằng co giữa phong trào quốc gia địa phương và ảo ảnh muốn được Âu Châu che chở. Ba giáo phận Chaldéens không còn có giáo dân. Một làn sóng di cư liên tục chạy trốn khỏi lãnh địa Thổ Nhĩ Kỳ, và trong nhiều năm, họ tìm cách cư ngụ tại những trung tâm đô thị hay những miền đồng bằng còn hoang dã tại miền Bắc Syrie.
Trong những miền ở dưới quyền ủy trị của các nước Âu Châu, sự tiến triển của nhiều cộng đoàn theo nghi lễ Ðông Phương được thao diễn dưới những dấu hiệu nghịch thường trong việc canh tân về cơ cấu của các tòa thượng phụ cũng như trong quy chế cá nhân. Hơn thế, sự tăng trưởng xã hội và văn hóa càng ngày càng gắn bó chặt chẽ với tinh thần và với những cơ cấu tôn giáo đậm mầu chủ nghĩa thực dân. Trong tác phẩm Une enquête aux pays du Levant, (1923) ông Barrès phân tích một cách sắc sảo hiện tượng biến đổi này, đó là hiện tượng muốn liên kết số phận của Kitô giáo cổ đại vùng Cận Ðông, vốn dĩ gắn bó với truyền thống sâu xa, với một dạng thức văn minh Anh-Pháp. Hiện tượng đặc trưng của ảnh hưởng tương hỗ về văn hóa và tôn giáo này bắt đầu ngay từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, có một tầm quan trọng sâu rộng trên thành phần giáo sĩ và giáo dân ưu tú, đến nỗi họ như sẵn sàng tách khỏi nguồn gốc và chối bỏ những mối liên lạc giữa họ với môi trường xung quanh. Lâu dần, họ có cơ nguy đoạn tuyệt với khối Kitô hữu vốn gắn bó vào truyền thống xa xưa.
Phong trào giao các trường học cho những nhà dòng La Tinh ngoại quốc điều khiển, sự kiện giao việc đào tạo hàng giáo sĩ cho những người La Tinh, những cải cách giáo luật trong các tu viện Ðông Phương, cuối cùng, việc lựa chọn các ứng viên giám mục, những phương pháp đào tạo các nhân viên cao cấp Kitô giáo tương lai, tất cả những yếu tố ấy liên kết giới ưu tú kitô nói chung và công giáo nói riêng vào một lối sống hoàn toàn đem đến từ bên ngoài. Sự thành công của văn hóa song ngữ Ả Rập-Pháp, không những ở Liban, mà còn ở Ai Cập, ở Syrie và ngay cả ở Palestine, làm cho người ta hy vọng là nền văn hóa ấy sẽ tác động vào đời sống tôn giáo và xã hội. Và người ta nghĩ là chỉ cần hai thế hệ là đủ để cắt đứt hẳn giữa hai mẫu người Ðông Phương trong một xã hội đã bị chia rẽ trầm trọng. Thế nhưng, trong khi não trạng xã hội và tôn giáo của tầng lớp tinh hoa thay đổi thì quần chúng trong thế giới Ả Rập lại phát sinh một phản ứng hướng về sự phục hồi nền độc lập và việc thống nhất khẩn trương.
Mục tiêu xa của sự can thiệp dần dần vào những giá trị độc đáo và lâu đời của một Giáo Hội Kitô chân chính đã được soạn thảo khá kỹ càng bởi các ban chuẩn bị Công Ðồng Vatican thứ nhất. Những bài thời luận đăng trong các tạp chí địa phương được cơ sở ấn lóat công giáo ở Beyrouth phát hành hay đăng trên báo chí ngoại quốc (Echos d'Orient, l'Union des Eglises, l'Unité de l'Eglise),tất cả có liên quan đến sự tiến triển của đời sống đạo đức của quần chúng, đến việc đào tạo hàng giáo sĩ, đến những hội dòng Ðông Phương, đến việc thay đổi mấy giám mục chính tòa, và đến vai trò của các bề trên tỉnh dòng La Tinh. Những yếu tố ấy nêu bật tinh thần mà người ta muốn khắc sâu lên đà tiến triển của Kitô giáo trong vùng Cận Ðông Á-Phi. Việc nâng thượng phụ Syrien công giáo Ignace Tappouni lên hàng hồng y, vào tháng 12.1935, chứng tỏ đường lối hành động của phương pháp ấy (10).
Ở Palestine, một sự tiến triển tương tự góp phần làm xáo trộn những nhận định về tính cách nước đôi của đức giáo hoàng đối với Kitô giáo địa phương. Vào thời kỳ đầu, đức Pie XI dường như đã nghĩ đến một cách nghiêm chỉnh ngưng lại tiến trình la tinh hóa mà tòa thượng phụ La Tinh ở Jérusalem là tiêu biểu. Nắm vững mọi việc nhờ những dây liên lạc chính xác và đầy đủ chi tiết, nhất là nhờ dom G. Fournier, tu sĩ Bénédictin ở Maredsous và là bề trên cũ của tu viện đức Dormition ở Jérusalem, đức giáo hoàng nghiêng về việc bãi bỏ tòa thượng phụ nói trên vì lợi ích của Custodie Franciscaine và của tòa thượng phụ Hy Lạp Melkite công giáo. Nhưng cuối cùng ngài rút lại ý định ấy vì những đường hướng chính trị của phe chủ trương vì Do Thái chống lại cá nhân của đức cha Barlassina là người được sự ủng hộ vừa của Tòa Thánh Roma vừa của hàng giáo phẩm Pháp. Việc cử đức cha Pascal Robinson mà ngài biết rõ từ 1919, đi kinh lược tòa thượng phụ năm 1927, dường như để chuẩn bị một sự thay đổi cơ cấu của tòa thựơng phụ theo sở nguyện của những thành phần La Tinh bản xứ. Sau cùng, Vatican bằng lòng sáng lập một tòa giám mục Melkite quy nhất ở Transjordanie (1932) hy vọng chấm dứt phong trào la tinh hóa trong nhiều cộng đoàn Ả Rập và Chính Thống của lãnh thổ Emirat mới. Giải pháp ôn hòa đó thật ra có nghĩa là chủ trương La Tinh hóa Kitô giáo Ðông Phương ở Palestine đã thành công. Và việc xuất bản một bài nghiên cứu về lịch sử và giáo luật khá bông lông mang tựa đề Rito romane e riti orentali (1947) của F. Talvacchia thuộc hàng giáo sĩ tòa thượng phụ, chứng tỏ tinh thần đắc thắng đối với Kitô giáo Ðông Phương.
Trong bối cảnh ấy, hội nghị thánh thể địa phương được tổ chức ở Beyrouth vào tháng 6.1939, việc đào tạo những ngành Ðông Phương hay việc tuyển chọn người Ðông Phương vào những dòng tu chính, việc thành lập những viện truyền giáo Ðông Phương theo tiêu chuẩn và tinh thần giáo luật La Tinh, tất cả cho thấy rõ một ý chí lập lờ nước đôi tạo ra khuynh hướng yêu chuộng nghi lễ lưỡng diện hợp với các thể chế phụng vụ. Và những cộng đoàn quy nhất dường như đi dần đến một con đường có thể hứa hẹn sự thịnh vượng về mặt vật chất và trình độ trí thức, nhưng dẫn họ đến chỗ mất bản sắc tôn giáo của họ.
Quyển sách mang tựa đề Thủ bản giáo lý ở Ðông Phương (Manuel du catéchisme en Orient) (1939) do một nhà truyền giáo trước kia ở Ai Cập đã soạn, được xuất bản và phổ biến rộng rãi nhờ lòng khoan dung của hàng giáo phẩm La Tinh địa phương. Vụ việc này chứng tỏ sự sai lầm của một tinh thần đắc thắng, cố ý bôi nhọ lịch sử và đời sống của Kitô giáo Ðông Phương. Sách này đã được mấy câu lạc bộ Ðông Phương vui vẻ đón nhận, và thái độ này khởi xướng cuộc phục hưng sau những xáo trộn của thế chiến thứ hai.
Một khi những ảnh hưởng La Tinh trong các môi trường Ðông Phương gắn bó với Tòa Thánh đã đi quá xa, thì đương nhiên làm cho Chính Thống Giáo xác tín hơn nữa vào lập trường chống đối triệt để tất cả những gì biểu thị dạng thức ”Công Giáo Ðông Phương” mà người ta quen gọi là ”phong trào quy nhất” (uniatisme).
Nhất là ở Hy Lạp, cuộc tranh đấu chống phong trào hiệp thông mang một hình thức giảng dạy và pháp lý chính thức, có tầm vóc quốc gia. Là hiện tượng rất hãn ngữ và tương đối mới mẻ, phong trào hiệp thông ở Hy Lạp đã bắt đầu ở Constantinople vào cuối thế kỷ XIX và được cải cách lại ở Athènes sau khi Hy Lạp thất bại ở Tiểu Á. Ngay từ ngày 07.04.1925, đức cha Chrysostome Papadopoulos, trưởng giáo chủ Hy Lạp, cho đọc trong tất cả các thánh đường của vương quốc một thư luân lưu chống phong trào hiệp thông dữ dội. Vụ tấn công này gây ra cuộc bút chiến với người đứng đầu một cộng đoàn hiệp thông nhỏ bé là đức cha Calavassy. Cuộc tranh luận lúc ấy trở nên nghiêm trọng đến độ phải có sự can thiệp của các tòa án và của Hội đồng Quốc gia. Không chỉ có tầm vóc quốc gia, cuộc bút chiến còn vượt ra ngoài biên giới và được báo chí tôn giáo tiếp tục đặt vấn đề về “phong trào hiệp thông” trong những yếu tố thần học và lịch sử trước lương tâm của những người chủ trương đoàn kết và những người có trách nhiệm của các Giáo Hội.
Tuy nhiên, giữa các năm 1925 và 1933, cuộc tranh luận của phong trào hiệp thông đối với Chính Thống Giáo Hy Lạp kéo theo những nhân tố chính trị và bồng bột, những nhân tố này gây nhiều lẫn lộn rất nguy hại. Ðối với hàng giáo phẩm Hy Lạp, phong trào hiệp thông là một phương pháp lôi cuốn khéo léo do các tu sĩ Dòng Tên đưa ra vào thế kỷ XVI, nhất là trong hoàn cảnh của nước Ba Lan, ở đó nghi lễ “Hy Lạp” chỉ dùng để che đậy những mục tiêu thu hút và La Tinh hóa dần dần. “Những người hiệp thông là những người tuyên truyền La Tinh nguy hiểm nhất”, đức cha Papadopoulos đã viết như vậy, và ngài nói thêm:... Hãy tin tôi, giữa những người chính thống giáo, chủ trương quy nhất luôn luôn gây ra sự ghê rợn, bởi vì chủ trương này thể hiện sự xảo quyệt và sự lừa dối trong những vấn đề tôn giáo. Chúng ta kính trọng sự rao giảng thành thật của một vị linh mục La Tinh, nhưng cho phép tôi được nói rằng: chúng ta ghê sợ sự rao giảng của một người đại diện của phong trào quy nhất...
Như vậy có nghĩa là vẫn còn một sự lập lờ nước đôi chính yếu vào những ngày cuối cùng trước thế chiến thứ hai, về nội dung, mục đích và vai trò riêng biệt của phong trào hiệp thông, vừa về phía Chính Thống Giáo đang cầm cự vừa về phía Công Giáo Roma. Những nỗi thăng trầm tiếp theo sau việc phân chia thế giới; đồng thời những phong trào giải phóng quốc gia trong miền Cận Ðông sẽ làm cho hoàn cảnh thay đổi hẳn.