CHƯƠNG I
PHẦN V: CÁC GIÁO HỘI ÐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO
Joseph Hajjar
TỪ CHIẾN TRANH CRIMÉE ÐẾN ÐỆ NHẤT THẾ CHIẾN.
CHƯƠNG I
TỪ CHIẾN TRANH CRIMÉE
ÐẾN ÐỆ NHẤT THẾ CHIẾN.
1. BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO.
Chiến tranh Crimée và hội nghị Paris (1856) tiếp theo sau đánh dấu một bước ngoặt quyết định cho vận mệnh của Kitô giáo ở Ðông phương. Vả chăng, chiến tranh này, nhân cơ hội, đã làm sôi động lại vấn đề các thánh địa. Ba nhân vật, thuộc về các môi trường rất khác nhau, đã trực tiếp góp công, ngay từ 1848, để đặt lại vấn đề chính trị tôn giáo về quyền sở hữu các thánh địa thuộc Kitô giáo ở Giêrusalem và để áp đặt vấn đề đó cho các lãnh tụ chính trị Pháp. Tu sĩ dòng Lazariste, E. Boré, vị thượng phụ La Tinh mới ở Giêrusalem là đức cha J. Valerga, và vị lãnh sự Pháp trẻ tuổi nhà khảo cổ học P.E. Botta, đồng ý để soạn thảo ngay ở Giêrusalem, một chương trình táo bạo, chương trình này nhằm chinh phục lại những gì họ nghĩ là quyền đã mất đi một cách bất công, bằng ngoại giao, nếu có thể được, nhưng nếu có dịp, bằng cách gợi ý xử dụng một cuộc thánh chiến, dựa theo những kỷ niệm của cuộc viễn chinh của Thập tự quân thời Trung Cổ.
Sau một thời kỳ lần chần tránh né của các bộ trưởng của đệ nhị cộng hòa, Napoléon III ngã theo quan điểm hiếu chiến của lãnh sự Botta. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1848 đã được giải quyết tạm thời vào cuối năm 1852, có lợi cho nước Pháp và cho những người công giáo La Tinh. Nhưng phản ứng của Nga hoàng đến liền, bởi nhà vua có tham vọng từ lâu muốn thấy ngoại giao Nga đóng một vai trò chính thức bên cạnh hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ, giống như vai trò đã được công nhận cho đại sứ quán Pháp đối với Kitô giáo La Tinh, nhờ vào thỏa ước giữa hai bên. Sứ mệnh của hoàng thân Mentchikoff trong kinh đô Thổ Nhĩ Kỳ (từ tháng hai đến tháng bảy 1853) cho thấy ý đồ của chính phủ Nga là trên thực tế, đòi cho Nga hoàng một sự bảo hộ đúng thể thức trên toàn bộ tín đồ Chính Thống Giáo của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ðiều này sẽ cho nước Nga những cái cớ liên tục để can thiệp vào nội bộ của nước này. Vị hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp nhận cái mà nhà vua xem rất đúng như là một sự tự tử chính trị. Ðể làm áp lực trên hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga chiếm đóng các công quốc ở bên sông Danube, vùng Modavée - Valachie. Nhưng nước Pháp và nước Anh phản ứng tức khắc, và từ sự khiêu khích này đến sự khiêu khích khác, cuộc thánh chiến bùng nổ. Những lời tuyên bố của Nga hoàng Nicolas I, cũng như những lời tuyên bố của các tướng lãnh Pháp và thơ luân lưu của tổng giám mục Paris nhấn mạnh về những mục đích thiêng liêng của sự dùng vũ lực.
Sự thất bại của nước Nga ở Crimée làm cho ưu thế của đồng minh Tây phương Pháp Anh được công nhận ở đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ðể cho những mưu toan bảo hộ cộng đoàn chính thống giáo của người Nga không còn đối tượng, đồng minh xin được hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ những cải cách quan trọng cho người kitô giáo. Lần thứ nhất người và các cơ quan kitô giáo có được những quyền hợp pháp và ngay cả những bảo đảm quốc tế. Bởi vì pháp chế cải cách được ban bố bằng văn kiện Hatti-Humayyoun ngày 18.2.1856, mà những người đại diện toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra như là “xuất phát” tự nhiên từ ý muốn của hoàng đế họ, nhưng thực sự đã được chuẩn bị từ lâu bởi phái đoàn Tây phương ở Constantinople và được hội nghị Paris xác nhận. Nếu đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ từ nay được chấp nhận “tham dự vào những lợi ích của quyền công cộng và của liên minh Âu Châu” và được bảo đảm về nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, thì hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ cam kết từ nay bảo đảm cho mọi thân dân của mình, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, tất cả mọi lợi ích của quyền chung mà những công dân trong Âu Châu tự do được hưởng.
Việc công bố văn kiện Hatti-Humayyoun và việc xác nhận quốc tế là nguồn gốc làm tái sinh Kitô giáo Ðông phương hiện đại, không phải chỉ cho Chính Thống Giáo và Công Giáo mà thôi, mà cho cả các hội Tin Lành trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế ngay từ ngày 4 tháng 3, họ đã gởi đến đại sứ Anh ở Constantinople, là ông Strattford-Canning, một lá thơ đầy lòng biết ơn.
Trái lại, trên bình diện chính trị, hội nghị Paris đánh dấu sự khởi đầu tan rã bên trong của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng các giai đoạn liên tiếp, đế quốc này sẽ mất tất cả nền tảng độc lập kinh tế, chính trị và quân sự. Ðồng thời, Kitô giáo địa phương phát triển mạnh, mặc dầu nhiều khi bị người ngoại quốc gây trở ngại.
Các nghi thức của hội nghị vừa được ký kết, thì những chương trình đầu tư lớn lao và những chương trình xâm nhập cũng được soạn thảo. Những chương trình này nhằm sáp nhập vào “nền văn minh” nhiều tỉnh của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Thực ra là đặt những tỉnh này ở dưới quyền khai thác trực tiếp của những công ty ngân hàng ngoại quốc. Lịch sử của kênh đào Suez là một bằng chứng rõ nét. Các nước Âu Châu cũng hoạt động cạnh tranh như thế giữa khu vực phía Ðông biển Méditerranée và vịnh Persique (sáng lập ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, nhượng địa Orienthahn v.v..). Mặt khác, trong khi qui chế chính trị của những công ty các quốc gia làm bận tâm các Bộ Tư pháp Âu Châu vào các năm 1857-1858, trong khi nước Serbie và nước Monténégro dùng quân sự đòi hỏi nền tự trị (1858-1859), thì ngay từ 1857, nhiều báo chí Pháp khuyến cáo sáng lập một vương quốc Ai Cập ly khai ở Syrie, có lợi cho đối thủ cũ của chủ nghĩa thực dân ở Algérie. Ðó là hoàng thân Aledel-Kader, người cuối cùng đã chọn Damas để sống lưu đày. Rồi những biến loạn xã hội và tôn giáo trong vùng núi của Liban là cơ hội can thiệp quân sự của Âu Châu. Qua năm 1862, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải cho các vùng này được hưởng quyền tự trị tương đối, dưới quyền bảo hộ của Pháp và với sự bảo đảm của các cường quốc.
Sau khi chiến tranh Pháp Ðức vào năm 1870 cho phép nước Nga thoát khỏi những sự lệ thuộc đã ký ở hội nghị Paris, nhất là những gì liên quan đến sự đi ngang qua eo biển Dardanelles (thỏa ước Londres ngày 13.3.1870), những chương trình chia cắt đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ lại được đặt ra. Lần này được sự trợ giúp của nước Anh và bị Bismarck và ngoại giao Pháp ngăn cản (1873-1874). Cơn khủng hoảng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến điểm cao nhất vào năm 1876 với sự truất phế hoàng đế Abdul-Aziz (30.5.1876) và sự phục hồi Khalifat Hồi Giáo do hoàng đế Abdul Hamid mà cuộc trị vì lâu dài (1876-1909) đã sửa soạn việc chấm dứt đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cơn khủng hoảng về thể chế ấy, sự sôi sục ở Balkan đi đến cực điểm: nào là chiến tranh tại Serbie (tháng 7.1876), những cuộc tàn sát ở Bulgarie (9.8.1876), chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 4.1877)... Hội nghị Berlin (tháng 6.1878) thừa nhận trên thực tế chính sách phân chia lâu dài những vùng ảnh hưởng, đề phòng trước sự chia cắt đế quốc bại trận. Nước Autriche - Hongrie chiếm giữ miền Bosnie - Herzégovine (tháng 7.1878). Nước Pháp đòi thừa nhận các quyền đã đạt được ở Syrie - Palestine và nguyên trạng ở các nơi Thánh địa, đồng thời nước Anh được Bismarck khuyên khích chiếm Ai Cập vào đúng lúc. Sự bành trướng của Âu Châu đã bắt đầu làm sụp đổ trật tự cổ truyền trong toàn cõi Ðông phương.
Ðầu não phá vỡ đường lối chính trị của các lãnh tụ cải cách là Midhat - Pacha, cha đẻ của một hiến chương Thổ Nhĩ Kỳ. Người nối nghiệp của vị này là Khaireddin, người Tunisie và cuối cùng là Ismael, phó vương Ai Cập. Cơn khủng hoảng về quyền hành mở đường cho việc phục hưng của chủ nghĩa liên Hồi Giáo. Nhưng hình thức bộc phát tinh thần quốc gia và tôn giáo trên đây không ngăn cản nổi những khủng hoảng nội bộ làm suy yếu đế quốc. Năm 1879, Ai Cập đã phải chấp nhận những tòa án hỗn hợp có lợi cho người ngoại quốc và ngày 20.12.1881, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận, bằng sắc lệnh Moharram, sự mất độc lập về tài chánh của mình. Ðồng thời, những cuộc nổi dậy địa phương muốn khôi phục sự toàn vẹn của đế quốc. Vào các năm 1880-1881 người ta đã nói đến một dự án của Midhat-Pacha muốn giành lấy một công quốc ở Syrie, dưới quyền bảo hộ của người Anh. Vùng Palestine trở nên miền thuộc địa ưa chuộng cho những người tin lành Ðức vùng Wurtemberg, và nhất là cho những tổ chức Do Thái ở Trung Âu và ở Nga. Họ muốn biến Palestine thành xứ thuộc địa. Trước khi Théodore Herzl lập phong trào Do Thái, một bản kiến nghị chính thức đã được đưa ra hội nghị Berlin, về dự kiến thành lập một quốc gia Do Thái ở Palestine (16.6.1878). Làn sóng bài xích Do Thái quá mức ở Ðức, ở Áo và ở Nga đã khiến những nhà tài chánh Do Thái có thế lực như Hirsch, Oléphant và Rothschild, và những hiệp hội Do Thái gia tăng hoạt động: họ mua đất đai ở Galiée và ở Judée, cho đến những vùng đồi núi Djaulann ở Syrie, họ thành lập các nông trại (1880-1882). Ðúng năm 1882, Léon Pinsker công bố bản tuyên ngôn tự giải phóng: tuyên bố sự cần thiết phải thành lập một quê hương Do Thái.
Việc nước Pháp chiếm đóng Tunisie (5.6.1881) gây nên một làn sóng bất bình sâu rộng trong toàn cõi Ðông phương Hồi Giáo. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ bèn quay lại phía nước Ðức của Bismarck và nhận được một phái bộ quân sự (2.11.1880), mở đầu cho ảnh hưởng của Ðức, bề ngoài là để bảo vệ sự sống còn của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó ít lâu, sự thất bại trong mưu toan phục hưng quốc gia Ai Cập đã làm tiêu tan mọi hy vọng bảo toàn nền độc lập trong miền Cận Ðông Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó mọi tuyến đường đều rộng mở cho những xâm nhập vũ bão, ngoài sự kiểm soát, của những sức mạnh kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của Tây phương.
Ở đây không thể tả hết những hình thức giám hộ thực tiễn mà chính phủ của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận. Chỉ ghi lại ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Ðức là đủ. Chuyến du hành thứ nhì của hoàng đế Guillaune II ở Ðông phương (Constantinople - Giêrusalem - Damas), vào tháng 10 và tháng 12 năm 1898, làm nổi bật những tham vọng của nước Ðức trẻ trung đối diện với những quyền truyền thống của nước Pháp kỳ cựu.
Thế kỷ XX mở ra trên những viễn cảnh bành trướng chung và vô giới hạn của Âu Châu. Nhiều cuộc tranh chấp nảy sinh về vấn đề Koweit và Yémen, về những vùng dầu hỏa của Bắc Syrie và ở Mésopotamie, việc nối đường sắt Bagdad với mạng lưới đường sắt ở Perse. Hơn thế, trong lúc Ðức tưởng đã chận đứng được sự bành trướng của chủ nghĩa Slave trong vùng Balkans và ở Tiểu Á, thì cơn khủng hoảng ở Maroc (1904-1907) bùng nổ dữ dội, đồng nhịp với việc Âu Châu cạnh tranh nhau trong thế giới Hồi Giáo và ở vùng biển Méditerranée. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ Abdul-Hamid để cho những sự cạnh tranh đó được mở rộng giới tuyến, với thâm ý lợi dụng tình trạng “đục nước béo cò”. Nhưng thái độ độc đoán của ông đã làm mất hết thế lực trong các bang giao quốc tế, và làm cho đảng ”Những người trẻ tuổi Thổ Nhĩ Kỳ bùng lên trong sự nghiệp cách mạng của họ (tháng 7.1910). Tuy nhiên sự suy đồi của các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống dốc đến độ những nhà lãnh đạo sau này bị bắt buộc phải công nhận các vụ tuyên bố độc lập đơn phương của Bulgarie và vụ thôn tính vĩnh viễn miền Bosnie - Herzégovine của đế quốc Austro-hongrois.
Trong những năm kế tiếp, giữa những khó khăn tài chính không vượt qua nổi vì ác ý của các cường quốc, đảng “Những người trẻ Thổ Nhĩ Kỳ” phải đương đầu với những cuộc nổi dậy không ngừng và những cuộc chiến ở mọi điểm hiểm yếu của đế quốc rộng lớn này. Cuộc nổi dậy của Yémen (11.1910) đi đôi với cuộc nổi dậy của Albanie (5.1911). Cuộc chiến tranh Ý - Thổ Nhĩ Kỳ về sự chiếm hữu vùng Tripolitaine (9.1911) đặt lại vấn đề eo biển Dardanelles, và sự đối địch giữa Ðức và Nga làm cho nước Ý thực hiện được những tham vọng tại miền Méditerranée. Hòa bình giữa Ý và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vừa mới ký kết thì cuộc chiến tranh ở Balkan (10.12.1912) chứng minh một cách quyết định sự yếu kém về quân sự của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù đã được những nhà chuyên môn Ðức tổ chức lại.
Bởi thế, những cuộc điều đình bí mật được tổ chức để thừa nhận những vùng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa. Ngay từ tháng 7.1913, một bản đồ mới về đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã được lập nên. Và vào mùa xuân 1914, những cường quốc có liên quan trực tiếp đến đất đai Ả Rập của miền Cận Ðông, nước Pháp, nước Anh và nước Ðức vội vã thu xếp, bằng những thỏa hiệp quan trọng, tất cả những vấn đề còn chưa được giải quyết về số phận của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuộc mưu sát ở Sarajevo đẩy mạnh các vụ liên minh chính trị và quân sự, và nước Thổ Nhĩ Kỳ bị tan vì mất hết các lãnh thổ ở Trung Âu. Ðó là sự cáo chung của một thể chế thống trị lâu đời, một đàng trên vùng Balkans và đàng khác trên thế giới Ả Rập, và cũng là sự cáo chung của một nền văn hóa và tôn giáo đã có tại đó từ lâu đời.
Chính trong bối cảnh vừa phác họa trên đây, về sự tan vỡ của một nến chính trị lâu dài, chậm nhưng không tránh được, trong miền Cận Ðông, và sự lớn mạnh của chủ nghĩa quốc gia trong vùng Balkans mà đời sống của các cộng đoàn tôn giáo Ðông phương thành hình. Số phận của những Giáo Hội Hiệp nhất tùy thuộc nhiều ở đường lối chính trị cấp cao của Vatican, được đường lối ngoại giao của các cường quốc công giáo nâng đỡ, đặc biệt là đường lối ngoại giao của Pháp. Chính Thống Giáo, tôn giáo có nhiều ưu thế, tiến triển chung quanh hai trung tâm khác nhau. Trung tâm thứ nhất là tòa thượng phụ Constatinople, thành lập ở Phanar, được khích lệ bởi một nền văn minh Hy Lạp trẻ trung và có nhiều tham vọng. Trung tâm thứ hai là công nghị của Giáo Hội thuộc hoàng đế Nga mà ảnh hưởng tinh thần không ngừng lớn mạnh cho đến đệ nhất thế chiến, mặc dù các vị hoàng đế Nga thất bại trong ý muốn được các nước dành cho quyền bảo trợ Chính Thống Giáo cả trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tạo ưu thế cho hàng giáo phẩm Hy Lạp, đôi khi còn cho họ độc quyền trên những cộng đoàn kitô giáo quốc gia thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Những cộng đoàn này đã được sáp nhập trong hệ thống chính trị tôn giáo tập trung có lợi cho Phanar. Với phong trào tự trị chính trị cũng bắt đầu, trong thế kỷ XIX, đã nảy sinh một ý muốn quốc gia độc lập tôn giáo. Hiện tượng điển hình đó của Chính thống Giáo được bộc lộ vào thời kỳ mà Giáo Hội Công Giáo củng cố chế độ quân chủ và tập trung quyền bính. Tuy vẫn công nhận vai trò lịch sử không thể chối cãi của tòa thượng phụ Constantinople, vai trò tòa thứ nhất, vai trò Giáo Hội chị trưởng, cũng thường gọi là Giáo Hội mẹ, nhưng không có quyền tài phán trên các Giáo Hội khác, các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị của các quốc gia mới đòi hỏi một qui chế pháp lý tự do và một thể chế tôn giáo quốc gia căn cứ vào hàng giáo phẩm địa phương và những cơ quan chuyên biệt. Yêu sách về sự độc lập tôn giáo ấy không có nghĩa là một ý muốn ly giáo hay một sự chia rẽ nền thống nhất của kitô giáo, nhưng là để hoàn thành sự độc lập về chính trị và về tôn giáo của mình. Không muốn cắt đứt với Chính Thống Giáo hoàn vũ, cũng không từ bỏ những dây liên lạc đặc biệt và tinh thần với tòa thượng phụ ở Constantinople, các Giáo Hội địa phương muốn được sáp nhập vào những hoàn cảnh thế tục, xã hội và chính trị trong ”môi trường quốc gia” của họ. Chắc chắn là đời sống và sự phát triển của những Giáo Hội độc lập không chống lại cương vị lịch sử của Chính Thống Giáo Byzantin, cũng không chống lại những nền tảng của chế độ thượng phụ, bởi vì tất cả mọi Giáo Hội độc lập tôn giáo đều dựa vào sự thống nhất thể chế và quy luật chung của thừa truyền Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, thể chế của những Giáo Hội độc lập mới mẻ trong những quốc gia ra đời từ sự chia cắt của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiến hành với nhiều căng thẳng, nhiều cuộc xung đột và cả nhiều vụ đoạn tuyệt nhất thời xẩy ra giữa Phanar và nhiều Giáo Hội quốc gia mới, vì lý do chính trị.
Giáo Hội Hy Lạp là Giáo Hội đầu tiên nêu gương giải phóng khỏi tòa thượng phụ Constantinople. Do sáng kiến của chính mình, vương quốc vừa được thành lập tuyên bố, vào năm 1833, sự độc lập tôn giáo bằng một văn bản về thể chế. Không đoạn giao, vị thượng phụ Constantinople làm như không biết đến văn bản đơn phương ấy. Tuy nhiên vào tháng 5.1850, chính phủ Hy Lạp vận động để tiến tới sự hòa giải. Họ xin vị thượng phụ Constantinople và công nghị của thượng phụ phê chuẩn sự độc lập tôn giáo của Giáo Hội Hy Lạp và thừa nhận Giáo Hội này như Giáo Hội em trong khi hàng giáo phẩm Hy Lạp tự phó thác cho Phanar để xin sự thừa nhận hợp qui tắc của các tòa thượng phụ Alexandrie, Antioche và Giêrusalem. Một Tomos công nghị, vào ngày 29 tháng 6 sau, chấp nhận sự độc lập tôn giáo mới của Giáo Hội Hy Lạp, trong lòng của Chính Thống Giáo, hiệp nhất và đa dạng, do đó ngày 9 tháng 7 năm 1852, Giáo Hội của vương quốc Hy Lạp có một thể chế riêng. Từ đó Giáo Hội này tùy ý xếp đặt những gì thuộc về tôn giáo địa phương của mình, trong sự điều hòa quy luật truyền thống của Chính Thống Giáo hoàn vũ. Một trong những việc làm đầu tiên của hàng giáo phẩm Hy Lạp là cử các giáo sư Ralli và Potli xuất bản trọn vẹn bộ giáo luật và những lời chú giải được công nhận là chính thức. Tác phẩm của họ, ra đời giữa năm 1852 và năm 1859, là tác phẩm cơ bản về kiến thức có hệ thống của pháp chế giáo luật Byzantin.
Phong trào cải tổ nội bộ bắt đầu từ chính tòa thượng phụ Constantinople. Phỏng theo những điều qui định phóng khoáng của Hatti-Humayyoun và theo sự thôi thúc của nội các Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 4.1857), Phanar cử, vào tháng 8.1858, một “hội đồng quốc gia lâm thời” thuộc tòa thượng phụ. Hội đồng này đã tổ chức chế độ công nghị và những ban hổn hợp còn ảnh hưởng mãi về sau.
Năm 1859 bùng nổ cơn khủng hoảng của Giáo Hội Bulgarie, kéo dài trong nhiều năm, bởi vì những ảnh hưởng chính trị tôn giáo chống đối nhau. Nếu các linh mục Lazaristes và các tu sĩ Assomptionnistes bắt đầu thực hiện được một sự hiệp nhất giả tạo với Roma, thì Chính Thống Giáo Nga cố giữ cho dân tộc láng giềng này đi theo đường hướng thân Nga. Nhưng đối với Phanar phong trào mập mờ này gây tổn hại cho ảnh hưởng ưu thế của họ trong vùng Balkans.
Nguồn gốc của cơn khủng hoảng này là ý muốn của nhiều người Bulgari muốn phản ứng chống lại chính sách Hy Lạp hóa triệt để mà hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Constantinople theo đuổi. Một đảng được thành lập, họ cho rằng cách tốt nhất để đi đến sự giải phóng khỏi Phanar là dựa vào Roma, với điều kiện vẫn duy trì những tập quán tôn giáo của họ và nhất là cử hành phụng vụ bằng tiếng slavon. Ðức giáo hoàng Pie IX đồng ý và vào tháng 4.1861, chính đức giáo hoàng phong chức trong nhà nguyện Sixtine cho người lãnh đạo phong trào hiệp thông, J. Sokolski, mà Eugène Boré đã đưa đến Roma một cách hơi khiêu khích. Ðây là vụ việc chưa từng được nghe thấy và làm chấn động trong thời đó. Nhưng ngay từ ngày 18 tháng 6, vị giám mục vừa được phong chức ấy đi theo một nhân viên Nga đến Odessa và đã xuống tàu đi đến một địa điểm nào không ai được biết. Trong vài tháng cộng đoàn mới đông hàng ngàn người công giáo bắt đầu tan rã và phong trào hiệp thông lớn mà người ta trông chờ chẳng bao lâu chỉ còn lại vài nhóm lẻ loi và sống thiếu thốn.
Nhưng phong trào giải phóng tôn giáo khỏi Phanar không vì thế mà ngừng lan rộng. Sự hăng say đã đến độ mà ngay từ tháng 4.1860 hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo đã gạch bỏ trên những tấm bảng phụng vụ tên của vị thượng phụ Constantinople, rồi hàng giáo phẩm Hy Lạp bị loại khỏi các tòa giám mục. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý về hiến pháp một “Giáo Hội quốc gia” dưới sự bảo vệ của một giáo chủ người Bulgarie có một hàng giáo phẩm mới đồng quốc tịch giúp việc. Quốc hội lựa chọn sau đó, ngày 23.2.1872, người đứng đầu Giáo Hội độc lập. Tòa thượng phụ Constantinople đáp lại bằng việc ra vạ tuyệt thông chống lại hàng giáo phẩm quốc gia và vụ ly giáo của Bulgarie. Biến cố này đã làm chia rẽ trong một thời gian lâu dài dư luận của hàng giáo sĩ trên toàn thể Chính Thống Giáo (1).
Trái lại, sự độc lập tôn giáo của Giáo Hội Serbie, tuyên bố do một Tomos công nghị của vị thượng phụ Constantinople họp từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11.1879, được hoàn tất trong những hình thức giáo luật tiếp theo một sự điều đình hợp pháp, sau khi hội nghị Berlin (1878) đã thừa nhận sự tự trị chính trị của nước Serbie. Lãnh thổ của Giáo Hội trẻ trung này lan dài dần dần tùy theo số phận chính trị của những tỉnh được lần lướt sáp nhập vào vương quốc Serbie (2).
Sự độc lập tôn giáo của Giáo Hội Roumanie được tòa thượng phụ Constantinople thừa nhận theo giáo luật vào năm 1885, bắt đầu thực sự bằng một bản văn đơn phương của hoàng thân Couza, vào tháng 1.1865. Tuy nhiên sự bất đồng ý kiến giữa Phanar và Giáo Hội em không trở thành sự xung đột pháp lý, bởi vì vương quốc trẻ trung này chưa có ranh giới tự nhiên, cũng chưa được các cường quốc công nhận. Sau hội nghị Berlin, sự tồn tại của vương quốc này đã được chính thức thừa nhận. Giáo Hội quốc gia có thể mơ ước đến sự độc lập tôn giáo, và những cuộc điều đình giữa vua Carol và vị thượng phụ Joachim đã đưa đến một giải pháp thỏa đáng. Nhưng sự nâng vị giáo chủ ở Bucarest lên vinh dự thượng phụ chỉ được thực hiện về sau. Việc này được công nghị Roumanie chính thức phê chuẩn, được quốc hội của vương quốc này bỏ phiếu và được tòa thượng phụ Constantinople thừa nhận theo giáo luật vào năm 1925.
Trong những tòa thượng phụ tông truyền và melkites của vùng Cận Ðông, công cuộc giải phóng có một vẻ độc đáo vì những lý do chủng tộc và chính trị. Ở Alexandrie, tòa thượng phụ từ giữa thế kỷ XIX trở nên một trung tâm quan trọng tỏa rạng về văn hóa và kinh tế Hy Lạp nhờ vào tinh thần hăng say của một cộng đoàn di tản đặc biệt đảm đang. Ảnh hưởng của cộng đoàn này trải dài từ Ai Cập đến Soudan và đến tận trung tâm của Châu Phi ở Xích đạo. Những người Hy Lạp được bổ nhiệm đến tòa ấy thường là đại diện cho những khuynh hướng tiến bộ và hoạt động giữa môi trường Chính Thống thủ cựu ở miền Méditerranée. Nhân cách của thượng phụ Photius (1899-1925) được coi là mẫu giám chức cởi mở và có năng khiếu, có óc tổ chức và làm việc có hiệu quả. Trong một môi trường gồm người tứ xứ và chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Tây phương, ngài cử những người có chức vụ cao cấp và lập những cơ quan văn hóa và xã hội có thể thu hút những thiểu số Ả Rập đông đúc và giữ cho giáo hữu của ngài khỏi bị ảnh hưởng La Tinh.
Ở Giêrusalem vấn đề Thánh địa và những quan hệ chính trị và tôn giáo làm cho văn hóa Hy Lạp và sự độc quyền của phụng hội Mộ Chúa có những lý do cơ bản để nắm chặt lấy tòa thượng phụ và những tòa giám mục khác. Tuy nhiên, sau khi nước Nga theo Chính Thống Giáo đã đặt ở Giêrusalem, vào năm 1858, một phái bộ giáo sĩ thường trực để tăng cường tinh thần kháng cự của các cộng đoàn Chính Thống Giáo Ả Rập chống lại nhiệt tình lôi cuốn tân tòng của những người La Tinh và những người tin lành, thì có một sự tranh chấp ngấm ngầm về ảnh hưởng đối lập khuynh hướng thân Nga và khuynh hướng Hy Lạp. Tuy nhiên Chính Thống Giáo địa phương và Ả Rập nhận thấy ở đó có mối lợi vừa về văn hóa vừa về tôn giáo. Sự thành lập hội những người chính thống giáo ở Palestine của hoàng gia (1882) được giới quí tộc ở Saint Pétersbourg ủng hộ đã làm phát triển các cơ quan văn hóa và xã hội. Sự phát triển này lan rộng ra đến chính lãnh thổ của tòa thượng phụ Antioche ở Syrie và Liban. Yếu tố quốc gia Ả Rập sẽ từ đó có những yêu sách về mọi sự tham gia chính đáng vào nền hành chính của Giáo Hội, và ngay cả vào những chức vụ giám mục. Nhiệm kỳ dài của thượng phụ Damianos (1908-1931) sẽ phải đương đầu với một cuộc tranh chấp công khai với những người chủ trương giải phóng tôn giáo quốc gia Ả Rập. Nhưng sự độc lập tôn giáo phải đòi hỏi cách gay go, vẫn còn bị ràng buộc cho đến thế kỷ XX bởi những điều kiện luôn luôn thay đổi và bi thảm của số phận chính trị và tôn giáo của xứ Palestine.
Trái lại trong tòa thượng phụ Antioche, hàng giáo phẩm đa số là Ả Rập, không chờ đợi sự độc lập chính trị để tiến tới sự giải phóng tôn giáo. Ngày 31.1.1898, hội nghị hỗn hợp bầu vị giáo chủ Meletios lên làm thượng phụ Laodicée. Từ đấy sự loại bỏ thiểu số người Hy Lạp trong hàng giáo phẩm không bị cản trở. Giáo phận của tòa thượng phụ được độc lập tôn giáo thực sự. Ðó là tình trạng bình thường lâu dài của họ cho đến lúc có ly giáo, mà hậu quả là Giáo Hội melkites chia rẽ và xúc tiến việc thành lập giáo phận của tòa thượng phụ thống nhất vào năm 1724.
Phong trào Philétiste được các Giáo Hội độc lập tôn giáo quốc gia thừa nhận, muốn phá hoại ngầm nền tảng thống nhất của Chính Thống Giáo, nhưng đã không thực hiện được. Họ chỉ gây nên những khủng hoảng làm náo động nội bộ và tạo dịp gạn lọc mà thôi. Trái lại, chúng làm cho Chính Thống Giáo thêm đoàn kết, chấp nhận đa dạng, và nhất là tìm thấy nguồn suối truyền thống của mình, và cuối cùng, vượt qua mọi thử thách trầm trọng do chủ nghĩa quốc gia tạo nên và có nhiều nguy cơ tác hại cho chính thống.
2. CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO ÐỒNG HÓA CỦA ÐỨC GIÁO HOÀNG PIE IX (1847-1878)
Ðức giáo hoàng Pie IX (1847-1878) bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng bằng nhiều quyết định gây chú ý đối với Ðông phương Kitô giáo. Bằng tông huấn In Suprema Petri (Quyền tối cao của Phêrô) ngày 6.1.1848, ngài muốn nối lại cuộc đối thoại với Chính Thống Giáo và khơi lại phong trào thống nhất bị bỏ lơ từ đời đức giáo hoàng Benoit XIV. Sự phục hồi tòa thượng phụ La Tinh ở Giêrusalem năm 1847 nhắc lại kinh nghiệm của Thập tự quân trong Thánh địa, biểu thị óc bành trướng của Công Giáo Roma tại trung tâm của Ðông phương Kitô giáo. Cuối cùng sự thành lập một cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Tòa Thánh trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ biểu lộ một ý muốn độc lập ít thực tế đối với sự bảo hộ tôn giáo của nước Pháp.
Những sáng kiến đầu tiên không mấy thích đáng này nằm trong một chương trình ban đầu lỏng lẻo, nhưng rồi cố gắng tập trung vào việc La Tinh hóa và đạt tới tột đỉnh tại Công Ðồng Vatican. Dĩ nhiên khó biết được tư tưởng riêng của một vị giáo hoàng và khó phân biệt được những tư tưởng này với những sách báo và văn kiện chính thức của triều đại giáo hoàng. Theo lời chứng về tư tưởng riêng của đức Giáo hoàng Pie IX mà đại sứ Pháp Rayneval đã bày tỏ trong một bức điện đề ngày 20.6.1854, viết vào giữa lúc khủng hoảng ở Ðông phương, sau một cuộc bệ kiến riêng, thì Ðức Thánh Cha không có những hy vọng hão huyền. Ngài cho rằng những khác biệt chia rẽ Giáo hội la tinh với Giáo hội Hy lạp “rất bé nhỏ, đến nỗi từ khi có sự thu xếp phối hợp ở công đồng Florence, không có một hành động nào ở phía bên này hay ở phía bên kia xảy ra để bác bỏ những quyết định của công đồng ấy”. Theo ngài, nguyên nhân của sự ly khai nằm trong những thói quen, những tập quán về chủng tộc, quốc gia... là những điều phụ đối với giáo lý. Bởi vậy, ngài tin rằng khi được soi sáng thì mọi trí óc sẽ nhận ra tinh thần thống nhất đáng quan tâm hơn những sắc thái của mỗi bên.
Quan niệm riêng ấy dường như không triệt để bằng những biện pháp mà ít lâu sau, đã được Bộ Truyền giáo lo về Kitô giáo Ðông phương áp dụng. Nhưng những ảnh hưởng ngoại giao và cá nhân trên chính sách Ðông phương của Tòa Thánh rất nhiều và tản mát. Chỉ cần kể ra, vào lúc này, hai hội đoàn đã được các nhà lãnh đạo La Tinh lưu ý đặc biệt trong những năm sôi động nhất của cơn khủng hoảng Ðông phương giữa thế kỷ. Trước tiên là “Hội thống nhất Kitô hữu Ðông phương” được thành lập vào những tháng đầu của triều giáo hoàng. Người sáng lập là tu viện trưởng Terlechki, và mấy phụ nữ quí tộc Nga như công chúa Zenaida Grigorievna Volkonskoja và bà Swetchine, họ đã gợi ý cho tông huấn In suprema Petri. Và đức hồng y Franzoni đã chủ tọa, ngày 1.7.1847 đại hội đầu tiên của hội này. Ðại hội đã sôi nổi với những tham vọng lớn là đề cao sự hiệp thông của người Nga và miền Cận Ðông. Thứ đến là “Hội Kitô giáo Ðông phương”, thành lập ngày 12.10.1853, cũng ở Roma, nổi tiếng hơn vào thời đó, nhờ người sáng lập là J.G. Pétzipios, một kẻ phiêu lưu đã trở lại đạo Công Giáo từ Chính Thống Giáo Hy Lạp. Nhiều lần ông này đã được đức giáo hoàng hỏi ý kiến và năm 1855, ông được Bộ Truyền Giáo bảo trợ tài chánh để xuất bản cuốn sách tuyên ngôn “l'Eglise orientale” (Giáo Hội Ðông phương) do chính ông viết. Nhưng những thay đổi ý kiến về tôn giáo và về chính trị của ông chẳng bao lâu đã đưa ông ta đến phục vụ cho những chủ khác. Dầu sao, quyển sách của ông còn có giá trị lâu dài về sau, như một cơ sở cho việc tìm hiểu môi trường hiệp thông.
Năm 1862, đức giáo hoàng Pie IX muốn tách những vấn đề của Giáo Hội Ðông phương ra khỏi những vấn đề truyền giáo cho lương dân hay cho tin lành. Với tông huấn Romani pontifices (giáo hoàng Roma), ngài đã lập ra ngay trong Bộ Truyền Giáo một ủy ban hồng y có nhiệm vụ lo riêng về “những vấn đề nghi lễ Ðông phương”. Sự cải tổ một phần Bộ Truyền Giáo ấy được thực hiện trước khi loan báo sẽ tái lập bang giao với nước Nga Chính Thống Giáo (14 tháng 1). Nhưng đức giáo hoàng chỉ ban bố quyết định của mình vào ngày 8 tháng 4 qua tông huấn Amantissimus humani generis Redemptoris. (Tình yêu vô biên của Ðấng Cứu Chuộc loài người). Khi loan báo đặc ân ấy cho hàng giáo phẩm Ðông phương, đức giáo hoàng Pie IX đã xác định một quan niệm cứng rắn về sự thống nhất của Giáo Hội, đồng thời nhắc lại những sáng kiến đầy thiện ý của Giáo Hội La Tinh hầu phát triển Kitô giáo Ðông phương. Và đức giáo hoàng không che giấu sự ngạc nhiên và nỗi cay đắng của mình, về việc một vài đầu óc “khinh xuất và vu khống” dám quả quyết rằng các đức giáo hoàng làm hết cách để La Tinh hóa những người Ðông phương. Tuy nhiên ngày 30 tháng 4, ban hồng y ấy bắt đầu làm việc bằng cách qui định quyền lãnh nhận các bí tích của những người Ðông phương trong các nhà thờ La Tinh. Nguyên tắc tự do của giáo hữu chỉ bị giới hạn bởi quyền ưu tiên dành cho những nghi lễ Ðông phương.
Những sự can thiệp càng ngày càng thường xuyên của Bộ Truyền Giáo trong các việc nội bộ của các cộng đoàn quy nhất xảy ra ngay vào lúc mà những cộng đoàn này được hưởng quyền tự do cải cách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuộc bầu cử chức vụ thượng phụ, những hội nghị về lập pháp hay về kỷ luật quốc gia hay việc áp đặt những cải cách về cơ cấu, là những dịp để Roma thi hành một sự kiểm soát dần dần và thực hiện một chính sách theo đúng đường lối. Ðó là đường lối áp dụng những nguyên tắc lớn của công cuộc chống cải cách của Công Ðồng Trente, nền tảng của sự La Tinh hóa về thể chế. Hai hồng y Franzoni và Barnabo cũng như những vị khâm sứ Tòa Thánh ở Ðông phương và Valerga vị thượng phụ La Tinh ở Giêrusalem vừa là những người khởi xướng vừa là những người gây dựng của chính sách đồng hóa từ từ và có chủ tâm.
Công đồng quốc gia của các Giáo Hội Melkites ở Giêrusalem vào năm 1849 là dịp xảy ra một vụ xung đột trầm trọng vừa chống cá nhân của vị thượng phụ Maximos III Mazloum vừa chống một vài việc cử hành bí tích bị coi là trái với những điều qui định của Công Ðồng Trente. Sự giám định theo giáo luật, được giao cho linh mục Dòng Tên C. Van Everbroeck và thượng phụ Valerga. Các ngài đã phát hiện tinh thần của một giáo thuyết Gallican rất nhẹ nhưng nguy hiểm. Sự kháng cự mạnh mẽ của thượng phụ Melkites, mà gần như tất cả các bản báo cáo chính thức của các vị lãnh sự Pháp và những nhân viên của Bộ Truyền Giáo đều cho đó một là chủ mưu ly giáo và chống đối đã ăn sâu lâu đời của Ðông phương. Những bá cáo như vậy có thể đã làm cho các vị lãnh tụ La Tinh có thái độ cứng rắn đối với các Giáo Hội Quy nhất.
Một cơn khủng hoảng khác làm tăng thêm sự nghi kỵ của người la tinh đối với người Ðông phương. Ðó là cơn khủng hoảng đã làm cho thượng phụ Hassoun ở Armérie, người tin cẩn của đức giáo hoàng Pie IX, trở nên đối lập với đa số giáo hữu của ngài và ngay cả với các giám mục trong nhiều năm. Vả lại, ngay từ những năm 1848-1850, những cuộc tranh luận nội bộ có liên quan đến những cuộc bầu cử các giám mục và vai trò của giáo dân làm cho chính đức giáo hoàng lo lắng. Ngài xem cuộc khủng hoảng ở Arménie đáng lo ngại cho tương lai của Giáo Hội hơn là vấn đề Thánh địa.
Những cuộc họp của các Cộng Ðồng toàn quốc cho các khâm sứ Tòa Thánh cơ hội để kiểm điểm lại cách đúng đắn truyền thống của Ðông phương và để thích nghi truyền thống ấy vào đường lối chống cải cách của Công Ðồng Trente. Bối cảnh xã hội chính trị và những mục tiêu về giáo lý và về quy luật của Công Ðồng này hoàn toàn không tương ứng với hoàn cảnh và sự phát triển của Kitô giáo Ðông phương. Linh mục Benoit Planchet, Dòng Tên, được cử làm “đại diện tông tòa” (Pro-délégué apostolique) ở Mésopotamie ngày 18.1.1851, sẽ là tác giả của việc La Tinh hóa cưỡng bách trên các thể chế tôn giáo của những người Jacobites và những người Nestoriens hiệp thông (những hội nghị tại Charfeh vào tháng 12.1853, tháng 1.1854 và tại Rabban-Hormizd vào tháng 6.1853). Ðức cha Brunoni, một người Ðông phương trở nên khâm sứ Tòa Thánh ở Syrie và Liban cố gắng vận động cho vài linh mục thừa sai La Tinh được mời tham dự hội nghị của Giáo Hội Maronite ở B'kerké (11-13.4.1856). Sự từ chối cương quyết nhưng lễ phép của thượng phụ Mass'ad đã gạt bỏ toan tính ấy, nhưng các giám mục Maronites vẫn công nhận những điều qui định rất La Tinh hóa của hội nghị ở Mont-Liban (1736) mà từ lâu đã bị quên lãng. Về phần các người Melkites, Bộ Truyền Giáo phải chờ đến khi thượng phụ Mazloum qua đời (1855) mới gợi ý cho người kế vị ngài là Clément Bakouth, triệu tập một hội nghị mới. Lần này hội nghị được khâm sứ Tòa Thánh chủ tọa. Những sắc luật của hội nghị này, có sự bảo đảm hợp lệ, đã được phê chuẩn dễ dàng.
Sự phát triển mạnh mẽ của đời sống và của những cơ quan tôn giáo đã gây nên nhiều khủng hoảng trầm trọng, đe dọa tương lai của người công giáo sống bên cạnh người Mekites, người Arméniens và người Chaldéens. Chỉ gợi lại vắn tắt những khủng hoảng ấy cũng đủ cho chúng ta nhìn thấy những vấn đề chính yếu của hiện tượng quy nhất.
Vấn đề lịch Grégorien trong cộng đồng Melkites đã đụng tới một trong những đặc tính của Giáo Hội hiệp nhất Byzantin. Tuy được các nhà lãnh đạo Roma của Bộ Truyền Giáo khuyên bảo nhiều lần, việc du nhập lịch tây phương ấy luôn bị hàng giáo phẩm Melkites nhất loạt từ chối, viện lý muốn duy trì dây liên lạc về sự thống nhất kỷ luật với Chính Thống Giáo mẹ. Trước khi được bầu vào chức vị thượng phụ (1.4.1856), Clément Bahouth đã hứa, trong một quy ước tiền hội nghị, là chỉ xét lại vấn đề lịch với sự đồng ý của hàng giám mục. Khi đã được bầu rồi, ngài vội vã theo những lời khuyên của khâm sứ Tòa Thánh là đức cha Brunoni và áp đặt không khéo léo và không báo trước việc xử dụng lịch Grégorien. Tức khắc một loạt phản kháng bùng nổ giữa nhiều giám mục và giáo dân. Sự can thiệp không đúng lúc của các lãnh sự Pháp trên bình diện địa phương, và sự ủng hộ của Constantinople mà thượng phụ mong mỏi, đã làm cho ngài đánh giá thấp sức mạnh và chiều sâu của việc cộng đồng Melkite bài xích. Ða số trong cộng đồng này khẳng định muốn vẫn là công giáo như cũ, nhưng không chịu Tây phương hóa. Bởi vậy họ lấy tên là “Giáo Hội Melkite Ðông phương”. Bối rối vì thấy sức lan tràn và cương quyết của những phản ứng, thượng phụ đột ngột từ chức ngày 4.8.1858. Nhưng đức giáo hoàng Pie IX từ chối không xác nhận sự từ chức này. Trong khi đó, các vị giám mục của phe chống đối Ðông phương ghi nhận việc từ chức và xin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cử một người lãnh đạo quốc gia dân sự. Ðồng thời, nhiều đơn thỉnh cầu khẩn thiết được đệ lên hoàng đế Napoléon III, xin ngài đích thân can thiệp để lập lại trật tự. Cùng lúc, đức giáo hoàng Pie IX ủng hộ vị thượng phụ chống lại đối thủ chính của ngài là đức cha Riachi, tổng giám mục Bayrouth (3).
Những can thiệp ngoại giao trái ngược nhau làm gia tăng sự hiểu lầm và phe chống đối cứng rắn hơn. Hai linh mục chống đối quyết liệt nhất được nhiều gia đình ở Syrie, Liban và Ai Cập ủng hộ, tiếp xúc chính thức với hội đồng của tòa thượng phụ Constantinople và tuyên xưng đức tin Chính Thống Giáo ngày 6.12.1860 tại Constantinople. Một trong hai người được phong chức giám mục và được giao nhiệm vụ điều khiển Giáo Hội Melkite Ðông phương mới, được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận hợp pháp, dưới quyền bảo trợ của Chính Thống Giáo. Phong trào có nguy cơ lan rộng và quy tụ tất cả những người không muốn chấp nhận lịch Tây phương. Hốt hoảng trước viễn cảnh ấy, thượng phụ Bahouth lại xin từ chức vào năm 1864. Người kế vị ngài là Grégoire Youssef. Vị này để cho các giám mục tự do lựa chọn giữa hai thứ lịch. Nhờ sự thỏa hiệp ấy, ngài lập lại trật tự và đem về dưới quyền tài phán của ngài một phần những người ly khai. Vụ ly khai do vấn đề lịch gây ra được giải quyết không phải bằng sự thành lập một công đồng Ðông phương mới, nhưng bằng sự trở về của những kẻ cố chấp trong lòng Chính Thống Giáo.
Cơn khủng hoảng của Giáo Hội Arménie đã bùng nổ ngay từ những năm đầu triều đại của đức Pie IX, chẳng bao lâu lại tái bùng nổ, vẫn bởi lý do cá tính của thượng phụ Hassoun và những nguyên tắc mà ngài chủ trương. Cho đến năm 1866, Antouin Hassoun được bổ nhiệm ở Constantinople, với chức vị tổng giám mục giáo trưởng, lo về các lợi ích dân sự của những người công giáo Arménie. Nhưng ngài mơ ước chức thượng phụ ở Cilicie, mà nhiệm sở ở tại Liban, trong tu viện Bzommar. Ngài muốn thu hợp trong cá nhân của ngài tất cả quyền tài phán tôn giáo và thế tục của những người Arménie thuộc quyền của Roma. Việc qua đời của thượng phụ ở Cilicie cho ngài cơ hội. Lẽ tự nhiên Bộ Truyền Giáo và thượng phụ Valerga ủng hộ tham vọng của ngài, nhân danh việc thống nhất mọi quyền tài phán.
Hội nghị bầu cử được họp ở Liban, dưới quyền chủ tọa của Valerga, lập Hassoun làm thượng phụ ở Cilicie ngày 4.9.1866, dưới tên Pierre I. Hội nghị bãi bỏ, cùng lúc chức vụ và tòa giáo chủ ở Constantinople sáp nhập tòa này vào tòa Cicilie và chuyển nhiệm sở của tòa thượng phụ quy nhất đến thủ đô của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vì không thể áp đặt các giám mục chống đối, nên người ta đã để cho vị đại diện Tòa Thánh tự thảo lấy bài tường thuật về hoạt động của hội nghị.
Năm sau, vào ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô tử đạo, đức Pie IX công bố sắc chỉ Reversurus (Sẽ trở về) (ngày 12.7.1867) nhằm đưa ra ánh sáng tầm quan trọng và những điều lợi và điều hại của cơn khủng hoảng tôn giáo. Sắc chỉ ấy liên quan trực tiếp đến Giáo Hội Arménie, nhưng nó phải được áp dụng mau chóng cho tất cả các cộng đồng quy nhất khác (4). Giọng của sắc chỉ phản ảnh bầu khí căng thẳng của cơn khủng khoảng. Ðức Pie IX nói với một giọng cay đắng về tinh thần ly giáo đã chi phối đời sống của Giáo Hội ở Ðông phương. Ngài cho thấy sự ly giáo đã luôn kéo theo sự dốt nát, sự trì trệ của các cơ quan, sự sa đọa về luân lý và sự buông thả về kỷ luật. Ðể ngăn ngừa sự suy tàn của các Giáo Hội sinh ra từ sự ly giáo, Tòa Thánh dành tất cả sự ân cần của mình nhằm phục hưng công giáo Ðông phương. Việc qui định những thể thức bầu thượng phụ và giáo hoàng nằm trong đường hướng canh tân ấy. Từ nay, các Hội nghị giám mục sẽ không có sự tham dự của hàng giáo sĩ cấp dưới và những người thế tục. Chỉ các giám mục có quyền bầu cử thượng phụ. Việc bầu cử các giám mục cũng chỉ thuộc quyền Hội nghị giám mục, do vị thượng phụ chủ tọa và cuối cùng, thuộc quyền của đức giáo hoàng: ngài sẽ lựa chọn ứng cử viên xứng đáng nhất trong một danh sách gồm có ba vị. Bất cứ sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp nào của giáo dân hay của người thế lực đều tuyệt đối bị bãi bỏ. Cuối cùng, đức giáo hoàng biểu lộ ý định sẽ nhanh chóng áp dụng những chỉ thị ấy cho các tòa thượng phụ Ðông phương khác cũng như ngài đã thông báo cho thượng phụ Maronites là Paul Mass'ad và thượng phụ Melkite là Grégoire Youssef có mặt tại Roma.
Hai vị thượng phụ này tỏ ra rất dè dặt và muốn giãn lại việc áp dụng sắc lệnh tới một thời điểm thuận lợi hơn cho cộng đồng của các ngài. Nhưng thượng phụ Hassoun tán thành hoàn toàn những biện pháp của đức giáo hoàng. Bởi vậy chẳng bao lâu sau, xuất hiện phe chống đối trong nước dưới sự hướng dẫn của một phần các giám mục Arménien, các tu sĩ và đông đảo các thân hào và giáo dân. Trong lúc có Công Ðồng Vatican, tầm rộng và mức trầm trọng của sự chống đối dường như không làm cho các nhà lãnh đạo La Tinh đổi ý, mặc dù các nhà ngoại giao Pháp và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần can thiệp. Chẳng bao lâu, sự chống đối tiến triển và thành ra một cuộc ly giáo thật sự do đức cha Kupélian lãnh đạo. Cộng đồng này sẽ được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận một cách hợp thức trong nhiều năm (1870-1879). Vị thượng phụ Hassoun được phong hồng y, phải nhường chỗ cho đức cha Azarian kế vị ngài, vào năm 1879. Cuộc ly giáo này tan biến dần vì mất sự ủng hộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Và qua triều đại đức giáo hoàng Léon XIII mới chấm dứt.
Cuộc khủng hoảng của tòa thượng phụ Chaldée gắn liền với tên của J. Audo, dường như thoạt tiên chỉ liên quan đến một cuộc tranh luận nhỏ mọn, về quyền tài phán cá nhân trên lãnh thổ của Giáo Hội ở Malabar. Ðược phong chức thượng phụ vào năm 1847, Audo có tiếng là vừa rất gắn bó với truyền thống của Giáo Hội Chaldée vừa rất tận tâm với Giáo Hội Công Giáo. Ngay từ 1843, tu viện trưởng Valerga, lúc đó đang lo việc truyền giáo ở Kurdistan, đã ca ngợi và giới thiệu với Bộ Truyền Giáo ứng cử viên nổi bật nhất này vào tòa thượng phụ.
Vào năm 1853, Audo vừa chấp thuận thi hành những cải cách theo Giáo Hội La Tinh như đức cha Planchet khuyến khích ở hội nghị Rabban Horumuzd, vừa đòi quyền điều khiển trực tiếp chủng viện thuộc quyền thượng phụ của ngài chống lại những tu sĩ Ðaminh ở Mossoul. Năm 1856, các linh mục và giáo dân ở giáo phận Syro-malabare, từ 1599 thuộc quyền tài phán của các vị đại diện tông tòa La Tinh, xin ngài cử đến một giám mục theo nghi lễ của họ. thượng phụ thực tâm tin cho Bộ Truyền Giáo hay và đề nghị cử bốn vị Kinh lược nhưng một nửa do đức giáo hoàng và một nửa do ngài đề cử. Bởi vì ngài nhớ rằng đức giáo hoàng Jules III đã thừa nhận, ngay từ những cuộc điều đình đầu tiên về sự hợp nhất của Giáo Hội Nestoriens, vào năm 1555 quyền tài phán của thượng phụ Sulaqua ở Malabar. Tuy vậy, Bộ Truyền Giáo bác bỏ đề nghị hòa giải của thượng phụ và không thừa nhận thần quyền nào của ngài trên những người syro-malabare. Thêm vào cớ ấy chẳng bao lâu sau là sự đối kháng kịch liệt giữa thượng phụ và khâm sứ Tòa Thánh mới nhậm chức, là giám mục Amanton, tu sĩ dòng Ða Minh người Pháp. Tin chắc vào quyền của mình và mặc dù có những biện pháp kỷ luật, ít ra là độc đoán, của khâm sứ Tòa Thánh, Audo bắt đầu thi hành chính sách việc đã rồi. Việc cử Thomas Rokos làm đại diện tòa thượng phụ cho Malahar (23.9.1860) gây nên cuộc đụng độ đau lòng đầu tiên. Do cuộc đụng độ này, vị khâm sứ Tòa Thánh phải ra đi và thượng phụ phải triệu hồi vị đại diện của tòa thượng phụ. Ðó chỉ là một sự hưu chiến.
Mặc dù có sự can thiệp ngoại giao và những sự cảnh cáo của Bộ Truyền Giáo, vị thượng phụ lại chấp nhận những kiến nghị của Malabar và phong chức cho Elias Mellous ngày 5.6.1864. Từ nay vị này sẽ là người chủ động khéo léo và bền bỉ trong việc sáp nhập Malabar vào tòa thượng phụ Chaldéen. Cơn khủng hoảng còn nổi lên nhiều lần, nhất là vào dịp lễ kỷ niệm hàng trăm năm tử đạo của hai vị thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô (7.1867), vào lúc có Công Ðồng Vatican (cuối tháng 1.1870), và cuối cùng giữa 1874 và 1877, vào lúc cơn khủng hoảng lên đến cực điểm. Sự đương đầu trực tiếp và lặp đi lặp lại giữa đức giáo hoàng Pie IX và vị thượng phụ Audo làm thành một sự kiện ít thấy trong lịch sử biên niên của Công Giáo hiện đại, ngay cả về phía những người Ðông phương. Người ta không thể đi vào chi tiết của cơn khủng hoảng ấy, cơn khủng hoảng khá có ý nghĩa trong hoàn cảnh rất rối ren của thời ấy. Nhưng cần lưu ý rằng Audo bầu chữa cho thái độ của mình một cách can đảm và sáng suốt. Trong một bức thơ, tóm tắt vụ việc đã xẩy ra, gởi cho Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo ngày 20.2.1875, ngài bác bỏ những lời trách móc một cách võ đoán. Rủi là các sử gia của Bộ này đã lơ là xem nhẹ bức thơ này, mặc dù nó đã được đăng trong một tập tài liệu bán chính thức. Nhưng bài biện hộ của thượng phụ không đến đúng lúc, vào cuối một nhiệm kỳ giáo hoàng mang đặc tính tập trung thái quá và độc đoán. Audo bị treo chức trong khi cả Ðông phương Công Giáo tự hỏi về lối thoát của một cuộc thử thách đáng lo ngại: cơn khủng hoảng của Giáo Hội Chaldée thay thế cho cơn khủng hoảng của Giáo Hội Arménie. Rất may, một giải pháp thỏa hiệp đã được áp dụng. Giải pháp này vừa đối xử khéo léo với cá nhân, vừa đem lại trong phẩm cách một sự hòa giải, giữa những nguyên tắc khác biệt liên hệ, và tỏ ra khá có hiệu quả, lâu về sau.
Qua ba cơn khủng hoảng chính của Công Giáo Ðông phương, người ta có thể đánh giá đúng tầm vóc giáo sĩ, tâm lý, xã hội và những vấn đề dẫn tới phong trào thích ứng hiện tình hiệp nhất của Giáo Hội Ðông phương vào truyền thống Giáo Hội La Tinh. Vấn đề được đặt ra là những hoàn cảnh cụ thể. Những ban chuyên môn lo về việc chuẩn bị Công Ðồng Vatican, và những cuộc tranh luận ở Công Ðồng, sẽ ấn định các nguyên tắc liên quan đến sự hiện hữu của phong trào hiệp thông Ðông phương và những mối liên lạc giữa Giáo Hội Ðông phương với uy quyền của giáo hoàng và của các vị lãnh đạo hay các nhân viên của Giáo Hội La Tinh.
Bộ Truyền Giáo chắc chắn đã xin ý kiến của các vị lãnh đạo chính yếu trong hàng giáo phẩm Công Giáo Ðông phương, tuy nhiên Bộ không cho là họ cần phải có mặt hoặc gửi đại diện đến trong các buổi thảo luận. Vai trò nổi bật của đức cha Valerga, người có khuynh hướng La Tinh rất đậm đà, chỉ được giảm nhẹ phần nào nhờ sự khôn ngoan và sự khéo léo của hai “chuyên viên lưu trữ tài liệu” thuộc Bộ Truyền Giáo là Serafino Cretoni và Francesso Rosi mà thôi. Những cuộc thảo luận nối tiếp nhau từ ngày 21.9.1867 đến ngày 9.5.1870. Trong các cuộc thảo luận ấy, người ta xét đến những vấn đề tế nhị về quyền bính của các thượng phụ, về quyền lập pháp và kỷ luật, về sự lấn át của các thừa sai và việc La Tinh hóa các trí óc và các cơ quan, về số phận của các cơ quan tại trung tâm La Tinh hóa mà thượng phụ Valerga ở Giêrusalem điều khiển, và cuối cùng là về việc cải cách dòng tu Ðông phương. Một số biện pháp về sự La Tinh hóa và sự đồng hóa Giáo Hội quy nhất Ðông phương nhất thiết phải được nêu lên rõ rệt, vì thế khi chuẩn bị buổi họp ngày 17.9.1869, người ta đã tìm phương cách khéo léo để không làm cho hàng giáo phẩm liên hệ hoảng sợ và để ngăn cản sự liên minh chống đối có thể xảy ra (5).
Trong khi người ta thảo luận như vậy ở Roma về qui chế và số phận của Giáo Hội quy nhất Ðông phương thì những người công giáo Roumanie họp hội nghị lập pháp của họ ở Blaj (8.1868). Noi gương các thượng phụ Melkite và Chaldéen, các thành phần của hội nghị Roumanie, lo lắng về quá trình đồng hóa mà nhiều cơ quan Roma đã áp đặt cho Giáo Hội Roumanie. Họ muốn khẳng định những nền tảng thể chế của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của họ. Một dự án gồm mười điều khoản được bỏ phiếu. Nhưng khi vừa đề cập đến dự án trình bày những nguyên tắc của Công Giáo Ðông phương, thì lập tức bùng lên một phản kháng mãnh lệt. Sứ thần Tòa Thánh và thẩm quyền ở Vienne tố cáo phản kháng này có khuynh hướng ly khai. Sở dĩ có dự án trên là vì nhất thiết phải “phục hưng quyền tự trị về thể chế của Giáo Hội Roumanie để phân biệt với Giáo Hội La Tinh đang chiếm ưu thế trong đế quốc Áo-Hung, bởi vì sự hiệp nhất thuộc về phương diện giáo lý và được chứa đựng trong bốn điểm đã ấn định ở Florence”. Trong quan điểm đó ”sự phụ thuộc của hàng giáo phẩm Roumanie đối với Tòa Thánh chỉ là sự phụ thuộc đã được dự liệu ở Florence. Như vậy mọi hình thức trung gian đều bị loại trừ: “Không ai, giáo sĩ hay người thế tục, có thể khiếu nại về một quyết định của Giáo Hội Roumanie hiệp thông với hàng giáo phẩm La Tinh trong nước”. Một khi những nguyên tắc chính ấy đã được đặt ra rồi, thì người ta phải thừa nhận cho người thế tục quyền tham dự với các giáo sĩ, vào việc lựa chọn các ứng viên giám mục. Trong việc quản lý tài sản của các nhà thờ và các tu viện, giáo dân được quyền thảo luận về tất cả các quyết định của hội đồng hỗn hợp gồm ngang số đại biểu. Tuy nhiên những quyết định thuộc về giáo lý hay riêng về hàng giáo sĩ thì không thuộc thẩm quyền của họ. Một khi sự phân chia quyền hành đã rõ ràng, giám mục phải tập họp hội đồng giáo phận hàng năm mà thành phần và quyền hạn vượt ra ngoài khuôn khổ giáo triều (6).
Sự chọn lựa ấy của hội nghị trong một Giáo Hội Âu Châu tiền tiến, vừa gồm người Slave vừa gồm người Áo, chống lại mọi chính sách đồng hóa được chính thức khuyến khích. Chắc chắn nó biểu lộ phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ chống lại phương pháp thực hiện của Bộ Truyền Giáo và chống lại những công trình lập pháp của ủy ban Ðông phương trước Công Ðồng.
Hàng giám mục Ðông phương của đế quốc Áo-Hung và của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều đại diện ở Công Ðồng Vatican Nhưng những sự khác nhau về phụng vụ và kỷ luật, kèm thêm những sự khác biệt sâu xa về việc đào tạo giáo sĩ và về môi trường xã hội, không cho phép họ lập thành một khối chung đối lại với số đông quan trọng các giám mục La Tinh trên toàn thế giới. Không có những buổi họp làm việc chung, không có sự đồng thuận, tổng quát hay ngấm ngầm, về một cương lĩnh yêu sách tối thiểu bảo đảm cho sự sống còn của truyền thống bí tích và kỷ luật riêng biệt. Người ta còn thấy nhiều giám mục của Arménie, của Syrie hay Maronites ủng hộ những quan điểm về kỷ luật la tinh hóa, những quan điểm đã được các phát ngôn viên chính thức của Ðông phương nêu lên và kịch liệt phản đối, cho dù nhóm cải cách trong hàng giám mục La Tinh ủng hộ.
Về quyền tối thượng và quyền bất khả ngộ của đức giáo hoàng, người ta cũng nhận thấy sự khác biệt như vậy giữa các giám mục Ðông phương. Không kể một số giám mục đã chối chính tín điều này, tín điều làm cơ sở cho “giáo lý hiệp thông”. Sự bất đồng ý kiến nằm trong điểm có nên định nghĩa tín điều hay không. Ðiều bất ngờ đối với các giám mục La Tinh là sự chống đối rõ ràng của một vài giám mục Ðông phương trước những luận đề của các Thượng phụ về việc khôi phục giá trị của truyền thống Ðông phương. Tuy nhiên, những đại biểu chính thức của các Giáo Hội Ðông phương lớn đã đem đến, mỗi người tùy theo kinh nghiệm và cách nhìn thần học của riêng họ, một sự đóng góp tích cực và có giá trị đối với số phận của Công Giáo Ðông phương. Chúng ta không dài dòng về những lời phát biểu chính thức của hàng Ggám mục Ðông phương, tuy nhiên chúng ta không thể bỏ sót mà không nêu lên một vài sự lựa chọn chủ yếu.
Ngay từ ngày 25.1.1870 thượng phụ Chaldéen Audo nhấn mạnh về sự cần thiết bảo tồn cho Ðông phương Kitô giáo, những truyền thống riêng biệt về việc tổ chức và những nguyên tắc về quy chế hội nghị và quy chế thượng phụ. Ngài cương quyết tố cáo chương trình đồng hóa mới là trái với những lời hứa lặp đi lặp lại của các vị giáo hoàng từ Công Ðồng Florence. Vả lại Ðông phương có những dụng cụ truyền thống cải cách riêng: sự phục hưng về tôn giáo của Ðông phương phải là công trình của hàng giám mục Ðông phương hành động trong lòng những “hội nghị quốc gia” (7).
Hai ngày sau, giám mục Roumanie J. Papp-Szilagje, căn cứ vào những luận chứng khoa học để ủng hộ những lời khẳng định bề ngoài có vẻ chướng tai của thượng phụ Chaldéen. Ngài kêu gọi Công Ðồng cách đặc biệt: hãy chấp nhận “quy chế hai kỷ luật” trong Giáo Hội, ngài từ chối tất cả những cải cách áp đặt cho Ðông phương theo tinh thần và sự thực hành trong bộ “Giáo lệnh” (Décrétales) của đức Grégoire IX (8).
Vấn đề độc thân của các giáo sĩ cũng làm bận tâm mọi người. Lời phát biểu của Melchior Nazarian, người Arménie ngày 8.2.1870 (9) cho những người chủ trương giữ luật độc thân những luận chứng bất ngờ. Sau khi đã tuyên bố với niềm hãnh diện rằng giáo phận Mardin của ngài chỉ có những linh mục độc thân, ngài kể ra những điều bất lợi do sự kết hôn của các linh mục đem lại: những vị này lo cho gia đình của họ nhiều hơn nhà thờ của họ, trang điểm cho vợ của họ nhiều hơn nhà thờ Chúa và săn sóc con cái của họ nhiều hơn giáo dân của họ.
Hai bài phát biểu rất được chú ý của thượng phụ Melkite Youssef do một tinh thần đại kết đích thực, nâng cuộc tranh luận lên đúng mức của nó. Ngày 19.5 sau khi tuyên xưng đức tin vào quyền tối thượng của Tông tòa, ngài nhắc nhở rằng: Giáo Hội La Tinh chiếm đa số, không thể lơ là hoặc quên Chính Thống Giáo Ðông phương mà tông truyền tính và công giáo tính đã được Công Ðồng Florence và ngay cả Công Ðồng Trente thừa nhận. Công Ðồng Trente vì nể những người Hy Lạp đã từ chối tính cách bất khả phân ly của hôn phối vì lý do ngoại tình. Khi tuyên bố quyền Tối thượng của Giáo Hội Roma, Công Ðồng Florence cũng thừa nhận một cách trọng thể những quyền và những đặc quyền của các thượng phụ tông truyền. Các nghị phụ của Công Ðồng Vatican phải bảo vệ thể chế thượng phụ chứ đừng làm cho nó sụp đổ. Từ chối không chấp nhận công trình của Công Ðồng Florence là Công Ðồng đã công nhận một modus vivendi có thể chấp nhận được cho Giáo Hội hoàn vũ, sẽ có nghĩa là muốn gạt bỏ hoàn toàn việc vãn hồi Giáo Hội Chính Thống ra khỏi con đường thống nhất (10).
Ðức giáo hoàng Pie IX liền lên án vị thượng phụ một cách gắt gao. Rồi giám mục Valerga cố gắng nêu bật những yếu tố dối trá trong lời phát biểu của thượng phụ Melkite và buộc tội ngài có khuynh hướng Gallican của Syrie (11). Nhiều giám chức Ðông phương khác, Hassoun người Arménie và Benni người Syrie, cũng tố cáo rằng lời phát biểu của thượng phụ Youssef hàm chứa phương pháp mị dân và cố làm giảm giá trị của thể chế thượng phụ. Bầu khí trở nên căng thẳng đến nỗi lời chống đỡ khéo léo của Strossmayer nghị phụ nổi tiếng hăng say và xuất sắc, nhất là lời phát biểu đầy vẻ hiền lành và đầy lương tri của đức tổng giám mục Cincinnati là Purcelle, cũng không đánh tan được nỗi bất bình của các nghị phụ mang nhiều thành kiến đối với Chính Thống Giáo ly khai.
Thượng phụ Melkite lên tiếng lại ngày 14.6 (12), để mở rộng quan điểm và mời gọi các nghị phụ nghiêm túc nhận lãnh trách nhiệm đối với Ðông phương Kitô giáo. Bởi vì ngài không bảo vệ một quyền lợi nào của riêng ngài, cũng không bảo vệ quyền lợi của một Tòa nào riêng, nhưng không hổ thẹn và chỉ vì những lý do chung thúc đẩy, ngài muốn biện hộ cho một phần người vắng mặt của Giáo Hội vừa khát khao mong muốn cho phần người ấy kết hợp với những người hiện có mặt ở Công Ðồng. Buộc tội những người chống lại ngài, ngài đưa ra một thách thức: “Nếu trong hội nghị này có ai nghĩ đến việc chống đối tôi bởi vì tôi đã lãnh nhận việc bênh vực Chính Thống Giáo vắng mặt, thì chính tôi, tôi sẽ nhịn không cãi lại, nhưng những người vắng mặt sẽ xét đoán họ vào đúng lúc”. Ngài cũng khẩn khoản xin hội nghị tránh đừng bỏ phiếu cho bất cứ biện pháp nào chạm đến qui chế về thể chế của Giáo Hội Ðông phương. Chẳng may người ta không chú tâm đến những lời nghiêm trọng ấy. Như vậy, Công Ðồng Vatican mất đi cơ hội để vươn lên mức đại kết.
Ðối diện với vấn đề quan trọng là “quyền tối thượng và bất khả ngộ” của đức giáo hoàng, mọi hoạt động La Tinh hóa của các thừa sai đã gần như bị bỏ rơi. Việc bàn cãi về dự án thảo luận liên quan đến Các thừa sai tông truyền (Missions Apostoliques) không có tiếng vang. Thế mà tổng giám mục Maronite ở Beyrouth là đức cha Tobie’Aoun có đủ tư cách để tố cáo những sai lầm, thói tự phụ và những nhược điểm của các tổng hội La Tinh ở ngoại quốc đã phát biểu gay go về hiện tượng la tinh hóa (13).
Hàng giáo phẩm Ðông phương rất ngập ngừng trong cuộc bỏ phiếu về tín điều Pastor Aeternus (Mục tử vĩnh cửu), ngày 18.7.1870. Ba thượng phụ Melkite, Syriaque và Chaldéen rời Rome để tỏ bày quan điểm của họ. Nhiều giám mục thuộc hạt theo chân họ. Họ trở về Ðông phương tin chắc rằng quá trình La Tinh hóa và đồng hóa sẽ lan rộng và được tăng cường. Trong quan điểm của Giáo Hội Ðông phương, Công Ðồng Vatican dừng lại trên một sự thất bại hiển nhiên. Lòng nghi kỵ đối với Công Ðồng đem lại một cảm tưởng xấu xa về sự tước đoạt và sự sỉ nhục, liên kết với một sự bất lực do việc cạnh tranh của những người la tinh gây ra. Chẳng bao lâu lòng nghi kỵ ấy đã lộ ra trong việc ly khai của những người Arménien, trong cuộc khủng hoảng ở Chaldée, trong sự hờn dỗi không che dấu của thượng phụ Syrien, cũng như nỗi cay đắng rõ ràng của thượng phụ Melkite là Grégoire Youssef. Nói tóm lại, khi đức giáo hoàng Pie IX mất, không phải chỉ có những vấn đề chính chưa được giải quyết, mà Công Giáo Ðông phương có nguy cơ mất lòng tin tưởng vào lý do tồn tại và vào số phận của họ.
Vả lại hoàn cảnh còn làm thất vọng hơn nữa, vì ngay lúc ấy Giáo Hội quy nhất Ukraine, trước kia đã bị Nga hoàng Nicolas I ngược đãi tàn tệ, vào thời Grégoire XVI lại chịu một thử thách mới: ông bắt sát nhập vào Giáo Hội Nga, giáo phận Chelm là giáo phận thuộc Giáo Hội hiệp thông duy nhất còn lại trong phần đất Ba Lan do Nga cai trị. Việc này đã được bắt đầu ngay từ 1865 do một nhóm linh mục Ukraine mà chủ chốt là Michel Popiel. Tất cả, họ bị quáng mắt vì uy thế của Chính Thống Giáo Nga và bị mờ ám tâm trí vì oán thù người Ba Lan. Mục đích quá rõ ràng, người ta muốn xóa bỏ nghi thức phụng tự Rhuthênô và đồng hóa Giáo Hội quy nhất với Chính Thống Giáo Nga. Khi hành động như vậy, người ta bất chấp những quyền phủ quyết của Roma. Hơn thế, khi đã chuẩn bị xong, Popiel được chính quyền hành chính của giáo phận giao trách nhiệm, không ngần ngại gọi cảnh sát hoàng gia đến để áp đặt những dự định của mình, bất chấp sự kháng cự của một số Công Giáo trung thành với Roma. Sau một cuộc vận động, kiến nghị được hai phần ba hàng giáo sĩ ủng hộ, Popiel xin vào đầu năm 1875 “sự kết nạp những người Hy Lạp hiệp thông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Ðông phương là Giáo Hội của tổ phụ chúng ta”. Từ đó, trong nhóm Giáo Hội Ruthères Công Giáo quan trọng chỉ còn lại những giáo phận nằm trong đế quốc Áo-Hung, qui tụ chung quanh tòa tổng giám mục ở Lemberg (Lwow) miền Galicie. Ngay ở đây cũng vậy, những nhà truyền giáo Nga chú tâm đánh thức tinh thần quốc gia chống lại hoàn cảnh nhục nhã mà người Ba Lan đã đẩy dân tộc Ukraine vào từ nhiều thế kỷ. Sau cùng, còn một phần giáo sĩ trẻ lại quen nhìn Chính Thống Giáo Nga như người bảo vệ tự nhiên của dân Slaves.
3. ÐƯỜNG LỐI CANH TÂN LẠC QUAN CỦA ÐỨC GIÁO HOÀNG LÉON XIII (1878-1903)
Ðược lên ngôi giáo hoàng giữa cơn khủng hoảng Ðông phương (chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ), đức Léon XIII (1878-1903) liền thi hành một chính sách thông cảm hoàn vũ, ôn hòa, hiện diện và cởi mở. Chính sách này được chứng tỏ trong những bức thơ mà ngay buổi chiều ngày đắc cử, ngài đã gởi đến không những cho những cường quốc có quan hệ ngoại giao bình thường với Tòa Thánh mà còn cho riêng hoàng đế Ðức, tổng thống Liên bang Thụy Sĩ và cho Nga hoàng Alexandre II mà hai tháng trước, Vatican đã lên tiếng chống đối mãnh liệt chính sách tôn giáo của ông ở Ba Lan.
Với óc hiểu biết vừa tinh tế vừa thực tiễn, đức giáo hoàng Léon XIII đã nhìn thấy một dấu hiệu của thời đại trong ý chí quyết định làm lung lay tận nền tảng của hai đế quốc Ðông phương. Hiệp ước San Stéphano (ngày 3.3.1878) và hội nghị Berlin (ngày 13.6 đến ngày 13.7) chứng tỏ sự bấp bênh của cả qui chế Ðông phương, cũng như vai trò ưu thế mà từ nay các cường quốc Tây phương sẽ đảm trách về số phận của miền này. Tòa Thánh, mặc dù mất quyền sở hữu thế tục, cố gia nhập vào chính sách chung của thời ấy, bằng cách lợi dụng tối đa chính sách này để tăng cường và làm tỏa rạng công nghiệp của mình.
Ngày 27.8.1878, đức giáo hoàng Léon XIII gởi cho vị Quốc vụ khanh là hồng y L. Nina, một bức thơ trong đó nói lên sự ân cần của ngài đối với “những Giáo Hội Ðông phương lừng danh”, ngài chúc họ “bắt đầu sống trở lại một đời sống phong phú và bừng sáng vẻ huy hoàng cổ đại của họ”. Cuối năm ấy, ngài công bố tông huấn Quod apostolici muneris, (Cái thuộc về trách nhiệm của Tòa Thánh) trong đó ngài tố cáo những phe phái theo xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa hay hư vô chủ nghĩa đang lan tràn khắp hoàn cầu và phá hoại ngầm những nền tảng của mọi xã hội. Lập trường ấy làm cho ngài được thiện cảm của chính phủ Nga hoàng, và lúc ấy người ta thấy một hiện tượng mới và hứa hẹn: tông huấn được đọc và bình luận trong nhiều nhà thờ của Chính Thống Giáo thuộc đế quốc Nga rộng lớn.
Linh mục Alzon, người sáng lập dòng Augustins de l'Assomption, nhìn thấy ở đó một lý do để chuẩn bị cho sứ mệnh truyền giáo rộng lớn ở Ðông phương, là sứ mệnh sẽ thay “những thánh giá giả”. Từ bàn đạp đặt ở Sofia, nơi mà phái đoàn truyền giáo Assomptionniste vấp phải những sức mạnh truyền giáo khác đã bén rễ lâu hơn (những nhà truyền giáo Resurrectionnistes Áo và Ba Lan) linh mục Alzon muốn đến Odessa. Ở đó ngài chuẩn bị cho một số người có nhiều năng khiếu về “cuộc thánh chiến Công Giáo” ấy, bởi vì ngài đã nghi ngờ vế số phận xã hội và chính trị của nước Nga uy thế mới thắng đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 2.5.1879, ngài khẳng định rằng: “Tình trạng của nước Nga không thể kéo dài được. Dường như người ta trông thấy nưởc khổng lồ Nga sẵn sàng giãy chết ngay khi cường quốc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ở Âu Châu, và điều này không còn lâu dài nữa. Phải sẵn sàng chờ đợi lúc đó đến. Những kẻ theo thuyết hư vô sẽ hoàn tất công trình tàn phá của họ, và trên mảnh đất bị những cơn bão cách mạng quét sạch ấy, chúng ta sẽ đến cắm lên cây thánh giá thật...” (14)
Ðức Léon XIII nhìn dòng lịch sử và sự cứu độ của các quốc gia một cách thực tế hơn. Kiên nhẫn, ngài cố gắng lập lại quan hệ bình thường với chính phủ Nga. Một thỏa ước mở đầu đã được ký từ ngày 19 đến ngày 31.10.1880 giữa hồng y Jacobini và đại sứ Nga P. D'Oubril. Hiệp định chung kết sẽ được ký hai năm sau từ ngày 12 đến ngày 24.12.1882. Nếu những vấn đề khó xử liên quan đến hàng giáo sĩ Ba Lan và Giáo Hội quy nhất không đạt được một giải pháp thỏa đáng, thì cuộc đối thoại đã được nối lại chính thức và với thiện ý của đôi bên, sự thỏa thuận trên nguyên tắc tỏ ra đầy hứa hẹn. Giữa lúc đó, sau vụ ám sát Nga hoàng (13.3.1881) đức giáo hoàng đã gởi cho vua kế vị Alexandre III lời chia buồn của riêng ngài, và ám chỉ rõ ràng về vụ ám sát trong tông huấnDiuturnum illud (Vấn đề còn lâu dài) ngày 29.6.1881, trong đó những phong trào theo thuyết hư vô và cách mạng bị tố cáo một lần nữa.
Song song với việc này đức giáo hoàng Léon XIII áp dụng những biện pháp đầy ý nghĩa trên bình diện riêng biệt tôn giáo. Ngày 12.4.1881 ngài phục hồi lại, ở tu viện la mã Grottaferrata nghi lễ hoàn toàn byzantin do sắc luật Orientalium Ecclesiarum ritus (Nghi lễ của các Giáo Hội Ðông Phương). Và để thi hành những cải tổ mong muốn, ngài đặt những nhân vật đầy nghị lực như J. Cozza-Luzi và người kế vị là Arsène Pellegrini đứng đầu các tu sĩ dòng thánh Basiliô Ý và Hy Lạp. Và ngày 10.6.1822, đức giáo hoàng bãi bỏ bằng tông thư In supremo (Cao cả nhất) tước vị của những vị giám mục được cử với danh hiệu danh dự In partibus infidelium (Trong những phần đất của dân ngoại) vào trường hợp tòa của họ thực sự ở vào những lãnh thổ Kitô giáo nhưng không phải Công Giáo.
Những sáng kiến công khai ấy bày tỏ một sự quan tâm sâu xa hơn về vấn đề hợp nhất Kitô giáo. Những người đáng tin cậy được ủy thác nghiên cứu hoàn cảnh và những triển vọng về một cuộc đối thoại thật sự. Hai bản báo cáo mật của đức hồng y tương lai Vannutelli, lúc ấy là khâm sứ Tòa Thánh ở Constantinople, và của Carlo Gallien, tổng lãnh sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Roma, được đệ lên ngài vào năm 1883. Họ khảo sát một cách trung thực và thực tế những nguyên nhân làm cho các nhà truyền giáo Roma ở Ðông phương thất bại.
Cùng lúc ấy, người phụ tá của đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh là Alfred Lacazes viết cho chính phủ của ông những bài khảo cứu dựa trên những tài liệu đứng đắn, về đường hướng mới của Vatican có ý giúp Ðông phương. Trong bản báo cáo đầu tiên ngày 25.5.1883, ông nhận thấy nhiều dấu hiệu về thiện ý của đức giáo hoàng đối với Ðông phương Kitô giáo. Nếu chính sách trước đã thất bại hiển nhiên, đó là vì người ta “đã coi thường tinh thần gắn bó tha thiết và tính đa nghi của nhiều cộng đoàn Kitô giáo đối với những nghi lễ riêng của họ”. Nền pháp chế mà đức giáo hoàng Pie IX áp đặt trên những người công giáo Ðông phương, nhất là những điều qui định của sắc lệnh Reversurus, đã gia tăng lòng nghi kỵ cố hữu, và một cuộc bút chiến mới đây của tờ Journal de Saint Petersbourg đã trách Tòa Thánh “muốn tất cả các Giáo Hội Ðông phương sụp đổ”, mặc dù có sự trả lời mạnh mẽ của tờ Moniteur de Roma. Nhưng theo nhà quan sát, thì trào lưu mới chiếm ưu thế hiện nay ở Bộ Truyền Giáo nhắm phục hưng Ðông phương bởi Ðông phương. Vị khâm sứ Tòa Thánh ở Constantinople, đức cha Vannutelli, ủng hộ chính sách ấy, ngài tôn trọng óc tự hào của những người Ðông phương bằng cách duy trì nghi lễ của họ, và bằng cách giúp họ quan tâm đến chính họ. Thực hiện cụ thể của chiều hướng mới: gọi Hassoun về Roma và nâng lên chức hồng y, sáng lập chủng viện Arménien tại Roma (1.3.1883) và chủng viện Melkites ở Giêrusalem (1.1882). Ðức hồng y Lavigerie ủng hộ việc nâng cao Ðông phương lên như vậy. Lẽ tự nhiên chương trình ấy không làm vừa lòng những người thủ cựu theo khuynh hướng La Tinh, mà người lãnh tụ tinh thần là đức cha Piavi đang giữ chức vụ khâm sứ Tòa Thánh ở Syrie và được sự ủng hộ của Tòa Thánh Roma. Nhưng càng ngày, lập trường của đức Piavi càng khó được “những người Kitô giáo theo nghi lễ địa phương đặt dưới quyền tài phán của ngài” chấp nhận.
Trong những dòng lớn của bản báo cáo mật này nhà sử học nhận ra phần đóng góp của một thiên điều tra chắc chắn có nguồn gốc tốt. Người ta không thể tả đúng hơn tình trạng chung trước ngày có những cuộc thực hiện lớn của đức giáo hoàng Léon XIII tại Ðông phương.
Sau khi dàn xếp thỏa đáng vụ tranh chấp của Nga, đức giáo hoàng chú tâm nối lại việc đối thoại với Constantinople. Sự thực là vào thời đó thượng phụ Constantinople ủng hộ một cuộc tranh đấu gay go với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hầu bảo vệ những quyền dân sự dành cho mỗi Giáo Hội theo truyền thống và qui chế. Ðức giáo hoàng Léon XIII lợi dụng dịp này ủy thác cho đức cha L. Rotelli mới được đặt làm Khâm sứ Tòa Thánh, công tác yềm trợ tinh thần việc kháng cự của thượng phụ Chính Thống Giáo Joachim IV. Vị này biết ơn đức giáo hoàng và ngày 14.7.1884 cử chưởng ấn Stavraky Aristarki Bey đến cám ơn đức khâm sứ L. Rotelli. Lợi dụng cơ hội này, L. Rotelli đích thân viếng thăm thượng phụ Phanar. Thượng phụ không những viếng thăm đáp lễ, mà còn tổ chức nhiều cuộc hội đàm thân thiện nhằm nối kết lại những tiếp xúc giữa những nhân vật đã xa cách nhau từ lâu vì những vụ chống đối. Nhưng, nếu đã có sự thân thiện giữa hai Tòa Chính của Kitô giáo, người ta lại sợ làm phật lòng Chính Thống Giáo Hy Lạp vốn luôn gay gắt và nghi kỵ, và cả Chính Thống Giáo Nga đang rất muốn đoạt chỗ của thượng phụ Constantinople ở Ðông phương!
Một bản báo cáo mật thứ nhì của A. Lacazes phân tích, trong thời gian có sáng kiến mới này của đức giáo hoàng, những triển vọng hòa giải giữa tòa thượng phụ Constantinople và Giáo Hội Roma. Bản báo cáo này, đề ngày 29.5.1884, ghi rằng đức giáo hoàng “còn tự hạn chế trong những biện pháp chuẩn bị”, mặc dù cách cư xử của ngài đã làm phát sinh, ngay từ bây giờ “những kết quả quá sự mong đợi”. Và nhà ngoại giao tóm tắt những hoạt động chính được dự liệu trong kế hoạch của đức giáo hoàng như sau: “Ðánh tan những sự hiểu lầm, làm gia tăng sự phát triển của các Giáo Hội quy nhất, ưu tiên việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, đặt những trung tâm truyền giáo nhiều hơn và mạnh hơn. Ðó là những phương sách hoạt động mà đức giáo hoàng muốn xử dụng”.
Quả nhiên, ngày 1.3.1885, ban hồng y của Bộ Truyền Giáo nghiên cứu một Ponenza dài về “những phương cách thích hợp nhất để khuyến khích những người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội Công Giáo”. Và ngày 1 tháng 6 trong cùng năm ấy, Bộ Truyền Giáo sau những cuộc thăm hỏi dài lâu, đã nhượng cho các dòng tu La Tinh quyền đào tạo những ngành Ðông phương về ơn gọi bản xứ. Một người tiên phong, dom Emmanuel André, phát hành tờ Revue de l'Eglise grecque-unie. Tờ này trở thành Revue de l'Eglise d'Orient năm 1890 và đình bản năm 1893. Tiếp theo, nhiều tờ báo khác được phát hành với nội dung phong phú và kỹ thuật cao hơn.
Những hoạt động hiệp nhất của đức Léon XIII gây nhiều tiếng vang lớn tại Ðông phương. Strossmayer, người hăng hái và rất sáng suốt, lấy lại các ý kiến đã được phát biểu ở Công Ðồng Vatican mà ứng dụng vào đường hướng mục vụ của đức giáo hoàng tại Ðông phương. Strossmayer đã có một ảnh hưởng lớn trên triết gia Vladimir Soloviev, mà người ta đã gọi một cách hơi quá là “Newman người Nga”. Nhờ ảnh hưởng của giám mục Trossmayer, năm 1886, Vladimir Soloviev đã hoàn thành tác phẩm Quelques considérations sur l'union des Eglises. Tác phẩm này được gởi đến chính đức giáo hoàng và hồng y quốc vụ khanh. Nó đã mở đầu cho tác phẩm lớn La Russie et l'Eglise universelle (1889). Viết dưới ảnh hưởng của đức cha Strossmayer, người đã viết bài tựa, tác phẩm này đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng hiệp nhất. Nhưng thời gian dường như chưa chín muồi cho những sáng kiến ly kỳ. đức giáo hoàng chỉ bằng lòng vừa kêu gọi các tu sĩ Bénédictins và dư luận công giáo lưu tâm thực sự đến vấn đề, vừa để cho những người có trách nhiệm của Bộ Truyền Giáo phát triển những cơ quan thích hợp với mục đích này. Những hội nghị Charfeh của phái Giacôbê hiệp nhất (1888) và Léopol người Ruthènes (1891) được chuẩn bị cẩn thận ở Roma và được các vị khâm sứ Tòa Thánh chủ tọa. Những hội nghị này phản ảnh những khuynh hướng của các hội nghị trước, theo pháp chế của Công Ðồng Trente. Như vậy sự nhập nhằng của khuynh hướng La Tinh vẫn tồn tại, mặc dù đức giáo hoàng bày tỏ nhiều thiện chí. Sự kiện này là do ảnh hưởng luôn luôn lớn mạnh của các nhà giáo dục La Tinh trong các chủng viện.
Hội nghị Thánh Thể quốc tế ở Giêrusalem (13-21.5.1893) cho đức Léon XIII một cơ hội tốt để bớt dè dặt và để đưa ra những sáng kiến lớn cho vấn đề Ðông phương. Ngài cử hồng y Langénieux người Pháp làm đặc sứ, đồng thời ủy cho ngài cũng như cho các nhân vật khác ít chính thức hơn, công tác điều tra kỹ càng về hàng giáo phẩm Ðông phương. Hội nghị Thánh Thể được tổ chức do ý muốn của đức giáo hoàng Léon XIII, mặc dù có một vài chống đối ở Giêrusalem, ở Constantinople và ngay cả ở giáo triều Roma. Trên thực tế, Hội nghị phải đương đầu với một sự đối kháng sâu xa trong vùng Cận Ðông, giữa phong trào La Tinh đắc thắng và hàng giáo phẩm địa phương. Nhiều việc xảy ra và nhất là bài diễn văn của thượng phụ La Tinh Piavi vào buổi bế mạc biểu lộ một sự đương đầu trực tiếp giữa những đại diện của khuynh hướng La Tinh hóa triệt để và những người “chủ trương Ðông phương truyền giáo cho Ðông phương”. Tuy nhiên, một sự việc chủ yếu đã được thực hiện: trong hội nghị, nổi bật tính đa dạng của phụng vụ Ðông phương Kitô giáo và sự phong phú của nền phụng vụ đa dạng ấy; đồng thời vấn đề La Tinh hóa được đặt ra một cách chính thức và đương nhiên. Những kẻ chống đối, La Tinh hay Ðông phương, đã dựa vào những lời giáo huấn của các giáo hoàng để lên án vụ việc này, trong khi đó những người chủ chốt lại tin tưởng vào cách cung xử khoan dung của Bộ Truyền Giáo.
Ðức hồng y Langénieux trở về Âu châu với cái nhìn của những người chịu ảnh hưởng Ðông phương rõ rệt. Bản báo cáo của ngài đệ trình lên đức giáo hoàng Léon XIII đề ngày 2.7.1893 là một tác phẩn đầy khôn ngoan đã làm vinh dự cho một trí óc sâu sắc, cho tinh thần khách quan và cho ý nghĩa công giáo của một nhà quan sát vô tư. Trong bản báo cáo ấy, đức hồng y đã phân tích rõ ràng mối lo sợ của những người ly khai đối với sự hiện diện và những hoạt động của những người La Tinh, ngài tả sự bất lực của những người Công Giáo Ðông phương, rồi từ đó rút ra những kết luận thực tế. Vấn đề ở đây là phải làm cho những người ly khai tin tưởng, phải làm cho những người hiệp thông thêm can đảm, và phải làm dịu bớt thái độ đắc thắng của những người La Tinh. Ngài làm cho đức giáo hoàng vững tin vào ý kiến chín chắn của mình.
Những buổi lễ tổ chức vào dịp kỷ niệm năm mươi năm thụ phong giám mục của đức giáo hoàng Léon XIII cho ngài cơ hội, ngày 20.6.1894, gởi đến các bậc đế vương và các dân tộc trên thế giới một sứ điệp kêu gọi thống nhất. Ðược công bố vào ngày hôm sau, sau việc phục hồi những mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và triều đình ở Saint Pétersbourg (18.6), thông điệp Praeclara gratulationis (Lời chúc mừng trong sáng) khẳng định tính cách đa dạng chính đáng của Giáo Hội trong sự thống nhất về đức tin và về quyền cai trị tối cao. Sự nhìn nhận các thể chế thượng phụ trong con đường đã vạch ra của công đồng Florence, mở ra những triển vọng mới trong lịch sử của những quan hệ tôn giáo. Sự thống nhất Kitô giáo trở nên một lý tưởng mà điều kiện hoàn thành không phải là một sự trở lại hay là “một sự trở về trong lòng Giáo Hội đã bị lơ là”, nhưng là một sự hòa giải với những “anh em xa cách”. Ðó là kết quả của một việc ngồi lại gần nhau của các Giáo Hội địa phương, dưới quyền bảo trợ tối cao trong đức bác ái, của một vị giáo hoàng. Ngài đứng ra khẩn khoản nài xin việc thống nhất theo gương của Bessarion mà ngài nhắc lại lời kêu gọi: “Chúng ta sẽ phải trả lời thế nào với Chúa, ngày mà Chúa hỏi chúng ta về sự đoạn tuyệt ấy với các anh em của chúng ta?”.
Thực hành lời giáo huấn của mình, đức giáo hoàng Léon XIII mời các Thượng phụ Ðông phương Công Giáo đến dự một Hội đồng thượng đỉnh họp tại Vatican. Các “hội nghị thượng phụ” tượng trưng một thứ hội nghị tư với sự hiện diện của năm hồng y, thông thường là những vị có cùng tư tưởng như đức giáo hoàng. Trong tám buổi họp cách nhau khá xa (từ 24.10 đến 8.11) thường được chính đức giáo hoàng chủ tọa, người ta thảo luận về những cách thực hiện nhanh chóng sự ngồi gần lại với nhau như Giáo Hội hết lòng mong ước. Nhiều ý kiến được phát biểu và một vài quyết định được chấp nhận.
Ðức Grégoire Youssef, thượng phụ Melkite, xin lập một Bộ riêng biệt cho Ðông phương Kitô giáo hoàn toàn độc lập đối với Bộ Truyền Giáo, ở đó các vị thượng phụ Ðông phương có quyền thảo luận qua những người đại diện thường trực của họ. Ngài cũng đòi nới rộng quyền của các thượng phụ trên tất cả giáo dân theo nghi lễ của các ngài, rải rác trên thế giới, theo nguyên tắc của khoản luật nói về nhân sự. Khoản luật này chi phối những người Ðông phương. Ngài còn cho là cần thiết sự giới hạn quyền của khâm sứ Tòa Thánh, nhiều khi các vị đã hành động ở Ðông phương một cách tùy tiện và không được kiểm soát. Cuối cùng, ngài biện hộ cho sự bình đẳng thuộc pháp lý của những giáo dân Ðông phương và La Tinh trước pháp luật hoàn vũ hầu chấm dứt “chế độ phân biệt” trong Giáo Hội.
Ðức giáo hoàng Léon XIII dự kiến nhiều viễn cảnh rộng lớn hơn. Ngài không muốn những cản trở chính trị tại những vùng đất bảo hộ hay chịu ảnh hưởng của các cường quốc Âu Châu làm cho các tín đồ thất vọng. Ngài tỏ ý lập một ban hồng y thường trực để hòa giải tất cả những người ly khai. Ban này được tổ chức thực sự ngày 19.3 do tông thư Optatissimae (Ðiều đáng ước ao nhất).
Ðức hồng y quốc vụ khanh, Rampolla quan tâm đến Chính Thống Giáo Hy Lạp và dự kiến thành lập ở Constantinople một Viện văn học cao cấp Hy Lạp. Sau nhiều sự do dự, dự định này được tu chỉnh hoàn toàn và giao cho các tu sĩ Assomptionnistes điều hành, chẳng bao lâu họ lập thêm chủng viện Saint Léon ở Kadi Keui. Chủng viện này sẽ trở thành trung tâm của tất cả các công trình đã được lập ra ở Thổ Nhĩ Kỳ Á Châu, đặc biệt chương trình nghiên cứu Ðông phương với tờ Echos d'Orient.
Nhưng kết quả gây chú ý hơn hết của các hội đồng thượng phụ ở Vatican là việc công bố thông điệp Orientalium dignitas (Thiên chức của các Giáo Hội Ðông Phương) (30.11.1894). Thông điệp này nêu bật những giải pháp có hệ đến những tương quan của các cộng đoàn địa phương với các phái đoàn truyền giáo La Tinh.
Sự gặp gỡ thượng đỉnh ấy và những quyết định đã được biểu quyết cũng gây ra nhiều rối reng đáng kể trong phạm vi ngoại giao và nhiều lo lắng ngấm ngầm giữa những người theo “chủ nghĩa La Tinh”. Hơn nữa, có một chống đối ngầm trước những biện pháp hạn chế quyền hoạt động của các Khâm sứ Tòa Thánh tại Ðông phương và những người lãnh đạo các cộng đoàn La Tinh. Tự sắc Auspicia rerum (Khởi đầu công việc) ra ngày 19.3.1896, điều hòa quyền hạn của các khâm sứ Tòa Thánh với quyền tài phán của các thượng phụ đã không được biết đến ở Constantinople và cả ở vùng Cận Ðông.
Trước một thái độ như vậy của người La Tinh ở Ðông phương, được ủng hộ công khai bằng sự im lặng khoan dung của những người có trách nhiệm thuộc Bộ Truyền Giáo, người ta không ngạc nhiên nhận ra lòng nghi kỵ mỗi ngày một gia tăng của hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp. Thêm vào đó là cuộc bút chiến chế nhạo sự mâu thuẫn hiển nhiên giữa lý thuyết và thực hành của Roma.
Tuy nhiên, đức giáo hoàng Léon XIII dường như thành công hơn về phía Chính Thống Giáo Slave. Vị tân hoàng đế Nga, Nicolas II, loan báo chính thức ngày lên ngôi của ngài cho đức Giáo hoàng (tháng 11.1894). Ðức giáo hoàng trả lời bằng cách trao tặng vua Thánh Giá huân chương Chúa Cứu Thế, huân chương này rất ít khi được trao cho các vị quốc vương không công giáo. Tiếp đến là điều đình để thanh toán sự tranh chấp về tôn giáo. Chính phủ Nga chấp nhận những yêu cầu của đức giáo hoàng một cách hợp tình hợp lý. Vụ việc này nới rộng về phương diện hành chánh đã từng cản trở việc tổ chức các cộng đoàn hiệp thông, đồng thời bãi bỏ chiếu chỉ của Catherine II đã cấm các giám mục công giáo về Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ. Sau đó ít lâu lại có những hy vọng mới nẩy sinh từ khi triết gia Vladimir Soloviev gởi cho đức giáo hoàng Léon XIII, ngày 16.2.1896, lời tuyên xưng đức tin “Công Giáo - Chính Thống Giáo” của mình, đồng thời chấp nhận quyền tối thượng Roma theo ý nghĩa mà thánh Basile và thánh Jean Chrysostome đã thừa nhận.
Vấn đề Arménie cũng có tính chất thời sự trong những năm ấy, tiếp theo sau những cuộc tàn sát mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm. Ðể không đụng chạm lòng tự ái của người Thổ Nhĩ Kỳ, đức giáo hoàng đã gởi một bức thư tự tay viết đến hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21.6.1895, rồi ngày 29.11, ngài mới nói công khai trong một bài diễn văn. Từ đó người ta đánh tiếng rằng sẽ có nhiều người Arméniens Grégoriens trở về Giáo Hội Công Giáo. Sự thực đó là một ảo tưởng làm thất vọng nhiều người.
Thể chế của một hàng giáo phẩm Giáo Hội Copte hiệp thông dường như hợp thời và được đức giáo hoàng Léon XIII quan tâm đặc biệt. Trong các hội nghị thượng phụ ở Vatican, người ta đã dành ngày 8.11 để cùng với ”ban hồng y lo việc hòa giải” thảo luận về thể chế này. Và ai cũng nhận ra nhiều khó khăn bởi vì phải gây dựng một hàng giáo phẩm đầy đủ (thượng phụ và giám mục thuộc hạt) và phải nâng đỡ phong trào trở lại đạo giữa một dân số khá nghèo nàn. Nhờ sự ủng hộ của ngoại giao Áo, nhất là nhờ sự hoạt động của nam tước Sonnleithner trên bình diện địa phương, và tin tưởng vào lực lượng truyền giáo La Tinh đông đảo ở Ai Cập, người ta đã nhanh chóng lập được một tòa thượng phụ Copte Công Giáo. Một vị linh mục trẻ được các tu sĩ Dòng Tên huấn luyện chu đáo, Cyrille Macaire được cử làm đại diện tông tòa và sau đó lại được đặt làm đại diện thượng phụ (6.3.1896). Người ta ủy thác cho ngài tổ chức một hội nghị quốc gia dưới quyền chủ tọa của khâm sứ Tòa Thánh là đức cha G. Bonfigli, với sự tham dự đông đảo của các cố vấn thần học La Tinh (tháng 1 đến tháng 6.1898). Ngày 19.6.1899 tòa thượng phụ Copte Công Giáo được thành lập và Cyrille Macaire đứng đầu. Nhưng không bao lâu, ngài chán ngán chế độ giám hộ của các nhà truyền giáo La Tinh cũng như mất hết tin tưởng vào nền hành chánh của đức giáo hoàng. Ðược gọi về Roma năm 1908, Cyrille Macaire xin từ chức và trở về nguồn gốc Chính Thống Giáo của mình vào tháng 7.1910. Mãi tới năm 1912 ngài mới hòa giải với Giáo Hội Công Giáo, trước khi xuất bản một tác phẩm ký tên Cyrille Macaire, rõ ràng chống La Tinh, nói về “Hiến pháp có Thiên Chúa tính của Giáo Hội” (Genèse 1913).
Sau những hội nghị thượng phụ ở Vatican, vấn đề Giáo Hội Công Giáo Malabare đã tìm thấy những giải pháp tốt. Vào năm 1887, Bộ Truyền Giáo đã thiết lập hai tòa đại diện tông tòa ở Trichur và ở Kottayam, và giao cho những người La Tinh quản nhiệm. Ngày 26.7.1896, những người Kitô giáo Syro-Malabare có một hàng giáo sĩ riêng cho ba tòa đại diện tông tòa ở Trichur, Ernalenlam và Kottayam. Năm 1911, đức giáo hoàng Pie X tu chính hiến pháp của Giáo Hội này với nhiều đổi mới đáng kể.
Tổng kết, những sáng kiến của đức giáo hoàng Léon XIII đối với Ðông phương Kitô giáo có tính cách quyết định mặc dù không được nhiều người tán thành. Kết quả của những suy tư chín chắn lâu dài và của những thăm dò thường xuyên khác nhau, chính sách thiên Ðông phương của ngài mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của những quan hệ giữa Ðông phương và Tây phương tôn giáo. Không thể nói thẳng với Chính Thống Giáo ly khai, ngài cũng như những nhà thần học giỏi nhất của thời đại bấy giờ, tin tưởng vào hiệu lực của cái mà người ta đã gọi là “việc tông đồ cho nền thống nhất”. Bằng cách làm cho vững chắc mọi thăng tiến của Giáo Hội Công Giáo hiệp thông, về trí thức và về vật chất, người ta hy vọng sẽ tạo nên một hoàn cảnh lý tưởng, tiên báo qui chế của Chính Thống Giáo lúc đạt được sự hòa giải trong toàn thể Giáo Hội.
Quan niệm ấy đánh dấu sâu xa số phận chung của Công Giáo Ðông phương. Gắn liền với một cục diện nhất định, quan niệm ấy chỉ là một giai đoạn và có hiệu quả trên con đường thống nhất Kitô giáo. Nhưng, cũng như mọi công trình lịch sử đi trước thời đại, nó có nguy cơ sinh ra một phản ứng. Ðó là việc đã xảy ra khi vị giáo hoàng lớn này qua đời. Nhiệm kỳ của đức giáo hoàng Pie X (1903-1914) đã đánh dấu một sự dừng lại tạm thời của phong trào thiên Ðông phương. Lịch sử thường ghi những sự trái ngược như thế trong sự nối ngôi của các đức giáo hoàng.
4. CHÍNH SÁCH NGẬP NGỪNG CỦA ÐỨC GIÁO HOÀNG PIE X.
Không có gì chuẩn bị cho vị thượng phụ Venise và cho những cộng tác viên mới sát cạnh ngài hiểu rõ Chính Thống Giáo Ðông phương và qui chế mới của Công Giáo Ðông phương. Vả lại, bầu khí xáo động sâu xa về thần học và triết học làm xúc động Kitô giáo La Tinh càng ngày càng làm cho Tòa Thánh phải bận tâm. Ðối với Ðông phương Kitô giáo, đức giáo hoàng Pie X có thái độ đợi thời nghi ngại, gần những quan niệm và thái độ cứng rắn của đức giáo hoàng Pie IX, hơn là thái độ lạc quan đầy tin cậy và đầy khuyến khích của đức giáo hoàng Léon XIII.
Tuy nhiên sự tiến triển tự do của đế quốc Nga, nhờ vào chỉ dụ khoan dung tôn giáo của Nga hoàng Nicolas II (17-30.4.1905), và cuộc cách mạng dân chủ của đảng Jeune Turquie (nước Thổ Nhĩ Kỳ trẻ) (tháng 7.1908), mời gọi các Giáo Hội Ðông phương cố gắng phát triển những thể chế lâu đời của họ. Ở Nga, những nhóm Kitô giáo thiểu số, tức là những người theo tín điều cũ, những người La Tinh và những người Kitô giáo quy nhất cho đến lúc đó bị ngược đãi ngầm, cảm thấy nhiều hy vọng đang chờ đợi (15). Trào lưu thiên Ðông phương tưởng tìm thấy trong lễ kỷ niệm một trăm năm mươi năm ngày qua đời của thánh Jean Chrysostome (1907) cơ hội tìm lại những sáng kiến của đức giáo hoàng Léon XIII, nhưng chỉ có một vài nghi lễ tôn giáo rồi bị quên đi nhanh chóng (16). Tuy nhiên, giáo chủ người Ukraine ở Lemberg trong miền Galicie là đức cha André Szeptickij, cố gắng phục hồi công trình và tinh thần của Giáo Hội quy nhất ở Brest-Litovsk giữa những người Nga. Ngày 17.2.1908, đức giáo hoàng Pie X cho ngài đặc quyền áp dụng trong những miền rộng bao la được mở ra cho công việc tông đồ của Giáo Hội quy nhất, những biện pháp mà đức giáo hoàng Léon XIII đã truyền ban trong thông điệp Orientalium dignitas. (Chức vị của người Ðông phương). Nhưng phải giữ bí mật đặc quyền do đức giáo hoàng ban. Ðức cha Szepticleij liền xây một nhà nguyện cho Giáo Hội quy nhất ở Saint Pétersbourg. Nhà nguyện này đã bị đóng cửa vào năm 1911 bởi cảnh sát hoàng gia. Vào các năm 1913-1914, ngài đã can đảm cho phát hành nguyệt san Slovo Istini (Lời gọi của sự thật) để làm cơ quan ngôn luận của câu lạc bộ thiên Công Giáo. Thế chiến thứ nhất chấm dứt cố gắng mục vụ ấy, và người sáng lập bị liên lụy trong hoạt động chính trị tôn giáo chống Nga.
Trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh sự bành trướng riêng biệt La Tinh và thiên La Tinh của các nhà truyền giáo, các tòa thượng phụ Ðông phương có thể phát triển những cơ quan của họ, nhất là trong những tỉnh Á Ðông và ở Ai Cập. Sự cạnh tranh Hy Lạp-Slave nơi những người Chính Thống Giáo và những cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng chính trị trong các dòng tu La Tinh làm cho những người ít học hỏi khó nhận ra những hoạt động riêng biệt của mỗi tôn giáo.
Những người Melkites và những người Arméniens cố gắng đổi mới pháp chế của họ bằng những hội nghị quốc gia. Nhưng bây giờ có thêm những khó khăn mới, đó là những khó khăn do những người giáo dân có ảnh hưởng bên cạnh chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gây nên. Ðức thượng phụ Grégoire Youssef luôn luôn tin chắc vào sự hợp pháp của công đồng Giêrusalem được Maximos III Mazloum triệu tập vào năm 1849, nhưng Bộ Truyền Giáo đã từ chối chuẩn y vì những khuynh hướng Gallican của hội nghị này. Khi ngài qua đời (13.7.1897) người kế vị là đức Pierre Garaijiri, được ủy thác việc triệu tập hội nghị mà thẩm quyền Roma rất mong muốn. Một ban hỗn hợp Latinh-Melkite soạn thảo ở Roma những quyết định chính và hai quan sát viên của Tòa Thánh được chỉ định tham dự vào công việc của hàng giáo phẩm ở Liban. Nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ sự hiện diện của hai quan sát viên ngoại quốc ấy (1901). Sau cuộc cách mạng của đảng Jeune Turquie, thượng phụ Cyrille VIII Géha triệu tập các giám mục thuộc quyền đến dự hội nghị do ngài chủ tọa ở Ain Traz (30.5-8.7.1909). Không có sự hiện diện của vị khâm sứ Tòa Thánh nào. Và theo ý kiến của các nhà giáo luật Roma, đức giáo hoàng Pie X tránh né việc xác nhận công trình của hội nghị.
Về phía những người Arméniens, đức giáo hoàng dùng quyền để mời hàng giám mục về dự hội nghị quốc gia ngay tại Roma. Vì ngài gặp phải một thái độ ngập ngừng gần như chung của mọi người, nên ngài phong cùng một ngày chín giám mục mới. Các tân giám mục sẽ cùng với thượng phụ Terzian và một người khác đứng về phía ngài, để làm thành phe đa số. Ðược triệu tập dưới sự bảo trợ của đức giáo hoàng, hội nghị này hoàn tất công việc một cách khó khăn (14.10-11.12.1911) bởi vì những người tham dự thờ ơ đến mức độ chỉ có sáu giám mục tham dự hội nghị cho tới cùng. Trở về Constantinople ngày 5.1.1912 thượng phụ đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, dưới ảnh hưởng của các thân hào thế tục, buộc từ chức lãnh tụ dân sự trên bình diện quốc gia (31.3.1912). Tuy nhiên, đức cha Terzian vẫn cứ áp dụng một cách trung thành những biểu quyết của hội nghị và những chỉ thị của đức giáo hoàng. Sự áp đặt lịch Grégorien (8.12.1913) làm cho ngài bị cô lập giữa cộng đồng Arméniens. Việc chống đối Roma cũ xưa được khơi lại và những vụ rắc rối gia tăng trong lòng một Giáo Hội đã bị thử thách sâu xa. Rồi chiến tranh và những vụ tàn sát chẳng bao lâu sẽ đưa đẩy Cộng Ðồng Arméniens vào tình trạng rối loạn đến tột độ.
Vào những ngày trước chiến tranh, một cuộc khủng hoảng thật sự làm rối loạn hàng ngũ của những người Arméniens Melkites và Coptes (17). Nguyên nhân sâu xa là tinh thần chống đối tất cả mọi ảnh hưởng người ta cho rằng đến từ ngoại quốc, mà chủ yếu đến từ Tây phương Kitô giáo đang bành trướng mạnh về chính trị và tôn giáo. Sắc lệnh của đức giáo hoàng Tradita ab Antiquis(Ðược truyền lại bởi người xưa) ban hành ngày 14.9.1912, nhìn nhận tình trạng thụt lùi của phong trào thiên Ðông phương là phong trào rất nổi bật trong suốt triều đại của đức giáo hoàng Léon XIII. Sắc lệnh này cho phép người Ðông phương lui tới những cơ quan văn hóa của các dòng tu La Tinh dự các nghi lễ tôn giáo và rước lễ theo nghi lễ Roma, chỉ trừ những nghi lễ bắt buộc vào dịp lễ Phục sinh. Tiếng reo mừng chiến thắng của phong trào thiên La Tinh cho thấy sư ï quan trọng của một biện pháp như vậy. Với biện pháp này, người ta hy vọng hoàn thiện công trình tây phương hóa giới tinh hoa trí thức Ðông phương.
Chiến tranh và sự qua đời của đức giáo hoàng Sarto chấm dứt thời kỳ chuyển tiếp. Cuộc bầu cử của đức Giacomo della Chiesa, tức là đức Benoit XV, ngày 3.9.1914 đem lại cho những người theo khuynh hướng của đức giáo hoàng Léon XIII nhiều hy vọng. Bởi vì đức tân giáo hoàng sẽ có sáng kiến phục hưng trọn vẹn công trình của Giáo Hội hiệp thông. Ngài đưa vào triều Roma tất cả những cơ quan đã được thành lập hợp pháp.
Nhưng trước khi phác họa những dòng lớn của đời sống và của những cơ cấu Ðông phương trong kỷ nguyên mới, chúng ta phải nhìn lại phía sau hầu gợi lại phong trào liên quan nhiều đến việc thống nhất Kitô giáo từ giữa thế kỷ XIX.
5. VẤN ÐỀ THỐNG NHẤT KITÔ GIÁO.
Sau khi quan sát những quan hệ tôn giáo ngay trong nội bộ của Giáo Hội Roma, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu sơ qua phong trào thần học và sự quan tâm của các thần học gia và các luật gia về những vấn đề của Giáo Hội. Ðây là lĩnh vực mới mà những nhà viết sử có thể mở đường và theo dõi bước tiến của công trình khảo cứu.
Trong thông điệp In suprema Petri (Theo quyền tối cao của thánh Phêrô, ra ngày 6.1.1848) đức Pie IX trình bày những điều kiện trở về hiệp thông với Roma của những người chính thống giáo, quen gọi là ly giáo. Những điều kiện này đã được hội nghị các thượng phụ Ðông phương thảo luận và trả lời (6.5.1848), rồi được phổ biến rộng rãi ngay trong những môi trường Công Giáo Tây phương. Hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo đặt vấn đề ở trình độ thần học và hoàn vũ mà các đề tài chính, cách nhau hơn một thế kỷ, rất gần với những mối quan tâm cơ bản của Công Ðồng Vatican II, nhất là về những liên hệ đến tập thể tính của hàng giám mục và những mối tương quan giữa quyền tối thượng Roma với việc kế vị thánh Phêrô.
Một niềm tin vững chắc chế ngự toàn cuộc tranh luận về thần học và về thể chế, đó là cuộc tranh luận về sự toàn vẹn của sự thật phúc âm và tông truyền. Sự thật trọn vẹn ấy Giáo Hội Công Giáo Roma nhận lấy cho riêng mình. Nhưng trong bài “Trả lời chống lại đức giáo hoàng”, Chính Thống Giáo cho rằng mình mới là kẻ “quản thủ đức tin chân thật”.
Cuộc khủng hoảng Ðông phương từ năm 1848 đến năm 1856, càng ngày càng thúc dục phải quan tâm đặc biệt đến những vấn đề chính trị tôn giáo mà các Thánh địa và số phận của các cộng đoàn Kitô giáo trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra. Trong các văn kiện lớn của thời ấy, chúng ta sẽ lưu tâm đến mấy công trình nghiên cứu có tiếng vang đặc biệt và làm sáng tỏ những phía cạnh chính yếu của các vấn đề đặt ra.
Vào đầu năm 1850, một nhà ngoại giao Nga là Tuteff, trong một công trình nghiên cứu về “chức vị giáo hoàng và vấn đề Roma”, nhận thấy rằng: Giáo Hội Roma trở nên rường cột và trung tâm của Kitô giáo Tây phương; Sau khi đoạn tuyệt với Truyền thống Tông đồ và Chính Thống Giáo, Giáo Hội Roma đã để cho những mầm mống tin lành giáo và cách mạng len lỏi vào ngay trong nội bộ của mình; Tuy nhiên, Chính Thống Giáo không thất vọng về sự “bình phục của thế giới Tây phương”, vì sự kiện này sẽ có lợi rất nhiều cho toàn thể Kitô giáo.
Vào năm 1853, linh mục J.H. Michon xuất bản quyển Voyage religieuse en Orient kể chuyện cuộc hành trình ở Ðông phương đã được thực hiện vào các năm 1850-1851 với nhà Ðông phương học danh tiếng F. de Saulcy. Mục đích là để biết những khuynh hướng tôn giáo của các cộng đoàn Kitô giáo Ðông phương đã tách rời khỏi sự thống nhất Công Giáo và để tìm những cách làm cho họ xích gần lại với Roma để triệu tập một Ðại Công Ðồng. Công Ðồng này sẽ tiếp tục công trình tập họp mà Bossuet và Leibnitz đã đặt những điều thỏa thuận sơ bộ. Ý kiến mà ngài trình bày là tiếng vọng trung thành của những ý kiến được thu lượm tại chỗ. Nhiều trang phản chiếu lại hoàn cảnh của Ðông phương và nhất là của Palestine với những nhận định cho tới nay vẫn còn hợp thời. Trong việc phục hưng tòa thượng phụ La Tinh ở Giêrusalem, ngài nhìn thấy một công trình do Chúa quan phòng, sẽ được coi là phong phú nhất của thời đại mới, với điều kiện là thể chế ấy phải phụng sự Giáo Hội địa phương, Ả Rập và Melkite, phải bỏ những gì là đặc tính latinh mà người Ðông phương chán ghét đến cùng độ. Ngài còn thêm rằng: người ta không thể “hiểu lý do tại sao có một giám mục La Tinh ở nơi không có người latinh”. Nhưng ngoài vấn đề địa phương của Palestine ra, ngài thu lượm được ý kiến sáng suốt của những người lo lắng về các mối tương giao giữa Roma và Ðông phương Kitô giáo: Vấn đề hòa giải Kitô giáo đặt ra vấn đề cần phải có một công đồng hoàn vũ thật sự, bàn định về sự thống nhất Kitô giáo, và ngôi giáo hoàng phải từ bỏ ý chí muốn thu vén vào mình tất cả thế lực của Giáo Hội. Chính từ nơi miệng của một nhà thông thái Arménien khiêm tốn ở Brousse, Jean Tachrmoudjan, mà ngài thu lượm được những lời tâm sự sáng suốt nhất về vấn đề ấy.
Vào cuối năm 1853 ấy, với tư cách là một nhà quan sát biết rõ công việc ở Ðông phương, trên bình diện ngoại giao cũng như trên bình diện Giáo Hội, ông H. Desprez, dành cho tờ Revue des deux Mondes một công trình nghiên cứu quan trọng về: “Giáo Hội Ðông phương trong cục diện khủng hoảng Ðông phương”. Tác giả nêu lên tất cả những sự bất đồng làm cho Ðông phương chống lại Giáo Hội Tây phương và đã đưa đến một sự đối kháng lâu đời giữa hai khối tôn giáo, ngăn cách nhau bởi cái hố sâu về văn hóa và về xã hội. Rồi tác giả nhận định rằng tính năng động của Kitô giáo Roma vấp phải trong Kitô giáo Ðông phương một sức mạnh trơ trơ bất động làm cho Ðông phương không thể bị xâm lấn được: “... Những người Kitô giáo Hy Lạp chắc chắn nuôi một mối nghi kỵ dữ dội và lâu đời đối với Giáo Hội Roma. Chúng ta thú nhận như thế và lấy làm tiếc về việc này.
“Nếu Giáo Hội Ðông phương không làm được một cuộc chinh phục nào quan trọng bằng sự thuyết giáo và nhiệt tình lôi cuốn từ khi Giáo Hội này ly khai với Tòa Thánh, thì ít ra sức mạnh thế thủ của họ rất vững chắc. Họ không mất một tấc đất nào trong những cuộc chiến đấu chống lại những nhà truyền giáo công giáo, đôi khi họ tỏ ra có tài năng cao và can đảm kiên trì. Họ đã chống lại những cuộc tấn công bằng một sự cương quyết không lay chuyển được, bằng một hệ thống trơ trơ bất động. làm cho sự khôn khéo và uy quyền của Giáo Hội Roma, cho đến ngày hôm nay trở thành những đợt sóng vỗ vào bờ không hiệu quả...”
Và về mối nhiệt tâm lôi cuốn của Giáo Hội Roma từ nhiều thế kỷ, nhằm tách khỏi Chính Thống Giáo những thiểu số quốc gia để họ thành những cộng đoàn đối thủ và cạnh tranh với Giáo Hội Ðông phương, tác giả nói thêm: “Không có một dân tộc Ðông phương nào không sẵn sàng ly giáo, nếu Giáo Hội La Tinh muốn lấn sâu vào những đặc quyền mà Giáo Hội này đã nhượng cho họ, chính vì tinh thần quốc gia mạnh hơn tất cả các lý do khác”.
Cha Gagarin, một tu sĩ Dòng Tên người Nga, đã trở về Giáo Hội Công Giáo từ Chính Thống Giáo, và được nhiều người biết đến vì đã cộng tác vào buổi đầu của tờ Les Etudes. Vào thời kỳ mà những vấn đề Ðông phương có tính chất thời sự, tạp chí này đã trở nên phát ngôn viên chính và là người bảo vệ trong hơn một thập niên, của trào lưu hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Cha Gagarin có một ảnh hưởng lớn và là nguồn gốc của một hệ tư tưởng cổ điển trong một thời gian lâu, trong những môi trường truyền giáo của Ðông phương Kitô giáo. Giữa cơn khủng hoảng Ðông phương vào năm 1853, tại Paris người ta phát hành bản dịch của một bài đả kích của Mouravieff mang tựa đề “Những vấn đề tôn giáo ở Ðông phương và Tây phương. Lời của Chính Thống Giáo Công Giáo nói với Công Giáo Roma”. Cha Gagarin trả lời lại bằng những lời lẽ khiêu khích, qui tội cho hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo về những sự thất bại của Tòa Thánh, để “dập tắt sự ly giáo ở Ðông phương” và tố cáo tính cách hỗn loạn trong hệ thống Công đồng của Giáo Hội Ðông phương và sự bất động của những lời kêu gọi trở về Truyền thống lặp đi lặp lại của họ: “Ðó là sự dè dặt của người mù dừng lại trên một con đường mà người ấy không biết”. Còn về những nơi Thánh địa, cha Gagarin cho rằng từ thời Nghĩa Binh Thánh Giá, riêng Công Giáo mới có quyền xử dụng, mặc dù “vì tinh thần khoan dung và bác ái”, họ đã nhượng cho người ly giáo và người lạc giáo quyền cầu nguyện ở đây.
Ðối diện với những bài bút chiến có hại cho việc tìm kiếm sự hòa giải Kitô giáo thật sự, những bài nghiên cứu của Alexis Stepanivich Khomiakov có một thái độ hòa giải và khoa học khác hẳn. Ðọc một vài trang tỏa ánh sáng của Khomiakov và so sánh với một vài huấn từ trong Công đồng của đức giáo hoàng Paul VI người ta nhận thấy một tương quan rất gần về thần học và đôi khi trùng điệp về quan niệm. Sự kiện này biểu lộ rất nhiều tính cách thời sự trong sứ điệp hoàn vũ của người tiên phong về Giáo Hội học hiện đại ấy. Hoàn cảnh Ðông phương và những quan hệ liên can về tôn giáo của miền này khiến Khomiakov tham dự vào cuộc tranh luận lớn đang tiến hành bằng một bài đóng góp viết bằng tiếng Pháp vào năm 1855 với chủ đề: Giáo Hội La Tinh và Tin Lành giáo dưới mắt Giáo Hội Ðông phương. Ðối với những nhân vật chủ trương hiệp thông và nhất là cha Gagarin, ngài dùng những lời lẽ cứng cỏi. Ngài nhận xét rằng những nghi lễ phụng vụ không liên quan đến bản chất của Chính Thống Giáo, mặc dù nghi lễ ấy đóng một vai trò quan trọng trong sự biểu lộ tinh thần tôn giáo. Ðồng thời ngài chế diễu những người cố chấp “cho rằng các vị giáo hoàng là những người say mê lối phụng tự của người Hy Lạp”. Ngài khẳng định rằng “phải có một bản chất xấc xược để nói về sự khoan dung ấy trong các thế kỷ trước”. Nhưng vượt quá phương diện bút chiến ấy, Khomiakov nâng cuộc tranh luận lên mức cao của sự trung thành với sứ điệp phúc âm: trong viễn cảnh hoàn vũ ấy, tất cả các Giáo Hội đều phải xưng tội của mình và không được tự kiêu về đặc quyền về giáo lý hay đặc quyền về sự thánh thiện. Như vậy Khomiakov đã chạm tới gốc rễ của căn bệnh chia rẽ trong Giáo Hội.
Bài học dường như có kết quả. Gagarin trả lời gián tiếp trong một tác phẩm có tựa đề khá khiêu khích viết trong khi thán phục cuộc chiến thắng ở Crimée: Nước Nga sẽ trở thành Công Giáo chăng? (3.1856). Tất cả nội dung và cách diễn tả nhắc lại cục diện chính trị. Hòa ước ngoại giao ký ở Paris có thể mở đầu cho hòa ước giữa Giáo Hội Nga với Giáo Hội Roma, một hòa ước trong đó không có vấn đề “sáp nhập Giáo Hội Nga vào Giáo Hội La tinh, mà là một sự hòa giải”. Sự hòa giải này sẽ để lại cho Giáo Hội Nga những thể chế riêng của mình, đồng thời giải phóng Giáo Hội này khỏi sự giám hộ của nhà nước.
“Sự xích mích giữa Giáo Hội Nga và Giáo Hội Roma từ nhiều thế kỷ, cần phải dàn xếp bằng hòa ước, một hòa ước vẻ vang và có lợi cho cả đôi bên. Vừa giữ những nghi lễ đáng kính của mình, quy luật xưa của mình, phụng vụ quốc gia và bộ mặt riêng của mình, Giáo Hội Nga vừa có thể bước vào trong sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội Nga có thể nối lại những dây đã kết hợp Ðông phương và Tây phương ngày xưa. Công trình hòa giải này rất khó, nhiều thành kiến chống lại, nhưng không phải là không thực hiện được, Bởi vì nó không làm tổn thương một quyền lợi quan trọng nào. Ðể đi đến đó, chỉ cần sự thỏa thuận giữa ba ý muốn: Khi đức giáo hoàng, hoàng đế Nga và Giáo Hội Nga do các vị giám mục hay do hội đồng đại diện, đồng tình với nhau, thì ai có thể cản ngăn được sự hòa giải hoàn thành?”
Sự hòa giải ấy tăng cường sức mạnh nội bộ của nước Nga đang bị đe dọa vì cách mạng, nhưng nó cũng mang lại cho Giáo Hội hoàn vũ nhiều lợi ích lớn lao. Sau khi trở thành nước công giáo, nước Nga sẽ giữ một thiên chức quan trọng, nếu nước Nga dồn hết tâm lực cho công việc truyền giáo ở Á Ðông. Khi đi sâu vào trung tâm của lục địa rộng lớn này, từ hướng Bắc đổ xuống, nước Nga chắc chắn sẽ gặp gỡ nhiều nhà truyền giáo La Tinh. Lúc đó nước Nga có thể theo chiến thuật xưa của Thập tự quân, tấn công “Hồi Giáo từ mặt sau, và cả trên bờ biển Méditerrannée”.
Vào mùa hè năm 1856, cha Michon xuất bản một tác phẩm gây chấn động với tựa đề La papauté à Jérusalem (ngôi vị giáo hoàng ở Giêrusalem). Cha muốn đóng góp vừa vào việc giải quyết của vấn đề Roma vừa để giải quyết sự thống nhất Kitô giáo. Bị đe dọa phải rời Roma, đức giáo hoàng phải chọn Giêrusalem làm nơi cư trú tương lai. Sự rời Tòa Thánh đến thánh địa Giêrusalem sẽ có những hậu quả không thể lường được trên số phận của Kitô giáo, bởi vì không mất ảnh hưởng của mình ở Âu Châu, đức giáo hoàng sẽ lo cho Ðông phương “nhiều hơn và tốt hơn”. Ngài sẽ làm việc cho sự hiệp nhất Giáo Hội. Việc này sẽ được tuyên bố “trên nền tảng của sự đồng nhất về giáo lý và của sự kiện lịch sử không thể chối cãi rằng sắc lệnh cuối cùng về sự thống nhất tuyên bố ở Florence không bao giờ bị hủy bỏ”. Sự hòa giải ấy sẽ được thực hiện trong một Công Ðồng hoàn vũ mà các thượng phụ và giám mục của Giáo Hội Ðông phương sẽ có quyền thảo luận như những đồng nghiệp Tây phương của họ. Vượt quá viễn cảnh Kitô giáo ấy, Michon tin vào một sự đối thoại có kết quả giữa Tòa Thánh với thế giới Hồi Giáo. Tác giả nghĩ rằng thời xưa đã qua đi rồi, Hồi Giáo chủ yếu chỉ là “một tôn giáo sơ khởi trong thời các thượng phụ..., tôn giáo thuộc Abraham”.
Nhưng cơn khủng hoảng Ðông phương và cơn khủng hoảng của Kitô giáo Nga một khi đã được giải quyết, dư luận Kitô giáo lại nhìn ra những mối bận tâm thực tế hơn và người ta trở về với những đề tài truyền thống hơn. Hy vọng một sự hòa giải toàn diện Ðông phương và Tây phương dần dần trở thành xa xôi, người ta chỉ nghĩ đến việc dùng những cộng đoàn quy nhất để lay chuyển từ từ khối Chính Thống Giáo.
Ðức giáo hoàng Pie IX tưởng rằng sẽ đóng góp vào công việc này một cách có hiệu quả khi lập ra, năm 1862, trong lòng của Bộ Truyền Giáo, một ban hồng y có nhiệm vụ lo riêng về công việc ở Ðông phương. Cha Gagarin đã xuất bản, xem như một bài bình luận, một công trình nghiên cứu có nhiều ý nghĩa về tương lai của Giáo Hội Hy Lạp hiệp thông (l'Avenir de l'Eglise grecque unie). Trong đó ngài phân tích những cơ may của sự phục hồi những Giáo Hội hiệp thông đang bị đặt dưới một định luật hấp dẫn nguy hiểm, hoặc là sẽ bị sáp nhập vào Giáo Hội La Tinh hoặc là sẽ bị tách rời khỏi Giáo Hội Công Hiáo. Những cơn khủng hoảng làm rung chuyển một vài Giáo Hội hiệp thông lúc ấy làm cho nhiều người phải suy tư nghiêm chỉnh. Trong tình trạng này, cha Gagarin nêu lên một kinh nghiệm mà chính lúc đó ngài chưa biết tới: “lập thành những Giáo Hội quy nhất có bản chất lai hai phía, như trường hợp của Giáo Hội Melkites. Nghi lễ của Giáo Hội này cốt yếu là hòa lẫn những cách hành đạo La Tinh và Ðông phương xa với tập quán của cả hai Giáo Hội”. Kinh nghiệm này đã được gợi ý bởi Thomas de Jésus, một tu sĩ dòng Kín, trong tác phẩm De unione orientalium procuranda (Ðể đạt tới sự hiệp nhất của các Giáo Hội Ðông phương). Trong cuốn sách này, ngài ca tụng những tiến bộ về trí thức, tôn giáo và xã hội của những người công giáo Ðông phương, ngài mong muốn họ làm thành một sức mạnh lôi cuốn đối với toàn thể Chính Thống Giáo. Bởi vì nếu qui chế của Giáo Hội quy nhất là tạm thời thì đó là trong ý nghĩa của một phong trào bành trướng: “Tình trạng cuối cùng phải hướng tới, không phải là sự sát nhập Giáo Hội ấy vào Giáo Hội La Tinh, mà là sự sát nhập toàn Giáo Hội Hy Lạp vào Giáo Hội Hy Lạp hiệp thông”. Sự thành lập những chủng viện Ðông phương có một trình độ trí thức cao, nhất là một chủng viện trung ương ở Constantinople hay là ở Roma, sự lập ra những chi nhánh Ðông phương trong lòng những dòng tu lớn La Tinh, cả hai việc sẽ là những cơ hội thích hợp tuyệt vời để làm cho Giáo Hội Hy Lạp hiệp thông ra khỏi tình trạng bạc nhược và trì trệ của mình.
Ðối diện với những người đề xướng những thể chế như trên, Chính Thống Giáo gặp được những người bảo vệ ngay trong hàng ngũ những người công giáo đang bất mãn. Những người này sẽ xử sự khôn khéo tinh vi và dựa trên sự hiểu biết sâu rộng để phục vụ cho quyền lợi của họ. Trở về đức tin Chính Thống Giáo, Pitzipios xuất bản ở Paris vào năm 1860 một bài đả kích rời rạc và lộn xộn, dưới tựa để le Romanisme, chĩa mũi dùi vào những phương pháp chính trị tôn giáo của Giáo Hội Roma. Vào năm 1862, Pitzipios tấn công đức giáo hoàng, người trước kia bảo trợ ông, bằng cách gièm pha sự cải cách về Ðông phương của Bộ Truyền Giáo và nói ngược lại những điều cha Gagarin đã nói, trong bài “Trả lời sắc chỉ cuối cùng của đức thánh cha về sự thống nhất Giáo Hội Ðông phương và Giáo Hội Rome”. Một người bỏ hàng ngũ Công Giáo Roma khác là Guettée, linh mục người Pháp, được cử giữ một nhiệm vụ tin cậy ở nhà nguyện của tòa đại sứ Nga tại Paris. Vị linh mục này đã xuất bản nhiều tác phẩm để chứng minh sự sai lầm của Công Giáo Roma mà ông cho là ly giáo và lạc giáo đối với truyền thống chung của thiên kỷ Kitô giáo thứ nhất, đặc biệt trong tác phẩm La papauté schismatique ou Rome dans ses rapports avec l'Eglise orientale (1863, được tái bản vào năm 1874). Tác phẩm này dựa trên những văn bản của các giáo phụ Ðông phương, ít được biết đến hay là bị bỏ quên. Tờ báo l'Union chrétienne của linh mục này cũng tạo nên ở Tây phương một không khí thiên Chính Thống Giáo, đặc biệt trong các môi trường công giáo đang bị xáo động bởi những quyết định của Công Ðồng Vatican I.
Hai linh mục thông thái người Ðức đoạn tuyệt với Giáo Hội Công Giáo cũng vào thời này và phục vụ Chính Thống Giáo về phương diện trí thức và tôn giáo. A. Pichler, xuất thân từ đại học Munich trở nên quản thủ thư viện ở Saint Pétersbourg là tác giả của tác phẩm về lịch sử chia rẽ Ðông phương và Tây phương (19). Nếu tác phẩm này làm cho người ta thất vọng về sự thông thái của A.Pichler, thì tác phẩm của J. Overbeck, người xuất thân từ đại học Bonn, sáng chói hơn nhiều. Sau khi đoạn tuyệt với Roma, J. Overbeck, đến cư ngụ tại Anh, viết nhiều tác phẩm và hoạt động không mệt mỏi, không ngừng rao giảng một sự trở về Chính Thống Giáo. Linh mục này mong muốn thiết lập Chính Thống Giáo Tây phương phù hợp với truyền thống của Âu Châu La Tinh. Bằng tờ Revue de l'orthodoxie catholique ngài đã vận động nhiều để thiết lập một Giáo Hội Công Giáo Chính Thống, kết hợp đức tin và những qui luật của Chính Thống Giáo Hy Lạp Slave với những tập quán và ngay cả phụng vụ của văn hóa Tây phương xung quanh.
Nhưng những tiểu luận về một “Giáo Hội Công Giáo mới” biến thể từ Chính Thống Giáo, chỉ là những vết dầu nhỏ bé trong một mạng nhện bao la của Kitô giáo. Toàn thể Chính Thống Giáo vẫn giữ truyền thống và không sẵn sàng trao đổi với bên ngoài, trong khi ấy trong lòng Giáo Hội Công Giáo, những sức mạnh tôn giáo mới vẫn luôn luôn mơ tới việc thanh toán phái ly giáo Ðông phương. Cha Emmanuel d'Alzon, vị sáng lập dòng Augustins de l'Assomption, chắc chắn là một trong những nhà tiên phong tiêu biểu nhất của cuộc tấn công chống lại phái ly giáo trong hậu bán thế kỷ XIX ấy. Ngay từ tháng 7 năm 1862, ngài tìm cách phối hợp với những người lãnh đạo trong Bộ Truyền Giáo và với đức Cha Brunoni, khâm sứ Tòa Thánh ở Constantinople, thể hiện một kế hoạch táo bạo mà hoàn cảnh chính trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã giúp ngài thực hiện dễ dàng. Cha viết: “Về tất cả các địch thủ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thì kẻ thù đáng sợ hơn hết là nước Nga. Nước này nhân danh Giáo Hội Chính Thống, luôn có tham vọng mở rộng bờ cõi về phía Constantinople. Nếu giữa Constantinople và nước Nga người ta có thể lập một vùng dân cư Công Giáo, thì tất cả các cớ chiếm đoạt sẽ dần dần tiêu tan, và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có hy vọng tồn tại lâu dài”.
Những điều nhận xét đơn sơ này đủ để cho thấy vì lợi ích nào mà những chính khách của Thổ Nhĩ Kỳ phải giúp cho sự phát triển của Công Giáo ở nước họ, dù họ có tín ngưỡng nào đi nữa.
Những hy vọng ấy giống như trong cơn mơ. Dầu vậy, nó cũng sẽ gợi hứng cho một công cuộc tông đồ lớn mà cha Alzon đã đầu tư vào đó nhiều tiền bạc và những nhân viên ưu tú tận tụy và khôn khéo. Vào cuối tháng 4 năm 1863, ngài đệ lên đức giáo hoàng Pie IX và Bộ Truyền Giáo một bản báo cáo mật, viết sau nhiều lần bàn tính với các vị bề trên truyền giáo, nhất là E. Boré, bề trên dòng Lazaristes. Nhưng ý định của ngài không được những nhà lãnh đạo Roma chấp nhận. Hết mực thực tế, đức giáo hoàng Pie IX nghĩ đến một chủng viện để đào tạo một hàng giáo sĩ Ðông phương tốt. Nhất là đức giáo hoàng từ chối việc đưa ra một chính sách ngấm ngầm mhằm biến đổi dần dần những nghi lễ Ðông phương. Ngài tuyên bố quả quyết rằng ngài đã cam kết tôn trọng những nghi lễ ấy. Vị sáng lập dòng Assoptionnistes và bạn bè của ngài thì tin rằng các nghi lễ Ðông phương sẽ biến mất nếu những ý tưởng ở Âu Châu tiến mạnh. Về phía họ, những hồng y của Bộ Truyền Giáo thì bản bá cáo hoàn toàn bất lợi, bởi vì ở Roma, sau nhiều lần suy xét lại, người ta đã vĩnh viễn bỏ dự định phục hưng một tòa thượng phụ La Tinh ở Constantinople. Cha Alzon thì không những khuyến khích việc phục hưng ấy mà còn bổ sung thêm bằng các cơ quan khác cho người Bulgares và bằng việc thành lập một cộng đoàn hiệp thông Hy Lạp.
Ít tham vọng hơn cha Alzon, cha P. Martin quản nhiệm nhà thờ Saint Louis des Francais ở Rome, vào năm 1867, xuất bản một tác phẩm tỏ thái độ rõ rệt, với tựa đề là La Chaldée. Equisse historique, suivie de quelques réflexions sur l'Orient. (Chaldée. Sơ thảo lịch sử dựa theo một vài suy tư về Ðông phương) Theo ngài nhận định, thì những thực trạng suy tàn tôn giáo của những người Nestoriens và của phái ly giáo nói chung là chuyện thông thường của thời đó. Nhưng những suy tư của ngài chú trọng vào “những phương tiện dễ dàng nhất để đem Ðông phương, đặc biệt là Á Châu Tây phương, trở về đức tin Công Giáo, và nhờ đức tin Công Giáo, trở về với sự thịnh vượng ngày trước”. Tác giả phê bình một cách lý luận những nguyên do thất bại của Tây phương trong “công trình truyền giáo ở Ðông phương”. Theo ngài, phương án gửi một “đạo quân giám mục và truyền giáo”, đến Á Châu để thiết lập ở đó hàng giáo phẩm La Tinh “và ghép hàng giáo phẩm ấy vào gốc Ðông phương với mục đích làm lưu thông sức sống của Giáo Hội Mẹ đã gần như khô cạn”, phương án đó đã bị phá sản! Như vậy thì không nên chỉ tìm kiếm nguyên nhân trong những khuyết điểm của Ðông phương mà thôi, nhưng còn phải nhìn nhận thành kiến lâu đời, những ác cảm lẫn nhau, những sự can thiệp liên tục và không đúng lúc của các nhà truyền giáo. Tất cả những yếu tố này đã đóng góp vào sự thất bại ấy. Việc “phục hưng Ðông phương Kitô giáo là điều cần thiết, nhưng phải được thực hiện theo sáng kiến của họ và với sự cộng tác chủ chốt của họ”. Nhờ sự tin tưởng có giới hạn vào Ðông phương Kitô giáo ấy, hoạt động của các nhà truyền giáo La Tinh sẽ có hiệu quả hơn. Chương trình ấy tác động qua trung gian của các chủng viện, dưới quyền điều khiển về phương diện trí thức và tôn giáo của các thừa sai. Từ đó sẽ đi đến chỗ phá vỡ việc thành lập hàng giáo sĩ cấp dưới có kết hôn, đưa ngôn ngữ và tâm lý La Tinh vào việc giảng dạy thần học. Lại phải tập trung những vụ tài trợ cho hàng giáo phẩm Ðông phương và làm cho họ lệ thuộc vào các ân nhân của họ. Cuối cùng, việc thành lập những nhánh Ðông phương trong lòng những dòng tu La Tinh, mặc dù có sự ngờ vực của những người Ðông phương, sẽ hoàn thành công trình giám sát và điều khiển của những người phụ trách La Tinh.
Ban chuẩn bị cho Công Ðồng Vatican đã lấy lại tất cả các ý ấy, đồng thời điều hòa lại trong một kế hoạch chung. Kế hoạch này sẽ là nguồn gốc của nhiều sáng kiến Roma trong những thập niên sau đó. Ngay cả chính sách sáng suốt và táo bạo của đức giáo hoàng Léon XIII đối với Ðông phương Kitô giáo cũng gợi ý cho những tác phẩm văn chương cùng đường lối. Muốn nghe một tiếng chuông mới, phải đợi tới nhiệm kỳ giáo hoàng ngập ngừng của đức Pie X: trong nhiệm kỳ này xuất hiện những tác phẩm của hoàng thân Max de Saxe. Những tác phẩm này, tuy không được hoan nghênh ngay ở Roma, đã gợi ý cho nhiều lập trường Roma kể từ nhiệm kỳ của đức giáo hoàng Benoit XV.
Vừa là nhà thần học, sử gia và người chuyên môn về phụng vụ, hoàng thân này khi vào nhà dòng đã tỏ ra rất thông thái và có một quan điểm về đối thoại hoàn vũ sáng suốt và can đảm. Ngay từ 1907 tác phẩm của ngài Vorlesungen uber die orientalische Kirchenfrage đã làm cho mọi người chú ý, do cách ngài nghiên cứu một vài vấn đề tế nhị về lịch sử những quan hệ giữa các giáo sĩ với nhau. Sự suy tư của ngài, thực tế và sâu sắc, trung thực và ít theo truyền thống, làm cho những người sáng lập tờ báo mới ở Roma, ra đời vào các năm 1910-1011, dưới tựa đề Roma e l'Oriente chú ý đến ngài. Ðược yêu cầu viết bài mở đầu và hoạch định chương trình, ngài viết mấy trang vắn gọn và gây xúc động mạnh cho người thời đó, mà ngài đề tựa một cách đơn sơ là: Pensées sur la question de l'union des Eglises (Những ý nghĩ về vấn đề thống nhất các Giáo Hội).
Ngài viết: “Nếu những cố gắng lâu đời của Giáo Hội Roma đi tìm sự thống nhất với những Giáo Hội Ðông phương luôn luôn bị thất bại, trước hết, nguyên nhân không phải sự ngoan cố hay là ác ý của người Hy Lạp. Trên thực tế, Giáo Hội La Tinh luôn có ít nhiều thói quen chỉ huy”, đã muốn áp đặt khái niệm và những phương tiện thống nhất của mình cho người chị Ðông phương của mình. Quan niệm của Giáo Hội La Tinh đòi hỏi sự phục tùng hoàn toàn hay vô điều kiện của Giáo Hội Ðông phương, bị coi như là kẻ phản nghịch. Từ quan niệm đó, những cố gắng lặp đi lặp lại của Giáo Hội Roma chỉ đưa đẩy những người Ðông phương đi xa Roma nhiều hơn, bởi vì những người Ðông phương nhìn sự thống nhất dưới một phương diện khác, và tùy theo những con đường khác. Nếu đôi khi họ đã chấp nhận đi vào những con đường thỏa hiệp, như khi có những Công Ðồng Lyon hay Florence, ấy là vì sức mạnh của sự cưỡng bức chính trị và dưới sự đe dọa của mối nguy Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy phải đồng ý với nhau về khái niệm thật của sự thống nhất. Từ nhiều thế kỷ và cho đến ngày nay, Giáo Hội Roma chỉ nhượng cho Giáo Hội Ðông phương Kitô giáo hiệp thông một nghi lễ phụng vụ của riêng họ và vài điểm về kỷ luật, và chỉ những điều này thôi, “như là một ân huệ ban phát”. Vậy mà Giáo Hội Ðông phương có trước những Giáo Hội Tây phương và họ có nền pháp chế riêng của họ, kỳ cựu hơn pháp chế Roma rất nhiều. Sự phục tùng giám mục thành Roma, với tư cách là người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ, chỉ có nghĩa là “một sự nhục nhã đối với Giáo Hội Tây phương”.
Sự sai lầm chủ yếu là đã không biết đến sự phát triển lịch sử của chức vụ giáo hoàng và vai trò mà chức vụ giáo hoàng đã giữ trong suốt thiên kỷ thứ nhất ở Tây phương và ở Ðông phương, đến nỗi chức vụ giáo hoàng hiện ra trong ý nghĩ của những người Ðông phương “như một thể chế La Tinh, chứ không phải Công Giáo và hoàn vũ”. Với tư cách là thượng phụ Tây phương, giám mục của thành Rome chỉ có ở Ðông phương một ảnh hưởng gián tiếp và chỉ trong những cơ hội mà ngài lo về Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng ngài đã muốn áp đặt trên Giáo Hội Ðông phương quan niệm mới đã thắng thế từ thời Trung Cổ ở Tây phương. Ðó là điều đã xảy ra, nhất là vào lúc thành hình những thiểu số tôn giáo hiệp thông:
“Phục tùng hoàn toàn quyền tài phán của đức giáo hoàng và ngay cả một Bộ Roma, những thiểu số này phải theo nhiều luật riêng biệt La Tinh và tất cả môn thần học của người La Tinh, về mọi mặt. Như vậy, họ chỉ là những người La Tinh mặc y phục Ðông phương (đôi khi ngay cả không mặc y phục Ðông phương nữa) với những lời cầu nguyện Ðông phương, chứ không phải là những người đại diện của Giáo Hội Ðông phương thật. Những Giáo Hội hiệp thông là một sự mâu thuẩn sống động của tất cả lịch sử Giáo Hội thời Cổ đại và của Ðông phương. Sự tồn tại của những Giáo Hội hiệp thông ấy không làm cho vấn đề thống nhất nói chung được thực hiện sớm, mà đúng hơn đã làm cho những Giáo Hội ấy thành chậm tiến...”
Có nên vì thế mà bãi bỏ những thiểu số hiệp thông ấy không? Không, nhưng cần phải thay đổi hệ thống đã được giữ cho đến bây giờ. Giáo Hội Ðông phương “phải thật sự vẫn là mình; Giáo Hội ấy không được thay đổi đặc tính của mình”. Bởi vì Giáo Hội ấy tuyệt nhiên không lập thành một phần trong toàn thể, “một tỉnh của Giáo Hội Roma đã tách rời khỏi Giáo Hội ấy”, như trường hợp những người tin lành giáo. Giáo Hội Ðông phương có quyền tự trị truyền thống là quyền tồn tại của họ ngay từ buổi ban đầu. Với điều kiện ấy, sự thống nhất sẽ có thể được, nhưng “bao lâu người ta nhằm bắt những người Ðông phương phải phục tùng hệ thống Giáo Hội hiện nay, thì tất cả mọi mưu toan thống nhất sẽ trở nên vô hiệu”.
Một khi vấn đề chủ yếu ấy đã được giải quyết rồi, thì phải xem xét kỹ và giải quyết những sự khác biệt về tín điều đã đặt ra từ nhiều thế kỷ. Bởi vì sự thống nhất Giáo hội tất phải có thống nhất về đức tin. Suốt từ nhiều thế kỷ, sự thống nhất về tín điều ấy đã có, mặc dù có những sự bất đồng về quy luật và về thể chế. Sự phát triển về tín điều của Giáo Hội La Tinh sẽ không có thể được công nhận bởi Giáo Hội Ðông phương khi không có sự tham dự của Giáo Hội này trong sự duyệt chung lại những định nghĩa về tín điều mới đây. Ngay cả những gì đã được định nghĩa ở Florence cũng sẽ phải được định nghĩa lại trong tinh thần hợp tác giữa hai Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội Ðông phương vào thời đó chỉ đồng ý “một cách miễn cưỡng” và “bị hoàn cảnh bắt buộc”. Vả lại, những sự bất đồng về tín điều giữa hai Giáo Hội không phải do ở bản chất của đức tin cho bằng ở những hệ thống thần học. Những hệ thống này không tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội hoàn vũ. Chỉ có một công đồng hoàn vũ tự do mới có thể thực hiện sự thống nhất về tín điều, không thể bắt buộc hay có một áp lực tinh thần nào.
Sự thống nhất là công trình của sự thật và của đức bác ái. Khoa Ðông phương học không đủ. Vượt lên trên những công thức cổ điển và những học thuyết trong sách vở, phải đi sâu vào linh hồn Ðông phương và tin chắc vào thiện ý của luận chứng Ðông phương. Vậy mà, cho đến bây giờ, người ta chỉ tìm cách tích tụ những nguyên nhân thất bại để đổ lỗi cho những người Ðông phương, “và người ta không muốn thấy những sự nhầm lẫn và những lỗi mà Tây phương đã phạm”.
Không chỉ bằng lòng trình bày một cách can đảm những điều nhận định nghiêm khắc, hoàng thân de Saxe còn nhấn mạnh bằng những thí dụ lịch sử. Và hoàng thân nói thêm rằng sự tự phê tích cực, trung thực và có lợi này cũng có thể dùng làm khuôn mẫu cho cách cư xử của những người Ðông phương. Một lòng yêu sự thật và một sự thẳng thắn như thế sẽ giúp họ trút bỏ óc tự mãn và công nhận sự chính đáng của các quan điểm La Tinh.
Rốt cuộc, rủi ro là Ðông phương và Tây phương không biết đến nhau vì thiếu tinh thần trọng sự thật và yếu kém về tinh thần bác ái. Vì không tôn trọng nhau thật nên không thể thương yêu nhau thật. Nếu, từ nhiều thế kỷ, Ðông phương Kitô giáo bị khốn khổ, Tây phương có trách nhiệm lớn về những vết thương của Ðông phương, bởi vì Ðông phương bị bỏ rơi cho các địch thù của họ, và khi Tây phương nghĩ đến việc giải phóng họ thì lại chỉ là để chinh phục họ.
Ðọc được những trang viết với một sự hiểu biết sáng suốt về lịch sử của Kitô giáo như thế này là một sự rất hiếm. Ðược viết vào lúc kết thúc một thời kỳ đặc biệt có nhiều cơn khủng hoảng về tôn giáo, những trang này thực ra, tóm lược một hoàn cảnh có trước và mở đường cho những viễn cảnh đối thoại có kết quả và cho một sự phục hồi sự giao hảo thân thiện lâu bền giữa các Giáo Hội.