CHƯƠNG V
NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG
VÀ CÁC TRIỂN VỌNG MỚI
CHƯƠNG V
NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG
VÀ CÁC TRIỂN VỌNG MỚI
Việc thăng tiến những nơi truyền giáo tại các nước thành những Giáo Hội "quốc gia", việc tháo gỡ ra khỏi những mối liên hệ chính trị, việc công nhận đa nguyên văn hóa, đó là ba hướng đi mà Giáo Hội phải hoàn tất, đã không gặp nhiều khó khăn nhờ những thay đổi lớn lao trên thế giới sau đệ nhị thế chiến. Tính kỳ hạn về lâu dài thì viễn tượng lạc quan đó xem ra đúng. Nhưng phải công nhận là trong phần tư thế kỷ vừa qua có nhiều xáo trộn tong giới truyền giáo. Giữa việc công bố một tài liệu của tòa giám mục về vấn đề độc lập và những thái độ cụ thể của mỗi nhà truyền giáo trên bình diện hoạt động và những cuộc tiếp xúc hàng ngày của vị đó, có một khoảng cách bên lề. Chính những thái độ cụ thể đó đã tác động đến đa số quần chúng hơn là những bản tuyên ngôn viết thành văn. Ngoài ra, các nhà truyền giáo nhấn mạnh nhiều về sự tôn trọng trật tự hiện hành và cự tuyệt bạo động, hơn là về tính cách hợp pháp của các phong trào yêu sách. Các vị lại kông thấu hiểu những động lực của các cuộc vận động đó, và họ thường có cảm tưởng e sợ, kể ra thì không phải là không có lý, cái bước chuyển tiếp không tránh khỏi của một tình thế an ninh thuộc địa sang cái tình thế bất an có thể xẩy ra, của một chế độ mới thiết lập còn đang tìm hướng đi. Những mối dây liên hệ ràng buộc trước đây với các đế quốc thuộc địa đã cho thấy là thái độ ít nhiều ngập ngừng của các vị đó thật không có gì là lạ cả, không phải là các nhà truyền giáo ước muốn giữ nguyên tình thế đó, nhưng là vì tình hình mới đòi hỏi một sự thay đổi tâm lý, không dễ gì thực hiện được ngay.
Những mối lo sợ trước một tương lai bấp bênh lại gia tăng do một số sự kiện lớn xẩy ra. Sự việc nghiêm trọng hơn hết là thảm họa xẩy đến tại những điểm truyền giáo ở Trung Quốc. Sau đệ nhị thế chiến có sự thông cảm hiểu nhau rất tốt giữa chính phủ quốc gia Trung Hoa và các Giáo Hội Ðức Kitô. Các Giáo Hội này tham gia tích cực vào công cuộc tái kiến thiết quốc gia. Giáo Hội Trung Hoa đã trở thành một thực tại có tổ chức tốt, có tính năng động đầy hứa hẹn. Những bản thống kê Công Giáo cho biết có ba triệu rưỡi người đã chịu Phép Rửa Tội, 140 địa hạt thuộc Giáo Hội, trong đó có 20 tòa tổng giám mục, với số linh mục là 2600 người Trung Hoa và hơn 3000 người ngoại quốc. Nước Trung Hoa là nước được truyền giáo đầu tiên có con em được phong phẩm tước hồng y: đó là giám mục Thomas Tien, được đức giáo hoàng Pie XII tuyển chọn năm 1946. Nhưng đến năm 1949, khi quân đội cộng sản của Mao trạch Ðông, trước đó đóng ở phía Bắc, nay ciếm lĩnh toàn thể nước Trung Hoa, khiến chính phủ quốc gia phải chạy sang ẩn trú ở đảo Ðài Loan (Formose). Liền ngay năm sau, cuộc thử thách bắt đầu đến với Giáo Hội: các nhà truyền giáo ngoại quốc bị trục xuất, đôi khi còn bị tống giam; Nhiều linh mục Trung Hoa bị bắt giữ và một số bị hành quyết. Hoạt động tông đồ bị cản trở, và chính phủ dùng áp lực mạnh mẽ, nhất là qua phong trào "Ba Ðộc Lập" để ép các Giáo Hội phải phục tùng chế độ chính trị. Kể từ năm 1955, Giáo Hội Trung Quốc trở thành Giáo Hội thầm lặng; đây là một đòn nặng đánh vào thói quen coi các cuộc truyền giáo như một bước chinh phục ngày một tiến bộ. Một đòn càng thấm thía, gay gắt hơn vì nhiều lời bình luận cho cái cảm tưởng là sau khi các nhà truyền giáo ra đi thì không còn gì nữa; trong khi đó, một Giáo Hội Trung Hoa, với các giám mục và các linh mục vẫn tiếp tục, có lẽ dưới hình thức ẩn náu tiềm tàng, luôn trong vòng nguy hiểm bị bóp nghẹt dần dần từng bước, nhưng vẫn oanh liệt làm nhân chứng Phúc Âm. Trường hợp của Trung Quốc không phả là duy nhất: Vào năm 1950 nước Bắc Hàn loại bỏ Kitô Giáo một cách có lẽ còn triệt để hơn; rồi tại Việt Nam vào năm 1954 có vụ di tản đông đảo người công giáo trốn tránh Bắc bộ mà tại đây chế độ Hồ Chí Minh đã được thiết lập. Tất cả những sự việc như vậy có thể giải thích là do cộng sản, và ở nơi khác cũng vậy, người ta không quên nghi ngờ, đúng hay sai, là cũng do ảnh hưởng cộng sản, khi có những biện pháp chống đối các nhà truyền giáo.
Tuy nhiên, thật khó giải thích theo cách trên, tất cả những trở ngại mới mà các nhà truyền giáo gặp phải: những khó khăn ngày càng xảy ra khi xin một chiếu khán nhập cảnh, giản dị ngay như xin trở lại sau một phép nghỉ ở một vài nước, ngay cả những nước vốn có tiếng khoan dung, vừa do truyền thống, vừa do hiến pháp thế tục, như Cộng Hòa Ấn Ðộ; những vụ tố cáo trước quần chúng các hoạt động của các nhà truyền giáo ngoại quốc như là hành động ‘dụ dỗ, lôi kéo’ tín đồ; những nước có đa số dân theo Hồi Giáo có chính phủ Hồi Giáo, và ở đấy nhiều kitô hữu bị lên án, coi như côn dân hạng nhì; trục xuất từng cá nhân các nhà truyền giáo, đôi khi trục xuất hàng loạt như ở Soudan (1964) ở Diến Ðiện (1966) ở Guinée (1967); nhiều nước chủ trương quốc hữu hóa các trường học, nhà thương và các cơ quan sinh hoạt khác, vốn là những thể chế có tầm quan trọng cho công trình phát triển truyền giáo. Những vụ biến loạn nghiêm trọng kéo theo những sự thiệt hại về vật chất, thậm chí có nhiều vụ tàn sát các nhà truyền giáo như ở Congo (1960-1965). Nhiều tôn giáo cổ nay nỗi dậy đòi quyền ưu tiên quốc gia và cạnh tranh với Kitô giáo mà họ coi là tôn giáo "nhập cảng".
Sau những nguyên nhân hỗn loạn ngoại lai trên, nay lại có những nguyên nhân nội tại của chính Giáo Hội: Một số lời phê bình muốn giải thích, có vẻ hơi quá thô sơ dễ dãi về những khó khăn xẩy ra ở các xứ truyền giáo là do những lầm lỗi của các nhà truyền giáo. Những phương pháp được sử dụng từ cả một thế kỷ nay, nay bị đem ra tranh luận, bàn cãi. Tại những nước có cộng đoàn Kitô hữu từ lâu đời, cũng như ở những nước Giáo Hội còn non rẻ, người ta không tin vào lý do tồn tại của các thể chế Kitô giáo về mặt học đường, bệnh viện và xã hội. Các giáo sĩ Á Châu và Phi Châu lại nhậy cảm với các phong trào quốc gia, và không muốn chấp nhận người ngoại quốc lãnh đạo, do đó, đôi khi đã xẩy ra những vụ xích mích đau lòng. Mặt khác, cả một trào lưu tư tưởng khai triển nền truyền giáo học mới dã xuất hiện, và những biểu lộ đầu tiên là việc cho xuất bản vào năm 1944, cuốn sách nhỏ nhan đề "Nước Pháp, nước truyền giáo?" (France, Pays de Mission ?). Những "Hội truyền giáo nước ngoài" càng ngày càng thấy mình bị người ta đặt nghi vấn về việc xử dụng độc quyền những danh từ "sứ mệnh truyền giáo" và "nhà truyền giáo" mà người ta cho rằng những danh xưng đó còn có thể đem áp dụng vào những lãnh vực khác, như những lãnh vực xã hội học ngoài Kitô giáo trong các xã hội Tây Phương (1); cái nhìn mới này gây nên một cuộc tranh chấp về mặt "truyền giáo" ở một vài hoàn cảnh, mà tại đấy, nhân viên các Giáo Hội non trẻ thật sự được bổ nhiệm vào những công việc giống hệt như công việc của các chủ chăn trong các cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập từ lâu. Tóm lại, người ta có khuynh hướng phục hồi lại sứ vụ truyền giáo và đào tạo những nhà truyền giáo theo một quan điểm hoàn toàn khác với quan điểm đã có từ thế kỷ thứ XIX, khi người ta hăm hở và nhiệt tình với sứ vụ truyền giáo.
Lại có những thay đổi khác với nhiều hậu quả sâu đậm, đã xẩy ra vào năm 1957, sau việc ban hành thông điệp Fidei Donum (Quà tặng Ðức Tin): Nhận thấy, vì có sự thay đổi trong các công việc, và vì có tiến triển nhanh chóng, nhất là tại Châu Phi, làm cho các học viện truyền giáo không đủ đáp ứng nhu cầu, nên đức Pie XII phải kêu gọi các giám mục trong các nước công giáo, yêu cầu các ngài gửi một số linh mục thuộc giáo phận, đến các nơi truyền giáo. Ngoài sự đóng góp đáng kể về nhân sự, lời kêu gọi trên đã đưa đến hai hậu quả: tại Âu Châu và Mỹ Châu, các vị giám mục nhận ra ơn kêu gọi phổ quát của mình, là đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới, chứ không phải chỉ ở trong giáo phận của mình mà thôi; tại những Giáo Hội non trẻ, sự hiện diện của các vị đó đặt ra cho các giám mục một vấn đề mới mẻ và xác thực hơn về địa vị của giám mục, vì từ trước đến giờ, các thể chế truyền giáo luôn đứng hàng đầu(2). Như thế là vấn đề truyền giáo đã khởi đầu một hướng mới được phát hiện tại Công Ðồng Vatican II.
Một hình thức truyền giáo khác xuất hiện hay ít ra là được tăng cường rõ rệt sau thế chiến 1940: đó là thừa sai giáo dân. Khởi thủy, giáo dân chỉ là nhân viên phụ tá, một lớp thừa sai để bổ trợ mà thôi.Nhưng dần dần, nhờ sự phát triển của các tập đoàn chuyên khoa, và nhất là nhờ việc người ta suy tư sâu đậm về những trách nhiệm chính yếu của giáo dân, nên các "thừa sai giáo dân" - dưới nhiều hình thức khác nhau - đã trở thành một thực tại độc đáo góp phần làm thay đổi bộ mặt truyền giáo. Ðặc biệt, hậu quả cho thấy là người ta ưu tiên nhấn mạnh đến những vấn đề tương quan tới "phát triển".
Ðể hoàn thành bức tranh về vấn đề truyền giáo, còn phải nói thêm rằng: vấn đề về truyền giáo sẽ không còn được hảo luận như trước đây, giữa các nhóm nhỏ chuyên chú về khoa truyền giáo học. Sau khi đã sao nhãng quá lâu, nay các nhà thần học nhận thấy phải sáp nhập những vấn đề đó vào trong những suy tư về Giáo Hội. Ðây thật là một tiến bộ hiển nhiên. Nhưng, vì vấn đề quá xa lạ đối với các cuộc đụng độ và dấn thân hằng ngày, nên các nhân vật đang hoạt động, mà phần nhiều là các nhà truyền giáo, tỏ vẻ dè dặt, chẳng hạn về những nhận xét mới tại Ðức đối với các tôn giáo lớn trên thế giới. Tất cả những hoàn cảnh trên là dấu chỉ một sự đột biến toàn bộ, trong đó cả thế giới và Giáo Hội đều liên lụy. Chúng đã giải thích được sự lo âu, tâm trạng bất ổn, mối hoang mang đã xẩy đến trong nhiều tổ chức truyền giáo trước khi có Công Ðồng Vatican II.
Tại Châu Á và Châu Phi, khi loan báo sắp có Công Ðồng, người ta ngạc nhiên có lẽ còn hơn các nơi khác nữa. Nhiều vị giám mục đi họp mà cũng không biết mình hy vọng gì vào đó, nếu không phải là nhận một chỉ thị này hay một chỉ thị khác có tính cách thực tiễn. Còn các thể chế truyền giáo thì hình như họ muốn thấy giá trị đặc thù ơn gọi của họ được khôi phục. Cũng như trong nhiều lãnh vực khác, Công Ðồng sẽ đặc biệt cởi mở đối với những lo lắng của họ. Hàng giám mục Phi Châu và Á Châu sớm nhận thấy với số đông, họ có thể hợp thành một lực lượng đáng kể, mà sự đóng góp này lại đang được các xu hướng lớn đương thời thúc đẩy mạnh mẽ. Sau đó, nhờ vào các cuộc tranh luận, và nhất là nhờ vào việc đối thoại kiên trì trong các khóa họp, diễn ra giữa các vị giám mục, các chuyên viên và các nhà hần học, cả giữa các vị đại diện cho dư luận quần chúng nữa, nên các vị giám mục Phi Châu và Á Châu dần dần càng ngày càng nhận thức rõ ràng là toàn thể Giáo Hội đang mong đợi ở các vị một sự đóng góp có phẩm chất, một sự nhận định sâu sắc hơn giữa Công Ðồng về các vấn đề và các hoàn cảnh mà các vị đã chứng kiến hay ước đoán sẽ xẩy ra, hầu giúp giải đáp những vấn đề lớn mà Công Ðồng đưa ra thảo luận.
Việc đó đã được chứng minh trong cuộc thảo luận về vấn đề Phụng vụ mà, may mắn thay, nó đã khai mạc bổi họp làm việc. Người ta thấy rõ ràng cái thời áp dụng một kỷ luật đồng loạt đã qua, và nay Giáo Hội đã cởi mở, chấp nhận một chế độ đa nguyên lành mạnh: các vấn đề do các nơi truyền giáo đặt ra, thì kể từ nay không còn là những vấn đề thứ yếu được giải quyết bằng các miễn chuẩn, nhưng những vấn đề trung tâm, phải được quyết định bằng việc thiết lập những quy tắc tổng quát. Song song, lại có cuộc can thiệp đanh thép của thượng phụ Melkite là Maximos IV, nhân danh một truyền thống "khác", nhưng cũng khả kíh như truyền thống Tây Phương, lên tiếng mạnh mẽ nhắc lại rằng sự khác nhau trong tinh thần hợp nhất mới tương ứng với truyền thống đích thực nhất của Giáo Hội, chứ không phải tình trạng đồng đều đơn điệu. Những phiên họp đầu tiên của Công Ðồng đã mang lại những ánh sáng mới cho nhiều người.
Nếu muốn đánh giá mức quan trọng về vấn đề truyền giáo trong Công Ðồng Vatican II, thì không nên chỉ dựa nguyên vào sắc lệnh Ad gentes, chuyên nói rõ ràng về những hoạt động truyền giáo. Tuy rằng sắc lệnh này, vào thời gian cuối Công Ðồng đã được hiệu chính, và như vậy là đã dựa theo nhiều tài liệu khác, nhưng nó vẫn là một văn bản tối nghĩa nước đôi, chỉ có giá trị như chứng tá của một thời gian chuyển tiếp giữa công cuộc truyền giáo ở thế kỷ XIX, dựa vào Tây Phương Kitô giáo, với những thể chế chuyên môn và công cuộc truyền giáo hậu Công Ðồng, trong đó vấn đề trách nhiệm được chia sẻ cho tất cả các Giáo Hội ở các "nước truyền giáo" cũ. Một bản tổng kết về vấn đề truyền giáo trong Công Ðồng Vatican II, muốn có giá ri, cần phải được thiết lập qua một cuộc khảo sát toàn bộ các văn kiện và công trình của Công Ðồng. Vả chăng, chỉ có tương lai mới cho biết cái uy lực của Công Ðồng trên công cuộc phát triển của Giáo Hội trong những khu vực có quan hệ đến chúng ta tại đây. Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta có ba nhận xét chỉ cho biết đâu là những tuyến đường có hiệu lực: Trước hết, Công Ðồng Vatican II đưọc coi như là kết quả của một sự tiến triển mà chúng ta đã trình bầy bước tiến từ những sứ vụ truyền giáo ngoại quốc đán các Giáo Hội địa phương; Thứ đến, từ những mối liên hệ chính trị đến sự tự do của các công cuộc truyền giáo; Thứ ba, từ tính đồng đều đơn địệu của Tây Phương đến tính đa nguyên văn hóa. Những tuyến đường lịch sử đó lại gặp lại trong những tài liệu do Công Ðồng soạn thảo.
Sau đó, Công Ðồng Vatican II tỏ ra đã nhận thức rõ ràng rằng: công cuộc truyền giáo là một đặc trưng thiết yếu của toàn thể Giáo Hội, và dĩ nhiên, Giáo Hội này không nên nhầm lẫn với Giáo Hội Tây Phương. Ðây là lần đầu tiên mà trong Công Ðồng số các Nghị phụ người Á Châu và Phi Châu có một đội ngũ tỷ lệ tăng dần từ phiên họp này đến phiên họp khác. Có thể là các vị này chưa đóng góp cho Vatican II tất cả cái gì mà một Giáo Hội thực sự đại đồng và đa dạng đang mong chờ. Những tài liệu của Công Ðồng vẫn còn mang nhiều suy tư Tây Phương, nhưng kể từ nay, việc này được coi như một giới hạn phải vượt qua càng sớm càng hay. Về phương diện này, Vatican II là một cái mốc biểu lộ công giáo tính của Giáo Hội. Người ta có thể nhận thấy như thế tong việc chọn lựa các thành viên của các ban hậu Công Ðồng, trong nhiều cơ quan của giáo triều và dĩ nhiên, trong các Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðây mới chỉ là một bước đầu, nhưng nhất thiết nó sẽ đưa đến một tương lai khác.
Cũng trong cái viễn cảnh truyền giáo, người ta phải lưu ý đến sự thay đổi đáng chú ý về những sự quan hệ giữa các nhà truyền giáo công giáo và tin lành; Vào thời kỳ mà Công Ðồng Vatican II được loan báo, giám mục truyền giáo Anh Giáo Stéphen Neill đã viết: "Chúng ta phải thẳng thắn ông nhận là hầu hết các mối liên hệ đều kém cỏi, mặc dù có một vài trường hợp may mắn ngoại lệ" (3). Có thể thấy ở các trang trên đây một vài thí dụ điển hình xác nhận sự chẩn đoán này, và còn nhiều thí dụ khác có thể đưa ra được nữa. Như chúng tôi đã nói, giữa các tín đồ tin lành, chính công cuộc truyền giáo mới làm nẩy sinh ra phong trào đại kết. Các người công giáo thì ít ai cảm thấy rõ rệt là nhu cầu truyền giáo đòi phải tìm sự hợp nhất tích cực giữa các Kitô hữu (4). Tại Công Ðồng, sự hiện diện của cùc quan sát viên tin lành, và sự tiếp đón họ một cách thân tình hữu nghị của đức giáo hoàng Jean XXIII và Paul VI, cùng với những lời họ trình bầy, và tất cả những gì Công Ðồng nói về họ, đều chứng tỏ một cách rõ rệt là sự ngờ vực lẫn nhau ngày trước là một sự nhầm lẫn, và con đường phải theo là «mấy trường hợp may mắn ngoại lệ» ngày xưa. Một bầu không khí mới mẻ đã xuất hiện, và mỗi ngày một được cụ thể hóa bằng nhiều sáng kiến cộng tác và giao hảo thân thiện.
Sau hết, tất cả những gì Công Ðồng nói về Giáo Hội, dân của Chúa, về vai trò chính của giáo dân, về mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, về sự tự do tôn giáo hay về các tôn giáo ngoài Kitô giáo, tất cả đưa đến một sự thay đổi lớn trong công cuộc truyền giáo, vừa theo hướng mới vừa giữ đúng phương pháp. Trong nhiều thành quả của sự đổi hướng này, người ta phải kể đến việc giao Giáo Hội trong tay người bản xứ và không dành việc truyền giáo cho riêng hàng giáo sĩ nữa. Những thành quả của Công Ðồng Vatican II còn cần phải để cho chín mùi, nhưng chắc chắn là Công Ðồng đã kết thúc một thời kỳ của lịch sử truyền giáo, và mở đầu cho những triển vọng mới, trong đó các Giáo Hội Á Châu và Phi Châu không chỉ thừa hưởng quyền lợi, nhưng phải liên đới với Giáo Hội Tây Phương nữa.