CHƯƠNG IV
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA
CHƯƠNG IV
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA
Có một mối liên hệ khác, sâu xa hơn mối ràng buộc chính trị, đã làm trở ngại cho hoạt động truyền giáo: Ðó là mối quan hệ văn hoá giữa Giáo Hội và Tây phương. Tự nó, mối quan hệ này chỉ là kết quả hoàn toàn bình thường của một mối cộng sinh lâu đời. Nhưng, cần phải xét lại nếu coi Kitô giáo như bị ràng buộc chặt chẽ không rời xa được với một mẫu hình văn minh đặc biệt nào đó, không thể tách lìa nhau được. Chính quan điểm trên đã ảnh hưởng đến não trạng của giới truyền giáo vào thế kỷ XIX, về phía Công Giáo cũng như về phía Tin Lành. Cả hai bên cùng nghĩ như vậy, như một tác giả tin lành đã viết: "Phải tái tạo trong thế giới ngoài Kitô giáo không những sứ điệp của Phúc Âm, mà cả những hình thức thực tế mà Kitô giáo đã tạo ra ở Tây Phương. Phần nhiều những người lo về truyền giáo nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ thiết lập ra một kiểu mẫu Kitô giáo tương tự như của chúng ta trong một môi trường Tây Phương, tương tự như xứ sở chúng ta đang sống" (1) Quan niệm trên không có gì lạ cả, vì nó nằm trong bầu không khí sảng khoái diễn ra trong khối Tây Phương đang trên đường bành trướng.
Tất cả mọi việc xẩy ra hình như đều được coi là hợp lý: như sự tỏa rạng bất thường của một nền văn minh nhuộm sâu những giá trị chắc chắn có nguồn gốc Kitô giáo, thâm ý, muốn Tây Phương hóa, được thể hiện trong nhiều tầng dân chúng đón nhận Phúc Âm, nhờ những điều kiện dễ dàng cho hoạt động truyền giáo bấy giờ. Vì vậy người ta coi như là tất nhiên việc đồng nhất hóa giõa "nền văn minh Kitô giáo" với "nền văn minh Tây Phương". Mộât người dân Âu Châu hạng trung bình sống vào những năm 1900 bị lóa mắt trước những thành tựu của chính mình, sẵn sàng tưởng tượng là không thể còn có một nền văn minh nào khác nữa. Linh mục Lubac đã viết: "cái thế kỷ này" là thời gian Âu Châu bành trướng" nhưng nhiều khi cũng là một thế kỷ mù quáng dã man, vì càng làm cho chúng ta tự phụ về những máy móc, những khí giới của chúng ta bao nhiêu, thì nó càng làm chúng ta đối xử bất công với các dân tộc khác bấy nhiêu; nền giáo dục càng làm cho chúng ta có tham vọng hẹp hòi, tưởng rằng chỉ mình chúng ta có một nền văn hóa nhân bản duy nhất, nền giáo dục ấy càng ngăn cản chúng ta nhận xét, hiểu biết những nét đẹp mà con người đã sáng tạo ra dưới những vòm trời khác" (2).
Vì nhiễm phải tâm địa như trên nên các nhà truyền giáo coi là một công việc bình thường khi đem truyền bá cái "văn minh đó" cùng một lúc với đức tin Kitô giáo. Nó còn cho ta thấy họ bị quyến rũ bởi cái lợi trước mắt, mà không nhìn tháy thực tại là mối nguy hiểm trầm trọng không bao lâu nữa sẽ xẩy ra. Hơn nữa, tính cách "Kitô giáo" của văn minh Tây Phương bị chỉ trích nặng nề, vì nó phải liên lụy trách nhiệm về hai thế chiến, về những chuyển biến nội bộ càng ngày càng làm giảm sút tính chất Kitô giáo, và nhất là khi người ta đặt lại vấn đề thuộc địa. Mặt khác, các dân tộc mà Tây Phương đã chinh phục, nay mai họ sẽ đòi lại - một cách tự hào - những di sản văn hóa của họ, và họ trách cứ Tây Phương đã tha hóa họ bằng một chính sách đế quác văn hóa còn xâm lược tàn bạo hơn chủ nghĩa đế quốc về mặt chính trị. Cái mối liên hệ văn hóa giữa Kitô giáo với Tây Phương có nghĩa như một sự lôi cuốn quyến rũ nhau, hời hợt nhất thời, sẽ có nguy cơ biến đổi thành một sự đối kháng, một sự loại bỏ quyết liệt thứ tôn giáo điển hình là ngoại lai. Nhưng, may thay, sự thay đổi đã khởi đầu giữa hai thế chiến, và trở thành dứt khoát sau đệ nhị thế chiến lại không đi tới mức cuối cùng đó. Thật vậy, Giáo Hội có lẽ còn chưa đạt được kết quả trong việc cải hóa toà bộ não trạng con người, nhưng đã tìm lại được đường lối truyền thống đích thực của công cuộc truyền giáo. Trước hết, dưới triều đại đức giáo hoàng Pie XI, Giáo Hội đã tìm lại được một số những biện pháp thực tiễn, tháo gỡ cho các Kitô hữu ngoài Tây Phương những gò bó cổ xưa về vấn đề đạo giáo vốn cản trở họ không biểu lộ được lòng gắn bó với tổ quốc và với các phong tục của họ.
Nhất là tại Trung Quốc, kể từ vụ tranh luận nổi tiếng ở thế kỷ thứ XVIII về vấn đề nghi lễ, người công giáo Trung Hoa bị cấ đoán không được tham dự các lễ nghi phụng tự Khổng Phu Tử, tuy nó chỉ bầy tỏ sự chung thủy với truyền thống tổ tiên và lòng trung thành với tổ quốc. Nhưng, kể từ hồi đó, tình hình đã tiến triển nhiều lắm, và những lễ nghi đó ngày càng hiển nhiên chỉ có tính cách dân chính, không phải là tôn giáo. Vậy, cần phải tìm một giải pháp mới: tại sao những lý lẽ đã lỗi thời như vậy, mà còn cứ duy trì một biện pháp làm cho người công giáo phải đứng ngoài cuộc các buổi nghi lễ trong đời sống quốc gia? Vấn đề này lạ được đặt ra một cách quyết liệt nữa khi xẩy ra tại một nước mới do người Nhật thiết lập, đặt tên là Mãn Châu nằm về phía Ðông Bắc Trung quốc; nơi đây chính phủ lập lại việc tôn sùng Khổng Phu Tử và bắt buộc dân phải theo. Các vị đặc trách về các điểm truyền giáo đều xin tham khảo ý kiến Bộ Truyền Giáo, và Bộ đã trả lời là chính các vị phải nghiên cứu vấn đề trước tiên. Các vị này đã theo lệnh đi dò hỏi chính phủ nơi đây về ý nghĩa các lễ nghi trên và đem thảo luận, cân nhắc những trường hợp thực tiễn có tể xẩy ra để được tham dự. Các vị đó đã hội họp ở Sinking vào dịp tháng 5 năm1935, và đã đặt ra những thể lệ hướng dẫn liên quan đến những lễ nghi ca tụng hình ảnh Khổng Phu Tử tại các trường học; việc tham dự những lễ nghi chính thức tại các chùa chiền và những sự đóng góp tài chính để xây dựng hay sửa sang các ngôi chùa chính thức. Dựa vào lời tuyên bố của chính phủ xác nhận là những lễ nghi trên không có tính cách tôn giáo, nên các vị đó đã nghĩ rằng có thể cho phép các người công giáo tham dự với một và điều kiện về những điểm dễ bị lầm lẫn (3). Kỷ luật cũ đã được xét lại, và những điều khoản mới đã được Roma chấp thuận.
Một vấn đề tương tự cũng xẩy ra ở Nhật Bản, truyện có lẽ còn khó xử hơn, vì trong nghi thức yêu nước lại gồm có những tập tục bắt nguồn chắc chắn là từ những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Lần này, chính Bộ Truyền Giáo quyết định gửi cho vị khâm sứ Tòa Thánh ở Ðông Kinh, ngày 26 tháng 5 năm1936 một chỉ thị rất quan trọng. Chỉ thị này mạnh dạn ràng buộc công cuộc truyền giáo hiện tại vào hời kỳ trước khi cấm các nghi lễ tập tục Trung Hoa, và nhắc lại những nguyên tắc đã đặt ra do một chỉ thị từ năm 1659 như sau: "Không bao giờ tìm kiếm, thuyết phục bằng bất cứ cách nào, những dân tộc đó để bắt họ thay đổi những nghi thức, những phong tục tập quán của họ, miễn là nó không công khai trái với tôn giáo hay thuần phong mỹ tục v. v...". Với lời trích dẫn này, Bộ Truyền Giáo đem áp dụng ngay vào trường hợp hiện taị ở Nhật Bản, và ban hành những quy tắc thật rõ ràng, được đức giáo hoàng Pie XI phê chẩn; và như thế, đã cho phép người công giáo Nhật được tham dự vào các lễ nghi yêu nước, và họ được cư xử theo đúng phong tục của các công dân khác, bằng cách lên tiếng cho biết ý định của mình nếu cần, để tránh bị người ta xuyên tạc hành động của mình" (4). Hai quyết định trên đánh dấu một sự chuyển hướng rất rõ nét theo hướng đi mà mấy mươi năm qua - chẳng may người ta đã lạc hướng - và thật ra nó mới chính là truyền thống của Giáo Hội truyền giáo. Ngay khi lên ngôi, đức Pie XII đã tỏ rõ trong thông điệp Summi pontificatus ý chí của ngài muốn cùng theo con đường đó; sau đó it lâu, Bộ Truyền Giáo ban hành một chỉ thị mới nữa, mở rộng phạm vi các quyết định đầu năm 1936 ở Mãn Châu, cho áp dụng khắp nơi ở Trung Quốc, và nới rộng các biện pháp đối với "nghi thức" tôn kính người quá cố (5). Những chỉ thị của Roma thật rõ ràng minh bạch, và những cuộc tranh luận của thời trước đã chấm dứt từ lâu, nên lời tuyên thệ buộc các vị linh mục quốc gia và ngoại quốc "ở trong lãnh thổ đế quốc Trung Hoa, trong các vương quố và tỉnh lỵ sát biên giới hay kế bên" sẽ không còn lý do tồn tại nữa. Ðó là điều người ta nhận thấy trong tài liệu vừa hủy bỏ lời thề bó buộc, và đồng thời nay lại khôn khéo cấm luôn không được khơi lại cuộc tranh cãi về vấn đề này nữa. Như thế là một quá khứ đau xót đã được hủy bỏ, và một người Trung Hoa có thể trở nên một người công giáo hoàn toàn, mà vẫn trung thành với các truyền thống quốc gia của mình được.
Ngày 9 tháng 4 năm 1940, đến lượt các nhà truyền giáo ở Ấn Ðộ cũng được miễn tuyên thệ về ác nghi thức Malaba. Thái độ mới đó đã trở thành phổ cập, nhưng trong các trường hợp đó, đây là những dân tộc có một nền văn minh cổ sơ, nên từ đó, sự phân biệt giữa đạo giáo và ngoại đạo cũng dễ dàng thái độ thông cảm đối với các dân tộc đó liệu có mở rộng đến các dân tộc khác được không? Vào năm 1938, giám mục Delle Piane, khâm sứ Toà Thánh ở Congo Bỉ, trình lên Bộ Truyền Giáo một "đề nghị là nên thanh lọc những phần hình thức mê tín trong các lễ tang gọi là Matanga" ở vùng hạ Congo. La Mã trả lời là để giáo quyền địa phương quyết định, và chỉ nhắc lại nguyên tắc đã ban bố hồi 1659, và đã được đem áp dụng trước đây cho các trường hợp ở Á Châu. Người ta không thể chỉ rõ hơn nữa là thái độ áp dụng phải hoàn toàn giống như thế ở Châu Phi hay ở nơi khác. Thế là con đường đi đến sự thích ứng với phong tục các dân tộc được mở rộng: chính các vị giám mục có nhiệm vụ phê phán từng trường hợp riêng biệt theo tinh thần đã được xác định rõ từ trước do các chỉ thị của Roma. Nhưng, phải nhận thấy là thật kỳ dị, không bết sao các vị giám mục truyền giáo lại tỏ ra rụt rè không dám xử dụng những khả năng sẵn có, cho đến Công Ðồng Vaticanô II.
Trái lại, về phương diện các nguyên tắc đại cương, thì quan điểm của Giáo Hội đã tự khẳng định, và nói rõ trong giáo huấn của đức giáo hoàng Pie XII. Thông điệp mở đầu triều đại Summi pontificatus, không những xác định việc tiếp tục áp dụng những biện pháp thực tiễn, đã được ban hành dưới triều đại đức giáo hoàng Pie XI, mà còn nói rõ về học thuyết cần hiểu ngầm là: tính nhất qún sâu xa của loài người không bị giảm đi, mà lại được phong phú thêm nhờ vào sự đa dạng trong những thành tựu về mặt văn hóa.
"Giáo Hội của Ðức Kitô, vốn là nơi bảo quản trung thực kho tàng giáo huấn khôn ngoan của Thiên Chúa, nên không thể nghĩ tới, và cũng không hề để ý tới việc công kích hay coi thường những đặc tính riêng biệt của mỗi dân tộc, mà người ta bảo tồn nó, và coi như một di sản quý báu với lòng tha thiết sùng kính và tự hào một cách dễ hiểu. Mục đích của Giáo Hội là sự hiệp nhất siêu nhiên trong tình yêu đại đồng thắm thiết và thực tiễn, chứ không phải là sự đơn điệu hời hợt bề ngoài chỉ làm cho Giáo Hội suy yếu đi. Tất cả những khuynh hướng, những ân cần lo lắng, và những xu hướng riêng biệt, có nguồn gốc trong thâm tâm của mỗi chi nhánh dân tộc, đều được Giáo Hội vui mừng đón chào và cùng đồng hành với tình mẫu tử, miễn là những phản ảnh trên không đối lập với những bổn phận xuất phát từ tính duy nhất về nguồn gốc và định mệnh chung của nhân loại. Ðã nhiều lần liên tiếp trong hoạt động tuyền giáo, Giáo Hội đã chứng tỏ quy tắc trên là ngôi sao dẫn đường cho sứ vụ tông đồ hoàn vũ".
Trải suốt quá trình triều đại của ngài, đức giáo hoàng Pie XII thường nhắc lại và xác định học thuyết trên trong nhiều dịp; nhất là ngài đem áp dụng một cách cụ thể vào công cuộc hoạt động truyền giáo: "Nhà truyền giáo là tông đồ của Ðức Giêsu Kitô. Các vị đó không có nhiệm vụ chuyển đi cái văn minh thực chất Âu Châu vào các nước được truyền giáo; mà phải bố trí, sắp xếp cho các dân tộc đó - đôi khi họ đã có một nền văn hóa cả ngàn năm - để họ đón nhận và đồng hoá được những khái niệm về đời sống, và phong tục của Kitô giáo; và làm sao cho họ phải hòa mình một cách tự nhiên và không gặp khó khăn, vào bất cứ một nền văn minh nào lành mạnh" (6). Lúc này, chúng ta xa hẳn trào lưu tư tưởng hồi đầu thế kỷ: không có một lý do nào mà, một người Trung Hoa hay người Ấn Ðộ, khi trở thành một Kitô hữu, lại phải từ bỏ cái văn minh đặc thù của dân tộc mình. Trái lại, nhờ Thần Khí Ðức Kitô, họ phải trung thành với nền văn minh đó, để nó phấn chấn thêm sinh khí trong thâm tâm con người. Về phần mình, nhà truyền giáo phải cố gắng trong phạm vi có thể được loại bỏ tính chất ngoại lai của mình, nó có rủi ro làm "che khuất" mất Phúc Âm, để hình dung trước được thế nào sẽ là một Kitô hữu bản địa. Ðó chính là thái độ truyền giáo của Jean de Britto, nhà truyền giáo ở Ấn Ðộ trong suốt hạ bán thế kỷ thứ XVII; giáo hoàng Pie XII khi phong thánh cho vị này ngày 21 tháng 6 năm 1947, đã nhấn mạnh đó là một gương mẫu sống động về những chỉ thị truyền giáo của Giáo Hội.
Học thuyết trên chỉ thu lượm được thành quả thực sự và được toàn thể các nơi truyền giáo đạo Công Giáo hoàn toàn đảm nhận thi hành vào thời Công Ðồng Vatican II mà thôi. Trong khi chờ đợi, con đường đã được mở rộng do một vài nhân vật, được ít nhiều người theo và cũng ít nhiều người phê phán: đó là Vincent Lebbe ở Trung Hoa, Candau ở Nhật Bản, Johanns, Dandoy hay Monchanin ở Ấn Ðộ; Aupiais, Tempels ở Châu Phi; Charles, Ohm trong ngành truyền giáo học trên đây chỉ là mấy nhâ vật danh tiếng hơn cả.
Công cuộc truyền giáo Tin Lành với những liên kết vào nền văn hóa Tây Phương, cũng tiến triển theo những đường hướng khác nhờ thái độ cởi mở đối với các nền văn hóa khác nhau. Ngay từ lúc đầu đã có các vị tiền phong, trong khi nhị thức ‘Phúc Âm hóa và Tây Phương hóa’ còn là điều xác tín chung. Chẳng hạn bên Trung Hoa có Taylor đã nói đến ở trên, tại Phi Châu, năm 1861, Arbousser đã phát biểu như sau: «Những vị thừa sai thành công hơn cả là những vị đã tự đồng hóa với các dân tộc họ đến giảng dạy. Họ đã kính trọng tiếng nói và tất cả những gì họ cho là trong lành hoặc tương đối tốt trong các luật lệ và tập tục của xứ sở ấy» (7). Thái độ đó thật ra không có nhiều, vì vào năm 1957, Philippe Maury vẫn còn viết: «Trong thời buổi này, các Giáo Hội non trẻ được in sâu những hình thức, những phương pháp và những giá trị Tây Phương» (8). Với công việc của các vị truyền giáo tại Châu Á và Châu Phi, mức tăng trưởng các Giáo Hội địa phương đã thúc đẩy các hội truyền giáo Tin Lành, nhất làtừ hội nghị Edimbourg năm 1937, đặt vấn đề giao Giáo Hội cho người bản xứ. Newbigen đã viết: «Phải phân biệt Phúc Âm hóa với nền văn hoá Tây Phương, điều đó có nghĩa là Giáo Hội với tư cách là thân thể sống động của một nền Phúc Âm độc nhất, trong bất cứ môi trường văn hóa nào, phải khác biệt với môi trường xã hội đang tiếp nhận Giáo Hội» (9). Tuy nhiên việc khai sinh và phát triển của các Giáo Hội trẻ tại Châu Á và Châu Phi đã thúc đẩy Giáo Hội không công giáo đi đến việc đặt lại vấn đề căn bản, không những trong phạm vi ta vừa nói đến, mà cả trong các hình thức tuyên xưng đức tin liên hệ đến lịch sử Tây phương Kitô, về bản tính của Giáo Hội, về thể chế, về những yêu sách của phong trào Ðại Kết (10). Không thể trình bày dài dòng ở đây, nhưng chúng ta phải công nhận rằng: việc gặp gỡ với các nền văn hóa ngoài Âu Châu đã gây trong các Giáo Hội Tin Lành một ảnh hưởng sâu rộng hơn là trong Giáo Hội Công Giáo, ít là cho tới Công Ðồng Vatican II. Khi bước tiến triển kết thúc, tất cả công cuộc truyền giáo Kitô,Công Giáo cũng như Tin Lành, từ nay chấp nhận lời tổng kết của một nhà thần học tin lành trong bản điều tra về ‘Hợp nhất trong thực tại văn hóa’, để chuẩn bị cuộc họp của COE về ‘Giáo Hội và Xã Hội’: «Giáo Hội với tư cách là thân thể của Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và sống lại của toàn thể thế giới, không cần được nâng đỡ bởi một nền văn hóa, một dân tộc hay một thế giới Kitô. Giữa lòng một thế giới không phải là Kitô, Giáo Hội công bố Tin Lành Phúc Âm của thứ vương quốc sẽ thực hiện thống nhất đa dạng mà Chúa đã chuẩn bị dọc suốt lịch sử» (11).