CHƯƠNG III
NHỮNG LIÊN HỆ CHÍNH TRỊ TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CHƯƠNG III
NHỮNG LIÊN HỆ CHÍNH TRỊ TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
Khi liệt kê những hoàn cảnh giúp đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong đệ nhị bán thế kỷ XIX, chúng ta ghi nhận hai trường hợp tương quan mật thiết với chính trị: các nước Tây Phương khi áp đặt được quyền bá chủ trên thế giới, đã buộc các nước từ trước vẫn bế quan toả cảng, hay còn có thái độ ngập ngừng, phải mở cửa biên giới đón nhận các nhà truyền giáo; vả lại, chính các nước Tây Phương đó lại đảm nhận quyền chính trị và thiết lập một chế độ thuộc địa, mà trong đó công cuộc truyền giáo đạo Kitô lại bị gài vào.
Tự nó, việc Giáo Hội lợi dụng hoàn cảnh chính trị thuận lợi để mở rộng công trình truyền bá Phúc Âm, thì không có gì là bất thường cả: sự bành trướng đầu tiên của công cuộc truyền giáo đã thể hiện được nhờ rất nhiều vào Pax romana (hoà bình, trật tự mà Roma đã đem lại cho những nơi quân Roma cai trị). Cũng không có gì gọi là bất thường khi các cường quốc dùng ảnh hưởng của mình để đòi hỏi quyền tự do tôn giáo. Trong hội nghị tại Bá Linh (1884-1885) các nước Âu Châu tiến hành việc chia cắt thuộc địa ở Phi Châu, đã ký kết một văn bản quy định: "Tất cả các cường quốc đặt chủ quyền trên các lãnh thổ đó... phải bảo vệ và ưu đãi, không phân biệt quốc tịch, hay tôn giáo, tất cả các cơ chế hay công trình tôn giáo, khoa học và bác ái...Các nhà truyền giáo đạo Kitô, những nhà bác học, những nhà thám hiểm... đều cùng được bảo vệ cách riêng.Tự do tín ngưỡng và dung hoà tôn giáo, nhất thiết được bảo đảm cho dân bản xứ, cũng như cho người quốc gia và người ngoại quốc quyền tự do công khai phát triển tất cả các tín ngưỡng, quyền xây dựng những cơ cấu tôn giáo và tổ chức những sứ vụ truyền giáo, đều dành cho tất cả mọi tôn giáo và không bị một hạn chế hay một "cản trở" nào. Khi thảo ra bản văn trên, hội nghị ở Bá Linh đã trả lời cho đức Léon XIII, theo yêu cầu của ngài qua môi giới vị đại diện của Pháp
Anh Quốc còn rõ ràng hơn nữa: vào năm 1858, nước này đóng cửa công ty Ấn Ðộ và đảm nhận trực tiếp việc cai trị bán lục địa Ấn Ðộ; lãnh thổ này trở thành "thuộc địa của hoàng gia". Nữ hoàng Victoria, trong bản tuyên ngôn bà nhận trách nhiệm này, đã tuyên bố như sau: "Chúng ta tự mình trông cậy chắc chắn vào chân lý của Kitô giáo, và công nhận với lòng tri ân những lợi ích của tôn giáo này .Ta không thừa nhận quyền hành và không muốn áp đặt niềm tin của chúng ta cho bất cứ một thần dân nào. Chúng ta tuyên bố, theo ý định của chúng ta là, không một ai được ưu đãi hay bị làm phiền, hoặc bị lo lắng không yên vì đức tin hay vì lễ bái của mình, mà tất cả đều được luật lệ bảo vệ đồng đều và vô tư" (1).
Cứ theo sự nhận định về các lời tuyên bố chính thức này - mà sau này còn thấy nhiều kiểu nói tương đương trong các tài liệu của Hội Quốc Liên (Société des Nations) rồi của Liên Hiệp Quốc (ONU) - thì công cuộc khai thác thuộc địa ở thế kỷ XIX-XX khác nhiều so với những thế kỷ trước về mặt tôn giáo, mà hồi đó dưới chế độ Padroado, nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đã cam kết một cách rõ ràng là bảo vệ và truyền bá Kitô giáo trong những lãnh thổ do họ bảo hộ. Theo nguyên tắc, kể từ đó, chính quyền chỉ can thiệp để bảo đảm sự tôn trọng tự do tôn giáo; công cuộc thực dân và tác vụ rao giảng Tin Mừng không phải là không có liên hệ nhưng rõ ràng khác nhau.
Trên thực tế thường lại khác nhau. Một mặt, các cường quốc Tây Phương, trong nhiều trường hợp đã sử dụng các công cuộc truyền giáo đạo Kitô để đạt những mục đích riêng của mình; mặt khác, chính các sứ vụ truyền giáo, trong ý muốn lợi dụng tối đa tình thế, lại tự liên kết hay để mình buông trôi gắn bó vào hệ thống đó một cách thường gây liên lụy.
Ngay từ buổi đầu, có nhiều trường hợp rõ ràng là có sự kết hợp quyền lợi chính trị và truyền giáo. Một nhà truyền giáo vĩ đại bên Công Giáo, đức cha de Guébriant đã viết trong tạp chí Le Correspondant ngày 25 tháng 1 năm 1931, những dòng chữ sau đây, biểu lộ sự kiện trên: "Nhà truyền giáo có bổn phận đối với dân tộc mà họ được cử đến là đem chân lý Kitô giáo đến cho dân tộc đó. Các vị đó cần phải cố hết sức gạt bỏ những sai lầm về tôn giáo. Vào giữa thế kỷ XIX, nhiệt tình chinh phục tân tòng của đạo Tin Lành đã lần lần lan rộng ra trên khắp các đảo ở Thái Bình Dương. Khắp nơi, chỗ nào họ vững chân là nhà truyền giáo bên Công Giáo bị khai trừ một cách tàn nhẫn, nếu không thì bị truy hại dữ dội như ở quần đảo Sandwich. Kinh nghiệm đã cho thấy là nhóm Tin Lành, nếu không đi trước Quốc kỳ Anh, thì là theo sau ngay lập tức. Cứ lãnh thổ nào trở thành thuộc địa Anh, nơi đó Công Giáo không có chỗ đùng. Vậy mà, có một thời kỳ các đảo ở Châu Ðại Dương là nạn nhân của bất cứ nhà hàng hải nào mới đặt chân đến, vì thường chính dân chúng ở đó lại muốn tự bán mình; nên đã xẩy ra một đôi lần, các nhà truyền giáo người Pháp có dịp sắp đặt kịp thời - nghĩa là trước khi người Anh tới - cho các bộ tộc đang đi tìm người mua mình, được hưởng một chế độ thực dân kiểu Công Giáo, tức là theo Pháp; Liệu các vị đó có cảm thấy do dự không?
Về vấn đề này, phe Tin Lành có đánh tin truyền lại như sau: "Các tầu chiến Pháp - ít ra cũng vào thời đệ nhị đế chế - đã đem theo các linh mục Công Giáo đang bị đe dọa trước họng súng của chúng ta; họ tự coi mình như những nhà đại diện có thẩm quyền, không phải chỉ đối với Kitô giáo đích thực; nhưng còn đối với quốc giáo duy nhất của người Pháp. Do đó, nhiều cuộc tranh chấp dữ dội đã xẩy ra làm rối loạn nghiêm trọng thuộc địa mới; kết quả là các nhà truyền giáo ngoại quốc phải ra đi, hoặc còn bị trục xuất nữa‘ (2).
Mối e sợ một chính quyền thuộc địa chống đối tôn giáo, không phải chỉ cảm thấy ở Châu Ðại Dương mà thôi. Ở Châu Phi, những người Tin Lành Anh ở Hồ Nyassa rất e ngại người Bồ Ðào Nha ở Mozambique kéo đến đô hộ đất đai gần họ vì "quy tắc của người Bồ Ðào Nha là chỉ chấp nhận các nhà truyền giáo đạo Công Giáo theo Roma thôi" (3). Vậy nên các nhà truyền giáo Tin Lành rất vui mừng khi Anh Quốc chiếm đóng vùng Nyassa. Một trong những nhà truyền giáo Anh đã viết về cho Ủy ban của họ như sau: "Ở đây, trong tháng này, đã có một cuộc sống mới. Hầu như chúng tôi không dám hy vọng là được chính quyền Anh che chở; Chúng tôi nghĩ điều tốt nhất có thể xảy đến là không bị người Bồ Ðào Nha trục xuất khỏi đây... Việc xẩy đến đã làm chúng tôi mừng "hết sức" (4). Cũng nói về vùng đất này, một sử gia chuyên về các công cuộc truyền giáo của Công Giáo không ngần ngại viết như sau: "Có lẽ nước Pháp được tất cả dân chúng ở trong miền chấp nhận, nhờ các nhà truyền giáo Pháp: nhưng nước Pháp không có yêu sách gì hết" (5).
Cái tâm địa tiêu biểu cho thời đó được tác phẩm lớn của cha Piolet SJ (xuất bản năm 1902 với sự cộng tác của tất cả các Hội Truyền Giáo) chấp nhận và ghi trong đoạn kết do viện sĩ Ferdinand Brunetière viết với những nhận xét sau đây: "Tôi không nói là cha đáng kính Piolet đã có "thần cảm" nhưng người chỉ thể hiện tư tưởng của mình qua đôi lời cho thấy sự thực đích xác về những sự kiện lịch sử các cuộc truyền giáo của Công Giáo Pháp; người đã đặt tên sách một cách chung chung là Nước Pháp tại hải ngoại (La France du dehors). Thực tế là các nhà truyền giáo của chúng ta, dù đi đến đâu cũng "cấy trồng" như người ta thường nói ngày xưa - cùng với đức tin là tình yêu nước Pháp. Chính cũng nhờ các vị đó mà tại Ðông Phương và vùng Viễn Ðông, như nước Trung Hoa chẳng hạn, từ bấy lâu nay, nước Pháp đã có một địa vị trội nhất và được ưu đãi; tình huống này còn được kéo dài nữa, và sẽ còn trở lại cho đến lúc các chính phủ của chúng ta hiểu rõ là giúp đỡ và trợ lực cho hoạt động Công Giáo hải ngoại là cố đạt tới việc truyền bá, phát triển và củng cố ảnh hưởng Pháp. Vâng, lại một lần nữa, lòng hăng hái sốt sắng của các vị truyền giáo chúng ta đôi khi cũng đẩy chúng ta vào những khó khăn mà ta muốn né tránh. Nhưng, khi chúng ta vượt khỏi những khó khăn đó một cách vinh quang, thì không nên chỉ cân nhắc những buồn phiền, mà còn nên nghĩ đến những lợi ích chúng ta được hưởng một cách chung chung. Ở Ðông Phương và Viễn Ðông, chính những nhà truyền giáo của chúng ta biết rõ bề sâu các vấn đề, mà các nhà ngoại giao của chúng ta, dĩ nhiên, chỉ nắm và biết được những cái bề ngoài thôi - Các nhà truyền giáo là những người cung cấp tin tức tốt nhất, và là một viên chức đáng tin cậy nhất. Vả lại, các vị đó đã, và vẫn luôn luôn là những nhà đi tiên phong truyền bá văn hóa Pháp, nhất là ở Châu Phi và ở vùng Châu Ðại Dương" (6).
Những mối liên hệ chính trị của công cuộc truyền giáo đạo Kitô với các cường quốc Tây Phương xẩy ra dưới hai hình thức khác nhau: một là bảo trợ ngoại giao ở những nước đang độc lập, và - một cách đại cương - là một sự kết hợp trên thực tế với chế độ thuộc địa. Hình thức thứ nhất được thực hiện ở Viễn Ðông, trước hết là qua điều khoản khoan dung về mặt tôn giáo được lồng vào những hiệp ước áp đặt cho các nước đó, sau hết, và nhất là qua chế độ bảo hộ đối với các công cuộc truyền giáo đạo Công Giáo, mà nước Pháp đã thành công trong việc được Trung Quốc công nhận, nhờ vào hoạt động ngoại giao trải dài nửa thế kỷ, và các giai đoạn tiếp tục là những hiệp ước Hoàng Phố (1844) Thiên Tân (1858) Thỏa ước Bắc Kinh (1860) và sau hết là thỏa ước Berthémy (1865) xác định bởi Thỏa ước Gérard (1895). Ông de Lagrené, một nhà ngoại giao Pháp, vốn là một người ngoan đạo, thường quan tâm đến công trình của các nhà truyền giáo - ông đã khơi mào ra quá trình ngoại giao nói trên, nhưng trước hết, ông không đi xa quá mục tiêu do chính phủ của ông đã ấn định: đó là hiệp ước thương mại. Nhưng các nhà truyền giáo ở Trung Quốc lại đang phải đương đầu với những khó khăn gay gắt; một vài người trong số các vị đó xin Bộ Trưởng Pháp chiếu cố can thiệp và vị này nhìn thấy có khả năng bảo đảm cho nước mình - cùng một lúc - một vị trí thuận lợi hơn so với người Anh và người Mỹ mà Trung Quốc cũng vừa mới ký một hiệp định thương mại. Ðiều khoản ông cho lồng vào trong hiệp ước Pháp - Hoa cũng không đi quá lời tuyên bố về sự khoan dung còn rất hạn chế. Nhưng từ tu chỉnh nọ đến tu chỉnh kia, cuối cùng là Pháp quốc được xem như là nước "bảo vệ" tất cả các nhà truyền giáo và ngay cả những người công giáo Trung Hoa đối với chính phủ đế chế. Ðại sứ quán Pháp có thể cấp cho bất cứ nhà truyền giáo nào- bất kể quốc tịch - một hộ chiếu đặc biệt được coi như là người Pháp, và bảo đảm được hưởng những quyền lớn hơn quyền của người có hộ chiếu thường; Họ có thể được các đại diện của Pháp quốc can thiệp khi có tranh chấp với nhà cầm quyền Trung Quốc. Các nhà truyền giáo, và trong số các vị đó là các giám mục ở Trung Quốc ủng hộ rất tích cực hoạt động ngoại giao này. Giáo Hội như thế là xa hẳn với thỏa ước hoàn toàn chính trị ký kết giữa Trung Hoa và Pháp. Nhưng, phải nói đúng là Roma tán thành tình hình thực tế đó, và trong thời gian lâu dài, đã khuyến khích các nhà truyền giáo nên trông nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà đại diện Pháp.
Năm 1885, trong cuộc chiến tranh ở Tonkin, đại diện Nga được ủy thác trông coi quyền lợi của Pháp ở Trung Quốc, và vị này bảo đảm việc "bảo hộ". Cùng thời gian đó, giáo hoàng Léon XIII viết thẳng một bức thư cho hoàng đế Trung Hoa để gửi gắm việc bảo vệ các công cuộc truyền giáo. Một năm sau, Trung Quốc khởi xướng vận động điều đình thẳng với Tòa Thánh, không qua trung gian, và ngay cả việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính quy. Ðức giáo hoàng Léon XIII không trả lời thuận về cử chỉ cầu thân đó, vì ngài muốn tránh gây bất hòa với chính phủ Pháp, vả lại, hình như ngài cũng e sợ là chỉ nguyên Sứ Thần Tòa Thánh bảo vệ các nhà truyền giáo ở nước này, chắc chắn sẽ kém hiệu lực (7). Ông R. Gérard có nhận xét như sau: "Công cuộc bảo hộ Pháp còn được duy trì, và còn có hiệu lực vì được sự tán thành trên thực tế của Tòa Thánh, đã khuyến khích các nhà truyền giáo nên trông nhờ vào sự bảo vệ của Pháp". Sự nhận xét này như có căn cứ, tuy những văn bản mà ông dựa vào để viết, thực ra là nói về Cận Ðông chứ không phải là Viễn Ðông.
Kể từ 1888, việc bảo hộ các công cuộc truyền giáo không còn là độc quyền của Pháp nữa; các nước Tây Phương khác đòi quyền bảo vệ những người thuộc quốc tịch của họ sự thay đổi này cũng không ảnh hưởng gì về phần cơ bản, đến mối giây liên hệ chặt chẽ mà các công cuộc truyền giáo của đạo Công Giáo đã kết ước với hành động chính trị của Tây Phương trên đất Trung Quốc.
Ðể nhận định tình hình nhập nhằng nước đôi lúc đó, cần phải thêm vào là việc bảo vệ các nhà truyền giáo đã là dịp thuận lợi, hay để viện cớ tấn công nghiêm trọng vào chủ quyền Trung Quốc; Vì thế, vụ sát hại hai nhà truyền giáo năm 1897 đã là cớ để Ðức Quốc yêu sách bồi thường để chiếm đóng lãnh thổ Kiao-Tcheou. Ðức cha C. Costantini đã miêu tả tình hình như sau: "Người Trung Hoa đã bị dồn vào bước thất thế và bị nhục nhã kinh khủng vì hành động của các nước thuộc Kitô giáo, do đó, họ coi những sứ vụ truyền giáo có liên kết chặt chẽ với chính sách xâm lược của các nước ngoài.
Lại chẳng may, những chứng thư chính thức của các đại sứ quán ngoại quốc thường được công bố lại thấy ghi chú là các đại sứ quán đó được sự giúp đỡ của vị truyền giáo này hay vị khác. Các vị bộ trưởng ngoại quốc, đôi khi là người Do Thái hay vô thần, lại giải quyết những công việc của các sứ vụ truyền giáo, và họ dùng gậy sắt để bảo vệ quyền lợi của các công cuộc đó. Có truyện xẩy ra là các chính phủ Âu Châu bắt giam các tu sĩ trong chính nước mình; từ chối không cho họ hưởng quyền công dân, nhưng, đồng thời, lại hết sức tha thiết bảo vệ họ tại những nơi truyền giáo ở Trung Quốc.
"Nếu ai đụng đến một nhà truyền giáo nào, bất cứ ở đâu trên đất Trung Hoa, là ngay lập tức, họ gặp gặp khó khăn với ông lãnh sự, rồi xa hơn nữa, ở Bắc Kinh, với ông bộ trưởng của một nước ngoài. Nếu có sự xẩy ra làm thiệt hại cho nơi truyền giáo, như một nhà truyền giáo bị sát hại, thì các vị đại diện trên sẽ buộc Trung Quốc phải đóng tiền bồi thường. Nếu phải xét xử một việc nào đó của một Kitô hữu, các thẩm phán Trung Quốc rất e ngại sự can thiệp của các nhà truyền giáo. Căn cứ vào các hiệp ước áp đặt bằng võ lực cho Trung Quốc, và nhất là c#n cứ vào điều khoản miễn cho người ngoại quốc phải thuộc quyền tài phán của nước này, cuối cùng là các phái bộ truyền giáo đã trở thành "một Nhà Nước trong một Nhà Nước" (8).
Hình thức thứ hai trong các mối liên hệ chính trị của các sứ mệnh truyền giáo - là sự kết hợp trên thực tế công cuộc truyền giáo với các chế độ thuộc địa. Từ ngày các chế độ này bị hủy bỏ, sự kết hợp đó thường hay bị lên án một cách hơi quá đáng và bất công. Khi những gay go chính trị dịu bớt, có lẽ người ta sẽ có một cái nhìn khách quan về thực tế. Nếu Giáo Hội không ủng hộ và cộng tác tích cực - như đã làm dưới chế độ thuộc địa - để cải thiện số phận dân chúng địa phương, thì người ta trách cứ là phải. Nhưng, liệu Giáo Hội có thể làm những việc đó mà không có sự thỏa thuận của chính quyền thuộc địa không? Liệu Giáo Hội có dám từ chối sự giúp đỡ của chính quyền đó để phát triển hơn nữa những dịch vụ giúp dân bị trị không? Khẳng định như vậy rõ là thiếu thực tế hết sức. Thật không đúng với sự thực lịch sử khi nói là Giáo Hội phục tùng chế độ thực dân: nhiều vụ tranh chấp giữa các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo đã dễ dàng chứng minh điều này; thí dụ như vụ xung đột xẩy ra vì "chính sách Hồi Giáo" của Pháp tại Châu Phi; lại càng không đúng với sự thực lịch sử hơn nữa, khi phủ nhận là Giáo Hội đôi khi chấp nhận, với thái độ dè dặt mà thường là không có lý lẽ bác bẻ, những tình huống do các cường quốc thực dân đem đến. Cho nên, rất nhanh chóng đã có thói quen là chia các lãnh thổ truyền giáo tuỳ thuộc vào quốc tịch nhà truyền giáo: Chẳng hạn theo khả năng dân số cho phép, người ta giao cho người Ðức sứ vụ truyền giáo ở tại các thuộc địa Ðức; giao cho người Pháp ở các thuộc địa của Pháp v.v… Chính ngay Roma cũng coi là đương nhiên khi thay thế các nhà truyền giáo có quốc tịch khác bằng những người Ý tại Ethiopie do quân đội Mussolini chinh phục; ngoài ra, cuộc xâm chiếm này là một trong những trường hợp hiển nhiên bị liên lụy: nhiều giám mục Ý lại công khai ủng hộ công cuộc này và giáo hoàng cũng không làm gì hết để ngăn cản; ngược lại, thái độ của Vatican như có vẻ hoan hỉ nhiều được thấy cái may đến cho Công Giáo nhờ cuộc chinh phục phát xít. Thường thường, chính quyền thực dân ưa, một cách khá lô gíc, là để cho các phần tử người quốc gia mình hành sử tại các khu vực có ảnh hưởng đến dân chúng bản xứ; ngược lại, những nhà truyền giáo cùng quốc tịch với các dân thuộc địa thì lại được thoải mái hơn là những người ngoại quốc trong sự cộng tác với nhau, cũng như tùy tình hình, phải đối diện với chính quyền địa phương.
Vì bận tâm về vấn đề hiệu quả - cũng là điều dễ hiểu - nên Tòa Thánh thuận theo chính sách đó một cách khá thông thường; và, trong một vài trường hợp, đã tỏ thái độ rõ ràng qua những thỏa hiệp với các chính phủ. Một thí dụ rõ ràng về chính sách đó biểu lộ ra dưới nhiều phương diện, là trường hợp "Nước độc lập Congo", mà vua nước Bỉ là Léopold II, đảm nhận quyền tối cao riêng cho mình vùng trung Phi Châu, trước khi đổi thành thuộc địa Bỉ Quốc. Bởi vậy, một trong số các cộng tác viên của Léopold II đã viết vào năm 1888 như sau: "các nhà truyền giáo cư ngụ ở Congo hầu hết là người ngoại quốc; người thì thuộc phái Tẩy Giả (Baptiste), người thuộc phái Tin Lành Phúc Âm (Évangéliste) v.v... Tất cả đều hết lòng với người Anh; còn những người phụ thuộc vào đức hồng y Lavigerie, thì thường họ không có cảm tình với ảnh hưởng Bỉ Quốc ở Congo (9). Trên thực tế, các nhà truyền giáo Tin Lành Anh và Mỹ đã tham dự tích cực vào cuộc vận động dư luận chống Congo bằng cách tố cáo một số các sự lạm dụng; Về phần hồng y Lavigerie, đã trình lên Roma năm 1870, một báo cáo bí mật, trong đó có nói là Hội Quốc Tế Phi Châu AIA (Association internationale Africaine) yểm trợ hành động của Léopold II, được coi như một công trình của những người Tin Lành và những người không tín ngưỡng. Hồng y đề nghị đưa các nhà truyền giáo của ngài ra chống đối lại phe đó. Năm sau, khi Léopold II đề nghị với hồng y Lavigerie việc thiết lập một nhiệm sở truyền giáo mà hồng y sẽ hỗ trợ, nhưng với điều kiện là nơi đó phải nhận những thành viên người Bỉ của công ty Alger, và phải đặt dưới quyền bảo hộ của AIA. Hồng y Lavigerie từ chối vì theo ngài "Thánh giá là lá cờ duy nhất của các tông đồ và với người Pháp, bên cạnh Thánh giá là lá cờ Pháp Quốc, Tổ quốc của ngài" (10).Trong những điều kiện đó, người ta hiểu là Léopold II mong ước dành cho người Bỉ những nhiệm sở truyền giáo ở Congo. Nhờ cố sức năn nỉ mãi, nên vào năm 1886 Léopold II được một thoả hiệp theo chiều hướng đó, tuy nhiên, với điều kiện là các nhà truyền giáo Bỉ phải khá đông. Ðiều khoản này có hiệu quả là làm vua Bỉ trở thành một nhà chiêu mộ ơn thiên triệu: qua trung gian tổng giám mục de Malines, nhà vua gợi ý cho Bộ Truyền Giáo thiết lập ở Louvain một chủng viện các linh mục triều cho Châu Phi; ông còn vận động nhiều lần với các nhà truyền giáo ở Scheut và các cha Dòng Tên, từ trước đến nay vẫn hoạt động tại Trung Quốc và Ấn Ðộ, thì nay các vị đó trở về Congo. Nhà vua đã thành công trong việc làm cho Roma đẩy lui các tu sĩ thuộc dòng Thánh Thần có quốc tịch Pháp đang ở trên lãnh thổ "của nhà vua", trở về Congo Pháp. Dần dần nhà vua cũng được sự giúp đỡ của các dòng tu ở Bỉ và, tuy lúc đầu đôi bên còn có thái độ e dè, nhưng cuối cùng, họ đã hiểu nhau và ông cộng tác với hồng y Lavigerie. Ðịnh ước Bá Linh đảm bảo sự khoan dung rộng rãi nhất về tôn giáo, thì trên thực tế, đã chuyển biến bởi những lợi ích mà Nhà Nước chỉ dành cho các "công cuộc truyền giáo quốc gia" thôi; mà thật ra, cũng chính là các cuộc truyền giáo công giáo. Vào năm 1906, một thỏa ước đã được ký kết giữa Nhà Nước độc lập Congo và Tòa Thánh, trong đó có đặt giữa chính quyền thuộc địa và sứ vụ truyền giáo công giáo những cơ sở cho một cuộc hợp tác mà mãi sau thế chiến thứ II mới buông lỏng dần (11).
Trong mọi trường hợp, sự hợp tác giữa các nhà truyền giáo với chính quyền thuộc địa phụ thuộc một chính phủ thuận với Giáo Hội Công Giáo; vả lại, sự hợp tác chính cũng thay đổi tùy thuộc vào mối quan hệ tốt hay không giữa Giáo Hội và Nhà Nước ở chính quốc; Tất cả mọi trường hợp đều có một mối giây liên lạc hiển nhiên giữa các nhà truyền giáo và nước có thuộc địa. Những cuộc chiến tranh thế giới năm 1914 và 1939 đã góp phần lớn vào việc làm cho mối ràng buộc đó càng thêm rõ rệt: những nhà truyền giáo "của các nước thù địch" thì hầu hết ở mọi nơi đều bị giam giữ, và thường bị trục xuất; nhất là sau năm 1918, tại những thuộc địa cũ của Ðức đều thấy các nhân viên truyền giáo Ðức, người công giáo hay tin lành, đều bị thay thế bằng những người thuộc quốc tịch các nước thắng trận, mà họ được uỷ nhiệm quyền hành chính tại lãnh thổ đó. Thật khó khăn khi phải chứng minh rõ hơn nữa là thực dân và truyền giáo cùng đồng hành.
Tuy nhiên, cũng không nên coi sự kết hợp này như một hiện tượng hoàn toàn thông thường: nhiều nước không bao giờ có thuộc địa như Thụy Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Ðại đã cung cấp những đoàn truyền giáo quan trọng để mở rộng đạo Công Giáo. Cũng vậy, người ta thấy rất nhiều nhà truyền giáo tin lành xuất thân từ các nước ít có thuộc địa như các nước vùng Bắc Âu hay Thụy Sĩ. Ngoài ra, một số đông các nhà truyền giáo thuộc quốc tịch các nước có thuộc địa cũng ra đi tới những nước không phải là thuộc địa của mẫu quốc. Cũng trong đường lối đó, thật là lý thú khi nhìn thấy các Giáo Hội Ðức, dù Tin Lành hay Công Giáo, vẫn tiếp tục cử nhiều nhà truyền giáo đến những vùng truyền giáo khác, sau khi nước họ đã mất hết các thuộc địa. Còn phải ghi nhận là có nhiều nhóm tin lành rất tích cực hoạt động tại các nước truyền giáo phụ thuộc các cộng đồng, mà tại đây, sự phân quyền giữa Giáo Hội và Nhà Nước khá triệt để; nên các nhà truyền giáo của họ giữ thái độ độc lập hoàn toàn, đôi khi chống đối kịch liệt với cả chính quyền thuộc địa. Tất cả những sự kiện trên có lẽ không làm thay đổi triệt để mối liên quan Truyền giáo với Thực dân, nhưng nó đem lại những hiệu chính mà ta cần phải kể đến.
Mặt khác, cũng phải nhìn đến những động lực sâu kín của các nhà truyền giáo, nếu muốn có một phán đoán khách quan về những mối liên hệ chính trị của công cuộc truyền giáo. Hẳn không còn nghi ngờ gì là có thể nêu lên trong lịch sử thời đó một vài trường hợp các nhà truyền giáo có dịp làm nhân viên hoạt động cho đế quốc chủ nghĩa của nước mình xuất thân; kiểu nhiễm tính xấu này, trên thực tế rất hiếm hoi. Việc thường xẩy ra là nhà truyền giáo Âu Châu chia sẻ niềm vui phấn khởi một cách ngây thơ về lòng tự hào yêu nước, trước những uy thế bề ngoài hay thực sự của công cuộc thực dân, và hơn nữa, là việc chấp nhận đơn thuần và đơn giản một tình trạng thực tiễn, đó là việc đánh giá và sử dụng, vào những mục tiêu riêng của công cuộc truyền giáo, những lợi ích thực tế không thể chối cãi được nhờ công cuộc bảo hộ của Tây Phương đem đến - dù là xuất xứ từ ngoại giao hay thực dân. Ở một thời kỳ mà quyền bá chủ của Tây Phương hình như không còn là một vấn đề nào với bất cứ ai; thì đương nhiên là các nhà truyền giáo cũng không đặt vấn đề gì nữa. K.S Latourette đã tóm tắt khá rõ ràng thái độ thông thường đó như sau: "Các nhà truyền giáo đã thực hiện một cách rộng rãi việc truyền bá Kitô giáo, và đã cố gắng ở một mức độ nào đó, tự tách ra khỏi những tham vọng chính trị và kinh tế của các đồng hương mình. Thật ra thì đa số các vị đó sẵn lòng chấp nhận và đôi khi lại tìm sự che chở nơi các chính phủ của họ...; Nhưng cũng có những nhà truyền giáo nhận ít nhiều sự ủng hộ của chính phủ bảo hộ, khác hẳn với thời kỳ kể từ đầu thế kỷ thứ tư, khi hoàng đế Constantin nhiệt tình theo Kitô Giáo... Nhiều vị tự do phê phán những hành vi khai thác, bóc lột của các chính phủ của họ, và của người Tây Phương trong lãnh vực kỹ nghệ và thương mại. Thực sự, các nhà truyền giáo thường có thái độ lạnh nhạt và có khi đối kháng với đồng hương trong việc kinh doanh, và đối với chính phủ của mình. Các vị này tìm thế lợi cho mình trong việc tiếp xúc với các người ngoại giáo qua trung gian công cuộc thương mại và thế lực của Tây Phương, nhưng các vị đó cố gắng làm sao để mọi hành động của Tây Phương là một phúc lành chứ không phải là một tai họa" (12).
Dù các nhà truyền giáo có ý định tốt biết mấy đi nữa, dù các vị đó có kính nhi viễn chi cách mấy đi nữa đối với nền ngoại giao Tây Phương hay chính quyền thuộc địa, thì sự hiện diện và hành động của các vị đó cũng không thể nào không bị coi - dưới mắt các dân chúng được rao giảng Phúc Âm - như một trong những phương diện bành trướng của Tây Phương. Trong thời hạn ngắn thì việc này được cảm nhận thấy, và thực vậy, đối với nhiều người, lại cho là một lợi thế: vì với lòng mong muốn du nhập một lối sống cao cấp, được biết những bí quyết ưu thế của Tây Phương - tất cả những sự kiện đó, không còn nghi ngờ gì, đã giúp cho các công cuộc truyền giáo đạo Kitô thắng lợi trong việc truyền bá giáo dục ngoại đạo cũng như giáo dục tôn giáo. Tuy nhiên, lợi thế này trong thời hạn ngắn, lại nguy hiểm về lâu dài: những vụ trở lại đạo trong hoàn cảnh như thế lại chẳng có vẻ nhập nhằng nước đôi đó sao? Chẳng hạn khi ưu thế của Tây Phương gặp khó khăn thì lúc đó liệu Kitô giáo có bị liên lụy và bị coi như một tôn giáo ngoại lai không?
Có những người có đầu óc sáng suốt đã nhìn thấy mối nguy đó, nhưng thật là hiếm. Trong số các người biết tiên báo phải kể đến vị sáng lập phái Tin Lành của "Hội Truyền giáo nội địa Trung quốc" (China Inland Mission) là J. Hudson Taylor (1832-1905); ngay từ đầu năm 1865, ngược với thói quen thông thường, ông từ chối không để các nhà truyền giáo cư ngụ tại những vùng giáp bờ biển thường chịu ảnh hưởng Tây Phương, mà đưa họ vào phía trong lãnh thổ, chỉ thị cho các vị đó phải sống theo cách sống của người Trung Hoa. Sau sự lựa chọn giữa việc mặc quần hay dùng áo dài, để chòm râu má hay bím tóc, ăn bằng nĩa hay với đủa. Phải chăng như vậy để Kitô giáo được truyền bá ở Trung Quốc được coi như một tôn giáo đại đồng chứ không bị coi như một tôn giáo của Tây Phương? Sau việc nhà truyền giáo chấp nhận về vấn đề ăn mặc, còn cần có ý chí từ chối không ở cùng người Tây Phương, và cũng không cần sự đồng ý của họ; có như thế mới đi tới sự giao hảo với người Trung Quốc và được họ tin cậy. Ðó là nguyên tắc theo giáo lý thánh Phaolô: "làm tất cả mọi việc cho tất cả mọi người" (13). Thái độ này đã bị nhiều nhóm truyền giáo ở nơi khác chống đối, nhưng Taylor vẫn không nao núng. Năm 1900 xẩy ra vụ Boxers làm hội truyền giáo nội địa Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn các nơi truyền giáo Tin Lành khác, chính vì lý do các thành viên của Hội ở rải rác trong nội địa nước này; nhưng trái với các người có trách nhiệm khác, Taylor đã từ chối sự bồi thường do toà Lãnh sự Anh yêu cầu Trung Quốc. Ông nói về các nhà truyền giáo của mình như sau: "Các vị đó phải sẵn sàng phục vụ không dựa vào sự trợ giúp nào của con người, các vị đó tin vào lời hứa của Ðấng đã nói: "Hãy đi tìm Nước Trời!" (14). Một nhà tiên phong khác trong việc tách rời Giáo Hội ra khỏi uy thế của các cường quốc Tây Phương ở Trung Quốc là một linh mục công giáo, cha Vincent Lebbe. Năm 1901, cha nói với giám mục của cha ở Bắc Kinh rằng: "Ở đây, chúng con tự coi mình như một ngoại vật và chịu ảnh hưởng ngoại quốc về thực tế cũng như về tinh thần. Bổn đạo của chúng con như đang ở một bán thuộc địa vậy". Suốt đời truyền giáo, cha chỉ hướng về một mục đích duy nhất: làm sao cho Giáo Hội ở Trung Quốc thành Giáo Hội của người bản xứ. Chúng ta đã thấy ngài chiến đấu nhiều cho hàng giám mục Trung Hoa. Dầu vậy, cha vẫn không tránh khỏi mọi nghi ngờ là cần đến việc ngoại giao để bảo vệ các sứ vụ truyền giáo. Năm 1912, tại Thiên Tân, đã xẩy ra vụ xung đột nổi tiếng: linh mục Lebbe chống đối lãnh sự Pháp. Vị này lấy cớ cần bảo vệ cơ sở truyền giáo nên lợi dụng việc mở rộng khuôn viên của nhà thờ chính tòa để tìm cách sáp nhập những khoảng đất đó vào nhượng địa Pháp. Cha Lebbe bảo vệ mạnh mẽ các quyền lợi của Trung Quốc, mặc dù giám mục đã ra chỉ thị phải giữ thế "trung lập", và người cũng bất chấp cả dư luận thông thường của các nhà truyền giáo. Vì hành động trên, linh mục bị đẩy đi xa khỏi Thiên Tân, và bị các nhà truyền giáo khác có thành kiến ngờ vực dai dẳng ! Nhưng, bù lại cha nhận được lòng quý mến sâu xa và lâu bền của người Trung Hoa.
Sự tranh chấp về mối liên hệ giữa truyền giáo và công cuộc khai thác thuộc địa ít xẩy ra, nhất là về phía các người công giáo. Về phía tin lành, ngay từ năm 1884, Alfred Boegner, người có trách nhiệm trong hội truyền giáo Tin Lành ở Paris, đã phản đối việc chính phủ Pháp về việc thay thế các nhà truyền giáo người Anh ở đảo Madagascar bằng các nhà truyền giáo Pháp, ông nói: "Vấn đề không phải là đuổi những vụ truyền giáo ngoại quốc, Anh quốc hay nước khác, rồi cho các vụ truyền giáo Pháp thay thế; Phải chấp nhận những sứ vụ truyền giáo ngoại quốc trên đất Pháp, cũng như người ta chấp nhận các sứ vụ truyền giáo Pháp tại ngoại quốc. Là công giáo hay tin lành, nhiệm vụ của họ có tính cách thiêng liêng, là siêu quốc gia" (Supranationale) (15). Một người Ðức thuộc cơ sở truyền giáo ở Brême, tên là Franz Michael Zahn, một nhà truyền giáo ở Togo, thuộc địa của nước ông, năm 1888 đã viết: "Tôi hoàn toàn chống lại các thuộc địa, và nay, chỉ cần tôi nói lên như thế là bị coi như kẻ thù của nước mình. Nhưng khi một nhà truyền giáo bắt đầu nhúng tay vào chính trị, và nhờ ảnh hưởng của ông ta, nước Ðức mở rộng thêm được đất thuộc địa, thì tôi vẫn giữ nguyên ý kiến, cho dù ý định của vị đó như thế nào chăng nữa, ông ta đã phạm một điều sai lầm nghiêm trọng, nếu không nói là một trọng tội" (16). Người ta tìm thấy dễ dàng nơi các nhà truyền giáo công giáo như Lavigerie hay Libermann những lời khuyên như vậy - nghĩa là hãy đứng ngoài vòng chính trị, và phải phê bình những lạm dụng trong công cuộc khai thác thuộc địa-; trước đệ nhất thế chiến, khó tìm thấy nơi người công giáo nổi lên một phong trào toàn bộ đặt vấn đề tranh chấp về chế độ thuộc địa. J.Folliet viết như sau: "Tất cả xẩy ra như một số lớn các nhà văn và các nhà tư tưởng công giáo, hoặc đứng ra ngoài lề phong trào, hoặc nhắm mắt mà theo. Có thể các nhà Truyền giáo cũng chỉ theo làn sóng đưa đẩy và, nếu các ngài lên tiếng phản đối, thì - may thay! - các vị đó lên tiếng kháng nghị về hậu quả của sự kiện thực dân, chứ không phải về chính sự kiện thực dân" (17). Ðiều đó cho thấy có một sự gián đoạn lạ lùng và gây xúc cảm mạnh đối với suy tư thần học của thế kỷ XVI và XVII, vào thời đó, làn sóng thực dân đầu tiên đã gợi cho những Francois de Vitoria, Las Casas, Jean de Solvezano những ý kiến mà tư duy công giáo chỉ phát hiện lại giữa hai thế chiến, khi chính sự kiện thực dân tự nó có vấn đề.
Như chúng ta đã nói trên, ngay khi các cơ sở truyền giáo trở thành những Giáo Hội địa phương, do các nhà lãnh đạo bản địa nhận trách nhiệm, thì những liên hệ chính trị, dù là ngoại giao hay thực dân, lại ngày càng gây tác hại liên lụy. Thật là điều sẽ có ý nghĩa khi chính năm 1926, năm tấn phong các vị giám mục Trung Hoa đầu tiên, giáo hoàng Pie XI đã viết cho các đại diện tông tòa Trung Quốc: "Không ai là không biết - và lịch sử của mọi thời đại đã chứng minh như vậy. Giáo Hội đã thích nghi với những luật lệ và hiến pháp riêng của mỗi nước, mỗi xứ; Giáo Hội lưu ý và khuyên nên tôn trọng phẩm cách các vị cầm đầu hợp pháp một xã hội dân sự. Giáo Hội chỉ đòi hỏi cho các người thợ đi rao giảng Phúc Âm, và những tín hữu của mình, không gì khác hơn là được đối xử theo luật thông thường, được sống an ninh và tự do" (18).
Không gì khác hơn là được áp dụng luật thông thường... Trên thực tế, sự việc đã xa hẳn công thức trên, nhất là ở Trung Quốc. Vì thế đức thánh cha công nhận là trong thời buổi loạn lạc, bách hại, các nhà truyền giáo đã chấp nhận sự bảo vệ của các cường quốc Tây Phương, với hết lòng tri ân. Nhưng người xin xác định những lý do và những giới hạn công cuộc bảo hộ đó: "Nếu Tông Tòa không từ chối để được bảo vệ như vậy, cũng vì mục đích duy nhất là để cho các cơ sở truyền giáo tránh khỏi sự độc đoán và bất công của kẻ xấu; nhưng Giáo Hội không muốn giúp cho những ý đồ của các chính phủ ngoại quốc - nhân cơ hội bảo vệ các người thuộc quốc tịch nước mình" (19). Ngay như sự can thiệp chính trị đó có thật vô tư đi nữa, thì nó cũng khơi động lòng tự ái dân tộc chính đáng, và với sự phát triển một Giáo Hội ngày càng trở thành "Giáo Hội bản xứ"; Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp đó không còn lý do nữa, nhưng những "đặc quyền, đặc huệ" vẫn còn theo truyền thống, mà không có "nghĩa vụ" đối lại. Trường hợp khó xử nhất là vụ padroado Bồ Ðào Nha ở Ấn Ðộ. Những đặc quyền lâu đời của Bồ đã gây cản trở cho sự tiến triển của Giáo Hội, nên đức Grégoire XVI, vào năm 1838, đã muốn hủy bỏ quyền bảo trợ đó. Nhưng kết quả đã xẩy ra những vụ biến loạn nghiêm trọng. Năm 1857, đức Pie IX đã uổng công đề nghị một thoả ước mới cho Bồ Ðào Nha. Phải đến năm 1886, đức Léon XIII mới thành công trong việc yêu cầu nước này chấp nhận thoả ước: quyền bảo trợ của Bồ Ðào Nha nay chỉ hạn chế ở các lãnh thổ trực thuộc họ, ngoài ra còn có quyền can thiệp vào việc bổ nhiệm tại một vài tông toà ở Ấn Ðộ hiện thuộc Anh Quốc. Sau đó, qua các sửa đổi bổ sung liên tiếp từ 1928-1929 và 1940. Cuối cùng là thỏa ước ký ngày 20/7/1950, Giáo Hội lấy lại quyền tự do hành động và Bồ Ðào Nha từ bỏ những đặc quyền cũ, ngoại trừ tại các lãnh thổ còn đặt dưới quyền của họ.
Ðiều hiển nhiên là tình hình dễ dàng tiến triển hơn khi không có căn bản pháp lý thực sự, nghĩa là khi không có một hiệp định nào được ký kết giữa Tòa Thánh với nước bảo hộ (giống như với nước Bồ Ðào Nha). Lúc đó, chỉ cần Tòa Thánh thiết lập trực tiếp quan hệ ngoại giao với các chính phủ Á Châu liên hệ là đủ. Nhưng lúc đó, các nhà đại diện của các nước bảo hộ Tây Phương cảm thấy bị xúc phạm. Nước Pháp nhìn rõ việc này, khi thấy cuộc đàm phán khởi đầu giữa triều đình Trung Quốc với đức giáo hoàng Léon XIII vào năm 1886. Nên đã không do dự gửi cho giáo hoàng một tối hậu thư cương quyết ép buộc phải từ bỏ những dự định trên. Một chống đối tương tự với hậu quả giống hệt như trên đã xẩy ra sau một dự định mới nữa của đức giáo hoàng Benoit XV vào năm 1918: đức cha Petrelli đã được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh ở Trung Quốc, nhưng bộ trưởng Pháp ở Bắc Kinh đã can thiệp, và việc này phải bãi bỏ. Trong niên giám 1919 của các "Sứ vụ Truyền giáo của Công Giáo tại Trung Quốc và Nhật Bản" cha Planchet đã tóm tắt các lý lẽ của Pháp, nhất là điểm sau đây: "Việc bảo vệ Công Giáo không tùy thuộc vào giáo hoàng, mà vào một điều khoản của hiệp ước 1858".
Những kinh nghiệm này đã khiến Roma hết sức thận trọng trong một dự định mới nữa của giáo hoàng Pie XI vào năm 1922: giáo hoàng đã cử sang Trung Quốc không phải là một Sứ Thần Tòa Thánh, vì chức vị này có tính cách ngoại giao, và chính phủ Trung Quốc vì vấn đề qua lại, cũng phải gửi sang Roma một nhà ngoại giao, nên người được cử đi chỉ là khâm sứ Tòa Thánh (Délégué apostolique), nghĩa là một đại diện của giáo hoàng bên cạnh các giám mục thôi, nên các nhà ngoại giao Tây Phương không ngăn cản việc này được. Ngoài ra, việc thiết lập tòa khâm sứ Tòa Thánh chỉ được báo cho chính các vị đứng đầu sứ vụ truyền giáo đạo Công Giáo, khi vị khâm sứ là đức cha Celso Costantini đã ở trên đất Trung Hoa rồi. Những sự dè dặt này không phải là vô ích, thông tín viên tại Roma của một nhật báo ở Paris đã viết như sau: "Chính phủ Pháp nên thận trọng và phải theo dõi việc bổ nhiệm các nhân viên của đức Pie XI ở Trung Quốc và phải yêu cầu bảo đảm chắc chắn không để đức cha Costantini quan hệ trực tiếp với chính phủ Bắc Kinh" (20). Lời khuyên này đã được nghe theo: vị khâm sứ được niềm nở đón chào, các nhà ngoại giao Tây Phương xin nhận phục vụ ngài, nhưng đức cha Costantini biết cách không gần gũi thân mật với họ. Ngài đã viết:" Nhất là đứng trước người Trung Hoa, tôi nghĩ, việc rất hợp thời là đừng để họ nghi ngờ, phao tin là đạo Công Giáo ở dưới sự giám hộ của các nước Âu Châu - hay còn xấu hơn nữa - là một dụng cụ chính trị để họ sử dụng. Việc làm đầu tiên của tôi ở Trung Quốc là tôi muốn đòi cho được tự do hành động về mặt quyền lợi tôn giáo, và từ chối việc đi cùng với các vị đại diện các nước ngoài khi đến thăm nhà cầm quyền địa phương. Nếu không làm thế, tôi sẽ trở thành một thuộc viên của các nhà đại diện" (21).
Trên thực tế, đức cha Costantini mong muốn "khi có thể được, nên để nên để cho pháp luật Trung Hoa bảo vệ các phái đoàn ngoại giao ngoại quốc". Năm 1929, một thỏa ước sắp được ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, nhưng đức cha Costantini đã viết: "Cuộc đi thăm chính phủ Nam Kinh của tôi, và sự e ngại rất có thể có một thỏa ước giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, đã gây báo động khiến tòa công sứ Pháp, các báo Pháp, và trong một vài giới truyền giáo Pháp cảm thấy bực bội, cáu kỉnh" (22), nên một lần nữa, Vatican lại phải từ bỏ ý định trên. Vì thế, những quan hệ ngoại giao trực tiếp và hỗ tương giữa Vatican và Trung Quốc chỉ được thiết lập vào năm 1947. Sau hết, muốn thoát khỏi sự giám hộ vụ lợi (23) và lỗi thời so với sự tiến triển của bối cảnh chính trị chung, Giáo Hội Công Giáo đã phải tỏ ra hết sức kiên nhẫn trước sự chống đối, đòi hỏi tiếp tục lợi dụng hành động truyền giáo để đạt những mục đích chính trị của các nước Tây Phương, nhất là nước Pháp. Với sự kiên trì như thế, đức cha công kích tục lệ đòi bồi thường, qua trung gian các lãnh sự quán ngoại quốc, về những thiệt hại đến cho các cơ sở truyền giáo trong thời kỳ có tác loạn. Theo gương bên Tin Lành (24), đức cha thành lập một tiền lệ là lấy tiền bồi thường vụ hạ sát một nhà truyền giáo, để xây cất một bệnh viện cho người Trung Hoa. Sau đó ít lâu, theo lời yêu cầu của ngài, bộ Quốc Vụ Khanh ban hành những chỉ thị rất rõ rệt về lãnh vực trên: Ðược quy định như sau: "Không được đòi bồi thường về một vụ hạ sát một nhà truyền giáo vì xét rằng Giáo Hội không có ý thức đòi tiền để bù lại việc đổ máu của các tử vì đạo"; còn về những thiệt hại vật chất thì từ nay, nếu sự việc xẩy ra, phải thảo luận vấn đề bồi thường giữa các nhà truyền giáo và nhà cầm quyền Trung Hoa; và nên tránh sự can thiệp của các chính phủ ngoại quốc" (25).
Như vậy là dần dần từng bước nhưng kiên quyết, Giáo Hội đã huỷ bỏ ở Trung Quốc những liên hệ chính trị mà lịch sử đã làm Giáo Hội bị cản trở; Giáo Hội tìm lại được vị trí thích hợp với bản chất thiêng liêng của mình, và chỉ đòi hỏi như lời phát biểu của đức giáo hoàng Pie XI: "không gì khác hơn là luật lệ chung", và chỉ đòi ở chính nước Trung Hoa mà thôi. Cũng bởi trường hợp Trung Quốc rất phức tạp, nên việc này cho thấy rõ phương hướng của Tòa Thánh: Tòa Thánh đòi hỏi xử lý một cách trực tiếp với các nhà cầm quyền địa phương về các liên quan đến công cuộc truyền giáo. Không còn nghi ngờ gì về việc này. Ðó là một trong những lý do làm cho nhiều Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh được đổi thành Liên Sứ Thần Tòa Thánh (Internonciature) khi nước này được độc lập chính trị, và kể từ 1966, thành tòa Sứ Thần Tòa Thánh (nonciature). Nếu ngày nay có những phê phán về những sự tròng tréo nhau trong chính sách ngoại giao của điện Vatican đối với các Giáo Hội địa phương, thì không nên quên là vào một thời quan trọng của lịch sử, đó là cách hành xử hữu hiệu nhất để giải thoát Giáo Hội khỏi bị liên lụy nguy hại đáng tiếc.
Song song với sự tiến triển về "quy chế" chính trị của sứ vụ truyền giáo, thì suy tư và hành động của chính các nhà truyền giáo cần phải được thanh lọc về những thái độ tuy là chính đáng, nhưng còn quá nhiều bản chất con người... Thật chẳng ích lợi gì nếu chuyển dịch những tròng tréo chính trị sang mặt ngoại giao, và nếu những thái độ đó vẫn được duy trì trong đầu óc của chính các nhà truyền giáo. Là con cái của tổ quốc trần thế, dù Kitô giáo đã khuyến cáo các vị đó phải biết yêu thương và phục vụ, nhưng các vị đó phải hiểu là sứ mệnh được giao phó cấm các vị đó - vì bản chất của nó - không được làm gì khác hơn là trở thành những sứ giả của Giáo Hội hoàn vũ. Trong thông điệp Maximum illud, đức giáo hoàng Benoit XV, đã nhắc nhở các vị đó trong một trang giấy với giọng quả quyết mà nhiều tài liệu sau này dựa vào đó: đức giáo hoàng tố giác lòng "nhiệt tình thiếu cân nhắc trong việc phát triển uy thế của nước mình" như một bệnh "dịch hạch ghê tởm" đối với sứ vụ tông đồ của các nhà truyền giáo. Ngài còn chỉ cho thấy là tất cả công cuộc rao giảng Tin Mừng sẽ bị tình nghi, nếu các nhà truyền giáo "tỏ ra còn quá bận tâm lo lắng phục vụ quyền lợi của tổ quốc mình". Ngược lại, các vị đó phải luôn luôn nhớ rằng "họ đại diện cho những quyền lợi của Ðấng Kitô, và không phải cho quyền lợi của nước mình", để sau hết, mọi người nhận thấy họ "thật sự là tông đồ của Tôn Giáo này... và không xa lạ với bất cứ dân tộc nào". Sau Benoit XV, Pie XI cũng nhấn mạnh lại nhiều lần về điểm này (26). Mối tư duy của Tòa Thánh rất rõ ràng minh bạch: Không một nhà truyền giáo nào xứng đáng với danh hiệu đó, lại có quyền ưu đãi những lợi ích vật chất, hay chỉ là giúp sự phát huy văn hóa của tổ quốc mình. Vị đó khi chấp nhận làm sứ giả cho Giáo Hội thì đã hoàn toàn từ bỏ tổ quốc mình, và chỉ làm sứ giả cho Giáo Hội tại một xứ truyền giáo. Kể từ nay, vị đó phải coi xứ sở này như tổ quốc của mình và phải phục vụ hết sức mình. Ðức Pie XII tuyên bố: "Thật vậy, vị đó phải coi nước mà vị đó đến để đem ánh sáng Phúc Âm, là tổ quốc thứ hai của mình, và phải yêu mến xứ sở đó với lòng từ bi. Do đó, nhà truyền giáo không được đi tìm những lợi ích trần thế, cả những gì có lợi cho xứ sở của mình, hay cho hội dòng của mình, mà trên hết, chỉ phải chú ý đến việc cứu rỗi các linh hồn" (27).
Một cách gián tiếp, các chỉ thị trên, may thay, đã dọn đường cho việc giải ước mà công cuộc truyền giáo phải thực hiện đối với loại liên hệ chính trị thứ hai là loại lệ thuộc vào công cuộc khai thác thuộc địa. Trong vòng hai mươi năm sau thế chiến thứ hai, các đế quốc rộng bao la trên thế giới của Tây Phương bị đem ra xét lại, và nó trải qua một quá trình nhanh chóng "phải chấm dứt tình trạng thuộc địa", ngoại trừ một vài lãnh thổ Châu Phi và Châu Á mà Bồ Ðào Nha vẫn tiếp tục đòi được coi như những "tỉnh hải ngoại". Cái quá trình trên có tính cách chung: nó bắt đầu ở Á Châu ngay năm 1945 với sự độc lập của Phi Luật Tân, của Nam Dương, của Ấn Ðộ rồi bắt đầu sang Châu Phi vào năm 1957 với nước Ghana, và quá trình tiến nhanh đến nỗi năm 1960 phải được gọi là "năm Phi Châu", bởi vì trong năm đó, phần đông các nước mới độc lập được Quốc tế chính thức công nhận chủ quyền.
Trước sự thay đổi toàn diện của bối cảnh chính trị như vậy thì tư thế của Giáo Hội sẽ ra sao? Trên thực tế, Giáo Hội đã gián tiếp cho biết lập trường của mình bằng cách thúc đẩy các sứ vụ truyền giáo mau thiết lập các Giáo Hội địa phương. Không những Giáo Hội Công Giáo mà về phía Tin Lành cũng trù tính một cách tương tự, như "chấm dứt tình trạng thuộc địa" của mình. Những tài liệu như Rerum Ecclesiae (Những vụ việc của Giáo Hội) đã dự kiến một cách rõ ràng - và từ đó, thúc đẩy việc giúp các Giáo Hội địa phương mau trưởng thành. Theo văn kiện, thì ngày mà một dân tộc bản xứ đã tiến lên một trình độ văn minh khá cao, và trưởng thành về chính trị, và nếu họ muốn được độc lập, họ sẽ yêu cầu các công chức, quân đội, các nhà truyền giáo của cường quốc thuộc địa phải ra đi, nhưng mục tiêu đó có lẽ nhiều khi chỉ đạt được bằng võ lực". Việc đáng chú ý là cái giả thuyết này đã đưa ra ngay năm 1926 như là một tình trạng mà văn kiện trên đã tiên đoán. Thực tế là mãi mấy chục năm sau, tình trạng đó mới xẩy ra, và văn kiện trên hay được đan cử mà không bị lên án. E rằng có phần thiên vị nếu người ta dựa vào văn kiện trên để kết luận : Giáo Hội đã sẵn sàng chấm dứt tình trạng thuộc địa về mặt chính trị. Sự thật là nhờ phương hướng đã định, theo những điều kiện mà ta sẽ thấy, và với những lý do riêng, Giáo Hội đã chỉ có một vài bước đi trước tình hình thay đổi chính trị thuộc địa, khi Giáo Hội trao phó trách nhiệm cho hàng giáo phẩm Phi Châu hay Á Châu. Vả lại, người ta có thể ghi nhận nhiều hoàn cảnh khác nhau tùy theo tình hình khác nhau của mỗi địa phương, tức là tại nước thuộc địa hay tại mẫu quốc Tây Phương.
Về mặt hoàn vũ, thì Ủy ban các Giáo Hội (Tin Lành) chuyên trách về Quốc Tế vụ đề nghị ngay trong Hiến Chương sáng lập vào năm 1946 :"Phải cộng tác với các nước để đem lại sự sung túc cho các dân tộc còn lệ thuộc và giúp họ tiến tới nền độc lập bằng cách xử dụng các thể chế tự do". Thật vậy, theo chiều hướng đó Ủy Ban đã can thiệp trong những năm sau và đã khiến Ðại Hội đồng Ðại Kết các Giáo Hội họp tại Evanston thông qua vào năm 1954 một văn bản mà theo đó thì: "Quyền tự quyết chính đáng của các dân tộc phải được thừa nhận. Quyền độc lập và tự trị phải được đảm bảo và các chính phủ buộc phải mạo hiểm để nhanh chóng đạt tới mục tiêu này". Về phần Giáo Hội Công Giáo, đức giáo hoàng Pie XII vào năm 1945, triển khai học thuyết của ngài về Giáo Hội siêu quốc gia (Eglise Supranationale). Ngài thường nói đến, mà chúng ta còn sẽ có dịp nhắc lại, là Giáo Hội tôn trọng sự khác nhau giữa các nền văn hóa. Nhưng phải đợi đến những sứ điệp Noel 1954 của ngài, và nhất là năm 1955, ngài mới khẳng định là phải dành cho các dân tộc đó (những thuộc địa muốn độc lập) một nền tự do chính trị chính đáng và tuần tự tiến lên, chứ không được cản trở. Nếu nhìn chung các văn bản, người ta có cảm tưởng đức Pie XII rất quan tâm đến những cực đoan của nhiều chủ nghĩa quốc gia, chúng đối đầu ngay cả với quyền đòi độc lập. Sau hết vào năm 1960, người ta thấy đức giáo hoàng Jean XXIII đã lên tiếng nói thẳng ra trong thông điệp của ngài gửi các tín hữu Châu Phi: "Tôi rất hài lòng nhìn thấy việc tuần tự đạt tới chủ quyền: Giáo Hội rất lấy làm hoan hỉ về việc này, và tin tưởng vào ý chí của các nước non trẻ có chỗ đứng trong cộng đồng các quốc gia".
Về mặt địa phương, nơi các Giáo Hội trực tiếp liên quan đến đà tiến triển chính trị, thì những người phát biểu lập trường lại đi quá sớm và thường là dấn thân nhiều hơn. Vì tính cách đa dạng của các sự kiện mà chúng ta không thể phân tích ra ở đây được, chúng ta chỉ có thể nêu ra những kết luận của một cuộc nghiên cứu dành cho vấn đề nói trên: "Ðứng trước các cuộc khủng hoảng của hệ thống thuộc địa, hầu hết các Giáo Hội đã chấp thuận việc chuyển quyền chính trị cho đại diện các dân tộc hải ngoại. Người ta thấy có lần Giáo Hội ủng hộ công khai những yêu sách quốc gia chống lại nhà cầm quyền mẫu quốc (đây là trường hợp đảo Madagascar kể từ năm 1953).Trong những trường hợp khác, các Giáo Hội đành phải chấp nhận giải pháp độc lập của họ vì không áp dụng được công thức sống chung giữa các cộng đồng (như trường hợp đã được khuyên áp dụng ở Algérie).Trong phần lớn trường hợp, các Giáo Hội đã theo dõi và khuyến khích một cách kín đáo phong trào trên. Không bao giờ, trừ ở Bồ Ðào Nha, các Giáo Hội lại chịu bị cám dỗ để thỏa hiệp với các chính phủ Âu Châu khi các chính phủ này sử dụng võ lực để duy trì chủ quyền của mình. Nếu về phía Tin Lành và trong một vài giới Công Giáo thiên tả, người ta coi công cuộc khai thác thuộc địa là một điều xấu tuyệt đối - thì thái độ của Giáo Hội, nói cách tổng thể, không phải chỉ là một lập trường chống chế độ thực dân. Thời gian và những thể thức chuyển giao thẩm quyền chỉ là những yếu tố phụ đối với việc đòi hỏi cơ bản là các quan hệ phải tiến triển một cách tốt đẹp. Việc hủy bỏ sự liên tục sống chung không triệt để, mà thật ngược lại, được người ta dứt khoát chấp nhận khi trường hợp xẩy ra không cho có một phương tiện hòa bình nào gỡ nổi cuộc khủng hoảng. Theo chiều hướng này với những điều kiện trên, ta có thể khẳng định là các Giáo Hội đã quyết định theo chính sách chấm dứt tình trạng thuộc địa‘ (28)
Thực tế, những sự kiện xẩy ra sau này đã chứng tỏ Giáo Hội luôn lo lắng, trong suốt quá trình chấm dứt chế độ thực dân - muốn thấy sự đoàn kết giữa những nước giầu và những nước nghèo được duy trì và cải thiện, đứng ngoài sự tiến triển chính trị cần thiết và không tránh được. Ðối với Giáo Hội, độc lập chính trị không phải là một điều tốt tuyệt đối. Vì thế Giáo Hội muốn quan tâm theo dõi xem sự đạt được độc lập có củng cố thêm hay làm giảm sút sự cộng tác giữa các nước, mà trên thực tế, sự phát triển của các dân tộc bị lệ thuộc.
Mối lo lắng trên thấy rõ nét trong thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) được đức giáo hoàng Jean XXIII công bố ngày 15/5/1961, và sau đó, trong thông điệp Populorum progressio (Phát triển của các dân tộc) ra ngày 26/3/1967, của đức Paul VI. Nhưng điều quan trọng là, trước khi trình bầy học thuyết của mình về sự đoàn kết giữa các dân tộc, Giáo Hội đã chứng minh, bằng những sự việc cụ thể, là mình không có liên hệ với chính sách của Tây Phương.