CHƯƠNG II
TỪ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁùO
NGOẠI QUỐC ÐẾN CÁC
GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG
CHƯƠNG II
TỪ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁùO
NGOẠI QUỐC ÐẾN CÁC
GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG
Việc ưu tiên phải thực hiện - nhất là kể từ triều đại giáo hoàng Benoit XV - là việc đổi theo hướng mới các công cuộc truyền giáo. Ðó là việc đào tạo, huấn luyện, và vai trò các giáo sĩ xuất thân từ các tầng lớp dân được rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, lẽ tất nhiên là các vùng truyền giáo do các thừa sai nước ngoài phải nhanh chóng được thăng tiến thành Giáo Hội địa phương, do các Linh mục địa phương quán xuyến, và các giám mục cầm quyền phải được chọn từ các linh mục bản xứ. Sự việc hiển nhiên đó không được các nhà truyền giáo ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chấp hành mau lẹ và công minh. Kể ra thì cũng dễ hiểu thôi!
Các nhà truyền giáo đi từ Âu Châu đến, đem theo tâm trạng của môi trường mình sống vào thời kỳ bành trướng thuộc địa. Vì thế, tuy có lòng quảng đại lớn lao thật, các ngài chắc chắn cũng có một tinh thần tự cao khi nhận trách nhiệm về số phận tinh thần của các dân tộc chưa biết Kitô giáo. Do nhu cầu nhân sự thúc đẩy, các ngài phải đào tạo các linh mục địa phương, nhưng các ngài lại e ngại có sự nguy hiểm khi giao phó trách nhiệm linh mục cho những người xuất thân từ các miền mới được rao giảng Phúc Âm.
Trong một bản báo cáo công việc truyền giáo ở Trung Quốc gửi về Roma năm 1847, cha Gabet (1) viết: "Về việc cần thiết phải có một hàng giáo sĩ bản xứ, xét một cách trừu tượng thì phần lớn có thể chấp nhận được, nhưng trong thực hành thì có nhiều vấn đề không giải quyết nổi, và lý do đưa ra hầu như luôn luôn là: người bản xứ thiếu thông minh và yếu kém về nghị lực, họ chưa nắm được sự cao cả và phẩm cách của chức linh mục, và vì thế họ không chấp hành nổi nghĩa vụ" (2).
Nghe biết nhận định của cha Gabet về tình hình truyền giáo tại Trung Quốc, giám mục Zaleski khâm sứ Toà Thánh tại vùng Ðông Ấn Ðộ đã viết cho cha bề trên Tỉnh Dòng Tên ở Bỉ như sau: "Cha đáng kính, chắc hẳn ngài đã nghe nói đến những thành kiến mà chẳng may hiện còn thấy tại một vài nơi ở Ấn Ðộ khi nói đến hàng giáo sĩ bản xứ..." (3). Còn về Châu Phi, rõ ràng là những ý kiến bác bẻ kiểu đó không thiếu gì. Vào năm 1923, khi giám mục Vogt định mở một chủng viện ở Cameroun "ngài đã chạm phải nhiều lý lẽ bác bẻ nghiêm trọng: trước hết là xã hội Cameroun đã tiến triển qua các giai đoạn một cách nhanh chóng, đến nỗi không thể nhận thức được đời sống Kitô giáo của họ có bén rễ sâu vào đời sống cá nhân không; sau là vì sự chống đối kịch liệt của các thừa sai trong địa phận" (4). Tại các vùng truyền giáo của Tin Lành cũng vậy: "Hơn nửa thế kỷ, người Phi Châu bị coi như không đủ chín chắn để giữ những trách nhiệm điều hành trong Giáo Hội" (5).
Còn một lý do khác, là quan niệm thiển cận và thiên lệch của nhiều nhà truyền giáo vào đầu thế kỷ về nhu cầu thăng tiến hàng giáo sĩ địa phương. Như hầu hết các giáo sĩ đương thời, các ngài đã được đào tạo theo một nền thần học và tu đức kitô nặng về đời sống cá nhân hơn về chiều kích cộng đồng. Quan niệm như vậy, nên các thừa sai không nhận ra sự cần thiết phải dành chỗ cho những người mới trở lại tham dự vào các nhiệm vụ trong cộng đồng Giáo Hội. Hình như đối với các ngài, mỗi người chỉ cần lãnh nhận ân sủng qua các phép Bí Tích là đủ rồi, nên các ngài vui mừng vì thấy Giáo Hội hiện diện giữa một dân tộc, nhưng lại không quan tâm làm cho Giáo Hội thăng tiến theo sự đòi hỏi của dân tộc đó. Từ quan điểm sai lầm ấy, các nhà truyền giáo coi hàng giáo sĩ địa phương chỉ như một thành phần tăng viện nhân sự mà thôi, tuy thật quý báu nhưng không cần thiết lắm, và càng không phải là một nhu cầu khẩn trương theo bản chất của Giáo Hội.
Sau hết, ngay đến việc tổ chức các công việc truyền giáo cũng góp phần vào những sai lệch nói trên. Vào cuối thế kỷ XIX, tục lệ trở nên thông thường là chia cắt các xứ truyền giáo thành những địa hạt Giáo Hội có ranh giới rõ ràng, và trao phó mỗi vùng cho một dòng tu hay một tổ chức truyền giáo cai quản. Chỉ những thành viên của các dòng tu hay tổ chức trách nhiệm mới được phép hành xử sứ vụ tông đồ, và các giám quản giáo phận bắt buộc phải được chọn lựa trong hàng ngũ các thành viên nói trên. Ðó là hệ thống pháp lý bắt đầu xuất hiện từ 1827 và 1836, với mục đích hợp nhất và tiếp tục hoạt động truyền giáo. Không ai chối cãi những kết quả tuyệt vời của hệ thống pháp lý này, tuy nhiên hệ thống đó đã gây nên một bất tiện nghiêm trọng mà đức cha Costantini, khâm sứ Toà Thánh ở Trung Quốc, đã viết vào năm 1925: "Các miền truyền giáo được quan niệm như một thuộc địa tôn giáo, thuộc quyền sở hữu của một tổ chức hay một hội truyền giáo nào đó theo hệ thống pháp lý. Hệ thống này đã tạo ra cho các nhà truyền giáo một não trạng đặc biệt mà chúng ta gọi là tinh thần phong kiến lãnh thổ (féodalisme territoire). Sở lưu trữ v#n khố của Bộ Truyền Giáo có rất nhiều tài liệu về vấn đề này" (6). Cách nhìn sai lầm đó làm cho công cuộc phát triển hàng giáo sĩ triều bản xứ trở nên khó khăn. Người ta cho sự xuất hiện của giáo sĩ bản xứ là tái nhập cơ cấu nhân sự ‘hạng hai’ trong phạm vi truyền giáo. Có lẽ là bất công nếu nghĩ là tình trạng này làm đình trệ công cuộc đào tạo các linh mục bản xứ, nhưng chắc chắn là nó đã góp phần làm cho các giáo sĩ bản xứ bị coi như nhân sự phụ thuộc, như một thứ giáo sĩ hạng nhì, chỉ giữ vai trò phụ tá của các "thừa sai truyền giáo" ở các nước Kitô giáo non trẻ (7). Trong tuần lễ thứ ba về truyền giáo học ở Louvain vào năm 1925, linh mục Corman có nhận xét sau: "Cách đây không lâu, người ta coi dân Âu Châu trổi hơn các dân tộc khác, ngay cả đối với các dân tộc văn minh Châu Á. Ðó là một trong những tiền đề (axiome) buộc tất cả, hay hầu hết mọi người phải nhìn nhận như thế. Và sự trổi trang đó, trên thực tế, là người Âu Châu thống trị tất cả, làm chủ toàn cầu. Tại mọi môi trường Giáo Hội, phần lớn các nhà truyền giáo đều coi mình là bậc thầy của người bản xứ. Ðó là điều không chối cãi được. Coi mình là người của thời đại, nên trong cách xử sự, các thừa sai coi mọi thành phần bản xứ là thấp kém và ở dưới sự giám hộ của mình: giới giáo sĩ bản xứ là cần thiết không chối cãi được, nhưng chỉ là một giới giáo sĩ phụ tá, luôn phải sẵn sàng cúi mình trước các nhà truyền giáo" (8).
Một quan niệm như thế, hiển nhiên là trái với những chỉ thị rõ ràng mà Tòa Thánh Roma đã ban hành từ lâu, và liên tiếp nhắc lại. Ðược thành lập trong năm 1622, Bộ Truyền Giáo (Congrégation de Propaganda fide) đã phát biểu ý kiến minh bạch về điểm này trong một tài liệu đề ngày 28 tháng 11 năm 1630 (9). Ðến năm 1659, Bộ lại ra chỉ thị rõ ràng cho các đại diện Tông Toà (giám quản giáo phận) được cử đi các vương quốc Trung Hoa ở Tonkin, Bắc kỳ và Nam kỳ (10). Rồi năm 1680, một chỉ thị ngắn gọn Onerosa pastoralis (Thừa tác mục vụ khó khăn) của giáo hoàng Innocent XI, và năm 1687, một bức thư của Bộ Truyền Giáo gửi các vị giám quản giáo phận Bắc kỳ, cả hai văn kiện đã nhấn mạnh việc bắt buộc các nhà truyền giáo phải nhanh chóng đào tạo các giáo sĩ địa phương. Những chỉ thị đó còn được lập lại nhiều lần vào thế kỷ XVIII và XIX trong rất nhiều tài liệu, mà chủ yếu là chỉ thị De Clero indigena (Giáo sĩ bản xứ) do Bộ Truyền Giáo ban hành ngày 23 tháng 11 năm 1845 (11). Nhưng những chỉ thị đó vấp phải nhiều khó khăn, và mãi tới hậu bán thế kỷ XIX mới có một chút kết quả thật khiêm tốn (12).
Những "kết quả nghèo nàn đó", dĩ nhiên là khó tính thành số vào thời giữa thế kỷ XIX. Lúc đó chỉ các nước Phi Luật Tân, Trung Hoa, Annam và Ấn Ðộ được coi như thuộc diện có linh mục bản xứ. Vào cuối thế kỷ (1896) có những con số tương đối chắc chắn: Ấn Ðộ và Tích Lan đứng đầu với 1600 linh mục bản xứ; Ðông Nam Á với 426, Trung Hoa với 373 và Nhật Bản với 26 linh mục, mà 3 linh mục đầu tiên mãi tới năm 1882 mới được chịu chức. Như vậy, vào năm 1896 có một tổng số 2425 linh mục gốc Á Ðông (13). Thật vui mừng khi thấy: vào thời đó giáo sĩ địa phương đông hơn giáo sĩ ngoại quốc: tại Ấn Ðộ và Tích Lan có 796 ngoại quốc và ở Ðông Nam Á có 408 ngoại quốc. Trong vùng này, tại đế quốc Annam vào 1898 đếm được 336 linh mục bản xứ, mặc dầu có cơn bắt đạo xẩy ra tại đây vào thời kỳ từ 1857 đến 1862, khiến 1/3 giáo sĩ Annam, tức 115 linh mục đã tử vì đạo, giữ lòng trung thành với Giáo Hội (14). Còn về Châu Phi đen, các vùng truyền giáo còn mới mẻ quá, nên kết qủa đầu mùa muộn màng: nước Sénégal có hai con dân được thụ phong linh mục tại Pháp năm 1840, và người thứ ba thụ phong ở ngay Sénégal vào năm 1852; Angola, thuộc địa Bồ Ðào Nha vào năm 1853 có 5 linh mục người Châu Phi; Congo thuộc Pháp và nước Gabon có các linh mục đầu tiên thụ phong vào những năm 1895 và 1899.
Như vậy là phần tư cuối thế kỷ XIX đã có một sự cố gắng nghiêm túc trong công cuộc tuyển lựa và đào tạo các linh mục thuộc các nước truyền giáo. Dư luận truyền giáo về vấn đề này chia ra thành hai khuynh hướng: một đàng có thái độ ngập ngừng mà ta thấy nơi một vài chứng từ đã nói ở trên; đàng khác có thái độ táo bạo hơn, và tiêu biểu là các thừa sai: Javouhey, Libermann, Luquet, Marion-Brésillac, Gabet, Comboni Lavigerie và nhiều người khác nữa. Roma kiên quyết ủng hộ khuynh hướng này. Ðức Léon XIII, và nhất là đức Benoit XV, nhắc lại những chỉ thị cũ, và nhấn mạnh hết sức đến tầm quan trọng và cấp bách của vấn đề đào tạo và thăng tiến hàng giáo sĩ bản xứ.
Vào năm 1893, đức Léon XIII ra tông thư Ad Extremas nói về việc thành lập chủng viện tại các nước thổ dân Ấn Ðộ. Ngài viết: "Ðức Tin Công Giáo sẽ không có tương lai chắc chắn trong giới thổ dân Ấn Ðộ, và sự phát triển đức tin cũng còn bấp bênh, khi không có các giáo sĩ bản xứ được huấn luyện nghiêm chỉnh để lãnh chức vụ Tư tế. Họ là những người có khả năng, không chỉ giúp đỡ các nhà truyền giáo, mà còn tự quản lý một cách đứng đắn những quyền lợi của tôn giáo ngay trong chính nước của họ" (15).
Ðừng quên rằng, khi bức tông thư nói trên được ban hành thì Ấn Ðộ đã có hàng giáo sĩ bản quốc đông hơn giáo sĩ ngoại quốc. Bức tông thư không chỉ nhằm gia tăng số lượng, mà nhằm đào tạo một hàng giáo sĩ có phẩm chất, không phải để làm phụ tá cho các nhà truyền giáo ngoại quốc, nhưng "để tự quản lý một cách đứng đắn những quyền lợi của Tôn Giáo". Trên thực tế, việc này mới thật khó khăn. Chính ở điểm rõ rệt này mà hai khuynh hướng nói trên đối đầu với nhau, đôi khi thật thảm thương, trải dài một phần tư thế kỷ.
Trong một cuốn sách rất nổi tiếng nhờ các cuộc bút chiến nó gây ra, kinh sĩ Pháp Léon Joly nhận xét vào năm 1907 rằng: ‘Một cách rụt rè và trong tâm nghi ngờ, các nhà truyền giáo hiện đại đã bắt đầu thiết lập hàng ngũ tư tế bản xứ, nhưng các linh mục Ấn Ðộ, Annam, Trung Hoa, Nhật Bản vẫn luôn là phụ thuộc vào các linh mục Âu Châu" (16). Nếu những lập luận của Joly còn nhiều điểm cần bàn cãi, thì trong phần kết luận của ông nêu lên một thực tế qua các sự kiện xẩy ra vào đầu thế kỷ XX: "Các nhà truyền giáo hiện đại không chịu thiết lập ở bất cứ nơi nào, một Giáo Hội bản xứ trọn vẹn".
Joly viết như vậy lúc ông ở Paris. Cùng lúc đó ở Bắc Kinh, một tu sĩ trẻ dòng Thánh Vinh Sơn (lazariste) trình bầy trong lá thư gửI cho người bạn thân về "ý kiến riêng tư của ông là muốn phá vỡ quá khứ này càng nhanh càng tốt, và làm cho những Kitô hữu của chúng ta thành những Kitô hữu Trung Hoa với hàng tư tế bản xứ đầy đủ" (17). Cha Vincent Lebbe, người đã ký vào lá thư này, đã dùng lời nói, việc làm, và chịu khổ tâm để tranh luận lớn tiếng cho việc thiết lập một toà giám mục bản xứ ở Trung Quốc, và nói rộng ra, là ở các nước truyền giáo. Biểu hiệu rõ nét nhất về tư tưởng của ông là trong lá thư đáng chú ý nhất mà ông gửi cho giám mục của ông là đức cha Reynaud vào năm 1917- và một phó bản được bạn ông là cha Cotta gửi cho Bộ Truyền Giáo. Sau khi đã nhận định những chi tiết trong tất cả các lý lẽ thuận và chống việc thành lập một hàng giáo sĩ bản xứ trọn vẹn, ông kết luận: "Ðã đến thời điểm xây dựng" những Giáo Hội quốc gia sinh động, phong phú. Ðó sẽ là chất men làm hứng khởi quần chúng, là huyết nhục của dân được thánh hóa qua Ðức Kitô, là Giáo Hội bản xứ sống vững vàng và mang lại nhiều hứa hẹn cho tương lai. Chúng ta đừng trì hoãn lâu dài việc thiết lập Giáo Hội bản xứ, thời gian thúc bách, chúng ta phải cương quyết và cụ thể hóa công việc. Nếu chúng ta muốn thiết lập một Giáo Hội bản xứ Trung Hoa này thì những phương tiện khôn ngoan, dễ dàng và tiệm tiến thật không thiếu. Chỉ cần muốn là được" (18).
Tất nhiên là Roma muốn thế: ngày 30 tháng 11 năm 1919, đức Benoit XV ký thông điệp Maximum Illud. Ðây là một bài biện hộ hùng hồn và có thẩm quyền nhất, có lợi cho việc thiết lập một hàng giáo sĩ đầy đủ, kể cả hàng giám mục nữa. Người ta có thể làm một bài nghiên cứu song song giữa thông điệp của đức Benoit XV và những văn thư của cha Lebbe. Chính người viết chương giáo sử này đã nghiên cứu và kết luận như sau: "Nhờ sự đối chiếu trên, ta không còn nghi ngờ gì về việc tại Roma đã có một hồ sơ của cha Lebbe, và đức Benoit XV đã có trước mắt khi viết thông điệp trên" (19). Dù thế nào chăng nữa thì ý đồ y như nhau và cha Lebbe đã có lý khi viết thư cho giám mục Reynaud, ông tố cáo "quan điểm chống Roma của các vị truyền giáo của chúng ta".
Nhưng, thật nguy hiểm khi cho mình quá rõ ràng là có lý, và chống đối - dù là dưới danh nghĩa theo chỉ thị của Roma - mọi dư luận thông thường nhất của những người thân cận mình. Cha Lebbe trở thành đầu mối luận chiến, dấu chỉ mâu thuẫn giữa các nhà truyền giáo ở Trung Quốc (20). Vào năm 1920, ông bị đổi đi xa khỏi Trung Quốc và chỉ trở lại sau này dưới quyền một giám mục Trung Hoa vào năm 1926. Chính vào thời kỳ này, đã khởi đầu một bước ngoặt chủ yếu trong lịch sử các công cuộc truyền giáo hiện đại.
Bước đầu phải vượt qua, tóm lại là phải bảo đảm cho các giáo sĩ người Á Châu, hay người Phi Châu được huấn luyện thực sự đầy đủ để tạo ra, không phải những nhân viên phụ thuộc, mà là những người ngang hàng với các giáo sĩ ngoại quốc. Nhận thấy rằng nhiều dân tộc được rao giảng Tin Mừng, đã từ lâu có trình độ văn hoá cao nhưng sau nhiều thế kỷ họ vẫn không thấm nhuần ảnh hưởng tốt lành của Phúc Âm và của Giáo Hội, vẫn không sản sinh ra được những giám mục để tự cai quản, thậm chí không có được cả những linh mục khả dĩ gíúp người đồng hương am tường giáo lý". Trước tình trạng đáng buồn này, đức giáo hoàng Benoit XV kết luận: "Phải nhìn nhận rằng: từ trước đến nay, người ta đã áp dụng một phương pháp thiếu sót và không hợp lệ trong công cuộc đào tạo các giáo sĩ tại các lãnh thổ truyền giáo" (21).
Ðể sửa sai tình trạng này, đức Benoit XV giao nhiệm vụ cho Bộ Truyền Giáo phải quan tâm đến việc thiết lập đúng tiêu chuẩn, những chủng viện địa phương. Lập một chủng viện cho mỗi giáo phận hay cho mỗi lãnh thổ đại diện tông tòa là một ảo tưởng tốn kém. Trái lại, các lãnh thổ gần kề có thể tổ chức chung với nhau một ban giáo sư lành nghề và bảo đảm cho họ một số chủng sinh vừa đủ. Tiếng nói của giáo hoàng được người ta nghe theo, và có sự cố gắng rõ rệt. Nhưng vẫn còn yếu kém lắm. Vì đến năm 1926 đức Pie XI trong thông điệp Rerum Ecclesiae lại phải nhận trách nhiệm về những lời lẽ của các vị tiền nhiệm và thêm vào như sau: "Việc gì đã khởi đầu bởi một vài người, chúng tôi không chỉ mong như vậy, mà chúng tôi còn thực hiện như thế. Và ra lệnh cho tất cả những ai đứng đầu một lãnh thổ truyền giáo phải làm như vậy !" Giáo hoàng Pie XI đã tỏ ra có một ý chí cương quyết và bền bỉ khi đem thực hiện ý kiến trên. Ngoài ra, để đảm bảo cho việc điều hành các chủng viện địa phương được tốt đẹp, Bộ Truyền Giáo dành quyền điều khiển một cách trực tiếp, được trình bầy rõ ràng trong chỉ thị ngày 27 tháng 4 năm 1934 như sau:
1- Chủng viện địa phương thuộc quyền Tòa Thánh, và được giao việc quản trị cho một Dòng tu hay Hội Truyền Giáo đương nhiên dưới quyền điều khiển tối cao của Bộ Truyền Giáo. Về vấn đề kỷ luật và việc quản trị thông thường do Dòng hay Hội đảm trách.
(...
3- Dòng tu nào được giao việc điều khiển một chủng viện địa phương, phải trình nộp lên và xin sự chấp thuận của bộ Truyền Giáo những điểm sau đây:
a) Quy chế kỷ luật của chủng viện
b) Chương trình học tập, việc phân bổ các môn học, thời khóa biểu các lớp và thư mục các sách thủ bản.
4-Việc chọn lựa giám đốc chủng viện thuộc quyền Bộ Truyền Giáo, bề trên tổng quyền dòng tu liên hệ phải trình lên Bộ danh sách ‘các bề trên dự tuyển’.
a) Việc chọn lựa các giảng sư và các giáo sư thuộc quyền vị bề trên tổng quyền của Dòng, và sau đó, vị này phải thông báo cho Bộ Truyền Giáo danh sách những người được chọn
b) Giám đốc chủng viện không được trao quyền cho người khác và cũng không được thuyên chuyển - nếu không có sự chấp thuận trước của Bộ Truyền Giáo; Việc thuyên chuyển các giáo sư khác hay các giảng sư phải thông báo sau cho Bộ Truyền Giáo.
5- Bình thường, tất cả các sinh viên về Triết lý và Thần học trong vùng đều phải đến học ở chủng viện địa phương. Bản quyền không được rút các chủng sinh của mình ra khỏi chủng viện địa phương, để gửi đi huấn luyện tại nơi khác, ngoại trừ có phép rõ ràng của Bộ Truyền Giáo" (22).
Những biện pháp trên rõ ràng nằm trong bối cảnh chung của một công cuộc tập trung hóa rất mạnh: người ta có thể tự hỏi với lo âu : không biết uy quyền của một giám mục có còn gì không, đối với các linh mục tương lai trong giáo phận mình, nhất là vào một thời kỳ mà tập thể tính các giám mục trên thực tế chưa áp dụng được. Ngược lại, các hội truyền giáo thấy được trao một vai trò quan trọng đúng theo lý tắc của hệ thống "Uỷ ban". Vào thời đó, hệ thống này là cách tốt nhất phải làm, và cũng là cách duy nhất có thể áp dụng được. Nếu sau này có những sự chỉ trích về việc tổ chức các chủng viện địa phương, thì cũng phải thấy ít nhất là các biện pháp của Roma đã góp phần lớn nâng cao trình độ đào tạo các giáo sĩ tại các nước truyền giáo. Chương trình học tập sau đó, nếu không hoàn hảo, thì ít ra cũng có thể so sánh được với nhiều nước ở Âu Châu và Mỹ Châu.
Trong các cơ sở có nhiệm vụ đào tạo giáo sĩ các nước truyền giáo, Roma chú trọng đặc biệt đến viện Collegium Urbanum de Propaganda Fide: ở tất cả mọi miền thuộc quyền Bộ Truyền Giáo, các sinh viên đến chuẩn bị vào chức linh mục, trong vài năm được làm quen với môi trường Roma. Sự phát triển của giới giáo sĩ truyền giáo đã đem đến một sinh lực mới cho cái cơ chế lâu đời từ ba thế kỷ. Vì điện cổ xưa Piazza di Spagna quá chật hẹp, và Bộ Truyền Giáo cũng ở trong đó nữa, nên học viện Collegium phải thuyên chuyển đến những căn nhà mới trên đồi Janiculo và được chính thức khai mạc ngày 13 tháng 4 năm 1931. Ngày 24 cùng tháng, viện được giáo hoàng Pie XI tới thăm, và đây là lần đầu tiên giáo hoàng ra khỏi Vatican từ khi ký hiệp ước Latran với chính phủ Ý. Các sinh viên của Bộ Truyền Giáo, cũng như các thừa sai tương lai, có thể học chuyên thêm nữa về khoa học truyền giáo được thiết lập năm 1933, gồm hai ban: Một ban truyền giáo và một ban giáo luật - và có thể học lấy bằng tiến sĩ. Sau hết, vào ngày 29 tháng 6 năm 1948, đức Pie XII khánh thành một cơ sở mới, mang tên là học viện Thánh Phêrô (Collège Saint Pierre) dành riêng cho các linh mục thuộc các nước truyền giáo đến Roma học các lớp cao học. Với những hành động trên, cũng như các chỉ thị rõ ràng ban ra, Toà Thánh đã thật sự bảo đảm cho hàng giáo sĩ quốc gia tại các nước truyền giáo, được huấn luyện chu đáo để có thể biểu lộ "khắp nơi trên trái đất vẻ huy hoàng rạng rỡ của một Giáo Hội duy nhất và phổ quát" (23).
Cải thiện việc đào tạo các giáo sĩ là bước đầu cần thiết, nhưng chưa đủ, nếu không kèm theo việc thay đổi não trạng của một số các nhà truyền giáo Âu Châu. Về phương diện tâm lý họ không có quyền, vì những lý do nói ở trên, quan niệm một hàng giáo sĩ địa phương chỉ là những ‘phụ tá‘ hay ‘thừa hành’. Ngày nay, chúng ta thấy có vẻ kỳ lạ, khi căn cứ vào gốc chủng tộc hay quốc gia để biện bạch vấn đề ngôi thứ, và những đặc quyền giữa những đại diện chức vụ linh mục duy nhất; hơn nữa trong luật giáo sĩ không bao giờ dự trù một ngôi thứ nào khác trong hàng giáo sĩ, ngoài ngôi thứ của chức vụ và của thâm niên. Tuy vậy, cái quyền đứng trên của các nhà truyền giáo ngoại quốc đối với các linh mục bản địa, có cơ sở pháp lý: Roma đã nhượng bộ, ban cho các nhà truyền giáo Âu Châu một số quyền lợi và có danh hiệu là nhà "Truyền giáo Tông truyền" (Missionnaire Apostolique). Năm 1908, trong nhiều vấn đề khác về thẩm quyền được đặt ra khi đem áp dụng Hiến chế Sapienti Consilio, Hội nghị hồng y đã trình hiến chế này lên đức thánh cha để thẩm định: "Utrum aedem Congregatio de Propaganda Fide Adhuc tribuere valeat titulum Missionarii Apostolici ad honorem, addita solita facultatum formula" và câu trả lời là: "Affirmative quoad sibi subditos" (24). Chức vị là "nhà truyền giáo tông truyền" làm tăng phần vinh dự cho các linh mục do Roma cử đi truyền giáo. Nhưng các vị này đã đi đến chỗ tự coi mình ở bậc trên đối với các linh mục tầm thường sinh tại nước mà chính họ được sai đến để truyền giáo. Công cuộc truyền giáo là của Tòa Thánh, và của các vị truyền giáo thuộc tông tòa được các phụ viên địa phương giúp đỡ tùy tình hình, các vị này làm công việc linh mục thông thường thôi. Kể ngay từ thông điệp Maximum illud (1919) giáo hoàng Benoit XV đã phản đối ý kiến cho các linh mục bản địa là thứ yếu; nhưng mãi đến năm 1924, một sắc lệnh của Bộ Truyền Giáo mới hủy bỏ đặc huệ quod respicit praecedentium eorumdem Missionariorum Apostolicorum relate ad eos qui hoc titulo non sunt insigniti (25).
Ðặc ân và thành kiến là hai điều dai dẳng: đến năm 1926 vẫn còn trong một tài liệu, dù có tính cách đại cương và công khai như một thông điệp gửi cho các giám mục truyền giáo, giáo hoàng Pie XI nhận thấy cần thiết nhắc lại một cách rõ ràng, một sự thật mà ngày nay ai cũng coi là đương nhiên: "Lại còn một chuyện khác là các chư huynh chấp nhận để các linh mục bản xứ phải chịu ở cương vị thấp kém, và chỉ được đảm nhiệm những sứ vụ tầm thường. Nào các vị đó lại không được phong cùng một chức tư tế như các nhà truyền giáo của chư huynh và không tham dự việc tông đồ hoàn toàn y như nhau đó hay sao? Và các chư huynh không nhìn thấy rằng các linh mục ấy là những người, mà một ngày kia, sẽ phải cai quản các cộng đồng và những Giáo Hội mà quí chư huynh đã đổ mồ hôi và công sức của mình sáng lập nên sao? Vậy, mong rằng đừng còn để một sự cách biệt nào giữa các nhà truyền giáo Âu Châu và các linh mục bản xứ, và cũng không có khoảng cách nào giữa hai bên; trái lại, họ phải liên kết với nhau, được tôn trọng như nhau và có một lòng bác ái chung" (26).
Thời bấy giờ, các nhà truyền giáo cũng sốt sắng như các vị ngày nay, và các vị đó cũng làm bất cứ cái gì tốt cho Giáo Hội. Nhưng trong các vị đó có một vài người không thể nhịn được vì thấy lời nhấn mạnh của giáo hoàng là không hợp thời và quá sớm. Chúng ta thấy một tiếng vang trong một tài liệu của Bộ Truyền Giáo gửi đi ngày 23 tháng 5 năm 1927 cho các bề trên những viện truyền giáo làm việc tại Trung Quốc và do hồng y Van Rossum ký tên: "Bộ Truyền Giáo nhận thấy có nhiều đại diện tông tòa (Vicariat) ở Trung Quốc, tuân thủ cẩn thận những chỉ thị của Toà Thánh là phải tiến cử các giáo sĩ bản xứ vào những trách vụ cao hơn. Bộ biết rằng đã có nhiều linh mục người Trung Hoa được trao phó và làm trọn những chức năng quan trọng của sứ vụ một cách vừa lòng và có hiệu quả. Ðức giáo hoàng rất vui thích khi được tôi trình bầy những tin tức này. "Nhưng sự vui mừng của đức thánh cha không trọn vẹn mà có phần buồn rầu, khi ngài phải loan báo là một số các nhà truyền giáo ngoại quốc, thấm đầy thành kiến cổ xưa, không hết lòng tuân theo những điều do Toà Thánh quy định và không cộng tác hết mình trong việc thực thi các quy định đó; Hơn thế nữa, một số người không ngại dám khẳng định là các tài liệu của Tòa Thánh về vấn đề nâng các linh mục bản xứ lên những chức vụ cao, chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, và rất là ít trên thực tế và trong sự thật" (27).
Kể từ nay, Roma quyết tiến lên mạnh mẽ và kiên trì. Dù có những lý lẽ bác bẻ ở địa phương, hay những thái độ ù lì mà người ta thường luôn đem ra chống đối đến mức nào đi nữa, thì các chỉ thị rất rõ ràng minh bạch của các thông điệp về truyền giáo, nhất định không còn vô hiệu lực nữa. Bước đi quyết định được vượt qua là việc trao thêm nhiều lãnh thổ thuộc Giáo Hội tại các nước truyền giáo cho các giáo sĩ bản xứ quản trị.
Bước ngoặt lớn đi đến việc thành lập một hàng giáo phẩm quốc gia là việc tấn phong 6 giám mục người Trung Hoa đầu tiên do giáo hoàng Pie XI vào ngày 28 tháng 10 năm 1926. Lễ tôn phong này được tổ chức hết sức long trọng, là một sự kiện lịch sử lôi cuốn sự chú ý của thế giới Kitô hữu đến một thời kỳ mới. Thực ra bước đầu tiên đã có từ hai thế kỷ trước: Trung Hoa đã cho Giáo Hội truyền giáo vị giám mục đầu tiên ngay từ thế kỷ 17: Ðó là đức cha Grégoire Lo-wan-Tsao được cử làm đại diện tông toà (Vicaire apostolique) thành phố Nam kinh vào năm 1674, và được tấn phong ở Quảng Châu (Canton) ngày 8 tháng 4 năm 1685; chẳng may, đây là một bước đầu không có tương lai.
Nước Ấn Ðộ có vinh dự được thấy lần đầu ở thế kỷ XX một con em của mình được tôn phong phẩm tước giám mục trong Giáo Hội La Tinh: Ðó là một tu sĩ Dòng Tên Ấn Ðộ, đức cha Francis T. Roche. Cha được cử làm giám mục ở Tuticorin, nơi được nâng lên thành giáo phận và được giao cho các linh mục triều người Ấn Ðộ vào ngày 12 tháng 6 năm 1923. Nhưng bên nghi lễ Ðông Phương cũng đã có nhiều đại diện tông tòa người Ấn Ðộ. Cùng năm 1923, một tỉnh dòng thuộc Giáo Hội theo nghi lễ Syro-malabar được thiết lập với Erna-Kulam là trụ sở tổng giám mục và ba giáo phận có giám mục thuộc hạt (Diocèses suffragants).
Tại Trung Quốc, trang sử mới khởi đầu là nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của toà khâm sứ Toà Thánh thành lập ngày 09 tháng 08 năm 1922 (28). Vị khâm sứ thực thụ đầu tiên là đức cha Celso Costantini chính thật là một con người của Chúa Quan Phòng. Ngài cố gắng áp dụng trên thực tế ở Trung Quốc những chỉ thị của giáo hoàng Pie XI và ngài giúp cho những khát vọng tốt nhất của hàng giáo sĩ Trung Hoa và các nhà truyền giáo trở thành hiện thực. Cha Elia viết: "Vấn đề hàng giám mục bản xứ được đặt ra hàng đầu, ngay khi khâm sứ Toà Thánh tới năm 1922. Một trong những cử chỉ đầu tiên của đức cha Costantini là phong hai linh mục Trung Hoa làm Phủ doãn (préfets apostoliques) ngày 12 tháng 12 năm 1923, và ngày 15 tháng 4 năm 1924" (29). Nhờ vào những bổ nhiệm này mà có được hai người Trung Hoa làm giám quản trong số các vị khác cai quản các lãnh thổ Giáo Hội tại Trung Quốc và vị khâm sứ Toà Thánh đã triệu tập được một Công Ðồng toàn quốc tại Thượng Hải ngày 15 tháng 5 đến 12 tháng 6 năm 1924. Tại Công Ðồng này, nhiều vấn đề quan trọng được đem ra thảo luận, nhưng cảm tưởng đặc trưng cho thấy ngày của hàng giám mục công giáo bản địa tại Trung Quốc đã "bừng sáng" (30).
Dù vậy, cũng không có gì thay đổi xẩy ra cho đến cuối năm 1925. Nhưng tới năm 1926, thời sự dồn dập: ngày 28 tháng 2, thông điệp Rerum Ecclesiae được công bố, trong đó giáo hoàng Pie XI nhắc lại là nếu các chỉ thị của Toà Thánh về việc đào tạo các giáo sĩ được trung thực tiến hành "thì không có gì cản trở để các linh mục đã được đào tạo cầm đầu các giáo xứ và các giáo phận được thành lập ngay khi được Thiên Chúa phù hộ". Những tháng sau đó, có sáu linh mục Trung Hoa được Roma bổ nhiệm cầm đầu các chuẩn giáo phận (vicariat apostolique) và giáo hoàng Pie XI mời các vị đó tới Roma để chính tay giáo hoàng tấn phong. Lễ phong chức được cử hành tại Vương Cung Thánh Ðường thánh Phêrô ngày 28 tháng 10 năm 1926, ngày lễ các tông đồ Jude và Simon. Biến cố này có tiếng vang rất lớn. Các tân giám mục đi viễn du nhiều nước Âu Châu làm cho ảnh hưởng của buổi lễ ở Roma kéo dài thêm mãi, và đã tô đậm nét trong trí óc nhiều người nhậy cảm, thấy được cái chiều kích lịch sử của một sự kiện mở đầu thực sự cho một kỷ nguyên mới.
Mong rằng cử chỉ của giáo hoàng Pie XI không là một hành động đơn lẻ. Ðiều mong muốn này là hiển nhiên. Ngài đã vượt qua được một hạn chế, và tương lai của Giáo Hội ngoài thế giới Tây Phương đã thật sự được định hướng: thời kỳ những "sứ vụ truyền giáo ngoại quốc" đã chuyển sang giai đoạn các "Giáo Hội non trẻ". Nhưng bước chuyển tiếp này còn đòi hỏi một quá trình dài hạn nữa. Vào thời đó, trong niềm vui phấn khởi về những thực hiện buổi đầu, không ai có thể nghĩ là việc bổ nhiệm một giám mục bản xứ, và việc trao trách nhiệm cho hàng giáo sĩ địa phương đã đánh dấu một cách quyết liệt cái mà các nhà truyền giáo học gọi là "việc thiết lập Giáo Hội" (la plantation de l'Eglise); Phải xích lại thời gian, chúng ta ngày nay mới nhìn rõ rằng: việc thiết lập Giáo Hội thật quan trọng, coi như một điều kiện tiên quyết để Giáo Hội bén rễ sâu vào lòng một dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Ðiều kiện cần thiết đó phải được chu toàn đầy đủ. Nếu trong thời gian đầu bán thế kỷ XX, môn truyền giáo học chú tâm định nghĩa sứ vụ truyền giáo bằng cách thiết lập Giáo Hội, thì, mới đầu do một phản ứng lành mạnh và cần thiết để chống lại cái quan niệm cá nhân về việc cứu rỗi, và về đời sống Kitô giáo mà ta đã nói ở trên. Người ta coi việc mở rộng hàng giám mục bản xứ như thế là quan trọng, không phải vì lẫn lộn giữa công cuộc truyền giáo và việc sắp đặt một cấu trúc Giáo Hội - tuy rằng, sự sai lệch này còn thấy ở một vài nhà truyền giáo học có đầu óc luật lệ hơn là nhà thần học. Nhưng trong trực cảm của các nhà truyền giáo nổi tiếng thời bấy giờ, thì đây là việc trao phó Phúc Âm cho những chứng nhân có giá trị nhất trong một dân tộc xác định; nghĩa là trao cho các tông đồ Kitô giáo xuất thân từ ngay ở dân tộc đó. Trên thực tế, là đem lại cho công cuộc truyền giáo cái phong độ đã có từ những thế kỷ đầu tiên. Nhưng cuộc cải tổ sâu rộng công cuộc truyền giáo mãi về sau mới được thể hiện... Việc thiết lập hàng giám mục Á Châu và Phi Châu như chúng ta vừa thấy còn ở giai đoạn đầu.
Vào năm 1926, như ta đã thấy, trước ý chí của Roma, không thiếu gì những người có thái độ ngập ngừng cho rằng Roma thiếu hiểu biết tình hình. Ðiều thận trọng phải chăng là nên chờ đợi trước khi tiếp tục, những kết quả của cuộc thử nghiệm đối với các vị giám mục đầu tiên không phải là người Phương Tây. Cả một khối văn liệu có tính cách luận chiến đã tìm cách "chứng minh" điều sai lầm của giáo hoàng Pie XI. Nếu sử gia không được bỏ quên điều ấy, thì tốt hơn là không nên lôi nó ra từ quên lãng, vì các sự kiện xẩy ra chẳng bao lâu lại dìm nó xuống thôi. Những kẻ bi quan hay nhút nhát không ngăn được sự tiến bộ.
Thế là Trung Quốc có 6 giám mục quốc gia vào năm 1926, và Ấn Ðộ có 5 vị. Năm sau, giáo hoàng Pie XI tấn phong vị giám mục Nhật Bản đầu tiên. Từ đây về sau, cứ mỗi năm người ta lại thấy nhiều lãnh thổ mới được giao cho các giám mục quốc gia ở Á Châu cai quản: vào 1928, hai vị người Ấn Ðộ và 6 vị người Trung Hoa; Năm 1930, thêm một vị người Ấn Ðộ; năm 1931: 3 vị người Trung Hoa, rồi 4 vị vào năm 1932, và một vị nữa vào năm 1933; cùng năm này, một giám mục đầu tiên người việt nam được tấn phong.
Năm 1930, người ta cũng còn thấy 2 sự việc khác rất quan trọng đối với Giáo Hội Ðông Phương: một giám mục người Ethiopie được tấn phong, Ðây là vị giám mục công giáo đầu tiên gốc Phi Châu, trong khi tại Ấn Ðộ, một giám mục giáo phái Giacôbê, cha Ivanios gia nhập Giáo Hội Công Giáo với một phần lớn các giáo sĩ và các tín hữu, nhờ vậy, đã thiết lập được một tỉnh Giáo Hội theo nghi lễ Malankar.
Chiều hướng đi chậm rãi, thận trọng nhưng quyết định. Những việc bổ nhiệm các giám mục quốc gia tại các nước Châu Á không còn là những việc riêng biệt nữa. Kể từ nay, nó là một phong trào đang tiến nhanh. Mới đầu còn giới hạn ở các lãnh thổ không nổi tiếng lắm, rồi lần lữa, người ta thấy các thị trấn quan trọng được trao cho các vị giám mục quốc gia: như Nam Kinh vào năm 1936, và Ðông Kinh năm 1937.
Lúc giáo hoàng Pie XI qua đời tháng 2 năm 1939, đã có 48 lãnh thổ truyền giáo (trong đó có 7 theo nghi lễ Ðông Phương) được giao cho các giám mục quốc gia: 26 vị ở Trung Hoa, 13 ở Ấn Ðộ (trong đó có 6 vị theo nghi lễ Ðông Phương) 3 vị ở Nhật Bản và 3 ở Việt Nam, 1 ở Tích Lan, 1 ở Ðại Hàn và 1 ở Ethiopie (nghi lễ Ðông Phương). Nhưng với việc giáo hoàng của thông điệp Rerum Ecclesiae ra đi, liệu phong trào trên có chùn bước không? Không, trái lại, nó tiến nhanh hơn, đồng thời còn mở rộng ra
Buổi đầu giáo triều, Pie XII đã loan báo chương trình về truyền giáo của ngài trong thông điệp Summi pontificatus ngày 20 tháng 10 năm 1939. Giáo hoàng đã tuyên bố trong thông điệp đặc biệt rằng : "Những ai đã đi vào trong Giáo Hội, cho dù họ thuộc bất cứ nguồn gốc, ngôn ngữ nào chăng nữa, họ phải được biết mình có quyền ngang hàng với các con trong nhà Thiên Chúa, nơi mà quy luật và an bình của Ðấng Kitô ngự trị. Ðể cho có sự tương hợp với các quy định bình đẳng đó, Giáo Hội đã quan tâm đến việc đào tạo một hàng giáo sĩ bản xứ xứng hợp với nhiệm vụ của họ, và gia tăng dần dần các giám mục bản xứ. Ðể thực hiện cụ thể những ý định đó của chúng tôi, chúng tôi đã chọn ngày lễ Chúa Kitô Vua sắp tới, để nâng lên hàng giám mục, ngay trên mộ hoàng tử các tông đồ (Thánh Phêrô), 12 vị đại diện các dân tộc hay nhóm các dân tộc rất khác nhau" (31).
Rõ nghĩa hơn lễ tấn phong năm 1926, lễ tấn phong năm 1939 đã nhấn mạnh tầm mức Công Giáo tính của Giáo Hội, và sự bình đẳng tuyệt đối của các thành viên Giáo Hội. Lần đầu tiên, phong trào tấn phong các giám mục bản xứ đã nới rộng ra ngoài hẳn các nước Á Châu có nền văn hoá cổ xưa, để tới các nước Phi Châu đen với các giám mục đầu tiên gốc người Ouganda, và một người khác ở Madagascar. Nhưng, một sự kiện khác còn có 1 ý nghĩa sâu xa hơn: Ðó là việc các linh mục quốc gia của các nước truyền giáo và các nhà truyền giáo Tây Phương tập hợp bên nhau xung quanh đức thánh cha; tất cả đều được tiếp nhận trong cùng một buổi lễ, cùng một phẩm trật, một nhiệm vụ và cùng nhận những lời khuyên răn như nhau. Việc chọn một linh mục địa phương vào chức giám mục ở Á Châu hay ở Châu Phi không còn là một "sự kiện" có chiều hướng khác thường, mà đã trở thành một sự việc đơn giản bình thường trong đời sống của Giáo Hội hoàn vũ. Trong lãnh vực này cũng như ở các lãnh vực khác, dĩ nhiên là thế chiến thứ 2 đã gây ra một sự suy giảm khá rõ. Nhưng đây chỉ là một dấu ngoặc trong một phong trào mà sự tiến triển chính trị tại Á Châu và Châu Phi sau thế chiến đã góp phần làm tăng nhanh hơn lên
Một vài điểm mốc có thể giúp đánh giá chiều hướng của sự phát triển liên tục này: Chúng ta đã nói ở trên là lúc giáo hoàng Pie XI qua đời năm 1939, nghĩa là 13 năm sau vụ tấn phong giám mục Á Châu đầu tiên, đã có 48 lãnh thổ Á Châu được trao phó cho các giám mục Á Châu hay gốc Phi Châu. Sau thế chiến vào năm 1945, tổng số trên mới chỉ có 51 vị. Nhưng năm 1951 khi cử hành lễ kỷ niệm 25 năm ngày tấn phong lịch sử năm 1926, thì tổng số trên đã lên đến 91 vị. Khi giáo hoàng Pie XII qua đời năm 1958, thì con số đó đã lên đến 139 vị. Tháng 12 năm 1961, trong khi triệu tập Công Ðồng Vatican II, có 162 tổng giám mục và giám mục chính toà là người Á Châu (126) và Phi Châu (36). Vào thời kỳ Công Ðồng kết thúc, tổng số lên tới 228 vị (160 người Á Châu, 68 người Phi Châu) (32).
Sự tiến triển trên đây đã hướng các công cuộc truyền giáo đến việc thiết lập các Giáo Hội địa phương. Ðây không chỉ là một phong trào thuần túy của Giáo Hội Công Giáo Roma, nhưng là một hướng đi rõ nét trong các công cuộc truyền giáo của các nhóm Kitô giáo khác. Thật vậy, các nhà truyền giáo Anh Giáo và Tin Lành cũng xuất xứ, nếu không phải chung một xứ sở thì cũng là ở cùng thế giới Tây Phương như các vị đồng nghiệp bên Công Giáo. Họ cũng bị thấm nhuần cái não trạng chung, và cùng một mặc cảm trịch thượng đối với các dân tộc không phải là Tây Phương. Cái quan điểm là Giáo Hội bị giảm sút mà ta nhận thấy nơi các nhà truyền giáo Công Giáo hồi đầu thế kỷ, thì cũng ở thời kỳ này, nó còn trầm trọng hơn nơi anh em tin lành. Ở đây, quan niệm cá nhân chủ nghĩa của công cuộc cứu rỗi lại còn mạnh hơn: "Những nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên chỉ hơi ý thức được là họ đã gây một tế bào mới mẻ và sinh động của một Giáo Hội toàn cầu. Họ nghĩ là họ chỉ liên quan trước hết đến việc cứu rỗi các linh hồn thôi" (33). Vả chăng sự lầm lẫn về triển vọng ở đây có thể tha thứ được: bị ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào mộ đạo và phái Thức Tỉnh (Réveils) nên các cuộc truyền giáo Tin Lành đều phát xuất từ sáng kiến riêng tư của các Kitô hữu nhiệt tâm. Các cuộc truyền giáo được tổ chức, tài trợ và điều khiển bởi các Hội Truyền Giáo. Nhưng lúc đầu, các hội này chỉ có một mối giây liên kết hết sức mảnh dẻ, thậm chí là không có tương quan nào với chính các Giáo Hội "Phong trào Tỉnh thức Phúc Âm" ở Mỹ Châu cũng như ở lục địa Âu Châu hay bên Anh Quốc. Sự thể này đã làm cho nhiều người thêm lo âu về việc rao giảng Tin Mừng đại quy mô và toàn cầu. Và, vì các Giáo Hội, mà phần lớn lại ngờ vực sâu xa về mọi hình thức nhiệt tình tôn giáo, nên sự nhiệt tâm truyền giáo mới mẻ hoàn toàn do các Hội tự nguyện" (34).
Từ lâu, Hội Truyền giáo mà các thành viên không nhất thiết là tất cả phải thuộc vào tôn phái Kitô giáo, có một sinh hoạt riêng tư và độc lập. Một chuyên gia về Anh Giáo đã tả tình trạng đó như sau: "Sự tách biệt giữa Giáo Hội và công cuộc truyền giáo đã bùng lên đến tột độ tại Ðức, tại Hòa Lan và Thụy Sĩ. Trong nhiều trường hợp, nhà truyền giáo được đào tạo tại một thể chế "đặc biệt", ở đó sự học tập không tới trình độ phẩm chất kinh viện giống như mức học tại các đại học và các kỳ thi ở đó cũng không được Giáo Hội công nhận.
Vì thế, các nhà truyền giáo được truyền chức không do Giáo Hội mà do Hội truyền giáo; còn về chức vụ thì không phải là thừa tác viên giảng dạy và cử hành các bí tích trong Giáo Hội, nhưng là "nhà truyền giáo", có một khái niệm thần học xa lạ trong Tân Ước. Khi vị đó về nghỉ phép tại sinh quán, các nhà truyền giáo không thể thuyết giảng trong bất cứ một thánh đường nào. Lý do, việc truyền chức của họ không cho họ quyền thừa tác vụ tại nguyên quán, họ chỉ là những viên chức của một tổ chức rộng lớn ở Âu Châu, phải tuân thủ các chỉ thị của tổ chức đó, và được tổ chức ấy trợ cấp tài chính; họ chịu trách nhiệm với tổ chức, và duy nhất chỉ tổ chức đó thôi; không lệ thuộc trực tiếp và không có trách nhiệm đối với bất cứ Giáo Hội nào. Dĩ nhiên là những tư tưởng và những triển vọng của các nhà truyền giáo ấy được giới hạn trong phạm vi "truyền giáo"; "Giáo Hội" hình như chỉ là một vấn đề xa xôi không mấy quan trọng" (35).
Vào cuối thế kỷ XIX, người ta cũng nhận thấy những hình thái tương tự, có khi quan trọng hơn nơi các tổ chức truyền giáo kitô khác: tinh thần tự cao, tự đại của Tây Phương, cá nhân chủ nghĩa trong thần học và tu đức học, sự phân phối vùng truyền giáo giữa các hội truyền giáo. Vậy, không có gì lạ khi thấy những hệ quả tất nhiên: "Thật rõ ràng là vào thế kỷ XIX phần lớn các nhà truyền giáo coi như được bảo đảm là họ sẽ ở đấy mãi mãi... họ rất chậm trễ trong việc công nhận những tài năng của các Kitô hữu bản xứ; cả cho những người đã được họ truyền chức làm thừa tác vụ, tất cả vẫn bị coi như những phụ tá thường của nhà truyền giáo" (36). Nói cho đúng thì Giáo Hội Anh Giáo tương đối sớm tấn phong cho các giám mục Châu Phi và Á Châu; không kể Samuel Adjai Crowther của xứ Nigeria mà lễ tấn phong ở Canterbury năm 1864 là một kinh nghiệm không tương lai, có một giám mục Anh Giáo người Ấn Ðộ được phong năm 1912, một vị người Trung Hoa năm 1918, và 2 vị người Nhật Bản năm 1922. Nhưng Stephen Neil (một giám mục truyền giáo Anh Giáo) đã nhận định là tất cả, kể cả người có tư cách nhất, hầu như cũng chỉ là những "đại diện giám mục" phụ tá các giám mục người Âu thôi. Ông kết luận: "trên thực tế, đấy là một sự đạt được phẩm tước - nhưng rất ít - nếu không nói là không có gì trong sự đạt được quyền bính" (37). Nói về việc chọn lựa vị giám mục Anh Giáo người Ấn Ðộ đầu tiên tên là V S Azariah, một nhân vật lỗi lạc, cũng tác giả trên cho hay là việc bổ nhiệm vị này đã bị các nhà truyền giáo và cả rất nhiều Kitô hữu Ấn Ðộ chống đối ác liệt (38). Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng : trong Giáo Hội Anh Giáo cũng như trong Giáo Hội Công Giáo Roma, các cộng đồng địa phương cần được cấu trúc chặt chẽ xung quanh một hàng phẩm trật có chức giám mục. Người ta có thể tự hỏi là sự tiến triển đi đến một Giáo Hội địa phương thật sự có trách nhiệm, liệu có thể xẩy ra khác hẳn tại các tổ chức truyền giáo khác không? Sự thực, người ta thấy xuất hiện rất sớm một số các nhân vật quan trọng đạo Tin Lành gốc Á Ðông, và sau này gốc Châu Phi, họ giữ một vai trò quan trọng vừa trên bình diện vùng, và cả trong những cuộc hội họp lớn giữa các nhà truyền giáo liên tôn. Trong hội nghị thế giới đầu tiên về sứ vụ truyền giáo tại Edimbourg năm 1910 có 1% đại biểu là những người ở các quốc gia của các Giáo Hội non trẻ. Nhưng họ đến, không phải là đại diện cho Giáo Hội của họ, mà là trong vai trò thành viên của những phái đoàn các hội truyền giáo (39). Nhưng, ở đây cần lưu ý là có một sự khác biệt quan trọng giữa kiểu "quân chủ" trong việc quản trị các Giáo Hội có phẩm trật giám mục, và kiểu "thượng tôn niên trưởng" (presbytérien ou synodal) là kiểu phần lớn của các Giáo Hội xuất phát từ các hội truyền giáo. Cái lối lãnh đạo tập đoàn này kêu gọi đến trách nhiệm của giáo dân cũng như các mục sư, và đưa đến việc mở rộng dần cho nhiều cộng tác viên, rồi đến các nhà lãnh đạo địa phương nữa. Dần dần, tuỳ theo sự trưởng thành của cộng đồng địa phương, các nhà lãnh đạo của họ sẽ nắm giữ vai trò, ngày một tăng thêm, trong việc điều khiển Giáo Hội; cho đến ngày hội truyền giáo hay Giáo Hội ngoại quốc đã tạo ra họ lên tiếng tuyên bố cho họ "tự trị". Trên thực tế, những tuyên ngôn tự trị đều xẩy ra sau thế chiến thứ hai và chỉ là chính thức bảo lãnh một trạng thái trưởng thành đã có từ ít lâu rồi.
Vào năm 1948, Hội nghị Ðại Kết các Giáo Hội được thành lập, trên số 147 các Giáo Hội có đại diện thì 25 Giáo hội Á châu và 10 Phi châu; Khi Ðại hội Ðại kết các Giáo hội họp lần thứ ba tại New Delhi năm 1961 đã có 33 Giáo hội Á châu và 28 Phi châu là thành viên của Hội nghị cũng ngang tước vị như các Giáo Hội Tây Phương cổ xưa.