CHƯƠNG I
PHẦN IV TỪ CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO ÐẾN CÁC GIÁO HỘI TRẺ
J. Bruls
NHIỆT TÌNH TRUYỀN GIÁO
TRONG THẾ KỶ XIX
CHƯƠNG I
NHIỆT TÌNH TRUYỀN GIÁO
TRONG THẾ KỶ XIX
Trong hoạt động truyền giáo của Kitô giáo, ngườì ta thấy có nhiều năng động nhất là vào thời đệ nhị bán thế kỷ thứ XIX. Sau một thời gian suy đồi vào cuối thế kỷ trước, ngay đầu thế kỷ XIX, đã thấy một sự đổi mới trong đời sống tôn giáo. Với sự ra đời của nhiều hội trợ giúp công cuộc truyền giáo, và nhờ họat động của đức giáo hoàng Grégoire XVI công cuộc truyền giáo đã được củng cố, đạt tới một nhiệt tình mới mẻ, và đi vào chiều kích thăng tiến.
Tinh thần phấn khởi đó, chắc chắn đã được thôi thúc bởI những hoàn cảnh bên ngoài Giáo Hội. Thật vậy, Âu Châu say mê công trình thám hiểm địa lý, tha thiết đến những vùng đất xa xôi của lục địa Phi, và phát giác ra những vùng đất mà từ trước đến nay không ai biết tới. Vào năm 1856, Semenov kết thúc mười năm thám hiểm vùng Trung Á, năm 1857 anh em Schlagintweit từ Turkestan và Hy Mã Lạp sơn trở về, vào năm 1866-1868, Doudart de Lagrée và Garnier thám hiểm đất Ðông Dương. Cuốn sách nhan đề "Kỷ niệm một cuộc hành trình trên đất Tartare, Tây Tạng và Trung Quốc" xuất bản vào năm 1851 của tu sĩ Huc dòng thánh Vicentê (Lazariste) đã kết hợp quan điểm nhà thám hiểm với quan điểm nhà truyền giáo. Ở Phi Châu, Richardson, Overweg và Barth đi thám hiểm vùng Soudan đến tận Tchad vào năm 1850-1854; Burton và Speke đi tới Tanganyika vào năm 1858; Speke và Grant phát hiện ra nguồn gốc sông Nil vào năm 1860. Ðồng thời Duveyrier đi khắp vùng sa mạc Ðông Sahara. Từ 1862 đến 1874 Rholfs thực hiện một loạt thám hiểm vùng Sahara và Nachtigal, rồi thăm miền Ðông Soudan vào những năm 1869-1871, Baker phát hiện hồ Albert vào năm 1864; Schweinfurt thám hiểm vùng Uélé vào năm 1870, Savorgnan de Brazza tiến sâu vào nội địa Gabon và phía dưới Congo vào năm 1875. Sau hết Cameron đã đi từ bên này qua bên kia vùng trung tâm của lục địa vào 1874-1875, rồi sau đến Stanley vào những năm 1874-1877. Ðấy chỉ là kể những cuộc thám hiểm chính, còn nhiều cuộc thám hiểm khác được thể hiện trong suốt thế kỷ, nhưng như thế đã đủ cho thấy tầm phong phú của công trình thám hiểm địa lý.
Lời kêu gọi tiêu biểu nhất vào thời đó, là chuyến viễn du của nhà truyền giáo kiêm thám hiểm David Livingstone (1813-1873) đã vang động khắp Âu Châu. Cuốn sách "Cuộc viễn du truyền giáo và thám sát vùng Nam Phi Châu" của ông xuất bản năm 1857, đã dội lên một sự phấn khởi thực sự. Sau khi kết thúc cuộc thám hiểm lớn đầu tiên vào năm 1856, ông viết cho một người bạn như sau: "Tôi không lấy gì làm tự hào đã làm trọn công việc mà theo tôi biết, nó cũng chưa được hoàn tất khi đi xuyên qua lục địa, vì cái kết thúc công cuộc thăm dò địa lý đó, chỉ là bước đầu của công cuộc truyền giáo. Mong rằng Thiên Chúa ban cho tôi có đủ thời gian làm tốt hơn nữa cho cái đất Phi Châu nghèo nàn này" (1). Nói trước Hội hoàng gia địa dư, cơ quan tài trợ cuộc thám hiểm của ông năm 1858, ông không ngần ngại phát biểu mục đích chung cuộc của ông "là truyền đạt cho các sắc dân của vùng này những hiểu biết về Kitô giáo, và những lợi ích vô giá của tôn giáo này" (2).
Nói chung, toàn bộ các cuộc thám hiểm không hẳn nhằm mục tiêu truyền giáo như vậy. Lúc khởi đầu, là những mục đích khoa học, rồi trở thành mục đích kinh tế, chính trị. Nhưng mọi cuộc thám hiểm đều gợi lên cho con người mối xúc cảm về những vùng đất với các sắc dân, mà từ trước đến nay chưa ai biết đến, và đôi khi chúng phanh phui những hành động dã man của những vụ buôn nô lệ, và nhất là nói lên cho thế giới biết cảnh đói nghèo của những dân tộc Phi Châu. Chúng đánh động lương tâm người kitô giáo thời đó, như một lời kêu gọi khẩn cấp: phải đi "Truyền giáo tại nước ngoài"
Ngoài ra công cuộc này có lợi thế là nhờ vào sự phát triển kỹ thuật chuyên chở đường biển, với sự ra đời của nhiều công ty hàng hải như công ty Cunard Line, do người Anh thiết lập năm 1839, công ty Hamburg- Amerikanische của ngườI Ðức thành lập năm 1847, và công ty Compagnie générale transatlantique của ngườI Pháp ra đời năm 1855. Nhờ con sông đào Suez hoàn thành vào năm 1869, con đường đi sang Châu Á đã rút ngắn hết sức. Việc đi lại của các vị thừa sai trở nên thuận lợi hơn trước nhiều. Ngoài ra, dưới thời đệ nhị đế chế, các thừa sai Pháp giữ một tỷ lệ đáng kể so với tổng số các người theo đạo Công Giáo, và các ngài di chuyển bằng đường thủy vừa thuận lợi, vừa rẻ tiền. Mặt khác, những nước lâu nay vẫn chống đối việc các nhà truyền giáo vào đất họ, từ nay đã mở cửa biên giới cho phép các nhà thừa sai định cư và hoạt động. Vương quốc Xiêm La đã mở cửa vào những năm 1855 - 1856, vương quốc An Nam năm 1862, nước Cao Miên năm 1867. Riêng đế quốc Trung Hoa, khoan nhượng tôn giáo từ năm 1844, tiếp theo là ký hiệp ước Thiên tân năm 1858, cho phép tự do tín ngưỡng, và cho phép các nhà truyền giáo Kitô định cư, rồi nới rộng quyền tự do hoạt động vào năm 1860. Nước Cao Ly cũng đi theo đường đó từ năm 1886. Còn Nhật Bản, vua cho phép xây cất nơi thờ tự và cho người ngoại quốc cử hành việc phụng tự từ năm 1858. Tuy nhiên dân Nhật còn bị cấm gia nhập Kitô giáo cho đến năm 1872, mới có sắc lệnh cho phép họ hưởng quyền tự do tôn giáo, và các nhà thừa sai được đi lại trong nước. Những sự khoan nhượng đó không phải tự nhiên mà được đâu! Nhiều khi vì những áp đặt rộng lớn của các cường quốc Tây Phương: giao thương buôn bán, và chấp nhận ảnh hưởng Tây Phương. Ðương nhiên, các nhà truyền giáo rất hồ hởi về những thời cơ thuận lợi, nhưng các ngài luôn phải dè dặt và khôn khéo trong mọi hoạt động truyền đạo.
Ðồng thời, công cuộc bành trướng thuộc địa của Âu Châu bắt đầu thực hiện trên đất Phi Châu, Châu Ðại Dương và một vài nước Á Ðông như Ấn Ðộ, Ðông Dương, Nam Dương. Nó đem lại trật tự, an ninh, giúp cho việc xâm nhập và hoạt động của các vị thừa sai được dễ dàng. Các ngài đã khôn khéo xử dụng mọi ưu thế cho công việc truyền giáo. Các ngài đã thu lượm nhiều kết quả quá mức mong đợi.
Những hoàn cảnh bên ngoài quan trọng như vậy, đã giúp cho công việc truyền giáo duy trì sức năng động trong suốt đệ nhị bán thế kỷ XIX. Yếu tố quyết định cơ bản nhất vẫn là sự gia tăng nhân sự, sẵn sàng phục vụ công cuộc truyền giáo. Ðời sống tôn giáo bắt đầu đổi mới kể từ đầu thế kỷ, đến nay trổ sinh nhiều kết quả: từ năm nọ đến năm kia, số tu sĩ truyền giáo tiếp tục gia tăng, thêm sức sống mới cho những vùng truyền giáo cũ, và thiết lập thêm những địa điểm truyền giáo mới. Nhưng sự kiện đặc trưng nhất là sau năm 1850, một loạt những tổ chức riêng tư đã được thiết lập nhằm mục đích hỗ trợ những hoạt động truyền giáo: Kể từ đầu thế kỷ XVII, hội Truyền giáo nước ngoài của Paris, là hội chuyên truyền giáo duy nhất, mãi về sau, Libermann mới thành lập vào năm 1841-1848 dòng Thánh Linh (Congrégation du Saint Esprit). Từ đó, các tổ chức truyền giáo liên tục ra đời ở khắp nơi: hội truyền giáo Milan (1850), các nhà truyền giáo của Thánh Tâm (1854), hội truyền giáo Châu Phi ở Lyon (1856), tu viện Thánh Tâm Vô Nhiễm Ðức Mẹ Maria gọi tắt là Scheut (1864), các cha ở Mill-hill (1866), hội truyền giáo Châu Phi ở Vérone gọi là Comboniens (1867), các cha truyền giáo Châu Phi hay gọi là các cha Trắng (Pères blancs) (1868), hội Ngôi Lời (Société du Verbe divin) (1875), các tu sĩ dòng Biển Ðức (Bénédictins) ở Sainte- Odile (1884), hội truyền giáo tại ngoại quốc ở Parme (1895), hội Thánh Giuse ở Baltimore (1892), hội truyền giáo Thụy Sĩ ở Bethléem (1896), các nhà truyền giáo Consolata ở Turin (1901), hội các nhà truyền giáo Mỹ Quốc tại ngoại quốc có tên Maryknoll (1911). Như vậy là có một phong trào lan rộng tăng trưởng tại hầu hết các nước công giáo. Kết quả của việc này, không phải chỉ là việc gia tăng con số nhân sự, nhưng còn là việc quốc tế hoá nhân số truyền giáo mà trước đây, nước Pháp một mình cung ứng gần cả toàn bộ. Hơn nữa, đến năm 1900, cứ ba nhà truyền giáo công giáo, thì có hai người Pháp; đến năm 1946, các người quốc tịch khác gia tăng cống hiến thêm, nên người Pháp chỉ còn độ hơn 30%.
Vả lại, đua tranh với phong trào truyền giáo của ngườI công giáo, các Giáo Hội Tin Lành cũng lo phát triển phong trào truyền giáo của họ. Phong trào truyền giáo của tin lành đã có trước 1850 nhưng không nổi bật mấy, bây giờ mới được thúc đẩy phát triển vớI nhiều hội đoàn truyền giáo mới thành hình: đó là những hội truyền giáo Ecosse (1856), Thụy Ðiển (1856), Phần Lan (1858), Hoà Lan (1858) và Hoa Kỳ (1894). Hơn thế, để đáp lại lời kêu gọi của Livingstone, hội Universities Mission to Central Africa đã ra đời năm 1858, và ông James Hudson Taylor đã tổ chức hội China Inland Mission (hội Truyền Giáo trong nội địa Trung Quốc) vào năm 1865. Cũng vào thời điểm trên, hội Truyền Giáo của Chính Thống Giáo (Société missionnaire Orthodoxe) được thành lập tại Saint Pétersbourg (1870).
Có một sự đóng góp khác mà hậu quả rất quan trọng, vì nó tăng cường nhân số các nhà truyền giáo, cả về số lượng, cả về chất lượng. Từ trước đến nay, trên thực tế, công cuộc truyền giáo là một hoạt động của nam nhân, và hầu như chỉ toàn là các linh mục. Kể từ nay, sẽ có thêm, với con số ngày một quan trọng, những tu viện mà tu sĩ không phải là linh mục, đó là các sư huynh chuyên về học đường hay về bệnh viện v...v... Ðiều mới mẻ hơn nữa là các nữ tu cũng xuất hiện trên tất cả các vùng truyền giáo, đột ngột phá rộng cái kẽ hở mà Mẹ Javouhey đã can đảm xé rào vào năm 1824. Ngay cuối thế kỷ XIX đã có 44000 nữ tu người Âu "từ bỏ mọi sự và hy sinh tất cả" để dấn thân chia sẻ những công việc vất vả của các tông đồ Ðức Kitô. Họ khai mở và điều khiển nhiều trường học, nhà thương, viện mồ côi, nhà tế bần, phòng phát thuốc v.v… Cha Louvet đã lên tiếng tán tụng, khen ngợi những hoạt động hữu ích và ý nghĩa truyền giáo của các nữ tu, và cha kết luận: "Thật là đẹp, thật là anh dũng! Ðây sẽ là một điểm vinh quang cho thế kỷ XIX, và là một niềm vinh dự không thể truyền đạt được của Công Giáo" (3).
Dĩ nhiên vai trò hữu hiệu và quý giá của các nữ tu không phải là duy nhất, vì bên cạnh họ còn có nhiều phụ nữ tin lành dấn thân và giữ vai trò tích cực trong công việc truyền giáo. Thật ra họ hiện diện từ lâu rồi, nhưng như Stéphen Neill nhận xét: "Họ là vợ của các nhà truyền giáo hơn là các nữ truyền giáo". Ðó là một sự phân biệt rất quan trọng. Mãi đến giữa thế kỷ XIX, tất cả các hội Truyền Giáo Tin Lành, cũng như Công Giáo Roma mới bắt đầu cử các thiếu nữ không kết hôn ra đi... Cuối thời kỳ này, số phụ nữ đi truyền giáo trội hẳn lên hơn số nam nhân (4). Sức mạnh của nhiệt tình truyền giáo ở thế kỷ XIX là khơi động toàn bộ dân Kitô giáo. Nhiều ơn Thiên triệu đã nẩy sinh trong các cộng đồng Kitô hữu, được đánh động bởi những lời kêu gọi: ‘Thế giới cần được rao giảng Tin Mừng’. Các cơ sở truyền giáo có thể gia tăng và mở rộng nhờ sự tận tâm của các thừa sai, được hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất của toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Các công trình trợ giúp công cuộc truyền giáo mà nhiều đơn vị chính đã có từ đầu thế kỷ, nay dần dần xâm nhập vào tất cả các nước Kitô giáo, và được bổ sung bởi nhiều tổ chức khác: B. Arens kiểm kê cho thấy có 252 tổ chức được thành lập từ 1850 đến 1924 ở trong nhiều nước Âu Châu và Mỹ Châu (5). Ðặc biệt phải kể đến Hội Thánh Phêrô tông đồ gúp các tu sĩ bản xứ (Oeuvre de Saint Pierre Apôtre pour le clergé indigène), được thành lập tại Paris vào năm 1889, do các Bà Bigard, rồi đến tổng hội truyền giáo giúp hàng giáo sĩ (Union missionnaire du clergé) do cha Paul Manna lập ra tại Milan năm 1916. Cả hai tổ chức sau này được Roma kể vào hàng các Hội giáo hoàng truyền giáo, đứng ngang hàng với Bộ Truyền Bá Ðức Tin và Tổ chức Thánh Trẻ (Sainte Enfance).
Những món tiền mà các tổ chức nói trên thu được để giúp các công trình truyền giáo là những món tiền lớn (Trong thời gian từ 1822 đến 1829, số tiền thu được và gửi về Bộ Truyền Bá Ðức Tin là 564.416.311 phật lăng vàng). Nhưng còn quan trọng hơn và phải nhấn mạnh đến, là ảnh hưởng mà các công trình trên đã làm nẩy sinh trong đám dân Kitô giáo, đó là dân Chúa rất tha thiết đến công cuộc truyền giáo. Về phương diện này, rất nhiều tạp chí do các công trình trên, hay các viện truyền giáo xuất bản vào thời đó đã quan tâm đặc biệt và đã phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, người ta có thể chê trách các tạp chí đó đã thêu dệt các cuộc truyền giáo cho có vẻ hấp dẫn ngoại lai, và nhất là đã góp phần vào việc reo rắc, truyền bá những ý niệm bi quan về các dân tộc, và về tín ngưỡng của họ. Dầu vậy, các tạp chí đó thường được coi là phương tiện tối hảo để mở rộng triển vọng của các kitô hữu Âu Châu, và để cho những người lớn, trẻ con, giáo dân, linh mục, người thường, các nhà trí thức nhận ra trách nhiệm tông đồ của họ, đối với cái thế giới mà Phương Tây mới tiếp xúc. Cơn sốt thăm dò địa lý như thế đã tăng dội lên gấp đôi với chiều kích Kitô giáo của nó. Nhân số nhiều, hành động truyền giáo được sự trợ giúp của tất cả Kitô hữu. Sứ vụ tông đồ trên thực tế, lại trải dài trên khắp mọi vùng trái đất. Tất cả những sự kiện này cần có một tổ chức chắc chắn, vận dụng bố trí những cấu trúc từ giáo triều. Dưới triều đại của các giáo hoàng Pie IX (1846 -1878) Léon XIII (1878-1903) và Pie X (1903-1914), người ta thấy lãnh thổ của các giáo sĩ, các tông tòa, nhất là các phủ doãn tông tòa, đôi khi là các giáo phận, đã tăng lên nhanh chóng. Về mặt tổng quát, rất khó so sánh số lượng vì danh sách các "xứ truyền giáo" thay đổi nhiều lần: nước Anh ở trong danh sách đó cho đến 1850, Hoà Lan đến 1853, Bắc Mỹ đến 1908, vùng Cận Ðông đến 1917 v.v… Nếu chỉ giới hạn ở những vùng thuộc bộ Truyền Bá Ðức Tin từ 1850 đến ngày nay, người ta có thể đưa ra một vài thí dụ về hiện tượng gia tăng các lãnh thổ thuộc Giáo Hội. Như tại Châu Phi, vùng Nam Sahara vào năm 1850, hoàn toàn nằm trong hai đại diện tông toà, là giáo phận của "Hai Guinées" và giáo phận "Trung Phi", năm mươi năm sau, người ta đếm được 61 lãnh thổ. Cùng thời gian đó, Trung Quốc tiến lên từ 16 đến 39 lãnh thổ; Ấn Ðộ từ 4 lên 27; Châu Ðại Dương từ 11 lên 22. Một vài con số đó đủ chứng minh tầm phát triển của việc tổ chức các công cuộc truyền giáo đạo Kitô vào bán thế kỷ XIX. Trong việc bố trí các cấu trúc, người ta nhận thấy nhiều kết quả đáng chú ý: công cuộc truyền giáo mới mẻ của các cha dòng áo Trắng ở Ouganda vào năm 1886 tạo ra một trang sử hiển hách, vinh quang của các vị tử đạo đầu tiên ở Châu Phi, khiến cộng đồng Kitô giáo phát triển nhanh chóng; tại Ấn Ðộ, hoạt động xã hội của cha Dòng Tên Constantin Lievens đã tạo ra ở Chota Nagpur kể từ 1885 một phong trào theo đạo đông đảo; tại Rwanda và Burundi, tác vụ rao giảng Tin Mừng đã tiến lên từ 1931 đến 1935, theo một tốc độ mà các nhà bình luận không ngần ngại viết là Thánh Linh đã thổi một cơn "gió lốc" (6). Ở chỗ khác, có thể là kết quả kém ly kỳ hơn; nhưng ở nhiều nơi, nó cũng diễn ra theo một chiều hướng tiến bộ tương tự.
Sự bành trướng phổ quát của Kitô giáo được sách báo văn liệu thời đó tán dương, ca tụng rất nhiệt tình, theo như những dòng chữ hoan hỷ của giám mục Le Roy, bề trên dòng Chúa Thánh Thần viết năm 1922: "Trăm năm trước đây, các công cuộc truyền giáo bị lụn bại. Ngày nay, tất cả đều được phục hồi, mọi nơi đều thịnh vượng với hàng triệu tân tòng công giáo tập họp xung quanh vị đại diện Ðức Giêsu Kitô. Các bạn hãy đi về phương Ðông, vào sâu Trung Quốc và Mãn Châu, đi đến Ðại Hàn, Tây Tạng, qua sa mạc Tartarie cũng như vào những thành phố lớn và những xóm làng nhỏ bé ở Ấn Ðộ, Tích Lan, Nhật Bản và ngay cả vùng Sibérie nữa; qua Mỹ Châu rồi đi tới mũi Alaska xuống Ðất Lửa (terre de feu); Hãy lần lượt ghé vào các đảo vùng Ðại Dương; Sau hết đi một vòng đại lục địa đen, rồi đi ngang từ Ðông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Bạn đừng quên chuyện này: trên đường đi của bạn có thể là giữa những khối đông người ngoại giáo, nhưng ở khắp nơi, bạn có thể sẽ thấy một người mà vừa gặp bạn, họ liền làm dấu Thánh Giá, rồi họ ca hát với bạn kinh Tin Kính bất diệt về Ðức Tin công giáo của chúng ta" (7).
Niềm tin đó hiện nay là đi "đến tận cùng trái đất" để hoàn thành sứ vụ truyền giáo do Ðức Kitô ủy nhiệm, không phải chỉ riêng người công giáo nhận lãnh đâu. Người ta biết câu nói nổi tiếng của ông John Mott (1865-1955), người Mỹ thuộc giáo phái Méthodiste, trong cuốn "Tác vụ rao giảng Tin Mừng trên thế giới trong thế hệ này" (The Evangelization of the World in this Generation), đã trở thành nét chỉ đạo của sứ vụ truyền giáo Tin Lành vào cuối thế kỷ XIX. Bình luận tầm ảnh hưởng của khẩu hiệu đó, Stephen Neill viết: "không phải là phi lý khi thấy sức mạnh về nhân số các nhà truyền giáo Tây Phương tăng lên gấp ba trong vòng 30 năm, khi cũng trong thời kỳ đó, Giáo Hội ở nhiều vùng đã tăng lên gấp đôi, và số các tông đồ Kitô trong nhiều quốc gia đã tăng lên gấp bốn lần" (8).
Sự nhiệt tình trong công cuộc phải hoàn thành bấy giờ, vừa hướng về sứ vụ truyền giáo, vừa hướng về việc khai thác thuộc địa. Khía cạnh tốt nhất của sự nhiệt tình đó là, muốn đem truyền bá cho tất cả các dân tộc trên trái đất, đức tin công giáo và nền văn minh Tây Phương mà họ coi là giá trị nhất. Thế mà, theo sự nhận xét của K.S Latourette thì: "Những phong trào kỳ diệu đó đã canh tân nhân loại, và nó có nguồn gốc cùng sự tăng trưởng vượt bực trong lãnh thổ Kitô giáo, một vùng ảnh hưởng Kitô giáo rất mạnh, và các dân tộc, các quốc gia ở đó thường được gọi là Kitô hữu. Trong thời kỳ mang đầy hy vọng đó, có những Kitô hữu đã nhấn mạnh rằng: những phong trào đó là một kết quả ngay lành hiển nhiên của Phúc Âm" (9).
Còn một điều được minh họa cách đặc biệt lạ lùng là cuộc vận động chống chủ trương chế độ nô lệ, dưới sự bảo trợ của giáo hoàng Léon XIII, của hồng y Lavigerie vào năm 1888. Ðể chấm dứt tai họa tàn phá Châu Phi đen, Giáo Hội đã kêu gọi các quốc gia Âu Châu và các chính phủ của họ hãy tìm cách hãn ngữ những hành động dã man ‘buôn người’. Năm 1890, các chính phủ liên hệ đã ký kết ở Bruxelles một định ước chống chủ trương nô lệ. Ðịnh ước lặp lại những ý kiến của Lavigerie đề nghị và khuyến cáo việc "tổ chức dần dần những cơ chế tôn giáo của các nước văn minh". Công cuộc truyền giáo và công cuộc khai thác thuộc địa hỗ trợ lẫn nhau, công cuộc trên là giúp cho công cuộc dưới biết xử trí nhân đạo, kính trọng nhân phẩm, và ngược lại công cuộc dưới bảo vệ và giúp đỡ công việc trên. Mọi nhiệt tâm truyền giáo của đạo Kitô "đã đem đến cho những tham vọng khai hóa của Âu Châu phần tinh thần mà trên thực tế chúng thật sự thiếu thốn" (10).
Nhưng các nước Âu Châu đã gạt bỏ ảnh hưởng của Giáo Hội. Ðức Léon XIII đã cố gắng cho thấy: Giáo Hội và Nhà Nước là hai quyền lực khác nhau, tuy nhiên một xã hội hài hoà không thể thành hình nếu không có phần đóng góp của Giáo Hội, là cơ quan bảo trì Phúc Âm. May mắn là công cuộc khai thác thuộc địa đã nêu bật một kinh nghiệm ai cũng nhận thức dễ dàng: không có Giáo Hội thì không một nền văn minh giá trị nào có thể hình thành được. Bị đặt vấn đề nghi ngờ ở Âu Châu, sự cộng tác mà người ta mong muốn giữa Giáo Hội và Nhà Nước lại được lập lại, và những kết quả cho thấy, ngay nơi các dân tộc Âu Châu, cái tính chất tốt lành đối với bất cứ xã hội con người nào trong ý niệm chính trị, đã được đức Léon XIII bênh vực trong Inscrutabili (1878); Immortale Dei (1885) và trong nhiều tài liệu khác. Việc khởi xướng ra chiến dịch chống chủ trương nô lệ, đã làm cho sự kiện ấy nổi bật lên. Mối đồng tâm giữa công cuộc truyền giáo và công cuộc khai thác thuộc địa đều cùng ở trong một viễn tượng như thế.
Thời kỳ đệ nhị bán thế kỷ XIX đã cho ta thấy phong trào truyền giáo vươn lên với một sức năng động, và một sự phát triển chưa từng thấy. Tuy nhiên, nhiệt tình đó lại có dấu vết hoàn toàn nước đôi, bởi nó nằm trong bối cảnh bành trướng toàn diện trên thế giới của các nước Tây Phương, và nó lại chấp nhận mối liên hệ mà bối cảnh này đặt ra - hầu như không tránh được - giữa công cuộc truyền giáo và công cuộc khai thác thuộc địa. Cái mối ràng buộc này là hữu ý, vì những lý do lịch sử hiện đại của Giáo Hội Tây Phương. Là những người sống trong thế kỷ của mình, hầu hết các nhà truyền giáo không nhận thức được tính chất nước đôi đó
Nhưng, dần dần, sự kiện truyền giáo đã khiến người ta phải suy nghĩ sâu sắc, giúp đổi quan điểm đó. Công trình nghiên cứu phát sinh trước tiên là do giới Tin Lành, vì tính chất "riêng tư" của các vụ khởi xướng truyền giáo, nên bắt buộc họ phải tìm kiếm một chứng minh bằng thần học. Kể từ đệ nhị bán thế kỷ XIX, việc nghiên cứu khoa học về các cuộc truyền giáo được thực hiện tại các trường đại học Tin Lành. Tại Ðức, ngay từ 1864 với Karl Graul ở Erlangen, 1867 ở Bá Linh với Karl Plath, và nhất là với Gustav Warneck (1834-1910) ở Halle vào năm 1897. Tại Anh, Duff giảng dạy kể từ 1867 ở Edimbourg. Rồi chính tại thành phố này, vào năm 1910, Hội nghị thế giới đầu tiên về sứ vụ truyền giáo Tin Lành được mở ra và có tầm quan trọng đặc biệt. Thật vậy, cuộc gặp gỡ đó đã làm nẩy sinh phong trào Ðại kết và Hội đồng Quốc Tế các tổ chức Truyền giáo (11) với tờ International Review of Missions (tạp chí Quốc Tế của các Hội Truyền Giáo). Sau đó, một loạt các cuộc hội họp quốc tế đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tiến triển các công cuộc truyền giáo Tin Lành.
Chính nhờ gương các nhà truyền giáo Tin Lành Ðức và nhất là Warneck, mà ngành Truyền giáo học hiện đại của Công Giáo ra đời với Robert Streit OMI (1875-1930) và Joseph Schmidlin (1876-1944). Nhờ sự cố gắng của các vị đó, Hội nghị công giáo ở Breslau đã quyết định vào năm 1911, thành lập tại trường đại học Munster, một viện với danh hiệu Internationale Institut fur missionswissenschaftliche Forschungen và viện đã phát hành một tạp chí đầu tiên về Truyền giáo học của Công Giáo lấy tên là Zeitschrift Fur Missionswissencchaft (12). Trong khi đó, Streit bắt tay vào một thư mục đồ sộ là Bibliotheca Missionum. Từ nước Ðức, phong trào lan dần đến các nước khác, dưới những hình thức và những nét khác nhau. Tại Bỉ, những tuần lễ Truyền Giáo học ở Louvain do cha Lalemand SJ sáng lập, đã được cha Pierre Charles SJ (1883-1954) điều hành từ 1925 đến 1953. Schmidlin ở Munster và Charles ở Louvain là hai vị thủ lãnh, nhiều khi chống đối nhau về Khoa Truyền Giáo học của Công Giáo giữa hai thế chiến (13).
Dưới ảnh hưởng của các trào lưu Truyền giáo học và của một vài giới có đầu óc sáng suốt, nhất là của các người công giáo, và nhờ vào hành động của các vị giáo hoàng nổi tiếng, công cuộc truyền giáo xác định được nét độc đáo và tính chất độc lập của mình.