CHƯƠNG IV
KITÔ GIÁO TẠI CHÂU MỸ LA TINH
SAU ÐỆ NHỊ THẾ CHIẾN.
CHƯƠNG IV
KITÔ GIÁO TẠI CHÂU MỸ LA TINH
SAU ÐỆ NHỊ THẾ CHIẾN.
1. GIÁO HỘI VÀ VẤN ÐỀ XÃ HỘI
Sau đệ nhị thế chiến, một trong những phương diện nổi bật của tình hình tại Châu Mỹ La Tinh là sự chú trọng ngày càng sâu rộng của hàng giáo sĩ đến thân phận những giai cấp bình dân, đến vấn đề công bằng xã hội được coi là mối ưu tư lớn lao hay sự ám ảnh triền miên của hàng giáo sĩ (1). Trong nhiều lý luận cắt nghĩa sự chuyển biến này, cái lý hiển nhiên nhất chính là sự thức tỉnh và chuyển động của quần chúng. Nếu giáo quyền đã không tự mình xác định thái độ đứng trước tình hình như thế, những tầng lớp bình dân với tiềm lực triển dương ngày càng mạnh, có nguy cơ bị giật dây bởi những đối thủ của Giáo Hội, những người cộng sản và những chính trị gia chuyên chống giáo quyền xuất thân từ những giai cấp trung lưu. Biến cảnh đáng sợ này đã trở thành hiện thực tại Guatemala với chính quyền của Jacobo Arbénz, tại A Căng Ðình trong suốt những giai đoạn cuối cùng của chế độ Juan Domingo Perón, và tại Cuba tiếp sau cuộc nắm quyền của Fidel Castro cuối năm 1958.
Những tầng lớp bình dân thị thành của Châu Mỹ La Tinh biểu lộ sự chuyển động sôi sục ngày càng lớn trong giai đoạn tiếp sau cuộc đệ nhị thế chiến, bởi vì chính thể phụ quyền, thiết lập từ đầu thế kỷ một phần nào nhờ có sự tái lập cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước, đã tỏ ra bất lực không thể hội nhập những thành phần ngoài lề xã hội ngày càng đông. Tỷ xuất tăng trưởng dân số Châu Mỹ La Tinh không còn là l,2% như hồi đầu thế kỷ. Nó đã tăng đến gần 3% trên toàn cõi lục địa, tỷ xuất cao nhất toàn cầu. Với sự di chuyển của dân quê lên thị thành, dân số thành phố càng tăng nhanh đạt tỷ xuất ở khoảng từ 4 đến 5% hàng năm, trong khi nền kỹ nghệ hóa được gia tốc và những tiến bộ kỹ thuật kéo theo cùng lúc sự gia tăng thất nghiệp và tình trạng thừa thãi nhân công, hiện tượng này xảy ra trong nhiều thành phố và tác động đến gần 40% nhân công thợ thuyền. Những sức ép xã hội ngày càng dồn nén và mức sống suy thoái của giai cấp vô sản thị thành khiến người ta phải tức khắc lưu tâm.
Cùng lúc với việc khởi sự chú trọng đến vấn đề xã hội, các vị lãnh đạo Giáo Hội tiến hành khai triển một lối suy tư thần học mới. Lập trường được bênh vực bởi những người công giáo cải cách, giáo sĩ cũng như giáo dân, bao hàm sự xác tín thần học rằng: Sự đối nghịch giữa vật chất và tinh thần (rất được nhấn mạnh bởi những người thuộc phái tự do thế kỷ XIX đòi hỏi Giáo Hội phải từ bỏ khỏi mọi thế quyền) không thích hợp với bất cứ thực tại nào và phải xem con người như một toàn thể bất khả phân chia. Do đó các nhà trí thức công giáo xúc tiến việc xây dựng cơ sở thần học về sự cộng tác tích cực giữa Giáo Hội và Nhà Nước, đó là điều thiết yếu nếu người ta muốn chấm dứt những tước đoạt mà những giai cấp ngoài lề xã hội phải gánh chịu và nếu người ta muốn thiết lập những nền móng cho một nền an bình xã hội bền vững (2).
Trong hầu hết những nước thuộc Châu Mỹ La Tinh, giới giáo quyền bất đồng nhau trầm trọng về phương thức chuyên biệt nhất để thực hiện cải cách xã hội. Một số trong hàng ngũ giáo sĩ đặc biệt có uy thế tại Á Căng Ðình, tại Colombie, và tại Êquateur, quan niệm công bằng xã hội như là sự bành trướng của hoạt động từ thiện trong lòng một xã hội còn bị phân cấp và khép kín. Vả lại, đông đảo người công giáo khẳng định rằng cơ cấu cũ của xã hội đã bị lên án, và chủ nghĩa phụ quyền và sự từ thiện không bao giờ đủ để có thể kiềm chế các khối quần chúng bình dân. Họ dự kiến thời đăng quang của chủ nghĩa xã hội đa hợp đích thực, trong đó mọi giai cấp và mọi tập thể xã hội đều có quyền hành để bảo vệ quyền lợi chính yếu của mình và đều có những cơ may thụ hưởng các quyền lợi quốc gia trên căn bản bình đẳng tương đối. Nhưng vấn đề đã trở nên phức tạp hơn khi nhóm ý kiến thứ hai bất đồng nhau sâu sắc về điểm phải chăng những cải cách mà họ cổ võ nhiệt liệt phải được áp đặt từ trên xuống, mặc dầu phải trả giá bằng một cuộc cách mạng, hay là tìm cách biến đổi tuần tự những con người cá thể đang cấu thành nền tảng xã hội.
Từ sau đệ nhị thế chiến, một số đông các vị lãnh đạo Giáo Hội chủ trương rằng: một cơ cấu “chỉ huy” có chức năng chính yếu tái phân phối nguồn phú túc, có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề xã hội và hủy bỏ mọi bó buộc công nhân thợ thuyền phải chấp nhận những tước đoạt và cam chịu những hy sinh (3). Chính vì vậy, các vị lãnh đạo này không chú trọng về sự cần thiết phải gia tăng khả năng sản xuất và về ý nghĩa trách nhiệm kinh tế xã hội của những tầng lớp quần chúng lao động. Họ cũng không nghĩ đến phương diện mở mang chính trị nhằm thông truyền tiến bộ đến những phần tử ngoài lề xã hội từ bao lâu nay và khởi dẫn họ vào tiến trình tham gia chọn lọc những quyết định, trên bình diện chính trị bao quát cũng như trong lòng những hiệp hội bán tự trị.
Ngược lại, một số lớn giáo sĩ cố gắng chuẩn bị con đường đi tới hiện đại hóa bằng cách khích lệ những đức tính tự nhiên và tinh thần sáng tạo của kitô hữu trong guồng máy kinh tế. Về phương diện này, những giáo sĩ đó đã góp phần rộng lớn vào công cuộc phát huy chính trị. Nhiều hợp tác xã tín dụng, tiêu thụ, và nông nghiệp được gầy dựng dưới sự lãnh đạo của giáo sĩ đã tỏ ra đặc biệt hữu ích để huấn luyện người dân trong việc bảo vệ quyền lợi của họ và thực hiện vai trò của họ trong tiến trình chọn lọc những quyết định (4).
Trong những năm của thập niên 60, những giáo sĩ có khuynh hướng cải cách càng lúc càng gợi lên cái mà họ gọi là tiến trình “ý thức hóa”. Theo họ đó là một sự thức tỉnh lương tâm và phát huy ý nghĩa của sự tương trợ nơi những người công nhân thợ thuyền, bằng cách ý thức hơn về năng lực tiềm tàng của mình trong mức xây dựng định mệnh của bản thân và của xứ sở. Những người chủ trương tiến trình ý thức hóa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những động cơ thúc đẩy thuộc loại vật chất, diễn đạt không phải bằng những phạm trù cá nhân nhưng bằng những hình thức phấn đấu tập thể nhằm đến lợi ích chung và nhắm đến thời khai hoa một kiểu sống toàn hảo hơn cho mọi người trong tập thể xã hội. Hoặc là Giáo Hội, như trong quá khứ, muốn đòi hỏi quyền định nghĩa thế nào là lợi ích chung, hoặc là những linh mục muốn tìm mọi cách kiểm soát tiến trình ý thức hóa, cả hai đã làm cho các nhà quan sát nghi ngờ về những hoạt động của Giáo Hội và của linh mục nhằm khuyếch trương quyền lực trong phạm vi thế quyền giữa lòng một xã hội đang vươn lên.
Sự thay đổi thái độ trên bình diện xã hội và kinh tế, hệ quả tất yếu của nhãn quan về sự ý thức hóa, dường như bắt nguồn từ sự chuyển hướng của những nhà thần học. Trong quá khứ, Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh chăm sóc sự cứu rỗi trường cửu của những khối quần chúng bằng một nhiệt tâm mang tính phụ quyền; những linh mục được trao phú những quyền lực siêu nhiên vì chính lý do sứ vụ tư tế của họ, nhận định này làm lu mờ sáng kiến và những đức tính tự nhiên của giáo dân. Dẫu sao, từ sau đệ nhị thế chiến và cách riêng từ sau Công Ðồng Vaticanô II (1962-1965), một số lớn các nhà thần học Châu Mỹ La Tinh đã nhấn mạnh rõ nét vai trò của lương tâm cá nhân trong công cuộc theo đuổi ơn cứu độ. Vả lại, việc canh tân phụng vụ và những biện pháp đặt ra nhằm nâng cao qui chế giáo dân đã góp phần tạo thuận lợi cho sự tham gia tích cực hơn của mọi phần tử vào đời sống của Giáo Hội và triệt hạ những bức tường ngăn cách gây nên bởi cơ cấu tổ chức giáo quyền. Ðấy là những lãnh vực quan trọng mà sự chuyển tiến của thần học không phải là không có mối liên quan đầy ý nghĩa với những chuyển biến xã hội, chính trị và kinh tế.
Mặc dầu nhiều giáo sĩ thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển đời sống siêu nhiên và một chính sách phục vụ đại chúng, đa số trong giáo quyền vào đầu thập niên 70 đều quan niệm rằng: bổn phận thiết yếu của mình là truyền bá đức tin và cổ võ những nhân đức siêu nhiên. Theo quan điểm này, sự chuyên tâm vào những vấn đề trần tục dưới bất cứ hình thức nào đều có thể làm phương hại đến công việc theo đuổi thực hiện các mục tiêu chính yếu đã được qui phó. Rất có thể những vị này đã nhớ lại kinh nghiệm Giáo Hội phải đương đầu đối phó với chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX, rốt cuộc lại bị tước lột các phương tiện cần yếu cho việc thực thi chuyên biệt sứ vụ thiêng liêng. Ðứng trước kinh nghiệm lịch sử không thể tẩy xóa này, giáo quyền Châu Mỹ La Tinh tự nhiên có khuynh hướng tránh xâm nhập vào lãnh vực quyền lực thế trần khả dĩ gây khó dễ cho nhà đương quyền.
Bị lay động bởi những nhận thức về an ninh bản thân, và đôi khi cả về mối hy vọng xây dựng thành đạt một trật tự xã hội dễ sống hơn, một số đông đáng kể các giáo sĩ, thay vì chú trọng đến những tầng lớp quần chúng hạ đẳng, đã cố gắng biến Giáo Hội thành một nam châm thu hút đối với những giai cấp trung lưu và thượng đẳng. Trong hướng đó, để gầy tạo những mối tương quan tích cực năng động hơn với những thành phần lãnh đạo và có thế lực trong xã hội, trong nhiều nước Châu Mỹ La Tinh, Giáo Hội tiếp tục cống hiến một phần đáng kể lợi tức nghèo nàn của mình vào việc phát triển trường đại học công giáo (5), cũng như đã đầu tư những số tiền lớn vào ngành trung học nhằm gia tăng ảnh hưởng tông đồ. Tại Ba Tây, đại đa số những trường tiểu học thuộc quyền Nhà Nước (gần 87%), hầu hết những trường trung học (gần 67%) là những trường tư mà một phần quan trọng thuộc về các dòng tu (6). Tại Guatemala, các trường công giáo dạy dỗ 7,4% tổng số học sinh cấp tiểu học, nhưng tới 21,1% cấp trung học (7)
Trong hầu hết các nước Châu Mỹ La Tinh, nền giáo dục trung học và cao đẳng chỉ dành riêng cho những sinh viên xuất thân từ giai cấp trung lưu và thượng lưu, vì thế đương nhiên là những giai cấp hạ đẳng không được hưởng nhờ những cố gắng của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục. Khi thực hiện duy trì những định chế giáo dục cao cấp vốn truyền bá chương trình văn học cổ điển dành cho giới khá giả, Giáo Hội đã sao lãng khả năng khuyến khích công cuộc hiện đại hóa xã hội. Nhận định này đã khiến một số giáo sĩ đề nghị Giáo Hội nên rút gọn hệ thống giáo dục tư và khai thác thái độ khoan nhượng của chính quyền để đưa những linh mục và giáo dân vào các trường công lập, nhất là trong những trường đào tạo kỹ thuật và khoa học.
Suốt trong những năm của thập niên 50 và 60, hàng giáo sĩ Châu Mỹ La Tinh đồng tâm thắt chặt hơn mối liên hệ với những tầng lớp trung lưu và thượng lưu bằng những phương pháp khác đường lối giáo dục. Phong trào Cursillo (phong trào tĩnh huấn) và Opus Dei (mật hội gồm những linh mục và giáo dân thành lập tại Tây Ban Nha năm 1928, một loại dòng tu đang bành trướng mạnh) là những cố gắng hoạt động trong đường hướng mục tiêu trên. Những hoạt động của hội Opus Dei đã bị những người công giáo Châu Mỹ La Tinh công kích kịch liệt vì họ cho rằng quan tâm chính yếu của Giáo Hội phải hướng về đại chúng. Nhiều tu sĩ Dòng Tên cũng phê bình Opus Dei, vì những tu sĩ này lầm tưởng cho rằng hội Opus Dei là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng của họ trên những người tên tuổi của thế giới. Hiển nhiên, phương diện đặc thù nhất của hội Opus Dei trong bối cảnh của chủ thuyết công giáo truyền thống Tây Ban Nha, là tìm cách phối hợp nhân đức và ngay cả ân sủng của ơn cứu độ vào sự phát huy năng lực tư bản. Dẫu sao, theo những lý tưởng của hội Opus Dei, người ta kỳ vọng là thứ tư bản được giáo huấn này không chỉ phục vụ đời sống thoải mái của con người cá nhân mà còn phải cưu mang và xây đắp những lợi ích chung.
Mối bất đồng ý kiến trong giới giáo sĩ Châu Mỹ La Tinh về những vấn đề đặt ra bởi sự đối kháng giữa chủ thuyết đa hợp và chủ thuyết gia trưởng, giữa một cuộc cải cách phải tiến hành ngay lập tức và có uy lực áp đặt từ trên xuống, với một tiến trình thay đổi tiệm tiến khởi từ nền tảng đại chúng, giữa những giai cấp hạ đẳng và những giai cấp trung lưu kết hợp với giới thượng lưu... Mối bất đồng này gây nên nhiều tác hại trong hàng ngũ giáo dân. Ðó còn là nguyên nhân làm cho Phong trào chính trị dân chủ Thiên Chúa Giáo bị suy yếu nghiêm trọng.
2. PHONG TRÀO DÂN CHỦ THIÊN CHÚA GIÁO.
Người ta có thể nhận ra những nguồn gốc của nền Dân chủ Thiên Chúa Giáo trong một số những nước Châu Mỹ La Tinh, nhất là ở Pérou, Equateur, Guatemala và Venezuela, phát sinh từ những nhóm công giáo cực kỳ bảo thủ cổ súy giải pháp cho những vấn đề xã hội theo sát chủ nghĩa gia trưởng là chủ nghĩa được tuyên xưng bởi cánh hữu vào những năm của các thập niên 20 và 30. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1955, dưới ảnh hưởng của những lãnh tụ duy tân Chí Lợi, chế độ Dân chủ Thiên Chúa Giáo đã có chiều hướng chọn theo những lập trường mới còn tân tiến hơn những phong trào tương tự tại Âu Châu. Một số những lãnh tụ Dân chủ Thiên Chúa Giáo đòi hỏi những giải pháp cấp tốc và cách mạng cho những vấn đề xã hội. Từ khước chủ nghĩa gia trưởng, họ cổ súy một xã hội đa hợp mà giai đoạn đầu có thể gây ra những xung đột nghiêm trọng giữa những khối quần chúng bình dân với những giai cấp trung lưu và thượng lưu. Tái phân phối tài nguyên phú túc hơn là nâng cao sản xuất, đó là khẩu hiệu thường được đề cao và tự phụ như linh dược. Người ta cổ động cho một xã hội cộng đồng trong đó các bất đồng giữa tư bản và lao động bị xóa bỏ và dần dần loại trừ cơ cấu quyền tư hữu. Vào thời đó, những người Dân chủ Thiên Chúa Giáo tự coi mình là những người chủ xướng ra lực lượng thứ ba giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản tự do, họ công kích cả hai ý thức hệ đó với cùng một cường độ gay gắt.
Trong mười năm tiếp sau đó, và trong một phần lớn của Châu Mỹ La Tinh, những thành tố bảo thủ đầu mối của nền Dân chủ Thiên Chúa Giáo sau thời kỳ lu mờ, đã tỏ ra mình còn tồn tại. Một ít lâu sau năm 1960, những đại biểu khối thủ cựu lại xuất hiện giữa lòng chế độ Dân chủ Thiên Chúa Giáo và đã kkích động những chia rẽ trầm trọng trong các phái đảng Bolivie, Êquateur, Pérou và Guatemala (8).
Sau suốt những cuộc vận động bầu cử thắng lợi, bầu tổng thống và kế đó bầu quốc hội vào những năm 1964 và 1965, những người Dân chủ Thiên Chúa Giáo Chí Lợi đề xuất một chương trình có khuynh hướng còn bảo thủ hơn ý thức hệ của những năm cuối thập niên 50. Họ giảm thiểu lợi ích của sự tổ chức xã hội kiểu cộng đồng, nhấn mạnh trên sự sản xuất hơn là sự tái phân phối tài nguyên phú túc và họ truy tìm sự ủng hộ toàn diện của những giai cấp trung lưu và những nhóm tài chánh hùng mạnh, hạn chế việc công kích chủ nghĩa tư bản, lớn giọng hăm dọa về hiểm họa mác xít. Nắm chính quyền dưới nhiệm kỳ tổng thống Eduardo Frei, những lãnh tụ Dân chủ Thiên Chúa Giáo trung dung khó thực hiện chương trình của mình trước những công kích của các phần tử bất nhẫn, cách mạng và cổ vũ đấu tranh giai cấp. Chính do đó mà đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo bị xụp đổ, đưa đến cuộc toàn thắng của nhà xã hội thân cộng Salvador Allende trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1970. Vào năm ấy, nền Dân chủ Thiên Chúa Giáo tại Chí Lợi đi vào suy thoái nghiêm trọng, mặc dầu năm trước Rafael Caldera, lãnh tụ Dân chủ Thiên Chúa Giáo Venezuela đã thành công trong cuộc bầu tổng thống nước ông. Ngoài Venezuela và Chí Lợi, hào quang chính trị của nền Dân chủ Thiên Chúa Giáo vào đầu thập niên 70 đều tỏ ra yếu ớt (9).
Tuy vậy, phần số của Giáo Hội Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh không tùy thuộc vào sự đồng nhất và vào thắng lợi chính trị của những người Dân chủ Thiên Chúa Giáo. Dường như Giáo Hội có thể tiên liệu một sự đối xử thuận lợi thích đáng mà nhiều chính đảng khác dành cho mình. Ví dụ, đảng Acción Democrática của Venezuela trước kia kịch liệt chống giáo quyền, dưới thời Rómulo Betancourt (1959-1963) đảng này đã đi bước trước bằng cách xóa bỏ Patronato nacional và gia tăng tự do hoạt động cho Giáo Hội (10). Ngoại trừ những đảng phái thần phục tuyệt đối chủ nghĩa Mác xít, phần đông những tổ chức chính trị Châu Mỹ La Tinh cũng như đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo chấp nhận để Giáo Hội có một vai trò trong đời sống quốc gia và có một sự tự do tương đối. Ðiều này có lẽ phải được cắt nghĩa bởi một sự thể giản dị là những chính trị gia sau thời đệ nhị thế chiến, khác với những người của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX, đã nhìn thấy là tôn giáo chỉ có một sức mạnh tương đối thôi.
3. HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC CHÂU MỸ LA TINH (CELAM)
Khi chuẩn bị hành động trong một bối cảnh chính trị có nhiều thuận lợi hơn so với gần một thế kỷ về trước, Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh thấy mình được thừa hưởng những hệ quả bất ngờ của cuộc chiến đấu mà người ta quyết định theo đuổi vào những thập niên 50 để ngăn ngừa hiểm họa cộng sản.
Nhiều thừa sai công giáo, bị đuổi khỏi Trung Hoa ngay sau khi cộng sản nắm chính quyền, đã di nhập vào Châu Mỹ La Tinh. Thất vọng trước sự mềm yếu của Giáo Hội và sửng sốt trước sức mạnh bành trướng của những đối thủ, nhiều người trong họ lên tiếng báo trước là lục địa Châu Mỹ La Tinh sẽ chịu chung số phận như nước Trung Hoa trong một thời hạn ngắn nếu không có một hoạt động ngăn chống nào tức khắc. Roma lập tức đáp ứng trước những lời cảnh giác về mức độ khẩn thiết của cuộc khủng hoảng đó bằng cách thành lập một Ủy ban giáo hoàng cho Châu Mỹ La Tinh. Ủy ban này, thao thức thực hiện một phòng tuyến công giáo thống nhất, đã bỏ công lớn trong việc triệu tập Hội nghị Thánh Thể quốc tế vào năm 1955. Vào ngày bế mạc đại hội Thánh Thể tại thủ đô Rio de Janeiro, có cuộc họp chung của hàng giám mục Châu Mỹ La Tinh. Chính từ đây dự án thành lập CELAM (Consejo Episcopal Latino-Americano) ra đời. Cơ quan này qui tụ những đại biểu theo miền của hàng giám mục Châu Mỹ La Tinh (mỗi nước một giám mục đại biểu), là tiền thân của những “hội đồng” tương tự sẽ ra đời ở Phi Châu và những nơi khác. Ngay từ đầu, rất nhiều thành viên của cơ quan đều nhìn thấy CELAM như là biểu tượng vai trò của Giáo Hội trong đường hướng phù trợ sự hội nhập của Châu Mỹ La Tinh trong cộng đồng công giáo toàn cầu, không chỉ trên bình diện siêu nhiên mà còn trong mọi lãnh vực sinh hoạt nhân bản.
Là đại diện của hàng giám mục Châu Mỹ La Tinh, cơ quan này hoạt động nghiên cứu những vấn đề chung và soạn thảo những chương trình mục vụ. CELAM còn cộng tác chặt chẽ với hội đồng liên tu sĩ Châu Mỹ La Tinh cũng như với những trung tâm nghiên cứu khác nhau về tôn giáo xã hội được thành lập trên lục địa trong những thập niên 60. CELAM giữ liên lạc chặt chẽ với Ủy ban giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh tại Roma, đồng thời chú trọng hòa nhập hành động với các cơ quan khác ở Âu Châu và Hoa Kỳ để trợ giúp Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh (11).
Mặc dầu CELAM dường như từ nguyên thủy chấp nhận một nguyên tắc căn bản: không có cách nào khác để chống lại hiểm họa cộng sản hơn là gia tăng nỗ lực mục vụ theo kiểu mẫu trước kia nhằm hun đúc trong các khối quần chúng lòng nhiệt thành siêu nhiên cần thiết để giữ họ kiên trì trong hàng ngũ chiến đấu. Rất nhiều giám mục lại mau chóng thẩm định rằng nếu Giáo Hội muốn thực thi một công trình hữu hiệu dài hạn, Giáo Hội nên thẳng thắn đứng vào cùng một chiến tuyến bên cạnh những lực lượng chiến đấu khác. Trước hết, một vài giám mục cố sức thuyết phục các vị đồng nghiệp bảo thủ hãy nhất trí trong việc giải quyết các vấn đề xã hội tại Châu Mỹ La Tinh. Họ thành công rõ rệt qua việc dẫn khởi thực hiện những nghiên cứu xã hội kinh tế nghiêm túc. Hơn nửa, những cuộc hội nghị của CELAM biến thể thành những buổi trần thuyết có trình độ trí thức cao, chuyên nghiên cứu các trạng huống xã hội. Những chức sắc cao cấp quốc tế gồm nhiều giáo dân lần lượt đến chủ tọa những khóa họp trong đó có cả các giám mục tham dự với danh nghĩa là sinh viên (12). Cuộc hội nghị của CELAM tổ chức tại Mar-del-Plata, Á Căng Ðình, vào năm 1966 là một kiểu mẫu của đường hướng trên.
Ngày mà 670 tổng giám mục và giám mục Châu Mỹ La Tinh đến Roma để dự Công Ðồng Vatican II, đa số các ngài dường như không muốn nhẫn nhục trong vai trò thụ động. Tuy nhiên, một vài vị khôn khéo hơn, đã quyết định phải rút những kinh nghiệm đạt được từ hoạt động của CELAM và đề ra một nỗ lực đối phó chung trước những vấn đề trọng yếu được đề bạt vào chương trình nghị sự của các nghị phụ công đồng. Có khả năng sẵn sàng hơn trong việc thảo luận những vấn đề của thế giới hiện đại, bởi vì đã trải qua những khóa đào tạo của CELAM, nên đã cảm nhận được những thực trạng của thế giới. Các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã làm cho các quan sát sửng sốt về việc các ngài đoàn kết xung quanh những giám chức có óc canh tân trổi vượt, như Raoul Silva Henríquez và Manuel Larraín ở Chí Lợi, Helder Câmara và Eugenio Sales ở Ba Tây. Càng ngày các vị càng bỏ phiếu thường xuyên với một đa số áp đảo nghiêng theo chiều hướng tự do trước những vấn đề gai góc. Sau khi kết thúc Công Ðồng, hàng giám mục Châu Mỹ La Tinh bày tỏ rõ nét đường hướng muốn tự lập tự cường. Trong cung cách này, các ngài vận động được sự hiệp nhất mà Roma đã gợi ý cho các ngài từ khởi đầu, để bây giờ trong tinh thần tập thể mà đức giáo hoàng Paul VI khuyến khích, các ngài khẳng định một sự độc lập qui mô hơn đối với Roma.
Dưới nhiều hình thức, với sự thiếu bảo đảm của những vị bảo thủ và sự nhất quyết khá hung hãn của những vị tiến bộ, hàng giám mục Châu Mỹ La Tinh làm thất vọng ít nhiều các giới chức dưới quyền Roma. Một khi trở về sứ sở, các giám chức lại có khuynh hướng quay về chính sách bảo thủ dè dặt khi phải đối phó với những vấn đề địa phương nóng bỏng. Phong trào đại kết, sự bao dung tôn giáo, công cuộc đối thoại với những người Do Thái, Tin Lành và cả với những người cộng sản, những nhượng quyền cho giáo dân, niềm ưu tư thâm trọng về các tầng lớp đại chúng hơn là về nhóm người tinh hoa ưu tú, tất cả những đề tài trên có thể được cổ võ ở những nơi khác trên thế giới... Nhưng tại những xứ sở của các ngài, trong những giáo phận và tổng giáo phận riêng của các ngài, một đường hướng như thế thường là nguy hiểm cho các ngài.
4. SỰ THIẾU THỐN LINH MỤC.
Theo như nhận xét của các vị lãnh đạo Giáo Hội, nếu chủ nghĩa tự do được áp dụng sẽ gây ra cho Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh một số khó khăn, tuy thường ở vẻ ngoài hơn là trong thực chất. Xét tự nền tảng đã có một vấn đề căn bản hơn, đó là vấn đề thiếu thốn linh mục. Năm 1912, trong toàn Châu Mỹ La Tinh, một linh mục coi sóc 4480 dân cư. Năm 1960, tỷ lệ là một linh mục cho 5478 dân cư. Theo những dự đoán lạc quan nhất của thời đầu thập niên 60, tỷ lệ này sẽ suy thoái hơn với một linh mục cho 6800 dân cư. Vả lại, trong những nước quan trọng như Á Căng Ðình, Chí Lợi hay Mễ Tây Cơ, con số chủng sinh không tăng song song với mức tăng dân số. Chỉ có ở Paraguay, ở Pérou và ở Colombie con số chủng sinh tăng nhanh hơn mức tăng dân số vào những năm sau đệ nhị thế chiến (13).
Một trong những lý do chính yếu của sự khan hiếm linh mục có gốc từ thế kỷ XIX: Giáo Hội bị tước đoạt tài nguyên, quyền hành, uy tín và ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự do toàn thắng, chức linh mục không còn hấp dẫn giới thượng lưu. Vả lại, mất uy tín, Giáo Hội cũng không còn làm gì được để giúp những tầng lớp trung lưu khả dĩ thăng tiến trên bậc thang xã hội (14). Thêm vào đó tỷ số “con hoang” gia tăng nhiều, cũng như đời sống đạo đức gia đình trong giới bình dân sa sút trầm trọng, khiến giới này không cung ứng được nhiều linh mục.
Ðể đối phó với sự khan hiếm này, Châu Mỹ La Tinh đã phải cầu viện các giáo sĩ ngoại quốc. Tại Guatemala, những linh mục ngoại quốc chiếm tới 85% giáo sĩ đoàn (15). Tại Venezuela khoảng hơn 60%. Tính trên toàn Châu Mỹ La Tinh, vào năm 1960, linh mục ngoại quốc biểu hiện tỷ lệ 37% của tổng số giáo sĩ. Nước Colombie, là nơi từ năm 1880 Giáo Hội không ngừng được trọng vọng và là nơi sức thu hút vào chức linh mục còn tồn tại trong giới trẻ thuộc gia đình đạo hạnh. Nước này là một trong những trường hợp họa hiếm tại Châu Mỹ La Tinh. Sự khủng hoảng ơn gọi không gây khó khăn quan trọng trong việc phát triển đạo giáo, tuyệt đại đa số giáo sĩ vẫn là những linh mục bản xứ.
Con số đông đảo linh mục ngoại quốc tại Châu Mỹ La Tinh cũng tạo ra một số hệ quả. Ngay từ thế kỷ XIX, khi góp phần ngăn chặn phong trào tự do đang lên và nhen nhúm trong hàng ngũ các giáo sĩ bản xứ, những linh mục ngoại kiều này đã đưa Giáo Hội đến một lập trường phản động cứng rắn. Năm 1960, con số linh mục người Tây Ban Nha chiếm tới 54% tổng số giáo sĩ ngoại kiều tại Châu Mỹ La Tinh. Mang nặng những kinh nghiệm đau thương từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha, nhiều người trong họ đã xác tín là cần thiết tuyệt đối phải cầm đầu cuộc thánh chiến chống cộng sản. Mặt khác, những linh mục này đánh giá thấp hàng giáo sĩ địa phương nên từ đó biểu lộ một mặc cảm tự cao cố hữu mà những người Tây Ban Nha luôn cao ngạo đối với những tầng lớp dân lai hay những người sinh ra ở xứ thuộc địa (Créoles).
Trong những năm thập niên 60, mẫu quốc Tây Ban Nha sai qua Châu Mỹ La Tinh một thế hệ linh mục mới. Phát xuất từ phong trào canh tân tôn giáo và phong trào giải phóng đang tiến hành trong chính mẫu quốc (16), những linh mục này tránh né đi theo lập trường chống cộng. Họ năng động đảm lãnh vai trò đôn đốc những phong trào có mục tiêu canh cải và hiện đại hóa Giáo Hội cũng như xã hội. Ðường lối này thường xuyên đưa họ tới những va chạm với các linh mục đồng môn thuộc khuynh hướng thủ cựu nhất đang hành nhiệm. Sự chia rẽ phản ảnh trong hàng giáo sĩ Tây Ban Nha như thế đã gây phương hại khá lâu cho sự hữu hiệu của sứ vụ linh mục Châu Mỹ La Tinh.
Những linh mục đến từ Hoa kỳ lại đặt ra một vấn đề khác. Vào khoảng giữa thập niên 60 họ chiếm khoảng 20% tổng số giáo sĩ ngoại quốc ở Châu Mỹ La Tinh. Một số trong họ mang tiếng là thiếu hiểu biết và thiếu thiện cảm đối với nền văn hóa Châu Mỹ La Tinh. Người ta còn trách cứ họ đã du nhập không những các lối sinh hoạt tôn giáo mà cả những phong tục xã hội, kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. Nhìn thấy những phản ứng mang tinh thần dân tộc ngày càng tăng trong mọi tầng lớp xã hội Châu Mỹ La Tinh, hàng giáo sĩ bản xứ mau có cảnh giác trước những đợt du nhập mới của những linh mục đến từ các nước Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ðức, Bỉ hay Hòa Lan.
Trong tương lai, hàng giáo sĩ dù là bản xứ hay ngoại quốc, sẽ không đủ để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội. Sẽ phải cầu cứu tới những giáo dân một cách thiết thực hơn, về điểm này, phong trào Cursillo, sự phong nhiệm phó tế vĩnh viễn, và trách vụ của Opus Dei gợi lên những chỉ dẫn quan trọng về một Giáo Hội tương lai khả thể tại Châu Mỹ La Tinh. Một số lãnh tụ của Giáo Hội tại đại lục này tiên cảm rằng rồi đây phần chủ động trong Giáo Hội sẽ không là hàng giáo sĩ nữa mà giáo dân sẽ nắm phần chủ động.
5. NHÓM “TÂN TẢ PHÁI” CÔNG GIÁO
Một điều chắc chắn là từ lâu đã có nhiều ý kiến bất đồng, nhưng sâu đậm nhất là quan điểm về vai trò mà người ta kỳ vọng Giáo Hội định chế đảm lãnh trong một Châu Mỹ La Tinh đang chuyển mình mạnh mẽ, dù là một biểu thức Giáo Hội nào đi nữa. Một nhóm trí thức công giáo, đại biểu của cái mà người ta thường thẩm định như một “tân tả phái”, bắt đầu chỉ trích thể chế Dân chủ Thiên Chúa Giáo và những phong trào qui hợp trực tiếp hơn vào Giáo Hội, họ chỉ thấy qua đó những toan tính thời xa xưa nhằm bảo tồn một xã hội công giáo bằng cách ngăn chặn sự phát triển không thể trù dập của trào lưu thế tục hóa. Những người công giáo tân tả phái này tự xem mình như những nhà nhân bản chủ yếu quan tâm thay đổi tận căn cấu trúc xã hội để khuếch trương những khả năng phát triển và cổ súy cho phẩm giá con người. Họ thẩm định rằng qua nhiều thế kỷ chủ nghĩa công giáo đã góp phần tuyển lọc ra một giáo thuyết nêu cao giá trị của chủ nghĩa nhân bản và của phẩm giá con người. Và chính sự đóng góp này, hầu như là độc nhất, chứa đựng một giá trị đáng kể trong xã hội trần tục đương thời. Vậy những người công giáo chỉ còn phải thi thố hành động trong lòng những định chế, những hiệp hội trần tục, những đoàn thể nghề nghiệp, những tổ chức chính trị, kể cả những tổ chức thân cộng, có cùng một ưu tư với họ là hoạt động cho sự tôn trọng phẩm giá con người bằng cách xúc tác những thay đổi căn bản cần thiết trong những cơ cấu xã hội kinh tế hiện hữu. Những người công giáo tân tả phái này cũng khẳng định rằng một Giáo Hội định chế không còn có thể hành động hữu hiệu nếu sống như một thực thể cách ly giữa lòng một xã hội hoàn toàn thế tục hóa và đa hợp (17).
Ước muốn của nhóm ”tân tả phái” công giáo là cộng tác với những người mác xít, xuất hiện một cách nào đó như là biểu hiện mới mẻ về sự ác cảm lâu đời của chủ nghĩa công giáo Tây Ban Nha đối với chủ nghĩa duy vật và đối với lòng gian tham, là hai điều vốn được coi như những sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Rập khuôn theo nhiều người mác xít, những người công giáo tả phái chủ trương điều thiết yếu nhất là tạo dựng những cấu trúc kinh tế có hiệu lực đáp ứng những nhu cầu căn bản của công dân hơn là thỏa mãn những ước vọng về lợi nhuận của một thiểu số cá nhân. Vả lại, ở Châu Mỹ La Tinh, những người mác xít thường tỏ ra là những nhà nhân bản nhiệt thành với xác tín: nếu Nhà Nước đáp ứng những nhu cầu căn bản của công dân, thì sau khi được giải phóng khỏi cuộc hiện sinh bị thống ngự bởi đầu óc cạnh tranh và lòng gian tham, người công dân sẽ vận dụng thuận lợi để phát triển những năng lực trí tuệ và siêu nhiên của họ. Niềm xác tín này đã từng gây cảm hứng trên nhiều hành động của một Fidel Castro, cũng là niềm xác tín của những nhân vật đại diện của tân tả phái trong Giáo Hội; nó tạo thành một lãnh vực chung quan trọng giữa một số người công giáo với một số người mác xít.
Những người chủ xướng của nhóm tân tả phái công giáo thúc giục Giáo Hội từ bỏ quyền thế trong cơ cấu sẵn có và hơn nữa lột bỏ những tài nguyên phú túc của mình. Theo họ, trong khi Giáo Hội tìm kiếm liên minh với những giai cấp thống trị và bám víu vào sự giầu sang, Giáo Hội làm suy giảm những khả năng hành động vô tư của mình trong tư cách là lương tâm xã hội của tinh hoa Châu Mỹ La Tinh. Quả thực, những giáo sĩ thuộc nhóm tân tả phái tỏ ra cũng quan tâm như những vị tiền bối thủ cựu của họ trong việc bảo vệ những quyền lợi chung của họ và trong việc thực hiện những yêu sách xã hội, đồng thời họ đạt được nhiều thuận lợi đề chu toàn sứ vụ siêu nhiên. Chính bằng cách đoạn tuyệt với giai cấp thống trị đang bị tiềm tàng suy vong, và bằng cách từ bỏ sang giàu phú túc, mà họ có thể đạt được những mục tiêu của họ một cách chắc chắn hơn. Do đó, họ không ngần ngại đi theo con đường tân tả phái này.
6. PHÁI TIN LÀNH
Nếu nhóm tân tả phái công giáo Châu Mỹ La Tinh mà đại đa số chỉ là công giáo trên danh nghĩa, đã coi “sự trống rỗng” về đạo giáo trong đại lục này như là một dấu hiệu của xã hội tục hóa, thì những người tin lành lại có một cái nhìn khác hẳn. Họ rút ra từ đó một sự phấn khích trong công cuộc trường kỳ hoạt động truyền giáo. Người tin lành thường gây nên những mối tị hiềm về những trường hợp giáo quyền công giáo không chấp nhận phần lớn của đại lục Châu Mỹ La Tinh như những phần đất truyền giáo. Người tin lành cũng thường tố cáo giáo quyền công giáo đối xử với họ theo cùng một kiểu như với người cộng sản (18). Trong cả hai trường hợp nói trên, giáo quyền công giáo tỏ ra không hề biết đến những nguyên nhân sâu sa tiềm tàng dưới những kình địch mà họ cảm thấy gai chướng.
Dường như sự phát triển của tin lành cũng như của mác xít gặp được thuận lợi là do sự kiện: những giai cấp hạ đẳng cảm thấy xa lạ đối với Giáo Hội Công Giáo. Chính tại Ba Tây, tin lành chiếm gần 7% dân số. Ở Chí Lợi, họ đạt gần 12% và hiện nay số người tham dự các lễ nghi tôn giáo hàng tuần, tin lành đông hơn công giáo (19). Nhiều nhóm Pentecôtistes khác nhau thu gặt những con số nhập đạo kỷ lục. Quần chúng thuộc những giai cấp hạ đẳng cấu thành cánh đồng thu gặt đặc quyền của họ. Một trong những lý do của sự bành trướng đạo Tin Lành tại Ba Tây và Chí Lợi chắc chắn là vì những giai cấp hạ đẳng cảm thấy bị Giáo Hội Công Giáo bỏ rơi và do đó họ trở thành ác cảm với Giáo Hội, họ quay ra đi tìm một tôn giáo khác hẳn với đức tin công giáo truyền thống (20).
7.TÔN GIÁO PHỨC HỢP
Trong một số nước Cộng hòa Châu Mỹ La Tinh, như Bolivie, Pérou, Equateur, và Guatemala cách riêng, chính tôn giáo phức hợp của những tập thể sắc dân thiểu số tạo nên mối thách đố cho đạo Công Giáo hơn là đạo Tin Lành (21). Giáo Hội luôn tỏ ra bất lực không khẳng định được tính cách chính thống của những tín ngưỡng trong giới các sắc dân thiểu số, nguyên do một phần lớn là những người dân này không thể bị đồng hóa bởi một xã hội kiểu mẫu tây phương, một xã hội mà trong đó các linh mục công giáo đã được đào tạo. Ðiều này khiến một số giáo sĩ đi đến kết luận rằng: muốn thành công trong lòng những khối quần chúng bản xứ chỉ có một cách là đẩy mạnh những thay đổi sâu rộng về xã hội và kinh tế, khả dĩ gia tốc sự đồng hóa những sắc dân thiểu số (dân da đỏ) vốn đã trì hoãn quá lâu.
Cần phải ghi nhận một thành công đã được thực hiện theo một phương thức khác trong việc truyền bá đức tin công giáo nơi những khối dân bản xứ: đó là phát hiện và tuyển chọn những người trẻ ưu tú trong những tập thể sắc dân thiểu số, đào tạo họ một cách đầy đủ cho sứ vụ trên để rồi mời gọi họ truyền giáo cho chính những đồng bào sắc dân của họ. Sau khi đã bảo đảm được các lớp giáo lý trong những tập thể sắc dân đó, những linh mục dấn thân cho hoạt động xã hội có những lần xử dụng chính những người trẻ này vào những mục tiêu giáo dục rộng rãi hơn, ngay cả dùng họ như những “anh hùng dấn thân” trong kế hoạch du nhập những phương pháp canh tác hiện đại, và tổ chức những hợp tác xã.
8. VẤN ÐỀ DÂN SỐ
Vào giữa thập niên 60, vấn đề dân số xuất hiện dần dần như là mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho đường hướng mục vụ công giáo Châu Mỹ La Tinh. Ðứng trước những thống kê dân số tăng vọt, Giáo Hội nhận thấy mình thất thế nặng nề khi không biết nới rộng kịp thời việc cá nhân tín hữu được quyết định theo lương tâm trong vấn đề hạn chế sinh sản .
Những cuộc điều tra thực hiện vào giữa thập niên 60 trong nhiều nước Châu Mỹ La Tinh, kể cả nước Colombie có truyền thống nhiệt thành, cho thấy một đa số quan trọng phụ nữ thuộc các tầng lớp thượng lưu và khoảng 40% phụ nữ trung lưu xử dụng những phương thế ngừa thai khác với phương pháp Ogino. Vả lại, những phụ nữ giai cấp trung lưu và thượng lưu vốn giữ đạo, đi lễ đều đặn, tham dự đầy đủ các sinh hoạt tôn giáo, áp dụng phương pháp ngừa thai có cùng một tỷ lệ cao như những phụ nữ “không giữ đạo”.
Như vậy, lập trường chính thức của Giáo Hội không có tác dụng gì đáng kể đối với các phụ nữ trong vấn đề hạn chế sinh sản. Tuy nhiên, trong nhiều nước, lập trường của Giáo Hội tiếp tục là chướng ngại cho sự tiến hành những chương trình của Nhà Nước nhằm thông tin về sự kiểm tra điều hòa sinh sản, phổ biến “kế hoạch hóa gia đình” cho dân chúng, đặc biệt những người nghèo. Tình trạng này không được cải thiện tận căn bởi thiếu sự ủng hộ mạnh dạn của một số giáo sĩ đối với những bệnh viện phụ sản chuyên biệt trong việc kiểm soát sinh sản, như trường hợp xảy ra cho một vài nước cộng hòa, cách riêng nước Chílị. Cũng từ lập trường ấy, Giáo Hội đã trực tiếp chống đối sự phân phát những vật dụng ngừa thai trong những tầng lớp quần chúng không có khả năng tự cung cấp, đó là những tầng lớp cần được giúp đỡ. Trong thực tế, lập trường chính thức của Giáo Hội góp phần kéo dài một tình trạng trong đó, theo cấp độ tỷ lệ, người nghèo sẽ trở thành, nghèo hơn và người giàu, giàu hơn.
9. KẾT LUẬN
Vấn đề dân số vừa nói trên quả nhiên đã gây nên một mối đe dọa trầm trọng cho uy quyền của Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh. Nhưng từ năm 1948 Giáo Hội còn phải đương đầu với những thách đố khác không kém trầm trọng và đe dọa. Mặc dầu suốt thế kỷ XIX, Giáo Hội thường xuyên bênh vực những lập trường mà chung cuộc Giáo Hội không thể giữ được, và mặc dầu những toan tính dung hòa những lập trường ấy với luật thực tiễn và tự nhiên, Giáo Hội cũng đã dần dần chấp nhận thay đổi thái độ và thích nghi theo những điều kiện mới. Giáo Hội đã ngừng dứt phép thông công cả từng loạt, đã giải thích lại một số giáo huấn và tìm ra cách cung xử thích hợp đối với những quốc gia thế tục hóa. Ngay cả khi phải chấp nhận giảm thiểu quyền hành trong cơ cấu thế quyền, trái với những tiên đoán bi quan của các vị lãnh đạo, Giáo Hội vẫn tiếp tục khai triển một sức thu hút đạo đức mạnh mẽ trên những tầng lớp quần chúng. Nếu một số lớn những người dân Châu Mỹ La Tinh, trong một số nước chiếm tới 80% dân số, đã trở thành những người công giáo ”không giữ đạo” và kéo dài như vậy cho tới giữa thế kỷ XX và cả sau nữa, những người này tuy vậy cũng vẫn tiếp tục duy trì một mối thân thiện với chủ nghĩa công giáo. Thỉnh thoảng họ hành động theo quyết định của lương tâm cá nhân hơn là theo phán quyết của giáo quyền, họ nghĩ rằng những hành động của họ như vậy đủ để nối kết họ với Giáo Hội. Dưới một vài phương diện, cách thức sống chủ nghĩa công giáo, như thể đã diễn biến trong thế kỷ XIX tại Châu Mỹ La Tinh, đã đi trước với tinh thần canh tân táo bạo mà một vài giám chức đã phát biểu trong Công Ðồng Vatican II.
Những gì còn lại về quyền hành của chủ nghĩa công giáo Châu Mỹ La Tinh không được qui cả vào khả năng thích nghi của Giáo Hội vào những điều kiện hiện sinh mà Giáo Hội từ khởi đầu đã công khai lên án. Rất nhiều lần, sự khôn ngoan của giáo quyền đối với những thay đổi và những ý tưởng mới, được xác nhận ít ra một phần, bởi những phát triển về sau của tình hình. Như vậy, vào giữa thế kỷ XX, ít ai trong những nhà trí thức Châu Mỹ La Tinh tranh cãi là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa duy thực nghiệm xem ra ít thích nghi vào môi trường văn hóa và kinh tế của những xứ sở này. Ðiều quá hiển nhiên là những phong trào ý thức hệ và chính trị này đã gây ra quá nhiều lạm dụng và cực đoan mà những đối thủ trong giáo quyền đã cảnh cáo trước.
Dĩ nhiên là vào đầu thập niên 70, chỉ một thiểu số các lãnh tụ giáo quyền đặt hy vọng vào tương lai cách mạng, cái tương lai không thể là tuyệt diệu như những vị tiên tri của nó tuyên dương. Trong khi đó đa số các lãnh tụ giáo quyền vẫn giữ trong lòng niềm luyến tiếc thời quá khứ, cái thời có nhiều ưu thế, nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích. Một thái độ khôn ngoan, nhắm đến sự tương trợ thay vì đấu tranh giữa những giai cấp, và nhắm hủy bỏ những qui chế ưu tiên, xem ra là một thái độ duy nhất có khả năng mau chóng đem lại giải pháp cho sự xung đột lịch sử giữa hai khuynh hướng truyền thống này của Giáo Hội: một bên nhấn mạnh đến bổn phận và trách nhiệm của những giai cấp thượng lưu cũng như trên những quyền lợi của tập thể, một bên nhấn mạnh đến những bổn phận của những giai cấp hạ đẳng và những đặc quyền của giới ưu tú.
So với tình hình của những năm thập niên 60, Giáo Hội Công Giáo trong hầu hết những nước Châu Mỹ La Tinh, ngày nay không còn phải chịu những hạn chế do chủ nghĩa tự do áp đặt suốt trong một hoặc hai thế hệ vừa qua. Hiển nhiên là trong nhiều nước, những hạn chế này đã làm suy yếu hẳn quyền lực và ảnh hưởng của Giáo Hội. Nhưng những khó khăn lộ diện và đe dọa những tiến bộ của chủ nghĩa công giáo, dường như phải được qui lỗi cho những lý do nội tại của chính Giáo Hội, hơn là cho bầu khí chính trị thù nghịch.
|
Dân
số (triệu)
|
Tỷ xuất tăng trưởng hàng năm
|
Tỷ
lệ
dân
thị thàng
|
Tỷ
lệ
thất học
|
Lợi
tức đầu người (đôla Mỹ)
|
Sĩ
số
linh mục
|
Sĩ
số
tu
sĩ
|
Tỷ
lệ
dân công giáo
|
Tỷ
lệ
dân
tin lành
|
Sĩ
số giám mục
|
Argentine
|
23.000
|
1,4
|
62,49
|
13,3
|
460
|
4859
|
2608
|
88,3
|
1,94
|
66
|
Bolivie
|
3.900
|
3,0
|
33,57
|
68,9
|
75
|
694
|
445
|
92,7
|
1,35
|
23
|
Brésil
|
66.000
|
2,2
|
36,16
|
51,4
|
230
|
10616
|
6500
|
93,5
|
6,06
|
204
|
Chili
|
7.800
|
2,4
|
60,22
|
19,0
|
360
|
2350
|
1513
|
88,0
|
11,8
|
29
|
Colombie
|
15.000
|
3,1
|
38,69
|
38,5
|
250
|
3810
|
1606
|
97,4
|
0,64
|
52
|
Costa
Rica
|
1.100
|
4,6
|
33,50
|
21,2
|
181
|
246
|
114
|
95,8
|
0,98
|
6
|
Cuba
|
6.500
|
2,1
|
57,03
|
23,6
|
310
|
723
|
482
|
84,8
|
3,89
|
8
|
République Dominicaine
|
2.800
|
3,0
|
23,80
|
56,8
|
160
|
310
|
202
|
95,4
|
1,61
|
6
|
Equateur
|
4.000
|
3,1
|
28,54
|
43,7
|
150
|
1193
|
628
|
94,1
|
0,27
|
17
|
Salvador
|
2.200
|
3,4
|
36,59
|
57,8
|
150
|
277
|
136
|
97,7
|
2,24
|
9
|
Guatemala
|
3.200
|
3,2
|
24,95
|
70,8
|
160
|
279
|
183
|
90,3
|
3,95
|
11
|
Haiti
|
3.500
|
1,2
|
12,64
|
89,3
|
64
|
450
|
186
|
72,0
|
9,18
|
8
|
Honduras
|
1.600
|
3,3
|
31,08
|
66,3
|
150
|
156
|
99
|
97,3
|
1,78
|
6
|
Mexique
|
32.000
|
3,4
|
42,59
|
43,2
|
220
|
6290
|
1365
|
94,5
|
2,62
|
65
|
Nicaragua
|
1.150
|
3,4
|
34,93
|
62,6
|
129
|
222
|
100
|
93,8
|
2,58
|
7
|
Panama
|
980
|
3,0
|
35,97
|
28,2
|
250
|
171
|
127
|
76,2
|
4,01
|
5
|
Paraguay
|
1.800
|
3,2
|
34,61
|
75,0
|
140
|
313
|
167
|
94,1
|
2,11
|
14
|
Pérou
|
9.800
|
3,0
|
36,09
|
57,6
|
120
|
1740
|
998
|
95,5
|
0,89
|
44
|
Uruguay
|
2.900
|
1,3
|
65,20
|
17,0
|
440
|
688
|
427
|
81,0
|
1,50
|
13
|
Venazuela
|
6.800
|
3,8
|
53,81
|
51,1
|
540
|
1351
|
790
|
92,4
|
0,38
|
24
|
Một khi đã mất đi khả năng ngày xưa thường hướng dẫn những biến cố của thế giới trần tục theo ý riêng mình, đồng thời khu trừ mọi ảnh hưởng tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo Châu Mỹ La Tinh đạt được một sự tự do lớn hơn để theo đuổi đường lối của riêng mình ngõ hầu tránh hẳn những can dự ngoại lai. Nếu Giáo Hội không còn những phương thế thống trị trên con người bằng cách xử dụng quyền lực chính trị, thì Giáo Hội nhận thấy, trong những cấp độ tăng tiến của ngành truyền thông sau đệ nhị thế chiến, sự tăng trưởng các năng lực của mình trong việc thu phục người ta bằng xác tín và bằng gương sáng. Tương lai sẽ cho thấy sự quan tâm thái quá của Giáo Hội về những cái đã mất, sẽ làm phương hại cho khả năng rút ra phần lợi ích của những gì Giáo Hội đã đạt được.
Những thống kê trên đây có giá trị chung chung cho niên lịch 1960 và lấy từ Center for Intercultural Formation (CIF, Cuernevaca, Mễ Tây Cơ) Study N.1, Xã hội-Kinh tế; Mễ Tây Cơ D.F. 1963 trang 63, 192, 250, 260 và Study N.2, Dữ kiện Xã hội-tôn giáo (công giáo) Mễ tây cơ D.F. 1963 trang 69, 200. Hai biên tập này do công trình của Yvan Labelle và Adriana Estráda.
(1) Unión Civica Radical = Liên dân cấp tiến
(2) Cristeros = Tập đoàn kitô
(3) Partido Nacional Revolucionario = Ðảng cách mạng quốc gia
(4) Union Nacional Sinarquista = Liên hiệp quốc gia Cinat
(5) Acción Democrática = Hành động dân chủ
(6) Patronato nacional = Quốc gia chủ nhân đoàn
(7) Consejo Episcopal Latino-Americano = Hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh