CHƯƠNG III
CHỦ NGHĨA QUỐC GIA CÔNG GIÁO
KHUYNH HỮU VÀO TIỀN BÁN
THẾ KỶ XX: SỰ THÀNH LẬP, THỜI
SUY THOÁI VÀ NHỮNG HỆ QUẢ
CHƯƠNG III
CHỦ NGHĨA QUỐC GIA CÔNG GIÁO
KHUYNH HỮU VÀO TIỀN BÁN
THẾ KỶ XX: SỰ THÀNH LẬP, THỜI
SUY THOÁI VÀ NHỮNG HỆ QUẢ
1. A CĂNG ÐÌNH VÀ BA TÂY
Tại A Căng Ðình vào đầu thế kỳ XX, chế độ độc tài của “nhóm chúa trùm” dựa trên quyền sở hữu đất đai rộng lớn, bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức mạnh bành trướng của đảng cấp tiến (Union Civica Radical (1) là đảng đại diện cho các tầng lớp trung lưu và quyền lợi dân tộc. Vì không biết còn ngăn cản được lâu mau trước khi đảng đại chúng này lên nắm chính quyền, nhóm cầm quyền thủ cựu, qua những cách gian lận và thủ đoạn bầu cử, bắt đầu nghiêng theo chủ nghĩa quốc gia khuynh hữu do nhiều lãnh tụ công giáo lỗi lạc thuộc hàng giáo sĩ hoặc giáo dân chủ trương.
Ðầu thế kỷ, Manuel Gálvez, một đại biểu điển hình của chủ nghĩa quốc gia khuynh hữu đã nghĩ rằng: cần phải khẩn cấp chấn hưng A Căng Ðình theo những giá trị tinh thần; phải lấy sự nhiệt tâm phục vụ những giá trị của chủ nghĩa công giáo thay vào những ham mê lợi tức vật chất. Người ta tự phụ rằng sự nhiệt tâm đã đạt tới tột đỉnh vào thời kỳ thuộc địa và khi mới dành được độc lập, nhưng sau đó sự nhiệt tâm ấy bị gạt bỏ bởi những kiều dân nhập cư bất hảo (1).
Vào khoảng năm 1930, theo linh mục triều Julio Meinvielle trình bày học thuyết của ngài trong suốt ba mươi năm, thì cuộc cải cách của tin lành đã mở đầu những phá hoại lần hồi trên toàn thế giới. Vẫn theo ngài, A Căng Ðình đã bắt đầu sa vào đường bại hoại đạo lý từ khoảng năm 1853, khi để cổ võ kiều dân nhập cư, người ta bao dung việc truyền bá những khái niệm tự do của giới tư sản trưởng giả cũng như những học thuyết duy vật và cá nhân chủ nghĩa xuất xứ từ các phong trào cải cách (2).
Giới “quí tộc lai” Á Căng Ðình rơi vào tuyệt vọng từ sau 1916, khi mà đảng cấp tiến Unión Civica Radical bầu ra ứng cử viên của đảng để tranh chức tổng thống. Ðương nhiên, giới này phải hợp tác với phong trào quốc gia công giáo khuynh hữu. Tất cả những ai thuộc giới quí tộc thượng lưu hoặc trung lưu, muốn được kể là thành phần ưu tú, đều có thể tìm thấy trong phong trào này nền tảng thần học của cuộc đấu tranh nhằm dành lại quyền lực chính trị và kinh tế mới bị nắm giữ bởi các thế lực cấp tiến, trong đó kiều dân nhập cư có một vị trí trổi vượt.
Chủ nghĩa quốc gia công giáo khuynh hữu là một trong những tác nhân quan trọng khơi động cuộc đảo chánh quân sự năm 1930. Biến cố này khiến đảng cấp tiến khá thối nát bị tan rã (3). Ðược chỉ định vào chức vụ nguyên thủ, tướng José Félix Uriburu khai dựng Quốc gia nhiệp đoàn. Thể chế chính trị này được sự ủng hộ của đảng quốc gia khuynh hữu. Ðảng này cho đó là phương cách độc nhất để ngăn cản hữu hiệu những khuynh hướng chủ trương bình đẳng của chế độ dân chủ tự do thiếu tổ chức, trong đó dân chúng có thể trực tiếp tham gia các quyết định chính trị không qua trung gian các đoàn thể địa phương hay nghiệp hội chuyên ngành. Vì nhiều lý do khác nhau, tướng Uriburu thất bại trong ý muốn của mình, và phái quốc gia khuynh hữu buộc phải tìm ra một lãnh tụ chính trị khác. Khoảng năm 1945, một số trong họ tin tưởng vào nhân vật Juan Domingo Perón. Ít lâu sau cuộc tuyển cử tổng thống Péron, năm 1946, cha Julio Meinvielle coi nhân vật mị dân này là hiện thân của một lãnh tụ sẽ giải phóng quần chúng khỏi những huyền thoại của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản (4).
Chẳng bao lâu, ông Perón đã làm thất vọng những người theo chủ nghĩa quốc gia khuynh hữu. Theo họ, ông đã quá quan tâm tới tình trạng tiện nghi vật chất và an ninh của các tầng lớp bình dân và thái độ của ông bắt đầu gây khó khăn cho vị trí chính trị và kinh tế của nhóm độc tài. Có một lúc dường như Perón muốn thay thể chế gia trưởng bằng một tổ thức đa dạng trong đó các khối quần chúng có đủ quyền lực để tước đoạt những đặc ân mà nhóm độc tài cho là của riêng họ. Thế là con ma đấu tranh giữa các giai cấp đã hiện hình đe dọa sự đoàn kết xã hội.
Một nhân tố khác không kém quan trọng đã đào thêm hố sâu ngăn cách giữa các người theo chủ nghĩa quốc gia phản động Á Căng Ðình và chính quyền. Trong khi tìm cách thu phục sự ủng hộ của những phe nhóm xưa kia vốn kình địch nhau, vào năm 1951, Péron khẳng định rằng: chủ nghĩa công giáo không thể là nhân tố độc nhất thực hiện tinh thần quốc gia Á Căng Ðình. Nhà độc tài Perón dường như hiểu rằng không thể kiến tạo “tổ quốc” Á Căng Ðình bằng cách khuyến khích những kẻ chủ trương bảo vệ các giá trị truyền thống lai và áp đặt quan điểm của họ trên toàn dân. Chủ nghĩa bài giáo sĩ, sự lãnh đạm tôn giáo và ưu tư vơ vét vật chất từ nay đã in hằn sâu chẳng những giữa những giới trung lưu phát xuất từ hàng ngũ kiều dân nhập cư mà còn cả trong nhiều thành viên của giới quí tộc lai và đại điền chủ. Từ đó về sau, ai mà không nhận thấy những dữ kiện liên hệ với chủ nghĩa bài giáo sĩ, chủ nghĩa tự do, và chủ nghĩa duy thực nghiệm của cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX? Chủ nghĩa công giáo dưới hình thức qui ước và đượm mầu sắc Tây Ban Nha, không thể là nguồn cảm hứng duy nhất của chủ nghĩa quốc gia Á Căng Ðình như nhiều người thuộc cánh hữu mong ước. Trong nỗ lực hoạch định một lập trường thứ ba, giữa chủ nghĩa phò giáo quyền và chủ nghĩa chống giáo quyền, giữa những giá trị được cổ võ bởi giới ưu tú và những ý kiến của đại quần chúng, giữa những truyền thống bản xứ và những truyền thống ngoại nhập, Perón mất hết sự tín nhiệm của nhóm quốc gia công giáo khuynh hữu cực đoan.
Vào năm 1955 ông bị hạ bệ, Giáo Hội có một thời xem ra sắp chiếm hữu được những lợi thế quan trọng. Các viên chức cao cấp mau mắn ân thưởng những giáo sĩ đã nhiệt tình giúp họ huy động dân chúng chống Perón (5). Nhiều sắc lệnh cấm đoán của những chế độ chống giáo quyền thế kỷ trước được hủy bỏ. Tỷ dụ vào năm 1956, Giáo Hội được quyền thành lập các đại học công giáo là quyền vốn bị phủ nhận suốt trong lịch sử thời tiền cộng hòa. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rõ là chủ thuyết công giáo không thể thi thố một ảnh hưởng có tính cách quyết định suốt trong thời kỳ kế tiếp thời Perón. Lý do chính là Giáo Hội đã vướng vào một cuộc tranh luận vừa phiền não vừa tai hại do các nhà trí thức và các nhà chính trị trong nước đề xướng, đó là tranh luận về căn tính quốc gia A Căng Ðình.
Tình thế còn nặng nề hơn khi có sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ Giáo Hội Á Căng Ðình. Những linh mục cải cách muốn đánh đổ chủ nghĩa bảo thủ của phái quốc gia khuynh hữu mà, đáng tiếc thay, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã thường gắn bó và liên lụy. Dĩ nhiên, trong cuộc đấu tranh này, người ta vẫn hy vọng phục hồi chủ nghĩa công giáo Á Căng Ðình. Tuy vậy, cuộc sát phạt nội bộ trong Giáo Hội đã làm đình trệ mối hy vọng đó.
Những tương quan tôn giáo với chính trị tại Ba Tây (Brésil) suốt trong tiền bán thế kỷ XX lại diễn lộ một sự tương phản rõ nét so với những gì đã quan sát tại Á căng đình. Getulio Vargas, lãnh tụ quốc gia từ 1930 đến 1945, đã tương đối thành công khi thực hiện khai triển một thứ chủ nghĩa quốc gia chiết trung, và đề xuất một chương trình liên hiệp các tầng lớp quần chúng bình dân, với đông đảo bộ phận giới trung lưu và với ngay cả một phần của giới ưu tú thủ cựu. Ông đã thành công một phần là nhờ biết tránh rơi vào đụng độ với cả hai phái cuồng tín, vốn khư khư khép kín trong cuộc tranh luận của họ về quốc-gia-tính chân thực. Quốc gia Ba Tây như vậy đã thực thi được cuộc hòa nhập đáng kể những giá trị văn hóa trên một nền tảng chính trị đặc biệt thực dụng hơn là giáo điều (8).
Chiếu theo tình thế đó, Giáo Hội không cần phải dự phần vào cuộc thảo luận rộng lớn trên bình diện quốc gia. Ngược lại, Giáo Hội có cơ may phấn khích xây dựng một cuộc đồng thuận quốc gia ngày càng lan rộng. Nhiều vị giáo quyền tán thành Vargas khi ông từ khước đồng nhất với các phần tử cực đoan của chủ nghĩa phát xít. Tổng kết lại, vào năm 1945, Giáo Hội Công Giáo Ba Tây, trên bình diện là định chế, không biểu trưng như một lực lượng đáng kể. Tránh xa lập trường của phái quốc gia cực đoan mà nhiều nhà trí thức coi như đồng nhất với chủ nghĩa phát xít, Giáo Hội đã thực hiện một ảnh hưởng có lẽ là tương đương với mức độ mà Giáo Hội đã đạt được vào năm 1900. Tình hình của Giáo Hội đối với chính phủ không thay đổi nhiều, năm 1964, khi nhiều vị lãnh đạo giáo quyền ủng hộ cuộc đảo chính quân sự lật đổ nền hành chánh bất lực, thối nát và khuynh tả của João Goulart (9). Các chế độ quân sự kế tiếp nhau gia ân cho Giáo Hội bằng cách bãi bỏ hầu hết những cấm đoán chống giáo quyền. Trong thực tế, cuộc xích lại gần nhau giữa Giáo Hội và Nhà Nước Ba Tây chỉ giới hạn trong sự công tác giữa các vị lãnh đạo giáo quyền bảo thủ và giới quân sự Ba Tây. Tuy tạm thời rơi vào tư thế thất bại do cuộc đảo chính quân sự, một phong trào khuynh tả mới lại nổi dậy với ảnh hưởng bành trướng đáng kể. Những người tham gia phong trào này, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều tố cáo phái công giáo bảo thủ là đồng lõa với giới quân nhân để kéo dài bất công xã hội và trì trệ kinh tế (10). Giáo Hội, mà trong đó chỉ có những vị lãnh đạo bảo thủ và khôn khéo nhất được hưởng ơn mưa móc của chính quyền, hiện nay đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nội bộ trầm trọng.
2. CHÍ LỢI
Tương tự như ở Á Căng Ðình, các phát ngôn viên của chủ nghĩa công giáo tại Chí Lợi, vào đầu thế kỷ XX, đều tỏ ra ngờ vực đối với chủ nghĩa tự do dưới mọi hình thức của nó. Nhưng sự công kích của họ có tính cách ôn hòa hơn các vị đồng nhiệm Á Căng Ðình. Vả lại, nếu họ lên án chủ nghĩa tự do, giới khuynh hữu và giới giáo quyền Chí lợi đều không có thái độ phẫn nộ chống lại giới kiều dân đến nhập cư xứ sở họ. Nhờ đó, họ tránh được những hình thức chia rẽ cố chấp đã làm Á Căng Ðình không thực hiện nổi sự hiệp nhất quốc gia. Tại Chí Lợi, kiều dân nhập cư không mấy đông đảo để bị gán trách nhiệm đầu tiên về những tệ nạn xảy đến cho xứ sở.
Vào năm 1920, một số thành phần giới tự do Chí Lợi nhận thức rằng: các căn bệnh tệ hại của xã hội phát sinh từ học thuyết “buông lỏng” kinh tế. Do đó, họ đã ủng hộ một chương trình cải cách bao gồm việc chính quyền kiểm soát tư bản và bảo vệ giới lao động. Và “Liên minh tự do Chí Lợi” đã nhất trí giao phó mọi cải cách được hoạch định cho các nhân viên chính quyền trung ương ở Santiago mà phần đông xuất thân từ giai cấp trung lưu, thi hành.
Khảo sát vấn đề xã hội với một phương thức hoàn toàn khác hẳn, những vị lãnh tụ chính trị công giáo Chí Lợi có khuynh hướng ưu đãi một chế độ xã hội theo kiểu chủ nghĩa phụ quyền đặt dưới sự kiểm soát tư nhân hơn là công quyền. Họ cổ võ một thể chế xã hội trong đó quyền hành chánh được trao cho các đại công ty và các hiệp hội bán tự trị, trên nền tảng phân quyền một cách tương đối. Trên bình diện chính trị, họ chủ trương một thể chế tương tự dựa trên nghiệp đoàn quốc gia, trong đó các đại công ty và các tập đoàn bán tự trị có quyền đại biểu thực sự (11). Những người ủng hộ thể chế trên cho rằng hệ thống ấy sẽ tiết chế những cực đoan của chế độ dân chủ tự do theo đa số, hơn nữa còn mang lại cho quần chúng nhiều bảo đảm hơn, không để họ rơi vào chế độ quan liêu tập quyền của giới trung lưu.
Những người bênh vực chủ nghĩa nghiệp đoàn có lý khi ngờ vực sự thành thực và lòng sốt sắng của các cấp lãnh đạo muốn dấn thân hoạt động để bảo đảm điều kiện sinh sống tốt hơn cho giới lao động. Giới trung lưu, tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng lại không củng cố được vị trí xã hội; không toại nguyện về bậc thang xã hội của họ; Họ tham ước những chỗ đứng cao hơn trong xã hội, họ thường nhìn xuống các tầng lớp bình dân với con mắt khinh miệt và họ bon chen hơn giai cấp quí tộc hiện hữu (12). Chắc chắn đó là một trong những lý do khiến cho những biện pháp hoạch định của Liên Minh Tự Do nhằm giải quyết vấn đề xã hội mà Quốc Hội Chí Lợi vốn theo đường lối của đảng Công giáo Bảo thủ, liên tục ủng hộ, đã bị thất bại một cách thảm hại về những mục tiêu đề ra trong thời kỳ từ 1924-1964.
Những vị lãnh đạo công giáo tên tuổi tỏ ra không hoàn toàn chấp nhận những mô thức quốc gia nghiệp đoàn như là những khuôn mẫu lý tưởng của tổ chức xã hội, chính trị và kinh tế. Một số nhà trí thức, trong giáo quyền cũng như giữa giáo dân, vào khoảng giữa thập niên 1930, đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích một vài phương diện của thể chế nghiệp đoàn. Nhiều người trong họ không ngại đồng hóa thể chế ấy với chủ nghĩa phát xít. Các linh mục Dòng Tên, như cha Jorge Fernandez Pradel (13) và Alberto Hurtado (14), cũng như những giáo dân tên tuổi là Eduardo Frei Montalva (15) và các vị sáng lập nhóm “Quốc xã đoàn” (Phalange nationale) sau này trở thành “đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo” (Parti Démocrate-chrétien), bắt đầu phê phán chính quan niệm tổ chức xã hội theo giai tầng đẳng cấp. Họ chủ trương rằng công lý xã hội chỉ thành đạt được trong một xã hội đa dạng, cởi mở và theo chế độ dân chủ. Ảnh hưởng của giới công giáo Chí Lợi chống đối thể chế xã hội nghiệp đoàn cứng ngắc đã trở nên mạnh mẽ, có khả năng ngăn cản Giáo Hội đừng bám sát (như ở Á Căng Ðình) vàọ lập trường chính trị và xã hội mà giới chống giáo sĩ nghiên khắc kết án là phát xít.
Mặt khác, ngay từ thời sơ sinh của phong trào tức là vào những năm của thập niên 1930, các nhà tư tưởng Chí Lợi của đảng “Dân chủ Thiên Chúa Giáo” đã tìm cảm hứng trong cả truyền thống công giáo lẫn truyền thống tự do của thế kỷ XIX, để kiến tạo một chủ nghĩa quốc gia chiết trung. Họ không đòi chủ nghĩa công giáo Tây Ban Nha thủ cựu phải là nguyên tố cấu thành duy nhất. Thật vậy, theo họ, chủ nghĩa quốc gia Chí Lợi dung hợp những yêu sách của chủ nghĩa tự do là điều chính đáng và là đòi hỏi có căn bản vững chắc. Mặc dù họ loại bỏ những luận đề tự do cổ điển về kinh tế, nhưng họ chấp nhận một số góc cạnh chính trị của học thuyết và họ bênh vực truyền thống dân chủ của phương thức đầu phiếu đa số. Giới dân chủ Thiên Chúa Giáo cũng tùy nghi chuẩn nhận một vài biểu hiện chống giáo quyền của chủ nghĩa tự do bảo thủ, vì họ nghĩ rằng nhóm tự do bảo thủ cũng là thành phần tất yếu của diện mạo quốc gia và người ta không thể khai trừ. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo phong trào đã đón nhận ý tưởng về chủ nghĩa đa hợp tôn giáo, họ tránh liên lạc quá lộ liễu với Giáo Hội, nhất là họ tìm cách khai triển cảm hứng trong chủ nghĩa nhân bản Thiên Chúa Giáo hơn là trong chủ nghĩa công giáo nặng tính tôn phái.
Sự tán thành mau lẹ của giáo quyền Chí Lợi đối với đường hướng này vào đầu thập niên 1960 và sự cho phép các chính đảng mới được tự do xác định tương quan với Giáo Hội, đã góp phần không nhỏ vào sự đắc cử rực rỡ của phái dân chủ Thiên Chúa Giáo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 và những cuộc bầu cử quốc hội vào năm sau. Chủ nghĩa bài chống giáo quyền thủ cựu cũng vẫn còn khá mạnh tại Chí Lợi để gây khó khăn không ít cho một đảng phái duy trì chính thức tương quan chặt chẽ với Giáo Hội. Cấp giáo quyền Chí Lợi cao nhất chấp thuận sự kiện này. Thái độ của họ như vậy biểu trưng một sự tương phản rõ nét với những hành xử của những vị đồng nhiệm Á Căng Ðình.
3. PÉROU VÀ BOLIVIE
Việc chấp nhận đầy nhiệt tình những truyền thống Tây Ban Nha của giới lãnh đạo công giáo Pérou vào khoảng năm 1920, đã mau đưa đẩy Giáo Hội đi sâu vào cuộc tranh luận trường kỳ về “căn tính quốc gia”. Tại Pérou không có vấn đề chọn lựa giữa những giá trị “con lai” và những giá trị xuất xứ từ giới kiều dân nhập cư. Cuộc tranh luận xoay quanh sự xung đột giữa hai nền văn hóa bản xứ và văn hóa Tây Ban Nha. Ðược tán thành nhiệt liệt bởi giới công giáo bảo thủ, phong trào Phò mẫu quốc, tức là sự triển dương những giá trị của mẫu quốc, đặc biệt là sự tán dương tính cách chuyên nhất tôn giáo và những truyền thống độc đoán của “mẫu quốc”, sớm kéo theo những âm vang chủng tộc nặng thành kiến bài chống bản xứ (dân da đỏ).
Chủ nghĩa quốc gia công giáo thân mẫu quốc, thường xuyên phối nhập với những biểu thức phát xít địa phương, từ từ trở nên hung hăng và cuồng nhiệt, một phần cũng do những cực đoan của các phe đối lập. Thật vậy, chủ nghĩa xã hội mác xít và những phong trào trong nhóm đã biểu lộ sự bài chống giáo quyền gay gắt và hơn nữa tự xưng là “vô thần thứ thiệt” trong suốt thập niên 1920. Họ cổ xúy cuộc cách mạng xã hội bình đẳng và áp đặt trên những vùng duyên hải phía Tây, chế độ theo kiểu mẫu miền Andes và thổ xứ vốn tự hào là ưu đẳng. Dưới con mắt của họ, kiểu mẫu này của miền Andes và thổ xứ phải được đồng nhất hoàn toàn với xã hội chủ nghĩa (16).
Cho tới khoảng năm 1945, khuynh hướng nhất quán của Giáo Hội tại Pérou muốn lấy ý thức hệ phò mẫu quốc làm ý thức hệ của mình, không bị những phiền phức nghiêm trọng như Giáo Hội tại A Căng Ðình đã gặp khi xác định lập trường mình trong cuộc tranh luận về căn tính quốc gia. Những giá trị mà phe quốc gia công giáo bảo thủ Á Căng Ðình khinh miệt, có thể được trưng dẫn để ủng hộ họ trong các tầng lớp đông đảo và mạnh thế trong xã hội, những tầng lớp thủ đắc các phương tiện chính trị và thực sự có năng lực đối kháng ăn miếng trả miếng. Ngược lại, thành phần trong dân tộc Pérou mà người ta có lý mong chờ nó phản ứng mãnh liệt chống lại lập trường của Giáo Hội về vấn đề căn tính quốc gia, thì được tạo thành bởi quần chúng bản xứ. Những người bản xứ này chưa bị chính trị hóa, không có ý thức về những gì xảy ra trong xã hội, họ không nhận ra là việc phối hợp giữa chủ nghĩa công giáo và phong trào phò mẫu quốc có những thành kiến chủng tộc và văn hóa. Cuối cùng, những phần tử năng động của xã hội Pérou đã biểu lộ lòng tri ân đối với Giáo Hội, cho dù không bao giờ họ muốn công nhận điều này, vì lẽ họ muốn đứng hẳn về phía đối lập với hiểm họa do phe xã hội chủ nghĩa “phò bản xứ”.
Kể từ năm 1945, những khuynh hướng cực đoan lại tái hiện, cả về phía phong trào phò mẫu quốc lẫn phía “chủ nghĩa bản xứ” xã hội, khi đa số các nhà trí thức tên tuổi nhất trí nhận thức rằng định mệnh quốc gia đích thực của Pérou nằm trong “trạng thái lai” nghĩa là sự tổng hợp văn hóa và chủng tộc của hai nhóm chủng tộc chính.
Trong khi những đối thủ của Giáo Hội thôi tìm cách vận động các nhóm chủng tộc để triệt hạ Giáo Hội, thì chính Giáo Hội lại quay về bênh vực dân bản xứ sau một thời gian bỏ rơi họ. Giáo Hội hy vọng đóng góp tích cực trong việc hội nhập dân bản xứ vào trong cộng đồng quốc gia. Nếu không giúp họ hội nhập được, thì ít ra Giáo Hội lo bảo đảm cho họ về mặt an ninh và phẩm cách trong sự tôn trọng nền văn hóa riêng của họ.
Tại Bolivie, hàng giáo phẩm không dấn thân nhiều trong cuộc bảo vệ văn hóa tây phương qua những cách thức bài trừ chủ nghĩa cộng sản. Ðó là một công trình mà nhiều vị giáo sĩ Pérou nghĩ rằng họ đang đảm lãnh. Một trong những lý do khiến hàng giáo phẩm Bolivie có thái độ dè dặt chính trị này là vì các ngài nhận thấy Giáo Hội phải đối đầu với một thế hệ chính trị gia mới có khuynh hướng cải cách. Những người này yên trí rằng các giám mục dính líu chặt chẽ với cơ chế quyền hành thủ cựu mà họ càng ngày càng chỉ trích và qui gán cho các vị trách nhiệm về cuộc thất trận thê thảm trong trận chiến vùng Chaco (1932-1935) giữa Bôlivie và Paraguay. Người ta muốn nêu bật cuộc thất trận này như là biểu hiệu của sự thối nát toàn diện và sự suy thoái của chế độ cũ (17).
Vì con số ít ỏi và khả năng yếu kém, hàng giáo phẩm Bolivie chỉ là một lực lượng nhỏ bé và vô hiệu. Các nhà tư tưởng và các nhà chính trị rất ít tham vấn hàng giáo phẩm, ngay cả khi họ muốn lật đổ một chính quyền mà họ cho là đã bị mất tín nhiệm. Vào năm 1951, một cuộc cách mạng xã hội quan trọng bùng nổ và huy động cuộc cải cách nghiêm chỉnh hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và hội nhập các khối dân bản xứ, lúc đó hàng giáo phẩm Bolivie chỉ giữ thái độ im lặng và đóng vai nhân chứng mờ nhạt.
4. MỄ TÂY CƠ VÀ TRUNG MỸ
Ít lâu sau thời kỳ đầu của cuộc cách mạng xã hội rộng lớn tại Mễ Tây Cơ (Mexique) vào năm 1910, một thế hệ mới các nhà trí thức nỗ lực tiến xa hơn chủ nghĩa bài chống giáo quyền vốn là đặc điểm của nền “la Reforma” vào giữa thế kỷ XIX. Thỉnh thoảng họ dùng phân tích Mác xít để xét lại quan điểm của những vị tiền nhiệm. Những nhà trí thức này đã không chỉ muốn hạn chế thế quyền của Giáo Hội, mà còn có tham vọng thu hẹp ảnh hưởng của tôn giáo một cách tổng quát. Trong khi biểu dương quá khứ của dân bản địa Mễ Tây Cơ, nhiều vị lãnh đạo cách mạng mong xóa bỏ những tàn tích cuối cùng của kỷ nguyên chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha bao gồm cả chủ thuyết công giáo. Ðặc nghẹt những xác tín ấy trong đầu, đa số trong họ là những nhà trí thức và luật gia xuất thân từ giai cấp trung lưu và là tác giả của những điều khoản hiến pháp Mễ Tây Cơ năm 1917 hoàn toàn nghịch thù với những thế lực tôn giáo thủ cựu (18). Vào cuối thập niên 1920, khi tổng thống Phutarco Elias Calles có ý định cho thi hành một số những điều khoản bài chống giáo quyền và tôn giáo trong hiến pháp (19), giới công giáo vùng Quadalajare đã nổi dậy trong cuộc khởi nghĩa gọi là của những “Cristeros” dẫn đến cuộc tàn sát đẫm máu trước khi bị quân đội chính quyền trấn áp (20).
Vào năm 1934, ứng cử viên Lazaro Cárdenas của chính đảng Mễ Tây Cơ (Partido Nacional Revolucionario) hoạch định chương trình chính thức trong cuộc tranh cử tổng thống: Chính đảng này đòi hỏi tu chính điều 3 của hiến pháp 1917, nhằm đưa “chủ thuyết xã hội của cuộc cách mạng Mễ Tây Cơ” vào chương trình giáo dục cấp một và cấp trung học (21). Trước kia hàng giáo phẩm Mễ Tây Cơ đã gay gắt chống đối bản văn gốc của điều 3 là bản văn trù liệu một nền giáo dục phi tôn giáo nhưng không theo thuyết xã hội Mác xít. Bây giờ hàng giáo phẩm còn chống đối dữ dội hơn vì bản văn tu chính được biểu quyết một cách mau chóng, rồi khi Cárdenas được đắc cử với một đa số áp đảo, hàng giáo phẩm còn sợ sệt hơn nữa (22).
Từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi mà giám mục giáo phận Huejutla, đức cha José de Jesús Manriquez y Zárate sống lưu đày từ năm 1927, ngài lên tiếng tố cáo Cách Mạng Mễ Tây Cơ đã bị giật dây bởi cuộc âm mưu Do Thái-Tam Ðiểm và ngài kêu gọi giáo dân tẩy chay “Quái vật Bônsêvia”. Tổng giám mục Leopoldo Ruiz y Flores là khâm sứ Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ, trong thân phận lưu đày tại Hoa Kỳ, cũng khẳng định cộng sản là một mối đe dọa và Giáo Hội không thể ngăn cản giáo dân Mễ Tây Cơ đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ (23).
Vào năm 1937, chính những người công giáo Mễ Tây Cơ đã nhận thấy phong trào phò mẫu quốc là phương cách tránh cho xứ sở của họ khỏi rơi vào đồng mưu cộng sản với Do Thái-Tam Ðiểm, họ liền phối kết những tổ chức trước kia của họ vào “Union Nacional Sinarquista” (24). Phong trào quốc gia công giáo khuynh hữu này đã có thể tự hào với trên nửa triệu thành viên vào năm 1940.
Phong trào này tố cáo cách mạng Mễ Tây Cơ là bị lệ thuộc vào Mạc Tư Khoa, họ phê bình gay gắt ảnh hưởng tự do đã đầu độc tổ quốc ngay sau khi hoàng đế Iturbide bị hạ bệ và kêu gọi dân Mễ Tây Cơ từ bỏ giai cấp đấu tranh để thay vào đó bằng một thể chế “huyền nhiệm” dựa trên tình thương, chủ nghĩa nhân đạo, đã thừa kế từ Tây Ban Nha và Giáo Hội Công Giáo. Những công kích của phong trào này đối với cách mạng Mễ Tây Cơ thật mãnh liệt, nhưng những thành viên của Sinarquista không quên đưa vào chương trình hành động của họ một trong những thành tố ý thức hệ quan trọng nhất, đó là thẳng thắn lên án mối nguy hiểm mà chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ gây ra cho nền kinh tế cũng như cho những giá trị văn hóa Mễ Tây Cơ.
Phong trào Sinarquista cũng tranh thủ tình cảm phò bản xứ của cách mạng Mễ Tây Cơ; và mặc dù có những phản kháng thường xuyên về chủ nghĩa phò mẫu quốc, phong trào này đặc biệt quan tâm tranh thủ cho giới nông dân bản xứ của vùng Trung Mễ vốn gắn bó với những truyền thống công giáo trong quá khứ. Một phần lớn của những thành công đạt được trong nỗ lực thu phục đồng chí từ những khối quần chúng nông dân bản xứ, là do tình cảm thù nghịch của dân bản xứ đối với mưu toan của chính quyền muốn xóa bỏ mọi dấu vết ảnh hưởng công giáo.
Cárdenas muốn tìm hậu thuẫn cho chương trình bài chống giáo quyền nói riêng và tôn giáo nói chung. Vì ông sợ rằng tôn giáo sẽ tạo nên chướng ngại cho những tiến bộ kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên trên hết, Cárdenas là một nhà ái quốc với đầu óc thực dụng, nhiệt tình ưu tư thiết lập một chương trình khả dĩ thu phục được toàn dân Mễ Tây Cơ, không phân biệt nguồn gốc hay giai cấp xã hội, hầu cùng nhất trí xây dựng một quốc gia cởi mở theo kịp những tiến bộ hiện đại và công bằng xã hội. Nhưng bị choáng váng trước những phản ứng mạnh mẽ, những đả kích về các kế hoạch bài chống tôn giáo, và kinh ngạc nhận thấy ưu thế kiên vững của chủ thuyết công giáo trong đại quần chúng mặc dù có sự suy yếu bên ngoài của Giáo Hội cơ chế, Cárdenas cuối cùng phải miễn cưỡng chấp nhận truyền thống tôn giáo như thành phần của tài sản quốc gia. Một khi thừa nhận rằng những mục tiêu bài chống tôn giáo của mình đã gây nên chia rẽ trầm trọng đe dọa sự thành công của chương trình cải cách xã hội và kinh tế, Cárdenas bắt đầu tìm cách dàn xếp với Giáo Hội.
Từ sau 1936, chính quyền chẳng mấy khi trưng dụng những tu viện và cơ sở tôn giáo nữa. Vào đầu năm 1937, nhiều qui định pháp luật, hiển nhiên có sự chấp thuận của Cárdenas, nới lỏng những cấm đoán liên quan đến con số các linh mục được chấp nhận trong nước, và hàng trăm nhà thờ bị đóng cửa từ nhiều năm nay được mở lại. Vào tháng 11, những cáo trạng chống tổng giám mục Ruiz y Flores và giám mục Manríquez y Zárate bất thình lình bị hủy bỏ. Hai vị đối thủ quyết liệt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này bất thần được tự do trở về Mễ Tây Cơ. Việc “Giáo Hội Công Giáo đã hậu thuẫn Cárdenas quốc hữu hóa dầu hỏa năm 1938” tạo nên hiệu lực hòa giải giữa Giáo Hội và Nhà Nước, cuộc hòa giải đã do chính vị nguyên thủ quốc gia đi bước đầu (25).
Hiển nhiên, sự cứng rắn của giáo quyền công giáo và lòng nhiệt thành của các tầng lớp dân chúng đối với tôn giáo là nguyên nhân khiến các lãnh tụ cách mạng chấp thuận một tương nhượng: nhìn nhận và duy trì chỗ đứng vững chắc của công giáo trong nền văn hóa quốc gia. Về phía công giáo, người ta chấm dứt mhững chỉ trích gay gắt đối với cách mạng Mễ Tây Cơ. Hơn thế, dưới nhiều góc cạnh, người công giáo đã tham gia vào mọi tiến trình xây dựng quốc gia và cải tổ xã hội. Càng ngày các giám mục càng ủng hộ các mục tiêu kinh tế xã hội của cách mạng. Khoảng 20 năm sau nhiều giám mục của Châu Mỹ La Tinh đã đi theo lập trường này trong việc cải cách kinh tế và xã hội tại quốc gia của các ngài.
Nếu như chủ nghĩa công giáo đã không thực sự là một nhân tố hữu hiệu của cuộc cải cách xã hội tại Mễ Tây Cơ từ 1937, thì sự thiếu sót này không phải tại pháp chế chống giáo quyền qui định bởi cách mạng. Bởi lẽ, tuy được ghi rõ thành văn trong bộ Luật, phần lớn các pháp chế này đã không được áp dụng. Ðúng ra người ta phải nhìn nhận: nguyên do của vai trò lu mờ của Giáo Hội Mễ Tây Cơ, chính là vì hầu hết các giám mục đều quá ghê sợ những hoạt động chính trị trong bối cảnh khích động và căng thẳng nguy hiểm của Mễ Tây Cơ bấy giờ. Hơn hẳn bất cứ nền cộng hòa nào khác ở Châu Mỹ La Tinh, những kinh nghiệm thảm hại của quá khứ đã khiến hàng giáo phẩm Mễ Tây Cơ đoạn tuyệt với chính trị.
Những biến cố tại Guatemala có một hoàn cảnh khác hẳn: Cho dù cuộc cách mạng xã hội chỉ bùng nổ vào năm 1944, Giáo Hội Guatemala bắt buộc phải sáng suốt lượng giá tình hình xứ sở và liên hệ chặt chẽ hơn với các nhóm dân chúng bản xứ chưa hội nhập. Trước 1944, chủ nghĩa quốc gia khuynh hữu là trào lưu tư tưởng phổ biến nhất trong giới công giáo. Khi cuộc cách mạng xã hội bùng nổ, giới công giáo được tổng giám mục Mariano Rossell y Arellano lãnh đạo, dốc toàn lực và đoàn kết chiến đấu chống cộng sản và tin lành. Tuy nhiên, các giám mục Guatemala không chọn lập trường chống lại những quyền lợi của nông dân giống như các giám mục Pérou đã làm, khi chiến đấu chống hiểm họa cộng sản trong những năm của thập niên 1920.
Ðắc cử vào năm 1951, để tiếp tục cuộc cách mạng xã hội vừa mới khởi sự, tổng thống Jacobo Arbenz chuyển hướng dần dần về cánh tả, nên càng ngày càng bị Giáo Hội kết án một cách nghiêm khắc như là người đưa đất nước vào họa cộng sản. Arbenz bị lật đổ vào năm 1954. Phe quí tộc bảo thủ lên nắm quyền đã ân thưởng Giáo Hội vì lập trường chống cộng. Một vài năm sau, pháp chế bài chống giáo quyền qui định bởi phe tự do thế kỷ XIX được bãi bỏ. Tại Trung Mỹ, nơi nào người ta nhìn nhận Giáo Hội là một đồng minh sáng giá trong cuộc chiến chống lại hiểm họa cộng sản, nơi đó người ta tu chính Hiến Pháp nhằm bãi bỏ những qui định hạn chế hoạt động của Giáo Hội, cách riêng trong lãnh vực giáo dục. Trong chiều hướng đó, những nước khác tại Trung Mỹ đều nghiêng theo Costa Rica nơi mà giáo huấn công giáo được nhìn nhận trong chương trình trường công như là bộ môn nhiệm ý.
Sánh với những nước cộng hòa thuộc Trung Mỹ, Costa Rica là trường hợp duy nhất đã chấp nhận cho Giáo Hội một phạm vi ảnh hưởng quyền hành rộng rãi như thời kỳ sau 1880 mà Giáo Hội được hưởng ở Colombie. Chung chung, hàng giáo sĩ Costa Rica, được lãnh đạo trong nhiều năm của tiền bán thế kỷ XX bởi tổng giám mục Victor Manuel Sanabria y Martínez. Ngài đã biết lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi, đưa ra một chương trình nghiêng về công bình xã hội và sự bao dung trước những trào lưu trí thức mới.