CHƯƠNG II
ẢNH HƯỞNG CANH TÂN CỦA
HỘI THÁNH ÐẦU THẾ KỶ XX
CHƯƠNG II
ẢNH HƯỞNG CANH TÂN CỦA
HỘI THÁNH ÐẦU THẾ KỶ XX
Công nghị các giám mục thuộc Châu Mỹ được nhóm họp tại Roma, do đức Léon XIII triệu tập vào năm 1899, đã tạo nên một luồng sinh khí mới và tăng cường nguyện vọng liên lạc, trao đổi với Tòa Thánh Vatican (1). Công Nghị cấp châu lục đã phát sinh nhiều công nghị cấp tỉnh trong nhiều nước cộng hòa Mỹ Châu. Một công nghị như vậy đã nhóm họp tại Caracas vào năm 1904. Nhờ đó, xuất hiện phong trào canh tân tại nước Venezuela, và gây nên nhiều ảnh hưởng suốt thời gian chấp chính của nhà độc tài Juan Vincente Gomez (1908-1935).
Uy tín và ảnh hưởng của Hội Thánh dâng cao trong nước nầy, sau thời gian phong trào chống giáo sĩ bùng lên vào cuối thế kỷ XIX. Ðó là dấu chứng Hội Thánh được chấn hưng trong hầu hết các nước Châu Mỹ La Tinh. Hiện tượng canh tân nầy có liên hệ gián tiếp với phản ứng nổi lên vào đầu thế kỷ chống lại thuyết vô thần vụ lợi và cơ giới. Phản ứng nầy do phần lớn giới trí thức của Châu Mỹ La Tinh tạo nên một cách khéo léo và đáng chú ý.
Từ Bắc xuống Nam, từ Mễ Tây Cơ với chiến dịch do Antonio Caso khởi xướng (2) đến Uruguay với Jose Enrique Rodo làm xướng ngôn viên của phong trào (3), những người trí thức thuộc Châu Mỹ La Tinh, nhân danh chủ nghĩa nhân bản, được thừa kế từ Hy Lạp, vùng đứng lên chống lại tư tưởng duy thực nghiệm và duy vụ lợi (4). Chính họ cùng nhau lên tiếng ca tụng những giá trị làm người cao thượng như những giá trị văn hóa, đạo đức, nghệ thuật và tâm linh. Người ta dễ dàng nhận ra trong phong trào ấy cái phần ảnh hưởng ngoại lai: Thế hệ mới trong giới trí thức đã chịu ảnh hưởng của Ernest Renan và Henri Bergson (5).
Phản ứng chống chủ thuyết thực nghiệm trước tiên và phần lớn phát xuất rồi lan rộng từ những thành phần công giáo rời bỏ Hội Thánh và xác tín rằng: chỉ có chủ nghĩa nhân bản mới giúp họ tìm lại những giá trị cao thượng mà họ đề cao. Sau đó, vào khoảng từ 1910 đến 1930, một viễn tượng mới được thành hình, tùy theo những hoàn cảnh khác biệt lớn lao từ nước nầy qua nước khác. Những người có sáng kiến lấy giá trị tâm linh chống lại làn sóng vô thần và vụ lợi, họ đã trở lại con đường của Hội Thánh Công Giáo. Giới người nầy xác tín rằng: những giá trị làm người chỉ thành công thực sự, khi người ta biết đặt nền tảng trên thần học và đời sống thiêng liêng.
Dĩ nhiên, về mặt ý thức hệ, không phải mọi nước đều tiến hành một cuộc “trở về” đồng loạt và giống nhau. Ở Mễ Tây Cơ, sau cuộc cách mạng 1910, thành phần trí thức bị mê hoặc bởi phong trào chống giáo sĩ tận gốc hay bởi chủ thuyết vô thần (6). Ở Uruguay, điều kiện sinh sống của Hội Thánh có vẻ mong manh, phong trào “vô tri” thịnh hành trong giới trí thức. Do đó, những phản ứng chống duy vật không tạo nên được một sức sống mới ngay trong hàng ngũ có ảnh hưởng của Hội Thánh. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1820, ở Mễ Tây Cơ, José Vasconcelos và nhất là Alfonso Junco đã đại diện giới trí thức càng lúc càng đông, để đứng ra bênh vực những truyền thống của Tây Ban Nha, trong đó có đạo Công Giáo. Ðồng thời, ở Uruguay, có Luis Alberto de Herrera đã trở nên một người đầy khả năng biện hộ cho truyền thống của đạo Công Giáo, hơn tất cả những người đã có mặt trên đất nước này từ trước tới nay.
Trong môi trường trí thức luôn luôn biến động, một phong trào tạo thuận lợi cho đại học công giáo xuất hiện trong một vài quốc gia. Năm 1917, một cơ sở đầu tiên thành hình ở Pérou. Tại Chili, đại học kỳ cựu được thành lập ở Santiago năm 1888, bắt đầu nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX. Cả hai đại học ấy đặc biệt lưu tâm đào tạo những thành phần ưu tú có khả năng nhận ra, duy trì và thăng tiến những giá trị siêu việt của con người (8). Những môn học thực tiễn bị coi là bất xứng đối với con người trí thức thuộc giai cấp thượng lưu. Sau 1930, ít nhất là tại Pérou, đại học công giáo tân lập đã có thể hãnh diện vì uy tín lẫy lừng hơn cả đại học quốc gia cổ kính San Marcos. Ðại học nầy, dưới áp lực của phong trào cải tổ đại học xuất phát vào năm 1918 từ Cordoba (A Căng Ðình), bắt đầu mở cửa đón rước sinh viên giới bình dân. Trái lại, đại học công giáo vẫn chỉ tiếp tục đào tạo những thành phần thuộc giới thượng lưu.
Thậm chí ở Brésil, được xem là sào huyệt của chủ nghĩa thực nghiệm trên toàn lục địa Nam Mỹ và là tiền đồn của truyền thống“thờ ơ tôn giáo”, trình độ trí thức của giới công giáo cũng tăng vọt lên. Vào cuối những năm hai mươi, nhờ sáng kiến của Jackson de Figueiredo (9) nền triết lý thánh Thomas chiếm một chỗ đứng quan trọng trong chương trình đại học. Trong vòng hai mươi năm sau, Alceu Amoroso Lima đã đóng góp tuyệt hảo vào vấn đề canh tân ảnh hưởng trí thức của giới công giáo.
Vào đầu thế kỷ XX, các giám mục của Châu Mỹ La Tinh muốn lợi dụng hoàn cảnh càng ngày càng thuận lợi, nhưng đồng thời cũng lo ngại về những ý thức hệ quá khích, như chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đang lợi dụng tình trạng sôi bỏng của xã hội, để bành trướng. Các ngài đã quyết định qui tụ giáo dân thành lập các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành. Mục đích chính yếu của các nhóm, các hội đoàn nầy là đánh thức lương tâm xã hội của các giai cấp thượng lưu, để dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, họ sử dụng những biện pháp gia trưởng mà băng bó những vết thương đói khổ của đại quần chúng. Với đường lối ấy, các giám mục nghĩ rằng: ý thức liên đới xã hội sẽ bừng cháy lên. Con đường tiến hóa nầy của Hội Thánh ở Châu Mỹ La Tinh, tuy ít người quan tâm nghiên cứu, là phương thức thoa dịu vấn đề xã hội và giải tỏa tình trạng bạo động giữa các đối thủ khác nhau.
Sự có mặt của các người cách mạng cấp tiến trong tình trạng đấu tranh giai cấp quá khích đã phát sinh lực lượng công giáo tiến hành. Nó còn tạo nên những đổi thay quan trọng trong đời sống chính trị của nhiều nước cộng hòa. Trong nhiều năm, hai phe tự do và bảo thủ đã đồng ý với nhau về nhiều vấn đề xã hội và kinh tế. Sở dĩ như vậy, là vì phe tự do càng ngày càng có xu thế loại bỏ nền dân chủ bình đẳng. Họ còn phân vân tự hỏi có nên phổ biến hay không cho quần chúng những giá trị của chủ nghĩa tư bản tự do và cạnh tranh quá khích. Tuy nhiên họ đã không giải quyết được vấn đề bất đồng cố hữu về quan hệ giữa Ðạo và Ðời. Ðứng trước những hiểm họa đang đe dọa trật tự xã hội, phe tự do bắt đầu giảm bớt thái độ chống giáo sĩ. Cùng với phe bảo thủ, họ muốn lập nên một mặt trận chung chống lại những lực lượng phản động. Từ cuối thế kỷ XIX, hai phe tự do và bảo thủ của Bolivie đã ngồi lại ký kết với nhau một bản tạm ước (modus vivendi) có lợi cho cả đôi bên. Ðầu thế kỷ XX, nước Equateur cũng chọn một mẫu thức tương tự: phe siêu-bảo thủ đã tìm cách hợp tác với phe tự do đang cầm quyền và tiếp nhận những chức vụ chính trị quan trọng. Ở Colombie, cũng vậy, phe siêu-tự do hợp tác với phe bảo thủ đang chấp chính. Vào đầu thập niên 1830, phe tự do và phe bảo thủ ở Chili đã chấm dứt những tranh luận về quan hệ Ðạo Ðời, để cùng với nhau ký kết một giao ước, biến họ thành một lực lượng hùng mạnh chưa bao giờ có trong khoảng ba mươi năm trước đó.
Ðứng trên lập trường cơ bản nầy, giáo quyền cũng như các lãnh tụ trong nhiều nước cộng hòa của Châu Mỹ La Tinh, đã thống nhất lực lượng vào đầu thế kỷ XX, để giải tỏa những đe dọa sắp bùng nổ của một cuộc cách mạng do một vài nhóm vừa mới được thành lập, đang châm ngòi. Lực lượng thợ thuyền gia tăng nhanh chóng trong các thành thị, vì có những làn sóng nông dân rời bỏ vùng quê và ồ ạt kéo đến. Ðể hướng dẫn họ, người ta đã thành lập những hiệp hội lao động do chính phủ kiểm soát và được Hội Thánh bảo trợ. Những hiệp hội ấy không đấu tranh đòi lên lương, nhưng đòi hỏi những quyền lợi phụ thuộc như tiền thưởng, tiền phụ cấp hưu bổng, tiền bảo đảm thất nghiệp và những dịch vụ linh tinh. Ðương khi vấn đề tăng lương có thể tạo ra cho giới thợ thuyền một thứ quyền bính thực sự, thì vấn đề gia tăng những món tiền phụ cấp có xu thế duy trì họ trong tình trạng lệ thuộc vào giới gia trưởng hay vào những cơ quan của Hội Thánh đang hợp tác với chính quyền. Như vậy, với sự trợ giúp của chương trình công giáo tiến hành do Hội Thánh điều hợp và dựa vào những hiệp hội lao động trên đây, các chính phủ Châu Mỹ La Tinh đã đưa vào được trong môi trường thành thị hệ thống bảo trợ. Nhờ đó, Nhà Nước đã dung nạp vào hệ thống xã hội đương thời mọi nhóm thợ thuyền vừa mới xuất hiện. Cũng nhờ vậy, Nhà Nước tránh được sự ra đời của một xã hội quá đa dạng. Nếu Hội Thánh và Nhà Nước đã cùng nhau giảm bớt được gánh nặng của vấn đề xã hội, thì nhiều chính khách có đường lối tự do, lại tỏ ra dè dặt đối với cái xã hội được tổ chức theo phương thức hợp tác xã do Hội Thánh khuyến khích. Tầm quan trọng của vấn đề nầy đáng được giải thích một cách chu đáo hơn:
Ða số các quan sát viên công giáo của Châu Mỹ La Tinh cũng như nhiều thành viên có lập trường muốn tục hóa Nhà Nước, tỏ ra lo ngại khi nhận thấy quần chúng bị tha hóa trong một hệ thống xã hội và chính trị đang tước đoạt mọi quyền tham dự của dân chúng. Họ không thể không quan ngại khi nhận ra những nguy cơ của một xã hội không bảo đảm được cho giới thợ thuyền một số quyền lợi chắc chắn, mà còn cưỡng ép họ phải đấu tranh để sinh sống trong những điều kiện bấp bênh không thể nào tạo cho họ cơ may thành đạt. Ðể tìm ra giải đáp cho một hoàn cảnh theo thường tình phải kết thúc bằng một cuộc cách mạng, những quan sát viên đề nghị một xã hội tản quyền, được tổ chức theo lối hợp tác xã. Theo chương trình dự định của họ, cơ cấu tập quyền và đồng nhất phải được thay thế bằng những cách phân chia tự nhiên (các cơ quan khác nhau, những hợp tác xã), trong đó dân chúng có quyền phát biểu, đóng góp vào việc quản trị, để những cơ quan ấy có thể đáp ứng những nhu cầu của họ. Người ta hy vọng dân chúng sẽ thỏa mãn về quyền bính chính trị của họ ở một trình độ thấp nhất, và ủy thác quyền bính cho những phần tử ưu tú và cao cấp của dân tộc.
Người công giáo trông đợi trong phương thức tổ chức tản quyền và hợp tác xã như vậy: - một tiến bộ trong cách giải quyết vấn đề xã hội - một cơ cấu tổ chức có tôn ti trật tự được duy trì - và quyền bính của Hội Thánh được mở rộng trong lãnh vực trần thế. Trong xã hội lý tưởng, giáo dân mong ước có những tổ chức lao động, những nhóm nghề nghiệp đặt dưới quyền điều khiển của Hội Thánh và được hưởng quyền tự do tương đối, tránh tình trạng quan liêu hay tình trạng Nhà Nước độc quyền.
Về phía người theo phe tự do và những thành phần bảo vệ chủ thuyết tục hóa chống giáo sĩ, phần lớn đã đồng ý với người công giáo, là ước mong một Nhà Nước tản quyền để giảm bớt những áp lực cách mạng, bằng cách cho phép dân chúng tham gia vào đời sống chính trị qua con đường hợp tác xã nghề nghiệp tại các địa phương. Cho dù đã bày tỏ ý muốn hợp tác với người công giáo trong thế kỷ XX, và muốn sát cánh đấu tranh để xã hội khỏi băng hoại, những người có lập trường chính trị trên đây vẫn chưa sẳn sàng chấp nhận một hình thức tản quyền nào cả. Họ sợ làm như vậy sẽ gia tăng quyền bính thế tục cho Hội Thánh. Chính hoàn cảnh nầy đã gây chia rẽ giữa những người có lập trường “giữ nguyên trạng” và hàng ngũ của phe “tục hóa”. Một số người tiếp tục chủ trương tản quyền. Những người khác, trái lại, muốn duy trì đường lối “Nhà Nước tập quyền” để những lực lượng chống giáo sĩ tiếp tục kiểm soát các cơ cấu tổ chức trong đa số các nước cộng hòa. Rốt cục, những người theo phe tục hóa nhượng bộ cho người công giáo về cách tổ chức hợp tác xã. Còn họ, họ muốn duy trì hệ thống tập quyền trong guồng máy quốc gia, với một chính phủ “gia trưởng” mà bộ máy hành chánh nằm trong tay những công chức hoàn toàn dân sự. Lề lối tổ chức hành chánh như vậy sẽ vận dụng những giai cấp trung dung đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhờ con đường công chức và hành chánh, những thành phần tư sản nầy sẽ có những khả năng và cơ hội tiến thân.
Mặc dù những áp lực và những tranh chấp thường xuyên xẩy ra giữa hàng giáo sĩ và các lãnh tụ chính trị có lập trường “tục hóa”, Hội Thánh bước vào thế kỷ XX với mộng ước phục hồi vị trí “lãnh đạo” và tạo thêm ảnh hưởng trong lãnh vực quyền bính.
Trong đa số trường hợp, thay vì giải thích biến cố bằng những thủ đoạn và tham vọng của các người làm chính trị, chúng ta phải tìm đến những giáo sĩ can đảm và tràn đầy hy vọng. Quả thế, trong thế kỷ XX, trước nhiều vấn đề mới lạ và trước bao nhiêu thách đố đủ loại đòi hỏi phải giải quyết, chính các lãnh tụ phần đời, khi cảm thấy bối rối, bế tắc, họ phải tìm đến các giáo sĩ, xem các ngài như đồng minh cần thiết trên đấu trường chính trị. Vì thế, vào đầu thế kỷ XX, thường có hiện tượng “giáo sĩ dấn thân vào đời”. Những thành phần có trách nhiệm trong hàng giáo sĩ đôi khi không thấy được những hậu quả tai hại về lâu, về dài, nếu không đắn đo suy nghĩ, trước khi chấp nhận các hoạt động trong địa hạt trần thế. Trong nhiều nước ở Châu Mỹ La Tinh, nhiều giáo sĩ thiếu khôn ngoan, nên họ đã phải trả giá rất đắt. Ðó là trường hợp đã xảy ra, khi họ xuống đường ủng hộ những nhóm người quốc gia khuynh hữu, thường bị mang tiếng làm tay sai cho đế quốc phát-xít cực hữu.