CHƯƠNG I
GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI DÂN CHÍNH Ở
CHÂU MỸ LA TINH TỪ NGÀY ÐỘC
LẬP CHO ÐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX.
CHƯƠNG I
GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI DÂN CHÍNH Ở
CHÂU MỸ LA TINH TỪ NGÀY ÐỘC LẬP
CHO ÐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX.
Ở Châu Mỹ La Tinh, các nước thu hồi nền độc lập vào thập niên 1820. Từ đó, trong vòng khoảng 20 năm, những người có lập trường tự do dân chủ lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề chính trị. Vì phản ứng chống lại những mô hình quân chủ, họ đề cao việc tham gia vào quyền bính và mở rộng quyền bầu phiếu cho mọi người công dân. Nói cách chung, họ bênh vực phương thức Liên bang. Do đó, họ phản đối mọi đường lối tập trung quyền bính và chủ trương thiết lập một binh chủng chính quy hùng mạnh để đe dọa quyền tự do cá nhân. Theo lối nhìn của họ, quyền tối cao của quốc hội có thể giải quyết mọi vấn đề. Ðể tránh những phân biệt giai cấp cố hữu trong lòng xã hội, họ tìm cách hủy bỏ những tổ chức nghiệp đoàn tương trợ đã cản trở người công dân liên lạc trực tiếp với chính phủ. Thay vào đó, họ mong ước thành lập những tổ chức chính trị linh động và cởi mở hơn để các công dân khỏi những ràng buộc và gò bó vô ích.
Trong nhóm người chủ trương dân chủ tự do vào buổi đầu, có nhiều thành viên thuộc hàng giáo sĩ bản xứ, có khi chiếm đa số trong một vài quốc gia. Họ đã mở mắt nhận ra “con đường Ánh Sáng” ngay từ thời gian tu học ở đại chủng viện (1). Họ không hoàn toàn thiếu kiến thức về những vấn đề thần học. Tuy nhiên, vài người đưa ra những lý thuyết về ân sủng đậm màu sắc khắc khổ, nghiêm nhặt theo phái Janséniste. Họ có những quan niệm lý thần luận chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa Quan Phòng trong những biến cố thuộc đời sống con người. Nhiều người ước muốn quê hương của mình bắt chước Hoa Kỳ trong đường hướng hòa đồng tôn giáo và phân biệt rõ rệt giữa đạo và đời, giữa Hội Thánh và Nhà Nước. Hầu như tất cả những lớp người có lập trường tự do dân chủ thuộc thế hệ thứ nhất nầy, bất kỳ là thường dân hay giáo sĩ, đều coi trọng vấn đề chính trị và kinh tế. Họ không quan tâm bao nhiêu đến những yếu tố thuần túy tôn giáo.
Ðương khi đó, những thành viên bảo thủ, vào thời kỳ độc lập ở giai đoạn ban đầu, cũng lưu tâm đến vấn đề chính trị và kinh tế. Nhưng một cách chủ yếu, họ nêu lên chủ thuyết bênh vực một chính phủ độc tài, thuộc quyền điều khiển của một thiểu số ưu tú, có quân đội hùng mạnh làm hậu thuẫn. Theo lập trường nầy, hành pháp phải có ưu thế hơn lập pháp. Các tổ chức nghiệp đoàn với bao nhiêu đặc quyền có sẵn cần được duy trì. Và trong khi nỗ lực xây dựng những cơ cấu chính trị và kinh tế, những người bảo thủ không có thiện cảm tự nhiên với các giáo sĩ. Trái lại, họ phân vân khi nhận thấy rằng nhiều người của Hội Thánh có tư tưởng tự do dân chủ.
Vào những năm đầu, ngoại trừ ở vùng Trung Mỹ, người ta liên tục kiềm chế các lập trường tự do dân chủ, mặc dù đời sống chính trị thường xuyên có những biến chuyển thăng trầm đột xuất. Thắng lợi đặc biệt của phe tự do là ngăn chặn các quốc gia tân lập có một chính phủ quân chủ. Nhưng ở Brésil họ không thành công. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn trước năm 1840, một thế hệ dân chủ mới đã vùng lên và được củng cố. Nhờ những biến cố bùng nổ ở Âu Châu vào năm 1848, giới trí thức Châu Mỹ La Tinh càng ngày càng xác tín rằng: chủ nghĩa tự do là tương lai chính trị, đến nỗi vào giữa thế kỷ XIX, phe tự do dân chủ đã đẩy đối phương vào vị thế tự vệ. Sau năm 1840, phe dân chủ tự do nầy bắt đầu thắng thế trong đa số các nền cộng hòa, chỉ trừ ở Vùng Trung Mỹ thì phe bảo thủ vẫn tiếp tục thành công. Khoảng thời gian từ mười đến hai mươi năm sau 1840, là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chủ thuyết: từ bảo thủ đến đường lối tự do dân chủ.
Vào giữa các thập niên 1830, những xung đột giữa hai lực lượng tự do và bảo thủ đã bắt đầu khoác một bộ mặt mới, trong nhiều xứ sở thuộc Châu Mỹ La Tinh. Nhiều giáo sĩ thất vọng khi nhận thấy những rối loạn thường xuyên xảy ra trong địa hạt chính trị. Theo họ, nguyên nhân của tình trạng bất ổn ấy là đạo lý suy đồi (2). Họ muốn rời bỏ hàng ngũ của phe tự do dân chủ. Ðể giải quyết tình trạng hỗn độn ấy, theo ý họ, chỉ có một giải pháp duy nhất là chính phủ độc tài được một số người đảm nhiệm dưới quyền bảo trợ của Hội Thánh. Thêm vào đó, từ khoảng 1840 trở đi, Châu Mỹ La Tinh đón nhận nhiều đợt giáo sĩ thuộc diện di dân (3). Ðến Châu Mỹ vì lý do thiếu linh mục, những giáo sĩ ngoại quốc ấy được đào tạo vững vàng. Với những lập trường bảo thủ hơn những người đồng nghiệp ở Châu Mỹ, vì vậy càng ngày họ càng khuất phục được hàng giáo sĩ bản xứ bỏ quan niệm tự do để trở về với những ý kiến bảo thủ (4).
Người ta có thể hình dung lập trường bảo thủ của hàng giáo sĩ ở Châu Mỹ La Tinh như một phản ứng chống lại việc đổi mới mà thế hệ trí thức áp đặt trên phong trào tự do. Các người dân chủ mới chủ trương những chuyển biến trong cơ cấu tổ chức cổ truyền và lề lối hoạt động của giáo phái là điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình của mình. Họ xác tín rằng: không thể thực hiện nền dân chủ trong đời sống chính trị, bao lâu chính Hội Thánh còn duy trì ảnh hưởng toàn năng của mình và không chấp nhận cải tổ cơ cấu nội bộ trong chiều hướng tự do và dân chủ.
Nhân danh quyền bình đẳng của mọi công dân, phe tự do dân chủ đòi hủy bỏ mọi đặc ân và quyền miễn dịch của hàng giáo sĩ cũng như giải tán mọi cơ cấu nghiệp đoàn cổ truyền. Nhân danh quyền tự do tư tưởng, họ yêu cầu được giải phóng khỏi uy quyền giáo lý mà Hội Thánh đang thực hiện cả trên hai bình diện phàm tục và tôn giáo. Trong vấn đề nầy, họ muốn đi xa hơn những giáo sĩ đã chịu ảnh hưởng thuyết Gallican cuối thế kỷ XVIII, đòi Nhà Nước phải kiểm soát tất cả những sinh hoạt của Hội Thánh. Họ khẳng định rằng: quyền làm chủ tài sản và mọi hoạt động trong lãnh vực thế trần đều đi ngược với quan điểm của Kitô giáo thời sơ khai. Bắt chước nhiều người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha có chí hướng canh tân theo thuyết Thiên cảm, họ muốn tịch thu mọi của cải của Hội Thánh, thậm chí không cho phép Hội Thánh có phương tiện để thực hiện chương trình cứu trợ xã hội và công tác từ thiện, bác ái. Theo những người có lập trường tự do dân chủ, hoạt động bác ái chỉ khích lệ tính biếng nhác, và cản trở quần chúng tiếp thu tư tưởng tư bản. Ngoài ra, bác ái tạo nên những chướng ngại cho vấn đề tự do cạnh tranh và làm trì hoãn những năng động phát triển kinh tế. Khi kêu gọi thực hiện giải pháp tổ chức liên bang và khuyến khích quyền tự trị của các địa phương, phe tự do dân chủ yêu cầu Giáo Hội địa phương đi ra khỏi quyền kiểm soát của Vatican và của các Thánh Bộ. Một khi mục tiêu nầy thành đạt, họ hy vọng phát huy chủ nghĩa cá nhân trong nội bộ của tôn giáo. Rồi từ đó, họ tìm cách áp đặt trên Hội Thánh điều mà họ tìm cách thực hiện trên bình diện thế trần.
Chủ nghĩa tự do dưới hình thức mới nầy đã tạo nên trong môi trường bảo thủ của Hội Thánh những phản ứng mạnh mẻ. Trong khi giới trí thức theo chủ nghĩa tự do đã vượt ra ngoài giới hạn của mình, để đòi hỏi những cải cách trong nội bộ tổ chức của Hội Thánh, thì hàng giáo sĩ khuynh hữu cũng vượt quá quyền hạn và khả năng của mình, để đề xuất những qui luật hành xử trong thể thức tổ chức đời sống chính trị.
Trong khi phe tự do dân chủ đòi hỏi Hội Thánh phải thực thi trong nội bộ tổ chức của mình những lý tưởng chính trị và kinh tế mà họ đã đề xuất và bênh vực, thì những giáo sĩ bảo thủ ước mong cho xã hội thế tục bắt chước Hội Thánh, để thực hiện trong cơ cấu tổ chức của mình những lý tưởng như trật tự, quyền bính, giai cấp rõ ràng. Ngoài ra, trong lý tưởng ấy, cá nhân chủ nghĩa phải được khống chế, lợi nhuận không phải là động cơ duy nhất cần đặt lên hàng đầu. Vấn đề xung đột càng lúc càng trở nên triệt để. Phe tự do dân chủ cảm thấy giấc mơ của mình về xã hội gặp trắc trở, bao lâu Hội Thánh Công Giáo còn đứng ngoài những chương trình canh tân, mà họ đang đề xuất trong lãnh vực thế trần. Ngược lại, hàng giáo sĩ tin chắc rằng Hội Thánh sẽ gặp nhiều nguy cơ, nếu xã hội dân chính không được tổ chức theo đường lối của Hội Thánh, nghĩa là có tôn ti đẳng cấp và không đua đòi lối duy vật chất.
Trước 1850, hàng giáo sĩ đã chọn lựa lập trường đứng về phe giáo dân thủ cựu, coi những linh mục tự do, dân chủ thuộc thế hệ trước là kẻ thù riêng tư của mình. Kết quả là các lãnh tụ chính trị có khuynh hướng bảo thủ bắt tay hợp tác với hàng giáo sĩ của Hội Thánh Công Giáo. Họ ghi nhận lời cảnh cáo của các thành phần giáo sĩ: khi nào cơ cấu độc tài và tôn ti đẳng cấp của Hội Thánh bị tấn công, bấy giờ toàn bộ đoàn thể chính trị sẽ bị lật đổ, san bằng. Thêm vào đó, cả hai phía giáo sĩ giáo dân đều có thái độ nghi kỵ đối với giai cấp tư sản đang càng ngày càng bành trướng ảnh hưởng và củng cố địa vị của mình.
Khi đoàn kết với nhau để bênh vực đường lối bảo thủ, cả giáo sĩ và giáo dân, trong môi trường và điều kiện sinh hoạt vào giữa thế kỷ XIX, đều mang não trạng và thái độ được gọi là “Gia trưởng” trong học thuyết xã hội. Thể theo xác tín cơ bản của họ, trật tự xã hội đòi phải có một giai cấp hạ lưu với bổn phận chu toàn mọi công việc hèn hạ. Những thành viên của giai cấp nầy theo lối nhìn của họ, không được tìm cách leo lên những bậc thang xã hội cao hơn, bằng không, tôn ti đẳng cấp đã được quan phòng định liệu sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, sinh ra trong giai cấp lao động không phải là một tật nguyền, hay là một dấu hiệu sa đọa về mặt đạo đức. Những người thuộc giai cấp hạ lưu cũng như những thành phần trưởng giả đều có một cùng đích giống nhau, là được cứu rỗi đời đời. Giá trị làm người của họ không đặt thành vấn đề. Vì lý do đó, giai cấp thượng lưu có phận sự tìm mọi cách bao che họ, như bậc cha mẹ nâng đỡ con cái của mình.
Mục tiêu của những người chủ trương dân chủ tự do, thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai là cung ứng cơ may cho những giai cấp hạ lưu có thể từ từ leo lên những bậc thang xã hội. Và khi nào hệ thống tổ chức của họ được thành hình và bắt đầu hoạt động, lúc bấy giờ những biện pháp đòi hỏi giới thượng lưu tạo ra một cuộc sống thoải mái và an toàn cho đại quần chúng không còn là vấn đề thiết yếu. Trái lại, chính mỗi người dân phải tự mình giải quyết vấn đề cho mình, bằng cách sử dụng những phương tiện thăng tiến có sẵn - ít nhất trên bình diện lý thuyết - do chính quyền tự do dân chủ cung ứng; ví dụ, trường học sẽ mở ra ở mọi nơi, quyền bầu phiếu nới rộng cho mọi công dân, công ăn việc làm sẽ dễ dàng, đầy đủ...
Nhiều người Châu Mỹ La Tinh, tuy xuất thân từ môi trường bình dân, biết làm ăn phát đạt, đã tạo nên những quan hệ bạn bè, bà con, hôn nhân, đã tham gia những nhóm kinh tài... Nhờ đó, họ đi vào hàng ngũ của giai cấp trưởng giả, tương đối cởi mở của thế kỷ XIX. Những thành công của lớp người nầy cho phép phe dân chủ tự do xác tín rằng: những phương tiện nhằm thăng tiến con người về mặt xã hội đã có sẵn và khá đầy đủ. Các nỗ lực tìm lối thoát cho những giai cấp hạ lưu, theo ý kiến của phe tự do, chỉ mang đến những hậu quả bất lợi là thăng tiến những người thiếu khả năng và không xứng đáng cả về hai mặt chính trị và đạo đức. Con đường biến hóa của chủ nghĩa tự do thành chủ nghĩa thực nghiệm khoa học càng tăng cường niềm xác tín của họ. Từ Mexique đến Argentine ở miền Nam, các lãnh tụ chính trị đều nhất loạt công nhận tình trạng bẩm sinh thấp kém của những thành phần có bản gốc địa phương. Họ ra tay đàn áp những giai cấp họ cho là bất lực trong vấn đề tự thăng tiến bản thân và góp phần phát triển nền kinh tế của xứ sở.
Châu Mỹ La Tinh đã chịu những hậu quả thiệt thòi do sự tranh chấp giữa hai phong trào bảo thủ và tự do, và do tình trạng giao lưu giữa nhiều tư tưởng khác nhau vào cuối thế kỷ XIX. Phe tự do dân chủ, tuy đã chấp nhận những luận đề của một trong những trường phái thực nghiệm khoa học đang thịnh hành tại Mỹ Châu La Tinh, vẫn không nhìn nhận những thuận lợi thực tiễn do xã hội phân giai cấp một cách thường hằng và tất yếu mang lại. Từ chỗ không thừa nhận các tầng lớp hạ lưu có khả năng đổi mới đời sống của mình, họ càng ngày càng không cho các cấp ấy phương tiện để thăng tiến. Sau khi chối từ thuyết gia trưởng cùng với thuyết thực nghiệm của Auguste Comte, họ không ngần ngại sử dụng chủ thuyết Darwin xã hội của Herbert Spencer.
Ngược lại, phe bảo thủ phân vân không biết có nên áp dụng chính sách gia trưởng cho những nhóm người hoàn toàn thiếu khả năng kinh tế hay không. Rốt cuộc, vào lúc giao thời của thế kỷ, hai phe địch thủ trước đây là bảo thủ và tự do, chỉ còn khác biệt nhau ở một vấn nạn duy nhất là phải nhượng bộ thế nào cho Hội Thánh Công Giáo trong vấn đề thực thi quyền lực thế trần. Hoàn cảnh nầy chẳng bao lâu sẽ gây ra một vấn đề xã hội rất trầm trọng và nguy hiểm. Ðó là vào đầu thế kỷ XX, giới lãnh đạo chính trị, có lập trường bảo thủ hay tự do, bắt buộc phải chọn lựa: giải quyết vấn đề tham gia quyền lực của Hội Thánh hay là đương đầu với một cuộc cách mạng tất yếu.
1. MỄ TÂY CƠ
Nước Mễ Tây Cơ khánh thành nền độc lập với chính phủ Augustin de Iturbide. Ðược tôn phong làm hoàng đế năm 1822 và bị lật đổ năm sau, Iturbide chỉ được một thiểu số trong hàng giáo sĩ ủng hộ. Họ là những linh mục tiếc nuối quá khứ thuộc địa, họ muốn lui về với truyền thống của hoàng gia Habsbourg. Họ có thái độ dè dặt đối với những người theo chủ thuyết Thiên ứng, vì họ cho là có tư tưởng cải tổ của hoàng tộc Bourbons. Ðối với phe cực kỳ bảo thủ, Iturbide trong hơn một thế kỷ đã tượng trưng cho những gì là tinh túy trong gia tài thuộc địa công giáo. Ông được coi như là người bênh vực những truyền thống Mễ Tây Cơ, và giải thoát xứ sở thoát khỏi ảnh hưởng của tin lành và tránh được những hiểm họa của thuyết vật chất cá nhân theo lối sống Hoa Kỳ (5).
Phe dân chủ tự do của Mễ Tây Cơ đã lật đổ được Iturbide và thành lập nền cộng hòa, dưới quyền lãnh đạo hăng say của Valentin Gomez Farias. Trong vòng 30 năm, ông này đã tước đoạt mọi tài sản và đặc quyền của Hội Thánh, và nới lỏng mọi quan hệ với Roma. Ðể tự vệ, Hội Thánh dựa vào một người có tính tình bất định và có hành động mâu thuẫn: đó là ông Antonio Lopez de Santa Anna. Vào năm 1854, một phong trào cách mạng nổi lên, mang tên là “Canh Tân” (La Reforma). Theo nhận xét hơi cường điệu của một số người, phong trào nầy muốn nhập khẩu vào Mễ Tây Cơ đạo Tin Lành (6). Ðể thay thế chủ thuyết gia trưởng và tinh thần nghiệp đoàn của thời thuộc địa, phong trào Canh Tân đã sử dụng chủ thuyết tự do cổ điển, theo kiểu “thả lỏng” (7).
Hiến pháp mới được công bố vào năm 1857 bao gồm nhiều điều khoản nhằm mục đích kết nạp tinh thần tự do của thời đại vào các địa hạt kinh tế và chính trị. Hiến pháp cũng áp dụng biện pháp tịch thu có đền bù những tài sản của Hội Thánh và hủy bỏ tòa án của tôn giáo (8). Vatican lên tiếng chỉ trích bản hiến pháp ấy. Tổng giám mục Lazaro de la Garza, người Mễ Tây Cơ, phản ảnh lại lời tố cáo của Tòa Thánh. Thay vì chỉ tấn công những biện pháp chống đối giáo sĩ, Tổng giám mục còn phê bình những điều mục về quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận và đồng thời đưa ra những lời tuyên bố về quyền tối thượng của đại chúng.
Hàng giáo sĩ bảo thủ phải đương đầu chạm trán với một người cũng độc tài, bất khuất giống như tổng giám mục La Garza, đó là ông Benito Juarez (9). Ông nầy với ánh sáng Thiên ứng nội tâm, quả quyết rằng: Chủ thuyết tự do là nguồn gốc của mọi nhân đức. Thỏa hiệp với những lực lượng của quá khứ là điều vô lý. Giữa lúc ấy, nước Mễ Tây Cơ rơi vào tình trạng nội chiến. Phe giáo sĩ bảo thủ đã thất bại nặng nề, sau khi nhờ ngoại quốc tiếp viện từ năm 1862 đến năm 1868. Trong ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, Hội Thánh phải chịu đựng nhiều hạn chế nghiêm trọng cũng như những phiền hà trong vấn đề thực thi sứ mệnh thiêng liêng của mình. Ðồng thời, Hội Thánh không còn có một tiếng nói nào trong địa hạt trần thế nữa (10).
Ðiểm tích cực đạt được nhờ phong trào “Canh tân”, là các người ”lai” được hội nhập vào đời sống của xứ sở. Tuy nhiên hậu quả tai hại cũng do phong trào ấy gây nên là nhiều cộng đồng thôn xóm của người “Mỹ da đỏ” bị tiêu hủy, nhân danh quyền tự do tư hữu dành cho cá nhân. Nỗ lực của phe tự do là ép buộc quần chúng có bản gốc “da đỏ” quen có thái độ lừng khừng dưới chế độ gia trưởng, phải cạnh tranh với người khác trong một quan hệ bình đẳng và tự do. Thế là những nỗ lực ấy chỉ mang lại hậu quả là biến người địa phương da đỏ thành lớp người hoàn toàn bất lực, không có khả năng tự vệ trước những làn sóng tấn công của người biết lợi dụng thời cơ theo cá nhân chủ nghĩa. Bản hiến pháp 1857 rút tỉa những ý kiến từ những bản hiến pháp của các nước có dân cư với nhiều chủng tộc thuần nhất. Trong những nước ấy, cách mạng công nghệ cũng như sức sống thăng tiến của giai cấp tư sản đã giải thích và biện minh các biện pháp tự do và cá nhân chủ nghĩa. Trong nước Mễ Tây Cơ đang chia rẽ về mặt chủng tộc và còn ở giai đoạn vừa tiền công nghệ vừa tiền tư sản cũng như trong nhiều nước khác của Châu Mỹ La Tinh, thì những hiến pháp của các quốc gia tân tiến chỉ mang tính cách phi lý, không thích ứng với những điều kiện thực tế. Trên một vài bình diện cụ thể, các giáo sĩ đã có lý khi họ phản đối. Tuy nhiên, nhiều lúc họ đã hành động vì lý do ích kỷ.
2. NƯỚC TRUNG MỸ
Trong giai đoạn đầu, phe tự do đã thắng thế. Tại Guatemala (11), dưới quyền lãnh đạo hùng mạnh của phe bảo thủ Rafael Carrera. Hiến pháp mới, ra đời vào năm 1840, tái lập những đặc quyền cho hàng giáo sĩ, tài sản bị tịch thu trước đây được trả lại cho các dòng tu. Năm 1850, chính quyền Guatemala đã ký thỏa ước đầu tiên giữa một Cộng Hòa Châu Mỹ La Tinh và Vatican. Văn kiện bảo đảm rằng thuế lợi tức mười phần trăm sẽ được duy trì, hàng giáo sĩ được thừa hưởng nhiều đặc quyền, nhất là việc kiểm soát nền giáo dục, kiểm duyệt sách báo. Nền độc tài của ông Carrera kéo dài rất lâu. Ông còn áp đặt quyền kiểm soát trên các nền cộng hòa lân cận, và tăng cường quyền lực ấy với lực lượng quân sự. Nhờ ảnh hưởng của ông, một thỏa ước khác - tương tự với thỏa ước của Guatemala - được xứ Honduras ký kết. Năm tiếp theo, xứ Salvador cũng ký kết một thỏa ước y hệt. Carrera còn áp đặt được ý muốn và ảnh hưởng của mình cho tới lãnh thổ của Nicaragua, mặc dù phe tự do có sự yểm trợ của một đội quân ngoại quốc, do một nhà mạo hiểm rất gan dạ điều khiển. Nhà mạo hiểm nầy xuất thân từ Hoa Kỳ, mang tên là William Walker.
Cho đến năm 1871, phe tự do không thể đuổi đối thủ của mình ra khỏi chính quyền. Vào năm ấy, phe tự do dân chủ của Honduras và Salvador kết hợp với nhau, để lật đổ những lãnh tụ phe bảo thủ trong hai xứ sở của họ. Họ đánh bại quân đội của Guatemala, và đẩy mạnh chương trình chống đối hàng giáo sĩ. Chẳng bao lâu chương trình nầy lan rộng ra trên toàn miền Trung Châu Mỹ.
Những ai tự xưng là dân chủ tự do vào thời ấy chỉ là những người bị loại ra khỏi hàng ngũ công chức trong vòng ba mươi năm trước đó. Họ được sự ủng hộ của vài thành phần trí thức đã chịu ảnh hưởng của chủ thuyết tự do và có một vài ý niệm sơ đẳng về chủ thuyết thực nghiệm. Những thành phần bất mãn, đã bị loại trừ, đổ lỗi cho Hội Thánh đã thao túng chính trường và cản trở họ thực thi quyền bính. Vì lý do ấy, họ chủ trương phải ngăn cản Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực trần thế.
Vào năm 1879, tổng thống Justo Rufino Barrios, thuộc phe tự do dân chủ đã triệu tập Quốc Hội lập hiến cho xứ Guatemala. Quốc hội đã soạn thảo một bản hiến chương bao gồm nhiều biện pháp chống lại hàng giáo sĩ đã có từ những năm trưởc. Theo hiến pháp, Hội Thánh không được coi là một pháp nhân. Cho nên, Hội Thánh không có quyền đắc thủ tài sản và nơi tế tự, không có quyền tham gia tranh luận chính trị. Bản hiến pháp còn đề ra những phương thức hủy bỏ các tu viện, công bố đoạn tuyệt hoàn toàn giữa Hội Thánh và Nhà Nước, tục hóa nền học vấn công cộng.
Năm 1882, lần đầu tiên, Giáo Hội Tin Lành được thừa nhận ở Guatemala. Tổng thống Barrios, trong một cuộc thăm viếng Hoa Kỳ, đã yêu cầu hội đồng giáo sĩ tin lành gửi thừa sai đến đất nước của ông. Ông tình nguyện lấy tiền lương của mình để trang trải những phí tổn cho vị thừa sai tiên khởi. Tám năm sau, mục sư C.I. Scofield thành lập hội truyền giáo, hoạt động mạnh mẽ. Và vào cuối thế kỷ XIX, nhiều vị thừa sai của hội này đã được gửi tới hầu hết các nước cộng hòa vùng Trung Mỹ.
Ngoại trừ ở Costa-Rica, Hội Thánh Công Giáo vùng Trung Mỹ bắt buộc phải thích ứng với một số luật lệ chống giáo sĩ. Quyền lực thế trần cũng như nhiều đặc ân của Hội Thánh bị cắt xén trầm trọng hay bị hủy bỏ hoàn toàn. Năng quyền giáo huấn của Hội Thánh cũng bị hạn chế ở một mức độ quá rõ ràng. Thậm chí trong những trường học do Hội Thánh kiểm soát, giờ dạy giáo lý cũng không còn, vì chính phủ áp đặt những hạn chế cho chương trình giảng dạy.
Khi nói đến Phong trào Canh Tân “La Reforma” ở Mễ Tây Cơ, chúng ta đã nhận thấy rằng cách mạng do phe tự do dân chủ thực hiện, vào những năm 1870 ở vùng Trung Mỹ, đã mang lại một số cải tổ có hậu quả rộng rãi trong lãnh vực xã hội và kinh tế. Nhưng ở Guatemala, chủ nghĩa tự do chỉ gia tăng khó khăn cho người “da đỏ”. Sau khi những hạn chế, do chủ thuyết gia trưởng gây nên đã được hủy bỏ, thì những quyền lợi của nông dân càng bị bóp chẹt hơn xưa.
3. A CĂNG ÐÌNH VÀ CHÍ LỊ
Về phía cực Nam Châu Mỹ La Tinh, Hội Thánh ở cuối thế kỷ XIX, cũng bị tước đoạt quyền bính, giống như ở Mễ Tây Cơ và ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, tại A Căng Ðình và Chi Li, thể thức loại trừ đã đi theo một tiến trình chậm rãi, bình thản hơn trong các nền cộng hòa phía cực Bắc.
Những xung đột giữa hai phe tự do và bảo thủ đã xảy ra tại A Căng Ðình trước sau năm 1820. Khởi đầu là Bernardino Rivadavia, tổng đốc tỉnh Buenos Aires, muốn thăng chức thống sự của toàn miền La Plata thống nhất. Ông tìm cách hủy bỏ tòa án riêng biệt của Hội Thánh. Ông thành lập xã hội từ thiện để tấn công tình trạng độc quyền cố hữu của Hội Thánh trong lãnh vực bác ái. Ông cũng nỗ lực thiết lập một mạng lưới giáo dục công cộng do Nhà Nước đặc trách đài thọ (13). Những nỗ lực của Rivadavia không có công hiệu bao nhiêu vào những năm từ 1829 đến 1851. Hội Thánh vào thời ấy đã lợi dụng thái độ luôn luôn thuận lợi của nhà độc tài Juan Manuel de Rosas. Những đại biểu có uy lực nhất thuộc cánh hữu của Hội Thánh Công Giáo ở A Căng Ðình đều cảm phục Rosas, giống như các người cùng chí hướng ở Mễ Tây Cơ cũng cảm phục Iturbide. Chính vì vậy, nhà độc tài được mô tả như là người tiếp nối thời vàng son, trong chế độ thuộc địa. Xã hội lúc bấy giờ được tổ chức thành hệ thống tôn ti đẳng cấp rõ ràng, thể theo những nguyên tắc và hướng dẫn của Hội Thánh Công Giáo (14).
Mười năm, sau khi Rosas bị lật đổ, vào khoảng 1860, phong trào tự do dân chủ, với sắc thái thực nghiệm chủ nghĩa, đã thắng cuộc ở A Căng Ðình. Một hệ thống giáo dục công cộng được thành hình, để chống lại nền giáo dục tôn giáo (15). Ðảng quí phái mang tên là “Quốc gia tự trị” (Partido Autonomista Nacionalista) (16) điều khiển chính trường từ 1874 đến 1916. Ðảng “Ðoàn kết và Cấp tiến” (Union Civica Radical) là đảng đối lập có chủ trương bình dân, xuất phát từ những giai cấp trung lưu. Ðảng nầy được thành lập năm 1891. Cả hai phe chấp chính và đối lập đều đồng ý và kết hợp với nhau để chống đối Hội Thánh một cách quyết liệt. Nỗ lực chung của họ là cấm cản Hội Thánh “thọc gậy bánh xe”, chận đứng dòng tiến bộ. Họ e ngại Hội Thánh tìm cách áp đặt những giá trị cổ hủ thời Trung Cổ trên đời sống thế tục là phạm vi không thuộc về thẩm quyền của Hội Thánh.
Quả thực, việc hủy bỏ quyền lực của Hội Thánh trong địa hạt trần thế đã thực sự tạo nên một hoàn cảnh trí thức rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của A Căng Ðình vào những năm 1880. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của chủ nghĩa thực nghiệm khoa học, giới lãnh đạo A Căng Ðình không quan tâm bao nhiêu đến vấn đề cải tổ xã hội. Có lẽ, một phần nào, họ có những phản ứng kỳ thị chủng tộc, đối với những thành phần “lai” trong các tỉnh thuộc vùng nội địa. Ðàng khác, chủ thuyết tự do, đối với họ, có nghĩa là “thủ tiêu mọi lực lượng đối lập có ý đồ cướp chính quyền. Những xáo trộn như vậy không thể không nguy hại cho một xứ sở ở trong giai đoạn chuyển biến” (18).
Hội Thánh Công Giáo ở Chili cũng có một số phận tương tự như ở A Căng Ðình. Vào thời thuộc địa, Hội Thánh ở đây đã yếu ớt mong manh, vào giữa thế kỷ XIX, Hội Thánh lại mất thêm uy tín và quyền lực. Năm 1845, khi Rafael Valentin Valdivieso y Zanartu lên làm tổng giám mục của Santiago, những tranh chấp bắt đầu xảy ra giữa Hội Thánh và Nhà Nước. Những tham vọng quyền lực của nhiều giáo sĩ càng ngày càng bị tiêu vong.
Với lập trường bất khuất, Valdivieso xác tín rằng: không thể nào thỏa hiệp với tinh thần tự do và phàm tục của thời đại (19). Tổng giám mục không ngừng vận động để bênh vực một cơ cấu tổ chức có tính cách thần quyền trong địa hạt chính trị. Ông mong ước cả Hội thánh và Nhà Nước trở thành hai trung tâm quyền lực trong địa hạt thế trần. Ðể ủng hộ lập trường nầy, ông có thể dựa vào một lực lượng chính trị mới là Ðảng Bảo Thủ. Theo lời tuyên bố của một đảng viên theo phe công giáo, ủng hộ giáo sĩ, ”gia nhập vào Ðảng nầy là tiến lại gần Thiên Chúa” (20).
Tuy nhiên tổng giám mục phải đối đầu với một đối thủ kiên cường chống lại nền quân chủ. Ðó là tổng thống Manuel Montt (1851-1861). Nỗ lực của ông này là bảo vệ quyền tối thượng của Nhà Nước trong địa hạt thế trần; và bảo đảm cho Nhà Nước có mọi đặc quyền trên Hội Thánh (21). Khi chống đối lại tổng giám mục như vậy, Montt trở thành đối thủ của phe bảo thủ ở Chili. Một cách gián tiếp, ông khuyến khích nâng đỡ những lý thuyết gia của đảng Tự Do. Những người nầy hy vọng rằng, trước khi bắt đầu chương trình cải tổ xã hội, họ có khả năng tiêu diệt mọi vết tích quyền lực của Hội Thánh trong địa hạt chính trị. Ðồng thời, họ hy vọng thay đổi được tổ chức nội bộ của Hội Thánh.
Vào những năm 1870, ở Chili, đảng tự do kết hợp với đảng cấp tiến, họ chống đối hàng giáo sĩ một cách quyết liệt. Họ làm tê liệt đảng bảo thủ và đã thắng lợi trên đấu trường chính trị. Hàng giáo sĩ đã đưa ra những biện pháp “phạt vạ dứt phép thông công” nhưng phương pháp nầy vô hiệu, cho nên, họ mất hết mọi đặc quyền. Những tòa án của Hội Thánh bị hủy bỏ, thể thức thu thuế 10% bị đình chỉ. Hội Thánh mất luôn độc quyền kiểm soát nghĩa địa, trường học và hôn phối. Mặc dù các giáo sĩ kêu ca tố cáo ảnh hưởng rối đạo, vô luân đã tiêu diệt những truyền thống đích thực của xứ sở, tất cả đều vô ích không mang lại kết quả gì.
Cũng như ở các nơi khác của Châu Mỹ La Tinh, đường lối tục hóa và chống lại hàng giáo sĩ đã thành công ở Chili. Tình trạng này đã tạo nên một bầu khí thuận lợi cho vấn đề phát triển kinh tế, nhưng lại làm cho những vấn đề xã hội thêm bi đát. Thế là từng nghìn nông dân người Chili tập trung về các thành phố lớn. Khi di chuyển như vậy, vào cuối thế kỷ XIX, họ mất hết những trợ cấp, nâng đỡ, mà họ nhận được trong môi trường thôn quê, trong chế độ gia trưởng là chế độ xoa dịu phần nào những khắc nghiệt trong cuộc sống. Bây giờ sống chen chúc trong thành phố, mất hết gốc rễ tự nhiên, họ trở thành nạn nhân của những người có đầu óc tư bản nhưng thiếu ý thức về trách nhiệm xã hội, lợi dụng hoàn cảnh để khai thác nhân công tối đa, theo khẩu hiệu của chủ thuyết tự do kinh tế: “Hãy tự do làm, hãy tự do di chuyển”.
4. NƯỚC EQUATEUR
Juan José Flores, người Venezuela, có tính khí đấu tranh, là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của nước Equateur, từ 1830 đến 1845. Ông hy vọng giải quyết mọi vấn đề bằng con đường thỏa hiệp giữa hai đối lực: bảo thủ và tự do, Hội Thánh và Nhà Nước, giáo sĩ và thành phần chống giáo sĩ. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (1839-1845), Flores đã nỗ lực thoa dịu những thành phần tự do, bằng cách cho phép người không theo đạo Công Giáo thực hành tôn giáo của mình trong đời tư. Ông cũng thỏa mãn những thành phần bảo thủ bằng cách duy trì chế độ chính trị tập quyền, độc tài và dành ưu tiên cho hành pháp. Phương pháp giải quyết vấn đề của ông là phân biệt rõ ràng địa hạt thuần chính trị và những nhu cầu của tôn giáo. Phương pháp nầy đòi hỏi phải giải đáp những nguyện vọng của phe tự do đối với Hội Thánh, đồng thời lắng nghe những ước mơ của phe bảo thủ liên hệ đến cách thức tổ chức chế độ chính trị. Phương pháp nầy đã thất bại vì thái độ cố chấp của cả hai phe đối lập. Sau khi Flores bị lật đổ vào năm 1845, nước Equateur rơi vào tình trạng hỗn loạn, do hơi men của cách mạng gây nên, trong vòng 15 năm. Các phe phái thù địch đấu tranh để giành phần thắng lợi, trong nhiều địa hạt khác nhau: địa phương, tư tưởng hay là nhân sự. Cuối cùng, vào năm 1860, Gabriel Garcia Moreno, xuất thân từ Guayaquil đứng lên cướp chính quyền và thiết lập một chính phủ hùng mạnh trong nhiều năm. Nhờ đó, đời sống chính trị được ổn định. Nền kinh tế được phát triển cách mạnh mẽ (22).
Là một người công giáo mộ đạo, Carcia Moreno đã đổ lỗi cho chủ thuyết tự do, có nguồn gốc ở nước ngoài, đã gây ra tình trạng chia rẽ và phân cắt xứ sở thành hai phe. Ông xác tín rằng, chỉ có truyền thống công giáo của nước Equateur mới có thể tạo nên phong trào yêu nước vững chãi, khả dĩ tập hợp những phe nhóm xa nhau về mặt địa lý và khác biệt nhau về mặt chủng tộc xã hội. Nhằm bảo vệ những truyền thống nầy khỏi những ảnh hưởng thù địch, năm 1863 Garcia Moreno đã ký kết với Vatican một thỏa ước. Theo văn kiện nầy, những người đại diện của Hội Thánh có những quyền hành lớn lao trên giới “Chủ nhân thực sự” (Patronato real). Hàng giáo sĩ của nước Equateur có thể tự do liên lạc với Tòa Thánh. Bản thỏa ước củng cố những đặc quyền của các tòa án đạo và bảo đảm quyền sở hữu của Hội Thánh về tài sản. Nhà Nước cũng thu thuế lợi tức 10% cho Hội Thánh.
Ðường lối chính trị của Garcia Moreno không mang lại kết quả tốt đẹp. Năm 1875, ông bị ám sát trong một cuộc mưu loạn do phe tự do tổ chức. Từ đó, xứ Equateur trong vòng hai mươi năm lâm vào tình trạng bất ổn thường xuyên do vấn đề tranh chấp chính trị dai dẳng. Phải đợi đến năm 1895, phe tự do dưới sự lãnh đạo của Eloy Alfaro và Leonidas Plaza Guzman mới thắng lợi. Trong vòng mười năm, phe nầy đã đề xuất một chương trình hành động hoàn toàn chống lại hàng giáo sĩ. Chương trình nầy thiết lập hôn phối dân sự và quyền ly dị. Các hội dòng tu tân lập không được phép hoạt động. Chương trình cũng đưa ra những biện pháp xác định những điều được chấp nhận trong địa hạt tôn giáo. Hội Thánh và Nhà Nước tách rời nhau trên lý thuyết, nhưng trong thực tế, Nhà Nước dựa vào đó để can thiệp vào nội bộ của Hội Thánh. Nền giáo dục hoàn toàn do Nhà Nước kiểm soát. Trong chương trình học đường, giờ dạy giáo lý bị hủy bỏ.
Trong những thành quả tích cực do phe tự do thực hiện được, ở Equateur, chúng ta cần ghi nhận những điểm sau đây: quyền tự do cá nhân được tăng cường - mặc dù trong thể thức bầu phiếu, có những mưu toan tổ chức nhằm cản trở phe bảo thủ đạt đa số - người lai được hội nhập vào đời sống của xứ sở.
Trong những yếu tố tiêu cực, chúng ta nhận thấy rằng những giai cấp trung lưu mới thành hình cấu kết với giới thượng lưu kỳ cựu ở thôn quê nông nghiệp, để chống lại những tiến bộ xã hội. Ngoài ra, quan niệm cổ điển về chủ nghĩa tự do kinh tế được phổ biến rộng rãi. Do đó những phương pháp gia trưởng cổ truyền bị suy yếu. Tình trạng của người bản gốc “da đỏ” trở nên khốc liệt. Khủng hoảng xã hội càng ngày càng trầm trọng hơn (23).
Vấn đề quan hệ đạo-đời ở Equateur chỉ được giải quyết vào đầu thế kỷ XX, trong chiều hướng có lợi cho phe tự do. Tuy nhiên, vấn đề nầy chỉ kích thích những dục vọng của phe phái, cản trở người làm chính trị nhìn thẳng những vấn đề thiết yếu càng ngày càng trở nên cấp bách hơn. Nhiều giáo sĩ còn hoài cổ, nuối tiếc những đặc quyền đã mất. Họ tìm cách thu hồi, bằng cách dựa vào hai thành phần: giai cấp khá giả và quần chúng “da đỏ”. Vì từ thời thuộc địa, người da đỏ tỏ ra có nhiệt tình hầu như cuồng tín đối với Hội Thánh Công Giáo, ít nhất trong những hình thức bên ngoài. Vì muốn lợi dụng hoàn cảnh nầy, các giáo sĩ làm lơ, không quan tâm những vấn đề xã hội và kinh tế. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX, những vấn đề đó đang được đặt ra một cách gay gắt, trầm trọng trong nước Equateur, và đòi hỏi phải canh tân tận góc rễ.
5. NƯỚC COLOMBIE
Trong vấn đề tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và tự do, ý thức hệ chỉ là một trong nhiều yếu tố khác nhau. Nhận xét nầy có giá trị cho toàn vùng Châu Mỹ La Tinh. Người ta dùng những nhãn hiệu, “Bảo thủ” và “Tự do” để đánh bóng một tình trạng xung đột, trong nhiều trường hợp, chỉ có nguồn gốc cá nhân hoặc địa phương mà thôi. Ngoài ra, lắm lúc vì lý do thực tiễn, hai phe bảo thủ và tự do phải ngồi lại, hợp tác với nhau. Hơn ở những nơi khác, các nhận xét nầy đang được chứng nghiệm ở Colombie. Những tranh chấp gia đình, những thù địch cá nhân, những xung khắc địa phương và bao nhiêu bất đồng trên bình diện xã hội và kinh tế đã có mặt vào thế kỷ XVIII, tạo nên những cuộc xung đột to lớn vào thế kỷ XIX. Ðể đơn giản hóa ngôn từ, người ta mô tả những xung đột ấy như là những giai đoạn tranh chấp giữa phe bảo thủ và phe tự do (24).
Trong những yếu tố xung đột đưa đến tình trạng nội chiến đẫm máu, người ta thấy những lý do bất đồng cá nhân hơn là những tranh chấp giữa hai đường lối liên bang hoặc tập quyền, hay vấn đề liên hệ đến vai trò của Hội Thánh trong xã hội thế trần. Phe thắng thế trong cuộc chiến ấy gồm những điền chủ, những giáo sĩ cao cấp, những tướng tá quân đội. Nhóm người này tự đặt cho mình một danh hiệu “Người phục vụ” (Ministériales) là tiền thân của Ðảng Bảo thủ.
Sau ngày chiến thắng, “nhóm người Phục vụ”, vào đầu năm 1840, đã thành lập chế độ chính trị tập quyền tối đa và thiết lập một mạng lưới giáo dục tôn giáo chính qui. Tuy nhiên, vào năm 1848, có hiện tượng bất hòa chia rẽ trong hàng ngũ của họ, vì họ phải đương đầu với những thách đố lớn của phe tự do vừa tìm ra được luồng sinh khí mới trong những biến cố xảy ra ở Pháp. Vào năm 1849, phe tự do bầu được ứng cử viên của mình vào ghế tổng thống. Và trong khoảng bốn năm, họ công bố điều luật tách rời đạo đời và thừa nhận hôn phối dân sự.
Những giai cấp tiểu công nghệ thành phố ủng hộ lập trường của phe tự do, chẳng bao lâu trở nên thành phần bất mãn. Lợi nhuận của họ bị thương tổn, vì một định luật vừa ra đời nhằm suy giảm hay là hủy bỏ biện pháp bảo trợ giá cả. Thêm vào đó, phe tự do vận động hủy bỏ những nông trại loại nhỏ. Kết quả là nhiều cộng đồng “da đỏ” bị giải tỏa. Lương thực bị thiếu hụt. Ðất đai bị trưng dụng để biến thành đồng cỏ chăn nuôi của những địa chủ địa phương mua theo giá hạ.
Thất vọng về đường lối của chính phủ thuộc phe tự do, người dân Colombie đã dồn phiếu cho phe độc lập dưới quyền chỉ đạo của Rafael Núnẽz, trước kia thuộc phe tự do. Núnez lập được chính phủ vào năm 1880. Có sự ủng hộ của nhiều thành phần bảo thủ ôn hòa, Núnez và Nhóm cầm quyền chủ trương: Trở lại chế độ chính trị độc tài, tập trung quyền lực; Xúc tiến những biện pháp khó khăn nhưng hợp với truyền thống lịch sử; Xây dựng những nền móng cần thiết cho một chính phủ ổn định, nhằm phát triển nền kinh tế của xứ sở (25).
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Núnez đã làm chủ được tình hình chính trị cho đến lúc qua đời, năm 1894 (26). Chính sách được ông chỉ đạo, mang tên là “Rezeneracion” (Tái sinh) đã thành công trong việc phục hồi quyền lực của phe bảo thủ. Hiến pháp mới được Núnez và nhóm ủng hộ công bố vào năm 1886 tái lập chế độ tập quyền, tăng cường uy lực của Hành Pháp. Hội Thánh được lại vị trí hùng mạnh trong đời sống của Colombie. Về điểm nầy, chế độ của Núnez còn đi xa hơn. Vào năm 1887, chính phủ đã thương thuyết với Vatican về một thỏa hiệp bao gồm những biện pháp trả lại tài sản cho Hội Thánh. Trường hợp không thể trả lại được, Hội Thánh nhận lãnh những món tiền hay bất động sản để bù trừ. Nền giáo dục được đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của hàng giáo sĩ. Các giám mục do đó có thể ấn định những loại sách giáo khoa được chọn trong các trường công; buộc phải từ chức những giáo sư không được giáo sĩ đồng ý. Những người lãnh đạo của nước Colombie còn tỏ ra, ít nhất trong giai đoạn đầu của chính sách “Tái sinh”, một vài quan tâm đến vấn đề xã hội, đặc biệt trong vấn đề lập lại biện pháp bảo trợ giá cả (27).
Sau khi Núnez qua đời, Hội Thánh vẫn giữ địa vị quyền lực và vẫn tiếp tục thực thi ảnh hưởng trong đời sống của dân chúng ở Colombie. Quyền lực và ảnh hưởng ở đây còn lớn lao hơn trong các cộng hòa khác của Châu Mỹ La Tinh. Ngặt một nỗi là sau khi Núnez khuất bóng, phe bảo thủ ở Colombie, phía giáo sĩ cũng như dân thường, không biết lợi dụng hoàn cảnh đang có lợi cho mình để kiếm tìm những giải pháp thích ứng cho những biểu hiện mới của cuộc khủng hoảng xã hội.
6. NƯỚC PÉROU
Ở Pérou, trong chiều hướng có lợi cho phe bảo thủ, vấn đề quan hệ Ðạo Ðời được giải quyết, suốt thời gian hai mươi lăm năm, sau khi xứ sở nầy được độc lập (28). Tiếp theo đó, vào cuối thập niên 1840, những tranh chấp lại nổi lên. Một đợt sóng mới của người theo phe dân chủ tự do hăng say đứng lên, nhờ vào nguồn cảm hứng phát xuất từ những biến cố xảy ra ở Âu Châu vào năm 1848. Họ đấu tranh với linh mục Bartolomé Herrera, người lãnh đạo phong trào bảo thủ của Pérou, trong thế kỷ XIX (29). Cùng với một số linh mục phản động, người gốc Tây Ban Nha, phe bảo thủ muốn áp đặt cho giáo quyền Pérou chủ trương của mình (30).
Thế hệ mới trong phe tự do ở Pérou tin chắc rằng: để mở rộng tự do cho giới chính trị và kinh tế, Hội Thánh Công Giáo phải bắt đầu được mở rộng trong chiều sâu nội bộ tổ chức của mình, nghĩa là phải xóa bỏ mọi đặc quyền, phải từ chối mọi tôn ti đẳng cấp giữa giáo sĩ và giáo dân; phải giải tỏa mọi quyền kiểm soát độc tài của Vatican và các thánh bộ. Thành phần giáo sĩ thuộc phe bảo thủ, trái lại, bênh vực lập trường duy trì địa vị của Hội Thánh như một tổ chức có quyền lực và trật tự. Nên hệ thống chính trị phải được tổ chức rập theo khuôn mẫu của Hội Thánh. Khi đưa ra những đường lối chủ trương như vậy, cả hai phe tự do và bảo thủ đều vi phạm một số sai lầm. Tổng thống Ramon Castilla (trong hai nhiệm kỳ 1845-1851 và 1854-1862) đã chứng minh điều ấy. Ông đã thực hiện một cách tài tình và lâu dài đường lối thỏa hiệp giữa hai phe phái tự do và bảo thủ.
Ông tìm ra được phương thức hoạt động vào giữa thập niên 1850. Khi hai phe đối thủ không tỏ ra đầy đủ tinh thần hòa hợp và hòa giải, năm 1860, ông đã sử dụng những biện pháp nhằm áp đặt một hiến pháp mới. Bản hiến pháp nầy cụ thể hóa đường lối thỏa hiệp đã được ông quan niệm và vạch ra, với sự giúp đỡ và đóng góp của những thành phần ôn hòa thuộc cả hai phe nhóm. Thỏa hiệp nầy đáp ứng nhu cầu của phe bảo thủ, vì nhiều lý do: duy trì cơ cấu chính trị tập quyền và nền độc tài tương đối, Hội Thánh vẫn giữ quyền tư hữu về tài sản và của cải của mình, vẫn có những quyền tương đối tự trị, trong cách tổ chức nội bộ, vẫn có nhiều tự do đối với chính phủ, các giáo sĩ có quyền phát biểu trực tiếp và tham gia đời sống chính trị. Ngoài ra, để thỏa mãn phe tự do, bản Hiến pháp 1860 có những điều lệ sau đây: bãi bỏ những tòa án của Hội Thánh, hình thức thuế thập phân chính phủ thu cho Hội Thánh, hệ thống giáo dục công cộng không còn được đặt dưới quyền kiểm soát của hàng giáo sĩ nữa.
Bản thỏa hiệp của Castilla, trong những đường nét chính yếu, phản ảnh chương trình mà Juan José Flores đã thực hiện ở Equateur. Bản thỏa hiệp thu đạt nhiều kết quả thắng lợi, nhờ việc soạn thảo lúc đầu của một nhân vật có thái độ hòa giải. Ðó là Francisco Javier de Luna Pizarro, tổng giám mục địa phận Lima. Sau khi ông nầy qua đời, năm 1855, José Sebatian Goyeneche y Barreda đã lên kế vị. Goyeneche là con người hiền lành, ôn hòa, được đào tạo từ nhỏ, theo đường lối của học thuyết quân chủ. Ông nầy đã tỏ ra ý chí muốn phê chuẩn thỏa hiệp của Castilla, giống như vị tiền nhiệm của mình. Ông không hay biết lời kêu gọi đấu tranh theo kiểu Nghĩa Binh Thánh Giá của Herrera, có những chủ trương thần quyền quá khích và độc tôn La Mã.
Phe bảo thủ khuynh hữu nhận thấy lập trường của mình được tôn trọng. Phe tự do nhận thấy những đòi hỏi của mình về vị thế của Hội Thánh được toại nguyện; quyền bầu phiếu có cơ may sẽ được mở rộng; và nhất là vai trò quan trọng của nền giáo dục công cộng được thừa nhận. Cho nên, những thành phần ôn hòa của hai phe chính trị đã hợp tác với nhau. Sau 1860, ngoại trừ một vài đợt tấn công qua lại xảy ra trong chốc lát (31), vấn đề quan hệ giữa hai phe bảo thủ và tự do, giữa thành phần ủng hộ và chống đối hàng giáo sĩ, giữa Hội Thánh và Nhà Nước không còn gây lũng đoạn cho đời sống chính trị ở Pérou nữa.
7. NƯỚC VENEZUELA
Nước Venezuela thời thuộc địa không thu hút bao nhiêu các vị thừa sai nhiệt tình, vì không có một môi trường rộng lớn thuộc nền “văn minh da đỏ” tạo thuận lợi cho công việc truyền giáo. Ngoài ra, nước nầy không có những tài nguyên để khai thác. Ðiều kiện sinh sống ở thành thị cũng không thu hút bao nhiêu những thành phần thượng lưu. Không bao giờ là một tổ chức hùng mạnh trong quá khứ, Hội Thánh vẫn tỏ ra bất lực, không có khả năng chống lại những biện pháp của José Antonio Páez. Ông là nhân vật lãnh đạo phong trào giành độc lập và nổi bật trong đấu trường chính trị từ 1830 đến 1846. Chính ông đã hủy bỏ tòa án của Hội Thánh và chấm dứt việc thu thuế thập phân cho Hội Thánh do Nhà Nước tổ chức (32).
Một nỗi đe dọa khác cho Hội Thánh là nhân vật Antonio Guzman Blanco. Là vị lãnh đạo háo danh và mánh khóe, ông nầy thực thi quyền lực chính trị từ 1870 đến 1888. Là con của Leocardio Guzman, người lãnh đạo kỳ cựu của phe tự do ở Venezuela, ông thiên về chủ thuyết thực nghiệm hơn là thuộc phe tự do cổ điển. Ông giúp sức cho Adolfo Ernst, một nhà trí thức có ảnh hưởng, đưa vào chương trình đại học của Venezuela, khoa thần bí thực nghiệm về tiến bộ. Ông khuyến khích hệ thống giáo dục công cộng, bằng cách mời các thừa sai Ðức và Hoa Kỳ hợp tác mở trường Sư phạm. Nhằm phổ biến những đặc tính thực tiễn có liên hệ đến nền Ðạo Ðức Tin Lành, Guzman Blanco tạo điều kiện dễ dàng, để các thừa sai tin lành đến hoạt động ở Venezuela.
Ông Guzman Blanco đả kích lập trường của Hội Thánh Công Giáo. Ông giải tán nhiều dòng tu, tịch thu tài sản của các dòng, phát lưu tổng giám mục địa phận Caracas, trục xuất vị sứ thần Tòa thánh. Ông thiết lập hôn phối dân sự, và hy vọng rằng, nhờ loại hôn phối nầy sẽ giảm hạ số lượng cao của con cái sinh ra do những quan hệ bất hợp pháp. Và cũng nhờ vậy, những người thiếu công ăn việc làm có thể hợp thức hóa tình trạng hôn phối của mình.
Có lúc người ta nghi ngại không sao tránh khỏi những xung đột trực tiếp giữa Vatican và chính quyền của Venezuela, như ở Mexique vào những năm 1850. Tuy nhiên vào năm 1876, một thỏa ước được ký kết. Một đàng, Roma thừa nhận, cách mặc nhiên quyền tối thượng của Nhà Nước trên Hội Thánh trong vấn đề chủ quyền và các vấn đề có liên hệ. Ðàng khác, Guzman Blanco đã rút lui một dự luật, do chính ông đệ trình và biện hộ tại Quốc Hội, nhằm hợp thức hóa vấn đề lập gia đình của linh mục.
Ðường lối chống giáo sĩ của Guzman Blanco không kết thúc bằng giai đoạn quá khích là chống Hội Thánh Công Giáo. Ông được sự ủng hộ rộng rãi của đồng bào không thuộc diện cuồng tín. Cho nên, ông bảo đảm thăng tiến những giá trị được đa số dân chúng coi là của mình. Ông đã cộng tác nhiều vào phong trào ái quốc ở Venezuela (33). Ngoài ra, Vatican đã tỏ ra có thái độ hòa hoãn, muốn thỏa hiệp. Quả nhiên, Tòa Thánh đã rút tỉa bài học từ kinh nghiệm xảy ra ở Mễ Tây Cơ. Nơi đây, cố chấp muốn hoàn toàn tiêu hủy phong trào chống giáo sĩ, Vatican đã phải thất bại.
8. NƯỚC BRÉSIL
Dưới thời thuộc địa, Nhà Nước đã thực thi nhiều quyền bính đặc biệt trên Hội Thánh. Quyền bính nầy càng được tăng cường dưới chính thể quân chủ vào cuối thế kỷ XVIII, đến độ biến Hội Thánh thành nô bộc của chính quyền trần tục. Xung đột đã bùng nổ, khi hàng giáo phẩm muốn nới rộng quyền của Tòa Thánh trong mọi lãnh vực thuộc đời sống của Hội Thánh.
Khi Brésil thu hồi quyền độc lập từ Bồ Ðào Nha năm 1822, đa số giáo sĩ, như thường xảy ra ở các nước dưới quyền đô hộ của Tây Ban Nha, đều có chủ trương tự do và sẵn sàng chấp nhận quan niệm quân chủ trong địa hạt quan hệ Ðạo Ðời. Tuy nhiên, vào những năm 1870, nhiều biến cố dồn dập xảy ra đã làm cho hoàn cảnh của Hội Thánh trở thành nguy ngập ở mức độ báo động. Ðược khuyến khích bởi giọng điệu độc tôn La mã của Syllibus 1864 và bởi nhiều lời tuyên bố khác của Tòa Thánh, nhiều giáo sĩ của Brésil quyết định bênh vực Hội Thánh, bằng cách từ chối phục vụ Nhà Nước. Họ đứng lên phản đối những biện pháp của chính phủ, có thể gây nên những tai hại cho đời sống đức tin mà họ có trách nhiệm.
Giáo quyền đã tìm ra nguyên nhân báo động trong hành động của hoàng đế Pedro II (1840-1889). Với khuynh hướng khoan dung tín ngưỡng, hoàng đế đã đưa ra những lời tuyên bố khuyến khích ủy lạo các vị thừa sai thuộc Giáo Hội Tin Lành. Ngoài ra, giáo quyền cũng lo ngại, trước trào lưu của giới trí thức ở Brésil, đồng tâm với những người Ðức có xu thế tương tự, đứng lên chỉ trích giáo điều về tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng. Vì nhiều thành phần trí thức có liên hệ khăng khít với chính phủ, giáo quyền hồ nghi là họ được sự ủng hộ của nhà vua để tuyên bố chống lại Hội Thánh.
Cuộc tranh luận về Hội Tam Ðiểm đã phát sinh cơn khủng hoảng trong quan hệ giữa Hội Thánh và Nhà Nước. Từ thế kỷ XVIII, hàng giáo sĩ ở Brésil đã nhìn nhận Hội Tam Ðiểm với con mắt thiện cảm. Một số giáo sĩ đã gia nhập hội có trụ sở đó đây, trong khắp nước. Tòa Thánh đã đưa ra những lời tố cáo khác nhau chống lại Hội Tam Ðiểm, nhưng những bản tố cáo ấy không được phổ biến ở Brésil. Vì những nhân vật chính thức của Nhà Nước, với sự ủng hộ của hàng giáo sĩ, không thấy có gì đe dọa trong Hội Tam Ðiểm.
Tuy nhiên vào giữa thế kỷ XIX, Hội Tam Ðiểm ở Brésil cũng như trong một vài nước cộng hòa thuộc Châu Mỹ La Tinh đã đưa ra những dấu hiệu của một lập trường chống đạo Công Giáo cách rõ ràng (35). Năm 1873, hoàn cảnh trở nên trầm trọng, đến độ giám mục của địa phận Pernambouc là Vital Maria Goncalves de Oliveira, còn trẻ trung, thuộc dòng Phanxicô, được đào tạo ở Pháp, vừa được phong chức, lên tiếng báo động ảnh hưởng của hội Tam Ðiểm trong địa phận của mình. Sau khi gửi một bản báo cáo cho Tòa Thánh Vatican về vấn đề nầy, giám mục Vital nhận được một văn thư phúc đáp ngắn, ban quyền “phạt vạ dứt phép thông công” những người theo nhóm Tam Ðiểm và tức khắc giải tán những cộng đoàn huynh đệ sống dưới quyền kiểm soát của họ. Vì không xin hoàng đế phê chuẩn văn thư của Tòa Thánh trước khi công bố, theo đúng thủ tục hợp pháp (36), nên vị giám mục đã công bố và một vị khác đã công khai ủng hộ, cả hai bị tố cáo vi phạm Hiến Pháp và bị trừng phạt. Cuối cùng, những vị đại diện của Hội Thánh và đại biểu chính quyền đã tìm ra một giải pháp thỏa thuận. Nhưng trước đó, hai vị giám mục đã bị bắt giam và ở tù trong một thời gian. Uy tín của hai phe, vì lý do đó, đã bị thương tổn. Nhiều nhà trí thức, do ảnh hưởng của chủ thuyết thực nghiệm, quyết định rằng nước Brésil phải được giải phóng khỏi chế độ quân chủ và khỏi những cơ cấu tổ chức cổ hủ của Hội Thánh.
Sau khi vua Pedro II bị truất phế và đày ải năm 1889, biện pháp đầu tiên do ban hành pháp của nền cộng hòa quyết định là công bố phân chia rõ rệt quyền Ðạo và quyền Ðời. Mặc dù Nhà Nước còn giữ một quyền kiểm soát rộng rãi trên Hội Thánh - quan niệm phân chia Ðạo Ðời ở Châu Mỹ La Tinh có nghĩa là Nhà Nước không còn hỗ trợ tài chánh, nhưng vẫn tiếp tục can thiệp - hai quyền bính hợp tác với nhau, không còn đụng độ, khi chế độ luật pháp của nền cộng hòa bắt đầu có hiệu lực. Một vấn đề khác có tác dụng nghiêm trọng cho Hội Thánh, hơn cả những đe dọa xuất phát từ một chính phủ thù địch, đó là nếp sống đạo hạnh của đa số giáo dân.
Vào đầu những năm 1890, một phong trào tôn giáo được Antonio Maciel lãnh đạo, mang tên là “Conselheiro” (người Cố vấn) đã bắt đầu gây lo ngại, trong các vùng đất khô cằn cỗi ở nội địa “Seitão”, phía Ðông-Bắc. Phong trào nầy lúc đầu có vẻ chịu ảnh hưởng của các “thầy lang băm” người “da đỏ” hơn là thuộc truyền thống công giáo. Dầu vậy, phong trào được hàng giáo sĩ Brésil chấp nhận, vì hàng giáo sĩ sống phóng túng và thiếu học vấn. Thậm chí họ đã cho phép ông cố vấn Antonio Maciel giảng dạy và giải tội trong một số nhà thờ công giáo. Tuy nhiên, khi ông bắt đầu chiến dịch rao giảng lòng bất tuân phục đối với Nhà Nước và trình bày những giáo lý hoàn toàn rối đạo, Hội Thánh đã chính thức phản ứng và phạt vạ dứt phép thông công ông cố vấn. Mặc dù xanh xao hốc hác và gầy còm, ông cố vấn vẫn tiếp tục là một vị “đại lãnh tụ tôn giáo” dưới con mắt của dân chúng quê mùa mộc mạc. Vào năm 1896, một đoàn quân của chính phủ, gồm độ sáu ngàn binh sĩ đã bao vây sào huyệt của “ông cố vấn” ở Canudos. Quân đội đã giết ông và một số đồ đệ đi theo ông. Số nạn nhân bị giết không được công bố, nhưng phong trào hoàn toàn bị tan rã (37).
Theo bài viết năm 1963 của một nhà xã hội học lão luyện (38), thì đời sống đạo của Brésil đã thực sự khởi sắc từ đầu thế kỷ. Trong vùng Amazonie, một hình thức hỗn hợp liên kết tín ngưỡng của người da đỏ và đạo Công Giáo, làm nên nét chủ yếu của tôn giáo. Riêng vùng ven biển Ðông-Bắc, đức tin công giáo được pha trộn vào những yếu tố tôn giáo và văn hóa phát xuất từ Phi Châu. Những giáo chức cao cấp thuộc giới thượng lưu rất sùng đạo nhưng sống phóng túng. Ngoài ra, đa số giới trung lưu, nhất là phụ nữ, hành đạo một cách hình thức và bám víu những truyền thống đậm mầu sắc lộng lẫy bề ngoài. Trong giới trung lưu ở phía Nam, một số người theo đạo Tin Lành. Quần chúng trong các thành thị đi theo những thể thức thông linh học hay theo những tín ngưỡng của Phi Châu. Quần chúng ở nông thôn trung thành với tôn giáo bình dân có nhiều tập tục và tín ngưỡng truyền lại từ quá khứ xa xưa, không thích ứng với giáo lý của Hội Thánh Công Giáo ở thế kỷ XX (39).
9. HỘI THÁNH CÔNG GIÁO CHÂU MỸ LATINH VÀO THẾ KỶ XIX.
Vào khoảng thời gian từ 1820 đến đầu thế kỷ XX, quyền bính trần tục và ảnh hưởng trí thức của Hội Thánh Công Giáo bị suy đồi rõ rệt. Colombie là một trường hợp ngoại lệ về vấn đề nầy. Ở Pérou, thỏa hiệp do Castilla thực hiện, đã tránh cho Hội Thánh một cuộc tấn công trầm trọng chống giáo sĩ. Tuy nhiên, trong nước nầy, quyền bính của Hội Thánh chỉ là bề ngoài hơn là thực tế. Vấn đề rõ rệt trong lãnh vực trí thức, là ở đây người ta theo chủ nghĩa thực nghiệm có chiều hướng chống giáo sĩ. Mặc dù chương trình dạy giáo lý công giáo còn được áp đặt cho đại học quốc gia San Marcos (thánh Marcô) ở Lima, giáo sư giảng dạy là ông Mariano Amezaga, một người có tư tưởng vượt xa hơn chủ nghĩa thực nghiệm tân tiến và đã trở nên vô thần (40).
Khi Châu Mỹ La Tinh thu hồi độc lập, nhiều giáo sĩ tưởng như “truyền thống của hoàng tộc Habsbourg sắp trở lại chính trường”. Ðó là một chế độ kết hợp Hội Thánh và Nhà Nước cách chặt chẽ và có ảnh hưởng quyết định trên xã hội trần tục. Trong một thời gian vắn, với Iturbide ở Mễ Tây Cơ, với Garcia Moreno ở Equateur, và có lẽ với Rosas ở A Căng Ðình, người ta có cảm tưởng ước mơ sắp trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vào năm 1900, các giáo sĩ của Châu Mỹ La Tinh, ngoại trừ ở Colombie, không thể quả quyết là Hội Thánh của họ và Nhà Nước là hai trung tâm quyền lực và ảnh hưởng lẫn nhau trong lãnh vực thế trần. Thế nhưng, nhiều người trong họ vẫn nuôi hy vọng có ngày họ sẽ đạt được thế quân bình trong cách phân chia quyền lực. Họ vẫn chờ có hoàn cảnh để lấy lại uy tín cho Hội thánh. Trong ba mươi năm đầu của thế kỷ XX, nhiều hoàn cảnh xem ra đã tạo thuận lợi cho niềm tham vọng của họ. Hội Thánh đi vào thời kỳ canh tân. Cho dù những hiện tượng bên ngoài có vẻ trái ngược nhau, các giá trị tinh thần liên hệ đến đạo Công Giáo chưa hẳn bị tiêu diệt hoàn toàn như bạn bè lo sợ và như kẻ thù hy vọng.