NHẬP ÐỀ
PHẦN III GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI CHÂU MỸ LATINH
F.B. Pike
NHẬP ÐỀ
Cuối thế kỷ 18, linh mục Vincent Amil y Feijóo, người Peru, đã đưa ra những lý chứng thần học để bênh vực chủ trương độc tài chính trị. Lập trường mới nầy đi ngược lại với một truyền thống khác có mặt ở Châu Mỹ La Tinh chủ trương xây dựng một Hội Thánh muôn màu muôn sắc. Theo linh mục Vincent, “một nhà lãnh đạo cho dù tốt hay xấu trong cách thừa hành chức vụ, vẫn lãnh nhận từ Thiên Chúa những quyền năng ấy. Cho dù họ độc tài, xấu xa và gian ác đến độ nào đi nữa, chúng ta cũng phải trung thành và tuân phục. Ngoài lời cầu khẩn xin Thiên Chúa toàn năng bênh vực chúng ta, trong những hoàn cảnh gian truân, chúng ta không có một phương tiện xử lý nào khác (1)”.
Ðại đa số trong hàng giáo sĩ không chấp nhận lý thuyết độc tài ấy. Trái lại, theo ý kiến của họ, Hội Thánh có nhiệm vụ làm một thành trì bênh vực người công dân, trước mọi hình thức lạm dụng chính trị, xã hội và kinh tế. Nền tảng của lập trường nầy là luật tự nhiên cho phép họ khẳng định rằng: vai trò đích thực của tôn giáo không phải là ủng hộ uy quyền chính trị, nhưng là bênh vực quyền lợi tối thượng của cá nhân, trong đời sống xã hội. Một cách cụ thể, linh mục Toribio Rodriguez de Mendoza, cũng là người Peru, vào những năm 1790 đã quyết định âm thầm cải tổ chương trình của một trường quan trọng ở Lima mang tên là Real Convictorio de San Carlos. Giá trị tối thượng của người dân và quyền lợi tự nhiên của con người là hai chủ điểm rất được coi trọng trong chương trình cải tổ nầy (2).
Vào đầu thế kỷ XIX, những xung đột giữa hai lập trường tư tưởng trên đây đã lan rộng ra trên toàn lục địa Châu Mỹ-Tây Ban Nha. Thật ra rất khó xác định bản tính của cộng đồng công giáo Mỹ-Tây Ban Nha
Hoàn cảnh mập mờ như thế không phải là điều mới lạ. Tại Mẫu quốc Tây Ban Nha cũng như trên các vùng thuộc địa của họ, luôn luôn có những cuộc tranh luận sôi nổi, nhằm xác định đâu là lập trường của Hội Thánh: làm công cụ đàn áp hay là đứng ra bênh vực những quyền lợi của các thành phần “thấp cổ bé miệng” trong xã hội? Những người đi theo chủ trương thứ nhất dựa vào một cách giải thích hạn hẹp lề luật thực định của Thiên Chúa, nhằm bênh vực những đặc quyền của một giai cấp ưu tú. Những người đi theo chủ trương thứ hai qui chiếu vào lề luật tự nhiên, để đề cao nhân quyền và tự do như những điều kiện tất yếu xuất phát từ đức tin (3).
Trong giai đoạn đầu, sau khi các thuộc địa được độc lập, vai trò và ảnh hưởng của Hội Thánh đã bị suy yếu vì những rạn nứt trầm trọng trong nội bộ. Ngoài ra, trong môi trường xã hội và chính trị, Hội Thánh cũng gặp nhiều nghi kỵ, và bị tấn công, do những phong trào chống đối kịch liệt đặt mũi nhọn vào cơ quan tổ chức và nhất là hàng giáo sĩ.
Có ý kiến cho rằng những người Créole có khuynh hướng tà giáo (4). Những người “lai căng” này gốc Tây Ban Nha mà sinh ra tại Mỹ Châu thiên về chủ nghĩa an tịnh. Họ đồng hóa ý chí cá nhân với thánh ý của Thiên Chúa. Do đó, họ không coi trọng vai trò ”bí tích” của Hội Thánh cơ cấu và của hàng tư tế.
Tình trạng chia rẽ nội bộ và tinh thần chống đối hàng giáo sĩ giao thoa nhau, cấu kết vào nhau và gây ra nhiều vấn đề mới. Ðặc biệt nhất là vấn đề “ai là chủ nhân” (patronat réel) (5) đã tạo ra những tranh chấp trầm trọng giữa Hội Thánh và những chức trách của Nhà Nước. Hai bên bắt đầu thảo luận về thuế má: Các chính phủ quốc gia có nên tiếp tục theo truyền thống thời thuộc địa để lại mà thu thuế “mười phần trăm” cho Hội Thánh không? Ðồng thời, những tòa án thuộc quyền Hội Thánh, đã có mặt từ thời trước, bây giờ bị công kích bởi các thành phần trí thức và nhân viên chính phủ. Tiền tài và các bất động sản của Hội Thánh cũng là đối tượng bị các giáo dân và một thiểu số trong hàng giáo sĩ lên tiếng phê bình một cách gay gắt và nghiêm trọng.
Bốn vấn đề trên - chủ quyền, thuế má, tòa án và tài sản của Hội Thánh - trong các nước Châu Âu, đã được đem ra thảo luận từ thế kỷ XI. Vào năm 1800, các vấn đề ấy đã được giải quyết trong những đường nét cơ bản. Tuy nhiên, tại Châu Mỹ La Tinh, ví dụ ở Brésil, những vấn đề ấy lại được đặt ra vào năm 1800. Cần phải mấy chục năm xung đột và bạo động nữa, chúng mới được giải quyết thỏa đáng.
Sau khi nền độc lập được thu hồi, những chính khách của Châu Mỹ La Tinh có khuynh hướng tìm ở Lục địa Âu Châu nguồn cảm hứng cho những chủ thuyết của mình. Những học thuyết tự do dân chủ được thịnh hành vào thế kỷ XIX đang thu hút họ, nhất là đường lối chống đối hàng giáo sĩ trong các chủ thuyết ấy. Mấy năm sau đó, tại Mexique, Chili, Brésil và đặc biệt nhất tại Argentine, Venezuela, Pérou, những tác phẩm của Auguste Comte có ảnh hưởng lớn trên những thành phần chủ động của lớp trí thức và các nhà chính trị. Nhân danh chủ nghĩa thực nghiệm khoa học - được phổ biến rộng rãi trong lớp bình dân - họ đấu tranh quyết liệt chống lại những tập tục hành đạo cổ truyền và những giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (6). Và khi Chủ Nghĩa quốc gia tự trị đã thịnh hành khắp Châu Mỹ La Tinh, những người trước đây, trong quá khứ thuộc địa, đã bênh vực truyền thống quân chủ, trở lại tố cáo Hội Thánh như một tổ chức của nước ngoài. Họ muốn truất phế Hội Thánh khỏi mọi chức năng và ảnh hưởng trong cuộc sống tự nhiên hằng ngày, mà vẫn để Hội Thánh tiếp tục có mặt và hoạt động.
Vào thời kỳ độc lập ở giai đoạn đầu, như trong những xứ sở dân chủ được thành lập, Hội Thánh còn phải đương đầu với vấn đề xác định căn tính hay là chân tướng của mình? Nhiều thành phần trí thức và các chính khách chỉ chú trọng đến vấn đề vật chất và lo phát triển kinh tế. Họ kích thích những động cơ làm giàu, những sở thích cạnh tranh, những phản xạ tư bản. Ðang khi ấy, một số người khác muốn bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền đã có mặt từ thời Trung Cổ, trong các nước cựu thuộc địa. Họ không đề cao những tiến bộ vật chất, những động cơ làm giàu theo đường hướng tư bản và cá nhân chủ nghĩa. Thay vào đó, họ khẳng định và coi trọng những giá trị ưu tiên thuộc đời sống tâm linh, những hình thức đãi ngộ quần chúng bình dân, khác với những lối tìm lợi nhuận cấp thời. Họ muốn duy trì các tổ chức hợp tác xã, những phương cách khai khẩn ruộng đất. Tuy không nhất trí hoàn toàn, đa số hàng giáo sĩ bênh vực đường hướng và lập trường thứ hai trên đây. Ngoài ra, hàng giáo sĩ khước từ chủ nghĩa cá nhân tư bản là di sản lúc Giáo Hội Tin Lành quá coi trọng lương tâm cá nhân trong phạm vi hành đạo.
Khắp nơi, trên toàn lục địa Châu Mỹ La Tinh - ngoại trừ ở Colombia và một phần ở Pêrou - vào cuối thế kỷ XIX, Hội Thánh đã thất trận, trong các cuộc chiến đấu chống lại các chính phủ. Quyền lực kinh tế và chính trị của Hội Thánh cũng như uy tín trong lãnh vực trí thức và văn hóa đã suy yếu rõ rệt ở khắp nơi. Hội Thánh chỉ còn những ảnh hưởng rất nhạt nhòa trong địa hạt trần thế. Tình thế nầy đã làm cho hàng giáo sĩ xao xuyến rất nhiều. Theo họ, sở dĩ quyền lực và uy tín của Hội Thánh đã bị suy uý, là vì các nước cộng hòa dân chủ không có đời sống ổn định và luôn bị giao động bởi các cuộc cách mạng tạo nên.
Vào giữa thế kỷ XIX, một vài thành viên thuộc hàng giáo phẩm, với sự ủng hộ của những cán bộ giáo dân, lên tiếng nhắc nhở rằng: Chỉ có truyền thống của Hội Thánh thời thuộc địa, mới có thể tái lập tinh thần hợp nhất và đoàn kết khả dĩ mang lại trật tự thực sự cho xã hội. Giống như linh mục Amil Y Feijóo, họ đề cao đường lối độc tài. Ngược dòng lịch sử, những tiên tri của chủ thuyết độc tài lặp lại lời lẽ của nhà thần học Tây Ban Nha, Ginès de Sepúlveda, ở thế kỷ XVI. Ông dựa vào mối liên hệ giữa người Indiens và Tây Ban Nha mà quả quyết rằng: các giới hạ cấp phải nhắm mắt phục tùng các giai cấp thượng lưu.
Những người bị ám ảnh về trật tự, muốn bênh vực bằng mọi giá quyền lợi của giới thượng lưu trong lãnh vực xã hội và chính trị. Không gây được sự thỏa thuận chung về cái nhãn giới đặc biệt họ rút từ truyyền thống công giáo tinh dòng. Trong cộng đồng tín hữu, họ không bao giờ có thể loại trừ những người như linh mục Rodriguez de Mendoza, muốn liên kết đức tin với quyền lợi của hết mọi người, nhất là của những ai không có khả năng để bênh vực cho chính mình. Họ thừa kế sản nghiệp tâm linh của Bartholomé de Las Casas, cũng gốc Tây Ban Nha. Ông nầy đã bênh vực thổ dân Châu Mỹ, ngược lại với lập trường của Ginès de Sepulveda. Ông cương quyết tuyên bố là chỉ có một nhân loại độc nhất, không thể phân chia thành những giai cấp trên và dưới.
Nếu hàng giáo sĩ ngã theo chiều hướng dân tộc mà chủ trương một Hội Thánh khép kín, độc tài, có giai cấp rõ rệt, là vì lập trường nầy phản ảnh quan điểm của những người đang cầm quyền. Giới nầy thường mang tâm trạng chống giáo sĩ, từ chối những quan hệ liên đới chính trị với Hội Thánh. Họ tìm mọi cách để duy trì trật tự chính trị, bào chữa uy quyền và đặc ân của phái thống trị, kêu gọi dân đen phải nhẫn nhục, thi hành mọi công tác và chu toàn mọi bổn phận. Cách phân chia những giai cấp xã hội trong nhiều thế kỷ đã trở thành một lối mòn cố định, không cho phép những người lãnh đạo Châu Mỹ La Tinh khai thác các giá trị thẩm mỹ và trí óc thông minh trong các ý thức hệ chủ trương tự do và bình đẳng giai cấp, hầu cố võ một trật tự xã hội hoàn toàn đổi mới.
Trong gần một thế kỷ, mấy quốc gia thuộc Mỹ Châu La Tinh đã được nung nấu bởi quan điểm công giáo hàm chứa trong tư tưởng của Las Casas về trách nhiệm của nhà cầm quyền và về quyền lợi của đại chúng. Vào những năm cuối của thập niên năm mươi, tư tưởng ấy bắt đầu có tác dụng trên những vị lãnh đạo Giáo Hội. Một trong những lý do, là vì chính các nhà cầm quyền dân sự đứng trước những đòi hỏi mới về xã hội và kinh tế, đã quyết định từ bỏ quan điểm quí phái thịnh hành trong thế kỷ trước, để thăng tiến một xã hội cởi mở, đa dạng, ổn định và tiến bộ về mặt chính trị.
Những tranh luận giữa hai khối đối phương thuộc hai truyền thống trong lòng Hội Thánh Công Giáo, cũng như những tác động hỗ tương và các giá trị mới trong xã hội trần thế, đã giúp Hội Thánh Công Giáo ở Châu Mỹ La Tinh thay đổi rất nhiều, trong việc phát triển nội bộ và trong những tương quan với môi trường chính trị. Tuy nhiên, cho đến đầu thập niên bảy mươi, giáo quyền vẫn chưa tìm ra được một con đường trung dung giữa hai lập trường đối kháng. Vì thế, Hội Thánh đã không tận dụng đúng lúc và đúng tầm bao nhiêu thuận lợi mỗi ngày một gia tăng trong bầu khí chính trị.