CHƯƠNG III
GIÁO HỘI GIA NÃ ÐẠI TỪ 1850
ÐẾN THỜI NAY
CHƯƠNG III
GIÁO HỘI GIA NÃ ÐẠI TỪ 1850 ÐẾN THỜI NAY
1. NHẬP ÐỀ
Nhân tố quan trọng nhất trong lịch sử Gia Nã Ðại có thể thu tóm trong danh từ kép “Pháp-Anh”. Như trong mọi nước khác, nơi đây cũng có những nhóm cạnh tranh với nhau, những giai cấp xung đột, những sắc tộc thiểu số phản động. Từ khi nền thuộc địa Anh được thiết lập, thống đốc Murray đã viết: “60.000 người dân Nouvelle France có thể trở thành một khối người trung thành và hữu dụng nhất của đế quốc Mỹ này. Nhân tố Pháp-Anh là tuyệt đối cần thiết để tạo nên lịch sử Gia Nã Ðại”. Nhân tố ấy cũng đương nhiên cần thiết trong lịch sử Giáo Hội ở Gia Nã Ðại.
Thật ra cũng có nhiều nguyên tố quan trọng khác đã ảnh hưởng đến việc hình thành Giáo Hội tùy theo kinh nghiệm trên miền đất mênh mông ở phía Bắc Mỹ. Trước tiên, Giáo Hội Gia Nã Ðại là một Giáo Hội Mỹ. Nhìn từ Âu Châu là nơi xuất tích, thì Giáo Hội này có đặc tính phóng khoáng giống như xã hội dân sự. Ðó cũng là đặc tính của một “Giáo Hội-biên giới” (Eglise-frontière), một Giáo Hội của những người tiên khởi. Dầu vậy, ở đây có điều tương phản: vừa quyết chí đi ra khỏi tình trạng đã có sẵn, nhưng lại mang nặng tinh thần bảo thủ. Vì phải tranh đấu để sống, để thỏa mãn nhu cầu căn bản của đời sống, nên người ta bám vào những gì là căn bản của sự sinh tồn, khác với người sống trong một xã hội đã có mức sống nề nếp. Vì thế, trong các Giáo Hội ”biên giới” cũng trong Giáo Hội Công Giáo, người ta có khuynh hướng chính thống quá khích. Ðàng khác, nếu nhìn lịch sử tổng quát của Châu Mỹ, thì Gia Nã Ðại có vẻ là quốc gia bảo thủ. Và trên phương diện này, khối người Pháp với ý chí sống còn, đã đóng một vai trò chủ yếu. Còn một điều căn bản hơn nữa, là Gia Nã Ðại ra đời vào thời điểm cách mạng Hoa Kỳ, và việc ra đời này là thành quả của một loạt quyết định chung của người Pháp và người Anh không muốn sống chung với Hoa Kỳ. Tình hình địa lý, sự phát triển kinh tế cũng như ý thức về môi trường sống đã in dấu lâu bền trên lịch sử nước Gia Nã Ðại. Ý muốn chính trị, văn hóa và xã hội là những yếu tố cấu thành nguyên thủy của lịch sử Gia Nã Ðại. Nói một cách chung, sau này người ta lấy nhiều quyết định mà không kể gì đến thực trạng kinh tế và địa lý. Cho đến lúc những kho tàng khổng lồ miền Bắc được khai thác, thì Gia Nã Ðại về mặt kinh tế vẫn chỉ là một giải đất hẹp từ Ðông sang Tây. Những động lực chống Mỹ đã được biện minh rõ ràng trong nhiều năm trước khi lập Liên Minh Gia Nã Ðại. Về phía Giáo Hội, tưởng nên thêm vào phần này mấy yếu tố khác nữa. Theo J.A. Raftis, thì văn kiện Québec bảo đảm đường lối khoan dung của chính phủ thuộc địa Anh đối với Giáo Hội Công Giáo Gia Nã Ðại Pháp. Văn kiện Québec đã đóng góp rất nhiều trong việc đòi hỏi đế quốc Anh phải giải phóng người công giáo, và tạo nên một môi trường xã hội và chính trị dễ thở cho những người công giáo mới di cư qua Gia Nã Ðại. Lại nữa, nhờ cuộc hưng thịnh tại Âu Châu của phong trào canh tân công giáo sau thời chiến tranh Napoléon, mà tinh thần truyền giáo sốt sáng của nhóm người công giáo Gia Nã Ðại Pháp được khích lệ, họ nhất trí làm cho đạo Công Giáo tồn tại và bành trướng. Tiếp đến, vấn đề biên giới đã hủy bỏ một số ngăn cách tôn giáo và văn hóa cổ truyền, đồng thời tạo nên nhiều trường hợp cộng tác và giúp đỡ nhau giữa các cộng đồng đức tin, đó là điều không bao giờ thấy bên Âu Châu vào giữa thế kỷ XIX. Hơn nữa, tiếp theo những hoạt động bác ái mạnh mẽ của các nữ tu vùng Québec, dưới thời chính phủ quân sự Amherst và Murray, tổ chức liên lạc vì bác ái đã bắc nhiều nhịp cầu giữa các dị đồng tôn giáo, nhất là trong những khi xứ sở phải trải qua những bệnh thời khí và khủng hoảng (1). Trong lúc đó, những cuộc tranh luận xa xưa nhập cảng từ Âu Châu qua thế giới mới, gây mầm nhiễm độc nặng hơn lúc ban đầu. Nhiều cuộc đụng độ giữa người “Orangistes” và người công giáo Ái Nhĩ Lan đã xẩy ra với những vụ chém giết nổi tiếng tại Donnelly năm 1880 trên vùng Bắc London, tiểu bang Ontario, là những ví dụ đáng kể trong cơn hỗn loạn này.
Vấn đề đầu tiên của Giáo Hội Gia Nã Ðại Anh trong những năm 1880 là làm sao đáp ứng những nhu cầu tôn giáo căn bản của làn sóng di nhập Ái Nhĩ Lan vào Gia Nã Ðại và vào Hoa Kỳ do nạn đói trong nước họ. Nhất là vì nhu cầu linh mục cần phải kêu gọi đến hai nguồn chính là Gia Nã Ðại Pháp và Âu Châu, vì phần đóng góp của Hoa Kỳ không đáng kể. May liền sau đó, ơn kêu gọi của người bản xứ trong giới Gia Nã Ðại Anh và trong các tỉnh miền duyên hải, đã đến tiếp tay các linh mục giáo phận và linh mục dòng. Một điều lâu năm vẫn khó khăn là việc lập những chủng viện có khả năng. Vì có những mối căng thẳng trong dòng Chúa Cứu Thế và nhiều dòng khác bên Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng của các dòng Gia Nã Ðại bắt gốc từ Âu Châu buộc phải lập nhiều tỉnh dòng mới, và nếu cần, nhiều tu hội khác nhau
Theo kinh nghiệm xẩy ra bên Hoa Kỳ, sự phát triển cộng đoàn công giáo bên Bắc Mỹ gốc Anh đã gây ra phản ứng “bản xứ” chống công giáo tại nhiều nơi. Ðây chỉ là một phong trào nghịch Roma, như tại Terre Neuve trong thập niên 1860. Phần đông phản ứng này là do ác cảm với người Gia Nã Ðại Pháp như ta thấy rõ trong những cuộc nổi loạn Gavazzi tại Montréal năm 1853 và trong những cuộc đụng độ nhân dịp tranh luận, về quyền lợi của trường công giáo đã xẩy ra trong hội “Gia Nã Ðại hợp nhất” (Canada Uni) từ năm 1850 đến quyết nghị Scott (Scott Act) năm 1863.
Bên Gia Nã Ðại Pháp, bài học quan trọng nhất của kinh nghiệm một phần tư thế kỷ (1841-1867) do “Gia Nã Ðại hợp nhất” tạo nên, là sự xuất hiện một loại người Gia Nã Ðại Pháp rất khác người “ngoại quốc”. Cả nước đều đi theo đường hướng của người đầu não thế hệ trước là Louis Joseph Papineau. Còn hai người chủ xướng cách sống mới, với một thái độ vừa cộng tác, vừa quyết liệt trước tương lai xứ Gia Nã Ðại, là Louis H. Lafontaine và Georges Etienne Cartier. Họ vừa dạy cho đồng hương, vừa tiêu biểu cho lối sống mới còn sót lại. Nhất là Cartier, ngoài vai trò nhất quyết trên bình diện chính trị, ông đã là đầu não trong việc thiết lập sở xe hỏa Gia Nã Ðại Grand Trunk Railway một trung tâm sản xuất gang thép của Gia Nã Ðại tương lai. Trong văn chương, F.X. Garneau, Octave Crémazie, và Louis Fréchette, mỗi vị một cách, đã góp phần vào vinh quang Gia Nã Ðại Pháp, đã mở ra cho văn hóa nước nhà một trang sử mới.
Nhân vật chính trong hàng giáo phẩm lúc bấy giờ là giám mục Ignace Bourget thành Montréal (1841-1870). Dưới thời ngài, nhiều dòng nữ đã được thiết lập, và được người ta khâm phục về sự hy sinh trong việc giáo dục và về những hoạt động trong công trình từ thiện. Theo Marcel de Gundpré, lần đầu tiên, từ ngày khôi phục xứ sở, người Gia nã Ðại Pháp nhận thấy họ có thể bành trướng tôn giáo trên cõi lục địa mênh mông này (2). Nối gót Provencher và Dumoulin đi trước tới Red River, rồi Demers tới xứ Colombie Anh, dòng Oblats de Marie Immaculée đi về hướng Tây năm 1845. Dưới sự hướng dẫn của Alexandre Taché, được tấn phong giám mục năm 1851, hồi hai mươi bảy tuổi, các tu sĩ Oblats đã sống một trang lịch sử đầy gian khổ và đầy sự khôn ngoan. Họ đã chứng minh sự khôn ngoan bằng cách tránh cho Gia Nã Ðại khỏi cuộc xung đột, khỏi tranh chấp với người Indiens bản xứ như người Hoa Kỳ đã gây ra khi tiến về phía Tây.
2. LIÊN BANG.
Liên bang Gia Nã Ðại là một cách giải quyết các vấn đề do kỹ nghệ, giao thông, bành trướng đất đai và tập trung chính trị... đặt ra vào giữa thế kỷ XIX. Một bên, Liên Bang hình thành giữa giới người Anh đang lo bảo vệ những quyền lợi và giảm bớt những bó buộc do chế độ thuộc địa áp đặt, bằng biện pháp thu hồi luật điền thổ năm 1846. Ðàng khác, Liên Bang được thành lập giữa lúc Mỹ Châu đang trong cơn khủng khiếp nội chiến. Theo lời nói của Parrington, trong lục địa ấy, chính phủ mặc sức áp đặt chính sách“trung ương tập quyền” trong tay giới kỹ nghệ đang chớm nở. Hợp ước hỗ tương năm 1866 thuận lợi cho Gia Nã Ðại, đã diễn tiến chậm chạp lại bị ngưng đọng bởi các quân đoàn của liên hiệp. Hậu ý của “Manifest destiny” là muốn mở rộng liên hiệp Hoa Kỳ đến Bắc cực. Tất cả các nguyên nhân ấy bó buộc miền Bắc Mỹ gốc Anh đề ra những điều kiện để có một chính sách mới mẻ và mạnh mẽ hơn. Hình như trong thế kỷ XIX, Hoa Kỳ không còn kế hoạch nào khác, ngoài việc “chọc tức” người Anh. Vì vậy, dân chúng Gia Nã Ðại phản ứng thật mạnh, chống đối việc Hoa Kỳ xâm lấn hoặc gây áp lực đối với Gia Nã Ðại. Trong hầu hết các trường hợp này, các giám mục của cộng đồng Anh là cộng đồng sau sẽ trở thành Gia Nã Ðại, đều đứng ngoài cuộc tranh luận trước khi có liên bang. Nhưng khi các vị lên tiếng, thì không bao giờ họ bỏ dịp tố cáo những mối nguy hiểm từ phía người Mỹ. Mặc dù xứ Nouvelle Ecosse rất ác cảm với Liên Bang, tổng giám mục Halifax là Conolly vẫn đưa ra những lời lẽ điều độ để khuất phục tinh thần đoàn kết giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Vì theo ông, đó là một lựa chọn duy nhất để chống lại sự lôi cuốn. Còn các giám mục Gia Nã Ðại Pháp, thường xuyên dè dặt vì tình trạng của Giáo Hội xứ “Gia Nã Ðại hợp nhất” khá tốt đẹp. Vài vị chấp thuận các đề nghị của Liên Bang, vì đây là một sách lược ngăn chận sự đe dọa của Hoa Kỳ. Tài khéo trong cách biện luận chống Mỹ, Thomas d'Arcy Mc Gee, người cách mạng Ái Nhĩ Lan vào những năm 1840, đã trở thành thi sĩ cho Liên Bang.
Kiểu mẫu chính phủ do quyết định của Bắc Mỹ Anh lập ra và được bổ khuyết sau này, có một tầm quan trọng cho sự phát triển Giáo Hội xứ Gia Nã Ðại. Ngoài những điều khoản trong quyết nghị về việc dùng hai thứ tiếng, kết quả trực tiếp nhất đối với Giáo Hội là những điều khoản về giáo dục. Nếu các bảo đảm nói trong hiến pháp không luôn luôn đem lại an ninh như người ta mong đợi, thì ít ra chúng cũng đem lại những đặc quyền, đặc lợi cho học đường công giáo và các nhóm tôn giáo khác. Kết quả là mỗi tỉnh Gia Nã Ðại có một loạt biện pháp thuận tiện cho học đường công giáo. Tất cả các tỉnh, ngoại trừ hai, đều chấp thuận trợ cấp cho các trường tư thục.
3. MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ.
Thế hệ đầu tiên của Gia Nã Ðại là thế hệ các ước mơ chưa thành! Theo lời Frank Underhill, họ ước mơ một tương lai hùng vĩ cho xứ sở!. Dự tính cao vọng nhất là đường xe hỏa Pacific Canadien, (3) cao vọng này gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau cùng đã tránh khỏi. Công trình này được kết thúc vào năm 1885 nhờ sự cộng tác và bền chí mà John A. Macdonald đáng làm gương cho cả nước. Năm năm sau, Ông này được cử làm thủ tướng Gia Nã Ðại trong suốt hai mươi năm đầu lịch sử của xứ sở. Cách giao tiếp của ông ta với Giáo Hội Công Giáo đáng làm kiểu mẫu trong mọi vấn đề, tuy nhiên có phần thực tiễn và vụ lợi. Ông rất chú trọng đến lá phiếu của người công giáo, rồi nhờ sự trợ giúp trước tiên là của ông Cartier, sau là ông Adolphe Chapleau và ông Hector Langevin, ông đã duy trì được một đường lối chính trị vững trên toàn xứ Québec mặc dầu phải trải qua nhiều chấn động. Ông thường căn dặn: “Hãy kính trọng các linh mục, và luôn sẵn sàng trưng dụng họ”. Người ta vẫn nhớ câu nói của Raftis: “Nếu tôn giáo có thể hành động qua nhiều yếu tố chính trị, thì chính trị không bao giờ trở thành tôn giáo” (4). Trong mỗi tỉnh cũng như trong chính phủ Liên Bang, các đảng lớn đều có nhiều thành viên và dân biểu công giáo thực thụ.
Những hệ thống chính trị của Macdonald đặt ra nhiều nghi vấn và bị nghi ngờ là dùng phương pháp mua chuộc. Vì thế cách chung bị chống đối. Nhiều lần, ông muốn lập một đảng công giáo trung dung theo kiểu Tây Phương. Dự tính quan trọng nhất kiểu này là “Chương trình công giáo”, một cụm từ chính trị của thời bấy giờ, có khuynh hướng độc tôn La Mã, đã gây được nhiều ảnh hưởng trong tỉnh Québec đầu thập niên 1870. Lúc đầu, phong trào dựa theo giám mục Bourget, sau đó là giám mục Louis Laflèche tỉnh Trois Rivières, cũng đồng một chí hướng. Nhưng về sau, giám mục này bỏ ý lập một đảng thuần túy công giáo Pháp, vì sợ rằng bên Gia Nã Ðại Anh, cũng sẽ hành động như vậy. Vào cuối thế kỷ XIX, phong trào độc tôn La Mã chống đối phái ôn hòa trong Giáo Pháp-Gia Nã Ðại bằng cách gây chiến gửi sang Tòa Thánh thật nhiều bản thỉnh cầu và phái đoàn. Người ta thấy: Qua hình thức này, lòng sốt sáng của khối công giáo Gia Nã Ðại Pháp đối với Roma còn thiếu độ lượng và cộng đồng tôn giáo còn ấu trĩ. Nhiều nhân vật tên tuổi tại Vatican cho biết số đơn khiếu nại của một mình tỉnh Québec gửi qua Roma nhiều hơn cả các đơn của thế giới công giáo. Sự căng thẳng trong cộng đoàn Gia Nã Ðại Pháp, giữa nhóm “castors” (dòng tộc Roma), nhóm “xanh” (chiều hướng ôn hòa) và nhóm “đỏ” (khoáng đại) bộc lộ rõ rệt trong dịp phân chia giáo phận của đức cha Laflèche năm 1885. Những giáo dân độc tôn La Mã, sốt sắng nhưng đầu óc hẹp hòi, như ông J.P. Tardivel, thuộc báo La Vérité trách Giáo Hội của đức giáo hoàng Léon XIII là bội ân, vì giáo phận Trois Rivières bị chia là vì hình như để phạt tội Laflèche. Còn Elzéar Taschereau, tổng giám mục Québec và chủ phe ôn hòa được nhậm chức hồng y tiên khởi xứ Canada.
Cho dù có những mờ ám, nói chung người ta đã không quên rằng, trong thời ấy Giáo Hội Công Giáo vẫn có một sinh lực mạnh mẽ. Các họ đạo ngày càng đông. Nhà thờ không ngớt mọc lên từ giữa hai bên, Pháp và Anh. Trong các cơ sở mới, riêng triều đình Québec có những kiến trúc mà Mason Wade cho là lộng lẫy “điên rồ” (5). Dầu sao, chúng chứng tỏ các tín đồ luôn quyết chí bảo tồn và bành trướng đức tin
Dần dần, số các dòng chuyên về giáo dục, linh mục, tu sĩ nam và nữ tăng thêm nhân sự, vì có nhiều ơn gọi. Các tuần giảng cấm phòng đã chứng kiến nhiều trường hợp hồn nhiên và quả cảm. Lại có nhiều gương mẫu sáng ngời về tinh thần phục vụ. Như đời sống gương mẫu của cha Albert Lacombe, OMI. Ngài làm việc tại miền Tây, từ 1849 đến 1916 là năm người qua đời. Ðược gửi thẳng vào Fort Edmonton với nhân viên của công ty vùng Hudson, ngài nhận trách nhiệm phục miền đất mênh mông của người Indiens thuộc bộ lạc Cree và Pieds Noirs giữa hai con sông Bow và Peace. Suốt đời, ngài luôn khuyến khích lập trường huấn nghệ cho người Indiens và tập cho họ làm quen với đời sống người da trắng. Năm 1874, Ngài cho xuất bản một tự điển, và một sách mẹo tiếng “cree” ngài đã soạn. Ít là trong hai trường hợp, chỉ một mình Ngài đứng ra giàn xếp cuộc xung đột giữa người da đen và da trắng, để tránh cuộc xung đột đẫm máu có thể xẩy ra. Năm 1885, Ngài đã thuyết phục đa số các bộ tộc đừng theo bọn phản loạn miền Tây Bắc (Territoires du Nord Ouest). Khách sạn tân thời nhất thành Edmonton mang tên Ngài, làm chứng ngài được toàn thể dân chúng mến phục.
Trong các tỉnh miền duyên hải và Ontario, một loạt hiệp ước thực dụng biểu hiện mối liên lạc giữa Giáo Hội và chính phủ. Tuy nhiên vẫn có nhiều tiếng nói đã thốt lên, như giám mục Cameron thành Agonish tỉnh Nouvelle Ecosse, và tổng giám mục Cleary thành Kingston, tỉnh Ontario đã công nhiên chống đối lực lượng tin lành. Nhưng các cố gắng bên lực lượng ôn hòa như hai tổng giám mục Lynch và Walsh, tỉnh Toronto, tỏ ra tích cực hơn. Các Ngài cộng tác với thủ tướng ôn hòa Olivier Mowat, và đương đầu với nhiều phong trào ly khai hung bạo, do William Meredith chủ trương. Chính phủ bảo thủ Lynh (1860-1888) và Walsh (1889-1898) đưa ra một giải quyết ôn hòa có lợi cho các trường công giáo tỉnh Ontario. Trong kỳ này, phải kể đến công việc quan trọng của ông John Thompson, gốc Nouvelle Ecosse và đã từ phái méthodiste trở lại đạo Công Giáo. Ông giữ chức bộ trưởng bộ tư pháp, trong những năm cuối cùng chính phủ Macdonald. Ông là người công giáo đầu tiên giữ chức thủ tướng (1892-1894) tại Gia Nã Ðại.
Nếu Gia Nã Ðại trong ba mươi năm đầu tiên đã để lại một cảm nghĩ bi quan, thì chính sách quốc gia về những thuế suất bảo hộ, cũng như sự thiết lập đường xe hỏa Gia Nã Ðại, cách dàn xếp những vấn đề phía Tây trong năm 1878, không bao giờ cho thấy Gia Nã Ðại có một thời hưng thịnh khả dĩ so sánh được với sự thịnh đạt của xứ khổng lồ miền Nam, tức Hoa Kỳ. Triệu chứng rõ rệt về tình trạng này chắc chắn nằm trong các thống kê về dân số. Số 3 triệu rưỡi dân năm 1871 chỉ lên tới 5 triệu 300.000 vào năm 1901 mặc dầu có nhiều dân di nhập. Tỷ lệ người công giáo cùng lúc sụt từ 42,9% xuống 41,7%. Nói đến đây, sự kiện người công giáo Gia Nã Ðại Pháp thích di nhập vào những trung tâm kỹ nghệ tỉnh Nouvelle Angleterre phải được ghi nhận đặc biệt. “Họ sẽ không còn một ông từ để nghe họ giảng”, đó là lời một quan sát viên Giáo Hội nói về tương lai các linh mục và các chính trị gia tỉnh Québec (6). Một số đông người di nhập Ái Nhĩ Lan và Ðức cũng theo con đường này; sau ở lại ít lâu tại l’Ontario và họ sẽ sang bên Midwest Hoa Kỳ.
Từ năm 1885 đến 1896, một loạt biến cố vừa có tính cách sắc tộc vừa có tính cách tôn giáo đã xẩy ra và đe dọa làm suy yếu nghị lực quốc gia. Chuyện đầu tiên là vụ xử giảo Louis Riel, người tổ chức cuộc bạo động miền Manitoba vào các năm 1869-1870 và những vụ xử giảo khác vào năm 1885 tại miền Tây Bắc. Nửa anh hùng, nửa cuồng tín, cái chết của anh ta khơi dậy các mối hiềm thù ngấm ngầm chồng chất giữa người Gia Nã Ðại Pháp và người Gia Nã Ðại Anh, giữa người công giáo và tin lành. Cùng lúc ấy, một cuộc khủng hoảng kinh tế khơi động những lời đắng cay của các nhà báo, kích thích tham vọng của các chính trị gia. Hơn nữa, cuộc tranh luận về qui định giải quyết đất đai của Dòng Tên trong tỉnh Québec lại gây xáo động giữa các giới tin lành tỉnh Ontario. Giới này làm rùm beng về chuyện thủ tướng tỉnh Québec là Honoré Mercier đã mời đức giáo hoàng Léon XIII phân xử vụ việc. Nhưng chuyện kéo dài nhất và chia rẽ trầm trọng nhất là chuyện các trường tỉnh Manitoba. Chuyện này gây một cuộc xung đột dai dẳng sáu năm để đợi quân Pháp cứu viện hoặc chính phủ Liên Bang rút bỏ một đạo luật ban hành năm 1890 nhằm hủy bỏ những đặc ân của các trường công giáo. Trong bầu khí kình địch như vậy, hàng giáo phẩm lại bị kéo về phía phe liên bang bảo thủ là phe đã sụp đổ sau khi Macdonald và Thompson mất. Nên để ý là trong cuộc xung đột này, người công giáo Anh đứng chung về phe công giáo Pháp, và lo tìm cách hòa hoãn những xu hướng quá khích hay ít ra là để tránh sự đồng hóa sắc tộc và tôn giáo.
4. THẾ KỶ XX, BƯỚC VÀO TUỔI TRƯỞNG THÀNH.
Nào mấy ai nghĩ: những khủng hoảng chính trị làm rung động cuối thế kỷ XIX, nhất là vấn đề học đường, lại có kết quả không ngờ trong thế kỷ XX. Người đầu tiên tiêu biểu cho thế kỷ thứ nhất lịch sử Gia Nã Ðại, là ông Wilfrid Laurier, được bổ nhiệm làm việc trong chính phủ như một phản ứng chống lại thái độ của hàng giáo phẩm. Ðức tin của ông Laurier không trọn vẹn cho lắm, và những hành động tôn giáo bất thường của ông nhiều khi bị phê bình. Nhưng, nhiều lời tuyên bố của ông trước những mâu thuẫn của Giáo Hội và trước những yêu sách của xứ sở, có một ảnh hưởng lâu dài. Năm 1877, trước thách đố của phe độc tôn Lamã, giáo sĩ và giáo dân chỉ đặt tin tưởng vào “Syllabus”, Laurier đã có những lời tuyên bố đầy ôn hòa và khoan dung và ông luôn giữ như vậy suốt đời ông. Lòng khoan dung của ông khác hẳn với những thuyết khoan dung nghịch tôn giáo bên Âu Châu. Năm 1896, trước sáu mươi năm lời tuyên bố lịch sử khác của Kennedy, trước các bộ trưởng họp tại Houston, ông Laurier cảnh cáo Quốc Hội rằng: Mặc dầu giáo quyền đòi ông ra một án luật chấm dứt tranh luận về học đường ở Manitoba, ông không thể làm hàng giám mục hài lòng. Với tư cách là thành phần quốc hội và cũng là chủ tịch của đảng, ông chỉ có “một thái độ không nghiêng theo tin lành, hay công giáo, nhưng có thể được mọi người thiện chí thuộc bất cứ đạo nào, chấp nhận, miễn là họ chuộng đức công chính, tự do và khoan dung” (7). Sau này, vì lắm lúc thất vọng, cay đắng, vào thời cuối đời, ông nhấn mạnh: “Thật là lầm lẫn cho một người công giáo Gia Nã Ðại Pháp lãnh trách nhiệm điều khiển xứ sở” (8). Trong bài diễn thuyết quan trọng ông đọc trước khi mất năm 1919, ông khai triển trước nhóm thính giả trẻ tuổi một vấn đề có thể xem là chương trình và mộ chí của ông: “Tin tưởng hơn nghi ngờ, yêu thương hơn ghen ghét” (9). Cũng nên nhớ rằng hệ thống chính trị Gia Nã Ðại thường chứng minh là khi những nhân vật có khả năng thuộc hai dân tộc đã lập nước nắm quyền trong chính phủ Ottawa thì mọi việc đều tốt đẹp. Vì vậy ba nhân vật mà Gia Nã Ðại Anh rất sùng mến là ba người Gia Nã Ðại Pháp ôn hòa. Sự nghiệp của thủ tướng Laurier (1896-1911), Saint Laurent (1949-1957), và toàn quyền Vanier (1919-1967) là ba nhân vật lý tưởng mà người Gia Nã Ðại hình dung về mình khi họ có tự do phát triển tối đa các khả năng (10).
Quan niệm của ông Laurier về tôn giáo và về mối tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước không được mọi người đồng ý. Vài người cho rằng vào cuối nhiệm kỳ ông quá thay đổi và đã nhận những áp lực của Giáo Hội. Ngược lại, người Gia Nã Ðại Pháp cho rằng ông thường thay đổi ý kiến để làm vừa lòng người Anh và người tin lành. Henri Bourassa có ảnh hưởng ưu quyền giữa những người Gia Nã Ðại Pháp. Khi mới ra gánh vác việc quốc gia, ông ủng hộ Laurier, nhưng sau đó ông tự tách ra lúc có khủng hoảng do chiến tranh Boers. Trong nhiều năm, ông là một đe dọa lớn cho Laurier trong miền sinh quán của ông. Là người công giáo sốt sắng và có tài hùng biện, năm 1910 ông sáng lập tờ báo “Le Devoir”, tờ báo phê bình thâm sâu nhất của Gia Nã Ðại. Nhưng ngoài cách cư xử bên ngoài, người ta nhận thấy Bourassa là một tư tưởng gia được các đồ đệ tán dương. Tuy nhiên, ông hay có tư tưởng cực đoan và quá khích, như muốn đồng hóa sắc tộc với tín ngưỡng. Khi những vụ tranh luận về quyền của tiếng Pháp trong các trường tỉnh Ontario lên tới cực độ từ năm 1912 đến 1917, người địch thủ đanh thép nhất của Bourassa là giám mục Michael Francis Fallon, thành London, gốc Ái Nhĩ Lan. Như Bourassa, Fallon cũng có tài lôi cuốn từng đám đông thính giả. Nhưng hai bên đều có tài sát phạt gây thương tích hơn là băng bó. Và trong vụ khủng hoảng về quyền lợi học đường và việc trưng binh, trong Ðệ Nhất Thế Chiến, Bourassa và phe đảng của ông suýt nữa thống nhất Gia Nã Ðại Pháp và xé Gia Nã Ðại làm hai. May nhờ uy thế của Laurier và nhờ tài xã giao của tổng giám mục Toranio là Neil Mc Neil, thành Toronto đã tránh được một cuộc tan vỡ nặng nề.
Mặc dầu có nhiều cuộc tranh đấu, nhưng nhờ một mùa lúa phi thường và sự bành trướng chính sách thuộc địa của Âu Châu, Laurier đã khai trương một thế kỷ XX mà ông không ngại gọi là “Thế kỷ của Gia Nã Ðại”. Cho dù ước mơ đi xa hơn thực trạng, thế kỷ ấy đã đi đến phát triển rất nhanh chóng, làm cho Gia Nã Ðại từ pháp quy một xứ bán thuộc địa trở thành một nước đầy đủ quyền hành. Cùng một lúc, Giáo Hội cũng tỏ ra trưởng thành đầy đủ. Năm 1899, tổng giám mục Falconio được phong làm khâm sứ đầu tiên tại Gia Nã Ðại. Năm 1908 Gia Nã Ðại cũng như Hoa Kỳ đi ra khỏi khuôn khổ xứ Truyền Giáo, và năm 1909, cộng đồng toàn quốc được triệu tập trong tỉnh Québec. Những buổi họp của các tổng giám mục được tổ chức thường xuyên và càng ngày càng thêm quan trọng, nhất là vào những năm hai mươi, ba mươi, cho đến đầu các năm bốn mươi. Năm 1949, Roma chấp nhận Hội đồng công giáo Gia Nã Ðại tạm thời theo mẫu Hội đồng quốc gia công giáo trợ giúp xã hội của Washington. Hội đồng công giáo Gia Nã Ðại được chấp nhận vĩnh viễn năm 1955. Ban trị sự hành chánh và mười lăm văn phòng thuộc Hội đồng công giáo Gia Nã Ðại gồm những người nói hai thứ tiếng. Trong dịp lễ bách niên, Gia Nã Ðại có một trăm hai tổng giám mục và giám mục cai quản mười bảy tổng giáo phận nghi thức La Tinh và một tổng giáo khu Ukrainien ở Winnipeg, bốn mươi sáu giáo phận La Tinh và ba giáo khu Ukrainien. Bảy vị Gia Nã Ðại được phong chức hồng y là Taschereau, Bégin, Rouleau, Villeneuve, và những giám mục tại sở, đức cha Roy chủ giáo trưởng Québec, đức cha McGuigan (1946) Toronto, và đức cha Léger tổng giáo phận Montréal (1953-1967).
Thống kê dân số Gia Nã Ðại nói lên nhiều khía cạnh ý nghĩa. Mặc dầu một số đông dân di nhập từ nước Anh sang, tỷ lệ dân công giáo Gia Nã Ðại là 38,7% năm 1932, lên đến 45,7% năm 1961. Phải thêm gần 1% công giáo Ukrainiens nữa. Dịp lễ Bách niên, Gia Nã Ðại có 9 triệu công giáo, trên tổng số 20 triệu dân. 3% công giáo là người gốc Pháp. Sự phân phối người công giáo thôn quê và thành thị cũng tương tự như thế: 30% thôn quê; 70 thành thị năm 1960. Năm 1967, 25% thôn quê, 75% thành thị. Gần phân nửa người thổ dân Indiens và Esquimaux là công giáo. Bên cạnh hai văn hóa chính, nhóm thiểu số cố kết và dễ nhận ra nhất là nhóm Ukrainien, có căn bản vững chắc về tôn giáo bên chính thống cũng như bên công giáo. Từ Thế chiến thứ II, nhiều nhóm công giáo người Ý và người Hòa Lan đến và làm thay đổi cục diện xã hội.
Những cố gắng thừa sai của người công giáo Gia Nã Ðại đã tiếp tục mở rộng trong thế kỷ XX. Những cánh đồng mênh mông “miền Tây Bắc” phần nhiều thuộc về dòng Oblats de Marie Immaculée. Nên nói rõ sự thành công sáng chói của giám mục O'Grady de Prince Rupert, ngài đã thuyết phục được nhiều thanh niên dấn thân vào các “hoạt động tông đồ biên giới” trong những miền hoang vu xứ Colombie Anh. Nhiều người đáp ứng ơn gọi thừa sai. Theo bản thống kê truyền giáo năm 1967 thì có 4886 linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đi truyền giáo trong các xứ đang trên đường phát triển. Trong những năm sáu mươi, chỉ tại Châu My La Tinh, số thừa sai gốc Gia Nã Ðại là 900. Gia Nã Ðại Pháp là xứ đem lại nhiều tham gia rộng rãi nhất. Nhưng cũng phải nhắc đến một hội thừa sai khác, như hội Scarboro Foreign Mission Society mà phần đóng góp vừa đa dạng, vừa giàu sáng kiến, trong chương trình công tác kinh tế đi chung với sự giúp đỡ thiêng liêng. Công việc trợ tế của nhà binh và tuyên úy quân đội cũng rất công hiệu trong hai Thế Chiến và trong thời hòa bình, khi phải xoa dịu những xung khắc nội bộ. Cũng không nên quên nhắc lại là tỉnh Québec đã trải qua như thế nào từ những vụ rối loạn do việc mộ binh 1918 cho đến khi tướng Jean Allard lãnh chức tổng tư lệnh lực lượng chiến đấu hiệp nhất Gia Nã Ðại.
Tuy luôn phải chịu kiểm soát và phê bình, học đường công giáo không ngừng cố gắng đầu tư những số vốn khổng lồ về nhân sự, tài lực và nhiều sáng kiến hiện đại hóa về kỹ thuật và sư phạm. Các trường tiểu học, trung học và đại học vẫn tiếp tục mọc lên và mở rộng, với nhân viên đông đảo mà phần nửa là linh mục tu sĩ, phân nửa người đời. Ðiểm độc đáo của đại học là luôn có một chương trình dồi dào về thực hành. Trong tỉnh Québec, và những tỉnh miền duyên hải, các trường cao đẳng và đại học có quyền trao bằng cấp chính thức đông đảo sinh viên hơn. Nói khác, một kinh nghiệm hoàn toàn Gia Nã Ðại được trọng dụng, là mỗi trường học có gì hay thì tất cả đều tiếp nhận. Ví dụ phân khoa St Michel cùng các phân khoa tín ngưỡng khác thuộc đại học Toronto là “phân khoa tín ngưỡng” kiểu mẫu, đều tập họp trong một đại học đời. Nhiều hình thức đa dạng đại học, tất cả đều hay và mọc lên khắp xứ, hoặc theo mẫu liên bang, hoặc do kiểu hội nhập. Nhiều đại học Gia Nã Ðại, trước đây thuộc quyền độc chiếm của linh mục, giờ lại có nội qui đại học tỉnh, nhưng vẫn giữ sắc thái riêng của tín ngưỡng mình. Theo đây xin kể vài ví dụ, như các đại học Windsor, Ottawa, đại học Laurention tỉnh Ontario, rồi trong trường hợp riêng, đại học Montréal, Laval, Sherbrooke, tỉnh Québec và Moncton tỉnh Nouveau Brunswick. Phần lớn các dòng tu nam nữ và linh mục đều tận tâm với công trình giáo dục. Nói về Gia Nã Ðại Anh, kinh nghiệm đặc biệt của các cha dòng Basiliens, bừng sáng trong đời sống của cha Henry Carr. Ngài mất năm 1963, sau một đời sống dài lâu đã đánh dấu sâu sắc và đa diện giới đại học công giáo. Dầu phải nhìn nhận các thiếu sót trong phần đóng góp trí thức của người công giáo Gia Nã Ðại và Hoa Kỳ, phần đóng góp của các cha Basiliens thật đáng chú ý, vì các Ngài đã tặng cho Gia Nã Ðại Viện Giáo Hoàng Khoa Học thời Trung Cổ tại Toronto. Ðược thành lập năm 1929, học viện này có một giá trị hiển nhiên, vì từ đây, các tác phẩm của J. Maritain, Gilson, Gérald Phelan, Anton Pegis và Georges Flahiff được xuất bản và cả thế giới ái mộ. Riêng Georges Flahiff sau này lên chức tổng quyền dòng Basiliens và tổng giám mục Winnipeg. Một người đáng chú ý nữa là linh mục Dòng Tên Bertrand Lonergan, mặc dầu làm việc nhiều năm ở Roma, ông đã có rất nhiều đồ đệ tại Gia Nã Ðại, ông để lại cho họ nhiều suy tư độc đáo về triết lý.
Những phần đóng góp của Giáo Hội Gia Nã Ðại cấp đại học có nhiều tiếng dội lâu bền hơn cả trên bình diện quốc tế, một phần nhờ đại học Saint Francois Xavier thành Antigonish tỉnh Nouvelle Ecosse. Những khẩu hiệu do cha J.J. Thompskins và ông Coady tung ra đều cho biết không khí giáo khoa của đại học. Thí dụ: “Tư tưởng cũng có tay chân” – “Bao giờ còn sống, người ta luôn có thể thay đổi cách đọc, cách suy tư, cách học hỏi của họ” – “Công giáo không có mánh khóe để bắt cá”. Trong các năm hai mươi, đại học có một dự án, là làm sao phối hợp giáo dục người trưởng thành với những cố gắng kinh tế. Sự bành trướng phong trào trong này sau cơn khủng hoảng năm 1930 và ảnh hưởng của nó trên đường phát triển cho thấy dự án thích ứng dễ dàng và hiệu năng lâu dài.
Nếu phong trào Antigonish đã thành công mỹ mãn trong việc chấn hưng nền kinh tế thôn quê hay sơ đẳng, thì nhiều cố gằng khác của Giáo Hội Công Giáo Gia Nã Ðại không thành công đáng kể khi phải đương đầu với những thách đố của hiện tượng kỹ nghệ hóa và thành thị hóa. Dầu có vài sáng kiến hay, Gia Nã Ðại không cạnh tranh nổi với ý thức xã hội đã được đem ra giảng dạy trong các trường cao đẳng Hoa Kỳ. Không có người công giáo Gia Nã Ðại nào có tầm vóc giống như ông J.S. Woodsworth, đại tiền phong phái Méthodiste trong cuộc thăng tiến xã hội xứ Gia Nã Ðại và những hoạt động chính trị của ông. Công giáo có công cập nhật hóa những chương trình từ thiện giúp đỡ những cảnh khốn cùng trong thời khủng hoảng kinh tế, nhưng những phản ứng chính thức của Giáo Hội đối với những dự án trợ giúp của chính phủ, đặc biệt trong chương trình xã hội hóa do Co-operative Commonwealth Federation Party đề ra, thì hoàn toàn tiêu cực. Trước tiến trình kỹ nghệ hóa, người công giáo Gia Nã Ðại Pháp cho thấy hai khuynh hướng có vẻ mâu thuẫn nhau: Một đàng là lòng trìu mến lãng mạn với vài truyền thống Janséniste kiểu “đất mẹ và tôn giáo” mà Louis Hémon đã ca ngợi trong tác phẩm “Maria Chapdelaine”. Sự nghi ngờ đã nổi bật nhất trong vụ lên án các hiệp sĩ lao động năm 1880 của hồng y Taschereau, mặc dầu ông thuộc khuynh hướng ôn hòa. Ðàng khác, người ta nhận thấy Giáo Hội Công Giáo Québec đã cố gắng thích ứng với sự biến chuyển kinh tế và xã hội. Công trình biên khảo của W.F. Ryan chứng minh điều đó (11). Trong những năm 1920 và 1930 người ta nhận thấy lời kêu gọi mạnh dạn của linh mục Lionel Groulx về “việc cứu vãn nền kinh tế quốc gia”, có nhiều tiếng vang. Riêng ông Maurice Duplessis làm thủ tướng xứ Québec năm 1935 cho đến khi tạ thế năm 1959, trừ những năm chiến tranh, ông dựa hẳn vào một thứ chủ nghĩa quốc gia bình dân đang nung nấu một số nhân vật ít cởi mở và có khuynh hướng phụ quyền trong Giáo Hội Gia Nã Ðại Pháp để kêu gọi dân chúng ý thức đến việc cứu vãn nền kinh tế, ông đã thất bại. Sự liên minh với những thành phần ngoan cố này giải thích tính cách khốc liệt của cuộc chiến đấu với hội Johns Manville Company ở Asbeston vào năm 1949, và kết quả là giám mục Charbonneau, tổng giám mục Montréal, khuynh hướng ôn hòa phải từ chức. Khi phong trào ly khai tỉnh Québec được nâng đỡ, trong những năm 1960, do một cơn cuồng tín phản giáo sĩ, thì nổi lên một luồng phản ứng chống lại mấy nhân vật trong Giáo Hội bị cáo là bị “mua chuộc”.
Nhiều phong trào Thanh niên Công giáo Tiến hành mọc lên giữa hai thế chiến, và sau này đòi phải áp dụng phương pháp mới, và tên cũng đổi mới. Vì là nguồn gốc Âu Châu, các hội đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng. Dầu vậy, nhiều đoàn thể, như đoàn Thanh Lao Công, đã giúp đào luyện một số cán bộ có giá trị. Tại miền Tây, chương trình “Ðồng nghiệp giáo lý Công giáo” khá công hiệu trong chiến dịch mời gọi người công giáo tình nguyện. Riêng mục vụ cấp đại học có nhiều cơ hội thuận lợi để thí nghiệm một số phương pháp và vẫn tiến triển. Dưới sự bảo trợ của hồng y Newman, phong trào đã mau thay đổi bộ mặt: Trước tiên dưới hình thức một “đảo an ninh”, phong trào đã trở thành một loạt hiệp hội đa dạng. Cũng như trong nhiều nước khác, việc xử dụng tiếng phổ thông trong phụng vụ có một ảnh hướng lớn lao, và rất quan trọng đối với giới trẻ. Sự thành lập mau chóng những nhóm hướng về sinh hoạt phụng sự, như hội CIASP (Conférence on Inter American Student Projects) phản ảnh rõ rệt những nhu cầu trong giới sinh viên. Những tổ chức như “Canadian University Services Oversea” (CUSO) để vợi bớt những đau khổ, để xóa bỏ những bức tường chia rẽ tôn giáo trong giới sinh viên...
Như trong toàn thể Giáo Hội, vào thời Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội Gia Nã Ðại cũng quan tâm nhiều về phong trào đại kết với nhiều tổ chức khác nhau và đôi khi rầm rộ. Từ năm 1925 đạo Tin Lành Gia Nã Ðại cũng chuẩn bị một tư tưởng và một lối sinh hoạt đề cao việc “thể hiện thống nhất” bằng một kinh nghiệm hoàn toàn có tính cách Gia Nã Ðại, là tụ họp các tín đồ thuộc các Giáo Hội Presbytériens, Méthodistes và Congrégationalistes trong Giáo Hội hợp nhất Gia Nã Ðại. Khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy những dấu quy hướng chiếu về các thông điệp xã hội của đức giáo hoàng, và những lời tuyên ngôn của Hội Ðồng Ðại Kết. Sự quan tâm đến tha nhân là dấu chỉ sự hợp nhất, và dấu này lại là khởi đầu một hành động chung. Nhân dịp kỷ niệm một trăm năm thành lập nước Gia Nã Ðại, người ta tổ chức tại Toronto một đại hội quốc tế về thần học với nhiều chí hướng hoàn toàn đại kết. Ðây là đại hội thần học quan trọng nhất sau Công Ðồng Vatican II. Nhà triển lãm kitô giáo tại khu Triển Lãm Quốc Tế Montréal năm 1967 trở nên một dấu hiệu từ bỏ thời đắc chí và óc bè phái, nhưng nhiều người lại lo ngại về lập trường đó.
5. BƯỚC VÀO THẾ KỶ THỨ HAI.
Trong thế kỷ thứ hai của nước Gia Nã Ðại, chúng ta sẽ thấy Giáo Hội Công Giáo như thế nào? Với tình trạng đa dạng tối đa, nhiều yếu tố tốt đẹp của tính bảo thủ, và của tính ôn hòa tiến bộ, là hai đặc điểm của lịch sử xứ này. Nhưng cùng một lúc, Giáo Hội đã không thành công đáng kể trong việc giải quyết ổn thỏa vấn đề xã hội do sự hiện diện của người thổ dân Indiens và Esquimaux đặt ra. Nói riêng về Gia Nã Ðại Pháp, Giáo Hội đã xây cất nhiều nhà thờ tân thời đủ kiểu và đắt tiền, nhưng chẳng bao lâu sau tín đồ bỏ ra đi vì lời phê phán của “ông nầy ông kia” là một Giáo Hội quá “nhân chủng” và quá bị ảnh hưởng bởi sự “kính sợ trong cách giữ đạo” (12). Trong xứ này, sự cộng tác chân thành giữa linh mục và tín đồ Pháp hay Anh không đồng đều. Giáo Hội này cũng chưa thuyết phục được Nhà Nước, là cần phải để ra nửa phần trăm (0,5%) lợi tức quốc gia mà giúp đỡ các xứ nghèo trên đường phát triển. Cũng như nhiều nơi khác, Giáo Hội Gia Nã Ðại phải đương đầu với cơn khủng hoảng thiếu ơn kêu gọi linh muc và tu sĩ. So với Hoa kỳ, Giáo Hội này chưa đạt đến mức tự nguyện giúp đỡ kinh tế và lòng quảng đại. Trái lại, có điều nghịch thường mà ai cũng nhận thấy, là họ luôn sẵn sàng đón tiếp những cuộc thí nghiệm: Có thể là vì bên Gia Nã Ðại Anh, Giáo Hội ít bị ràng buộc vào các cơ cấu giáo sĩ, hoặc vì bên Gia Nã Ðại Pháp, người ta nhận thấy rõ hơn những báo hiệu về một tình trạng cách mạng. Lại nữa, giữa Giáo Hội và Nhà Nước, không có sự căng thẳng trên bình diện giáo lý, do đó mối giao dịch có bề dễ dàng hơn bên Hoa Kỳ. Dầu vậy vẫn không tránh khỏi những thái độ nhỏ nhen và óc kỳ thị địa phương.
Nhưng không nên tưởng rằng những tiếng nói của quá khứ còn âm vang mạnh mẽ trong Giáo Hội Gia Nã Ðại ngày nay. Các giám mục xứ này, trong Công Ðồng Vatican II, đối với những phản ứng lúc đầu, có vẻ mềm dẻo hơn các giám mục Hoa Kỳ. Quyết định của hồng y Léger đi truyền giáo tại Phi Châu đến trót đời là một gương thanh lọc, nó kết liễu một cuộc đời phản ảnh đủ một thái độ từ bỏ bảo thủ đến sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi. Nhiều gương mẫu khác, cũng đầy hy vọng. Roméo Maione, một nhân vật thế lực lên giữ chức chủ tịch quốc tế phong trào Thanh Lao Công trong ba năm, tận tâm không bao giờ nản, để nhậm chức chủ tịch văn phòng tư vấn giáo dân do Ðại Hội các Giám Mục sáng lập năm 1967 tại Roma. Nữ tu Maura dòng Thánh Giuse Toronto là một trong vô số các nữ tu hy sinh cả cuộc đời cho bệnh viện và giáo dục, là một người trong những người đầu tiên được ban thưởng huy chương của Gia Nã Ðại. Giám mục thành Saskatoon là F.J. Klein, năm 1964, quyết định gửi đi 1/10 con số ba mươi linh mục trong giáo phận của Ngài, và cho phép vị chưởng ấn, cha bề trên chủng viện và một cha sở sang xứ Brésil làm việc. Bà nam tước Catherine de Huck Doherty người thường hiểu Tân Ước theo nghĩa đen làm cho nhiều người nghi ngờ, đã tổ chức một hệ thống quan trọng để đào tạo gấp rút các giáo dân dấn thân vào công việc tông đồ, và không bao giờ bà từ chối khi phải giúp đỡ người khác. Giám mục London là G.E. Carter tỉnh Ontario đã tổ chức công nghị giáo phận đầu tiên sau Công Ðồng Vatican II, và đa số người tham dự là giáo dân. Lời rao giảng của linh mục Georges Henri Levesque tại đại học Laval, đã gây một ảnh hưởng rộng lớn trong việc lập phong trào “Cách mạng ôn hòa” cho Québec, nhất là khi ông kêu gọi người công giáo Gia Nã Ðại Pháp bỏ những mối bất hòa nội bộ để chống lại mọi hình thức tham nhũng chính trị. Ông Claude Ryan, theo truyền thống Borassa do André Laurendeau chuyển lại, lo lắng duy trì tinh thần Pháp trong báo “Le Devoir”. Karl Stern, như nam tước de Hueck và nhà thần học Gregory Baum từ Âu Châu sang, đã ghi dấu trong nền văn hóa, đã thành công trong việc nghiên cứu ngành bệnh tâm linh học và nghành tôn giáo học, Marshall Mc Luhan tình nguyện tiếp tục nghiên cứu những khía cạnh còn lãng quên trong ngành xã hội học đang phát triển.
Pierre Trudeau lên nắm quyền thủ tướng năm 1959 đã đem vào chức vụ này cái nhìn trí thức sâu sắc và lưu ý tới thanh niên là điều chưa từng thấy trong sinh hoạt công cộng của Gia Nã Ðại. Jean Vanier, trong khi bổ khuyết những điểm độc đáo mà cha mẹ ông đã đưa vào xã hội Gia Nã Ðại, ông trở nên một dấu hiệu mới về niềm hy vọng, bằng cách phục vụ những người khuyết tật tinh thần với một hình thức sống đạo vừa hấp dẫn vừa rất tận tâm.
Vì cần phải có vị trí đối với nước láng riềng khổng lồ là Hoa Kỳ, trước thềm thế kỷ thứ hai của lịch sử mình, Gia Nã Ðại cần giải quyết một thách đố to tát hiện có, là mối căng thẳng giữa hai cộng đồng Pháp và Anh. Giáo Hội Gia Nã Ðại, linh mục cũng như giáo dân, tất cả phải chung vai sát cánh trong công cuộc này. Cho dù vấn đề đặc biệt của Gia Nã Ðại được giải quyết thế nào đi nữa, cần phải nhớ là còn nhiều vấn đề khác không kém phần quan trọng mà Gia Nã Ðại chỉ có thể giải quyết với những bài lịch sử của chính mình, hầu xứng đáng gánh vác trách nhiệm riêng biệt trong Liên Minh Quốc Tế.