CHƯƠNG II
GIÁO HỘI AUSTRALIE CHÀO ÐỜI.
Roger Aubert
CHƯƠNG II
GIÁO HỘI AUSTRALIE CHÀO ÐỜI.
Roger Aubert
Lúc đầu Úc Châu chỉ là nơi đón tiếp tù nhân. Nhưng từ đầu thế kỷ XIX, Úc Châu, đặc biệt miền Sydney, bắt đầu thu hút những người di tản tự do. Trong những đợt sóng đầu tiên di tản tới Úc Châu, người Ái Nhĩ Lan công giáo chiếm đa số: năm 1828 dân số Úc Châu vào khoảng 35.000 người, trong đó có 11.230 người công giáo Roma. Lúc đầu chỉ có một vài linh mục công giáo bị lưu đày lén lút làm tông đồ. và phần lớn các tín hữu tụ tập lại vào ngày chúa nhật để cầu nguyện chung. Bắt đầu từ năm 1820, sau một chiến dịch báo chí được những người Ái Nhĩ Lan sống tại Anh Quốc vận động và chính quyền Luân Ðôn cho phép gởi đến một vài tuyên úy và họ trả lương cho các vị này. Roma vội vã đặt một phủ doãn tông tòa, nhưng bị thất bại. Các linh mục trên lãnh thổ này thuộc giám quản tông tòa đảo Maurice, bao gồm Nam Phi Châu, Madagascar và cả vùng Tây Thái Bình Dương.
Sau sắc lệnh giải phóng năm 1829, tình hình cải tiến hơn: năm 1834 Luân Ðôn chấp thuận việc bổ nhiệm vị đại diện tông tòa với điều kiện ông này phải là người Anh chứ không phải là người Ái Nhĩ Lan. Năm 1836 ông toàn quyền Bourke chấp nhận rõ rệt sự bình đẳng cho bốn tôn giáo chính: Anh Giáo (tới lúc đó hầu như được hưởng quyền độc tôn), Công Giáo, Méthodiste và Presbytérien. Nhưng người Anh phản ứng mạnh năm 1842, khi Roma thiết lập tại Úc - tám năm trước Anh - phẩm trật giám mục thông thường, lập tại Sydney tòa tổng giám mục với hai giáo phận thuộc hạt: một tại Adelaide, vùng biển phía Nam, một tại Tasmanie. Mọi náo động được ổn định mau lẹ nhờ tài của tổng giám mục mới.
Ðức tổng giám mục mới tên là John Polding (1794-1877), là một tu sĩ dòng thánh Benoit tại Downside. Từ năm 1818, các tu sĩ dòng Biển Ðức người Anh đã được ủy nhiệm một phủ doãn tông tòa rộng lớn trên đảo Maurice. Một trong các vị giám quản là Dom Bernard Ullathorne, còn trẻ, đã tới đảo vào tháng 2 năm 1833, với tước hiệu tổng giám quản của lục địa Úc, nhằm tổ chức lại giáo phủ. Sau khi ngài đã đặt ra những tiêu chuẩn cần thiết để lập nên tòa giám quản biệt lập, thì chính vị giáo tập cũ của ngài được đặt làm thủ lãnh địa hạt mới này. Với sự giúp đỡ của Ullathorne tới năm 1841, rồi của Dom Henry Gregory trong vòng 20 năm kế tiếp, Polding đầy nhiệt huyết và tinh thần truyền giáo, thành lập các giáo xứ, xây dựng nhà thờ, mở rộng những phong trào bác ái và tung ra những tờ báo công giáo đầu tiên. Năm 1843, ngài lập ở Sydney một đan viện Biển Ðức với hy vọng sau này hàng giáo sĩ của Úc Châu sẽ được đào tạo trong môi trường tu viện, hầu như muốn bắt buộc Anh Giáo theo tinh thần phụng vụ và văn hóa của dòng, các tín hữu theo tinh thần từ bỏ của cải trần thế. Nhưng đây không hẳn là hoàn cảnh thường có của các linh mục tới từ Ái Nhĩ Lan trong những thập niên đầu của thế kỷ này. Nhiều linh mục tới từ Ái Nhĩ Lan đã tỏ ra ít tuân phục những chỉ thị mục vụ của giám mục và càng không muốn sống theo môi trường dòng Biển Ðức. Mối thù hận do lòng ái quốc đã tự nhiên xúi bẩy họ ngờ vực những bề trên gốc Anh. Những thay đổi về dân số tại Úc làm tan dần giấc mộng của đức cha Polding về một Giáo Hội thừa sai thuộc loại dòng tu khắc khổ.
Khi tòa tổng giám mục Sydney được thành lập năm 1842, thì 90% của 40.000 công giáo trên đảo đã tập trung tại phía Nam Nouvelle-Galle. Rồi do làn sóng dân chúng đổ xô đi tìm vàng trong vùng Melbourne từ năm 1851, dân số gia tăng mau chóng, nhất là dân gốc Ái Nhĩ Lan, làm tăng số dân công giáo gấp mười lần trong vòng một phần tư thế kỷ. Sự kiện ấy bắt buộc phải mở thêm các giáo xứ và các giáo phận mới: Perth, miền duyên hải phía Tây năm 1845; Maitland và Melbourne năm 1847 (không kể hải cảng Victoria, miền duyên hãi phía Bắc, vùng này rất cằn cỗi khó sinh sống); Brisbane, trong vùng Queensland, năm 1859, Bathurst năm 1865, Armidale năm 1869, cả hai miền tại Nam Nouvelle-Galles; Ballarat và Bendigo (Sand-hurst) trong tiểu bang Victoria năm 1874, là năm Melbourne trở thành thủ đô của giáo tỉnh thứ hai. Các linh mục đến từ Ái Nhĩ Lan đã đáp ứng nhu cầu dân sự của cả vùng. (1), và như thường tình, nhiều giám mục mới được chọn giữa những linh mục Ái Nhĩ Lan. Lúc đó Roma có những can thiệp qua ảnh hưởng mạnh mẽ của đức hồng y Cullen, giám mục Dublin, người được đức giáo hoàng và thánh bộ truyền giáo rất tín nhiệm. Những linh mục và giám mục Ái Nhĩ Lan trong các giáo phận này đã quyết tâm vận động để Giáo Hội Ái Nhĩ Lan chấp nhận họ như một Ái Nhĩ Lan mới, hay theo nhận định của hồng y Moran, như “một vương quốc tinh thần Ái Nhĩ Lan”. Nơi đây, nhờ những phương pháp mục vụ mới và lòng mộ đạo của đại chúng, người ta có bầu khí sống đạo tự do theo những truyền thống đạo đức của tiền nhân, khác với ước mơ mục vụ của dòng Biển Ðức.
Sau những căng thẳng về nguồn gốc quốc gia, còn thêm những khác biệt trong quan niệm mục vụ, người Ái Nhĩ Lan dựa vào thế mạnh, chống lại các tu sĩ Anh. Thêm vào đó còn những khó khăn khác, làm cho nhiệm vụ của những người trách nhiệm trong Giáo Hội trẻ tại Úc trở nên phức tạp. Nhiều linh mục không muốn chấp nhận một kỷ luật quá nghiêm ngặt, ngay cả khi giám mục của họ là người Ái Nhĩ Lan như họ. Và một số giáo dân, vì ảnh hưởng tâm thức phóng đãng của thời đại, cương quyết đòi hỏi tổ chức Giáo Hội theo cung cách dân chủ hơn. Những rối loạn này còn lưu lại nhiều tài liệu trong văn khố. Tuy nhiên không vì thế mà quên lãng những nhiệt tình tông đồ của hàng giáo sĩ, và những tiến bộ nổi bật trong việc hành đạo theo đà tiến của thế kỷ. Giữa giáo dân xuất hiện nhiều tông đồ xuất sắc như bà Carolina Chisholm, từ 1838 đến 1857, đã hoạt động bác ái, phục vụ người di cư một cách đáng thán phục; hay như ông Charles O'Neill (1828-1900) sáng lập viên hội Bác Ái thánh Vincent de Paul tại Úc.
Vào ba thập niên cuối thế kỷ, lúc mà số người công giáo tiếp tục gia tăng đều đều - năm 1901 họ có 856.000 trên tổng số 3.782.000 dân - vấn đề lớn của Giáo Hội Úc cũng như nhiều nơi khác, là vấn đề học đường. Tới lúc đó, các trường học của các tôn giáo đã được hưởng một số trợ cấp chính thức, nhưng bắt đầu từ năm 1866 hội đồng giáo dục của miền Nam Nouvelle-Galle thay đổi thái độ, và năm 1880 sắc lệnh về giáo dục công lập (Public Instruction Act), đã rập theo các quốc gia khác trong việc bãi bỏ mọi trợ cấp. Quyết định này đưa tới việc đóng cửa một số trường tin lành. Nhưng các giám mục công giáo, theo gương các đồng nghiệp Ái Nhĩ Lan, nhận định rằng: trường học giáo xứ như một trong những căn bản chính yếu của hoạt động mục vụ. Các ngài đã mạnh mẽ phản ứng dưới sự hướng dẫn của tổng giám mục mới tại Sydney, là đức cha Roger Bede Vaughan (1877-1884), dòng Biển Ðức. Ngài điều hành cương quyết, nhưng quan điểm mục vụ của ngài không giống quan điểm của các vị tiền nhiệm. Ngài đã nhận thấy từ lâu: không thể thực hiện được những quan điểm dòng tu trong đời sống mục vụ của linh mục triều, đó cũng là quan niệm của các giám mục gốc Ái Nhĩ Lan. Ngài chủ trương đường lối mục vụ gần gũi với dân chúng. Trong một lá thư mục vụ ra năm 1897, đã kết án nghiêm ngặt những trường đời, Hội Ðồng Giám Mục Úc kêu gọi sự đóng góp quảng đại của cộng đồng công giáo và thiết tha mời gọi các dòng tu chuyên dạy học, các sư huynh, các nữ tu, đến thay thế những giáo viên nam nữ mà từ lâu Giáo Hội vốn trả lương, nhưng nay không trả nổi. Trước đó Hội Ðồng Giám Mục cũng đã kêu gọi đến các dòng tu Âu châu. Dầu sao, giáo quyền địa phương phải gồng lưng đảm nhiện công việc trong thời gian chuyển tiếp. Trong thời điểm này, nhiều hội dòng người Úc đã xuất hiện, như các dòng nữ Bon Samaritain năm 1857, dòng nữ thánh Giuse năm 1866, dòng nữ Chầu Thánh Thể năm 1874. Ðó là những dấu chỉ Giáo Hội Úc đã đến thời trưởng thành.
Từ năm 1884 tới năm 1911, Giáo Hội Úc đầy sinh lực, được đức hồng y tổng giám mục Sydney tên là Patrick Francis Moran (2) quản trị. Khi còn sống, vị này không được nhiều người ái mộ. Là cháu gọi đức hồng y Cullen là cậu, và lấy cậu làm gương mẫu toàn vẹn, nên cũng như cậu, đức Moran tự coi mình là hiện thân phẩm trật quốc gia trong vòng một phần tư thế kỷ: dấn thân hết mình vào đời sống tâm linh của Giáo Hội, cũng như trong những tương giao với xã hội dân sự và giới quyền bính chính trị. Như ông cậu, ngài đã sống nhiều năm tại Roma, ngài đẩy mạnh khuynh hướng thiên Ðộc tôn La mã của người công giáo Úc như 12 vị giám mục Ái Nhĩ Lan đã được bổ nhiệm tại Úc, do sự can thiệp của Cullen trong thời đức giáo hoàng Pie IX. Sau nửa thế kỷ bành trướng mau chóng và vững chắc, dù hơi lộn xộn, đức Moran rất bận tâm, muốn dùng thế giá giám mục để phục vụ việc thống nhất kỷ luật trong Giáo Hội, đòi hỏi người giáo dân vâng lời triệt để, xúc tiến việc áp dụng chặt chẽ luật theo những tiêu chuẩn các thánh bộ Roma đề ra, tăng cường sự tập trung qua việc thành lập một chủng viện quốc gia năm 1885. Ðây là chủng viện duy nhất cho tới năm 1920. Tất cả là nhờ các công đồng miền (1885, 1895, 1905), đã kiên trì hành động hợp nhất giữa các giám mục trong nước, cũng như các giám mục thuộc những xứ lân cận, nhất là Nouvelle Zélande (3). Sau cùng là nhờ tổ chức đại hội công giáo toàn quốc (1900, 1904, 1909). Như Cullen, Moran có khuynh hướng đồng hóa những đòi hỏi của dân Ái Nhĩ Lan với quyền lợi của Giáo Hội, cả hai thứ quyền lợi phải tách biệt rõ rệt khỏi tinh thần ái quốc cực đoan, vì tinh thần này làm tổn thương Giáo Hội trong quyền bính dân sự. Dầu bị chỉ trích vì lý do này bởi những phần tử của phong trào “thanh niên Ái Nhĩ Lan”, đức Moran đã góp phần lớn vào việc tăng cường đặc tính Ái Nhĩ Lan tại Giáo Hội Úc. Nhưng khác với đa số đồng nghiệp, ngài có đường hướng thích ứng một cách đặt biệt là thay đổi thái độ cực đoan của người Ái Nhĩ Lan cao niên bằng những cái nhìn dựa trên mẫu Âu Châu, đúng hơn là xây dựng cho tương lai một Ái Nhĩ Lan mới, nơi đây dân chúng có thể phát triển trên bình diện quốc gia và tôn giáo trong một bối cảnh khác biệt với bối cảnh ngài đã kinh nghiệm từ thời Cải Cách.
Chính trong viễn tượng này, trong bầu khí tự do chính trị và khoan hòa tôn giáo (đặc tính của cuối thế kỷ XIX), đức Moran không ngừng hội nhập Giáo Hội Công Giáo vào xã hội Úc. Nhưng công việc khó khăn nhất như ngài đã dự liệu, là vấn đề học đường. Không có vấn đề người công giáo từ bỏ hệ thống trường học của họ và trái lại ngài cố gắng khuyếch trương, tăng gấp lên ba lần số trường học tại giáo phận của ngài đồng thời cải thiện nhiều về phẩm chất. Ngài đã chi gần 1 triệu bảng kim vào công trình này. Tuy nhiên, không những khước từ bút chiến chống lại nhà nước như kiểu các người công giáo trong những năm 70, ngài quay về cộng tác với nhà hữu trách trong vấn đề trường công, chủ trương thích ứng chương trình công giáo với chương trình nhà nước. Hành động như vậy, ngài hy vọng chính quyền sẽ tái lập những tài trợ chính thức cho các trường, nhưng ngài không đạt sở nguyện.
Trên bình diện chính trị và xã hội, đức Moran đã tỏ ra là một người tiền tiến của xã hội đa diện, triệt để từ khước tư tưởng của một đảng phái hoặc một nghiệp đoàn riêng biệt. Xác tín vào hiến pháp dân chủ thuộc loại Anh Quốc, và lấy hứng từ giáo huấn xã hội của Léon XIII, ngài khuyến khích phong trào “Hiệp Hội thương gia” với điều kiện đừng chạy theo những quan điểm quá khích của cách mạng. Ðồng thời ngài đem tất cả uy thế cổ động cho người công giáo gia nhập Ðảng Lao Ðộng (Labor Party) bên cạnh hai đảng cổ truyền bảo thủ và tự do. Phải chăng như P. Ford đã quả quyết, chính nhờ ảnh hưởng của ngài mà Ðảng Lao Ðộng Úc không rơi vào con đường của xã hội chủ nghĩa cực đoan và chống Kitô giáo. Tuy sự việc này còn đáng bàn cãi, nhưng điều chắc chắn là ngài đã đóng góp nhiều trong việc hướng dẫn toàn bộ Giáo Hội Úc thực thi công bằng xã hội; ngài đã đề nghị những tiêu chuẩn trả lương bổng, phụ cấp gia đình, và hiệp đồng lao động, nhằm tăng triển lợi tức. Ngài yêu cầu chính phủ phải hành động trực tiếp và tích cực trong những phạm vi này hầu nâng cao mức sống của dân chúng. Nói khác, ngài đã dùng tất cả thế giá của ngài để phổ biến “học thuyết xã hội kitô giáo” (socialisme chrétien).
Nhưng đức Moran đã tin tưởng quá vội vàng rằng phái chống giáo hoàng của thế kỷ XIX đã thuộc về quá khứ và những cố gắng của ngài đã đưa người công giáo ra khỏi khu vực biệt lập và lẻ loi. Hậu quả là sự vội vàng này đã tạo nên một chấn động phản hồi trong giới tin lành. Bằng chứng là năm 1901 “Hiệp Hội Bảo Vệ Tin Lành Úc Châu” (Australian Protestant Defense Association) được thành lập do một người thuộc phái Bresbytérien rất hoạt động, tên là Dill Macky. Ông đã tạo nên một khúc quanh lịch sử. Vì thế vào những năm 20, một lần nữa, người công giáo lại phải tự vệ trong bầu khí bút chiến với các giáo phái, gay gắt nặng nề hơn bao giờ hết. Bầu khí này trở nên trầm trọng một phần do hàng giám mục chán nản trước “sự thất bại chính trị hòa giải học đường” của đức Moran, phần khác do thái độ ngập ngừng trong thời đệ I thế chiến, của một số lớn giáo sĩ. Những giáo sĩ này có thiện cảm nhiều với phe phản loạn, người Ái Nhĩ Lan, hơn là với việc tranh chấp của người Anh chống Ðức. Ðiều này gây ra ấn tượng: cộng đồng công giáo là thành phần xa lạ với quốc gia. Mấy năm sau khi hồng y Moran từ trần, người ta đã quên lý tưởng của ngài là giúp người công giáo hội nhập vào cộng đồng quốc gia. Nhân cách của đức cha Daniel Mannix, tổng giám mục Melbourne từ năm 1912 tới 1962, là người đã đối lập với cố hồng y trong nhiều năm trên sân khấu diễn đàn, không làm dịu được sự căng thẳng, cho dù ngài có nhiệt tình mục vụ và ý thức xã hội không thể trách cứ được. Vị cựu giám đốc chủng viện quốc gia Ái Nhĩ Lan tại Maynooth này là người cố chấp, có tinh thần hẹp hòi, luôn gay gắt chống lại nước Anh và không có chút nghệ thuật ngoại giao nào của vị hồng y quá cố.
Trong thời kỳ giữa hai thế chiến, các lực lượng công giáo vẫn tiếp tục đòi hỏi chính phủ yểm trợ học đường, nhưng mãi sau năm 1950 mới đạt được một vài thỏa nguyện (4). Một chủ đề mới của cuộc tranh luận đã xuất hiện, kể từ năm 1925: từ nay, đa số dân chúng là người Úc từ khi sanh, và người ta bắt đầu bày tỏ ý nguyện: không nên tìm giám mục Ái Nhĩ Lan như thời quá khứ nữa. Khuynh hướng thoát khỏi Ái Nhĩ Lan gia tăng mau chóng bởi vì đã đến lúc người giáo dân Úc muốn chứng tỏ họ có tự do sáng tạo.
Việc người giáo dân tiến lên sân khấu đặc biệt được thể hiện với tổ chức “Campion Society” giữa những năm 30, quy tụ các nhân viên đại học cũ và Nghiệp đoàn thánh Thomas More, dành cho những người kinh doanh và những người hành nghề tự do. Tất cả là tiền thân của Văn Phòng Quốc Gia Công Giáo Tiến Hành được thành lập năm 1938 và có nhiều chiều hướng hoạt động xã hội.
Sau thế chiến thứ II, tầm mức quan trọng của tinh thần chống cộng trong ưu tư người công giáo, đưa họ tới việc tự hỏi về giới hạn giữa công giáo tiến hành và hoạt động chính trị, và vào năm 1953, vấn đề được đạo đạt sang Tòa Thánh. Từ niên hiệu này, hơn những nhóm tôn giáo khác, người công giáo được tăng cường với những làn sóng di dân mới đây, đã chiếm 25% dân số, và người ta phỏng chừng 64% hành đạo đều đặn. Người ta ước đoán 2000 linh mục triều, 1000 linh mục dòng và hơn 10.000 nữ tu. Một dấu hiệu giữa các dấu hiệu khác về tính năng động của công giáo Úc. Sự đóng góp của họ theo đầu ngưởi vào những tổ chức truyền giáo quốc tế đứng hàng thứ hai trên thế giới.