CHƯƠNG I
Phần II GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG THẾ GIỚI ANGLO-SAXON
R. Aubert, P.E. Crunican, J. Tracy Ellis
MỘT GIÁO HỘI TÁI SINH: NƯỚC ANH
(Roger Aubert)
CHƯƠNG I
MỘT GIÁO HỘI TÁI SINH:
NƯỚC ANH
(Roger Aubert)
Mặc dầu chỉ là một thiểu số, khoảng 6% dân số, cộng đồng công giáo Roma tại Anh Quốc, trước mắt công giáo thế giới trong hậu bán thế kỷ XIX, có tầm mức quan trọng rõ ràng vượt quá số lượng. Sự kiện này được giải thích bởi hai lý do: một phần do niềm hy vọng vào việc Anh Quốc trở về hợp nhất với Giáo Hội Roma, niềm hy vọng này được thức tỉnh do phong trào của Oxford, và sống lại từng thời, mặc dầu chỉ có tính chất giai đoạn; phần khác, một cách thực tiễn hơn, Anh Quốc chiếm được chỗ đứng cao nhất trên thế giới trong kỷ nguyên Victoria, với ngành kỹ nghệ xuất khẩu phát triển mạnh, sự khéo duy trì thế quân bình Âu Châu có lợi cho mình - và đặc biệt quan trọng về vấn đề truyền giáo - thế giới thuộc địa tiếp tục bành trướng.
Trong cộng đồng công giáo Anh, đã từ lâu, đặc biệt do Giáo Hội Ái Nhĩ Lan kiến tạo, trong khi người công giáo Anh chỉ đại diện một nhóm nhỏ, không sinh khí, tản mác trong các vùng quê, một biến chuyển quan trọng đã phát động trong vòng những năm 40, đồng thời về nhân số và phẩm tính. Làn sóng qui hồi do phong trào Oxford tạo nên trong vòng vài năm tại một Giáo Hội với quan điểm chật hẹp và cổ xưa, khiêm tốn thu hình ngoài lề đời sống quốc gia, hàng trăm nhà trí thức có thế giá, trong đó nhiều người liên lạc mật thiết với các môi trường lãnh đạo quốc gia. Song song, có làn sóng di dân Ái Nhĩ Lan, người ta bị lôi cuốn vào đảo lớn do cuộc cách mạng kỹ nghệ đột nhiên bành trướng, sau nạn đói lớn năm 1845-47, đẩy mạnh một biến chuyển khai mở từ đầu thế kỷ: tại nước Anh, trong ba thế kỷ, công giáo tập trung chung quanh lâu đài của một vài người tử tế, họ bảo trợ một tuyên úy, thường do trung thành với truyền thống hơn là do xác tín đạo đức, tình trạng này nhường chỗ cho một Giáo Hội gồm phần lớn vô sản, cư ngụ trong các thành phố và các hải cảng, dễ dàng chiều theo say sưa nghiện ngập, nhưng với tính phóng túng và lòng sùng đạo nhiệt thành, họ khó lòng uốn theo nếp sống ẩn dật của đa số người Anh đồng đạo thuộc tầng lớp cũ. Ðể phục vụ làn sóng từng trăm ngàn tín hữu, những người này tập trung trong vùng Lancashire và một số nhỏ chung quanh Luân Ðôn và Midlands, những nhà hữu trách công giáo không những phải mở những nhà thờ mới, nhưng còn phải tìm ra các linh mục, nhất là phải nhờ tới các hội dòng ngoại quốc. Ðiều này không bao lâu sẽ tạo nên nhiều vấn đề, về mặt tâm lý cũng như về giáo luật.
Vì sự thay đổi đó, cần phải tổ chức lại ngành giáo sĩ. Thật vậy, khi Ái Nhĩ Lan đã chủ trương qua nhiều thế kỷ việc bắt bớ các giáo sĩ thuộc giáo phái Episcopal (giám mục). Từ cuộc cách mạng, nước Anh đã suy sút từ khi Cải cách các xứ truyền giáo. Những bất lợi của hệ thống này bây giờ trở nên hiển nhiên: công giáo ra khỏi tình trạng cứng đọng từ lâu năm và, mặc dầu có những phản kháng của một số người công giáo Anh dựa vào hồng y Acton như phát ngôn viên của họ tại giáo triều Roma, những luận chứng của các giám quản tông tòa, sau cùng đã thuyết phục được đức giáo hoàng. Ngày 29 tháng 9 năm 1850, đức Pie IX công bố đoản thư, thay thế tám vị giám quản tông tòa bằng một tổng giám mục tại Westminster và mười hai tòa giám mục phụ thuộc. Ngày hôm sau, đức tổng giám mục mới Wiseman được đặt làm hồng y và ngày 7 tháng 10, trong một lá thư mục vụ phấn khởi, ngài đã làm bùng lên niềm vui nhìn thấy “nước Anh công giáo tìm lại được quỹ đạo trên bầu trời tôn giáo, nơi mà ánh sáng đã tắt lịm một thời gian lâu dài”. Tại Anh Quốc, nơi mà phong trào cải cách được coi như một thành phần chính yếu và đậm sắc thái quốc gia, giọng điệu hiếu thắng của lá thư mục vụ làm bùng lên một cơn giận chống lại cái mà người tố cáo là một “hành hung của giáo hoàng”, và những người công giáo chống lại việc thiết lập các giám mục như trên, thấy những phản ứng chống đối ấy là đúng với nỗi lo âu của họ. Nhưng Wiseman không thất vọng, trong một vài ngày, được bạn hiền là đức cha Ullathorne tại Birmingham giúp đỡ, đã viết lời kêu gọi dân chúng Anh đổi ý hoàn toàn. Lúc này phải thể hiện quyết định của Roma bằng việc làm. Và trước mắt, có biết bao việc phải giải quyết.
Thoạt tiên, phải tìm ra những giám mục mới trong hàng giáo sĩ gồm khoảng 800 linh mục, khác nhau về gốc tích và chia rẽ nhau về phương thức làm việc. Phải nhận rằng: sau Wiseman là Ph. Hughes. Tuy mang nhiều khuyết điểm và nhất là có khuynh hướng lạc quan thái quá, Ph. Hughes có nhiều tài đặc biệt và biết coi trọng yếu tố thời gian. “Trong hàng giám mục thuộc thế hệ đầu, ít có nhân tài, và người ta không chờ đợi nơi các ngài cái gì khác ngoài khả năng chức nghiệp.” (1)
Sau đó phải cố gắng thiết lập trong những lãnh vực khác nhau của đời sống giáo sĩ một thể chế chung theo giáo luật thiết định. Những nguyên tắc lớn đã được đưa ra trong Công Ðồng thứ nhất của giáo phận Westminster. Công đồng này họp tại Oscott vào tháng 7 năm 1852. Bên cạnh lòng nhiệt thành nóng hổi của Wiseman, Công Ðồng này đã vận dụng được các đặc tính giáo luật và quản trị của đức cha Grant, giám mục mới của Southwark. Nhưng như M.V. Sweeney đã trình bày rõ trong một khảo luận, thì nhất thiết phải qua nhiều thập niên (2), nhiều Công Ðồng địa phương khác (vào các năm 1853, 1859 và 1873), mới có thể thật sự chuyển biến từ thời truyền giáo hầu như vô tổ chức, sang thời có qui luật chung của Giáo Hội. Thử lấy một thí dụ: Vì tâm trạng buồn thảm của các linh mục, qui chế giáo luật về các giáo xứ tại nước Anh cho đến năm 1918 vẫn không được đưa vào bộ luật. Ðang khi đó, phải đáp ứng những nhu cầu thường nhật. Nhờ lòng quảng đại của các lãnh chúa tại thôn quê và một số người giàu có trở lại, từng trăm nhà thờ và nhà nguyện đã có thể được xây cất trong vòng mười năm sau đó, và cũng đã có một số trường học giáo xứ, mặc dầu không đáp ứng đủ với nhu cầu. Nhưng song song với biến cố này, số người Ái Nhĩ Lan dồn tới những trung tâm thương mại Anh Quốc và Ecosse gia tăng không ngừng: Chỉ trong vùng Liverpool mà thôi, từ 1850 đến 1853, đã có 300.000 người Ái Nhĩ Lan đến sinh sống. Việc đón nhận hàng trăm linh mục tới từ Ái Nhĩ Lan đến Anh Quốc, đã cho phép giải quyết cấp thời. Tuy nhiên có một vài khó khăn, vì hàng quí tộc công giáo có ảnh hưởng xã hội lớn, trách các linh mục can thiệp vào chính trị, làm tổn hại đến quyền lợi của lớp người bảo thủ.
Trong những miền đông công giáo, người ta nhận định rằng hành động quy mô như vậy là thay thế cho những sáng kiến lẻ tẻ của các cha tuyên úy tại các lầu đài của thời tiền bán thế kỷ bằng một tổ chức hợp thời, có kiểm soát hữu hiệu của các giám mục. Các cộng đoàn tu sĩ cũng phát triển mau lẹ: ngay sau “cách mạng” số các tu sĩ rất ít ỏi và thường là gốc ngoại quốc, nhưng từ năm 1850 đến 1863, số tu viện nam từ 11 lên tới 55, và tu viện nữ từ 53 tới 108, nhờ có nhiều người trở lại. Ðặc biệt là trường hợp dòng Chúa Cứu Thế, do hai linh mục năng động điều khiển, cha H. Coffin, hoặc cha Th. Bridgett, rồi trường hợp các cha Dòng Tên, các ngài mở nhiều trường trung học tại miền Bắc và ngôi nhà tại khu phố Farm trở nên một trung tâm giao liên với tầng lớp công giáo cao cấp tại Londres.
Sự kiện phát triển mạnh mẽ trong đời sống công giáo Anh nhờ những người mới trở lại, không phải không gây nên vấn đề. Wiseman, người yêu chuộng văn hóa cao và có nhiệt khí hiếu thắng, bất chấp sự nhát đảm của “người công giáo cổ điển”, phấn khích họ dấn thân khi thấy họ có khả năng đóng vai trò chủ động trong Giáo Hội Anh mới hồi sinh. Ngài không ngần ngại bổ nhiệm W. Ward làm giáo sư tín lý trong chủng viện của Ngài, và đặt H.E. Manning làm một trong những cộng tác viên chính của Ngài trong việc điều hành giáo phận; Ngài thúc đẩy Newman đảm nhận chức giám đốc đại học công giáo Dublin, là đại học theo ước vọng nồng nhiệt của Ngài, sẽ trở nên Oxford mới cho người công giáo nói tiếng Anh (3). Nhưng nhiều hành động của đức Wiseman bị coi là quá vội vàng đối với những người mới trở lại, như trường hợp của Newman. Ông này nhiều lần hoạt động hăng say quá rồi cuối cùng rơi vào ngõ cụt không lối thoát, phải bỏ dở. Lý do là vì ông đụng độ với giới công giáo bảo thủ và đa số giám mục xuất thân từ giới này. Giới bảo thủ bám vào truyền thống và hoài nghi mọi phong trào đổi mới trong tư tưởng cũng như trong hành động, họ trách cứ người này khuynh tả, cấp tiến, người kia quá thiên Roma.
Thật ra nhóm tự do ít quan trọng về nhân số nhưng rất năng động. Họ tụ tập chung quanh tạp chí 'The Rambler', thành lập năm 1848, do một số người trở lại muốn dựa trên những đòi hỏi của khoa học, để bàn định các vấn đề do môn phê bình tân tiến đặt ra. Họ cho đó là điều kiện tiên quyết để cho công giáo được thế giới văn minh lưu tâm đến. Những bối cảnh của Rambler mở rộng dần và dưới ảnh hưởng của R. Simpson (1820-1876), trước kia là một giáo sĩ rất giỏi, có nhiệt tâm thu hút quần chúng (4). Ông chủ trương thay đổi thái độ công giáo cho phù hợp với nguyện vọng của xã hội tân tiến, có lập trường trên những vấn đề nóng bỏng như thua kém về phương thức giáo dục trong các trường trung học công giáo, ông khinh miệt và chỉ trích tinh thần chật hẹp của “người công giáo cổ” tại Anh, muốn tranh biện ngang hàng với các giám mục về những vấn đề không thuộc tín lý và cố tình nêu lên cả những gì lỗi thời trong quan niệm Roma. Thực ra, phần lớn những quán quân của “thuyết tự do” này có tinh thần thực tiễn, muốn hợp thời hóa những hiệu quả của các đề tài lý tưởng theo nghĩa phổ quát. Nhưng những chỉ trích chĩa mũi dùi vào họ, lại phát xuất từ một con người tôn thờ tín lý như Ward mà đức cha Ullathorne quen nói đùa “Ðối với ông cái gì cũng là tín lý” (vir super omnia dogmaticus). Những người theo thuyết tự do thường phản ứng bằng những chế diễu, cả đối với các giám mục tỏ vẻ khinh thường thế giá của họ. Các vị này tức giận vì những tấn công bất ngờ của “những đứa con đáng sợ” này, đã xin Newman làm trung gian can thiệp, khi ông trách nhiệm tờ báo vào đầu năm 1859. Nhưng bị tấn công tứ phía, Newman phải rút lui sau vài tháng điều hành.
Bất hạnh thay, từ nay trong tâm trí của nhiều người, tên của Newman gắn liền với tinh thần của báo Rambler. Hơn nữa, nếu ông không chấp thuận giọng điệu của các thành viên ban điều hành tờ báo, thì ông cũng chia sẻ một số bận tâm của họ. Do đó, với sự tận tâm mãnh liệt nhiều khi vô độ đối với Giáo Hội, Ward bắt đầu tố giác thày cũ như một người tự do nhất đẳng. Dĩ nhiên những điều tố cáo của Ward rất mơ hồ. Còn Manning lại cho rằng Newman không phục vụ Roma đúng mức, còn giật dây giáo triều, làm lơ trước sự chểnh mảng của Wiseman, khiến người ta có cảm giác là Newman từ chối, không cung cấp cho thánh bộ Ðức Tin những giải thích cần thiết (5). Nhà trí thức thiên bẩm Newman cho rằng những quan điểm khắt khe của một số người công giáo, thay vì chứng tỏ lòng trung thành với Giáo Hội, thì trái lại, họ đã làm thương tổn Giáo Hội rất nhiều. Ông đặt nghi vấn cho những người có niềm tin hẹp hòi theo lối kinh viện và tìm cách thúc đẩy quyền bính tiếp tục hãn ngữ môi trường nghiên cứu của trí óc loài người. Hành động phong phú của Newman trên giới công giáo Anh đã bị cầm chân lâu dài. Nhưng sau ít năm, hoàn cảnh của ông đã được các giới giáo quyền cứu xét lại, nhất là sau thắng lợi rực rỡ của cuốn “Apologia pro vita sua” (Biện hộ cho đời sống của mình). Ðây là một tác phẩm văn chương và tâm lý, nó biểu lộ tinh thần chính thống nguyên tuyền của ông. Ðồng thời với lời lẽ chân thành, ông đã góp phần rộng rãi vào việc đánh tan những thiên kiến của nhiều người Anh giáo đối với Giáo Hội Roma.
Trong thời gian này, việc điều hành tờ báo Rambler được trao phó cho một người đã 20 năm chủ trương “lý thuyết tự do công giáo Anh”, là ông John Acton (1834-1902). Tuy công giáo từ bẩm sinh, ông có tinh thần đại đồng và được giáo dục trong tinh thần tự do tư tưởng. Những cuộc du hành tại Mỹ Quốc, Nga và những ảnh hưởng hấp thụ từ người chồng thứ hai của bà mẹ là ông Granville, đã tăng cường ý hướng của ông về tự do chính trị. Nhiều năm đưới sự hướng dẫn của Doellinger mà ông là đệ tử ưu tú, đã làm ông thán phục các việc được hoàn tất tại Munich và Tubingue do những nhà thông thái Ðức nhằm thích nghi giáo huấn của Giáo Hội vào những đòi hỏi của tinh thần phê phán tân thời. Trong khi cộng tác chặt chẽ với Simpson, ông dùng kiến thức sâu rộng của ông phục vụ tờ báo Rambler, nhất định vươn tới thành công mà không một tờ báo công giáo nào tại Anh đã đạt được. Nhưng dưới sự hướng dẫn của một người mà một ngày kia được định nghĩa như “một người đã bỏ tất cả những gì gọi là không hợp với tự do trong công giáo và những gì trái với đức tin công giáo trong chính trị”, những khuynh hướng tự do và độc lập của tờ báo mỗi ngày thêm rõ nét. Thế nhưng nhiều tâm trí kém được chuẩn bị đã không nhìn thấy các giá trị của việc làm này dưới những từ ngữ gây cấn. Tháng 4 năm 1862, do sự phản đối công khai của hội đồng giám mục đối với mấy tiết mục về thế quyền của giáo hoàng, tờ báo Rambler phải đóng cửa. Acton liền thay thế ngay bằng tờ báo “The Home and Foreign Review”, trong đó những cây viết nồng cốt luôn đi sát với đường hướng đã đề ra. Nhưng tiếc thay, tờ báo cũng buộc phải đình bản sau một năm hoạt động, hầu tránh những tranh luận công khai với Roma. Thế là cơ hội để người công giáo Anh xử dụng một cơ quan ngôn luận có trình độ trí thức cao, được cả giới Anh Giáo và tin lành đọc, đã mất đi trong một thời gian lâu dài. Không ai nghĩ rằng “cơ may bị mất đi” đã được đền bù lại bởi tờ báo Dublin Review. Tờ báo này trước đây của Wiseman, sau được Manning và Ward tổ chức lại vào đầu năm 1865, với mục đích biện hộ những quan điểm cực đoan thiên Roma.
Nếu Manning và Ward tỏ ra cương quyết chống đối những người cấp tiến của báo Rambler và chống Newman cùng với đa số người công giáo kỳ cựu, thì những người này cũng không được hài lòng về những quan điểm của ông. Cùng với cha F.W. Faber đặc biệt đại diện những người trở lại và thiên Roma. Những người này cho rằng khuôn mẫu đời sống công giáo phải tìm trong những xứ mà công giáo không cần trá hình để tránh khỏi bị truy nã. Họ đặt tin tưởng vào những hình thức đạo đức đang thịnh hành trong những nước vùng Ðịa Trung Hải, và tuân phục giáo hoàng theo đường lối không thấy tại Roma. Thế mà những người công giáo thuộc tầng lớp cũ có chủ trương đạo lý khắt khe và vụ hình thức, lại lo sợ trước tất cả những gì khiêu khích người tin lành; họ chống đối điều mà họ cho là đưa vào Anh Quốc lối sống đạo của người Ý, ít thích ứng với tâm thức quốc gia. Tuy nhiên, một người có tinh thần cởi mở như đức cha Ullathorne, không có những thiên kiến đối với các người mới trở lại như một số giám mục khác. Ngài chủ trương hội nhập họ vào công đồng công giáo Anh, lo lắng về sự cung cách huênh hoang, thiếu kín đáo của những người mà theo ngài “vừa thiếu kinh nghiệm vừa không có lòng sốt sắng”.
Thái độ phòng ngừa của hàng giáo sĩ kỳ cựu đối với những người mới trở lại bộc lộ rõ rệt khi phải tìm người kế vị hồng y Wiseman năm 1865. Dựa vào thế giá của nhiều giám mục, hội kinh sĩ Westminster bày tỏ thái độ chống đối đường lối của cố hồng y và đề nghị người kế vị là giám mục phó của ngài, tức đức cha Errington. Vị này đã tuyên bố công khai: theo nguyên tắc, ngài chống lại nhiệt tình đối với Roma của những người mới trở lại. Ðức Pie IX giận dữ về thái độ độc lập này, ngài đã bất chấp việc phản đối hồng y Barnabo đang lo ngại mối căng thẳng giữa lòng công giáo Anh sẽ gia tăng và ngài đặt làm tổng giám mục một người Anh Giáo trở lại, tên là Henry Edward Manning. Từ lâu vị này có nhiều ảnh hưởng đối với hồng y Wiseman già yếu. Quyết định của giáo hoàng làm cho những người chống đối chính sách của cố hồng y rất bất mãn. Thực ra đức giáo hoàng đã có nhiều dịp chứng giám những tư cách nhân bản và những khuynh hướng phò Roma của Manning.
Manning đã từ môi trường Anh Giáo chuyển sang Giáo Hội Roma năm 1851 tiếp theo “biến cố Gorham” là biến cố đánh dấu sự lệ thuộc của Giáo Hội Anh đối với chính quyền. Vì thế không có gì lạ việc Manning (1808-1892) bị những nhà chép sử đầu tiên về ông hiểu lầm. Sau khi Disraeli đã tiểu thuyết hóa Manning trong cuốn Lothair, Purcell đã trình bày rất thiên lệch về ông, và Lytton Strachey đã châm biếm ông trong các bài Eminent Victorians, rồi sau đó không ai nói đến ông trong nửa thế kỷ, nhất là nhiều tài liệu đã thất lạc và bị tiêu hủy. Thực ra, mặc dầu có những khuyết điểm, Manning đã là một nhân vật hàng đầu, là người đóng góp lớn lao và hữu ích vào việc phát triển Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc, Chắc chắn ông không thể giải quyết thỏa đáng những khó khăn tinh thần nẩy sinh từ sự va chạm giữa tư tưởng triết học và khoa học tân tiến với thần học cổ truyền. Nhất là ông không thể chấp nhận rằng có thể có một phần sự thật trong quan điểm khác với ông. Ông luôn cho rằng những xác tín của ông có một giá trị hầu như tuyệt đối, vì đó là do tác động của Chúa Thánh Thần. Qua ông, chúng ta nhận thấy rằng: thường người có tài quản trị bẩm sinh hay mang tính độc tài đối với những người cộng tác, tài năng chính trị dễ trở thành óc thủ đoạn, ý chí hoạt động hữu hiệu và thành đạt có thể biến thành tham vọng cá nhân. Ðiều này có thực nơi ông, vì ông xác tín rằng: không ai có khả năng đảm bảo tương lai Giáo Hội tại Anh Quốc hơn ông. Ngay cả đối phương dần dần cũng phải thán phục những tài năng độc đáo của ông. Can đảm và cương quyết, hăng say hoạt động trong những phạm vi rất đa diện, ý chí sắt đá, kiên trì trước mọi thử thách, Manning là một thủ lãnh và một người hoạt động đầy khả năng. Manning cũng là một vị chân tu, một người từ bỏ tất cả, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp của đời sống linh mục: luôn chia sẻ với các linh mục, luôn sống như một chủ chăn nhiệt thành, luôn thức tỉnh và quan tâm đến những nhu cầu của các phần tử bất hạnh nhất trong đoàn chiên. Nếu trong phạm vi trí thức, tầm nhìn của ông có phần hạn hẹp, thì bù lại trong phạm vi hoạt động, ông rất sáng suốt, rất hữu hiệu. Theo nhận định của ông V.A. McClelland, đức cha Manning hiểu rõ rằng: trong xã hội kỹ nghệ tân tiến của thế kỷ XIX, vấn đề quan trọng của Giáo Hội không phải là đào tạo những Kitô hữu nhân bản theo lý tưởng mà Newman mô tả trong những bài thuyết trình nổi tiếng của ông về “Ý niệm đại học” (On the Idea of University), nhưng là đừng để mất sự liên hệ với giới trưởng giả và giới thợ thuyền. Ðó là điểm quan trọng trong phạm vi chính trị mà Manning đã mang lại cho phái tự do, vì ông sợ rằng mối thiện cảm của những người “công giáo cổ” đối với người thuộc đảng bảo thủ trong tương lai sẽ mở đường và nhường chỗ cho các lực lượng ngoài Kitô giáo hoạt động. Do đó ông luôn tìm cách mở thêm các trường học phổ thông công giáo, ông đã thành công với số lượng gấp đôi (6) và dành một phần rộng lớn cho khoa học trong phương án của ông về đại học công giáo ở Kensington ngõ hầu bảo đảm cho những lớp trung cấp một nền giáo dục hội nhập hợp thời. Ðó cũng là một phần những bận tâm của ông về vấn đề xã hội.
Ông đã rất bận tâm về vấn đề này khi ông còn là Anh Giáo, khi chứng kiến hoàn cảnh đau thương của các môi trường bình dân. Rồi năm tháng càng trôi qua, ông càng ý thức về nhu cầu tích cực phải nâng đỡ mọi sáng kiến nhằm giúp đỡ thợ thuyền chống lại những lạm dụng của chế độ tư bản. Về cuối đời, ông không ngần ngại khuyến khích hàng trăm sáng kiến của tin lành, như Ðạo quân Cứu Ðộ (Armée du Salut), hoặc cộng tác với các nhà lãnh đạo đảng Xã Hội. Ðiều này làm ngạc nhiên một số giáo sĩ của Ngài. Trái lại, người bênh vực phái cực đoan trong Giáo Hội lại có linh hồn và tinh thần của người cải cách xã hội vĩ đại. Quả thật, Ngài can đảm vì Ngài xác tín: “Xác tín của tôi chính là Giáo Hội chỉ có thể bành trướng tại Anh Quốc nếu Giáo Hội tỏ ra có nhiều thiện cảm với quần chúng là lớp người không đồng hóa với những người thống trị, nhưng với những người bị trị” (7).
Những bài thuyết trình rất đáng chú ý của Manning về môi trường xã hội và nhân loại, có nhiều hiệu lực đến nỗi nhà cầm quyền coi ngài như một vị hồng y - Ngài nhận mũ hồng y năm 1875 - có chỗ đứng quan trọng trong ủy ban điều tra, nơi đây ngài nghiên cứu một vài vấn đề thuộc loại này. Manning không những có thể đóng vai trò hàng đầu trong ủy ban của nhà vua về ngành giáo dục công cộng, được chỉ định năm 1886, và như thế ông góp phần soạn thảo bản Free Education Act (sắc luật về tự do giáo dục) năm 1891. Chương trình này đã nâng đỡ các trường công giáo ngay từ đầu. Nhưng Manning còn muốn thực hiện một trong những ước vọng lớn nhất của ông: “Làm cho Giáo Hội Công Giáo liên hệ rộng rãi với dân chúng và với tư tưởng Anh Quốc”.
Nhưng trong vấn đề giới trẻ công giáo theo học tại đại học Oxford và đại học Cambridge, thì theo lời yêu cầu của Ward, Manning nhất quyết giữ đường lối khép kín (ghetto) đối với tòa nhà giáo dục của Anh Giáo. Rút kinh nghiệm từ những thất bại của đại học công giáo Dublin, Manning chủ trương rằng: muốn ngăn cản sự “biến chuyển” đã bắt đầu phát hiện, thì cần thiết phải xử dụng những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đức tin của giới trẻ. Chính trong viễn tượng này mà đầu năm 1864, Newman đã đề nghị tới trú ngụ tại Oxford. Nhưng Manning sợ rằng khi tiếp xúc với những môi trường tin lành, giới thượng lưu Anh, người ta “sẽ trở nên giống giới thượng lưu tại Pháp, là công giáo chỉ có tên nhưng sống nhửng nhưng, bừa bãi và tự do quá trớn” (8). Nhờ một người bạn tên là Talbot can thiệp với Roma, Manning được Thánh bộ Truyền giáo nghe lời: cấm các gia đình công giáo gởi con tới hai đại học Oxford hoặc Cambridge, trừ một vài cá nhân đặc biệt. Mặc dầu thái độ dè dặt của nhiều đồng nghiệp, nhất là của giới giáo dân, ông cố gắng thiết lập một đại học công giáo trong vùng Luân Ðôn. Theo nguyên tắc, công việc này được định đoạt trong công nghị giáo phận năm 1873, khai mạc tại Kensington vào tháng 10 năm 1874. Nhưng rồi thấy khó bảo trì lâu dài, hơn nữa vì Manning từ chối sự cộng tác của các linh mục Dòng Tên sau những buổi tranh luận về quyền hạn. Năm tháng trôi qua, ngay sau khi ông qua đời, một nhóm giáo dân công giáo, đứng đầu là chính con của W.G. Ward, tên là Wilfrid, viết một hồi ký gởi đến các giám mục, chứng minh rằng những đại học lớn không còn nguy hiểm cho đức tin nữa, và càng không nguy hại cho nền luân lý hơn các trường quân đội tại Woolwich hay Sandhurst, và không gì có thể thay thế các đại học này để dạy nghề cho những người công giáo, giúp họ phục vụ quê hương một cách thích đáng. Tổng giám mục mới tại Westminster tên là Hebert Vaughan (1832-1903), xưa kia đã đóng góp vào việc làm nổi bật quan điểm của Manning, khi ông là đại diện của vị này tại Roma. Bây giờ ông có lý để chấp nhận những trình bày của Wilfrid, vì ông biết số sinh viên công giáo theo học đông đảo ở đại học Oxford và Cambridge, nếu là gốc Ái Nhĩ Lan, họ không thích những phương thức do sáng kiến của hội đồng giám mục Anh, nếu là người trẻ Anh Quốc, họ đã được phép đặc biệt cá nhân. Do đó, tổng giám mục Hebert Vaughan châu phê và chuyển đạt sang Roma tập hồi ký của Wilfrid Ward, đã được quận công Norfolk, người rất ảnh hưởng nâng đỡ. Thế là năm 1895, việc cấm đoán có từ 30 năm về trước của bộ Truyền Giáo nay được hủy bỏ.
Trong vấn đề đại học công giáo, Vaughan đã tỏ ra có cái nhìn xa rộng dưới áp lực của hoàn cảnh, cho dầu ông vốn hoài nghi những đổi mới. Trái lại trong những tương quan giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Anh, vì là con cháu của một gia đình công giáo cổ, nên ông tỏ ra ương ngạnh và khép kín, không chấp nhận thái độ đại kết của Manning, người anh giáo trở lại. Vì thế Vaughan đã hết sức vận động để kết án vào năm 1864 như một tuyên cáo của thuyết tự do tôn giáo, “Hội Thăng Tiến đoàn kết Kitô giáo” (Association for the Promotion of the Union of Christendom) một tổ chức muốn qui tụ công giáo và Anh Giáo để chuẩn bị sự trở lại tập thể của Giáo Hội Anh hợp nhất với Giáo Hội Roma (9). Chính ông còn giải thích trong cuốn: Anh Quốc và Kitô Giáo (1867) rằng: Khi đối thoại với một giáo phái không công giáo là đặt giáo phái ngang hàng với Roma, và đương nhiên như đã từ khước quyền vô ngộ của Giáo Hội duy nhất và chân thật. Nhân danh những nguyên tắc này và theo ông, chỉ có một con đường duy nhất có thể dẫn tới sự hiệp nhất Kitô giáo chung quanh đức giáo hoàng Roma, đó là việc trở lại của từng cá nhân. Cũng do đó, Vaughan đã hết sức can thiệp với Roma để làm thất bại công trình của ông Halifax và linh mục Portal.
Là thành phần ưu tú Kitô giáo, ông cương quyết từ khước đường lối chính trị đầy công danh, để phục vụ Giáo Hội. Từ năm 1867, ông Là chủ tịch của “English Church Union” đã được thành lập năm 1844 để bảo vệ quyền lợi Giáo Hội Anh với chủ đích hòa giải. Charles Lindley Wood, bá tước Halifax (1839-1934), suốt đời say sưa hoạt động để giao hòa Giáo Hội Anh với Tòa Thánh Roma. Cuộc gặp gỡ của ông năm 1890 tại Madère với cha dòng Lazariste người Pháp là Fernand Portal (1855-1926) đã thúc đẩy đi đến quyết định vĩnh viễn. Trong khi tìm phương cách mời gọi mọi người gia nhập phong trào thật đông đảo ngõ hầu thúc đẩy tiến tới hiệp nhất giữa hai Giáo Hội đã tách biệt nhau từ bốn thế kỷ. Cha Portal tin rằng một cuộc xét lại tính chất thành sự của việc truyền chức trong Anh Giáo cũng không ở trong bầu khí tranh biện giữa các Giáo Hội, nhưng bình diện kiến thức khoa học có thể là nguyên do gợi lên nhiều cuộc gặp gỡ trong bầu khí thân thiện của các đại diện đôi bên.
Ý hướng đầu tiên của phong trào không phải là gạt người công giáo anh ra một bên. Năm 1893 phong trào đã liên hệ lại với hồng y Vaughan, để xin ông đạo đạt những yêu cầu của họ tới Vatican và xin được qua sưu tầm trong văn khố. Hồng y nhấn mạnh rằng trước khi nghiên cứu vấn đề đặc biệt như vấn đề truyền chức trong Anh Giáo, phải bắt đầu bằng việc giải quyết những vấn đề nền tảng, như vấn đề quyền bính của giáo hoàng. Vậy, hai nhân vật khơi động chính yếu trong “phong trào xích lại gần”, đã ý thức rằng họ phải đảm nhận một việc có tính chất lâu dài mà muốn thành công, trước tiên phải thay đổi bầu khí và chuẩn bị tinh thần từ từ qua những tiếp xúc liên tục hầu làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa của các tín lý được truyền dạy bên Giáo Hội Roma hoặc bên Anh Giáo. Rõ ràng rằng, nếu muốn đề cập thẳng tới vấn đề quyền bính của giáo hoàng Roma, chắc chắn sẽ đi tới thất bại. Do đó, hai người bạn cùng có khuynh hướng giảm thiểu những khó khăn, quyết định vượt qua những chướng ngại mà hồng y Vaughan nêu lên, và theo ý họ, phải đưa ra vấn đề thành sự của phép truyền chức trong Anh Giáo. Portal tung ra vấn đề vào cuối năm 1893 qua bài báo dưới biệt hiệu là Dalbus, đăng trong tạp chí Khoa học Công giáo (Science catholique). Mục đích không có ý kêu gọi một quyết định chính thức, nhưng như người ta nói, để tạo cơ hội đi vào những tương giao và đối thoại. Vậy lúc đầu người ta nghĩ tới một cuộc biểu tình đại kết, nhưng Portal và nhất là Halifax đã lầm khi liên hệ quá sớm với các giới thẩm quyền của hai giáo hội. Cách hành động này là quá gấp gáp, nhất là vì như người ta nói, Lord Halifax không đại diện cho toàn thể Giáo Hội Anh. Vì trong Giáo Hội Anh còn có nhiều phe nhóm, như nhóm ”Tin Mừng” quan trọng (Low Church) và rất đối nghịch với khuynh hướng Anh-Công giáo, thường gay gắt chống giáo hoàng, và phe tự do (Broad Church) luôn đòi hỏi phải có một cuộc xét lại vấn đề tự do, đặc biệt xét lại toàn diện các điều trong kinh Tin Kính.
Vào năm 1894, Halifax liên lạc với hàng giáo phẩm Anh: nếu tổng giám mục Cantorbery là Benson ngay từ đầu đến hết cuộc thảo luận đã bày tỏ thái độ rất dè dặt, thì trái lại, tổng giám mục York đã tỏ ra nhiều thiện cảm. Về phía ông, Portal đã làm cho đức Léon XIII lưu ý, khi ông trình lên Ngài những biến chuyển đã khởi đầu trong Giáo Hội Anh. Ðức giáo hoàng cảm thấy phấn khởi và lạc quan. Ðược hồng y quốc vụ khanh là Rampolla khuyến khích, vì ông này rất quan tâm tới các viễn tượng mới đang mở rộng tại Anh Quốc, đức giáo hoàng định viết một lá thư riêng gởi cho tổng giám mục Cantorbéry, là ý hướng hoàn toàn cách mạng trong bối cảnh thời ấy. Nhưng khi nghe tin, hồng y Vaughan đã can thiệp ngay và nhấn mạnh về những khác biệt rõ rệt giữa High Churchvà Giáo Hội Anh. Trong thực tại cụ thể, ông đã làm thay đổi ý định của đức Léon XIII: thay vì lá thư riêng, ngài viết lá thư chung gởi cho dân tộc Anh, ngày 14 tháng 4 năm 1895, để xin cầu nguyện cho việc hợp nhất. Lá thư này nặng mầu sắc cổ truyền và bản văn là do chính Vaughan soạn, với sự giúp đỡ của cha dòng Biển Ðức người Anh là dom Gasquet, và của E. Bishop bạn của hồng y (10). Dầu sao, trong những môi trường Anh Giáo, người ta đón nhận lá thư “Ad Anglos” với nhiều phấn khởi. Còn Halifax, người đã được đức giáo hoàng tiếp kiến hồi tháng ba, lại bắt đầu hướng dẫn một chiến dịch thông tin tại Anh Quốc, trong khi Portal thành lập tại Pháp một hội cầu nguyện ”để hòn đảo các thánh trở về với mẹ”. Rồi tháng 12 năm 1895, tuần báo Anglo-romaine, dành cho các sử gia và thần học gia, nơi đây người ta thấy đầy những tin tức được trình bày trong tinh thần hiệp nhất và những nghiên cứu có giá trị do các nhà thông thái viết, như Duchesne và Gasparri phía công giáo, Lacey và Puller phía Anh Giáo. Nhưng hoạt động nóng bỏng này làm cho đa số công giáo Anh khó chịu lúc đầu, rồi sau đó là ác cảm công khai (Snead-Cox). Vì ngoài vấn đề chính yếu, họ sợ rằng tuần báo này làm mất những cuộc trở lại cá nhân (11), ấy là chưa kể đến mối bất bình về lập trường của những người Pháp nhiều khi xen lấn vào vấn đề của họ mà không hiểu tính cách phức tạp của tình thế.
Ðể tấn công những cuộc đàm thoại giữa các chuyên gia anh giáo và công giáo mà Halifax và Portal dự tính, những cuộc đàm thoại trong đó người Pháp hầu như chiếm một chỗ đứng quan trọng, Vaughan đã được đức Léon XIII chấp thuận nêu lên vấn đề tại Roma. Một ủy ban điều tra do đức hồng y Mazzella thuộc phái bảo thủ, hướng dẫn, có trách nhiệm nghiên cứu về việc truyền chức trong Anh Giáo, trên ba phương diện: lịch sử, thần học và pháp chế. Theo lời khuyên của hồng y Rampolla, một ủy ban quân bình được thành lập gồm bốn thành phần chủ trương việc truyền chức thành sự, ít ra là hoài nghi, và bốn thành phần chống đối (12). Nhưng Vaughan đã cương quyết là ủy ban chỉ gồm những người công giáo và người ta chỉ chấp thuận Portal có một điều là đức cha Gasparri được phép thương thuyết riêng với hai chuyên gia Anh Giáo. Họ tới Roma với phép của bề trên của họ, nhưng không có sắc bổ nhiệm chính thức. Ủy ban đã họp mười hai lần từ 24 tháng 3 tới 7 tháng 5 năm 1896, đã bắt tay vào công trình lớn do ba đại diện của Vaughan soạn thảo; J.J. Hughes, đã nêu ra những khiếm khuyết và sai lầm, nhưng không khuất phục được phe chủ trương phép truyền chức thành sự. Theo báo cáo của ban thư ký bốn thành viên tuyên bố vô hiệu, hai tuyên bố thành sự, và hai tuyên bố thành sự nhưng hoài nghi (13). Nhưng ủy ban giám định trong đó không có thành viên nào thực sự là chuyên viên về vấn đề này, họ chỉ có một vai trò tư vấn, và quyền quyết định tối chung thuộc thánh bộ Ðức Tin. Dom Gasquet và kinh sĩ Moyes trong suốt công cuộc này, đã hành động với tính cách bút chiến hơn là chuyên môn, họ tích cực chuẩn bị môi trường cho có một kết án, được nâng đỡ hữu hiệu bởi một giám mục trẻ, nửa Anh, nửa Tây Ban Nha, tên là R. Merry del Val. Như ủy ban và như Vaughan, ông sợ việc nhìn nhận thành sự tính, cho dầu chỉ hoài nghi, của việc truyền chức anh giáo (ngầm nói lên rằng Roma chấp thuận truyền chức lại với điều kiện), sẽ khơi lại tinh thần độc lập của Anh Giáo đối với quyền bính Roma, Merry del Val, người đã thay thế đức Rampolla được giáo hoàng tín cẩn trong các vấn đề Anh Quốc. Ông làm cho đức giáo hoàng sợ rằng: nếu Giáo Hội chấp thuận việc truyền chức lại với điều kiện sau khi chính Giáo Hội đã đòi hỏi trong nhiều thế kỷ “các linh mục Anh Giáo trở lại phải tuyệt đối được truyền chức lại”, thì tất nhiên người công giáo Anh sẽ cho là Giáo Hội đã lầm lẫn. Như thế, mặc dầu những biện pháp khoan hồng đã được được chấp thuận nhiều lần đối với Anh Giáo, và còn được xác nhận lại theo lời lẽ của lá thư tổng giám mục York gởi cho M. Portal trong tháng ba, đức Léon XIII đồng ý với kết luận của các hồng y bộ Thánh vụ. Ðó là ngày 16 tháng 7, sau hai giờ thảo luận trước mặt đức giáo hoàng, các hồng y Thánh bộ đã nhất trí tuyên bố (Rampolla vắng mặt là một điều có ý nghĩa) rằng: vấn đề bất thành sự của bí tích truyền chức Anh Giáo đã được giải quyết từ lâu và không thể thay đổi quyết định này. Portal được yêu cầu thôi lo cho Anh Giáo và vài tuần sau, Tòa Thánh ban hành sắc lệnh Apostolicae curae (Chăm lo việc tông đồ) (ngày 13 tháng 9 năm 1896) do Merry del Val soạn thảo với sự góp ý của Dom Gasquet. Trong sắc lệnh này bí tích truyền chức Anh Giáo bị tuyên bố là “bất thành và hoàn toàn vô hiệu lực” trên căn bản những tiêu chuẩn lịch sử và thần học (thiếu hình thức và không có ý hướng nơi các vị đã truyền chức tại Parker, nơi khởi nguyên phẩm trật Anh Giáo từ thế kỷ XVI). Ðương nhiên Giáo Hội Anh đã cảm thấy bị lăng nhục và làn sóng văn chương hộ giáo của sắc lệnh công giáo Anh làm cho hố chia rẽ càng sâu thêm. Thái độ dè dặt của Benson và nhất là phản ứng tấn công mạnh mẽ của Vaughan đã đóng góp rất nhiều vào việc gây sứt mẻ giữa Roma và Cantorbery. Dầu sao cũng phải nhận định như một dấu chỉ của thời đại, là quyết định của Roma không làm cho dân chúng biểu tình chống lại công giáo Roma như đã xẩy ra trong mấy chục năm trước.
Một điều chắc chắn là về cuối triều hoàng hậu Victoria, hoàn cảnh Giáo Hội Công Giáo tại Anh thay đổi nhiều, trên phương diện tâm lý cũng như vật chất, sánh với Giáo Hội của nửa thế kỷ trước. Mặc dầu hàng giáo phẩm đã được khôi phục, nhưng chưa thấy thực hiện nhiều mối hy vọng cơ bản của ”mùa xuân thứ hai” theo kiểu nói thời danh của Newman năm 1852.
Về nhân số, các tín hữu từ nay vượt quá một triệu, không kể những người Ái Nhĩ Lan thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Họ tiếp tục xưng mình là công giáo nhưng không giữ đạo, và càng ngày họ càng đông (14). Sự tăng trưởng chắc chắn không cùng một nhịp độ như giữa thế kỷ, nhưng vẫn tiếp tục cho dù sau ngày ban hành sắc lệnh Apostolicae curae, những cuộc trở lại cá nhân đã chậm lại trong vòng vài năm, sau đó lại giữ mức độ đều đều (một trường học được thành lập tại Roma năm 1898 dành cho những người trẻ trở lại muốn làm linh mục).
Tại vùng quê, số người công giáo thưa thớt, ngoại trừ những nhóm công giáo cũ còn sót lại tại các phần đất bá tước miền Bắc và quận Midland. Nơi đây, từ năm 1850 đến năm 1880, đã có nhiều nhà dòng được xây cất trên lãnh thổ của những người giầu có mới trở lại. Những người công giáo anh có khả năng thường sống tại thành phố. Tám phần mười gia đình công giáo là gốc Ái Nhĩ Lan, một phần sống chung quanh Luân Ðôn, phần khác tại Liverpool và Birmingham. Họ là những thợ thuyền, tiểu công nghiệp, chủ tiệm buôn nhỏ, sống quây quần tại ngoại ô các thành phố kỹ nghệ với những điều kiện thật đáng thương. Họ coi các linh mục như vị cố vấn hay người chỉ huy, cả trong những vấn đề thế tục. Các linh mục rất tận tâm giúp đỡ họ, tuy nhiên các Ngài thường có thái độ hống hách, trịch thượng, sống xa cách quần chúng. Nhiều khi xẩy ra là dân chúng chống đối các linh mục vì những lý do quốc gia, xã hội và tôn giáo, điều này làm cho việc hội nhập tại Mỹ Quốc chậm tiến hơn nhiều. Ðàng khác, phải đợi tới thế chiến thứ hai người công giáo mới có thói quen cộng tác với người lân cận không công giáo, trên bình diện xã hội hoặc trên những phương diện khác. Khi nói đến ngôi thánh đường giáo xứ thì họ luôn nhiệt tình tiết kiệm trên đồng lương nhỏ bé để góp tiền mua từng viên gạch, họ coi nhà thờ như trung tâm tập họp lâu dài. Trên nấc thang cao xã hội, có nhiều điền chủ công giáo là con cháu của những người có tiếng là sống cách bậc, từ năm 1870 thêm đông đảo nhờ một số người trở lại thuộc nhóm quí tộc và quyền bính tại Luân Ðôn. Các nhóm này rất quảng đại, chính họ đã cung cấp cho Giáo Hội trẻ phần lớn những phương tiện kinh tài cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở. Cuối cùng, giữa khối đông vô sản và một nhóm nhỏ đại điền chủ, cả hai giới ít hội nhập vào đời sống quốc gia. Một thành phần thứ ba, tới lúc đó còn rất ít, sẽ bắt đầu bành trướng trong vòng ba thập niên cuối của thế kỷ, đó là thành phần công giáo hành nghề tự do, hoặc làm việc trong các trung tâm văn hóa và khoa học. Họ là con cái người Ái Nhĩ Lan thành công trên nấc thang xã hội, hoặc trở lại do ảnh hưởng của ông Manning, người đã nâng cao hàng linh mục và những người học thức mà Newman đã lôi kéo theo ông tới Roma trong phong trào Oxford. Chính từ các giới này mà người ta thấy mấy người công giáo họa hiếm này bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội trên bình diện địa phương hay quốc gia.
Việc hướng dẫn người công giáo mỗi ngày một đông đã liên tiếp có nhiều vấn đề. Nhưng may thay, số lượng giáo sĩ tăng gấp ba giữa năm 1850 và 1900, đặc biệt giữa năm 1900 đến năm 1911, số linh mục đã tăng từ 2900 vọt lên 4000 và yểm trợ mạnh mẽ cho công trình mục vụ. Cần ghi nhận rằng: các linh mục Ái Nhĩ Lan qua làm mục vụ tại Anh khó khăn hơn qua Hoa Kỳ. Mặc dầu các linh mục Ái Nhĩ Lan đã giúp đỡ rất nhiều, đời sống người công giáo vẫn còn quá nhiều vấn đề, đôi khi rất phức tạp. Dưới ảnh hưởng của Manning, những điều kiện huấn luyện các linh mục tương lai đã được cải tiến sâu rộng. Hơn hai mươi năm cuối thế kỷ XIX, những chủng viện theo đường lối Công Ðồng Trente dần dần được thay thế bằng hệ thống thừa hưởng từ chế độ cũ, đó là những trường mà các giáo sĩ tương lai và thanh niên đời được giáo dục bên cạnh nhau.
Việc gia tăng giáo sĩ triều không giảm bớt sự cần thiết phải mời gọi sự giúp đỡ của các tu sĩ, ngay cả trong việc quản nhiệm họ đạo bình thường. Theo tường trình của quốc hội năm 1871: các tu sĩ đã phục vụ trong 121 giáo xứ, gồm độ một phần ba giáo dân. Công việc dạy học ở các trường đệ nhị cấp là mục vụ chính yếu của các cha Dòng Tên. Nhưng không phải chỉ riêng họ, vì còn có trường trung học thuộc dòng Biển Ðức tại Downside và Ampleforth, là những trường có thể đứng ngang hàng với các trường công lớn. Còn phải kể tới trường Clapham của các cha Salésien mở năm 1855, và ngôi trường rất nổi tiếng của Newman tại Edgbaston mở năm 1859. Riêng về nữ giới, có trường của các nữ tu Thánh Tâm và các nữ tu Chúa Hài Ðồng Giêsu, do một bà giàu có trở lại, tên là C. Connelly, xây cất năm 1846. Các tu sĩ đóng góp rất nhiều vào đời sống công giáo. Việc đóng góp này rất quan trọng và ích lợi, thường các giáo xứ do linh mục dòng đảm nhiệm xem ra sầm uất hơn. Và điểm rõ nét nhất của nhiều tu sĩ, đặc biệt các cha Dòng Tên, là duy trì tối đa tính chất độc lập, và vì thế ngày càng va chạm với các giám mục muốn kiểm soát hoạt động của tu sĩ. Bằng chứng là cuộc tranh chấp không giải quyết được trong công đồng địa phương thứ IV tại Westminter (1873), đã phải chuyển qua Roma. Nơi đây nhờ sự cương quyết của giám mục Salford là H. Vaughan (hồng y tương lai) và Manning, tháng năm 1881, Tòa Thánh ra sắc lệnh Romanos pontifices, dành quyền ưu tiên cho các giám mục (15). Người ta lưu ý rằng một cuộc tranh chấp như vậy đã bùng nổ, chứng tỏ những cấu trúc của Giáo Hội Công Giáo tại Anh đã phát triển và vững mạnh. Một dấu chỉ đặc biệt khác: nhờ Vaughan mà một tu hội truyền giáo hải ngoại đã được thành lập tại Mill Hill, bù lại mấy chục năm trước, chính Giáo Hội Anh phải cầu cứu các thừa sai từ các nước Âu Châu tới. Biến chuyển này chính thức được xác nhận năm 1908, khi Ðức Pie X quyết định chuyển qua qui chế chung của Giáo Hội tất cả các giáo phận Anh, tới lúc đó vẫn lệ thuộc Thánh bộ Truyền giáo.
Song song với sự kiện trên, một biến chuyển khác cũng được phát động trên bình diện tâm lý. Vào năm 1880 Lord Ripon, một người trở lại, được chỉ định làm phó vương Ấn độ, sự lựa chọn ông Lord Llandaff vào năm 1886 làm bộ trưởng trong nội các Salisbury, đưa một người công giáo vào cấp lãnh đạo với Sir William Shee, việc bổ nhậm Acton làm giáo sư tại Cambridge năm 1895 và Urquhart làm phó giám đốc của Balliol College tại Oxford năm 1896, là những dấu hiệu cho phép người ta nói “mối hận tập thể mà người công giáo từ lâu đã là nạn nhân, bây giờ bắt đầu giải tỏa”. Những yếu tố khác cũng góp phần vào đó, như biến chuyển toàn diện của xã hội Anh tiếp sau việc giảm thiểu địa vị độc tôn của Giáo Hội Anh đối với trào lưu chống bảo thủ đang lên, nhất là tâm thức tục hóa đang lớn mạnh và tiến tới nền tự do tư tưởng (16). Nhưng cũng có những yếu tố tích cực khác như chỗ đứng mà Manning đã đạt được trong đời sống công cộng tại Anh Quốc, hoặc ảnh hưởng lớn mạnh của Newman khi ngài được thăng chức hồng y. Một lần nữa vị này đã thành công trong việc phá tan thiên kiến do lời phúc đáp của ngài cho Gladstone: Sau ngày tuyên bố sắc lệnh về ơn vô ngộ của giáo hoàng, ông này đã đặt thành nghi vấn rằng người ta có thể là một người anh giáo tốt đồng thời cũng là một công giáo tốt, triệt để vâng lời đức giáo hoàng (17). Vì vậy sự khinh miệt đối với thiểu số công giáo Roma tại Anh quốc mà tổng giám mục Cantorbery cố ý ám chỉ như “cuộc truyền giáo Ý”, đã không mất đi lại còn được nuôi dưỡng bằng ác cảm đối với người Ái Nhĩ Lan. Ác cảm này lớn lên với tình trạng giao động mỗi ngày một lớn rộng của quốc gia, trước lòng sùng mộ bị coi như mê tín của người công giáo đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu trong những năm 90, trước lập trường lạc hậu của người công giáo trong việc bình luận Thánh Kinh. Nhưng, mặc dầu hoàng hậu Victoria rất dè dặt về khuynh hướng thiên Roma của High Church, những tương quan giữa Luân Ðôn và Vatican được cải tiến và nếu giấc mơ của đức Léon XIII về những tương quan ngoại giao - như Manning đã nhận định là rất ít thuận lợi - xem ra không thể thực hiện được, thì ít ra chính phủ Anh đã đón tiếp thịnh tình một sứ giả của giáo hoàng nhân ngày lễ vàng của nữ hoàng (1887), và họ còn tạo ra nhiều sáng kiến để chính thức liên lạc với Tòa Thánh, đặc biệt trong việc bổ nhiệm các giám mục ở Malte và Ái Nhĩ Lan. Vua Edouard VII còn nhiệt tình hơn, ông viếng thăm đức giáo hoàng năm 1903 và năm 1910 hủy bỏ bản đoạn văn làm phật lòng người công giáo trong bản tuyên thệ khi ông lên ngôi. Tổ chức đại hội Thánh Thể quốc tế tại Luân Ðôn năm 1908 cho biết hoàn cảnh đã biến chuyển tới mức độ nào kể từ thời người ta đốt hình nộm hồng y Wiseman với tiếng la hò: “Ðả đảo giáo hoàng”. Dĩ nhiên luôn có những phản ứng tiêu cực tại một vài môi trường tin lành. Cuối cùng, biến chuyển trong vấn đề học đường còn tiếp tục lâu dài, và hàng giáo phẩm luôn rất bận tâm. Sau cuộc thắng trận năm 1906, những người thuộc phái tự do muốn đặt lại vấn đề học đường. Sắc lệnh “Education Act 1902” dành nhiều thuận lợi cho các trường tôn giáo. Tiếp theo, chính quyền công giáo dưới sự hướng dẫn của tân tổng giám mục Francis Bourne (1861-1935) tại Westminter, cộng tác chặt chẽ với giáo sĩ anh giáo dựng nên một chiến dịch chống lại dự án của chính phủ. Chiến dịch này được kể là thành công.
Việc rút lui của nhà bác học công giáo St George Mivart năm 1900 và những cuộc rối ren sau đó, làm cho hàng giáo phẩm lo ngại là tinh thần bảo thủ và tự do tôn giáo sau 20 năm lắng dịu sẽ lại vùng dậy. Nhưng nếu nhận định kỹ, thì cơn khủng hoảng tân thời mà giám mục Bourne, con người ít cởi mở với những vấn đề trí thức, đã khôn khéo tránh né để không thành bi đát, chỉ gây được một tiếng vang nhỏ nhoi trong dư luận công giáo Anh (18). Trong vòng nửa thế kỷ sau, Giáo Hội Công Giáo Anh được hưởng một thời phát triển về nhiều phương diện, cho dù rất khó huy động người công giáo Anh dấn thân hành động tập thể, ngoại trừ vấn đề học đường.
Số giáo dân tăng gấp đôi, từ một triệu rưỡi lên tới ba triệu trong tiền bán thế kỷ XX, đặc biệt tại miền Nam. Trong năm 1911, 58,4% dân số công giáo tập trung tại các giáo phận Liverpool, và 26,2% trong các giáo phận Westminter và Southwark, năm 1951 tỉ lệ tại Liverpool là từ 37,8% và tại hai giáo phận sau là 42,2% (19). Sự tiến triển đều đặn này vừa do tỉ lệ sinh sản cao của người công giáo, vừa do việc di dân của người Ái Nhĩ Lan, càng ngày họ càng dễ hội nhập vào nếp sống bảo thủ của cộng đồng công giáo Anh. Phải thêm vào đó vài chục ngàn người trở lại mỗi năm (từ 7.500 trung bình trong hai thập niên đầu của thế kỷ, lên tới 12.000 hoặc 13.000 giữa hai thế chiến, nhất là từ Anh Giáo).
Hơn nữa, sự đóng góp của những người Anh trở lại công giáo này thật quan trọng, cơ bản và sâu xa, vì họ mang lại dòng máu mới vào cộng đồng rất bảo thủ và rất khép kín. Nhắc đến những qúy danh C. Martindale, R. Knox, R.H. Benson, G.K. Chesterton, Chr. Dawson, Graham Greene, Muriel Spark, Douglas Hyde đủ để gợi lên những gì họ mang lại trong phạm vi tư tưởng, văn chương, triết học, nghệ thuật, kịch trường, hay báo chí. Ðiều đó không có nghĩa là có thể khinh thường phần đóng góp của những người công giáo từ bẩm sinh, nhất là trước thế chiến I. Thí dụ, cần phải nghĩ đến nhà thảo vật học J. Britten, sáng lập viên Catholic Truth Society (Hội sự thật công giáo) năm 1884, nhà thơ Francis Thompson, Wilfrid Ward, giám đốc Dublin Review từ năm 1906 tới năm 1915, vào khúc quặt của thế kỷ XIX và XX. Ðiểm son của tạp chí này là đã biết tạo nên những tương quan với người không công giáo mang những lập trường rất khác nhau trong phạm vi trí thức. Giữa lòng Giáo Hội và trên bình diện quốc gia, người ta không quên bá tước Fr. von Hugel, người Anh hơn là người Áo. Người ta có thể nói về ông như sau: Sau Newman, không một tư tưởng gia công giáo nào đã gây được nhiều ảnh hưởng bên ngoài Giáo Hội của mình, và tới thế hệ kế tiếp, tới những người như nhà văn tiểu luận Hilaire Belloc, một trong những quán quân mạnh mẽ nhất bênh vực công giáo giữa hai thế chiến. Còn phải nói tới sự đóng góp của giáo sĩ ưu tú công giáo, Dom Gasquet, cho dù những tác phẩm của ông yếu về lịch sử, quá thiên về hộ giáo; và mới đây là Dom David Knowles, giáo sư nổi tiếng của đại học Cambridge. Tiếp đến là các cộng tác viên của tạp chí Downside Review (1880), những sáng lập viên của Catholic Record Society (1904) v.v. Sau cùng phải công nhận rằng: mặc dầu trung tâm Ðaminh Oxford (Blackfriars) đã do cha D. Jarrett thành lập từ năm 1920, mặc dầu tạp chí Clergy Review (1930) cải tiến dần dần, mặc dầu có nhiều cố gắng (như trường hợp đức cha Fr. David) tại đại học công giáo Birmigham, các thần học gia công giáo Anh kể từ Tyrrell và Vonier, hầu như không có ảnh hưởng quốc tế. Có lẽ vì nền giáo dục mà nhiều người đã lãnh hội trong các chủng viện Roma giữa hai thế chiến hoặc tại chủng viện của Valladolid tại Tây Ban nha, không mấy quan tâm đến những suy tư sáng tạo và còn nặng tính chất hộ giáo và bút chiến của một nền giảng dạy lâu ngày đóng kín trước những phong trào canh tân về các môn Kinh Thánh, Giáo Hội học và Mục Vụ tại lục địa Âu Châu.
Trên bình diện xã hội, sự đóng góp của công giáo Anh rất khiêm tốn cho tới những năm mới đây. Sự nghiệp của Manning không được tiếp tục trong vòng nửa thế kỷ, chẳng những giữa hàng giáo phẩm, mà cả trong giới công giáo. Thái độ của hồng y Bourne trong cuộc đình công lớn năm 1926 thật ý nghĩa. Ngay năm 1912, cha Ch. Plater, Dòng Tên, cùng với đức cha Parkinson đã đưa sáng kiến lập một tổ chức mà sau này trở thành Catholic Social Guild để phổ biến học thuyết xã hội của đức Léon XIII, nhưng những văn phẩm về vấn đề này rất nghèo nàn. Ban đầu, người ta chỉ chuyển ngữ hoặc thích nghi những tác phẩm bằng tiếng Pháp. Cha V. Mc Nabb, dòng Ðaminh, người đã thành lập tại Oxford năm 1921 trường Catholic Workers College (trường công nhân công giáo), để đào tạo lớp người lãnh đạo nghiệp đoàn công giáo, đã phải vất vả nhiều mới chinh phục được các đồng đạo nâng đỡ hoạt động xã hội của đảng lao động mà tôn chỉ có nhiều điều xem ra không hợp với hiến pháp quân chủ chuyên chế. Nếu có một vài phản ứng chống những lạm dụng của chế độ tư bản khởi động trong thời gian giữa hai thế chiến, với phong trào “phân phối” được các ông Chesterton và Belloc hết sức cổ động, thì phải nhận rằng hệ thống này sẽ thích hợp cho giới thôn quê và phái phụ hệ hơn là cho xã hội kỹ nghệ, và phải chờ tới những năm 40 mới thấy xuất hiện một phong trào cho giới thợ trẻ Kitô giáo (Young Christian Workers) phát xuất tự phong trào JOC (Jeunes Ouvriers Catholiques) của Pháp; P. Keegan đã thành công khi đưa phong trào này vào Commonwealth và Hợp chủng quốc, do đó ông được chọn làm chủ tịch của phong trào lao động Kitô giáo quốc tế năm 1960. Mới đây, còn có những cố gắng, như của nhóm Slant (1964), tìm cách dung hòa giữa Kitô giáo và cộng sản.
Sau này, phong trào phụng vụ Anh Quốc cũng vươn lên, và nhất trí duy trì toàn bộ truyền thống sau Công Ðồng Trente, như một hình thức đặc biệt để nói lên những khác biệt với phụng vụ Anh Giáo. Tiếp đến là phong trào đại kết, với những sáng kiến của một số vị tiền phong như cha Mc Nabb dòng Ðaminh, hay cha Bede Winslow dòng Biển Ðức. Ðặc biệt sáng kiến không có tương lai của hồng y Hinsley là người đã lập ra phong trào “Lưỡi gươm của Thánh Linh” (The Sword of the Spirit), đã chứng tỏ nhiều cố gắng thực tiễn trong phạm vi công giáo tiến hành. Nhưng đức cha Godfrey kế vị ngài đã ngưng lại.
Muốn thấy những thay đổi đáng kể bắt đầu xuất hiện trong Giáo Hội khép kín từ nhiều thế hệ trong mặc cảm thiểu số và hệ thống cứng ngắc của các hợp đoàn thuộc mọi thành phần (trường học của các nhóm công giáo, báo chí và nhà phát hành công giáo, sự kiện giáo dân phải hoàn toàn vâng phục giáo sĩ, linh mục phải vâng phục giáo quyền...), phải đợi tới Công Ðồng Vatican II. Tiếp theo là những xáo trộn, là trào lưu dâng cao của lớp người mới bước vào giai cấp trung lưu nhờ sắc lệnh Butler's Act năm 1944, cho phép con em giới lao động bước vào ngành đại học. Việc đặt lại vấn đề năm 1966 do hiệp hội sinh viên công giáo về sự “tách biệt chủng tộc” trong ngành giáo dục, vụ Mc Cabe năm 1967, sóng gió nổi dậy do thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người) năm 1968, là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này mở đầu cho một biến chuyển sâu xa trong các cơ cấu và tâm thức của Giáo Hội Anh, đã hầu như hoàn toàn biến mất ở cuối thế kỷ XVIII và ngày nay lại chiếm được chỗ đứng vững vàng giữa các cộng đồng tôn giáo tại Anh Quốc và trong cộng đồng công giáo Âu châu.
Nếu vì những lý do dễ hiểu, đạo công giáo Anh đáng được lưu ý, không nên quên rằng họ chỉ đại diện cho một phần Giáo Hội Roma tại Anh Quốc.
Về xứ Galles, chúng ta cần lưu ý: tại đây, cho đến cuối thế kỷ XX, người công giáo vẫn còn phải chịu nhiều hạn chế. Ða số họ là di dân Ái Nhĩ Lan. Năm 1895, miền này được tách rời khỏi hai giáo phận Anh, để trở nên một phủ doãn tông tòa biệt lập, và 3 năm sau trở thành địa phận Menevia. Năm 1916 Cardiff được đưa lên tổng giáo phận với hai giáo phận phụ thuộc.
Trái lại, xứ Ecosse đã có một triệu người công giáo, và năm 1900 đã có những biến chuyển giống như tại Anh Quốc, mặc dầu chậm hơn, do cuộc di dân quan trọng của người Ái Nhĩ Lan (100.000 người nhân vụ đói lớn năm 1840 và hơn 200.000 giữa năm 1850 và 1888). Họ tập trung nhiều nhất tại vùng Glasgow. Do đó trọng tâm cộng đồng công giáo của miền Ðông Bắc được chuyển về phía Tây Nam của xứ này. Từ trước năm 1830 đã có những va chạm giữa người công giáo gốc Ái Nhĩ Lan và thiểu số dân địa phương, cả hai giới người này đã cung cấp hầu như toàn bộ hàng giáo sĩ. Nhóm địa phương quen sống đạo âm thầm, đã trách dân di cư sống đạo ồn ào, có cung cách cường điệu, trái với quan niệm khắc khổ và nội tâm sâu xa về đạo giáo, và gây nên những va chạm thường xuyên với phái giáo sĩ (presbyteriens). Những khó khăn hay những va chạm trở nên trầm trọng vào giữa thế kỷ. Ðược Glasgow Free Press khuyến khích, các linh mục gốc Ái Nhĩ Lan trách cứ hành động thiên vị của đại diện tông tòa miền Tây: ông quá ưu đãi hàng giáo sĩ gốc Ecosse. Thí dụ, ông trao cho họ trách nhiệm thành lập những trung tâm mới giữa các người di dân, rồi khi một nhà thờ được xây cất xong, ông lại gởi họ đi nơi khác để bắt đầu lại công việc nặng nề, và cho linh mục gốc Ecosse tới hưởng thụ công trình của họ. Vào năm 1865 sự tranh chấp trở nên dữ dội đến nỗi đức hồng y Cullen tổng giám mục Dublin phải nhờ Roma can thiệp và Ngài được chấp thuận bổ nhiệm tại Glasgow một phó giám mục gốc Ái Nhĩ Lan tên là J. Lynch. Nhưng cung cách xử sự của vị này thiếu khôn khéo nên chỉ làm cho sự việc trầm trọng thêm. Ðể ra khỏi ngõ cụt, năm 1867, Thánh bộ Truyền giáo ủy thác cho đức cha Manning điều tra tình hình và đưa ra một giải pháp. Một trong những kết luận của Ngài, như nhiều người Ái Nhĩ Lan đã xin, là lập tức phải tái thiết hàng giáo sĩ. Nhưng đề nghị này gặp hai chống đối: Chống đối của các đại diện tông tòa, vì các ngài nghĩ rằng tình hình chưa lắng dịu đủ; nhất là chống đối của chính phủ Anh trước những phản ứng mạnh mẽ của đại chúng tin lành muốn thừa cơ chống giáo hoàng. Do đó, tại Roma người ta không muốn xúc tiến thêm công việc. Sau đó, Roma bổ nhiệm tại Glasgow vị tổng giám quản người Anh là đức cha Errington, nhưng ông này từ chối; Roma lại chọn Charles Eyre làm tổng quản vùng Hexham. Ông này thành công trong việc tạo được bầu khí êm hòa cho mọi người.
Vấn đề tái thiết hàng giáo phẩm được khởi sự năm 1876, và lần này Roma đã quyết định thỏa mãn ước vọng của người công giáo Ecosse. Những thỏa hiệp trở nên phức tạp vì khó chọn giữa Glasgow hoặc Edimgbourg làm tòa tổng giám mục. Glasgow có hai phần ba dân công giáo, còn Edimgbourg là thủ đô, ngoài ra còn Saint Andrews, nơi được nhiều người đề nghị vì lý do lịch sử, nhất là gia đình Lod Bute, một gia đình giàu có và quảng đại tại Ecosse, cũng là gia đình quận công Norfolk tại Anh Quốc. Sau cùng khi đức cha Eyre dự tính rằng hai hoặc ba địa phận cũng đủ, thì Roma đã thiết lập một giáo tỉnh tại Edimbourg (sắc lệnh thành lập này công bố ngày 4 tháng 7 năm 1878) với bốn giáo phận thuộc hạt và tòa tổng giám mục Glasgow lệ thuộc trực tiếp tòa thánh (20). Ðiều hiển nhiên là lúc bấy giờ, một giáo tỉnh chỉ gồm 257 linh mục, và ba địa phận mới, khó tồn tại. Hơn nữa, nhiều người không đồng ý về cách ấn định biên giới các giáo phận. Nhưng trong toàn bộ, phương thức ấy xem ra ích lợi: Ái Nhĩ Lan và Ecosse cộng tác chặt chẽ với nhau, tạo nên một tổ chức mới và một tinh thần công giáo sống động và kiên cường. Một vấn đề lớn khác đối với người hữu trách là vấn đề trường học công giáo, bắt đầu giải quyết từ năm 1918, khi sắc lệnh về giáo dục tại Ecosse (Scottish Educational Act) đồng ý để các cấp chính quyền địa phương trợ cấp một phần tài chính cho các trường tư.
Ðiều thật rõ nét là hoàn cảnh tại Ecosse rất khác biệt với hoàn cảnh tại Ái Nhĩ Lan. Tại Ái Nhĩ Lan, trừ Ulster, đại đa số là công giáo và cơ cấu tổ chức địa phận không bao giờ mất, hơn nữa, theo thời gian của thế kỷ, vấn đề chính trị và xã hội là những bận tâm đầu tiên của người giáo dân. Việc bổ nhiệm Paul Cullen (1803-1878) tổng giám mục tại Dublin năm 1852, và thăng hồng y năm 1866, khai mở một thời đại mới cho Giáo Hội cũng như trên bình diện chính trị, và người ta có thể viết rằng: trong hơn một phần tư thế kỷ, chỉ mình ngài là phẩm trật Ái Nhĩ Lan, ấn định diện mạo cho Giáo Hội này, hướng dẫn chính sách, quyết định các vấn đề hệ trọng, quy định kỷ luật (21). Dấn thân vào tất cả những vấn đề quan trọng của thời đại, ông Cullen đã là đối tượng của nhiều chỉ trích, nhưng việc P. Mac Suibhne xuất bản các thư của ông đã thu hút người ta kính yêu con người và sự nghiệp của ông với nhiều uyển chuyển hơn ngày trước. Can đảm và nhiệt tâm, ông hết mình với đời sống tinh thần của dân chúng. Ảnh hưởng của Ngài đã thay thế cho ảnh hưởng của đức cha MacHale, tổng giám mục tại Tuam từ năm 1834 tới năm 1881, nhiệt liệt chống đối người Anh và lo lắng tránh tất cả những nhượng bộ có thể trói tay các giám mục. Là người quản trị đặc biệt tài ba, biết nhìn xa, thái độ cương quyết, nhưng có một chút độc tài, Cullen biết rõ tình hình vì ông đã là nhân viên giám mục đoàn Ái Nhĩ Lan tại Roma trong nhiều năm. Nơi đây ông đã có một ảnh hưởng lớn trong các môi trường giáo triều, thâm nhập những ý hệ thiên Roma, làm việc không ngừng để nâng cao hàng giáo sĩ vì mức độ còn yếu kém, gợi ý cho Roma những phương thức cần thiết để khuyến khích nhiệt huyết tông đồ nơi các linh mục và các đồng nghiệp của ông trong hàng giám mục, thôi thúc các vị này cải thiện chủng viện trung ương tại Maynooth và cổ võ việc hưu trí cho hàng giáo sĩ, khích lệ các hội đoàn giáo xứ như phương thế tốt nhất để cản bước những lôi kéo của tin lành. Ðây là một ám ảnh thực sự đối với ông và nhiều đồng nghiệp của ông Theobald Matthew. Ðức Pie IX, người đã tín nhiệm ông, thường chỉ định các giám mục theo lời khuyên của ông, không do dự chọn những người ngoài danh sách do hàng giáo sĩ tiến cử. Ðây là một cách thức chứng tỏ sự biến chuyển và phương pháp quản trị độc tài của hàng giáo phẩm, nhưng dù sao cũng lợi ích, vì đã dần dần thay thế các giám mục lừng khừng bằng những người có nhân cách đáng tuyên xưng và có tinh thần tông đồ không thể chối cãi được (22).
Vấn đề học đường tạo nên những bất đồng trong hàng giám mục Ái Nhĩ Lan vào thập niên 40, đã trở nên rất quan trọng trong ưu tư của Cullen. Kiên trì can thiệp với chính quyền, ông đã được nhiều mãn nguyện về vấn đề học đường. Nhưng ông cũng gặp nhiều bất đồng trong vấn đề này với một vài đồng nghiệp, nhất là đức cha Moriarty, giám mục Kelly. Vị này có thiện cảm với thuyết tự do công giáo, nên vì điểm này hay điểm khác, đã xa dần vị quán quân lập trường thiên Ðộc tôn La Mã mà Cullen, người của “Roma trong mọi nghĩa” (Talbot), quyết chủ trương tới mãn đời.
Ở trình độ đại học, nhiều thanh niên công giáo lui tới trường nổi danh Trinity College tại Dublin. Mặc dầu đây là trường tin lành, các giám mục đã không cấm như các đồng nghiệp người Anh đã làm đối với Oxford và Cambridge. Nhưng theo nguyện vọng của Tòa Thánh, Cullen cố gắng thiết lập tại Dublin một đại học công giáo. Kết quả của đại học Louvain, trong một nước kém dân cư hơn Ái Nhĩ Lan, làm chứng dự tính của Cullen không phải là viển vông. Hơn nữa, người ta hy vọng rằng - điều này có vẻ ảo tưởng - đại học mới cũng có thể trở nên một trung tâm huấn luyện thanh niên công giáo Anh. Hàng giám mục đã cậy nhờ Newman làm giám đốc đầu tiên, nhưng ông này có quá nhiều tham vọng, làm các giám mục nản lòng. Không một giám mục nào đã được huấn luyện tới cấp đại học, các ngài không có trình độ cần thiết. Rồi việc Newman ưu đãi những người Anh trở lại khi chọn họ làm giáo sư đã làm phật lòng hàng giáo sĩ Ái Nhĩ Lan. Newman biết rằng ông bị hiểu lầm nên đã rút lui vào năm 1858 (23). Tuy vất vả, đại học vẫn tiếp tục hoạt động như trước. Nhưng chính quyền Anh trì hoãn việc chấp thuận bản hiến chương chính thức hóa nhà trường. Hơn nữa, giới thẩm quyền chia rẽ nhau trong vấn đề này. Chính quyền nhượng bộ trước áp lực người tin lành đang sợ “bóng ma thiên Roma”, và các giám mục nhất trí giữ đại học dưới quyền kiểm soát của họ hoàn toàn. Hơn nữa, người ta, kể cả những giáo dân xác tín, nghi ngại việc hàng giáo phẩm can thiệp vào đại học, bởi lẽ, tuy chưa công khai, nhưng chính sách độc tôn giáo sĩ đã lộ diện trong nhiều bình diện. Mãi tới năm 1879 người công giáo mới đạt được một mãn nguyện: do sắc lệnh của chính phủ, về việc thành lập Royal University of Ireland, đại học công giáo cũ được sát nhập vào University College, dưới quyền điều khiển của các cha Dòng Tên. Còn phải chờ tới năm 1908 mới được chính thức nhìn nhận là đại học quốc gia Ái Nhĩ Lan với các trường tại Dublin, Cork và Galway.
Về đòi hỏi của người Ái Nhĩ Lan nơi chính phủ Anh, Cullen, người đã đồng ý chấp nhận tính hoạt náo của O'Connell, muốn đứng ngoài mọi hoạt động chính trị và muốn tăng gia giáo huấn các linh mục công giáo trong đường hướng này. Nhưng rồi ông mau ý thức rằng hàng giáo sĩ không thể đứng ngoài cuộc hoàn toàn, vì những bất công mà nông dân là nạn nhân của các điền chủ một cách quá rõ ràng và phũ phàng đến nỗi các giám mục không thể thụ động. Nhất là khi các ngài phải chứng kiến thảm cảnh chung, là ngay như lớp trung lưu cũng không thể có được một nền giáo dục đầy đủ và tự lập hầu đảm nhiệm các công việc chính trị. Ðó là lý do dân chúng quay về hàng giáo sĩ, chỉ các ngài mới quan tâm một cách cụ thể và hữu hiệu tới quyền lợi của dân. Ðang khi đó lớp thượng lưu, ngay cả khi không phải là tin lành, quá liên kết với thể chế Anh để bảo tồn quốc gia. Chính những cấu trúc xã hội làm cho các giáo sĩ Ái Nhĩ Lan không thể không can thiệp vào lãnh vực chính trị.
Thực vậy, có nhiều uyển chuyển trong việc can thiệp này. Một cách chung, giáo sĩ cấp dưới nâng đỡ các phong trào ái quốc nhiệt tình hơn các giám mục. Giữa các giám mục, một số như MacHale, có thái độ cứng rắn với người Anh, trong khi Cullen có khuynh hướng khoan hòa, đặt các hành động chính trị dưới mục đích mục vụ, và do đó sẵn sàng nhượng bộ chính quyền Anh, miễn là ông thăng tiến được địa vị của công giáo. Chính vì thế khi Hiệp hội Quốc gia (National Association) thành lập năm 1864-65, hành động như một nhóm áp lực trên quốc hội, khi nhiều giám mục và đa số giáo dân coi nông nghiệp như vấn đề số một, thì Cullen lại muốn dành ưu tiên cho vấn đề học đường. Hơn nữa, ông luôn tỏ ra đối nghịch thẳng với những lập trường căn bản của Young Irelanders (Thanh niên Ái Nhĩ Lan), rồi của nhóm Fenians, là những người làm ông liên tưởng đến cuộc cách mạng Ý mà ông đã chứng kiến trong những năm tại Roma. Ông đã thúc đẩy Tòa Thánh kết án họ (bằng cách thổi phồng khuynh hướng chống báng tôn giáo của họ). Ðiều đó cũng không ngăn cản được một số linh mục tiếp tục ủng hộ họ.
Cullen được đức cha E. Mac Cabe thay thế ở Dublin năm 1878. Vị này cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ và chống lại lòng yêu nước quá khích, nhưng với mức độ quân bình hơn. Do đó, khuôn mặt nổi nhất của hàng giám mục Ái Nhĩ Lan trong những năm này là tổng giám mục Cashel, đức cha Th. Croke. người công khai ủng hộ “chiến dịch đòi hỏi quyền lợi xã hội và chính trị” của Parnell (24) và của Land League chống lại người Anh. Ðức Léon XIII là người rất muốn cải thiện những tương giao của Tòa Thánh với Luân Ðôn, nên nhiều lần đã can thiệp, nhất là năm 1883 và năm 1888, để phản đối những cách thức hành động của phái Parnell, và xin các giám mục xa tránh họ (25). Ðiều này gây ra nơi nhiều người công giáo Ái Nhĩ Lan, ngay cả trong hàng giáo sĩ, một bất mãn lớn, một số người đi tới thái độ từ chối quyền can thiệp của đức giáo hoàng trong vấn đề chính trị. Vì thế đức Léon XIII chịu nhượng bộ, mặc dầu có nhiều áp lực mạnh của chính quyền Anh, ngài nhượng bộ trước một số đòi hỏi của hội đồng giám mục, dường như toàn bộ và được đức hồng y Manning bào chữa (26). Ngài đặt đức cha W.J. Walsh (1841-1921) giám đốc chủng viện trung ương Maynooth làm tổng giám mục Dublin, năm 1885, là người có tinh thần ái quốc nổi tiếng và có lập trường thiên về cải cách ruộng đất. Nhưng có điều đáng chú ý là ngài không được chức hồng y như hai vị tiên nhiệm. Ðức giáo hoàng trao mũ hồng y cho tổng giám mục Armagh (1892). Ðức Pie X không quan tâm mấy đến việc phục vụ chính quyền Londres. Ngài không do dự đặt hồng y Vannutelli làm sứ thần tại Ái Nhĩ Lan, dầu có sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền Anh.
Trong những bận tâm của đức cha Walsh, vấn đề giáo dục chiếm một chỗ lớn. Ông đóng vai trò quan trọng trong những thương lượng đưa tới việc thành lập một đại học quốc gia cho Ái Nhĩ Lan, và cũng ưu đãi liên minh Gallic, phong trào phục hưng ngôn ngữ cổ Ái Nhĩ Lan. Là một người điều hành có phương pháp, khôn ngoan, không thiên vị, chính ông là người quản nhiệm các thể chế mới được công đồng quốc gia họp tại Maynooth năm 1900 phê chuẩn. Về chính trị, ông chống đối việc đề nghị chia cắt đất nước thành một khu vực tin lành thiên về nước Anh và một khu vực công giáo yêu nước. Khi đảng nghị sĩ tách rời khỏi phong trào cấp tiến Sinn Fein, thì ông lại có nhiều thiện cảm với phong trào Sinn Fein. Và trong thời chinh chiến, ông đồng ý với đa số các thủ lãnh công giáo trong việc chống đối hệ thống quân dịch tại Ái Nhĩ Lan.
Năm 1918, toàn thể hàng giáo phẩm đã nghiêm nghị kết án cuộc nổi dậy mùa Phục Sinh năm 1916, và liên hợp với phong trào Sinn Fein. Tuy nhiên vào những tháng sau, hàng giáo phẩm lại từ chối kết án những người nổi dậy mặc chính quyền Luân Ðôn yêu cầu khẩn trương. Thế rồi, sau khi nước Ái Nhĩ Lan được tuyên bố là quốc gia độc lập (1922), những người thuộc đảng cộng hòa bảo thủ của E. de Valera cho rằng “còn phải đi xa hơn”, nên đã phát động nội chiến, nhưng các giám mục không đồng ý kiến.
Tầm quan trọng của những vấn đề chính trị và xã hội bắt buộc người công giáo Ái Nhĩ Lan bận tâm trong gần một thế kỷ. Tuy nhiên không thể quên những khía cạnh khác ít rầm rộ hơn về đời sống tôn giáo, ngoài những phong trào khác, năm 1925, một công chức bộ tài chánh là Frank Duff thành lập tại Dublin phong trào Legion de Marie (Ðạo binh Ðức Mẹ). Mục đích đầu tiên là cổ động giáo dân làm việc tông đồ trong các miền Anglo-saxon, và sau tràn lan trên toàn thế giới. Chúng ta còn phải lưu ý rằng, cho tới ngày nay, nước Ái Nhĩ Lan là một quốc gia đào tạo nhiều vị truyền giáo: người ta đếm được hơn 7000 thừa sai Ái Nhĩ Lan trên thế giới vào năm 1960, tức là cứ 457 người dân có một thừa sai.