CHƯƠNG X
CƠN KHỦNG HOẢNG DUY TÂN.
CHƯƠNG X
CƠN KHỦNG HOẢNG DUY TÂN.
Trong vòng gần nửa thế kỷ, lịch sử của chủ nghĩa duy tân là một đề tài bị cấm kỵ trong giới công giáo và chỉ được đề cập đến trong tác phẩm của J. Rivière (1), tuy đầy đủ nhưng thường có tính cách thiên vị. Tuy nhiên từ mười mấy năm nay, nhờ sự công bố của nhiều văn kiện và nhất là thư tín ngày càng nhiều, người ta có thể quay trở lại vấn đề với một nhãn quan mới.
Nhiều vấn đề vẫn còn mập mờ, nhưng không thể chối cãi là sự nghiên cứu hiện tượng duy tân một cách khoa học phải được khởi sự bằng một loạt các chuyên nhất luận liên quan đến các nhân vật khác nhau đã từng được xem như là các nhà canh tân (2) vào thời đại đó. Ngoài ra, hiện tượng canh tân được mô tả qua thông điệp “Pascendi” (Cần chăn nuôi) chỉ cho sử gia một cái nhìn rất ư thiếu sót. Thật vậy, hiện tượng canh tân trước hết phải được xem như một “định hướng” (P. Sabatier), một “khuynh hướng” (Loisy), hơn là một mớ giáo thuyết nhất định. Và nếu như đôi khi nhà thần học có thể chỉ dựa trên một quan điểm tuyệt đối của các văn kiện hay của các công thức để tái tạo một hệ thống có ít hay nhiều mạch lạc với những yếu tố rời rạc mà họ cố gắng đưa ra ánh sáng một vài tiềm năng ẩn tàng thì trái lại, nhà sử học phải cố gắng tìm hiểu những con người cụ thể với tất cả tính phức tạp thật sự và những bận tâm thầm kín của họ. Và cũng như nhiều phong trào khác đã từng làm giao động Giáo Hội trong nhiều thế kỷ, phong trào cải cách trí thức nẩy nở trong lòng Giáo Hội Công Giáo ở khúc quanh của các thế kỷ XIX và XX, song song với cơn khủng hoảng xuất hiện nửa thế kỷ trước đây trong lòng các Giáo Hội Cải Cách mệnh danh là “Tin lành tự do”, và cũng là hậu quả của sự va chạm giữa nền giáo huấn cổ điển và các môn khoa học mới ra đời và được thành hình ngoài sự kiểm soát của các Giáo Hội. Phong trào cải cách đó mang nhiều hình thức khác nhau, có hình thức rất là chính đáng tuy cũng gây bỡ ngỡ cho những trí óc cổ hủ, nhưng cũng có hình thức có vẻ nguy hiểm vì thiếu sắc thái tôn giáo, tuy vẫn lành mạnh trong nguyên tắc, có hình thức ít hay nhiều có tính cách lạc giáo và đôi khi không còn dính dấp gì với kitô giáo nữa. Buổi khởi đầu của các khuynh hướng đó có một linh cảm chung là ước vọng của những người vẫn muốn tiếp tục ở trong Giáo Hội Roma nhưng đồng thời cũng thu lượm những thành tố nào của thế giới tân tiến mà họ cho là không thể chối bỏ, để thích ứng với công giáo, ngõ hầu gạt bỏ những yếu tố cổ hủ.
Vấn đề lại càng thêm rối rắm vì song song với những tư tưởng đang sôi động trong lãnh vực các môn học của Giáo Hội, một số người công giáo, sáng suốt hơn đa số giáo dân và giáo quyền, lại nêu lên vấn đề liên quan đến quan niệm cổ truyền về trật tự chính trị và xã hội, đồng thời nghĩ đến một sự “cập nhật hóa” (Aggiornamento) nhiều định chế của Giáo Hội cũng như những hình thức của mục vụ và phương cách sống của người tín hữu dấn thân trong thế giới hiện đại. Trong viễn cảnh chung đó, công trình canh tân có thể được định nghĩa như là “sự gặp gỡ và đối chất giữa một quá khứ tín ngưỡng được quy định từ lâu với một hiện tại đã tìm được ở nơi khác hơn là ở trong quá khứ của tín ngưỡng các mạch sống của nguồn linh hứng canh tân” (E. Poulat). Cũng trong viễn cảnh chung đó, người ta có thể coi mấy hình thức của chế độ dân chủ kitô và những trào lưu muốn cải cách Giáo Hội xuất hiện vào khoảng năm 1900 tại Pháp, Ý và nhất là ở Ðức, như là những phát triển của chủ nghiã canh tân.
Trên bình diện các môn học của Giáo Hội là điều chúng ta quan tâm đến trong chương này, cuộc khủng hoảng khởi sự tại Pháp khi người ta đem áp dụng các phương pháp phê phán lịch sử và văn hóa vào địa hạt Thánh kinh và lịch sử của nguồn gốc Kitô giáo. Nhưng những khó khăn gây ra vào lúc này lại làm sống dậy một vấn đề khác liên quan đến việc điều hòa uy quyền chính đáng của Giáo Hội với tính tự trị dù là tương đối của các công tác khoa học, và đã từng được các nhân vật như Doellinger hay Acton nêu lên giữa các năm 1860 và 1870.
Khi giới khoa học Ðức mệnh danh là “độc lập” muốn xét lại giá trị của một số quan điểm cổ truyền, thì các nhà chú giải Thánh Kinh trẻ tuổi Pháp nhận thấy rằng cần phải thay đổi “chiến tuyến” trong các cuộc tranh luận giữa những người có đức tin và những người duy lý, bằng cách chấp nhận những kết quả có tính cách văn hóa và lịch sử của các cuộc điều tra phê phán, nhưng vẫn khước từ một khái niệm về lịch sử Israel và về các nguồn gốc của Kitô giáo đã hoàn toàn loại bỏ quan niệm siêu nhiên. Tuy nhiên, trong khi cha Lagrange tự giới hạn trong giới các nhà chuyên môn và rất chú tâm minh chứng sự tương đồng của các quan điểm cấp tiến của ngài với giáo huấn chính thức của Giáo Hội (vậy mà Ngài vẫn bị các thành phần bảo thủ chỉ trích và tố cáo trước Tòa Thánh), thì một số người khác lại thiếu thận trọng, xác tín rằng khoa biện giáo công giáo phải có một sự “chuyển hoán” toàn diện, và họ không ngần ngại đảo lộn một số quan điểm đã được tiếp thu, ngay cả trên những tạp chí phổ thông. Ðó chính là trường hợp của Alfred Loisy. Vừa là một học giả uyên thâm, vừa là một văn hào có tài trần thuật phi thường, Ngài đã dùng thời giờ nhàn rỗi (Ngài bị ép buộc phải rời khỏi giảng đàn ở Học Viện Công Giáo Paris sau khi thông điệp “Providentissimus” ra đời) để đem áp dụng những suy luận về kỹ thuật chú giải vào những vấn đề tổng quát liên quan đến Thánh Kinh, ý nghĩa của chân lý thần linh trong Thánh Kinh và giá trị của Giáo Hội có phận sự bảo tồn chân lý đó. Vào năm 1902, các bài thuyết trình của Adolphe Harnack liên quan đến “Sự hiện hữu của Kitô giáo” (Das Wesen des Christentums) được dịch ra Pháp ngữ đã giúp Loisy có dịp đề xuất một tổng hợp của hệ thống biện giáo do Ngài lần hồi soạn thảo và được trình bày trong một cuốn sách nhỏ mang tựa đề “Phúc Âm và Giáo Hội” phát hành vào tháng 11-1902. Ðể tiếp nối công trình này, năm sau một tài liệu khác sẽ ra đời dưới nhan đề “Xung quanh một cuốn sách nhỏ”. Loisy đã giới thiệu các tác phẩm trên như “trước nhất là một lược khảo và một sự giải thích lịch sử về bước tiến triển của Kitô giáo, thứ hai là một triết lý tổng quát về tôn giáo và một tiểu luận nhằm giải thích các công thức giáo điều ngõ hầu thích hợp chung với các dữ kiện lịch sử và với tinh thần của người đương thời” (3). Dựa trên nguyên tắc: nhà chú giải phải loại bỏ các tiên kiến về nguồn gốc siêu nhiên của các Sách Thánh và phải giải thích chúng như là đối với bất cứ văn kiện lịch sử nào khác, mà không quan tâm đến Huấn quyền của Hội Thánh, và lấy cảm hứng từ Trường phái Thế Mạt của Ðức, ông đã trình bày một nhận thức mới mẻ về công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, hoàn toàn khác biệt với những điều đã được lãnh hội trước đây: “Ðức Kitô loan báo Nước Trời và chính Giáo Hội đã đến”; Ngài còn mời gọi hãy xét lại khái niệm về mạc khải bên ngoài: “những giáo điều không phải là những chân lý từ trên trời rơi xuống”, và vì vậy nên chấp nhận là chính đáng một sự biến chuyển hoàn toàn trong cách thức lý hội các giáo điều cũng như trong sự tổ chức Giáo Hội.
Những tư tưởng cách mạng này (thường được trình bày một cách bóng gió hơn là khẳng định), được đón tiếp nồng hậu trong một vài giới trí thức, nhất là trong hàng ngũ giáo sĩ trẻ tuổi thường say mê những tư tưởng tân kỳ. Nhưng chẳng bao lâu, pha lẫn với những lời ca ngợi là những câu chỉ trích và kích báng phát xuất không những từ thành phần bảo thủ mà “lời nói hung dữ thường che dấu một sự dốt nát hoàn toàn (ignoratio elenchi)” (4). Riêng nhóm người cởi mở, tuy họ đồng ý với Loisy về một số quyết luận có tính cách phê phán và ngay cả với nhu cầu khẩn trương phải sửa đổi sâu đậm khoa biện giáo công giáo cổ truyền, nhưng họ không chấp nhận quan điểm “ông muốn khoa bình luận phải hoàn toàn độc lập đối với Huấn quyền của Hội Thánh và muốn xét lại khái niệm chính thống”. Tiêu biểu cho nhóm cởi mở là cha Lagrange và đức cha Batiffol. Ðức cha Batiffol rất quan tâm đến việc hồi phục uy tín của giáo quyền. Ðó cũng là trường hợp của Maurice Blondel là người muốn nhấn mạnh đến khái niệm chân chính của truyền thống công giáo khi ông viết bài “Lịch sử và tín điều” (5).
Nhiều lần Loisy khẳng định rằng, ngay trước khi cho xuất bản cuốn “Phúc Âm và Giáo Hội”, ông không còn tin vào thiên tính của Ðức Kitô và vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa ngôi vị nữa. Nhưng thay vì nói rõ tư tưởng của mình ra, ông đã chọn việc cải tổ Giáo Hội mà ông cho là hữu ích cho nhân loại. Trong tiểu sử của Loisy, Houtin (6) là người biết ông nhiều, đã khẳng định về các điều Loisy tuyên bố. Nhưng theo nhận xét của E. Poulat, vì có ác ý với Loisy, Houtin đã nhắc lại những điều mà sau khi hết tín nhiệm vào đức tin thực chứng, Loisy đã hậu nghiệm cho đó là bước tiến triển tôn giáo của ông. Nhắc lại như vậy, là làm suy yếu mức tin tưởng của những người trước kia đã quá vội dựa vào các điều ông nói để ấn định thời điểm “ông không còn tin” nữa.
Những mẫu thư từ và ký sự do R. de Boyer xuất bản dưới nhan đề “A. Loisy giữa đức tin và sự vô tín ngưỡng”, xác nhận các sự khác biệt giữa Loisy với Renan (Loisy và Renan đối nghịch về quan điểm duy lý khoa học), hay với Houtin (trong một vài khía cạnh, Loisy và Houtin rất thù nghịch nhau) (7). Từ năm 1900, quả thật Loisy phân biệt giữa đức tin và những tín ngưỡng nhưng những buớc tiến bộ của khoa xã hội học về sự hiểu biết tôn giáo cũng như của khoa thần học về đức tin và của khoa chú giải Kinh Thánh, đã giúp chúng ta ngày nay nhận thức được rằng: tâm của những nhà duy tân vào đầu thế kỷ rất phức tạp.
Ðặt ra ngoài những tình cảm riêng tư của Loisy, thì hai điều chắc chắn là ông đã làm bùng nổ một tình trạng bất an ngày càng phổ biến trong giới trí thức công giáo; những “cuốn sách nhỏ” của ông (bị cấm chỉ từ cuối năm 1903) mở đầu một trận bút chiến trên địa hạt thần học, tiếp diễn trong nhiều năm và vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Nếu như Loisy xuất hiện trước mắt các nhà thần học bảo thủ như một Renan mới, thì trái lại những người bênh vực ông nhắc đến vụ án Galilée hay cho rằng người ta đang khởi sự “Vụ án Dreyfus của hàng giáo sĩ”. Những quan điểm mới mẻ của ông đã lôi cuốn rất nhiều người trẻ (8). Những quan điểm của ông phanh phui những khía cạnh thô sơ và ngây ngô của các tài liệu lịch sử về đời sống của Ðức Giêsu và về Giáo Hội nguyên thủy mà người công giáo đang có vào thời ấy. Những tư tưởng của Newman (thường ít được nhận thức một cách đứng đắn) về sự tiến triển của giáo thuyết kitô giáo và về mối tương quan giữa đức tin và lý trí, do Bremond phổ biến tại Pháp vào thời đại đó, được xem như một bảo đảm chính yếu đối với khuynh hướng mới của khoa biện giáo do Loisy phác họa, và đối với sự nhận thức của Loisy về sự mạc khải. Người ta nhận ra tất cả sự phong phú của lời xác quyết: các Phúc Âm không hẳn là các văn kiện lịch sử mà chỉ là những tài liệu giáo lý diễn tả đức tin của các thế hệ kitô hữu tiên khởi. Ngoài ra, một số người trong nhóm dân chủ kitô giáo ý thức rằng có một sự tương đồng giữa hai hiện tượng: một đàng họ mong ước thích ứng Giáo Hội vào xã hội hiện đại và những canh tân do Loisy đề xướng trên địa hạt thần học; đàng khác, chính Loisy đòi hỏi cho các nhà chú giải Thánh Kinh và các nhà chuyên cứu lịch sử các tín điều hưởng quyền độc lập đối với Huấn quyền của Hội Thánh, cũng như cho người giáo dân và cả xã hội dân sự hưởng quyền tự trị đối với “giáo quyền chuyên chế”. Tờ tuần báo “Ngày mai” ở Lyon (1905-1907) do hai giáo dân trẻ tuổi chủ trương, tiêu biểu cho thực tế đó.
Không bao lâu, việc đặt lại vấn đề vượt ra khỏi khuôn khổ Thánh Kinh và lịch sử các tín điều. Những cuộc tranh luận sôi nổi vào cuối thập niên 90, liên quan đến các gợi ý của Blondel nhằm canh tân khoa biện giáo bằng cách áp dụng phương pháp nội tại, đã dần dà lắng dịu. Nhưng một môn đệ của ông là cha Laberthonnière làm bùng lên các cuộc tranh luận khi cha đưa chúng vào toàn bộ vấn đề liên quan đến việc nhận thức tôn giáo. Trong các cuốn “Tập san triết lý Kitô giáo” do cha phụ trách kể từ năm 1905, cha không ngớt đối kháng khoa kinh viện thánh Thomas với nền triết học tác động có xu hướng nhân vị. Sự tranh biện với những nhà thần học bảo thủ trên địa hạt đó đã trở thành một sự náo động thật sự (Rivière) khi nhà toán học trẻ tuổi E. Le Roy, môn đồ của Bergson, xuất bản một tài liệu nhan đề “Tín điều là gì?” (9) trong đó tác giả kêu gọi các thần học gia và triết gia hãy tự hỏi liệu ý nghĩa của những công thức tín điều mà Giáo Hội trình bày cho các giáo dân có còn giá trị đối với một trí tuệ có kiến thức khoa học của thời đại ngày nay nữa không.
Chỉ trong vòng mấy năm, “sự an lạc mà Công Ðồng Trente đã mang lại cho giáo sĩ” (A. Dupont) đột nhiên bị xáo trộn về những điểm chính yếu: bản chất của mạc khải, linh ứng trong Thánh Kinh và tri thức về tôn giáo, nhân tính của Ðức Kitô và vai trò đích thực của Ngài đối với nguồn gốc của Giáo Hội và của các bí tích, bản chất và tác dụng của truyền thống sống động trong hệ thống công giáo và các giới hạn của sự biến chuyển của tín điều, uy thế của Huấn quyền Hội Thánh và tầm lực thật sự của khái niệm “chính thống”, giá trị của khoa biện giáo cổ điển. Ðó là những vấn đề quan trọng cần được giải đáp. Những câu trả lời của Loisy, Laberthonnière hay Le Roy chứa đựng nhiều yếu tố gợi cảm: điều này sẽ được nhận ra trong chuyển biến của môn thần học và bởi một vài quyết định của Công Ðồng Vatican II. Tuy nhiên những yếu tố tích cực đó chưa được gạn lọc đúng mức và thường được trình bày cách vụng về hoặc là bằng những từ ngữ không thích đáng gây bối rối cho những trí óc thủ cựu. Nhất là trong trường hợp Loisy, đôi khi người ta đọc thấy những lời khẳng định mơ hồ, có thể là một giải thích ngược lại tính chính thống và không thể chấp nhận đối với một người có đức tin, hơn là một giải thích vừa có tính cách canh tân vừa có cơ bản chính thống và thật sự giải tỏa được những khó khăn mà các tiến bộ trong khoa học tôn giáo phanh phui ra. Những người bênh vực phái canh tân chủ trương rằng: mặc dầu thiếu thận trọng và thiếu rành mạch, các ông ấy đã có công mở một con đường đầy hứa hẹn trong đêm tối mập mờ. Về phía đối phương, họ chỉ thấy cách giải thích thứ nhất và ngờ rằng đàng sau những công thức tối nghĩa, lối giải thích này phù hợp với quan điểm thật sự của tác giả. Họ lại càng hung hăng tố cáo khi cơn xao xuyến ban đầu đã dần dần trở thành nỗi kinh hoàng trước sự bột phát của một loại văn chương mập mờ đang phổ biến những thắc mắc và đang tàn phá sự hiệp nhất giữa hàng linh mục trẻ tuổi. Các linh mục này đã được đào luyện bởi một nền giáo huấn nông cạn tại các chủng viện và không được chuẩn bị đúng mức để có thể giữ được trí óc trầm tĩnh, thậm chí số linh mục bỏ thiên chức càng ngày càng nhiều, khiến người đời sửng sốt và đàm tiếu.
Không thể chối cãi, nước Pháp là chấn tâm của cơn khủng hoảng duy tân. Nhưng cơn khủng hoảng này đã mau chóng lan tràn qua Ý và Anh với những nét đặc thù mà đôi khi người ta có xu hướng muốn giảm thiểu tầm quan trọng.
Chủ nghĩa duy tân ở Anh, ngay cả trong thời kỳ cực thịnh, chỉ thu hẹp trong một nhóm với một nhân số hạn chế, nhưng nhờ tư cách của hai nhân vật đại diện chính yếu là Tyrrel và Von Hugel, đã gây một ảnh hưởng không nhỏ ở lục địa. Ngoài ra, khác với phong trào duy tân ở lục địa, không một nhà duy tân Anh nổi tiếng nào đã tiến đến quan điểm duy lý bất khả tri luận.
Những mối quan tâm liên quan đến một sự tổng hợp giữa đức tin công giáo với nền văn hóa hiện đại và sự tự do trong khoa học, đã từng gây căng thẳng ngay trong lòng cộng đồng công giáo Anh vào các năm 1860, xung quanh Acton và nhóm Rambler. Nhưng sự bình lặng đã mau trở lại, hơn nữa sự kiện Newman được nâng lên hàng hồng y cũng góp phần vào việc làm thông thoáng bầu không khí. Nhưng sau hai mươi mấy năm êm ả, chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo lại bùng dậy trong thập niên cuối cùng của triều đại đức Léon XIII. Trong số những người công giáo cấp tiến, nhân vật nổi tiếng nhất hiển nhiên là nam tước Friedrich von Hugel. Cha ông là một cựu nhân viên ngoại giao Áo và mẹ là người Écosse, sống ở Luân Ðôn từ năm 1871. Trong một thời gian khá lâu, ông bị những sử gia công giáo nghiêm khắc bình phẩm vì ông đã bày tỏ cảm tình rõ rệt đối với các nguyện vọng căn bản của phong trào duy tân lúc ban đầu, và trong nhiều năm ông đã nhiệt tâm ủng hộ những lãnh tụ của phong trào mặc dầu họ là những người bị liên lụy nhiều nhất. Do đó, P. Sabatier gán cho ông biệt danh là “giám mục thế tục của các nhà canh tân”. Nhưng không bao lâu, ông được phục hồi danh dự cách xứng đáng: càng ngày ông càng trở nên một trong những nhân vật tôn giáo sáng chói nhất của thời đại, ông luôn xa lánh quan điểm cá nhân về tín ngưỡng của nhiều bạn hữu mà khuynh hướng của họ muốn biến tôn giáo thành một hiện tượng nội tâm. Lý tưởng của ông được định nghĩa trong một bức thư viết vào tháng 5-1903, ông viết: “Chúng ta phải sống và tạo dựng không phải một cái gì đơn giản, một khoa học chân thành, nhưng là một cái gì phức tạp, đắt giá và nhiều an ủi, một khoa học chân thành trong và với một tôn giáo thâm thúy và có lịch sử, trong và với một đạo Công Giáo sống động” (10). Có lần ông nói với cô Petre rằng: không có một cuốn sách nào có thể làm cho người ta bỏ các bí tích của Giáo Hội. Dung hợp tính thâm trầm của người Ðức và kinh nghiệm luận của người Anh, ông không là chuyên viên của một ngành nào, nhưng ông có một năng khiếu rất hiếm vào thời đại đó, là ông có thể điều hợp một khả năng bình luận Thánh Kinh, triết lý tôn giáo và lịch sử của tu đức học. Ông có thiên tài đặc biệt để đánh thức và kích thích các trí tuệ và tâm hồn. Ngoài ra nhờ thông thạo các ngôn ngữ quốc tế, ông có thể thực hiện các cuộc tiếp xúc có lợi giữa các nhà chú giải Thánh Kinh, các nhà thần học và các triết gia qua các thư từ trao đổi và qua các cuộc hành trình thường xuyên ra ngoại quốc. Những người này, dù ở Pháp, ở Anh hay ở Ý hay ở Ðức, tất cả đều đang dò dẫm một chiều hướng. Ðối với ông, đa số không những là những tư tưởng gia đầy nhiệt tình mà còn là những người bạn ông nhiệt tình bênh vực. Ông bênh vực họ vì ông nhận thấy sự thiếu thích đáng và nông cạn trong những lời chỉ trích của phe bảo thủ, và vì với tư cách là một con người sống ở thế kỷ XX, ông thấy rõ những chướng tai và một vài biện pháp độc tài thiếu tinh thần Phúc Âm của Tòa Thánh Vatican.
Nhờ vào phần lớn ảnh hưởng của Von Hugel mà Georges Tyrrel, linh mục chuyên giảng tĩnh tâm và hướng dẫn tâm linh rất được mến chuộng, cũng là tác giả của nhiều văn kiện rất thâm thúy về lòng đạo đức và nhiều tiểu luận biện giáo rất thích hợp với tâm trạng người đương thời, đã được truyền thụ phương pháp bình luận Thánh Kinh và nền triết học dựa vào tân học thuyết của Kant. Ði vào con đường bình luận và triết học, G. Tyrrel muốn đem xét lại một số luận đề chủ yếu liên quan đến khoa thần học cơ bản. Ngoài ra ông cũng chịu nhiều ảnh hưởng của phái Tin Lành tự do ở Anh vào thế kỷ XIX. Vì càng ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của yếu tố thần bí trong tôn giáo cũng như sự lẫn lộn thường hay xẩy ra giữa đức tin kitô giáo và lối biểu lộ đức tin ấy vào thời Trung Cổ, cũng như tính cách tương đối của việc tìm hiểu chân lý trong nhân loại, ông liền bắt đầu (dưới nhiều bút hiệu khác nhau để tránh sự kiểm duyệt tỉ mỉ của Dòng Tên là dòng của ông) minh chứng: rằng Ðức Kitô không xuất hiện như là một tôn sư chính thống - rằng, nhờ đó thần học công giáo đã lầm lỗi khi định nghĩa đức tin như một sự ưng thuận của trí tuệ đối với “một loại thần học tự cho là được mạc khải và vì vậy đã tránh khỏi mọi sự sai lầm một cách kỳ diệu”, - rằng, giáo điều chỉ là một cố gắng của con người để diễn tả bằng những danh từ có tính cách trí thức, tuy rất tạm bợ, cái dũng lực thần linh đã được con người thí nghiệm nơi bản thân. Bị khai trừ khỏi Dòng Tên vào đầu năm 1906, ông vẫn muốn tiếp tục là linh mục công giáo. Trong những tháng tiếp theo, ông cho xuất bản hai tác phẩm với tựa đề : “Luật đức tin” (Lex credendi) và “Giữa Scylla và Charybdis” (Through Scylla and Charybdis). Mục đích của cuốn sách thứ hai là nêu bật khuynh hướng giáo điều quá lố của các thần học gia và chủ nghĩa thực dụng quá trần tục của một vài triết gia. Những văn kiện này không có gì là nguy hại đặc biệt. Nhưng sau đó, ông lại lên tiếng phản kháng trên báo chí, thông điệp “Pascendi” và những biện pháp thẩm tra chứa đựng trong đó. Lập tức ông bị vạ tuyệt thông. Sau khi hồng y Mercier đã tố cáo ông là người tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa duy tân trong lãnh vực triết học và thần học được đề cập đến trong thông điệp, ông lên tiếng phê phán gay gắt đạo Công Giáo cổ truyền bằng một văn kiện mang tựa đề “Trung Cổ Giáo”(Medievalism) (1908). Tuy nhiên tác phẩm êm thắm hơn mà ông viết xong trước ngày qua đời (15-7-1909) với nhan đề “Kitô giáo trên con đường thập giá” (Christiany at the Cross Road) cho thấy rằng: ông thật sự rất gần với Giáo Hội Công Giáo, ít nhất là dưới lăng kính của Công Ðồng Vatican II. (11)
Tại Ý, hơn nơi nào khác, có một sự đòi hỏi đổi mới trong giới trí thức công giáo, rất cần thiết để che lấp khoảng trống của một nền văn hóa bất động phát xuất từ thái độ tiêu cực và nhát sợ của nhóm bảo thủ quá khích (intransigenti) trước cuộc cách mạng giải phóng, và cũng cần thiết để thỏa mãn những ước vọng đạt tới một sự tự do tâm linh phát triển từ hai thế hệ. Các dấu hiệu đầu tiên của sự thức tỉnh xuất hiện vào những năm cuối cùng của triều đại đức Léon XIII, dưới ảnh hưởng của ngoại bang: chẳng hạn các ấn phẩm chú giải Thánh Kinh của Pháp, những tác phẩm của Tyrrell mà ảnh hưởng tại Ý còn sâu rộng hơn của Loisy, tác động cá nhân của đức cha Duchesne thường trú tại Roma từ năm 1895, và nhất là của nam tước Von Hugel vẫn thường xuyên trú ngụ tại bán đảo. Tuy nhiên các công trình khảo cứu gần đây và những ấn phẩm nguyên văn ngày càng nhiều đã đưa ra ánh sáng nhiều điểm đặc thù của phong trào canh tân ở Ý, chứ không phải chỉ là một “sản phẩm phụ” như Rivière chủ trương. Phong trào này bắt nguồn từ một truyền thống lâu dài, có liên hệ mật thiết với việc phục hưng (Risorgimento), với truyền thống tự do chính trị và cải cách tôn giáo. Phong trào đã nói lên phần nào lòng mong ước được giải thoát khỏi quyền giám hộ của giáo triều nặng nề hơn nơi nào khác, và mong ước giới thiệu Giáo Hội như một sự hiệp thông của các tín đồ để chống lại quan niệm cổ điển dựa trên phẩm trật thánh. Mặt khác, nếu như phái duy tân ở Pháp quan tâm trước tiên đến việc bổ khuyết tình trạng muộn màng của các khoa học tôn giáo về phương diện uyên bác, thì ngược lại chủ trương của phái duy tân ở Ý là cố gắng phổ biến trong đại chúng. Ðiều này giải thích được phần nào mối liên lạc chặt chẽ của phái duy tân với phái dân chủ Kitô giáo. Còn một điểm khác biệt nữa, là trong khi phái duy tân ở Pháp nhấn mạnh đến các đòi hỏi duy lý của các khoa học cận đại, thì phái duy tân ở Ý lại chú trọng nhiều hơn đến sự huyền nhiệm của Giáo Hội thần linh và ước mong trở về Kitô giáo sơ khai.
Tiếp theo P. Scoppola, người ta có thể phân biệt ba trào lưu canh tân ở Ý được khai triển trong vòng các năm đầu của thế kỷ 20.
Trào lưu thứ nhất xuất hiện tại miền Trung nước Ý, tập hợp một số linh mục trẻ tuổi và tu sĩ rất bận tâm trước tình trạng chậm trễ về các công trình khảo cứu của Giáo Hội. Họ là các nhà biện giáo như cha Giovanni Semeria, rất thân thiết với nam tước Von Hugel, thành công trong việc trình bày trước quần chúng những kết quả của công tác nghiên cứu hiện đại. Họ cũng là những nhà chú giải, nổi tiếng nhất là cha Giovanni Genocchi và đức cha Umberto Fracassini, hai nhà bác học công giáo vừa có trí óc phóng khoáng vừa trung thành triệt để với Giáo Hội, và Salvatore Minocchi, một linh mục trẻ tuổi, gan dạ hơn. Nhân dịp giới thiệu các sách mới xuất bản, vị này tỏ ra có biệt tài giúp người ta nhận ra sự thiếu vững chắc của các quan điểm cổ truyền; hơn thế, tờ tạp chí “Studi religiosi” (Nghiên cứu tôn giáo) do ông sáng lập năm 1901 đã quy tụ nhiều giáo sĩ trí thức trẻ tuổi. Giữa những nhà chép sử Giáo Hội và chép sử các tín điều, nổi danh nhất là Ernesto Buonaiuti sau này sẽ là nhân vật đặc sắc nhất của phong trào duy tân tại nước Ý (12); tuy nhiên tờ “Rivista storico-critica delle scienze teologiche” (Tạp chí phê bình lịch sử của khoa thần học) ra đời năm 1905 chứng tỏ là Ngài muốn ở trong một con đường trung dung, đứng giữa chủ trương cấp tiến của tờ “Studi religiosi” và chủ trương bảo thủ của tổ chức “Civilta cattolica”. Một trong những đặc điểm đáng ghi nhớ của những người muốn thăng tiến khả năng trí thức của công giáo Ý nói trên, là họ rất quan tâm đến việc tông đồ. Chính bởi điểm này họ khác biệt với đa số người trí thức Pháp. Họ không nhắm việc so tài với nền khoa học tin lành hay thuần lý, họ chỉ muốn nâng cao kiến thức tôn giáo của người công giáo trung lưu, vì họ thấy rõ chính mức yếu kém của thành phần này đã làm cho đức tin của người công giáo Ý trở thành nông cạn và thô thiển.
Phong trào thứ hai cũng mang những mối bận tâm tương tự. Các thành phần cốt cán của phong trào này được đào tạo trong hàng ngũ cán bộ của tổ chức bảo thủ “Opera dei Congressi”, vì họ nhận thức được một lúc những giới hạn về lý tưởng và sự yếu kém về thực hành của mình. Ðể chế ngự những nhược điểm này họ muốn tạo dựng những căn bản văn hóa cho một nền dân chủ kitô giáo chân chính. Nhân vật điển hình nhất là linh mục Romolo Murri, tuy không có những ước vọng như Minocchi, Buonaiuti và phe nhóm, ngài cũng xác tín rằng sự yếu kém về mặt trí thức của giới công giáo Ý và nhất là của hàng giáo sĩ, đã khiến họ thiếu khả năng đề cập trung thực đến những vấn đề liên quan tới việc thăng tiến người kitô trong đời sống công cộng. Trong bài diễn văn nổi tiếng đọc tại San Marino vào năm 1902 về đề tài “Tự do và kitô giáo”, sau khi đề cập đến các công trình của Tyrrel, của Ehrhard và của đức cha Mignot cũng như đến sự canh tân các công cuộc nghiên cứu Thánh Kinh và lịch sử, Ngài ước mong đạo Công Giáo “trở về với Phúc Âm” và gạt bỏ những yếu tố lỗi thời. Khuynh hướng này càng ngày càng rõ rệt với những hoạt động có tính cách xã hội và chính trị được thực hiện ngoài tầm kiểm soát của thượng cấp và đã thu hút nhiều linh mục đứng ra đòi hỏi những cải tổ cơ bản trong Giáo Hội: giảm bớt số giáo phận, sửa đổi luật cấm thư, cải tổ các chủng viện, canh tân phương pháp truyền giáo và sư phạm mục vụ, bãi bỏ luật độc thân của các linh mục v.v.
Phong trào thứ ba thuộc nhóm cải cách miền Lombardie, kế thừa phái Kitô tự do của thời đại phục hưng Risorgimento. Trong nhóm này phải kể đến những thành phần hoạt động như những cổ động viên của tổ chức “Opera Banomelli”, cơ quan bảo trợ người lao động ngoại kiều, nhưng phần đông họ là những giáo dân trí thức ham thích các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Ðây là một điều rất hiếm ở Ý thời bấy giờ. Nhân vật được dân chúng ưa chuộng nhất là Antonio Fogazzaro, một văn nhân xuất sắc đầy lý tưởng thần bí, tác giả cuốn truyện rất được hoan nghênh “Il santo” (Vị thánh) (1905), trong đó nhân vật chính là một chiến sĩ canh tân Giáo Hội dựa trên tinh thần bác ái. Tác giả đề cập đến “năm tai ương của Giáo Hội Roma” và tố cáo bốn ác thần xâm chiếm Giáo Hội. Theo ngài, một trong bốn ác thần đó chính là “chủ trương bất động” đã xúi dục các giáo trưởng Do Thái chối từ sứ điệp của Ðức Kitô. Ngoài ra phải nói đến ảnh hưởng của tờ tạp chí Il Rinnovamento được sáng lập vào đầu năm 1907 do một vài thanh niên thành Milan, tuy vẫn trung thành với Giáo Hội Roma nhưng lại muốn tỏ ra cởi mở trước những nguyện vọng của thời đại và tìm cách du nhập những giá trị của nền văn hoá ngoại giáo vào di sản công giáo. Là cổ động viên của Tờ tạp chí, St. Jacini thường liên lạc chặt chẽ với những lãnh tụ phong trào “Cải tổ công giáo” (Reformkatholizsmus) ở Ðức (13) thường nhấn mạnh đến ưu thế của lương tâm đối với quyền lực tác động từ bên ngoài, cũng như đến sự tự do trong công cuộc khảo cứu khoa học, đến địa vị của giáo dân trong đời sống của Giáo Hội. Theo chiều hướng của nền triết lý sau Kant, tạp chí nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan điểm về chủ quan tính thường bị chủ trương kinh viện bỏ qua. Trung thành với truyền thống tự do, tạp chí cũng tán dương phương cách mới để nhận thức mối liên quan giữa Giáo Hội và Quốc gia hầu chống lại tình trạng “mập mờ” của những thế kỷ trước.
Ở Ý cũng như ở Pháp, những tư tưởng kích động của các nhóm ít bắt liên lạc với nhau (14), và được hàng giáo sĩ trẻ tán thưởng. Nhưng giới lãnh đạo Giáo Hội không được chuẩn bị như ở Pháp để có thể đề cập đến các vấn đề nêu trên. Thật vậy, tại Ý, không thể tìm được một giám chức như đức cha Mignot (15), tác giả sáng suốt và can trường của nhiều văn kiện, như “Những bức thư liên quan đến các công cuộc khảo cứu của Giáo Hội” (1908) và “Giáo Hội và sự phê phán” (1909). Vì vậy mà người ta lại càng hoảng hốt, và trong trường hợp đó, phản ứng đương nhiên sẽ là sự trừng phạt mù quáng đối với những ai bước ra khỏi các con đường cổ truyền.
Cho đến ngày Ngài qua đời, đức Léon XIII đã lùi bước trước những biện pháp khắt khe có thể được xem là chống lại trào lưu cấp tiến liên quan đến Thánh Kinh. Nhưng từ cuối năm 1908, việc cấm chỉ các tác phẩm chính yếu của Loisy cho thấy tình trạng ở Roma đã biến đổi với sự thay thế giáo hoàng. Trong những năm tiếp theo, sự biến đổi này được xác chứng bởi chiều hướng bảo thủ hơn của Ủy ban Thánh Kinh và bởi việc ban hành nhiều biện pháp mới khắt khe hơn. Nhưng làn sóng cải cách lan rộng ở Ý lại càng làm cho giáo triều bận tâm và trong suốt năm 1906, người ta thấy các chủng viện ở Ý bị kiểm soát chặt chẽ hơn, mà hậu quả là một số giáo sư bị cách chức, không được quyền tự bào chữa. Rồi những tác phẩm của Laberthonnière, xuất bản đã nhiều năm, cũng bị ghi vào sổ đen.
Ðứng trước cơn khủng hoảng ngày càng lan rộng mặc dầu những biện pháp cảnh cáo nêu trên, đức Pie X quyết định đứng ra bày tỏ lập trường dứt khoát vào năm 1907. Vào tháng tư, Ngài lên tiếng công kích “tân chủ thuyết cải cách tôn giáo” trong một bài diễn văn rất được chú ý đọc tại hội nghị các hồng y. Qua tháng sáu, ngài gửi một đoản sắc khen ngợi nhà thần học người Áo đã kích báng dữ dội những sai lầm của H. Schell được xem như là một trong những biểu tượng của “phong trào cải tổ công giáo” Ðức. Rồi đến tháng bảy, sắc lệnh “Lamentabili sane exitu” (Từ một lối thoát thật thảm thương) của Thánh bộ Ðức tin, được sửa soạn trong nhiều năm bắt nguồn từ một số các đề nghị của Loisy do hai nhà thần học ở Paris trích dẫn. Mục đích của sắc lệnh là bài xích 65 đề nghị đặc trưng của chủ thuyết canh tân Thánh Kinh và thần học. Nối tiếp sắc lệnh này là thông điệp “Pascendi” (16) được công bố hai tháng sau vào ngày 8 tháng 9. Văn kiện này không lưu tâm mấy đến việc trình bày trung thực tư tưởng của các tác giả mà chỉ chú trọng đến ảnh hưởng của tư tưởng đó đối với lương tâm của cộng đồng. Khởi đầu bằng một tổng hợp đôi phần giả tạo (17), thông điệp nêu lên những quan điểm khác nhau đã bị bài xích trong thuyết bất khả tri là thuyết chối bỏ giá trị của những chứng minh thuần lý trên lãnh vực tôn giáo, và trong triết lý nội tại tính là triết lý cho rằng chính những nhu yếu của con người đã quy định nguồn gốc của chân lý tôn giáo. Sau đó, thông điệp chối từ quan điểm của phái canh tân liên quan đến việc phê phán Thánh Kinh và những xu hướng mới của khoa biện giáo, cũng như những chủ trương cải tổ của họ. Văn kiện kết thúc bằng một số các biện pháp nhằm ngăn chận việc truyền bá tác hại, nhất là trong các chủng viện.
Phản ứng của những người say mê tư tưởng của phái duy tân không dữ dội lắm như người ta tưởng. Phần đông giáo dân vẫn trung thành với Giáo Hội và sự khuất phục của đại chúng làm cho sau này người ta có cảm tưởng là cơn khủng hoảng duy tân chỉ phát xuất từ một vài cá nhân lẻ tẻ. Rõ ràng là phong trào ít gây ảnh hưởng đến quần chúng tín hữu. Nhưng tại Pháp và tại Ý, ở một mức độ thấp hơn, một số giáo sĩ hiểu rõ sự chuyển biến của các khoa học tôn giáo, và rất nhiều thanh niên trí thức công giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tư tưởng duy tân. Có một vài đoạn tuyệt đã xẩy ra như trường hợp của Tyrrell và của Loisy là người bị tuyệt thông vào tháng 3-1908 và một thời gian sau là của Minocchi. Có những sự chống đối phát biểu dưới hình thức những ấn phẩm, như những ấn phẩm nặc danh của Buonaiuti mệnh danh là “Chương trình của phong trào canh tân” (Il programma dei modernisti), được phiên dịch ra Pháp ngữ, Ðức ngữ và Anh ngữ, và “Thư của một linh mục duy tân” (Lettere di un prete modernista) có tính cách triệt để hơn.
Tuy rất hạn chế, những sự kháng cự này cũng gây nên những phản ứng kịch liệt chống lại phong trào canh tân. Có nhiều giải thích về những phản ứng hung dữ này: có thể là chiến thuật của giáo quyền, có thể do báo chí thổi phồng nhằm khích động các trận bút chiến ác liệt, mà cũng có thể vì người ta ý thức được rằng Giáo Hội đang bị rung chuyển ngay tận gốc. Người ta cũng thấy rằng: Sáu mươi năm trước Công Ðồng Vatican II, rất ít nhân vật hữu trách có khả năng tiên đoán: sự tranh chấp bắt nguồn từ một biến chuyển của tâm trạng chung như trên, không nhất thiết đi đến hậu quả là tiêu diệt phần chủ yếu của đức tin kitô giáo. Cơ quan phụ trách việc cấm thư cũng như Ủy ban Thánh Kinh, hoạt động tích cực nhưng theo một chiều hướng ngày càng bảo thủ. Các “Ủy ban theo dõi tình thế” do thông điệp quy định, cũng bắt đầu hoạt động trong nhiều giáo phận; nhưng họ đã tỏ ra thiếu óc phê phán đúng mức những lời tố cáo thu nhận được.
Sau đó, mặc dầu phong trào canh tân đang “thua chạy” (Loisy), đức Pie X vẫn lo lắng trước vài hoạt động ngầm. Những hoạt động này thổi phồng lên rằng: Giáo Hội đang ở trong tình “trạng báo động” nên quyết định áp dụng một biện pháp khác nữa. Ngày 1-9-1910, với hy vọng lột được mặt nạ những thành phần canh tân ẩn mặt, ngài buộc tất cả giáo sĩ phải tuyên xưng đức tin cách đặc biệt thêm vào việc tuyên xưng trước đây của triều đại đức Pie IV. Biện pháp này chính thức xác nhận các vụ kết án trước đây. Trong toàn thể Giáo Hội công giáo, chỉ có chừng 40 linh mục không chịu tuyên đọc “lời thề chống canh tân” này. Ðặc biệt tại Ðức, trước sự cưỡng ép đó, sóng gió đã nổi lên nhân danh quyền tự do khoa học, nên cuối cùng các giáo sư đại học được miễn tuyên thệ thể theo lời thỉnh cầu của hàng giám mục. Tuy nhiên không nên hiểu một cách sai lầm rằng sở dĩ có sự kháng cự đó là vì cơn khủng hoảng đã gây ảnh hưởng sâu đậm tại Ðức. Thật ra đây chỉ là một sự hồi sinh của phong trào tự do đại học chống khuynh hướng bảo thủ quá khích đã nhiều phen xuất hiện trong thế kỷ XIX. Ngay cả trào lưu có tính cách tổng quát hơn, đã được nêu lên trước đây và mệnh danh là “Cuộc cải tổ công giáo” (Reformkatolizismus) với những tên tuổi như Schell, các sử gia F.X. Kraus và S. Merkle và giáo phụ A. Ehrhard, cũng chỉ có những liên hệ bên ngoài với các phong trào canh tân đương thời ở Pháp hay ở Ý.
Vì rằng trào lưu này đặt trọng tâm vào các vấn đề đặc thù của truyền thống công giáo Ðức và vào hoàn cảnh đặc biệt của tôn giáo này sau “cuộc đấu tranh chống Công Giáo” (Kulturkampf) (18). Phương chi, ngoại trừ trường hợp một vài thần học gia ít tiếng tăm, tại Ðức chưa bao giờ có vấn đề thực thi việc đổi mới quan niệm về mạc khải và Ðức tin, hay các cơ cấu chính yếu của Giáo Hội. Tờ tạp chí “Thế kỷ XX” (Das Zwanziste Jahrhundert), một trong những cơ quan ngôn luận của phong trào, tuy vào năm 1909 có chú thích thêm “đây là tiếng nói của các nhà canh tân Ðức”, cũng lại quay về đường lối cũ dưới quyền điều khiển của một giáo dân trẻ tuổi là Philipp Funt. Ông dứt khoát không liên kết với tạp chí của giới canh tân Pháp và với tờ “Los-von-Rom Bewegung” của Áo, ông còn khẳng định cần phải giới hạn “sự tranh luận trong nội bộ của Giáo Hội”.
Sự đàn áp công khai của giáo quyền đối với phong trào duy tân thường kèm theo một chiến dịch đấu tranh ngày càng gia tăng đã đầu độc bầu không khí vào những năm cuối cùng của triều đại đức Pie X. Một điều có thể làm cho người ta kinh ngạc là chiến dịch tăng cường độ trong khi phong trào đang sụp đổ. Một trong những người tích cực bênh vực quan điểm chính thống, A. Cavallanti, giải thích như sau: “Trước đây, các phái lạc giáo Arius, Pelagius, Jansénisme, sau khi tan vỡ vì bị Giáo Hội kết án, đã để lại đàng sau những tàn dư sai lạc còn tinh vi hơn và mập mờ hơn, được mệnh danh là các phái bán-Arius, bán-Pelagius và bán-Jansénisme. Tương tự như vậy, ngày nay phong trào duy tân sau khi bị lột mặt nạ và dẫy chết, cũng để lại đàng sau, những sai lầm sẽ nẩy mầm và lan tràn khắp nơi và sẽ phá hoại hay đe dọa phá hoại một số đông tín đồ công giáo tốt lành” (19). Vào năm 1913, để phản đối những người muốn thu gọn chủ nghĩa duy tân dưới thể thức căn bản của nó, đức cha Benigni viết: “Làm như thể là chỉ ở nhiệt độ 40 mới có cơn sốt” (20).
Những thành phần bị lịch sử gán cho biệt danh “bảo thủ quá khích” tự hào với danh hiệu “tín đồ công giáo nguyên tuyền” để đối chiếu với những tín đồ công giáo chủ trương tự do và canh tân. Một cơ quan ngôn luận của họ tuyên bố: “Chúng tôi là những người công giáo nguyên tuyền của Giáo Hội Roma, nghĩa là chúng tôi đặt lên trên mọi sự và mọi người, không những là giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội về các chân lý tuyệt đối mà còn cả những huấn thị của giáo hoàng về các điều thực tiễn. Giáo Hội và giáo hoàng chỉ là một” (21). Người ta đã có lý trách cứ: họ đã lạm dụng sự tố giác và những biện pháp mờ ám. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng họ đã áp dụng những hình thức đấu tranh công khai, chẳng hạn qua các ấn phẩm và nhất là các tạp chí định kỳ, tuy số lượng phát hành ít ỏi và luôn ở dưới quyền kiểm soát.
Thử hỏi những hoạt động này được phối trí tại một trung tâm đến mức độ nào? Và vai trò của Giáo Hội ra sao? Vì phe bảo thủ hoạt động phần nào trong bóng tối nên trong một thời gian khá lâu, khó có một câu trả lời rõ ràng, nhất là vì văn khố Roma rất chậm trễ mở rộng cửa. Tuy nhiên, kể từ năm 1921, một góc màn cũng được vén lên nhưng trong những điều kiện không làm cho các sử gia thận trọng thỏa mãn. Nhiều sự kiện mới cũng được đưa ra ánh sáng vào năm 1950 nhân dịp vụ án phong thánh của đức Pie X. E. Poulat đã thực hiện một bước đường dài dẫn đến sự thật. Ông đã hành động với một lương tâm nghề nghiệp gương mẫu, ông đã thành công trong việc đưa ra ánh sáng “hệ thống bí mật quốc tế chống canh tân”. Hệ thống này do đức cha Benigni (22) trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thiết lập dưới danh hiệu “Sodalitium Pianum” thánh Pie V và thường được chỉ định bằng hai chữ đầu S.P. hay bằng mật hiệu “Salpinière”. Kể từ khi có sự khám phá vào năm 1921, người ta có khuynh hướng xem đức cha Benigni như là linh hồn của phong trào bảo thủ cực đoan. Người ta cũng nghĩ rằng: hình như ngài đã hoạt động ngoài sự hay biết của đức Pie X, với những biện pháp “thiếu thích đáng”. Vì thế người ta coi hệ thống “Salpinière” như một nhóm áp lực có uy thế bí ẩn trong lòng Giáo Hội. Ngày nay, sự thật đã xuất hiện dưới một khía cạnh đơn giản hơn và công khai hơn người ta tưởng. Thật vậy, số thành viên của nhóm Salpinière chưa bao giờ vượt quá 50 người. Ngoài ra, căn cứ vào tài liệu do E. Poulat công bố, người ta thấy rõ những điểm dị biệt đôi khi rất sâu xa giữa những người được quy tụ một cách đơn thành dưới nhãn hiệu “bảo thủ cực đoan”. Ðể tránh mọi liên lụy về chính trị và muốn thuần túy ở trên địa hạt tôn giáo, Benigni tỏ thái độ xa cách với đoàn thể “Hành động Pháp” (Action francaise). Những quan hệ với Merry del Val không mấy tốt đẹp vì rằng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã dè dặt ngăn cản những sáng kiến không hợp thời của Benigni, còn Benigni thì phiền trách Merry del Val là có một thái độ quá e dè và quá ngoại giao (23). Nhóm bảo thủ ngày càng tỏ ra lạt lẽo với Dòng Tên tuy rằng cho đến cuối triều đại của đức Piô X, một số đông thành viên của dòng vẫn bênh vực những quan điểm cổ truyền nhất với một sự cố chấp thiển cận. Một trong những kết quả của cuộc điều tra của E. Poulat là làm mất đi tính chất huyền thoại của cuộc âm mưu trứ danh của nhóm bảo thủ cực đoan và nhất là đã đem nhóm SP trở về với kích thước thật sự của nó. Nhưng cuộc điều tra đó cũng đồng thời chứng tỏ rằng không còn có thể khẳng định là đức Pie X không hề hay biết đến các mưu mô của đức cha Benigni: Một điều chắc chắn là đức Pie X đã trợ cấp cho nhóm “Salpinière”, tán đồng và khuyến khích hoạt động của người sáng lập, thường xuyên được tường trình qua trung gian của đức cha Bressan. Như vậy tức là đức Pie X đã che chở một loại mật vụ của Hội Thánh, một điều rất khó chấp nhận đối với con người thời nay, nhưng đối với ngài thì lại rất cần thiết trong hiện tình mà Ngài cho là bi đát của Giáo Hội. Ðến nỗi người ta đã nói đến các năm đó như là “kỷ nguyên của Staline tại Vatican” (M. Trévor). Cũng có thể đưa ra giả thuyết là Ngài đã không hay biết hết tất cả, và nếu như được thông tin tường tận hơn, có lẽ ngài đã không chấp nhận một vài biện pháp.
Phản ứng của nhóm bảo thủ quá khích ở mức cao độ vào những năm 1912-1913. Vào năm 1912, cha Lagrange bị cưỡng bách phải rời Jérusalem và tờ “Tạp chí Thánh Kinh” sắp phải đóng cửa; và vào đầu năm 1913, toàn bộ thứ năm của “Tập san Triết học Kitô giáo” bị ghi vào sổ đen. Vài tuần lễ sau, chủ nhiệm là cha Laberthonnière nhận được lệnh cấm chỉ không được ấn hành bất cứ ấn phẩm nào chưa được thảo luận trước. Nhưng vào lúc đó, những bận tâm chính yếu của nhóm công giáo nguyên tuyền đã di chuyển từ lãnh vực các khoa học Giáo Hội để tiến về cái mà họ gọi là “chủ nghĩa duy tân thực tiễn”. Trong những hoạt động của các thành phần dân chủ kitô giáo (không phân biệt giữa Murri, những “linh mục dân chủ” Pháp, tập đoàn Sillon hay nghiệp đoàn ở Munchen-Gladbach), họ phát hiện một sự phục hồi, dưới một hình thái mới của phong trào công giáo tự do bị đức Pie IX lên án trong văn kiện “Syllabus”. Ðiển hình là tất cả thư từ của đức cha Benigni hầu như chỉ đề cập đến vấn đề đó. Thoáng nhìn qua, lập trường này có thể làm cho người ta ngạc nhiên, vì nhiều lãnh tụ bảo thủ (như Benigni ở Ý, Maignen ở Pháp, Descurtius ở Thụy-sĩ v.v..) đã từng là những người hưởng ứng nồng nhiệt thông điệp “Rerum novarum”. Nhưng đúng là họ vẫn trung thành với chương trình hoạt động ban đầu của trào lưu công giáo xã hội vào những năm đầu tiên của triều đại đức Léon XIII, trong đó có sự đối chọi rõ rệt giữa trật tự xã hội kitô giáo phát xuất từ vương quyền của Ðức Kitô trên xã hội, với “thuyết xã hội vô thần” của giới trung lưu phát sinh từ Cuộc Cách Mạng năm 1789. Họ trách cứ phái dân chủ kitô giáo của thế hệ mới đã nại đến các mối bận tâm về xã hội và sự nhận thức về tính độc lập của đời sống thế tục để vượt ra khỏi sự giám hộ của Giáo Hội. Cũng chính trong viễn ảnh đó mà thành phần bảo thủ cực đoan ở Ý kịch liệt tố cáo các nhật báo công giáo (được chỉ định dưới danh hiệu “Stampa di penetrazione”, “báo chí xâm nhập”) là đã muốn đứng ngoài những quan điểm hoàn toàn tôn giáo với hy vọng có thể nắm được giới lãnh đạo, phần đông tán thành quan niệm tự do xã hội. Chính vì một tờ nhật báo thuộc loại đó mà có vụ xung đột đáng tiếc đã xẩy ra vào năm 1911 giữa giáo hoàng và hồng y thánh thiện Ferrari (24).
Nhiều việc bất ngờ đã gây nên các phản ứng của giới bảo thủ chống lại cái mà họ gọi là những biểu thị của “chủ nghĩa canh tân thực tiễn”, đã được đề cập trong các chương trước (25). Và vào đầu năm 1914, chủ nghĩa nghiệp đoàn kitô giáo cũng suýt bị lên án sau khi có lời tố cáo của tổ chức “Civiltà cattolica” là đã có “những hoạt động trái với tinh thần chân chính của Phúc Âm”. Họ không bị lên án là nhờ những lời can thiệp có uy tín bên cạnh giáo hoàng.
Cũng vào thời gian này, sự lạm dụng quá đáng những “cuộc truy nã phù thủy” bắt đầu gây nhiều sự chống đối mà không cần phải đợi đến triều đại đức Benoit XV mới công khai xuất hiện (26). Sự phản kháng được tổ chức dần dần xung quanh một số hồng y và giám mục rất lo âu trước tình thế và xung quanh vài tu sĩ Dòng Tên đã nhận định rằng người kế vị đức Pie X không thể khởi đầu triều đại mà không có chuyển biến, vậy điều cần thiết bây giờ là phải chuẩn bị hướng đi mới. Bắt đầu từ năm 1913, nhiều tạp chí nổi tiếng của Dòng Tên công khai lên tiếng phản đối (27), và những kẻ thông thạo tình hình dư biết rằng đàng sau những người phản kháng là Bề trên Tổng quyền của họ với hai cộng tác viên quan trọng nhất. Trong hoàn cảnh này người ta hiểu những lời than phiền đắng cay của đức Pie X về tình cảnh cô đơn trong cuộc đấu tranh bênh vực tính chính thống nguyên tuyền. Ngài không che dấu sự bất mãn và hình như có ý định đặt cha Matiussi rất gần với giới bảo thủ quá khích làm thủ lãnh Dòng Tên để thay thế cha Wernz. Nhưng việc giáo hoàng trắng và giáo hoàng đen qua đời gần như cùng một lúc, đã chấm dứt giai đoạn cuối cùng của việc đàn áp phong trào duy tân.