CHƯƠNG IX
SỰ THỨC TỈNH CHẬM CHẠP CỦA
CÁC KHOA HỌC GIÁO HỘI.
CHƯƠNG IX
SỰ THỨC TỈNH CHẬM CHẠP CỦA
CÁC KHOA HỌC GIÁO HỘI.
Cho đến cuối triều đại của đức Pie IX và vào tiền bán thể kỷ, nước Ðức công giáo vẫn là quốc gia tiền tiến trong phạm vi khoa học. Ðiều đó không có nghĩa là nước Ðức không có công trình giá trị nào khác trong phạm vi các trường đại học.
Ngay cả trong lãnh vực lịch sử Giáo Hội, các trường đại học Ðức đã tỏ ra rất xuất sắc so với sự kém cỏi của các quốc gia La Tinh. Một vài thực hiện giá trị ở ngoài nước Ðức cần được nêu lên: các công trình của Ginoulhiac và Maret ở Pháp, sự phục hưng môn Ðông Phương học tại đại học Louvain, sự phục hồi nhóm Bollandista và nhất là những tiến bộ của ngành khảo cổ học kitô giáo tại Roma nhờ công của cha Marchi và người môn đệ ngài mến chuộng là J. B. de Rossi (1822-1894). Chính Mommsen, người vẫn miệt thị nền khoa học của Ý và của công giáo, đã không ngớt lời ca tụng công trình khảo cổ này.
Một vài thần học gia của học viện Roma trong hậu bán thế kỷ cũng đáng được nhắc đến: đó là cha Passaglia, “một trong những thần học gia lỗi lạc nhất của thế kỷ XIX” (Kaspar) đã giảng dạy từ 1844 đến 1858; sau ngài là nhà thần học người Áo, Franzelin, không xuất sắc bằng những chặt chẽ hơn, dựa trên những thành quả tổng hợp các dữ kiện của đức tin bắt nguồn từ các hình ảnh trong Thánh Kinh hơn là lĩnh hội những chân lý mạc khải dưới khía cạnh triết lý.
Sau khi đã phục hồi lòng đạo đức của người kitô thời Trung Cổ, vốn được coi là tiêu biểu của thế hệ lãng mạn, người ta thấy cần xét lại những điểm căn bản của Kitô giáo. Lúc đó, chính khoa biện giáo được đưa lên hàng đầu. Quả vậy, bấy giờ uy thế của các sách Thánh Kinh bị đem ra mổ xẻ nhân danh các yêu sách của phương pháp phê bình lịch sử, và các khám phá của khoa khảo cổ học Ðông phương và khoa cổ sinh vật học. Khoa sử học đối chiếu các tôn giáo bắt đầu đặt vấn đề về siêu việt tính của mạc khải trong Do Thái-Kitô giáo. Nền tảng của khoa lý thần luận cũng bị phe tả theo Hegel bài bác. Trong khi đó, Spencer tiếp tục truyền thống kinh nghiệm luận của Anh quốc, và góp phần vào việc truyền bá ra khỏi biên giới nước Anh, lối giải thích thế giới dựa theo thuyết biến hóa với dụng ý thay thế quan niệm về công trình sáng tạo. Tại Pháp, dưới đệ nhị đế chế, thuyết thực nghiệm của Comte phối hợp với thuyết bất khả tri luận của Anh và thuyết duy vật của Ðức, đã trở thành một sản phẩm xuất cảng qua Nam Mỹ. Ðứng trước những thách đố phức tạp đó, đa số các nhà biện giáo đã tỏ ra hoàn toàn yếu thế, không biết thích ứng. Họ chỉ lập đi lập lại những lý lẽ cổ điển mà không ý thức được rằng những thay đổi về não trạng, về tâm thức, về cách suy tư của người thời đại đã làm cho những lý lẽ đó ngày càng trở nên vô hiệu và lỗi thời. Một điều rất rõ là hiếm có tác phẩm công giáo trổi trang đề cập đến vấn đề chủ yếu là dung hòa đức tin kitô giáo với tinh thần khoa học hiện đại.
Trong những nhà biện giáo cố gắng đặt mình vào cương vị của những kẻ họ muốn thuyết phục, phải kể đến: D. Bonomelli, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế ở Ý; V. Dechamps, người Bỉ, đã khởi thảo phương pháp gọi là “Quan Phòng”, trình bày trong một số tác phẩm phát hành từ 1857 đến 1874 với những lời lẽ chỉ trích đôi khi quá gay gắt; cha Félix, người Pháp, tìm cách xử dụng chính tâm trạng hồ hởi của người đương thời trước mọi tiến bộ; nhất là cha Gratry, người đã đoán trước hướng đi của Ollé-Laprune và Blondel trong thế hệ tiếp theo.
Nhưng một người trổi vượt trên tất cả những nhân vật vừa kể vì ngài có cái nhìn về tương lai rất phong phú, đó là J.H. Newman. Ngài tỏ ra là người đi tiên phong qua tác phẩm: “Tiểu luận về sự tiến triển của học thuyết kitô giáo” (1845), trong đó khía cạnh lịch sử của các tín điều được nêu lên cách minh bạch. Trong cuốn “Ngữ pháp của sự ưng thuận” (1870), ngài đã khai triển những quan điểm rất mới mẻ về vai trò của “biện chứng pháp của lương tâm” và về điều cần phải có một sự chuẩn bị cho chủ thể để có sự biện minh lý trí cho hành vi đức tin. Ngài cũng cho thấy những viễn ảnh mới trong lãnh vực Giáo Hội học qua “Bức thư gửi cho công tước Norfolk” (1875) và qua bản “Via Media” in lại năm 1877. Ðáng tiếc là không một người nào vào thời đại đó được chuẩn bị để dấn thân vào con đường mà ngài ước đoán là rất phong phú. Thái độ “thử dấn thân” trong đa số tác phẩm của ngài không được các nhà thần học chuyên môn chiếu cố. Ngoài ra còn phải nói đến sự ngờ vực về tinh thần chính thống của ngài kéo dài mãi cho đến triều đại của đức Léon XIII là người đã nâng ngài lên chức hồng y. Những ngờ vực này bày tỏ rõ ràng những khía cạnh không mấy tốt đẹp của chính sách mà giáo triều Roma đem áp dụng đối với các người trí thức dưới thời đức Pie IX.
Tại Ðức, trong tiền bán thế kỷ, những tư tưởng duy lý đã từng gợi ý cho các công trình của Hermes và Gunther vẫn tồn tại. Bằng chứng là trên cả nước Ðức và nước Áo, người ta vẫn ái mộ nồng nhiệt các tư tưởng của Gunther, vẫn đề cao những thành công về nền giáo huấn của Kuhn tại Tubingen cho đến năm 1882. Một điều rõ ràng là bắt đầu từ giữa thế kỷ, các khoa học Giáo Hội mỗi ngày một quan tâm nghiêm chỉnh đến khía cạnh lịch sử. Sự biến chuyển này, đặc tính của đời sống trí thức thời đại, đã thúc bách các nhà biện giáo phải quan tâm đối phó với những lời chất vấn của các nhà chú giải Thánh Kinh cấp tiến trước những quan niệm cổ truyền, và với các sử gia tin lành về lịch sử tín điều. Nếu trong địa hạt Thánh Kinh, các công trình do phía công giáo thực hiện, tuy không phải là không đáng kể, vẫn còn kém xa so với phía tin lành, thì trái lại, về phương diện lịch sử các tín điều và lịch sử Giáo Hội, người ta đã chứng kiến một sự tiến triển rõ rệt. Thật vậy, tại Tubingen, Hefele khởi thảo văn kiện vĩ đại “Concilien-geschicte”trong khoảng 1855-1874, đồng thời một nhóm đông đảo thanh niên lao động đã xử dụng những phương pháp phê bình mới để vạch lại sự tiến triển của tư tưởng kitô giáo. Nhất là tại Munich, ảnh hưởng của Ignaz Doellinger (1799-1890) ngày càng lên cao nhờ các ấn phẩm rất đặc sắc của ngài được dịch ra nhiều thứ tiếng, các bài giảng của ngài tại các trường đại học ở Ðức, ở Áo và Thụy sĩ, nhờ sự tiếp xúc cá nhân mà tư tưởng xúc tích và lời nói giản dị của ngài đã hấp dẫn người đối thoại, và cuối cùng là nhờ các thư từ trao đổi với các nhà thông thái ở Trung Âu và Tây Âu.
Doellinger và phần đông các đồng nghiệp của ngài trong giới đại học, rất chú trọng đến việc giải tỏa giới trí thức công giáo khỏi mặc cảm tự ty trước các tiến bộ của ngành khoa học duy lý tin lành, bằng cách dạy cho họ biết đấu tranh với các vũ khí đồng đẳng và giúp họ có một tâm trạng hoàn toàn tự do trên bình diện khoa học, ngoại trừ một số ít vấn đề tương quan đến tín điều. Trong chiều hướng đó, họ hy vọng có thể giúp cho Giáo Hội ở Ðức, trong lãnh vực tư tưởng, có một ảnh hưởng tương tự như ảnh hưởng mà Giáo Hội đang đạt được trong đời sống công cộng qua các hoạt động chính trị và xã hội. Tuy nhiên một số giáo sĩ Ðức, trong đó có giám mục Ketteler thành Mayence, nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác. Họ nhắm đến đám quần chúng công giáo (nông dân, giới tiểu công nghệ, giai cấp trung lưu) mà lòng đạo đức được củng cố nhờ sự nâng đỡ của một thành phần giáo sĩ kính tín hơn và nhiệt thành hơn, và nhờ phong trào hiệp hội rất có kỷ luật. Các hiệp hội này có khả năng đưa những hiệu lệnh của thượng cấp vào mọi lãnh vực của đời sống hằng ngày. Những kẻ tán thành xu hướng đó muốn có các linh mục đạo đức hơn là các linh mục thông thái, vì thế họ nhất định không chấp nhận hệ thống của Ðức buộc các tu sĩ trẻ tuổi phải theo chương trình thần học tại các đại học quốc gia. Họ muốn áp dụng chế độ đang có hiệu lực tại các chủng viện thuộc giáo phận ở Pháp và Ý. Phần đông họ còn muốn đem giáo dân trẻ tuổi ra khỏi khung cảnh đại học đường, vì ở đó đa số giáo sư không những theo tin lành mà thường có khuynh hướng duy lý. Họ cổ võ thành lập các đại học công giáo (1).
Những phương án này được các tạp chí và các nhóm xung quanh Ketteler tán thành, nhưng lại gặp sự chống đối của Doellinger và những người cùng xu hướng. Nhóm Doellinger sợ rằng các thanh niên công giáo được đào tạo trong các “bình đậy kín” sẽ không được hưởng thụ những tài nguyên khoa học, mà theo họ chỉ các trường đại học cổ điển mới có khả năng cung cấp. Họ lo ngại rằng các tín đồ công giáo sẽ bị tách ra khỏi đời sống khoa học cận đại nếu chủ trương của các đối thủ thắng thế. Vì lẽ nhóm người này thường thiếu hiểu biết về tính cách khẩn trương của các vấn đề phê phán lịch sử, và vì họ xác tín rằng toàn thể tư tưởng thuần lý của Ðức, từ Kant trở đi sẽ bị đẩy vào ngõ cụt, nên họ khuyến cáo hãy trở về với nền giáo huấn dựa trên phương pháp kinh viện.
Thật ra thì phong trào tân kinh viện cũng có vài nhân vật tài ba. Chẳng hạn, J.B. Heinrich, nhà tín lý học thành Mayence, đã nghiên cứu thâm sâu Thánh Kinh để bổ sung những bài trần thuyết cổ điển. Hay K. Werner, người Áo, đã dầy công nghiên cứu tư tưởng thời Trung Cổ để chứng minh rằng: sự tán thành phương pháp kinh viện không có nghĩa là thiếu một sự uyên thâm lịch sử. Nhất là tu sĩ Dòng Tên J. Kleutgen, người có công trình bày giáo thuyết cổ điển trong viễn ảnh tổng hợp các đại hệ thống triết lý hiện đại, hầu chứng minh rằng giáo thuyết này có thể thích ứng với các vấn đề hiện đại. Cũng phải kể đến M.J. Scheeben, vị giáo sư trẻ tuổi tại chủng viện Cologne, người biết dung hòa truyền thống kinh viện và giáo huấn giáo phụ mà ngài đã tiếp thu được tại học viện Roma, với tất cả ưu điểm của học thuyết duy lý Ðức quốc. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, những sản phẩm của trường phái tân kinh viện nói chung, vẫn còn ở một trình độ thấp kém. Ngoài ra, một số người trong nhóm chống đối môn thần học tại đại học, không ý thức được rằng, với sự tiến bộ của các phương pháp lịch sử, cần phải canh tân những quan điểm trong nhiều lãnh vực.
Một điều đáng tiếc hơn nữa là một vài người thuộc phái tân kinh viện, vì bất mãn trước thái độ khinh khi của giới đại học và được sự hỗ trợ của tòa sứ thần ở Munich, đã tìm cách củng cố địa vị bằng những lời tố cáo trước giáo quyền Roma, không phải để phụng sự chân lý mà đôi khi chỉ vì tranh chấp cá nhân. Tại Roma, nơi mà sự quan tâm đến khoa học còn rất hời hợt và phản ứng chống chủ nghĩa tự do lại rất mãnh liệt, thì các lời tố cáo đó lại càng được quan tâm. Ngoài ra, các giáo sư Ðức còn bị giáo quyền trách cứ là, dưới danh nghĩa tự do khoa học, đã không chịu khuất phục trước một uy quyền không thuộc hàng ngũ của họ. Ðể nhắc nhở các nhà thần học phải coi trọng các quyết định của Tòa Thánh, kể cả các quyết định không có tính cách vô ngộ của quyền giáo huấn thông thường, năm 1854, H.D. Denzinger, một cựu sinh viên đại học Grégorienne, sau này là giáo sư lín lý học tại trường đại học thần học ở Wurtzbourg, đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng “Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum” (2) (Tuyển tập các bản văn quan trọng nhất của các công đồng và giáo hoàng liên quan đến tín lý và luân lý). Trong bối cảnh đó, bất thần xẩy ra vụ cấm chỉ tác phẩm của Gunther năm 1857, và tiếp theo,một loạt sách báo bị tuyên bố là nguy hiểm. Vì ở xa, giáo triều Roma mỗi ngày thêm hiểu lầm, nghi ngờ và đố kỵ nền khoa học Ðức và cả những nhân vật danh tiếng nhất như Doellinger.
Tuy bức tức vì tên tuổi bị hoen ố trước giáo dân và trước sự hồ nghi của những thành phần vô thẩm quyền về giá trị khoa học của Ngài, Doellinger vẫn luôn luôn trung thành với Giáo Hội, tuy rất ác cảm với chính sách của giáo triều Roma. Ngài tỏ ra lo ngại trước sự chia rẽ và chống đối lẫn nhau của các lực lượng trí thức công giáo Ðức, trong khi cần thiết phải đoàn kết để chống lại các vụ tấn công ác liệt của giới khoa học ngoại đạo. Ðể tiến đến sự hòa giải, Ngài đề nghị triệu tập tại Munich vào cuối tháng 9-1863, một đại hội các nhà bác học công giáo. Trong bài diễn văn khai mạc, ngài đề cập đến “quá khứ và hiện tại của môn thần học” và đòi hỏi một sự hoạt động hoàn toàn tự do cho môn này, một sự tự do “cần thiết cho khoa học giống như dưỡng khí cần thiết cho thân thể con người”. Ngài cũng muốn các nhà thần học có một vai trò song song với vai trò của quyền giáo huấn thông thường, “giống như trong xã hội Do Thái thời xưa, song song với trào lưu ngôn sứ là các đẳng cấp tư tế”. Các đề nghị trên có hậu quả là đổ dầu vào lửa. Ngoài ra, khi lên tiếng tố cáo sự thoái hóa trong lãnh vực thần học tại các quốc gia La Tinh, ngài có vẻ muốn đòi hỏi cho các giáo sư Ðức, quyền quản lý Giáo Hội trên phương diện tinh thần. Ðược báo động bởi sứ thần Toà Thánh và các đối thủ của Doellinger, đức Pie IX gửi cho đức tổng giám mục Munich, một bức thư trong đó Ngài khiển trách những lời kích báng đối với kinh viện, phàn nàn rằng một đại hội thần học gia được triệu tập mà không có sự ủy quyền của cấp trên, vì chính cấp trên có phận sự “điều khiển và kiểm soát thần học”. Bức thư lại nhấn mạnh rằng nhà bác học công giáo không những bị ràng buộc bởi các điều minh định long trọng mà còn phải lưu ý đến quyền giáo huấn thông thường, đến những quyết định của các Thánh bộ của Tòa Thánh và giáo huấn chung của các thần học gia.
Các lời buộc tội này lại càng làm cho sự tranh luận giữa hai phe thêm gay gắt. Một bên là nhóm các thần học gia Ðức (Deutsch Theologen) bạn hữu của Doellinger tập hợp quanh tờ tạp chí “Theologisches Literaturblatl” do một giáo sư trẻ tuổi ở Bonn, F.Reusch, sáng lập vào năm 1865. Bên kia là “Trường phái Rôma” (3) mà các trung tâm hoạt động chính yếu được đặt tại chủng viện ở Mayence và tại học viện của Dòng Tên, và được sự nâng đỡ của đại học thần học ở Wurzbourg, nơi đây Denzinger được sự cộng tác của hai cựu học viên trường Grégorienne tức là chuyên gia về lịch sử Giáo Hội, Hergenrother và nhà biện giáo Hettinger, cả hai đều là những người tài giỏi và có khuynh hướng hòa hoãn. Xu hướng cấp tiến và sự thiếu tinh thần công giáo của một vài thanh niên vùng Munich phối hợp với óc bè phái và tư tưởng hẹp hòi của những người bênh vực khuynh hướng Roma đã khiến cho tình trạng căng thẳng trở nên trầm trọng và lên đến cực điểm tại hội nghị. Sau khi định nghĩa về tính bất khả ngộ của giáo hoàng được công bố thì tình trạng này đã đưa đến sự tuyệt giao với Giáo Hội của một số đông giáo sư đại học quây quần trong phong trào gọi là “Tín đồ cựu Thiên Chúa giáo” (Vieux Catholiques).
Phải đợi một thế kỷ nữa khoa Giáo Hội học Ðức mới bình phục sau những vết thương trầm trọng đó. Ngoài ra, những lời khích báng bất công của một vài nhà biện giáo đối với tác phẩm của Kunh đã làm phương hại đến trường phái Turbingue. Thật vậy, không có những lời công kích trên thì trường phái này có thể tiếp tục với nhiều ảnh hưởng phong phú vì không hề bị lịch sử luận và duy lý luận lái đi sai đường giống như trường phái Munich trong những năm 60. Hơn nữa, trong tập quán của họ, trường phái này sở đắc được ý niệm về sự thành kính và huyền nhiệm mà trường phái Tân kinh viện không có. Thật ra thì người ta có thể tìm thấy những đặc tính đó trong cuốn “Tín lý học” của Scheeben xuất bản vào các năm 1875-1887, một đại tác phẩm nhưng cũng có một vài giới hạn. Nhưng vị giáo sư chủng viện này, được đào tạo hoàn toàn tại Roma, nên không được giới đại học đánh giá cao. Hơn nữa, ngài qua đời quá sớm (năm 1888), không được những người đương thời biết đến nhiều. Nói chung, trong lúc cuộc đấu tranh chống Giáo Hội (Kulturkampt) đang diễn ra, thì đa số các trung tâm thần học ở Ðức và Áo, trong 25 năm sau Công Ðồng Vatican I, có thể được biểu thị bằng công thức mà cha Hocedez đã dùng để chỉ các trường đại học Dòng Tên ở Innsbruck: “Ðây là một đại lộ của chủ nghĩa bảo thủ sáng suốt”.
Người ta thường đối nghịch một cách quá đáng hai triều đại của đức Pie IX và đức Léon XIII. Tuy nhiên một điều không thể chối cãi là trong lãnh vực tư tưởng công giáo có những khác biệt về xu hướng rất rõ rệt. Một trong những nhược điểm của triều đại đức Pie IX là nhất quyết thế thủ trong địa hạt tư tưởng. Những vụ can thiệp của giáo quyền tối thượng thường chỉ là kết án, họa lắm mới thấy kèm theo lời giải thích rằng: công cuộc nghiên cứu này hay công cuộc nghiên cứu nọ đã đi theo một chiều hướng không thể chấp nhận được. Dưới triều đại đức Léon XIII, có sự quan tâm thông báo cho giáo dân những huấn lệnh rõ ràng. Ðiều này chứng tỏ rằng ngài đã có một nhận thức rành rẽ về tầm quan trọng của “mặt trận trí thức” đang gây khó khăn cho công giáo kể từ giữa thế kỷ XVIII. Nhiều hồng y lớp đầu tiên dưới triều đại của ngài tiêu biểu cho khuynh hướng này: bốn linh mục chỉ chuyên lo việc khảo cứu, trong đó có Newman trước đây bị giáo triều Roma ngờ vực trong một thời gian khá lâu, Hergenrother, sử gia danh tiếng về lịch sử Giáo Hội và hai người khác có công xây dựng tân học thuyết thánh Tôma là J. Pecci, em của Hergenrother và một tu sĩ dòng Ðaminh, Zigliara.
Chính trong phạm vi triết học, căn bản cần thiết của các công trình khảo cứu về Giáo Hội, mà sự can thiệp của đức Léon XIII rất đáng chú ý, và Ngài xứng đáng được xem như người đóng một vai trò quyết định trong việc thành lập tân học thuyết thánh Thomas. Thật ra thì phong trào đã khởi sự trước Ngài. Phản ứng chống trào lưu tư tưởng mới, bị xem là nguyên nhân của các xáo trộn xã hội, cũng như là thiện cảm lãng mạn đối với thời đại Trung Cổ, đã làm sống lại từ tiền bán thế kỷ nhiều cảm tình đối với kinh viện. Tuy nhiên, những đại hệ thống tư tưởng hậu triết lý Kant vẫn tiếp tục hấp dẫn đa số người Ðức, trong khi đó chủ nghĩa truyền thống và thuyết hữu thể vẫn còn được ngưỡng mộ ở Pháp và Ý. Tại Ý, Rosmini được xem như “triết gia của quốc gia”. Ðàng khác, đa số các tân triết gia kinh viện của thế kỷ XIX đều là những người theo thuyết chiết trung chịu ảnh hưởng của các trào lưu Suarèz hay Descartes. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người chủ trương trở về với học thuyết chân chính của thánh Thomas: Tại Ðức, xung quanh J. Clemens, H. Plassmann, C.von Schazler, A. Stockl và nhất là xung quanh cha J. Kleutgen “thần học của quá khứ”(Theologie der Vorzeit): 1853-1870, và “triết học của quá khứ” (Philosophie der Vorzeit): 1860-1863. Tại Tây Ban Nha, xung quanh tu sĩ dòng Ða Minh Gonzalez, người đã sáng lập trong bối cảnh đó, tờ tạp chí “La ciencia cristiana” (khoa học kitô); tại Pháp, xung quanh linh mục Hulst; tại Bỉ, xung quanh tu sĩ người Ý dòng Ða minh, Lepidi, người điều khiển những khóa nghiên cứu tại kinh viện Louvain, và giáo sư khoa tín lý tại đại học công giáo, A. Dupont. Nếu học viện Roma cho đến triều đại đức Léon XIII vẫn là một thành trì của học thuyết Suarèz, thì nhóm tu sĩ Dòng Tên của tổ chức Civiltà cattolica đã sớm trở nên những người tuyên truyền nồng nhiệt học thuyết thánh Thomas, nhất là cha Liberatore. Hai địa điểm chính yếu là Plaisance (4) xung quanh học viện Alberoni, và nhất là Naples với G. Sanseverino. Ðược khuyến khích bởi đức cha Riario Sforza, bạn thân của hồng y Pecci, G. Sanseverino đã đứng ra sáng lập từ năm 1846, một Hàn lâm viện thánh Thomas và phát hành tờ tạp chí Scienza e fede (Khoa học và đức tin) để phổ biến tư tưởng của Ngài. Sau khi Ngài mất đi (1865) thì công trình được tiếp tục bởi S. Talamo. Còn có những trung tâm khác, nhất là tại Bologne, nơi mà tu sĩ Dòng Tên, Cornoldi, cho xuất bản tạp chí “La scienza italiana” nhằm đấu tranh cho học thuyết thánh Thomas; và tại Pérouse, nơi mà hồng y Pecci đã sáng lập đại học “Accademia San Tommaso” với sự trợ giúp của bào huynh thuộc Dòng Tên và của vài tu sĩ dòng Ðaminh; tại đây ngài đã dành nhiều thời giờ để nghiên cứu chương trình cải tổ các khoa học Giáo Hội.
Ngay từ lúc mới nhậm chức, đức Léon XIII đã lưu tâm đến việc chấn hưng học thuyết thánh Thomas mà Ngài xem như là trường phái chân chính của Ý. Với sự ra đời của thông điệp “Aeterni Patris” (của Chúa Cha vĩnh cửu) (5) vào ngày 4-8-1879, hệ thống học thuyết thánh Thomas được trình bày như là tinh hoa của các tư tưởng đẹp đẽ nhất của các tiến sĩ kinh viện. Hệ thống tư tưởng này được giới thiệu với giáo dân như là một triết lý có uy tín nhất được áp dụng trong việc giáo huấn các giáo sĩ trẻ tuổi cũng như trong các công cuộc nghiên cứu riêng tư, một triết lý được xem như một liều thuốc giải độc để chống lại các học thuyết phá hoại những giá trị cổ truyền trong lãnh vực gia đình, xã hội và chính trị.
Bức thông điệp này có tính cách vừa thủ cựu vừa cách mạng nếu đem so với các đường lối cũ trước đây, đã được đón nhận với những cảm tưởng trà trộn lẫn lộn. Cũng nên thêm rằng đức Léon XIII kêu gọi các người theo học thuyết thánh Thomas hãy trở về nguồn cội, nghĩa là trở về với các tác phẩm của thánh Thomas (6), nhưng ít ai hưởng ứng. Bởi lẽ đa số người ta cho rằng việc quay trở về thời đại Trung Cổ sẽ làm cho họ xa lạ các trào lưu và các vấn đề của xã hội hiện đại. Nhưng đức giáo hoàng nhất quyết tiến tới bằng cách bẻ gẫy mọi chống đối. Công việc trước tiên của Ngài là tổ chức lại các trường đại học Roma từ trước vẫn đứng ngoài trào lưu tân học thuyết thánh Thomas, nhất là trường Grégorienne, một thành ấp đặc biệt quan trọng cần phải chiếm giữ vì con số các chủng sinh ngoại quốc đang được đào tạo tại đây ngày càng tăng thêm. Trong chiều hướng đó, một ủy ban canh tân được thành lập theo tinh thần của cha Liberatore để thay thế ban đội cũ trong hai hay ba năm; và việc bổ nhiệm cha L. Billot (7) làm giáo sư tín lý vào năm 1885 lại càng làm cho phong trào thêm vững mạnh. Ngài cho triệu về Roma các giáo sĩ Talamo và Cornoldi để cải tổ đại học viện thánh Thomas, đồng thời khích lệ tờ “Divus Thomas” (Tôma tuyệt diệu), tạp chí mới ra đời của các giáo sư học viện Alberoni ở Plaisance. Sau cùng, Ngài trao quyền điều khiển bộ nghiên cứu cho Zigliara, một giáo sĩ dòng Ða minh, một môn đệ học thuyết thánh Thomas danh tiếng nhất ở Minerve.
Các đồ đệ học thuyết thánh Thomas ở Roma được đức Léon XIII tín dùng, đã tỏ ra xứng đáng, nhất là khi họ phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó. Họ đã có công thanh toán các hệ thống thủ cựu và hữu thể học cũng như thuyết chiết trung duy tâm đang thịnh hành biểu hiện một tình trạng kém cỏi của tư tưởng công giáo. Họ còn đem lại cho các thế hệ giáo sĩ trẻ một tổng hợp mạch lạc về các tác phẩm của thánh Thoma như chúng ta có ngày nay. Tuy nhiên công trình của họ còn nhiều giới hạn và thiếu sót. Thật vậy, họ thường dựa quá nhiều vào thần học để xây dựng môn triết học mà họ trình bày tại giảng đường và trong các sách giáo khoa. Do đó không kể hàng giáo sĩ, đa số dân chúng không đón nhận và hoan nghênh nền triết học này. Họ lạm dụng những lý lẽ dựa vào quyền bính và thường dễ dàng tự mãn với lối biện chứng pháp khẩu thuật dựa trên những định nghĩa tiên nghiệm. Ngoài ra, họ xử dụng tiếng La Tinh với xu hướng lập lại những công thức để diễn tả một tư tưởng mà họ đang tìm kiếm. Họ thiếu hiểu biết về triết lý hiện đại và trầm trọng hơn nữa, về các phương pháp khoa học hiện đại cũng như về tinh thần điều động các phương pháp đó. Cảm giác chung là học thuyết thánh Thoma được khai triển tại các đại học Roma trong phần tư thế kỷ tiếp theo thông điệp “Aeterni patris”, có một phẩm chất kém cỏi so với học thuyết được trình bày trong những thế hệ trước do Liberatore hay do Sanseverino. Ngoại trừ Billot ra, không có một danh tánh nào được lưu lại, điều này chứng tỏ một cách khách quan về sự thiếu sót của công trình được thực hiện. Tân học thuyết thánh Thomas xuất phát từ một trung tâm khác mới thu phục được quần chúng, triết gia và giới trí thức.
Công việc trước tiên của đức Léon XIII là thay đổi nhân sự tại các chủng viện và các đại học Roma, và cải tổ hàn lâm viện thánh Thomas. Sau khi hoàn tất công tác đầu tiên này, ngài tìm đủ mọi cách truyền bá khắp hoàn cầu tân học thuyết thánh Thomas. Ngài nghĩ ngay đến đại học đường Louvain, lúc đó là trường đại học công giáo đầy đủ nhất trên thế giới, nơi đây ngài đã từng có những mối liên hệ trực tiếp khi còn là sứ thần Tòa Thánh tại Bỉ.
Cũng vì vậy mà sau một thời gian lưỡng lự, các giám mục Bỉ đã mở vào tháng 10-1882, “một lớp triết lý cao cấp về thánh Thomas” do D. Mercier đảm trách. Lớp học được dạy bằng pháp văn và được hoan nghênh nhiệt liệt ngay cả trong giới sinh viên không thuộc hàng giáo sĩ. Lý do, vị giáo sư trẻ tuổi không những nắm vững học thuyết và có một kiến thức rộng rãi mà còn có một ý thức bén nhạy về các vấn đề và một hình thức sư phạm độc đáo. Mercier nghĩ ngay đến việc khai triển dự án nguyên thủy. Vào năm 1887 Ngài được sự chấp thuận của đức Léon XIII để tổ chức, ngoài khung cảnh của trường đại học triết lý và văn chương, một “Viện cao đẳng triết học”. Ngài có ý định biến học viện này thành một trung tâm giáo dục cao cấp, nơi đây sinh viên được hướng dẫn làm việc trong một bầu không khí hoàn toàn độc lập với môn thần học. Ngài muốn học viện này trở thành trung tâm sưu tầm, nơi đây người ta sẽ suy nghĩ về những vấn đề đặt ra và những giải đáp được khai triển từ học thuyết thánh Thomas, đồng thời nêu bật những dữ kiện cụ thể đã biến đổi theo đà tiến triển của tư tưởng triết lý cũng như của các khoa học thực nghiệm. Người ta bảo Mercier đã quá đề cao tầm mức quan trọng của các khoa học thực nghiệm. Nhưng thái độ này lại làm cho Mercier trở thành một kẻ đối thoại có thế giá với những người từ trước đến nay vẫn tỏ vẻ khinh thường khoa triết học kitô. Nhất là từ năm 1894, tờ “Tạp Chí Tân Kinh Viện” (revue néo scolastique) ra đời, làm cho học thuyết thánh Thomas của trường phái Louvain có nhiều quan điểm cởi mở và mau được phổ biến khắp năm châu. Nhưng ba năm sau, các công trình này suýt bị đình chỉ vì gặp nhiều sự chống đối. Tại Bỉ, người ta bắt đầu nghĩ rằng Mercier đã tỏ ra quá xâm lấn. Tại Roma, đức hồng y Mazzela đứng đầu Bộ nghiên cứu, trách Mercier có một xu hướng quá khác biệt với tân học thuyết thánh Thomas của Roma, vì đã dành một địa vị quan trọng quá đáng cho việc giáo huấn khoa học, và một sự tự do quá trớn cho công cuộc khảo cứu: cả hai sẽ làm phương hại cho việc giáo huấn khoa thần học. Ngoài ra, Mazzela không chấp nhận việc dùng pháp văn để giảng dạy môn triết lý tại Louvain. Theo Ngài, điều này sẽ làm phương hại đến ý nghĩa thích đáng của các danh từ và do đó sẽ phương hại đến tính cách chính thống của học thuyết. Tuy nhiên có một sự chuyển hướng rõ rệt sau khi đức Mazzela được đức Satolli thay thế: vị này rất thiện cảm với các tác phẩm của Mercier. Hơn thế, nhờ sự giúp đỡ của cha Lemius rất đổi tán thành quan điểm của trường phái Louvain, kể từ năm 1898, địa vị của Mercier và học viện của Ngài được vĩnh viễn công nhận.
Một điều không thể chối cãi là phong trào tân học thuyết thánh Thomas có trung tâm chính yếu, một tại Roma và một tại Louvain. Nhưng không nên giản dị hóa vấn đề một cách quá đáng. Còn có nhiều trung tâm khác không kém phần đặc sắc. Thật vậy, sau nước Ý, nước Pháp là nơi mà phong trào đạt được nhiều thắng lợi và ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nhờ các sách báo ấn hành tại đây. Học viện công giáo Paris và Hiệp hội thánh Thomas d'Aquin thường hướng về một học thuyết không câu nệ vào từ ngữ mà chú trọng về tinh thần, cũng tương tự như chủ trương của Mercier. Trái lại, phần nhiều các học viện và chủng viện lại chuộng học thuyết được giảng dạy tại học viện Grégorienne. Một khi được du nhập vào môi trường Pháp quốc, học thuyết thánh Thomas có gốc rễ Roma, bộc lộ những khuyết điểm đã được nêu lên ở trên. Những người tự nhận là môn đệ của học thuyết thánh Thomas, thường chỉ tiếp thu những kiến thức qua các sách giáo khoa viết về thánh Thomas (chứ không phải qua các tác phẩm của chính thánh nhân); họ thường trình bày, dưới dạng các công thức của trường phái, một học thuyết chỉ có tính cách triết lý ở bề mặt. Họ thường không biết đến quan điểm thật sự của đối thủ, và vì tự tin rằng mình có độc quyền về “bản chất chính thống của học thuyết”, nên họ dễ rơi vào những cuộc tranh luận gay gắt với những ai không đồng quan điểm, bằng một luận điệu “quá đơn sơ nên dễ trở nên độc đoán” (Lecanuet).
Tại đại học Fribourg ở Thụy Sĩ, với sự hiện diện của các tu sĩ dòng Ðaminh, học thuyết thánh Thomas có một vị trí vững vàng. Trường hợp Tây Ban Nha cũng tương tự nhờ ảnh hưởng của các tu sĩ dòng Ða Minh. Tại đây, các tu sĩ Dòng Tên có nhiều ảnh hưởng nhưng theo lập trường của Suarez.
Tại Ðức và Áo, học thuyết thánh Thomas không được ủng hộ rộng rãi như vậy, nhất là sau khi Scheeben mất sớm, không còn có những nhân vật tài ba và cởi mở như Mercier hay Hulst để trình bày tư tưởng. Trái lại, nước Ðức công giáo đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử của triết học kinh viện thời Trung Cổ, đã khởi sự trước triều đại đức Léon XIII và được ngài khuyến khích trở về cội nguồn. Người đi tiên phong trong công việc này là Cl. Baumker, tác giả nhiều bản chuyên khảo và nhiều tài liệu liên quan đến “sự đóng góp vào lịch sử triết học thời Trung Cổ” (Beitrage zur Geschichte der Philosophie des Mittelalters) (1891). Mười năm sau, theo dấu chân Ngài, một môn sinh của Mercier là Maurice de Wulf, được hướng dẫn về lịch sử triết học thời Trung Cổ, đã xuất bản cuốn sưu tập “Các Triết gia Bỉ” tại Louvain. Công trình khảo cứu lịch sử này không những nêu rõ bối cảnh giáo lý và tâm lý đã đưa đẩy đến việc tạo tác các tác phẩm của thánh Thomas d'Aquin, chẳng hạn bằng cách lưu ý đến tính quan trọng của trào lưu tân học thuyết Platon thời Trung Cổ, mà còn tiết lộ tính đa dạng của triết học kinh viện thời Trung Cổ, ít đồng nhất hơn là người ta thường tưởng trước đây. Những ấn phẩm (những văn kiện chưa bao giờ được xuất bản và những bản chuyên khảo) của các tu sĩ dòng Phanxicô ở Quaracchi dần dần xác nhận điều đó và bó buộc phải công nhận là tính chuyên đoán của học thuyết thánh Thomas không hề được lịch sử minh chứng.
Cho tới năm 1914, sự chuyên đoán này chi phối rộng rãi các giới theo học thuyết thánh Thomas. Do đó, một số tu sĩ dòng Phanxicô muốn chứng tỏ rằng các quan điểm của thánh Bonaventure và của Duns Scot rất gần với quan điểm của thánh Thomas. Một số người khác cũng hành động tương tự đối với thánh Augustin. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng bên trong khuôn khổ tổng quát của tư tưởng triết học kinh viện, cần phải bảo toàn tính cách thích đáng của nhiều khuynh hướng triết lý, vì mỗi khuynh hướng đều có tính đặc thù của nó. Có nhóm đòi hỏi cho quan điểm thần bí của thánh Augustin một chỗ ngồi cạnh học thuyết kitô giáo theo Aristote của thánh Thomas; nhóm khác lại đề cao truyền thống của Duns Scot, như trường hợp cha Deodat de Basly. Ngay cả nhóm theo Suarez cũng không chịu thua: đã không thành công trong mưu kế loại trừ cha Billot ra khỏi đại học Grégorienne, họ vẫn giữ một vị trí vững chắc tại Tây Ban Nha. Trong lúc đó, cha Descoqs truyền bá khoa siêu hình học của Suarez tại Pháp.
Sự bột phát của tân học thuyết thánh Thomas dưới sự bảo trợ của Tòa Thánh đã không ngăn cản được các trào lưu triết học tôn giáo, cho dầu những giới theo tân học thuyết kinh viện muốn làm cho người ta hoài nghi tính chất chính thống của các trào lưu đó. Tại Ý, chủ thuyết duy tâm vẫn được một số tín đồ công giáo ủng hộ, và nhất là ảnh hưởng của Rosmini vẫn còn rất mạnh ở miền Bắc mặc dầu vào năm 1887, bộ Ðức Tin lên án 40 đề nghị mà nhiều người xem như là kết quả của các mưu đồ phản động (8).
Tại Ðức, trong khi đa số triết gia công giáo, nhất là giữa hàng giáo dân, vẫn ở trong quĩ đạo của tân học thuyết Kant, sự e ngại dai dẳng của hàng giáo sĩ đối với học thuyết tân kinh viện lại càng lộ ra rõ rệt qua sự hoan nghênh nhiệt tình bộ tổng hợp triết lý thần học của H. Schell (9), giáo sư biện giáo ở Wurtzbourg từ năm 1884. Với một trí khôn thâm sâu và cá biệt, thấm nhuần tư tưởng kitô giáo của Platon, ngài khai triển những luận đề không mấy quen thuộc với khoa thần học đương thời, chẳng hạn như sự tự do tín ngưỡng, vai trò của Thánh Linh địa vị của giáo dân trong Giáo Hội. Những tư tưởng táo bạo cũng như ngôn ngữ thiếu minh bạch đôi khi gây nên những lời chỉ trích. Nhưng Ngài có công lớn trong việc trình bày học thuyết cổ truyền theo từng loại nhân vị chủ nghĩa, điều này khiến ngài được xem như là người tiên phong của học thuyết Hiện sinh Kitô giáo. Ngài còn có công trong mối quan tâm thường xuyên để “kitô hóa” các môn triết học và khoa học hiện đại. Tuy nhiên ảnh hưởng của Ngài chưa bao giờ vượt khỏi biên giới nước Ðức, lại bị cản trở vì các tác phẩm chính yếu của Ngài bị liệt vào loại sách cấm năm 1899.
Tại Pháp, cũng trong khoảng thời gian này, nhiều tư tưởng bành trướng sôi nổi xung quanh vấn đề “kiến thức tôn giáo” theo tư tưởng của thánh Augustin và của Pascal. Sự hiểu biết về đức tin và những phương pháp của khoa biện giáo với những phương thức quá chú trọng đến bề ngoài mà không màng để tâm đến tâm lý của chủ thể và tính cách tôn giáo trong sự ưng thuận của người tín đồ, đã gây nên những cuộc tranh luận gay gắt trong suốt hai mươi năm sau khi M. Blondel xuất bản cuốn “Hành động” (Action) năm 1893. Dưới ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của tác phẩm này, nhiều nhà trí thức và nhiều thành phần hoạt động đã tạo nên một đạo Công Giáo tân trào. Những chủ trương về tư tưởng kitô giáo đó nằm trên địa bàn hoàn toàn triết lý, được Blondel trích đăng trong một văn kiện xuất bản vào năm 1896 mệnh danh là “Bức thư liên quan đến các yêu sách của tư tưởng đương thời trong lãnh vực biện giáo” (Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d'apologétique). Ðến sau, các môn đồ của ông, trong đó có cha L. Laberthonnière, trích dẫn vào các tác phẩm của họ. Thái độ miệt thị quá đáng của các môn đồ Blondel đối với khoa kinh viện và sự quan tâm “đi đến sự thật với tất cả tâm hồn” đôi khi đã làm cho họ bỏ quên những khái niệm minh bạch và những lý luận chặt chẽ đúng thể thức. Nhưng họ đã có công đưa vấn đề đức tin vào môi trường cụ thể và tôn giáo, làm nổi bật tầm quan trọng của ý muốn trong đời sống tâm linh và gợi sự chú ý đến vài loại tư tưởng không dựa trên lý luận đã bị phái kinh viện đương thời bỏ qua, đang khi chúng rất quan trọng trong lãnh vực tìm hiểu tôn giáo.
Triết học chỉ là một trong nhiều lãnh vực mà tín đồ công giáo bị đặt trong tình trạng thấp kém rõ rệt vào thời đại đức Léon XIII. Hai lãnh vực khác đặc biệt tế nhị trong tình hình trí thức đương thời là khoa học tự nhiên và lịch sử.
Môn khoa học tự nhiên muốn xét lại vấn đề giá trị của lịch sử tạo dựng trong sách Sáng Thế và đặt nhà thần học trước thuyết biến hóa. Có một sự cố gắng đáng kể để sự hiện diện của công giáo được đông đảo hơn trong các giới khoa học. Do sáng kiến của một tu sĩ Dòng Tên người Bỉ, cha Carbonelle, một bước đầu được thực hiện với sự thành lập Hội khoa học Bruxelles năm 1875, nhằm quy tụ các nhà bác học công giáo trên hoàn cầu. Hội sớm có một cơ quan ngôn luận là tờ “Các vấn đề khoa học” (1877). Mười năm sau, một vài người Pháp, như kinh sĩ Duilhé de Saint Projet, tác giả văn kiện “Lời biện hộ khoa học cho Kitô giáo” (1885) được sự tán trợ của đức cha Hulst, viện trưởng Học viện công giáo Paris, và nhà địa chất học danh tiếng, A. de Lapparent, đã hoàn thành một dự án đầy cao vọng: thường xuyên triệu tập các đại hội quốc tế để quy tụ những người công giáo thiết tha với nền khoa học trong mối liên hệ với tôn giáo. Sáng kiến này không nguyên phải chạm trán với những lời châm biếm cay chua của nhiều người ngoại giáo vì họ không tin rằng một người có thể vừa là một nhà bác học đứng đắn vừa là một tín đồ công giáo tốt (10), mà còn phải đương đầu với sự hồ nghi của làng báo chí thiên Ðộc tôn La mã và của một vài giáo sĩ. Những người này sợ rằng những nhà bác học, phần đông là giáo dân, có thể muốn hành động như một Công Ðồng và dám quyết định những vấn đề thuộc Quyền Giáo Huấn của Tòa Thánh. Nhưng đức cha Hulst, linh hồn của công trình đó, đã đệ lên Tòa Thánh tất cả phương án và được đức giáo hoàng chấp nhận dễ dàng. Ðại hội đầu tiên được triệu tập tại Paris vào năm 1888 và tiếp theo đó, bốn đại hội khác đã được triệu tập trong khoảng mười năm sau (11). Những đại hội khoa học quốc tế công giáo đem lại hai lợi ích: khuyến khích giáo dân chú tâm đến nền khoa học trên thế giới, đồng thời tạo cơ hội cho họ đối chiếu quan điểm của khoa học và tôn giáo trong một bầu không khí đầy khích lệ. Từ đầu đến cuối mỗi đại hội, thuyết biến hóa luôn luôn là một đề tài thảo luận tế nhị và khó khăn vì rằng Tòa Thánh còn rất dè dặt trong nhiều năm nữa (12).
Giữa những biến chuyển não trạng và những tiến bộ đã thực hiện, thì quan trọng hơn cả là công trình áp dụng các phương pháp sử học vào việc nghiên cứu Thánh Kinh, tìm hiểu các văn bản của Giáo phụ và truy tầm lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, theo sự nhận định rất hữu lý của H.I.Marrou, thì “người công giáo đương thời có công khởi xướng một vấn đề quan trọng, nhưng không thể nói rằng họ đã tìm ra được một giải pháp trọn vẹn”. Vì lẽ ngay đầu triều đại của đức Léon XIII đã có một cơn khủng hoảng canh tân, và phải đợi cho đến khi cơn khủng hoảng này chấm dứt, khoa phương pháp học về thần học mới có thể hòa nhập với quan điểm của hồng y Newman liên quan đến sự phát triển và mới dần dần thấy xuất hiện quy điều của khoa thần học thực nghiệm hay lịch sử. Trước thềm thế kỷ XX, Billot nói: “Các tín điều không có lịch sử”. Nhưng sau đó, nhờ những người tiên phong như các cha Ðaminh Pháp, Lemonnyer và Gardeil, các quy chế thần học thực chứng hay lịch sử dần dần xuất hiện.
Trong suốt hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, vai trò đức Léon XIII đối với sự biến chuyển của vấn đề này, tuy không có tính cách quyết định như đối với việc phục hưng học thuyết thánh Thomas, nhưng rất xác thực và rõ ràng. Từ đầu triều đại, việc ngài mở rộng cửa văn khố của Tòa Thánh vào năm 1880 cho các sử gia thuộc mọi tôn giáo, đã cụ thể hóa một sự thay đổi não trạng như được diễn tả rõ ràng trong đoản sắc ngày 18-8-1883. Trong đoản sắc này, bên cạnh các mối quan tâm về biện giáo mà ngày nay có vẻ lỗi thời, đức giáo hoàng nhắc nhở giáo dân về quy tắc quý báu của sử gia: “Quy tắc thứ nhất là không được nói dối và quy tắc thứ hai là không sợ nói tất cả sự thật”. Vào năm 1892, ngài còn nói với đức cha Hulst: “Có những người nóng nẩy muốn thúc đẩy Tòa Thánh tuyên bố dứt khoát về những vấn đề còn ở trong vòng nghi vấn. Tôi đã chống đối và ngăn chận họ, vì rằng không nên cản trở công việc của các nhà bác học. Phải để cho họ tùy tiện do dự và ngay cả lầm lẫn nữa. Ðiều này chỉ có thể có lợi cho chân lý tôn giáo” (13). Ðó không phải là những lời nói suông. Trong phạm vi này, công trạng của đức Léon XIII là khuyến khích các nhà bác học hoạt động một cách nghiêm chỉnh để phụng sự chân lý; là chống lại áp lực của các thành phần nhát sợ, ngay cả của những người bảo thủ đông đảo thuộc Dòng Tên, tụ tập xung quanh hồng y C. Mazzella, Giám quản Bộ khảo cứu và các sách bị cấm. Vào năm 1855 họ đã gây được một vài ảnh hưởng. Ðể chứng tỏ điều này, chỉ cần nêu lên bức thư gửi các tu sĩ dòng Phanxicô đề ngày 25-11-1898 và bức thông điệp gửi hàng giáo sĩ Pháp ra ngày 8-9-1899 để cảnh cáo họ về lối phê phán khắt khe khoa thần học và khoa chú giải Thánh Kinh.
Tại các quốc gia nói tiếng Ðức, mặc dầu có sự giao động phát xuất từ tình trạng chia rẽ của các tín đồ cựu Thiên Chúa Giáo, một công việc đứng đắn đang âm thầm tiếp diễn. Chỉ cần so sánh văn kiện “Geschichte des Deutschen Volkes seit dem Ausgang des Mittelalters” (Lịch sử của dân tộc Ðức sau thời đại Trung Cổ) của J. Janssen (1876), vẫn còn vướng mắc với những thành kiến biện giáo chống Tin Lành, với tài liệu nổi danh của người môn đồ ông là Von Pastor, cuốn (14) “Geschichte der Papste” (1886) (Lịch sử các giáo hoàng). Ðây là một công trình uyên bác quý giá tuy có xu hướng bảo thủ quá khích, cuối cùng cũng được giới đại học chấp nhận, mặc dầu giới này còn có các thành kiến dai dẳng bài công giáo. Sách này cũng được sự tán đồng rõ rệt của Luther như S. Merkle (15) trình bày trong văn kiện “Reformations geschichtlich Streitfragen” (1904) với những tư tưởng rất độc lập. Chúng đã gây phẩn nộ trong giới bảo thủ quá khích mà Pastor, lớn hơn ông mười mấy tuổi, vẫn còn giữ những giây liên hệ mật thiết. Trong địa hạt văn chương kitô giáo cổ xưa, bộ sưu tập các “Texte und Untersuchungen” lần đầu tiên vào năm 1901, đón nhận sự cộng tác của một tín đồ công giáo tại Berlin (16). Năm sau, O. Bardenhewer xuất bản tập thứ nhất của tài liệu “Geschichte der altkirchliche Literatur” (Lịch sử của văn hóa tôn giáo). Ðây là một lãnh vực từ trước đến nay chỉ dành cho tín đồ tin lành; trong khi đó Fr. Ehrhard bắt đầu được giới bác học chú ý đến. Một số người công giáo khác đã xuất hiện như những người đi tiên phong ở một vài địa hạt. Chẳng hạn như F.X. Kraus (17) với công trình tổng kê có hệ thống những tài nguyên khảo cổ và nghệ thuật của miền Alsace-Lorraine (1876-1892) và việc sáng lập cuốn “Bách khoa toàn thư cận đại của thời Thượng Cổ Kitô giáo” (Real enzyklopadie der christlichen Altertumer) (1880-1886); cha W. Schmidt với tờ tạp chí “Anthropos”, xuất bản năm 1906, sẽ là cơ quan ngôn luận chính thức của phân khoa nhân chủng học tôn giáo. Ít lâu sau, J. Schmidlin khai trương lớp dạy đầu tiên về khoa truyền giáo của công giáo và xuất bản tờ báo “Leischriff fur Missionwissenschaft” (1911). Nhiều sáng kiến rất có ý nghĩa được thực hiện dưới sự bảo trợ của Hội “Goerresge-sellschaft” (thiết lập vào năm 1876): chẳng hạn việc phát hành tạp chí “Historisches Jahrbuch” (1879) (Niên giám lịch sử) và tạp chí tam cá nguyệt Roma “Romische Quartalschrift” (1887), tạp chí của hai học viện ở Rôma (1888) và ở Jérusalem (1908), cũng như việc đề khởi cuốn tự điển “taatslexikon” (1887-1896) và nhất là Bộ sưu tập các văn kiện của Công Ðồng Trente với tập thứ nhất xuất bản vào năm 1901. Việc sáng lập tạp chí về Thần học “Theologische Revue” do Diekamp khởi xướng vào năm 1902 với sự cộng tác của hàng trăm giáo sư đại học, cũng là một dấu chỉ của sự thức tỉnh trong nền khoa học công giáo Ðức sau cơn khủng hoảng của những năm 1870-1880.
Tại Ý, tình trạng ít khả quan hơn, và không nên có một nhận định sai lầm về việc thành lập bộ sưu tập nổi danh “Studi e testi” vào năm 1900, bởi lẽ các danh nhân ở Roma trong lãnh vực khảo cứu lịch sử vào thời đó đều là người ngoại quốc: Hergenrother, Denifle, Grisar, Pastor, Duchesne. Ðàng khác, sự đóng góp của người Ý trong địa hạt chú giải Thánh Kinh và thần học thực nghiệm không hề vượt ra khỏi phạm vi phổ biến khoa học (18). Còn phải nói thêm: ngay trong giới đại học chính thức cũng không có hoàn cảnh thuận lợi (có một trường hợp đặc biệt là nhà Ðông phương học I. Guidi là một tín đồ công giáo). Mãi vào những năm cuối cùng của triều đại Ðức Léon XIII mới thấy có sự thức tỉnh. Bằng chứng là bên cạnh một vài công trình nghiên cứu địa phương rất uyên thâm, đặc biệt là công trình của đức cha F. Lanzoni (19), phải kể đến việc sáng lập tờ tạp chí “Bessarione” (1896) do đức cha Marini, tờ “Studi religiosi” (1900) do S. Minocchi và G. Semeria, và việc sáng lập Hội “Societa internazionale di studi francescani”(1902). Nhưng cơn khủng hoảng canh tân đã bóp nghẹt những dự ước đó trong suốt hơn một thế hệ.
Trái lại tại Pháp và Bỉ, tình trạng rất sôi động trong các năm 80. Ngoài sự canh tân việc nghiên cứu Thánh Kinh, cần nêu rõ các hoạt động của đức cha L. Duchesne (20). Ngài không những là người thông thái, xuất bản cuốn “Liber pontificalis” (1886-92), ngài còn bài xích các câu chuyện hoang đường liên quan đến nguồn gốc của các giáo phận cổ thời tại Pháp. Công trình khảo cứu có hệ thống khởi sự từ 1881 đã đưa đến việc phát hành ba cuốn “Lịch sử hàng giám mục” (Fastes épiscopaux) vào những năm 1894, 1900 và 1915. Ngài cũng là tác giả xuất sắc của cuốn “Lịch sử cổ sơ của Giáo Hội” (1906-1910), là người đào luyện một nhóm nghiên cứu trẻ tuổi sau này trở nên các bậc thầy, như trường hợp P. Batiffol (21). Trong 20 năm là chủ nhiệm tờ “Kỷ yếu bình luận”(Bulletin critique), mà mục tiêu chính là “Thanh lọc bầu không khí khoa học của các giới công giáo đương thời” (Marrou) và dùng lối phê bình sử học để thay thế những lời thuyết giáo hùng hồn hay những lý luận xu thời của những người sùng đạo thiếu hiểu biết. Tiếp theo sau, chúng ta cần nêu lên việc môn sinh của đức cha L. Duchesne là A. Loisy thành lập tờ “Tạp chí Sử học và Văn chương tôn giáo” (Revus d'histoire et de littérature religieuses) vào năm 1896. Trong tập san này, ngoài những vấn đề về Thánh Kinh, phần lớn đề cập đến triết lý tôn giáo của thời cổ sơ, lịch sử nguồn gốc Kitô giáo và giáo phụ học. Trong năm đó, còn có việc cải tổ tờ tạp chí “Kitô giáo Ðông Phương”. Một năm sau, L. Petit, thuộc dòng Assomptioniste ra mắt tờ “Tiếng vang của Phương Ðông”, sau trở thành tờ tạp chí đầu tiên của Pháp liên quan đến khoa khảo cứu về lịch sử và văn hóa thành Bysance. Chúng ta không quên sự đổi mới nhân sự của nhóm Bollandista, trước tiên dưới sự điều động của cha Ch. de Smedt: năm 1882, ngài lập ra tờ báo “Analecta bollandiana” (Phần còn lại của nhóm Bollandista) chóng nổi danh trong giới bác học không phân biệt tôn giáo, rồi sau đó dưới sự điều động của cha H. Delehaye, tác phẩm khảo luận có hệ thống về “Những huyền thoại trong đời sống các thánh”ra đời năm 1905. Cuốn sách gây phẩn nộ trong giới bảo thủ cực đoan, nhưng sau đó đã trở thành một tài liệu giáo khoa. Vào năm 1900, tại Louvain, tờ “Tạp chí về lịch sử Giáo Hội” ra đời, do các giáo sư Cauchie và Ladeuze chủ trương. Họ có quan niệm sâu sắc về lịch sử, đã nêu bật nhiều công trình khảo cứu của phân khoa Thần Học và đã quy tụ thành một trường phái có xu hướng cấp tiến nhưng thận trọng và rất chú tâm chọn lọc các ý tưởng có giá trị trong các tác phẩm của những tác giả ngoài công giáo, đặc biệt ở Ðức và Anh. Cũng vào năm 1900, phải nói đến công trình phát hành cuốn “Tự điển Thần Học Công Giáo”, tiếp theo là cuốn “Tự điển về khảo cổ học kitô giáo và phụng vụ” và cuốn “Tự điển về lịch sử và địa dư của Giáo Hội”. Ngoài ra phải nêu lên nhiều bộ sưu tập, chẳng hạn các sưu tập có tính cách uyên bác như tập “Tư liệu liên quan đến việc giáo huấn về lịch sử Giáo Hội” (1896), hai bộ sưu tập về Giáo phụ học Ðông phương của Chabot, Graffin và Nau vào năm 1903, hoặc bộ “Tư liệu về thần học lịch sử” (1904), rồi các bộ sưu tập khác có tính cách phổ biến khoa học, chẳng hạn như bộ sưu tập về “Các Thánh” (bắt đầu từ 1897) hoặc bộ “Tư tưởng kitô giáo” (1904). Một điều không thể chối cãi là với sự bột phát của các ấn phẩm, không thể nói rằng tất cả đều có giá trị như nhau. Nhiều tác phẩm ngày nay đã trở nên lỗi thời. Nhưng tất cả đều có công là chỉ trong vòng vài năm, đã có thể truyền thụ cho các giới công giáo tại các quốc gia La Tinh cách thức đặt vấn đề và những phương pháp khảo cứu mà từ trước đến nay họ không hề biết đến. Nhưng mặt khác, các văn kiện này nhiều khi đã khơi động sự ngờ vực của những người đang coi việc áp dụng các phương pháp phê bình như là một lối nhượng bộ nguy hiểm đối với chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa duy lý. Sự đối lập giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến biểu lộ sôi nổi trong một lãnh vực cực kỳ tế nhị của đức tin kitô giáo, lãnh vực các khoa học Thánh Kinh.
Xu hướng cực kỳ bảo thủ tồn tại khá lâu trong địa hạt chú giải công giáo, bằng chứng là văn kiện “Cursus Scripturae Sacrae” (Lộ trình của Thánh Kinh) được phát hành từ năm 1886 dưới sự điều khiển của ba giáo sĩ Dòng Tên người Ðức là các cha Cornely, Krabenbauer và Von Hummelauer. Nhưng vào khoảng cuối thập niên 80, dưới ảnh hưởng của các cuộc khám phá càng ngày càng nhiều trong lãnh vực khảo cổ và sử học, thật khó mà loại bỏ tất cả các kết quả thu lượm được cũng như các công trình thực hiện từ nửa thế kỷ tại các trường đại học tin lành, nên một sự biến chuyển rõ rệt dần dần ló dạng. Giới bảo thủ bắt đầu bỏ rơi những thành kiến khó có thể duy trì, hay đôi khi, như cha Von Hummelauer, đề nghị một vài nguyên tắc cho một giải pháp cởi mở hơn. Nhưng nói chung thì đa số vẫn tiếp tục bài bác lối chú giải bình luận vì họ xem đó là đã bị các thành kiến duy lý làm hỏng ngay từ căn bản. Cuốn “Tự điển Thánh kinh” của Vigouroux (1891-1912) cũng còn theo chiều hướng đó mặc dầu có tính cách uyên bác. Nhưng trái lại, một số khác ngày càng đông lại cho rằng đối với các sách Thánh phải áp dụng những nguyên tắc của phương pháp phê phán lịch sử và vì vậy phải thay đổi “chiến tuyến” cổ truyền trong những cuộc tranh luận giữa những nhà chú giải có đức tin và những người theo duy lý luận. Muốn như vậy, trong việc phê phán lịch sử hiện đại, phải phân biệt: một bên là các thành quả thu lượm được trong lãnh vực văn hóa và lịch sử, thông thường có thể chấp nhận được hay ít ra cũng có thể đem ra thảo luận; bên kia là một sự nhận thức về lịch sử Israel và về nguồn gốc của kitô giáo nhưng nhất quyết bỏ ra ngoài quan điểm siêu nhiên. Chính trong viễn ảnh mới mẻ đó mà một môn sinh của đức cha Duchesne là A. Loisy đã khởi sự vào năm 1883 việc bình luận bản Cựu Ước tại Học Viện Công Giáo Paris; và A.Van Hoonacker khai giảng tại Louvain một lớp dạy về “Lịch sử bình luận của Cựu Ước” vào năm 1889, và giáo sĩ dòng Ða Minh M. J. Lagrange, sau khi được khai tâm về các ngôn ngữ Ðông phương tại Vienne, đã sáng lập vào năm 1890 tại Jérusalem, “Trường thực hành việc khảo cứu Thánh Kinh”. Hai năm sau, Lagrange ra mắt tờ ”Tạp chí Kinh Thánh”, là một trung tâm quốc tế rất linh động của các công cuộc khảo cứu về khoa chú giải, những công trình khảo cứu vừa có tính cách cấp tiến vừa chú trọng đến những dữ kiện thần học. Nhưng những quan điểm táo bạo liên hệ đến những chương đầu của “Sách Sáng Thế” và đến bản chất thần hứng của các sách Thánh, đã gây nên những lời công kích dữ dội của một vài tu sĩ Dòng Tên. Cũng vào năm 1892, sự ra đời của tờ tạp chí phổ thông mệnh danh là “Giáo Huấn Thánh Kinh” do Loisy chủ trương nhằm nối tiếp giảng đàn của Ngài, còn chịu những lời kích bác còn gay gắt hơn nữa. Cũng chính để bênh vực giáo sư của mình mà đức cha Hulst cho đăng tải trên tờ tạp chí “Thư tín” ngày 25-1-1893, một bài về “Vấn đề Kinh Thánh”, nhưng trên thực tế, hành động này còn gây tác hại cho người chú giải trẻ tuổi nhiều hơn: ông bị chính các giám mục bảo trợ cách chức, không cho giảng dạy ở Học Viện Công Giáo nữa.
Từ lâu đức Léon XIII vẫn theo dõi những cuộc tranh luận giữa các nhà chú giải công giáo, liền nắm lấy cơ hội này để chính thức đưa ra một vài lời chỉ giáo. Thông điệp “Providentissimus” ngày 18-11-1893 (22), phần lớn do cha Cornely Dòng Tên soạn thảo, được nhiều giới, phía hữu cũng như phía tả, giải thích như một sự chối bỏ khoa chú giải mới. Thật vậy, thông điệp minh bạch chống đối khuynh hướng chủ trương tính linh ứng hay ít nhất là tính vô ngộ của Thánh Kinh chỉ hạn chế trong lãnh vực các chân lý tôn giáo và đạo đức mà thôi. Tuy nhiên việc nhắc nhở các nguyên tắc này không phải là một lời buộc tội. Thông điệp chỉ muốn khuyến khích tiến đến một công cuộc nghiên cứu phù hợp hơn với các nhu cầu của thời đại và được chuẩn bị nghiêm túc nhờ sự hiểu biết sâu rộng các ngôn ngữ Ðông phương và “nghệ thuật phê bình” mà luôn thận trọng tránh phê phán quá lố. Hơn nữa, thông điệp còn nhìn nhận rằng nhà chú giải công giáo không hoàn toàn bị ràng buộc bởi các lối giải thích của các giáo phụ thường hay phản ảnh quan niệm của thời đại các ngài. Ở nhiều điểm, thông điệp phác họa những nguyên tắc đáng lưu ý để giải quyết một số vấn đề, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến các tiến bộ của khoa học tự nhiên. Thánh Kinh không chủ trương đưa ra những lời giải thích khoa học mà chỉ miêu tả các sự vật “theo như dạng bên ngoài”, và cho hiểu một cách mơ hồ rằng: một vài sự tích lịch sử có thể được giải thích trong một viễn ảnh tương tự, nếu đem đối chiếu với quan niệm về nền văn học lịch sử tại Ðông Phương. Nếu lùi lại ba phần tư thế kỷ thì thông điệp có vẻ như quá dè dặt. Nhưng phải nhìn nhận rằng đây là một công trình đi tiên phong, chắc chắn là thông điệp không ngăn cản những công trình khảo cứu sau này của người công giáo trong lãnh vực Thánh Kinh, trái lại chúng đã phát triển mạnh mẽ trong mười năm kế tiếp. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ điển hình: những lời phát biểu đáng lưu ý của các nhà chú giải tại các kỳ đại hội khoa học quốc tế của người công giáo. Việc phát hành bộ sưu tập “Biblische Studieu” (Nghiên cứu Thánh Kinh) tại Ðức vào năm 1895 và nhất là việc ra đời vào năm 1903 của tờ “Biblische Leitschrift” do J. Gottsberger và I. Sickenberger chủ trương theo một xu hướng như tờ tạp chí Thánh Kinh “Revue biblique”. Việc xuất bản tại Louvain, những ấn phẩm của giáo sư Van Hoonacker và của môn đệ ông là H. Poels hay của người đồng nghiệp trẻ tuổi của ông là P. Ladeuze, với những tư tưởng đôi khi đi trước các quan điểm về phương pháp học của Trường Phái “Formgeschichte”. Việc phát hành vào năm 1902, bộ sưu tập khảo cứu Thánh Kinh “Etudes bibliques” do cha Lagrange khởi xướng; việc đón tiếp nồng hậu của nhiều giới công giáo đối với cuốn “Phương pháp sử học đặc biệt về Cựu Ước” (1903) cũng của cha Lagrange trong đó trình bày rõ ràng những nguyên tắc mà sau này Học Viện Thánh Kinh ở Jérusalem tham chiếu rất nhiều.
Bầu khí “trăm hoa đua nở” như trên càng khiến người ta quan tâm đến những ác cảm dai dẳng của các thành phần bảo thủ đối với các nhà chú giải muốn bước ra khỏi các con đường mòn. Không biết phân biệt giữa một sự tiến bộ chính đáng và cần thiết với sự táo bạo của một vài nhân vật (như Loisy và phe nhóm), họ gia tăng những lời tố cáo trước giáo quyền Roma. Tại đây có nhiều người sẵn lòng nghe họ nhất là những người kế cận hồng y Dòng Tên Mazzella (23). Vào năm 1897, việc công bố sắc lệnh của Thánh Bộ Ðức Tin về sự xác thực của “Ðoạn ghi chú Gioan” (Comma johanneum) muốn nhân danh giáo quyền, quyết định về một vấn đề liên quan đến việc phê phán bản văn, là một thí dụ điển hình của tinh thần còn đang ngự trị ở một vài giới tại Roma. Tuy nhiên cái chết của đức Mazzella vào năm 1900 khiến tình trạng bớt căng thẳng. Bằng chứng là việc thành lập Ủy ban Thánh Kinh vào tháng 10-1902. Những ảnh hưởng đã dẫn dắt đức Léon XIII đến sự thành lập Ủy ban này, cũng như việc chọn lựa cha David Flaming làm tổng thư ký, danh sách 41 vị cố vấn phần nhiều được chọn trong số các nhà chú giải cấp tiến, dự án tiên khởi muốn chọn tờ “Tạp chí Thánh Kinh” làm cơ quan ngôn luận của Ủy ban, điều lệ của Ủy ban v.v. (24). Tất cả những sự kiện nói trên chứng tỏ minh bạch rằng sáng kiến này có tính cách xây dựng hơn là trừng phạt. Nhưng một cuộc phản công của nhóm bảo thủ đã làm thay đổi hướng đi của Ủy ban, và sự tranh biện xung quanh những ấn phẩm quá táo bạo của Loisy, đồng thời người kế vị đức Léon XIII là vị giáo hoàng ít quan tâm đến việc đón nhận những nguyện vọng canh tân, tất cả đã làm phương hại không ít đến hoàn cảnh đương thời, nhất là trong lãnh vực khảo cứu Thánh Kinh.