CHƯƠNG VIII
NHỮNG BƯỚC KHỞI ÐẦU CỦA
PHONG TRÀO CÔNG GIÁO XÃ HỘI.
CHƯƠNG VIII
NHỮNG BƯỚC KHỞI ÐẦU CỦA
PHONG TRÀO CÔNG GIÁO XÃ HỘI.
Quá nửa thế kỷ trôi qua giữa năm 1848 tức là năm Karl Marx cho ra đời bản “Tuyên ngôn cộng Sản” và năm 1891, năm đức Léon XIII công bố thông điệp “Rerum novarum” (Tân Sự). Người ta thường đối chiếu hai năm đó để nhấn mạnh đến sự chậm trễ của Giáo Hội trong việc nhận thức được vấn đề thợ thuyền. Tuy nhiên sự thật không hẳn minh bạch như vậy, cho dầu không thể chối cãi là trong lãnh vực này Giáo Hội đã để cho chủ nghĩa xã hội vượt xa. Năm 1864, Marx đã thành công trong việc sáng lập Hội liên hiệp quốc tế lao động đầu tiên và thúc đẩy sự nỗi dậy của giới vô sản công nghiệp. Trong khi đó, cho đến cuối thế kỷ, đa số giáo dân và giáo quyền không thấy cần phải có “những cải tổ cơ cấu” và cho rằng những cố gắng nhằm sửa đổi cơ chế của tình trạng thợ thuyền rất là nguy hiểm. Không hẳn là vì ích kỷ hay vì thiếu hiểu biết hoàn cảnh thật sự của giới lao động, nhưng là vì không thấy rõ những vấn đề hiện đại do cuộc cách mạng công nghiệp tạo nên. Nhưng vấn đề không quá đơn giản như vậy, vì rằng có một thiểu số giáo dân, linh mục và giám mục sáng suốt hơn đã sớm có những mối bận tâm về xã hội và nhận định rằng vấn đề thợ thuyền phải được đặt ra không phải chỉ trên bình diện bác ái mà còn cả trên bình diện công bình nữa.
Tuy nhiên cần phải lưu ý đến các nỗ lực đã chuẩn bị việc soạn thảo thông điệp “Rerum novarum”. Trái với điều mà người ta vẫn tưởng, không phải ở trong các thành phần có cảm tình với chế độ dân chủ (như các tín hữu công giáo tự do ở Pháp và Bỉ, những người transigenti ở Ý mà đã tìm thấy các người công giáo xã hội của cuối triều đại đức Pie IX và đầu triều đại đức Léon XIII, trái lại phải đi tìm họ trong những phần tử cương quyết chống đối chủ nghĩa tự do. Lúc đầu họ bị coi như những “người phản động” và họ phản động về nhiều phương diện. Mới nhìn qua, hiện tượng này có thể gây ngỡ ngàng, nhưng nếu xét kỹ hơn thì cũng dễ hiểu. Trước tiên, rất nhiều người đi tiên phong trong phong trào công giáo xã hội, xuất phát từ hàng quý tộc địa chủ ít hoạt động trong lãnh vực kinh doanh như các người công giáo tự do, nên cố nhiên ít lưu tâm đến “định luật sắt đá” của sự cạnh tranh. Những người công giáo xã hội trong những năm 1860-1890 nhận thức rằng hoạt động xã hội là một phương tiện hữu hiệu để thu phục quần chúng về phe mình trong cuộc đấu tranh chống chính sách đầu sỏ bài giáo sĩ của giới tư sản. Họ chán ghét giới này vì hai lý do: vì bài giáo sĩ và vì muốn dùng thế lực đồng tiền để thay thế các quyền lực xã hội cũ. Thế mới hiểu vì sao những người công giáo xã hội lại luyến tiếc muốn trở về cái chế độ phụ hệ và nghiệp đoàn thời trước hơn là thích ứng vào tinh thần mới do cuộc cách mạng kỹ nghệ gây nên.
Mối tương quan giữa chủ trương chống tự do và các mối quan tâm xã hội bắt đầu xuất hiện trong tạp chí “Civilta Cattolica” trong đó cha Taparelli khẳng định vào năm 1852 rằng: những nghiệp đoàn bị cách mạng Pháp hủy bỏ, thuộc về quyền tự nhiên của con người. Và đức Pie IX trong thông điệp “Quanta Cura” cũng dành một đoạn để tố cáo ảo tưởng của xã hội chủ nghĩa muốn dùng Nhà Nước thay thế Thiên Chúa Quan Phòng, và tính cách phi tôn giáo của chủ nghĩa tự do kinh tế muốn loại bỏ luân lý ra khỏi mối liên hệ giữa tư bản và lao động.
Những tư tưởng này gợi ý cho một số đông người đứng ra cổ võ “phong trào công giáo Ý”, nhưng vì nền kỹ nghệ quốc gia còn phôi thai, nên mối quan tâm trước tiên là tình cảnh thê thảm của đám nông dân. Dưới sự điều động của tổ chức “Opera dei Congressi” với các người nhất quyết chống đối chính thể tự do, người ta thấy xuất hiện kể từ đại hội ở Bergame năm 1877, cả một hệ thống công tác có tính cách kinh tế và xã hội nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là ở miền Bắc bán đảo, là nơi việc truyền bá chủ nghĩa xã hội bắt đầu có kết quả. Sự khởi thảo một “thuyết xã hội học” tại Ý, với người đại diện chính là giáo sư G. Toniolo, cũng phát xuất từ tổ chức “Opera dei Congressi”, trong đó người ta nhấn mạnh đến các yêu sách luân lý và tôn giáo khi đem đối chiếu với các lợi ích vật chất. Phong trào xã hội này thành hình tại Ý vào tiền bán triều đại của đức Léon XIII, và được nhóm sử gia trẻ tuổi làm sống lại sau hai mươi năm lãng quên, cũng chỉ có một tác động rất hạn chế. Trước tiên là vì họ chỉ bắt chước một cách dè dặt những điều đã được thực hiện tại các nước láng giềng, sau nữa vì chịu ảnh hưởng của giới lãnh đạo tổ chức “Opera dei Congressi” là phong trào không chấp nhận quan niệm: chính thể dân chủ là điều kiện cần thiết để việc cải tổ xã hội có giá trị thực thụ.
Phong trào công giáo xã hội ở Pháp, mặc dầu đặc sắc hơn về phương diện học thuyết cũng gặp nhiều hạn chế trong một thời gian khá lâu. Dưới Ðệ Nhị Ðế Chế, các lý thuyết của Le Play (1) phối hợp với sự giải thích hẹp hòi thông điệp “Syllabus” đã gợi ý cho một số ít người quan tâm đến tình trạng nghèo khổ của thợ thuyền và hướng họ về học thuyết “chống cách mạng” không chấp nhận các nhân quyền cũng như sự bình đẳng dân chủ. Sau cơn bão tố của công xã, người ta thoáng thấy có một sự tiến bộ. Nhưng cho đến khi thông điệp “Rerum Novarum” ra đời, những dữ kiện căn bản của vấn đề không hề thay đổi. Không tìm thấy ở đâu quan điểm là phải để cho thợ thuyền chịu trách nhiệm về những công trình xã hội đã được tạo dựng vì lợi ích của họ. Và ngay lúc đó, phong trào thợ thuyền tại Pháp cũng như trên toàn cõi Âu Châu lại bành trướng theo một chiều hướng ngày càng trái ngược với chính sách gia trưởng. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu giới lao động tỏ ra dè dặt đối với các sáng kiến của nhóm công giáo xã hội, những sáng kiến này không được các phần tử ưu tú của giới thợ thuyền lưu tâm đến bao nhiêu. Ðó là trường hợp của tổ chức “Hoạt động của các câu lạc bộ thợ thuyền công giáo” do một sĩ quan trẻ tuổi là Albert de Mun thành lập vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1871. Ðượm một màu sắc chống đối tinh thần cách mạng 1789 và vì nuối tiếc trật tự xã hội của những kỷ nguyên trước, tổ chức này xuất hiện như một cơ sở phản cách mạng. Trên thực tế, những mối bận tâm về xã hội của nhóm Albert de Mun đã khiến họ đi trước phần đông các thủ lãnh cộng hòa đương thời. Bề ngoài có vẻ thất bại. Nhưng những “Câu lạc bộ công giáo” đã gây ảnh hưởng sâu đậm đến phong trào xã hội kitô giáo ở Pháp, nhờ ở sự tuyên truyền rộng rãi các thực hiện cụ thể của người chủ nhân mẫu mực theo Kitô giáo là Léon Harmel cũng như chương trình giáo thuyết của “Hội đồng nghiên cứu” do René de la Tour du Pin phụ trách.
Các nhà xã hội học và thần học này hoạt động tích cực vào khoảng năm 1880 và thường nhóm họp để soạn thảo chương trình hành động nhằm phục hưng một xã hội kitô giáo dựa trên căn bản nghiệp đoàn. Một điều gây ngạc nhiên là quan điểm của nhóm này rất gần với một vài tư tưởng của phái xã hội chủ nghĩa, liên quan đến sự giới hạn quyền tư hữu và sự can thiệp của quốc gia vào đời sống kinh tế. Những tư tưởng táo bạo này đã gặp sự phản đối kịch liệt của nhóm công giáo xã hội mang danh hiệu là “Trường Phái Angers” vì được đặt dưới sự bảo trợ của đức cha Freppel, hoặc là ”Trường Phái Bỉ” vì được đặt dưới sự chỉ huy của một giáo sư kinh tế học nổi tiếng của đại học Louvain là Charles Périn (2) mà tác phẩm “Sự giàu có trong các xã hội kitô giáo” (1861) được dịch ra nhiều thứ tiếng ở Âu Châu. Là người nhiệt thành ủng hộ cuộc tranh đấu chống chủ nghĩa tự do trên lãnh vực tư tưởng và chính trị, giáo sư này hùng hồn tố cáo sự bóc lột của giai cấp tư sản mới đối với thợ thuyền và chủ trương rằng những quy luật đạo đức phải chi phối đời sống kinh tế. Nhưng ông lại phủ nhận quyền can thiệp của quốc gia vào địa hạt đó và chủ trương mọi giải pháp cho vấn đề xã hội phải xuất phát từ sáng kiến của tư nhân và sự tiến bộ về tinh thần kitô giáo nơi người chủ.
Các tư tưởng trên rất được tín đồ công giáo Bỉ ủng hộ vì bênh vực quyền tín ngưỡng của họ. Những người này đã hô hào tự do và không muốn tán trợ khuynh hướng quốc quyền của các đối thủ (3). Những quan điểm đó được phổ biến tại Pháp do tờ “Tạp chí công giáo về các định chế và luật pháp” là cơ quan ngôn luận của hội luật gia công giáo, và được đem ra thực hành bởi một số kỹ nghệ gia công giáo miền Bắc. Vào năm 1884, do sáng kiến của P. Féron-Vrau, nhóm kỹ nghệ gia này tập họp thành một hiệp hội rất tích cực trên lãnh vực thực hiện cụ thể, nhưng lại có xu hướng gia trưởng và tỏ thái độ hồ nghi đối với Nhà Nước mà họ chỉ nhìn thấy dưới khía cạnh một Nhà Nước thuộc đảng Jacobin, một đảng áp bức Giáo Hội.
Ðiều mâu thuẫn là tại Ðức quốc, với một tình trạng kỹ nghệ phát triển chậm trễ hơn, lại phát xuất phong trào xã hội công giáo thực tiễn nhất, thuận lợi cho một chính sách hạn chế tự do kinh tế do một nền pháp chế xã hội, lần đầu tiên tư tưởng đó được chính thức xuất hiện trong thông điệp của đức Léon XIII. Công giáo Ðức với đặc tính xã hội như vậy, không chịu tự giới hạn trong các công tác từ thiện, điều thường nhận thấy ở Pháp, đã giúp họ giữ được những giây liên lạc sâu xa với quần chúng và sau này sẽ tìm được tại đây sự ủng hộ nồng nhiệt khi phải đương đầu với giai cấp tư sản cực đoan. Thật ra thì cho đến năm 1870, mối bận tâm của đa số giáo dân Ðức là phục hưng nền thủ công nghiệp và tổ chức giới nông dân để có thể “đem Giáo Hội đến gần với dân chúng ngõ hầu đem dân chúng đến gần với Giáo Hội”, theo hiệu lệnh được ban ra vào năm 1848. Nhưng dần dần vấn đề thợ thuyền cũng được chú ý đến. Nhiều đoàn thể được thành lập, nhất là tại các vùng kỹ nghệ Rhénanie, không những nhằm bảo vệ các linh hồn và cưu mang cảnh lầm than (trước đây vốn là mối quan tâm hàng đầu), mà còn có mục đích tổ chức nghề nghiệp và cung hiến cho thợ thuyền một căn bản vững chắc ngõ hầu sửa đổi chế độ lao động.
Trong sự biến chuyển đó, đức cha Ketteler giám mục thành Mayence đóng một vai trò trọng yếu. Ngài nhìn thấy vấn đề thợ thuyền càng ngày càng xuất hiện trước mắt người công giáo Ðức như một hình thức sửa đổi định chế hơn là một công trình từ thiện. Người ta lầm tưởng khi coi Ngài như một người tiên phong của nền dân chủ kitô giáo. Thật ra khi lên tiếng chống đối sự áp bức đối với thành phần nghèo khổ, nạn nhân của chế độ xã hội đương thời, nhà qúy tộc miền Wesphalée đã nghĩ trước tiên đến sự quay về với hình thức xã hội được tổ chức theo đoàn thể như dưới Ðế Chế Ðức thời Trung Cổ. Tuy nhiên ảnh hưởng của Ngài đối với công giáo xã hội đương thời không phải là không đáng kể, nhất là qua tác phẩm “Die Arbeiterfrage und des Christentum” (1864) (Vấn đề người lao động và Kitô giáo), kết quả của 15 năm suy tư. Trong tác phẩm này, ngoài một vài cải cách cụ thể, Ngài cố gắng chứng minh rằng giải pháp cho vấn đề thợ thuyền phải tùy thuộc vào một nhận thức tổng quát về xã hội, một nhận thức đối chọi trực tiếp với cá nhân chủ nghĩa tự do cũng như với chủ trương độc tài của quốc gia trung ương tập quyền ngày nay. Trong tài liệu này, Ngài xuất hiện như một lý thuyết gia đầu tiên chủ trương tổ chức xã hội dựa trên căn bản đoàn thể. Trong hơn nửa thế kỷ, quan niệm này là nền tảng cho học thuyết xã hội công giáo, đối lập với lý tưởng cá nhân chủ nghĩa của thuyết tự do kinh tế và chế độ tập trung của chính phủ tân tiến. Ngài chủ xướng ra cơ cấu xã hội dựa trên nghiệp đoàn là nền tảng học thuyết xã hội kitô giáo trải qua nửa thế kỷ. Cơ cấu này đối lập với chính nghĩa cá nhân tự do kinh tế hơn là đối kháng với các vấn đề của chủ nghĩa xã hội.
Ðây cũng là trường hợp của trường phái Áo quốc duới sự điều động của nam tước K. Von Vogelsang. Nhà quý tộc gốc Ðức này, sau khi trở lại công giáo dưới ảnh hưởng của đức cha Ketteler, đã về sống ở Vienne từ năm 1864, trở nên chủ bút tờ báo “Vaterland” (Tổ Quốc), là cơ quan ngôn luận của giới quý tộc liên bang và địa chủ Áo, rất ác cảm với tổ chức đại ngân hàng và đại kỹ nghệ mới phát minh, phần nhiều ở dưới quyền kiểm soát của người Do Thái. Năm 1879, ông cho ra đời một tờ tạp chí rất nỗi tiếng “Monatschrift fur christlich sozialreform” (tạp chí dành cho sự cải tổ xã hội công giáo), trong đó, dựa theo tư tưởng của đức cha Ketteler, ông đả kích kịch liệt chế độ tư bản phát sinh từ cuộc cách mạng đến độ người ta gán cho ông danh hiệu là “đảng viên xã hội kitô giáo”. Ông tán đồng sự can thiệp của chính phủ để đem lại trật tự cho tình trạng hỗn loạn của cá nhân chủ nghĩa. Vogelsang được một nhóm công giáo trẻ tuổi Áo ủng hộ, như giáo sĩ Schindler, người sẽ nối nghiệp ông trong chức vụ thủ lãnh Học Phái xã hội Áo; như Lueger, thị trưởng tương lai của thành phố Vienne, nơi mà ông thực hiện được một công tác xã hội nỗi danh; và như ông hoàng Charles von Loewenstein, người đã tổ chức trong cơ sở của ông ở Haid từ 1883 đến 1888, những phiên họp các tín đồ kitô xã hội, từ nơi đây phát xuất ra các “thuyết Haid” nỗi tiếng. Ngày nay dưới mắt chúng ta, các thuyết đó có vẻ không thích hợp mấy với các biến đổi rộng lớn của xã hội kỹ nghệ, nhưng lại rất mới mẻ vào thời đó. Mặc dầu bị các giới cách mạng chống đối, và hàng giám mục phê bình, các thuyết trên đây được phổ biến ra nước ngoài nhờ tạp chí quốc tế “Correspondance de Genève” (Thư tín Genève) dưới sự điều động của sáng lập viên là nam tước Von Blome, một thành viên của nhóm Vogelsang và cũng là một người gốc Ðức mới quy đạo.
Các nhóm công giáo quan tâm đến vấn đề thợ thuyền ở Ðức, Áo, Pháp, Bỉ và Ý không hoàn toàn xa lạ đối với nhau. Họ biết nhau qua các ấn phẩm và qua các dịp tiếp xúc ít hay nhiều có tính cách ngẫu nhiên. Chẳng hạn bá tước Kuefstein, một nhà quý tộc Áo thuộc nhóm Vogelsang thường vẫn đến sống tại Roma vào mùa đông, đã thiết lập tại đây một loại hội quán nghiên cứu xã hội, với sự khuyến khích của đức Léon XIII. Dần dần người ta xét thấy cần hệ thống hóa các cuộc tiếp xúc đó. Vì vậy mà “Hiệp hội công giáo nghiên cứu xã hội” (Union catholique d'études sociales) ra đời và được triệu tập hàng năm tại Fribourg Thụy Sĩ kể từ năm 1884, dưới quyền chủ tọa của đức cha Mermillod để nghiên cứu một hình thức diễn tả học thuyết nghiệp đoàn thích hợp hơn với thời đại ngày nay. Kết quả của các biểu quyết được giữ kín, nhưng những bản phúc trình được đều đặn gửi đến đức giáo hoàng. Càng ngày Ngài càng chú trọng đến vấn đề tuy rằng trước đây vào năm 1881, Ngài không chấp thuận đề nghị từ phía Pháp quốc nhằm việc triệu tập các chính phủ Âu Châu tại Roma để soạn thảo một pháp chế quốc tế về lao động (đề nghị không mấy thực tế trong tình trạng ngoại giao đương thời). Ngài bắt đầu dự thảo một thông điệp trong lãnh vực xã hội.
Trong khoảng thời gian này, nhiều yếu tố đã đưa đẩy đến sự can thiệp chính thức của đức Léon XIII, trong đó phải kể : những cuộc hành hương đi Roma của đoàn thể “Pháp quốc lao động” do Léon Harmel tổ chức từ năm 1885 nhằm mục đích đem quần chúng thợ thuyền đến gần đức giáo hoàng và để đức giáo hoàng tiếp xúc trực tiếp với thế giới cơ xưởng. Yếu tố khác nữa là sự can thiệp vào năm 1887-88 của đức hồng y Gibbons, người Mỹ, tổng giám mục Baltimore, nhằm tránh sự kết án của Thánh Bộ Ðức Tin đối với hội “Các Hiệp sĩ Lao động” (Knights of Labour), một đoàn thể thợ thuyền Mỹ đầu tiên bị một vài giám mục trách cứ có dáng dấp của một hội kín làm cho họ bị nghi ngờ là có liên hệ với chủ nghĩa vô chính phủ (4). Một yếu tố khác là sự ủng hộ của đức hồng y Manning, tổng giám mục Westminster, đối với cuộc đình công của phu bến tàu Luân Ðôn đã gây tiếng vang khắp Âu Châu (5). Và yếu tố cuối cùng là vào năm 1890, sự mâu thuẫn giữa các người công giáo “chủ trương can thiệp” và Trường Phái Angers lại được nêu lên nhân dịp đại hội tại Liège do đức cha Doutreloux triệu tập.
Ðứng trước các yếu tố cùng hướng về một chiều như vậy, sự lên tiếng của giới hữu trách tối cao trở nên cần thiết. Và đó là thông điệp “Rerum novarum” (15-5-1891), trong thông điệp này đức Léon XIII sẽ giải quyết dứt khoát những điểm chính yếu và tán trợ “Trường Phái Liège”, là thừa kế quan điểm xã hội của đức cha Ketteler và của các thành viên của Liên Minh Fribourg. Một giai đoạn trọng yếu của lịch sử công giáo xã hội đã hoàn tất.
Xem như vậy thì thông điệp “Rerum novarum” là kết quả của nhiều sáng kiến được khai triển từ bên ngoài Roma, và một lần nữa, chứng tỏ vai trò quan trọng của giáo dân trong đời sống cụ thể của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng đó cũng là công trình của đức Léon XIII. Nhờ sự ấn hành những bản khởi thảo, người ta biết khá rõ cách thức sọan thảo văn kiện. Từ dự án đầu tiên của cha Liberatore đến bản thảo mới của cha Zigliara rồi cuối cùng đến văn kiện hoàn tất được chính đức giáo hoàng tỉ mỉ duyệt xét lại, người ta thấy quan niệm về một chế độ nghiệp đoàn dần dần nhường bước cho các hiệp hội nghề nghiệp. Những hiệp hội này được trù liệu phải tập hợp, nếu có thể, chủ và thợ; nhưng điều này không hẳn có tính cách bắt buộc, và vì vậy sẽ chính thức mở rộng cửa cho công thức mới trong tương lai: nghiệp đoàn thợ thuyền. Tuy vẫn giữ ý định ban đầu là ủng hộ sự can thiệp của Nhà Nước vào đời sống kinh tế và xã hội, và chống lại chủ nghĩa tự do quá trớn của trường phái Angers, người ta nhận thấy một vài hạn chế dần dần được đưa vào văn kiện. Ðiều này chứng tỏ Tòa Thánh đã đi vào con đường đó với biết bao do dự và thận trọng. Vả lại muốn hiểu rõ sự dè dặt của đức Léon XIII, phải lưu ý rằng, mặc dầu dưới danh nghĩa tôn trọng tập quán kinh viện để phản ứng chống lại quan niệm cá nhân chủ nghĩa liên quan đến xã hội và quyền tư hữu, ngài đã rất thận trọng để không làm bảo chứng cho những luận điệu độc tài của chủ nghĩa xã hội đương thời.
Thông điệp “Rerum novarum” được giới công giáo giữa hai thế chiến tán dương như là “bản hiến chương của người lao động”, nhưng lại bị các người khác xem như một văn kiện chống chủ nghĩa xã hội, có khuynh hướng phản động và không đóng vai trò quan trọng thật sự trong sự nghiệp giải phóng người lao động. Cũng cần nhận định rằng ngoài sự ra đời chậm trễ, văn kiện này lại còn xử dụng một lý luận trừu tượng, không phân tách tình thế hiện tại do sự tiến triển của chủ nghĩa tư bản tạo nên. Thông điệp này còn chứa đựng quá nhiều quan điểm có tính cách răn dạy và tỏ ra quá mập mờ đối với các vấn đề cụ thể của thời đại. Chắc chắn là thông điệp cũng phần nào phát xuất từ mối lo ngại thấy thợ thuyền công giáo ngày càng thiên về chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên thông điệp có rất nhiều khía cạnh tích cực. Phần đông các người công giáo xã hội của các thập niên trước tỏ ra nuối tiếc xã hội cổ xưa với ưu thế của thôn quê, đã phản ứng chống xã hội trung lưu trong một viễn ảnh tiền tư bản, và muốn trở về với chế độ nghiệp đoàn trước đây nhưng dưới một hình thức tân tiến hơn: nếu như vậy thì nền đại kỹ nghệ sẽ bị tắc nghẽn. Ðức Léon XIII đã sáng suốt thoát ra khỏi những ảo tưởng lãng mạn đó để đứng ở cương vị của một người theo chủ nghĩa xã hội duy tân, tìm cách nâng cao đời sống của giới thợ thuyền trong khuôn khổ các định chế hiện hữu, kể cả chế độ nghiệp đoàn thợ thuyền đã được hợp pháp, tuy mới bằng lời nói chứ chưa bằng văn tự.. Mặt khác, cần nêu lên một sự kiện không kém phần quan trọng là các quyền lợi của thợ thuyền và sự bất công của hệ thống tự do toàn vẹn, được giáo quyền cao cấp nhất long trọng tuyên bố. Một điều không thể chối cãi là phong trào thợ thuyền đã khởi sự trước khi thông điệp “Rerum novarum” được công bố, và phần lớn sáng kiến xuất phát từ các đảng viên chủ nghĩa xã hội. Nhưng đây là lần đầu tiên phong trào thợ thuyền được sự bảo đảm long trọng của một trong những quyền lực chính yếu trên thế giới. Ðối với đa số giới trung lưu, sự bảo đảm này làm cho phong trào mất tư chất cách mạng. Ðiều này không phải là không đáng kể về phương diện tâm lý. Ngoài ra, về phía giáo dân, sau nhiều năm dè dặt, họ đã phải nhìn nhận rằng cần phải thay đổi, và nếu nhiều người đã tìm giải pháp theo chiều hướng nghiệp đoàn thì những người khác, biết nhìn xa hơn, bắt đầu bước vào con đường dân chủ kitô.
Diễn tiến này gặp nhiều khó khăn vì hai lý do. Trước tiên, nhóm người chấp nhận sự thay đổi định chế là một điều cần thiết để cải thiện hữu hiệu tình trạng của quần chúng lao động, đòi hỏi rằng sự thay đổi đó phải được thực hiện theo đúng với châm ngôn: “Tất cả cho dân chúng, nhưng không phải do dân chúng”, hay ít nhất cũng phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giáo quyền. Ðó chính là quan điểm của đức Pie X, người rất quan tâm đến việc cải thiện đời sống của dân chúng. (Một lớp khoa học kinh tế và xã hội được mở ra trong chủng viện của Ngài). Qua nhiều lời tuyên bố, Ngài tỏ ra không muốn giảm thiểu tầm vóc xã hội của đức bác ái kitô giáo, nhưng luôn luôn chủ trương hoạt động xã hội theo chiều hướng gia trưởng và giáo quyền, tức là chiều hướng của người công giáo thành Venise vào thời đại đó. Ngoài ra, khái niệm về nền dân chủ kitô cũng rất mập mờ. Thật vậy, dù từ ngữ này dần dần được chấp nhận theo đường lối người Bỉ và nêu rõ những khác biệt với “nền dân chủ giả tạo” có tính cách triệt để và cá nhân chủ nghĩa, nhưng lại có sự bất đồng ý kiến về ý nghĩa của việc quy chiếu nó vào kitô giáo. Phải chăng mục đích ở đây là để thành lập một đảng phái có tính cách tôn giáo nhằm tái lập một chính phủ kitô trên căn bản đại chúng? Hay chỉ muốn có một sự liên hệ nào đó với kitô giáo và nhận thừa kế một phần nào đó của chế độ tự do, hầu thiết lập chính phủ vô tôn giáo trong đó các tín đồ và những người khác sẽ cộng tác với nhau để tiến đến một nền công lý xã hội rộng lớn hơn. Về điểm này, quan điểm của đức Pie X cũng rất rõ ràng: không có vấn đề từ bỏ lý tưởng của một trật tự xã hội hoàn toàn công giáo mà Giáo Hội đã nêu ra như mục tiêu từ cuộc cách mạng Pháp. Trong tình thế ấy, những người tán đồng chế độ dân chủ kitô giáo coi triều đại của đức Pie X như một sự vượt qua sa mạc. Nhưng sử gia cũng phải công nhận như cha Jarlot rằng: “Nếu sau cuộc đệ nhất thế chiến, những tổ chức thợ thuyền, nông dân, chuyên nghiệp công giáo đã có thể lập thành liên đoàn trên bình diện quốc gia và quốc tế, chính là vì họ đã có gốc gác vững chắc dưới triều đại của đức Pie X: như ở Ðức, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và các nơi khác. Hạt giống do đức Léon XIII gieo vãi sẽ nẩy mầm dưới thời đức Pie X và nở hoa dưới thời Pie XI”
Ở đây, rất khó theo dõi những biến chuyển của phong trào tại nhiều quốc gia khác nhau, vì tính đa dạng của chúng tùy theo tình hình mỗi địa phương. Ðôi khi phong trào được giáo quyền ủng hộ công khai như ở Úc Châu; tại đây, hồng y Moran, tổng giám mục Sydney đã không ngại tự giới thiệu là một môn đồ của “chủ nghĩa xã hội kitô giáo” (6). Ðôi khi lại phát xuất do sáng kiến của các phó xứ hoạt động như linh mục Alfons Ariens ở Hòa Lan, dưới ảnh hưởng của phong trào xã hội Ðức, năm 1881 đã thành lập tổ chức công giáo đầu tiên dành cho thợ thuyền, và hai năm sau, lập thêm nghiệp đoàn công giáo đầu tiên của thợ thuyền cơ xưởng (7). Nhưng đôi khi phong trào bị các giáo sĩ hoài nghi, nhất là các giáo sĩ không lưu tâm mấy đến những tương quan chặt chẽ cần thiết giữa giáo sĩ với chính quyền, như ở Tây Ban Nha (8). Phong trào còn gặp khó khăn bởi sự biện bác của những lý thuyết gia theo chủ nghĩa tân tập đoàn, như trường hợp của Áo quốc. Tại đây L. Kunschak can đảm đứng ra thành lập những nghiệp đoàn kitô đầu tiên (kể từ năm 1892), nhưng đã thất bại vì những lời thỉnh cầu của phong trào thợ thuyền không được chấp nhận bởi đảng nhân dân kitô giáo xã hội vốn dựa trên giới tiểu tư sản. Sau đây chúng ta chỉ nêu lên tình trạng của bốn quốc gia mà những mâu thuẫn nội bộ đã gây tiếng vang ra khỏi biên giới.
Tại Bỉ, cho đến năm 1914, đa số các tổ chức từ thiện thuộc quyền điều khiển của những người theo chủ nghĩa gia trưởng. Vì vậy mà sự thành lập “Liên minh dân chủ Bỉ” vào tháng 2-1891, nghĩa là vài tháng trước khi thông điệp ra đời, đánh dấu một khúc quặt quan trọng, nhất là khi A. Verhaegen lên làm chủ tịch vào năm 1895 đã biết thoát ra khỏi những dự tính tập đoàn của người tiền nhiệm là Helleputte. Hoạt động như một nhóm áp lực, Liên minh giúp cho phái dân chủ kitô bước chân vào quốc hội, và mặc dầu gặp nhiều chống đối dữ dội, đã có thể biểu quyết nhiều dự án cải cách quan trọng có lợi cho giới lao động. Tuy quyền chỉ huy vẫn ở trong tay những người không phải thợ thuyền, nhưng kể từ năm 1891, Liên minh đã nhất quyết tán thành công thức nghiệp đoàn thợ thuyền trong đó không có sự tham dự của giới chủ nhân. Sau một bước đầu chậm chạp, các nghiệp đoàn đó dần dần được chấp nhận kể từ năm 1901 nhờ tài thao lược của tu sĩ dòng Ða Minh C. Rutten. Trái lại, vào năm 1893, linh mục Daens đã cố gắng thành lập tại Flandre, một đảng “Nhân dân Kitô giáo” có khuynh hướng dân chủ thật sự. Nhưng ông đã thất bại sau một vài năm, vì những mưu mô của phái bảo thủ tập hợp xung quanh Ch. Woeste và vì sự lo ngại của các giám mục vốn quan tâm đến việc duy trì sự thống nhất của đoàn thể công giáo trước những lời đả kích Giáo Hội (9). Trong khi đó, linh mục Pottier, đã từng là một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền dân chủ thành tại Liège trong khoảng thời gian 1886-1895, bắt buộc phải rút lui dần dần và rời khỏi nước Bỉ sau khi đức cha Doutreloux qua đời, dưới áp lực của các thành phần bảo thủ. Nhưng những người này không hoan hỉ được bao lâu. Ðức Pie X, trái với sự mong đợi của nhóm bảo thủ, đã công nhận tính tự trị của Liên minh dân chủ Bỉ trong khuôn khổ hoạt động riêng tư của họ, với điều kiện không làm phương hại đến sự thống nhất của phái công giáo đương quyền, Ngài nói rõ rằng những lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với nhóm dân chủ kitô giáo của Murri không liên quan gì đến họ. Ngài giải thích: “Tại Bỉ, quý vị có những người dân chủ tốt; là tín đồ công giáo Bỉ, bảo thủ và dân chủ, quý vị đều nhất trí với các giám mục của quý vị” (10). Ngoài ra, tuy một vài giám mục còn tỏ ra rất e dè, vị tân tổng giám mục của thành Malines là hồng y Mercier không ngần ngại tuyên bố rằng: “Chủ nghĩa xã hội có lý khi tìm cách phân chia đồng đều hơn các cộng sản”. (11). Nhiều lần Ngài ủng hộ phe dân chủ kitô giáo, và một phần cũng nhờ Ngài mà phiên đại hội công giáo kỳ V ở Malines được triệu tập vào năm 1909, mặc dầu có sự chống đối dai dẳng của Woeste. Hơn nữa, vào năm 1907, nhóm này đã đưa được hai thành viên vào chính quyền, nhờ vậy mà nhiều dự luật bênh vực quyền lợi của giới lao động đã chóng được biểu quyết. Tóm lại, khoảng thời gian trước đệ nhất thế chiến, nhóm dân chủ kitô giáo Bỉ trở thành một yếu tố chủ yếu của phe công giáo và phát triển đều đặn dưới nhiều hình thức khác nhau như nghiệp đoàn, tổ chức tương tế, hợp tác xã. Sự hiện diện của nhóm này đã trở nên thường xuyên trong đời sống nghề nghiệp, kinh tế, văn hóa và tôn giáo của quốc gia.
Ở Ðức cũng như ở Bỉ, có hai khuynh hướng đối nghịch nhau ngay giữa phái công giáo xã hội vào đầu nhiệm kỳ của đức Léon XIII. Nhóm thứ nhất, với một phát ngôn viên nổi tiếng là bá tước Von Hertling, quan niệm rằng “có một mối hiểm nguy nghiêm trọng trong sự tăng trưởng liên tục của quyền lực chính phủ”. Nhưng nhóm thứ hai, nhất là thành phần thanh niên, không hãi sợ trước một hình thức xã hội chủ nghĩa của chính phủ, và cũng như bậc thầy của họ là Fr. Hitze (1851-1921), cho rằng “chỉ có một hoạt động lập pháp sâu rộng, chỉ có bàn tay vạn năng của chính phủ, mới có thể vãn hồi trật tự trong đời sống xã hội” (12). Tuy nhiên, cũng như ở Bỉ, người ta rất quan tâm không muốn làm nguy hại đến sự nhất trí về chính trị của giáo dân, bao lâu bè lũ của nhóm “Kulturkampf” (tranh đấu chống Giáo Hội) chưa bị thanh toán hết. Một điểm đặc trưng là trong nhóm các sáng lập viên của tổ chức “Volksverein” (Hội nghị nhân dân) vào năm 1890 người ta thấy đứng cạnh nhau, Windthorst, người tán đồng chủ trương của Hertling và Hitze. Ðược môn đồ của Hitze là A. Pieper cổ võ trong một phần tư thế kỷ, tổ chức “Volksverein” mà trụ sở đặt tại Munchen-Gladbach, có những phân khu dành cho giai cấp trung lưu và nông gia, nhưng lại chú trọng nhiều nhất đến giới thợ thuyền. Tổ chức này đưa một luồng sinh khí mới vào những hiệp hội thợ thuyền hiện hữu, rất tích cực trong một phần ba thế kỷ, nhưng lại dậm chân tại chỗ dưới thời đại Bismark, họ đã khuyến khích mọi nỗ lực tổ chức các nghiệp đoàn. Và chính trong phạm vi nghiệp đoàn mà sự tranh luận gay gắt đã xẩy ra làm lay chuyển giới công giáo Ðức trong thập niên cuối cùng trước thế chiến.
Sau bước đầu khó khăn kể từ năm 1890, những nghiệp đoàn “kitô giáo” (nghĩa là gần những thợ thuyền công giáo và tin lành) bắt đầu phát triển ở Rhénanie và Westphalie, với sự nâng đỡ của đa số chính trị gia công giáo miền Tây Ðức. Vào năm 1900 Liên hiệp các nghiệp đoàn Kitô giáo Ðức “Gesamtverband christlichen Gewerkschaften Deutschlands” ra đời với một tổng thư ký rất tích cực là A. Stegerwald vào năm 1909. Ðức hồng y Fisher, tổng giám mục thành Cologne, tán thành khuynh hướng này và đã nhiều lần lên tiếng bênh vực trước Tòa Thánh. Nhưng một phần giáo sĩ và giám mục đoàn, đứng đầu là đức cha Kopp, tổng giám mục thành Breslau và đức cha Korum, giám mục thành Trèves, phản đối công thức nghiệp đoàn liên tôn giáo, nhất là các nghiệp đoàn này tỏ ra sẵn sàng cộng tác chặt chẽ với các đảng viên chủ nghĩa xã hội. Ngược lại họ tán dương việc tổ chức các chi bộ chuyên nghiệp theo từng nghề trong các hiệp hội công giáo cũ, và tìm cách đưa vào miền Tây và miền Nam nước Ðức, “Hiệp hội các người lao động công giáo miền Bắc và miền Tây nước Ðức'' Verband Katholischer Arbéetarvereine Nord-und Ostdeutschlands được thành lập vào năm 1897 và có trụ sở đặt tại Berlin. Nhưng đã thất bại. Sự đối nghịch giữa hai khuynh hướng, khuynh hướng “của Cologne” và khuynh hướng “của Berlin”, ngày càng trầm trọng kể từ năm 1904. Ngoài vấn đề hợp tác liên tôn giáo, nhiều sự lựa chọn căn bản được đặt ra. Hoặc tái lập chế độ kinh tế xã hội theo hình thức nghiệp đoàn, hoặc chỉ cần tu chỉnh hệ thống tư bản chủ nghĩa bằng mọi cải cách xã hội. Sự hợp pháp hóa quyền đình công là phương tiện để cải thiện tình trạng thợ thuyền. Quan trọng hơn nữa là có nên đặt các tổ chức công giáo thợ thuyền dưới quyền điều khiển của Giáo Hội hay là, vì giáo dân chịu trách nhiệm về những hoạt động thế tục của họ, hàng giáo sĩ chỉ nên đóng một vai trò cố vấn về khía cạnh đạo đức của các hoạt động đó. Sự tranh chấp lên đến cực điểm vào cuối triều đại đức Pie X, và càng nghiêm trọng vì có sự phản công của nhóm bảo thủ quá khích.
Tại Pháp, nhóm công giáo xã hội theo kiểu gia trưởng vẫn tồn tại sau ngày công bố thông điệp Rerum novarum. Càng ngày càng được hàng giáo sĩ nâng đỡ, họ tiếp tục tạo tác và phát triển nhiều loại công trình rất khéo léo và khác nhau, nhất là trong lãnh vực nông thôn và tiểu công nghệ, cũng như trong giới thợ thuyền. Trong giới này họ cố gắng thiết lập các nghiệp đoàn hỗn hợp (nghĩa là tập hợp chủ và thợ), nhưng đã thất bại. Riêng “Hiệp hội các chủ nhân miền Bắc” vẫn không thay đổi lập trường. Họ chống đối triệt để việc thành lập các nghiệp đoàn kitô giáo hoàn toàn thợ thuyền, và xung đột với L. Harmel là người tìm cách biểu dương chủ trương can thiệp, được trường phái Liège bênh vực và được thông điệp xác nhận. Vào năm 1895, Hiệp hội đón nhận sự phân xử trọng tài của đức Léon XIII. Nhưng các mối xung khắc sâu xa vẫn tồn tại. Sự tiếp kiến trang trọng mà đức Pie X dành cho các chủ nhân miền Bắc vào năm 1904 được các người đương thời xem như một sự rửa hận và họ đã tận dụng. Hơn nữa sự bãi bỏ ngân sách phụng tự vào năm sau lại càng làm tăng ảnh hưởng của những người hảo tâm đối với hàng giáo sĩ. Tuy nhiên ảnh hưởng của họ đối với giới thợ thuyền không phải vì vậy mà được cải thiện. “Hiệp hội dậm chân tại chỗ từ 20 năm nay”: đó là lời nhận xét năm 1813 của một trong những cổ động viên.
Nhưng cùng lúc, sau năm 1891, một trào lưu mà nhà xã hội học M. Montuclard mệnh danh là “nền đệ nhị dân chủ kitô giáo ở Pháp” (để nhắc nhở đến sự mưu tính không thành công vào năm 1848) mạnh dạn xuất hiện. Phong trào này, phức tạp hơn sự phân tích quá giản lược của M. Montuclard, bắt nguồn từ nhiều sáng kiến thiếu đồng nhất, nhưng đều quy tụ về một hướng. Sự kiện này rất có ý nghĩa mặc dầu nó xuất hiện từ các học thuyết hỗn tạp lúc ban đầu. Phong trào được định nghĩa như vừa là sự chấp nhận những giá trị của chủ nghĩa tự do chính trị trước đây đã bị các người tiền phong của phái công giáo xã hội bác bỏ, vừa là sự quyết tâm xây dựng một nền dân chủ xã hội theo khuynh hướng kitô giáo mà các người công giáo tự do không chấp nhận. Ra đời dưới ảnh hưởng của Harmel ngay trong lòng “Hội các câu lạc bộ” (Oeuvre des Cercles), phong trào ngày càng vững mạnh khi các phần tử sáng suốt nhận thức được sự bất lực của các tổ chức cổ điển và thấy cần phải chuyển qua công thức của nghiệp đoàn thợ thuyền. Nhưng được kinh nghiệm của Bỉ khích lệ, phong trào đã biến chuyển khá nhanh thành một đảng phái, nhất quyết tiến vào địa hạt chính trị, và tán thành chế độ cộng hòa. Ðược sự cổ võ của một vài thành phần đấu tranh trong nhóm thợ thuyền và của một vài giáo dân hoạt động tông đồ thuộc giới tiểu tư sản, nhưng nhất là của các linh mục trẻ tuổi hăng hái (13) được mệnh danh là “các linh mục dân chủ” như Gayraud, Garnier, Six, Dabry, Naudet, người có tài hùng biện và gan dạ nhất, và Lemire, thành phần tiêu biểu nhất. Trong khoảng một vài năm, phong trào gây được nhiều sự chú ý, nhất là ở phía Bắc và Ðông Bắc nước Pháp, rồi sau đó ở miền Lyon (14). Nhưng rồi, cho dù được sự tán trợ công khai của giáo hoàng và sự nâng đỡ của hàng giám mục, chỉ sau một thời gian vắn phong trào suy sụp rất mau lẹ kể từ năm 1898. Sự thất bại của mưu toan này không phải chỉ do sự chống đối của phái bảo thủ đối với chương trình cải cách xã hội mà ngày nay trước mắt chúng ta có vẻ khá ôn hòa. Cũng không phải vì sự thất bại của chính sách tán trợ chế độ cộng hòa. Cũng không phải vì thiếu người tổ chức đủ tài năng để phối hợp các hoạt động cá nhân riêng rẽ. Cũng không phải do sự cạnh tranh của phong trào rất linh động của Marc Sangnier mệnh danh là phong trào “Le Sillon” (Luống cày) (15), phong trào đầu tiên ở Pháp có một “ý thức quần chúng” (H. Desbuquois). Nhưng còn có sự kiện là “những linh mục dân chủ” nêu lên một số vấn đề có tính cách còn cơ bản hơn là những vấn đề đã gây nên các sự tranh luận tại Ðức về chế độ nghiệp đoàn. Ðó là vấn đề liên quan đến địa vị của người kitô hữu trong một xã hội tục hoá (16), sự công nhận những giá trị kitô giáo hàm súc trong hoạt động thế tục, và sự “dân chủ hóa” việc quản lý Giáo Hội. Vì ngoài sự đòi hỏi một trật tự xã hội và chính trị mới để chống đối một hình thức đẳng cấp của xã hội, còn có những mơ ước đến việc canh tân tôn giáo trong lãnh vực đạo đức, tâm linh, mục vụ và Giáo Hội học (17). Các điều này đã gây lo ngại cho nhiều giám mục. Các ngài lên tiếng qua hai đức cha Isoard và Turinaz. Sự thiếu thận trọng của các linh mục trẻ tuổi và các chủng sinh, hình như đã lẫn lộn lòng thương kẻ thấp hèn với sự khinh chê giới thượng lưu, và thường hay để cho sự đấu tranh xã hội và chính trị lấn át chức vụ tư tế. Thêm vào đó, sự can thiệp sôi nổi của các báo chí bảo thủ quá khích đã đồng hóa dân chủ kitô giáo với chủ nghĩa duy tân. Tất cả những điều đó đã khiến cho tình trạng của các “linh mục dân chủ” trở nên cực kỳ khó khăn và đa số đã bị Giáo Hội phê bình khiển trách, như Naudet và Dabry vào năm 1908 và Lemire vào năm 1914.
Giữa hai thái cực đó, nghĩa là giữa những người chưa chịu từ bỏ chế độ gia trưởng hay lý tưởng cộng đoàn và những người khăng khăng muốn hòa giải công giáo Pháp với chủ nghĩa dân chủ toàn vẹn, có một trào lưu trung dung theo một đường lối thận trọng, và khởi sinh từ thông điệp “Rerum Novarum”, bắt đầu tiến triển một cách chậm chạp và khó khăn nhưng đều đặn. Liên kết với trào lưu này, phải kể đến những dân biểu công giáo quy tụ chung quanh A. de Mun, đã tích cực góp phần vào việc soạn thảo các đạo luật xã hội đầu tiên, và những người lãnh đạo Hội Thanh Niên Công Giáo Pháp (ACJF) tập hợp xung quanh H. Bazire, đã lèo lái trào lưu về một chiều hướng càng ngày càng có tính cách xã hội, với lời kêu gọi các hội viên hãy cộng tác để thiết lập các phòng đọc sách cho quần chúng, những tổ chức tương tế nông nghiệp, những quỹ tiết kiệm thợ thuyền và nhất là những nghiệp đoàn, cùng trợ giúp những người đình công. Ðể thực hiện những công trình này, họ không ngần ngại tính đến việc cộng tác với những người theo chủ nghĩa xã hội cải tiến. Liên kết với trào lưu cấp tiến nhưng ôn hòa này, phải kể đến những tổ chức được thành lập trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Ðó là “Hiệp hội nghiên cứu của người công giáo xã hội” (Union d'études des catholiques sociaux) ra đời năm 1901, hoạt động như một “viện bào chế pháp luật” (H. Rollet). “Những tuần lễ xã hội” (Semaines sociales) như một loại đại học lưu động, ra đời từ năm 1904, mở cửa mỗi năm tại một đô thị khác nhau để giảng dạy cho hàng ngàn dự thính viên có trình độ khác nhau, những khía cạnh mới của các vấn đề xã hội hiện đại (nhưng bỏ ra ngoài khía cạnh thuần túy kinh tế). Nhờ ở sự khéo léo của các cổ động viên, như hai nhà đại tư bản ở Paris là H. Lorin và A. Boissard và một viên chức nhỏ ở Lyon là M. Gonin, tổ chức này luôn được sự tán trợ của giới chức tôn giáo, mặc dầu cũng có những kẻ đối thủ như tổ chức “Luống Cày” (le Sillon) (18). Tổ chức “Hoạt động bình dân” (l'Action populaire) của các tu sĩ Dòng Tên, do cha H. Leroy sáng lập vào năm 1903 và do cha G. Desbuquois điều khiển từ năm 1905, nhằm mục đích “giúp đỡ để hành động”, bằng cách tiếp xúc với những người muốn hoạt động trong lãnh vực xã hội, qua các sách báo, các thuyết trình viên và các cố vấn, thông báo cho họ rõ những sáng kiến có tính cách “chính cương công giáo”, nghĩa là phù hợp với những huấn thị đại cương được ghi trong các văn kiện của Tòa Thánh (vậy mà cũng không ngăn chận được các sự hoài nghi và các lời tố giác của các phần tử bảo thủ quá khích). Sau cùng, “Những ban bí thư xã hội”, cũng nhằm phổ biến học thuyết và thúc đẩy hành động, và do M. Gonin truyền bá tại Lyon từ cuối thế kỷ XIX, nhưng chỉ được phổ biến trên toàn cõi nước Pháp kể từ năm 1910 với sự trợ giúp của Hội Thanh Niên Công Giáo Pháp (ACJF). Về việc cơ ngũ hóa giới lao động, với những kết quả khiêm tốn sánh với ở Ðức và ở Bỉ, phải nói đến việc xuất hiện của chế độ nghiệp đoàn kitô giáo với sự thành lập “Nghiệp đoàn các công nhân của nghành thương mãi và kỹ nghệ ” do sáng kiến của các sư huynh trường kitô giáo, sẽ là động cơ thúc đẩy phong trào. Sau khi triệu tập đại hội liên nghiệp đoàn kitô giáo đầu tiên vào năm 1904, nghiệp đoàn này đã cầm đầu “Liên minh các nghiệp đoàn công nhân Pháp”, nhưng vẫn không bước sâu được vào địa hạt đại kỹ nghệ.
Tóm lại, người ta nhận thấy có một vài sáng kiến đáng lưu ý, một sự nhận thức sâu rộng, một cố gắng sưu tầm về lý thuyết xã hội công giáo, cho dù không được các điều thuận lợi như dưới thời đức Léon XIII. Nhưng nói chung, cho đến đại thế chiến, vẫn có một nhóm nhỏ hoạt động và hầu như không được sự nâng đỡ của Giáo Hội, khác với tình trạng của các quốc gia lân cận.
Ở Ý, vấn đề xã hội càng ngày càng được tổ chức “Opera dei Congressi” (19) quan tâm hơn. Và đây là sinh hoạt xã hội của nhóm bảo thủ trung lưu. Thế nhưng, những người này lại nhìn thấy trong tư tưởng luận của một xã hội phát sinh từ cuộc cách mạng, có chủ nghĩa tự do. Theo họ, chủ nghĩa này là nguồn gốc của mọi tai ương xã hội, trong đó có chủ nghĩa xã hội. Phân khu thứ hai của tổ chức “Opera”, một phân khu rất linh động, với tên gọi đầu tiên là “Bác ái và kinh tế công giáo”, sau năm 1887, đổi thành “Kinh tế xã hội kitô giáo”. Phân khu này được sự cộng tác của phần lớn các giáo sĩ làm mục vụ gần gũi với dân chúng hơn ở Pháp, và sự nâng đỡ của một số báo chí công giáo, đặc biệt tờ “Osservatore cattolico” của Don Albertario, người đã có công trong việc đánh thức dư luận quần chúng công giáo Ý về vấn đề xã hội. Công giáo Ý cũng may mắn có được vài người thành thạo như linh mục Cerutti đã truyền bá việc thành lập các quỹ cứu tế nông dân ở Vénétie và trên toàn miền Bắc nước Ý (vào năm 1898 đã đạt tới 893 quỹ). Cũng phải nói đến việc linh mục N. Rezzera thiết lập tại tỉnh Bergame một trung tâm hoạt động xã hội kitô giáo rất tích cực. Một điều không thể chối cãi là trong một thời gian khá lâu, phần đông cấp điều hành của tổ chức “Opera” theo chủ trương gia trưởng, và việc quản lý các công trình dành cho công dân và nông dân đều nằm trong tay hàng giáo sĩ và các thân hào. Nhưng bắt đầu thay đổi vào năm 1890.
Tháng 12-1889, Hiệp hội “Unione cattolica per gli studi sociali” (Hội công giáo dành cho các sinh viên xã hội) được thành lập tại Padoue dưới sự điều động của Toniolo. Ông đã lo lắng để năm 1893 Hiệp hội có một cơ quan luận thuyết giá trị, đó là tờ “La Rivista internazionale di scienze sociali”. (Tờ báo quốc tế về khoa học xã hội) Hoạt động của Hiệp hội được thể hiện nhờ việc tổ chức những hội quán nghiên cứu xã hội tại những đô thị lớn của Ý, và những lớp giảng dạy môn kinh tế xã hội tại một vài chủng viện. Nhưng thể hiện độc đáo nhất là sáng kiến triệu tập hai “đại hội xã hội” tại Gênes vào năm 1892 và tại Padoue vào năm 1896, và việc hoàn thành vào năm 1894 “chương trình Milan” nhằm thực thi những nguyên tắc được nêu lên trong thông điệp “Rerum novarum” (20). Ðây là việc làm táo bạo vào thời đó (M. Vaussard). Tuy nhiên tiền đề công khai của chương trình này biểu hiệu một tâm trạng phòng vệ qua các loại hoạt động xã hội nêu ở trên: Từ lâu, chương trình hành động của giáo dân đối diện với chủ nghĩa xã hội. Ðể có thể tiến đến sự thống nhất ít ra trên lý thuyết, đặt dưới quyền điều khiển của giáo hoàng theo đúng với truyền thống “Tân Phái Giáo Hoàng”, Toniolo đưa ra một loại chương trình có tính cách mơ hồ và trừu tượng hầu tránh những va chạm về khuynh hướng. Như vậy, ông đã làm cho quan niệm về dân chủ kitô giáo mất hết ý nghĩa (21). Nhưng được khích lệ bởi các trường hợp xẩy ra ở ngoại quốc, một số thanh niên càng ngày càng đông phản ứng chống khuynh hướng này vì đã cản trở sự chuyển biến phong trào thành một lực lượng giải phóng quần chúng và có hiệu lực trên bình diện chính trị theo đường lối của các người kitô giáo dân chủ tại Pháp và Bỉ. Vì muốn duy trì những mệnh lệnh không tham gia chính trị bao lâu vấn đề Roma chưa được giải quyết, nên đương nhiên Tòa Thánh không chấp nhận sự biến chuyển đó. Riêng giới lãnh đạo tổ chức “Opera dei Congressi” thì, sau các biến cố ở Milan năm 1898 với việc chính quyền đàn áp chủ nghĩa xã hội và phong trào công giáo, họ càng trở nên bảo thủ và phản ứng chống đối các xu hướng mới cách quyết liệt.
Chiếu theo tinh thần thông điệp “Rerum Novarum” thì những khuynh hướng này xuất hiện trước năm 1900, từ Bắc chí Nam nước Ý với những sắc thái địa phương khác nhau. Nhóm chống đối chủ nghĩa tự do kinh tế và xã hội, kế thừa khuynh hướng bảo thủ đã nuôi dưỡng tư tưởng của các thành phần cực đoan, tán dương nền tự trị địa phương. Họ tiếp tục khai triển hệ thống các hội tương tế, hợp tác xã và quỹ nông dân công giáo và đôi khi còn bám víu lý tưởng nghiệp đoàn. Nhóm khác, được khích lệ bởi sự hiện diện của các thành phần nồng cốt rất tích cực của đảng xã hội, bắt đầu tổ chức những nghiệp đoàn thuần túy công nhân, đòi phải có một pháp chế bênh vực quyền lợi người lao động, đòi thiết lập Bộ Lao Ðộng và tổ chức bảo hiểm xã hội. Một số người khác, nhất là ở miền Bắc, đồng ý với Filippo Meda (22), cho rằng muốn đạt được các yêu sách xã hội, cần phải dựa trên căn bản Hiến Pháp, vì thế họ không từ chối cộng tác với những đảng viên tự do bảo thủ của Giolitti. Những người khác nữa, cấp tiến hơn, từ chối mọi thương lượng với quốc gia tư sản, tuy vẫn chủ trương hoạt động trong lãnh vực chính trị. Trong nhóm này, phải kể đến Don Sturzo ở Sicile và nhất là Romolo Murri (1870-1944), một linh mục gốc Marches, rất được giới sinh viên và chủng sinh ngưỡng mộ. Chính xung quanh vị linh mục này và tờ tạp chí “Cultura Sociale” của ông mà các thanh niên dân chủ kitô giáo tiến bộ thuộc tổ chức “Opera dei Congressi” bày tỏ mọi chống đối của họ. Các thanh niên này được hàng giáo sĩ trẻ tuổi ủng hộ nhưng bị nhiều giám mục ác cảm, không phải chỉ vì lý do chính trị và xã hội mà vì họ e ngại các thanh niên này sẽ tố cáo và đòi xét lại việc các giám mục du nhập những nguyên tắc dân chủ vào Giáo Hội.
Ðức Léon XIII, ý thức được sự cần thiết phải vượt lên trên quan điểm thiển cận của nhóm bảo thủ, nhưng cũng rất quan tâm đến việc duy trì sự thống nhất của các lực lượng công giáo, đã tìm cách điều hướng sự khích động của nhóm dân chủ kitô giáo bằng thông điệp “Graves de communi ” (Tầm quan trọng của ích lợi chung) ngày 18-1-1901 (23). Mặc dầu một vài giới công giáo nhất là của tổ chức “Civilta cattolica”, ra mặt chỉ trích, đức giáo hoàng công nhận tính cách chính đáng của cụm từ “dân chủ kitô giáo”, và dựa vào quan điểm đạo đức xã hội của Toniolo, Ngài đã dành cho cụm từ này một định nghĩa rất chặt chẽ: “Trong hiện trạng, khi dùng cụm từ này, phải loại bỏ mọi thiên ý chính trị và chỉ dành cho nó một ý nghĩa duy nhất là công tác từ thiện trong dân chúng”. Quan điểm này nói lên sự khác biệt đối với công thức do các “linh mục dân chủ” đề ra: “Tất cả cho nhân dân và do nhân dân”, nhưng nó vẫn mở cửa đón nhận mọi hoạt động cải tổ ôn hòa (24).
Tuy nhiên người dân chủ kitô giáo Ý nuối tiếc một phong trào tín ngưỡng duy nhất cho toàn thể giáo dân và có khuynh hướng chấp nhận dễ dàng hơn là ở ngoại quốc, những huấn lệnh của giáo hoàng về những vấn đề thế tục. Nhưng sự kìm hãm nói trên bị nhiều người xem như một sự thoái hóa và không làm cho những phần tử tiến bộ phải nôn nao. Quả vậy, đức Léon XIII đã làm cho một số thanh niên được thỏa mãn phần nào khi Ngài quyết định cải tổ vào tháng 10-1902, các thành viên lãnh đạo của tổ chức “Opera dei Congressi” bằng việc bổ nhiệm các thành viên mới ít bảo thủ hơn.
Ngay trong lòng nhóm tán dương những cải tổ xã hội, hố ngăn cách càng ngày càng sâu hơn giữa những người theo đường lối ôn hòa do Meda dẫn đầu và những người cực đoan do Murri đại diện. Sự thay đổi giáo hoàng càng làm cho tình trạng thêm căng thẳng, vì rằng đức Pie X còn có ác cảm nhiều hơn là vị giáo hoàng tiền nhiệm. Nguyện vọng của Murri là muốn thoát ra khỏi sự kiểm soát của giáo quyền trong lãnh vực xã hội và chính trị, cho dù ông vẫn ước mong hàng giáo sĩ nắm quyền hướng dẫn giáo dân trong các lãnh vực thế tục. Sự tuyệt giao công khai xảy ra vào tháng 11-1905 khi Murri thấy phong trào công giáo chính thức và phái tự do ôn hòa của Meda giao hữu với nhau. Ông nổi giận và đứng lên sáng lập một chính đảng tự trị tức là đảng “Lega democratica nazionale” (Liên minh dân chủ quốc gia). Không được Vatican công nhận và bị các đảng viên xã hội ngờ vực, đảng này đã thất bại. Murri bị chính những người cùng sáng lập phong trào bỏ rơi, rồi bị tuyệt thông năm 1909.
Một số đông người công giáo xã hội quy tụ lại trong Hiệp hội “Unione economico sociale” (Hiệp hội kinh tế xã hội), kế thừa phân bộ thứ hai của tổ chức “Opera dei Congressi” sau khi tổ chức này bị đức Pie X giải tán. Nhưng hiệp hội không gặp hoàn cảnh thuận lợi và chỉ khiêm tốn thực hiện một sáng kiến là thành lập Trường Phái xã hội công giáo ở Bergame vào năm 1910 (25). Cũng vì vậy mà phe tả lại đứng lên chống đối, chẳng hạn nhân kỳ đại hội ở Modène năm 1910, Miglioli và Don Cecconcelli kịch liệt phản kháng giới hữu trách đã ngờ vực các nghiệp đoàn công nhân.
Vấn đề nghiệp đoàn lại được nói đến trong những năm sau, nhưng không còn là một vấn đề riêng rẽ của nước Ý nữa. Sau thông điệp Pascendi (Cần chăn nuôi), những người chống chủ trương dân chủ kitô giáo, tố cáo rằng chủ trương này là một trong những cái đầu của con thủy quái duy tân, và đối với họ thì “duy tân xã hội” và “duy tân chính trị” chỉ là hậu quả của “duy tân tôn giáo”. Những người tự nhận thuộc phái “công giáo toàn vẹn” cho rằng “vấn đề xã hội trước tiên là một vấn đề đạo đức, nghĩa là một vấn đề tôn giáo, nên chỉ được giải quyết bởi một chủ thuyết công giáo Roma đúng mực” (26). Họ đả kích mạnh mẽ, nhất là từ năm 1909, những người công giáo xã hội đã vượt ra khỏi khuôn mẫu được thừa nhận khi họ chỉ dựa trên một căn bản hoàn toàn nghề nghiệp để bênh vực quyền lợi công nhân, và chấp nhận sự cộng tác với những người ngoại đạo; hoặc là dù vẫn khoác cho nghiệp đoàn một phù hiệu tôn giáo, nhưng chỉ xác định vai trò xã hội và kinh tế mà không hề đưa lên hàng đầu cứu cánh đạo đức và tôn giáo của chúng. Sự xung đột xẩy ra đồng thời trên toàn cõi Tây Âu: tại Ý như chúng ta vừa thấy; tại Pháp, tổ chức Action populairecủa Dòng Tên lại đặc biệt được lưu ý đến (27); tại Bỉ, cha Rutten lại bị các người xoi mói trong nhóm Sapinière (28) thẩm vấn; tại Hòa Lan, linh mục H. Poels, người tổ chức phong trào công nhân ở Limbourg, bị những phần tử bảo thủ quá khích của “trường phái ở Leyde” (29) tố cáo; nhưng Ðức quốc mới là trung tâm điểm của các sự xung đột.
Như chúng ta đã thấy, từ đầu thế kỷ, sự tách rạn của lý thuyết đã đưa đến sự đối kháng hai khuynh hướng: khuynh hướng Berlin vẫn trung thành với công thức cổ xưa của các hiệp hội công nhân công giáo và khuynh hướng Cologne đang trên đà phát triển (có gần một triệu rưỡi hội viên vào năm 1914, đối đầu với gần 10.000 người ở Berlin). Khuynh hướng Cologne chủ trương hợp tác liên tôn giáo và không chấp nhận sự bất can thiệp của Giáo Hội. Ðức Pie X rất có cảm tình với khuynh hướng thứ nhất nhưng cũng phải quan tâm đến lực lượng của khuynh hướng thứ hai đang được đa số giám mục ủng hộ. Ðể chấm dứt cuộc tranh luận ngày càng gắt gao, Ngài cho công bố vào tháng 9-1912, một thông điệp về nghiệp đoàn (30), trong đó Ngài tán thành hoàn toàn công thức của Berlin nhưng cũng công nhận rằng người ta có thể dung nạp công thức kia để tránh một điều tệ hại hơn. Sự can thiệp của đức giáo hoàng không những đã không trấn an mọi người mà trái lại còn làm cho mọi việc thêm rối rắm và các cuộc tranh luận thêm sôi nổi. Ở Ðức, mỗi phe đều cho là họ đã thắng trận; ở Pháp, giới bảo thủ quá khích lợi dụng để khích bác thêm phe dân chủ kitô giáo (31); tại Roma, tổ chức “Civiltà cattolica” phổ biến vào tháng 2-1914 một văn kiện được xem như có linh ứng để thăm dò dư luận trước khi một văn kiện nghiêm khắc hơn của Tòa Thánh được công bố. Mục đích của văn kiện mới là cảnh giác phái nghiệp đoàn kitô giáo hầu ngăn chận một sự chuyển hóa ngày càng làm cho họ xa vời với học thuyết xã hội được đức Pie X cho là học thuyết duy nhất phù hợp với chính truyền công giáo. Ý thức rằng: ở điểm này đức Pie X bị ràng buộc bởi một “khuôn mẫu” lỗi thời, một số người tìm cách thúc đẩy ngài sớm thích ứng với đà tiến triển của xã hội hiện đại. Tổ chức nghiệp đoàn kitô giáo quốc tế được thành hình từ mấy năm qua (32), đã giúp cho công việc của họ được thuận lợi hơn. Các hồng y Maffi và Mercier, bề trên tổng quyền Dòng Tên, Toniolo và Harmel cùng nhiều người khác đã kín đáo can thiệp, nên đức Pie X không phản ứng ngay. Trong “trận đấu lớn cuối cùng này của Tòa Thánh” (E. Poulat), phái dân chủ kitô giáo rốt cuộc đã chiến thắng phe bảo thủ quá khích.