CHƯƠNG VII
MỤC VỤ VÀ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH
CHƯƠNG VII
MỤC VỤ VÀ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH
Mặc dầu các cuộc nghiên cứu xã hội học về hàng giáo sĩ trung lưu vào thế kỷ XIX còn rất hiếm hoi (1), nhưng vượt lên trên các dị biệt quan trọng liên quan đến tập quán quốc gia và môi trường sinh sống, người ta thấy xuất hiện vào giữa thế kỷ, hình ảnh cổ điển của một người chủ chăn của thời đại. Nhiều yếu tố đã góp phần vào việc tạo nên hình ảnh đó.
Trước tiên phải kể đến tác động cá nhân của các giáo hoàng. Việc nâng cao trình độ đạo đức và tâm linh của hàng giáo sĩ là mối bận tâm hàng đầu của đức Pie IX. Ngài nhắc nhở đến thường xuyên không những trong các thông điệp và các bài diễn văn mà nhất là trong các thư từ trao đổi riêng tư. Ðối với ngài đây không phải là đề tài văn chương, nói cho hay rồi bỏ đó.
Rất nhiều thông điệp, thư từ và diễn văn của đức Léon XIII chứng tỏ sự quan tâm của Ngài đến việc rèn luyện trí thức của các linh mục và nhất là mối lo ngại của Ngài trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ, trước sự hời hợt về kỷ luật của hàng giáo sĩ trẻ tuổi. Ðức Pie X, trong bức thông điệp Communium rerum (Về công vụ chung) (1909) cũng đã phác họa hình ảnh của một người giám mục lý tưởng. Khi còn là giám mục, Ngài chủ tâm đến người linh mục. Trong suốt triều đại giáo hoàng, Ngài không ngớt kêu gọi hàng giáo sĩ hãy luôn luôn đáp ứng nồng nhiệt mọi đòi hỏi của ơn thiên triệu (2). Huấn dụ mà Ngài soạn thảo vào tháng 8-1908 nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm chịu chức, là bản hiến chương tinh thần của chức linh mục, được xem như một bản văn cổ điển trong một thời gian khá lâu.
Nhiều giám mục cũng hưởng ứng các mối bận tâm đó. Ðôi khi với các ấn phẩm được phát hành bằng nhiều thứ tiếng chẳng hạn như: “The Eternal Priesthood” (chức linh mục đời đời) của Manning (1883), “The Ambassador of Christ” (Sứ giả của Ðức Kitô) của Gibbons (1897) và “La Vie intérieure, appel aux âmes sacerdotales” (Ðời sống nội tâm, lời kêu gọi các tâm hồn linh mục) của Mercier (1918) với một luận điệu mới mẻ, khởi đầu cho sự canh tân tu đức học của hàng giáo sĩ triều, đặc điểm của thời đại giữa hai cuộc chiến. Nhưng thông thường thì bằng những chỉ thị cụ thể như khuyến cáo làm các việc đạo đức hay xưng tội hàng tuần, hoặc tổ chức những buổi tĩnh tâm hàng tháng. Những quy định này đã đáp ứng được ước vọng tự nhiên của một số linh mục càng ngày càng đông. Ðể cố gắng đi vào đời sống nội tâm, những linh mục này quy tụ lại thành các tập đoàn tư tế, thường thường giới hạn trong một giáo phận hay giáo tỉnh, nhưng đôi khi cũng có tầm vóc quốc gia và quốc tế, chẳng hạn như “Hiệp hội tông đồ các linh mục triều” thành lập tại Orléans năm 1862, hay là “Hiệp hội linh mục trung kiên” (Associatio perseverantiae sacerdotalis) thành lập tại Vienne năm 1868. Thêm vào đó, phải nói đến ảnh hưởng càng ngày càng tăng của các linh mục dòng đối với hàng giáo sĩ triều nhờ sự tiếp xúc thường xuyên trong sứ vụ hàng ngày, cộng thêm với các ấn phẩm là món ăn tinh thần thông thường của họ.
Ảnh hưởng cuối cùng này lại cổ võ khuynh hướng muốn biệt lập với thế gian, mà mối nguy cơ là cắt đứt liên lạc với xã hội, môi trường họ phải thi hành sứ vụ truyền giáo; khuynh hướng này được thấm nhuần tại các chủng viện và được nhấn mạnh tại các quốc gia La Tinh với sự phổ thông hóa chiếc áo chùng đen. Mặc dầu không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao của việc nâng cao trình độ trí thức của giới giáo sĩ và của sự nhận thức sâu đậm về những đòi hỏi trong tác vụ tông đồ, người ta cũng tự hỏi: phải chăng là một con dao hai lưỡi, nếu cứ quá đề cao người linh mục theo kiểu mẫu hội Xuân Bích, chỉ chăm lo cầu nguyện và giữ một đời sống hy sinh, ẩn dật, thừa kế của Trường phái Pháp thế kỷ XVII?.
Vì sống xa cách với người đời, linh mục vấp phải một chướng ngại lớn trong sứ vụ tong đồ, đó là trình độ quá tầm thường của các bài giảng!. Sự thiếu hiểu biết và nhát sợ thế gian, đã bộc lộ trong nền văn chương đạo đức thời đó, lại càng gia tăng do việc huấn luyện thiếu sót về cả triết học và thần học. Kết quả là người linh mục nhìn thế gian qua các sự kiện lỗi thời và lệch lạc.
Vào cuối triều đại của đức Léon XIII, nhiều tiếng nói đã gióng lên để tố giác sự lỗi thời của chương trình giáo huấn tại các chủng viện. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng, vì đa số các giáo sư chủng viện là những người tự học. Cuốn “Educazione del giovane clero nei Seminari e i nuovi tempi” (Việc đào tạo các giáo sĩ trẻ trong chủng viện và trong thời đại mới) (1882) của E. Fani, giáo sư chủng viện ở Florence bị cấm lưu hành. Trái lại mười lăm năm sau, cuốn “Clerical Studies” (Việc học hỏi của giáo sĩ) của John Hogan, linh mục Xuân Bích và bề trên chủng viện ở Boston, xuất bản năm 1898; được dịch ra Pháp ngữ năm 1901, đã được đón nhận dễ dàng: đức cha Mignot, tổng giám mục Albi đã dựa vào đó để soạn thảo “Các văn thư liên quan đến sự nghiên cứu về giáo sĩ” (1900-1901). Cũng nên nhắc đến khuynh hướng rất mới mẻ đối với thời ấy mà D. Mercier đã áp dụng vào đại chủng viện “Léon XIII”. Bấy giờ, ngài tổ chức tại Louvain từ năm 1892 chủ trương huấn luyện lòng đạo đức cá nhân của chủng sinh, thay vì đường lối có tính cách trinh sát (3).
Vấn đề các chủng viện được đặt ra một cách khẩn trương tại Ý, vì có quá nhiều giáo phận nhỏ bé, khó tổ chức được một chủng viện trên căn bản đứng đắn. Ðức Pie X, nguyên là linh hướng của chủng viện tại Trévise và là người có nhiều công trạng trong việc cải thiện các chủng viện thuộc các giáo phận ở Mantoue và Venise, đã đề cập đến vấn đề này ngay từ lúc Ngài mới nhậm chức. Tuy các biện pháp đề ra chỉ nhằm trực tiếp nước Ý, nhưng đối với Ngài thì chúng có giá trị làm mẫu mực cho toàn thể Giáo Hội; một vài lời tuyên bố của chính giáo hoàng hay của Thánh bộ có thẩm quyền cho thấy rõ điều đó. Một trong những mục tiêu của cuộc thanh tra tông tòa được ấn định vào tháng 3-1904 dành cho các giáo phận ở Ý, là để biết rõ tình trạng các chủng viện (kể cả các tiểu chủng viện, nơi đào tạo đa số các thiếu sinh vào chức tư tế). Vào đầu năm 1905, một ủy ban giáo hoàng được thành lập để soạn thảo chương trình cải tổ dựa trên những dữ kiện thu thập được. Người được giáo hoàng giao phó trọng trách đó là cha Benedetti, MSC. Sau 3 năm nghiên cứu, ủy ban cho phổ biến một chương trình giáo huấn rất chi tiết (10-5-1907) và những quy phạm liên quan đến việc huấn luyện đạo đức và tâm linh (1-1-1908). Nếu toàn thể công cuộc cải tổ đã nói lên các nhược điểm của một hệ thống giáo dục đóng kín, thì người ta cũng nhận thấy một vài biện pháp đi theo một chiều hướng tốt đẹp. Nhưng tiếc thay, kết quả đã làm ngã lòng, vì thiếu nhân sự tương xứng, hơn nữa, sự thanh lọc triệt để vì phản ứng chống phái cấp tiến lại càng làm cho tình trạng thiếu nhân sự thêm trầm trọng. Phản ứng thiếu suy xét đó lại đưa đến hậu quả là kềm hãm và đôi khi tiêu hủy những cố gắng nhằm đổi mới, trước đây đã được thực hiện để cứu vãn một tình trạng xuống cấp trầm trọng của đa số các chủng viện.
Nếu việc huấn luyện hàng giáo sĩ trẻ tuổi không đáp ứng kịp thời với tình trạng mới của Giáo Hội và thế giới thì người ta đã nhận thấy rất nhiều cố gắng của các linh mục muốn tích cực dấn thân vào sứ vụ tông đồ. Thật vậy, cho đến năm 1914, nhiều linh mục tiếp tục chứng minh công thức nổi tiếng của Taine: “Là lính canh trung thành họ luôn có mặt tại chòi canh, kiên nhẫn và chăm chú theo hiệu lệnh, triệt để canh phòng dù phải cô đơn và buồn tẻ”. Hoạt động chủ yếu của họ là cử hành thánh lễ (vào những ngày trong tuần dù chỉ với sự hiện diện của một vài phụ nữ), thuyết giáo ngày chủ nhật, dạy giáo lý cho trẻ em, đón tiếp người đến xưng tội và ban bí tích cuối cùng cho người hấp hối. Tuy nhiên, cần tránh sự tổng quát hóa vội vã. Thật vậy, cha sở tại một làng ở miền Trung hay miền Nam nước Ý, thường tham dự vào đời sống hàng ngày của giáo dân nhiều hơn là một cha sở ở Pháp. Tại Anh và Ái Nhĩ Lan, ở các khu vực bình dân, cha sở không những là người cha tinh thần của đoàn chiên mà còn là vị cố vấn của họ trong lãnh vực thế tục và đôi khi lại là vị lãnh tụ của họ trong các yêu sách đối với chính quyền. Ngoài ra người ta nhận thấy hàng giáo sĩ dần dần đi vào một hình thức truyền giáo có tính cách chinh phục hơn. Kể từ nhiệm kỳ của đức Pie IX, những nhân vật sáng lập các dòng tu như cha d'Alzon hay don Bosco đã hướng các môn đệ theo đường hướng ấy. Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong giới tu sĩ. Cha Dupanloup khích lệ các cha sở đừng ngồi đợi giáo hữu ở giáo đường mà phải đi thăm viếng họ để thức tỉnh những phần tử nguội lạnh. Ngài còn cổ võ nhiệt tâm của họ bằng biện pháp điều tra. Vả lại, mặc dầu phần chính yếu của sứ vụ tư tế vẫn tập trung ở giáo xứ, người ta đã thấy xuất hiện bên cạnh các cha sở và cha phó xứ một mẫu linh mục mới: giám đốc các hội đoàn.
Sự phát triển các hội đoàn là một đặc trưng của công giáo thế kỷ XIX và không ít thì nhiều đã tạo ra một môi trường sinh hoạt riêng biệt mà ngày nay vẫn còn bị phê bình. Dụng ý này đã được đức cha d'Hulst nêu lên, Ngài vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Giáo xứ trong tương lai sẽ là một nhóm hội đoàn, vì rằng trong một xã hội không còn chính thức là công giáo nữa, thì cần thiết dựng nên một cách giả tạo những môi trường trong đó đời sống siêu nhiên có thể phát triển tự do” (4). Trong viễn ảnh đó, người ta hiểu tại sao đức Pie IX nhấn mạnh đến việc cần thiết phải duy trì tính cách hoàn toàn tôn giáo trong các hội đoàn, ngay cả đối với những tổ chức ngoài tôn giáo như các công đoàn thợ thuyền (5), và nhắc nhở giáo dân đừng tham gia vào các công tác có tính cách trung lập theo lời mời gọi của một vài nhóm cấp tiến vì lẽ họ có một nhận định thực tế hơn về tình hình trước ngưỡng cửa thế kỷ XX. Tuy nhiên đó chỉ là những tiếng nói lẻ loi trước sự phát triển mạnh mẽ của các hội đoàn công giáo vào hậu bán thế kỷ. Vào cuối triều đại của đức Léon XIII, sự ra đời của nhiều hội đoàn có xu hướng xã hội gợi cho ta nhớ đến một hình thức hoạt động tân tiến hơn: trong thế kỷ XVIII, nhiều cha sở vùng quê hoạt động như những huấn luyện viên của dân chúng trên bình diện thế tục. Vì trong đa số các trườøng hợp, linh mục là người cổ võ và chịu trách nhiệm, giáo dân chỉ đóng vai trò phụ tá ngoan ngoãn. Ðứng trước sự phát triển ngày càng tăng của các loại hội đoàn khác nhau, nhiều cố gắng để phối hợp đã được thực hiện trên hầu hết các giáo phận, và cả trên bình diện quốc gia như tại các nước nói tiếng Ðức và sau đó, tại Hoa Kỳ. Nhưng tại các quốc gia La Tinh, sự phát triển này thường xẩy ra một cách hỗn độn, và trong một thời gian khá lâu, thường chỉ là những sáng kiến cá nhân và địa phương mà thôi.
Trên địa hạt giáo dục, cũng có rất nhiều nỗ lực nhằm phát triển một nền giáo dục kitô cho các tín đồ sống trong một xã hội đang bị tục hóa dần dần: “Vấn đề học vụ” bắt đầu được đặt ra một cách mạnh mẽ kể từ triều đại của đức Grégoire XVI. Nền học vấn càng phổ biến, hàng giáo sĩ càng ý thức sâu sắc rằng giáo dục theo tinh thần công giáo là một điều tất yếu biện minh cho mọi hy sinh. Nhưng, nếu tại các quốc gia nói tiếng Ðức, một giải pháp thích đáng đã được đề ra và duy trì cho người công giáo, thì trái lại, tại các quốc gia La Tinh và các nước Anglo-Saxons có mầu sắc tin lành thì xu hướng của các trường công càng ngày càng tách xa Kitô giáo. Ðiều này đã khiến cho giới hữu trách công giáo phải thiết lập, với sự khích lệ công khai của Tòa Thánh, cả một hệ thống trường tư công giáo sinh hoạt song đôi với các trường công. Ðôi khi hệ thống này gồm cả các trường đại học, như ở Bỉ từ năm 1834, ở Ái Nhĩ Lan năm 1851, ở Pháp năm 1875, ở Hoa Kỳ năm 1887. Phong trào này vẫn tiếp tục sau đệ nhất thế chiến với các trường đại học công giáo ở Milan, Nimègue và Lublin.
Một điều đáng tiếc là sự tận tâm của các linh mục trên ba lãnh vực “giáo xứ, hội đoàn và học đường”, ít khi đi đôi với sáng kiến mục vụ, rất cần thiết để thích ứng các biện pháp cổ điển vào những biến chuyển xã hội và văn hóa đang đua nở xung quanh họ. Thái độ lãnh đạm đối với tôn giáo thấy rõ tại các đô thị với sự tập trung của giới vô sản bị bứng ra khỏi môi trường sống cũ của họ, và tại thôn quê do sự phát triển hệ thống đường xe lửa, sự phổ biến báo chí và sự phổ thông nghĩa vụ quân sự. Sự lạnh nhạt này càng gia tăng, cho dù con số người không tham dự thánh lễ ngày chủ nhật chưa tới 2,4%, như tại Brie vào năm 1903. Nhưng rất ít người có trách nhiệm thấu hiểu rằng: điều cần thiết không phải là tìm cách tăng thêm các nơi phụng tự và nhân sự giáo xứ, nhưng là phát minh và hoàn chỉnh những phương pháp truyền giáo mới ngõ hầu đem Giáo Hội trở lại gần với đám quần chúng đang rời xa Giáo Hội và tự động tổ chức những đoàn thể ngoài Giáo Hội. Tiêu biểu cho tình trạng này là ngay các giám chức, trên địa hạt chính trị thì khuyến cáo nên thích ứng với thời đại mới, nhưng trên địa hạt mục vụ lại vẫn bênh vực “những phương pháp cổ xưa đã từng chứng tỏ hiệu năng của chúng”. Tuy nhiên, kể từ triều đại đức Léon XIII, bắt đầu thấy xuất hiện nhiều thay đổi.
Ngay trước đây, một vài sáng kiến đáng chú ý đã được đề ra, nhất là trong địa hạt báo chí. Vào năm 1844, tờ “Tạp chí Hai Thế Giới” viết: “Giáo dân trở thành thần học gia, thần học gia trở thành ký giả. Ngày nay, đối với một vài thành phần trong giới giáo sĩ, báo chí đã trở nên một chi nhánh của tòa giảng, vì phải nhìn nhận rằng báo chí gây ảnh hưởng nhiều hơn là bài giảng”. Lời nhận xét này trước tiên áp dụng cho nước Pháp, rồi đến các nước Tây Âu. Tuy nhiên phải thú nhận: các nhật báo công giáo, lúc đầu chỉ có một số ấn bản rất khiêm tốn và một hình thức rất xoàng xĩnh, vì thiếu phương tiện. Sánh với làng báo được tự do tư tưởng, các nhật báo công giáo còn thua kém nhiều cả về phẩm chất lẫn hình thức. Hơn thế, trong nhiều trường hợp, các báo công giáo còn gặp trở ngại do sự hoài nghi của hàng giáo phẩm cao cấp không muốn ký giả can thiệp vào công việc của Giáo Hội. Tuy nhiên, vào cuối thập niên của thế kỷ, tình thế trở nên sáng sủa hơn, nhất là ở Ðức và Pháp. Tại Pháp, các tu sĩ Assomptionistes với phong trào “Báo chí lành mạnh” (Bonne Presse) đáng được đề cập đến. Tuy nhiên, đa số các nhật báo đều do người công giáo xuất bản và dành cho độc giả công giáo chứ không phải là một cơ quan thông tin nhắm vào quần chúng ngoài công giáo để cho họ biết tin tức về Giáo Hội một cách trung thực, hay để thay đổi quan niệm của họ trong lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Một vài người công giáo Ý hăng say muốn dấn thân vào con đường đó dưới danh hiệu “Stampa di penetrazione” (Báo chí thâm nhập) liền bị đức Pie X phủ nhận hoàn toàn (6).
Trên bình diện hoàn toàn mục vụ, vào khoảng năm 1900, người Ðức lưu tâm đến hai vấn đề. Trước tiên là việc dạy giáo lý (7). Ðã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi phương pháp truyền đạt. Hai tạp chí chuyên môn ra đời tại Munich vào năm 1875 và tại Vienne vào năm 1878 đã hoàn chỉnh dần dần một sư phạm có tính cách quy nạp hơn, nghĩa là thay vì khởi đầu bằng việc giải thích một bản văn trừu tượng, thì trái lại người ta sẽ đi từ kinh nghiệm của một đứa trẻ để dẫn tới bản văn giáo lý. Những đại hội nhóm họp vào năm 1906 và 1912 đã góp phần vào việc phổ biến “phương pháp của Munich”, vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia nói tiếng Ðức. Tuy nhiên phải đợi một thế hệ nữa mới có thể đặt lên hàng đầu phần nội dung cần được truyền đạt: hoặc là một sự hiểu biết về tôn giáo qua các từ ngữ kinh viện hoặc là một thông điệp cứu rỗi được trình bày từ Kinh Thánh.
Vấn đề thứ hai, chủ yếu hơn nhưng trước đây ít ai quan tâm, nay bắt đầu được nghiêm chỉnh nêu lên: đó là sự thiếu thích ứng của các giáo xứ trong những đô thị lớn. Nhất là tại các vùng ngoại ô đông thợ thuyền, những giáo xứ với 30.000 hay 40.000 người không phải là hiếm (8). Ðôi khi tình trạng còn ngặt nghèo hơn: thành phố Vienne có những giáo xứ với 60.000 người; tại Paris, vào năm 1906, giáo xứ Saint Pierre de Montrouge có đến 90.000 người và giáo xứ Notre Dame de Clignancourt có 121.000 người. Tại Roma, vào thời đức Pie X, các giáo xứ Saint Laurent và Sainte Agnès vượt quá 170.000 “tín hữu”, ngoài ra tại các vùng ngoại ô rộng lớn, gần 300.000 người hầu như không được hướng dẫn. Tác phẩm “Grosstadtseelsorge” xuất bản năm 1909 của giáo sư H.Swoboda, người thành Vienne, là kết quả của một cuộc thăm dò trên toàn cõi Tây Âu và Trung Âu và đã đánh dấu trên địa hạt này một bước tiến quan trọng trong lịch sử mục vụ đương thời.
Tuy nhiên vào những năm cuối thế kỷ XIX, nước Pháp chính là nơi sáng lên nhiều ước nguyện nồng nhiệt muốn đi tìm những phương thức mục vụ mới mẻ. Trong các bản báo cáo và thuyết trình của đại hội giáo sĩ ở Reims vào năm 1896, tập họp gần 700 linh mục xung quanh đan sĩ Lemire, người ta kinh ngạc trước “sự hỗn hợp giữa các giải pháp cổ hủ với các dự án tương lai. Nói chung, mặc dầu các kinh nghiệm nêu lên còn vướng mắc với tục lệ, mọi trao đổi ý kiến đã diễn ra trong một tinh thần rất cởi mở” (R. Rémond). Ðành rằng những người dự đại hội chỉ là một thiểu số, nhưng trong thiểu số này 4/5 thuộc hàng giáo sĩ làm mục vụ tại các giáo xứ. Các ngài có nhiều ảnh hưởng trong các đại hội địa phương: “Thật chưa bao giờ người ta thấy nhiều cha sở di chuyển như vào cuối thế kỷ XIX” (P. Pierrard). Nhưng tác động đến quần chúng nhiều hơn cả có lẽ là ảnh hưởng của sách báo và tạp chí. Trong số các tạp chí, phải kể đặc biệt đến tờ “Tạp chí của giáo sĩ Pháp” mà chủ nhiệm là đan sĩ Bricourt, đã biến thành diễn đàn cho các linh mục dấn thân, tạp chí này được giới giáo sĩ trẻ đọc say mê. Vì lẽ các giáo sĩ trẻ ngày càng nhận thức rằng các linh mục đã mất liên lạc với quần chúng. Cho nên, điều cần làm là, theo công thức của Y. Le Querdec (biệt danh của G.Fonsegrive), “Thay vì ngồi đợi chờ ở nhà xứ, linh mục phải có sáng kiến hoạt động như một thừa sai”. Thời đó, ý tưởng này được nhắc đến luôn và mở đường đi tìm những phương thức mục vụ mới, ngõ hầu ra khỏi các lề lối cổ xưa của nền hành chánh giáo xứ cổ điển. Nhiều người bắt đầu cổ võ “hình thức các thừa sai lao động” (tư tưởng này được đức cha Doutreloux, giám mục ở Liège khởi xướng vào năm 1883 và được thực thi lần đầu tiên ở Tarbes năm 1893) và ngay cả “hình thức các linh mục thợ” (9).
Lẽ cố nhiên chính trong các thành viên dân chủ Kitô giáo đã xuất hiện rõ rệt xu hướng muốn canh tân phương pháp mục vụ cho nổi bật tính cách tông đồ hơn. Nhưng rồi xu hướng ấy còn đi xa hơn nữa. Ðể biện minh điều đó, chỉ cần so sánh “cuốn thủ bản mới của người chủng sinh” do G. Letourneau (1906), linh mục Xuân Bích biên soạn với cuốn thủ bản vẫn được xử dụng cho đến cuối thế kỷ XIX. Ngoài ra, chẳng hạn đức cha Latty và nhất là đức cha Gibier không những đã xác nhận đặc tính ưu tiên của sứ mệnh mục vụ của Ngài trên các nhiệm vụ hành chánh mà còn tán dương việc kêu gọi sự cộng tác của giáo dân.
Tư tưởng này gây chấn động tại Pháp vào khoảng năm 1900 nhưng từ lâu đã được áp dụng tại Ðức. Nơi đây, từ giữa thế kỷ XIX, người ta chứng kiến sự ra đời của nhiều hiệp hội rất linh động, mỗi hiệp hội đáp ứng một nhu cầu rõ rệt: các hiệp hội thuần túy tôn giáo như các hội đoàn Ðức Maria, các hiệp hội phổ biến sách báo lành mạnh, các hiệp hội trợ giúp thừa sai, hay cứu trợ ngoại kiều (Raphaelverein) và những người công giáo sống lẻ loi trong các vùng thuộc tin lành (Bonifatiusverein), các hội Saint Vincent de Paul và nhiều đoàn thể từ thiện khác. Các hội này được phối hợp trên bình diện liên giáo phận kể từ năm 1897 nhờ sáng kiến của hiệp hội Deutsche Caritasverband là hiệp hội sinh viên hay nghệ sĩ công giáo, và nhất là các nhóm Liên Ðới Nghề Nghiệp, quy tụ những người học hay làm cùng nghề, như các nông phu hay thợ thuyền, hầu giúp nhau bênh vực quyền lợi, đồng thời nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Thông thường, các tuyên úy để cho giáo dân đóng vai chủ động trong công tác cổ võ và điều khiển phần lớn các hiệp hội đó. Trên bình diện quốc gia, có “Hiệp hội công giáo Ðức quốc”, là cơ quan có trách nhiệm chung về các hội đoàn. Cơ quan này được triệu tập mỗi năm một đại hội gọi là “Katholikartag” để bàn thảo một cách thẳng thắn các vấn đề nóng bỏng và có tính cách thời sự nhất. Ðại hội công giáo đầu tiên được triệu tập tại Mayence vào tháng 10-1848 (10) với mục đích thống nhất các tập đoàn tự phát trong mấy tháng trước đây tại một vài vùng nước Ðức , và tìm cách xử dụng tối đa quyền tự do mà các nghị viên ở Francfort sắp sửa thừa nhận cho Giáo Hội (11). Trước mắt sử gia, việc triệu tập đại hội dưới sự thúc đẩy của tình thế là một biến cố đáng ghi nhớ trong “lịch sử công giáo tiến hành” của giáo dân vào thế kỷ XIX.
Tuy nhiên đừng nhận định sai lầm về ngày tháng để không đồng hóa “Phong trào công giáo” Ðức ở thế kỷ XIX với “Công giáo tiến hành” xuất hiện dưới triều đại của đức Pie XI. Phù hợp với tình hình mục vụ đương thời, những hiệp hội đó (Vereine) nhằm mục tiêu chính yếu (nếu không muốn nói duy nhất) là che chở tín hữu công giáo và bênh vực Giáo Hội hơn là khôi phục lại việc tông đồ.
Trong chiều hướng đó, dưới một hình thức mới mẻ hơn, “lÐoàn thanh niên công giáo Pháp” (ACJF) xuất hiện vào năm 1886 dưới sự thúc đẩy của Albert de Mun, nhằm mục đích “góp phần vào việc tái iập trật tự xã hội kitô” với châm ngôn “kính tín” học tập và hành động. Khởi đầu chỉ như một con thuyền nhỏ bé nương theo dấu vết của “Công trình của các hội đoàn” (M. Prélot) và mang mầu sắc lý tưởng phản cách mạng đúng theo chiều hướng của văn kiện Syllabus, đoàn thể này dần dà dấn thân vào xã hội hiện đại thể theo mệnh lệnh của đức Léon XIII được ghi trong các thông điệp Immortale Dei và Rerum novarum, và sau đó bột phát dưới quyền điều khiển của H. Bazire (1899-1904), ông đã đưa ra hiệu lệnh “có tính cách xã hội vì là công giáo”. Từ lâu, “Ðoàn thanh niên Công giáo Pháp” đặt trọng tâm hoạt động ở giới thanh niên sinh viên. Nhưng sau đó, họ tìm cách bành trướng ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội với mục đích “thu phục dư luận quần chúng và thu phục bằng hoạt động xã hội”. Theo lời của ông J. Lerolle (1907), chủ tịch đoàn, họ hy vọng rằng sự dấn thân của các thành phần ưu tú tín hữu công giáo vốn nhiệt tình trong mọi hoạt động cộng đoàn và hoạt động từ thiện, sẽ phá đổ bức tường thiếu thông cảm đã nhiều năm cầm giữ quần chúng lao động ở bên ngoài Giáo Hội. Ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm của họ đối với xã hội và đối với Giáo Hội, giới lãnh đạo Ðoàn thanh niên Công giáo Pháp, tuy đã không phát xuất từ một quan niệm rõ rệt về giáo dân và địa vị của họ trong Giáo Hội, nhưng lý tưởng của họ đã thể hiện dần dần qua tính năng động đặc biệt trong nội bộ, cũng như qua cách thế bầy tỏ lập trường đối với các thành phần đã tách rời Giáo Hội, và qua sự khác biệt của họ đối với các thành phần này (12). Ðoàn thể này muốn đứng ở “địa hạt hoàn toàn công giáo” và tiếp tục nhấn mạnh đến nhu cầu huấn luyện tôn giáo cho các hội viên và lòng nhiệt thành của người kitô hữu (đây là mối bận tâm của P. Gerlier vị chủ tịch từ năm 1909 đến 1913). Mặc dầu dành nhiều sáng kiến cho giáo dân, đoàn thể này vẫn muốn trung thành với quy chế đặt họ “dưới sự giám hộ của giáo hoàng và hàng giám mục Pháp” (điều 2). Trong bức thư đề ngày 22-2-1907 của đức Pie X xác nhận rõ ràng điều này. Ngài trấn an những người tỏ ra lo ngại rằng tính cách quốc gia của Ðoàn Thanh Niên sẽ không phù hợp với cơ cấu tổ chức theo giáo tỉnh của Giáo Hội. Ngài ca ngợi “các quy tắc khôn ngoan quy định: trong mỗi nhóm có một linh mục đạo đức và thông thái lãnh trách nhiệm vừa chủ tọa các phiên họp có tính cách tôn giáo vừa hướng dẫn những lớp học hỏi về giáo lý và về những vấn đề xã hội”. Ngài nhấn mạnh rằng “điều đáng khen nhất” của đoàn thể này là “các con đã triệt để tuân theo các huấn lịnh của giáo hoàng liên quan đến hoạt động công giáo và xã hội và đã chấp nhận sự hướng dẫn của các giám mục và các chủ chăn khác để thực thi các huấn lệnh đó” (13).
Ðiều cuối cùng này làm cho đức Pie X bận tâm rất nhiều. Ngài thúc đẩy giáo dân cộng tác nhiều hơn với hàng giáo sĩ (14). Trước đây, vào năm 1905, ngài đã nêu lên những nguyên tắc tương tự trong thông điệp “Il firmo proposito” (Nghị quyết vững chắc) với mục đích chống lại xu hướng ngày càng gia tăng của phong trào công giáo Ý muốn thoát ra khỏi quyền kiểm soát của hàng giáo phẩm.
Xét theo lịch sử về giáo thuyết của công giáo tiến hành, thì tầm quan trọng của thông điệp này là đã giải thích được tại sao trước đây “Movimento Cattolico” không hề được sử gia Ý quan tâm tới, nhưng từ một phần tư thế kỷ nay, những thăng trầm của nó lại là đề tài nghiên cứu của nhiều nhóm có xu hướng khác nhau. Phong trào này ra đời vào những năm cuối cùng của triều đại đức Pie IX. Trong khi phần đông tín đồ công giáo giữ thái độ thụ động, chờ đợi sự sụp đổ gần đến của vương quốc Ý phát xuất từ “Cuộc Cách Mạng”, thì một vài giáo dân ở Bologne dưới sự hướng dẫn của luật sư Casoni, mơ tưởng thành lập một phong trào rộng lớn trên bình diện quốc gia với mục đích công giáo hóa lại xã hội, ngõ hầu dễ dàng thu phục chính quyền. Tư tưởng này tiến dần đến mục tiêu và được sự tán trợ của các sáng lập viên của hiệp hội “Società della Gioventù cattolica italiana” (Hiệp hội giới trẻ công giáo Ý) là công tước G. Acquaderni ở Bologne và một thanh niên Roma là M. Fani. Sau ngày chiếm đóng thành Roma, tổ chức “Civiltà cattolica” (Nền văn minh công giáo) mở chiến dịch tuyên truyền với đề tài: “Từ trước đến nay giáo dân Ý đã thực hiện được nhiều điều trong lãnh vực cá nhân, nhưng chỉ có sự hợp quần chúng ta mới tạo nên sức mạnh”. Trong những tháng tiếp theo, người ta chứng kiến một vài thực hiện cụ thể, chẳng hạn ở Roma (với Hiệp hội “Societa romana per gli interessi cattolici”, Hội người La Mã bênh vực quyền lợi công giáo) và ở Florence (với Hiệp hội “Societa promotrice cattolica delle buone opere”, Hội thăng tiến công giáo về các việc thiện, sau này trở thành trụ cốt của một liên đoàn các hội đoàn công giáo). Sự bột phát này đã dẫn đến đại hội công giáo Ý đầu tiên tại Venise vào năm 1874, rập theo khuôn mẫu đại hội Katholikentage của Ðức và các đại hội ở Malines, cho dù với một hình thức nông cạn hơn và thuyết giảng nhiều hơn. Trong việc mưu tính xích lại gần với xã hội hiện đại, những phần tử di động trong công giáo Ý không đi theo chiều hướng của chủ nghĩa tự do công giáo, mà đã chọn phong trào đấu tranh dựa trên các nguyên tắc của văn kiện Syllabus trong đó các lời chúc dữ gửi đến xã hội tự do đã làm sống dậy nghị lực của những thành phần cố chấp (intransigenti). Tuy nhiên hoạt động của phong trào công giáo tiến hành không phải là không gặp nhiều khó khăn: đó là sự thờ ơ của các vùng phía Nam, nơi đây các ủy ban địa phương chỉ hiện hữu trên giấy tờ; nơi khác, chẳng hạn như ở Roma (15), người ta cương quyết bảo vệ quyền tự trị của địa phương; ngoài ra đa số giáo sĩ còn do dự, không muốn chia quyền điều hành cho giáo dân. Do đó hoạt động của phong trào bị đình trệ trong thập niên đầu. Nhưng sau năm 1887, khi không còn hy vọng hòa giải với nước Ý hiện đại và thấy nhiều giám mục có khuynh hướng hùa theo chính quyền, đức Léon XIII mới tán trợ phương án tổ chức lực lượng công giáo đưới sự bảo trợ của các phần tử cực đoan trong lãnh vực chính trị, nhưng lại sẵn sàng hòa hoãn trong lãnh vực xã hội ngõ hầu thu phục cảm tình của dân chúng đối với Giáo Hội trong việc chống đối giai cấp lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do. Phần lớn giới trí thức và giai cấp lãnh đạo, nhất là ở Milan và miền Nam, đứng ngoài phong trào mà họ cho là cố chấp, chống lại các giá trị hiện đại. Dầu vậy, chỉ trong vài năm, phong trào cũng đã quy tụ được một số đông giáo dân Ý trong một tổ chức rất tập trung với cơ sở là các ủy ban giáo xứ (3.982 ủy ban xứ vào năm 1897). Nhưng tổ chức này không lưu ý đủ đến những khác biệt địa phương; ngoài ra các chỉ thị xuất phát từ một ủy ban lãnh đạo mà đa số thành viên, kể cả vị chủ tịch là G.B. Paganuzzi, đều gốc gác vùng Venise, một vùng thủ cựu nhất ở Ý.
Một điều không ai chối cãi là trong một thời gian khá lâu, các hoạt động tích cực của phong trào không được mấy ai quan tâm tới. Trước tiên, là việc tìm hiểu sâu xa về tôn giáo dưới những hình thức phát biểu đơn sơ và tinh thần giác ngộ của giáo dân về trách nhiệm của họ trong xã hội Kitô giáo. Tiếp đến là những tiếp xúc hữu ích giữa các linh mục và các thành phần giáo dân đấu tranh, vì trong nhiều miền người ta còn nặng óc địa phương cho dù nước Ý đã thống nhất về chính trị. Sau cùng, tuy chậm rải, các báo chí công giáo thi nhau ra đời tại nhiều địa phương với một số lượng đáng kể. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều điều thực hiện hữu ích trong lãnh vực xã hội (16). Tuy nhiên không phải là không có những nhược điểm: Sự lệ thuộc quá chặt chẽ đối với hàng giáo sĩ địa phương đã nhiều phen làm nhụt sáng kiến của giáo dân. Một hiện tượng tiêu cực khác mà bề ngoài có vẻ mâu thuẫn: quyền hành của giáo quyền địa phương không được các giám mục trong ủy ban điều hành liên hệ với Tòa Thánh, tôn trọng. Cũng phải nói đến khuynh hướng muốn tự cô lập hóa đối với xã hội, nhất là trong lãnh vực văn hóa (hậu quả là tình trạng kém cỏi của báo chí công giáo và óc sáng tạo cằn cỗi trong lãnh vực nghệ thuật kitô). Ðặc biệt phải đề cập đến yếu tố di truyền cơ bản của một tổ chức mạnh nhất vừa từ phong trào công giáo tiến hành vừa từ các đảng chính trị, đã đưa tới hậu quả: khuynh hướng muốn chuyển hoán qua địa hạt chính trị, thái độ khắt khe trên lãnh vực tôn giáo, và tham vọng muốn trọn quyền kiểm soát của giáo quyền, trong cả các vấn đề thế tục.
Những mâu thuẫn nội bộ nêu trên đã bùng nổ dưới áp lực của giới thanh niên quy tụ xung quanh một linh mục rất hăng say là cha Romolo Murri, người sáng lập Liên đoàn đại học công giáo Ý (Federazione degli Universitari cattolici italiani: FUCI) năm 1895. Lợi dụng cơn khủng hoảng tiếp sau các biện pháp tàn bạo của chính quyền đối với Hiệp hội “Opera dei Congressi”, (17) nhóm Murri đã được Vatican chấp thuận thay thế vị chủ tịch lớn tuổi Paganuzzi bằng công tước Grosoli 43 tuổi, gốc thành phố Ferrare, người có tinh thần cởi mở hơn đối với các trào lưu mới. Nhưng, tuy đồng ý với việc trẻ trung hóa các mục tiêu cũng như các phương pháp hoạt động của giáo dân trong hiệp hội, Phủ Quốc Vụ Khanh vẫn bắt hiệp hội phải lệ thuộc giáo quyền. Vì thế, quy chế mới của “Opera” quy định rằng: Mỗi phân bộ thanh niên dân chủ Kitô giáo phải có một cha tuyên úy do bản quyền giáo phận bổ nhiệm. Linh mục Murri đang ước mong được một quyền tự trị rộng rãi để có thể hoạt động trong địa hạt chính trị mặc dầu giáo quyền cấm cản, liền lên tiếng phản đối, trước tiên trên tờ tuần báo “Domani d'Italia”, rồi trong bài diễn văn sôi nổi đọc tại Saint Marin ngày 24-8-1902 với chủ đề “Tự do và Kitô giáo”. Mặc dầu có sự khuyến cáo lập tức của Tòa Thánh, ngài đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại đại hội của “Opera” thành phố Bologne vào tháng 11-1903. Nhưng vì khuynh hướng của cha Murri quá đối lập với quan điểm của đức tân giáo hoàng, nên Tòa Thánh không thể để tình trạng mập mờ này tồn tại lâu dài. Ngày 30.-7-1904, nhân có sự sơ hở của Grosoli, đức Pie X tuyên bố giải tán tổ chức “Opera dei Congressi”. Năm sau, sau khi nêu lên trong bức thông điệp “Il firmo proposito” ngày 11-6-1905, những nguyên tắc hướng dẫn các hoạt động công giáo, ngài trao cho Toniolo và hai người thuộc thế hệ trẻ là công tước Medolago và Pericoli, chủ tịch của đoàn thanh niên công giáo, nhiệm vụ cải tổ thành phần cán bộ của tổ chức Công Giáo Tiến Hành Ý. Dự án họ đưa ra được chấp thuận năm 1906, thiết lập ba cơ quan. Cơ quan thứ nhất là “Uniare popolare” (Quy tụ toàn dân) dựa theo tổ chức “Volksverein” của Ðức với dụng ý tập hợp mọi tầng lớp giáo dân được huấn luyện để tham dự vào đời sống công cộng với tư cách tín đồ công giáo, nhưng trên thực tế cơ quan này không có một ảnh hưởng nào đáng kể. Cơ quan thứ hai, “Unione economico-sociale”, (Liên hiệp kinh tế-xã hội) nối tiếp một phần công việc của “Opera dei Congressi” mà đức Pie X giữ lại vì các công tác đã thực hiện. Cơ quan thứ ba là “Unione elettorale” (Hội cử tri). Hội Thanh niên công giáo và Hội phụ nữ công giáo (thành lập năm 1909) (18) sau này bổ sung vào các đoàn thể trên đây. Năm vị chủ tịch họp thành một ban điều hành (Giunta direttiva) của tổ chức “Công giáo Tiến hành”, với vị tổng thư ký là cha Don Sturzo, linh mục trẻ tuổi đầy triển vọng, người gốc đảo Sicile.
Thông điệp “Il firmo proposito” vẫn được xem như bản hiến chương chính thức đầu tiên của tổ chức “Công giáo tiến hành”, kêu gọi giáo dân hãy giồn tất cả sinh lực vào sứ vụ “rước Chúa Kitô trở lại ngự trị trong gia đình, nơi học đường và xã hội”. Ðức Pie X đã tỏ ra là người đi tiên phong khi ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sứ vụ tông đồ giáo dân. Nhưng ngài lại tỏ ra rất bảo thủ trong phương thức thực hiện sứ vụ đó. Tuy nhận thức rằng giáo dân đóng một vai trò tối cần trong việc du nhập các nguyên tắc kitô vào đời sống thế tục, đức Pie X lại không nhìn thấy những hoạt động khác biệt của các tín đồ, ngài chỉ xem đó như là sự nối tiếp các hoạt động của hàng giáo sĩ. Cũng vì vậy mà ngài dự trù một loại tổ chức “Công giáo tiến hành” theo kiểu mẫu gần như đồng nhất (phỏng theo công thức được áp dụng thành công ở Vénétie), trong đó giáo dân chỉ đóng vai trò chấp hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các giám mục. Nếu giáo dân muốn tập hợp thành các tổ chức để hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau, dù là lãnh vực thuần túy tông đồ hay nghề nghiệp, báo chí và ngay cả lãnh vực bầu cử chính trị, những tổ chức đó phải có tính cách hoàn toàn tôn giáo và phải nằm trong khuôn khổ của các giáo xứ và các giáo phận, và hoàn toàn thuộc quyền giám mục. Riêng các giám mục, các ngài phải chấp nhận sự điều động chặt chẽ của Roma. Quan điểm Giáo Hội học khẳng định quyền của giáo sĩ trên tổ chức “Công giáo Tiến hành”. Những nguyên tắc này được nêu lên rõ ràng trong thông điệp “Vehementer” (Cách mạnh mẽ) vào năm 1906: “Giáo Hội theo bản chất là một xã hội bất bình đẳng, trong đó có hai lớp người: các chủ chăn và đoàn chiên. Chỉ cấp trên mới có quyền huy động và điều khiển (...). Bổn phận của đám đông là chấp nhận sự chỉ huy (gubernari se pati) và triệt để tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy”. Trong lãnh vực này cũng như trong nhiều lãnh vực khác, đức Pie X tỏ ra vừa là một người tiền tiến vừa là một người bảo thủ.