CHƯƠNG VI
SINH LỰC KITÔ GIÁO
CHƯƠNG VI
SINH LỰC KITÔ GIÁO
Thế kỷ XIX thường được trình bày trên báo chí thời ấy hay trong nhiều lá thư mục vụ như là một thời đại suy đồi của tôn giáo và hưng thịnh của sự nghịch đạo và vô luân. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn thì đó cũng là một thời kỳ bột phát tâm linh dưới một vài hình thái mà ngày nay trông có vẻ như là lỗi thời, nhưng cũng biểu lộ được nhiều cố gắng của một số phần tử ưu tú, đông đảo hơn là người ta tưởng, để sống đức tin kitô giáo một cách chân thật và sâu đậm hơn và cũng để tích cực phản ứng chống ảnh hưởng của chủ nghĩa thực nghiệm và duy vật hiện hữu. Có những khía cạnh tiêu cực như: sự giảm sút số tín đồ tham dự thánh lễ ngày chủ nhật và ngày lễ phục sinh, sự giảm bớt ơn thiên triệu tại vài nơi, những lời đả kích khi thì nhỏ nhen khi thì hung dữ của chính quyền đối với Giáo Hội, sự phát triển rầm rộ của loại báo chí bất lương. Nhưng không ai có thể quên những khía cạnh tích cực: phẩm chất của hàng giáo sĩ giáo phận được cải thiện rõ rệt kể từ thời đức Pie IX đến thời đức Pie X (sẽ được đề cập trong chương sau), sự phục hồi phi thường của các dòng tu, giáo đoàn đức tin cá nhân và tập thể ngày càng lớn mạnh, sự canh tân của văn chương duy linh bắt đầu. Ngoài ra còn phải kể đến sự tăng gia các công việc từ thiện trong nhiều lãnh vực: điều này chứng tỏ sự tận tâm và lòng quảng đại phi thường của người tín hữu. Do đó mà người ta có thể nói rằng đã có một sự “phục hưng tâm linh” chưa từng thấy qua các thế kỷ (Daniel-Rops).
Sau 1815, phong trào phục hưng ló dạng cho các dòng tu và giáo đoàn sau bao nỗi gian nan gây ra bởi cuộc cách mạng Pháp. Sự phục hưng này càng rõ rệt trong suốt hậu bán thế kỷ mặc dầu có nhiều biện pháp thế tục hóa được đem áp dụng tại Ý, Ba lan, Châu Mỹ La Tinh; chúng đã gây tác hại nhiều cho các dòng tu cũ. Trong nhiệm kỳ của đức Pie IX, các dòng tu này còn mất thêm 1/3 nhân sự còn lại: dòng Phanxicô có 22.000 người vào năm 1850 chỉ còn lại 14.000 vào năm 1885; dòng Capucins, từ con số 11.152 vào năm 1847 chỉ còn 7.582 vào năm 1889. (Ở Ý, trong khoảng từ 1866 đến 1871, 681 tu viện gồm có hơn 7000 tu sĩ bị đóng cửa, nhưng 307 tu viện sẽ được chuộc lại trong khoảng 10 năm sau); một nhánh tiểu đệ Phanxicô vào năm 1850 có 7.000 người, chỉ còn 1.500 người năm mươi năm sau; dòng Ðaminh đã thấy số tu sĩ sụt từ 4.562 xuống 3.341 người trong khoảng 1850-1876; dòng thánh Francois de Paul khoảng giữa thế kỷ có 500 tu sĩ (900 người trước cuộc cách mạng) chỉ còn không được 200 người vào cuối thế kỷ; tại Ba Tây, vào năm 1827, có 7 đan viện và 4 tu viện thuộc dòng Biển Ðức trong đó còn chừng mười mấy đan sĩ vào năm 1894 khi mà tu sĩ G.Van Caloen bắt tay vào việc phục hưng. Nhưng trái lại, tại Tây Âu và Bắc Mỹ người ta chứng kiến một sự phát triển cả về lượng lẫn về phẩm, vì vậy mà các tu sĩ trở thành một yếu tố quan trọng cho sự bột phát các tổ chức từ thiện, sự chói sáng của sứ vụ tông đồ và cường độ của đời sống tâm linh.
Một vài con số cho thấy rõ có một sự tu chỉnh mau chóng về nhân số. Nếu như số các kinh sĩ dòng không thay đổi nhiều mặc dầu dòng Prémontrés được chỉnh đốn lại, nếu như số các nam tu dòng Carmêlô mất đi 10%, thì trái lại, nhân số dòng Biển Ðức tăng từ 1.600 vào năm 1850 lên đến gần 6.000 vào năm 1900, và dòng Trappistes tăng từ 1.284 lên đến 3.700, mặc dầu những thành kiến dai dẳng của dư luận, (ngay cả về phía công giáo) chỉ thấy trong chế độ dòng tu một tàn dư của thời Trung Cổ mà chỉ những kẻ kế thừa lạc hậu của phái Lãng mạn mới khư khư muốn bảo tồn sự sống còn. Dòng Phanxicô và dòng Capucins cũng thấy nhân số tăng trưởng vào cuối thế kỷ; nhân số dòng Capucins vượt quá 10.000 kể từ năm 1908. Dòng Ða Minh vào năm 1914 tìm lại được, số tu sĩ như vào năm 1850. Sự bành trướng của dòng Chúa Cứu Thế nhanh hơn: 1.238 người vào năm 1850, 4.069 người vào năm 1910. Sự chỉnh đốn của Dòng Tên càng rõ rệt hơn mặc dầu 14 biện pháp trục xuất đã xẩy ra dưới thời đức Pie IX: từ 4.652 người vào năm 1852 họ đã tiến lên con số 12.070 người vào năm 1886 và 16.894 người vào năm 1914; nhờ vậy mà họ tác động được đến giới cầm quyền qua các học viện rất được ưa chuộng, qua các lời rao giảng, các ấn phẩm và các sự tiếp xúc cá nhân (đôi khi không tránh khỏi sự giao thoa trên địa hạt chính trị); đối với quần chúng, họ tác động qua sự tổ chức các phái bộ truyền giáo tại giáo xứ và qua các công tác quần chúng. Ấy là chưa kể đến sự hiện diện tích cực của họ trong các Thánh bộ là nơi giáo sĩ triều và các dòng khác không có người để cung cấp. Những tu hội các sư huynh dưới chế độ cũ chỉ gồm dưới 1% tổng số các tu sĩ, càng ngày càng lôi cuốn ơn kêu gọi: chỉ riêng các tu hội thuộc luật giáo hoàng cũng đã có đến 9.000 người trong số 83.000 tu sĩ vào năm 1850 và con số đó sẽ lên đến 30.000 trong số 135.000 vào năm 1900. Các sư huynh của các học viện kitô giáo, trước đây chỉ có hơn 1.000 người vào thời kỳ cách mạng Pháp đã tiến từ 6.000 người vào năm 1854 lên đến 11.570 vào năm 1874 và 16.327 vào năm 1900. Nhưng những biện pháp chống các dòng tu đã làm cho 1.282 cơ sở phải đóng cửa trong khoảng thời gian 1904-1908. Những tiến bộ của các nữ tu dòng filles de la Sagesse, thánh Ursulines rất đặc sắc; và đáng ca ngợi hơn nữa là các nữ tu dòng Bác Ái (cũng được gọi là các nữ tu dòng thánh Vincent de Paul); họ đã đạt được con số 20.000 người (1843-1874) và tiếp tục phát triển trên lãnh vực truyền giáo và công tác xã hội trong các thập niên tiếp theo.
Nhưng sự tiến triển của các tu hội tân lập thường phù hợp hơn với những đòi hỏi của sứ vụ thời đại mới, lại càng đặc sắc hơn nữa. Các tu sĩ dòng Maria Vô Nhiễm đã tiến từ 270 người vào năm 1850 đến 1.525 người vào năm 1900 và 3.110 người vào năm 1914. Dòng Maristes đã tiến từ 421 người đến 1986 người trong khoảng hậu bán thế kỷ. Các sư huynh dòng Maristes đã tiến từ 826 người lên đến 3.105 người, và chỉ trong vài năm, dưới quyền của sư huynh Théophane (1883-1907) đã đặt chân được lên đất Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi, Gia Nã Ðại, Hoa kỳ, Colombie và Trung Quốc. Các tu sĩ dòng Claret gốc Tây Ban Nha đã tăng từ 217 người vào năm 1875 lên đến 1.476 người vào năm 1900. Dòng Don Bosco thành lập năm 1859 tại Turin có được 900 người khi vị sáng lập là Don Bosco qua đời vào năm 1888, có được 3.526 người vào năm 1900, và vào năm 1914 sẽ hiện diện trong 31 quốc gia trong đó có 16 quốc gia của Châu Mỹ La Tinh. Những cha Dòng Trắng ở Phi Châu, thành lập năm 1868, đã có đến 600 linh mục và 400 sư huynh và sinh viên tu sĩ 40 năm sau. Các cha truyền giáo Steyl (S.D.V) chỉ có 4 vào năm 1875 nhưng đã lên tới 805 vào năm 1900 và 1370 vào năm 1910. Về phía các dòng nữ: chẳng hạn dòng Bon Pasteur ở Angers, được nữ tu Euphrasie Pelletier cải tổ lại, có 2.067 người lúc nữ tu qua đời vào năm 1868; con số đó tăng lên 7.044 trong 24 tỉnh vào năm 1901. Dòng các nữ tu Franciscaines tại Ðức, ở vùng Salzkotten, chỉ gồm chừng 30 người vào năm 1862, sẽ có đến 2.000 người vào năm 1918, và tại vùng Saint Mauritz (Munster), nhân số gồm dưới 100 người vào năm 1872, sẽ đạt được 3.450 người vào năm 1918. Dòng Petites Soeurs des Pauvres thành lập do J. Jugan vào năm 1840, có được 5.400 người vào năm 1911. Hai tu hội Thụy Sĩ dòng ba Franciscaines Ingenbohl và Menzingen do linh mục Fiorentini thành lập năm 1844, sẽ gồm có nhiều ngàn thành viên kể từ đầu thế kỷ 20. Dòng Franciscaines tại Hòa Lan Heythuisen vào năm 1846 có chừng vài chục người đã đạt được 2.700 vào năm 1917. Dòng Franciscaines Missionnaires de Marie, thành lập năm 1877 có được 6.500 người vào năm 1930.
Hiện tượng này đặc biệt thấy rõ ở Pháp. Vào năm 1877, có 30.287 nam tu (trong đó có chừng 20.000 sư huynh) và 127.753 nữ tu đối chiếu với chừng 25.000 và 37.000 trong năm 1789, trong khi đó dân số chỉ tăng gia 30% (1). Nhưng cần lưu ý rằng rất nhiều dòng tu thiết lập tại Pháp đã phân tán ra ngoại quốc: chẳng hạn các Frères des Écoles Chrétiennes có chừng 5.000 thành viên ở ngoại quốc vào năm 1904; một vài dòng tu, như dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, rất chóng mang một sắc thái quốc tế; hay là như trường hợp các hội đoàn Saint Viateur, Saint Basile hoặc hội đoàn Sainte Croix, chứng kiến sự di chuyển của trung tâm hoạt động của họ ra tân thế giới. Ngoài ra, suốt hậu bán thế kỷ XIX, nếu 2/5 cơ sở mới của các hội đoàn nam tu thuộc luật giáo hoàng, vẫn tọa lạc ở Pháp và miền Bắc Ý Ðại Lợi, thì tỷ lệ tại các quốc gia khác ở Âu Châu đã tăng từ 30% trong khoảng thời gian 1800-1850, và 43% tại các quốc gia ngoài Âu Châu (nhất là Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại), hầu như không có gì trước năm 1850 thì trong hậu bán thế kỷ đã có đến 14%. Sự biến chuyển lại càng rõ rệt hơn về phần các hội đoàn nữ tu càng ngày càng tăng tiến: chỉ trong khoảng 1862-1865 đã có 74 hội đoàn được Tòa Thánh chuẩn y so với 42 hội đoàn trong thập niên 1850-1860.
Các con số nêu trên đáng lưu ý về hai phương diện. Trước tiên, mặc dầu phải nói rằng ở thôn quê, sự gia nhập một dòng tu thuộc ngành giáo dục được xem như là một bước thăng tiến xã hội, và cũng không nên loại ra ngoài tính giả tạo của sự tuyển chọn qua các “trường tông đồ” hay các “đệ tử viện”, điều không thể chối cãi là sự phát triển chưa từng thấy của các dòng tu và hội đoàn từ các thế kỷ XII và XIII. Ðiều này chứng tỏ sinh lực dồi dào của tôn giáo vẫn tồn tại trong một xã hội mà các giá trị tâm linh bề ngoài có vẻ như thoái hóa. Và nếu cảm tình của dân chúng, kể cả của Roma, đều dành ưu tiên cho các hội đoàn hoạt động tông đồ một cách tích cực, thì sự thành công của các dòng tu chiêm niệm (đầu thế kỷ XX, dòng kín thánh Clara có chừng 500 tu viện và dòng Carmêlô, 360 tu viện, mỗi tu viện có chừng 20 người), chứng tỏ rằng “trong cái thế kỷ thiếu huyền nhiệm này, cuộc sống huyền nhiệm vẫn thu hút các linh hồn như trong những thời đại tốt lành nhất” (Daniel-Rops). Ngoài ra, hàng chục ngàn nam tu và hàng trăm ngàn nữ tu (số nữ tu trên thế giới lên đến một triệu người vào năm 1939) đóng một vai trò then chốt trong hoạt động tông đồ của Giáo Hội (thuyết pháp tĩnh tâm, giáo lý, công tác báo chí, truyền giáo vv...) và giúp cho Giáo Hội ảnh hưởng sâu đậm trong lãnh vực giáo dục và công tác xã hội (loại công tác này, theo như lời nữ tu Rosalie Rendu, cố gắng vượt lên sự cưu mang nhất thời, để “theo rõi kẻ khốn cùng từ lúc mới ra đời cho đến lúc lâm chung”), một loại ảnh hưởng dưới nhiều trạng thái khác nhau, nhưng không kém kiến hiệu như dưới chế độ cũ.
Ảnh hưởng này lại càng kiến hiệu vì lẽ các tu sĩ không những tấn phát về lượng mà cả về phẩm nữa. Vừa mới được bầu lên, đức Pie IX liền thiết lập một Thánh Bộ “super statu regularium”, có phận sự cải tổ những dòng tu cũ trong đó kỷ luật thường bị khuynh hướng của thế kỷ XVIII và những xáo trộn của thời đại Cách Mạng làm suy sụt. Ðể chống lại tình trạng buông thả một cách hữu hiệu hơn, Ngài khuyến khích sự trung ương tập quyền trong mỗi dòng tu: chẳng hạn ở Áo Quốc và nhất là ở Ý, thiết lập các giáo đoàn Biển Ðức để chống cá nhân tính của mỗi tu viện. Ngài cũng làm tăng sự lệ thuộc đối với các Thánh Bộ ở Roma và đôi khi không ngần ngại chỉ định cha bề trên của các dòng tu (chẳng hạn vào năm 1850 đối với dòng Biển Ðức ở Subiaco và dòng Ðaminh, năm 1853 đối với dòng Chúa Cứu Thế và vào năm 1856 và 1862 đối với dòng Phanxicô). Những cố gắng canh tân đó thường gặp phải tính ù lì tại các đan viện (thường tỏ ra rất độc lập) nên trở thành vô hiệu quả, nhưng trái lại, gặt được nhiều kết quả mỹ mãn tại các dòng tu tập trung. Người ta hiểu tại sao giáo hoàng Léon XIII lợi dụng uy tín ngày càng tăng của Tòa Thánh đối với Giáo Hội sau Công Ðồng Vatican, đã gia tăng áp lực để đi đến sự tập hợp mà Ngài cho là bổ ích cho việc duy trì kỷ luật và nâng cao trình độ học hỏi nghiên cứu. Năm 1887, Ngài trao cho đức cha Dusmet nhiệm vụ chuẩn bị một hình thức tập trung cho dòng Biển Ðức và trong viễn ảnh đó, mở học viện Saint Anselme tại Roma. Sau một thời gian bàn cãi gay go, dự án đã đưa đến kết quả là sự thành lập một liên đoàn tôn trọng tính tự trị của các đan viện nhưng dành cho tu viện trưởng quyền kinh lý ở nơi nào thấy cần. Năm 1892, bốn hội đoàn của dòng Trappistes bắt đầu công việc thống nhất được xác định vào năm 1905. Năm 1893, các ẩn tu sĩ Saint Augustin tập hợp lại dưới một bề trên tổng quyền duy nhất. Năm 1897, bốn hội đoàn của dòng tu Phanxicô (hội đoàn Phanxicô nhặt phép, hội đoàn cải tổ, Réformati và Alcantarins) kết hợp lại dưới quyền điều khiển của một bề trên tổng quyền sau khi bãi bỏ những khác biệt địa phương. Quyết định này đã được các bề trên tổng quyền Bernardin de Pontogruaro và Louis Canali chuẩn bị trong mười lăm năm trường. Vào năm 1900, chừng 100 cộng đồng thánh Ursulines tại Âu Châu và Mỹ Châu biểu quyết những hiến chương mới để thực hiện một hình thức tập trung quyền hành dưới sự điều động của một nữ bề trên tổng quyền; trong những năm tiếp theo, nhiều cộng đồng khác chấp nhận sự kết hợp đó. Ðồng thời, đức giáo hoàng Léon XIII và sau Ngài là đức giáo hoàng Pie X khuyến khích nhiều dòng tu di chuyển trụ sở chính và những cơ sở nghiên cứu có tầm vóc quốc tế về Roma. Trong thời gian cải tổ Giáo triều Roma, sự thiết lập vào năm 1908, một Bộ đặc trách giáo sĩ, lại càng xiết chặt thêm việc khiểm soát của Roma, vì rằng cứ ba năm một lần, các giáo sĩ bề trên phải gửi về Tòa thánh một bản phúc trình gồm 98 điểm. Thêm vào đó, trong chiến dịch chống canh tân, phải nói đến việc gửi những đặc sứ của Tòa Thánh (nhất là ở Pháp) mà những quyết định đôi khi rất đỗi khắt khe, chẳng hạn trường hợp của Dom Gréa vào năm 1908 hay trường hợp các sư huynh dòng thánh Vincent de Paul vào năm 1913.
Những hội dòng mới lập, nhất là những hội dòng nữ phát triển khắp nơi, gây được sự lưu ý đầy thiện cảm của Tòa Thánh. Tòa Thánh đã nhận ra tầm quan trọng về sức hoạt động của họ trên mọi lãnh vực truyền giáo trong xã hội thế kỷ XIX. Ðiều động bởi một nhân vật đầy nghị lực và có vẻ thực tế, đức cha Bizzarri, Bộ Giám mục và tu sĩ dòng cố gắng hệ thống hóa một phong trào đôi khi có vẻ như vô kỷ luật, (hồng y de Reisach) nhưng điều này có thể là do sự quan tâm của nhiều linh mục muốn phát hiện những nhu cầu phức tạp của địa phương. Nhận thấy được sự khác nhau của các mục tiêu và tình trạng, đức cha Bizzarri thận trọng không cưỡng ép họ chấp nhận một loại hiến chương đồng nhất. Cho đến năm 1860, mỗi hội dòng được tự do soạn thảo quy chế của mình; sau đó Ngài sẽ duyệt tra và đề nghị những sửa đổi nếu cần. Như vậy duới sự thúc bách của tình thế, đã phát sinh ra một pháp chế mới của các hội dòng có lời khấn đơn thường. Công Ðồng Vatican không có thì giờ để duyệt xét 18 sắc lệnh được sửa soạn nhằm mục tiêu đó; tuy nhiên công trình của ủy ban soạn thảo không phải là vô ích vì đó sẽ là nền tảng của hiến chương Conditae a Christora đời ngày 8.12.1900, lần đầu tiên ấn định quy chế của loại hội dòng đó và nhất là tiến dần đến một cách công khai sự phân biệt giữa hội dòng thuộc pháp luật giáo hoàng và hội đoàn thuộc pháp luật giáo phận. Sáu tháng sau, hiến chương này được bổ sung bởi các quy phạm Normae liên quan đến cách tổ chức nội bộ của các hội dòng. Dù không có hiệu lực như một đạo luật, các Normae này trên thực tế đã sớm có tính cách cưỡng chế. Sau đó, đến tháng 7.1906, một tự sắc (motu proprio) đặt sự thành lập các hội dòng địa phận dưới quyền kiểm soát của Tòa Thánh, với mục đích là tránh sự phân tán rất tai hại cho việc đào tạo các tập sinh.
Tuy có ảnh hưởng tốt cho Giáo Hội và phong phú hóa các linh hồn, sự bành trướng phi thường của các dòng tu, đặc trưng của thế kỷ XIX, cũng không tránh khỏi những nhược điểm. Ða số các hội dòng nữ có một xu hướng chung là tăng gia những điều lệ rườm rà và vụn vặt trong bộ tập quán của họ: đó là hậu quả của nền tu đức học thời đại mà vì thiếu một căn bản giáo thuyết vững chắc nên thường biến tính thành những mánh lới và lầm lạc làm cho nền giáo dục phụ nữ đương thời thêm trầm trọng. Một nhận xét khác của cha Hostie: trong khi đang có những cố gắng để chấn hưng những dòng tu cũ thì người ta thấy xuất hiện một quyết tâm muốn duy trì nguyên trạng cái gia tài cổ xưa ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhặt đã trở nên vô nghĩa. Vô số sáng lập viên thiếu sáng kiến và thường chỉ lấy lại những công thức hiện hữu pha trộn thêm những yếu tố hỗn tạp, đôi khi tương khắc, như lẫn lộn chế độ tu trì với chức tư tế. Và nếu một vài người tỏ ra có óc sáng tạo thì họ lại gặp phải hai cản trở: tâm trạng đương thời và nền hành chánh ở Roma. Tại Roma, người ta muốn tỏ ra mềm mỏng nhưng trong một khuôn khổ cổ truyền. Trường hợp của Don Bosco rất có ý nghĩa: Sự sáng tạo của Ngài dựa trên những quy tắc rất cách mạng nhưng những quy tắc này đã phải thay đổi nhiều lần mới được giáo quyền chuẩn nhận, vì giáo quyền muốn khoan giãn mọi sáng kiến tân kỳ để làm sao cho phù hợp với những công thức đã được chấp nhận từ thời xa xưa.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ, giáo quyền Roma bắt đầu tỏ ra táo bạo hơn. Sau bao nỗi khó khăn, tu sĩ Ba Lan dòng Capucins là Honorat de Biala, vào năm 1889, được giáo quyền Roma chính thức chấp nhận cho những hội dòng có một đời sống tu sĩ dưới hình thức giáo dân, ngõ hầu thoát khỏi sự phiền nhiễu của chính quyền Nga. Nhưng sắc lệnh nhấn mạnh rằng ba lời khấn chỉ được xem như là các lời khấn riêng tư và hội dòng chỉ được xem như là một hiệp hội tín ngưỡng được bản quyền sở tại nhìn nhận. Công thức này được đem áp dụng tại Pháp vào đầu thế kỷ để cứu vãn cuộc sống tu hành trước những biện pháp chống đối giáo sĩ và tiêu diệt các dòng tu. Mặt khác nếu có vài người đi tiên phong như linh mục Calippe hay cha De Foucauld bắt đầu mơ tưởng đến các cộng đồng tu sĩ sống hoàn toàn vô sản, thì người ta phải đợi nhiều thập niên sau, các phương án đó mới được thực hiện. Từ nhiều thế kỷ các dòng tu ảnh hưởng đến thế giới các giáo dân sùng tín qua các dòng ba mà dòng nổi tiếng nhất do các tu sĩ Phanxicô điều khiển. Bị kềm hãm từ cuộc Cách Mạng, các dòng này đã hoạt động trở lại kể từ năm 1860, trước tiên ở Pháp, rồi chừng 10 năm sau ở Ý, Tây Ban Nha, Ðức và Anh. Cũng vào lúc đó, một công thức mới được áp dụng tại Pháp, trung gian giữa dòng ba và hội dòng thật sự, sau này được gọi là Tu Hội đời: đó là các nữ tu của hội dòng Saint François de Sales do bà Carré de Malberg sáng lập năm 1872; hội đoàn này dần dần lan ra toàn cõi nước Pháp rồi vượt biên giới và sẽ được giáo hoàng Pie X chuẩn y vào năm 1911; Ngài nhấn mạnh rằng những hội dòng đó quy tụ không những các thiếu nữ và các góa phụ mà còn cả những phụ nữ có chồng, và theo đuổi hai mục tiêu: “sự thánh hóa mỗi đoàn viên và một sứ vụ liên tục”. Cùng trong năm đó, tu hội triều Tây Ban Nha đầu tiên được thiết lập tại Jaen: đó là hội dòng thánh Têrêxa.
Sự hưng thịnh của các dòng tu và tu hội là một triệu chứng tốt biểu lộ sinh lực của công giáo, nhưng đó không phải là triệu chứng duy nhất. Sự nồng nhiệt của lòng sùng kính cũng như khuynh hướng của lòng sùng kính đó cũng phải được chú trọng đến. Vào hậu bán thế kỷ XIX, người ta chứng kiến một sự biến chuyển sâu xa và lâu dài của lòng sùng kính. Từ một sự sùng đạo khắc khổ và ít được bộc lộ, thường thấy ở giới thượng lưu, một đặc trưng của các thế hệ về trước, người ta chứng kiến một sự sùng tín gần gũi với quần chúng hơn, chú trọng đến các hình thức bên ngoài cũng như sự tham dự thường xuyên các bí tích và lưu tâm nhiều hơn đến tình cảm. Lòng sùng kính này càng ngày càng hướng về Ðức Kitô đau khổ phơi bày con tim “đã hết sức yêu thương loài người”, nhưng đồng thời cũng hướng về Ðức Trinh Nữ “Mẹ nhân từ” (lòng sùng kính này đôi khi quá nồng nhiệt nên đã đào sâu hố ngăn cách giữa tín hữu công giáo và tín hữu tin lành), lòng sùng kính cũng huớng về các thánh bình dân như thánh Antoine và nhất là thánh Giuse đã được đức Pie IX năm 1870, tuyên dương là bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ, rồi đức Léon XIII khuyến khích dân chúng tôn kính (chính Ngài đã thiết lập lễ Thánh Gia). Tại Gia Nã Ðại, có một trung tâm tôn kính thánh Giuse cách rất đặc biệt. Ngoài ra phải nói đến phong trào đi hành hương sau một thời gian bị lãng quên vào thế kỷ XVIII, đã tái xuất hiện; tại Ðức ở Mariazellet và Altoting; tại Thụy Sĩ ở Einsieldeln; tại Tây Ban Nha ở Compostelle, Montserrat, Notre Dame del Pilar; tại Ý ở Assise, Lorette, núi Gargano và cố nhiên là ở Roma; tại Pháp ở Chartres, Vézelay, Sainte Baume, Rocamadour và ở Salette, Ars, Paray le Monial, Montmartre và nhất là ở Lourdes, một nơi hành hương có tầm vóc quốc tế kể từ năm 1900; và tại thánh địa, từ năm 1882, nhờ sáng kiến của các tu sĩ dòng Assomptionistes đã hoạt động tích cực trong lãnh vực đó.
Nhiều yếu tố đã đưa đến sự biến chuyển này khởi đầu là lòng nhiệt thành đượm mầu lãng mạn đối với những gì nhắc nhở đến thời Trung Cổ. Nhưng cũng cần phải dành một vai trò quan trọng cho những hoạt động có dụng tâm. Ðó là ảnh hưởng của các linh mục được đào tạo tại Roma như linh mục F.W.Faber (1814-1863) người Anh, thuộc dòng Giảng Thuyết (Oratoire), hay đức cha Gaston de Ségur (1820-1880), mà những tác phẩm nổi tiếng đã truyền bá lòng sùng kính khắp phía Bắc dãy núi Alpes, làm cho dân chúng rất xúc động và hâm mộ. Sau đó là ảnh hưởng của các người đem truyền bá lối sống thiêng liêng của thánh Alphonse de Ligouri, một lối sống đầy cậy trông vào lòng từ nhân của Thiên Chúa, và lòng sùng mộ đối với Ðức Trinh Nữ Maria và Thánh Thể. Còn có ảnh hưởng của các tu sĩ Dòng Tên, những người cương quyết chống đối sự nghiêm nhặt của thuyết Janséniste, ảnh hưởng lại càng tăng lên bội phần vì họ là những nhà thuyết pháp cho các linh mục và tu sĩ trong các buổi cấm phòng. Cũng phải nói đến ảnh hưởng của những ký túc xá do các nữ tu Pháp điều khiển trên toàn thế giới, đã góp phần vào việc quảng bá một loại tín ngưỡng hơi ủy mỵ. Chúng ta không quên ảnh hưởng của các giáo hoàng: đức Pie IX cổ võ ơn toàn xá; đức Léon XIII dành mười mấy thông điệp để nói về Ðức Trinh Nữ và về việc lần chuỗi Mân Côi; Ngài đã chính thức hóa việc sùng kính Thánh Tâm; đức Pie X đã đóng một vai trò nổi bật trong việc sùng kính Phép Thánh Thể.
Nhiều khuynh hướng mới mẻ của việc sùng kính này thiên về khuynh hướng Ðộc tôn La mã không phải bao giờ cũng thích đáng. Cách phát biểu đức tin thường lạt lẽo và ấu trĩ, bằng chứng là các bài thánh ca ngây ngô, là một loại văn chương, tuy đầy thiện ý, nhưng tầm thường và vụng về (2); nguồn cảm hứng thiếu thuần nhất, thường dựa vào những lời mạc khải mạo nhận của Catherine Emmerich (3). Lòng sùng kính thường chú trọng đến sự tuân giữ một quy luật có tính cách luân lý hơn là tôn giáo; và sự nhấn mạnh đến việc sùng bái riêng tư lại càng thu hẹp viễn cảnh của nhiều tín hữu từ lâu đã không gần gũi với Thánh Kinh và nghi thức phụng vụ. Nhưng cũng cần nhận định rằng, dưới những hình thức vụng về, sự biến chuyển trên chứng tỏ có phản ứng lành mạnh của tín hữu kitô chống lại một thứ Kitô giáo nhạt nhẽo giống như một tự nhiên thần giáo đã từng lan rộng đến nhiều giới trong thế kỷ trước. Lời kêu gọi nên xưng tội đều đặn và rước lễ thường xuyên hơn đã gợi sự chú ý đến tính cách bí tích của đời sống công giáo. Và sự hướng lòng tôn kính về Chúa Hài Ðồng trong hang đá hay về Thánh Tâm, đã làm sáng tỏ trọng tâm của Kitô giáo: Ðức Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa mời gọi mỗi người đáp lại tình yêu đó.
Sự phục hồi lòng tôn kính Ðức Kitô đương nhiên đi đôi với sự phục hồi lòng sùng kính Thánh Mẫu. Lòng sùng kính này càng được khích lệ với các lần Ðức Trinh Nữ hiện ra, tuy chỉ ở trên đất Pháp nhưng đã gây một tiếng vang lớn trên hoàn cầu, đặc biệt là khi Ngài hiện ra với Catherine Labouré vào năm 1830, mở đầu “một trang sử hiển hách của các ảnh đeo thần diệu” (R. Laurentin) và nhất là với Bernadette Soubirous ở Lộ Ðức vào năm 1858 (4).
Chỉ cần ghi nhận rằng tác phẩm của H. Lasserre “Ðức Mẹ Lộ Ðức” (1869) là một trong những tác phẩm bán chạy nhất ở thế kỷ XIX với gần một triệu cuốn, không kể đến hàng chục dịch phẩm. Khắp mọi quốc gia người ta chứng kiến sự bành trướng các hội dòng Ðức Maria và các hiệp hội “Con cái Ðức Maria” được đức Pie IX chính thức tái lập năm 1847. Những nghi lễ vào tháng năm được quần chúng hưởng ứng nồng nhiệt và gần như thành phổ thông vào cuối thế kỷ, điều này không hề làm giảm thiểu những hình thức sùng kính khác của quần chúng. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 1802 cho đến năm 1898, không năm nào mà không thấy xuất hiện một hay nhiều tu hội mang tên Ðức Trinh Nữ. Pháp đứng hàng đầu, sau đó là Bỉ, Ý và Tây Ban Nha (5). Việc công bố tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” vào năm 1854 do đức giáo hoàng Pie IX, kết quả của một trào lưu sùng kính thể hiện bởi các thỉnh nguyện của hàng giám mục, đã góp phần vào việc tăng trưởng lòng sùng mộ của các tín đồ, đồng thời cũng thúc đẩy các thần học gia nghiên cứu các đặc ân của Ðức Maria. Ðức Léon XIII, vị giáo hoàng “khéo ngoại giao”, một người rất tôn sùng Ðức Trinh Nữ, đã không ngớt khuyến khích lần chuỗi, và là vị giáo hoàng đầu tiên khai triển đề mục liên quan đến thiên chức từ mẫu thiêng liêng của Ðức Maria. Ðức giáo hoàng Pie X (6) tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày công bố tín Vô Nhiễm Nguyên tội và nhân dịp đó, đã triệu tập vào năm 1904, ngay tại Roma, một đại hội quốc tế về Ðức Maria. Cũng vào năm đó, một giáo sĩ dòng Chúa Cứu Thế gốc Bỉ, cha Godts, xuất bản tác phẩm đầu tiên nói về sự trung gian của Ðức Maria, một đề mục được khai triển và gặt hái nhiều thành công trong khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến. Tiếc thay, đôi khi sự phục hồi lòng tôn kính đối với Ðức Maria được phát biểu một cách quá ngây ngô khiến cho Thánh Bộ Ðức Tin phải can thiệp; đặc biệt là những văn kiện liên quan đến Thánh Mẫu học, ngoại trừ một vài tác phẩm của Passaglia, Malou, Newman, Scheeben, đều ở trong trình độ “xoàng xĩnh thảm bại” (R. Laurentin).
Sự tôn sùng Ðức Maria trong công giáo từ giữa thế kỷ XIX, lên đến một mức độ mà nhiều giới và nhất là về phía tin lành, đã tự hỏi phải chăng sự tôn sùng này đã làm lu mờ vai trò của Ðức Kitô đối với các tín đồ. Trong một vài trường hợp, nhận định như trên thật chính xác. Tuy nhiên, không nên quên rằng đức cha Hulst đã có lý khi gọi thế kỷ XIX là “thế kỷ của Thánh Tâm”. Thoạt tiên chỉ thu hẹp trong một vài nhóm nhỏ, sự tôn sùng Thánh Tâm bắt đầu phổ biến ở Pháp dưới thời phục hưng, nhờ ở các tuần giảng phòng tại các giáo xứ, và phát triển mạnh mẽ kể từ triều đại của đức Pie IX. Ðức giáo hoàng khuyến khích phong trào này bằng cách mở rộng lễ Thánh Tâm cho Giáo Hội hoàn vũ vào năm 1856 thể theo lời thỉnh nguyện của các giám mục Pháp (7), và tôn phong chân phước Marguerite Marie Alacoque năm 1864. Các giáo sĩ Dòng Tên là những nhà truyền bá nồng nhiệt, qua bản tin lấy tên là “Sứ giả của Thánh Tâm” do cha Ramière khởi xướng vào năm 1861 như là cơ quan ngôn luận của một phong trào mệnh danh là “hội tông đồ cầu nguyện” được thiết lập tại mười mấy quốc gia, vào đầu nhiệm kỳ của giáo hoàng Léon XIII, tập hợp hàng triệu hội viên trước thế chiến thứ nhất. Sự thành công của các kinh cầu Thánh Tâm, của tháng Thánh Tâm, của việc giữ “ngày thứ sáu đầu tháng”... tất cả những điều đó là dấu hiệu của sự tăng trưởng lòng sùng kính trong dân gian. Những tu hội được thiết lập dưới danh hiệu của Thánh Tâm càng ngày càng tăng gia và không còn là một đặc trưng của nước Pháp nữa. Giữa những năm 1815 và 1846, có 17 tu hội ở Pháp, 3 ở Ý và 2 ở Bỉ, thì trong khoảng thời gian 1846-1878 có 12 hội được thành lập ở Pháp, 11 ở Ý, 3 ở Tây Ban Nha, 3 ở Bỉ, 3 ở Hoa Kỳ và 1 ở Ðức, Liban và Úc Châu (8). Ngoài ra, trong giới bảo thủ theo chiều hướng Ðộc tôn La mã càng ngày người ta càng nhấn mạnh đến phận sự phải hành động để làm sáng tỏ uy quyền tối thượng của Thánh Tâm đối với xã hội. Phong trào tận hiến cho Thánh Tâm càng ngày càng hướng về viễn cảnh đó. Sau các sự thánh hiến cá nhân, gia đình, (9) tu hội, giáo phận, người ta cổ võ sự thánh hiến trọng thể các quốc gia (Bỉ đã mở đường vào năm 1869, tiếp theo là Pháp vào năm 1873 và Equateur de Garcia Moreno) và ngay cả sự thánh hiến hoàn vũ. Năm 1875, cha Ramière, linh hồn của phong trào, đã dâng lên đức giáo hoàng bản thỉnh nguyện với chữ ký của 527 giám mục. Tuy nhiên, vì không muốn quá vội vã nên đức Pie IX chỉ yêu cầu Thánh Bộ Phụng Tự gửi đi một công thức thánh hiến được Ngài chuẩn y và được đọc lên trước công chúng ngày16.6.1875 nhân lễ kỷ niệm đệ nhị bách chu niên ngày ThánhTâm hiện ra. Nhưng sau đó, tư tưởng này được một nữ tu bề trên người Ðức tên là Marie du Divin Coeur Droste zu Vischering, thuộc dòng Bon Pasteur ở Porto, khởi xướng lại vào năm 1898, và đã đưa đến thông điệp “Năm Thánh” (Annum Sacrum) ban hành ngày 25.5.1891. Ðây là thông điệp độc nhất dành cho việc phụng thờ Thánh Tâm dựa trên những căn bản thần học về sự đền tạ, và hành vi thánh hiến trọng thể, được đức Léon XIII tuyên đọc trong đêm 31 tháng chạp, mở đầu cho niên kỷ mới (10).
Việc thành lập một Tổng Phụng Hội chuyên lo việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu và sùng kính phép Thánh Thể vào năm 1903 tại Roma do đức Léon XIII chủ trương, cũng như thói quen rước lễ vào ngày thứ sáu đầu tháng, thắt chặt thêm mối liên hệ mật thiết giữa lòng tin kính Thánh Tâm và Chúa Giêsu Thánh Thể. Lòng tôn kính phép Thánh Thể được thể hiện trước tiên dưới hình thức tôn kính Mình Thánh Chúa, rồi sau đó thêm thói quen rước lễ hằng ngày mặc dầu có sự chống đối của những người kế thừa thuyết Jansénisme.
Tập tục chầu lượt Mình Thánh trước đây chỉ thấy ở Ý vào triều đại đức Pie IX, nay lan tràn khắp thế giới, qua tận Mỹ Châu (du nhập Hoa kỳ trong khoảng thời gian 1850-1860, và vào Gia Nã Ðại do đức cha Bourget). Cũng trong thời gian này, bắt đầu thói quen chầu Mình Thánh ban đêm tại Roma, được truyền bá đến miền Bắc dãy núi Alpes do một người trở lại đạo là Hermann Cohen, trước tiên ở Ðức rồi sau ở Pháp. Tại Pháp, thói quen này bành trướng mạnh mẽ ở miền Bắc nhờ nỗ lực của kỹ nghệ gia Philibert Vrau, và sau năm 1870, chung quanh thánh đường Montmartre đã rất chóng trở nên một trung tâm quốc tế.
Trong việc chầu lạy Mình Thánh, người ta nhấn mạnh đến tinh thần đền tạ vì những lăng nhục đối với Ðức Giêsu Kitô. Nhưng tại Pháp, tư tưởng này nhuộm một màu sắc mới: đền tạ không phải chỉ vì những tội lỗi của cá nhân mà cốt yếu là vì cách hành xử của chính quyền chủ trương thế tục hóa xã hội. Chính trong viễn ảnh đó mà vào năm 1875 tại Pháp, người ta nghĩ đến những đại hội Thánh Thể quốc tế nhằm làm cho đám quần chúng lãnh đạm trở nên nhạy cảm hơn đối với sự hiện diện của Thánh Thể qua những buổi lễ lạc tưng bừng, đồng thời giúp cho các giáo dân còn e ngại trước chính sách chống đối Giáo Hội, xác tín hơn về lực lượng và sức mạnh của họ. Khởi đầu là một giáo dân sùng đạo, cô Tamisier, được sự khuyến khích của ba giám mục, đức cha De Ségur (Pháp), đức cha Mermillod (Fribourg) và đức cha Doutreloux (Liège) hoạt động tích cực về công việc đạo đức này. Tư tưởng đầu tiên là lợi dụng sự phục hồi phong trào hành hương để tổ chức các cuộc hành hương đền tạ tại các thánh đường, nơi được chứng kiến một phép lạ Thánh Thể. Nhưng không bao lâu, cô Tamisier sớm nghĩ đến tổ chức kèm theo nghiên cứu và biến chúng thành những đại hội để thu hút một cử tọa quốc tế. Tư tưởng này được cụ thể hóa lần đầu tiên ở Lille vào năm 1880, tuy rất khiêm tốn, nhưng rồi, càng ngày số người tham dự đại hội càng đông và sự khuyến khích của Tòa Thánh càng ngày càng thêm nồng nhiệt. Triều đại của đức Pie X, vị giáo hoàng của Thánh Thể, trùng hợp với sự bổ nhiệm một tân chủ tịch rất hoạt động là đức cha Heylen, giám mục Namur, thông thạo nhiều thứ tiếng, đã mở màn cho một giai đoạn mới trong lịch sử của các đại hội. Trước tiên hãy nói đến sự bành trướng bên ngoài: vào năm 1914, tại Lộ Ðức có đến 10 hồng y và 200 giám mục, hơn nửa số người tham dự đại hội lần I đến từ các giáo phận Pháp ngoài giáo phận Cambrai và từ các nước ngoài khác. Ngoài ra tính cách quốc tế còn được biểu lộ rõ ràng: Trong số 15 đại hội đầu tiên, 9 được tổ chức tại Pháp, 4 tại Bỉ và 1 tại vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp thường được xem như là phần lãnh thổ nối dài của Pháp, và nếu như đại hội ở Giêrusalem vào năm 1893 (11) là một ngoại lệ, chúng ta không nên quên rằng vào thời đó, người Pháp không hề cảm thấy xa lạ với Ðông Phương. Trái lại, vào năm 1905, để kỷ niệm 25 năm thành lập, đức Pie X quyết định là đại hội sẽ được tổ chức tại Roma dưới sự chủ tọa của chính Ngài. Rồi sau một đại hội không mấy quan trọng ở Tournai năm 1906, ngài lần lượt chọn 3 thành phố tại các quốc gia có đa số tín đồ tin Lành làm nơi hội họp: Metz hồi đó còn thuộc Ðức quốc, vào năm 1907; Luân Ðôn năm 1908; Cologne vào năm 1909. Rồi vượt trùng dương, tại Montréal vào năm 1910; những năm sau đó là Madrid, Vienne và Malte. Người ta chứng kiến một vài sự thay đổi trong chiều hướng. Tuy rằng các mục tiêu nguyên thủy vẫn tồn tại và các đại hội vẫn muốn duy trì nguyên trạng là sự phát biểu công khai nhằm khích lệ nhiệt tâm của tín đồ đối với mọi hình thức tôn thờ Mình Thánh Chúa, khơi động lòng tôn kính và đề cao vương quyền của Ðức Kitô đối với xã hội, đã bị các người theo trào lưu thế tục hóa khước từ. Trong chiều hướng đó người ta chứng kiến những đại hội ở Madrid và nhất là ở Vienne với sự hiện diện của hoàng đế là các vương tước uy nghi trong bộ lễ phục giữa hàng trăm ngàn người tham dự các cuộc rước kiệu. Nhưng dần dà một hình thức sùng kính khác, âm thầm dưới triều đại đức Léon XIII, được đưa lên hàng đầu: đó là việc khuyến khích rước lễ thường xuyên hay thường ngày. Ðức Piô X lợi dụng triệt để các đại hội Thánh Thể để chuẩn bị sự đón nhận và tán trợ việc phổ biến và áp dụng các sắc luật của Ngài về Thánh Thể. Phát xuất từ một sáng kiến của một giáo dân sùng tín, các đại hội Thánh Thể đã trở thành một phương tiện hoạt động rất kiến hiệu của Tòa Thánh để nhắc nhở rằng Thánh Thể không phải chỉ là một đối tượng để thờ phụng mà cốt yếu là lương thực thần linh cho mỗi giáo dân.
Nếu như hoạt động của đức Pie X có tính cách quyết định trong việc phổ biến sự rước lễ thường xuyên, trào lưu này cũng đã được khai triển trước Ngài, từ giữa thế kỷ XIX. Vào năm 1851 Thánh Bộ Công Ðồng đã sửa lại một đoạn của công nghị tỉnh Rouen cấm trẻ em rước lễ trước 12 tuổi; và một đoản sắc của giáo hoàng vào năm 1860 đã ca ngợi tác phẩm của đức cha De Ségur về “sự rước lễ” trong đó Ngài khuyến dụ rước lễ hàng tuần hoặc hai ngày một lần hoặc mỗi ngày. Tuy gây sóng gió về phía hàng giáo sĩ kỳ cựu, tác phẩm này được phát hành 180.000 bản tại Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng: Ðức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hòa Lan. Ngoài ra, đức cha De Ségur không đứng lẻ loi ở Pháp: trước Ngài, đức cha Gerbet đã khuyến khích sự rước lễ thường xuyên, cũng như đức cha Dupanloup kể từ năm 1855. Tại Bỉ, linh mục thi sĩ miền Flandre, Guido Gezelle là một người cổ động hùng hồn (12), tại Tây Ban Nha, một giáo sĩ Dòng Tên người Pháp, Leonard Cross cũng hoạt động ráo riết dù gặp phải sự dè dặt của hàng giáo phẩm. Nhưng đặc biệt nhất là ở Ý, có một phản ứng rõ rệt chống lại tính khắc khổ của thuyết Jansénisme về vấn đề đó. Linh mục thánh thiện Frassinetti ca ngợi sự rước lễ thường xuyên nhân danh Kitô giáo thời thượng cổ trong tài liệu “Il convito del divino amore” (Mời dự tiệc tình yêu thánh) (1868); Nữ tu Cottolengo hàng ngày cho đem Mình Thánh Chúa cho các người sống trong viện dưỡng lão theo lời họ thỉnh cầu; Don Bosco tuyên bố tán thành cho trẻ em rước lễ sớm. Ðức cha Sarto, một người rất ngưỡng mộ Don Bosco đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề rước lễ thường xuyên trong chương trình hoạt động giám mục của Ngài tại các giáo phận Mantoue và Venise. Dĩ nhiên là sau khi trở thành giáo hoàng, Ngài cố gắng thực hiện chương trình này trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ.
Ngày 20-12-1905, một sắc luật của Thánh Bộ Công Ðồng giải quyết dứt khoát mọi tranh luận giữa nhóm ủng hộ và nhóm chống đối sự rước lễ thường xuyên bằng cách quy định hai điều kiện đủ: “đó là tình trạng ơn sủng và ý ngay lành, và khuyến khích giáo dân hãy năng rước lễ và rước lễ thường ngày nữa”. Nhiều liên minh ra đời dưới nhiều danh hiệu khác nhau với mục đích đem giáo lý của sắc luật vào đời sống hàng ngày của các giáo xứ: Liên Minh Thánh Tâm ở Bỉ, hội Hiệp Sĩ của Thánh Thể ở Anh. Nhiều sắc luật sau đó khuyến khích các tín đồ bằng cách cho họ hưởng ân xá và dễ dãi trong việc các bệnh nhân liệt giường muốn rước lễ: họ không buộc nhịn ăn trước khi chịu lễ. Ngoài ra, vào tháng 9-1906, Thánh Bộ Công Ðồng nhấn mạnh rằng từ ngữ “tất cả các tín đồ” trong sắc luật năm 1905 bao gồm cả các trẻ em đã rước lễ lần đầu. Lại vì có sự bất đồng ý kiến về “tuổi khôn” cần thiết để được rước lễ lần đầu, nên một sắc luật mới của Bộ Các Bí Tích ra ngày 8-4-1910 xác định rằng: chỉ cần trẻ nhỏ biết phân biệt bánh lễ và bánh thông thường là đủ; vì vậy không nhất thiết phải đợi cho trẻ nhỏ được 10, 12 hay 14 tuổi mới cho rước lễ lần đầu, điều đó vẫn thường thấy ở phía Bắc dãy núi Alpes. Dưới mắt một số đông người, biện pháp này là cả một cuộc cách mạng nên đã gặp phải vài sự chống đối, nhất là ở Pháp, nhưng sau đó biện pháp đã chóng đi vào tập quán. Ðiển hình là vào năm 1914, Ðạo Nghĩa Binh Thánh Thể được thành lập tại Pháp và rồi lan rộng khắp thế giới sau cuộc đệ nhất thế chiến.
Cần lưu ý rằng những sắc luật của đức Pie X nói đến sự rước lễ thật sự ngoài bối cảnh phụng vụ. Những sắc luật này vẫn tiếp tục ở trong viễn cảnh của thế kỷ XIX với sự sùng kính Thánh Thể tập trung vào Thánh Lễ nhiều hơn là vào Thánh Lễ. Tuy nhiên trong nhiều lãnh vực khác, giáo hoàng Pie X có công lớn trong việc tìm lại được lòng sùng đạo theo phụng vụ trong Giáo Hội công giáo. Trào lưu này được khơi màu từ hậu bán thế kỷ XIX bởi các nhân vật như Graf hay Hirscher ở Ðức, và Dom Guéranger, tu viện trưởng ở Solesmes tại Pháp. Tuy nhiên họ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ khi đề nghị dùng ngôn ngữ phổ thông để cử hành Thánh Lễ, trong khi đó những tư tưởng quý giá được linh mục Guéranger thu thập trong cuốn “Năm phụng vụ” (1841) chỉ được phổ biến trong một thành phần ưu tú ít ỏi. Nhưng hạt giống đã ném ra sẽ dần dà nẩy mầm. Vào năm 1865, linh mục Maur Wolter, trong cuốn sách nhỏ “Ca đoàn và phụng vụ”, cho quần chúng công giáo Ðức biết rõ những tư tưởng chính yếu của tu viện trưởng tại Solesmes, liên quan đến Giáo Hội được xem như là một cộng đồng cầu nguyện, và đến kho lương thực rất phong phú mà mọi tâm hồn có thể múc lấy trong kinh thần vụ. Sự kiện mà 30 năm sau, vào năm 1875, người ta tái bản cuốn “Năm phụng vụ” tại Pháp, được phiên dịch ra tiếng Ðức, Anh và Ý, chứng tỏ sự lưu tâm của quần chúng. Một giai đoạn mới được vượt qua với sự ấn hành vào năm 1882, do một đan sĩ ở Maredsous, Dom Gérard van Caloen, “Cuốn sách lễ của các tín đồ với bản văn của sách lễ Roma và bản dịch bằng tiếng Pháp, cùng những lời chú thích về phụng vụ và lịch sử”. Ban đầu chỉ có 3000 ấn bản nhưng không mấy lúc đã bán hết; hai năm sau, giáo sĩ A Schott tại Ðức cũng bắt chước làm như vậy. Ðồng thời, môn khoa học phụng vụ hồi sinh, nhất là tại Anh (với H. Bradshow Society) cũng như ở Ðức (với V. Thalhofer, S Baumer, A. Baumstarck), ở Pháp (với L. Duchesne, P. Batiffol, U. Chevalier và cuốn tự điển “Khảo cổ học kitô giáo và phụng vụ”, bắt đầu xuất hiện kể từ năm 1903) và ở Ý (G. Mercati). Nhạc giáo đường bắt đầu được canh tân với các nhân vật như A. Bruckner ở Áo, F.X. Witte ở Ðức hoặc C. Frank ở Pháp; sự chấn hưng bình ca bắt đầu và được chuẩn bị bởi Trường phái tại Solesmes (13) và được phổ biến cho đại quần chúng do các nhóm như nhóm Cacilienveréen ở Ðức, hoặc do các đại hội như đại hội ở Arezzo tại Ý, đánh dấu một giai đoạn quan trọng.
Nhưng tất cả những điều đó chỉ là bước đầu khiêm tốn của một phong trào càng ngày càng lớn mạnh vào đầu thế kỷ XX cho đến khi được công khai xác nhận bởi thông điệp Mediator Dei (Người trung gian của Thiên Chúa) của đức Pie XII rồi sau đó bởi Công Ðồng Vaticanô II. Như thường thấy trong Giáo Hội, phong trào này là kết quả của hai hoạt động từ trung tâm và từ ngoại vi.
Một trong những hành động đầu tiên của đức Pie X là bản Tự Sắc “Tra le sollecitudini” (Giữa những việc khẩn cấp) ra ngày 22-11-1903, liên quan đến sự phục hưng nhạc Thánh đường, nhưng tầm lực dã vượt qua lãnh vực nhỏ hẹp này đến độ người ta có thể xem đó như là “Hiến chương của phong trào phụng vụ”, vì rằng đức giáo hoàng đã hành động với tư cách là người chủ chăn quan tâm đến việc gìn giữ tính trang nghiêm của ngôi nhà Chúa, nơi mà dân Chúa tụ họp để hiệp thông trong lời cầu nguyện của Giáo Hội. Ðiệu hát bình ca mà các cố gắng gần đây đã trả lại tính toàn vẹn và thuần túy của nó, được giới thiệu như là một mẫu mực toàn hảo của thánh ca, nhưng không loại trừ các thứ nhạc khác, vì có một số người lầm tưởng là có thể đem bình ca vào đại chúng cách dễ dàng (14). Một bản tự sắc thứ hai ra đời ngày 25-4-1904 và cũng như bản tự sắc thứ nhất, được soạn thảo do sáng kiến của giáo sĩ Dònhg Tên De Santi “được xem như là người chủ động phong trào cải tổ Bình Ca” (Combe). Ðức giáo hoàng giao phó cho một ủy ban đặc biệt việc chuẩn bị ấn bản chính thức của Tòa Thánh về các hòa khúc Grégoriens. Nhưng ủy ban vấp phải một điều nan giải: Hoặc là theo như ý kiến của Dom Mocquerau, triệt để trung thành với những bài được ghi trong các thủ bản cổ xưa cho dầu những bài này có thể làm cho các thính giả đời nay bỡ ngỡ. Hoặc là theo như ý kiến của Dom Pothier, chiết trung hơn là người môn đồ trẻ tuổi của Ngài, và thể theo sự ước muốn của người Ðức, chấp nhận một vài sự sửa đổi về sau này. Ðể thoát ra khỏi ngõ bí, đức giáo hoàng cho ủy ban tạm ngưng hoạt động và giao cho giáo sĩ Pothier trọn quyền soạn thảo ấn bản đã dần dà xuất hiện từ 1905 đến 1912. Sự thành lập tại Roma vào năm 1911, một trường cao đẳng thánh nhạc dưới quyền điều khiển của cha De Santi đã hoàn tất sự cải tổ.
Trong thời gian đó, dưới sự thúc đẩy của đức cha P. Piacenza, giáo sư phụng vụ tại một đại học ở Roma, đức Pie X bắt tay vào một cải tổ khác đã từng được đề cập đến tại Công Ðồng Vatican: đó là việc cải tổ sách nguyện. Không phải nhằm việc sửa đổi các sai lầm về lịch sử như đã từng được nêu lên dưới triều đại đức Léon XIII, mà nhằm phục hồi giá trị của ngày chủ nhật trong chu kỳ phụng vụ cũng như sự tụng niệm hàng tuần các Thánh Vịnh. Vì các lễ ngoại lịch có kinh nhật tụng riêng đã phổ biến quá nhiều đến độ người ta ít đọc kinh nhật tụng ngày chủ nhật hay các ngày trong tuần, do đó nhiều thánh vịnh hầu như không bao giờ được đọc đến. Theo phương thức thông thường của giáo hoàng, công việc thực hiện được giao phó cho một ủy ban đặc biệt hoạt động độc lập với Bộ Lễ Nghi mà tính bảo thủ có thể cản trở mọi cải cách quan trọng. Ngày 1-11-1911, sắc chỉ Divino Afflatu (Hứng khởi thần linh) nêu rõ những nguyên tắc của việc cải tổ kinh thần tụng: không một lễ ngoại lịch nào bị bãi bỏ nhưng ngày chủ nhật bao giờ cũng chiếm ưu thế. Ngoài ra, ngay đối với các ngày lễ, ngoài những phần riêng biệt (như thánh ca, kinh sáng và bài đọc ngắn), kinh tuần nhật vẫn được xử dụng. Như vậy chu kỳ phụng vụ tìm lại được tính quan trọng của nó, đồng thời kinh nhật tụng cũng thay đổi nhiều hơn (và ngắn hơn, nhất là ngày chủ nhật, theo như nguyện vọng chung của các giáo sĩ làm mục vụ tại họ đạo). Ủy ban bắt đầu hoạt động lại để chuẩn bị ấn bản mới của sách nguyện (đã có từ năm 1914): trước tiên, người ta nghĩ đến một sự canh tân toàn diện, nhưng vì sự thực hiện chương trình to lớn đó đòi hỏi một công cuộc nghiên cứu lâu dài nên rốt cuộc công việc chỉ được khởi đầu bằng những biện pháp tạm thời. Theo tinh thần của đức Pie X thì những biện pháp này sẽ là bước đầu của một sự cải tổ triệt để hơn, nhưng cái chết của Ngài đã làm đình hoãn dự án đó trong một phần tư thế kỷ. Vả chăng, lề lối làm việc của Ủy ban trong đó đa số ủy viên thiếu khả năng cần thiết, đã bị các chuyên gia chỉ trích gắt gao. Theo lời của đức cha Amann (15) thì “giáo hoàng Pie X tưởng rằng, mọi vấn đề, ngay cả trong lãnh vực nghệ thuật hay uyên thâm, đều có thể được giải quyết bằng quyền bính”. Nhưng ít nhất thì Ngài cũng đã có công lớn, như trong vấn đề thánh nhạc, giải tỏa một tình trạng càng ngày càng mục nát mà giải pháp hầu như khó đạt được bằng đường lối hành chánh thông thường. Cũng như nhờ việc phục hồi giá trị của ngày chúa nhật và tuần nhật, nhất là trong mùa chay, Ngài đã đặt trọng tâm vào việc sùng kính các mầu nhiệm của Ðức Kitô trong khuôn khổ năm phụng vụ.
Song song với công cuộc chấn hưng việc phụng tự qua đường lối quyền bính, khởi đầu một phong trào mục vụ phụng vụ bắt nguồn tại Bỉ và sẽ tiếp tục phát triển trong suốt nhiệm kỳ của hai giáo hoàng Pie XI và Pie XII. Dựa vào lời khuyến khích của đức Pie X trong bản tự sắc năm 1903 về “sự tham gia tích cực của các tín hữu vào những mầu nhiệm thần linh”, (16) và nhờ những kinh nghiệm thu thập được khi còn là linh mục địa phận, cùng với biệt tài tổ chức, tu sĩ Lambert đã phát động thành công việc các họ đạo quan tâm đến phong trào phụng vụ mà trước đây chỉ thu hẹp trong các nhóm nhỏ hoạt động xung quanh các đan viện dòng Biển Ðức. Sau khi đề cập đến vấn đề trước đại hội ở Malines vào năm 1909, Ngài cho phổ biến hàng chục ngàn cuốn sách nhỏ với bản dịch có chú thích về thánh lễ của mỗi chủ nhật. Ngài cũng lưu ý đến việc huấn luyện các giáo sĩ làm việc tại các họ đạo qua tạp chí “Những vấn đề phụng vụ”, qua những tác phẩm đề cập riêng đến “Vai trò phụng vụ”. Tiêu biểu là cuốn “Ái mộ Phụng vụ” (1914), một tác phẩm đặc trưng cho tinh thần của phong trào với mục đích dành cho hoạt động mục vụ một cơ sở vững chắc về giáo lý cũng như về lịch sử. Sau cùng, Ngài tổ chức thành công những tuần lễ phụng vụ thường niên, và nhờ đó, đóng góp tích cực vào việc phổ biến các tư tưởng của Mont César vượt ra khỏi biên giới nước Bỉ.