CHƯƠNG V
CÁC GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG
TRÊN LỤC ÐỊA
CHƯƠNG V
CÁC GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG
TRÊN LỤC ÐỊA
1. NƯỚC PHÁP.
Như trên kia đã nói (1), Giáo Hội Pháp đã có nhiều thuận lợi trong việc liên kết với chế độ quân chủ. Sau một thời kỳ lạnh nhạt đầu năm 60 vì vấn đề Roma (2), chế độ quân chủ lại bắt tay với giáo hoàng từ năm 1867 vì cả hai bên đều lo sợ làn sóng cộng hòa. Chế độ quân chủ sụp đổ năm 1870 làm cho các người công giáo lo sợ - vì sau đấy đã xảy ra, nhất là tại Paris và Lyon, - những vụ hành hung bài giáo sĩ chưa hề thấy kể từ cuộc đại cách mạng. Cũng như năm 1848, những thái độ quá khích của công xã thúc đẩy người ta quay về với phe hữu, và nước Pháp chưa bao giờ thấy phe công giáo đông đảo và gắn bó với nhau như thế trong Quốc hội được bầu ra năm 1871. Việc cai trị theo trật tự luân lý làm tăng gia ảnh hưởng của hàng giáo sĩ trong các ban phục vụ của Nhà Nước: như quân đội, cứu tế xã hội và ngành giáo dục, và sau khi đã thắng thế năm 1850, năm 1875 đức cha Dupanloup lại thành công trong vấn đề trường cao đẳng, bởi vậy đã có nhiều trường đại học công giáo mọc lên. Cũng nên ghi nhận là A. Latreille đã đưa tất cả các môn học và các cấp học vào trường tư thục công giáo, đó là một biến cố lớn đánh dấu đạo Công Giáo Pháp trong khoảng 30 năm cuối cùng của thế kỷ XIX. Việc bành trướng trường tư thục đã mang lại cho Giáo Hội dịp may mắn gây lại được những ảnh hưởng đã mất từ cuộc đại cách mệnh. Trái lại, việc bành trướng ấy, tùy thời hạn, đã làm cho nhiều người ngờ vực Giáo Hội. Có lẽ cũng vì thế mà có hiện tượng bỏ đạo, đặc biệt trong ngành giáo dục.
Theo Ch. Pouthas thì việc tăng gấp ơn kêu gọi đi tu là nét đặc trưng của cộng đồng công giáo Pháp khi đệ tam cộng hòa lên nắm chính quyền, và nhờ có các cha dòng Assomptionnistes thôi thúc nên các tổ chức công giáo bắt đầu được hệ thống hóa theo từng miền và trong cả quốc gia, điều đó minh chứng Giáo Hội chẳng những hùng mạnh bên ngoài mà cũng chất chứa nhiều nhựa sống kitô bên trong. Nhưng sự hào nhoáng của các thể chế và thành công của nhóm ưu tú đạo đức còn yếu kém, chưa thể kitô hóa được xã hội theo chiều sâu. Càng ngày người ta càng nhận rõ điều ấy, nhờ các vụ khảo cứu về tôn giáo do G. Lebras khởi sự.
Vào cuối thế kỷ, dân chúng ở những miền phía Tây nước Pháp, miền Massif Central và miền Jura vẫn còn giữ đạo khá sầm uất, kể cả đàn ông, giữ lễ ngày chủ nhật cách nghiêm chỉnh. Ðó là nhờ có một hệ thống trường tư thục giáo dục vững chắc. Còn trong mấy địa phận đã bị nền quân chủ tháng bảy đầu độc, các giám mục hăng say hoạt động, như Dupanloup tại Orléans và Parisis tại Arras, với sự trợ lực của các linh mục dòng chuyên chú giảng dạy trong các họ đạo, đã làm cho tôn giáo sống lại theo từng giai đoạn. Nhưng chỉ gây được ảnh hưởng trên cấp tư sản của các thành phố nhỏ, và trong các xứ nghèo tại miền quê. Còn ở những miền khác, đàn ông càng ngày càng bỏ đạo dần. Tệ hơn nữa là tại Paris, miền Charente và miền Ðông Nam, miền Provence, người ta đã ít đi lễ từ năm 1848, số người bỏ lễ chủ nhật mỗi ngày thêm gia tăng. Càng đi vào cuối thế kỷ, mức chậm trễ càng lan rộng như lớp dầu loang. Tóm lại, kể từ thời Ðệ nhị Ðế chế, đa số các miền dân quê nước Pháp đã lừng khừng với tôn giáo, còn ở các nơi khác người ta còn đi lễ là vì tập tục xã hội hơn là vì niềm tin. Bởi vậy từ khi các chính phủ cộng hòa gia tăng chính sách bài giáo sĩ thì lại có một tục lệ khác bi thảm hơn, là người ta không thèm bén bảng đến nhà thờ nữa. Sau năm 1900, một số linh mục nhìn xa thấy rộng, đã nói là nước Pháp trở thành xứ truyền giáo rồi! (3), tình thế càng ngày càng thêm đen tối, và cùng một lúc phái lao động gia tăng nhân số từ giữa thế kỷ, họ xa lìa Giáo Hội (4) cả về mặt xã hội và tâm lý, họ tự coi như nhóm ngoại lai đối với phái kitô bảo thủ, và coi giáo sĩ như đã cấu kết với các tiềm năng thủ cựu. Chỉ có mấy miền may mắn, nói riêng là ở phía Bắc và phía Ðông, nhờ vào các tổ chức hội đoàn, người ta đã gây được một nhóm lao công kitô là phong trào sau này sẽ cung cấp nhiều phần tử cho các nghiệp đoàn công giáo ở cuối thế kỷ.
Vào thời kỳ thứ ba của thế kỷ, Giáo Hội mất mát nhiều về phía đại chúng lao động, nhưng lại tiếp tục thu hút thêm một phần các tiểu tư sản, và vào thời kỳ đầu của nền Ðệ Tam cộng hòa, Giáo Hội có nhiều phần tử trong quân đội, trong ngành thẩm phán và giữa các công chức cao cấp. Nhưng nhiều người trong phái tiểu tư sản quay về với Giáo Hội xem ra vì qúy mến hàng giáo sĩ hơn là vì đức tin, và nếu tôn giáo bắt đầu trở nên cái nhãn hiệu gây ra tôn trọng, nhất là tại các tỉnh, thì giới trí thức lại hướng theo chủ nghĩa Duy Lý thực chứng thay vì thuyết Lãng mạn và càng ngày càng xa Giáo Hội hơn (5). Ðồng thời các chi hội Tam Ðiểm xuất hiện, họ tự xưng là những trung tâm vừa chủ trương thuyết tục hóa để giải phóng xã hội khỏi ách giáo sĩ, vừa phản đối mãnh liệt chính sách ngu dân tôn giáo.
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Pháp lo ngại trước tình thế nhưng hầu hết các ngài không tìm ra phương thế thỏa đáng để giải quyết. Thay vì sáng kiến ra những phương pháp mới để làm việc tông đồ, các ngài lại thể chế hóa những phương pháp đã hiệu nghiệm mấy chục năm về trước; giáo lệnh của các giám mục và các bài giảng cho thấy hàng giáo sĩ không biết gì về óc phê bình và những phương pháp khoa học mới. Trong các chủng viện, lực học không hơn gì trình độ giáo lý dạy phải bền đỗ bằng tiếng la tinh (Leflon). Người ta huấn luyện các linh mục, đạo đức thì vào hạng nhất Âu Châu nhưng chỉ biết chờ đợi tại nhà thờ những người có đầu óc và thái độ bền đỗ của họ, hơn là đi tìm tiếp súc với đại chúng dửng dưng với đạo, hay là tìm hiểu những ưu tư của các giai cấp mới. Có một nhược điểm nữa là từ năm 1848 vẫn có tranh luận gay gắt giữa những người có óc suy tư như Montalembert, Dupanloup hay Maret là thái độ cởi mở với thế giới tân thời, hầu lôi kéo các phần tử ưu tú chú ý đến giáo huấn của Giáo Hội, và những người khác như L. Veuillot, người được đa số giáo sĩ tán thành, lại bảo rằng “căn cớ làm cho người ta bỏ đạo là vì Giáo Hội đã nhân nhượng với các chế độ chủ trương tự do tân thời”. Chung cục, điều tai hại không lường được trong những năm đầu của đệ tam cộng hòa là: đa số các vị tai mắt trong Giáo Hội Pháp đã lao mình vào những mưu toan vụng về để phục hồi nền quân chủ, trong khi các tầng lớp xã hội mới lớn lên lại coi nền cộng hòa như tiêu biểu bước tiến triển, và như phương thế giải phóng toàn diện con người.
Cuộc thất bại năm 1877 trong chiến thuật “bảo vệ tôn giáo và xã hội” của Dupanloup đã làm cho “Cộng hòa các công tước” đang khoan hồng với hoạt động xã hội của tôn giáo phải nhường bước cho thứ cộng hòa của đảng cộng hòa, họ áp dụng hệ thống trần tục hóa rất mau lẹ. Thời kỳ khó khăn này kéo dài cho tới đệ nhất thế chiến, lúc thì tranh đấu căm go, lúc thì thỏa thuận tương đối.
Hai lý do thúc đẩy phái tiểu tư sản cộng hòa mới lên nắm chính quyền vừa đậm mầu ý thức hệ vừa thực tiễn: một bên là lý tưởng pháp lý hòa đồng với truyền thống gallican trong quốc hội muốn đánh tan sức mạnh của thể chế Giáo Hội để từ nay chính phủ hiên ngang làm chủ độc nhất trong nước mình, một bên là lý tưởng của các người thực tiễn đặt tin tưởng vào lý trí và sức tiến bộ, muốn cấp tốc đem nền văn hóa khoa học thay thế cho thời đại thần học; họ thâm tín là sức chống đối bảo hoàng liên hệ với hoạt động của các giáo sĩ và với ảnh hưởng lợi hại của họ trong trường học. Lắng dịu trong thời Ðệ nhị Ðế chế, cuộc xung đột giữa các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo lại trở nên gay gắt vì sự hiện diện của các dòng tu trong ngành giáo dục, cả tại những trường công, đó là hai mặt trận Jules Ferry phải đương đầu. Kết quả cuộc xung đột là ngay từ năm 1880, 261 nhà dòng nam bị đóng cửa (một số thật ra chỉ bị đóng tạm thời), các cha Dòng Tên bị thiệt hại hơn cả, rồi đến đạo luật ngày 28-3-1882 bãi bỏ tục lệ buộc học giáo lý trong trường học và đạo luật ngày 30-10-1886 minh định chính sách trung lập trong ngành giáo dục, và bắt đầu loại các tu sĩ nam nữ ra khỏi trường công. Việc trần tục hóa nhà trường, công tác chủ yếu trong đường lối trần tục hóa xã hội, còn kéo theo sau nhiều biện pháp để tục hóa các cơ quan của chính phủ, như bãi bỏ các tuyên úy quân đội, tháo gỡ những phù hiệu tôn giáo trong các tòa án và bệnh viện, bỏ việc đọc kinh trước những buổi họp của nghị viện, đổi sở cứu tế xã hội thành một cơ quan thuần túy dân sự.
Các đạo luật và các sắc lệnh liên tiếp nhau ra đời, gây dịp cho nhiều cuộc xung đột đáng tiếc, thường bị người ta thổi phồng lên, như uế tạp tượng Thánh Giá, đập phá các tu viện. Các việc bỉ ổi ấy gây chấn thương trong tâm hồn giới công giáo. Hơn nữa, nhiều sử gia tự đóng khung theo nhãn giới riêng của Paris, nhiều khi không nhận thức là các vụ xung đột tôn giáo còn tùy thuộc vào bầu khí và đường lối hoạt động của các nhà cầm quyền tại mỗi quận: nơi này có tính cách bè phái điên khùng, chỗ khác lại dè dặt khoan dung. Giáo Hội luôn bị căng thẳng vì báo chí công giáo tố cáo việc bắt đạo, mà không phân tách tùy trường hợp. Cho tới nay, chúng ta còn phải ngạc nhiên về những sự kiện này, nhất là qua tin tức của các cha dòng Assomptionistes đăng trong tuần báo Le Pèlerin, đã có từ năm 1882 và tờ nhật báo La Croix với 150.000 số mỗi ngày.
Cuộc xáo trộn trên đây chẳng công hiệu gì về chính trị (6) mà chỉ đào sâu hố chia rẽ giữa hai nước Pháp. Tuy nhiên, chính trong tình thế rối reng này, càng ngày càng thêm số giám mục có ý thức: không thể ngăn ngừa bước tiến hóa và, dù không thay đổi đường lối chính trị tôn giáo, các ngài cũng cố thích ứng vào tình thế, vì Tòa Thánh khuyên dụ nên đi đến hòa giải. Ðồng ý với Roma, các giám mục không lên án chương trình học vấn trung lập, như hàng giám mục Bỉ bấy giờ đã làm. Với sự trợ lực của các người công giáo có uy tín, các giám mục tìm cách che đậy những hiệu quả của phong trào trần tục hóa nhà trường bằng cách mở trường tư thục “lúc đó thịnh hành tuyệt đỉnh” (Lecanuet): trong khi các học sinh trường trung học công giáo (10 cơ sở mới mọc lên tại Lyon từ năm 1880 đến năm 1898) vọt từ 50.085 năm 1887 tới 67.643 vào năm 1898 (tức là 41% trên tổng số thay vì 19% năm 1854), 3000 trường tiểu học tư thục cũng mở cửa vào thời kỳ ấy. Các giám mục phải đồng ý với hồng y Guibert, là trong “ba phần tư các làng trong khắp nước Pháp không thể mở thêm và duy trì một trường thứ hai” và, vì hoàn cảnh cho thấy không thể trông cậy vào các thể chế. Nhiều giám mục chỉ lưu ý đến các vấn đề mục vụ và hơn nữa, như Perraud năm 1882, đã mời gọi các giáo dân sùng đạo xung phong như “các phó tế phần đời” để kitô hóa lại xứ sở.
Trong khi một số đông giám mục tự tách ra khỏi chính trị thì trong Quốc hội cũng có nhiều thay đổi: sau khi nhóm boulangisme (1889) thất bại, Quốc hội bầu những người xu thời lên cầm quyền, cũng gọi là những người cộng hòa trung dung. Họ nghĩ rằng công khai đoạn tuyệt với Giáo Hội là điều nguy hại cho nền cộng hòa non trẻ, cả trong và ngoài nước. Giáo hoàng Léon XIII rất lo ngại cho Giáo Hội Pháp, một phần vì Giáo Hội này có tên tuổi trong trường truyền giáo, một phần vì ngài trông nước Pháp sẽ giúp ngài giải quyết vấn đề Roma. Ðã từ lâu giáo hoàng xác tín rằng giải pháp độc nhất cho các người công giáo là quy tụ vào một đảng bảo thủ lớn để thu tập tất cả “các người lương thiện”, lấy tự do tín ngưỡng làm căn bản để sau này dùng đường lối pháp lý mà sửa đổi các khoản luật phản giáo sĩ. Giáo hoàng nghĩ đã đến lúc phải thúc đẩy các giám mục Pháp khước từ việc phục hồi lại nền quân chủ là điều càng ngày càng thành mộng tưởng, và thẳng thắn đứng vào lập trường theo thể chế cộng hòa. Ðức Ferrata, vị sứ thần mới của Tòa Thánh được chỉ định lo việc ấy, và J.Piou đã cố gắng xích gần lại với phe trung tả được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh (7). Ðức hồng y Lavigerie tổ chức buổi tiệc trà lớn tại Alger ngày 12-12-1890, cũng nhằm mục đích nói lên chỉ thị dứt khoát của giáo hoàng. Mấy tháng sau, trong thông điệp Au milieu des Sollicitudes (16-2-1892), giáo hoàng bày tỏ các ý định của ngài. Chẳng may “giới kitô giáo Pháp, vì thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, đã tỏ ra nặng lòng và mù quáng phản đối lại những nguyện vọng tân tiến của các nhà lãnh đạo” (Gadille). Thế rồi, sau mấy năm hy vọng vào “tinh thần mới” của chính phủ và vào việc nhập cuộc của một thế hệ mới hướng về nền dân chủ kitô, thái độ vụng về của các người công giáo trong vụ Dreyfus (8) đã làm cho đường lối tập trung của đức Léon XIII đi đến thất bại. Ngày nay nhiều người nhận định như vậy. Lý do không phải tại thiếu hệ thống chuẩn bị dư luận giữa các giới công giáo, điều mà đức Léon XIII ít nghĩ tới, hay tại nhóm dân biểu công giáo nhất mực nghiêng về phía bảo thủ, nhưng chính là, nếu muốn tập trung thì phải có “sự thay đổi sâu xa trong tâm hồn người công giáo về chính sách tách biệt tôn giáo của chính phủ, đồng thời phe cộng hòa phải có đường lối hòa giải hơn trong ý hệ cách mệnh” (X. Montclos). Tiếc rằng trước thế kỷ XX, hai điều kiện này còn xa vời. Ngay giữa cha xứ và hương sư còn xa vời hơn giữa hàng giám mục và các giới chính trị.
Cuộc tấn công mới đả phá hàng giáo sĩ đã thao diễn ra làm hai giai đoạn. Sau khi đã tấn công các cha dòng Assomptionnistes đang bị đay nghiến vì lập trường báo chí của họ, Waldeck-Rousseau thẳng tay thanh toán qui chế của các Hội Dòng (mà các phần tử trong vòng 20 năm đã tăng lên từ 160.000 đến 200.000), với mục đích kiểm soát dễ hơn ảnh hưởng của họ trong xã hội. Nhưng các ủy ban trong Quốc hội còn đi xa hơn thế nữa, và khoản luật ngày 1-7-1901 mà Combes là người thế vị Waldeck-Rousseau đưa ra thi hành với một hệ thống hung ác, bắt giải tán đột ngột 30.000 tu sĩ vào mùa xuân năm 1903. Ngày 7.7.1904, Quốc hội còn bỏ phiếu một khoản luật bổ túc để sát phạt các sư huynh La San, đây là “khoản luật độc địa nhất chưa từng thấy trong bộ dân luật, để đả phá tự do trong ngành học chính” (Latreille). Dầu sao, đây mới là giai đoạn đầu để đi đến tuyệt giao giữa nước Pháp và Tòa Thánh Vatican.
Nhân dịp tại Roma người ta phanh phui các bài báo chống Tòa Thánh của hai giám mục có khuynh hướng cộng hòa đã từng bị Bộ giám mục khuyến cáo (9), Combes đã dùng đường lối pháp lý bãi bỏ bản thỏa ước và tháng 11.1904, ông đề nghị một dự án cực kỳ nghiêm khắc để loại bỏ các Giáo Hội ra khỏi chính phủ, dự án mà sau nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi đã thành khoản luật ngày 9-12-1905 (10). Theo bản văn tiên khởi thì Giáo Hội phải chịu quyền kiểm soát của chính phủ và chính phủ không có bổn phận gì đối với Giáo Hội. Nhờ lòng nhân nhượng của Briand và nhờ đệ nhất cố vấn của ông là Louis Méjean, một người tin lành phóng khoáng có lòng trung trực, nên một qui chế thỏa đáng hơn cho người công giáo được biểu quyết thay thế khoản luật khắt khe ở trên. Người ta bãi bỏ số tiền viện trợ (35 triệu phật lăng vàng) đi nhưng vẫn bảo đảm tự do phụng tự. Nếu tài sản khổng lồ của Giáo Hội tích góp từ một thế kỷ (mà Caillaux tính đã lên tới 411 triệu) trong chế độ thỏa hiệp, đã bị tịch thu và xung vào tài sản của chính phủ, thì một số cơ sở như các nhà thờ, nhà xứ, chủng viện vẫn còn là của Giáo Hội và được trao cho các hội đoàn phụng tự do giáo dân bầu ra. Người tin lành và cộng đồng do thái chấp nhận giải pháp này rất mau lẹ. Ðức Pie X vẫn giữ im lặng trong thời khoản luật mới còn được tranh luận. Nhưng vừa khi Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận khoản luật, ngài đã ra thông điệp Vehementer nos ngày 11-2-1906) long trọng lên án nguyên tắc đoạn tuyệt, và với thông điệp Gravissimo officii ngày 6 tháng 8 năm 1906, ngài cấm chỉ việc biến hệ thống “phụng tự” thành hệ thống làm tổn thương hiến chế về quyền bính của Giáo Hội, vì không đặt các giám mục theo nguyên tắc phải đứng đầu Giáo Hội địa phương tức là Giáo Hội Pháp. Việc giáo hoàng khước từ lối giàn xếp do Briand đề nghị được phe cứng rắn của các Bộ Roma và phe công giáo Pháp khuyến khích rồi hoan nghênh. Nhưng rồi phe này đi vào con đường chính trị tệ hại nhất vì ngây ngô tưởng rằng làm như vậy sẽ thúc đẩy dư luận lên tiếng phản đối các phe Tả. Ðiều đó làm cho đa số các giám mục bất bình vì từ đời đức Léon XIII các ngài đã quen sống “lối thỏa hiệp”. Các linh mục và giáo dân nhận thấy Roma không am tường các thực tại của Pháp và cho rằng tốt nhất là nghiêm chỉnh áp dụng luật mới, vì càng ngày càng thấy rõ: Thỏa hiệp gây nhiều điều bất lợi. Toàn thể hàng giám mục hội ba lần liên tiếp (tháng 3, tháng 9 năm 1906, và tháng 1 năm 1907) - đây là lần thứ nhất có tác động cộng đồng từ một thế kỷ - để tìm ra một hình thức hội đoàn thích hợp với các yêu sách của dân luật và giáo luật. Trong khi ấy thì những giáo dân tai mắt (nhất là mấy vị hàn lâm viện mà người ta gọi là “các hồng y xanh”) nhấn mạnh để Roma biết: chối phắt đi sẽ gây nhiều tai hại. Nhưng giáo hoàng Pie X sau khi giàn xếp ít lâu, lại có thái độ cương quyết, đó là điều làm cho chính phủ rất khó xử vì, theo văn bản của khoản luật, sau khi kê khai các tài sản của Giáo Hội, là điều đã gây ra nhiều vụ xung đột đẫm máu ở mấy nơi (11), có thể là các nhà thờ bị đóng cửa. Ðứng trước một tình thế hầu như bế tắc, chính phủ thấy rõ rằng đa số dân chúng chấp nhận sự tách rời Giáo Hội với Nhà nước mà không chấp nhận việc bắt đạo. Do đó chính phủ chịu để cho các giáo sĩ xử dụng các nhà thờ dưới tư cách là những người chiếm hữu không có quyền pháp lý, và cho phép tổ chức phụng vụ không phải làm thủ tục gì cả. Nói cho cùng, nếu vì óc cương nghị mà giáo hoàng Pie X đã để cho đại chúng công giáo Pháp rơi vào tay Action Francaise là phong trào đã chiến đấu không điều kiện từ lúc đầu, thì ngài cũng đã cưỡng ép chính phủ nghiêng về lập trường cởi mở là điều rất khó xẩy ra nếu Roma không cương quyết.
Nhưng các sử gia chú ý nhiều hơn đến thực trạng của Giáo Hội Pháp sau khi có sự ly khai đạo đời, hơn là đến tình trạng pháp lý. Ðã hơn mười năm, người ta chứng kiến một sự biến đổi làm ngạc nhiên những ai mong rằng Giáo Hội sẽ chết sau khi có ly khai, trái lại việc ly khai đã mang đến nhiều thành quả để củng cố cho thứ tự do mới được phục hồi. Hơn nữa, tình thế cứ tuần tự thay đổi, phong trào bài giáo sĩ đã giảm suy vì nó đã thành công về mặt thể chế, trong khi ấy, đạo Công Giáo đi vào hướng đạo đức phục hưng để bước sang thế kỷ mới.
Nhờ vào các chỉ thị thôi thúc của đức Léon XIII, một thế hệ các linh mục mới tìm cách xích Giáo Hội lại gần với xã hội. Không lưu tâm đến những giọng điệu khoác lác mà L. Veuillot phổ biến trong báo chí của các cha dòng Assumptionnistes, các giáo sĩ trẻ nối gót những tôn sư mới như G.Fonsegrive là tác giả sáng suốt của cuốn Các thư của một cha xứ miền quê (1894) hoặc như Nhật ký của một vị giám mục (1896). Ông là giám đốc gan dạ của tờ báo Quinzaine (1893-1907) trong đó ông tìm cách “giúp người công giáo sát gần lại thế hệ tân tiến” theo cùng chiều hướng với đà tiến triển khoa học mức phát huy dân chủ và lòng hăng say đi tìm công bằng xã hội. Vào các năm 90, “một luồng gió Hiện xuống” (Klein) đã thổi trên Giáo Hội Pháp, và mọi cái đều bừng sống, bằng chứng là cha Lemire (12) đã tổ chức được hai Cuộc Ðại Hội Giáo Sĩ tại Reims (1896) rồi đến Bourges (1900). Trong những đoạn sau ta sẽ bàn nhiều đến việc phát huy các sáng kiến và kinh nghiệm về mặt xã hội cũng như về trí thức và mục vụ vượt ra ngoài khuôn khổ các nhóm sống động gọi là “các linh mục dân chủ” và tờ báo Sillon (13).
Ðiều cần ghi nhận nơi đây là đạo luật phân tách chính phủ ra khỏi Giáo Hội đã mang lại cho Giáo Hội Pháp thứ tự do khơi dậy nhiều khuynh hướng mới như một “nắm men đổi mới khác thường” (J.M.Mayeur). Chẳng những Giáo Hội ra công giải quyết các vấn đề mục vụ do việc kiến thiết đô thị đặt ra như tại Paris từ năm 1906 đến năm 1914. Giáo Hội xây cất nhiều nhà thờ mới hơn cả trong thế kỷ dưới chế độ thỏa hiệp, mặc dù phần lớn tài sản của Giáo Hội đã bị tịch thu. Nhất là hàng giáo sĩ không còn sợ các nhà cầm quyền hạch xách, xoi bói, và giáo dân lúc này được hướng dẫn để lãnh trách nhiệm khi linh mục không còn là một công chức nhỏ có nếp sống dễ dàng vì nhờ chính phủ đài thọ. Việc phân ly thúc đẩy đạo Công Giáo thay đổi để thăng tiến, như toàn thể xã hội, từ hoạt động cá nhân đến hoạt động công đồng. Lúc này người ta không còn sợ xã trưởng hay tỉnh trưởng làm khó dễ nữa, nhưng người ta ý thức rằng “mình phải tự tổ chức”. Vì thế, các đại hội và hội đoàn bắt đầu mọc lên san sát, theo đường lối công giáo Ðức, và do một thanh niên là G. Goyau gợi ý cho dân chúng Pháp. Nhất là giữa năm 1905 và 1914, trên toàn cõi nước Pháp, các hội đoàn địa phận và giáo xứ được thành lập, trong đó giáo dân giữ một địa vị quan trọng. Tuy nhiên họ chỉ được coi như “trợ tá của hàng giáo sĩ”. Hiện tượng này là một dấu chứng và một cột mốc cho những tiến triển về sau. Hơn nữa, sự thất bại của phong trào bài trừ “các loại thăm dò” (trừ ở mấy nơi) đã mở mắt cho nhiều người công giáo nhận ra một sự kiện hiển nhiên: Số người giữ đạo từ đây chỉ là thiểu số trong nước Pháp càng ngày càng bị trần tục hóa, và cần phải mau thoát khỏi bầu khí đóng kín, trong đó chủ thuyết “quyền bảo hoàng trị” và “giáo sĩ trị” của các “Thầy dòng liên minh” đã giam hãm người công giáo Pháp suốt thời gian cuối cùng của nền cộng hòa do các công tước theo chính sách Combes lãnh đạo.
Dĩ nhiên là cuộc khủng hoảng do việc phân ly gây ra không chỉ mang lại cho Giáo Hội các thuận lợi. Như đã nói ở trên, thái độ của đức Pie X đã góp phần củng cố cho phong trào Action francaise. Trong khi khêu gợi những khuynh hướng quốc gia giữa cộng đồng Pháp, các phần tử của phong trào được các giới Roma tin nghe nên đã gây nhiều khó dễ cho các kitô hữu dân chủ và có thái độ cứng rắn trong việc “thanh trừng” óc tân tiến. Họ có nhiều ảnh hưởng trong việc bổ nhiệm các giám mục, vì lúc này Tòa Thánh được tự do chọn các giám mục mới. Những vị này là những người đạo đức và nhiệt thành nhưng có “óc tranh đấu hơn là tinh thần hòa giải” (Latreille), Roma mong muốn họ là những người chỉ biết thi hành các chỉ thị đã được ban bố để chặn đứng khuynh hướng tân thời dưới mọi hình thức. Sự kiện đó lại gây chia rẽ giữa các giới công giáo Pháp đã điêu đứng trong những vụ tranh chấp về lối đạo cởi mở, về hòa hiệp và về dân chủ kitô. Thế nhưng, tuy Giáo Hội đã thành nghèo nàn nhưng không phải vì thế mà đã trở nên Giáo Hội của người nghèo, trái lại, từ đây hàng giáo sĩ lệ thuộc nhiều hơn vào các “chủ lâu đài-dinh thự” hay các kỹ nghệ gia là những người yểm trợ các trường tư thục và rộng rãi góp tiền dầu đèn cho nhà thờ, vì người công giáo trung lưu không để ý đến khoản ấy. Việc xung công các chủng viện và những khó khăn vật chất linh mục thường gặp vì họ có ít bổng lộc, thêm vào đó là uy thế của cha xứ thôn quê giảm sút trong khi địa vị xã hội của hương sư gia tăng, và luật bãi bỏ miễn quân dịch cho các chủng sinh, tất cả đã làm giảm bớt ơn kêu gọi linh mục. Trong cả nước Pháp, số người chịu chức linh mục năm 1904 là 1518 đã trụt xuống con số 1114 năm 1909 và 704 năm 1914; trong nhiều địa phận, số chủng sinh gia nhập chủng viện trong vòng 10 năm đã giảm xuống quá 75%, cả đến những miền công giáo sầm uất cũng bi lung lay. Con số bớt đi đã vậy mà thuyết chủ trương tân thời lại còn gây thêm khủng hoảng giữa hàng giáo sĩ, làm cho một số linh mục có học lực khá đã bỏ chức. May là nhiều linh mục dòng (xưng mình là linh mục triều theo pháp lý) và nhiều cựu nữ tu (đã cởi áo dòng để được tiếp tục dạy học) vẫn còn tiếp tay các cha xứ trong sinh hoạt mục vụ. Nhưng các thỉnh sinh tu dòng cũng rất khan hiếm, đa số Nhà Tập phải rời đi nước khác để có thêm ơn gọi. Rồi trào lưu bỏ đạo khởi đầu từ trước khi có chế độ tách rời Nhà Nước với Giáo Hội - năm 1895 linh mục Naudet đã dùng từ ngữ “Nước Pháp là xứ truyền giáo” - càng ngày càng lan rộng. Nếu đa số người Pháp còn giữ những tập tục phụng tự theo kiểu nói của Clémenceau, ít là trong những trường hợp đặc biệt của đời sống, nếu uy quyền nghiêm nhặt của hàng giáo sĩ đã giảm bớt đi để nhường bước cho tinh thần khoan dung và rộng mở (hầu lôi cuốn người ta trở lại với tôn giáo, như trường hợp quận Isère) thì đa số những bản báo cáo của các cha đi giảng phòng đều nhìn nhận là mức lãnh đạm với tôn giáo càng ngày càng lan rộng (14). Sự lãnh đạm tôn giáo này xuất hiện đặc biệt giữa các người nam, đến nỗi một số cha giảng phòng bắt đầu bài giảng bằng câu: “Hỡi các chị em thân mến”. Ngay trong các miền có tiếng là mộ đạo như miền Bretagne, việc bỏ đạo cũng bắt đầu lan tràn đến nữ giới, nhất là giữa nhóm học sinh và sinh viên nữ (15). Năm 1915 ông bộ trưởng Viviani đã tự hào về các kết quả của “công tác bài giáo sĩ” mà các chính phủ cộng hòa luôn luôn theo đuổi như sau: “Chúng tôi đã giập tắt những tia sáng trên trời mà không ai thắp lại được nữa”.
Dầu vậy, trong khi đại đa số quần chúng bị nhiễm độc, thì lại bắt đầu có sự thay đổi mới giữa phái trí thức. Phong trào bài bác chủ trương Duy khoa học và Duy vật, khởi sự với Huysman, Bourget hoặc Brunetière, được những triết gia tiếp tay như Boutroux hay Bergson, đã sản xuất ra các thế hệ của Paul Claudel, Péguy và Psichari (16). Các thế hệ tư sản trẻ bắt đầu chú trọng đến hiện tượng tôn giáo. P.Poyet đã lập ra trong trường sư phạm một nhóm mang tên là “talas” (những người “có đi lễ”); khoảng năm 1912, nhóm này qui tụ được gần một phần ba các sinh viên. Phong trào sinh viên công giáo Pháp ACJF, các thành quả của tờ báo Sillon và một số phong trào rất hoạt động ra đời là triệu chứng của một nền công giáo càng ngày càng mất đi về số lượng nhưng lại tăng gia về phẩm chất. Ðây mới là những nhóm nhỏ nhưng chẳng bao lâu sau, khi cuộc đệ nhất thế chiến bắt đầu, người ta mới nhận ra họ là những người đi tiên phong trong việc đổi mới.
2. NƯỚC Ý
Nước Ý được thống nhất năm 1860 dưới quyền lãnh đạo của quận trưởng Piémont và nối kết được những miền có các tập tục rất khác nhau về chính trị, hành chính và văn hóa. Còn phải giầy công tìm cách thống nhất Giáo Hội giống như đã thống nhất xứ sở. Thế nhưng còn phải đợi một thời gian lâu dài, các giáo sĩ mới hết ý nghĩ cho rằng: tân thể chế của dân tộc chỉ là tạm thời. Một thí dụ điển hình: các giám mục vẫn hội họp theo miền, mà ít liên lạc với các miền khác, và khi phải chú trọng đến các vấn đề ngoài khuôn khổ miền thì họ lại lưu ý đến Giáo Hội hoàn vũ mà không bao giờ nghĩ đến việc lấy quyết định chung cho Giáo Hội toàn nước Ý.
Thật ra, nếu có nhiều dị biệt sâu xa giữa các miền - chưa biết rõ được vì thiếu những bản nghiên cứu cần thiết -thì các vấn đề vẫn giống nhau. Thoạt tiên có vấn đề Roma đã huy động năng lực của các giới công giáo Ý trong mấy chục năm, điều đó làm họ sao nhãng các vấn đề quan trọng khác nên sau này phải trả giá đắt về sự thiếu sót đó. Hơn nữa, vấn đề chủ trương tự do hay đúng hơn là vấn đề mà Giáo Hội đặt ra trong khi phải đi từ chế độ chính phủ có tôn giáo mà Giáo Hội đã quen thân, chuyển sang tình trạng mới đã thông thường tại miền Tây Âu Châu từ đầu thế kỷ, trong đó Giáo Hội phải hoạt động tông đồ theo bộ dân luật.
Cuộc biến chuyển ấy, cho dù đã khởi sự từ quận Piémont mấy chục năm trước khi thống nhất xứ sở, vẫn còn rất khó được các nhà lãnh đạo công giáo chấp nhận. Thái độ tiêu cực này của hàng giáo phẩm Ý đã làm cho phái tư sản càng ngày càng ác cảm với các quyền ưu tiên của giáo sĩ, mặc dầu họ còn tin tưởng và giữ đạo hơn người Pháp nhiều. Những biện pháp đầu tiên do chính phủ khoan hồng Massimo d'Azeglio, nhất là những khoản luật Siccardi (tháng 4 năm 1850) bãi bỏ tòa án lương tâm của giáo sĩ và hạn chế việc cấm chuyển nhượng tài sản không có gì là quá đáng. Mặc dầu Roma chống đối theo nguyên tắc, các khỏan luật ấy đã được đa số các giới công giáo chấp nhận. Họ bất mãn về những thái độ cứng rắn vụng về của đức cha Fransoni, tổng giám mục Turin. Những hành động thất cách của chính phủ Piémont, thái độ ù lỳ của các nhà giáo luật Roma không đếm xỉa đến đà biến chuyển của các tâm hồn, và thủ đoạn của hồng y Antonelli cho rằng khai thác vụ Fransoni là có lợi cho mưu thuật chính trị của ông, làm tổn thương các quyền lợi tôn giáo lâu mãi về sau. Tất cả các vụ việc ấy làm cho tình thế ra đen tối, trầm trọng hơn nữa là sự liên kết giữa Cavour và phe tả chống giáo sĩ, vì ông thấy việc liên kết này cần thiết để áp dụng đường lối chính trị tại Ý. Thế là việc tục hóa trường học được bỏ phiếu, sau khi vua ngần ngại lần chót, với khoản luật ngày 22-5-1855 bãi bỏ nhiều nhà dòng. Hiến chế về nền thống nhất nước Ý đã phổ biến khắp vương quốc mới, các khoản luật về Giáo Hội, và lập tức đem áp dụng vào các tỉnh cũ của giáo hoàng mới bị sáp nhập. Ðiều này làm cho Vatican lo ngại, nhất là về những khuynh hướng cải tổ của Ricasoli người miền Toscan và là vị kế ngôi Cavour (đã qua đời năm 1861). Nhiều người lầm tưởng rằng Ricasoli muốn tin lành hóa nước Ý.
Mặc dù chính phủ đã đoạn tuyệt chính thức với Giáo Hội và phong trào chống đối công giáo đã gây ra nhiều tiếng vang, đôi bên vẫn còn phương thế xích gần lại với nhau. Từ phía bên Ý, những người có khuynh hướng tân tiến trung dung quyết định thích ứng tình thế của Giáo Hội vào các yêu sách của chính phủ tân thời. Họ muốn tìm một giải pháp ôn hòa đối với Roma, hoặc vì họ còn tin ở tôn giáo hay vì cảm tình, hoặc vì họ nghĩ rằng tác động của Giáo Hội trên quần chúng sẽ bảo đảm cho trật tự xã hội. Giáo hoàng Pie IX rất lo ngại về những hậu quả tôn giáo của cuộc xung đột, nhất là về sự rối loạn trong các giáo phận: những linh mục xung khắc với nhà cầm quyền bị bắt, nhiều giám mục phản kháng bị đuổi đi, và chính phủ không chấp nhận đa số các giám mục do Roma bổ nhiệm vào chỗ trống, đến nỗi năm 1864, trên 225 tòa giám mục thì có 108 tòa trống ngôi. Hai cuộc chống đối của phe tả bài giáo sĩ tại Florence (mới trở thành kinh đô) và những đối phương mới của nước Ý tại Roma làm cho cuộc đàm thoại tan vỡ lần thứ nhất năm 1865, nhưng hai năm sau người ta hy vọng đi đến cuộc thương thuyết làm cả hai bên hài lòng. Dù sao phong trào cấp tiến vẫn thắng thế: từ năm 1866, việc bài giáo sĩ trong bầu không khí thực tiễn thời ấy lại thêm gây cấn, đạo Công Giáo bị tố cáo là một trở ngại cho bước tiến hóa. Tình thế đã thay đổi khi nội các thứ hai của Ratazzi cho bỏ phiếu đạo luật ngày 15-8-1867 có khuynh hướng thuyết Jacobin. Các hậu quả của đạo luật này ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của Giáo Hội trong nhiều năm, nhất là sau khi Roma bị chiếm cứ năm 1870. Các phần tử có óc bè phái cưỡng ép vua và chính phủ phải áp dụng nghiêm chỉnh đạo luật ấy, nên đã gây ra nhiều bất lợi cho Giáo Hội. Vào những năm đầu của triều đại đức Léon XIII, tình hình khá lắng dịu, nhưng sau khi cuộc dàn xếp giữa Quirinal và Vatican thất bại năm 1887, nội các Crispi lại trải qua một thời kỳ tranh dành bè phái mà cội gốc chắc chắn là vụ biểu tình tôn vinh Giordano Bruno.
Nhưng không nên quá quan trọng các sự việc trên. Nói chung trong thực tế, khoản luật bài giáo sĩ thường được áp dụng cách uyển chuyển và rất mực thước (17). Mọi cái còn tùy ở mỗi địa phương, không phải chỉ vì mối liên lạc giữa Don Camillo và Peppone phù hợp với một tập tục cũ của Ý, nhưng cũng tại vì ở nhiều nơi các giáo dân kiểm soát được hành chánh và kêu gọi người ta phục vụ Giáo Hội bằng cách đưa temporalismo mới thay thế cho chế độ cũ. Ðàng khác, việc mất bất động sản gây nhiều điều hay cho Giáo Hội về mặt tâm lý và làm “tăng thêm tín nhiệm” đối với giáo dân mà tình hình kinh tế cũng không quá bị tổn thương, bởi vì Giáo Hội vẫn còn giữ được số ngân quĩ quan trọng, đồng thời hoàn cảnh thúc đẩy người công giáo giầu có tỏ ra rộng rãi hơn. Còn việc các dòng tu bị chèn ép thì đừng quên là nhiều dòng cổ, nhất là tại miền Nam, đã sa sút từ nhiều thế hệ, và luật quốc hữu hóa các tài sản của dòng tu chỉ làm cho những khu rừng già cỗi biến đi nhanh chóng. Vụ việc này thật ra cũng được áp dụng tùy từng hoàn cảnh. Nhà cầm quyền cũng làm ngơ đi đối với các dòng nữ, nhất là những hội dòng có cơ sở truyền giáo. Chính phủ coi các hoạt động truyền giáo như một phương thế tuyệt hảo để chống lại ảnh hưởng của người Pháp tại miền Cận Ðông. Còn các hội dòng mới, nhất là những hội lo việc bác ái và xã hội như các cha dòng Don Bosco thì họ xoay trở khéo để bớt bị thất thiệt, và có khi còn phát triển mau lẹ, nhờ vì không khí pháp luật phóng khoáng đã thay thế cho chế độ pháp lý khắt khe ngày trước. Hơn nữa, vụ tấn công các dòng tu tuy là phóng khoáng, cũng gây ra rất nhiều tại hại: Việc đóng cửa các nhà dòng, nhà nguyện, làm giảm bớt lòng đạo đức của quần chúng, và khi những trường do các tu sĩ điều khiển biến mất thì nền văn hóa kitô cũng thất thiệt về lâu về dài. Nhiều vị bề trên, thay vì nghiên cứu các biện pháp mới để thích ứng các dòng cổ vào tình thế mới, lại cắm cúi hơn nữa vào quá khứ để hồi phục lại cho kỳ được những điều đã có trước cơn giông tố. Người ta có thể dị nghị là thành quả của các cố gắng sửa đổi các dòng tu thu lượm được từ năm 1870 đến năm 1914, đã bị hoen ố bởi óc tự cao tự đại, càng gặp khó khăn thì lại càng thêm gay gắt.
Chính trong bầu không khí căng thẳng mà chủ trương tự do phóng khoáng ra mặt đả phá các giá trị kitô. Ðây cũng là đường lối của Tam Ðiểm vào những năm cuối đời giáo hoàng Léon XIII (18). Hàng giáo sĩ chỉ được huấn luyện để mang lại khuôn mặt cho công giáo tiến hành Ý trong ba mươi năm cuối của thế kỷ.
Trong khi ơn kêu gọi giảm sút và có nhiều người bỏ đạo, số giáo sĩ rút xuống rất nhanh (trên 25% từ năm 1871 đến năm 1901) nhưng tương đối còn đông (một linh mục triều cho 270 giáo dân năm 1881). Nhưng não trạng của hàng linh mục đã thay đổi: đang khi chính phủ bãi bỏ việc thành lập các hội đoàn và nhiều linh mục không còn coi xứ nữa, thì lại xuất hiện một mẫu chủ chiên mới, đứng đắn hơn về hạnh kiểm và lòng đạo đức, gần gũi dân chúng hơn. Nhưng các ngài lại không được huấn luyện để tiếp xúc với phái tư bản trí thức, vì lực học trong các chủng viện vẫn thấp kém, mới chỉ khá lên nhờ cuộc cải cách của đức Pie X năm 1907. Những khuynh hướng tân tiến và những nguyện vọng muốn đưa Giáo Hội vào đường dân chủ đôi khi gặp thấy trong các linh mục của thế hệ 1848, lại bị đả phá rất tàn nhẫn bởi hàng giám mục đã đổi chiều, nhất là từ năm 1871. Lý do, khi bổ nhiệm các giám mục, đức Pie IX không lưu ý đến exequatur của chính phủ, mà chỉ chú trọng đến những vị cương nghị, có tinh thần bất khuất đối với trào lưu tư tưởng mới (mối bận tâm này còn được tăng cường trong đời đức Pie X, sau một thời kỳ lắng dịu dưới đời đức Léon XIII), hay những vị chỉ biết vâng lời không điều kiện các chỉ thị của Roma (nhiều lần làm thương tổn đến văn hóa và óc phán đoán cá nhân), những vị nhiệt tâm với mục vụ (đa số là những vị đã coi xứ), những vị có tác phong đạo đức. Giữa 250 giám mục hiếm thấy những vị có uy tín. Trong số đó những vị đáng chú ý như Pecci, Riario Sforza, Arrigoni thuộc thế hệ cũ, như Bonomelli, Scalabrini, Capecellario dưới đời Léon XIII, như Ferrari hoặc Maffi ở các năm đầu thế kỷ. Ðiều đáng tiếc là trừ mấy giám mục như vừa đan cử, đa số các giám mục bị hoàn cảnh đun đẩy, đã chấp nhận đường lối mục vụ phòng thủ thụ động trước “chủ trương tục hóa của chính quyền”.
Cả trong phong trào “Công giáo tiến hành”, khởi sự từ năm 1874 trong khuôn khổ “Công tác các Ðại hội” (19) cũng vẫn còn thái độ phòng ngờ sợ sệt. Khi giáo hoàng Léon XIII lên cầm quyền, người công giáo sẫn sàng chấp nhận các sự việc đã rồi và cố gắng tranh thủ cho Giáo Hội như các người công giáo Bỉ trong khuôn khổ một chính phủ lâm thời phóng khoáng. Những người Ý trước kia gọi là conciliatoristi (người hòa giải) thì nay lại gọi là transigenti (người điều đình) không thành một khối thuần nhất. Họ muốn lặp lại cái khẩu hiệu Ne eletti ne elettori (không ứng cử cũng không bầu cử) đã làm cho giáo dân Ý xa lánh trường chính trị từ 20 năm, nhưng họ đã thất vọng vì phong trào bài giáo sĩ vào thập niên 80 gia tăng, làm cho họ không thể ngóc đầu lên được. Trong nhiều năm về sau những người nổi bật là các intransigenti (người không nhượng bộ), họ được khích lệ bởi những lời nguyền rủa của thông điệp Syllabus, và được hồng y Rampolla nâng đỡ. Họ cho là không thể chấp nhận tình trạng “cấp tiến” đương thời, nên họ tìm cách tổ chức một phong trào đấu tranh rộng lớn ngoài khuôn mẫu cho các thể chế chính trị, để mang lại tinh thần kitô cho xã hội, là tinh thần họ coi như tối cần thiết để vãn hồi trật tự chính trị. Họ có thái độ ấy vì họ sai lầm trong việc phân tách sức mạnh của các luồng tư tưởng đang chống chọi nhau trong xã hội Ý, và vì họ nhìn sai mức tiến triển tất yếu của đà tục hóa đã khởi sự từ một thế kỷ. Nhất là vì họ cố chấp trong quan niệm thần học cổ hủ về chính trị. Ðó là chưa kể đến các nhược điểm khác về văn hóa làm cho họ khăng khăng với thái độ đóng kín, là thái độ còn tồn tại trong các giới công giáo Ý cho đến thế kỷ XX. Nhưng không phải vì vậy mà gán cho họ cái nhãn hiệu chậm tiến hay chỉ biết phản kháng suông. Những cuộc khảo cứu mới đây của F. Fonzi cho thấy họ có nhiều công trạng (20) mà các sử gia hiện đại đã lãng quên. Thoạt tiên có những giá trị cá nhân trong thái độ tận tâm và xả kỷ để phục vụ cái họ gọi là chính nghĩa của Thiên Chúa. Quả vậy, họ coi “Công giáo tiến hành” là một phong trào tôn giáo, tuy có mầu sắc chính trị, đã phản ảnh tinh thần tôn giáo của người Ý, bề ngoài có vẻ hời hợt và còn hoài nghi, chưa dấn thân; là phong trào mang nhiều nhựa sống kitô mãnh liệt, nhất là tại miền Bắc với các hội đoàn và các hội Dòng Ba rất sống động vào thời kỳ ấy. Cũng phải công nhận là các người lãnh đạo phong trào “Công giáo tiến hành” có tài tổ chức theo địa phương làm cho họ trở thành những người tiền phong, có ý thức về tầm quan trọng của những tổ chức trung gian giữa cá nhân và chính phủ tập trung, biết quan tâm đến báo chí bình dân. Ðặc biệt, nhiều phần tử lãnh đạo phong trào luôn ưu tư và can đảm đứng ra chống lại “các luật sắt” của nền kinh tế tự do bằng cách đề cao học thuyết xã hội công giáo vốn lưu tâm đến vấn đề luân lý, đến các quyền lợi của nhân vị và suy tính làm sao để Giáo Hội không liên lụy với nhà cầm quyền tư bản đang đè bẹp đại chúng lao động. Cần phải nêu lên trường hợp điển hình của D. Albertario, một linh mục nhà báo có đặc tài bút chiến tương tự như L. Veuillot. Dưới triều đức Pie IX, ông đã mời gọi người công giáo Ý tung ra khỏi nạn trùm chăn hoảng sợ để dấn thân vào những hành động có tổ chức, mời gọi họ thức tỉnh về những vấn đề của đại chúng nông thôn.
Nhưng, trong khi các vết thương của phong trào phục hưng đang lành dần và làm cho vấn đề Roma dịu xuống, thì chính công trình đổi mới lại tiềm tàng những mầm mống khủng hoảng làm cho phong trào chia ra thành hai khuynh hướng đối lập nhau. Việc bộ trưởng Rudini đóng cửa tháng 5.1898 nhiều ủy ban tổ chức các đại hội và đồng thời giải tán cả phong trào công giáo và phong trào xã hội, làm cho các người bảo thủ thêm nghi ngờ khuynh hướng cấp tiến xã hội mà một nhóm người trẻ đã cổ võ từ ba bốn năm nay. Ða số các người công giáo và nhất là các giáo sĩ cảm thấy sượng sùng vì bị liệt vào hạng người xã hội, họ bắt đầu xích lại gần phái cấp tiến ôn hòa, là phái tượng trưng cho trật tự đối lập với phe xã hội. Ðây là bước thứ nhất đi đến “hòa giải thầm lặng” (Spadolini); nó đã thành tựu mười năm sau, sau khi phong trào này đã tuần tự hợp nhất với phong trào cũ của các người transigenti, vì cả đôi bên đều muốn bảo vệ xã hội.
Việc một số người trong Công giáo tiến hành chạy theo phe hữu đã thúc đẩy những người Công giáo tiến hành khác thiên về phe xã hội. Nhóm người thứ hai này được linh mục trẻ R. Murri thúc đẩy, đã nhân danh những yêu sách của nền dân chủ kitô, đốt cháy các giai đoạn. Họ tìm cách thoát ly ảnh hưởng của các vị đàn anh và những chỉ thị non expedit, (không có ích lợi), họ chủ trương phải can thiệp ngay vào lãnh vực chính trị, chấp thuận lập trường của các người transigenti về quyền tự do của giáo dân trong phạm vi trần tục và về việc phân ly giữa Giáo Hội và chính phủ. Nhưng họ bác bỏ việc chính phủ chủ trương tôn giáo, không phải vì các nhu cầu ngẫu nhiên đòi phải có một “giả thuyết” như ý kiến của những người công giáo khoáng đạt ngày trước, mà vì những yêu sách nội tại của đức tin kitô (21). Những lời cảnh cáo của đức Léon XIII và những lời tố giác càng ngày càng gay gắt của đức Pie X về Lega democratica nazionale (Liên minh dân chủ quốc gia) đã thu gọn trào lưu này thành một nhóm thiểu số, trong khi đại đa số các thanh niên dân chủ kitô, dưới sự lãnh đạo của vị luật sư xuất sắc người Milan tên là F. Meda, kiểm soát lại hàng ngũ và liên minh với các lực lượng công giáo khác. Ngay trước khi xảy ra đệ nhất thế chiến, các lực lượng ấy được đức Pie X chúc lành, đã xung vào trường chính trị dưới danh hiệu là clerico-moderatismo (đường lối trung dung của giáo sĩ), đó là nét đặc trưng của “thời kỳ Giolitti”.
3. NƯỚC ÐỨC
Tại Ðức cho đến năm 1870 cũng như tại Ý đến năm 1860, vì chính phủ còn bị phân chia nhiều bè nên mỗi chính phủ có một bộ mặt riêng trong cách đối ngoại với Giáo Hội cũng như trong các phạm vi khác (22). Tuy nhiên trong đà tiến triển, cả hai vẫn có những đường nét giống nhau.
Ðạo Công Giáo Ðức rất sầm uất vào các năm sau cuộc khủng hoảng năm 1848, nhưng tình thế bắt đầu thay đổi vào các năm 60. Sự quan tâm về cộng đoàn tôn giáo phát xuất từ các giới trí thức dưới ảnh hưởng của những người mới trở lại như K.Jarck và G.Philips. Sự quan tâm này được dội lên trong dân chúng nhờ những cuộc giảng phòng của các cha Dòng Tên. Nó mạnh mẽ đến nỗi làm cho phái tin lành có cảm tưởng là mình bị tấn công (thật sự ra, tỉ lệ giữa hai cộng đoàn vẫn không thay đổi: năm 1822 các người công giáo là 35,4% trong dân số thì năm 1858 là 34,2% và năm 1871 là 36,2%, sau khi đã sáp nhập hai quận Alsace và Lorraine). Việc tăng cường ảnh hưởng của Roma tại Ðức được phe phản đối nhóm Ðộc Tôn La Mã thổi phồng lên và các vụ tuyên truyền tranh thủ độc lập cho Giáo Hội tại những nước không có khoan hồng như ở quận Prusse, làm cho các nhà cầm quyền bực bội.
Khuynh hướng muốn thống nhất nước Ðức chung quanh quận Prusse để gạt bỏ nước Áo ra ngoài và phản lại nước Áo càng ngày càng làm cho tình thế căng thẳng, vì những tham vọng của quận Prusse được các người tân tiến của đảng Nationalverein ủng hộ. Ðảng này, nhất là sau khi có thỏa hiệp năm 1855, tố giác phe Ðộc Tôn La Mã chủ trương lập pháo đài giáo triều và phong kiến tại nước Áo. Tin này xuất tích từ Sadowa, giữa bầu không khí ý hệ, như một chiến thắng của phe tin lành tân tiến, làm cho các người công giáo đau lòng. Cho dù trong cuốn Nước Ðức sau chiến tranh năm 1866, đức cha Ketteler đã kêu gọi họ chấp nhận đừng hối tiếc những điều không thể tránh được, và “đừng để cho ai khác có tinh thần ái quốc hơn mình”. Ðồng thời ngài kêu gọi quận Prusse đừng bắt tay với những người coi thái độ phản công giáo như là thành phần của “ơn kêu gọi làm người Ðức”. Nhưng những lối nhìn thực tế ấy chỉ làm xúc động tình cảm mà không được đón nhận ngay, và thái độ ngập ngừng của nhiều người công giáo làm cho phe địch nghĩ đến việc tăng cường chính sách bài giáo sĩ, nhất là trong các trường học.
Các mối lo ngại xuất tích trước tiên từ quận Bade: Ðược Bismarck ngấm ngầm xúi dục, ông bộ trưởng Jolly đã nhân danh “đường lối trần tục hóa”, làm sống lại các tư tưởng căn bản của thuyết Josephisme dưới những hình thức mới, thích hợp hơn với hệ thống quốc hội tân thời. Trước cơn đe dọa, những khuynh hướng hoạt động của giới công giáo từ giữa thế kỷ lại bùng dậy: các giám mục của nhiều tiểu bang Ðức thỏa thuận với nhau và năm 1867, theo lời yêu cầu của đức cha Ketteler, đã ấn định là hằng năm sẽ có hội họp tại Fulda để lấy quyết định chung; tập trung các lực lượng công giáo lại để chiến đấu hiệu nghiệm hơn nhân dịp có Katholikentage; tăng cường các công tác xã hội để lôi cuốn đại chúng về với Giáo Hội; gia tăng hoạt động trên bình diện chính trị.
Những người công giáo quận Prusse được Ketteler cổ võ nghĩ rằng phương pháp tốt hơn cả để duy trì quyền tự do đang bị đe dọa, là trở lại và làm phong phú thêm những chiến lược năm 1850, và thành lập một đảng không có nhãn hiệu tôn giáo để mở rộng ra cho tất cả những ai muốn duy trì các tập tục kitô trước sức đe dọa của phong trào tục hóa. Ðó là đảng Trung Dung, đàng này được tờ báo nổi tiếng tên là Germania cổ động, đưa ra một chương trình xã hội khá cấp tiến, đã được những người nổi tiếng, nhiều uy tín và giầu chiến thuật, như L.Windthorst, đứng ra lãnh đạo, đã làm cho Bismarck lo ngại. Ông này trong khi chủ tâm củng cố tinh thần thống nhất cho vương quốc mới, lo sợ sẽ có một chính phủ thiên về khối dân chúng đã bị “Giáo Hội thúc đẩy đến cuồng tín”, và đặt quyền lợi của Giáo Hội trên quyền lợi của nước Ðức. Hơn nữa ông trách cứ hàng giáo sĩ ở các tỉnh miền Ðông thúc đẩy người Ba Lan chống đối phong trào Ðức hóa, và ông cũng thừa biết rằng ở hai quận Bavière và Rhénanie, người ta vẫn còn lưu luyến với nước Áo. Ông tìm cách giải tán đảng Trung Dung bằng việc gây áp lực trên hàng giáo phẩm. Ðể làm nản lòng các ngài, ông nâng đỡ những người công giáo cổ, ông phê chuẩn chương trình chống đối trường đạo và các dòng tu của người ái quốc tân tiến, ông tố giác các dòng tu khuyến khích người công giáo lệ thuộc vào một ”thứ quyền ngoại lai đối với dân tộc Ðức”. Hơn thế, sau khi đã cắt liên lạc ngoại giao với Vatican, ông để cho A.Falk bộ trưởng bộ Phụng tự công bố một số đạo luật qui định rằng: Từ nay mọi cơ cấu tổ chức của Giáo Hội (như chương trình huấn luyện giáo sĩ, cắt cử hay truất phế các cha xứ, rút phép thông công các bổn đạo v.v.) phải đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ, lý do là để bảo vệ nền văn minh tân tiến (danh từ Kulturkampf được dân biểu cấp tiến R.Virchow dùng lần thứ nhất ngày 17-1-1873). Các khoản luật ấy được biểu quyết vào những ngày từ 11 đến 14-5-1873 (Maigesetze), sau khi đã sửa đổi những điều luật trong Hiến chế năm 1850 cho phép các Giáo Hội được hoàn toàn tự do tổ chức. Trong những năm kế tiếp, các khoản luật này còn được bổ sung bởi nhiều sắc lệnh, mặc dù rất nhiều người bảo thủ tỏ thái độ dè dặt (nhất là đối với khoản luật ngày 31-5-1875 nhằm trục xuất tất cả các Hội Dòng ra khỏi quận Prusse, trừ những dòng săn sóc bệnh nhân).
Vì có nhiều tiểu bang trong Reich Ðức mới vẫn làm chủ các mối bang giao với Giáo Hội, trường hợp Prusse không được áp dụng khắp nơi và đường lối áp dụng cũng không giống nhau. Quận Wurtemberg không bị nao núng là vì đức cha Hefele khéo giàn xếp,quận Odenburg cũng vậy vì công tước tỏ ra nhìn xa thấy rộng. Tại quận Bavière, ông Lutz bộ trưởng bộ phụng tự, sau khi đã cổ võ phong trào Kulturkampt - đưa ra sáng kiến mới nên từ ngày 16-12-1871 có đạo luật của đế quốc hãn ngữ tự do ngôn ngữ của các linh mục trên tòa giảng (Le Kanzelparagraph) - ông tỏ vẻ dè dặt trước sức phản kháng của công giáo, nhất là vì ông là một phần tử Josephiste khoan hồng theo kiểu Montgelas hơn là một đối thủ của Giáo Hội. Trái lại tại Saxe, Hesse và đại công tước Bade, người ta thẳng thắn đi theo đường lối của Bismarck.
Sau một thời gian do dự, các giám mục được đức cha Ketteler cương quyết thúc đẩy, đã nhất trí không chấp nhận việc kiểm soát của Nhà Nước như người ta đòi hỏi. Ðồng thời, nhiều giám mục cho rằng thái độ ngần ngại của các linh mục đối với phái Ðộc Tôn La Mã là dấu thiếu tinh thần công giáo. Vì thế, tất cả những giáo sĩ cấp dưới đều ủng hộ các giám mục trong việc chống đối, cho dù càng ngày chính phủ càng tăng thêm hình phạt những ai vi phạm: phạt tiền, bỏ tù, phát vãng (23). Từ năm 1876, tất cả các tòa giám mục quận Prusse đều trống ngôi, và có lúc một phần bốn các xứ đạo không có linh mục chăn dắt. Cho dù Bismarck coi việc tranh đấu này như vấn đề riêng của ông, ông đã tuyên bố ngay từ đầu là không bao giờ ông chịu đi Canossa, hàng giám mục càng không chịu nhân nhượng vì các ngài được hầu như toàn thể khối công giáo làm hậu thuẫn. Ông thủ tướng không lường trước được mức phản ứng của dân chúng: các nông gia quận Rhénanie, quận Westphalie, quận Ðông Prusse hay miền Nam nước Ðức, các tiểu công nghệ và thợ thuyền của những thành phố kỹ nghệ miền Tây hay miền Silésie, nói chung tất cả nền tảng xã hội công giáo Ðức thời ấy bỗng nhiên sinh nghi kỵ với các đại diện tân tiến của phe tư bản. Hơn thế nữa, vì từ hai mươi năm họ đã được các hội đoàn chuyên nghiệp sống động tôi luyện, và nhờ các hội đoàn công giáo nên họ còn tiếp xúc chặt chẽ với Giáo Hội của họ; và nhờ các báo chí càng ngày càng nhiều, (24) nhắc nhở để họ nhận thấy cái được thua trong việc chiến đấu. Bởi vậy đảng Trung Dung mà Bismarck muốn tiêu diệt, càng ngày càng thêm đông số người trúng cử. Ðồng thời yếu tố mà người ta quên đi và đã được G.Wolf nhắc lại mới đây là: đường lối chính trị của Falt chủ trương hệ thống trần tục hóa các thể chế đã gặp sự chống đối ngay giữa người tin lành quây quần chung quanh R.Kogel, giảng viên của triều đình.
Bismarck là người không bao giờ dùng lối tuyên truyền ý hệ của phe cấp tiến, nhưng lại dùng nó để làm chính trị. Ông có óc thực tế nên không thể không nghiêng mình theo các thực tại, nhất là trước mối đe dọa mới của chủ nghĩa xã hội đang vươn lên. Biến cố người có tinh thần hòa giải lên kế vị đức Pie IX đầu năm 1878 đã tạo thuận lợi để đi đến một thỏa hiệp, vì Bismarck muốn tựa vào giáo hoàng để giải quyết vấn đề Ba Lan. Nhưng bước tiến ấy không dễ dàng! Vì Bismarck một đàng chỉ muốn nhượng bộ càng ít càng hay các quyền lợi của chính phủ, và mặt khác, đảng Trung Dung đang nắm phần thắng lợi, khước từ một số nhượng bộ mà Vatican và nhiều giám mục sẵn sàng chấp nhận để chấm dứt tình trạng xáo trộn trong đời sống Giáo Hội tại Ðức, và để ngăn chặn những khuynh hướng bất khẳng và mị dân của các linh mục trẻ đang gây rối trật tự. Sau khi những vụ giàn xếp bí mật qua môi giới các sứ thần Tòa Thánh ở Munich và Vienne không đi đến kết quả, hai năm sau Bismarck tự quyết định hoạt động theo lối độc phương: Ngày 14-7-1880, ông cho bỏ phiếu một đạo luật thứ nhất để tạm bình thường hóa tình thế, và từ đây, phong trào Kulturkampf hết dịp gây hấn mà không có đình chiến công khai. Hai Novelle khác ngày 31-5-1882 và 11-7-1883 đưa đến hòa hoãn bằng việc chính phủ không áp dụng những điểm hà khắc của các đạo luật tháng năm. Các cuộc thương thuyết với Vatican lại tiếp tục sau khi nối lại liên lạc ngoại giao vào tháng 4 năm 1882. Từ phía Roma, các cuộc thương thuyết càng ngày càng được đức cha Galimberti điều khiển, ngài rất thán phục nước Ðức và ảnh hưởng của ngài đã thay thế ảnh hưởng của Jacobini là Quốc vụ khanh đang bị bệnh. Còn phía nước Ðức thì có đức cha Kopp, vị giám mục trẻ Fulda, ngài cho là đảng Trung Dung và một số giám mục quá yêu sách. Các cuộc thương thuyết đã trở nên thuận lợi vì đức Léon XIII nuôi mộng tưởng là ngài sẽ được nước Ðức ủng hộ trong vấn đề Roma nếu ngài tỏ ra thông cảm trong việc bài trừ Kulturkampf. Như vậy là đi đến các đạo luật hòa bình ngày 21-5-1886 và 27-4-1887 bãi bỏ hẳn Kulturexamen cho các ứng viên vào chức linh mục và quyền khiếu nại giám mục tại các tòa án phần đời. Hai đạo luật ấy còn cho phép các dòng tu được tổ chức lại (trừ Dòng Tên vẫn bị khu trừ khỏi nước Ðức cho đến năm 1917). Trái lại, mặc dù giáo hoàng không chịu nhân nhượng về việc huấn luyện các giáo sĩ và vẫn tiếp tục chống đối các yêu sách của chính phủ Bavière muốn duy trì lời placet và các biện pháp của triều đình (25), thì chính ngài đã chấp thuận một điểm quan trọng của đạo luật năm 1873: là các giám mục phải “khai báo” mình cắt đặt những ai và chính phủ có quyền từ chối một số trường hợp. Ðảng Trung Dung không đồng ý việc giáo hoàng chấp nhận điểm này.
Bất bình về “giải pháp chỉ lo giàn xếp”, Windthorst miễn cưỡng bị đặt ra ngoài lề các cuộc thương thuyết giữa Roma và Berlin. Vụ việc này làm cho đảng Trung Dung không thể thực hiện được mục tiêu đã ấn định từ ban đầu, là trở lại với tình thế năm 1870. Nhưng chính phủ đã nhân nhượng rất nhiều vì, đây là lần thứ nhất, thủ tướng chấp nhận một cuộc kiểm thảo mà công chức bó buộc phải thi hành. Mặt khác, trái với sự lo ngại của đảng Trung Dung, quyền không thừa nhận của chính phủ sau đấy rất ít được viện dẫn; hơn nữa trong các năm sau, sự cương nghị của các dân biểu công giáo và mối bận tâm của Guillaume II muốn cản ngăn Vatican đừng nghiêng về phe Pháp-Nga (26), đã mang lại cho các người công giáo phần thắng lợi mà phe địch đã nắm được trong cuộc đàm thoại năm 1887. Trừ trường hợp các tỉnh miền Ðông, nơi đây người ta đối xử với hàng giáo sĩ cách tàn nhẫn cho đến khi Ðế chế sụp đổ, các linh mục có đức cha Posen đứng đầu, đã nhiệt liệt ủng hộ một cách quy mô các yêu sách của người Ba Lan phản đối việc sáp nhập họ vào nước Ðức.
Những thắng lợi của người công giáo tuy chưa phải là hoàn toàn nhưng đã rõ rệt, là vì mười lăm năm chống đối đã toi luyện các năng lực, củng cố tinh thần thống nhất nội bộ và xiết chặt các mối liên lạc với Roma, nhất là tại miền Nam. Sau cuộc tranh đấu nhiều lúc quá gay gắt mà nhà sử học bảo thủ công giáo có lúc thổi phồng lên, mọi người đã thỏa thuận về một modus vivendi, tồn tại được nửa thế kỷ, vì ai cũng mãn nguyện trên các điểm chính yếu.
Bởi vậy từ cuối thế kỷ, mặc dù vẫn còn đố kỵ giữa phái tân tiến và ái quốc đối với “đường lối chính trị công giáo” và đôi khi nó châm ngòi vào những vụ bùng nổ liều lĩnh, như vụ Borromaus-Enzvklika năm 1910 (27), các người công giáo bắt đầu thấy thoải mái trong đế quốc hưng thịnh của Guillaume II. Cũng vì thế, người ta tự hỏi phải chăng vì tại đã đi sâu vào hệ thống xã hội và quốc gia nên có nhiều người sau năm 1918 ngại ngùng không muốn thẳng thắn xung phong vào nền cộng hòa dân chủ Weimar. Mặt khác, người công giáo buông theo tâm trạng duy vật của nhóm tư sản mới, nhất là khi người tin lành hầu như độc quyền trong hàng ngũ công chức cao cấp, trong chức giám đốc kỹ nghệ và thương mại lớn, thì số lượng người công giáo cũng tăng thêm giữa phái trung lưu mới trong các nghề tự do và nhất là trong lãnh vực thứ ba (28). Trước khi có chiến tranh, nhiều người trẻ giữ địa vị quan trọng trong hai phong trào Zugendbewegung và Wandervogel là những phong trào duy trì thiên nhiên và chống đối nếp sống “giả tạo” tại các thành phố. Trái lại nhiều người công giáo hăm hở chạy theo mức văn minh trưởng giả của thời đại mà không lưu ý đến rằng: phái lao động vô sản trong thế hệ trước đã là một trong các lực lượng công giáo tiến hành, đang dần dà xa Giáo Hội. Năm 1912 một quan sát viên đã viết: “Hai mươi lăm năm trước đây, Cologne là Roma của nước Ðức, hiện nay chỉ còn lại 20% phái lao động giữ luật Mùa Phục Sinh” (29). Phản hưởng của sự thay đổi ấy, là đảng Trung Dung, dưới sự lãnh đạo của thế hệ chính trị gia mới như P. Spahn hoặc như G.Von Hertling là những người còn do dự trước những cải cách xã hội táo bạo, đã dần dần xa lìa đảng Xã Hội (trừ ra trong một thời kỳ ngắn từ năm 1907 đến năm 1909 là lúc thủ tướng Bulow bất bình vì họ ngần ngại trong vấn đề thuộc địa đã đẩy họ sang phe đối lập) và càng ngày càng dấn thân gánh vác trách nhiệm trong chính phủ.
Nhưng vẫn còn có nhiều điểm đen trên bảng trắng. Cuộc khủng hoảng về định hướng nối tiếp sau các vụ tranh chấp tôn giáo, đã làm dịp cho các khuynh hướng ly tâm bành trướng trong việc thống nhất công giáo. Các khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến về chính trị, kinh tế và xã hội cũng mặc sức tung hoành kể từ khi không cần phải có một mặt trận thống nhất để đương đầu với kẻ thù chung nữa. Cuộc khủng hoảng cũng đặt những người lãnh đạo đảng Trung Dung trước một sự lựa chọn quan trọng: cứ ở lại trong cái tình trạng do hoàn cảnh xui lên, nghĩa là tập trung vào việc duy trì các tự do công giáo, hay là nới rộng ra để biến thành một đảng chính trị không còn dính dấp gì với tôn giáo nữa. Năm 1906 ông dân biểu Julius Bachem, trong một bài viết nổi tiếng đã đưa ra ý kiến: “Ðến lượt chúng ta cũng phải ra khỏi tháp ngà”. Bài này đã khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, thao diễn cùng một lúc với các vụ tranh luận giữa hai phe chủ trương chống đối hay hòa đồng tín ngưỡng trong các nghiệp đoàn (30). Mặc dù thiên về khuynh hướng đậm mầu sắc tín ngưỡng được hồng y Kopp và đức cha Korum giám mục Trèves cương quyết ủng hộ, đức Pie X mong muốn cho đảng Trung Dung thần phục những chỉ thị của hàng giám mục nhiều hơn. Nhưng chính khuynh hướng cởi mở đang thịnh hành tại Cologne và Munchen-Gladbach đã thắng thế, nhưng Zentrumstreit (31) đã đạt tới cao đỉnh năm 1912, làm cho tư thế của các cộng đồng công giáo suy yếu, đồng thời cũng giảm giá lập trường của đức thánh cha; “Thay vì giữ địa vị trọng tài giữa chính phủ và đảng Trung Dung, như đức Léon XIII, đức Pie X lại để cho thủ tướng đóng địa vị phân giải giữa đảng công giáo tầm mức lớn và giáo hoàng” (Marc Bonnet).
Còn nhiều điều khác tệ hơn: Mặc dầu có những mối căng thẳng trong nội bộ, về phương diện chính trị và xã hội, nhóm công giáo càng ngày càng trở nên nhân tố quyết định trong đời sống quốc gia, và sức sống của người công giáo bộc lộ mãnh liệt trong phong trào Volksverein Fur das katholische Deutschland (32), đã nhiều lần làm cho người tin lành trong Liên minh Phúc Âm phải hoảng sợ. Nhưng thực tế, trình độ văn hóa của các giới công giáo thuộc thành phần những người nghèo từ lâu đời. Vào giữa thế kỷ, mức trí thức thụt lùi trong khi nếp sống xã hội người công giáo tăng lên. Cần phải lưu ý: ngoài việc nhà cầm quyền thiên vị tỏ tường đối với các người tin lành mỗi khi cần một giáo sư đại học hay một công chức cao cấp, cuộc ly khai của các người công giáo cổ đã gây ra nhiều thiệt hại trong các giới trí thức, và nhất là vì nhóm công giáo tự đóng kín trước nền văn hóa mới để chống đối Kulturkampf. Ðấy là điểm tiêu cực của việc tranh đấu ích lợi về nhiều phương diện. Riêng việc thành lập Goerresgeselleschapf năm 1877 với chủ đích khuyến khích các người trí thức công giáo trẻ, còn phải đợi mấy chục năm sau mới có kết quả. Nhiều lời ta thán lẻ loi được gói ghém trong một nhãn hiệu hàm hồ Reformkatolizismus (33), không đủ sức để chống đối chủ trương xu thời chung quanh. Cuộc nổi loạn của hầu hết các báo chí trước cuốn sách sáng suốt và táo bạo của A. Ehrhart với nhan đề là “Ðạo Công Giáo và thế kỷ XX” là một dấu điển hình đáng tiếc của thời đại. Nếu lịch sử còn chấp nhận những nhà bác học trứ danh như L. Pastor (ông đã phải đi tìm chỗ dạy học bên Áo), như F.X Kraus, A. Ehrart, H. Finke, S. Merkle, M. Grabmann; nếu học thuyết xã hội còn được các cha Dòng Tên V. Cathrein và H. Pesch mà sách của họ được thế giới hoan nghênh, là tiêu biểu nổi bật, thì trong những lãnh vực khác, người ta chỉ biết đến những thủ bản cổ điển, soạn thảo dưới nhãn quan biện giáo, và người ta chỉ để ý nhắc tới những đóng góp ngày trước của Giáo Hội vào văn hóa, mà thiếu óc sáng tạo hay khả năng sáng tác. Công việc kiểm điểm văn hóa mà hàng giáo sĩ đã tranh đấu được nhờ có tổ chức hùng mạnh Borromausverein, lại chỉ lo soạn các loại sách báo thông dụng cho tủ sách của giáo xứ. Do đó nền văn chương kitô bị ứ đọng, không tiến lên được, vì chỉ quan tâm đến luân lý dạy đời mà quên lãng về nghiên cứu sâu xa, về văn chương thẩm mỹ.
Khi bước sang thế kỷ mới thì cũng có một bước đổi mới mà động tác tiêu biểu là việc K. Muth sáng lập ra tờ báo Hochland năm 1903. Tờ báo đã trở thành một trung tâm qui tụ các thanh niên vừa dồi dào ý thức cởi mở, vừa cương quyết đoạn tuyệt với truyền thống ba-rốc và lãng mạn để hưởng ứng nền văn hóa mới. Nhưng những người bảo thủ quây quần chung quanh R. von Kralik người Áo và tờ báo của ông tên là Der Gral (1906) lại kịch liệt tấn công phong trào tiên phong Litteraturstreit. Ðiều đó chứng tỏ: trước năm 1914 việc đổi mới vẫn chưa thành tựu.
4. NƯỚC ÁO
Tại nước Áo cũng như ở nước Ðức, năm 1848 đánh dấu một cuộc bùng dậy. Nhóm chủ trương tự do và cải cách của Gunther (34) đã khởi sự phong trào này. Họ trông đợi nơi Giáo Hội một sức sống dồi dào trong nội bộ hơn là chờ đợi sự nâng đỡ công khai của chính quyền. Vì thế họ quan tâm đến quan điểm cổ truyền của hồng y J.O.Rauscher (1797-1875) là tổng giám mục Vienne từ năm 1853 và là người thương lượng chính yếu bản thỏa hiệp năm 1855. Cuộc thương thuyết này làm thỏa mãn những đòi hỏi của nhóm Ðộc Tôn La Mã, và ít lưu ý đến những nguyên tắc của một chính phủ tân thời, nên hiệu quả không được lâu dài. Dầu sao, nhờ cuộc thương thuyết này, Giáo Hội Áo được hưởng một quyền tự do thực sự, ngay đối với những công chức sặc sụa tư tưởng của thuyết Josephisme.
Có óc sáng suốt và chí cương nghị, Rauscher là vị chủ tịch đích đáng của hàng giám mục Áo trong vòng hai mươi năm. Ngài lưu ý đến việc đưa tôn chỉ Kitô vào các thể chế hơn là cổ võ sáng kiến mục vụ; ngài không mấy quan tâm đến việc lập các hội đoàn công giáo đang thành hình tại Ðức, ngài còn tìm cách thu hồi quyền giáo dân điều khiển các hội đoàn hiện hữu. Ngài chủ tâm tổ chức ngành học chính, kể cả các trường đại học, dưới quyền điều khiển của Giáo Hội. Mặc dù có một số linh mục nhiệt tâm trong việc truyền giáo thiện cảm với các nguyện vọng của thời đại mà vị tên tuổi nhất là J.E. Veith (1787-1871), mặc dù các cha Dòng Tên (được tái nhận từ năm 1852) đã gây nhiều ảnh hưởng trên phái thượng lưu và dù các cha dòng Chúa Cứu Thế giảng phòng nhiều tại các giáo xứ, đạo Công Giáo trong Ðế chế Habsbourg vẫn còn hời hợt và thiếu chiều sâu, chỉ hào nhoáng bề ngoài, nhất là ở Hung Gia Lợi, Giáo Hội vẫn giữ y nguyên bộ mặt cũ cho đến năm 1918. Nhờ vậy chúng ta mới hiểu được tại sao chỉ có miền Tyrol còn giữ được các tập tục thừa hưởng từ cuộc Phản cách mạng và chưa bị tinh thần Aufklarung nhiễm độc, và tại sao giới công giáo không phản ứng khi chính phủ rơi vào tay người cấp tiến năm 1876 sau Sadowa. Chính phủ này bắt đầu áp dụng dễ dàng chương trình tục hóa hôn nhân và nhà trường, rồi độc phương chối bỏ thỏa hiệp, sau vụ bỏ phiếu về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng. Công giáo cũng không phản ứng gì khi chính phủ cho bỏ phiếu ba đạo luật vào tháng 5 năm 1874 để ấn định đời sống của Giáo Hội tại Áo theo chiều hướng bộ luật Bismarck. Các điều qui định pháp luật ở đây không triệt để áp dụng như ở bên Ðức, một phần nhờ những vụ can thiệp của hoàng đế Francois Joseph, ngài bác bỏ khoản luật thứ bốn nhằm bãi bỏ các dòng tu. Cái người ta gọi là “Kulturkampf Hongrois” thật ra không phải để củng cố việc chính phủ kiểm soát Giáo Hội cho bằng phương sách áp dụng chương trình công giáo cởi mở để cổ võ tinh thần khoan hồng tôn giáo và tạo điều kiện dễ dàng đối với hôn nhân giữa các người khác đạo (35), cũng không đả động đến đời sống vật chất giầu sang của hàng giáo sĩ (chừng một triệu mẫu đất, nguồn lợi của địa phận được ước lượng là chín triệu phật lăng vàng). Hàng giám mục chạy theo nền quân chủ lo lắng không muốn cho chính phủ bị suy nhược bởi những vụ xô xát trong nước. Các ngài muốn duy trì truyền thống lâu đời là Giáo Hội cộng tác chặt chẽ với nhà cầm quyền, bởi lẽ đó là một trong những yếu tố quan trọng để tránh đấu tranh tôn giáo, để khỏi tạo nên hai nền quân chủ song song.
Mấy chục năm sau khi phái bảo thủ nắm được chính quyền vào năm 1879 là thời kỳ huy hoàng cho đạo Kitô Áo: Phát triển những hội dòng tu và các thể chế từ thiện công giáo, cha H. Abel, “vị tông đồ Vienne” (36) thành lập hiệp hội Thánh Mẫu cho các người trưởng thành; tổ chức cấm phòng trong các giáo xứ, và tìm cách thích ứng mục vụ tại các thành phố lớn vào những hoàn cảnh mới; làm nổi bật tính cách tôn giáo trong các trường tiểu học; khuếch trương báo chí công giáo (đó là điều cần thiết vì trong một nước chính thức là công giáo mà những tờ báo lớn lại do các người bài giáo sĩ đứng đầu); sáng lập nhiều tổ chức xã hội khá sống động, hội thì có khuynh hướng gia trưởng như hội của bá tước Von Vogelsang, hội thì dân chủ hơn như hội của K Lueger, người đã sáng lập ra đảng Kitô xã hội. Ðối với nhiều người ở Âu Châu và nhất là đối với Vatican, nước Áo, là thành trì cuối cùng vủa Giáo Hội Roma còn giữ các truyền thống, trước đệ nhất thế chiến, là một lực lượng công giáo hùng mạnh có thể thế chân nước Pháp, và việc hoàng đế Francois Joseph chính thức tham dự Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Vienne năm 1912 làm chứng những điều đó.
Nhưng bên trong cái bộ mặt vẻ vang ấy, còn có nhiều vấn đề nhiêu khê như chúng ta kê khai vắn tắt dưới đây: Nhiều lần căng thẳng giữa hàng giám mục bảo thủ và đảng Kitô dân chủ; đảng này lúc mới thành lập được sứ thần Tòa Thánh kín đáo nâng đỡ và hiện nay được một phần giáo sĩ trẻ ủng hộ theo lối mị dân. Ðảng xã hội phi tôn giáo bành trướng trong các giới thợ thuyền. Những khuynh hướng bài giáo sĩ lộ diện giữa đại chúng nông dân miền Galicie, họ muốn chia sẻ những sản nghiệp kếch sù của Giáo Hội và trách cứ hàng giám mục không bênh vực quyền lợi quốc gia. Bè Tam Ðiểm cũng ráo riết hoạt động và phái tư sản đi vào đường phóng khoáng tạo cơ hội cho phong trào Los-von-Rom-Bewegung (37) bành trướng, tố giác cộng đồng Kitô như “deutschfeindliche Macht”. Phong trào Hussite ra đời ở Bohême. Cuộc phản kháng chính trị của hàng giáo sĩ tại Transylvanie (38). Hàng giám mục không xuất sắc bằng thế hệ Áo-Hung ngày trước (39), ngoại trừ vài vị như đức cha O. Prohaszka giám mục Szkesfehérvár từ năm 1905. Một phần giáo sĩ có thái độ lừng khừng, năm 1894 đức cha T'Serclaes nói đến “giấc ngủ bơ phờ” và hai mươi năm sau tình thế vẫn không thay đổi. Riêng các tu sĩ, vừa không đông đảo bằng tại các nước Âu Châu khác, vừa thiếu tinh thần kỷ luật (40). Sau cùng rất ít giáo dân dấn thân vào việc phụng sự Giáo Hội, thua xa giáo dân bên Ðức. Mặc dầu tình thế khả quan hơn sau những năm khó khăn tiếp theo việc bãi bỏ thỏa hiệp, mặc dầu đã có sự tận tâm thành thực với Giáo Hội mà vị hoàng đế già nua Francois Joseph được coi là tiêu biểu, tình hình chung không lạc quan như một quan sát viên hời hợt đã phê phán.
5. NƯỚC TÂY BAN NHA
Tuy đã sáng sủa sau những cuộc khủng hoảng dưới đời giáo hoàng Grégoire XVI và cuối đời đức Pie IX, tình hình công giáo nước Tây Ban Nha vẫn còn nhiều điều làm nản chí.
Bắt đầu có sự hòa hoãn từ năm 1843 khi chế độ độc tài bài giáo sĩ của Espartero chấm dứt và khi bản Thỏa hiệp được công bố năm 1851. Nhờ đó mà Giáo Hội chiếm lại được ưu thế trong chính phủ để bắt tay cải tổ các thể chế công giáo. Các nhà cầm quyền có khuynh hướng tự do ôn hòa đã đóng góp vào công trình cải tổ, nhiều hơn là điều nhà sử học công giáo cho thấy. Giáo Hội còn được bà hoàng hậu Isabelle II nâng đỡ, nhất là từ khi bà nhận cha giải tội là thánh Antoine Marie Claret (1807-1970) làm cố vấn tôn giáo, ngài là một vị tông đồ tối nhiệt thành. Nhưng cuộc hưng thịnh bề ngoài của Giáo Hội trong vòng hai mươi năm chỉ dựa trên những nền tảng yếu ớt. Nhiều tầng lớp xã hội rất lưu luyến với Giáo Hội, nhưng hàng giáo sĩ rất đông đúc (năm 1868, một linh mục cho 380 người, đông gấp hai bên Pháp) chỉ lẩn quẩn trong một thứ tôn giáo thiên về phụng tự và tập quán, mà không cố gắng thích ứng theo đà tiến triển tư tưởng và kỹ thuật mới. (Balmas người Catalan chết trẻ năm 1848 chỉ là một trường hợp lẻ loi). Nhất là hàng giáo phẩm sống trong bầu không khí phản tân tiến là đặc điểm của đời giáo hoàng Pie IX, càng ngày càng tỏ ra cứng rắn trong lập trường bảo thủ. Nếu các giám mục nói chung không chia sẻ những tâm tình ác cảm của nhóm Carlô đối với chế độ lập hiến, thì trước những nguyện vọng của xã hội tân tiến, các ngài khư khư với lập trường thế thủ, điều đó đã trở nên một trong những bàn đạp của các phần tử phản kháng. Bởi vậy số người trí thức bắt đầu xa Giáo Hội từ năm 1860 càng ngày càng thêm đông. Những lời tuyên bố rầm rộ của nhóm theo Carlô quây quần chung quanh phong trào Pensiamento espanõl của Nocedal cực kỳ phản đối phong trào tân tiến, khơi ngòi lại khuynh hướng bài giáo sĩ giữa phái tư bản phóng khoáng. Giữa cuộc cách mạng năm 1868 chấm dứt chế độ ghê tởm của nữ hoàng Isabelle và nội các Narvaez của bà, và việc phục hồi lại nhà Bourbon năm 1875, nhóm tư sản phóng khoáng tha hồ vùng vẫy.
Nhưng một lần nữa, cuộc chấn hưng tiếp sau những lối cách mạng thái quá dưới sự lãnh đạo của Canovas del Castillo là người tân tiến trung dung lại ru ngủ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Bản Thỏa hiệp năm 1851 được thẳng thắn áp dụng ngay; hiến chế năm 1876 công nhận công giáo là tôn giáo của chính phủ (nhưng vẫn chấp nhận nguyên tắc tự do phụng tự mặc dầu hàng giáo sĩ và giáo hoàng Pie IX phản đối kịch liệt). Giáo Hội lấy lại được việc kiểm soát học chính, kể cả trường đại học, thật ra Giáo Hội đã điều hành 80% trường trung học và một số lớn trường tiểu học tại các thành phố. Dần dà các chủng viện được tổ chức lại và việc sáng lập trường đại học Comillas năm 1890 bởi các cha Dòng Tên, và mở học viện Tây Ban Nha tại Roma năm 1892 làm tăng số giáo sư được huấn luyện theo đường lối Roma. Các dòng tu, nhất là các dòng nữ phát triển rất mạnh, và sau bốn mươi năm bấp bênh, họ có qui chế pháp lý năm 1877, qui chế này đã bị nội các Canalejas đặt lại vấn đề năm 1901, nhất là năm 1910 nhưng không gây ra những hậu quả trầm trọng (41).
Cuộc chấn hưng thể chế còn kéo dài là nhờ mấy sáng kiến đáng chú ý: như thiết lập những tờ báo công giáo có triển vọng khoa học như tờ Ciudad de Dios (1899), Razon y Fé (1901), tờ Estudioc franciscanos (1907), tờ Ciencia tomista (1910). Tác phẩm của Manendez Pelayo (+1912) là một trong những tác phẩm lớn hiếm có trong lãnh vực trí thức giữa những người còn trung thành với Giáo Hội, ấy là theo lời kinh sĩ Jobit. Công trình của Rodriguez de Capada, giáo sư trường đại học Madrid và các cha Dòng Tên A. Vicent và G. Palau trong lãnh vực xã hội, hoặc như cha Tarin cũng Dòng Tên rất nổi tiếng giữa phái bình dân. Năm 1909 cha Angel Ayala, một linh mục Dòng Tên trẻ, với sự trợ lực của một tông đồ giáo dân là A Herrera, đã thành lập hội Asociacion católica de Propagandistas, là phong trào dẫn đầu các phong trào công giáo tiến hành giữa hai cuộc đại chiến.
Nhưng giữa những điểm vàng son trên, còn có nhiều khuyết điểm đáng lo ngại. Khuyết điểm quan trọng nhất là sự chia rẽ sâu sa giữa những người công giáo về phương diện chính trị thường được các quan sát viên thời ấy và những sử gia sau này nhắc đến: Một đàng là nhóm thân Carlo được đa số các giáo sĩ ủng hộ; họ cho rằng muốn cứu vãn Giáo Hội thì chỉ có một việc là dùng võ lực để thiết lập lại một chính phủ thuần túy công giáo; và trong khi chờ đợi, họ tự tách mình ra như những ngoại kiều ở trong chính xứ sở của họ; họ bị các báo chí đả kích như chưa từng thấy ở nơi nào tại Âu Châu. Ðàng khác là những người được giáo hoàng Léon XIII và đa số các giám mục cổ võ (42), họ tự thích ứng vào chế độ hiện hữu và giàn xếp với những thể chế tự do, vì họ nhận thấy cứ khăng khăng chống đối sẽ làm thương tổn cho ngôi vua và đổ dầu thêm cho các lực lượng cách mạng, điều đó sẽ làm cho Giáo Hội bị thua thiệt trước các lực lượng chống đối của xã hội. Các vụ tranh chấp ấy không lâu bền vì không hợp thời nữa. Mức thăng tiến càng ngày càng gia tăng giữa các giới trí thức và cả giữa đại chúng còn gây nhiều hậu quả hơn thế nữa. Trong một thời gian vắn của chế độ cộng hòa, những vụ đốt nhà thờ và hành hung các linh mục và tu sĩ cho thấy hố chia rẽ giữa phái vô sản và Giáo Hội tại các thành phố. Càng ngày hố chia rẽ càng sâu rộng thêm, nhất là tại miền Catalogne, vì đã có những vụ đổ máu năm 1909 nhân dịp tên phiến loạn Ferrer bị xử tử, nó còn lan rộng thêm đến các nông thôn là miền có hỗn loạn gay gắt bài giáo sĩ (43). Ðàng khác nếu nền luân lý gia đình còn khá cao thì lại có sự kiện mới này là một phần phái tư sản phóng khoáng đã đổi thái độ đi từ việc bài giáo sĩ vì lý do chính trị và kinh tế sang chủ trương lý trí phản lại đạo Kitô. Y. Sanz del Rio là người đem triết lý thực nghiệm vào Tây Ban Nha; đám tang không mầu sắc tôn giáo của ông năm 1869 đã nên cớ cho cuộc biểu tình khổng lồ đột xuất. Người nối nghiệp đắc lực của ông là Fr. Giner de los Rios đã sáng lập ra Institución libre de ensenãnza mà chủ yếu là phản tôn giáo. Còn phải ghi nhận: giữa “thế hệ 1898” mà một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất là Miguel de Unamuno, thì đa số đã được huấn luyện trong các trường công giáo. Theo nhận xét của cha Oromi: “Không phải vì đồi phong bại tục, vì thiếu suy tư hay vì muốn đơn giản hóa lịch sử mà các thanh niên trí thức ruồng bỏ tín điều công giáo, nhưng chính vì mức trí thức của các giới công giáo Tây Ban Nha quá thấp kém từ mấy thế kỷ trước” (44). Còn phải đợi mấy chục năm nữa hồng y Goma mới lên tiếng cảnh cáo “bãi cát di động của một thứ tôn giáo cả tin, cảm tình, vị tập quán và vô ý thức”. Lúc đó người ta mới nhận ra rằng dân tộc Tây Ban Nha “đã nghe giảng nhiều mà không được Phúc Âm hóa” (P.Jobit), chỉ vì thiếu thích ứng lời giảng dạy vào các tầng lớp xã hội.
Tình hình còn tệ hơn nữa ở Bồ Ðào Nha là nơi nhóm cầm quyền tư bản phóng khoáng gây rất nhiều khó khăn cho đời sống Giáo Hội và cách riêng cho các dòng tu, thê thảm hơn ở Tây Ban Nha. Cũng tại Bồ Ðào Nha, bè Tam Ðiểm quá hung hăng và hàng giáo sĩ quá kém cỏi. Cuộc ly khai đột ngột giữa chính phủ và Giáo Hội năm 1911 chỉ là một hiện tượng phụ thuộc cho thấy tình thế đã nguy kịch.
6. NƯỚC BỈ
Mặc dầu cho tới nay, vẫn có nhiều nhận định trái ngược, tình thế ở tại Bỉ mà hiến chế phóng khoáng đã gây nhiều báo động ở Roma dưới đời giáo hoàng Grégoire XVI, phải được coi là khả quan hơn nhiều sánh với các nước khác. Ngay sau khi được độc lập, công giáo Bỉ đã bắt tay cải tổ mãnh liệt. Hàng giám mục rất chú trọng đến trường học công giáo và càng ngày càng lưu tâm đến việc kiểm soát hàng giáo sĩ. Các linh mục còn ít ỏi nhưng xuất sắc về phương pháp mục vụ cho dù hay bị tố giác là có khuynh hướng “giáo sĩ trị” và hay dây mình vào chính trị. Hàng giáo sĩ triều có thể đặt tín nhiệm nhiều vào sự cộng tác chặt chẽ của các dòng tu đông đúc, từ con số phỏng 12.000 tu sĩ vào năm 1846 đã lên tới 58.351 vào năm 1910, và dựa vào các giáo dân ưu tú tên tuổi, họ bênh đỡ chính nghĩa công giáo trên bình diện lập pháp và bằng những công tác có mục đích giúp cho đại chúng giữ liên lạc với Giáo Hội.
Trong khi người công giáo mong muốn Giáo Hội lấy lại được ảnh hưởng trong việc qui hướng các thể chế và đường lối tổ chức xã hội để bảo vệ các tự do trong hiến pháp thì những người chủ trương tự do lại cho rằng không thể cứ kéo dài mãi tình thế hiện tại và càng ngày họ càng phản ứng mạnh để phục hồi “tự do thế tục” trong hết mọi lãnh vực, nhất là trong các trường học. Sức phản kháng đạt tới cao đỉnh trong cuộc “chiến tranh trường học” từ năm 1878 đến năm 1884 giữa hai phe, một bên là thế hệ phóng khoáng mới, có khuynh hướng bài giáo sĩ và đay ghét chính tôn giáo, một bên là các cuộc khuấy động của nhóm Ðộc Tôn La Mã được giáo hoàng Pie IX và mấy giám mục mới lên chức nâng đỡ để chống đối các “tự do sa đọa”. Nhưng nhờ những lời khuyên dụ của giáo hoàng Léon XIII và vì đảng tân tiến thất bại năm 1884, nên phe công giáo chiếm lại được quyền bính trong vòng ba mươi năm. Những cuộc xung khắc tôn giáo và chính trị đã nhường bước cho vấn đề xã hội. Ðà tiến triển cứ tuần tự lan ra khắp các giới nông thôn, mà công việc quan trọng là việc thành lập Boerenbond năm 1890. Các vấn đề giữa phái thợ thuyền thì phải giải quyết từ từ và khó khăn hơn. Lo lắng về sự thống nhất trong đảng công giáo mà họ cho là một thành trì vững chắc của Giáo Hội, các giám mục rất dè dặt trong việc khuyến khích phong trào dân chủ Kitô, cả sau khi có thông điệp Các sự việc mới (Rerum Novarum)(45)
Còn một vấn đề khác đã được đặt ra từ giữa thế kỷ: song song với một sức huyền bí muốn “bảo vệ tôn giáo” giữa những giáo dân trung kiên nhất, và mặc dù đã cố gắng nâng cao trình độ báo chí công giáo lên, người ta nhận thấy đại chúng cứ dần dà lãnh đạm với tôn giáo và coi thường luân lý gia đình, nhất là tại miền Wallonie, rồi đến cả miền Flandre (46). Ngay tại thôn quê là nơi người ta còn giữ đạo tương đối tốt, ảnh hưởng của những người “không tín ngưỡng” do bè Tam Ðiểm thúc đẩy đã lấn át uy thế truyền thống của các cha xứ. Trong những thành phố đã được kỹ nghệ hóa, hệ thống giáo xứ chưa được hoàn bị, chẳng những người ta bỏ ngày chúa nhật và mùa phục sinh, mà trong cả những trường hợp đặc biệt của đời sống, người ta cũng không tiếp xúc với Giáo Hội nữa. Dưới đây là một trường hợp điển hình (không nên vơ đũa cả nắm): tại Seraing, ở ngoại ô Liège, trước đại chiến thứ nhất, người ta đếm được 64% đám tang và 46% đám hôn phối không làm tại nhà thờ, 23% con trẻ không chịu phép rửa tội (47). Thế nhưng, trong vòng mười năm đầu thế kỷ, người ta cố gắng nhiều trong việc tổ chức lại các hội đoàn để cứu vãn tình thế. Kết quả nhãn tiền là trong cuộc đại hội công giáo năm 1909, cha dòng Ða Minh Rutten đã lập được những nghiệp đoàn công giáo đầu tiên với số thành viên từ 10.000 năm 1904 đã lên tới 100.000 năm 1914. Cũng có nhiều thành công trong tổ chức hội Thánh Thể, phong trào phụng vụ núi César được khắp thế giới rập mẫu theo, những đường hướng mới cho các hội bảo trợ học sinh và câu lạc bộ sinh viên được hồng y Mercier, tổng giám mục Malines nâng đỡ. Việc phát huy truyền giáo nơi hải ngoại cũng là một dấu chỉ chắc chắn về sức sống của nền công giáo Bỉ.
7. NƯỚC HÒA LAN
Sức tiến triển của Giáo Hội Công Giáo Hòa Lan trong hậu bán thế kỷ đi đôi với tình thế bên Bỉ. Như trên kia đã thấy (48), các người công giáo là thiểu số đối với tin lành (49), họ mau mắn đón nhận những thể chế phóng khoáng nên năm 1857 họ đã thỏa thuận với phe tân tiến, để ủng hộ đạo luật trong nền tiểu học, xóa bỏ mầu sắc tin lành vẫn có trong các trường công, chủ trương là hoàn toàn trung lập tại nhà trường thì hơn theo chiều hướng tin lành. Nhưng còn đi xa hơn bên Bỉ, người công giáo cộng tác với phe tân tiến vì lý do kế hoạch hơn là vì thay đổi tâm trạng, và cũng như bên Bỉ nhưng chỉ chậm hơn mấy năm, các mối bất đồng sâu xa đã lại xuất hiện. Những cái thái quá trong vụ tranh chấp khi Tông thư Syllabus ra đời củng cố lập trường của những người - như J.W Cramer, một môn sinh Hòa Lan của L. Veuillot tại quận Tijd- nhấn mạnh là Weltanschauung công giáo không thể đội trời chung với những nguyên tắc năm 1789. Phe tin lành phóng khoáng tại Hòa Lan có những chiều hướng quá ư triệt để làm cho người công giáo xác tín rằng đón nhận những tư tưởng tân tiến là điều nguy hại cho đức tin. Chung cục, cũng như tại Bỉ, đoạn tuyệt về trường học đã xảy ra. Nhận thấy trung lập trong việc dạy học dần dà đã trở thành giáo dục phi tôn giáo, từ công đồng tỉnh năm 1865, các giám mục lên tiếng đòi các trẻ con công giáo phải được đào tạo trong một trường công giáo. Phái tân tiến không chấp nhận điều ấy và sau khi đã bỏ phiếu khoản luật năm 1875 gây nhiều đe dọa cho trường tư thục, những người công giáo nhất định họp thành một đảng chính trị có chủ trương tôn giáo để phản đối lại. Dựa theo gương của tờ báo Ðức Zentrum, báo Tijd từ năm 1877 đề cao tư tưởng ấy và được một linh mục trẻ, German Schaepman (1844-1903) khai thác rất thành công. Ðầy thán phục đối với giáo hoàng Léon XIII, ngài đã thành tựu trong việc phổ thông hóa đảng công giáo và nhất là làm thế nào để khỏi bị phe Ðộc Tôn La Mã trong các nước dòng giống La Tinh chỉ trích vu vơ. Mặc dầu có một số người đồng đạo vẫn giữ thái độ do dự, cha không ngần ngại liên kết với các người tin lành thiện chí trên đường tranh đấu chính trị. Việc thay đổi quan niệm của những người tân tiến, bỏ chủ trương duy lý và thực tiễn đi đến chủ trương duy linh, vào thời kỳ giữa thế kỷ đã cho người ta thấy giữa phe Calvin và công giáo có “nền tảng giống nhau” (A. Kuyper). Ðiều đó sẽ làm nền tảng không phải cho việc đối thoại đại kết còn xa vời, nhưng ít ra cho việc “liên minh kitô” để chung vai sát cánh đòi hỏi các yêu sách tôn giáo. Lúc đầu nhiều người coi việc liên minh ấy như chuyện quái gở, nhưng nó đã ảnh hưởng đến đời sống dân Hòa Lan mấy chục năm sau và đưa đến đạo luật về trường học là đạo luật công minh nhất tại miền Tây Aâu Châu (được áp dụng từ năm 1889 vào cấp tiểu học và từ năm 1905 vào cấp trung học).
Ðàng khác, các người Hòa Lan đã bổ khuyết kịp thời chỗ chậm trễ về phương diện xã hội nhờ có những người tên tuổi như A. Ariens là người đã sáng lập ra hội Thanh Lao Công năm 1889, và như H. Poels, nhờ ông này mà đà kỹ nghệ hóa miền Limbourg không đi đôi với việc các thợ thuyền dần dà bỏ đạo như ở những nơi khác. Các thành tựu ấy sau này đã nên gương cho các nước khác noi theo. Trái lại về phương diện văn hóa thì bộ mặt của cộng đoàn công giáo Hòa Lan kể là tầm thường, không có vị giám mục nào sánh được với đức cha Dechamp bên Bỉ hoặc đức cha Mermillod bên Thụy Sĩ. Hàng giáo sĩ thì tận tâm nhưng được huấn luyện (từ tuổi thiếu thời) trong những khu vực đóng kín đối với thế gian và chỉ biết làm tông đồ theo nhãn giới “rất là giáo sĩ”. Thảng hoặc có những giáo dân như W. Nuyens và nhất là như Alberdingk Thijm ở thế kỷ XIX, như G. Brom và các phần tử của hội văn học Klarenbeekse là những người đã sáng lập ra tờ báo Van Onzen tijd, hoặc như H. W. Moller người chủ trương một nền văn học tiền đại học công giáo ở đầu thế kỷ XX. Những người giáo dân này đã tuần tự mở ra những cửa sổ mới, nhưng các cố gắng của họ lại bị ngăn chặn bởi phong trào tuyên truyền thủ cựu của linh mục Thompson. Cha Thompson được giám mục Harlem nâng đỡ, đã lên tiếng đả phá kịch liệt các khuynh hướng mới trong tờ báo Maasbode ngài làm chủ bút. Còn phải chờ một thế hệ nữa, nước Hòa Lan mới ra khỏi hội Truyền giáo Roma năm 1908 để bước vào giai đoạn trưởng thành.
8. NƯỚC THỤY SĨ
Tại Thụy Sĩ, nếu cuộc thất bại của Sonderbund tháng 11 năm 1847 đã làm cho bảy quận công giáo phải điêu đứng thì trái lại thể chế liên tiểu bang năm 1848 công nhận tự do tôn giáo lại làm cho các quận thiểu số công giáo được thoải mái, bằng chứng là họ đã xây cất được những nhà thờ nguy nga như nhà thờ Ðức Bà tại Genève, và nhà thờ thánh Phêrô tại Berne. Nhưng những người tự do tư tưởng cực đoan đã tìm hết cách để chèn ép Giáo Hội trong vòng 25 năm cuối cùng của thế kỷ. Nhiều nhà dòng bị đóng cửa và nhiều Tổng phải bãi bỏ trường tư thục. Tại các Tổng khác, những giáo sĩ có khuynh hướng Josephiste được Wessenberg (qua đời năm 1860) cầm đầu đã xâm lấn kiểm soát đời sống các giáo phận làm cho giám mục Lausanne là đức cha Marilley bị phát vãng từ năm 1848 đến năm 1856, vì ngài phản đối các biện pháp họ đem ra áp dụng. Sau mấy năm lắng dịu, tình thế lại trở nên gay go sau năm 1870: nhân khi các giới công giáo cực đoan là những người đã từ lâu mong muốn có cuộc cải tổ Giáo Hội theo chiều hướng dân chủ và chống đối Roma (50), bị công đồng Vatican cảnh cáo, phe cấp tiến dựa vào Kulturkampf quận Prusse ra mặt tấn công. Thế là trong quận Genève và nhất là trong quận Jura thuộc Berne, đa số các nhà thờ được nhà cầm quyền trao lại cho các người công giáo cổ năm 1873. Hơn thế, trong vòng hai năm việc phụng tự công giáo chỉ được phép cử hành trong những kho thóc hay mấy nơi tương tự, một số cha xứ đương chức bị phát vãng cùng với hai giám mục. Hiến chế được sửa lại năm 1874 nhấn mạnh là quyền của chính phủ ở trên quyền của Giáo Hội và cấm chỉ không được lập thêm những hội dòng mới hoặc các tu viện mới, tòa sứ thần Roma tại Lucerne bị đóng cửa năm 1874 và chỉ được mở lại năm 1920 tại Berne, nhưng đổi tên là đại diện của Tòa Thánh để cấp tế các nạn nhân chiến tranh trên thế giới. Cuộc tranh đấu do các người công giáo trẻ bất khuất lãnh đạo lại lắng dịu vào các năm 1880 vì giáo hoàng Léon XIII và đức cha Ferrata có óc mềm dẻo, nhưng các biện pháp làm phiền hà người công giáo vẫn còn kéo dài trong nhiều năm.
Bên cạnh những khó khăn trên lại có những điểm tích cực. Càng gặp khó khăn, các lực lượng công giáo càng xiết chặt hàng ngũ. Về phương diện chính trị, các người công giáo rập mẫu theo Montalembert là người rất được mến chuộng vì ông đã giúp họ đắc lực năm 1847; họ rập theo lối công giáo Ðức, thành lập một tổ chức liên Tổng theo qui chế của Piusverein đã được công nhận năm 1857, đồng thời cũng tập trung các nỗ lực để giúp đỡ các người công giáo di tản đi các nơi khác (trong vòng mấy chục năm các người di tản đã xây được trên 1000 nhà thờ). Việc phát triển các công cuộc xã hội tại những quận đã được kỹ nghệ hóa mà công giáo là thiểu số (51) giúp cho người ta hiểu rằng: mấy năm sau nước Thụy Sĩ đã thành một trong những trung tâm có phong trào công giáo xã hội mạnh mẽ. Ba nhân vật đáng được nêu tên kỳ ấy là: cha dòng Capucin Florentini (1806-1865), vị tông đồ bác ái có biệt tài tổ chức đã sáng lập ra nhiều nhà thương và nhiều trường học bình dân; mẹ Maria Têrêxa Scherer (1825-1888) bề trên cả đầu tiên của hội dòng Bái Ái Thánh Giá Ingenbohl, nhờ biệt tài của bà mà dòng này đã phát triển rất mạnh trong cả miền trung Âu Châu; tại miền Thụy Sĩ nói tiếng pháp thì có Gaspar Mermíllod (1824-1892), trước làm cha xứ, rồi lên tổng quản quận Genève, sau làm giám mục Fribourg và hồng y, ngài là một nhân vật đã thích ứng đạo Công Giáo Thụy Sĩ vào những hoàn cảnh mới và đã bị phong trào Kulturkampf phát vãng mười năm. Sau năm 1880 đoàn thể công giáo càng thêm sống động và cuộc đại hội công giáo đầu tiên tại Lucerne năm 1903 là một bằng chứng cụ thể. Ngoài ra ngay từ năm 1889 trường đại học công giáo Fribourg có bình diện quốc tế đã được thành lập là nhờ ở hai giáo dân đầy nhiệt huyết, ông G. Python và ông P. Decourtins, với sự nâng đỡ của đức cha A. Egger giám mục Saint Gall từ năm 1882 đến năm 1906, là vị giám mục tên tuổi nhất của hàng giám mục Thụy Sĩ ở cuối thế kỷ XX.
9. NƯỚC NGA VÀ NƯỚC BA LAN
Nói chung, thời kỳ từ năm 1848 đến năm 1914 đã mang lại nhiều may mắn cho thiểu số công giáo sống trong các nước tin lành Âu Châu, nhưng tại nước Nga theo chính thống giáo thì lại khác. Dưới đây sẽ có một đoạn riêng nói về đường thánh giá của những người hiệp nhất với Roma (52). Với những người công giáo theo nghi lễ La Tinh mà đa số sống trong các tỉnh Ba Lan trong đế quốc, chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát gắt gao đời sống giáo sĩ, cả về tổ chức giáo phận cũng như về mục vụ giáo xứ, và việc tuyển chọn các thí sinh vào dòng tu. Trong những hoàn cảnh ấy, không lạ gì có nhiều linh mục và tu sĩ, vì đang mong muốn có một chế độ dân chủ khả dĩ giải phóng Giáo Hội khỏi những thể chế đang bóp nghẹt Giáo Hội. Nhưng chính họ lại làm cho Giáo Hội liên lụy vào nhiều xáo trộn cách mạng, mặc dầu Tòa Thánh và hàng giám mục giữ thái độ rất dè dặt. Những linh mục ái quốc ấy làm cho nhà cầm quyền Nga sinh nghi ngờ và họ ra tay kiểm soát thẳng nhặt mọi phạm vi. Nhưng tình thế vẫn chưa hội đủ điều kiện để tạo nên một phong trào phản kháng tương tự như cuộc tuyên truyền “giải phóng người công giáo” tại Ái Nhĩ Lan, hay như cuộc đấu tranh của các người công giáo Ðức trước phong trào Kulturkampf, trong đó chính phủ chỉ cai trị bằng công an cảnh sát, đến độ không một tờ báo nào hay một cơ quan nào có thể lên tiếng phản đối. Hơn nữa, nhiều tòa giám mục, nếu không bị nhà cầm quyền bó buộc để trống ngôi hằng mấy chục năm thì lại bị những người bất lực chiếm cứ, tệ hơn nữa là nhiều lúc họ bất kể đến Giáo Luật vì họ đã được huấn luyện trong luồng tư tưởng Josephiste và Fébronianiste. Vả lại, một phần giám mục, nhất là giữa phái quí tộc, vì muốn bảo thủ lề lối cũ và vì nghi kỵ với người Ðức, họ cho rằng cộng tác với nước Nga là điều bớt tai hại hơn cả.
Các cuộc nổi dậy của người Ba Lan năm 1863 lại làm cho tình thế thêm trầm trọng, vì nhà cầm quyền Nga phản ứng rất mạnh đối với những linh mục và tu sĩ ủng hộ phong trào cách mệnh: Gần 400 giáo sĩ bị phát vãng đi Sibérie; trong số 179 tu viện thì 114 nhà bị đóng cửa, đến nỗi mười năm trước có 1638 tu sĩ thì năm 1874 chỉ còn lại 264. Mặt khác có lệnh cấm tổ chức rước kiệu và đi hành hương là hai điều hun đúc lòng sùng đạo của đại chúng. Công an kiểm soát các bài giảng và theo rõi khi dân chúng đi xưng tội. Các vụ can thiệp của giáo hoàng Pie IX càng gia tăng gây hấn đến nỗi chính phủ cấm các giám mục không được đi dự công đồng Vatican. Ðến đời giáo hoàng Léon XIII và Alexandre III thì tình thế bớt căng thẳng: theo bản thỏa hiệp ký tháng 12 năm 1882, các giám mục Ba Lan được ân xá và các chủng viện được mở cửa lại. Thế rồi các mối liên lạc ngoại giao bị gián đoạn từ hai mươi năm lại được tiếp tục từ năm 1887 vì nhà cầm quyền Saint-Pétersbourg muốn tiếp thu Vatican vào phe mình để đương đầu với sức bành trướng của nước Ðức. Nhưng cho dù các câu lạc bộ chịu ảnh hướng của Soloview tỏ ra có cảm tình với người công giáo, vị Tổng quản Thánh Hội tôn giáo là C. Pobjedonotsew vẫn tiếp tục áp dụng chính sách Nga hóa Giáo Hội và các trường học địa phương. Càng ngày ông càng chèn ép tự do tín ngưỡng của người công giáo và cả tin lành để gây cảm tình với Giáo Hội Chính Thống của chính phủ. Tòa Thánh cho rằng giao hảo với Saint-Peterbourg là điều bớt tai hại hơn cả, nên đã khuyên dụ người Ba Lan đừng khuấy động để “xã hội khỏi bị rối loạn”. Nhưng mãi sau cuộc cách mạng năm 1905 chủ trương cố chấp “quyền giáo hoàng ở trên hết” mới bắt đầu lùi bước (53) và nhà cầm quyền vẫn còn kiếm chuyện cho đến khi chế độ Nga hoàng (tsariste) sụp đổ, và chính phủ mau mắn nâng đỡ giáo phái của các người Mariavistes (54).
Mặc dầu thể chế có vẻ lừa dối, nhưng không phải mọi cái đều tiêu cực cả. Trong khi ảnh hưởng lý sự của đảng Aufklafung vẫn tiếp tục tác động trên các giới trí thức Ba Lan, từ giữ thế kỷ, và trong khi phái thượng lưu đang tin tưởng vào ảnh hưởng hiếu hòa của Giáo Hội trước những khát vọng cách mạng, thì người ta nhận thấy đã chớm nở một sức tiến triển song song với cái đã xẩy ra tại Pháp mấy chục năm về trước. Việc thay đổi bầu không khí trong đó có những động lực vụ lợi làm cho các tiềm thức tôn giáo thêm sâu xa hơn. Ðó cũng là nhờ sức thúc đẩy của các trào lưu đạo đức đang lan tràn trên khắp Âu Châu vào thời kỳ ấy. Trong vòng mấy chục năm cuối thế kỷ, trong khi chủ nghĩa thực chứng tây phương xâm nhập vào các giới trí thức và các người theo chủ nghĩa xã hội tố cáo hàng giáo sĩ liên minh với các địa chủ (55), thì giữa đại chúng lại có sự đồng hóa chặt chẽ giữa tình tự quốc gia Ba Lan với đạo Công Giáo, đến nỗi ngay trong phái thợ thuyền, số người giữ đạo rất đông đúc cho dù nhân số có tăng lên. Trung bình năm 1850 cứ 1400 giáo dân thì có một linh mục mà năm 1910 thì 2500 giáo dân mới có một linh mục. Có lẽ là vì đạo Công Giáo ở đây rất mực bảo thủ, giữ đạo vì xu thời hơn là vì thâm tín cá nhân. Nhưng không phải vì vậy mà công giáo thiếu sống động, bằng chứng là các cha dòng Capucins đã cổ võ được lòng sùng kính Ðức Mẹ cách đặc biệt. Nhất là đã có nhiều dòng nữ tân tiến xuất hiện: năm 1864 thì 12.000 giáo dân mới có một chị dòng mà năm 1900 thì 1070 giáo dân đã có một chị, mặc dầu dân số đã tăng lên rất nhiều. Ðây là những tu hội dòng ba bí mật được cha Capucin Honorat Kozminski (1829-1916) sáng lập chuyên chủ việc dạy học hay lo việc xã hội, mang y phục như người đời để chính phủ khỏi cấm cách. Khoảng năm 1904 đã có gần 7000 phụ nữ trong “phong trào của cha Honorat” (56). Ấy là chưa kể đến hai hội dòng nam. Nhưng năm 1908, hàng giám mục vì lo ngại đã đình chỉ phong trào ấy, cưỡng ép họ quay về với chế độ dòng tu cổ truyền.