Lá thư Mục Vụ tháng 11
‘‘Các Thánh là những người nhìn thấy nhu cầu của Giáo Hội và của xã hôi loài người, và các Ngài hăng say dấn thân thực hiện’’ (ĐHY Yves . Congar) Đọc lịch sử Giáo Hội và chuyện các Thánh, chúng ta thấy lời nhận định của đức hồng y Yves Congar trên đây thật đích xác. Không thể nêu lên hết được mọi trường hợp, mọi phạm vi hoạt động tông đồ. Dưới đây, chúng ta chỉ thu vào ‘phạm vi tông đồ phục vụ trẻ em và thanh thiếu niên’, đủ để nhận ra những ơn kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện qua các vị Thánh chuyên lo việc nuôi nấng và giáo dục thiếu nhi và giới trẻ. Thánh Hiêronimô Êlinianô (1481-1537) : Được dân chúng quý tộc thành Vơni gọi là ‘Anh hùng bác ái’. Bởi lẽ, năm 1528, miền Bắc Ý rơi vào một cơn đói khủng khiếp. Người ta chết la liệt ngoài đường, Cha Hêrinimô quy tụ một nhóm người ra tay cứu đói, an táng người chết, nuôi sống các em mồ côi… Cơn gió lốc đói khổ qua đi, nhưng trẻ em mồ côi, vô học, lớn lên với đủ chứng bệnh và không có tương lai, đầy tràn đây đó. Cha Hêrinimô được phép đức giám mục, bán hết gia tài cha mẹ để lại, lập nhiều viện mồ côi, tập trung các em nhỏ về : nuôi ăn, lo cho học chữ, học nghề, học giáo lý, có đủ hành trang ra đời thành người công dân đạo đức. Cô nhi viện San Rocco nổi tiếng trong nhiều thế kỷ. Thánh Giuse Calasan (1556-1648) : Cha Giuse Calasan tới Roma vào năm 1583 và được đức hồng y Antôn Colona tín nhiệm giao cho nhiều công tác mục vụ. Điều đánh động lòng bác ái và chí hướng tông đồ của ngài hơn cả là cảnh sống cơ cực, nghèo đói của dân chúng, nhất là nếp sống bơ vơ, không được giáo dục cả về văn hóa lẫn giáo lý của 40% trẻ em và thanh niên trong thành và ngoại thành Roma bấy giờ. Các trường ốc tuy nhiều, nhưng không đủ đón nhận các trẻ em. Hơn thế đa số các trường không quan tâm đến việc giáo dục về tôn giáo và luân lý cho các học trò. Vì thế, cùng với một số linh mục và ân nhân phú hộ, cha Giuse Calansa quyết tâm mở các trường miễn phí, đón tiếp các trẻ em nghèo khổ, cô đơn. Mục đích là cho các em học chữ, học giáo lý, học những nghề căn bản vừa tầm sức các em… Tóm lại ‘là giáo dục các em nên người kitô hữu và công dân tốt’. Đức giáo hoàng Clementê VIII công nhận và khuyến khích hoạt động tông đồ giới trẻ của ngài. Nhiều người Ý bấy giờ gọi cha Giuse Calasan là ‘ông tổ của trường miễn phí’. Thánh Gioan Baotixita Lasan (Jean Baptiste de la Salle) (1651-1719). Chịu chức linh mục chưa được bao lâu, cha được đức giám mục tín nhiệm, đặt làm bề trên dòng nữ Chúa Hài Đồng, một dòng chuyên lo việc giáo dục các thiếu nữ. Chính khi làm bề trên dòng này , cha đưọc ơn soi sáng lập dòng các Sư Huynh. Thật là một sáng kiến tốt đẹp và thích hợp với hoàn cảnh xã hội Âu châu thời đó. Suốt thế kỷ XVI, XVII nền học vấn của thiếu niên công giáo xã hội Âu Châu thời đó xuống cấp nặng nề. Chiến tranh giữa Tin Lành và Công Giáo đã phá đổ nhiều cơ sở tôn giáo, đặc biệt các trường học. Nước Pháp bấy giờ cũng lâm vào tình trạng đen tối : hàng trăm ngàn thiếu niên bơ vơ không có chỗ học hành. Cha Gioan Lasan động lòng thương xót. Được Chúa soi sáng, cha suy nghĩ : muốn chấn hưng xã hội, cần đào tạo một thế hệ mới, cần phải hoán cải lòng người, mà việc phải làm là lo giáo dục lớp thiếu niên. Từ đó, cha bắt đầu lo tụ tập các thiếu niên thất học và tìm chỗ cho chúng ăn học… Sáng kiến của cha được nhiều người hưởng ứng… Đó lá bước đầu của dòng ‘Các Sư Huynh Thiện Giáo’… Về sau, người ta coi thánh Gioan Baotixita là tấm gương phản chiếu trung thành đời sống của Chúa đối với trẻ thơ. Thánh Gioan Euđê (1601-1680). Tuy gia nhập dòng giảng thuyết (1623), cha Gioan Euđê lại có một trái tim bác ái theo gương Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì thế để tâm lo lắng cho các bệnh nhân. Đặc biệt ngài là vị thánh đầu tiên lo giúp các thanh nữ nhỡ nhàng hay sa đọa. Cha tìm cách giúp họ đứng lên, tiếp tục đời sống đạo đức và giàu nghị lực tiến lên. Chính ngài đã lập một dòng nữ để chuyên lo giúp đỡ các cô gái đáng thương này. Đầu tiên dòng mang tên là ‘Đức Bà Bác Ái’, về sau đổi tên là dòng ‘Chúa Chiên Lành’. Trước 1975 dòng hoạt động khá manh tại Việt Nam. Thánh Gioan Maria Viannê (1786-1859). Là cha sở xứ Ars với trăm việc mục vụ, cha Gioan Maria Viannê không thể cầm lòng khi thấy hầu hết các trẻ em trong xứ không được cắp sách đến trường, đây đó đầy nhóc các em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ sống lề đường góc chợ… Cha thương các em, cha tranh đấu đủ đường để lập ngôi nhà Chúa Quan Phòng với hai mục đích giúp các em thất học được đến học miễn phí, được học kinh bổn và học nghề sống về sau, đồng thời nhận các em mồ côi về cho ăn ở và được giáo dục cho nên người. Bản tính hiền từ nhưng nghiêm nhặt, cha được nhiều gia đình quý phái giúp tiền của để điều hành và nuôi sống nhà Chúa Quan Phòng. Đã hai ba lần chính Thiên Chúa thi ân cho nhà mồ côi này : ‘hũ bột bốc mãi không cạn’, ‘bánh mì cắt mãi không hết’… Thánh Bosco (1815-1888). Từ nhỏ Bosco đã được Chúa ban cho lòng thương người thật chân thành và sâu đậm. Lòng bác ái này nảy nở phi thường sau khi được chịu chức linh mục, (1841) và bổ nhiệm làm cha sở. Ngài dành nhiều giờ thăm viếng các người nghèo khó, các bệnh nhận và tù nhân trong thành phố Torinô. Một đặc sủng khác mỗi ngày một bộc lộ trong ý chí, lời nói và sinh hoạt mục vụ của cha Bosco, là tình thuơng bao la dành cho giới trẻ không được săn sóc. Ngài bắt đầu công việc bằng quy tụ một nhóm đồng chí, được coi như nhóm nồng cốt của dòng Salêdiên tương lai. Kể từ năm 1842, cha Bosco được cử làm giám đốc viện dưỡng lão Phonema và cô nhi viện Barolô. Chả mấy tháng, cô nhi viện trở thành tổ ấm của 300 mồ côi. Mặc dầu được nhiều bạn thân cộng tác trong việc điều hành cơ sở, giáo dục các em, và được nhiều bá tước giúp tài chánh, cha Bosco cũng phải chạy ngược chạy xuôi lo đủ mọi chuyện. Đến độ ngài ngã bệnh vì quá lao lực. Các bác sĩ đã thất vọng về chứng bệnh sưng màng phổi của cha Bosco. Nhưng một sự bất ngờ, chính mùa đông năm ấy, cha Bosco khoẻ lại, tiếp tục làm việc như người không mắc bệnh. Người ta rỉ tai: ‘Thiên Chúa không muốn để các em mồ côi mất cha’. Do đó công trình giáo dục các em nhỏ và các bạn trẻ mỗi ngày thêm mở rộng và quy mô hóa với một phương pháp sư phạm, đem lại nhiều kết quả mỹ mãn. Điểm nổi bật trong phương pháp giáo dục giới trẻ của cha Bosco là chính sách ‘có mặt’, nghĩa là ngài phải để ý coi sóc, gần gũi các con cái ngài suốt ngày đêm. Bí quyết của cha Boscô trong công trình giáo dục trẻ em đơn sơ nhưng rất kỳ diệu. Với một tình yêu của người mẹ hiền và với lòng nhân hậu của người cha, ngài đã gây ấn tượng trong mỗi người con yêu dấu của ngài một sự tín nhiệm sâu xa và một lòng kính yêu chân thành. Và chỉ có thể, đủ để công việc giáo dục giới trẻ có kết quả mỹ mãn. Không chỉ lo cho đủ cơm ăn áo mặc, cha còn lo lắng mở mang trí tuệ và nhất là lo huấn luyện tâm hồn các em. Cha khích lệ con cái ngài năng xưng tội, rước lễ và nhất là lo tập cho các em thói quen xem lễ hằng ngày. Song song với mục vụ thiếu nhi và giới trẻ, cha Bosco rất quan tâm và năng nổ với công trình thiết lập một dòng tu gồm các linh mục và các sư huynh chuyên lo việc giáo dục các em nhỏ và các bạn trẻ. Cha Bosco có đặc sủng giảng cho các em nhỏ và cho giới trẻ. Lời giảng của cha đơn sơ, dịu dàng và dễ hiểu… Nhưng rồi, mọi người ngậm ngùi thương tiếc ‘người cha của giới trẻ đã được Chúa gọi về hơi sớm, lúc mới 73 tuổi’. Tuy nhiên Thiên Chúa chúc lành những công trình giáo dục của cha Bosco bằng hai việc: - Công trình của cha được tiếp tục và trổ sinh nhiều hoa quả cho tới ngày nay trên khắp thế giới; - Cha được Chúa thưởng công lên bậc Hiển Thánh, năm 1934, đời Đức Giáo Hoàng Piô XI, đúng như lời thốt ra tự nhiên của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII, khi nghe tin cha Bosco qua đời ‘Gioan Bosco là một vị Thánh’. Quả thật, Giáo Hội rất hãnh diện về những công trình giáo dục giới trẻ mà Thiên Chúa thực hiện qua những người con ưu tú của Giáo Hội, như thánh Gioan Bosco, thánh Giuse Calasan, thánh Gioan Euđê, thánh Gioan Lasan, thánh Hiêronimô Emilianô, thánh Gioan Viannê … Mãi mãi, ai cũng phải nhận các thánh có những ‘sáng kiến tông đồ độc đáo’ để đào tạo thế hệ tương lai, để làm sáng danh Thiên Chúa và ích lợi cho xã hội con người. Vì thế Giáo Hội hết lời ca ngợi các ngài như những người con ưu tú : Khúc nhạc diệu huyền buông thánh thót, Kính chào chư thánh bậc tôi trung, Đồng thanh trời đất cùng hoan hỉ, Xướng họa câu ca để chúc mừng. Khiêm nhu, hiền hậu, đời trong trắng, Một dạ theo đòi Chúa Kitô, Hồn chẳng vấn vương mùi thế tục, Nhẹ nhàng bay bổng cõi thiên thu. (Kinh chiều II lễ các Thánh Nam Nữ)
Đức Ông Mai Đức Vinh |
VIỆC CỦA CHÚA
Đọc chuyện thánh Bosco, Nhiều lúc tôi như mơ : Thấy việc Thiên Chúa làm, Kỳ diệu đến thẫn thờ.
Sinh ra, gia đình nghèo, Vừa lên hai, đã mất cha, Sống bên mẹ, cảnh đơn neo, Tần tảo nuôi con, mẹ thế cha…
Chúa quan phòng, ôi kỳ diệu, Cho Bosco thành tựu ước nguyền: Vào chủng viện… làm linh mục Mẹ con vui, tạ Chúa nhân hiền …
Yêu Chúa, cả đời phụng sự Chúa, Yêu mẹ, vì con khổ một đời, Yêu người bệnh, nghèo, như đã hứa, Yêu trẻ thất học, nghèo khổ, đơn côi …
Bệnh viện, cô nhi làm việc quên nghỉ, Kiếm tìm đồng chí, lập dòng Lêdiên, Mua trang trại mở viện cô nhi, Học chữ, dạy nghề, giáo lý ưu tiên…
Giữa đoàn con, cha luôn hiện diện, Chia sẻ nỗi niềm của từng đứa con, Lời cha khuyên, êm thấm, dịu hiền : ‘Cố học giỏi, có nghề, sống niềm tin’.
Việc Chúa thực hiện nơi cha Bosco, Tiếp tục tới nay, hai dòng nam, nữ Đem tình thương cho giới trẻ bơ vơ, Khắp thế giới, đón mời, hoan hô …
Ôi diệu huyền, tình thương của Chúa, Trong Giáo Hội, dấu chỉ nhiệm mầu, Khiến các thánh, một lời đoan hứa, Quyết năng nổ, đền đáp thật mau !
‘Thương lo em nhỏ mồ côi, Giáo dục giới trẻ, bụi đời, cho nơi ăn ở, học chữ, học nghề, Công trình nối tiếp bao thế hệ, Xây dựng Xã Hội, mở rộng Nước Trời’…
Du Sinh |
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf