CHƯƠNG IV
TIẾN TRÌNH TẬP TRUNG QUYỀN
BÍNH CỦA ROMA
CHƯƠNG IV
TIẾN TRÌNH TẬP TRUNG QUYỀN
BÍNH CỦA ROMA
Dưới triều đại của đức giáo hoàng Grégoire XVI đã quyết liệt hình thành phong trào Ðộc Tôn La Mã. Nhân lúc giáo hoàng mất ảnh hưởng trong xã hội trần thế, làm cho mỗi xã hội bị cô lập, phong trào này mạnh hay yếu là tùy từng quốc gia, và dựa trên những động lực ẩn tàng, đã phôi thai từ phong trào Phục Hưng: một số giám mục và nhất là các linh mục và những giáo dân đã từng xông phong vào việc tông đồ giáo dân nhận thấy cần phải dựa vào thế lực Roma thì các Giáo Hội địa phương mới bớt bị quyền dân sự chèn ép. Nhiều người cũng nhận định là trong khi các vấn đề được giải quyết ngoài khung khổ quốc gia, bám víu vào những tập tục địa phương là việc lỗi thời. Riêng tại nước Pháp, còn có yếu tố đặc biệt nữa là các linh mục trong khi đang ấm ức về những ưu tiên dành cho các giám mục, chỉ trông nương tựa vào các Bộ Roma để tránh bị giám mục hạch xách.
Thật ra, phong trào phản kháng bùng dậy khắp nơi: tại Anh quốc, tâm trạng hải đảo của thế kỷ XVIII vẫn còn tồn tại trong các giới gọi là cựu công giáo (Old catholics) ngày trước; tại Áo và miền Bắc Ý, người ta còn nặng lòng với não trạng Josephiste; tại Ðức quốc và cả trong nước Pháp, mặc dù Lamennais và các đồ đệ ông đã kịch liệt chống đối. Nhiều nhà thần học, vì không có chủ trương quảng giải định tín, không muốn thấy quyền lực của giáo hoàng bành trướng trong Giáo Hội hơn ở các thế kỷ đầu. Nếu càng ngày người ta càng nhận thấy việc tập trung xung quanh giáo hoàng cónhiều lợi ích cho việc tông đồ của Giáo Hội, thì nhiều người cho rằng: tốt hơn cả là tập trung tối đa quyền giáo hoàng để giảm bớt uy quyền của các giám mục, bằng cách đóng khung mọi người theo một kỷ luật, đồng phục hóa nền phụng vụ và giữ những tập quán đạo đức giống nhau, cốt để hủy bỏ các tập tục địa phương tuy dù là khả kính, để toàn thể Giáo Hội chỉ có “lối sống đạo đức” như ở Ý Ðại Lợi.
Tại Roma, lúc đầu người ta còn ngần ngại đối với phong trào Ðộc Tôn La Mã là phong trào xuất xứ từ đại chúng vì lo ngại sẽ phải đụng chạm với các chính phủ vốn sợ giáo hoàng chen lấn vào đời sống của các Giáo Hội địa phương. Vào giữa thế kỷ, các sự việc đã chín mùi để khỏi lo sợ như thế. Các năm cuối đời đức Grégoire XVI đã chứng kiến một hiện tượng sau được tăng cường dưới đời đức Pie IX do lịch sử Giáo Hội tạo nên, là đức thánh cha được toàn thể các giới công giáo trên thế giới cực lực hâm mộ. Sau cuộc khủng hoảng năm 1848, Roma ra mặt tập trung rất hệ thống tất cả các lực lượng công giáo vào một trung tâm độc nhất để chống đối trào lưu “cách mạng và phản đạo kitô”. Các giáo sư trường đại học Grégoirenne lại quảng giải những luận đề cổ điển về quyền tối thượng, về bất khả ngộ và quyền gián tiếp của giáo hoàng đối với xã hội trần thế. Các tư tưởng ấy được phổ biến mau lẹ trong Tạp chí Civiltà cattolica và được các sinh viên của họ hiện đang có mặt trong những chủng viện quốc gia tại Roma chuyển đạt đi các nơi. Ðàng khác có một phong trào nổi dậy chống đối hoặc lên án các sách thủ bản có khuynh hướng Gallican hay Fébronien còn đang lưu hành. Việc tuyên bố trinh nữ Maria Vô Nhiễm năm 1854 cũng nằm trong chiều hướng ấy, biến cố này làm chấn động thế giới công giáo đã đặc biệt cộng phần vào việc đề cao các ưu tiên của ngôi giáo hoàng. Nhiều vị sứ thần Roma lên tiếng can thiệp tại các Giáo Hội địa phương, và các giám mục sao nhãng việc viếng mộ các thánh tông đồ Ad Limina đã bị cảnh cáo. Người ta làm hết cách để khuyến khích các linh mục tiếp tay theo chủ trương Roma, có khi cũng tặng cho họ chức đức ông để tăng cường uy thế của họ đối với một vị giám mục còn đang lừng khừng. Người ta công khai đả kích cái khuynh hướng của giáo sĩ muốn duy trì đường lối địa phương, ngăn cản cái mộng nhóm họp công đồng miền, khuyên bảo nên tuân giữ các khoản giáo luật đã được nghe dạy tại Roma, khuyến khích khiếu nại sang các Bộ Roma cả trong những nố tùy phụ. Trong việc chọn lên chức giám mục, giáo hoàng càng ngày càng ít lưu tâm đến những đề nghị của hàng giám mục địa phương và chú ý hơn đến những ứng viên đã được huấn luyện theo kiểu Roma và có óc thần phục.
Nếu tại Ðông Phương, các khuynh hướng mới phá đổ quá nhiều những tập tục khả kính để tránh va chạm (1) thì trái lại ở Âu Châu, mặc dù còn nhiều điều ca thán, các khuynh hướng mới đã được chấp nhận khá dễ dàng là nhờ sự đóng góp của mấy vị giám mục có uy tín, của các phong trào công giáo đại chúng và của báo chí, nhất là nhờ vào công tác hữu hiệu của Dòng Tên.
Tại Áo quốc, vì nhờ thỏa ước năm 1885 đã bãi bỏ đạo luật Josephiste và cho phép tổ chức huấn luyện hàng giáo sĩ theo ý nguyện của Tòa Thánh, đức hồng y tổng giám mục Vienne là Rauscher, nhờ có sự cộng tác của mấy vị xuất xứ từ miền Tyrol như Ridigier, Gasser và Fessler, đã chuyển hướng được các hội đoàn công giáo theo phía Roma. Trong khi đó, trường đời, với bộ sách Kirchenrecht (gồm 7 cuốn, 1845-1872) viết bằng tiếng đức, đã dụng công phổ biến vào các dân tộc nói tiếng đức những luận đề căn bản của thuyết Ðộc Tôn La Mã. Tại Ðức quốc, với đức cha Ketteler, người lên thay thế đức tổng giám mục Cologne tên là Geissel trong cái địa vị ngài đã nắm giữ mãi cho đến khi qua đời năm 1864, thành phố Mayenne vẫn đi tiền phong trong phong trào, nhưng những người cùng chung một chí hướng càng ngày càng đông đã dần dà cưỡng ép đại chúng do nhóm Vereine cầm đầu phải thừa nhận các quan điểm và tinh thần của họ. Riêng nước Pháp, sau vụ dự định chống đối các năm 1852-1853 bị Thông Ðiệp Inter multiplices bài bác, nhóm Ðộc Tôn La Mã thắng thế là nhờ có thái độ bảo trợ khoan hồng của chính phủ Ðệ nhị Ðế chế lúc đầu, nhờ cuộc vận động của Dom Guéranger có chủ trương quay về với nền phụng vụ Roma, nhờ việc xoay chiều của hội Xuân Bích đang nắm giữ việc đào tạo đa số các giáo sĩ, và phần lớn là nhờ sức cổ động của tờ tạp chí Univers do L. Veuillot chủ trương, ông biến tạp chí này thành một khí cụ chiến đấu, như tờ báo Avenir hai chục năm về trước, nhưng với hiệu quả lâu dài hơn.
Phong trào Ðộc Tôn La Mã khởi xướng lên là có ý đả phá những khía cạnh lệch lạc của hai phong trào Gallican và Josephiste và muốn dựa vào Tòa Thánh để bảo đảm nền độc lập của Giáo Hội địa phương trước những yêu sách quân phiệt của các chính phủ. Nhưng, cũng như tất cả các phong trào phản kháng khác, phong trào này đã không tránh được thái quá, và các phần tử quân bình đã bị nhóm quá khích lấn át. Nhóm này đã nhẹ dạ gieo rắc ngờ vực chẳng những trên tư tưởng truyền thống mà cả đến danh dự của các giáo sĩ, họ cho là phải bôi nhọ để ngăn chặn việc tiến chức. Ðể chống đối những người muốn giảm thiểu các ưu tiên của đức thánh cha trong Giáo Hội, họ đề cử ra quan điểm Giáo Hội học đơn giản coi Giáo Hội như “xã hội các tín hữu có đức thánh cha đứng đầu” mà quên rằng các giám mục có quyền căn bản do Thiên Chúa ban cho; họ còn chủ trương chức vụ giảng dạy của các giám mục chỉ là chuyển đạt lại cho giáo dân những giáo điều của Tòa Thánh. Một số người khác chủ trương là đức thánh cha có đặc ơn bất khả ngộ trong bất cứ lời tuyên bố nào, ngay cả trong lãnh vực chính trị tôn giáo, và khuyến khích những hình thức tôn sùng đức thánh cha để “Thần tượng hóa đức giáo hoàng”, chẳng hạn gọi ngài là “Ðại diện Thiên Chúa trong nhân loại” hoặc là “Ngôi Lời nhập thể còn tiếp diễn”. Ðức Pie IX đã không phản ứng cho đúng mức về các lệch lạc và nịnh bợ trên, để họ mặc sức tung hoành trong các báo có khuynh hướng Ðộc Tôn La Mã, làm cho những người khác bực bội vì thấy đại chúng đã dựa trên những lập luận lệch lạc để biểu lộ đức tin một cách ngây ngô. Các lối lập luận ấy đã khơi ngòi lên những phản ứng cuối cùng chung quanh Munich và Paris.
Tại Ðức quốc, các giáo sư đại học rất mực lo ngại về sức bành trướng của các tư tưởng Ðộc Tôn La Mã. Nhưng họ chỉ phản đối cách thụ động như trường hợp đại học Tubingue. Doellinger, “vị giáo sư lão thành của Munich” đã lên tiếng cầm đầu một phong trào phản đối việc những người “Roma” xâm lấn trong việc trình bày đạo Công Giáo và trong cách cai trị Giáo Hội Ðức (2). Sau khi Tông thư Syllabus đã cho ông thấy rõ hai mối lo ngại về sự tự do khoa học của các người công giáo và việc cưỡng ép phải coi “hệ thống Thiên Chúa trị của đời Trung Cổ” (système théocratique médiéval) như một điều phải tin, có những yếu tố khác làm ông phẫn nộ đến nỗi ông tự hỏi phải chăng, bên kia các thể chế công giáo, phe Ðộc Tôn La Mã đang làm sai lạc lý tưởng tôn giáo của đạo Kitô. Vì ông có uy thế, các nỗi lo ngại rất thành thực của ông đã tụ tập được nhiều đồ đệ. Nhưng thái độ gay gắt của cuộc bút chiến chống lại “chế độ giáo hoàng” làm các giám mục rất khó chịu, cả đến những vị như Rauscher và Ketteler cũng nhận thấy nhiều biện pháp tập trung là quá đáng. Bởi vậy, tại Ðức quốc, phong trào chống đối công khai chủ trương Ðộc Tôn La Mã vẫn ít ảnh hưởng trong giới đại học.
Trái lại ở Pháp quốc, vào các năm cuối cùng của Ðệ nhị Ðế chế, giữa hàng giám mục bùng lên một nhóm kịch liệt phản kháng phong trào Ðộc Tôn La Mã vì có giao lưu giữa hai dòng tư tưởng. Một bên là nhóm giám mục trẻ có tư tưởng gallican ôn hòa đã được điều động bởi đức cha Maret (3), nhân vật mà Napoléon III tín nhiệm và tiến cử lên chức giám mục, và bởi đức cha Darboy, tổng giám mục Paris từ năm 1863. Nhóm rất lo lắng về việc bảo vệ quyền của các giám mục trước những “chen lấn” của các Bộ Roma. Mặt khác, các bạn của đức cha Dupanloup vốn lạnh nhạt với các giám mục phe bảo hoàng, đã được huấn luyện trong bầu khí thần học khác, vì trước kia họ đã coi nhóm Ðộc Tôn La Mã như phương thế để bảo vệ tự do của Giáo Hội đối với chính phủ, mà hiện nay họ tự tách ra vì thấy nhóm cầm đầu phong trào ấy có chủ trương tuyệt đối trong Giáo Hội và trong xã hội trần thế. Họ lo ngại là giáo điều bất khả ngộ về đức thánh cha mà nhóm kia đang mong đợi củng cố uy tín của Tông chiếu Syllabus hay của những văn kiện tương đương có lập trường chính trị tôn giáo không phù hợp với tâm trạng mới.
Mặt trận gallican được phục hưng là vì phe Ðộc Tôn La Mã phát triển và thành công sắp sửa gây ra nhiều hoang mang trong Công Ðồng chung mà giáo hoàng Pie IX đang dự bị sẽ nhóm họp vào ngày 8-12-1869, sau nhiều do dự và mặc dầu đã có mấy bộ Roma can ngăn.(4).
Ý định của giáo hoàng Pie IX khi triệu tập Công Ðồng, một đàng là để đả phá học thuyết “chủ tự nhiên” và thuyết “chủ lý trí”, là hai thuyết ngài đã phản đối từ khi lên nhậm chức, và đàng khác là để thích ứng qui chế giáo sĩ vào những biến chuyển sâu rộng đã xuất hiện từ sau Công Ðồng Trente. Nhưng việc công bố sắp có Công Ðồng đã khơi ngòi chống đối của hai phe đã có trong Giáo Hội từ hai mươi năm, một bên là các người công giáo chủ trương tự do và thiên về khuynh hướng gallican, một bên là những người theo phái Ðộc Tôn La Mã, chống đối các hình thức tự do tân tiến. Ðể soạn thảo các sắc lệnh của Công Ðồng người ta chọn các cố vấn thần học trong đó 60 vị gốc Roma và 351 vị từ các nơi khác đến, hầu hết đều có khuynh hướng Ðộc Tôn La Mã và phản lại các tự do tân tiến. Việc cắt cử này gây lo ngại cho những ai đang trông đợi Công Ðồng sẽ là cơ hội để các giám mục khắp nơi giúp cho Giáo Hội mở mắt ra trước những nguyện vọng tân tiến. Họ chẩn đoán các chiến thuật là: Công Ðồng không đem ra tranh luận công khai những điểm đã được chuẩn bị, mà chỉ để ý đến ý kiến của giáo triều Roma, rồi đề nghị những khoản đã soạn thảo từ trước để các nghị phụ chấp thuận. Chẳng may là ngày mồng 6-2-1869 “một ký giả Pháp” cho đăng bài trong báo Civiltà cattolica của các cha Dòng Tên người Ý, tỏ ra xác nhận điều chẩn đoán trên kia và tiên đoán là định tín bất khả ngộ sẽ được ấn định bằng việc hoan hô công cộng mà không cần phải soạn thảo lại và không được các nghị phụ bàn cãi trước. Tại các nước nói tiếng Ðức người ta phản ứng rất mạnh, cả giữa những giới không hiềm khích với Roma, và Doellinger, dưới bút hiệu là Janus, cho ra đời một cuốn sách thẳng thắn và độc phương đả phá quyền tối thượng của đức thánh cha và việc tập trung quyền bính vào Roma. Tại nước Pháp thì có bút chiến nhưng khoan hồng hơn. Bỗng dưng, vấn đề bất khả ngộ của đức thánh cha trước kia không có trong chương trình nguyên thủy đã trở nên mục thời sự số 1 trong các báo chí.
Nhiều chính phủ tiên đoán là Công Ðồng có thể lấy những quyết định về hôn nhân tòa đời, về nền học chính và về các tự do trong hiến pháp, họ lo ngại sẽ có những điều tuyên bố trịnh trọng về các ưu tiên của Giáo Hội như đời Trung Cổ đối với quyền dân sự. Một số giám mục mong muốn - đây cũng là điều làm cho Roma phấn khởi - đưa Tông chiếu Syllabus năm 1864 ra làm căn bản cho các cuộc tranh luận trong Công Ðồng, đó là điều càng làm cho người ta lo ngại. Những phần tử trong Giáo Hội sợ phe Ðộc Tôn La Mã thắng thế trong Công Ðồng ra sức khiêu khích óc nghi kỵ của các chính phủ để họ lên tiếng cảnh cáo và đề phòng theo đường lối ngoại giao.
Công Ðồng bắt đầu họp ngày 8-12-1869 với khoảng 700 vị giám mục, mà quá hai phần ba là những vị có quyền dự Công Ðồng theo chức phận. Trong số đó có 70 vị giám mục theo nghi lễ Ðông phương, đa số từ miền cận đông tới, và gần 200 nghị phụ từ các nước ngoài Âu Châu trong số đó 121 từ Mỹ Châu (49 từ Hoa Kỳ, 18 từ Gia Nã Ðại, 10 từ Mễ Tây Cơ, 6 từ Ba Tây...) và 41 tiểu vương Aán Ðộ từ các nước thuộc địa Anh và từ Viễn Ðông, nhưng chỉ có 9 vị là từ các nước truyền giáo Phi Châu là miền mới được biết đạo. Cần phải nói thêm là đa số các giám mục đến từ những miền xa xôi kia thuộc dòng giống Âu Châu và không có giám mục nào là dòng giống Á Ðông hoặc Phi Châu cả. Ða số các nghị phụ là người Âu Châu và cũng thuộc nghi lễ La Tinh. Thật ra có một số lớn nói tiếng anh (mà đa số là người Ái Nhĩ Lan) và chừng 75 vị là người Ðức hay Áo, nhưng, đừng kể ngót một trăm là người Tây Ban Nha hay Mỹ Châu La Tinh, người Pháp chiếm 17% tổng số và người Ý chiếm 35%. Cũng nên nói thêm là hai phần ba các cố vấn hoặc quan sát viên thần học và tất cả các ký giả đều là người Ý, cả 5 vị chủ tọa cũng vậy. Chỉ có một chức quan trọng tổng thư ký là được trao cho người ngoại quốc, Fessler người Áo.
Các cuộc tranh luận năm 1869 về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng và nhất là bài phát biểu vụng về của giám mục Dupanloup giữa tháng 11, đã nhanh chóng chia các giám mục thành hai phe theo ý thức hệ. Rất nhiều vị, vì có óc kình địch với những người đương thời say mê thuyết chủ tự do, mong muốn Công Ðồng minh định lại những nguyên tắc của nền giáo lý cổ điển về những mối bang giao giữa Giáo Hội và chính phủ trong một xã hội kitô lý tưởng; nhiều vị khác - thường cũng vẫn là những vị ấy nhưng không phải luôn luôn như vậy - (như Manning, Dechamp, Mermillod, các người Mỹ nói riêng ít nghi kỵ hơn với những thể chế tự do) mong muốn có một định tín long trọng về ơn bất khả ngộ của đức thánh cha. Mặc dù các ngài không chấp nhận tất cả những biện pháp tập trung của Roma, họ cho rằng nên lợi dụng Công Ðồng như cơ hội để chặn đứng các cuộc tranh luận lý thuyết về những quyền ưu tiên của đức thánh cha mà họ cho là không đi đến đâu, dưới cái nhìn của những vị chủ chiên có ý thức về các khó khăn lịch sử và thần học. Có những lý do phi thần học thúc đẩy họ đến niềm thâm tín, chẳng hạn như về lòng sùng kính đối với đức Pie IX, như mối lo ngại phải nhanh chóng minh định lại nguyên tắc về quyền bính trước những ham vọng dân chủ đang thúc đẩy đến tình trạng cách mạng hỗn loạn mà họ cho là bắt nguồn từ phái tin lành. Việc lẫn lộn các nhận xét lý thuyết với những yếu tố phi thần học làm cho một số giám mục khác nghĩ rằng những dự án như thế sẽ đảo lộn hiến chế cổ truyền của Giáo Hội và đe dọa những nguyện vọng chính đáng của xã hội trần tục. Một số giám mục khác - họ đông hơn là con số người ta đưa ra sau này với chủ đích biện giáo - rất trung thành với cái quan điểm là trong khi giảng dạy, giáo hoàng không bao giờ có quyền quyết đoán một điểm giáo lý nào trước khi được hàng giám mục phê chuẩn. Thông thường hơn cả là mối bận tâm muốn duy trì yếu tố thứ hai của phẩm trật do Thiên Chúa thiết lập: nhiều nghị phụ cho rằng việc tuyên bố ơn bất khả ngộ đang dự tính là thành phần của một xu hướng muốn tiêu diệt hàng giám mục đi trong thực tế. Hơn nữa, vấn đề bất khả ngộ đang được các báo chí Ðộc Tôn La Mã có uy tín hơn cả củng cố niềm thâm tín của những người nghĩ rằng ”người ta tuyên bố giáo hoàng bất khả ngộ về đức tin để người khác nghĩ là ngài cũng không nhầm lẫn trong các nố khác ”(Leroy- Beaulieu), thực tế là trong những vấn đề liên quan ít nhiều đến chính trị. Như vậy, không lạ gì mà các chính phủ lại bỏ qua cơ hội mà không phản ứng, gây nhiều liên lụy cho các Giáo Hội địa phương. Ngoài chiến thuật trực tiếp, còn có vấn đề nguyên tắc gây nhiều lo ngại cho những ai tin tưởng rằng tương lai chính trị của các nước sẽ hướng về các thể chế tự do và Giáo Hội sẽ mất hết mọi sự nếu tự coi mình như vô địch trong độc đoán và chuyên chế (5). Cũng cần bàn thêm đến các mối lo ngại về phương diện đại kết: định tín đang đề nghị sẽ gây thêm khó dễ trong việc muốn xích lại gần các kitô hữu đông phương, thôi thúc mấy giới tin lành chống đối, cũng lại có thể đưa đến cuộc ly khai khác trong các giới nói tiếng Ðức, đang chú ý nhiều đến chiến dịch do Doellinger khởi xướng. Những người phản ứng như vậy ít hơn nhóm trên - bởi vậy người ta gọi họ là “phe thiểu số”. Nhưng trong số đó có những vị rất thời danh, hoặc vì các ngài thông thạo thần học, hay vì các ngài đang điều hành những giáo phận nổi tiếng. Nói chung, họ là tất cả giám mục nước Áo và Hung Gia Lợi, dưới sự hướng dẫn của hồng y Rauscher, một nhà giáo phụ học trứ danh và một vị bảo vệ đắc lực các quyền lợi của Tòa Thánh trước những yêu sách của phong trào Josephiste và chủ trương tự do. Họ là tất cả các giám mục coi các giáo phận lớn tại Ðức; là một số lớn các giám mục Pháp trong đó có tổng giám mục Paris và Lyon; là nhiều tổng giám mục Bắc Mỹ, là tổng giám mục Milan, một giáo phận đông giáo dân nhất nước Ý; sau cùng là ba vị giáo chủ Ðông phương.
Ngay từ tháng giêng, mỗi phe đã biết những ai đối nghịch với mình. Ðang khi trong phòng đại hội của Công Ðồng, người ta lai nhai đọc những bài diễn văn tầm thường tố cáo những sai lạc của thuyết chủ lý trí và mấy điểm tùy phụ về kỷ luật của hàng giáo sĩ, có nhóm làm áp lực đưa ra một kiến nghị ngoài ý muốn của giáo triều Roma. Kiến nghị này đã được 450 chữ ký ủng hộ để yêu cầu đức thánh cha thêm vào chương trình của Công Ðồng vấn đề bất khả ngộ mà trước đấy ủy ban soạn thảo Công Ðồng không muốn tự tiện đưa ra. Nhóm thiểu số lo sợ, vội vàng cũng xin các chữ ký để phản đối, nhưng chỉ được 136 chữ ký tức là một phần năm của cử tọa, nên ngày 01.03, đức giáo hoàng Pie IX quyết định phải theo nguyện vọng của đa số và cho thêm một đoạn định nghĩa ơn bất khả ngộ của đức thánh cha vào Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã được phát cho các nghị phụ mấy tuần trước (6).
Nhân dịp đưa kiến nghị này, phe thiểu số, trước kia mập mờ tán loạn, nay thành tổ chức đối lập. Ðức cha Dupanloup lầm tưởng rằng: ngài chỉ cần tuyên bố công khai là sẽ tập trung được các thành phần đối lập. Thực ra người chủ chốt của nhóm thiểu số đối lập là ông John Acton, một giáo dân người Anh, với tư cách là một nhà sử học, chia sẻ các biện pháp phòng ngừa của thày ông là Doellinger, và hơn nữa, ông cho là định tín dần dà sẽ làm thương tổn đến các khả năng trong tương lai Giáo Hội trong một xã hội càng ngày càng nghiêng về tự do. Nhờ có nhiều liên lạc quốc tế và vì nói được nhiều thứ tiếng, chính Acton, ngay từ lúc Công Ðồng mới họp, đã làm dây liên lạc để các vị chống đối tên tuổi trước kia ít biết nhau, nay tiếp xúc và thảo luận với nhau. Hơn nữa, kinh nghiệm nghị sĩ của ông J. Acton đã giúp các nghị phụ biết thêm những khả năng trong lối làm việc chung, ông đề nghị nhiều phương pháp để thực hiện, kéo sự chú ý của họ đến những thủ đoạn của phe địch, đưa ra nhiều tài liệu lịch sử làm căn bản để giúp họ trong việc phản bác. Hơn nữa, ông Acton đã trở thành người trung gian giữa những vị cầm đầu phe thiểu số và các chính phủ.
Những người chống đối định tín cho rằng chỉ tiếp xúc cách cá nhân với các nghị phụ để khuất phục họ không đủ. Xác tín là định tín đang được soạn thảo sẽ gây tai hại cho Giáo Hội và mình có quyền dùng hết mọi biện pháp để ngăn cản định tín, một số nghị phụ nghĩ cần phải điều động với báo chí để người ta làm áp lực từ bên ngoài trên các vị có trách nhiệm về Công Ðồng, nhiều vị khác còn cầu cứu xin chính phủ của họ can thiệp, nhất là tại Paris, vì người ta biết Napoléon III có thể can thiệp, ông đã coi binh lực và ngoại giao là cần thiết để giúp đức thánh cha giữ lại được nền dân quyền.
Trong khi ngoài lề Công Ðồng đang có những cuộc tranh luận gay gắt giữa báo chí và các Bộ tư pháp thì Công Ðồng vẫn tiếp tục nhóm họp, người ta nhận thấy nếu cứ theo nhịp độ đang khảo cứu đoạn XI của Sắc Lệnh về Giáo Hội, thì đoạn nói về quyền tối thượng và đặc ân bất khả ngộ của đức thánh cha sớm nhất là trước mùa xuân sau mới được đưa ra thảo luận. Bởi vậy trong tháng ba, nhiều kiến nghị yêu cầu, ngay sau khi đã thảo luận xong Hiến chế về thuyết Duy lý (Hiến chế này được long trọng chấp nhận ngày 24 tháng tư), thì nên nghiên cứu trước Ðoạn trứ danh đã gây sôi nổi trong Công Ðồng. Mặc dù giữa năm vị chủ tọa của Công Ðồng có ba vị còn ngần ngại không muốn gây phẫn nộ cho phe thiểu số, đức Pie IX càng ngày càng không hài lòng vì có chống đối của nhóm kia, đã quyết định là phải nghiên cứu vấn đề trước giờ đã ấn định. Ðể thoa dịu những cảm giác khó chịu vì lẽ tại sao lại phải tranh luận đoạn XI trước các đoạn khác, người ta lấy quyết định là sẽ khai triển đoạn ấy thế nào để nó trở thành một Hiến chế biệt lập, dành riêng cho đức thánh cha.
Ngày 13 tháng năm bắt đầu thảo luận tổng quát về bản văn, thoạt tiên bàn định xem có nên tuyên bố định tín hay không, vì vấn đề nhiều lần đã gây ra gay gắt. Sau 15 cuộc họp, người ta bàn riêng từng khía cạnh của bản văn. Cuộc bàn cãi chú trọng đặc biệt đến đoạn IV trong đó có đề nghị một bản tuyên bố tín điều đã được ủy ban sửa đổi nhưng vẫn chưa nhấn mạnh đủ đến địa vị đương nhiên của hàng giám mục bên cạnh đức thánh cha trong việc giảng dạy trên toàn thể Giáo Hội. 57 vị lên tiếng nhấn mạnh đến các lý lẽ thần học hay những khó khăn lịch sử, cũng như đến những lợi ích và những cái không hay thực tế mà định tín gây ra trong lúc này. Các cuộc thảo luận nhiều khi nhàm chán nhưng ít ra cũng làm sáng tỏ các lối phát biểu và thoa dịu những mối đố kỵ. Trong lúc đó vẫn có nhiều cuộc tranh luận ngoài hành lang. Thật ra, giữa các vị hăng say nhất trong phe đa số và các người chủ trương chống đối triệt để, đa số các nghị phụ là những người khoan hồng; họ khổ tâm vì việc bàn cãi quá sôi nổi và thay vì mong muốn cho phe kia bị triệt hạ, họ chỉ mong có một điều: làm thế nào để tìm ra được một hình thức dung hòa để đại chúng khỏi biết là có nhiều chia rẽ trong Công Ðồng. Ðó là trường hợp chung của đa số các giám mục người Ý mà đức cha Maccarrone đã thanh minh là họ không dính líu gì vào những giàn xếp tiên khởi để đưa vấn đề bất khả ngộ vào chương trình. Vì họ chiếm số đông nên họ đã trở nên chỗ nương tựa chung kết cho “nhóm thứ ba” là nhóm chớm nở từ lúc đầu, đứng trung độ giữa hai nhóm Ðộc Tôn La Mã quá khích và nhóm chống đối Tòa Thánh; họ đưa ra những giọng điệu uyển chuyển có thể bổ túc về sau.
Người ta phỏng đoán là sẽ có một số lớn trong phe thiểu số chấp thuận giải pháp uyển chuyển kia nếu đức Pie IX có thái độ nhân nhượng hơn. Theo kết quả cuộc sưu tầm mới đây của đức cha Maccarrone đưa ra, những tài liệu trước kia chưa được biết đến, thì giáo hoàng đã can thiệp nhiều lần theo chiều hướng phe đa số quá khích trong khi cuộc tranh chấp còn kéo dài. Không hiểu giáo hoàng Pie IX có trách nhiệm đến độ nào, chỉ biết một điều là việc giàn xếp giữa hai phe vào giờ chót không đi đến kết quả, mặc dầu đức cha Gasser đã nhân danh ủy ban thần học đưa ra bản tổng kết đáng chú ý, đó là bản giải thích chính yếu giúp nhận ra các khía cạnh của văn bản về Công Ðồng (7). Phe thiểu số đã vận động với giáo hoàng lần chót mà không đi đến kết quả, nên 60 vị giám mục quyết định rời khỏi Roma trước khi phải bỏ phiếu chung kết non placet trước đức thánh cha trong một vấn đề trực tiếp liên hệ đến ngài. Các phần tử khác của phe thiểu số cho rằng những điều sửa đổi kế tiếp trong bản văn và bài giải thích của đức cha Gasser đã làm tiêu tan những lý lẽ căn bản để chống đối và vì vậy họ quyết định chấp nhận bản văn chung kết. Hiến chương Pastor aeternus (Vị Chăn Chiên vĩnh cửu) được công bố long trọng ngày 18-7-1870 với sự chấp thuận hầu hết của các nghị phụ có mặt.
Thời thế bắt buộc Công Ðồng phải ngưng trệ trong khi mới hoàn tất được một phần rất nhỏ của chương trình sơ khởi (còn phải bỏ phiếu 51 lược đồ khác mà đa số chưa được phát ra). Sau ngày 18 tháng 7 công việc của Công Ðồng đình trệ hẳn lại, khí trời nóng bức và cuộc chiến tranh Pháp-Ðức thúc đẩy đa số các nghị phụ rời bỏ Roma. Sau khi vương quốc Ý xâm chiếm phần đất còn lại của quốc gia Tòa Thánh, giáo hoàng Pie IX nghĩ là tự do của Công Ðồng không được bảo đảm nữa nên ngày 20 tháng 10, ngài tuyên bố giải tán Công Ðồng không hẹn ngày tái nhóm.
Những cuộc tranh luận đã đình chỉ, nhưng các tâm hồn vẫn chưa được khuây khỏa. Giữa các giám mục phe thiểu số, mặc dầu có mấy vị như Hefele và Strossmayer còn do dự trong nhiều tháng, tất cả đều vâng phục quyết định của Công Ðồng. Nhiều người nghĩ là không thể cứ quanh co lâu dài mà không làm thương tổn các nguyên tắc về giáo quyền trước mặt giáo dân; suy nghĩ lại họ buộc lòng phải thừa nhận là các điều diễn đạt tinh vi trong định tín và cái lối giải thích của đức cha Gasser phù hợp với nhà trí thức và thần học nói tiếng Ðức khăng khăng phản đối và muốn tuyệt giao với Giáo Hội. Doellinger không muốn gì hơn là có một sự chống đối mang mầu sắc tiên tri và ông dựa vào kinh nghiệm lịch sử để khước từ việc tổ chức các cộng đồng ly khai theo hệ thống. Nhưng mức tiến triển đã bùng dậy không thể thoái thác được nữa: với sự trợ lực của các giám mục trong Giáo Hội bé nhỏ Utrecht, một ngành tuyên xưng đức tin mới, mang tên là “các người công giáo cổ” làm tăng con số các Giáo Hội ly khai khỏi Roma (8). Chẳng bao lâu sau, mối đe dọa không quan trọng như người ta nghĩ lúc đầu, là đa số các giám mục trẻ được phái Ðộc Tôn La Mã thu hút và phong trào Kulturkamph mới bùng dậy lúc đó, thôi thúc các linh mục và giáo dân xiết chặt hàng ngũ trước mối đe dọa, và người ta ngưỡng vọng về Roma coi trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ như chỗ nương tựa mỗi khi Giáo Hội quốc gia bị lung lay.
Khi đức Léon XIII lên cầm quyền, Tòa Thánh, nghĩa là đức thánh cha, có các Bộ quây quần chung quanh, đã trở nên Giáo Hội Công Giáo hùng mạnh như chưa từng có trong suốt đời Trung Cổ. Trái với sự lo ngại của nhiều người, chính vấn đề mất quyền dân sự đã làm cho Giáo Hội thêm mạnh mẽ và uy tín. Ðức cha V. Martin đã nêu bật như sau : “Tín điều tán dương quyền tối thượng của Công Ðồng và các biến cố chính trị tiếp liền sau đó đã làm cho các linh mục và giáo dân gia tăng lòng sùng kính đối với các giáo hoàng; hơn nữa, lòng mộ mến thâm sâu có mầu sắc huyền nhiệm và khâm phục đã góp phần làm cho mọi người công giáo hướng về Vatican” (9). Nếu đức Léon XIII đã làm hết sức để giảm bớt khía cạnh tôn vinh Tòa Thánh trong những cuộc hành hương mà các bạn của L. Veuillot thường đem ra chế riễu, ngài vẫn khuyến khích những cuộc biểu tình như thế để đề cao ngôi vị giáo hoàng. Vào cuối thế kỷ ấy, cũng vì để phổ biến khái niệm về quyền tối thượng và lòng tôn sùng đối với ngôi giáo hoàng, ngài đã cử đi một đặc sứ để chủ tọa các nghi lễ long trọng quốc tế (đây là đại hội Thánh Thể lần thứ nhất năm 1893 tại Giêrusalem). Quả thật Léon XIII xem ra đã giảm bớt nhiều việc mà đức Pie IX đã làm trước: ngài khuyến khích thành lập các Hội Ðồng Giám Mục địa phương mà trong đời giáo hoàng trước, người ta nghi ngờ là có tàn tích của thuyết gallican; ngài làm hết sức để Tòa Thánh khỏi trá hình thay thế hàng giám mục các nước (10), và nhất là không để cho các linh mục gặp khó khăn với giám mục của mình, có thể cầu cứu sang Roma như đã có nhiều trường hợp trong đời giáo hoàng trước; ngài cũng can đảm gọi lên chức giám mục mấy linh mục hay mấy cha dòng đã công khai đứng vào phe đối lập trong Công Ðồng Vatican. Nhưng đừng lạc quan vội. Dù có những thái độ uyển chuyển hơn, đức Léon XIII vẫn tiếp tục công trình tập trung những quyền bính chủ yếu trong Giáo Hội.
Tất cả các chi tiết của Công Ðồng địa phương thứ ba tại Baltimore (năm 1884) đều được chuẩn bị tại Roma, và nếu vào giờ chót, người ta bỏ không gửi đặc sứ Tòa Thánh đi chủ tọa thì vị đã được chỉ định đi thay thế đức thánh cha vẫn là giám mục Gibbons. Cả cuộc họp Hội Ðồng các Giám Mục Nam Mỹ năm 1900 cũng đã tổ chức tại Roma dưới quyền chủ tọa của đức thánh cha. Ðàng khác, ngài tăng gấp nhiều chỉ thị cho các Hội Ðồng các Giám Mục địa phương. Ngài không ngần ngại can thiệp trực tiếp đòi giáo dân phải tuân hành, đến nỗi làm nản lòng một số người trước năm 1870 vốn nhiệt tâm ủng hộ thuyết Ðộc Tôn La Mã, đó là các người chính thống Pháp và các lãnh tụ Zentrumpartei tại Ðức. Ðịa vị của sứ thần Tòa Thánh cũng được tăng cường, điều đó đã được ghi rõ trong bức thông tri của văn phòng thư ký giáo hoàng ngày 13-4-1885 (11). Nhân dịp vị sứ thần tại Madrid khiển trách một giám mục vì đã đi xa quá vào phe Carlô, một nhà báo Tây Ban Nha, ông Nocedal đã minh định là “quyền của một giám mục ở trên quyền của sứ thần Tòa Thánh cả về phạm vi lẫn lãnh thổ”, vì sứ thần chỉ có nhiệm vụ ngoại giao mà thôi. Phải coi tờ thông tri kia như biểu thị các ý định của giáo hoàng, và từ trường hợp Tây Ban Nha, ngài muốn nó trở thành kim chỉ nam cho các vị ngoại giao giáo triều; ngài xác định lại là các sứ thần không phải chỉ là những vị đại diện của Tòa Thánh bên cạnh các chính phủ mà còn là những đại diện đích thực của Tông Tòa giữa giáo dân và hàng giám mục, vì Công Ðồng đã long trọng tuyên bố là các khâm sai có đầy đủ quyền bính từ đức thánh cha là chủ chiên của toàn thể Giáo Hội. Vì các mối bang giao giữa Giáo Hội và chính phủ liên hệ đến toàn thể Giáo Hội, nên chúng đặc biệt thuộc tài thẩm của vị lãnh tụ tối cao trong Giáo Hội, bởi vậy bảo rằng quyền của các sứ thần và các khâm sai trong các mối bang giao ở dưới quyền của giám mục là không đúng.
Không chú trọng đến những lựa chọn chính trị của các Giáo Hội địa phương bằng đức Léon XIII, mà lại lo lắng kiểm soát nhiều hơn các hoạt động tôn giáo trong hết mọi địa phận hầu thúc đẩy và khích lệ, đức Pie X đã quan tâm quá nhiều về việc củng cố các tòa sứ thần. Ngài có khuynh hướng thay thế các nhân viên ngoại giao bằng các giám mục hay các cựu bề trên dòng và xin các ngài cho Roma biết về tình hình các giáo phận, kiểm soát việc học trong các chủng viện, thăm viếng các dòng tu v.v. Mặt khác, tục lệ các giám mục đến viếng mộ các thánh Tông Ðồ ad limina đã thành bó buộc từ đời giáo hoàng Pie IX, từ nay phải thi hành theo đúng thời hạn. Hơn nữa, các giám mục cũng như các bề trên dòng phải thường xuyên nộp bản báo cáo đầy đủ về địa phận hay dòng tu của mình cho Thánh Bộ liên hệ. Việc lựa chọn các bề trên cả dòng tu càng ngày càng bị Roma kiểm soát, kể từ đời đức Léon XIII (12). Chủ tâm chuyển các nhà mẹ cả về Roma đã gặp nhiều thuận lợi thành tựu, tuy có những chống đối bởi một số dòng tu có nhà mẹ tại Pháp. Việc cải tổ giáo triều đã nói đến trên kia (13) đặc biệt mở rộng các vụ can thiệp của các Bộ trên khắp thế giới công giáo bằng cách tập trung quyền quản trị Giáo Hội vào tay mấy nhân vật mà thôi. Từ đây việc lựa chọn các giám mục được trao cho Bộ giám mục, Bộ đã nhận được những chỉ thị rõ ràng về cách lập hồ sơ của các ứng viên, và uy thế của vị Quốc vụ khanh gia tăng lên nhiều nhờ các cuộc cải tổ giáo triều. Chẳng bao lâu, bộ giáo luật minh định rằng: khi nói đến Tòa Thánh thì phải hiểu là đức thánh cha và các Thánh Bộ (khoản 7). Từ cuối đời giáo hoàng trước, đã có khuynh hướng trong thực tế là mặc nhiên gán cho các Bộ “quyền giảng dạy không sai nhầm”, và trong khi chống đối chủ nghĩa tân thời, đức Pie X càng ngày càng nhấn mạnh đến việc phải vâng lời vô điều kiện, chẳng những các mệnh lệnh minh thị của đức thánh cha mà cả những lối phát biểu ý định của ngài do các cộng sự viên chuyển đạt (14). Ðiều này chứng tỏ: sau Công Ðồng Vatican I, quyền hành của các Bộ được củng cố mạnh mẽ đến nỗi người ta muốn đồng hóa Tòa Thánh với Giáo Hội trong thực tế, nếu chưa phải là theo pháp lý.