CHƯƠNG III
GIÁO HỘI ROMA VÀ CHỦ NGHĨA
TỰ DO TỪ ”SYLLABUS” ÐẾN VIỆC LÊN ÁN ”SILLON”.
CHƯƠNG III
GIÁO HỘI ROMA VÀ CHỦ NGHĨA
TỰ DO TỪ ”SYLLABUS” ÐẾN VIỆC LÊN ÁN ”SILLON”.
Những biến động xẩy ra trong năm 1848 gây sóng gió cho toàn thể Âu Châu và cả ngai vàng giáo hoàng, đã đặt ra một vấn đề lớn với cường độ gây cấn kịch liệt mà Giáo Hội Công Giáo phải đương đầu từ nửa thế kỷ nay. Ðó là thái độ phải có đối với thế giới khai sinh từ cuộc cách mạng trí thức và chính trị vào cuối thế kỷ XVIII, nhất là đối với chế độ các tự do dân sự và tôn giáo thoát thai từ Bản Tuyên Ngôn nhân quyền và quyền công dân. Những vụ bạo động xẩy ra ở nhiều nước đã giúp cho các phe tự do khuấy động xác tín thêm rằng: có sự liên hệ trực tiếp giữa các nguyên tắc cách mạng 1789 với sự hủy bỏ những giá trị truyền thống trong trật tự xã hội, đạo đức và tôn giáo. Ngay sau 1848 nhiều vị chủ chăn và tín hữu chỉ nhìn thấy sự giải thoát qua một Giáo Hội Công Giáo độc đoán; họ bị ám ảnh bởi ký ức thời Kitô Giáo Trung Cổ mà phong trào lãng mạn công giáo đã miêu tả dưới những nét hết sức lý tưởng. Cho nên họ tìm cách giữ lại hay dành lại cho Giáo Hội một chế độ đặc quyền và uy tín đối ngoại ở giữa một Nhà Nước chính thức công giáo thoát ra ngoài những áp lực của các làn sóng công luận chống Kitô giáo, tương tự trường hợp tại Tây Ban Nha của nữ hoàng Isabelle II, trong đế chế của dòng Habsbourg và tại nhiều quốc gia Ý cho đến năm 1859. Nhậy cảm hơn về sự công phẫn của những người yếu hơn của những người mạnh, và lo lắng về mức giảm sút đạo đức mà họ giải thích như những nhà dạy đời hơn là những nhà xã hội học. Họ cho đó là hậu quả những sai lầm mà các báo chí xấu đã phổ biến, họ nhấn mạnh là đức tin của dân chúng phải được bảo vệ bằng các thể chế. Hơn nữa, vào thời đó, đám đông quần chúng, nhất là dân đồng quê, còn là thành phần lớn trong dân số Âu Châu. Không dễ gì họ bỏ rơi một Giáo Hội đã được chính quyền tôn kính. Trên đây là các phái công giáo chống lại tự do, họ theo chủ trương của cuốn “Tiểu luận về công giáo, về chủ nghĩa tư bản tự do và về chủ nghĩa xã hội”(L'Ensayo sobre el catolieismo, el Liberalismo y el socialismo) (1851) của Donoso Cortes người Tây Ban Nha. Cuốn sách này được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ðức. Họ có tiếng nói chính thức trong tờ Civiltà Cattolica của các tu sĩ Dòng Tên ở La Mã và ở nhiều nước. Chỉ trừ vài trường hợp cá nhân, Dòng Tên đã đóng góp vào việc trình bày những quan điểm trên như những lập trường duy nhất phù hợp với công giáo chính truyền.
Nhưng trước những luyến tiếc chế độ cổ đại xưa, có những người công giáo khác lại tố cáo việc trở lại quan niệm thời Phục Hưng là nguy hiểm. Theo họ, trên thực tế phần lớn giai cấp lãnh đạo đã mất niềm tin rồi. Vì thế, việc hy vọng nhà nước sẽ giúp đỡ Giáo Hội và bảo vệ vô tư là một điều không tưởng. Giáo Hội chỉ mong nhà nước có một thái độ trung lập khoan dung. Một vài người khác còn đi xa hơn nữa, họ cảm thấy rõ rệt giá trị đích thực của chủ nghĩa tự do, nên họ sẵn sàng có tư tưởng cởi mở chấp nhận một quan niệm hiện đại hơn về con người, tôn trọng những quyền cơ bản của con người, quan tâm đến nhiều hơn cái mà ngày nay gọi là “quyền tự chủ thế tục”. Những người này không nhận thấy bao nguy hiểm có thể xẩy ra khi mở rộng quyền tự chủ đó và khi đòi hỏi cho con người một sự độc lập quá lớn đối với Thiên Chúa.
Như thế là hai nhóm công giáo dần dần chống đối nhau. Cả hai nhóm đều tha thiết phục vụ Giáo Hội, nhưng có những quan niệm khác nhau về cách thực hành. Những người lạc quan cho rằng Giáo Hội phải tiến lại gặp thế giới hiện đại, chấp nhận các thể chế tự do như Giáo Hội đã làm thủa xưa trong thời văn minh Hy-La, cho các phong trào thôn xóm tự trị của thế kỷ XII hay những khát vọng nhân bản thời Phục Hưng. Nhờ đó người ta sẽ mặc nhiên quên đi những vụ lên án nghiêm khắc của thông điệp Mirari Vos. Nhưng nhiều người khác lại chỉ đánh giá thế giới hiện đại bằng những lời bài bác Kitô giáo của cách mạng, họ nghĩ là để khỏi sai lầm, Giáo Hội nên tuyệt giao với thế giới hiện đại và củng cố việc phòng vệ ngõ hầu tránh mọi nguy hiểm lây bệnh. Cũng vì thế, họ nhấn mạnh rằng quyền giáo huấn nên long trọng nhắc lại những vụ lên án chủ nghĩa tự do và vạch rõ những sai lầm của thế giới hiện đại. Giáo Hội cũng đừng coi thường những rủi ro có thể xẩy ra, vì khi hành động như thế là mặc nhiên Giáo Hội gây thêm nghi ngờ cho nhiều người thuộc phe tự do lương tâm. Những người này nghĩ rằng người ta sẽ không thể xây dựng được một xã hội phù hợp với những sự tất yếu của thời đại nếu không chận đứng mọi ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo.
Chính ở nước Pháp, các cuộc tranh luận giữa người công giáo xung quanh vấn đề tự do hiện đại đã lên đến cực điểm. Chúng còn được thổi phồng lên quá độ, lý do là tại nước này những vấn đề chính trị có tầm ảnh hưởng triết lý và tôn giáo vốn gắn liền với đế chế (1).
Trong số những người chống đối nhóm công giáo tự do, có nhiều người tự hào xưng mình là “người công giáo thuần túy” với mục đích nhấn mạnh họ tha thiết trung thành với các lập trường của Roma. Họ được hướng dẫn bởi Dom Guéranger, nhất là bởi giám mục Pie. Vị này luôn tố cáo chủ nghĩa tự nhiên đang tìm cách gạt Thiên Chúa và Giáo Hội ra khỏi những sự việc thế tục, nhưng lại chấp nhận chủ thuyết hoãn việc hoàn thành Kitô giáo lại cho đến ngày tận thế (2). Nhưng những đệ tử quá nhiệt tình lại lấn át và lôi ông về phía hữu, họ không chú ý đến những quan điểm thế mạt và không chút nể nang đối với những người khác lập trường, họ coi thường giám mục Poitiers vì ngài không dứt khóat lập trường chính trị. Hơn thế, họ thổi phồng sắc thái siêu nhiên trong quyền thế tục và họ ngang nhiên đề cao quyền trực tiếp của Giáo Hội và giáo hoàng trong xã hội dân sự. Họ còn hy vọng một ngày sắp tới, bá tước Chambord sẽ thực hiện một Nhà Nước Kitô giáo như thời Trung Cổ. Họ không sượng sùng khi tung ra những ý kiến cực đoan đó, cũng như những nhận định thiếu công bằng về những người công giáo không đồng quan điểm với họ, đặc biệt đối với những nhà báo mà người nổi nhất là Louis Veuillot. Phần lớn các giám mục tỏ vẻ dè dặt đối với nhà báo này, vì ông có tham vọng áp đặt nền chính truyền cho các giám mục, nhưng ít lâu sau ông lại trở thành một vị thánh phán truyền cho các giáo sĩ hạ cấp ở vùng tỉnh. Nhờ cách nói bình dân và những lời nhận định dao to búa lớn, ông được hàng giáo sĩ cấp dưới ái mộ và đề cao. Qua hàng giáo sĩ, ông đã gây được ảnh hưởng trên một số khá đông giáo dân, là những tín hữu có thái độ bất khoan dung với hàng giáo sĩ và chê bai triệt để chính quyền dân sự.
Chống lại các hiệp sĩ của tuyệt đối, thì có rất đông những người “công giáo ôn hòa” nghĩa là những người tự do theo tiềm thức (Maurain). Trong đó có hai nhóm nhỏ rất hoạt động: đó là nhóm đồ đệ của đức cha Maret, khoa trưởng phân khoa Thần Học Sorbonne, Ngài coi thỏa ước như một dụng cụ cộng tác trong tự do giữa Giáo Hội và xã hội tục hóa (3). Và nhóm “Correspondant”,một “nhóm kinh viện và trưởng giả” (Palanque) được thúc đẩy bởi một nhóm giáo dân chống đối Bonaparte như Falloux, Cochin, de Broglie và nhất là Montalembert. Ðây là những người có tài, có địa vị xã hội và nhiệt tình giúp xây dựng Giáo Hội công giáo. Vì thế, họ có nhiều uy thế ngay giữa những người không đồng quan điểm với họ. Họ lại được sự ủng hộ của đức cha Dupamloup (4), mà uy tín đương lên và là nhà hùng biện và hiếu động, đang làm giám mục thành Orléans. Vị này bị các báo phe độc tôn La Mã tố cáo là lãnh tụ các giáo sĩ của nhóm “công giáo tự do”. Thế nhưng chủ thuyết tự do của ngài khá tương đối, vì ngài nhằm tái thiết một cộng đoàn công giáo phục vụ các mục tiêu của Giáo Hội, với những phương tiện mới mẻ, tức là những thể chế phù hợp với nguyện vọng của người đương thời. Theo họ, chỉ có những điểm đó mới có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại.
Ðó cũng là lập trường của phần đông các giám mục Bỉ và các giáo luật gia tại đại học Louvain. Họ không có cảm tình gì với ý thức hệ tự do, nhưng họ lại rất ý thức về những lợi ích cụ thể của hiến pháp tự do 1831. Thật vậy, hiến pháp này bảo đảm cho Giáo Hội độc lập đối với chính quyền dân sự, một sự độc lập mà vào thời đó Giáo Hội hầu như không có ở một nơi nào cả. Hiến pháp giúp cho Giáo Hội qua ảnh hưởng của các nghị viên công giáo, khôi phục được trong xã hội nhiều ảnh hưởng rất rộng rãi mà hàng giáo sĩ phải bảo vệ từng bước một trước những yêu sách thế tục hóa của phe chống giáo sĩ. Ðó cũng là lập trường Ketteler trình bầy vào năm 1862 trong cuốn sách của ông, tên là Freiheit, Autoritat und Kirche. Cho dù trong các giới bảo thủ, nhất là các tu sĩ Dòng Tên người Áo còn có thái độ ngập ngừng, lập trường trên đã chiêu hồi được phần lớn người công giáo Ðức, họ ý thức rõ về các lợi ích mà những tự do trong hiến pháp đem lại cho Giáo Hội, nhất là trong những nước mà đa số là không phải công giáo.
Nhưng vào năm 1860, giáo quyền Roma rất xao xuyến về một sự kiện hiển nhiên: hầu hết những nơi có những người theo chủ nghĩa tự do nắm chính quyền, người ta đều vội vã áp dụng một nền pháp chế không những bất lợi mà còn thật sự thù địch đối với Giáo Hội, đặc biệt trong phạm vi giáo dục và các dòng tu. Từ thủ đô của Giáo Hội, đức Pie IX hết sức lo âu: nếu ngài không phản ứng, ngài sẽ làm nản lòng một vài nước công giáo ít nhiều còn trung thành với hệ thống bảo vệ và đặc quyền mà ngài vẫn coi như một chế độ lý tưởng. Vì tình thế bắt buộc phải chấp nhận trong một vài nước những nhượng bộ thiết thực, đức Pie IX nghĩ là cần phải lớn tiếng nhắc lại các nguyên tắc. Ngài cũng cho là cần thiết phải có một lập trường đối với toàn thể chủ nghĩa tự do, vì có những vụ tranh luận ngày càng gay gắt xung quanh quan niệm kitô giáo về xã hội; hơn nữa, vì các vụ tranh luận còn chia rẽ thêm giới trí thức công giáo tại các quốc gia đàn anh. Một mặt, nếu ở Ðức có Doellinger là thủ lãnh, thì ở Anh người đứng đầu tầu là Acton với tạp chí The Rambler đang làm nổ tung vấn đề tự do của các nhà bác học công giáo đối với chính quyền giáo sĩ (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau (5)). Mặt khác, gần như khắp mọi nơi, đặc biệt là ở Ý, lại có sự trùng hợp về vấn đề Roma.
Sau thời Phục Hưng năm 1849, nước của giáo hoàng được mười năm yên tĩnh bề ngoài và dân chúng cũng tập làm quen với các chính phủ “theo mẫu gia trưởng” của giáo hoàng. Nhờ sự hướng dẫn khôn khéo của hồng y Antonelli, chính phủ đã thực hiện được một số những công trình cụ thể, đặc biệt về phạm vi hành chánh mà các sử gia tự do đã không chú ý đến (6), nhưng phái tư sản có học thức lại tỏ ra rất bất mãn. Họ phẫn nộ vì “chính phủ các linh mục” đã không thực hiện những cải cách cần thiết họ mong muốn và không để cho công dân được chia sẻ trách nhiệm chính trị. Cavour đã khéo khai thác tình thế này để thực hiện những dự án thống nhất nước Ý của ông, và để tiến hành, sau trận chiến 1859, việc sát nhập vùng Romagne tháng 3, rồi vùng Marches và Ombrie vào tháng 9 năm 1860, ngay sau khi đánh bại đội quân nhỏ bé của giáo hoàng tại Castelfidardo (9.1860). Ðội quân này do đức cha de Merode (7) thành lập và đặt dưới quyền chỉ huy của Lamoricière đại tướng người Pháp. Trong vòng 10 năm, Napoléon III là người không muốn thần dân công giáo sống bất mãn thêm, đã tích cực hỗ trợ trên bình diện chính trị. Nhờ đó, giáo hoàng đã giữ được thành Roma và vùng phụ cận. Nhưng đối với những người “thân Ý” thì đó chỉ là một tình trạng giao thời, họ quyết tâm xúc tiến để lấy Roma làm thủ đô cho vương quốc Ý mới mẻ này. Quyết tâm ấy đã thành tựu sau ngày 20.9.1870, khi quân đội Ý lợi dụng chiến tranh Pháp-Ðức, chiếm luôn phần còn lại của lãnh địa giáo hoàng.
Sau biến cố năm 1859 và năm 1860, điện Vatican vẫn còn do dự một thời gian ngắn, mới đưa ra một lập trường dứt khoát, là không chấp nhận “những việc đã rồi”... hồng y Antonelli không nhận thức đủ về những hoàn cảnh chính trị và tư tưởng đã thay đổi đến mức nào tại Châu Âu kể từ 10 năm qua, nên còn hy vọng vào chính sách đã thành công ở Gaète, nghĩa là kêu gọi các cường quốc công giáo dựa theo các nguyên tắc hợp pháp và những quyền bất khả tiêu diệt của giáo hoàng trên các nước của ngài mà một lần nữa cứu vớt quyền hành thế tục của giáo hoàng. Do đó, ngài thấy chỉ cần đứng trên bình diện những nguyên tắc về quyền lợi của con người chứ không phải chấp nhận một thỏa hiệp nào.
Lập trường của đức Pie IX lại hơi khác. Không giống Quốc Vụ Khanh của ngài, ngài vẫn còn giữ nhiều cảm tình sâu đậm với sự nghiệp quốc gia Ý, tuy nhiên nền độc lập của nước Ý đối với nước Áo là một chuyện, hơn thế nền thống nhất cưỡng ép tập trung dưới sự bảo hộ của Piémont vốn chống hàng giáo sĩ và chắc chắn sẽ xóa bỏ lãnh thổ giáo hoàng còn là một chuyện khác nữa. Quả thật không phải đức Pie IX muốn giữ chủ quyền thế tục cho chính mình, nhưng ngài nhận thấy đó là một bảo đảm cần thiết cho sự độc lập tinh thần của ngài. Hơn thế, những tiếng la ó phẫn nộ của báo chí phe Ðộc Tôn Roma trên khắp Âu Châu đã xác nhận: giáo hoàng phải chịu trách nhiệm về quyền hành ấy trước cộng đồng công giáo thế giới, và ngài không được tự do sử dụng theo sở thích. Ðối với những người có óc thực tế, đang thuyết phục giáo hoàng rằng “trước sau cũng phải điều đình”, đức Pie IX chống lại bằng một lòng tin cậy huyền nhiệm vào ơn Chúa Quan Phòng: Ngài xác tín rằng những biến động chính trị mà ngài bị liên lụy, chỉ là một giai đoạn trong trận đấu tranh lớn lao giữa Thiên Chúa và Satan, và dĩ nhiên cuối cùng sẽ kết liễu bằng một chiến thắng của Thiên Chúa. Theo ngài, cuộc xung đột giữa nước Ý tự do với chính quyền thế tục của giáo hoàng, sẽ trở thành một cuộc chiến tranh tôn giáo trong đó những chống đối mà ngài gọi là “cách mạng”, không chỉ có giá trị giữ cân bằng giữa các lực lượng ngoại giao hay chính trị, nhưng còn đòi hỏi phải cầu nguyện và tin cậy vào Thiên Chúa. Trước một số những nhà lãnh đạo, Risorgimento đã tỏ ra hăng hái đến mức độ trở thành nhà huyền bí trong cuộc đấu tranh chống những yêu sách của Giáo Hội, đức Pie IX lại càng xác tín đây chỉ là một vấn đề hoàn toàn tôn giáo.
Người ta bảo: đức Pie IX bị lôi cuốn rất nhiều bởi những ảo tưởng sẽ có phép lạ của những người thân cận, bởi những cuộc biểu tình hồ hởi của những nhóm hành hương càng ngày càng nhiều và luôn miệng hoan hô “giáo hoàng làm vua”, và bởi óc bè phái hẹp hòi của các nhà lãnh đạo chính trị Ý. Vì thế, vị giáo hoàng già nua càng ngày càng củng cố những yêu sách có lợi cho tự do tinh thần của Tòa Thánh với một lời phê phán triệt để các nguyên tắc tự do. Người ta thấy ngài không còn khả năng phân biệt giá trị tích cực của những khát vọng chính đáng nơi con người thời đại với việc nhượng bộ vụng về theo những thị hiếu nhất thời, với việc thỏa hiệp hầu như vô ý thức, và với những ý thức hệ chống lại tinh thần kitô giáo.
Trong bầu không khí ấy, tất nhiên có việc sửa soạn một bản án tổng quát những “sai lầm hiện tại”, và tiếp đến là thành hình bức thông điệp Quanta cura, (Lo lắng chừng nào!) vào tháng 12 năm 1864, có kèm theo bản Syllabus errorum, tức một danh mục gồm 80 đề xuất nhận định là “không thể chấp nhận được” (8). Một số trong những đề xuất đó là những điều lạc đạo hiển nhiên, hay ít ra là những sai lầm mà các trường thần học đều loại bỏ. Những đề xuất khác là những điều cảnh giác hữu ích, thời đó ít ai để ý tới, chống chính sách nhà nước độc tài theo thuyết của Hegel, hay chống những lạm dụng của chủ nghĩa tự do kinh tế trong vấn đề xã hội. Nhưng một phần trong hai văn kiện trên nhằm rõ ràng vào quan niệm tự do trong tôn giáo và trong xã hội: đó là những yêu sách của Nhà Nước muốn độc quyền về trường học, chống đối các dòng tu, chủ trương mọi tôn giáo đều bằng nhau và xã hội loài người không cần đến tôn giáo nên phải tục hóa mọi thể chế, phải tách biệt Giáo Hội với Nhà Nước, phải cho hoàn toàn tự do tôn giáo và tự do báo chí. Tất cả những điểm trên không chỉ được coi như những giải pháp thực tế đối với đa dạng dư luận, mà phải coi như một lý tưởng và một tiến bộ nhân bản. Từ những quan điểm trên, dân chúng thấy rõ ràng: các đề nghị trong Syllabus làm cho những người có trí óc hiện đại phải hết sức hoang mang. Những đề nghị ấy còn gay gắt hơn bởi những lời bình luận trong sách báo của phe Ðộc Tôn Roma. Do đó mối hiểu lầm và không thông cảm giữa hai phe (cấp tiến và bảo thủ) càng ngày càng gia tăng.
Thoạt đầu, nhiều người không phải là công giáo coi Syllabus như một xác nhận hiển nhiên tính cách xung khắc triệt để giữa học thuyết công giáo với những cách thức suy tư của thế kỷ XIX. Nhiều người công giáo tự do nhất là ở Pháp và ở Bỉ nghĩ rằng: trên thực tế mình đã bị lên án. Nhưng rồi, người ta nghĩ ngay đến những phân biệt cần thiết và tình hình dịu đi nhanh chóng đặc biệt nhờ một cuốn sách mỏng của giám mục Dupanloup. “Bản dịch thông điệp này ra tiếng hiện đại” (A. Deschamps) không những xoa dịu tình thế, mà còn rất được hoan nghênh, ngay đến tận Châu Mỹ. Chỉ trong một thời ngắn nó đã lật lại thế cờ đối với dư luận, làm phe chống giáo sĩ rất bực mình, nhất là ông Veuillot và các bạn hữu của ông. Hơn thế, nhờ vào tình thế mà tác giả biết lợi dụng, một cách nào đó, cuốn sách nhỏ ấy đã được coi như một giải thích bán chính thức (9). Do sự can thiệp khôn khéo của đức cha Dupanloup nhiều người công giáo tự do bỏ ý định rút lui như người ta dự đoán buổi ban đầu, và kiên trì chịu đựng cho đến ngày đăng quang của đức Léon XIII. Phải nói thật, nguyên nhân lớn khiến những người công giáo tự do dịu xuống như vậy, là vì nhiều người trong họ nhận thức rằng: trong vụ can thiệp của giáo hoàng, họ đã có những lời tuyên bố quá đáng và không chính xác, họ phải thận trọng, không được khiêu khích vị giáo chủ cao niên. Chính ngài, ngày càng bực tức thêm với óc bè phái của những kẻ tự xưng là tự do, và vì thế ngài không nhìn thấy khoảng cách biệt giữa căn tính công giáo tự do, với chủ nghĩa tư bản tự do phỏng theo thuyết duy lý và thuyết tự nhiên. Cũng vì tình thế, ngài đã tỏ ra khoan dung trong nhiều trường hợp mang danh là “giả thuyết tự do”, nhưng ngài không thể không tỏ thái độ ác cảm đối với những kẻ cho đó là điều cần thiết. Trái lại ngài quý chuộng những ai không quan tâm đến sự tiến triển của công luận và những sự kiện ngẫu nhiên của địa phương. Những người này thường nhắc lại những đòi hỏi của “Luật xã hội kitô giáo truyền thống” và những lời khuyến khích đã nhận được từ Roma, để nhờ đó họ có niềm tin và dấn thân vào sứ mệnh được trao phó (10). Sự thất sủng của những người công giáo tự do gây ra một hậu quả nguy hại: trong vòng mười lăm năm, chỉ có những người cực đoan hoạt động nổi bật trên các môi trường tôn giáo và xã hội, một bên là những người tự do triệt để, và những người thuộc phe Ðộc Tôn Roma, hai bên cùng cố chấp như nhau và đều mong muốn áp đặt ý thức hệ của mình cho toàn thể người đồng hương.
Ngày đăng quang của đức Léon XIII được những người công giáo tự do coi như một thắng lợi về quan điểm của họ. Tuy nhiên không vì thế mà về sau đức Léon XIII trở thành một nhà “tự do”. Ngài luôn từ chối danh xưng như vậy, mà đó cũng là điều chính đáng. Như chúng ta đã thấy trong chương I, nhiều lần ngài đã dựa vào Syllabus để xác nhận phần chủ yếu của học thuyết xã hội kitô theo đức Pie IX. Ðiều đáng chú ý là trong triết lý chính trị, ngài luôn đặt quyền bính lên hàng đầu, trong khi chủ nghĩa tư bản tự do lại coi tự do là nền tảng của học thuyết Nhà Nước. Ngài không hề chấp nhận việc thế tục hóa dần dần các thể chế, ngược lại, mục đích của ngài là đem sử dụng tối đa những phương sách sẵn có trong công pháp hiện đại để tái kitô hóa các thể chế, và trả lại cho Giáo Hội địa vị lãnh đạo tinh thần của nhân loại như Giáo Hội vốn có trong những thế kỷ trước. Quả thật, ngài quan tâm minh định rằng: Giáo Hội phải nối lại cuộc đối thoại với thế giới hiện đại và phải thận trọng dấn thân vào những con đường của tương lai, nên đức Léon XIII quan tâm chấm dứt những cuộc xung đột với các chính phủ còn rớt lại từ các vị tiền nhiệm, và thúc đẩy người công giáo sử dụng đúng đắn những tự do ghi trong hiến pháp để phục vụ sự nghiệp chung; ngài cũng cố gắng hòa đồng các thể chế tự do theo quan niệm công giáo về Nhà Nước và về xã hội. Ðường lối hòa đồng của đức Léon XIII đã làm cho nhiều người áy náy lương tâm khi họ đối chiếu với những lời chúc dữ thường xuyên của đức Pie IX chống lại xã hội hiện đại. Vì thế, họ nghĩ rằng để giữ đức tin, họ phải quay về các hình thức sống đạo xưa kia. Ðến nỗi nhiều giáo dân và dòng nữ đã tha thiết xin Thiên Chúa mau giải thoát Giáo Hội khỏi tay “ông giáo hoàng Tam Ðiểm” này!. Ðồng thời nhiều biến cố xẩy ra liên tục, như “sự thoái chí vì hờn dỗi” của giáo sư người Bỉ Charles Périn (11), người biện hộ cho “Luật xã hội kitô giáo” theo quan niệm của đức Pie IX; những phản ứng của nhà báo Tây Ban Nha Nocedal; hay chuyện điên khùng của hồng y Pitra trong năm 1885 (12). Tất cả những sự kiện trên cho thấy: ngay các nhà trí thức cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc thích nghi theo những thay đổi mà đức Léon XIII đưa ra. Nhờ sự suy nghĩ lâu dài trong những năm chưa lên ngôi giáo hoàng, và do ảnh hưởng bởi cuộc thí nghiệm hiến pháp của người công giáo Bỉ, và nhất là đã theo dõi tình hình Giáo Hội tại các nước Anglo-Saxon, nên đức Léon XIII đã suy nghĩ và quyết tâm ban hành một loạt thông điệp rất được chú ý, để trình bầy một cách xác thực và thích nghi với các dữ kiện hiện đại, lý thuyết công giáo trong những mối tương quan giữa thế tục và tinh thần, giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Khi đóng khung những vụ lên án cái lý tưởng tự nhiên và duy lý của chủ nghĩa Nhà Nước vô thần bằng những bài thuyết trình khoáng đạt và xác thực về xã hội kitô giáo, về lý tưởng và khái niệm tự do theo quan điểm công giáo, sự tự do mà ngài gọi là “Ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa”, đức Léon XIII đã làm cho những lời lẽ kết án có nền tảng vững chắc và hợp tình hợp lý hơn. Khi giải thích những lời lên án, người ta không có cảm tưởng chúng chỉ biểu lộ tâm cảm chống đối, nhưng chúng còn ứng dụng hợp lý một học thuyết có mạch lạc. Ngoài ra, trong bản văn của các Thông điệp, đức Léon XIII đã tỏ ra là con người rất quen thuộc với những ý kiến mềm dẻo khôn khéo. Thí dụ trong Thông điệp nổi tiếng “Libertas” (Sự Tự Do) (1888) (13), ngài giải thích những điểm nào có thể đón nhận được trong những ý kiến của thời đại liên quan đến vấn đề tự do lương tâm, phụng tự hay tự do báo chí. Những điểm này thật rõ ràng nhưng đức Pie IX nhiều khi chỉ nói miệng mà thôi, vì ngài sợ người ta bóp méo và xuyên tạc những lời lên án mạnh mẽ của ngài. Ðức Léon XIII rất giỏi về việc phân tách thế nào là vĩnh cửu, thế nào là biến đổi thất thường. Nếu ngày nay chúng ta không hài lòng vì thấy ngài không đi xa hơn việc phân biệt giữa chính đề và giả thuyết, nghĩa là giữa một xã hội lý tưởng và những sự kiện không quan trọng trong thực tế mà ta cần phải khoan dung, thì ít ra chúng ta phải thấy ngài nhấn mạnh hơn về giả thuyết là chế độ bình thường của thời đại chúng ta. Lại nữa, trong khi đức Pie IX, tuy không chối bỏ là chế độ giả thuyết phải được dung thứ trong nhiều trường hợp, luôn khuyến khích người công giáo làm hết sức mình để giả thuyết được áp dụng thực sự. Trong khi đức Pie IX suốt 15 năm cuối đời luôn đổ dầu vào lửa trong những vụ tranh luận chống đối giữa người công giáo tự do và người công giáo cố chấp về tính hợp pháp của những hiến pháp căn cứ vào việc áp dụng các nguyên tắc của năm 1789, còn đức Léon XIII, ngay khi vừa lên ngôi, đã phản đối một cách rõ ràng và dứt khoát những cuộc tranh luận đó. Theo ngài, những cuộc tranh luận ấy vừa vô bổ vừa tai hại. Ngài nhắc lại gương sáng của Giáo Hội tiên khởi, và ngài động viên người công giáo, trừ ra tại Ý quốc vì ở đó vấn đề Roma đã thay đổi các dữ liệu của vấn đề, nên tham gia vào đời sống công cộng mặc dù các thể chế ở nước mình không phù hợp với lý tưởng kitô giáo (14).
Nhưng không phải chỉ thay đổi âm giọng mà thôi, đức Léon XIII vừa nhắc lại những cốt yếu trong học thuyết của các vị tiền nhiệm, vừa đưa thêm vào một số những chi tiết thực sự quan trọng đã khai mở và diễn tiến đến những quan điểm hiện đại. Khác với đức Pie IX, đức Léon XIII không chỉ đòi hỏi những quyền lợi của Giáo Hội mà còn bổ túc những đòi hỏi ấy bằng cách định nghĩa năng quyền của thế lực dân sự, mức hoàn thiện của thế quyền trong phạm vi riêng biệt và tính cách độc lập chính đáng của nó đối với quyền bính của hàng giáo sĩ. Ngài tiếp tục nhắc lại và nêu bật sức mạnh thiêng liêng của quyền bính Giáo Hội đến mức độ ngày nay người ta cho là khuynh hướng quá phò giáo sĩ. Như chúng ta thấy, đức Léon XIII mở đầu các Thông điệp Immortale Dei (1885) (Sự bất tử của Thiên Chúa) và Sapientiae Christianae (Sự khôn ngoan kitô giáo) (1890), bằng việc khôi phục quyền thế tục “mà ở đây kế hoạch thần học được đặt vào đúng vị trí lịch sử và luật pháp” (15). Nhờ có vốn triết lý thánh Thomas và học thuyết Aristote, ngài đã trình bày một nền thần học về Nhà Nước và về xã hội dân sự, đã công nhận sự vững chắc của chúng trong phạm vi riêng biệt. Ðó là những điều khá mới mẻ trong giới công giáo thời ấy, được phát biểu cách thận trọng nhưng cương quyết. Ðây là một trong những công trạng lớn của đức Léon XIII. Cũng thế, khi khuyên nhủ người công giáo ở Pháp hay ở Tây Ban Nha nên hội nhập vào những chế độ mới và từ bỏ chủ nghĩa chính thống không hiểu biết gì về những biến động của lịch sử, đức Léon XIII đã vượt qua “chủ nghĩa tùy cơ hội đơn thuần” của đức Grégoire XVI và đã đặt những cột mốc đầu tiên cho nền “thần học cách mạng”.
Khảo sát bản thảo đầu tiên của đức Léon XIII, chắc chắn ai cũng thấy phải còn lâu mới có thể xúc tiến mạnh mẽ việc áp dụng quyền kitô vào một xã hội trong đó chế độ cũ đã lỗi thời. Nhiều bài báo giá trị của cha Murray đã làm sáng tỏ những giới hạn cần thiết phải áp dụng cho giáo thuyết của đức Léon XIII về vấn đề đó trong bối cảnh lịch sử bấy giờ : “Bối cảnh lịch sử tức thời” chính là cuộc chinh phục quyền chính trị trong phần lớn các nước Âu Châu và Mỹ Châu La Tinh do phe Tam điểm chủ trương để loại trừ ảnh hưởng của Giáo Hội ra khỏi đời sống công cộng, và sự gia tăng các chính phủ theo thuyết tự do. Họ có chung một chính sách can thiệp phiền hà vào mọi hoạt động của hàng giáo sĩ. Còn bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn, chính là gia tài nặng nề của các chế độ chuyên chế còn để lại sau bốn thế kỷ hiện hữu. Do nền Thần luật về các vua chúa hay quan niệm Jacobin đề cao Nhà Nước, các chế độ chuyên chế đã ảnh hưởng sâu đậm đến triết lý chính trị công giáo, đến độ người ta vẫn nhận ra ảnh hưởng đó cả khi triết lý nhắc lại những công thức kinh viện. Ðem đặt những điều khẳng định của giáo hoàng vào bối cảnh lịch sử này, người ta sẽ hiểu rõ hơn tính cách ngẫu nhiên của các khẳng định đó. Sau đây là một thí dụ về quyền bính và tự do: đức Léon XIII khi đặt vấn đề theo lý thuyết của Potestas (16) hơn là lý thuyết về cộng đồng bình dân, ngài thực sự tỏ ra không trung thành với các học thuyết thời Trung Cổ, nhất là học thuyết thánh Thomas và ngài bị ảnh hưởng mà không ngờ, về truyền thống chuyên chế của thế kỷ XVI và XVII. Bởi cá tính và do sự đào tạo, ngài thật sự không phải là người dân chủ.
Ðức Léon XIII nhìn nhận và đưa ra như một học thuyết chính thức tất cả những cái gì hợp lý trong các thể chế của các người công giáo tự do thuộc thế hệ trước: Thay vì những lời khẳng định quá cục cằn của họ, ngài đề cao thuyết tự do công giáo. Thế nên vài năm sau, nhà bút chiến E. Barbier đã tố giác ngài trong một cuốn sách có hai tập “Những sự tiến bộ của chủ nghĩa tự do công giáo tại Pháp dưới thời đức Léon XIII” (1907) (Les Progrès du libéralisme catholique en France sous Léon XIII). Hiện tượng này không chỉ có riêng ở nước Pháp. Mặc dù có những đối kháng ở hậu trường, như cuốn sách của linh mục Tây Ban Nha F. Sarda y Salvany, El Liberalisme es pecado (1884), hay như cuộc biểu tình của hồng y Pitra, nhưng ai cũng thấy hiện tượng ấy mỗi năm một lan rộng tại các quốc gia và trong mọi tầng lớp dân chúng. Tại một vài nước tình hình chính trị biến chuyển mỗi ngày một rõ nét, đồng thời đức Léon XIII làm sáng tỏ thêm học thuyết của ngài. Do đó, các trào lưu tư tưởng được phối kết lại tùy theo ranh giới của các khối chính trị mới. Như ở Pháp, ở Ý hay ở Bỉ, những người dân chủ kitô giáo, mà chương trình chính trị đương nhiên là theo đúng đường lối của cách mạng 1789. Phần lớn họ thuộc giới “cố chấp” mà suốt 20 năm, họ đã hăng say chống lại những người công giáo tự do và những lời họ khuyên “nên trở về với xã hội hiện đại” (17). Một trường hợp đặc biệt, biểu lộ rõ ràng sự tiến triển của tâm tính con người là chương trình của phái công giáo Hòa Lan do cha Schaepman điều động, dựa vào sự cộng tác của các người tin lành, để cùng chống lại việc thế tục hóa xã hội, nhất là về mặt học vấn. Ðó là một chương trình chống tự do theo cung cách lên án của đức Pie IX và của những người cố chấp chống lại thuyết “vô thần xã hội”. Nhưng đó cũng là một chương trình tự do, vì nó chủ trương tự do tôn giáo, và nhìn nhận một nền tảng kitô giáo chung tiềm tàng trong các tôn giáo khác nhau.
Thế nhưng, nếu trong vòng mấy năm, nhất là kể từ 1885, người ta nhận thấy các cuộc tranh luận trước đây về những thể chế hiện đại và về xã hội kitô giáo, đã bùng lên như vũ bão suốt cả một thế hệ rồi dần dần dịu xuống, thì nay lại nhúm lên âm ỉ dưới đống tro tàn. Hơn nữa, theo dòng thời gian, người ta càng nhận thấy rõ là: ngoài vấn đề các tự do được hiến pháp công nhận, còn một vấn đề rộng rãi hơn và “đáng sợ và quá mập mờ” (Poulat) làm cho lương tâm người công giáo xao xuyến, đó là phải có thái độ nào đối với “xã hội hiện đại” về mọi phạm vi chính trị, xã hội, trí thức và đạo đức... Ngay dưới triều của đức Pie X, phe bảo thủ quá khích còn hung hăng chống đối chủ nghĩa tự do công giáo. Nhưng người ta đã biết rõ những vụ chống đối như vậy đã có từ cuối triều của đức Léon XIII, đặc biệt bùng nổ tại Mỹ, và nhất là tại Pháp (18).
Vào năm 1894 cha F. Klein dịch ra tiếng Pháp một tập những bài diễn văn của tổng giám mục Mỹ Ireland, với nhan đề “Giáo Hội và Thế Kỷ”. Ngài là một trong những nhà biện giáo hết sức nhiệt thành, hết lời ca tụng nền dân chủ Mỹ. Ngài cổ động nồng nhiệt cho Giáo Hội Công Giáo thỏa hiệp tối đa với văn minh hiện đại. Ba năm sau, ngài còn đề tựa cho một bản dịch tiếng Pháp là cuốn “Ðời sống của cha Hecker” người sáng lập ra Hội Thừa Sai Thánh Phaolô (Paulistes) ở Mỹ. Ngài thôi thúc các thừa sai đương thời đừng quên: tinh thần siêu nhiên không miễn trừ việc thực hành những đức tính tự nhiên, nhất là những đức tính “chủ động”; và nên tiếp thu các sáng kiến do Thánh Linh gợi hứng hơn là chỉ phục tùng các bề trên cách thụ động. Bài tựa này mời gọi giáo sĩ Âu Châu nên bắt chước tinh thần truyền giáo mới của Mỹ. Nó được coi như một bản tuyên ngôn. Trong khi Kitô giáo vỗ tay hoan nghênh, và còn ca tụng quá lời, thì nhiều người công giáo lại bị bối rối bởi các chỉ thị chính trị và xã hội của đức Léon XIII. Trong số những người này, có nhiều thành phần của hàng giáo sĩ Mỹ. Họ nói lớn lên rằng: họ lo sợ các quan niệm truyền thống sẽ bị thay thế, nên họ phẫn nộ phản kháng. Họ nhận thức rằng hệ thống chuyên chế bao hàm những điểm cốt yếu của tôn giáo, bị vỡ bờ và bị đe dọa bùng nổ dưới ảnh hưởng của hai sức mạnh mà cha Hecker và các nhà biện hộ ông đã hết sức ca tụng. Ðó là ”Thánh Linh một bên, và tôn giáo một bên”. Theo sau vụ cha Ch. Maignen, tác giả một bài văn đả kích nhan đề “Cha Hecker có phải là một vị thánh không?”, họ lên tiếng tố cáo chủ thuyết tân lạc giáo Pélage đề cao tự do với bất cứ giá nào, đề cao những đức tính tự nhiên và tinh thần hiện đại. Họ khéo léo đưa ra một vài công thức chua cay trong cuốn “Ðời sống của cha Hecker” để phê bình. Nhưng họ lại tán thành những ý tưởng mới, mập mờ nước đôi của các người có đầu óc tân tiến hơn. Theo họ, “kiểu cách Mỹ” là một phương tiện tốt mở con đường mới cho chủ nghĩa Tân Công Giáo tiến lên và nhất quyết đổi mới về tinh thần cũng như về cơ cấu. Trong vòng nhiều tháng, cuộc đấu tranh mặc sức tung hoành và choán đầy mục tin vặt của các nhật báo và tạp chí. Nhiều người vô tín ngưỡng muốn tham gia cuộc đấu tranh, họ xác tín hơn ai hết rằng không thể có sự tương hợp giữa Giáo Hội Công Giáo và trào lưu hiện đại. Sau cùng người ta tự hỏi với cha Jacquemet: phải chăng “những sự bất hòa trên đã làm suy giảm lòng nhiệt thành truyền giáo và chậm trễ việc tổ chức CGTH.
Ðức Léon XIII đã nghiêm nghị phản kháng trong một công thư gửi cho tổng giám mục thành Bourges (25.5.1899), trong đó ngài dạy phải chống lại mọi khuynh hướng sai lầm “muốn chạy theo lối Mỹ”, lại phải cẩn thủ chứ không sửa đổi những mệnh lệnh ngài truyền về cách xử sự mà người công giáo Pháp phải có trong vấn đề chính trị và xã hội. Những người chống đối các mệnh lệnh đó đã phải “hạ buồm” trong hai mươi năm, thì nay, giống như những người công giáo tự do trước kia, họ cảm thấy gió đã đổi chiều lợi cho họ ở Roma: những kẻ cố chấp đã dần dần gây được áp lực đối với một vị giáo hoàng già nua, và họ chờ đợi sẽ thành mẫu mực nghiêm chỉnh dưới triều giáo hoàng kế tiếp.
Lạc quan dựa vào đà tiến triển có lợi cho Giáo Hội giữa một thế giới thoát thai từ cuộc cách mạng trí thức của thế kỷ XVIII và những cuộc cách mạng chính trị của thế kỷ XIX, đức Léon XIII đã thực thi một chính sách vừa hiện diện vừa cởi mở. Trái lại, đức Pie X, vốn tính dè dặt và bảo thủ, còn bị bao vây bởi giới thân cận, nhất là bởi hồng y Merry del Val, đã trở về những vị trí cố chấp. Ngài sợ thấy Giáo Hội phản bội sứ vụ hàng đầu của mình nếu Giáo Hội thỏa hiệp với những hình thức tổ chức của nền văn minh hiện đại đang được phe tôn sùng chủ nghĩa tự do ca tụng và phe dân chủ liên minh thành cánh tiên phong. Nhân danh những đòi hỏi của tiến bộ khoa học, họ muốn tục hóa dần dần những thể chế và xã hội, thăng tiến quần chúng, hạ cấp giới ưu tú, và giải phóng những trí tuệ bị quyền lực thống trị.
Chắc chắn không nên đối kháng bất cứ vấn đề gì trong thái độ của hai vị giáo hoàng, nhất là trong những chỉ thị thực tiễn về vấn đề chính trị. Chính đức Pie X đã tránh, ít nhất là trong mấy năm đầu, không cho thấy ngài gắn bó với những việc trên (19). Cũng vậy, trong nhiều năm ngài tỏ ra tán thành hơn vị quốc vụ khanh của ngài, về mưu toan chính trị của J. Piou dưới danh nghĩa “Tiến Hành tự do bình dân”. Ông này muốn tìm cách bảo vệ tình hình Giáo Hội ở Pháp trước những phản công của những người muốn dựa trên nguyên tắc “tự do cho tất cả mọi người” và ”bình đẳng trước pháp luật” để chống đối hàng giáo sĩ. Ngài còn tuyên bố với J. Piou: “Giáo Hội ở Pháp chỉ có thể bảo vệ được bằng tự do thôi” hay là: “Cần phải thiết lập một nền Cộng Hòa tốt dưới bóng cờ Ðức Giêsu Kitô”. Vì tình hình của “Nhà Nước Pháp chính thức” mỗi ngày một thêm bè phái, đức Pie X phải ngả dần theo đường lối của những người chống chính sách chiêu hồi. Những người chủ trương chính sách này không ngừng nhắc lại: “Nước Cộng Hòa là chiến tranh với các ý niệm tôn giáo”. Cũng vì tình hình của Nước Pháp mà đức Pie X suy nghĩ rằng, cho dù họ có ý tốt đi nữa, những người công giáo tự do cũng làm lợi cho phe Tam Ðiểm. Bài diễn văn ngài đọc ngày 19.4.1909 trước những người Pháp đi hành hương Roma để dự lễ phong chân phước cho Jeanne d'Arc, đã đặc biệt quan tâm đến tình hình diễn tiến đó (20).
Nhưng vượt ra ngoài những thay đổi có thể xẩy ra về chiến thuật phải theo để bảo vệ Giáo Hội trong địa hạt chính trị, điều cần phải lưu ý là sự chống đối theo bản chất của đức Pie X đối với chủ nghĩa tự do trong đó, ngài nhìn thấy dễ dàng như đức Pie IX, có sự gặp gỡ đủ thứ tà thuyết. Một điểm đặc biệt trong chương trình tự do được đưa ra bàn thảo là “sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước”. Dựa vào những biến cố đang xẩy ra ở Pháp, ngài cho rằng: “tuyệt đối không thể chấp nhận được”.
Tin tưởng sâu xa vào sự cố kết giữa tôn giáo, chính trị và xã hội, và không phân biệt chỗ khác nhau giữa tổ chức hành chánh của Nhà Nước và của Giáo Hội và với mối mâu thuẫn giữa quốc gia với kitô giáo, ngài coi sự tách biệt như một tội phạm thánh và “nghiêm trọng lăng nhục đối với Thiên Chúa, Ðấng sáng lập các xã hội loài người, cũng là Ðấng dựng nên những cá nhân, nên người ta phải tôn thờ không những cách riêng tư mà cả công khai nữa” (21). Ðức Léon XIII cũng bày tỏ gần giống như vậy về các nguyên tắc, nhưng ngài không ngần ngại công nhận những lợi ích thực tiễn mà giải pháp tự do đem đến cho Giáo Hội. Riêng trường hợp đặc biệt của nước Bỉ, ngài buộc những người công giáo, như ông Périn, phải giữ yên lặng. Vì những người này nghĩ rằng, để trung thành với học thuyết của đức Pie IX, họ phải đòi hỏi sự thống nhất chặt chẽ hơn giữa hai quyền lực đạo và đời. Ðức Pie X hành động ngược lại, ngài vội vã khiển trách công khai lá thư mục vụ về “Giáo Hội và thời buổi mới” (L'Eglise et les temps nouveaux) của vị giám mục Crémone già nua, dễ dãi là đức cha Bonomelli. Nhận thấy tình hình thực tế, vị này đề nghị: nếu tiếp tục chống đối tất sẽ có sự tan vỡ khủng khiếp, vì thế Giáo Hội nên điều đình thỏa hiệp với Nhà Nước để đôi bên vừa tách biệt vừa hỗ tương nhau, ít ra trong việc xử dụng các tự do theo luật phổ thông (22).
Lại còn nhiều điểm khác trong quan niệm tự do của xã hội làm đức Pie X hết sức dè dặt: đó là sự khẳng định chủ quyền tuyệt đối của nhân dân mà hậu quả là làm yếu đi tinh thần kỷ luật và tinh thần tôn trọng những giá trị phẩm trật mà ngài coi là rất quan trọng; đối với ngài và với nhiều nhà thần học thời ấy, quyền tuyệt đối của dân chúng trái ngược với nguyên tắc Thánh Kinh là “mọi quyền bính đều bởi Thiên Chúa mà đến”; lại còn việc nhấn mạnh đến sự tự chủ của lương tâm cá nhân và sự cần thiết phải có thái độ khoan dung rộng rãi với tất cả mọi quan điểm. Nói một cách tổng quát, là phải ưu ái đối với quan niệm tiến hóa của xã hội hơn là quan niệm tĩnh tại đang từ chối đặt lại vấn đề các cơ cấu truyền thống để chỉ sắp xếp trong một khung cảnh bất di bất dịch.
Chính trong bối cảnh này mới giải thích được một hành vi dưới giáo triều của ngài mà người ta coi là tiêu biểu cho những việc Vatican gây khó dễ đối với những khát vọng dân chủ của thế giới hiện đại, đó là việc lên án phong trào Sillon.
Phong trào này bắt nguồn từ một nhóm học sinh của trường trung học Stanislas ở Paris lúc đầu vào những năm 90. Họ tìm một sự hòa giải giữa Kitô giáo và xã hội, họ thừa nhận những nguyên tắc cách mạng 1789 theo đường lối của một nhóm công giáo khuynh tả với ba đặc tính: Chấp nhận vô điều kiện điều Mạc Khải do Giáo Hội truyền lại; Chấp nhận trào lưu của lịch sử được coi như một sự tiến bộ, được Thiên Chúa chúc phúc bằng cách can thiệp vào đời sống luân lý của loài người; Xử sự thiện cảm với những người không công giáo thuộc phe tả là những người mà họ cảm thấy tương hợp, nhưng họ vẫn bác bỏ những tiền đề duy lý của người khuynh tả. Marc Sangnier (1873-1950) là một kỹ sư bách khoa có tâm hồn hăng say, xuất thân từ giới đại tư sản, đã ảnh hưởng trên các bạn và chi phối họ một cách mạnh mẽ tới mức độ mê hoặc họ. Kể từ năm 1899 ông đã biến đổi hẳn phong trào tư tưởng thuần túy buổi ban đầu thành phong trào hành động với tờ tạp chí Le Sillon (Luống Cầy). Tạp chí này được P. Renaudin phát hành vào năm 1894, và nhờ có tính năng động dễ chinh phục lòng người, có tài hùng biện đầy nhiệt huyết, Marc đưa ra nhiều sáng kiến hữu hiệu. Chẳng bao lâu, những sáng kiến này đem lại nhiều thắng lợi đáng chú ý: đó là việc khai triển những “câu lạc bộ nghiên cứu xã hội”, trong đó các thanh niên trí thức và những nhân công trẻ tuổi kết thân với nhau một cách hoàn toàn bình đẳng. Vào năm 1905, trên đất Pháp đã có khoảng 2.000 người. Phong trào còn thiết lập những học viện bình dân, tranh đua với các đại học bình dân của phe xã hội; tổ chức những buổi hội họp quần chúng để tranh luận về nhiều vấn đề thời sự. Với sự trợ giúp của H. du Roure, một người hết sức tận tâm, phong trào lại thành lập những đoàn “thanh niên tự vệ” được long trọng tuyên thệ sau một buổi canh thức tôn giáo ở Montmartre. Các nhóm này có trách nhiệm giữ an ninh trong những buổi hội họp thường sôi nổi và đồng thời tuyên truyền cho phong trào. Phong trào này chẳng bao lâu đã lan tràn xuống các tỉnh nhờ mấy nhân vật cương nghị tại vùng Bretagne ở phía Bắc, vùng Lorraine ở phía Nam, đó là chưa kể phía Ðông Nam. Nơi đây phong trào gặp được các tổ chức tương tự đã có mặt từ nhiều năm rồi, cho nên phong trào nhanh chóng đi vào chiều hướng một Ðạo Thập Tự quân phục vụ một lý tưởng gợi lại giấc mơ xa xưa của nhóm Avenir: đó là Kitô hóa nền dân chủ tân thời nhờ vào những giáo dân tràn đầy tinh thần tông đồ, nhất là cố gắng thu phục các giới bình dân theo Giáo Hội và giải hòa Giáo Hội với nền Cộng Hòa.
Ngoài những cố gắng làm cho mọi người xích gần lại với nhau, nhất là xác tín vào những nét cao đẹp của lý tưởng dân chủ, Sangnier vẫn nghi kỵ những người công giáo tự do, những người trong nhóm Correspondant và Action Libérale populaire. Ông cho rằng những người này đã đoạn tuyệt với các phong trào đang tiến lên, và “không có đủ khả năng thoát bỏ các liên hệ với những phần tử bảo thủ cũ”. Ông cũng xa những người dân chủ kitô vì họ chỉ chủ trương cải cách các cấp bậc theo thể chế, trong khi đó ông cho là khẩn cấp việc giáo dục tinh thần quần chúng, ngõ hầu giúp họ thay đổi não trạng. Muốn đạt tới kết quả, nhất thiết phải nhờ đến sức mạnh tinh thần là yếu tố không thể thay thế, một tinh thần dân chủ thực sự mà, nếu thiếu thì các thể chế dân chủ sẽ bị xuyên tạc và bóp méo. Ðó là một khía cạnh làm cho nhóm “Sillon”, dù họ vẫn chối cãi, đứng vào vị trí của phe theo tự do công giáo của thế kỷ trước.
Có sự đối lập! Một bên là phong trào giải phóng mãnh liệt có tham vọng dựa vào uy tín thần ân để lôi cuốn, kích động và tập trung dân chúng thành một cộng đồng huynh đệ, nhưng không có tổ chức chặt chẽ để khỏi bóp chẹt nhiệt tình sáng tạo. Một bên khác là ý chí kiên trì cố gắng lần lần đưa lý tưởng kitô vào trong những cấu trúc phức tạp của xã hội, và muốn như thế thì phong trào phải tự tổ chức, phải nắm vững những trách nhiệm quản lý các thành phố. Sự đối lập trên đã gây ra ngay buổi đầu, trong năm 1905, một loạt những khủng hoảng, như vụ ly khai của các nhóm Lyon, rồi đến các nhóm Limoges. Các nhóm này bất bình về cách xử chuyên quyền và độc đoán của Sangnier, cụ thể là việc ông loại trừ Charles d'Hellencourt, một trong những hoạt động viên nồng cốt của phong trào. Ðây là một cuộc đảo chính nhỏ đã xẩy ra sau khi nhiều người cùng phe với Charles bỏ phong trào (23). Nhưng những vụ rối reng nội bộ này không làm tổn thương sức mạnh rạng rỡ của Sillon. Nhiều khủng hoảng nghiêm trọng hơn đã xẩy ra, kể từ năm 1906 khi Sillon dấn thân vào chính trị, là các vụ xung đột với nhà cầm quyền trong Giáo Hội.
Trong thời gian đầu, những người trong phong trào Sillon dưới ảnh hưởng của một vài vị thuộc dòng Giảng Thuyết, môn đệ của cha Gratry, đã nghĩ đến một “đô thị của các tâm hồn” muốn dấn thân thực sự vào các “đô thị dân chủ”, để biến đô thị này thành một “cộng đoàn kitô hữu mới”. Nhưng những khó khăn gặp phải khi hành động đã dần dần thúc đẩy họ thay đổi phương án ban đầu: phương án “kitô giáo bởi dân chủ” thành phương án “kitô giáo trong dân chủ”. Tính đa dạng của xã hội xuất hiện trên những nền tảng dân chủ, mở ra cho các kitô hữu một con đường xuyên qua và một khả năng khẳng định, tỏa rạng các ý kiến trong sự tôn trọng lẫn nhau. Hướng đi mới mẻ này khởi đầu kể từ năm 1906, có những hậu quả: biến đổi một nhóm kitô có mục tiêu hoàn toàn truyền giáo, thành một phong trào càng ngày càng dây mình vào chính trị, và đôi khi dùng những từ ngữ khiêu khích theo kiểu “thế tục” để kêu gọi sự cộng tác của những người ngoài công giáo, như những người tin lành trong các “Hiệp hội kitô những thanh niên” và ngay cả những người vô tín ngưỡng. Hành động như vậy, phong trào Sillon muốn xây dựng một nền văn minh Duy linh đặt nền tảng trên những giá trị gốc kitô giáo mà Sangnier gọi là “đại Sillon”.
Tất nhiên những diễn tiến trên đây làm các vị đại diện của hàng giáo sĩ phải lo ngại, vì họ tha thiết muốn giữ thanh niên công giáo dưới sự kiểm soát chuyên nhất của mình. Họ lo ngại hơn nữa về sự tham gia của các linh mục trẻ và của các chủng sinh vào một phong trào mà việc lựa chọn nằm ngoài mọi ủy nhiệm chính thức. Những dữ kiện đó đã đặt thành vấn đề và hơn thế, nhiều người đã dựa vào những lời tuyên bố của Sangnier về quyền tự do lương tâm của dân chúng, để tỏ ra độc lập đối với các bề trên trong nhiều lãnh vực khác. Ngay năm 1907, nhiều giám mục đã phản ứng và đồng thời, tại Vatican, đức Pie X đã theo dõi phong trào trong buổi đầu với nhiều thiện cảm, thì nay ngài bắt đầu lo ngại. Nhiều người lúc khởi đầu bị quyến rũ bởi lòng hăng say hào hiệp và lý tưởng chinh phục của đoàn thanh niên công giáo này, nhưng rồi họ cảm thấy bị đụng chạm đến tư thế bảo thủ, bị xúc phạm đến niềm xác tín của họ vào chế độ quân chủ, khi họ đọc thấy trong tạp chí Sillon những lời phê bình ngày càng gay gắt, chống lại thái độ của những người công giáo đối với xã hội tân tiến; những lời ca tụng quá đáng chế độ dân chủ; đặc biệt cái thâm ý trình bày những thể chế cộng hòa như là hậu quả nhất thiết của phổ quát tính trong ơn cứu độ và của Phép Thánh Thể. Những đối thủ của phong trào có thêm những cựu thành viên Sillon đi theo. Những người này bỏ phong trào vì không chịu được thái độ độc tài của Marc Sangnier. Họ tha hồ khai thác những lời tuyên bố không đứng đắn, những câu viết thiếu chính xác trong báo chí và những thái độ kiêu sa của Sillon. Người đầu tiên đã cảnh cáo nghiêm khắc là hồng y Lucon vào tháng 2 năm 1909, rồi một chiến dịch có hệ thống được triển khai trong báo chí. Một vài giám mục, nhất là đức cha Mignot và đức cha Chapon là những người còn tín nhiệm Sillon, đã tỏ ra lo sợ sẽ có vụ lên án làm cho người ta thấy một lần nữa, Giáo Hội lại liên đới với các lực lượng phản động. Vì thế các ngài đã khơi mào một cuộc phản công, nhưng chỉ đạt được kết quả: thêm dịp cho mọi người thấy rõ sự chia rẽ trong hàng giám mục và thuyết phục đức Pie X phải lên tiếng, điều mà các giới khuynh hữu đã xin từ hơn một năm trước.
Ðức Pie X can thiệp bằng cách gửi cho hàng giám mục Pháp một lá thư đề ngày 25.8.1910 (24). Căn bản, lá thư dựa trên những văn kiện đích thực của phe Sillon nhưng luôn được thổi phồng lên hoặc đơn giản hóa đi nhiều nếu đối chiếu với văn mạch hay môi trường chính trị. Lá thư nêu lên ba loại sai lầm: Ðó là những thâm nhập của chủ nghĩa tân thời; Ðó là tham vọng không thể chấp nhận được vì đòi tự trị đối với phẩm trật giáo sĩ trong những lãnh vực thuộc về luân lý, còn trầm trọng hơn nữa là khuynh hướng chọn lựa rộng rãi các liên minh với cả người không công giáo (25) và với những lập trường không tương hợp với học thuyết công giáo truyền thống của xã hội; Ðó là chạy theo những “Học thuyết của những người mạo xưng là triết gia của thế kỷ XVIII, học thuyết của cách mạng và của chủ nghĩa tự do đã nhiều lần bị lên án”, nhất là về việc liên quan đến nguồn gốc và cách sử dụng quyền lực, sự bình đẳng giữa con người, sự cần thiết phải biến đổi triệt để hầu giải quyết vấn đề xã hội, “trong khi chỉ cần lấy lại các cơ cấu đã bị cách mạng phá vỡ, và thích nghi chúng vào tinh thần kitô đã gợi hứng ra chúng, vào môi trường mới tạo nên bởi sự tiến triển vật chất của xã hội hiện đại; thực ra những người bạn chân thực của quần chúng không phải là người cách mạng, mà cũng không là người có óc canh tân, nhưng là người theo truyền thống”.
Báo chí phe hữu vui mừng rối rít: Báo Action francaise viết ngày 30.8: “Chưa bao giờ, kể từ Syllabus của đức Pie IX, những học thuyết cách mạng lại bị lên án một cách hết sức đích đáng và rõ rệt như vậy. Cũng chưa bao giờ những học thuyết truyền thống lại được phục hồi một cách mạnh mẽ như thế”. Các báo chí phe tả thì hăm hở nhấn mạnh rằng văn kiện của giáo hoàng đã xác nhận sự không tương hợp mà họ vẫn tố giác một bên là Giáo Hội một bên là nền Cộng Hòa, chế độ dân chủ và sự tiến bộ.
Vả lại niềm tin của họ được củng cố thêm nhờ cảm tình lúc đó của phe hữu Action francaise một nhóm đáng kể của dư luận công giáo được các nhà thần học nổi tiếng và một phần hàng giám mục Pháp, kể cả nhiều hồng y công khai ủng hộ. Tại Roma, nhóm Action francaise được sự ủng hộ của cha Dòng Tên Billot, giáo sư tại đại học Grégorienne, cha Le Floch, bề trên chủng viện Pháp, cha Pie de Langogne dòng Phanxicô cải cách Capucin, và các hồng y Merry del Val và de Lai. Tất cả đều cho rằng với những công kích khắt khe chống lại chế độ “Cộng Hòa quấy rối” và nền dân chủ kiểu Tam Ðiểm, Action francaise đã phục vụ Giáo Hội cách cao quý.
Chính đức Pie X không dấu diếm cảm tình của ngài đối với Action francaise, như đã có lần ngài nói: “Nhóm này bảo vệ nguyên tắc về uy quyền và duy trì trật tự”. Ngài phát biểu như vậy khi trả lời cho người công giáo tự do muốn tố cáo những bài viết của người sáng lập ra nhóm đó là Maurras: ông này có một quan niệm ngoại giáo về đô thị, có khuynh hướng coi “lý do của Nhà Nước là tuyệt đối” (26). Ðức Pie X ít nhạy cảm về những mâu thuẫn giữa ý thức hệ của Maurras dựa theo thuyết duy thực nghiệm và tự nhiên chủ nghĩa với những nguyên tắc kitô giáo. Do đó, học thuyết của ngài phổ biến trong những bài báo thời sự chính trị không bao giờ được trình bày một cách có hệ thống, và ngài còn tỏ ra biết ơn Maurras. Vì theo ngài, ông này, khi đứng trước một nền dân chủ thể hiện trong các Nghị Viện ở Pháp và ở Ý mà ngài cho là biểu thị sự vô trật tự và tình trạng hỗn loạn bừa bãi, đã can đảm ca tụng một quan niệm chống cách mạng xã hội, căn cứ trên những khái niệm của truyền thống và của phẩm trật, và đã theo sáng kiến của Dom Besse, lập nên một “ghế giáo sư giảng về Syllabus”. Hơn thế, ngài không ngần ngại coi người theo thuyết bất khả tri này như một “người bênh đỡ Tòa Thánh và Giáo Hội” (27). Bề ngoài không phân biệt cái mà Maurras đã khen ngợi, đó là mượn những hàng rào trong đạo lý của Roma cổ đại để ngăn chặn cái gì có tính chất bùng nổ trong sứ điệp của “Ðấng Kitô Do Thái”. Từ lâu, người công giáo dân chủ đã tố cáo những sai lầm của Action francaise, vì nhóm này cho là “tốt hơn hết nên giữ thinh lặng sau vụ lên án Sillon”, nhưng rồi, vào năm 1913, chính họ lại tấn công, dựa thế được sự ủng hộ của một vài giám mục. Lúc đó Maurras xuất bản một cuốn sách để bào chữa, nhan đề là “L'Action francaise et la Religion Catholique” (Hành động Pháp và Ðạo Công giáo) trong khi đó nhiều giám chức và các “nhân vật đáng kính” khác, can thiệp với giáo hoàng “bằng lời nói và bằng văn thư” để xin giáo hoàng không giao các tác phẩm của Maurras cho Bộ Cấm Thư (Congrégation de l'Index). Họ trình bày là “những lời tố cáo chỉ là một cái bẫy do phe dân chủ tự do giăng ra” (Benigni). Ðức Pie X, sau một hồi do dự, đã quyết định là hồng y đoàn được hoàn toàn tự do sử lý vụ này, và ngày 26.1.1914, hồng y đoàn đã kết án bán nguyệt san Action Francaise (nhưng không phải tờ nhật báo). Giáo hoàng xác nhận bản án mà hồng y đoàn đã nhất trí biểu quyết. Nhưng giáo hoàng quyết định là bản án tạm thời phải giữ bí mật (28). Ngài nghĩ rằng mình sẽ làm lợi cho phe theo chủ nghĩa tân thời và các chiến sĩ chống giáo sĩ, khi kết án một nhà báo mà họ coi như một đối thủ thế lực. Giáo hoàng qua đời, không để lại phần tiếp theo của biện pháp trên, và chẳng bao lâu thì vụ việc cũng bị tiết lộ và lúc đó người ta có điều kiện thuận lợi để chống lại thái độ của giáo hoàng đối với những người dân chủ của nhóm Sillon và thái độ hạ cố đối với phe chống tự do thuộc Action Francaise.
Nếu triều đại của đức Pie X đối với phe công giáo tự do là một thời kỳ đau buồn giữa một thời chuyển biến thuận lợi dưới triều đức Léon XIII và thời đột phá dứt khoát trong suốt hai mươi lăm năm cuối cùng của thế kỷ, thì cũng không nên vì thế mà đơn giản hóa mọi việc. Việc các đối thủ của ngài, bề ngoài xem ra rất có thế lực và luôn luôn tố cáo sự có mặt tai hại của ngài khắp mọi nơi, làm người ta phải suy nghĩ. Hơn thế, mối lo lắng mà chính giáo hoàng để lại, thay vì dịu xuống sau nhiều biện pháp thực hiện vào thời có những phản ứng bảo thủ quá khích, lại càng gia tăng với thời gian. Suy nghĩ cho kỹ thì điều ghi nhận đó mới thoáng nhìn xem ra nghịch thường, nhưng không làm ta ngạc nhiên. Tinh thần công giáo tự do vốn là một tâm ước hơn là một học thuyết được xác định rõ ràng. Vì thế, những biện pháp bắt buộc, có thể tạm thời làm phiền hà những người chủ trương và hãn ngữ việc họ tuyên truyền và phổ biến, nhưng chắc chắn không thể bóp nghẹt tinh thần công giáo tự do. Cần phải nhìn sát gần để nhận định kỹ những men tự do trong giới công giáo, dưới triều đức Pie X, đã tăng lên mạnh mẽ và gây hiệu lực hơn là sử liệu thông thường quen nói đến (29).
Trước tiên về mặt chính trị tại Pháp, người ta nhận thấy trường phái Correspondant gần như bị bại hoại, vì những khó khăn họ gặp phải vào năm 1910, khi họ định cử hành lễ kỷ niệm bách chu niên Montalembert. Ðây là một trong nhiều dấu chỉ tại Pháp. Ngược lại ở Ý, người ta nhận thấy người công giáo dần dần sát gần lại với người công giáo tự do ôn hòa, như Patto Gentiloni đã ghi dấu rõ rệt vào năm 1913. Việc xích lại gần này được thể hiện với sự chúc lành của đức Pie X: ngài không quan tâm đến việc phân biệt giữa luận đề với giả thuyết, khi phải chặn đường xã hội chủ nghĩa.
Nhưng việc quan trọng hơn là tinh thần tự do kiên trì và phát triển trong mọi lãnh vực của số đông người công giáo và đặc biệt của thế hệ đang lên. Họ xác tín mạnh mẽ rằng tiến trình lịch sử không thể quay trở lại, và một người công giáo thông minh và tận tâm với sự nghiệp công giáo phải có một cái gì khác trong kho vũ khí hơn là những vụ lên án liên miên và thẳng thừng. Nhiều giáo sư đại học Louvain cũng nghĩ như thế, và trong những năm đầu thế kỷ, trường đã chỉnh trang đổi mới, lại được sự ủng hộ sáng suốt của vị tổng giám mục trẻ tuổi của giáo phận Malines là D.J. Mercier. Hàng trăm linh mục Pháp nhất trí theo tư tưởng đó và họ đã thắng lợi trong các công nghị giáo sĩ ở Reims và ở Bourges. Ngoài ra, còn có các vị giám đốc, cộng tác viên và độc giả tập san cũ Annales de philosophie Chrétienne được cha Laberthonnière và Maurice Blondel cho tái bản, nhóm tạp chí trẻ và đang lên hay tuần san Demain của Lyon, tuy sống ngắn ngủi nhưng rất có ý nghĩa. Ðó là chưa kể một loạt những kỷ yếu to nhỏ đủ loại ở các địa phương, mà ảnh hưởng không thể bỏ qua. Nhiều giáo sư đại học công giáo dần dần ra mặt và lên tiếng, họ nghĩ rằng phải cương quyết đồng hành với thế kỷ: đó là P. Imbart, anh em Brunhes, Edouard le Roy, J. Zeiller, P. Viollet v.v... nhiều tác giả của những cuốn sách lớn nhỏ được các nhà xuất bản Bloud et Gay, Gabalda, Vitte phát hành. Sau cùng là đa số đoàn viên của ACJF, một phong trào phát sinh từ giới “phản cách mạng”, nhưng họ đã thay đổi đường hướng, hoạt động chung với nhóm công giáo tự do dưới ảnh hưởng của vị chủ tịch là H. Bazire.
Bên Ý thì có các độc giả của báo Fogazzaro. Ðó là những giáo dân trẻ tuổi quy tụ quanh tập san Rinnovamento ở Milan. Cũng có nhiều linh mục trẻ, đồ đệ công khai hay ẩn danh của Murri. Và có thể liệt nhiều linh mục khác nữa. Tất cả các linh mục tuy không lập thành một phong trào có tổ chức, nhưng người ta đã nhận định tích cực về họ: “một sự phát sinh mọc thành bụi”. Luôn luôn có nhiều sự khác biệt giữa người này với người kia, thí dụ khi nghĩ đến các cha Frémont, Huvelin, Bremond và Klein chẳng hạn. Nhưng tất cả đều đồng thuận theo kiểu cách của mình mà tạo nên bầu khí sôi động trong những năm cuối của thế kỷ XIX với những khát vọng chưa được đáp ứng và không sao dập tắt được, nhưng chỉ kìm hãm lại dưới một mức độ nào đó. Những khát vọng đó được thanh lọc nhờ phản ứng chống tự do là điểm nổi bật của triều đại đức Pie X. Cũng đừng quên rằng, bầu khí sôi động này đã bắt đầu ngay trong những năm cuối của triều đại Léon XIII, và nhiều sáng kiến được phổ biến trong những năm giữa hai thế chiến đã nảy mầm trong chính thời kỳ khó khăn này.