CHƯƠNG II
GIÁO HỘI VỚI CUỘC CÁCH MẠNG
ÂU CHÂU NĂM 1848
CHƯƠNG II
GIÁO HỘI VỚI CUỘC CÁCH MẠNG
ÂU CHÂU NĂM 1848
Vốn được tiếng là “người bảo thủ sáng suốt”, vào những năm đầu mới lên ngôi giáo hoàng, đức Pie IX còn được các giới phản tiến bộ ở Roma gán cho thanh danh là “người phóng khoáng”. Chỉ một vài cử chỉ thôi, đức Pie IX đã có thể phát động lòng phấn khởi cho cả nước Ý, và nhờ đó, họ không nhớ đến thông điệp Qui Pluribus (9.11.1846) là thông điệp nhắc lại việc lên án những nguyên tắc căn bản chủ nghĩa tư bản tự do. Ðồng thời, họ tổ chức những cuộc biểu tình chống các chế độ phản động hay chống việc nước Áo của Metternich đang tìm cách chi phối trên bán đảo, họ lớn tiếng hoan hô “Viva Pio nono”. Huyền thoại về ông “giáo hoàng phóng khoáng” đã tác động mạnh mẽ (Jacini) trên các phần tử táp nham cấu thành luồng dư luận cấp tiến Ý ngay trước 1848 và tất cả, từ các cựu đối thủ của Giáo Hội, những người công giáo theo tư tưởng cấp tiến, các giáo sĩ yêu nước, trong khoảnh khắc đã liên kết với nhau trong một hy vọng chung. Nhưng rồi mối thất vọng của họ lại mỗi ngày thêm bi đát khi họ nhận thấy rõ các hành động của đức Pie IX không đáp ứng sự trông đợi của họ.
Chính trong phạm vi cải tổ nội bộ đã làm họ bắt đầu mất ảo tưởng. Một đàng đức Pie IX phải quan tâm đến sự đối lập của phần lớn các giám chức trong giáo triều Roma mỗi ngày một gia tăng, đàng khác, tự thâm tâm, ngài rất muốn đổi mới các cơ cấu cổ hủ, lỗi thời và công an trong lãnh địa giáo hoàng, và đưa vào đó một những cơ cấu hành chánh tân tiến. Tuy nhiên ngài không muốn đi quá xa cái người ta gọi là “chủ nghĩa gia trưởng giáo sĩ” (paternalisme ecclésiastique), vì ngài sợ rằng nếu nhượng cho giáo dân một điều gì trong các vương quyền tư tế, ngài sẽ làm suy giảm sự độc lập mà Tòa Thánh cần đến để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình. Như R. Quazza (1) đã chứng minh: ngay vào thời có sự cộng tác rất tín nhiệm với Massimo d'Azeglio, đức Pie IX vẫn giữ thái độ chuyên chế sáng suốt và cương quyết không muốn đổi lãnh địa giáo hoàng thành một quốc gia lập hiến tân thời. Nhưng rồi dưới áp lực của nhiều hoàn cảnh do một số người cầm đầu đã tạo nên để gây ảnh hưởng ngay giữa thần dân của giáo hoàng, cực chẳng đã, ngài bị bó buộc phải lấy quyết định: khi hay tin vua Louis Philippe nước Pháp bị sụp đổ, thì ngày hôm sau, đức Pie IX đã vội vã ban hành hiến pháp mà người ta đòi hỏi từ nhiều tháng nay (2). Nhưng hiện pháp này, một lần nữa cũng chỉ là một biện pháp nửa vời, và như thế càng làm cho dư luận quần chúng đang sốt ruột chờ đợi, lại bực dọc hơn là được xoa dịu.
Vì không biết chọn khuyến dụ nào từ phe hữu hay phe tả đưa đến, lại bị ám ảnh bởi một ảo tưởng là hành động làm sao cho không mất lòng ai, nên đức Pie IX càng thêm do dự. Chính sự do dự này đã gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng trong cung cách đối xử với phong trào đòi độc lập của người Ý. Chắc chắn, bao giờ ngài cũng coi chương trình của phái Tôn Giáo Hoàng là viển vông, trái với điều ngài tin tưởng khi mới lên ngôi giáo hoàng. Ngài xác tín rằng: giáo hoàng, thủ lãnh tinh thần của các kitô hữu không thể kiêm vai trò của một chủ tịch liên bang Ý. Nhưng trong bầu khí náo động của thời ấy, dĩ nhiên tâm hồn độ lượng của ngài rung cảm đồng điệu với những cố gắng giải phóng nước Ý khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Cái mà người ta gọi là “phép lạ 1848” dựa trên yếu tố có tính cách nước đôi, nhưng nó đã thực sự xẩy ra trong vài tháng. Chỉ cần một vài lời nói cương quyết của Grégoire XVI đủ làm cho nhiều người Ý tin tưởng: vị tân giáo hoàng lãnh trách nhiệm về toàn diện chương trình quốc gia và sẵn sàng đứng ra, như sự mong muốn của Gioberti, cầm đầu đạo binh thánh giá để đánh đuổi quân Áo ra khỏi bán đảo Ý, và sau hết, đem lại sự thống nhất quốc gia. Vào ngày 10.2.1848, trong mấy bài diễn văn muốn làm dịu những hăng say hiếu chiến của dân chúng, đức Pie IX đã xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Ý. Lúc đó niềm phấn khởi lên đến tột độ, mọi người xác tín rằng giáo hoàng đã nhất trí với họ, nên giáo sĩ và giáo dân khắp đất Ý đã ủng hộ cuộc nổi dậy quan trọng vào mấy tuần lễ sau, nếu không nói là ủng hộ hoàn diện thì cũng ở mức độ nhiệt liệt (3).
Nhưng bài diễn văn ngày 29.4 (4) đã cho thấy rõ ràng: dù giáo hoàng có cảm tình với chính nghĩa của dân Ý, ngài không bao giờ chấp nhận giữ vai trò chủ động trong cuộc chiến dành độc lập chống nước Áo, vì dưới mắt ngài, điều đó không tương hợp với sứ mệnh tôn giáo của vị cha chung các tín hữu.
Những khó khăn về kinh tế làm dân chúng cảm thấy đời sống nghiệt ngã và thái độ thiếu khéo léo của vị giáo hoàng đã đẩy nhanh tới cuộc khủng hoảng. Sau vụ ám sát Pelegrino Rossi là thủ tướng của đức Pie IX, những người bảo thủ sợ giáo hoàng sẽ có những nhượng bộ khinh suất nên họ khuyên giáo hoàng trốn khỏi Roma. Ngài đã nghe theo, và ngày 24.11, ngài ăn mặc giả trang và lánh nạn tới Gaète thuộc lãnh thổ thành Naples.
Nước cộng hòa Ý được công bố tại Roma vào tháng giêng và một “chính thể tam đầu chế” đứng ra lãnh đạo do Mazzini chủ tọa, chỉ kéo dài được vài tháng. Lý do, giáo hoàng có sự ủng hộ của giới ngoại giao Âu Châu đã khôi phục lại ngai vàng sau cuộc can thiệp của quân đội viễn chinh Pháp do tướng Oudinot chỉ huy. Dầu vậy, mọi người đều đồng ý là không thể nào trở lại tình hình thời Grégoire XVI nữa, những cải cách rụt rè của Tự Sắc (Motu proprio) công bố ngày 12.9.1849 cũng không hiệu lực hơn những khuyến cáo của các cường quốc trình bầy trong giác thư (memorandum) năm 1831. Những lời khuyên bảo đó không những đã “chậm đi mất 18 năm trường đối với tình thế cấp thiết bấy giờ” (Ghisalberti), chúng còn bị nhiều hồng y, được triều đình Naples ủng hộ, coi như quá cấp tiến, cần giãn lại việc áp dụng. Việc thẳng tay đàn áp trong bầu khí hận thù sôi nổi, đã chứng minh là hợp lý lời bình luận của giám mục Corboli-Bussi: “cuộc phục hưng của giáo hoàng là phản động và vụng về”.
Nhưng còn quan trọng hơn nữa về phương diện lịch sử Giáo Hội, là tính chất lạc hậu của cuộc phục hưng chính trị này, là sự thay đổi tâm tính của đức Pie IX được biểu lộ ngay từ đó, là sự nhận định hoàn toàn khác giữa những người bảo thủ thân cận của đức Pie IX cư ngụ trong thành Gaète với những người cấp tiến sống ở bên ngoài thành. Những ngưởi cấp tiến gọi thành Gaète là “thành Coblence của phe phản động Ý”, những người “bảo thủ” lại chủ trương “mọi phản ứng tôn giáo phải chi phối và được đặt trên các quan điểm chính trị”. Người ta thấy những ảo tưởng thất vọng có thể in dấu như thế nào trên một con người. Hơn nữa, những người thân cận phản động của đức Pie IX không để lỡ dịp nào mà không khơi lại trong tâm hồn nhậy cảm của ngài những kỷ niệm đẫm máu trong cuộc cách mạng Roma, nhất là về vụ phe cấp tiến ám sát vị thủ tướng của ngài là Pelegrino Rossi, tuy ông này rất tán thành việc mở rộng các thể chế. Nhưng, có hai điều chắc chắn: nhờ đó, niềm tin đạo lý của đức Pie IX được củng cố thêm; và những hiểm họa mà ngài vốn nghi ngại thì nay đã bộc lộ trước ánh sáng. Kể từ nay ngài càng xác tín là có sự liên quan mật thiết giữa những nguyên tắc của cách mạng 1789 với việc hủy diệt các giá trị truyền thống trong trật tự xã hội, luân lý và tôn giáo. Tất cả văn kiện Syllabus đã thoát sinh từ cuộc thí nghiệm này như A.M. Ghisalberti đã nêu lên khi nói về bài diễn văn của giáo hoàng ngày 20.4.1849. Việc cấm chỉ, theo yêu cầu của giáo hoàng ngày 30.5.1849, các tác phẩm của Gioberti, Rosmini và Ventura, trong đó họ trình bày chương trình cải tổ, đã đánh dấu bước đầu của phương hướng đi mới. Việc sáng lập tờ báo Civiltà Cattolica của một nhóm tu sĩ Dòng Tên do cha Curci điều khiển và được giáo hoàng hết sức khuyến khích, đã giúp cho ngài có một cơ quan học thuyết và một cơ sở tuyên truyền hiệu lực vượt ra ngoài biên giới Ý Ðại Lợi.
Nước Pháp là nước đầu tiên bị tổn thương bởi làn sóng lớn cách mạng làm rung chuyển cả Âu Châu suốt năm 1848 ngay từ tháng hai. Dù giữa Giáo Hội và chính phủ của Louis Philippe không có sự thân thiện, những người công giáo cũng rụng rời khi nghe công bố nền cộng hòa. Danh từ này làm họ nhớ lại những kỷ niệm xấu xa, những điều thái quá đã in dấu nửa thế kỷ trước trong trật tự xã hội và tôn giáo của Ðệ nhất Cộng hòa. Nhưng nếu, ở vùng tỉnh có vài cuộc biểu tình chống tôn giáo, thì các nhà cách mạng 1848 vẫn luôn giữ trong tính lãng mạn một khuynh hướng đa cảm kitô giáo. Ngoài ra họ được những thái độ tự do ban đầu của triều đại đức Pie IX mơn trớn, nên nói chung họ tôn trọng Giáo Hội và nhiều lần còn mời các cha sở làm phép những cây tự do nơi công trường. Vì thế Giáo Hội yên tâm với lời phát biểu của Falloux : “Tôn giáo triển nở trong các cộng hòa Mỹ Châu”. Vả lại khi nhận thấy việc du nhập phổ thông đầu phiếu vào một nước mà dân quê phần lớn còn chịu ảnh hưởng các giáo sĩ thì quả thật, cách mạng đã đem đến cho Giáo Hội một uy lực chính trị hiệu nghiệm hơn là chế độ bầu cử theo mức thuế. Do đó, các giám mục, các lãnh tụ công giáo đã nhanh chóng đồng thanh ủng hộ cách mạng, và kết quả cuộc bầu cử vào Hội Ðồng Lập Hiến cũng mau chóng đáp lại nguyện vọng của họ.
Nhưng cách mạng 1848 đặt cho lương tâm người công giáo Pháp một vấn đề phức tạp hơn là việc chấp nhận cách mạng. Vì trong đó có những cảm hứng có tánh cách xã hội và việc ngả theo các ý tưởng cải cách xã hội còn xa vời và không rõ nét như việc gia nhập một chế độ chính trị mới mẻ. Lại nữa, đa số người công giáo không hiểu biết đủ những dữ kiện thực tế của vấn đề thợ thuyền. Phần lớn họ thuộc giới nông thôn hay giai cấp tiểu tư sản ở các tỉnh nhỏ. Chỉ một thiểu số giáo dân và giáo sĩ nhận thức được rằng: trong thời quân chủ tháng bảy, người ta thiếu lòng từ thiện, thiếu những lời cổ võ lòng đạo đức, và không quan tâm đến nhu cầu đổi mới các cơ cấu. Một “nhóm người ý thức vấn đề” đã quy tụ quanh cha Lacordaire và Ozanam, ra một nhật báo cổ võ chương trình cải cách mà người đương thời coi là khá táo bạo. Ðó là tờ “Thời Ðại Mới” (L'ère nouvelle), được sự ủng hộ của tổng giám mục Paris. Lúc đầu tờ báo được đón nhận tương đối dễ dàng, nhất là bởi phần lớn các giáo sĩ trẻ. Nhưng bầu khí thuận lợi này không lâu dài. Ðám đông quần chúng công giáo chỉ bận tâm duy trì trật tự và tính bất khả xâm phạm của “Tín điều linh thiêng về quyền tư hữu”; họ hoảng sợ nhớ đến những cuộc nổi dậy vào tháng sáu, và ngay từ đó, trong vòng hơn hai mươi năm tin chắc là tôn giáo và nền đạo đức bị đe dọa cùng với trật tự xã hội cổ truyền. Mối lo âu của người công giáo Pháp còn gia tăng thêm bởi nhiều biến chuyển thời sự ở Roma, nên Giáo Hội Pháp, trừ mấy trường hợp rất hiếm hoi, bị sa vào phe bảo thủ và sẵn sàng nhân nhượng tất cả vì “mối sợ đỏ” (peur rouge). Những phản ứng đó lại được giới tư sản Orléans khai thác vì họ không muốn gì hơn là nắm lấy Giáo Hội ngõ hầu bảo vệ quyền tư hữu. Khi cấu kết với các ông Thiers và Molé một “Ðại chính đảng Trật tự”, Montalembert và các bạn của ông đã bận tâm đến quyền lợi tôn giáo và trên thực tế họ đã giành được cho Giáo Hội nhiều thắng lợi quan trọng, nhất là “Luật Falloux” (15.3.1850), một thắng lợi tiệm tiến của chủ nghĩa tự do công giáo. Luật này thừa nhận quyền tự do trong ngành giáo dục trung học và bảo đảm cho hàng giáo sĩ có nhiều ảnh hưởng trong ngành học chính. Nhưng nếu sự tính toán của các lãnh tụ công giáo khéo léo đối với các nghị sĩ, thì họ lại không nhìn thấy các nguy cơ lâu dài của “hiệp ước giữa tôn giáo và quyền lợi tư bản” (Trannoy). Hơn thế nữa, khi họ ủng hộ ồ ạt những biện pháp càng ngày càng phản dân chủ, mà quốc hội chủ trương trong những năm 1849 và 1850 để triệt hạ ảnh hưởng của các phần tử khuynh tả, thì kể từ nay những người công giáo Pháp bị coi là những người phản chủ nghiã xã hội và phản cộng hòa nữa. Thái độ của họ đối với Louis-Bonaparte đã xác nhận điều đó. Chắc chắn là vì ông ta đã hứa cho tự do trong nền giáo dục trung học và nước Pháp sẽ ủng hộ việc phục hồi quyền thế tục của giáo hoàng, nên người công giáo Pháp đã thích chọn ông hơn là Cavaignac, làm tổng thống vào tháng 12.1848. Nhưng khi thấy ông càng ngày càng có xu hướng độc tài, thì người ta lại càng thấy giới giáo sĩ quý mến ông, bởi vì họ còn nhiều cảm tình với các hình thức độc đoán của chính quyền. Do đó, việc Giáo Hội Pháp nhiệt tình hưởng ứng cuộc đảo chính ngày 2.12.1851 là chuyện dễ hiểu.
Thoạt đầu, việc đảo chính xem ra có lợi. Không phải vì Napoléon III và các cố vấn của ông muốn đặc biệt ưu đãi Giáo Hội, nhưng vì họ nhìn thấy cái lợi về ảnh hưởng đạo đức và xã hội của tôn giáo sẽ ngăn cản những tác dụng của tuyên truyền cách mạng và, ngoài ra, họ còn hy vọng với sự hợp tác của hàng giáo sĩ, việc chiêu hồi phe Chính Thống (Légitimistes) sẽ dễ dàng, vì phe này còn nhiều ảnh hưởng ở một vài miền. Chính phủ tăng ngân sách tôn giáo và ít nhấn mạnh đến việc áp dụng các điều khoản về tổ chức. Chính phủ trấn áp những khuynh hướng chống đối tôn giáo trong ngành học chính và tìm mọi cách cho Giáo Hội đi đôi với nhà nước để gây uy thế trước mắt dân chúng. Một mặt khác, nhờ vào phản ứng do các vụ bạo hành thái quá của cách mạng gây ra, Giáo Hội càng ngày càng được nhiều giới tư sản trở lại với mình vì họ nhận thấy chỉ có Giáo Hội mới bảo đảm hữu hiệu việc duy trì trật tự xã hội. Kể từ đầu thế kỷ, cái ảnh hưởng đó xâm nhập dần dần vào giới lãnh đạo, đã giúp cho hàng giáo sĩ có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của các công chức cao cấp và nhiều thị trưởng: hai giới này có thế lực lớn trong chế độ chuyên quyền, nên có khả năng đòi buộc chính quyền dành cho giáo sĩ nhiều đặc ân.
Uy thế của tôn giáo được phục hồi và tình trạng vật chất của giới giáo sĩ thôn quê trước đây yếu kém, thì giữa thế kỷ, tại các vùng quê đông người kitô hữu, đã được cải thiện tốt. Những sự kiện đó lần lần đã có ảnh hưởng đến việc tuyển mộ ơn gọi vào chức linh mục, đó cũng còn là những tác dụng của luật Falloux. Trên toàn bộ nước Pháp, số người chịu chức thánh đã tăng lên hơn một phần ba. Như vậy Ðệ nhị Ðế chế được coi như “thời kỳ tuyệt đỉnh” giữa một thời kỳ phát triển tầm thường là thời “Quân Chủ tháng Bảy” (monarchie de juillet) và một thời kỳ tuần tự giảm sút là thời kỳ “Ðệ Tam Cộng Hòa” (Pouthas).
Song song với sự việc nói trên, chính phủ nhắm mắt làm ngơ để các dòng tu phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng, và Ðệ nhị Ðế chế là thời kỳ thịnh vượng nhất đối với các dòng tu: Theo con số, các nữ tu sĩ đã tăng lên từ 34.208 vào năm 1851 đến 89.243 vào năm 1861, các nam tu sĩ mới hơn 3.000 vào năm 1851 đã vọt lên 17.656 vào năm 1861.
Sự phát triển nhanh chóng của các dòng tu đã giúp cho Giáo Hội có đủ nhân sự để vừa gây ảnh hưởng trong ngành học chính vừa phát triển ngành giáo dục tự do. Nhờ vào luật Falloux, Giáo Hội không muốn để các cha sở kiểm soát các giáo viên, vì việc kiểm soát này làm cho nhiều giáo viên phẫn nộ; nhưng Giáo Hội cố gắng vận động cho hội đồng thị chính mà các người lãnh đạo thường đã hoàn toàn theo Giáo Hội, giao các trường công cho các tu sĩ. Cùng một lúc, lợi dụng án lệ thuận lợi về vấn đề tặng hiến tài sản và di sản, các trường tiểu học và trung học công giáo gia tăng rất mau về số lượng.
Mặt khác, chính phủ không chịu để Giáo Hội mất quyền lo việc cứu tế công cộng, mà còn kêu gọi sự cộng tác rộng rãi của người công giáo vào các việc từ thiện xã hội. Thế nên người ta thấy rất nhiều tổ chức từ thiện công giáo do các dòng tu hay các giáo dân điều hành. Bấy giờ, mọi tổ chức từ thiện đều quan hệ với hội từ thiện Thánh Vincent de Paul hay với hội “Kinh Tế Từ Thiện” mà người chủ chốt, ngay dưới thời Quân Chủ Tháng Bẩy, là Tử Tước Armand de Melun.
Trông bề ngoài, bảng tổng kết xem ra rất thuận lợi, nhưng không nên ảo tưởng: khi những đe dọa của cách mạng ngày càng mờ nhạt đi thì chính phủ càng hiềm nghi vị trí của giới tu sĩ ngày một lớn mạnh trong đời sống công cộng, nhất là trạng thái hào nhoáng của những cấu trúc thể chế chỉ phù hợp một phần nào với tình trạng thực sự của tôn giáo trong đám đông quần chúng cũng như trong giới tinh hoa trí thức. Chỉ có những người sáng suốt nhất mới bắt đầu nghi ngờ về tất cả cái thịnh vượng đáng ngờ của Giáo Hội trong thập niên đầu của Ðệ nhị Ðế chế. Nhưng với thời gian, người ta thấy nhiều triệu chứng của một cuộc khủng hoảng tôn giáo sắp xẩy ra và sẽ lan rộng.
Nước Pháp không phải là nước duy nhất lợi dụng được những biến cố năm 1848. Trong những hoàn cảnh rất khác biệt và với kết quả lâu dài hơn, các nước thuộc Ðức cũng lợi dụng. Nhưng tại những nước này, nhất là nước Phổ và Hòa Lan, người công giáo chỉ là thiểu số.
Quốc hội họp ở Francfort để lập Hiến Pháp mới cho Hợp Bang Ðức sau vụ nổi dậy vào tháng 3.1848 ở Bá Linh và vùng Rhénanie. Trong khóa hội này, người ta thấy ngay những thay đổi về chính trị đòi phải xét lại quy chế của các Giáo Hội. Nếu những người dân vùng Bavière gắn bó với chế độ thỏa ước (Concordat) vì họ cho rằng sự bảo trợ của nhà vua đã giúp cho tôn giáo phát triển từ 1815, thì phần lớn các đại diện công giáo lại chọn luận đề tự do: họ cho rằng sự độc lập của Giáo Hội đáng giá hơn việc phải hy sinh những ân huệ của chính phủ trao ban. Thực ra chính Quốc hội đã tán thành đường hướng đó. Bước tiến triển chính trị trong những tháng đầu năm 1849 đã vô hiệu hóa những quyết định về nguyên tắc ở Francfort, bởi vì những quyết định ấy không được áp dụng cho toàn thể các quốc gia Ðức, mà chỉ cho quốc gia lớn nhất là nước Phổ. Thật vậy, hiến pháp được vua nước Phổ ban hành ngày 5.12.1848 bảo đảm cho người công giáo không những được tự do phụng tự mà còn được độc lập đối với Nhà Nước và điều cho phép họ tự do liên lạc với các lãnh tụ giáo sĩ, được trao ban thánh chức có bổng lộc, bãi bỏ thỉnh nguyện thư (placet) và có quyền lập hội. Tổng giám mục Cologne đã có lý khi nói đây là một “sự kiện có ảnh hưởng không lường được” nhờ hiến pháp. Nhờ hiến pháp cho phép, nhờ ân huệ tự do, đời sống tôn giáo phát triển nhanh chóng. Hơn thế, nhờ đó những qui chế về trường học được đổi mới và củng cố tính chất tôn giáo của ngành học chính. Hàng giáo sĩ có khá nhiều ảnh hưởng trên trường công lập, đến độ người ta thấy không cần phải lập một ngành giáo dục tư thục công giáo nữa. Như vậy, Giáo Hội vừa được hưởng quyền tự do vừa không gặp phải những điều bất lợi của chế độ tách rời giữa Giáo Hội với Nhà Nước. Những giao hảo với Nhà Nước còn dễ dàng hơn khi Nhà Nước đề cử những công chức nhiệt tâm với Giáo Hội trách nhiệm Bộ Phụng Tự và xử lý các vấn đề tương quan đến Giáo Hội Công Giáo (Katholische Abteilung). Nếu nhìn sự vật một cách khách quan và dù còn luyến tiếc những tàn tích của thời lãng mạng tôn giáo đi nữa, người ta cũng không thể nào chối cãi: kể từ giữa thế kỷ XIX, đạo Công Giáo sống động hơn ở nước Phổ theo Tin Lành, hơn cả miền Bavière vốn chính thức là miền công giáo.
Trong miền này, sự thờ ơ của tín hữu cùng với sự tiếp tay của các linh mục vốn e sợ tính chất chuyên chế của các cấp lãnh đạo trong hàng giáo phẩm không còn lệ thuộc vào chính phủ, đã giúp cho những hành động độc đoán hành chính tiếp tục hoành hành trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong truyền thống tài phán của thế kỷ XVIII. Ở nước Phổ thì trái lại, người công giáo chỉ chiếm 1/3 dân số và phần lớn lại ở vùng Rhénanie và Silésie (5), nên họ đã biết lợi dụng quyền tự do dành được một cách thông minh. Một trong những thành quả chính do cách xử thông minh là sự phát triển các dòng tu và các hội đoàn tôn giáo.Nổi bật nhất là trường hợp các tu sĩ Dòng Tên: Trong khi tiếp tục bị khai trừ ở Bavière, các ngài lại có thể lập nhà tập đầu tiên ở Westphalie; và không tới 10 năm sau, các ngài đã giữ một vai trò bậc nhất trong các khu vực công giáo bên Ðức đến nỗi một số người nghĩ rằng các ngài lấn át.
Vào những năm mấu chốt này, người công giáo Ðức may mắn được sự hướng dẫn vững chắc của một hàng giám chức có phẩm chất. Trước tiên là hồng y Johann Geissel, tổng giám mục thành Cologne từ 1845 đến 1854. Khi còn ở chủng viện Mayence, ngài đã có một ý niệm cao cả về sứ mệnh của linh mục và của Giáo Hội, một cái nhìn sáng suốt, thấy trưởc những điều kiện khả dĩ giúp các linh mục và Giáo Hội tác động hữu hiệu trong thế giới tân tiến. Tuy vốn thần học không thâm uyên, ngài đã được bù lại bởi một lý tính đặc biệt quân bình, hài hòa, bởi “một cái nhìn bao quát và chắc chắn của một con người nhiều khả năng cai trị” (Goyau). Cụ thể, giáo phận của ngài là một giáo phận được tổ chức lại một cách khoa học theo chiều hướng vừa tập trung vừa cởi mở ra ngoài giáo tỉnh. Công đồng Cologne là một dấu chứng về tinh thần đoàn kết chặt chẽ của giáo tỉnh. Ảnh hưởng của ngài đã lan rộng dần dần ra khắp nước Ðức từ Bắc đến Ðông. Vai trò hướng dẫn và thúc đẩy của Giáo Hội Công Giáo ở Ðức được tiếp tay, sau khi ngài chết, bởi giám mục của một giáo phận nhỏ nhất và trẻ hơn hồng y Johann Geissel 15 tuổi, là đức Wilhelm Emmanuel von Ketteler, làm giám mục thành Mayence từ 1848 đến 1877. Qua những sự tiếp xúc lúc còn trẻ tuổi, với câu lạc bộ Goerres, ngài đã có một xác tín về sứ mệnh của mình: phải làm cho tinh thần kitô giáo thấm nhập vào mọi lãnh vực trong hoạt động nhân loại mà trước đây, nó là đặc tính của nền văn minh Trung Cổ mà trào lưu tục hóa hiện đại đang công kích kịch liệt. Nhưng đồng thời, ngài cảm thấy một cách sâu sắc hơn nhiều người đương thời: tất cả những gì tách biệt thời đại của ngài với thời Trung Cổ, đều đòi hỏi những thay đổi có phẩm chất với những phương tiện mới mẻ. Và ngài xác tín sẽ tìm được các công thức “đổi mới” hay nhất ngay trong đạo Công Giáo sau Công Ðồng Trente. Ðể hoàn tất sứ mệnh canh tân này, đức Ketteler đã tìm thấy ở thành phố Mayence những phụ tá khả năng. Ðôi khi họ có cái nhìn khác ngài, nhưng họ là những người đã lãnh nhận lý tưởng trước ngài: họ là những linh mục gương mẫu, hết sức hoạt bát và tận tụy hầu như quá hăng say với chính nghĩa công giáo, tiêu biểu nhất có lẽ là C. Moufang, giám đốc chủng viện.
Do ảnh hưởng của những người như Geissel, Ketteler hay Moufang mà các phương pháp truyền giáo căn cứ trên hành động cá nhân và những sự tiếp xúc riêng tư, được ca tụng trong suốt đầu bán thế kỷ của trường phái Sailer, đã phải dần dần nhường chỗ cho phong trào công giáo đại chúng mà những hình thức tổ chức sầm uất bên ngoài là những tuần đại phúc trong giáo xứ. Những tuần đại phúc này được phát triển rất nhiều ngay khi việc tẩy chay các dòng tu giảm bớt cường độ. Các hội đoàn công giáo cũng trăm hoa đua nở (Vereine), chúng ta sẽ nói nhiều đến trong một chương sau (6). Chẳng bao lâu, phong trào công giáo đại chúng ảnh hưởng mạnh mẽ trên các nghị viện, khiến những người chống “công giáo chính trị” nổi cơn thịnh nộ. Mặt khác, những nhà cổ động sáng suốt của phong trào công giáo đã sớm nhận ra tầm quan trọng của báo chí. Nhưng trong lãnh vực này còn nhiều khó khăn lắm, nên để cứu vãn tình thế, người ta đã thành lập một Pressverein. Công trình này bắt gốc từ nhiều sáng kiến may mắn: Việc tăng gia phát hành các nhật báo đại chúng và những loại sách mỏng về tôn giáo. Ðáng chú ý nhất là vào năm 1860 phát hành đại quy mô một nhật báo lớn mang tên là Kolnische Blatter, từ năm 1869 đổi thành tờ Kolnische Volkszeitung.
Nước Phổ không phải là nước tin lành duy nhất mà ở đó người công giáo được lợi thế nhờ vào sự biến chuyển của các thể chế theo chiều hướng tự do sau vụ rối loạn 1848. Trường hợp nước Ðan Mạch cũng vậy vì ở đó Hiến Pháp 1849 đã công bố tự do phụng tự sau ba thế kỷ cấm đoán đạo Công Giáo. Người công giáo ở Hòa Lan cũng tương tự.
Mặc dù số đầu người quan trọng hơn (1/3 dân số) nhưng người công giáo Hòa Lan từ trước đến nay vẫn ở trong tình trạng thấp kém, nhất là họ luôn bị liệt vào số những nước thuộc quy chế truyền giáo, không có giáo phận được tổ chức theo đúng giáo luật.
Thế mà, nhờ giới tư sản công giáo ở các tỉnh phía Bắc ủng hộ phe tự do nên cuộc cách mạng hòa bình đã thành công và dẫn tới Hiến Pháp mới năm 1848. Cho dù phe bảo thủ Calvin quyết tâm tranh đấu cho nước Hòa Lan luôn là một “quốc gia tin lành”, hiến pháp đã long trọng nhìn nhận: “tất cả các nhóm tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”, đồng thời khẳng định: “Mọi nhóm tôn giáo phải tự quản nội bộ”.
Việc chỉnh đốn cơ cấu của một giáo phận hợp pháp luôn có trong chương trình nghị sự từ hơn ba mươi năm, nay mới được thể hiện như một sự hoàn thành bình thường của cuộc giải phóng hoàn toàn theo pháp luật. Nhưng nói cho đúng, nhiều thành phần giáo sĩ, nhất là giáo dân miền Bắc, không mong ước như thế, họ nài xin Roma cho họ những giám mục xuất thân từ đám dân địa phương, vì họ thấy từ nay cần phải có ngay tại chỗ một người có uy tín để dìu dắt họ trong những vấn đề chính trị liên quan đến quyền lợi của Giáo Hội. Nhưng, họ chỉ nhất trí về nguyên tắc mà bất đồng về thể thức: nhóm này ưa một giải pháp kiểu thân ước, nhóm khác, đặc biệt giới trẻ công giáo, lại chủ trương “Giáo Hội phải độc lập đối với Nhà Nước”, nếu không phải là hoàn toàn tách biệt Giáo Hội khỏi Chính quyền. Trong những đòi hỏi của chính phủ, phải kể đến sự chống đối của phe tin lành về việc thiết lập các giáo phận ở phía Bắc, Nhà Nước đã ép buộc Tòa Thánh phải áp dụng giải pháp thứ hai và đơn phương chỉnh đốn lại hàng giáo phẩm. Sắc chỉ thiết lập ngày 4.3.1853 đã gây ra một làn sóng phản đối về phía tin lành được gọi là Aprilbeweging. Nhưng các giám mục mới không bị bối rối về các vụ khuấy động đó, các ngài đã thực hiện việc tổ chức lại Giáo Hội Hòa Lan, theo đúng những điều Giáo Luật quy định, dưới sự điều khiển của đức cha Zwijsen (1794-1877). Ðược bổ nhiệm làm tổng giám mục thành Utrecht, ngài là một chủ chăn hăng say, sốt sắng, trí óc không uyên thâm nhưng sáng suốt và cương quyết. Do đó, ngài tạo được nhiều ảnh hưởng tốt trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, ngài đã góp phần tạo nên chủ thuyết “biệt cư độc tôn Roma” (ghetto ultramontain) mà Giáo Hội Công Giáo Hòa Lan phải chịu trong hơn nửa thế kỷ.
Sự cô lập này rõ nét nhất trên bình diện văn hóa, mặc dù cũng thấy xuất hiện một nhóm nhỏ trí thức công giáo trong giới tư sản thành thị. Vào nửa thế kỷ sau, người ta nhận thấy những sôi đọng vào các năm 1830 dần dần lịm xuống. Nhưng nếu đa số người công giáo còn đứng ngoài những diễn biến của đời sống quốc gia, thì trái lại, các hội đoàn đủ loại quy tụ họ lại với nhau trong các hoạt động thường ngày. Các hội đoàn không ngừng phát triển, hoạt động và được hàng giáo sĩ nhiệt tình nâng đỡ, huấn luyện và làm tăng trưởng thêm mãi. Khác hẳn với những phong trào công giáo Ðức, trong đó vai trò của giáo dân rất quan trọng.