CHƯƠNG I
PHẦN I GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG 1848 ĐẾN ĐỆ NHẤT THẾ CHIẾN
Roger Aubert
BA TRIỀU ÐẠI GIÁO HOÀNG:
PIE IX, LÉON XIII, PIE X
CHƯƠNG I
BA TRIỀU ÐẠI GIÁO HOÀNG:
PIE IX, LÉON XIII, PIE X
1. ÐỨC PIE IX.
Giáo hoàng Grégoire XVI qua đời ngày mồng 1 tháng 6 năm 1846, giữa lúc bị thất nhân tâm đến cực độ: các người sáng suốt đã chê trách ngài không chịu cải tổ các lãnh thổ thuộc giáo hoàng theo những luồng tư tưởng hiện đại. Tại Ý, người ta còn bất bình vì thái độ tiêu cực của ngài đối với nguyện vọng của những người yêu nước, muốn giải phóng bán đảo Ý khỏi bị nước Áo chen lấn nội bộ. Lại nữa, điều hiển nhiên là các vấn đề chính trị của quốc gia Roma bấy giờ đã có ảnh hưởng quyết định đến việc các hồng y trong mật hội bầu cử giáo hoàng, vì đa số hồng y dự mật hội là người Ý. Người thì đề nghị Quốc Vụ khanh, hồng y Lambruschini có óc cách mạng, nên với ngài, chắc chắn nước Áo sẽ ủng hộ nước Roma trấn áp các nhóm phiến động đang lần lần thắng thế. Nhưng nhiều người khác lại chủ trương phải có thái độ xa cách đối với chế độ cũ, nên họ nhất trí bầu một giáo hoàng sẵn sàng nhượng bộ đối với ý thức của thời đại, lại phải là người sinh ra và lớn lên trong lãnh địa giáo hoàng, để ngài có thể tỏ ra độc lập hơn đối với ảnh hưởng ngoại quốc. Thay vì dồn phiếu cho Gizzi mà Massimo d'Azeglio bảo là người được phái “Tôn giáo hoàng người Ý đời mới”
(Néo-guelfes) coi như giáo hoàng lý tưởng, thì nhiều người lại bảo ngài quá cấp tiến, nên họ đã chọn hồng y Mastai, vốn là giám mục Spolète và Imola, người được các giới tự do đang rất hoạt động tại hai vùng đó, chấp nhận. A. Simon đã minh chứng là họ lầm (1). Ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên Mastai đã được 15 phiếu đối lại 17 phiếu của Lambruschini rồi sau đó người ta e ngại vị này thắng phiếu, nên đã vội dồn phiếu cho Mastai. Do đó, Mastai đã được đa số phiếu, 2 phần 3 ngay trong mật nghị thứ hai..
Vị này lấy danh hiệu là Pie IX và đã ngự trị tại Thánh đường thánh Pierre trong 32 năm. Với tuổi 54, ngài là vị giáo hoàng trẻ. Thời còn là giáo sĩ trẻ, ngài đã nổi bật về lòng sùng đạo và nhiệt tình mục vụ, giáo dân trong địa phận nhất trí khen ngợi những đức tính niềm nở và cởi mở của ngài. Chẳng bao lâu ngài trở nên dấu ấn của sự mâu thuẫn; người thì tán dương ngài như một vị thánh mà Chúa Quan Phòng đã an bài để cầm đầu Giáo Hội, để hướng dẫn và cương quyết chống lại những vụ tấn công liên hồi của ma quỷ; người khác lại coi ngài như một người chuyên chế kiêu căng, hay là như một bù nhìn kém thông minh, để mặc cho phe phản động đần độn thao túng. Phải lùi lại trong thời gian, và cho dù chúng ta thiếu một thiên tiểu sử tốt có phê phán, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn những giới hạn và uy thế thực sự mà vị giáo hoàng này đã in dấu sâu xa trong việc định hướng cho đạo Công Giáo đi vào thời đại mới.
Ðức Pie IX đã đau khổ vì ba điều bất lợi sau đây: một là tính xúc cảm quá mức đã khiến ngài hay quyết định theo lời khuyên cuối cùng, cho dù ban đầu ngài tỏ ra cương quyết không gì lay chuyển được khi ngài nhận thấy những quyền lợi thực sự của Giáo Hội bị liên lụy. Hai là vộn trí thức của ngài có vẻ nông cạn cũng như phần đông các giáo sĩ Ý đương thời; tuy có lương tri và tính tình tế nhị, ngài, vì thiếu vốn trí thức, nhiều khi đã không nhận ra một cách chính xác những vấn đề mà ngài bị ép buộc phải cho ý kiến; ngài cũng không nhận ra tính phức tạp thực sự của các vấn đề, nhất là ngài lại thiên về ý nghĩ cho rằng: những biến động chính trị mà Giáo Hội bị liên lụy chỉ là một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh lớn lao giữa Thiên Chúa và Satan, thay vì để tâm phân tích theo kỹ thuật và với óc thực tế. Thứ ba ngài thuộc loại những người tín cẩn mà lòng nhiệt thành và sự tận tâm không bù lại được khuynh hướng nhìn sự vật với một sự cố chấp của các lý thuyết gia không theo sát tâm trạng của người đương thời.
Cho dù những giới hạn trên đây thật đáng tiếc đối với một vị lãnh đạo, càng ngày càng phải đứng ra giải quyết một mình nhiều vấn đề, người ta cũng không quên được những đức tính trổi vượt và chính sự nghiệp của đức Pie IX. Trước hết, ngài có nhiều đức tính tự nhiên: giản dị, mộc mạc, nhân từ, bình tĩnh trong nghịch cảnh, tài hùng biện. Kế đến, ngài rất sâu sắc trong những vấn đề tôn giáo và rất nhiệt tâm trong thừa tác mục vụ. Ngài không hành động như một ông vua trần thế, ngài ít bận tâm đến các vấn đề chính trị, vua chúa, thế tục, ngài trao phó những công việc đó cho Quốc Vụ Khanh là hồng y khôn khéo Antonelli (1806-1876) (2).
Lên ngôi giáo hoàng từ năm 1849 đến năm 1876, đức Pie IX sống và xử sự như một vị linh mục, người của Giáo Hội, có trách nhiệm trước Thiên Chúa trong công cuộc bảo vệ những giá trị Kitô giáo đang bị đe dọa. Không phải vì tham vọng hay vì sở thích chế độ thần quyền (théocratie), mà vì lý do chủ yếu là mục vụ, nên ngài cổ võ triệt để những tiến bộ trong công cuộc tập trung Roma, và không ngừng lên án mạnh mẽ, ngày càng kịch liệt, những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản tự do.
Những tiến triển thường kỳ của phong trào 'độc tôn giáo hoàng' là phong trào đã được Công Ðồng Vatican long trọng thừa nhận, cũng là một trong những nét đặc trưng của triều đại Pie IX. Ngay trước Công Ðồng Vatican II, phong trào này đã gây nên nhiều chuyện đáng tiếc và chống đối những người đề cao chế độ đa dạng trong các Giáo Hội địa phương và lo sợ hàng giám mục sẽ bị đặt dưới quyền giám hộ của giáo triều Roma. Nhưng sở dĩ đức Pie IX đã hết sức khuyến khích phong trào trên, vì theo ngài phong trào ấy giúp cải tổ đời sống Kitô giáo cách hữu hiệu tại những nơi chính phủ can thiệp quá nhiều vào sinh hoạt của Giáo Hội, và tìm cách giập tắt nhiệt tình tông đồ của hàng giáo phẩm và các tín hữu. Cũng theo đức Pie IX, phong trào này là phương tiện tốt nhất để quy tụ mọi sức mạnh của đạo Công Giáo hầu chống lại làn sóng bài Kitô giáo của chủ nghĩa tư bản tự do!
Vì chịu ảnh hưởng của triết học chính trị theo truyền thống bảo thủ là nền triết học thông thường trong giới công giáo giữa thế kỷ XIX, nên đức Pie IX không nhận ra rằng: Những nguyên tắc cách mạng 1789 có giá trị tích cực và chuẩn bị lâu dài cho việc tâm linh hóa sứ vụ tông đồ, khác với sự chuyển vị theo từ ngữ chính trị của ý thức hệ duy lý thoát sinh từ thế kỷ Ánh Sáng. Ngài đã lẫn lộn chế độ dân chủ với cách mạng, và cách mạng với những đảo lộn về các giá trị truyền thống của Kitô giáo. Ngoài ra, ngài cũng không thấy rõ rằng: vừa muốn Giáo Hội được Nhà Nước bảo vệ, vừa muốn Giáo Hội được hoàn toàn tự do, đó là chuyện không thể có trong lịch sử. Thật ra ngài không thích nghi được với sự tiến hóa sâu rộng về mặt chính trị và xã hội là những đặc tính của thế kỷ XIX. Ngoài những sự lẫn lộn và khó hiểu trên đây, người ta còn thấy đức Pie IX có một nhận thức lờ mờ và biểu lộ vụng về sự cần thiết phải nhắc nhở cho cái xã hội đang say sưa chủ nghĩa khoa học tiến bộ biết: Phải đặt lên hàng đầu, cái trật tự mà các nhà thần học gọi là “trật tự siêu nhiên”, cái quan điểm thánh kinh về con người và về lịch sử cứu rỗi, quan điểm này chống lại hướng đi của lịch sử muốn dần dần giải thoát con người khỏi những giá trị tôn giáo; chỉ muốn xác tín vào những khả năng của con người đến độ coi Ðấng Cứu Thế không còn chỗ đứng nữa. Muốn hiểu vì sao đức Pie IX trong nhiều năm đã chiến đấu quyết liệt chống chủ nghĩa tư bản tự do, và lên án như một sự “sai lầm của thế kỷ”, thì điều quan trọng là phải đặt cuộc tranh đấu của ngài vào những cố gắng muốn quy nạp tất cả vào tư duy kitô giáo về những dữ kiện chủ yếu của Mạc Khải. Nhờ những cố gắng đó mà Công Ðồng Vatican đã thành tựu.
Cũng quan trọng, mà còn quan trọng hơn nữa, xét theo những kết quả tích cực của nó, đó là sự cố gắng song song mà đức Pie IX đã theo đuổi để cải thiện phẩm chất của đời sống công giáo trung bình. Kết quả đáng chú ý nhất trong triều đại giáo hoàng lâu dài này, tất nhiên là sự tăng trưởng nhanh chóng của trào lưu sùng kính trong dân chúng, và lối sống thiêng liêng của các linh mục đã khởi đầu nhóm lên trong tiền bán thế kỷ. Nhiều yếu tố khác nhau đã giúp cho phong trào này tiến triển. Nhưng chính đức Pie IX đã đóng góp một cách đặc biệt nhờ đời sống gương mẫu và nhờ những chỉ thị, những lời khuyến khích của ngài. Ngài xác tín sâu xa rằng điều kiện cần thiết để thành công trong công cuộc cải tổ Kitô giáo là phải có một thái độ không nhân nhượng mà ngài luôn nhắc tới và nhấn mạnh trong một số nguyên tắc kết thành phần chủ yếu giáo thuyết của ngài. Tuy nhiên không vì thế mà ngài thiếu lập trường hòa giải.
Ngoài ra, trong suốt 32 năm triều đại của đức Pie IX, Giáo Hội đã phát triển và được củng cố cả ở bên ngoài. Công cuộc truyền giáo tiếp tục bành trướng trên khắp năm châu song song với cuộc bành trướng thuộc địa của người Âu Châu dưới sự thúc đẩy tập trung từ Vatican, và cuộc di cư công giáo đã có kết quả là tạo dựng thêm nhiều Giáo Hội mới đầy tương lai như ở Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi và nhất là ở Hoa Kỳ, chưa kể đến Châu Mỹ La Tinh (206 giáo phận mới và Ðại Diện Tông Tòa được dựng lên trong khoảng từ 1846 đến 1878), trong khi đó nhiều Giáo Hội cũ sống trong những điều kiện tạm bợ, bấp bênh từ thời Cải Cách đều được tổ chức lại: như tại nước Anh và bên Hòa Lan hàng giáo phẩm được phục hồi. Nhất là ở Ðức, chỉ trong vài năm, phong trào chiến đấu cho văn hóa (Kulfurkampf) đã làm nổi bật sức sống mạnh mẽ của Giáo Hội, lại luôn dựa vào uy thế của Tòa Thánh mỗi ngày thêm khăng khít. Nếu các Giáo Hội địa phương ngày một sẵn sàng hướng về Roma thì không phải chỉ do kết quả của chính sách tập trung có hệ thống được sự trợ giúp của các Tòa Sứ Thần và của Dòng Tên mà thôi đâu. Thật ra, phong trào này phần lớn có tính cách tự phát. Vả lại nó dễ dàng tiến lên nhờ vào uy tín lớn lao của đức Pie IX, nhiều hơn so với các vị tiền nhiệm, đối với các thành phần cơ bản trong Giáo Hội. Những đau khổ ngài phải chịu đựng từ cuộc cách mạng Roma năm 1848, đến những vụ tấn công liên tục của phe thành Piémont, đã tạo cho ngài thêm nhiều thiện cảm trong giới công giáo. Phải nói thật, người ta thiện cảm với đức Pie IX, một phần nhờ ngài có nhiều vẻ duyên dáng dễ ưa, nhất là có nhiều đức tính tốt lành: đa số hàng giáo sĩ cấp dưới cảm thấy bị lôi cuốn theo ngài, nhất là khi ở xa, người ta lại dễ lý tưởng hóa ngài hơn nữa.
Tuy nhiên, thắng lợi của chủ nghĩa độc tôn Roma (l'ultramontanisme) đi song song với sự lên án ầm ỹ chống tư bản tự do chủ nghĩa đã làm giới cầm quyền khó chịu, và trong những năm cuối của đức Pie IX so với lúc ngài mới lên ngôi, được người đương thời hân hoan đón nhận như một vị “Thiên sai xuống trần để giải quyết các đại sự của thế kỷ XIX, là một giao ước giữa tôn giáo và nền tự do” (3), thì nay tất cả những cái đó đã trở nên đen tối vì các cuộc tranh chấp với hầu hết các chính phủ ở Âu Châu và Mỹ Châu. Họ rất phẫn nộ về thái độ cố chấp của Roma trước tất cả các phong trào tư tưởng đương thời. Vì thế, nếu thật sự Giáo Hội Công Giáo đã được củng cố trong nội bộ và số lượng gia tăng, thì mới thoáng nhìn, không phải như lúc đức Grégoire XVI mới qua đời, chỉ có dân chúng quốc gia Roma và giới trí thức sáng suốt chê trách, mà phần lớn dư luận của hai thế giới đều cho rằng: khi đức Pie IX qua đời (7.2.1878), chính quyền của giáo hoàng đang bị cô lập hết sức và bị phe không muốn từ bỏ nền văn minh hiện đại, chống đối càng ngày càng mạnh mẽ.
2. ÐỨC LÉON XIII
Mật nghị giáo hoàng (1878) khai mạc trong bầu không khí nặng nề, có nguy cơ bị đe dọa. Mật nghị này mở đầu cho một thời kỳ mới về nhiều phương diện. Trước hết là nhờ ảnh hưởng ngày một gia tăng của các hồng y người ngoại quốc hiện chiếm đến 40% trong hồng y đoàn. Các vị này đã hầu hết đến tham dự được nhờ vào sự phát triển của xe lửa. Sau đó, vì sự thay đổi vai trò quốc tế của Tòa Thánh từ năm 1870, nên các cuộc bầu cử được tự do hơn. Thật vậy, nay giáo hoàng không còn làm quốc trưởng nữa, nên người ta không phải bận lòng về vấn đề chính trị nội bộ có ảnh hưởng nặng nề đến mật nghị như trước, và những sự cạnh tranh cổ truyền giữa các cường quốc không còn lý do nữa. Ðó là một bước tiến không thể chối cãi được. Trái lại, tiến trình bình thường của các thao tác này tùy thuộc vào thiện chí của nhà cầm quyền Ý Ðại Lợi, mà người ta có lý do phải dè chừng. Tuy lúc đầu có ít nhiều e ngại, nhưng sau đó, giới này quyết không can thiệp, như lập trường của nước Pháp và nước Áo. Tất cả mối bận tâm của mọi người nay dồn vào việc lựa chọn người dự tuyển.
Phần lớn các hồng y trong giáo triều, dù tiếp tục hy vọng một phép lạ hay muốn lợi dụng chính sách cực đoan, đều đồng ý: tốt hơn cứ tiếp tục đường lối của đức Pie IX, là phải lên án thẳng cánh chủ nghĩa tư bản tự do, nguồn gốc mọi sự xấu, và cái gì còn lại hãy thụ động chờ những ngày sáng sủa hơn. Như vậy, các ngài chỉ mong ước có một giáo hoàng là người chỉ biết kinh kệ và giáo thuyết, một người ít chính trị chừng nào hay chừng đó. Với đường lối cố chấp như vậy, các ngài luôn ca tụng cái mà Manning gọi là “thuyết vô vi giáo sĩ” (quiétisme ecclésiastique). Chỉ có một số rất ít hồng y tự hỏi không biết đã đến lúc nên sang trang quá khứ và đi vào con đường hòa giải (conciliazione) với nước Ý tân tiến chưa?. Ðó là điều mà phe tự do ôn hòa vẫn mong Tòa Thánh làm từ hai mươi năm nay. Tuy nhiên, phần lớn những người đã đánh giá chính sách của đức Pie IX và của hồng y Antonelli là thất bại, vẫn chưa dám “can đảm sang trang lịch sử hay hòa giải với Ý”, họ vẫn còn cố chấp trong ước mơ tái lập chủ quyền thế tục của giáo hoàng. Theo họ tốt nhất là làm sao cho Giáo Hội được các cường quốc ủng hộ để Giáo Hội lấy lại uy tín đã bị mất đi trong thế giới hiện đại, đồng thời Giáo Hội nên chấp nhận một thái độ hòa dịu trong các vụ tranh chấp chính trị tôn giáo đang tiếp diễn và nên tỏ ra rất cởi mở đối với tất cả những gì có thể chấp nhận được trong nền văn hóa của thế kỷ XIX. Ðó cũng là ý kiến chung của hầu hết các hồng y ngoại quốc. Một vài người đề cử hồng y Franchi làm đại diện cho chính sách mới này, nhưng Roma từ chối, vì Roma coi ngài là người chạy theo chính trị. Người ta còn đề cử một vị khác thường được nhắc tới từ vài năm trước, là Gioacchino Pecci, tổng giám mục thành Pérouse: người ta nhận xét ngài là người có văn hóa cao, kiến thức rộng và giầu kinh nghiệm ngoại giao nhờ lúc còn trẻ đã làm sứ thần Tòa Thánh ở Bruxelles (1844-1846). Thêm vào đó, ngài còn có lợi thế là đã thực hành mục vụ trong nhiều năm và được coi là một trong những vị giám mục tốt nhất của Ý. Ðiểm này đã gây ấn tượng tốt cho những ai có quan điểm: phận vụ của giáo hoàng bây giờ là chuyên tâm vào phần vụ hoàn toàn tôn giáo. Với sự ủng hộ của Manning, hồng y Bertolini đã hăng say vận động cho Pecci và đã đạt kết quả là nhận được phiếu của hầu hết các hồng y ngoại quốc. Nhiều cử tri không hề biết đức Pecci, nhưng họ có cảm tưởng tốt về ngài, vì thấy ngài giữ được bình tĩnh và đầy nghị lực khi làm giáo chủ. Lại có tin đồn: trước đó ngài đã bị đẩy ra khỏi Roma, và chỉ trở về từ mấy tháng gần đây, nên ngài không bị liên lụy vào những quyết định của triều đại giáo hoàng trước. Như vậy thì trên thực tế, kể như “ván đã đóng thuyền”: Mật nghị khai mạc được một ngày (20.2.1878), thì hồng y Pecci được bầu làm giáo hoàng. Ngài loan báo sẽ lấy danh hiệu là Léon XIII để tưởng nhớ giáo hoàng Léon XII mà ngài luôn ngưỡng mộ, vì vị này chú trọng đến các công cuộc nghiên cứu và có thái độ hòa giải trong những mối quan hệ với các chính phủ, cùng luôn bận tâm về việc trở lại giao hảo với các kitô hữu ly biệt.
Vị tân giáo hoàng 68 tuổi và vì sức khỏe yếu ớt (người mảnh dẻ) nên nhiều người cho rằng triều đại giáo hoàng này có lẽ sẽ ngắn ngủi. Nhưng thực ra thì ngài đã điều khiển Giáo Hội trong vòng một phần tư thế kỷ, với một phong cách hoàn toàn theo ý riêng mình. Ngài có cá tính lãnh đạo với cái nhìn minh bạch, biết tự chủ và có tinh thần quý trọng khả năng của người khác, đó là điều cần thiết cho những ai muốn thực hiện công tác lớn. Ngài cũng là người có tính tình cứng rắn, mà cái đó, khốn thay, lại cần thiết để thẳng tiến mà không quá mủi lòng về những hậu quả đối với cá nhân khi phải lấy những quyết định thiết yếu cho đoàn thể.
Người ta thường cho khuynh hướng của đức Léon XIII đối lập một cách quá đáng với khuynh hướng của vị tiền nhiệm. Thật ra nếu triều đại của ngài mở đầu một tinh thần mới, như việc bổ nhiệm Newman làm hồng y, hay như dấu chỉ đầu tiên đã được linh cảm trong những tông thư ra năm 1877 và 1878 là ngài chấp nhận nhiều đề tài quý báu của Dupanloup và Montalembert (4). Ngoài ra, người ta nhận thấy trong nhiều lãnh vực quan trọng, ngài tiếp nối nhiều mối bận tâm của Pie IX. Là một người rất sùng đạo, đức Léon XIII thường khuyến khích, cũng như vị tiền nhiệm, lòng sùng kính Thánh Tâm và Ðức Nữ Ðồng Trinh. Ngài lặp lại việc lên án thuyết duy lý, hội Tam Ðiểm cũng như loại trừ những ảnh hưởng của thuyết Kant và Hegel trong giới trí thức công giáo. Trong lãnh vực quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ngài tiếp tục phản ứng mạnh mẽ chống thuyết tư bản tự do thế tục và trong các thông điệp trình bày các giáo thuyết cổ truyền của quốc gia kitô, ngài tham khảo nhiều lần văn kiện Syllabus, làm cho những người ngây thơ mong đợi một vị “giáo hoàng phóng khoáng” phải bực mình. Trái hẳn với sự mong đợi của nhiều người, ngài hay nhấn mạnh đến chính sách tập trung Roma và vào những năm đầu triều đại, tuy ngài sẵn sàng nhân nhượng về các thể thức trong vấn đề Roma, nhưng lại tỏ ra nhất quyết trong nguyên tắc về chủ quyền thế tục của giáo hoàng. Trong một vài phương diện, ngài lại còn dứt khoát hơn nữa, vì ngài ít nhạy cảm về tầm quan trọng của tư duy Ý Ðại Lợi và về phong trào phục hưng nước Ý (Risorgimento). Về phương diện này, ngài quả là một người của quá khứ và là một giáo hoàng theo chế độ cổ đại. Tuy nhiên, nếu các thái độ dứt khoát chung của ngài có những sắc thái tâm lý khác nhau, thì lý lẽ sâu đậm của các thái độ đó vẫn là một: đó là niềm xác tín rằng sự độc lập chính trị toàn diện của giáo hoàng đối với nước Ý là một điều kiện cần thiết cho sự độc lập về tôn giáo của Tòa Thánh; vấn đề chính trị này cần phải giải quyết ngay để giáo hoàng có thể hoàn thành sứ mệnh tôn giáo một cách bình thường. Và, điều quan trọng bậc nhất đối với đức Léon XIII khác hẳn với vị thừa kế là đức Pie X, là cần ngay một giải pháp pháp lý về vấn đề Roma, nên phần lớn chính sách của ngài đối với các đại cường quốc đều bị lệ thuộc, cũng như trong chính sách của Tòa Thánh dưới triều đức Pie IX, vào mối bận tâm muốn quốc tế hóa vấn đề Roma, để kéo các cường quốc khác làm áp lực trên Ý Ðại Lợi. Thế nhưng đối với người công giáo Ý chủ trương tự do, thì ngài tiếp tục áp dụng và có khi tăng cường hơn nữa chính sách bất động (non expedit).
Tuy nhiên, không thể chối cãi là triều đại của đức Léon XIII đã đánh dấu một khúc quặt vì ngài áp dụng một đường hướng mới trong hoạt động của Tòa Thánh. Hoạt động này dựa vào sự cộng tác của các quốc vụ khanh, như Franchi (5) trong mấy tháng đầu, Nina (6) từ 1878 đến 1880, Jacobini (7) từ 1880 đến 1887, và sau hết là Rampolla (8) trong suốt 16 năm cuối của triều đại giáo hoàng. Những vị này không được coi như có trách nhiệm một khu vực nào đó, hay được ủy quyền vì khả năng đặc biệt, mà chỉ là những người thừa hành phục vụ một chính sách chung do chính giáo hoàng quan niệm. Chính sách này có đặc tính rõ nét là thái độ tích cực hơn đối với các thể chế tự do, có khuynh hướng hòa đồng hơn đối với các chính phủ, có “vẻ thân tình đối với nền văn minh lành mạnh và sự tiến bộ thực sự” (Goyau), và có một quan niệm hiện đại hơn về việc Giáo Hội phải tìm cách gây ảnh hưởng trong xã hội.
Trong những lời khuyên nhủ gửi các tín hữu công giáo về thái độ phải có trước bình diện chính trị, đáng lẽ đức Léon XIII phải theo gương đức Pie IX, khuyến khích những kẻ cố chấp nên tìm cách xa lánh những người đồng đạo, vì họ liên lụy với các thể chế không phù hợp với những “nguyên tắc chính đáng” của Giáo Hội. Trái lại, ngài đòi họ, trên phương diện hoạt động, phải chấm dứt ngay những cuộc tranh luận vô bổ về một chế độ lý tưởng, và phải nhất trí lợi dụng các thể chế tự do hiện hữu, ngõ hầu thăng tiến những yêu sách chính yếu của công giáo: Mỗi người có quyền sống theo đức tin của mình, phải giáo dục thanh thiếu niên theo Kitô giáo, phải tôn trọng sự thánh thiện và tính cách bất phân ly của hôn phối, tôn trọng khả năng thiết lập các hội đoàn tôn giáo được coi là hữu ích, cổ võ chính sách hòa đồng giữa Giáo Hội và Nhà Nước, nhìn nhận quyền tự do của Tòa Thánh. Thay vì cứ tranh luận về quyền tự do ngôn luận thì họ hãy xử dụng quyền ấy làm sao có lợi cho Giáo Hội. Với những người thiết lập các thể chế dân chủ bằng cách áp dụng những nguyên tắc sai trái, thì chúng ta phải liên đới thành một mặt trận chung gồm những “người lương thiện”, để thúc đẩy họ thể hiện những việc thiện, vì các thể chế đó tự nó không có gì là xấu. Ðó là đề tài, mà trong các chi tiết có một vài thay đổi, được luôn trưng ra trong những thông điệp gửi cho các giám mục của nhiều quốc gia, tùy từng trường hợp.
Trong việc quan hệ với các chính phủ, đức Léon XIII áp dụng thái độ khôn ngoan mà ngài đã dùng khi làm giám mục Pérouse đối với nhà cầm quyền Ý. Trên bình diện quốc tế: thay vì những cuộc kháng nghị nảy lửa như vị tiền nhiệm thích làm, ngài ưa dùng phương pháp ngoại giao hơn. Ðiều ngài chú trọng trước tiên là làm dịu bớt những thành kiến đối với Giáo Hội, và mỗi lần có dịp là ngài lưu ý người ta về sự ủng hộ tinh thần của Giáo Hội chống lại các đam mê cách mạng (nhóm vô chính phủ ở các nước phía Nam, xã hội chủ nghĩa ở Ðức, rối loạn tại Ái Nhĩ Lan, ở bên Anh hay khuấy động của người Balan ở Nga). Nếu thái độ của ngài xích lại gần với phe tư sản cầm quyền đã làm phe cách mạng và xã hội chê trách Giáo Hội là nha phiến mê hoặc dân chúng, thì lại gặt hái ngay tức thời những thắng lợi không chối cãi được, nổi nhất là việc giải thể được phong trào Kulturkampf (chiến đấu cho văn hóa) của Ðức. Trong vòng mấy năm, những tranh chấp giữa Giáo Hội với Thụy Sĩ và với phần lớn các cộng hòa Châu Mỹ La Tinh được giàn xếp; với Nga, cũng như với Tây Ban Nha và Anh quốc được cải thiện nhiều; và với Hoa Kỳ thì được giải quyết thật tuyệt vời. Tuy nhiên không nên quá đề cao tài ngoại giao của đức Léon XIII như J.E. Ward đã chứng minh (9). Ngài cũng bị thất bại trong nhiều việc quan trọng: tại Pháp, về chính sách chiêu hồi không thành công, và nhất là ở Ý, vấn đề Roma vẫn giậm chân một chỗ dù ngài đã cố gắng nhiều, trong khi đó quan hệ giữa Vatican và điện Quirinal (chính phủ Ý) mỗi ngày mỗi trầm trọng thêm kể từ năm 1887.
Ðiều làm cho đức Léon XIII có uy thế thực sự là: Cho dù bản tính yêu thích chính trị, và có nhiều khả năng chính trị, đức Leon XIII vẫn không chuyên chủ riêng về chính trị. Thực tế, ngài là một nhà ngoại giao, một người trí thức có thiện cảm với các tiến bộ khoa học, ngài có ý thức là Giáo Hội phải cởi mở trong các lãnh vực đó. Ngài còn là một chủ chăn luôn bận tâm về đời sống nội bộ của Giáo Hội và Giáo Hội phải làm rạng rỡ Sứ Ðiệp Phúc Âm trên khắp hoàn cầu.
Trong khi đức Pie IX luôn nhăm nhe lên án những công trình nghiên cứu mà ngài cho là không thể chấp nhận được, thì đức Léon XIII lại khuyến khích người công giáo tích cực tham gia. Sự thay đổi không khí này được nhiều người đương thời tán thưởng, vì là cơ hội thúc đẩy “người công giáo gia nhập đông đảo vào lãnh vực khoa học, đặc biệt là lãnh vực nghiên cứu lịch sử, mà từ lâu người ngoài công giáo đã vượt xa” (H. Marrou).
Cũng vì bận tâm muốn nối lại cuộc đối thoại giữa Giáo Hội với thế giới mà đức Léon XIII đã làm dịu đi những lời nguyền rủa của vị tiền nhiệm chống lại nhiều hình thức tự do tân tiến. Nếu, như cha Murray đã trình bày, trong lãnh vực này, đức Léon XIII luôn ở thế kẹt trước bối cảnh lịch sử, thì những triển vọng về tương lai ngài đã khởi sự những điểm khá mới mẻ trong giới công giáo thời đó, nhất là việc thừa nhận sự độc lập của thế lực dân quyền trong phạm vi đối với thần quyền. Ðây là một bước đầu mang lại những quan điểm mới nhưng cũng có những hạn chế ngẫu nhiên. Hơn thế, học thuyết của đức Léon XIII về công bằng xã hội đã được trình bày dưới hai khía cạnh đó. Thông điệp Rerum novarum (Tân Sự), tuy còn hơi rụt rè, đã cho thấy giáo hoàng quan tâm nhiều đến vấn đề thợ thuyền và muốn can thiệp tích cực vào việc giải quyết.
Trong số các lý do thúc đẩy đức Léon XIII dấn thân vào con đường mới mẻ này, thì, sau niềm tin thành thật của ngài mà không ai có thể ngờ vực, người ta phải kể đến mối lo sợ trước sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội cần phải nhổ cỏ tận gốc. Hơn nữa, giữa đám đông quần chúng đang trên đường được phổ thông đầu phiếu, Giáo Hội phải tìm ra một cách đối phó với chính sách bài trừ giáo sĩ đang thịnh hành trong các “nước tư bản hợp pháp”. Ở đây chúng ta lại gặp một nét đặc trưng của triều đại giáo hoàng Léon XIII: ngài không ngừng khuyến khích các hình thức tổ chức thúc đẩy giáo dân hăng say hoạt động. Người ta có thể nghĩ như Spahn rằng: ngài có ý tưởng đó khi nhìn thấy các công việc được thực hiện thành công ở Bỉ và vùng Rhénanie trong thời gian ngài làm sứ thần tòa thánh ở Bruxelles. Dù sao chăng nữa điều đáng chú ý phải nhận thấy ở nhà quý tộc bẩm sinh này là cái khuynh hướng càng ngày càng rõ rệt cùng với thời gian trị vì: cần dựa vào quần chúng để thúc bách các chính phủ bênh đỡ Giáo Hội, và nơi nào có nhiều cơ may thắng lợi, thì sẽ động viên các tín hữu công giáo trên địa hạt quốc hội để họ trở thành tiên phong của Giáo Hội chiến đấu. Sau hết, khi nhận ra một cách thực tế là thời đại các ông hoàng công giáo ở nhiều nước đã thực sự kết thúc, đức Léon XIII tìm cách kitô hóa các chính phủ từ dưới trở lên để họ ủng hộ Giáo Hội. Có lẽ ngài không nhận thức được tất cả các hậu quả, nên ngài còn muốn đi vào một con đường mới mẻ hơn nữa. Thật vậy, trong mối ưu tư mà ngài thường nói ra, là muốn các tín hữu công giáo đi vào những khát vọng của thế kỷ ngõ hầu đem tinh thần Kitô giáo xâm nhập tất cả mọi hình thức văn minh hiện đại. Từ đó người ta hình dung ra được quan niệm lớn lao của đức Léon XIII: đó là quan niệm về Công Giáo Tiến Hành của thế kỷ XX thay thế cho quan niệm cũ, hoàn toàn chính trị, là có những chính phủ công giáo hành động ở cấp trên theo đường lối thể chế. Còn Công Giáo Tiến Hành là một quan niệm mới: việc tông đồ được thể hiện qua những hành động nhỏ bé của giáo dân trong môi trường sống hằng ngày của họ. Chính nhờ sự nhận thức ra những thực tế đó nên đức Léon XIII chú trọng đến các nhóm công giáo thiểu số đang phát triển bên lề công giáo chính thức. Cho đến giữa thế kỷ XIX trong khi các giáo hoàng như muốn vun đám cháy lại, nên chỉ trông vào cái mà thời đó gọi là các “ngai vàng công giáo”, thì đức Léon XIII nhận thức rõ ràng chỗ đứng quan trọng của những Giáo Hội địa phương ngày một thịnh vượng, đang củng cố và phát triển nhanh chóng trong những nước không chính thức công giáo, đặc biệt ở Hoa Kỳ.
Nói cho đúng, trong điểm này đức Léon XIII chỉ nhấn mạnh thêm về chính sách đã được khơi mào từ thời đức Pie IX, mà việc cải tổ thứ bậc giám mục ở Anh (1851) và ở Hòa Lan (1853) là những thể hiện đầu tiên. Trái lại, ngài đã canh tân rõ rệt trong lãnh vực hiệp thông. Chắc chắn đã nhiều lần trong các triều đại giáo hoàng trước người ta cũng bận tâm đến vấn đề thống nhất Kitô giáo. Nhiều hy vọng đã chớm nở về phía chính thống giáo qua những biến đổi trong khối dân Slave và trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, sau những vụ khai triển vấn đề Ðông Phương, và về phía những giáo phái Cải Cách là bởi phong trào Oxford, và bởi cuộc khủng hoảng xẩy ra trong giáo phái Luther ở Ðức do nhóm tin lành tự do gây nên. Tại Roma người ta rất quan tâm đến những thời cơ giúp lôi kéo các cộng đồng quan trọng vùng Balkans và vùng Cận Ðông vào việc thống nhất công giáo, như đã được chứng minh bởi quyết định năm 1862: chia Bộ Truyền Giáo (de Propaganda fide) làm hai phân bộ, một trong hai phân bộ chuyên về các Giáo Hội Ðông Phương. Nhưng người ta lại coi việc trở về này như một sự đồng hóa, thành ra mọi chương trình muốn kéo họ xích lại gần đều vô hiệu. Hơn thế, chính sách tập trung quá đáng của hồng y Barnabo làm cho tình thế trở nên trầm trọng hơn, do chính sách La Tinh hóa áp dụng tại chỗ bởi phần đông các nhà truyền giáo và các khâm sứ Tòa Thánh. Chính sách ấy đã gây ra vào khoảng năm 1870, những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong các cộng đồng đã hiệp thông với Roma (10). Còn những phương án tiếp xúc với phe Anh Giáo thì Tòa Thánh tỏ vẻ rất dè dặt, và đã nhiều lần Tòa Thánh lại có thái độ cứng rắn do ảnh hưởng của Manning và mấy người khác. Họ đã ra lệnh cấm các tín hữu công giáo Anh gia nhập hội “Thăng tiến liên minh Kitô giáo” (Association for the Promotion of the Union of Christendom) (11). Các sử gia ngày nay coi những cách xử sự như trên và các cuộc vận động vụng về vào thời Công Ðồng Vatican là những hành động đáng buồn đã bỏ mất nhiều cơ hội may mắn trong lịch sử sóng gió về mối tương quan giữa những kitô hữu chia ly (12). Tuy còn đứng xa quan điểm đại kết ngày nay, đức Léon XIII đã đề cập đến những mối tương quan đó dưới một khía cạnh mới mẻ. Có lẽ nhiều người nghĩ cha Esposito đã nhận định quá đáng khi nói “cuộc họp ở Roma giữa các Giáo Hội ly khai là mối bận tâm căn bản của đức Léon XIII”. Riêng tôi, tôi xác tín rằng: “Ðây là mối bận tâm lớn của đức Léon XIII vì những lý do có vẻ phức tạp, trong đó có việc lo hồi phục uy tín của Tòa Thánh trên thế giới. Mối lo lắng đó được biểu lộ ra không phải chỉ qua các ý nguyện đạo đức hay những lời mời khách sáo, nó được thể hiện bằng một loạt những biện pháp cụ thể. Sau khi lợi dụng dịp may có Ðại Hội Thánh Thể Jerusalem năm 1893 để biểu lộ rõ ràng lòng khoan dung của Tòa Thánh đối với Kitô giáo Ðông Phương, và lòng tôn trọng những truyền thống phụng vụ, đức Léon XIII còn khẳng định lại cách trọng thể trong thông điệp Orientalium dignitas (Phẩm tước của các Giáo Hội Ðông Phương) rằng: Ngài đồng ý với các thượng phụ hiệp nhất (với Roma) chống lại chính sách La Tinh hóa. Về sau ngài còn nhắc lại nhiều lần nữa (13). Riêng chính sách thân Slave dưới sự chỉ đạo của Rampolla đã được điều hành có hệ thống trong vùng Balkans. Lúc đức Léon XIII đã lớn tuổi, ngài lên tiếng khuyến khích cuộc điều đình giữa linh mục Portal và huân tước Halifax để Cantorbéry và Roma xích lại gần nhau (14). Ông J. Hajjar coi đấy như sự “lạc quan canh tân”, một sự lạc quan còn mang ít nhiều ảo tưởng. Chính trong bối cảnh hợp nhất đó mà thông điệp Satis Cognitum (Biết đủ rồi) (30.6.1896) được biên soạn. Ðây là tài liệu quan trọng nhất của triều đại giáo hoàng về vấn đề tín lý, trong đó Giáo Hội được miêu tả như chính Ðấng sáng lập mong muốn và đức Léon XIII đã trình bầy Giáo Hội như là “Nhiệm Thể Chúa Kitô hoạt động trong đời sống siêu nhiên”, đồng thời nhấn mạnh đến sự hiệp nhất. Ngài còn phân tách khác biệt giữa hiệp nhất (unité) với độc nhất tính (unicité). Ngoài ra ngài còn nhắc nhở rằng: quyền giáo huấn trong Giáo Hội được thi hành theo kiểu tập đoàn bởi giáo hoàng và các giám mục, các giám mục không phải chỉ là đại diện của giáo hoàng mà thôi. Lời khẳng định này đã được giới Anh giáo tán thành.
Trong những năm cuối cùng của triều đại đức Léon XIII, phe bảo thủ tập hợp theo hồng y Mazella đã thành công trong việc dành lại ảnh hưởng trên giáo hoàng trong tuổi già. Do đó người ta thấy có mấy việc điển hình, như thái độ cứng rắn khi lên án chủ nghĩa sùng Mỹ và thái độ dè dặt hơn đối với nền dân chủ kitô giáo. Cũng như nhiều giáo hoàng khác, đức Léon XIII đã sống quá lâu. Cần nói thêm rằng: xét về nhiều phương diện, đức Léon XIII được coi là hiện đại hơn sánh với vị tiền nhiệm. Tuy vậy, vì do nền giáo dục, ngài thuộc vào chế độ cổ và không sao thoát khỏi cái quan niệm đế chế trong khi hành động nhân danh Giáo Hội. Ðiều này đã gây nên nhiều nỗi đắng cay vào buổi đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, đức Léon XIII thuộc loại người có trí óc quan niệm những chương trình lớn lao, nhưng lại không biết soạn thảo các chi tiết và không quan tâm đủ đến các thể thức thi hành.
Nhưng, mặc dù có những khuyết điểm và những giới hạn, đức Léon XIII là một con người cao thượng và cũng không thể chối cãi được là chính sách của ngài, nếu không phải lúc nào cũng là thiên tài như đôi khi có người nói, đã giúp cho Giáo Hội và Tòa Thánh lấy lại được không những uy tín đã mất kể từ buổi đầu đầy sóng gió của triều đại đức Pie IX, trước năm 1848, nhưng việc chủ yếu hơn là lấy lại cái uy quyền tinh thần rất lớn, vượt xa các “thế lực chính trị hữu hiệu và quyền hành chánh thế tục” (Seignobos). Cứ xem số đại diện ngoại giao tăng gấp ở Vatican, với cả những nước không theo Kitô giáo; cứ xem trong những nghi lễ vào các năm 1883, 1888, 1894 và 1902, người ta sẽ thấy rõ: tất cả đều nhất trí cảm phục đức Léon XIII về sự nghiệp phục hưng trong “triều đại vẻ vang của ngài” chấm dứt ngày 20.7.1903. Còn hơn cả những thực hiện tức khắc, triều đại này đối với các sử gia ngày nay thật phong phú với một loạt các khả năng bắt đầu chín muồi để trở nên hiện tại hóa dần dần trong những thập niên sau.
3. ÐỨC PIE X
Ngay trước khi vào mật nghị năm 1903 để bầu người kế vị đức Léon XIII, hồng y đoàn ở trong tình trạng chia rẽ hơn 25 năm về trước. Nhiều hồng y cho rằng không gì tốt hơn trong việc chọn người thay thế vị giáo hoàng đã đem lại uy tín cho chức vị giáo hoàng một cách tài tình như vậy, là chọn quốc vụ khanh của ngài tức là hồng y Rampolla, một người thâm tình của đức Léon XIII, một cộng sự viên của những công trình và phương án lớn lao trong suốt mười lăm năm cuối. Cũng nghĩ như vậy, những người chủ trương chính sách hòa giải của vị giáo hoàng quá cố phải được tiếp tục; và một số người “cố chấp” tán thành đường lối của Rampolla là đối thủ khắt khe của nhà cầm quyền Ý Ðại Lợi. Nhưng đa số các hồng y lại cho là cần có một sự đổi hướng, nhưng các ngài không đồng ý nhau về việc phải đổi hướng như thế nào. Người thì lý luận theo “kiểu chính trị” và họ muốn Tòa Thánh bớt cứng rắn với nước Ý mà họ nghĩ rằng đừng mong nước Ý sẽ sụp đổ một ngày gần đây. Họ mong muốn Giáo Hội tìm được sự ủng hộ của phe công giáo Áo và ở Trung Ðức hơn là dựa vào Nga Chính Thống Giáo, vì họ e ngại ảnh hưởng mỗi ngày một tăng lên trong vùng Cận Ðông. Họ không ưa nước Pháp bài giáo sĩ, gây biết bao ảo tưởng xót xa cho đức Léon XIII. Nhiều người khác, vì nhạy cảm hơn về phương diện giáo lý lại e ngại sự thâm nhập của các tư tưởng tự do trong cách chú giải Thánh Kinh và thần học, họ thấy những tư tưởng dân chủ được quốc vụ khanh khuyến khích nguy hiểm cho nguyên tắc uy quyền độc đoán, nên họ chủ trương cần trở lại thái độ không nhân nhượng là đặc tính của triều đại đức Pie IX. Sau hết, nhiều hồng y khác cùng với nhiều linh mục và tín hữu cho rằng đã đến lúc phải đặt mục vụ lên hàng đầu, và họ mong muốn nên chọn một vị giáo hoàng không phải là một chức sắc cao cấp của giáo triều Roma, mà là một người đã chín chắn trong sứ vụ giám mục.
Vấn đề còn trở nên phức tạp hơn nữa do sự can thiệp của nhân tố ngoại giao, kể từ năm 1878 các cường quốc khám phá ra là có lợi khi được Vatican ủng hộ tinh thần. Nếu chính phủ Pháp có cảm tình với Rampolla thì Áo lại chê trách ngài còn giữ ý đồ, dè dặt với đồng minh Triplice, thân Slave tại vùng Balkans, và ủng hộ những tín hữu kitô giáo xã hội. Tuy ở Vienne người ta do dự dùng quyền phủ quyết xưa kia đối với ngài, nhưng cuối cùng hoàng đế đã quyết định xử dụng theo sự khẩn nài của hồng y Puzyna tổng giám mục thành Cracovie. Vị này cho là việc bầu hồng y Rampolla lên, sẽ tai hại cho Giáo Hội, ngoài ra ngài còn chê trách Rampolla là đã hy sinh quyền lợi của dân Balan chỉ vì ngài thân thiện với Nga (15).
Mật nghị bầu giáo hoàng gồm 38 hồng y người Ý và 24 người ngoại quốc (16). Khai mạc ngày 1 tháng 8. Ngay trong ngày đầu, 3 ứng cử viên nổi bật là hồng y Rampolla rõ ràng đứng đầu, rồi đến hồng y Gotti bộ trưởng Bộ Truyền Giáo là tu sĩ dòng Carmêlô bảo thủ về phương diện học thuyết, nhưng lại nổi tiếng là người có đầu óc rộng rãi về các vấn đề chính trị, giáo sĩ, sau cùng là hồng y Sarto, thượng phụ thành Venise, ít được quần chúng và các hồng y ngoại quốc biết đến, nhưng đã nhiều lần được đức Léon XIII chỉ định một cách kín đáo, như là vị kế thừa ngài và được các hồng y không thuộc giáo triều Roma hết sức ủng hộ. Sáng ngày mồng 2 tháng 8 Puzyna chính thức cho biết lệnh phủ quyết của hoàng đế mà từ mấy ngày nay ông đã mật báo cho đương sự và cho vị hồng y thị thần. Hình như đó cũng chỉ là một cử chỉ vô ích, vì đúng ra cựu quốc vụ khanh không đạt được số phiếu hai phần ba. Sau một vụ phản kháng không hiệu lực, người của phe Rampolla yêu cầu chỉ định ứng cử viên thay thế mà ngài muốn dồn phiếu cho, nhưng hồng y Rampolla từ chối, không rút lui để khỏi bị coi như phải hạ mình đối với nước Áo, nhưng có lẽ cũng vì ngài cảm thấy không đủ sức định hướng cuộc bầu phiếu theo như mình mong muốn.
Trong khi phe ủng hộ hồng y Rampolla còn khuấy động không có kết quả thì Sarto thấy người ủng hộ mình tiến lên từ 21 đến 24 phiếu, rồi lên đến 27 vào sáng ngày mồng 3 tháng 8; hơn hẳn hồng y Rampolla, trong khi đó thì trên thực tế, hồng y Gotti đã bị loại. Ðã có lúc người ta sợ Sarto từ chối một trách nhiệm mà ngài cho là quá sức ngài, nhưng sau cùng ngài đón nhận những lời thuyết phục, và sáng ngày 4.8 ngài đắc cử với 50 phiếu thuận và 10 phiếu vẫn trung thành với Rampolla. Ðức Sarto đã cho thấy ngay dự kiến về phương hướng mà ngài sẽ theo trong triều đại giáo hoàng, và ngài loan báo lấy tên là Pie X để kỷ niệm những vị giáo chủ mang tên đó, vì “trong thế kỷ trước các ngài đã can đảm chống lại các giáo phái và những sai lầm tràn ngập”.
Nhiều giáo hoàng trong thế kỷ XIX và XX đã có trách nhiệm coi một giáo phận trước khi lên ngôi giáo hoàng, nhưng lịch sử cho biết có rất ít các giáo hoàng giống như đức Pie X: Ngài đã lần lượt qua hết mọi cấp bậc trong thừa tác mục vụ. Ngài sinh năm 1835, thuộc một gia đình tầm thường ở thành Vénétie. Theo nhận xét của các vị giáo sư cao niên, thì lúc còn học tiểu chủng viện, cậu Sarto thông minh nhất lớp. Sau khi chịu chức linh mục, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại một giáo xứ ở vùng thôn quê, rồi lên làm cha sở tại một thị trấn lớn; tiếp đến được đề cử làm giám mục thành Trévise với trách nhiệm quán xuyến một phần lớn việc quản trị giáo phận, đồng thời làm linh hướng cho các chủng sinh. Vào năm 1884 ngài được đổi làm giám mục thành Mantoue. Vị giám mục đức hạnh và nhiệt tình canh tân đời sống đạo của linh mục và giáo dân, chỉ trong vài năm, đã đổi mới hẳn bộ mặt giáo phận: từ một giáo phận èo uột, trì trệ trở thành một giáo phận gương mẫu. Thấy vậy, năm 1893, đức Léon XIII không ngần ngại thăng ngài lên chức thượng phụ thành Venise và đồng thời trao mũ hồng y cho ngài. Mặc dù trách nhiệm mỗi ngày một tăng thêm, ngài vẫn chuyên chú vào việc lãnh đạo tinh thần, luôn động viên lòng nhiệt thành của các linh mục, nhất là về việc giảng dạy giáo lý và siêng năng rước lễ. Ngài cũng thúc đẩy giáo dân phải thật sự dấn thân vào các hoạt động chung, nhưng nhất thiết phải luôn hoạt động dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của hàng giáo sĩ. Ngài yêu cầu các giáo sĩ phải phục tùng toàn vẹn những chỉ thị của giám mục trực thuộc. Nhưng mặt khác, vì lo âu muốn ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa xã hội muốn đả phá những căn bản tôn giáo truyền thống, ngài rất chăm đọc các văn kiện của hồng y Pie. Vị này luôn tố cáo trong các thư mục vụ: phải coi chừng nhóm công giáo tự do đang hoạt động như “những chó sói đội lốt da cừu non”. Bởi vậy, về chính sách thị xã, ngài khuyên hãy liên minh những người công giáo thành Venise với các người chủ trương tự do ôn hòa.
Với cách hành động như vậy, người ta tiên đoán là vị tân giáo hoàng tỏ ra có khuynh hướng hòa giải đối với nước Ý mới, hơn là các vị tiền nhiệm và trên thực tế là triều đại của ngài đánh dấu buổi đầu của một sự cải thiện chậm chạp trong mối quan hệ giữa Vatican và điện Quirinal. Tuy nhiên, nếu thái độ mà đức Pie X định đưa ra sau cuộc bầu phiếu có làm các nhà báo và các chính trị gia lưu tâm hết sức, thì trong thâm tâm của giáo hoàng, đấy chỉ là một thứ yếu. Thật vậy, ngài đã đem đến Tòa Phêrô một tinh thần khác hẳn vị tiền nhiệm. Trong khi vị trước thích sử dụng những lối ngoại giao và chính trị tinh tế, thì đức Pie X lại không thích như vậy, vì ngài không muốn chịu theo những thỏa hiệp tất nhiên của những cuộc chơi đó. Vả lại, ngài nhận thấy chính sách thỏa hiệp của đức Léon XIII với các chính phủ và các triều đình rốt cuộc đều thất bại, nên ngài quyết định tập trung nghị lực vào các sứ vụ tông đồ và vào đời sống kitô giáo.
Thật ra, trong tất cả mọi phương diện người ta đều nhìn thấy sự tương phản lạ lùng giữa vị tân giáo hoàng và vị tiền nhiệm. Trước hết là về mặt thể xác: đức Léon XIII người cao, mảnh khảnh, trắng trẻo, lạnh lùng, có thái độ xa cách với quan khách, người trịnh trọng oai vệ; còn đức Pie X có tầm vóc trung bình, cũng khá vạm vỡ, khuôn mặt hồng hào, giọng nói ấm áp và dịu dàng, nhã nhặn với tất cả mọi người, với nụ cười hiền hòa và đăm chiêu, ngài không ưa thích những gì có vẻ huy hoàng, nên dễ gây thiện cảm với mọi người. Xét về chiều sâu, thì đức Léon XIII là nhà trí thức có văn hóa rộng và là người tự biện, thích những quan niệm tổng hợp có tầm mức rộng rãi; còn đức Pie X là người từ tâm, rất nhạy cảm với những lấn át đối với kẻ yếu, là người có đầu óc thực tế, rất lưu tâm đến các chi tiết và thận trọng trong việc thả mồi bắt bóng. Bản tính đa nghi đối với các khuynh hướng tiến bộ, về mặt tư tưởng cũng như về mặt xã hội, ngài cho rằng chính sách cởi mở với thế giới hiện đại của vị tiền nhiệm, nếu chưa bị lên án về nguyên tắc thì ít nhất cũng tỏ ra bất cẩn có nguy cơ đem lại tức khắc những hậu quả đáng tiếc. Như thế, ngài nghĩ rằng cần phải có phản ứng, và ngay từ buổi đầu triều đại, ngài có thái độ rút lui và “phòng vệ công giáo”. Người ta nhận thấy thái độ này đặc biệt trong ba lãnh vực sau đây: trong những quan hệ với các chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt của Ý, thì đức Pie X lại trở về với thái độ cố chấp trong thời đức Pie IX, ngài dụng tâm đòi lại cho Giáo Hội quyền tự do đầy đủ đối với chính quyền dân sự, nên không nghĩ đến những tranh chấp do đó mà xẩy ra; thái độ rất dè dặt khác với thời đức Léon XIII đối với những người dân chủ kitô, đến mức độ lên án công khai, dứt khoát với phong trào Azione Popolare của Murri ở Ý hay tạp chí Sillon của Marc Sangnier ở Pháp, tỏ ra khắc nghiệt rõ rệt chứ không thiện cảm đối với nhóm tiến hành Pháp (Action francaise); sau hết là việc trấn áp thuyết Duy Tân (Modernisme) mà chúng ta sẽ nói dài hơn ở những chương sau.
Công cuộc phản kháng này được thực hiện một cách cương quyết, có người còn muốn nói là khắt khe, đã gây nên ngay khi đức Pie X còn sống, và còn tiếp tục gây ra những nhận xét rất khác nhau. Trong khi có những người ca tụng đức thánh cha là người bảo vệ dũng cảm chính thống và quyền lợi của Giáo Hội, thì có những người khác lại chê trách ngài không biết cập nhật hóa các vấn đề hiện đại, các thay đổi tân tiến và những vấn đề quan trọng mà Giáo Hội phải đối phó; tệ hơn, ngài lại tìm cách phong tỏa Giáo Hội bằng những phương pháp ngày càng độc đoán, với những quan điểm phản động và khuynh hướng giáo quyền hiển nhiên đi ngược dòng lịch sử.
Tuy nhiên, trong tương lai người ta có phán đoán thế nào đi nữa về công trình phòng ngừa của đức Pie X, thì về mặt lịch sử, thật là sai lầm nếu khẳng định là triều đại của ngài chỉ quy lại có một phương diện còn đang được bàn cãi nhiều. Thật vậy, vị giáo hoàng này đối với người cùng thời được coi như rất ít tân tiến và rất bảo thủ, và cũng không thể chối cãi là trong một vài phương diện là đúng như thế. Nhưng trên thực tế ngài là một trong những vị giáo hoàng cải cách lớn của lịch sử... Ngài đã lấy làm khẩu hiệu câu “Instaurare omnia in Christo” (Phục hưng mọi sự trong Chúa Kitô), và dưới mắt ngài, việc phục hưng xã hội kitô giáo phải bao hàm ít nhất là việc bảo vệ kịch liệt những quyền của Ðấng Kitô và của Giáo Hội Người, một công trình tích cực cải cách và sáng kiến với mục tiêu thiết yếu là mục vụ, ngõ hầu đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, và việc sử dụng tối đa sức mạnh của nó. Ðức Pie X đã chủ tâm ứng dụng vào đó tất cả kinh nghiệm của ngài về 40 năm chuyên trách qua các cấp bậc thừa tác vụ tích cực xa hẳn giáo triều Roma và với óc sáng suốt, minh mẫn, với tài năng tổ chức như ngài đã chứng minh khả năng đó trong khi điều khiển các giáo phận Mantoue và Venise. Không chịu để các lề thói quan liêu cũ xưa ngăn cản, đức Pie X đã sử dụng uy quyền để trong vòng mười một năm của triều đại, thực hiện được một loạt các cải cách mà nhiều người đã đòi hỏi từ nhiều thế kỷ, và nhiều cải cách mà vào thời đó, người ta coi như làm cách mạng vậy. Dưới đây chúng ta sẽ trở lại về nhiều cải cách đó: như sắc lệnh về việc Rước lễ của trẻ con, cải cách về âm nhạc trong Giáo Hội và về phụng vụ, những biện pháp đưa ra phỏng theo một quan niệm về giáo dân ngày nay đã lỗi thời, nhưng nó lại mở đường cho Công Giáo Tiến Hành theo nghĩa hiện đại, những đổi mới về sư phạm giáo lý và giảng thuyết, tổ chức lại các chủng viện ngõ hầu cải tiến việc đào tạo giáo sĩ. Nhưng nếu muốn cho từ trên xuống dưới trong hàng giáo phẩm có đủ khả năng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, thì phải chỉnh đốn lại luật lệ và những thể chế giáo sĩ, vì kể từ Công Ðồng Trente người ta không hề xem xét lại một cách có hệ thống. Ðây là một công việc rất lớn, nhất là nếu người ta nghĩ đến cái sức ù lì thường đụng phải khi muốn sửa đổi các tục lệ đã thành nếp. Ðức Pie X không khiếp sợ những cái đó.
Ngay hai ba ngày sau khi được bầu lên, đức Pie X đã ngỏ ý muốn soạn thảo một bộ Giáo Luật mới mà trong đó pháp chế của Giáo Hội sẽ được cô đọng một cách có hệ thống và thích nghi hơn với những hoàn cảnh mới. Trong một vài giới ở Vatican, sự chống đối trở nên mãnh liệt và người ta đi đến mức nại tới Friedberg, một tín hữu tin lành, tác giả một cuốn sách xuất bản phê bìnhCorpus juris canonici (Bộ Giáo Luật) để chứng minh rằng không thể nào thực hiện một sự cải cách như thế được. Nhưng không thụ lý, đức Pie X cho gọi nhà giáo luật nổi tiếng là hồng y tương lai Gasparri và sau mười một năm làm việc thì cứ mỗi giai đoạn là chính ngài đến giám sát và đích thân khuyến khích. Khi qua đời, ngài để lại một bộ Giáo Luật mới gần hoàn thành mà vị thừa kế có thể ban bố ngay năm 1917. Ngài cũng rất hài lòng vì đã hoàn toàn việc cải tổ tốt đẹp giáo triều Roma, cơ quan quản trị trung ương của Giáo Hội. Công trình cải tổ này đáp ứng một nhu cầu khẩn trương đã mong ước từ lâu. Tiếp đến là ba sắc lệnh được hiệu chính qua nhiều lần khởi thảo liên tiếp đã được ban hành vào tháng 7.1908 làm đảo lộn khá nhiều tập quán và đã đem lại nhiều điều làm sáng tỏ, công minh hơn trong cơ quan hành chánh lỗi thời. Các thánh bộ ở Roma tức là những bộ khác nhau trong chính phủ trung ương của Giáo Hội đều thấy các quyền hạn bị sửa đổi và được xác định hợp lý hơn, trong khi đó thì phương pháp làm việc phải nhanh chóng hơn ngõ hầu thích nghi với công việc ngày càng nhiều do sự tập trung giáo triều phát triển từ giữa thế kỷ XIX.
Trong việc quản trị, dù tài đức của đức Pie X lớn lao đến độ nào chăng nữa, thì ngài cũng phải dựa vào các cộng sự viên. Vì tha thiết muốn các cộng sự viên của mình chia sẻ lý tưởng cải tổ Giáo Hội nên ngài thích chọn cộng sự viên trong các linh mục dòng càng ngày càng đông trong các Bộ Roma. Trong số đó ngài biết có những giám chức chống đối chủ nghĩa tư bản tự do dưới mọi hình thức, có những người nhiều đức hạnh, chăm chỉ làm việc nhưng trí óc hẹp hòi, hoàn toàn tận tâm với Tòa Thánh, nhưng đôi khi thiếu sáng suốt và ít hiểu biết về tình hình thật sự của Giáo Hội, có những người không cùng tâm trạng với các giáo sĩ Ý, mà người nổi tiếng nhất là đức cha Gasparri. Trong số những người nói trên, phải kể đặc biệt đến vị thư ký riêng của ngài là đức ông Bressan, mà theo lời chứng của bá tước Della Torre, thì ông này đã nhiều lần vì nhiệt tình cá nhân, đã sốt sắng hơi quá đáng. Còn phải nói đặc biệt đến ba hồng y hết sức cố chấp và có người đã coi như những hung thần của triều đại giáo hoàng: Trước tiên hồng y Vives y Tuto, dòng Capucin, một nhân vật có thế lực lớn ở thánh bộ Ðức Tin; rồi đến vị có quyền thế lớn là De Lai, giám quản Nghị Hội giáo triều (préfet de la Congrégation consistoriale), người kiểm soát độc đoán khắt khe các giáo phận và các chủng viện; sau cùng là Quốc Vụ Khanh Merry del Val (17), tham dự chặt chẽ hơn các vị tiền nhiệm của ông vào chính sách tôn giáo của triều đại giáo hoàng. Là một linh mục sùng đạo và khắc khổ, nhà quý tộc này là người lịch sự, nhã nhặn, tận tâm hết mình với Tòa Thánh, nhưng lạnh lùng và nghiệt ngã không nhân nhượng với các khuynh hướng hiện đại và có những “đức tính tích cực và tiêu cực của người Tây Ban Nha” (Secco Suardo), đôi khi còn bị kêu là có nhiều thủ đoạn tố giác người khác. Nhờ ra vào thân mật với đức Pie X, và được ngài đánh giá cao, coi như cộng sự viên có năng lực và tận tâm, luôn đồng ý về các lựa chọn chủ yếu, cho nên quyền hành của hồng y nầy rất lớn, nhất là khi vụ cải tổ giáo triều Roma đã cho Phủ Quốc Vụ Khanh thêm nhiều quyền hành. Cũng vì thế đức Pie X đã bị nhiều người phê phán và chê trách rằng: ngài đã để cho hồng y De Lai có quá nhiều ảnh hưởng phản động trong các quyết định của giáo hoàng. Sự phê phán này có phần quá đáng vì trong một tài liệu xuất bản gần đây của E. Poulat về hồ sơ Sodalitiun pianum (18) có tiết lộ là đức ông Benigni lại chê trách Merry del Val là quá rụt rè trong việc thi hành các huấn lệnh của giáo hoàng, và vì ông ta có khí chất của một nhà ngoại giao nên đôi khi có những vụ việc đã quyết định xong rồi lại để nó tan vỡ trước sức chống đối.
Nói như thế không có dụng ý minh oan cho đức Pie X về tất cả các khía cạnh không hay trong triều đại của ngài. Người viết sử còn phải nhìn nhận vai trò quan trọng của những người thân cận với đức Pie X hơn chính ngài tưởng: một phần vì nhiều người trong số các cộng sự viên của ngài quá hăng say, đã đem áp dụng một số các quyết định, hay đem sử dụng một vài phương pháp ngoài ý muốn của giáo hoàng. Ðàng khác là chính giáo hoàng, đã nhiều lần thực tâm ra các quyết định dựa trên những tin tức đơn phương và có ẩn ý của những người thân cận đưa tới. Mức độ thánh thiện cá nhân không bảo đảm tối đa cho đường hướng mục vụ của giáo hoàng. Ðiều không thể chấp nhận được là một giáo hoàng tự mình toàn quyền giải quyết một số lớn các vấn đề của toàn bộ Giáo Hội. Muốn hay không giáo hoàng cũng bị lệ thuộc vào những người cung cấp tin tức và những người thừa hành huấn lệnh. Vả lại, phải nhận là có một số nào đó trong các cộng sự viên của đức Pie X đã đi vượt quá ý muốn của ngài theo chiều cứng rắn, còn có những người khác đôi khi lại chống đối một cách thụ động những lần giáo hoàng thúc đẩy, hay ít ra cũng tìm cách giảm thiểu tính cương nghị của các mệnh lệnh đi. Vào những tháng cuối đời, đức Pie X thường ta thán về việc đó khi các phản ứng chống phe bảo thủ quá khích bắt đầu tỏ lộ ra ngay trong các giới ở Vatican; nhưng ngay lúc mới khởi đầu triều đại, nhiều biện pháp cải cách của ngài cũng gặp sự chống đối tiềm tàng của phe bảo thủ, họ thù nghịch không nguyên những thay đổi do nhà cầm quyền tối cao ban hành mà cả những cải tổ của phe cấp tiến. Phải chăng vì nghĩ đến những trường hợp như loại trên mà Poulat đã coi đức Pie X là “người ý chí mạnh nhưng uy quyền yếu”. Từ cách phát biểu có vẻ quá đáng như trên người ta mới thấy những quan hệ giữa đức Pie X và các cộng sự viên của ngài thật phức tạp, không như người ta nghĩ trong cả hai phe đối lập, những người khâm phục và những người gièm pha.
Một vấn đề khác cũng phức tạp và bị phê phán là thái độ của Tòa Thánh lúc mở đầu cuộc đệ nhất thế chiến. Người ta thường nhắc lại là đức Pie X có lẽ đã trả lời cho đại sứ Áo khi ông này xin ngài ban phép lành cho hoàng đế và quân đội của ông ta như sau: “Xin nói lại với hoàng đế của ngài là tôi không thể ban phép lành cho chiến tranh, và cả cho những người muốn chiến tranh. Tôi chỉ ban phép lành cho Hòa Bình”; và ngài còn nói thêm: “Hoàng đế phải lấy làm sung sướng vì không bị Ðại Diện Chúa Kitô nguyền rủa”. Một vài nhà viết sử còn đi xa hơn nữa, và dám khẳng định rằng giáo hoàng dự định ra vạ tuyệt thông cho Francois Joseph, nhưng những báo cáo của các nhà ngoại giao xứ Bavière và Áo ở Vatican lại cho nghe một tiếng chuông khác. Nhà ngoại giao Bavière viết ngày 26.7 là: “Giáo hoàng tán thành việc nước Áo đối phó nghiêm ngặt chống nước Serbie” (19). Riêng các nhà ngoại giao Áo lại báo cáo điều mà hồng y Merry del Val nói với họ ngày hôm sau: “Giáo hoàng đã đồng ý hoàn toàn công hàm gửi cho nước Serbie và ngài đã tỏ hy vọng một cách gián tiếp là nước quân chủ sẽ vững vàng cho đến cùng. Ngài còn thêm: “Rất tiếc là nước Serbie sao không bị hạ bệ ngay từ lâu”. Khi văn bản này được công bố, hồng y đã lên tiếng đặt nghi vấn về sự chính xác của văn bản trên, nhưng ông công nhận là đức Pie X đã nói: “Nước Áo phải đứng vững vàng và nước này có quyền đòi bồi thường một cách trang trọng”. Chắc chắn là vào thời điểm đó giáo hoàng rất có thể nghĩ như nhiều nhà ngoại giao khác là cuộc xung đột còn có thể tránh được, nhưng rõ ràng hơn là lời đó được coi như khuyến khích Vienne gây chiến. Thái độ này của Tòa Thánh cũng dễ giải thích. Không những vì đức Pie X có lòng quý mến vị hoàng đế già Francois Joseph, nhưng nhất là từ ngày tuyệt giao với Pháp, nước Áo-Hung Gia Lợi là nước công giáo lớn nhất, lại nữa nếu ảnh hướng của Áo ở vùng Balkans hay ở lưu vực sông Danube bị suy sụp, thì việc dân Serbie vùng dậy sẽ thật nguy hiểm: Vatican coi đó như một mối lợi cho nước Nga chính thống là đối thủ chính của công giáo trong vùng Cận Ðông.
Dù sao chăng nữa, có một điều chắc chắn là: nếu khi đại sứ Áo đến báo cáo về tối hậu thư gửi cho Serbie, đức Pie X có tuyên bố là sẵn sàng can thiệp làm trọng tài và khuyến cáo hai bên chính phủ nên dung hòa tiết chế, thì một khi chiến sự đã bùng nổ, giáo hoàng lại giữ thái độ thụ động, và chỉ khích lệ một cách tẻ nhạt, chỉ xin các dân tộc cầu nguyện cho hòa bình. Có thể là ngài biết rõ thế yếu của Tòa Thánh trên bình diện ngoại giao, không cho phép ngài có những sáng kiến như đức Pie XII đã thử làm 25 năm sau khi thế chiến thứ hai mới châm ngòi. Cũng có lẽ đơn giản hơn, là đức Pie X đã già yếu, không còn năng động cần thiết để lên tiếng nói của tiên tri và đã hành động ngược với mọi hy vọng. Thật vậy, sau hơn một năm sức khỏe suy sụp trầm trọng, đức Pie X đã qua đời gần như một cách đột ngột vào rạng ngày 20.8.